Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Băn khoăn từ việc xử phạt kẻ hành hung nhà báo

-Khu vực thu hồi đất của dự án Ecopark (Hưng Yên)-
Trong vụ việc này, hai nhà báo VOV không đề nghị khởi tố thì không có nghĩa các hành vi vi phạm pháp luật về báo chí sẽ được nương nhẹ hay được cho qua. Bởi một nhà nước theo đuổi pháp quyền sẽ không thể tỏ thái độ vô cảm hay quá nhẹ tay với những kẻ trắng trợn tấn công vào báo chí, cũng là thách thức quyền được thông tin, quyền làm chủ của người dân.
-11% Phạm Thị Hoài

Bị một bãi nước bọt nhổ vào mặt là phải chịu bao nhiêu phần trăm tỉ lệ thương tật? 0%, kể cả trước khi rửa. Ở Đức, hành vi đó bị coi là xâm phạm cơ thể. Bật nhạc quá to trước 6 giờ sáng và sau 8 giờ tối là xâm phạm tai hàng xóm. Để đèn quá sáng trước cổng nhà mình là xâm phạm mắt thiên hạ. Một người lái ô tô phanh quá gấp trước đèn đỏ, khiến người đi xe đạp bên cạnh giật mình, ngã, xước một chút đầu gối, bị tòa phạt về tội sơ ý xâm phạm cơ thể, kết hợp với sơ ý gây tổn hại tài sản của người khác, vì qua đó chiếc quần của người đi xe đạp bị toạc.
Một ông khách làng chơi bị tòa phạt về tội cố ý xâm phạm cơ thể, vì ép cô gái phục vụ tình dục vào tư thế khiến cô buộc phải phục vụ bằng đường miệng [1]. Một nhân viên cảnh sát bị kết án xâm phạm cơ thể và làm nhục người khác khi thi hành công vụ, vì bắt một người bị tình nghi phạm tội phải cởi hết quần áo để khám xét, trong khi nghi vấn phạm tội của người này không đến mức phải bị khám lột truồng như vậy. Đối tượng được luật pháp bảo vệ trong điều 223, Luật Hình sự Đức, là sự toàn vẹn, bất khả xâm phạm của cơ thể con người. Một bãi nước bọt, một cái đá đít, bạt tai, một cây thước kẻ đập vào tay… dù không gây một thương tật tạm thời hay vĩnh viễn nào, đều là phạm luật và có thể bị truy tố hình sự [2].

Khá nhiều người Việt ở Đức không nhập tâm được cái luật mà họ cho là vừa cứng nhắc vừa rách việc đó. Người ta ai chẳng có lúc thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Cha mẹ không phát vào mông con mình thì phát vào mông ai. Vợ chồng túm tóc cào mặt nhau là thường, lên giường lại âu yếm. Bạn bè lỡ phang chai bia vào đầu nhau, xong thì xin lỗi, máu chảy một chút là khô, có gì đâu mà điều nọ khoản kia rắc rối. Chưa đâm ai, mới giơ một con dao gọt táo ra dọa đã tù treo. Việt Nam mình mà thế thì cả nước lĩnh án.

Thái độ “rộng lượng” đó dường như cũng được thể hiện trong Luật Hình sự của Việt Nam. Trong các điều từ 104 đến 109, đối tượng được bảo vệ không phải là sự toàn vẹn, bất khả xâm phạm của cơ thể con người, mà chính xác chỉ là 89% sức khỏe của con người. Trừ những trường hợp đặc biệt – quy định trong khoản 1, điều 104 – tiêu chuẩn để khởi tố hình sự một hành vi “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” là: tỉ lệ thương tật của người bị hại phải đạt tối thiểu 11%, và từ đó gắn liền với một điều kiện khác: phải có kết quả giám định về thương tật.

