Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

Ảo Vọng Hòa Giải Hòa Hợp…

-Hòa hợp - hòa giải cần đôi mắt mới
(TNO) Thời điểm để đặt ra câu chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc đã trôi qua từ lâu. Vấn đề này hiện nay cần được nhìn nhận dưới những góc độ khác. Nhận định này được Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh, nhà ngoại giao lão thành, nguyên thành viên đoàn đàm phán Hiệp định Paris 1973 chia sẻ với Thanh Niên Online. >> Hòa hợp tạo ra sức mạnh cho dân tộc 

Hòa hợp - hòa giải cần đôi mắt mới - ảnh 1Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh - Ảnh: Trường Sơn
Ông Huỳnh lý giải: Lúc đầu đàm phán Paris, tư tưởng của ta là giành thắng lợi, buộc Mỹ rút, lập chính phủ liên hiệp và sau đó chính phủ sẽ đoàn kết toàn dân. Điều này có nghĩa là toàn dân Việt Nam dù phe này phe kia, tập hợp ba lực lượng: lực lượng cách mạng, lực lượng đối địch, lực lượng thứ ba cũng sẽ đoàn kết lại dưới sự lãnh đạo của chính phủ liên hiệp. Lúc đó chưa có khái niệm hòa hợp dân tộc.
Nhưng trong quá trình đàm phán và chiến đấu ta thấy đánh Mỹ khó, đánh thắng Mỹ lại càng khó. Ta đánh lâu dài thì Mỹ cũng có khả năng đánh lâu dài. Lúc đầu mình tính chính phủ liên hiệp nhưng sau sự kiện Mậu Thân 1968 và sau đó năm 1972, ta không có những thắng lợi quyết định.
Vậy phải tính thế nào? Năm 1972 ta mới đề ra đường lối tìm cách mở đường cho Mỹ rút. Ta mới đưa ra khẩu hiệu là “Mỹ rút, Sài Gòn còn, miền Nam giữ nguyên trạng”. Để liên kết các lực lượng miền Nam thì đặt ra vấn đề hòa hợp dân tộc.
 
Hòa hợp - hòa giải cần đôi mắt mới - ảnh 2 Lấy lợi ích dân tộc đặt lên trên hết. Bất cứ thời đại hoàn cảnh nào thì lợi ích dân tộc vẫn là cao hơn cả, có sức mạnh hơn cảHòa hợp - hòa giải cần đôi mắt mới - ảnh 3
Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh
Vấn đề ấy được đặt ra trong lúc ta tính tới phương án giữ nguyên trạng miền Nam. Vì vậy ta đưa vào dự thảo Hiệp định và bàn kỹ vấn đề hòa hợp dân tộc.
Lúc đầu ta gọi là chính phủ liên hiệp ba thành phần. Chính phủ Mỹ không chấp nhận được vì chính phủ mới có nghĩa là thủ tiêu Sài Gòn. Ta mới hạ thấp xuống là “một chính quyền hòa hợp dân tộc”, gần gần với lập trường của Mỹ. Mỹ đề xuất một “body” - một tổ chức để tổng tuyển cử.
Mỹ dùng chữ “body” thì mình cũng dịu bớt đi, đề xuất là trong lúc chính quyền hai bên tồn tại, thực hiện hòa hợp, hòa giải dân tộc để tiến tới tổ chức tổng tuyển cử thành lập chính quyền (đưa thêm khái niệm hòa giải, vì là hai kẻ địch.)
Nhưng Mỹ không chấp nhận chữ “chính quyền”. Chữ “chính quyền” có gì đó mang ý nghĩa thủ tiêu Sài Gòn. Vì thắng lợi của mình năm 1972 cũng có mức độ thôi, chưa thể lấn át Mỹ được, nên ta lấy yêu cầu Mỹ rút là chính. Mỹ nhận rút và quân miền Nam ở lại là đạt yêu cầu cao nhất rồi, ta mới chấp nhận thành lập một hội đồng quốc gia hòa giải, hòa hợp dân tộc. Hiệp định có điều khoản thành lập một hội đồng quốc gia hòa giải hòa hợp dân tộc để tổ chức tổng tuyển cử và đôn đốc thi hành Hiệp định.
Lúc đó hình thành khái niệm hòa giải hòa hợp dân tộc.
Đấy là quá trình đàm phán đi đến hòa giải hòa hợp dân tộc. Ta thấy không có con đường nào khác cả. Bởi vì chúng ta thắng thế nào thì Sài Gòn cũng vẫn sẽ còn. Dù lập chính phủ hai thành phần, ba thành phần hay giữ nguyên trạng thì cũng vẫn phải có hòa giải, hòa hợp. Không có cách nào khác. Không có bên nào thắng bên nào. Thực tế miền Nam có ba lực lượng, hai chính quyền thì phải giải quyết với nhau như vậy.
Nhờ những sách lược mềm dẻo của ta, mà trong đó có việc tạm gác vấn đề xóa Sài Gòn, thực hiện một hình thức hòa giải, hòa hợp dân tộc mà tổ chức ấy chỉ là hội đồng thôi chứ không phải chính quyền, chính phủ gì nên Mỹ chấp nhận.
Nhờ đó mà ký được Hiệp định. Hiệp định Paris là gì? Là một hình thức thỏa hiệp giữa Việt Nam trên đường thắng lợi với Mỹ tuy thua nhưng vẫn đang còn mạnh và chính quyền Sài Gòn còn là một thực thể. Hiệp định Paris là một sự thỏa hiệp “phải chăng”. Vì vậy 4 bên chấp nhận được, Việt Nam chấp nhận được, Mỹ cũng chấp nhận được mở đường cho Mỹ rút, Sài Gòn cũng chấp nhận được.
Hòa hợp - hòa giải cần đôi mắt mới - ảnh 4
Bà con Việt kiều về Việt Nam ăn Tết: Nụ cười đoàn viên... - Ảnh: Độc Lập
* Thanh Niên Online: Sau ngày 30.4.1975 vấn đề hòa giải dân tộc đã được thực hiện như thế nào? Có điều gì chúng ta đã làm được và chưa làm được?
- Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh: Ta đã chân thành đấu tranh thi hành Hiệp định Paris 1973, thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc. Ta đã làm việc rất tích cực với các lực lượng thứ ba. Nhưng kết quả rất hạn chế. Ngay đêm Hiệp định có hiệu lực (27.1.1973), chính quyền Thiệu đã cho chiếm Cửa Việt, sau đó ta phản kích lấy lại. Có thể nói là không có lấy một ngày hòa bình. Đã không có hòa bình thì không có điều kiện cho hòa hợp.
Nhưng sau khi ta thắng lợi giải phóng miền Nam thì vấn đề hòa hợp trở thành vấn đề lớn. Thậm chí là cực kỳ lớn.
Nhưng khi ta thắng lợi rồi thì chính sách hòa hợp dân tộc thực hiện được bộ phận thôi chứ chưa được rộng rãi và có kết quả. Phải thẳng thắn nhìn nhận là nhiều chính sách của ta sau giải phóng khá nặng nề với sĩ quan, binh lính chế độ cũ cũng như gia đình họ. Rồi chuyện báo chí Sài Gòn bị đóng cửa hầu hết, tất cả hoạt động kinh doanh của miền Nam bị hạn chế... Sau đó là hợp tác hóa, cải tạo xã hội chủ nghĩa.
Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến chuyện hàng chục vạn người bỏ nước ra đi, thành phong trào “thuyền nhân”. Đó là một trang sử đau thương, đen tối của chúng ta. 
Khi tôi sang dự một hội thảo liên quan đến chiến tranh Việt Nam tại ĐH Brown (Mỹ), ban tổ chức có bố trí một chương trình giao lưu với các giáo sư và khoảng 1.000 sinh viên. Tôi nhận được vài chục câu hỏi trong đó có câu hỏi liên quan đến vấn đề này. Một sinh viên hỏi: Thưa ngài đại sứ, Việt Nam đã chiến thắng Mỹ, các ngài coi là “giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc” nhưng tại sao lại có chuyện hàng triệu người bỏ nước ra đi?
 
