Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Phạm Ngọc Thảo - Oanh liệt trong thầm lặng

Hồ sơ Phạm Ngọc Thảo: Đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo qua nguồn tư liệu của Mỹ (QĐND 11-7-13)
QĐND - LTS: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Ngọc Thảo (Chín Thảo, Albert Thảo, 1922-1965) xuất thân trong một gia đình trí thức tôn giáo, cựu học viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng Mật vụ Nam Bộ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 410 trong kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông được giao một nhiệm vụ chưa có tiền lệ trong lịch sử tình báo: Luồn sâu, hoạt động đơn tuyến, lợi dụng mâu thuẫn để đánh địch từ trong ra. Phạm Ngọc Thảo đã dựng ngọn cờ binh biến tại Sài Gòn trong nửa đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX tới khi hy sinh ở tuổi 43.      
Phạm Ngọc Thảo (cầm mi-crô), tháng 2-1965. Ảnh: Tạp chí Life
Phương Tây biết đến Phạm Ngọc Thảo khá sớm, qua bài viết "Chiến tranh du kích ở Đồng bằng sông Mê Công tháng Chạp 1961: Cuộc chiến trên đồng lúa" của Man-côm Brao-nơ (Malcom Brown). Trong bài, Phạm Ngọc Thảo được đặc tả trên cương vị Tỉnh trưởng Kiến Hòa (tên Diệm đặt cho Bến Tre), là "một sĩ quan cấp tá dáng dấp như con mèo, tóc húi cua, với cái nhìn gây nao núng". Brown cho biết, ông Thảo từng là cựu sĩ quan Việt Minh, nay là "biểu tượng của tinh thần chiến đấu" của Sài Gòn. Bài viết của Brown là đợt sóng ngầm, báo động về thực tế ở Nam Việt Nam: Ban ngày "thuộc về" chính quyền Sài Gòn tồn tại nhờ viện trợ Hoa Kỳ, ban đêm do cách mạng kiểm soát…
Một viên kim cương
Trong bài "Sự sụp đổ của dòng họ Ngô Đình" (Báo The Saturday Evening Post, 21-12- 1963), Stan-lây Các-nâu (Stanley Karnow) viết: "Viên trung tá sáng giá Phạm Ngọc Thảo… một trong những người trung thành nhất, gần gũi nhất với Diệm, đã miễn cưỡng nhập vào hàng ngũ chống đối. Ông Thảo đã bị thuyết phục rằng, chỉ có lật đổ chế độ Diệm mới cứu được đất nước".
Trong Chiến thắng bị bỏ lỡ (Lost Victory, NXB Contemporary books, 1989, trùm CIA W. Côn-bai (Colby) cũng đôi lần nhắc đến Phạm Ngọc Thảo, và muốn gây cảm tưởng rằng Mỹ đã "mô phạm" trong việc ông Thảo bị sát hại. Trang 173 sách này viết: Mãi đến 1976, người Mỹ mới hay tin Phạm Ngọc Thảo từng "làm việc cho Cộng sản". Nhưng lưu trữ được giải mật gần đây lại cho thấy, tình báo Mỹ đã rất sớm "quan tâm" đến Phạm Ngọc Thảo.
Chuyên gia lật đổ
Hàng chục tài liệu của CIA đả động đến Phạm Ngọc Thảo đã được giải mật sau chiến tranh. Ngày 11-9-1963, CIA soạn thảo Những bước tiến của Huỳnh Văn Lạng và Phạm Ngọc Thảo đối với mưu đồ đảo chính (Progress of Huynh Van Lang and Pham Ngoc Thao with plans for coup d'etat). Tài liệu nêu tên các tướng tá Sài Gòn liên đới gồm: Phạm Ngọc Thảo, Nguyễn Khánh, Dương Văn Minh, Huỳnh Văn Cao, Nguyễn Khắc Bình và… Nguyễn Hữu Hạnh.
Lưu trữ của Mỹ cho biết tiếp về Kế hoạch của Thủ tướng Nguyễn Khánh nhằm làm Hoa Kỳ dính líu vào Bắc Việt Nam (Prime Minister Nguyen Khanh's plan to involve the United States in North Vietnam), 22-7-1964. Theo tài liệu này, ông Thảo được Mỹ đề nghị nhận định về khả năng đảo chính lật Nguyễn Khánh.
