Mãi đến tận tháng 7.1989, những tàn tro cuối cùng của ngọn lửa chiến tranh biên giới bùng lên hơn mười năm trước đó mới nguội tắt hẳn ở Hà Giang. Thêm hai thập niên nữa, việc phân định một đường biên trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc được hoàn thành. Suốt 30 năm ròng rã ấy đã có biết bao nhiêu mồ hôi, xương máu mà quân, dân ta đổ xuống để cắm giữ những cột mốc thiêng liêng bảo vệ chủ quyền nơi địa đầu Tổ quốc.
Săm Pun tuyết bỏng
Cho đến khi cột mốc cuối cùng phân định đường biên giữa Hà Giang và Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc), được cắm xuống vào ngày 30.12.2008, trung tá Vũ Quang Vịnh, Đồn trưởng Đồn biên phòng Phó Bảng (huyện Đồng Văn), mới thực sự tin rằng những ngày gian nan nhất của những người lính biên phòng Hà Giang đã tạm ở lại sau lưng. Gần trọn binh nghiệp gắn bó với vùng đất biên viễn này, đã qua nhiều địa bàn “nóng”, nhưng có lẽ những tháng ngày ở Săm Pun (xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc) để lại trong ông những ký ức khó quên nhất.
Đã hơn 10 năm trung tá Vịnh rời mảnh đất ấy. Nhưng nhắc đến Săm Pun, kỷ niệm lại ùa về ào ạt. Hơn 30 năm trước, để vượt qua quãng đường hơn 160 km từ thị xã Hà Giang đến trung tâm huyện Mèo Vạc cũng mất 2 ngày ô tô. Đường đá hộc, đèo cao, dốc dựng. Xe đổ, xe rơi, xe “chết” giữa đường là chuyện thường xuyên. Để vào được Săm Pun lại mất thêm 1 ngày lội bộ nữa. Đấy là với những người lính biên phòng chứ người bình thường có khi phải gấp đôi khoảng thời gian ấy.
Mỗi chuyến ra huyện cõng gạo, những người lính Săm Pun cũng mất đứt 3 ngày băng rừng, vượt dốc đi về. Nằm ở độ cao 2.000m so với mặt biển, khí hậu Săm Pun cực kỳ khắc nghiệt. Mùa đông, nhiệt độ xuống dưới âm dăm bảy độ là bình thường. Mùa hè những người lính lại trần mình chống chọi với cái nóng ngột ngạt trên dưới 40oC.
Nhưng đó chưa phải là những thử thách lớn nhất.
Thập niên 1980, Săm Pun “rừng thiêng nước độc” còn là nơi mà nhiều toán phỉ manh động thường xuyên gây rối dưới sự kích động, hậu thuẫn và chỉ đạo của nước ngoài. Không chỉ nuôi giấu, chỉ điểm cho biệt kích, thám báo địch xâm nhập, gài mìn, tập kích bộ đội Việt Nam, các toán phỉ còn gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân bằng việc đặt mìn phá hoại, bỏ thuốc độc vào nguồn nước.
Năm 1980, toán phỉ Lý Nhè Lùng từng gài mìn đánh cháy một xe khách trên đỉnh Mã Pí Lèng gây thương vong lớn. Năm 1981, chúng gài mìn đánh trúng một xe quân sự làm 4 bộ đội hy sinh. Ngoài ra còn một loạt âm mưu khác bị ta ngăn chặn như vụ đặt mìn phá cầu Tràng Hương bắc qua sông Nho Quế, vụ đặt mìn phục kích xe đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tuyên (sau tách thành 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang) năm 1985...
Sau hàng loạt hoạt động trấn áp của ta đến năm 1988, các cụm phỉ ở đây mới hoàn toàn tan rã.
Có khi đạn đã lên nòng
Trong suốt 13 năm gắn bó với Săm Pun (1988-2001), giai đoạn 1992-1998 có lẽ là khoảng thời gian vất vả, gian khó nhất với trung tá Vịnh. Gần như hằng ngày, hằng giờ bộ đội biên phòng cùng nhân dân xã Xín Cái phải đối phó với những thủ đoạn xâm lấn đất đai. Thời gian đó khu vực Lùng Vần Chải (xã Xín Cái) là một trong những nơi căng thẳng nhất. “Không có tiếng súng nổ, nhưng đã có rất nhiều mồ hôi, nước mắt và cả máu mà quân, dân Hà Giang đã đổ ra trong những năm tháng ấy...”, trung tá Vịnh hồi tưởng.