Hòa hợp - hòa giải cần đôi mắt mới - ảnh 5Nhóm thứ nhất là cộng đồng những người Việt mà ta gọi là “người Việt yêu nước”. Theo tôi cái chữ ấy nên bỏ đi, không ai lại phân biệt bằng khái niệm “yêu nước” với “không yêu nước”. Lấy gì để xác định yêu nước? Nên nhìn họ như những Việt kiều có quan niệm thuận với trong nước. Hòa hợp - hòa giải cần đôi mắt mới - ảnh 6
Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh
Tôi đã trả lời thế này: Đó là chuyện rất đáng tiếc. Về nguyên nhân thì thứ nhất là trong suốt thời gian chiến tranh, quân đội, các nhà chức trách Mỹ cũng như chính quyền Sài Gòn qua mấy đời tổng thống đều tuyên truyền nếu Việt Cộng về sẽ có nạn tắm máu. Sau 30.4.1975 nhiều người đã lo lắng chuyện “tắm máu” vì vậy việc đầu tiên họ tính là ra đi. Có mấy loại người ra đi: người thuộc chính quyền cũ, những người thấy làm ăn không thuận lợi, người giàu có và sau là những người sợ tắm máu.
Có một số người nữa thấy kinh tế Việt Nam đã nghèo lại còn bị chiến tranh tàn phá nên cũng kiếm đường ra đi.
Một lý do nữa, chúng tôi chiến trận thì biết nhưng làm kinh tế chưa nắm được tình hình, chưa làm tốt, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân nên họ bỏ ra đi.
Nguyên nhân cuối cùng là việc thống nhất đất nước qua con đường chiến tranh thì đã làm tốt nhưng việc tranh thủ lòng người thì chưa làm tốt, chưa thực hiện hòa hợp tốt.
Tôi cũng bổ sung thêm: Dù nguyên nhân gì và những người ra đi khỏi Việt Nam như thế nào, chúng tôi luôn luôn coi họ thuộc dân tộc Việt Nam và luôn luôn sẵn sàng mở cửa để ai về thăm, ai về nước, ai liên lạc lại, cả ba mức đó chúng tôi đều chấp nhận, mở cửa rộng rãi.
Tôi nói vậy, mọi người vỗ tay rất mạnh.
* Tại sao sau 30.4.1975, ta chưa thực hiện tốt hòa hợp dân tộc?
- Phải nói là ta đã có thực hiện được một số việc chứ không phải không làm được gì. Nhưng trong phạm vi hẹp. Đối với những người thuộc lực lượng thứ ba ta đều giữ lại dùng cả. Một số giáo sư tiếp tục ở lại giảng dạy, những nhân vật cao cấp thuộc chính quyền cũ đầu hàng ở dinh Độc Lập ta đều tôn trọng, không bắt bớ gì mà để họ được tự do. Một số người thuộc chính quyền cũ cũng được đối xử tương đối nhẹ nhàng. Nhưng những chuyện ấy chỉ diễn ra ở diện hẹp.
Tại sao không thực hiện được hòa hợp dân tộc để xảy ra những chuyện như tôi vừa nói? Đây là quan điểm của cá nhân tôi thôi, chứ chưa có tổng kết: Theo tôi, nguyên nhân thứ nhất là thắng lợi lớn quá. Đến mức ngợp. Không kịp suy nghĩ gì cả. Đến cái mức mà có lãnh đạo cấp cao của ta nói là bây giờ đã hết kẻ thù, vĩnh viễn sẽ không có chiến tranh nữa.
Nguyên nhân thứ hai, lúc ấy tư tưởng giáo điều ý thức hệ rất nặng nề, thể hiện ở chuyện “thành phần”. Phân biệt kẻ thắng người thua rất nặng nề. Tư tưởng địch-ta nặng nề. Rồi tư tưởng XHCN đối lập với tư bản. Nhiều cái giáo điều ý thức hệ như vậy nên chuyện hòa hợp là không thể.
Nguyên nhân thứ ba là trình độ nghiên cứu của ta rất thấp. Không nghiên cứu được là sau khi giải phóng miền Nam cái gì sửa cái gì giữ, đối xử với các tầng lớp thế nào...
Hòa hợp - hòa giải cần đôi mắt mới - ảnh 7Bà con Việt kiều về Việt Nam ăn Tết mừng rỡ khi gặp người thân ngay tại sân bay - Ảnh: Độc Lập
* Theo ông hiện nay vấn đề hòa hợp dân tộc cần đặt ra như thế nào? Đặt ra với ai?
- Theo tôi có lẽ đặt ra trước hết với người Việt ở nước ngoài. Thứ hai là đối với các tầng lớp nhân dân trong nước. Tôi chỉ xin chia sẻ một vài suy nghĩ của tôi có thể đúng, có thể chưa đúng nhưng để chúng ta suy nghĩ.
Đối với người Việt ở ngoài nước hiện có 3 - 4 cộng đồng có quan niệm khác nhau.
Nhóm thứ nhất là cộng đồng những người Việt mà ta gọi là “người Việt yêu nước”. Theo tôi cái chữ ấy nên bỏ đi, không ai lại phân biệt bằng khái niệm “yêu nước” với “không yêu nước”. Lấy gì để xác định yêu nước? Nên nhìn họ như những Việt kiều có quan niệm thuận với trong nước. 
Nhóm thứ hai sống bình thường, họ không ủng hộ mà không gây sự, chỉ lo tập trung làm ăn. Tôi cho rằng đây là nhóm đa số, bây giờ mời họ về giúp nước là khó đấy. Đây là nhóm mà Nhà nước cần có chính sách tranh thủ.
Thứ ba là lực lượng đối lập, có phê phán những chính sách, có đóng góp ý kiến, phê phán.
Nhóm cuối cùng là những người đối nghịch hoặc báo chí ta gọi nặng nề là chống cộng. Họ là những người công khai không tán thành chủ nghĩa cộng sản, nhóm này theo tôi biết bên Mỹ có nhiều.
Thế bây giờ đặt vấn đề thế nào? Đối với những người đã ủng hộ đã sống hòa hợp, thích hợp rồi thì ta tiếp tục tranh thủ, tạo điều kiện để họ đi về đóng góp thăm viếng đất nước. Những người chờ đợi và chưa có thái độ rõ ràng là lớp người còn xa ta nhưng mà không chống đối, chính là cần thực hiện hòa hợp dân tộc với những người đó. Thực hiện hòa hợp dân tộc ở đây không phải bằng lập trường giai cấp, bằng chủ nghĩa cộng sản đâu, mà bằng TƯ TƯỞNG DN TỘC, TƯ TƯỞNG YÊU NƯỚC, ĐẶT LỢI ÍCH DN TỘC LÊN TRÊN HẾT.
Tôi cho rằng đối với Việt kiều càng đưa vấn đề ý thức hệ ra thì càng không có tác dụng. Tôi đối xử với anh bằng tinh thần dân tộc, bằng tinh thần yêu nước chứ không phải bằng ý thức hệ thì lúc đó mới nói chuyện được với nhau, nếu không thì còn nhiều khó khăn. Đối xử bằng lòng yêu nước bằng tinh thần dân tộc. Lấy lợi ích dân tộc đặt lên trên hết. Bất cứ thời đại hoàn cảnh nào thì lợi ích dân tộc vẫn là cao hơn cả, có sức mạnh hơn cả.
Còn đối với trong nước, vấn đề không phải là hòa hợp mà là làm sao tranh thủ sự đồng thuận, lấy lợi ích dân tộc để tranh thủ đồng thuận là đường lối chiến lược. Bây giờ tầng lớp nào trở nên quan trọng và cần tranh thủ đồng thuận? Ngoài nông dân, công nhân thì đặc biệt cần tranh thủ đội ngũ trí thức và doanh nhân. Đồng thuận chính là đồng thuận với hai tầng lớp này.
* Xin cảm ơn ông.
Trường Sơn
(thực hiện)


-Đếm chữ các lãnh đạo nói gì trong ngày 30/4 (Tuan Nguyen) 
Hôm nay, tôi thấy có 2 người có bài nói về ngày 30/4: bài diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (1) và bài viết (do kí giả ghi lại) của tướng Lê Đức Anh (2). Sẵn dịp, tôi so sánh với bài diễn văn của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết 5 năm trước (cũng vào ngày này, 30/4) (3). Cũng như nhiều người khác, tôi không có thì giờ và cũng không có hứng đọc mấy bài loại này; thay vào đó, tôi đọc theo kiểu … đếm chữ. Đôi khi, tần số chữ cũng nói lên đôi chút về suy nghĩ của người nói.


Điều rất thú vị là năm nay cả 2 bài có cái tựa đề chẳng dính dáng gì đến nội dung. Tiêu biểu nhất là bài của Thủ tướng 3D có tựa đề là "Vượt lên khác biệt, chân thành hòa hợp dân tộc", nhưng trong nội dung bài nói chỉ có đề cập đến chữ "hoà hợp" 1 lần duy nhất, và cũng chẳng dính dáng gì đến hoà giải – hoà hợp dân tộc mà người ta đang bàn hiện nay. Điều này tôi đoán là nhà báo thêm vào cho nó có màu … tuyên truyền. Nhưng rất tiếc đó là một kiểu tuyên truyền theo kiểu "treo đầu dê bán thịt chó".

Mấy năm gần đây, các vị lãnh đạo có vẻ tiến bộ hơn so với những năm trong thập niên 1980. Thời đó, mỗi bài diễn văn của các vị như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng cũng như trong thế giới XHCN dài lê thê. Dài đến cả mấy tiếng đồng hồ. Tôi phải khâm phục họ có thể đứng một chỗ 4-5 giờ đồng hồ, chúi mặt vào giấy đọc, chẳng cần nhìn khán giả. Ấy thế mà lâu lâu khán giả lại vỗ tay rào rào. Khỏi nói, các câu chữ thì quá quen thuộc. Tôi nghĩ ngày nay, nhóm khoa học ở Đại học MIT có thể thiết kế một chương trình máy tính viết những bài diễn văn như thế. Mấy năm nay thì khá hơn nhiều, vì các vị lãnh đạo giảm thời lượng và câu chữ trong các bài nói chuyện. Nhưng chỉ khá hơn so với trước đây thôi, chứ so với nước ngoài thì họ vẫn nói dài lê thê. Năm nay, bài của Thủ tướng 3D có 3546 chữ, ngắn hơn só với bài của bác Minh Triết (4077 chữ). Bài của tướng LĐA thì dài hơn bài của TT 3D đến 22% (có 4338 chữ).

Không cần đọc những bài này thì chắc các bạn đã đoán được họ nói gì. Ở đây, tôi đặt giả thuyết là năm nay, các vị lãnh đạo sẽ "nổ" ít hơn những năm trước, và họ sẽ nói về hoà hợp – hoà giải dân tộc nhiều hơn. Vậy chúng ta thử kiểm định giả thuyết này bằng cách đếm chữ. Sau đây là tần số xuất hiện của một số chữ liên quan:

ChữDiễn văn của TT Nguyễn Tấn DũngBài nói chuyện của tướng Lê Đức AnhDiễn văn của CT Nguyễn Minh Triết
"Hoà hợp"100
"Giải phóng"7218
"Thắng lợi"6917
"Nguỵ"150


Dữ liệu trên cho thấy một xu hướng thú vị là tần số xuất hiện của chữ "thắng lợi" giảm từ 17 lần trong 5 năm trước xuống còn 6 lần trong năm nay. Ngay cả ông LĐAnh cũng chỉ dùng chữ này có 9 lần. Nên nhớ rằng ông LĐAnh mới đây có nói rằng chuyện ta nói thắng lợi chỉ là tuyên truyền thôi, chứ làm sao thắng Mĩ được. Nguyên văn ông nói là: "Việc chúng ta năm nào cũng nói đến việc thắng Pháp, Mỹ trong các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc thì có đúng không? Theo tôi là chưa đúng. Pháp, Mỹ đều là các siêu cường cả về khoa học, kỹ thuật, quân sự đến Liên Xô thắng được phát xít Đức cũng phải nể. Thời điểm đó, mình thắng Mỹ làm sao được, mình là một nước nông nghiệp lạc hậu, chưa có vũ khí gì hết, không làm ra được 1 chiếc ô tô, xe máy. Đó là chúng ta bảo vệ được độc lập và Pháp, Mỹ phải rút quân. Sự thực như thế nào nói như thế, không được nói dối." (4)

Thủ tướng 3D chỉ nhắc đến cụm từ "hoà hợp" có 1 lần duy nhất trong bài diễn văn. Ông nói "Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh […] chúng ta hãy nêu cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương nòi, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, không phân biệt quá khứ, vượt lên trên những khác biệt, cùng nhau chân thành hòa hợp dân tộc […] như mong muốn cuối cùng trong Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu." Tức là lời nói khá chung chung, mang tính khẩu hiệu thì đúng hơn. Còn tướng LĐAnh và ông Triết trước đó thì không nhắc đến hoà hợp – hoà giải dân tộc.

Chữ "nguỵ" thì ông Dũng chỉ nhắc đến 1 lần. Thật ra, ông chỉ lặp lại khẩu hiệu "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào". Ông Triết thì không nhắc đến chữ này trong bài diễn văn 5 năm trước. Riêng ông LĐAnh thì vẫn thích dùng chữ này (9 lần) trong bài nói chuyện.

Đáng chú ý là chữ "giải phóng" xuất hiện rất nhiều lần trong bài của tướng LĐAnh (21 lần), nhưng khá ít trong bài diễn văn của ông Triết (8) và Dũng (7).

Hoà hợp – hoà giải dân tộc thì phải đề cập đến dân tộc, tổ quốc, v.v. Vậy chúng ta thử kiểm tra xem các vị lãnh đạo dùng những chữ này bao nhiêu lần:

ChữDiễn văn của TT Nguyễn Tấn DũngBài nói chuyện của tướng Lê Đức AnhDiễn văn của CT Nguyễn Minh Triết
"Dân tộc"16031
"Tổ quốc"10211
"Đồng bào"15311
"Đảng"272729
"Đồng chí"15912

Những số liệu trên cho thấy ông Triết có xu hướng dùng chữ "dân tộc" khá nhiều, dù ông không đề cập đến hoà hợp dân tộc. Ông Dũng nói về dân tộc ít hơn. Trong 3 người, người tiết kiệm chữ dân tộc nhất là tướng LĐAnh, ông không nói đến chữ này trong bài nói chuyện. Ông LĐAnh cũng không dùng chữ "Tổ quốc" nhiều bằng hai vị kia.

Một điều thú vị là cả ba người rất thích "đảng". Ông LĐAnh không nói gì về dân tộc, nhưng nói đến đảng đến 27 lần! Tần số xuất hiện của "đảng " trong bài của ông Triết (29) và ông Dũng (27 lần) gần bằng với tần số xuất hiện của chữ "dân tộc". Ngay cả "đồng chí" cũng có tần số khá cao, cao hơn "đồng bào" và "tổ quốc", trong các bài diễn văn!

