Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

Phạm Đình Nguyên - doanh nhân mua thị trấn Mỹ

--Người Việt Làm Chủ Một Thị Trấn Mỹ-

Thị trấn Buford chỉ có một cư dânNguyễn Xuân Nghĩa - Viết cho BBC từ California, Hoa Kỳ 
Cập nhật: 05:24 GMT - thứ bảy, 7 tháng 4, 2012 
"Có thẻ đỏ, đi tìm thẻ xanh".... 
Một người Việt ẩn danh quyết định mua thị trấn Buford vốn chỉ có một cư dân
Hôm Thứ Năm mùng năm vừa qua, gây sôi nổi cho dư luận Mỹ, và dĩ nhiên cả Việt Nam, là việc một nhà đầu tư người Việt đã mua trọn một thị trấn của tiểu bang Wyoming với giá 900.000 Mỹ kim qua sáu phút đấu giá trước sự chứng kiến của truyền thông và người hiếu kỳ ở địa phương.
Chưa được tổ chức thành một đơn vị hành chính độc lập, có tư cách pháp nhân riêng, thị trấn hay ngôi làng Buford này chỉ có một người dân, có thể gọi là thị trưởng hay xã trưởng, là ông Don Sammons, cư dân duy nhất của Buford.

Là cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam, ông Sammons làm chủ khoảnh đất rộng bốn mẫu tây trên cao độ 2.400 mét giữa một khu vực trống trải không người và sống nhờ trạm xăng giữa chốn đồng không mông quạnh nối liền thủ phủ Cheyenne với thành phố Laramie, xưa kia nổi tiếng là một tiền đồn.

Xưa kia Buford cũng là một tiền trạm tên là Buford Trading Post khi đường hỏa xa còn chạy qua, và thời hoàng kim có lúc dân số lên tới gần 2.000. Nhưng thời thế thay đổi, xe lửa không còn, Buford thành một trạm xăng cho xe cộ vượt gió trên xa lộ xuyên bang số 80 vào mùa Hè. Mùa Đông thì đây là vùng đất lạnh hoang vắng.

Muốn giã từ một nghề toàn thời "vì ngày làm 24 tiếng", để qua Colorado sống gần con trai và dự tính viết sách về những năm hiu quạnh, ông Sammons rao bán từ mùa Hè năm ngoái. Ông mừng đến ứa lệ khi bán được tài sản, kể cả hộp thư có mã số bưu điện duy nhất trên khắp nước Mỹ mà không phải chia cho ai. Làm chủ tập thể thì phiền lắm!


Hy hữu


Như trúng độc đắc, một người Việt, nghe đâu đến từ Sài Gòn, sẽ làm chủ bất động sản hy hữu này.

Hy hữu vì Buford được giới thiệu là "thị trấn nhỏ nhất Hoa Kỳ".

Thuật quảng cáo tuyệt vời của người Mỹ! Công ty trung gian rao bán đấu giá với giá chào là trăm ngàn đồng thì giới thiệu bất động sản gồm có: ngôi nhà tiền chế bằng gỗ xúc có ba phòng ngủ đã mua từ năm 1994; một nhà học xây từ năm 1905 nay dùng làm văn phòng; một chuồng có thể chứa ba xe rưỡi, xây từ năm 1895; và một lều gỗ hơn trăm tuổi nay là một nhà kho.

Nhờ lời quảng cáo là bán nguyên một thị trấn, mấy chục nhà đầu tư đã tham dự từ nhiều nơi nhiều nước và nâng giá khiến ông chủ cũ thu hoạch bất ngờ!

Hiển nhiên, phải là một "đại gia" thì mới đầu tư theo kiểu cưỡi gió xem hoa như vậy: họ đến xem xét hai giờ trước khi cuộc đấu giá bắt đầu, qua điện thoại và Internet.

Nhưng sẽ kiếm lời ra sao?