Chính lúc này, Oa-sinh-tơn (Washington) cần gấp một hậu phương ổn định ở miền Nam để đổ quân Mỹ vào, cũng như dựng đầu cầu đánh ra miền Bắc, sang Lào. Nhưng Điều tra về cơ may đứng vững của chính quyền Sài Gòn (Chances for a stable government in South Vietnam) của SNIE (cơ quan tình báo Hoa Kỳ làm chức năng dự báo chiến lược) đề ngày 8-9-1964 lại viết: "Sân khấu chính trị-xã hội miền Nam Việt Nam rúng động, Việt Cộng ngày càng mạnh lên, ý thức chống Mỹ sâu sắc hơn, mâu thuẫn của chính quyền quân phiệt với các bộ phận dân cư tăng lên, chia rẽ đảng phái, sắc tộc, giáo phái sâu hơn, và nhất là phe Phạm Ngọc Thảo và một số sĩ quan đang mưu đồ đảo chánh…". Các cuộc đảo chính sẽ được báo chí gán cho người này, người khác cầm đầu. Nhưng trong ống kính tình báo Mỹ, chỉ hội tụ cái tên Phạm Ngọc Thảo. Tướng Oét-mô-len (Westmoreland) trong hồi ký của mình đã gọi Phạm Ngọc Thảo là "nhà đảo chính chuyên nghiệp". 
Trang đầu bức điện Đại tá Phạm Ngọc Thảo của William Colby gửi từ Sài Gòn cho McGeorge Bundy, Cố vấn an ninh của Tổng thống Johnson, 4-6-1965. Giải mật 12-8-1987. Nguồn: 00780 Col. Pham Ngoc Thao (June 4, 1965) Memorandum; SECRET; SANITIZEDDeclassified: September 1, 1987
Theo tài liệu Kế hoạch đảo chính của Đại tá Phạm Ngọc Thảo (Plans of Col. Pham Ngoc Thao to mount a coup, 28-8-1964), Mỹ cho rằng nếu cuộc đảo chính nổ ra, Trần Thiện Khiêm sẽ không trở tay kịp; chính phủ mới, nếu phe đảo chính lên nắm quyền sẽ gồm: Phạm Ngọc Thảo làm Thủ tướng, Dương Văn Minh hoặc Phan Khắc Sửu sẽ được đôn làm Quốc trưởng…
Hôm sau, 29-8-1964, CIA ra liền hai báo cáo nhan đề Phạm Ngọc Thảo: Tóm tắt lý lịch và phân tích về nhân sự này và Phạm Ngọc Thảo tìm cách giành sự ủng hộ cho cuộc đảo chính, theo đó, CIA mong rằng Phạm Ngọc Thảo sẽ khó nhận được sự hỗ trợ của không lực Việt Nam Cộng hòa (cầm đầu là Nguyễn Cao Kỳ). Ngày 30-8-1964, theo điện mật Các phe phái đều chuẩn bị đảo chính, sắp có đảo chính khả thi (!), một khi cả phe Phạm Ngọc Thảo và phe các tướng thuộc Đảng Đại Việt đều chuẩn bị đảo chính. Ngày 1-9-1964 là lúc người Mỹ thấy cần phải điều tra, khảo sát các chỉ huy quân Sài Gòn và khả năng thành bại của một cuộc đảo chính, nếu xảy ra (Tài liệu Loyalties of the Armed Forces commanders and the possibility of success if a coup d'etat is attempted: Situation appraisal as of 31 August 1964). Trong 30 tướng tá cao cấp, Phạm Ngọc Thảo vẫn ở tiêu điểm: Tên ông đứng thứ hai, sau Nguyễn Khánh.
Nhưng cuộc đảo chính 19-9-1964 dẫn đến Nguyễn Khánh phải từ nhiệm ngày 23-10, theo phát hiện của CIA, chính là kế hoạch cướp chính quyền bất thành của Việt Cộng (điện mật Mưu toan lật đổ 13-9, Attempted coup on Sept.13). Chính giới Sài Gòn không thể không nhận thấy rằng, cuộc đảo chính hôm 19-9, tuy bất thành, đã làm đổ bể lễ ký kết thỏa thuận đổ quân vào miền Nam và giội bom miền Bắc của trục Oa-sinh-tơn - Sài Gòn, dự định vào ngày 20-9-1964.
Ngày 4-3-1965, Oa-sinh-tơn lại được tin về âm mưu đảo chính (Coup rumors in Saigon, 4-3-1965). "Bọn tiểu tướng hung hăng": Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Chánh Thi, Đặng Văn Quang, Lê Nguyên Khang, Vĩnh Lộc, Dư Quốc Đống… bắt đầu thục mạng chọi nhau giành ngôi chủ soái, nhân Nguyễn Khánh bị đẩy đi lưu vong. Tháng Năm đến, Nguyễn Văn Thiệu, mới chỉ định dạng trong hồ sơ của CIA năm 1964, đã bẩm báo cho chủ Mỹ về một âm mưu đảo chính của Phạm Ngọc Thảo trong công văn Mật vụ dự báo cho Bộ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Thiệu về một mưu đồ đảo chính vào 20-5, cùng các biện pháp đối phó của chính phủ. Theo điện mật này: Cuộc đảo chính sẽ do Phạm Ngọc Thảo chỉ huy, với hiệp trợ của Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn và Nhóm tướng Đà Lạt, tức là Mai Hữu Xuân, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính, Nguyễn Văn Vỹ; cuộc đảo chính sẽ do Đảng Cần Lao nhân vị tài trợ. Phe của Thiệu sẽ đối phó bằng lực lượng phản đảo chính và sự chiêu hàng các phần tử nổi loạn…