Năm nay, bài diễn văn của ông Dũng nhắc đến "Mỹ" 5 lần, trong đó có 1 lần chửi Mĩ. Ông Dũng cũng nhắc đến "Trung Quốc" và "Liên Xô" mỗi nước 1 lần, nhưng là cám ơn. Cám ơn Tàu cộng (cái nước nó cướp đảo mình), và chửi Mĩ (cái nước nó đang giúp mình).

Tóm lại, các dữ liệu trên đây không phù hợp với giả thuyết về hoà hợp – hoà giải dân tộc. Trong 3 bài nói chuyện hơn 11000 chữ, chữ "hoà hợp" được đề cập chỉ 1 lần duy nhất. Tuy nhiên, một dấu hiệu có lẽ nên được xem là tích cực là chữ "nguỵ" và "giải phóng" càng ngày càng biến khỏi kho tàng ngữ vựng của các vị lãnh đạo. Nhưng các vị vẫn còn nhắc nhiều đến "đảng" và "đồng chí", nhiều hơn cả "đồng bào" và "tổ quốc", và có lẽ sự thật đó nên xem là một tín hiệu bất bình thường.


=====






-Hoàng Đức Nhã : « Đừng ảo tưởng vào yểm trợ của Mỹ »
Trong vài ngày nữa là đến kỷ niệm đúng 40 năm ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam, 30/04/1975. Cuộc chiến đã kết với việc miền Nam lọt vào tay Cộng sản, một phần do Hoa Kỳ lúc đó đã hoàn toàn bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng Hòa. Đúng 20 năm sau đó, hai kẻ thù củ Hà Nội và Washington bình thường hóa bang giao và bây giờ, Việt Nam có vẻ muốn dựa vào Mỹ nhiều hơn để đối phó với mối đe dọa Trung Quốc.

Nhưng Hà Nội đừng nên quá ảo tưởng vào sự yểm trợ của Hoa Kỳ, mà phải lo tự phát triển tiềm lực kinh tế và quân sự để có thể bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ. Đó là ý kiến của ông Hoàng Đức Nhã, nguyên là bí thư của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Năm nay 73 tuổi, ông Hoàng Đức Nhã hiện sống tại thành phố Chicago, Hoa Kỳ. 
Ông Hoàng Đức Nhã24/04/2015Nghe
RFI : Xin kính chào ông Hoàng Đức Nhã. Thưa ông, với tư cách là một cựu quan chức chính phủ VNCH, mỗi năm khi đến ngày 30/04 thì tâm trạng của ông như thế nào, nhất là năm nay kỷ niệm đúng 40 năm sự kiện này?
Ông Hoàng Đức Nhã : Mỗi năm đến ngày này và trong thời gian những ngày trước 30/04, lúc nào tâm trí tôi cũng quay về quê hương. Thứ nhất là sống lại cái cảnh mà đáng lý ra mình không mất nước nếu hiệp định ( Paris ) được thi hành nghiêm chỉnh và đồng minh không bội ước. Thứ nhì, 40 năm qua, nhìn lại cái thực trạng đất nước mình và tình trạng mà dân Việt Nam mình phải đối đầu, tôi thấy tương lai còn nhiều nguy hiểm, chưa tốt đẹp như thật sự mình mong muốn đối với một quốc gia đã được hòa bình trong 40 năm qua.
RFI : Thưa ông Hoàng Đức Nhã, ông có nhắc đến hiệp định Paris 27/01/1973, gọi là hiệp định hòa bình nhưng thực tế là sau hiệp định này, chiến tranh vẫn tiếp diễn cho đến 30/04//75, với việc miền Nam rơi vào tay Cộng sản. Nếu hiệp định này được thi hành nghiêm chỉnh thì lịch sử đã được viết khác ?
Ông Hoàng Đức Nhã, cựu Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi chính phủ Việt Nam Cộng Hòa
Ông Hoàng Đức Nhã : Rất đúng. Trước khi mình ký hiệp định, vào năm 1972, vào mùa Xuân và mùa Hè, khi quân Bắc Việt mở ba trận tấn công, cố chiếm lấy miền Nam, trận Quảng Trị, Thừa Thiên, ở trên cao nguyên và ở dưới Xuân Lộc. Nhưng quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã đánh bại. Lúc đó quân đội Mỹ trợ giúp quân lực VNCH bằng những phi vụ và các vấn đề về tiếp vận, chứ không có lính tham gia, hoàn toàn chỉ có lính VNCH.
Lúc đó, chính quyền CS Bắc Việt nghĩ rằng, ngày nào mà VNCH có thời gian thì sẽ củng cố không chỉ khả năng quân sự mà cả khả năng kinh tế. Đó là điều họ sợ nhất, vì lúc đó mình đã có chương trình phát triển rất mạnh, không chỉ về mặt xã hội, mà cả kinh tế và an sinh cho nông dân.
Người nông dân biết rằng sống dưới chế độ tự do rồi một ngày sẽ có tương lai rất sáng lạng. Nếu chúng ta có thêm một năm nữa sau tháng 04/75, thì chúng ta sẽ bắt đầu xuất cảng gạo. Lúc đó nông thôn rất phồn thịnh, vì chương trình cải cách điền địa, phát triển nông thôn bắt đầu thành công. Ngoài ra, vào giữa năm 1974, VNCH có dầu lửa ở ngoài khơi. Những yếu tố đó sẽ giúp miền Nam sống qua được, mặc dù cũng còn cần đến viện trợ của Mỹ.
Người Mỹ đã không thực sự giúp VNCH trên phương diện quân sự, không làm đúng theo điều khoản " thay thế một cây súng này bằng một cây súng khác", nếu quân Bắc Việt tiếp tục xâm lăng, cũng như đã không giúp về mặt kinh tế, thành ra chúng ta không còn có khả năng chiến đấu, trong lúc quân Bắc Việt thì được sự hỗ trợ hùng hậu của Trung Quốc và Nga Sô.
Lúc đó, Hoa Kỳ dùng hiệp định Paris để đạt được mục tiêu chủ yếu là đem quân của họ về và lấy lại hết tù bình. Thật sự thì quân của họ đã bắt đầu rút đi từ năm 1970 và đến năm 73, khi ký hiệp định thì họ không còn quân lính chiến đấu trên lãnh thổ VNCH nữa.
Cũng như trong các hiệp định, có những điều khoản Hoa Kỳ cam kết cái này, cam kết cái kia, nhưng vì họ không đưa ra Quốc hội phên chuẩn, cho nên hiệp định đó không có ràng buộc nhân dân Hoa Kỳ, do Quốc hội đại diện, để thực thi các lời hứa. Cái đó cũng do tình hình chính trị nội bộ của Hoa Kỳ, đặc biệt là vụ scandal Watergate, và quan trọng hơn hết là lúc đó đảng Dân Chủ, đang nắm cả lưỡng viện Quốc hội, quyết tâm chấm dứt mọi sự can thiệp của Hoa Kỳ, nhất là ở Việt Nam.
Tôi lấy ví dụ hồi chiến tranh Triều Tiên, lúc đó có một thỏa ước do Quốc hội phê chuẩn đàng hoàng, nên sau này Hoa Kỳ vẫn tiếp tục giúp đở Đại Hàn, nhưng riêng đối với VNCH thì không có điều khoản đó.
RFI : Lịch sử đôi khi có những điều trớ trêu. Miền Bắc Việt Nam trước đây chiến đấu chống Hoa Kỳ, nhưng bây giờ gần như là coi nhau như đồng minh, trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối phó với mối đe dọa xâm lăng từ Trung Quốc. Trở ngược lại lịch sử, khi nghe tin Hà Nội và Washington bình thường hóa bang giao ( năm 1995 ), cảm nghĩ lúc đó của ông như thế nào ?
Ông Hoàng Đức Nhã : Người làm chính trị phải biết đối đầu với thực tế. Dĩ nhiên cảm xúc của con người thì lúc nào cũng có. Mình có thể chống, nhưng trong cương vị lãnh đạo thì mình phải biết thực trạng nó như thế nào và phải đối phó như thế nào. Không thể nào cực đoan nói rằng ông phải làm như thế này, ông phải làm như thế kia.
Thành thử, khi thấy Hoa Kỳ bắt đầu nói chuyện với Hà Nội về bãi bỏ cấm vận, rồi tiến tới tái lập bang giao, mình là VNCH bị Hoa Kỳ bội ước thì thấy điều đó là hoàn toàn phi lý, đâm sau lưng người đồng minh trước đây.
Nhưng chính trị của Hoa Kỳ không có tình cảm gì cả. Họ nói họ không có kẻ thù vĩnh cửu, cũng như bạn vĩnh cửu, mà chỉ có quyền lợi vĩnh cửu của họ. Họ nghĩ rằng tái lập bang giao ( với Hà Nội ) thì thứ nhất, họ sẽ bành trướng ảnh hưởng của họ trên phương diện chính trị, thứ hai là khai thác sự hợp tác mới về kinh tế và thương mại.
RFI : Ngày 30/04 đã cho thấy là khi cần, Hoa Kỳ có thể sẳn sàng bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng Hòa, để cho miền Nam rơi vào tay Cộng sản. Nhìn từ góc độ lịch sử đó, thì theo ông hiện nay, Việt Nam có nên hoàn toàn đặt tin tưởng vào Hoa Kỳ, trong việc tìm kiếm yểm trợ chống âm mưu xâm chiếm của Trung Quốc ?
Ông Hoàng Đức Nhã : Những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay chắc là có nghiên cứu về vấn đề, nhưng nhiều khi họ tin tưởng vào người Hoa Kỳ. Cá nhân tôi, từ lúc còn làm trong chính phủ, và sau đó sang Mỹ có những nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề một cách chiến lược, tôi vẫn nói rằng Hoa Kỳ chỉ có những quyền lợi, mà họ gọi là quyền lợi vĩnh cửu. Nếu bảo vệ quyền lợi đó mà cần phải bỏ một người bạn mới hay người bạn cũ, thì họ cũng vẫn làm như thường. Lúc đó họ sẽ giải thích rằng : « Quyền lợi của chúng tôi không cho phép chúng tôi đi con đường đó nữa ».
Vì vậy, nếu chính quyền Việt Nam bây giờ cứ tiếp tục tin rằng Hoa Kỳ sẽ hợp tác qua những hành động mấy năm nay như hợp tác về mặt quân sự, văn hóa, đủ thứ hết, tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam chống lại việc Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng ở vùng Biển Đông, thì đó là một ảo tưởng và một ngày nào đó sự thật sẽ rất là đau cho Việt Nam.
RFI : Phải chăng cái giải pháp tối ưu cho Việt Nam là phải làm sao cho lợi ích của Hoa Kỳ và Việt Nam tương hợp với nhau để mà dù muốn, dù không, hai bên buộc phải bắt tay với nhau để chống âm mưu bá quyền của Trung Quốc ?
Ông Hoàng Đức Nhã : Việt Nam phải biết thực thi cái mà tôi gọi là chính trị đa dạng, không chỉ riêng trong vấn đề lãnh hải, hay vấn đề chủ quyền những quần đảo nhỏ nào đó, mà Việt Nam đang có chủ quyền thực sự hay đang đòi chủ quyền. Vấn đề đối với Việt Nam là phải có một giải pháp toàn bộ về quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, và từ đó tạo ra cho mình một cái thế thương thuyết. Thế thương thuyết này cần phải dựa trên sức mạnh. Về kinh tế thì chúng ta chưa đủ sức mạnh để đối lại sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Sức mạnh thứ nhì là sức mạnh quân sự, đặc biệt là hải quân? thì Việt Nam chưa có.
Khi mình thương thuyết với hai căn bản chưa vững đó, thì mình phải đi con đường rất là cẩn thận. Một mặt là dùng các giải pháp quốc tế như Liên hiệp quốc hay Tòa án quốc tế. Mặt khác tiếp cận song phương với Trung Quốc. Theo tôi? cái giải pháp gọi là đa phương, nhiều quốc gia nhảy vào giúp, sẽ không đi đến đâu. Nói thì hay lắm, nhưng trên thực tế không giải quyết gì,  vì Hoa Kỳ đâu có quyền lợi gì, họ đâu có quan tâm đến chuyện đảo này hay mỏm đá  kia trong vùng « lưỡi bò ». Họ cũng đã tuyên bố là không ủng hộ bất cứ phe nào trong tranh chấp ( chủ quyền Biển Đông ). Thành thử nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ giúp chúng ta để chống Trung Quốc là một ảo tưởng.
RFI : Tức là Việt Nam không thể dựa hẳn bên này để chống bên kia, mà phải có một giải pháp trung dung, đứng giữa hai cường quốc nhưng vẫn bảo vệ được chủ quyền ?
Ông Hoàng Đức Nhã : Rất đúng. Giải pháp trung dung thì người Việt Nam từ xưa giờ vẫn không đi đến hai cực đoan. Trên phương diện quân sự thì khả năng bảo vệ vùng ven biển và lãnh hải thì Việt Nam chưa có. Tàu bè thì chưa có nhiều. Nếu có bỏ hết tiền bạc vào để tăng cường hải quân thì ít nhất cũng phải 10 năm mới có được nhiều chiếc tàu có khả năng chống lại Trung Quốc. Đó là thực trạng thứ nhất. Thực trạng thứ nhì, trên phương diện kinh tế thì Việt Nam bầy giờ vẫn còn tùy thuộc về hợp tác và giao thương với Trung Quốc.
Nhìn vào hai điểm này thì ta phải hiểu là nếu lấy giải pháp nào mà đặt hai quốc gia ở cái thế đụng độ nhau, thì chỉ có dân là chịu thiệt hại thôi. Ngay cả Philipines là đồng minh của Hoa Kỳ, có hiệp ước bảo vệ Philippines, mà vẫn không giải quyết được chuyện bãi đá Scarborough bị Trung Quốc chiếm cách đây 2 năm. Là đồng minh của Hoa Kỳ, có hiệp ước an ninh, mà Hoa Kỳ cũng không nhảy vào giúp Philippines giành lại Scarborough.
RFI : Nhưng đối với Việt Nam thì có thêm một vấn đề, đó là quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc không phải là mối quan hệ bình thường giữa hai quốc gia, mà là quan hệ giữa hai quốc gia với hạt nhân là hai đảng Cộng sản cầm quyền. Phải chăng quan hệ đó khiến Việt Nam khó đi đến một con đường ngoại giao độc lập, đứng giữa hai cường quốc, nhưng vẫn bảo vệ được vị thế, chủ quyền của mình ?
Ông Hoàng Đức Nhã : Đó là một điểm quan trọng. Thật sự đúng là ở hai nước, Đảng là người cầm quyền, chính phủ chỉ là cơ quan để thi hành chính sách của Đảng. Có điều đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, tuy đều có ý thức hệ Cộng sản, nhưng chỉ lo đến vấn đề quyền lợi của họ, quyền lợi kinh tế, quyền lợi quân sự.
Bao nhiêu người đã viết, mà cũng chưa chắc là đúng, rằng vùng Biển Đông có rất nhiều dầu khí, nhưng biết đâu sau này khi đến đó khoan dầu, thì mới thấy chỉ có vài ba cái giếng, không đủ để khai thác thương mại. Nhưng Trung Quốc dùng lý do đó để nói rằng chúng tôi giành tài nguyên này để một ngày nào đó chúng tôi sẽ khai thác. Như vậy, tuy là đều có ý thức hệ Cộng sản, nhưng họ có giúp gì nhau đâu, chỉ vì quyền lợi của họ thôi.
RFI : Như ông có nói ở trên, thì về mặt quân sự và kinh tế, Việt Nam chưa có đủ tiềm lực để đối đầu với Trung Quốc. Vậy thì trong bối cảnh hiện nay, 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc, vì sao chúng ta chưa phát triển được những nội lực đó, nhất là chúng ta có một cộng đồng người Việt ở nước ngoài rất đông đảo, với những tiềm lực có thể giúp đất nước phát triển mạnh hơn?
Ông Hoàng Đức Nhã : Lý do rất đơn giản. Thứ nhất, ở trong nước chưa có dân chủ tự do, nên người dân không có cơ hội để thi hành ý kiến của họ để phát triển hay làm ăn. Cái gì cũng phải theo guồng máy của chính quyền. Cộng thêm chế độ con ông cháu cha, nên người dân thường đâu có thể nhảy vào được.
Thứ nhì, về phương diện phát triển kinh tế của Việt Nam, theo tôi, họ không nhắm vào việc tạo khả năng kinh tế, khả năng sản xuất, mà chỉ nhắm vào những dịch vụ mà yếu tố quyết định là giá nhân công rẻ. Làm như thế thì về lâu về dài sẽ không tạo ra sức mạnh kinh tế.
Cách đây 20 năm, Trung Quốc cũng bắt đầu như thế, nhưng họ đưa ra những chính sách, đưa người dân đi học, cho tự do làm ăn. Từ đó phát triển từ việc chỉ làm hàng rẻ tiền : quần áo, giày dép, đi đến sản xuất hàng điện tử và nhiều thứ khác.
Việt Nam cũng phải làm giống vậy, phải mở rộng ra, có như thế người Việt Nam ở hải ngoại mới thấy rằng họ có thể đóng góp được, chứ không phải là về đầu tư, rồi sau đó một thời gian bị giựt, với lý do này, lý do nọ.
RFI : Hòa giải dân tộc là cụm từ nhiều người hay nhắc đến. Nhưng theo ông thì vì sao cho tới nay chúng ta vẫn chưa thật sự có hòa giải dân tộc để người Việt trong và ngoài nước đoàn kết một lòng, phát triển đất nước và bảo vệ đất nước ?
Ông Hoàng Đức Nhã : Điều đó rất dễ hiểu là tại vì chế độ ở Việt Nam bây giờ vẫn là chế độ Cộng sản, độc quyền, độc đảng, mà độc quyền độc đảng thì làm sao có dân chủ được ? Khi hòa giải mà không có căn bản dân chủ thì hòa giải cái gì bây giờ ? Đó chỉ là hòa giải một chiều thôi. Mà hòa giải một chiều thì làm sao gọi là hòa giải được ? Đó là thống trị thì đúng hơn!
RFI : Chính quyền trong nước thì vẫn trách người Việt hải ngoại là vẫn mang tâm lý thù hằn, không chịu hòa giải với người phía bên kia, vẫn còn giữ ảo tưởng của quá khứ, ... Nếu gặp những người nói như thế, thì ông sẽ trả lời như thế nào ?
Ông Hoàng Đức Nhã : Tôi sẽ trả lời như thế này : Cái chuyện đó là dĩ nhiên. Người Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi lúc trước đã chiến đấu để bảo vệ quyền tự do và tạo điều kiện ấm no cho dân chúng. Bây giờ tôi thấy chính quyền không thực hiện được ( những điều đó ) sau 40 năm không có chiến tranh, vẫn không có dân chủ và vẫn không tạo những điều kiện tốt về xã hội, về y tế cho dân, thì dĩ nhiên tôi đâu chấp nhận được cái chuyện mấy ông nói về hòa giải dân tộc. Nếu muốn nói chuyện với những cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, thì phải tạo những điều kiện tối thiểu cho những cộng đồng đó thấy rằng chính quyền Việt Nam bây giờ đã có những biện pháp cụ thể, tạo những điều kiện để hai bên cùng nói chuyện. Nhưng theo tôi thì hiện chưa có những điều kiện đó và như vậy là khó có thể hòa giải dân tộc.