Lòng tin của chúng ta vào hoạt động giám định nói chung tại Việt Nam khó có thể gọi là lớn. Về giám định tư pháp nói riêng, chính ông Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia, TS Vũ Dương, đã cho biết rằng bảng tỉ lệ phần trăm được ban hành cách đây 25 năm của một ngành khác, đã lạc hậu, lại được “áp vào sử dụng một cách đương nhiên cho giám định pháp y khiến nhiều khi các giám định viên không biết áp dụng kiểu nào vì không có đủ các mục tổn thương.” Ông nêu ra ví dụ về “một kiểu tính tỉ lệ phần trăm trong vụ án hiếp dâm có thể nói là độc nhất vô nhị trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam: lấy số tuổi của nạn nhân cộng với 10% để cho ra tỉ lệ tổn hại sức khỏe. Có nghĩa là một bé gái 3 tuổi sẽ ít tổn hại hơn một bà lão 60 tuổi khi cùng bị xâm hại tình dục. Câu trả lời của đích thân người ‘phát minh’ ra cách tính tỉ lệ phần trăm này rất đơn giản, ‘vì tra không có quy định không biết tính kiểu gì’”. Ngành giám định tư pháp cho đến nay vừa bị coi là “điểm nghẽn”, gây ách tắc trong hoạt động tố tụng, vừa bị coi nhẹ. Còn các hoạt động tố tụng liên quan tới giám định tư pháp thì vướng từ chuyện không thể khởi tố khi người bị hại từ chối giám định, qua chuyện trưng cầu chính công an giám định thương tật của người bị công an hành hung, đến chuyện cộng trừ nhânchia tỉ lệ thương tật sao cho cái mốc 11% không bị vượt qua.
Gương mặt sưng vù của phóng viên Hán Phi Long đáng bao nhiêu phần trăm trong bản tỉ lệ vốn dành cho thương binh và tai nạn lao động mà ngành pháp y Việt Nam đang áp dụng? May lắm thì được 2 – 5%, như quy định trong chương XI, dành cho các vết thương phần mềm. [3] Không cần ai đó phải chia nhỏ, tỉ lệ thương tật ấy không đủ để khởi tố vụ án, theo luật pháp Việt Nam.

Việc hai phóng viên bị hành hung trong vụ Văn Giang từ chối giám địnhbị nhà báo Phong Dao trên tờ Dân Việt phê phán là “thiếu trách nhiệm không chỉ với bản thân mà còn với hàng nghìn đồng nghiệp đã, đang và sẽ còn bị hành hung” trên tờ Dân Việt. Nhà báo Trương Duy Nhất còn đi xa hơn, khi coi đó là hành động “tự cầm gậy phang mặt mình“. Song theo tôi, câu hỏi “Liệu ai có thể bảo vệ nhà báo nếu ngay chính họ cũng không muốn tự bảo vệ mình?” ở đây là không hợp lí. Dù có muốn, họ cũng không thể vượt qua tỉ lệ 11%. Trừ khi những chiếc dùi cui giáng xuống họ bị đánh giá là hung khí nguy hiểm, hay hành động của nhóm công an và dân phòng hành hung họ bị coi là có tính chất côn đồ hoặc cản trở công vụ của họ, để khoản 1, điều 104 Luật Hình sự có hiệu lực. Nhưng việc đánh giá đó nằm ngoài thẩm quyền và ý muốn của họ.

Quả nhiên không chỉ là chuyện cá nhân hai nhà báo, mà là chuyện sự toàn vẹn, bất khả xâm phạm của cơ thể con người phải được bảo vệ, chứ không phải chỉ là 89% sức khỏe. Mỗi quốc gia một luật pháp, song con người ở đâu cũng là con người.

© 2012 pro&contra

[1] Nghề mại dâm ở Đức được hợp pháp hóa kể từ ngày 01.1.2002.


[2] Theo quyết định đang gây tranh cãi sôi sục mới đây của một tòa án tiểu bang ở Đức, việc cắt bao quy đầu ở trẻ em trai, nghi lễ bắt buộc với người Do Thái và phổ biến với người theo Hồi giáo, là xâm phạm cơ thể con người, không thể dùng quyền tự do tôn giáo hay quyền của cha mẹ để biện hộ.


[3] Cách tính này cũng được các hãng bảo hiểm thương tật áp dụng.



************************************
Phóng viên Báo Dân Trí bị chém trọng thương (NLĐ) -
(NLĐ) - Trong lúc dự đám cưới vào sáng 28-7, phóng viên Trần Duy Tuyên (Báo Dân Trí, thường trú tại Thanh Hóa) và 2 người khác bị một nhóm đối tượng dùng dao tấn công bị thương phải nhập viện.
Theo tường trình của anh Trần Duy Tuyên, anh từ Thanh Hóa về dự đám cưới con chú ruột tại xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu - Nghệ An. Trong lúc họ nhà gái đang chuẩn bị đưa dâu thì một nhóm khoảng 6 thanh niên đi xe máy, cùng với đao kiếm từ làng bên xông vào gây rối.
Được mọi người can ngăn, nhóm thanh niên bỏ về. Sau đó, nhóm thanh niên này quay trở lại chém 3 anh Trần Duy Tuyên, Hoàng Văn Nam và Nguyễn Văn Đại (hàng xóm nhà cô dâu). Công an huyện Diễn Châu đã bắt 2 đối tượng trong nhóm thanh niên trên.-
- Thanh tra giao thông cản trở phóng viên tác nghiệp (PLTP).
- 2 nghi can dùng súng điện tấn công người (nhà báo) ra trình diện (TN).“Tuy nhiên, cơ quan CSĐT chưa tiến hành bắt giam 2 nghi can này.” - Hai nghi can đánh PV Phương Nam ra trình diện (PLTP).
- Gãy răng không phải tại công an (TT).- Đề nghị làm rõ thêm người tham gia hành hung 2 nhà báo VOV (DV). - Phạt tiền 3 người hành hung 2 nhà báo VOV tại Văn Giang (GDVN).