Thánh tử vì đạo
Bị kẻ địch phản kích quyết liệt, cuộc binh biến tháng Năm của ông Chín Thảo bị dập tắt. Bản thân bị truy nã, mọi phương tiện của ông Thảo cạn kiệt, quân sĩ tan tác. Nhưng khi nhiệm vụ còn dang dở, Phạm Ngọc Thảo quyết không rời trận địa.
Tài liệu Đại tá Phạm Ngọc Thảo (Colonel Pham Ngoc Thao, 4-6-1965), đánh số 00780, do William Colby, Phó giám đốc về kế hoạch cơ quan CIA ở Sài Gòn viết như sau:
1. Đã phát hiện được Phạm Ngọc Thảo tung tăng lượn phố (circulating freely) giữa Sài Gòn, và giúp đỡ chủ bút của một tờ báo bí mật.
(Hai đoạn số 2 và 3 bị CIA xóa khi giải mật!!!).
4. Vấn đề này quả là nghiêm trọng, trên hai phương diện. Thứ nhất, chính quyền hiện hành của Việt Nam Cộng hòa vẫn ngại ngùng, không có chủ trương bắt và hành hình Phạm Ngọc Thảo. Còn rất ít nghi ngờ về chỗ ẩn nấp của Thảo ở Sài Gòn, cũng như một kế hoạch phối hợp cảnh sát để bắt giữ Thảo. Chính quyền Sài Gòn lại luận giải một cách chắc chắn rằng Thảo là một biểu tượng của người Công giáo, tới mức, việc bỏ tù/thủ tiêu Thảo trong tình hình như thế này sẽ gây bùng nổ. Cách suy luận như thế của Thủ tướng Quát lại được dung túng bởi công văn số 4003 ngày 2-6 của Sứ quán Mỹ từ Sài Gòn, theo đó đại sứ Taylor báo cáo rằng Quát đã nhất trí để cho Thảo và một số người khác bí mật rời đất nước, cho dù chính Quát hiểu rằng cần có một kỷ luật cấp quốc gia cao hơn.
5. Vấn đề thứ hai là cốt cách của Thảo. Ông ta tin vào sứ mạng cứu nhân độ thế, xả thân vì dân tộc mình, như một thiên sứ. Ông ta biết rõ mình phải làm gì. Lung lạc được Thảo bởi tiền tài hay hình phạt, kể cả tử hình, để ông ta ngừng tạo ra tình thế chỉ có lợi cho một mình Việt Cộng, rõ ràng là điều không thể. Việc Thảo không sợ bị trừng phạt còn do ông ta được bảo trợ bởi các thủ lĩnh quân sự Công giáo. Cũng không có bằng chứng rõ rệt rằng, Thảo đang không được Việt Cộng hỗ trợ một cách bí mật…
Vì chính phủ Phan Huy Quát chần chừ trong khủng bố, đàn áp, Mỹ quyết định đôn lên nhóm tay sai khát máu hơn. Ngày 24-6-1965, lý lịch kẻ giúp Mỹ đàn áp Phạm Ngọc Thảo trong chính biến tháng Năm, Nguyễn Văn Thiệu, được CIA trình thượng cấp. Được thăng chức "Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia", Thiệu lập tức lùng bắt Phạm Ngọc Thảo để thủ tiêu. Ngày 16-7, an ninh quân đội Sài Gòn vây ông Thảo ở Tam Hiệp, Biên Hòa. Bị trọng thương, Chín Thảo bị bắt ngay hôm sau. Kẻ thù đã dùng cực hình man rợ đến cực điểm để tra tấn ông Thảo cho đến chết ngay trong đêm đó. Ngay sau đó, tin ông Thảo từ trần trong một tai nạn đã được tung lên các báo Sài Gòn.
Trở lại công văn Đại tá Phạm Ngọc Thảo 4-6-1965, Colby viết tại điểm 7: "Chúng tôi nhận thức rõ sự cần thiết của việc không được làm cho Thảo, về mặt chính trị, trở thành vị thánh tử vì đạo (political martyr)". Nhưng mưu đồ này đã thất bại. Các nguồn tin ở Sài Gòn sau đó cho biết, chịu mọi cực hình tàn khốc đến chết, ông Thảo đã không hé môi về bất cứ quân nhân hay chính khách của chế độ Sài Gòn, từng là đồng minh trong đảo chính của ông, hay bất kỳ một thông tin gì khác. Theo chuẩn mực tôn giáo, ông đã trở thành bậc Thánh, chịu thống khổ để cứu nước nhà. Danh hiệu này, cùng chữ martyr (thánh tử vì đạo), vô hình trung, đã được CIA dùng chỉ ông Thảo trong công văn ngày 4-6-1965 nói trên.
LÊ ĐỖ HUY (dịch)