"Những người phát triển địa ốc tại Hoa Kỳ có nhiều nơi đầu tư 
an toàn và sinh lợi cao hơn nhiều. 
Họ chỉ ngạc nhiên về lối đầu tư như mua pháo toàn hồng của các đại gia kia."

Các nhà đầu tư có thể bùi tai hay lãng mạn tưởng tượng đến Las Vegas hoang vu trước khi thành kinh đô cờ bạc cực giầu của Nevada. Biết đâu, Buford cũng sẽ là Bình Khang, mà kiểu Mỹ? Hay là loại kiến trúc xuất hiện từ thời Viễn Tây của Mỹ trên cánh đồng Buford có thể là viện bảo tàng về một thị trấn giữa đàng nay đang rơi vào chốn lỡ làng? Mà dưới lòng đất, đôi khi Buford còn chứa dầu khí có thể bơm lên xài? Hay là ta đổi mới thành nông trại đón khách phương xa ở bên kia biển Thái bình?

Thật ra, Buford đã là kinh đô đón gió, thổ sản nổi tiếng của khu vực, chỉ thiếu mấy tháp gió của Trung Quốc là sẽ thành trung tâm sản xuất phong năng!

Những người phát triển địa ốc tại Hoa Kỳ có nhiều nơi đầu tư an toàn và sinh lợi cao hơn nhiều. Họ chỉ ngạc nhiên về lối đầu tư như mua pháo toàn hồng của các đại gia kia.

Nhưng, "đại gia" của Việt Nam vốn không lãng mạn.

Họ đầu tư vì lý do gì khác mà người phàm chẳng hiểu nổi, kể cả người Mỹ có máu phiêu lưu hoặc rất bén nhạy về kinh doanh.


Người Việt đầu tư


Người viết lại nghĩ đến đầu tư, một việc chính đáng đang được Hoa Kỳ khuyến khích. Vì vậy, xin nghiêm và buồn mà nói về chuyện đầu tư.

Nhiều người Việt đã từ trong nước đầu tư vào Hoa Kỳ, cả người và của.

Một số khu vực thương mại tại Quận Cam ở miền Nam California hay khu Bellaire của thành phố Houston bên Texas đã âm thầm đổi chủ và tưng bừng khai trương với nét trang trí độc đáo. Nhiều ngôi biệt thự nhìn qua là đã thấy kiến trúc "của ta": nguy nga tráng lệ trên khoảnh đất khỏi cần sân cỏ ở mặt tiền, nhưng nhà để xe thì kín đáo giấu vào trong. Bên ngoài, sau hàng rào sắt rất kiên cố là hai con nghê uy dũng đậm nét Trung Hoa.


Hình minh họa
Nhiều người từ trong nước đã âm thầm sang Mỹ đầu tư


Không chỉ đầu tư vào địa ốc, người Việt từ trong nước còn đầu tư vào con em, được gửi vào các trường học ít nhiều nổi tiếng của Mỹ.

Trong số này, con cháu đại gia thì sống cách khác, tháng tháng bước qua công ty đổi tiền nhận năm bảy ngàn đồng xanh để tiêu vặt. Các em hiên ngang tiêu xài vì có chính nghĩa: dọn bãi cho cha mẹ về sau có nơi an dưỡng tuổi già. Con cháu đám nạn dân hay thuyền nhân năm xưa thì nay chỉ ba cọc ba đồng chứ làm sao phe phẩy như vậy được?

Nhiều người thắc mắc vì hàng năm người Việt ở nước ngoài vẫn gửi tiền về cho thân nhân, con số chính thức của năm ngoái là chín tỷ Mỹ kim - gấp vạn lần nghiệp vụ đầu tư Buford! Trong số này, phần lớn là xuất phát từ Hoa Kỳ. Mà đấy là số chính thức, có thể chỉ bằng phân nửa con số thật.