Băn khoăn từ việc xử phạt kẻ hành hung nhà báo (PLTP). Công an huyện Văn Giang (Hưng Yên) vừa xử phạt hành chính ba cán bộ của Công ty TNHH V&T, gồm:

Nguyễn Xuân Biên, Lê Văn Băng và Cao Như Mác vì hành vi hành hung hai phóng viên VOV (theo chế tài gây rối trật tự công cộng) với mức phạt 1,5 triệu đồng/người.

Cụ thể, ba người này không thuộc lực lượng cưỡng chế, chỉ có nhiệm vụ đến trông coi, bảo vệ máy xúc, máy ủi của doanh nghiệp tại hiện trường vụ cưỡng chế thu hồi đất. Tuy nhiên, theo mô tả của các cơ quan chức năng Hưng Yên, họ lại “bức xúc, nóng nảy bởi nhiều chuyện, trong đó có việc chứng kiến phản ứng của người dân bị thu hồi đất với lực lượng cưỡng chế nên mới hành động (đánh nhà báo) như vậy”.


Bỏ qua những lời giải thích về nguyên nhân đánh nhà báo, nguyên việc áp dụng chế tài xử lý ba cá nhân này đã gợi lên rất nhiều băn khoăn do cách vận dụng luật. Cụ thể, các chế tài về gây rối trật tự công cộng vốn chỉ dành xử lý những người gây mất trật tự công cộng nói chung, chứ hành vi tấn công nhà báo đang tác nghiệp đã có quy định riêng để xử phạt (Nghị định 02/2011 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản). Tại khoản 3 Điều 6 nghị định này nêu rõ: “Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Đe dọa, uy hiếp tính mạng nhà báo”. Tại khoản 4 còn nói biện pháp khắc phục hậu quả là “Buộc xin lỗi” đối với hành vi này!

Như vậy mức phạt 1,5 triệu đồng đối với ba cá nhân nói trên là quá nhẹ, thiếu toàn diện nếu so với chế tài xử lý kẻ hành hung nhà báo quy định tại Nghị định 02/2011. Và việc áp đặt nội dung “gây rối trật tự công cộng” cũng là khiên cưỡng khi việc chủ động tấn công các nhà báo đang tác nghiệp là rất rõ ràng!

Vì thế mới băn khoăn, nhất là khi việc tìm ra “thủ phạm” kéo dài quá lâu (gần ba tháng) khi mà hình ảnh trên video clip khá là rõ ràng, đủ để cơ quan chức năng xác định chính xác người chịu trách nhiệm.Trong vụ việc này, hai nhà báo VOV không đề nghị khởi tố thì không có nghĩa các hành vi vi phạm pháp luật về báo chí sẽ được nương nhẹ hay được cho qua. Bởi một nhà nước theo đuổi pháp quyền sẽ không thể tỏ thái độ vô cảm hay quá nhẹ tay với những kẻ trắng trợn tấn công vào báo chí, cũng là thách thức quyền được thông tin, quyền làm chủ của người dân.

TT - Liên quan đến việc ba công nhân Công ty V&T tham gia hành hung hai phóng viên Đài Tiếng nói VN trong vụ cưỡng chế, thu hồi đất tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang (Hưng Yên), ngày 27-7 đại tá Nguyễn Ngọc Hòe, chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên, cho biết: “Công an huyện Văn Giang đã có quyết định xử phạt hành chính đối với ba công nhân này với mức 1,5 triệu đồng/trường hợp”.
Theo đại tá Hòe, trong lúc xảy ra vụ cưỡng chế, thấy máy xúc, máy ủi bị người dân ném gạch đá vào nên họ bức xúc, không phân biệt ai với ai nên đã lao vào đánh hai người (sau này xác định là nhà báo).
--Không chỉ là chuyện cá nhân hai nhà báo (DV).

(Dân Việt) - Một câu hỏi cay đắng không thể không đặt ra: “Liệu các nhà báo phải bị đánh đến như thế nào, hay phải tử vong tại chỗ, thì vụ án hình sự mới được khởi tố?”.