RFI : Xin cám ơn ông Hoàng Đức Nhã.


Ảo Vọng Hòa Giải Hòa Hợp… Alan Phan Tháng Tư – 2015
(Bình an là khi những gì chúng ta nghĩ, chúng ta nói và chúng ta làm đều hòa hợp nhất quán – Peace is when what you think, what you say and what you do are in complete harmony – Mahatma Gandhi)

Tôi còn nhớ khoảng vài tháng sau khi bức tường Berlin sụp đổ, tôi ngồi ăn tối với một đại gia Mỹ (gốc Đức) và một chính trị gia khá cao cấp dưới quyền của TT Helmut Kohl/Tây Đức (lúc ấy vẫn là 2 quốc gia Tây và Đông Đức). Ngài đại gia Mỹ có một công ty lớn ở Tây Đức và đang liên doanh với một công ty nhỏ của tôi ở Trung Quốc. Ông cần một phân tích pháp lý và thị trường kỹ càng về chiến lược và hệ quả của thế trận mới khi nước Đức thống nhất. Nhà máy này của ông tại Trung Quốc hợp tác với một doanh nghiệp nhà nước của Đông Đức và đang cho họ giữ độc quyền phân phối sản phẩm tại khắp châu Âu. Tôi phải lò mò bay qua Munchen để bàn việc với ngài.


Mệt với chuyến bay và múi giờ, tôi lười biếng chỉ muốn bữa ăn qua nhanh để về khách sạn ngủ. Tuy nhiên, một phần câu chuyện của 2 ông làm tôi chú ý. Trước hết, vị chính khách than phiền là khá bận rộn với những sửa soạn cho sự hòa nhập chính thức của 2 quốc gia dự định hoàn tất trước cuối 1990. Vì theo hiệp định giữa 2 bên, nước Đức thống nhất sẽ là một successor (hậu thân) của Tây Đức, nên phía chính quyền Kohl gần như phải lo mọi vấn đề phát sinh; từ pháp lý, chính trị, kinh tế đến xã hội, dân sinh. Mệt nhất là một ngân sách rất tốn kém để trang trải tất cả chi phí cho việc nâng cao mức thu nhập của dân Đông Đức lên được khoảng 70% của dân Tây Đức trong thời hạn 10 năm sắp đến.


Với đầu óc còn ngây thơ, tôi nghĩ thống nhất là điều mọi người Đức đều ao ước, kể cả đại gia gốc Đức, vì ngài luôn luôn khoe về một quá khứ huy hoàng của Đế Chế Đức và hãnh diện với bất cứ điều gì, vật gì…liên quan đến Đức. Nhưng ngài lại phê phán một câu rất…ngược,” Chính quyền của anh (Tây Đức) đã làm một điều ngu xuẩn nhất. Đi nuôi từ thiện một thằng nghèo đói, bệnh hoạn…Trong vài chục năm tới, các anh sẽ phải mang cục nợ nặng nề này trên vai, và mọi ngươi dân Tây Đức sẽ nguyền rủa các anh vì họ phải đóng bao nhiêu thuế thêm để nuôi những thằng lười biếng, lợi dụng ; mặc cho nền kinh tế bị lụn bại, không thể cạnh tranh hữu hiệu. Ngoài ra, với dân số nghèo, tăng trưởng nhanh, di dân thông thoáng, Đông Đức sẽ lần lần nắm cán cân quyền lực chính trị…cũng như kinh tế. …Cũng may là Tây Đức còn đủ cash để vất tiền qua cửa sổ.”