Khắc tinh của phỉ Nguyện vọng được gặp đại tá Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Hà Giang, của chúng tôi cuối cùng đã không thể thực hiện được. Cựu sĩ quan biên phòng từng hàng chục năm gắn bó với Săm Pun đã qua đời vào tháng 3.2011 sau cơn bạo bệnh. Những năm 1970-1980 cái tên Nguyễn Xuân Hồng từng là nỗi kinh hoàng của những cụm phỉ và những kẻ xâm phạm đến từ bên kia biên giới. Kẻ thù thậm chí từng “treo giải lấy đầu” ông với cái giá hàng chục nghìn nhân dân tệ. Lên công tác ở Săm Pun từ năm 1975 khi đường lên vùng đất này còn chưa thành hình, đại tá Hồng đã để lại trong lòng người dân Săm Pun và lực lượng biên phòng Hà Giang những ký ức không thể phai mờ. |
Theo Hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc trên đường biên giới được ký kết vào 7.11.1991, hai bên phải giữ nguyên đường biên mốc giới, không được làm thay đổi thực trạng. Nhưng trên thực địa, phía bên kia vẫn liên tục tổ chức các hoạt động xâm lấn để tạo lợi thế cho đàm phán sau này. “Giai đoạn căng thẳng nhất có lẽ là thời kỳ 1992-1994 khi mà họ liên tục có những hoạt động lấn chiếm trắng trợn”, trung tá Vịnh kể.
Ngày 4.3.1992, đối phương cho gần 30 lính, dân mang theo vũ khí xâm nhập vào xóm Xéo Lủng (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn), ngang ngược tuyên bố đất Xéo Lủng là lãnh thổ của họ rồi nổi lửa đốt phá làm cháy rụi 18 ngôi nhà, hơn 3,5 tấn lương thực và nhiều tài sản khác của người dân.
Ngày 14.3.1994, họ cho khoảng 60 dân mang theo dao, cuốc có lính vũ trang hộ tống ngang nhiên sang xâm chiếm phần đất giáp biên của xóm Lùng Vần Chải (xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc). Khi lực lượng biên phòng và nhân dân ta ra đấu tranh quyết liệt họ đã phải rút lui.
Hơn 10 ngày sau đó (25.3.1994), họ lại huy động 150 dân có lính vũ trang đi kèm sang Lùng Vần Chải để cày cuốc, gieo trồng. Khi bị ta phản đối, họ dùng gậy, cuốc, gạch đá đe dọa và sau đó hành hung người dân Việt Nam. Khi thấy ta tăng cường lực lượng họ mới chịu chạy về bên kia biên giới.
Ngày 30.3.1994, đối phương cho 60 lính kèm chó nghiệp vụ hộ tống 200 dân tiếp tục sang lấn chiếm. Ỷ thế đông người, họ đã tấn công lực lượng đấu tranh của Việt Nam làm 17 người bị thương nặng trong đó có cả cụ già và trẻ nhỏ. Chúng còn hung hãn xông vào xóm Lùng Vần Chải đập phá tài sản và phá sập ba ngôi nhà. Có lực lượng áp đảo và vô cùng ngang ngược nhưng trước sự đấu tranh quyết liệt của ta, một lần nữa chúng phải rút về bên kia biên giới.
Ngay sau đó, Đồn biên phòng Săm Pun và UBND xã Xín Cái đã gửi kháng thư yêu cầu chấm dứt những hành động lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, một tổ công tác đặc biệt gồm 10 cán bộ, chiến sĩ của đồn Săm Pun đã được đưa về bám trụ tại Lùng Vần Chải để kịp thời đối phó với các ý đồ xấu.
Các vụ việc kể trên chỉ là những câu chuyện điển hình trong số hàng trăm cuộc đấu tranh diễn ra liên miên thời kỳ ấy. Suốt hơn 6 năm trời, quân dân Săm Pun đã phải chống lại vô số trận mưa đá và các cuộc tấn công bằng gậy gộc đến từ bên kia biên giới. Bí thư xã Xín Cái bị hành hung, Đồn trưởng biên phòng Vũ Duy Quyết từng bị đánh gây tổn hại sức khỏe đến gần 30%, chiến sĩ Hoàng Văn Phát bị đánh đến mức phải nằm viện hàng tháng trời... “Đó là thời gian vô cùng căng thẳng, thậm chí có lúc khi đối mặt, súng hai bên đều đã lên đạn...”, ông Vịnh nhớ lại.
Thời kỳ đó, nếu ta không kiên cường thì không biết hậu quả cho quá trình phân giới cắm mốc sau này sẽ kinh khủng như thế nào? Câu hỏi của tôi được ông Vịnh đáp lại bằng một nụ cười nhẹ.
Lúc ấy, tôi chợt hiểu ra, mình đã hỏi một câu thừa.
Những người lính hiên ngang giẫm lên đám mìn đã được đối phương châm ngòi...
Tọa đàm giữa Đồn biên phòng Phó Bảng và lực lượng biên giới của Trung Quốc - ảnh: đồn biên phòng phó bảng cung cấp |
Đấu tranh bảo vệ chủ quyền cần mềm dẻo nhưng phải rất cương quyết và có quan điểm, lập trường rõ ràng. Lực lượng ta ít hơn, mỏng hơn nhưng khi ta có sức mạnh lý lẽ và thái độ quyết tâm thì họ cũng không thể lấn át. Đây là những kinh nghiệm mà Đồn Săm Pun đã rút ra trong cuộc đấu tranh trường kỳ với những thủ đoạn xâm lấn của phía bên kia.