Dĩ nhiên là trong số này cũng có tiền của người ở ngoài đầu tư vào trong, hoặc giúp cho gia đình đứng tên để góp phần xây dựng đất nước. Nhưng người thành công thì có thể đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay. Còn lại là những chuyện tái tê về sự lật lọng bất ngờ khi đến ngày hái quả.

Ngoài ra, vì những lắt léo của việc chuyển ngân – công ty chuyển ngân không ôm bó bạc của bạn đem về trao cho thân nhân ở nhà – mỗi nghiệp vụ gửi tiền về lại có thể mở ra một trương mục chuyển tiền đi.... Tất nhiên, có người hoài nghi nói đến chuyện "rửa tiền" khi đồng tiền phi pháp bên trong lại không cánh mà bay vào vùng đất sạch bên này. Kinh tế học rất lạnh lùng gọi đó là tẩu tán tư bản.

Năm 2005, Tổng thống George W. Bush đã có một cách trả lời rất Mỹ về chuyện đó: "thì đôla của ta lại trở về ta!" Nói theo lối thi vị thì cũng chỉ là "châu về Hợp Phố".


Đón nhận di dân


Đó là chuyện tiền. Về chuyện người, nếu theo dõi kỹ thì ta thấy Hoa Kỳ có chính sách kín đáo đón nhận di dân Việt qua cánh cửa mở rộng hơn nếu so với người Hoa từ Trung Quốc. Các cơ quan hữu trách của Mỹ biết khá rõ về đòn phép nhập cư của người Việt qua những diện hôn thú, tôn giáo hay du học, đầu tư, v.v.... Nhưng thủ vai Mỹ khờ và lẳng lặng bỏ qua. Chứ với người Hoa thì khác – mà chẳng ai nói ra vì mang tiếng kỳ thị.

Có thể là Hoa Kỳ nghiệm thấy sức sinh động của người Việt trong khu vực tiếp cận với các "Phố Tầu". Hay là trong mối quan hệ phức tạp hiện nay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, trên lãnh thổ Mỹ thì họ tin người Việt hơn vì truyền thống chống Trung Hoa xâm lược của dân tộc này.

Nhưng cũng có thể là họ sai, như đã từng nhiều lần trong lịch sử!

Vì kết quả là các đại gia đã có thẻ đỏ ở nhà mà lại chôm thêm tấm thẻ xanh của Mỹ thì sẽ ăn trùm thiên hạ. Cho nên nếu có đầu tư vào bãi đáp Buford thì vẫn là sáng.

Với Hoa Kỳ thì nhằm nhò gì chuyện đó.... trâu về Hợp Phố! Nhưng với Việt Nam e rằng khốn.
 
"Thu tiền về thì họ đầu tư qua Mỹ, để con em có chốn dung thân và bản thân có ngày hưởng nhàn trong cõi tự do. Có khi tự do lang thang trong cõi hoang vu của Mỹ."

Tại Việt Nam, người có chức có quyền – và vì vậy có tiền – đều có thể thoải mái bán hết nhờ 16 chữ vàng với Bắc Kinh. Và ưu tiên bán cho Trung Quốc mà chẳng ai kiểm soát hay kiện cáo linh tinh. Bí mật quốc gia mà! Thu tiền về thì họ đầu tư qua Mỹ, để con em có chốn dung thân và bản thân có ngày hưởng nhàn trong cõi tự do. Có khi tự do lang thang trong cõi hoang vu của Mỹ.

Cho đến ngày luật pháp Mỹ bỗng dưng lại cắc cớ hỏi về xuất xứ của đồng tiền đầu tư năm xưa. Xin cứ hỏi con cháu ông bà Marcos của Philippines thì rõ.

Nhưng còn lại, cái xứ sở bị rút ruột đó sẽ trôi về đâu?