Thông tin “không khởi tố vụ án hình sự” đối với vụ 2 phóng viên VOV bị hành hung dã man đã được Phó Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên chính thức xác nhận. Trả lời Tuổi Trẻ, đại tá Nguyễn Văn Minh lý giải là vì “không cần thiết”.
Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Hưng Yên Dương Văn Cảnh sau đó giải thích với phóng viên NTNN: 2 nhà báo đã đề nghị không giám định thương tật, trong khi với tội danh: “Cố ý gây thương tích, tổn hại chosức khỏe người khác”, phải có kết quả giám định để xem xét có thể khởi tố vụ án hình sự được hay không.
Phải khẳng định dư luận hoàn toàn không bất ngờ với hướng xử lý vụ việc của tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, sau khi có thông tin chính thức, một câu hỏi cay đắng không thể không đặt ra: “Liệu các nhà báo phải bị đánh đến như thế nào, hay phải tử vong tại chỗ, thì vụ án hình sự mới được khởi tố?”.
Việc một vụ án quá rõ ràng, có đầy đủ nhân chứng, vật chứng và gây công phẫn xã hội được xử lý theo kiểu “mưa to như mưa nhỏ”, sẽ tạo ra một “tiền lệ Hưng Yên” cực kỳ nguy hiểm cho phép những nhân viên công vụ trong chính quyền thoát tội miễn đòn hội đồng không gây thương tích “đến 11% sức khỏe”, hoặc vì sức ép nào đó, nạn nhân từ chối giám định, đề nghị không khởi tố vụ án.
Trong vụ hành hung nhà báo ở Hưng Yên, đã có một video clip ghi lại toàn bộ vụ việc. Clip này đã được gửi giám định tại Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. Cả nước đã nhìn thấy vụ hành hung, cực kỳ dã man, thô bạo. Nhưng Viện Khoa học hình sự cho rằng những hình ảnh của clip này “chất lượng thấp, quá mờ nhòe” nên không thể làm rõ được đối tượng đã hành hung 2 nhà báo.
Các nhà báo cần một kíp quay phim với máy quay chất lượng HD đi kèm để không tự biến mình từ nạn nhân trở thành tội phạm, phạm tội vu khống cơ quan công quyền? Hay cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên cần thượng tôn pháp luật để kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm về mặt pháp luật, gây công phẫn về mặt tâm lý xã hội?
2 tháng trước, tỷ lệ % các nhà báo đã và đang bị cản trở nghề nghiệp do tổ chức RED Communication công bố khiến dư luận choáng váng: 87,9% trong tổng số hơn 400 nhà báo tham gia điều tra xã hội học cho biết đã từng bị cản trở dưới nhiều hình thức.
Theo thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam, trong số 18 vụ cản trở, hành hung phóng viên, chỉ có 4 vụ được khởi tố. Nguyên nhân hầu hết là thiếu chứng cứ. Đại loại như một bức ảnh, một video clip...
Đáng lưu ý là cả 4 vụ này, không vụ nào được khởi tố theo Điều 257 (tội chống người thi hành công vụ). Dường như, với cơ quan công quyền, tấm thẻ nhà báo, hay việc kêu gào “Chúng tôi là nhà báo. Chúng tôi là phóng viên” hoàn toàn không lọt tai họ, chỉ vì họ “đang tức giận” và “không bình tĩnh”.
Tự do báo chí, suy cho cùng, trước hết phải ở việc các nhà báo không bị cản trở khi tiếp cận thông tin. Hoặc giản dị hơn, những kẻ cản trở, dưới bất cứ hình thức nào, phải bị xử lý nghiêm minh.
Trong vụ việc này, có một chi tiết rất đáng chú ý: Cả 2 phóng viên của VOV đều “không đề nghị khởi tố hình sự vụ án”, và từ chối giám định thương tích. Dù với bất cứ lý do gì thì đây cũng là một sự ích kỷ và thiếu trách nhiệm không thể che giấu. Thiếu trách nhiệm không chỉ với bản thân mà còn với hàng nghìn đồng nghiệp đã, đang và sẽ còn bị hành hung. Liệu ai có thể bảo vệ nhà báo nếu ngay chính họ cũng không muốn tự bảo vệ mình?
- Thanh tra giao thông giật dụng cụ tác nghiệp của PV (Bee).

-Công an đánh hai phóng viên VOV bị cách chức (sgtt/ttxvn)
SGTT.VN - Ngày 25.7, thông báo kết quả điều tra của Công an tỉnh Hưng Yên về vụ việc hai phóng viên VOV bị đánh cho biết đã thi hành kỷ luật và xử phạt hành chính với những người có hành vi đánh 2 phóng viên nói trên.

Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đã có quyết định thi hành kỷ luật thượng úy Đặng Quang Hoàng bằng hình thức cách chức Phó đội trưởng và chỉ đạo Công an huyện Văn Giang ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ba công nhân của Công ty V&T và Công an huyện Văn Giang nghiêm khắc kiểm điểm công tác chỉ huy, điều hành của tổ công tác chốt 3 (nơi xảy ra vụ việc hai phóng viên bị đánh).


Ngày 5.5.2012, Công an tỉnh Hưng Yên nhận được Công văn số 47 ngày 3.5.2012 của Trung tâm Thông tin Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) và của ông Nguyễn Ngọc Năm, trưởng phòng phóng viên Thời sự - Chính trị - Kinh tế - đề nghị làm rõ vụ việc ngày 24.4.2012 ông Năm và ông Hán Phi Long (là phóng viên của Đài VOV) đến khu vực cưỡng chế nói trên để nắm thông tin đã bị lực lượng cưỡng chế đánh gây thương tích.

Sau khi nhận được công văn nói trên, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo Thanh tra Công an tỉnh tiến hành xác minh.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật; đến nay đã có căn cứ kết luận: Thượng úy Đặng Quang Hoàng, Phó đội trưởng thuộc Công an huyện Văn Giang, là người trực tiếp dùng gậy cao su đánh phóng viên Nguyễn Ngọc Năm; đồng thời làm rõ ba công nhân hợp đồng của Công ty V&T có hành vi đánh hai phóng viên Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long.

Căn cứ kết quả điều tra, không đủ căn cứ để khởi tố những người nói trên đánh hai phóng viên phạm tội "Gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe người khác trong khi thi hành công vụ" theo Điều 107-BLHS.

Hai phóng viên đã đề nghị Công an tỉnh Hưng Yên làm rõ vụ việc, kiến nghị không khởi tố cán bộ công an, từ chối không đi giám định thương tích (theo quy định của Điều 107-BLHS, người bị thương phải có tỷ lệ giám định thương tật từ 31% trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự).



-Vụ nhà báo bị hành hung ở Văn Giang: 2 công an, 3 dân phòng tham gia

Ông Dương Văn Cảnh, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Hưng Yên, khẳng định: Không đủ căn cứ để khởi tố hình sự vụ 2 nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) bị hành hung tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang - Hưng Yên
Ông Dương Văn Cảnh cho biết VKSND tỉnh Hưng Yên tham gia vụ việc theo diện tin báo tố giác tội phạm của 2 nhà báo VOV là Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long.

Trong quá trình xác minh vụ việc, VKSND tỉnh Hưng Yên đã gửi video clip quay cảnh 2 nhà báo bị đánh trong khi địa phương cưỡng chế thu hồi đất dự án khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang (Ecopark) vào ngày 24-4 đến Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) để xác định người tham gia hành hung 2 nhà báo.


“Do chất lượng hình ảnh của video clip quá kém nên không thể làm rõ những người tham gia đánh 2 nhà báo” - ông Cảnh nói.

Nạn nhân từ chối giám định thương tật
Tuy nhiên, sau đó, VKSND tỉnh Hưng Yên tiếp tục yêu cầu Cơ quan CSĐT làm rõ những người đã tham gia vụ hành hung. Theo ông Cảnh, cho đến nay, cơ quan chức năng đã xác định có 2 công an là thượng úy Đặng Quang Hoàng (Phó đội trưởng Công an huyện Văn Giang) và trung sĩ Vũ Tất Thành (Công an TP Hưng Yên) cùng 3 dân phòng xã Xuân Quan là Nguyễn Xuân Biên, Lê Văn Băng và Cao Như Mác tham gia đánh 2 nhà báo.

“Thượng úy Đặng Quang Hoàng thừa nhận đã dùng gậy cao su vụt nhà báo, còn trung sĩ Vũ Tất Thành chưa thừa nhận trực tiếp đánh nhưng có tham gia trong nhóm người hành hung nhà báo. Những người trên đều cho rằng động cơ đánh người là do bức xúc và không giữ được bình tĩnh” - ông Cảnh nói.

Ông Cảnh cho biết thêm chiều 23-7, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên và VKSND tỉnh Hưng Yên đã họp và phân tích các tình tiết của vụ việc, trong đó có việc đề nghị 2 nhà báo đi giám định thương tích để có cơ sở khởi tố vụ án. Tuy nhiên, 2 nhà báo đã có văn bản đề nghị không giám định thương tích.

“Với tội danh “Cố ý gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe người khác thì phải có kết quả giám định thương tích để phân loại, vì thế cơ quan chức năng đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự căn cứ theo khoản 2, điều 107 Bộ Luật Tố tụng Hình sự” - ông Cảnh phân tích.