Trung tá Vịnh vẫn nhớ như in chuyện chiến sĩ La Văn Tuệ của Đồn Săm Pun bị đối phương bí mật bắt cóc hồi năm 1994. Ngay sau khi phát giác vụ việc, Đồn Săm Pun cử đoàn trực tiếp sang thẳng trạm biên phòng của họ để đấu tranh, phản đối. Trạm trưởng của phía đối diện không ra mặt mà đưa một tiểu đội lính cầm súng, dàn hàng ngang trước của đồn chặn không cho đoàn của ta vào. “Ngay lúc đó tôi hô anh em xếp hàng đẩy đổ hàng rào người này và tràn vào, xông thẳng vào phòng trạm trưởng của họ quyết liệt yêu cầu thả người. Thấy ta làm căng quá, họ đành phải xuống nước, thả đồng chí Tuệ ra”, trung tá Vịnh kể lại.
Có những thời điểm, người lính áo xanh sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Năm 1997, lợi dụng việc làm đường phục vụ cho phân giới cắm mốc (PGCM), lực lượng vũ trang phía bên kia thường xuyên cố tình cài hàng trăm quả mìn ống (1) lấn sâu vào đất của ta. Mỗi ống mìn dài 70 cm, nặng 3,6 kg, khi nổ có thể tạo thành những rãnh hào sâu tới 50 cm, kéo dài hàng mét. Mục tiêu của họ là sau đó sẽ làm đường lấn vào những khu vực này. Trong sự kiện diễn ra ngày 6.5.1997, cán bộ, chiến sĩ Đồn Săm Pun đã tràn xuống đấu tranh, ngăn chặn và tịch thu toàn bộ số mìn có khối lượng lên tới gần một tấn này.
Trong một lần đấu tranh chống hoạt động này, Trung đội trưởng Trần Mạnh Quân (Đồn Săm Pun) thậm chí đã phải nhảy lên đứng trên đống mìn mà lúc đó đối phương đã châm ngòi. “Nếu phía đối phương không chịu xuống nước thì không chỉ anh Quân mà nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta đứng quanh đó cũng có thể bị mìn thổi tung”, trung tá Vịnh nhớ lại. Choáng váng trước tinh thần sẵn sàng hy sinh của bộ đội Việt Nam, phía bên kia đã buộc phải dập tắt ngòi nổ, tạm ngừng hoạt động xâm lấn. Đã gần 15 năm kể từ ngày ấy, Trung đội trưởng Trần Mạnh Quân giờ cũng là cán bộ công tác tại Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh nhưng câu chuyện về anh vẫn được nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hà Giang nhắc đến.
Những ngày gian khó
Cứng rắn, cương quyết trong những cuộc đấu tranh chống lấn chiếm chưa đủ, ta cũng phải rất mềm mỏng, sắc bén trong sử dụng các phương thức đấu tranh khác. Tại Xín Cái, đoàn cán bộ biên phòng cùng cán bộ xã, các già làng đã liên tục và kiên trì đến thực địa giải thích và vận động từng người dân Trung Quốc tôn trọng tình hữu nghị, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
Săm Pun anh hùng Với bề dày thành tích 45 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và đặc biệt là thành tích trong kiên cường đấu tranh chống lấn chiếm biên giới, ngày 3.8.1995 Đồn biên phòng Săm Pun vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ đổi mới. |
Thực tế cho thấy, trước khi bắt đầu bước vào quá trình PGCM, Trung Quốc vẫn liên tục tìm cách tạo lợi thế bằng mọi cách. Từ 1996-2000, phía Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động xâm phạm chủ quyền sang đất ta. Đã xảy ra hàng trăm vụ xâm nhập vũ trang, xâm canh lấn đất, vượt biên khai thác lâm thổ sản, di chuyển cột mốc, mồ mả, chôn bia đá sâu vào lãnh thổ Việt Nam, gây cho ta nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới...
Tư liệu của Bộ đội biên phòng Hà Giang còn ghi lại vụ ngày 9.1.1996, phía Trung Quốc tự ý di chuyển mốc 6 lần thứ hai sâu vào lãnh thổ Việt Nam tới 500m. Việc làm này đã vi phạm trắng trợn chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, vi phạm Hiệp định tạm thời mà Chính phủ hai nước đã ký kết năm 1991. Năm 1999, tại Sảng Mai Sao (xã Xín Cái), dưới sự hậu thuẫn của lực lượng vũ trang, phía Trung Quốc thường xuyên đưa hàng trăm dân sang xây, xếp tường đá lấn sâu vào đất ta hàng trăm mét. Theo lời kể của trung tá Vịnh, có lần chỉ trong khoảng 3 tiếng buổi trưa khi lực lượng ta về nghỉ, họ đã cấp tập huy động khoảng 500-600 người dùng xi măng mác cao trộn sẵn tràn sang xây xếp một bức tường đá dài gần nửa cây số, cao gần một mét. Bức tường đá này lấn sâu khoảng 300m vào đất Việt Nam so với Hiệp định tạm thời mà hai bên ký ngày 7.11.1991. Sau đó, ta phải huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ và người dân ra phá mất hơn 6 tiếng mới hạ được bức tường lấn chiếm. Thậm chí, tới tháng 7.2000 còn xảy ra vụ 300 dân Trung Quốc dưới sự hỗ trợ của 45 lính mang theo súng tiểu liên, trung liên, lựu đạn ngang nhiên xâm nhập theo ba hướng phá hoại ba khu vực canh tác của dân ta ở khu vực xã Bản Máy với diện tích lên đến gần 3.000m2, đánh đuổi bộ đội và nhân dân ta làm 8 người bị thương.