-Chuyện xưa chuyện nay: Cuộc gặp gỡ giữa Roxanna Brown và Phạm Xuân Ẩn

Phạm Xuân Ẩn (1927-2006)Roxanna Brown là một phụ nữ Mỹ, chị đã từng làm việc về báo chí tại miền Nam Việt nam hồi trước năm 1975. Sau đó chị về đi học lại và rồi đi dậy về môn sử học và khảo cổ tại Thái lan. Chị có quốc tịch Thái lan và hay lui tới Việt nam với passport Thái lan để làm việc trao đổi về sử học với Phân Viện Khoa học Xã hội tại Saigon từ các năm 1988 – 1989.
Anh Mike Morrow là một người bạn lâu năm đã giới thiệu Roxanna với anh chị em chúng tôi trong thời gian này. Do một tai nạn xe cộ ở Bangkok, Roxanna bị thương tật ở chân nên phải chống gậy mới có thể di chuyển được. Hồi đó, nhờ sự tổ chức của anh Võ Sĩ Khải chuyên viên về khảo cổ, tôi có dẫn Roxanna đến thăm khu di tích lịch sử của vương quốc Óc Eo Phù Nam ở miệt Đức Hòa Long An. Chị rất chú ý đến các hiện vật được khai quật tại đây, mà thuộc về một thời đại đã cách nay trên dưới 1500 năm lịch sử.

Roxanna cho biết có nhiều sự tương đồng với các đồ gốm sứ ở Mã lai, Thái lan mà chị vẫn thường gặp trong các năm gần đây. Qua những chuyện nho nhỏ như vậy, mà Roxanna rất thân thiết gắn bó với công việc văn hóa xã hội của một số anh chị em chúng tôi.*Mấy lần Roxanna có nhờ tôi dẫn chị đến gặp ông Phạm Xuân Ẩn là người vừa cộng tác với giới truyền thông báo chí ngọai quốc và vừa làm việc về tình báo cho Hà Nội hồi trước năm 1975. Chị nói: Tôi chưa hề quen biết với ông Ẩn trước đây, nhưng do anh bạn là Nguyễn Ngọc Phách hiện ở Australia cứ nhắc chị là tìm cách gặp thăm ông Ẩn vốn là bạn đồng nghiệp thân thiết lâu năm với anh Phách, nên chị rất muốn được gặp ông Ẩn theo lời nhắn nhủ của anh Phách. Anh Phách chính là bào đệ của giáo sư Nguyễn Ngọc Linh người có tên tuổi quen thuộc ở Saigon thưở trước. Thế là vào một buổi tối vào giữa tháng 4/1990, tôi đã dẫn Roxanna đến thăm ông Ẩn tại nhà riêng ở gần khu Yên Đổ – Lê Văn Duyệt Saigon.

Sau lời giới thiệu và chào hỏi giữa hai bên, Roxanna nói ngay: Hồi trước tôi làm cho thông tấn News Dispatch, nhưng chưa được có dịp gặp gỡ với ông. Nhưng anh Phách cứ hay căn dặn tôi là phải tìm cách gặp được ông để chuyển lời thăm hỏi về sức khỏe của anh ấy đến với ông. Nay nhờ có anh Liêm cũng là chỗ quen biết với ông dẫn đến đây, tôi thật hân hạnh được gặp ông và sẽ nói lại với anh Phách về buổi gặp gỡ này.