Ngày 25-7, Công an tỉnh Hưng Yên đã có quyết định cách chức phó đội trưởng của thượng úy Đặng Quang Hoàng và kiểm điểm nghiêm khắc tổ công tác chốt 3 (nơi xảy ra vụ hành hung 2 nhà báo).

Xác định thêm các đối tượng khác

Theo ông Cảnh, như vậy là chấm dứt công tác tố tụng hình sự đối với vụ 2 nhà báo bị hành hung. Các hoạt động dân sự nếu phát sinh sau này như bồi thường như thế nào sẽ tiếp tục làm rõ. Ngoài ra, VKSND tỉnh Hưng Yên cũng yêu cầu Cơ quan CSĐT báo cáo giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên có hình thức xử lý nghiêm với 2 công an đã tham gia vụ hành hung nhà báo.

Đối với 3 dân phòng liên quan, VKSND tỉnh cũng đã yêu cầu Cơ quan CSĐT điều tra chuyển hồ sơ cho Công an huyện Văn Giang (nơi xảy ra vụ việc) để yêu cầu xử lý hành chính. Bên cạnh đó, viện cũng đề nghị Cơ quan CSĐT tiếp tục điều tra thêm những đối tượng khác tham gia vụ việc này để xử lý triệt để.

Về việc tại sao không khởi tố hình sự về hành vi chống người thi hành công vụ, ông Dương Văn Cảnh cho biết 2 nhà báo đến làm việc không liên hệ với chính quyền địa phương và lại đứng lẫn trong dân nên khó xác định là nhà báo.

Dự kiến trong tuần này, Công an huyện Văn Giang và Công an tỉnh Hưng Yên sẽ có quyết định xử lý hành chính đối với 5 người tham gia đánh 2 nhà báo.

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, nhà báo Nguyễn Ngọc Năm cho biết ông không đề nghị khởi tố hình sự vụ án và giám định thương tích vụ mình bị hành hung. “Song tôi yêu cầu Công an tỉnh Hưng Yên xử lý kỷ luật theo quy định hành chính và Điều lệnh Công an Nhân dân ở mức cao nhất đối với người tham gia đánh nhà báo, bồi thường danh dự, tổn hại sức khỏe, tinh thần cho 2 nhà báo bị đánh và công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, hiện tôi chưa nhận được văn bản thông báo về việc này từ phía Công an tỉnh Hưng Yên” - ông Năm nói.

VỤ CÔN ĐỒ ĐÁNH DÂN Ở VĂN GIANG
Khởi tố thêm 2 bị can
Chiều 25-7, đại tá Ngô Văn Phương, Trưởng Công an huyện Văn Giang - Hưng Yên, cho biết Cơ quan CSĐT Công an huyện Văn Giang vừa khởi tố thêm 2 bị can trong vụ côn đồ đánh người dân thôn 1, xã Xuân Quan vào chiều 12-7. Hai bị can này là Đinh Văn Hùng (SN 1984) và Nguyễn Việt Cường (SN 1987) cùng thường trú xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang. Tuy nhiên, hiện 2 đối tượng này đã bỏ trốn.
Như vậy, đến nay, Cơ quan CSĐT đã khởi tố 4 bị can trong tổng số 7 đối tượng tham gia tấn công người dân nhưng mới chỉ bắt giữ được 2 đối tượng, 5 đối tượng khác đang bỏ trốn.
Hai bị can bị khởi tố và tạm giam trước đó là Nguyễn Tuấn Dũng (35 tuổi, trú thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang) và Đinh Văn Huỳnh (28 tuổi, trú xã Liên Nghĩa).
Về việc thủ phạm hành hung người dân xã Xuân Quan có phải là bảo vệ của Ecopark hay không, ông Phương cho biết vẫn đang trong quá trình điều tra nên chưa thể kết luận.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, trước đó, chiều 12-7, ông Đàm Văn Đồng (52 tuổi), ông Đàm Văn Nghiệp (54 tuổi) và ông Lê Thạch Bàn (73 tuổi) cùng ở thôn 1, xã Xuân Quan bị một nhóm người hành hung phải nhập viện điều trị.