“Những chuyện như vậy kể ra có rất nhiều nhưng những ngày gian khó ấy cũng đã lùi dần vào quá khứ...”, đại tá Nguyễn Xuân Bốn, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Hà Giang, nói. Theo đại tá Bốn, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng kể từ sau khi hoàn thành PGCM (12.2008), công việc bảo vệ đường biên, mốc giới của Bộ đội biên phòng Hà Giang đã thuận lợi hơn rất nhiều. Những căng thẳng xưa giờ đã dần lắng xuống. Từ vài năm trở lại đây, ở các xã, huyện biên giới, mỗi dịp Quốc khánh Việt Nam (2.9) và Trung Quốc (1.10) hai bên đều cử đoàn sang giao lưu, chúc mừng nhau. Lực lượng vũ trang hai phía cũng thường xuyên có những hoạt động trao đổi nghiệp vụ, hội đàm, phối hợp xử lý các vấn đề xảy ra trên đường biên. Một đường dây nóng giữa các lực lượng bảo vệ biên giới của hai bên cũng đang chuẩn bị được thiết lập sau nhiều lần phía bên kia trì hoãn.
Theo đại tá Nguyễn Xuân Bốn, những điều đó thể hiện “một niềm tin đang được nâng lên dần dần”.
Nguyên Phong
(1) Loại mìn dùng để kích nổ, khoét sâu xuống đất, phá hủy các bãi mìn cũ còn sót lại từ thời kỳ chiến tranh ở dọc đường biên
->> Kỳ 3: Áp lực trên vai người cắm mốcGiữ được đất đai trước nạn lấn chiếm đã khó, bảo vệ được chủ quyền trong suốt quá trình phân giới cắm mốc (PGCM) cũng gian nan không kém.
Ngày 30.12.1999 tại Hà Nội, thay mặt hai nhà nước, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Đường Gia Triền đã ký Hiệp ước về biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc (TQ). Hiệp ước này được coi là nền tảng cho việc xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định lâu dài giữa hai quốc gia.
Tuy nhiên, Hiệp ước 1999 mới chỉ xác định đường biên giới bằng lời văn và trên bản đồ. Để thực thi chủ quyền quốc gia, tiến hành bảo vệ và quản lý lãnh thổ trên thực địa, hai bên cần tiến hành PGCM, chuyển đường biên giới từ lời văn trong hiệp ước và bản đồ ra thực địa.
Ngày 26.7.2002, mốc đôi mang số hiệu 261 đã được cắm tại cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) và Thiên Bảo (Vân Nam, TQ). Đây là cột mốc phân định biên giới đầu tiên được cắm trên tuyến biên giới kéo dài hơn 277 km giữa Hà Giang và các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (TQ).
Lúc ấy có lẽ không ai nghĩ rằng phải mất thêm tới hơn 6 năm nữa cột mốc cuối cùng giữa Hà Giang và Vân Nam/Quảng Tây mới được hoàn thành.
Thượng tá Triệu Quyết Long tại cột mốc biên giới - Ảnh: tư liệu |
Đường biên giữa Hà Giang và Vân Nam, Quảng Tây chỉ chiếm chưa đến 20% trong tổng chiều dài 1.449,566 km đường biên giới Việt Nam - TQ, nhưng lại thuộc một trong những địa bàn khó khăn nhất. Đoạn biên giới thuộc Hà Giang có tới 32 khu vực C (*), địa hình núi đá hiểm trở, chia cắt, lượng bom mìn, vật nổ còn sót lại từ thời kỳ chiến tranh khá lớn. Khí hậu khắc nghiệt, giao thông, đi lại vô cùng gian khổ. Các khu vực cắm mốc phần lớn có cơ sở hạ tầng yếu kém. Nhiều nơi không có đường giao thông, xa khu dân cư. Có những nơi nhóm PGCM phải đi bộ 3-4 ngày mới vào được khu vực đóng trại để thực hiện công tác song phương.
Các loại vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị cùng mốc (trong đó mốc đại 950 kg, mốc trung 500 kg, mốc tiểu 300 kg) phần lớn đều phải vận chuyển bằng sức người đến vị trí mốc giới. Vào mùa mưa các trận lũ ống, lũ quét thường xuyên đe dọa an toàn của các đội công tác. Mùa khô lại thường có sương mù dày đặc, lâu tan, làm hạn chế việc quan sát, định hướng đi của đường biên..