Dĩ nhiên, ngài đại gia chỉ là thiểu số và nước Đức đã vượt qua nhiều thử thách để hòa nhập gần như toàn diện sau 25 năm. Thu nhập của dân Đông Đức đã đạt mức 78% thu nhập của dân Tây Đức. Tuy nhiên, ngài đại gia đã khá chính xác về dự đoán của mình. Theo thống kê từ The Telegraph, vào cuối 2014, Tây Đức đã tiêu xài gần 2 ngàn tỷ euros, khoảng 100 tỷ euros mỗi năm cho Đông Đức. Một quốc gia nghèo hơn Tây Đức chắc đã phá sản.


Lịch sử khó khăn trong việc thống nhất nước Đức là một đề tài tranh luận sôi nổi gần đây tại Hàn Quốc, nhất là khi tin đồn về sự sụp đổ của chính quyền Bắc Triều Tiên lan tràn trên mạng truyền thông quốc tế. Yêu nước, yêu đồng bào…là một chuyện, nhưng đa số người Hàn không muốn “phá sản” chỉ vì những anh em bà con chỉ lăm le “chôn sống” mình để cướp của. Một giáo sư Hàn Quốc tâm tư, “ Thống nhất đất nước là một lý tưởng overrated (đánh giá quá cao) và over its time (không hợp thời). Cứ giữ nguyên trạng như thế này thì tốt cho cả hai bên. Dân Bắc Triều Tiên chắc cũng quen và thích lối sống nô lệ rồi.”


Đây là chuyện của những quốc gia dân chủ pháp quyền, tôn trọng đa nguyên, dân trí tương đối cao và đủ giàu mạnh để trả tiền “mua thuốc Hòa Giải Hòa Hợp (HGHH)”. Ngay cả những lãnh tụ lớn với mục tiêu “quốc gia dân tộc trên hết”như Lincoln, Mandela, Truman…cũng rất vất vả để thực thi chính sách HGHH mà không gây nhiều thiệt hại đến người thua hay kẻ thắng…..

&&&&&&

Tháng tư lại về. Quận Cam của Nam Cali và có lẽ tại khắp các cộng đồng Việt ở hải ngoại, lại tràn ngập cờ vàng và những buổi lễ tưởng niệm ngày gẫy súng, ngày quốc hận, ngày thua cuộc. Bên kia bờ Thái Bình, chính quyền cờ đỏ đang chuẩn bị một lễ hội tưng bừng với pháo hoa, diễu binh và văn nghệ hoành tráng mừng ngày đại thắng. Hai thái cực, hai tác động, hai niềm tin, hai ký ức, hai thế giới…có thể nói là đối nghịch nhau như nước với lửa. Tuy nhiên, không ít người từ mỗi bên kêu gào hòa giải hòa hợp (HGHH) để cùng nhau bắt tay xây dựng một Việt Nam hùng cường, giàu mạnh.
Mặc cho nghi ngờ từ nhiều phía, lời kêu gọi được giới trẻ và dân trí thức yêu thích vì đích đến của HGHH quá lý tưởng và đúng với tinh thần yêu nước yêu dân của lứa tuổi “yes, we can”. Tuy nhiên, lý tưởng là một chuyện nhưng thực tế còn rất xa vời với những rào cản chính:
  1. Mọi xã hội hay cộng đồng ngày nay đã đa dạng hóa:
Từ quốc gia dân chủ đa nguyên đến xã hội độc tài chuyên chế, thành phần dân chúng gồm rất nhiều phân khúc: khác biệt về trí tuệ, khoảng cách giàu nghèo, thế hệ trẻ già, quan điểm chính trị, môi trường sinh hoạt, văn hóa truyền thống, nhu cầu dân sinh…Tại Mỹ, không ai có thể đem một anh chị “WASP” (da trắng, gốc Anglo-Saxon, đạo Tin Lành) hay tín đồ của KKK…đi HGHH với một người Mỹ gốc Phi, sống trong ổ chuột Harlem, theo đạo welfare…Còn Việt Nam, mỗi một đề tài tranh cãi dù rất nhẹ nhàng như chuyện “tự hào dân tộc” là đủ ma xát để gây ẩu đã bạo lực.


Nói chi đến những sự kiện lịch sử đã thay đổi như biển dâu định mệnh của cả chục triệu người?
  1. 2.       Bất cứ việc HGHH nào cũng phải dựa trên tự do ngôn luận
Quyền tranh cãi, thảo luận, đề nghị… trong một khung cảnh hoàn toàn vắng mặt sự hù dọa hay cưỡng chế là điều kiện tất yếu của HGHH. Không ai dám mở miệng thành thực nói lên những suy nghĩ, những phán xét, những bức xúc của mình (vì sợ) thì HGHH cái gì? Ai có quyền làm trọng tài độc lập để định đoạt chuyện gì là nhậy cảm hay phạm luật? Ai đặt ra luật?


Khi phe đối diện không được tôn trọng và bị chửi rủa liên tục dưới nhiều hình thái thì ai muốn dây vào HGHH? Ích lợi gì?
  1. 3.       HGHH phải dựa trên một nguyên lý căn bản (như quy luật ”đa số” quyết định)
Như đã trình bày, có quá nhiều phân khúc dân số mà dù có trăm ngàn lý lẽ khoa học hay logic cũng không thể thuyết phục người bất đồng quan điểm, chưa kể đến sự kiên định vì lơi ích riêng. Do đó, ở những xã hội dân chủ thực sự, mọi người phải tuân theo quyết định của đa số. Trong kỳ bầu cử năm 2008 , ông Obama thắng với số phiếu lịch sử là 52.7%. Tuy vậy, có nghĩa là gần 47% cử tri Mỹ đã không ủng hộ ngôi vị Tổng Thống của ông này.


Sự đồng thuận về quy luật căn bản để thực thi HGHH là điều gần như bất khả. HGHH không thể là một ban phát như xin-cho hay bổng lộc.
  1. 4.       HGHH phải có niềm tin vào sự thành thực của phe đối diện
Chưa bao giờ “Nói Và Làm” quan trong như trong tiến trình này. Bởi vì chúng ta không phải nói về một đề tài khoa học, mà là một sự kiện chứa nhiều cảm xúc. Cả hai bên đều có những mất mát quá lớn lao đến độ chữ “nợ máu” được sử dụng thường xuyên. HGHH không thể xẩy ra khi chúng ta chưa hóa giải được nghi ngờ này. Câu nói “Đừng tin những gì CS nói mà nhìn những gì CS làm” đã quá phổ biến trong đầu óc và miệng lưỡi của mọi người ở hai bên. Chỉ có những việc làm đích thực đến từ những lời hứa nghiêm túc mới có thể bắt đầu quy trình HGHH.


&&&&&&&&


Từ những suy ngẫm trên, tôi tin sự HGHH giữa hai bên thù địch sau 40 năm hòa bình là điều không tưởng cho Việt Nam trong tương lai gần. Nhiều người còn nêu lý do sâu xa hơn về thái độ bảo thủ kiên định của các quyền lực bên phe XHCN, hay nói về những hận thù của các thuyền nhân bị mất người thân, tài sản… Họ đều đúng vì người có tài sản thâu tóm được sau 1975 sẽ không bao giờ “hy sinh” lợi ích riêng cho cái viển vông của lý tưởng HGHH. Người bị cướp của trắng trợn cũng khó thể nào mở lòng và ngồi HGHH thoải mái với người gây đau khổ cho mình?


Tệ hại hơn nữa, nhiều chính trị gia từ 2 bên, dùng mồi HGHH để câu khách thêm cho phe mình, được sắp xếp như một chương trình PR qua nhiều “bánh vẽ” với nhiều mưu tính ở sân sau.


Theo suy nghĩ cá nhân của tác giả, những gì chưa thể làm được thì nên im lặng đợi lúc “thiên thời”. Hãy để một hay vài thế hệ mới, với một dân trí và tư duy của thế kỷ mới, bắc cầu tiếp nối. Với HGHH, chắc chắn Việt Nam sẽ tạo thêm được một lực đẩy mới, giúp nhiều cho sự phát triển kinh tế và dân sinh như mong ước. Nhưng chém gió mãi về một giải pháp chưa thể khả thi chỉ làm chúng ta sao lãng những việc phải làm trước mặt và gây nên những thất vọng mới cho lớp trẻ.


HGHH phải xếp hàng đợi vậy…


Alan Phan**************

-Chế độ cộng sản VN sụp đổ, người Việt mới có hòa hợp hòa giải? Trà Mi-VOA 17.04.2015

Chiến tranh Việt Nam chấm dứt cách đây 4 thập niên, nhưng mâu thuẫn trong nội bộ người Việt dẫn tới cuộc chiến và phát sinh từ sau ngày 30/4/75 tới nay vẫn chưa được hóa giải bất chấp những nỗ lực ‘hòa hợp hòa giải dân tộc’.
... hòa giải với những người trong chế độ Việt Nam Cộng hòa là hòa giải về mặt tinh thần. Còn hòa giải với những người có quan điểm đối lập với chính quyền do đảng cộng sản Việt Nam kiểm soát hiện nay là hòa giải thực tế.

Cù Huy Hà Vũ

Nguyên nhân vì sao và làm thế nào để người Việt thật sự ‘hòa hợp-hòa giải’ với nhau? Đó cũng là nội dung cuộc trao đổi hôm nay giữa Trà Mi VOA với một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng xuất thân từ gia đình cách mạng có công lớn với chế độ cộng sản Việt Nam, người từng lãnh án tù vì các hoạt động đấu tranh dân chủ và bị trục xuất sang Mỹ tị nạn chính trị cách đây một năm: Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ.

VOA: Khái niệm ‘hòa hợp hòa giải’ được nhắc tới rất nhiều, nhưng mấu chốt của mâu thuẫn cần hòa hợp hòa giải là gì?

TS Hà Vũ: Mọi người vẫn hay nói tới ‘hòa hợp hòa giải’, nhưng cần phải làm rõ rằng thứ nhất đây là sự hòa giải giữa chính thể cộng sản hiện hành với những người đã làm việc trong chính thể Việt Nam Cộng hòa trước 30/4/1975. Thứ hai là sự hòa giải với những người đang sống tại Việt Nam và phản đối chế độ độc tài của đảng cộng sản Việt Nam. Tựu chung lại, hòa giải với quá khứ hay hiện tại. Nói cách khác, hòa giải với những người trong chế độ Việt Nam Cộng hòa là hòa giải về mặt tinh thần. Còn hòa giải với những người có quan điểm đối lập với chính quyền do đảng cộng sản Việt Nam kiểm soát hiện nay là hòa giải thực tế.

VOA: Theo nhận xét của ông, giữa người Việt trong và ngoài nước, giữa hai ý thức hệ cộng sản và dân chủ tư bản trong lòng người Việt đã ‘hòa,’ ‘hợp’ và ‘giải’ đã đạt tới mức nào sau 40 năm chiến tranh kết thúc?