Ông Ẩn trả lời đại khái là gần đây với chính sách mở cửa của nhà nước, thì tôi cũng đã có nhiều dịp tiếp các bạn bè quốc tế đến thăm ngay tại căn nhà này. Nói xong, ông Ân lấy trên giá sách mấy cuốn sách mà bạn bè của ông viết đề tặng cho ông thời gian gần đây. Cuộc nói chuyện càng trở nên tự nhiên thân mật, và tôi nhận thấy ông Ẩn vẫn rất khôn khéo trong cách trả lời với khách. Ông Ẩn nói với giọng triết lý, thóat tục nhiều hơn là đi vào chi tiết cụ thể liên quan đến tình trạng xã hội chính trị hiện thời ở Việt Nam.
Cụ thể là khi Roxanna hỏi : Ông được phong danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”, đó là một vinh dự lớn lao đấy chứ, xin ông cho biết cảm tưởng về sự kiện này.” Ông Ẩn trả lời rất tự nhiên với những lời lẽ đầy vẻ triết lý thanh thóat, đại khái như sau: “Trong thời chiến, tôi chỉ làm nhiệm vụ của một người công dân yêu nước. Vậy thôi. Còn cái chuyện bây giờ nhà nước phong cho tôi cái danh hiệu như thế, đó là vì nhà nước muốn nhằm mục đích nêu cái tấm gương để động viên khích lệ cho giới thanh thiếu niên bây giờ hy sinh dấn thân phục vụ dân tộc mà thôi. Cô nghĩ xem, năm nay tôi đã quá 60 tuổi già yếu bệnh họan nhiều, đã về nghỉ hưu rồi, tôi đâu còn có tham vọng ham thích gì đến những chuyện về danh tiếng, về lợi lộc gì nữa trên cõi đời này? …”
Buổi gặp gỡ chuyện trò kéo dài chừng hơn một giờ, và chúng tôi chia tay vui vẻ lịch sự cả hai phía chủ và khách. Trên đường về, Roxanna tâm sự với tôi: “Tôi thật không thể ngờ được cái con người nhỏ nhoi ốm yếu như ông Ẩn mà lại có mưu mô, đảm lược trong suốt mấy chục năm làm được cái nghề tình báo cao cấp đến như thế, mà không bao giờ ông ấy để cho bị lộ mặt. Cả cái lối ông ấy trả lời các câu hỏi của tôi bữa nay cũng chứng tỏ ông ta thực sự có sự tự tin và biết giữ kẽ thủ thế đến mức tối đa. Tôi không thể nào mà lại có thể có được sự khôn khéo, mưu trí và can trường như người gián điệp này đâu!…Tôi sẽ tường thuật cho anh Phách biết rõ hơn về người bạn đồng nghiệp của anh ấy khi xưa.
* Chuyên tiếp theo đáng nói hơn nữa, đó là chỉ chừng một tuần lễ sau đó, thì tôi bị bắt ở phi trường Đà nẵng khi máy bay vừa từ Saigon đáp xuống đây vào chiều ngày 23/4/1990. Và cả Mike Morrow cũng như Roxanna Brown cũng bị bắt giữ trong dịp này nữa. Roxanna được thả ra sau một tuần lễ.
Và khi điều tra, thì tôi lại bị Đại tá Quang Minh căn vặn, bắt tôi phải tường thuật về việc tôi dẫn Roxanna đến gặp gỡ với ông Phạm Xuân Ẩn tại nhà riêng của ông ấy. Ông Quang Minh còn hỏi lý do nào thúc đẩy tôi làm việc này. Tôi đã phải trả lời bằng mấy trang giấy viết, đại khái rằng : Ông Ẩn nói chuyện với cô Roxanna một cách rất bình tĩnh ôn tồn, nhỏ nhẹ, và ông tòan nói với giọng triết lý chung chung, chứ không hề nói gì về chi tiết cụ thể với người trước đây ông chưa hề quen biết. Việc ông tiếp chỉ là do mối thân tình của ông với ông Phách là đồng nghiệp trong ngành báo chí với ông hồi trước năm 1975 mà thôi. Chủ yếu là chuyện thăm hỏi và trao đổi tin tức bình thường giữa hai người bạn năm xưa mà thôi. Còn riêng cá nhân tôi, thì tôi cũng có quen với ông Ẩn qua mấy người bạn như hai giáo sư Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, nhưng tôi chưa thể được coi như là bạn hữu thân thiết của ông Ẩn. Cô Roxanna có giúp tôi sửa một vài bức thư về business để gửi cho mấy thân chủ ngọai quốc của tôi, nên giữa chúng tôi có sự gắn bó thân tình với nhau. Nên tôi giúp đưa cô ấy đến gặp ông Ẩn, thì chỉ là chuyện bình thường bạn bè giúp đỡ nhau mà thôi.
Đến nay, thì cả hai người ông Phạm Xuân Ẩn và cô Roxanna Brown đều đã ra người thiên cổ mất rồi. Ông Ẩn thì mất năm 2006 ở tuổi 79 tại Saigon vì bệnh phổi. Còn Roxanna thì mất năm 2008 tại Mỹ ở tuổi 62, trong một hòan cảnh bi đát trớ trêu, mà báo chí Mỹ đã chỉ trích nặng nề đối với cơ quan tư pháp điều tra của nước Mỹ. Chi tiết này thật nhiêu khê dài dòng, vượt ra khỏi phạm vi của bài viết này, nên bạn đọc có thể tìm kiếm trên internet sẽ biết rõ hơn. Và cả chi tiết về cuộc đời họat động tình báo của ông Ẩn cũng đày rẫy trên internet nữa.
Nhân tiện, tôi cũng muốn ghi thêm một vài chi tiết về ông Phạm Xuân Ẩn như sau: Vào năm 1997, sau khi qua định cư ở Mỹ, thì tôi có viết một lọat bài về “Những khuông mặt Tình Báo Chiến Lược của Hanoi”, điển hình là các ông Phạm Ngọc Thảo. Phạm Xuân Ẩn và bà Đinh Thị Vân. Trong bài viết về ông Ẩn, tôi có đặc biệt nhắc lại việc ông tận tình cứu giúp Bác sĩ Trần Kim Tuyến đi thóat được vào ngày 30/4/1975.
Đến năm 2001, khi có dịp đến thăm bà con ở thành phố Kansas City, thì tôi được một chị bạn người Cần thơ cho tôi biết rằng: “Tôi có đọc bài anh viết về ông Phạm Xuân Ẩn, thế mà ông Ẩn có một người em làm luật sư ở Cần thơ tên là Phạm Xuân Định, anh cũng là luật sư, chắc anh phải biết ông Định đấy chứ?”.
Tôi gật gù trả lời chị bạn: “Anh Định cùng tuổi với tôi và là bạn học chung với tôi ở trường Luật Saigon hồi giữa thập niên 1950, chúng tôi đều cùng tốt nghiệp cử nhân luật khoa năm 1958. Trước 1975, một vài lần tôi cũng gặp lại anh Định tại văn phòng luật sư của anh ấy tại Cần thơ. Mà sau 1975, có lần gặp anh Định ở Saigon, thì anh ấy cũng cho tôi biết là đang làm “bào chữa viên” ở Cần thơ. Nhưng xem ra anh Định cũng chẳng tỏ vẻ gì là phấn khởi, lạc quan với cái khí thế của một người được trọng dụng trong chế độ mới của người cộng sản cả. Anh ấy cũng rong ruổi đạp cái xe cũ kỹ, cà tàng y như tôi vậy thôi. Bây giờ chị cho biết anh Định là em của anh Ẩn, thì đó là điều mà trước đây ở Việt nam, tôi chưa hề được biết đến, mặc dù tôi lại quen biết cả hai người này…”
Bài viết đến đây kể cũng đã dài dòng rồi, tôi xin được tạm ngừng nơi đây và sẽ tiếp tục cống hiến tới quý bạn đọc những câu chuyện “Người thật, Việc thật” khác nữa trong mục “Chuyện xưa chuyện nay” vậy nhé.
California, Tháng Chín 2011
© Đòan Thanh Liêm
© Đàn Chim Việt