Bài và ảnh: THẾ DŨNG
- Kết quả điều tra vụ 2 phóng viên VOV bị hành hung (TTXVN). – Vụ nhà báo bị hành hung ở Văn Giang: 2 công an, 3 dân phòng tham gia (NLĐ). -Nhà báo Võ Văn Tạo: 1162. Giương mắt nhìn Hưng Yên “ngồi xổm” trên pháp luật?. - Hai công an tham gia vụ hành hung nhà báo tại Văn Giang (GDVN).
- Thêm 2 nghi phạm truy sát người dân Văn Giang bị khởi tố (VNE).Vụ Văn Giang: khởi tố, bắt tạm giam 2 bị can TTO - Ngày 22-7, đại tá Ngô Văn Phương, trưởng Công an huyện Văn Giang, Hưng Yên, cho biết cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Tuấn Dũng và Đinh Văn Huỳnh về hành vi “cố ý gây thương tích”. Dũng 35 tuổi, trú thị trấn Văn Giang, ...
Bắt 2 người trong vụ hành hung nông dân Văn GiangThanh Niên
Nghi phạm truy sát người dân Văn Giang bị bắtVNExpress
Khởi tố 2 côn đồ hành hung dân Văn GiangTin tức 24h- Bắt 2 người trong vụ hành hung nông dân Văn Giang (TN). - Khởi tố hai người hành hung nông dân Văn Giang (PLTP).

----------------------------------------------------
Không xử lý hình sự vụ hai phóng viên VOV bị đánh TP/ TT
Ngày 24-7, trả lời về tiến trình điều tra vụ việc hai phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) bị đánh hôm 24-4, đại tá Nguyễn Văn Minh - phó giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên - cho biết, sẽ không tiến hành xử lý hình sự.
Đại tá Minh nói công an tỉnh đã xác định một cán bộ công an và một số người không phải lực lượng công an tham gia đánh hai phóng viên của VOV là ông Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long.

Đại tá Minh nhận định vụ việc sẽ không cần thiết phải xử lý hình sự.

Theo đó, những thanh niên ngoài lực lượng công an sẽ bị xử lý hành chính, cán bộ công an sẽ xử lý theo quy định của ngành.

Ngày 24-4, cơ quan chức năng tổ chức hỗ trợ thi công và cưỡng chế giải phóng mặt bằng tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm - trưởng phòng phóng viên thời sự, chính trị, kinh tế của Đài Tiếng nói Việt Nam và phóng viên Hán Phi Long đã đến theo dõi để đưa tin.

Tại đây, hai phóng viên này bị một số người hành hung, trong đó có người mặc sắc phục công an. Theo M. QuangTuổi Trẻ

...Không xử lý hình sự vụ 2 phóng viên VOV bị đánhVietNamNet





-Vụ 2 nhà báo VOV bị hành hung: Khó có chuyện 'chìm xuồng'?
Sau vụ hành hung 2 nhà báo của Đài TNVN (VOV) tại Văn Giang, trước một số phản ứng, phát ngôn có xu hướng lảng tránh, phủ nhận trách nhiệm của lãnh đạo, chính quyền tỉnh Hưng Yên, trong dư luận có nhiều ý kiến hoang mang cho rằng vụ việc có thể 'chìm xuồng'...
Tuy nhiên trước tình tiết nghiêm trọng của sự việc, bức xúc của đông đảo nhiều tầng lớp người trong dư luận không chỉ riêng trong làng báo, bước đầu lãnh đạo, CA tỉnh Hưng Yên đã phải có những động thái khẳng định sẽ kiên quyết xử lý nghiêm vụ việc.



Hình ảnh nhà báo VOV bị hành hung trong clip

Trong tiến trình đó, chiều ngày 10/5, Thiếu tướng Trần Huy Ngạn, Giám đốc CA tỉnh Hưng Yên đã có buổi làm việc đầu tiên với lãnh đạo VOV tại Trụ sở VOV về vụ việc nêu trên. Tại buổi làm việc ông Ngạn khẳng định sự việc xảy ra là hết sức đáng tiếc, không mong muốn và bày tỏ mong được VOV và hai nhà báo hết sức thông cảm. Ông Ngạn cam kết sẽ làm rõ và xử lý nghiêm những người hành hung, bắt giữ 2 phóng viên của VOV trong thời gian sớm nhất.
Thông tin mới nhất từ VOV.vn cho biết, cơ quan này đã nhận được giấy mời chính thức của Công an tỉnh Hưng Yên về cuộc làm việc giữa các bên liên quan trong vụ việc vào lúc 9h sáng ngày 16/5 tới đây. Cuộc gặp do Công an tỉnh Hưng Yên chủ trì.
Thành phần tham gia buổi làm việc này bao gồm: Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên, lãnh đạo Công an tỉnh Hưng Yên, Giám đốc Trung tâm Tin của Đài VOV, 2 nhà báo bị hành hung là Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long, lãnh đạo tổ công tác được phân công bảo vệ khu vực thôn 1 trong cuộc cưỡng chế đất ở xã Xuân Quan, Văn Giang.
Nội dung giấy mời nêu rõ "Công an tỉnh Hưng Yên tổ chức buổi làm việc giữa các bên nhằm có cách nhìn nhận toàn diện và thấu hiểu sự việc diễn ra." Theo Lãnh đạo CA tỉnh Hưng Yên, sau khi nhận được công văn của Trung tâm Tin, Đài VOV, đơn đề nghị của 2 nhà báo bị hành hung là Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long, Giám đốc Công an tỉnh đã tổ chức buổi họp với các lãnh đạo được phân công bảo vệ khu vực thôn 1, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang trong ngày tổ chức hỗ trợ thi công và cưỡng chế giải phóng mặt bằng ở địa phương - nơi xảy ra sự việc liên quan đến 2 nhà báo VOV.