Đó là còn chưa kể đến các lực lượng quân sự mà phía bên kia vẫn duy trì ở các điểm cao mà họ chốt giữ từ năm 1979 thường xuyên có hành động ngăn cản lực lượng rà phá vật cản phục vụ PGCM của ta...
“Ban chỉ đạo của Chính phủ về PGCM biên giới trên đất liền Việt Nam - TQ lúc đó đã xác định Hà Giang hoàn thành công tác PGCM cũng có nghĩa là toàn tuyến hoàn thành”, thượng tá Triệu Quyết Long, nguyên nhóm trưởng nhóm PGCM số 6 nói.
Thâm niên gắn bó với PGCM ở Hà Giang, có lẽ ít ai vượt qua được thượng tá Triệu Quyết Long. Gần 30 năm phục vụ trong quân ngũ thì non nửa quãng thời gian đó ông được biệt phái phục vụ cho công tác đặc biệt này. Lần đầu là giai đoạn khảo sát nắm tư liệu kéo 6 năm (1993-1998) phục vụ cho đàm phán Hiệp ước biên giới trên đất liền. Trong giai đoạn triển khai cắm mốc trên thực địa (2000-2008) ông lại tiếp tục được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ làm nhóm trưởng của một trong ba nhóm công tác PGCM của Hà Giang.
“Một trong những thách thức lớn nhất cho các nhóm PGCM thời điểm đó là làm thế nào để có thể chuyển cột mốc đường biên đã được xác lập trên bản đồ ra thực địa một cách chính xác nhất”, thượng tá Long nhớ lại. Trong Hiệp ước biên giới trên đất liền ký năm 1999, đường biên giới mới chỉ được mô tả bằng lời văn và được vẽ trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1/50.000. Trên bản đồ chỉ là một chấm kim nhưng khi chuyển ra thực địa có thể sai lệch hàng chục, thậm chí hàng trăm mét.
Trùng trùng áp lực
Trong quá trình đối chiếu bản đồ với thực địa chỉ cần sai lệch với nhau vài chục centimet trên thực địa là các nhóm công tác của Việt Nam và TQ đã phải bàn cãi quyết liệt. Có trường hợp như mốc 499 tại xóm Mỏ Phàng (xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc), các đội công tác của hai bên phải mất 53 ngày tác nghiệp ngoài thực địa để xác định, trong đó có tới 14 lần hai bên cùng ra hiện trường tranh cãi kịch liệt mới định vị được vị trí mốc. Theo thượng tá Long, do cả ta và phía TQ đều tận dụng tối đa các sai số cho phép nên đấu tranh trên thực địa cực kỳ cam go. “Sai số chỉ có giới hạn cho phép, nếu để xảy ra ngoài sai số đó, chúng tôi chắc chắn bị kỷ luật nặng... ”, thượng tá Long nói.
Thực tế cho thấy việc giám sát công tác PGCM đã được thực hiện cực kỳ gắt gao. Trên toàn tuyến có 6 tỉnh (gồm 12 nhóm PGCM) phía VN đã phải thay thế tới 5 nhóm trưởng trong quá trình công tác. Thậm chí có nhóm phải thay đến người thứ bảy. “Khi làm, nếu như có sai số lớn quá mức cho phép sẽ có quyết định thay ngay. Vì nếu sợ làm tiếp sẽ có nhiều bất lợi. Nói chung những thành viên của các nhóm công tác thời kỳ đều chịu những áp lực cực kỳ lớn từ nhiều phía”, thượng tá Long kể lại.
Thời gian đầu việc PGCM trên toàn tuyến biên giới diễn ra vô cùng chậm chạp và căng thẳng. Nhiều điểm mốc không giải quyết nổi vì quan điểm hai bên khác nhau quá xa. Từ năm 2002-2003, Hà Giang chỉ xác định được 18 mốc chính và 18 mốc phụ, trong đó cắm hoàn chỉnh 14 mốc chính. Tổng quãng đường biên chung được xác định trong 2 năm ròng rã ấy chỉ dài vỏn vẹn 6,837 km.
Nếu theo tiến độ này, để hoàn thành PGCM, riêng Hà Giang có thể mất ngót nghét 90 năm!
Và có thể còn lâu hơn nữa...
Nguyên Phong
(*) Là các khu vực có tranh chấp, hoặc nhận thức khác nhau về hướng đi của đường biên giới. Trên toàn tuyến biên giới phía Bắc có 164 khu vực C và các cuộc đàm phán trước khi hai nước ký kết Hiệp ước về biên giới đất liền VN-TQ tháng 12.1999 chủ yếu tập trung vào việc xử lý 164 khu vực C này.
->> Kỳ 4: Dù chỉ vài centimet...
Cùng một điểm mốc đã được xác định trên bản đồ nhưng ra thực địa có thể phải xác định hàng tháng trời vị trí chính xác. Có những vị trí chỉ lệch nhau vài centimet nhưng cũng phải tranh cãi quyết liệt.