_________________________________________________________

[Bài viết thể hiện quan điểm riêng của kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, sống tại California, Hoa Kỳ. BBC]

Phạm Đình Nguyên - doanh nhân mua thị trấn Mỹ

* “Không có gì là không thể”


TT - Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, doanh nhân đã thắng đấu giá thị trấn Buford là anh Phạm Đình Nguyên - tổng giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS), trụ sở tại TP.HCM.
Anh Nguyên đi cùng một người bạn bay từ TP.HCM sang Cheyenne (thủ phủ bang Wyoming, cách Buford khoảng 60km).
Anh đã vượt qua 25 người từ nhiều quốc gia trong một cuộc đấu giá nghẹt thở 11 phút, cũng được xem là dài nhất trong các cuộc đấu giá bất động sản ở Mỹ vốn chỉ mất khoảng 3 phút là nhiều.

Theo anh Nguyên, dù giá trị đấu giá chung cuộc 900.000 USD không phải là lớn “nhưng đây được xem là sự kiện được đông đảo báo giới quốc tế quan tâm do tính độc đáo của thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ này”.
“Một trong những hoạt động kinh doanh chính của IDS là phân phối, phát triển thị trường. Sở hữu một thị trấn như Buford là bàn đạp về mặt tinh thần để chúng tôi xuất khẩu sang thị trường Mỹ những thương hiệu Việt Nam. Đồng thời cũng là cơ hội để chúng tôi giới thiệu những thương hiệu mới mà chúng tôi sở hữu” - anh Nguyên cho biết.
Khẳng định mình không phải là “đại gia”, anh Nguyên cho hay việc tìm đến cuộc đấu giá này diễn ra rất nhanh.
“Ý tưởng mua một thị trấn chỉ mới cách đây không đầy hai tuần khi tôi tình cờ đọc được tin trên báo mạng. Thành thật mà nói, tôi chưa có một kế hoạch cụ thể nào cho thị trấn này. Nhưng một điều tôi nghĩ người Việt Nam chúng ta không nên tự ti. Không có gì là không thể!” - anh Nguyên nói.
Anh Nguyên có bà con bên Mỹ hỗ trợ cho vay để mua thị trấn này. Hiện người nhà bên Mỹ của anh Nguyên chỉ mới đặt cọc 100.000 USD. Trong 30 ngày tới, người nhà của anh Nguyên sẽ phải chuyển tiếp 800.000 USD còn lại.
Ngoài ra, anh Nguyên còn phải trả thêm một số chi phí liên quan việc làm giấy tờ, phí môi giới...
TRẦN VŨ NGHI
3 cách để mua bất động sản ở Mỹ
Ông L.Đ.T. - doanh nhân sinh sống và làm ăn tại TP.HCM - cho biết ông có nhiều bạn bè mấy năm trước đã sang Mỹ đầu tư, mua đất làm trang trại. Một nhóm bạn khác mua nhà để cho con cái sau này sang học tập, sinh sống. Giá một trang trại trung bình ở Mỹ dưới 1 triệu USD rao bán cũng khá nhiều. “So với giá những lô đất của họ đã có ở Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM), có những lô từng bán với giá 1,8 triệu USD (khoảng 36 tỉ đồng), biệt thự họ sống giá 40-50 tỉ đồng thì việc mua một trang trại vài trăm ngàn USD hoặc hơn 1 triệu USD không là chuyện quá lớn” - ông T. chia sẻ.
Theo ông T., có ba cách để mua bất động sản ở Mỹ mà bấy lâu nay các doanh nhân Việt Nam vẫn áp dụng.
Thứ nhất: lập công ty, có dự án đầu tư ở Mỹ, tiến hành làm thủ tục xin Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư) cấp phép, sau đó chuyển giấy phép này qua Ngân hàng Nhà nước để chuyển tiền sang Mỹ theo đúng mục đích đầu tư.
Thứ hai (khá phổ biến): doanh nhân Việt sẽ lấy “thẻ xanh” (green card) hay còn gọi là thẻ định cư và chuyển tiền theo nhu cầu. Có hai loại thẻ xanh: định cư hoặc đầu tư. Với trường hợp đi định cư, người định cư sẽ được mang tiền trong tài khoản sang Mỹ. Cá nhân người Việt sẽ nhờ luật sư tìm cơ hội kinh doanh ở Mỹ để đầu tư. Sau đó công ty ở Mỹ sẽ gửi hợp đồng hợp tác làm ăn và một hóa đơn yêu cầu chuyển tiền, cá nhân Việt Nam mang hợp đồng và hóa đơn này ra ngân hàng và chuyển sang Mỹ.
Theo ông T., cách đây 18 tháng, chỉ cần đầu tư 500.000 USD (hơn 10 tỉ đồng), trước kia là 1 triệu USD, sẽ được cấp “thẻ xanh” có thời hạn ba năm, sau đó gia hạn thêm ba năm nữa được bảo lãnh cho 10 người đi cùng. Sau ba năm làm ăn, chính quyền Mỹ sẽ xem xét lại tình hình kinh doanh và gia hạn thêm.
Thông thường cá nhân người Việt thường góp vốn, cổ phần với công dân Mỹ (gốc Việt), thường là bà con, lập công ty kinh doanh hoặc bất động sản ở Mỹ, dùng giấy phép của liên doanh này để chuyển tiền sang Mỹ.
Thứ ba: sẽ có đường dây chuyển tiền sang Mỹ không chính thức với phí vài phần trăm hoặc ít hơn tùy nơi.
L.NAM
-2 Người Từ VN Sang Mua 1 Thị Xã Hoa Kỳ(04/06/2012) Thị xã Buford đã bán với giá 900,000 đôla