TS Hà Vũ: Phía chính quyền cộng sản Việt Nam không hề có thiện chí bởi vì nói đến hòa giải tức là phải chấp nhận quan điểm chính trị đối lập. Đằng này họ chỉ là lợi dụng nhằm tháo gỡ những khó khăn về mặt kinh tế, tháo gỡ những cái nhìn rất xấu về một chế độ toàn trị luôn thù địch với những ai có quan điểm ngược lại với quan điểm của mình. Để bắt đầu đi vào hòa giải thực chất với quá khứ, yêu cầu đầu tiên là phải công nhận Việt Nam Cộng hòa là một chính quyền của người Việt ở miền Nam trước năm 1975. Thứ hai, để thực hiện sự hòa giải, khi mời người Việt ở nước ngoài về nước thì cũng phải bảo đảm cho họ quyền tự do ngôn luận, thể hiện quan điểm chính trị của họ về dân chủ-tự do hoặc thậm chí về chính thể Việt Nam Cộng hòa.
... không thể có hòa giải với chính quyền cộng sản Việt Nam mà chỉ có thể giải thể chế độ cộng sản này đi. Một khi chế độ cộng sản Việt Nam bị giải thể thì tự dưng sẽ có sự hòa giải giữa các quan điểm khác nhau. Bởi vì lúc đó, chế độ sẽ là dân chủ-đa đảng, ai cũng có quyền nói lên quan điểm của mình, không còn ai bị coi là thù địch với ai nữa, mà đó chỉ là sự khác biệt hay đối lập về mặt chính trị mà thôi.
Cù Huy Hà Vũ

VOA: Ông nhận xét thế nào về thiện chí hòa hợp hòa giải của phía những người có quan điểm đối lập với đảng cộng sản Việt Nam?

TS Hà Vũ: Tôi nghĩ người Việt bất cứ lúc nào cũng hướng về Tổ quốc, muốn đóng góp để vừa bảo toàn lãnh thổ của quốc gia Việt Nam, đặc biệt trước sự xâm lăng từ phía Trung Quốc. Tôi biết tất cả người Việt ở nước ngoài, đặc biệt ở Mỹ, đau đáu chuyện đó, rất muốn đóng góp. Mọi người muốn dùng tiềm năng từ kinh tế cho tới chất xám, kể cả các quan hệ chính trị và ngoại giao, để giúp Việt Nam có thể phát triển thành một nước được kính trọng trên thế giới. Thế nhưng, đúng là có sự luôn luôn chống cộng sản tới cùng, không chấp nhận chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay. Tôi không cho đấy là thiếu thiện chí, mà đấy là một quan điểm chính trị.

VOA: Những người thân chính phủ cộng sản Việt Nam cho rằng chỉ có thể hòa hợp hòa giải với những người có thiện chí, có tinh thần xây dựng, chứ không thể hòa hợp hòa giải với những thành phần chỉ muốn đối đầu, chỉ muốn mặc cả để làm điều kiện. Ý kiến ông ra sao?

TS Hà Vũ: Quan điểm như vậy là độc tài, tức là họ chỉ cho rằng họ là duy nhất có chân lý, họ cho rằng những người nào chấp nhận chế độ cộng sản mới là người có thiện chí. Trong khi đó, hòa giải là đi đến giải quyết một cách hòa bình giữa các quan điểm chính trị khác biệt, thậm chí đối lập với nhau, để tìm ra một mẫu số chung.

VOA: Vấn đề ở đây là mỗi bên cần thay đổi cách nhìn về nhau. Phía bên kia cũng có thể lập luận ngược lại rằng ‘Nếu muốn tôi thay đổi cách nhìn và tạo niềm tin hơn nữa đối với tôi, thì anh cũng phải thay đổi cách nhìn về tôi. Thay vì anh chỉ muốn xóa bỏ chế độ cộng sản Việt Nam, thì có thể có một cách khác cùng hàn gắn và cùng nhau phát triển.’ Phản hồi của ông thế nào?

TS Hà Vũ: Tôi đã có những kinh nghiệm rất cụ thể rồi. Năm 2010, chính tôi đã đưa ra những giải pháp đầu tiên để bắt đầu những sự hòa hợp hòa giải. Đó là phải gọi tên đúng của cuộc chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến. Tôi cũng đưa ra một giải pháp nữa là công nhận những chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh tại Hoàng Sa trong cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc để bảo vệ lãnh thổ Việt Nam. Thế nhưng, cho tới giờ, chính quyền cộng sản Việt Nam không những không chấp nhận đề nghị của tôi, (tôi đã làm kiến nghị gửi Quốc hội), mà lại còn bỏ tù tôi. Thành ra, cuối cùng tôi rút ra kết luận là không thể có hòa giải với chính quyền cộng sản Việt Nam mà chỉ có thể giải thể chế độ cộng sản này đi. Một khi chế độ cộng sản Việt Nam bị giải thể thì tự dưng sẽ có sự hòa giải giữa các quan điểm khác nhau. Bởi vì lúc đó, chế độ sẽ là dân chủ-đa đảng, ai cũng có quyền nói lên quan điểm của mình, không còn ai bị coi là thù địch với ai nữa, mà đó chỉ là sự khác biệt hay đối lập về mặt chính trị mà thôi.

VOA: Nhiều người đặt vấn đề vì sao đối với ‘người ngoài’ như quốc gia cựu thù Mỹ, chính phủ cộng sản Việt Nam có thể hòa hợp hòa giải, bỏ qua quá khứ, tiến tới cùng hợp tác xây dựng nhanh chóng và hiệu quả hơn đối với ‘người nhà’ là những đồng bào khác ý thức hệ với họ? Phải chăng lòng hận thù của người Việt mình chưa được hóa giải nên mâu thuẫn mới kéo dài cho tới ngày hôm nay?

TS Hà Vũ: Trước hết, tôi khẳng định chuyện chính quyền cộng sản Việt Nam hiện nay thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, nước cựu thù trong chiến tranh, là vì vấn đề ngoại giao và vụ lợi về mặt kinh tế. Tiếp nữa, chính quyền cộng sản Việt Nam đang bị Trung Quốc tấn công trên mọi phương diện nên họ cần tìm kiếm những hỗ trợ từ bên ngoài.

VOA: Hoa Kỳ là một bên tham chiến góp phần tạo sự rạn nứt trong xã hội Việt Nam. Theo ông, quan hệ Việt-Mỹ có ảnh hưởng ra sao đến việc hòa hợp hòa giải dân tộc Việt Nam?

TS Hà Vũ: Việc Mỹ quay trở lại Châu Á, Đông Nam Á và có thiện chí tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam, tôi tin rằng sự trở lại đó của Mỹ chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến việc dân chủ hóa Việt Nam. Trên cơ sở đó, phong trào dân chủ ở Việt Nam sẽ được tạo điều kiện để phát triển. Chính phong trào dân chủ ở Việt Nam sẽ là nhân tố quyết định để đưa đến một sự hòa giải thật sự, tức là giải thể chế độ cộng sản Việt Nam.

VOA: Ngoài sự ảnh hưởng của mối quan hệ Việt-Mỹ, riêng đối với những người Việt với nhau, ông có đề nghị gì không để tạm gác chuyện ‘được-mất’ trong quá khứ để cùng hướng tới chuyện ‘được-mất’ trong tương lai người Việt?

TS Hà Vũ: Đảng cộng sản Việt Nam hãy chủ động từ bỏ chế độ toàn trị của mình đi, thực hiện dân chủ-nhân quyền mà bước đầu là phải xóa bỏ các điều luật đàn áp dân chủ-nhân quyền như 79, 88, và 258 trong Bộ luật Hình sự, trả tự do cho các tù nhân chính trị, bảo đảm những quyền cơ bản của công dân Việt Nam bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình, tự do tôn giáo và đề ra lộ trình tiến hành bầu cử tự do.

VOA: Trong lộ trình hòa hợp hòa giải ông đề nghị, bản thân là con trai một công thần của nhà nước cộng sản Việt Nam thoát ly đấu tranh dân chủ dẫn tới cuộc sống lưu vong tại Mỹ hiện nay, nhìn thấy ý hướng của người cộng sản từ trong nước và hiểu được mong muốn khát khao của người Việt hải ngoại khi ra đây, ông nghĩ mình có thể góp phần thế nào thúc đẩy tiến trình hòa hợp hòa giải của người Việt nhanh và hiệu quả hơn?

TS Hà Vũ: Việc tôi có mặt tại Mỹ, đương nhiên tôi vẫn phải tiếp tục cuộc đấu tranh vì dân chủ-nhân quyền Việt Nam. Người Việt ở nước ngoài có thể đóng góp vào tiến trình hòa giải thực chất, tức là đưa tới chế độ dân chủ-đa đảng, bằng cách nêu quan điểm của mình trên các phương tiện đại chúng đặc biệt là internet để người Việt trong nước hiểu thêm thế nào là chế độ dân chủ; gây sức ép với chính quyền Mỹ cả lập pháp lẫn hành pháp để Mỹ có biện pháp thúc đẩy dân chủ-nhân quyền Việt Nam thông qua hợp tác kinh tế, hợp tác tương trợ về quân sự, và ngoại giao; ủng hộ trực tiếp những người đấu tranh dân chủ trong nước. Kết luận lại, việc hòa giải chỉ có thể diễn ra khi chế độ cộng sản Việt Nam được chấm dứt.

VOA: Xin cảm ơn Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.

**********

-'Hòa giải Mỹ - Việt dễ hơn với nội bộ VN'

Chính quyền Việt Nam chuẩn bị đánh dấu 40 năm ngày 'Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước' trong tháng Tư này.

Hòa giải Mỹ - Việt sau 40 năm ngày 30/4 'dễ dàng' hơn là giữa nội bộ người Việt trong và ngoài nước, theo ý kiến của khách mời Bàn tròn Thứ năm của BBC Việt ngữ hôm 16/4/2015.
Trong khi đó, cũng có ý kiến nói việc hòa giải dân tộc giữa người Việt với nhau 'khác với' hòa hợp giữa một bộ phận của người dân Việt Nam với chính quyền và đảng cộng sản hiện nay, một quan điểm chia sẻ với cuộc Tọa đàm với chủ đề "30/4, quá khứ và tương lai", của BBC Việt ngữ.
Trước câu hỏi liệu việc hòa giải Việt - Mỹ có 'dễ hơn' so với hòa giải nội bộ Việt Nam hay không, bà Thảo Griffiths, Trưởng đại diện của Quỹ Cựu chiến binh Hoa Kỳ tại Việt Nam (VVAF) nói với Tọa đàm:
"Tôi đồng ý. Việc hòa giải giữa hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ, chúng ta đã làm được rất nhiều, có thể nói là chúng ta đã làm xong, gần xong, và chúng ta đang xây dựng quan hệ chiến lược toàn diện với nhau.
"Nhưng việc khó khăn nhất là việc hòa giải giữa người Việt trong nước và người Việt ở nước ngoài.

Thực sự nếu mà nói chữ hòa hợp và hòa giải, thì nó phải đòi hỏi hòa hợp, hòa giải hai chiều. Tức là có chiều bên kia và có chiều bên đây.

(Nhà báo Trần Nhật Phong)


"Chứ còn người Việt trong nước giữa miền Bắc và miền Nam, tôi nghĩ là vấn đề không có nặng nề," bà Thảo Griffiths nói với BBC từ Hà Nội.
'Hòa giải chỉ một chiều'

Nhà báo Trần Nhật Phong từ California, Hoa Kỳ nêu quan điểm:

"Mọi người có vẻ lầm lẫn giữa hòa hợp và hòa giải. Hòa hợp và hòa giải không phải là hòa hợp, hòa giải dân tộc, mà là với chính quyền bên đó.