Hồ sơ Phạm Ngọc Thảo: Vụ xử ông Phạm Ngọc Thu (Biện lý Tòa Án Sơ thẩm Biên Hòa) về tội liên lạc với người em ruột là cựu Đại tá Phạm Ngọc Thảo (viet-studies 8-1-13) -- Tư liệu quý hiếm do một bạn đọc cung cấp.

http://img103.fansshare.com/pic50/w/non-celebrity/369/13748_dai_ta_pham_ngoc_thao.jpg
Phiếu trình số 20587/TCSQG/S1/A/TK ngày 23/5/1965 do Tổng Giám Đốc CSQG, Trung tá Phạm Văn Liễu, trình lên Thủ tướng Chánh phủ VNCH có nội dung tóm gọn như sau:

“Hồi 17 giờ ngày 22/5/1965, Nha tôi đã tiếp xúc với Ông Phạm Ngọc Thu, Biện lý Tòa án Sơ thẩm Biên Hòa tại Văn phòng Ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp trước sự hiện diện của Ông Tổng trưởng.

“Trong tờ tự thuật, Ông Thu đã thú nhận sau ngày 19/2/65 (ngày một số Tướng Tá Saigon làm đảo chánh định lật đổ Tướng Nguyễn Khánh nhưng không thành công), thỉnh thoảng ông có đến thăm Ông Phạm Ngọc Thảo tại nhà trong hẽm đường Hùng Vương, Saigon”

Nhận xét và đề nghị của Tổng Nha CSQG:

“Nha tôi nhận thấy Ông Thu là một Thẩm phán có người em thứ 9 là cựu Đại tá Phạm Ngọc Thảo đã bị Tòa Án Mặt Trận Vùng 3 Chiến Thuật xử khuyết tịch tử hình, tịch thu tài sản và tước đoạt công binh quyền ngày 7/5/65 mà ông vẫn thường xuyên liên lạc.

“Em thứ 7 của Ông Thu là Phạm Ngọc Hùng lại dính líu vào âm mưu khuynh đão Chánh phủ bất thành.

“Để cuộc điều tra được tiến hành thuận lợi và có kết quả, Nha tôi kính đề nghị Thủ tướng chỉ thị cho Bộ Tư pháp tạm ngưng chức Ông Phạm Ngọc Thu và đồng thời cho phép Nha tôi câu lưu đương sự

                                                         “Ấn ký: Trung tá Phạm Văn Liễu”

************

Ngày 29/5/65, công văn số 685-TTP/ĐL/M, Đổng Lý Văn Phòng Phủ Thủ Tướng đã phúc đáp phiếu trình trên:

“Thủ tướng đã duyệt lãm quý phiếu trình thượng dẫn và chấp thuận đề nghị của quý Ban.“Văn phòng tôi đã gửi công văn yêu cầu Bộ Tư Pháp ra lệnh tạm ngưng chức Ông Phạm Ngọc Thu (bản sao kèm).”