BUFORD, Wyoming (VB) -- Hai người Việt Nam bay từ thành phố Sài Gòn sang đã mua nguyên một thị trấn ở tiểu bang Wyoming.

Thành phố Buford được quảng cáo là thị trấn nhỏ nhất ở Hoa Kỳ đã bán đấu giá cho 2 người Việt Nam với giá 900,000 đôla.

Buford nằm giữa 2 thị trấn Cheyenne và Laramie ở đông nam Wyoming.



Hai người VN chưa tiết lộ lai lịch đã biết tin qua mạng, và đã có mặt tại phòng đấu giá trong buổi đấu giá hôm Thứ Năm chỉ kéo dài 11 phút đồng hồ.

Các viên chức đấu giá nói người từ 110 quốc gia đã ghi danh để xem đấu giá trực tuyến, mặc dù không rõ bao nhiêu người trong đó có tranh thầu.

Hai người Việt này như thế đã trở thành chủ thị trấn Buford, nơi nằm dọc xa lộ I-80, và họ sẽ sở hữu một trạm xăng và tiệm tạp hóa, một trường học xây thời 1905, một ga-ra để xe, một gian nhà gỗ nhỏ, lô đất rộng 10 mẫu Anh, và một căn nhà có 3 phòng.

Thị trấn Buford chỉ có một cư dân là ông Don Sammons, 61 tuổi, vừa là thị trưởng vừa là chủ và vừa là cư dân duy nhất ở Buford.

Ông Sammons dự định sẽ dọn về Colorado để sống gần con trai của ông.

Thị trấn Buford từng là nơi có một trại lính, được xây để bảo vệ khu kiến trúc của tuyến xe lửa xuyên lục địa, nơi vào thập niên 1860s đã có khoảng 2,000 cư dân.

Dân số co cụm dần, khi trại lính dọn về thị xã Laramie, và thủ phủ quận đổi từ Buford sang Cheyenne.

Bây giờ, Buford, nơi được đặt tên theo vị tướng thời Nội Chiến Mỹ John Buford, được biết tới như là thị trấn nhỏ nhất Hoa Kỳ.

-Theo:2 Người Từ VN Sang Mua 1 Thị Xã Hoa Kỳ



-------

Tổng số lượt xem trang