"Chứ thực sự, cá nhân gia đình tôi, hay là bạn bè tôi ở đây vẫn có những người sinh sống ngoài Bắc trong thời gian chiến tranh hoặc sau đó.

"Chúng tôi hoàn toàn không có gì thù hận nhau cả, cho nên không có chữ hòa hợp hay là hòa giải dân tộc ở đây, mà sự hòa giải giữa chính quyền với những người ở bên kia chiến tuyến mà thôi, chứ không phải là dân tộc. Chúng ta phải rõ khái niệm đó...

"Thực sự nếu mà nói chữ hòa hợp và hòa giải, thì nó phải đòi hỏi hòa hợp, hòa giải hai chiều. Tức là có chiều bên kia và có chiều bên đây.



Nhiều thương hiệu của Mỹ từng hiện diện ở miền Nam Việt Nam trước đây đã trở lại đất nước này sau mấy thập niên hậu chiến.

"Xưa nay về chính sách thì phía Việt Nam có đưa ra, nhưng chính sách đó hoàn toàn không có tâm và nỗ lực thực sự, mà nó chỉ là ngôn ngữ bề ngoài mà thôi.

"Tại vì nếu anh đã nói ngôn ngữ hòa hợp, hòa giải, tức là chấp nhận sự khác biệt của đôi bên để tiến tới gần nhau, nhưng ở bên trong đó có bao giờ chấp nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ chưa?

"Chưa bao giờ! Chính quyền chưa bao giờ thừa nhận và những ai cầm lá cờ đó lên đều bị đối xử một cách rất khắc nghiệt; như vậy chữ hòa hợp, hòa giải đó, tôi nghĩ không phải là điều mà phía chính quyền bên đó muốn."


Nhà báo Trần Nhật Phong còn trích dẫn ý kiến của một học giả bên Hoa Kỳ cho rằng chính quyền Việt Nam "chỉ muốn hòa hợp, chứ không muốn hòa giải."

Theo tôi nghĩ là phải một vài thế hệ nữa, phải là 20 năm hoặc 30 năm nữa, mới có thể hòa giải dân tộc được. Ngay bây giờ, hiện tại bây giờ, tôi nghĩ rằng rất là khó hòa giải, hòa hợp dân tộc
(Cựu Đại úy Hoàng Sơn Long)

"Tức là chỉ muốn người ta chấp nhận họ, chứ họ không muốn chấp nhận người khác," nhà báo giải thích thêm quan điểm này.

'Một vài thế hệ nữa?'

Từ San Jose, California, Hoa Kỳ, cựu Đại úy Hoàng Sơn Long, sỹ quan bộ binh quân lực Việt Nam Cộng hòa nêu quan điểm về việc hòa giải, hòa hợp dân tộc dễ hay khó.

Ông nói:

"Theo tôi nghĩ là phải một vài thế hệ nữa, phải là 20 năm hoặc 30 năm nữa, mới có thể hòa giải dân tộc được.

"Ngay bây giờ, hiện tại bây giờ, tôi nghĩ rằng rất là khó hòa giải, hòa hợp dân tộc.

"Thứ nhất là đối với chính quyền Việt Nam hiện tại, họ không có thành tâm, không có thiện ý.

"Ngay cá nhân tôi có thể quên đi quá khứ, về Việt Nam làm việc.

"Nhưng với môi trường hiện tại, thì những người Việt ở hải ngoại không thể nào về Việt Nam làm một chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc được.

"Cái đó là thực tế. Nhiều bạn bè tôi đã bỏ tiền, đã quên đi quá khứ để về Việt Nam xây dựng.Cuộc chiến Việt Nam kéo dài 20 năm khép lại vào ngày 30/4/1975.
"Nhưng rốt cuộc họ phải trở về Mỹ sống, họ không thể làm được," ông Hoàng Sơn Long nói.
Ngày của sám hối?

Từ Paris, ông Võ Văn Ái, nhà vận động cho tự do tôn giáo, nêu quan điểm cần ứng xử với ngày 30/4 và sử dụng dịp tròn bốn mươi năm sự kiện này ra sao.
"Điều kiện tiên quyết là Đảng Cộng sản có thể mang lại một tương lai tốt đẹp cho dân chúng Việt Nam là phải có một cuộc sám hối và lấy ngày 30/4 làm ngày sám hối với toàn dân của Đảng cộng sản.
"Đấy là điều tôi thấy là một sự kiện hết sức cụ thể, có thể làm được, nếu Đảng Cộng sản muốn mình là người Việt Nam, muốn xây dựng cho đất nước Việt Nam," ông Võ Văn Ái nói với BBC từ Pháp.
Hướng về tương lai thì tôi và thế hệ của tôi, tôi nghĩ rất hy vọng sẽ có đa nguyên, đa đảng trong nước Việt Nam
Kỹ sư Đoàn Xuân Tuyến (trái)

Bình luận lại ý kiến này, nhà báo Trần Nhật Phong từ California nói:
"Tôi đồng ý với ông Võ Văn Ái là cơ chế trong nước cần phải thay đổi để đưa đất nước, dân tộc đến một con đường tốt hơn.
"Con đường hiện nay chưa được tốt.
"Con đường hiện nay vẫn đưa dân tộc vào bế tắc.
"Và vấn đề lòng người của hai phía sẽ không bao giờ được thống nhất, nếu như dân tộc tiếp tục lâm vào bế tắc,"
nhà báo Trần Nhật Phong nói.
Kỳ vọng cho tương lai

Bốn thập niên đã qua kể từ ngày 30/4/1975 vốn khép lại cuộc chiến Việt Nam kéo dài hai mươi năm vốn được coi là một trong các cuộc chiến 'khốc liệt nhất" trong lịch sử thế kỷ XX mà tới nay vẫn ít nhiều mang tính tranh cãi.
Nhân dịp này, các khách mời chia sẻ với Bàn tròn của BBC những kỳ vọng, viễn kiến của họ cho Việt Nam trong tương lai.

Đất nước Việt Nam 'đang tốt lên' và thế hệ trẻ sẽ có nhiều việc phải làm, theo ý kiến của khách mời của BBC.
Kỹ sư Đoàn Xuân Tuyến, một người sinh ở Đà Nẵng và đã theo gia đình di tản chiến tranh vào Sài Gòn ngay khi thành phố duyên Hải Nam Trung Bộ bị bộ đội Bắc Việt tấn công trong cuộc Tổng tiến công vào mùa Xuân 1975, nói với Bàn tròn:
"Hướng về tương lai thì tôi và thế hệ của tôi, tôi nghĩ rất hy vọng sẽ có đa nguyên, đa đảng trong nước Việt Nam.
"Vì còn rất nhiều đất nước vẫn còn bất đồng với chế độ và nghĩ rằng chế độ sẽ không đem đất nước tiến lên được sau mấy chục năm qua và có nguy cơ thụt lùi nữa so với
những nước láng giềng.
Tôi thấy rằng đất nước của chúng ta đang tốt lên. Vậy thì tôi cũng rất kỳ vọng rằng lòng người sẽ ấm lên và chúng ta có rất nhiều việc cần phải làm, đặc biệt là những người trẻ
như thế hệ của tôi
(Bà Thảo Griffiths, Trưởng Đại diện VVAF)
"Tôi nghĩ có đa nguyên, đa đảng sẽ có nhiều sự đóng góp của nhiều thành phần của xã hội, hiện tại có nhiều người nằm ở ngoài lề của xã hội, với thể chế hiện tại," Kỹ sư Đoàn Xuân Tuyến chia sẻ.
Còn Trưởng Đại diện Quỹ Cựu chiến binh Hoa Kỳ tại Việt Nam, bà Thảo Griffiths thì nói:
"Phần lớn người dân Việt Nam đều sinh ra sau năm 1975, mặc dù gia đình tôi sinh sống ở bang Victoria của Úc, nhưng tôi chọn trở lại Việt Nam và sử dụng phần lớn thời gian của mình làm việc tại Việt Nam.
"Bởi vì tôi muốn được cùng với mọi người vô cùng bận rộn và vui mừng để được xây dựng giấc mơ Việt Nam của mình, như là nhà báo Trần Nhật Phong có nói rằng nếu đất nước tốt lên, thì lòng người sẽ ấm lên. Tôi thấy rằng đất nước của chúng ta đang tốt lên.
"Vậy thì tôi cũng rất kỳ vọng rằng lòng người sẽ ấm lên và chúng ta có rất nhiều việc cần phải làm, đặc biệt là những người trẻ như thế hệ của tôi và kỹ sư Tuyến," bà Thảo Griffiths chia sẻ với BBC.

Quý vị có thể theo dõi toàn văn cuộc tọa đàm Bàn tròn thứ Năm của BBC về "30/4: quá khứ và tương lai" tại đây.