                                                          “Ký tên:  LÊ ĐỨC HỢI

**********

Ngày 2/6/65, Tổng Trưởng Tư Pháp triệu tập một Hội nghị các Thẩm pháp cao cấp tại Bộ Tư Pháp để thảo luận về vấn đề đặc quyền tài phán qui định trong quy chế các Thẩm phán.

Hiện diện trong Hội nghị gồm có: Chánh Nhứt Tòa Phá Án, Chưởng Lý Tòa Phá Án, Chủ tịch Tham chính Viện, Chưởng lý Tòa Thượng Thẩm Saigon, Chánh Nhứt Tòa Thượng thẩm Saigon, Phó Chưởng Lý Tòa Thượng Thẩm Saigon, Chánh Án Tòa Án Hành Chánh, Chánh Án Tòa Sơ Thẩm Saigon, Giám Đốc Nha Nhân Viên và Kế Toán tại Bộ Tư Pháp.

Biên bản gồm 4 trang A4, mỗi trang đều có chữ ký của 9 vị Thẩm Phán cao cấp.

Biên bản gồm có một số nội dung chủ yếu như sau:

1- Lý do của việc dành cho các Thẩm Phán đặc quyền tài phán:

       Điều 40 và kế tiếp của Dụ số 3 ngày 29/3/1954 liên quan đến đặc quyền tài phán của các Thẩn Phán, chỉ là một hậu quả tất yếu của nguyên tắc phân quyền giữa lập pháp,hành pháp và tư pháp, một nguyên tắc căn bản làm nền tảng cho mọi chế độ tự do dân chủ………

       Sở dĩ các điều luật nói trên đã dành cho các Thẩm Phán có đặc quyền tài phán là cốt để bảo đãm cho các Thẩm phán sự độc lập cần thiết để thi hành nhiệm vụ vì các Thẩm Phán có được độc lập và có được tự do quyết định theo lương tâm mình trong khi xử đoán, không bị áp lực nào bên ngoài chi phối thì mới có thể bảo đãm được tính cách công bình và vô tư của nền tư pháp, và các quyền lợi chính đáng của mọi người dân…

     Vì vậy nguyên tắc phân quyền và nguyên tắc độc lập của các Thẩm Phán đã được xác nhận trong Hiến chương Lâm Thời ngày 20/10/1964.

    Thủ tục đặc biệt này nhằm mục đích bảo đãm cho nền công lý được vô tư, chớ không phải bênh vực riêng cho Thẩm Phán. Trái lại, các Thẩm Phán bị can bị thiệt thòi thì đúng hơn vì không thể hưởng lưỡng cấp tài phán và bị đưa ra trước các Thẩm phán cao cấp hơn, thường có khuynh hướng nghiêm khắc hơn khi xét xử.

    Biệt lệ này còn có hai lý do nữa: một là bảo vệ danh dự và uy tín của Thẩm Phán Đoàn, bảo đãm cho Thẩm Phán chống những thủ tục phiền nhiễu mà Thẩm Phán có thể phải chịu đựng vì bị ghen ghét bởi chức vị, hai lá tránh sự việc vì giữ những chức vị có uy tín mà Thẩm Phán có thể không bị trừng phạt một cách xứng đáng.

2 - Xuất xứ của các điều 40 và kế tiếp của Dụ số 3 ngày 23/9/1954 qui định đặc quyều tài phán cho các Thẩm Phán

    Đặc quyền tài phán của Thẩm Phán đã có tự lâu……, vì xuất xứ của các điều 40 và kế tiếp của Dụ số 3 ngày 29/3/1954 chính là các điều 479 và kế tiếp của Bộ Hình Sự Tố Tụng ban hàn năm 1808 và hiện vẫn còn áp dụng tại Việt Nam.
   ………………………, hiện nay các nước dân chủ trên thế giới, các Thẩm Phán đều được hưởng quyền đó cả.

3 - Đặc quyền tài phán có được áp dụng cho các tội phạm chính trị không?

     Điều 40 và Dụ số 3 ngày 29/3/1954 không dùng danh từ “khinh tội hay trọng tội về thường luật “mà lại dung danh từ “khinh tội hay trọng tội”, như vậy nghĩa là điều ấy không phân biệt các tội trong và các tội chính trị. Nói một cách khác, tất cả các tội phạm, dù là về thường luật hay về chính trị, đều được bao gồm trong điều 40.

........

4- Thủ tục áp dụng trong việc điều tra sơ khởi và tru
   
   Chiếu theo các điều 40 và kế tiếp Dụ só 3 nói trên, cuộc điều tra sơ khởi không có tánh cách công khai và không thể giao cho Nha Tổng Giám Đốc Cảnh Sát phụ trách. Cuộc điều tra sơ khởi này có tính cách mật và phải chính Ông Chưởng Lý Giám Đốc Sở Tư Pháp mở cuộc điều tra nầy hay ủy cho một vị Thẩm Phán cấp trên bị can làm công việc điều tra. Sau khi làm công việc điều tra tiên thẩm,Ông Chưởng Lý sẽ gửi báo cáo lên Ông Tổng Trưởng Bộ Tư Pháp để Ông Tổng trưởng quyết định có nên truy tố Thẩm Phán bị cáo không. Trước khi đưa ra xét xử, trong trường hợp bị truy tố, chỉ có Ô Chánh Nhứt Tòa Thượng thẩm và vị Thẩm phán được ủy quyền thẩm cứu mới có quyền hạ trát đòi hay ra lệnh dẫn giải, nhưng chỉ riêng Ông Chánh Nhứt mới có quyền hạ trát tống giam.