Trước Việt Nam, Trung Quốc (TQ) đã có một bề dày kinh nghiệm trong đàm phán về vấn đề biên giới và phân giới cắm mốc (PGCM) với hơn 10 quốc gia láng giềng khác. Trong khi đó, Việt Nam bước vào đàm phán, phân giới với TQ theo cách “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”. Thế nhưng, như lời thượng tá Triệu Quyết Long, nguyên trưởng nhóm PGCM số 6 của Hà Giang khẳng định, điều đó không có nghĩa là Việt Nam ở thế yếu.
Cột mốc 379 một trong những cột mốc cắm cuối cùng ở Hà Giang |
Theo TS Nguyễn Hồng Thao, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Việt Nam là quốc gia duy nhất mà phía TQ đồng ý áp dụng Công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895 làm cơ sở giải quyết biên giới. Còn với quốc gia khác có chung đường biên với TQ, nước này đều yêu cầu phải đàm phán lại từ đầu, với lý do những hiệp ước ký kết dưới chế độ thực dân - phong kiến trước đây nhà Thanh đều bị lép vế, không bình đẳng dẫn đến bất lợi cho họ.
Trong quá trình PGCM tại thực địa ở Hà Giang, mốc 379 (xã Phố Là, huyện Đồng Văn), địa bàn thuộc nhóm PGCM số 5 do thượng tá Nguyễn Ngọc Tuyên phụ trách, là một trong những cột mốc mà hai phía đấu tranh kịch liệt nhất. Được khởi động từ năm 2003 và mất hơn 6 tháng ròng rã song phương tác nghiệp thực địa nhưng cuối cùng hai bên không thống nhất được vị trí đặt mốc. Những cuộc đấu lý diễn ra căng thẳng, kéo dài hàng tháng trời nhưng rút cuộc không bên nào chịu bên nào. “Thậm chí có những lúc tưởng như hai bên không kiềm chế nổi, có thể xông tới đấm vào mặt nhau đến nơi...”, trung tá Vũ Quang Vịnh, Đồn trưởng Đồn biên phòng Phó Bảng, một trong những người trực tiếp tham gia cắm mốc 379, nhớ lại.
Khi đấu lý, đấu khẩu không xong lại đến tiết mục “thi gan”. Đến giờ làm việc hai bên lên vị trí mốc, kê bàn ghế và bắt đầu trao đổi, tranh luận. Nhưng chỉ sau ít phút tiếp tục lại bất đồng. Tranh cãi hàng tháng trời đã chán rồi nên chuyển sang im lặng. Không bên nào nói ai nói với ai câu nào.
“Hai bên cứ ngồi nhìn nhau như vậy từ sáng đến chiều. Hết giờ thì về và hôm sau lại lặp lại y hệt như thế. Cuộc đọ độ “lì” cũng kéo dài cả tháng mà không bên nào chịu xuống nước...”, trung tá Vịnh kể lại.
Sau đó vị trí mốc 379 đã phải gác lại cho đến tận gần 6 năm sau, khi quá trình PGCM vào giai đoạn cuối cùng (12.2008) mới giải quyết được bằng hình thức đối trọng “cả gói”.
Theo thượng tá Long, thực tế cho thấy trong quá trình PGCM tại thực địa, TQ thường quan tâm đến việc cắm mốc hơn là phân giới. Và họ cũng rất hay sử dụng những tiểu xảo nhằm gây khó dễ, ức chế cho ta. Những chỗ có lợi cho họ thì họ xúc tiến rất nhanh, ngược lại chỗ nào bất lợi thì tìm cách trì hoãn, thường đưa ra những quan điểm bất hợp lý, thiếu thiện chí hợp tác nên nhiều lúc làm chậm tiến trình. Có những chỗ vị trí hôm nay hai bên nhất trí được vị trí cắm cọc tiêu, hôm sau đến ký kết văn bản chính thức thì họ lại nói chưa được, chưa đúng phải làm lại từ đầu. Những trường hợp như thế có khi mất đến hàng tháng trời vì phải qua nhiều cấp xét duyệt.
Mặc dù có vụ việc phức tạp, căng thẳng nhưng với sự kiên trì bền bỉ, kết hợp đấu tranh ngoại giao và trên thực địa ta đã kịp thời ngăn chặn có hiệu quả với các hoạt động vi phạm của phía TQ, giữ vững chủ quyền lãnh thổ. Đồng thời tỏ rõ thiện chí và tình hữu nghị với nhân dân TQ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác PGCM tại thực địa và trên đoạn biên giới của tỉnh được tiến hành đúng tiến độ, đạt kết quả.
Với thiện chí hợp tác của ta, phía TQ cũng có sự hợp tác, cùng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm PGCM của mỗi bên triển khai trên thực địa. Tại những nơi một trong hai bên có khó khăn về giao thông thì bên kia có thể cho mượn đường hoặc hỗ trợ đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập cảnh cho người và phương tiện tham gia công tác PGCM. “Chúng ta rất có thiện chí và chúng ta thực sự muốn hoàn thành công tác này nên nhiều khi cũng phải biết vận dụng cương, nhu hợp lý. Nếu như chỉ tìm cách chọc tức nhau thì sẽ không làm được gì cả...”, thượng tá Long nói.