(BBC)
*************

-Nguồn:Một Nơi Còn Trắng

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
 “Sẽ không để vùng trống, vùng trắng trong công tác kiều bào.”
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn 
 Nghị quyết 36 được ký vào ngày 26 tháng 3 năm 2004. Ngay sau đó, lác đác, có tiếng vỗ tay tán thưởng:
- Nhạc sĩ Phạm Duy: “Chính phủ Việt Nam  vừa làm một chuyện hết sức ngoạn mục… Đó là một cách đưa tay ra với những người thua trận… Thật tuyệt vời. Đất nước đã đổi thay thế nào thì cùng lúc một viên tướng (ông Nguyễn Cao Kỳ), một nhà sư (thiền sư Thích Nhất Hạnh) và một nhạc sĩ lại cùng trở về.”
-  GS-TS Nguyễn Đăng Hưng (Việt kiều tại Bỉ): “… từ khi nghị quyết này được ban hành, có nhiều con tim đã vui trở lại!”
Âm thanh của những tiếng vỗ tay này – nghe ra – có phần hơi gượng gạo và không được vang xa. Do đó, khi “viên tướng, nhà sư và nhạc sĩ cùng về” thì nơi những bản làng (heo hút) vẫn có những kẻ bồng bế, dắt díu nhau đi.
Ông Thắng A Di, 38 tuổi, là một trong những người đã ra đi trong cảnh muộn màng (và lỡ làng) như thế. Gốc sắc tộc Hmong, quê ở Bắc Hà, ông cùng cha mẹ vợ con rời Lào Cai đến Đắc Lắc, rồi vượt biên sang Lào, và từ đó vượt sông qua nước Thái.
“Cùng với 6.500 người Hmong khác, cũng chạy nạn từ Lào sang, gia đình ông Thắng A Di bị nhà cầm quyền Thái Lan coi là những di dân bất hợp pháp. Từ ngày 4 tháng 7, họ bị xua đuổi và không còn chỗ nào khác hơn là tập trung trên hành lang dài 2 KM, dọc theo con lộ chính nơi Bản Làng Bên Dòng Sông Trắng. Họ che những tấm vải nhựa, nhưng rõ ràng là khó vượt qua được cái nóng vẫn còn gay ắt, hoặc những trận mưa đầu mùa ở vùng đông Bắc Thái … Họ đã trải qua bốn ngày điêu đứng như người chạy loạn, không nơi che mưa nắng, không thực phẩm, không nước sạch, kể cả không có chỗ làm công việc vệ sinh cần thiết …” –  theo như tường trình của đặc phái viên Nam Nguyên, từ Bangkok,nghe được qua RFA trong hai hôm 07 và 28 tháng 7 năm 2005.
Ông Thắng A Di, và những người Việt Nam đồng cảnh (rõ ràng) đã đi không đúng lúc, và tới không đúng nơi – wrong time and wrong place – theo như cách nói của đời thường. Còn theo ngôn ngữ của (đương kim) Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn thì họ đã đến những vùng trống và vùng trắng.
Trong một cuộc họp báo tại Hà Nội, vào ngày 10 tháng 7 năm 2008, ông Thứ trưởng đã long trọng tuyên bố: Sẽ không để vùng trống, vùng trắng trong công tác kiều bào.” Gần hơn, khi trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, hôm 7 tháng 6 năm 2009, nhân vật này còn cho biết thêm là sẽ có nhiều “khởi sắc” và “đột phá” trong chính sách đãi ngộ Việt kiều.
Với chủ trương “khởi sắc” và “đột phá trong chính sách đãi ngộ Việt kiều, và với quyết tâm “sẽ không để vùng trống, vùng trắng trong công tác kiều bào” của nhà nước Việt Nam (như vừa trích dẫn) tôi tin rằng số phận của ông Thắng A Di –  cũng như của của tất cả những người Việt ở Ban Huay Nam Khao, hay còn có tên gọi (thơ mộng) là Bản Làng Bên Dòng Sông Trắng – sẽ hoàn đổi khác, nếu họ đi vượt biên… trễ lại độ vài năm!
Hai em gái Việt Nam (tám và mười tuổi) trong một động mãi dâm ở Svay Pak, cách Sứ Quán Việt Nam tại Phnom Penh chừng 10 cây số. Nguồn:Shanghai Star.
 Cũng bằng vào niềm tin này, và bằng vào nội dung của Chỉ thị 19 (do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký vào ngày 6 tháng 6 năm 2008 để chấn chỉnh “những hạn chế, yếu kém trong việc nắm tình hình người Việt Nam ở nước ngoài…”) tôi xin được để cập đến một nơi còn rất trống và rất trắng: Svay Pak, hay còn có tên gọi khác là  Khu Đèn Đỏ, hoặc “Mecca for paedophiles”(“Thánh Địa Ấu Dâm”) ở Cambodia.
Từ Phnom Penh, nhà báo Nicholas D. Kritstof, có bài tường thuật “The Evil Behind the Smiles”  về sinh hoạt của Việt kiều tại địa phương này (The New York Times – December 31, 2008) xin ghi lại một vài đoạn ngắn:
Sina (*) là người Việt, nhưng bị bắt cóc từ lúc mới tuổi 13, và bị mang vào Cambodia, để được tập dùng ma túy. Em kể sau đêm đầu tiên ở xứ Tháp Chùa, em tỉnh thức và thấy mình trần truồng, người đầy máu me, cùng nằm chung giường với một ông Tây da trắng, không biết người xứ nào, là kẻ đã bỏ tiền trả cho tú bà để phá trinh em.
Sau đêm đó, em bị khóa chặt trong phòng trên gác một khách sạn xinh đẹp để chủ chứa chào hàng với khách Tây hay dân đại gia Cam Bốt. Em kể là em đã bị tẩn nhừ đòn vì không chịu cười đùa và tỏ ra cợt nhả để quyến rũ khách mua hoa. Câu tiếng Miên đầu tiên mà tôi phải học thuộc, là ‘Em muốn làm tình với anh’, còn câu tiếng Anh đầu tiên của tôi thì quá tục tĩu, không thể nói ra ở đây, em kể.
Thế là Sina phải thuộc nằm lòng bài học tươi cười nhũng nhiễu với đàn ông thường bằng tuổi bố mình vì nàng không muốn no đòn do không kéo níu được một gã đàn ông. Nhưng cũng có khi em lảng tránh khách vì người ê ẩm do lao động thể xác quá độ, để rồi sau đó bị kéo đầu xuống phòng tra tấn nằm dưới tầng hầm.
Hầu như nhà chứa nào cũng có phòng tra tấn như vậy cả, em bảo. Các phòng này phải ngầm dưới đất để các tiếng rú của nạn nhân thét to không thoát ra bên ngoài làm người khác hay.
Cũng như ở bất cứ nhà chứa nào, phương thức tra tấn được dùng phổ thông nhất, là roi điện. Sina thường bị trói gô lại, nhúng vào nước, xong mới bị quất bằng dây điện cắm vào nguồn điện 220 volts từ tường. Những nhát roi như muốn xé thịt, nhiều lần làm nạn nhân té đái hay phọt cả phân, và xỉu tại chỗ.
Bị điện giật có vẻ thích hợp cho việc dằn mặt của kỹ nghệ đĩ điếm vì các nhát roi chỉ làm đau và gây kinh hoàng cho nạn nhân nhưng không để lại thương tích bên ngoài để làm giá cả món hàng thịt người bị giảm sút. Sau khi bị đánh và bị giật điện, Sina kể là em còn bị nhốt truồng như nhộng trong một quan tài gỗ đầy kiến lửa. Bên trong quan tài tối thui,ngột ngạt và chật chội đến nỗi em không thể dùng tay để phủi kiến. Nước mắt ràn rụa của em đã làm mấy con kiến bu ở khóe mắt trôi đi. Hình phạt bị nhốt vào quan tài thường kéo dài từ một đến hai ngày liền, và chuyện bị nhốt và bị kiến đốt đã trở thành cơm bữa.”
Đoạn văn thượng dẫn được chuyển ngữ bởi nhà báo và nhiếp ảnh giaNgyThanh, Trong một thiên bút ký của chính ông (tựa là Lẽ ra đừng tới) hiện đang đăng nhiều kỳ trên tuần san Thời Báo, tác giả cho biết thêm rằng:
“Svay Pak là làng điếm truyền thống gồm những căn nhà vừa gạch vừa bê tông làm nơi chứa gái bán dâm đến từ Việt Nam, công khai mời chào ‘boom boom’(làm tình với bé gái) và ‘yum yum’ (khẩu dâm với bé trai) với giá mạt hạng chỉ 5 đô trong những vuông phòng chật hẹp được ngăn ra bằng ván ép xập xệ…
Va qua, thủ tưng Hun Sen đã thề (lại thề!) đi diện vi tệ nạn buôn ngưi, và bà Bộ trưởng Mu Sokhour đặc trách Các Vn Đề Phụ Nữ ha là nhà nưc sẽ chn chỉnh. “Chúng tôi thấy rõ ràng nạn buôn ngưi, đặc biệt là gái tơ t Việt Nam; ai cũng gặp chúng trong nhà chứa.”
 Lời thề hay lời hứa, như vừa dẫn, tuy không có giá trị cao nhưng ít nhất nó cũng làm cho thiên hạ được an tâm (phần nào) vì những giới chức cao cấp nhất của Nam Vang đã thừa nhận rằng đất nước của họ có vấn đề. Hơn hai muơi năm qua, kể từ khi những tệ nạn ở Svay Pak được giới truyền thông thế giới lưu tâm, chưa bao giờ người ta được nghe một lời thề hay lời hứa (xuông) tương tự từ những viên chức Việt Nam có thẩm quyền, ở Nam Vang – dù khoảng cách giữa Sứ quán và Khu Đèn Đỏ (xem ra) chỉ độ… mươi cây số, và dù người ngoại quốc đã có kẻ (sốt ruột) phải lên tiếng than phiền.
Trẻ em Việt Nam được cảnh sát Cambodia giải thoát trong một cuộc bố ráp các động mãi dâm ở Phnom Penh. Nguồn AFP.
 Ông Aaron Cohen, nhà phân tích độc lập về vấn đề buôn bán trẻ em vào đường mãi dâm, trong một cuộc phỏng vấn thực hiện bởi phóng viên Thanh Trúc (nghe được qua RFA, vào hôm tháng Giêng 2006) đã đưa ra nhận xét như sau:
“Tôi tự hỏi tại sao chính phủ Việt Nam không tạo áp lực với Cambodia về vấn đề đó. Tôi nghĩ là chính ông đại sứ Việt Nam ở Phnom Penh biết rõ các em gái nhỏ tuổi ở nước mình bị bán qua Cambodia mà không cố tìm cách ngăn chặn. Quả thực điều này tôi không hiểu ra.”
Câu chuyện còn khó hiểu hơn nữa nếu thiên hạ biết rằng nhà nước Việt Nam đã có thể gây áp lực khiến Nam Dương, và Mã Lai, phải đục bỏ những tấmbia tưởng niệm thuyền nhân – ở hai xứ sở này. Và theo The Jakarta Post (số ra ngày 1 tháng 8 năm 2009) họ cũng đang có yêu sách phải đóng cửa trại Galang, trong thời gian sắp tới.
Còn ở Cao Miên – nơi mà công an và cảnh sát Việt Nam có thể đi lại như chỗ không người, và họ đã thành công trong nhiều vụ bắt cóc người tị nạn ngay giữa ban ngày – việc hợp tác với chính quyền địa phương để xoá bỏ “Thánh Địa Ấu Dâm” (chắc chắn) là điều có thể thực hiện được, nếu Hà Nội thực sự quan tâm đến vấn để này, và thực lòng muốn làm như thế.
Sở dĩ phải rào đón trước sau (“như thế”) vì khi long trọng khẳng định “sẽ không để vùng trống, vùng trắng trong công tác kiều bào,” Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn – rất có thể – chỉ có ý muốn nói đến những vùng mà kiều bào có khả năng làm ra kiều hối mà thôi. Chứ còn ở Bản Làng Nơi Dòng Sông Trắng hay ở Svay Pak – những nơi mà Việt kiều không có cơm ăn nước uống hay phản bán thân nuôi miệng, và bán với giá rất bèo, nếu không thì bị “đánh đập mỗi ngày“ – thì chưa chắc đã là những vùng đất nằm trong đích nhắm của Chỉ thị 19 và  Nghị quyết 36.
Trong trường hợp này thì tôi xin lỗi là đã nói chuyện  lạc đề, và đã nói hơi lâu, làm mất thì giờ độc giả đã đọc đến dòng chữ cuối cùng này.
Tưởng Năng Tiến
  (*) Theo RFA (nghe được vào hôm 28 tháng 10 năm 2009) Sina tên thật là Nguyễn Thị Bích, quê ở Cần Thơ, vừa được trao Giải Frederick Douglass – hôm 13 tháng 10 năm 2009 – vì nỗ lực tự phục hồi bản thân cũng như quyết tâm phòng chống tệ nạn buôn người mà cô từng là nạn nhân.


-Việt Nam bị chỉ trích tại phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ  –   (VOA). – VN bị chất vấn về chính sách dân tộc   –   (BBC).-Chủ tịch nước tiếp đoàn đại biểu uy tín các dân tộc Hà Giang (VOV).--Ngân hàng Thế giới hỗ trợ Việt Nam phòng chống HIV/AIDS -VOA Tiếng Việt
Thứ Năm, 23 tháng 2 2012 Ngân hàng Thế giới hỗ trợ Việt Nam phòng chống HIV/AIDS Tân Hoa xã ngày 23/2 cho hay Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ tiếp tục cấp khoản vay trị giá 2,2 tỷ đồng cho dự án phòng chống HIV/AIDS tại Đà Nẵng. Tin này được đưa ra nhân hội ...
Số người nhiễm mới HIV ngày càng trẻ hóaDân Trí
Cả nước có gần 198.000 người nhiễm HIVĐài Tiếng Nói Việt Nam
2012: Kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS dưới 0,3%Thanh Tra----

Tổng số lượt xem trang