Giấy mời VOV tới dự buổi làm việc diễn ra vào 16/5 tới đây

Trước đó, như báo điện tử Infonet đã đưa tin, 2 nhà báo Nguyễn Ngọc Năm, Trưởng phòng Phóng viên Thời sự Chính trị - Kinh tế, Trung tâm Tin, VOV và nhà báo Hán Phi Long của đài VOV được giao nhiệm vụ về xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên theo dõi đưa tin, nắm tình hình vụ việc cưỡng chế đất. Trong quá trình tác nghiệp, họ đã bị lực lượng công vụ tại đây hành hung gây thương tích, còng tay và tịch thu máy ảnh, điện thoại, các giấy tờ liên quan như: thẻ nhà báo, thẻ đảng viên, chứng minh nhân dân, thẻ hội viên Hội Luật gia Việt Nam.


Sau nhiều ngày xảy ra vụ việc cùng với các văn bản được VOV gửi tới các cơ quan hữu trách tỉnh Hưng Yên nhưng chưa được hồi âm, lãnh đạo Đài VOV đã có công văn chính thức gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu làm rõ vụ việc, công khai kết luận điều tra trước công luận.


Trước thông tin người phát ngôn của tỉnh Hưng Yên - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Huy Thanh trả lời trên báo chí ngày 10.5 cho biết đã xác định được người cầm gậy hành hung phóng viên VOV vào ngày 24.4 là lực lượng dân phòng, trao đổi với Dân Việt chiều 11.5, Thiếu tướng Trần Huy Ngạn - Giám đốc Côngan tỉnh Hưng Yên cũng đã lên tiếng phủ nhận thông tin này.


“Thông tin đó là chưa chính xác đâu! Việc này chúng tôi vẫn đang giao cho tổ công tác kiểm điểm trở lại, báo cáo tường trình việc đó. Thông tin đó chưa chính xác. Sau khi có tường trình cụ thể, chúng tôi sẽ có buổi làm việc, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo VOV và hai nhà báo bị hành hung”, Thiếu tướng Ngạn khẳng định.


Trao đổi với báo chí ngày 11.5, Cục trưởng Cục Báo chí Hoàng Hữu Lượng cho biết, dù chưa xem clip được cho là quay cảnh 2 nhà báo của VOV bị hành hung, nhưng khi nhận được công văn của VOV gửi Cục Báo chí, ông Lượng nói: “Chúng tôi sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng, cụ thể là Công an tỉnh và UBND tỉnh Hưng Yên phải điều tra, làm rõ. Không chỉ nhà báo mà kể cả người dân bình thường, lực lượng công an cũng không được hành xử như vậy!”.


Trước đó, ngày 10.5, trả lời báo Điện tử Vietnamnet, người phát ngôn của UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Huy Thanh cho biết: “Đến nay, chúng tôi đã có đủ cơ sở để khẳng định người cầm gậy hành hung phóng viên VOV tại khu cưỡng chế vào ngày 24.4 là lực lượng dân phòng - thuộc lực lượng làm nhiệm vụ tại khu vực cưỡng chế”. Trong khi đó, trực quan trên clip ghi lại có rất nhiều người mặc sắc phục của ngành CA đã tham gia hành hung, đánh đập, bắt giữ 2 nhà báo.


Với động thái tổ chức buổi làm việc chính thức vào ngày 16/5 tới đây của CA tỉnh Hưng Yên, dư luận bước đầu đang trông đợi việc 'xử lý nghiêm minh những người tham gia hành hung, bắt giữ 2 nhà báo VOV trong thời gian sớm nhất' như lời của Giám đốc CA tỉnh Hưng Yên đã khẳng định.


Hi vọng sẽ không có chuyện 'chìm xuồng'!


HƯỚNG MINH/INFONET.VN

Tổng số lượt xem trang