Trước và trong quá trình PGCM, TQ đã liên tục vi phạm Hiệp định tạm thời ký ngày 7.11.1991. Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Giang, từ 2002 - 2008 trên tuyến biên giới tỉnh đã phát hiện 224 vụ vi phạm Hiệp định 1991. Trong đó nổi lên là các hoạt động xâm canh, xâm cư, chôn mồ mả, xâm nhập vũ trang, làm đường lấn sang đất Việt Nam, làm cầu qua suối biên giới. Ngoài ra phía họ còn ngang nhiên ngăn cản các hoạt động của ta như mở đường tuần tra, rà phá vật cản, canh tác... Họ còn đưa ra những yêu sách buộc ta phải tạm dừng, làm chậm tiến độ thi công của ta kể cả những khu vực ta đang quản lý theo Hiệp định 1991. “Đó là những bước đi có chủ ý nhằm để từng bước khẳng định chủ quyền, tạo lợi thế trong PGCM sau này”, thượng tá Long phân tích.
Quan điểm chỉ đạo của Việt Nam lúc đó là “đấu tranh bằng đàm phán, thương lượng là chính, không để xảy ra đối đầu, xung đột quân sự gây tình hình căng thẳng, phức tạp trên biên giới”. Song hành với đó là phương châm “kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ không để xảy ra lấn chiếm bất kỳ hình thức nào”. Các lực lượng của ta quán triệt, vận dụng khéo léo, hợp lý quan điểm chỉ đạo này trong suốt quá trình PGCM với TQ.
Đối mặt tử thần Thời kỳ tác nghiệp trên đường biên, các nhóm PGCM cũng không ít lần chạm mặt cái chết do dính phải lượng bom mìn, vật cản bị sót. Trong quá trình rà phá bom mìn trước PGCM, Hà Giang đã thu hủy tới hơn 30 nghìn quả mìn, vật nổ các loại trên diện tích gần 830 ha. Trong chuyến khảo sát đơn phương tại mốc số 362 thuộc khu vực Đồn Bạch Đích (huyện Yên Minh), một đồng đội của thượng tá Triệu Quyết Long đã hy sinh vì giẫm phải một quả mìn K58. Các thành viên khác của tổ công tác may mắn thoát chết mặc dù đi ngay sát cạnh. Từ năm 2002 đến khi hoàn thành PGCM riêng tại Hà Giang đã có hai trường hợp hy sinh, 33 cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Lữ đoàn 543 và Quân khu 2 bị thương vì bom mìn. Có những trường hợp bị thương nặng đến mất tay, chân. Trước năm 2002, cũng đã có một cán bộ Phòng Biên giới (Sở Ngoại vụ Hà Giang) hy sinh. |
Nguyên Phong
Ngày 14.7.2010, Hiệp định biên giới trên đất liền VN - TQ và đường biên giới mới chính thức đi vào cuộc sống khi ba văn kiện quan trọng sau phân giới cắm mốc (PGCM) có hiệu lực.
Theo thống kê của UBND Hà Giang, từ năm 2000 đến nay, lực lượng quản lý bảo vệ biên giới 2 bên đã tiến hành trao đổi 2.394 lượt thư, tổ chức 1.081 lần hội đàm, qua đó đã “góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, giải quyết tốt các vụ xảy ra trên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác PGCM tại thực địa trên đoạn biên giới tỉnh Hà Giang, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương biên giới 2 nước”.
Tuy nhiên, tình hình an ninh biên giới vẫn có những diễn biến phức tạp. Tháng 9.2010, chỉ hai tháng sau khi ba văn kiện biên giới “hậu PGCM” chính thức có hiệu lực đã xảy ra một vụ xâm phạm chủ quyền đặc biệt nghiêm trọng. Lợi dụng thỏa thuận tận thu cây kinh tế lâu năm ở khu vực quy thuộc (1), phía TQ đã ra tay chặt phá một diện tích cây rừng lớn ở khu vực các xã Tùng Vài, Nghĩa Thuận (huyện Quản Bạ).
Chỉ trong vài ngày họ đã huy động hàng trăm người dùng cưa máy triệt hạ cây rừng trên một diện tích hàng chục km2 không phân biệt cây to, cây nhỏ. Do khu vực bị chặt phá nằm sát tuyến đường vành đai biên giới của TQ nhưng lại thuộc khu vực vùng sâu của VN (từ huyện Quản Bạ vào Đồn biên phòng Tùng Vài là 10 km, từ đồn ra khu vực bị chặt phá thêm 20 km nữa, đường rất khó đi) nên phải mất vài ngày các lực lượng của ta mới hoàn toàn ngăn chặn được hoạt động này.
Theo đại tá Nguyễn Xuân Bốn, Tham mưu trưởng BCH bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang, khả năng xung đột thậm chí đã được xác định có thể xảy ra vì phía TQ tỏ thái độ quyết lấy còn ta cương quyết giữ.
“Nhưng cuối cùng họ đã không dám vì thấy ta thể hiện thái độ mạnh mẽ”, đại tá Bốn nói.
Sau quá trình đấu tranh quyết liệt từ cấp xã, cấp đồn đến cấp châu/tỉnh, cuối cùng phía TQ đã phải chấp nhận để nguyên số gỗ mà họ vừa chặt phá tại hiện trường cho VN. Nhưng phía VN cũng chịu hậu quả nặng nề khi mà một diện tích rừng tự nhiên, nguyên sinh lên đến hàng chục héc ta bị chặt phá. Tổng số gỗ mà phía TQ triệt hạ mà ta thu giữ được lên tới hơn 1.000m3.
Đến ngày 15.7.2011 lại xảy ra vụ việc gây bức xúc lớn. Bốn công dân Việt Nam gồm 1 thanh niên và 3 cháu nhỏ ở xã Phố Là (huyện Đồng Văn) khi đi cắt cỏ khu vực mốc 382 đã bị lực lượng tuần tra TQ bắt giữ và có hành vi đánh đập thô bạo. Cháu Hầu Như Tro, 12 tuổi, dân tộc Mông, phải đi cấp cứu tại Bệnh viện H.Đồng Văn, sau phải chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang do bị chấn thương nội tạng nặng.
Tuần tra bảo vệ biên giới - Ảnh: Trường Sơn |
Chủ quyền là ở lòng dân
Từ cuối năm 2003, UBND Hà Giang đã có Chỉ thị số 39 về “Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm bản khu vực biên giới”. Sau khi PGCM hoàn thành, các xóm, bản, hộ gia đình có nhà cửa hoặc nương rẫy gần khu vực đường biên, cột mốc đã được bàn giao quản lý, bảo vệ các phần đường biên, cột mốc này. Khi có bất cứ vấn đề gì phát sinh thì bà con báo ngay cho các lực lượng chức năng của xã hoặc đồn biên phòng để kịp thời giải quyết.
Trung úy Nguyễn Huy Quyết, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy, cho biết không chỉ cung cấp, thông báo các thông tin mới nhất liên quan đến đường biên, bà con còn dành chỗ nghỉ ngơi cho cán bộ, chiến sĩ.“Bà con dân tộc các xã biên giới có điều kiện sống còn rất nghèo nhưng ý thức bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới rất cao”, trung úy Quyết nói.
Một công tác khác quan trọng khác được Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang thường xuyên thúc đẩy đó là tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng. Việc tăng cường công tác đối ngoại biên phòng, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin tình hình có liên quan, theo đại tá Bốn đã “giúp hai bên có những xử lý, giải quyết hiệu quả với các loại tội phạm đặc biệt là tội phạm bắt cóc, buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới”.
Trong quy chế quản lý biên giới sau khi ký hai bên sẽ có những cuộc tuần tra chung của lực lượng biên phòng để phối hợp quản lý biên giới. Nhưng theo Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang thì “Hà Giang chưa thực hiện được buổi tuần tra chung nào”.
Theo đại tá Bốn, đã khá nhiều lần phía TQ chủ động đề xuất mượn đường của ta, mời ta tuần tra chung. Khi phía VN chấp nhận, xây dựng kế hoạch, lên các phương án chuẩn bị thì đến sát ngày, thậm chí nhiều lần chỉ 1, 2 tiếng trước thời điểm xuất phát, phía TQ lại “lịch sự” thông báo vì lý do đột xuất nên xin hoãn lại. Đề xuất tuần tra chung được đưa ra từ hai năm nay rồi nhưng chưa thực hiện được lần nào vì liên tục phía TQ lặp lại chuyện đó. Lý do thực ra cũng không có gì khó hiểu: hầu hết các vụ vi phạm trên đường biên đều do phía người dân TQ gây ra. Việc cùng với lực lượng biên phòng Việt Nam xử lý các trường hợp này dường như đẩy phía đối diện vào một tư thế khó.
“Có lẽ vì thế mà lực lượng bảo vệ đường biên của TQ vẫn chưa mặn mà với việc tuần tra chung lắm”, đại tá Bốn kết luận.
Nguyên Phong
(1) Mặc dù đường biên giới mới đã có hiệu lực nhưng cũng tồn tại những khu vực quy thuộc (trước thuộc bên này nay thuộc bên kia và ngược lại) chưa được bàn giao chính thức mà các bên tự căn cứ vào các văn kiện pháp lý để quản lý. Tại Hà Giang, một số khu vực quy thuộc vẫn còn những cây kinh tế lâu năm do người dân hai bên trồng từ nhiều năm qua. Hai bên đã thống nhất cho phép tận thu lâm sản ở các khu vực quy thuộc là tới trước thời điểm 30.10.2010.
-------