    Trên đây là quan điểm của Hội nghị về việc áp dụng các diều luật qui định đặc quyền tài phán cho các Thẩm Phán, quan điểm này xét ra phù hợp với tinh thần và văn từ của điều 40 và kế tiếp của Dụ só 3 ngày 29/3/1954

                                                                Làm tại Saigon ngày 2 tháng 6 năm 1965
                                                                     Chữ ký của 9 vị thẩm Phán

***********

·         Ngày 9/6/1965, Tổng Trưởng Bộ Tư Pháp Lữ Văn Vi có gửi công văn số 502 BTP/NV.1 đến Thủ Tướng Chánh Phủ với nội dung tóm gọn như sau:

         “Bộ tôi trân trọng kính trình THỦ TƯỚNG rõ:

    “Nhân vụ Ông Phạm Ngọc Thu, Biện Lý Tòa Sơ Thẩm Biên Hòa bị Nha Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia diều tra vì lý do tình nghi có dính líu vào vụ âm mưu đảo chánh ngày 20/5/1965, Bộ tôi có triệu tập một cuộc hội nghị các  Thẩm Phán cao cấp tại Saigon đẻ thảo luận về vấn đề đặc quyền tài phán qui định trong quy chế các Thẩm Phán (điều 40 và kế tiếp của Dụ số 3 ngày 29/3/1954)”

    “Ngày 2/6/1965, chín Thẩm Phán cao cấp đã nhóm họp tại Bộ Tư Pháp và sau một cuộc thảo luận kỹ càng và tỉ mỉ, đã trình quan điểm sau đây: Điều 40 và Dụ số 3 ngày 29/3/1954 không phân biệt các tội thường và các tội chánh trị và đặc quyền tài phán phải có một phạm vi áp dụng tổng quát tức là phải  được áp dụng trong tất cả mọi trường hợp Thẩm Phán bị điều tra hay xét xử, dù tội thường hay tội chánh trị và trong hay ngoài chức vụ.”
“………”

“Quan điểm trên đây xét có phần xác đáng đối với cuộc điều tra sơ khởi vì trong khi chưa có bằng cớ chắc chắn về sự phạm pháp, nếu giao cho Nha Cảnh Sát phụ trách cuộc điều tra một cách công khai thì sau này nếu không tìm ra đủ yếu tố để buộc tội thì sẽ làm mất uy tín của Thẩm Phán.”

“Vậy để bảo đãm danh dự cho các Thẩm phán, Bộ tôi thiết tưởng nên áp dụng điều 40, Dụ số 3 ngày 29/3/1954 trong việc điều tra sơ khởi các Thẩm Phán bị tình nghi phạm pháp và về trường hợp riêng của Ông Phạm Ngọc Thu thì giao ngay cho Ông Chưởng Lý Tòa Thượng Thẩm Saigon, Giám Đốc Sở Tư Pháp Nam Phần mở cuộc điều tra mật sau khi liên lạc với Nha Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia: nếu tìm đủ chứng cớ về sự phạm pháp thì sẽ truy tố và ngưng chức đương sự.”

“Bộ tôi xin gửi kèm theo đây biên bản cuộc Hội nghị ngày 2/6/1965 nói trên của các Thẩm Phán cao cấp tại Saigon để Thủ Tướng tiện quyết định và ban chỉ thị cho Bộ tôi và Nha Tổng Giám Đốc Cảnh Sát thi hành.”
                      
********

·       Nhận được công văn trên của Bộ Tư Pháp, Văn Phòng Phủ Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương đã lập phiếu trình lên Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (phiếu trình ngày 8/7/ 1965 do Đổng Lý Văn Phòng biên soạn ). Phiếu trình nêu quan điểm của ba cơ quan: Tổng Cảnh Sát Quốc Gia, Bộ Tư Pháp và Văn Phòng Phủ Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương.

1- Tổng Cảnh Sát Quốc Gia:  

       Ô. Phạm Ngọc Thu đẵ liên lạc thường xuyên với người em ruột thứ 9 là cựu Đại tá Phạm Ngọc Thảo đã bị Tòa Án Mặt Trận Vùng 3 Chiến Thuật xử tử hình, và người em thứ 7 là Phạm Ngọc Hùng có dính liu vào âm mưu đảo chánh ngày 20/5/1965.

      Tổng Cảnh Sát Quốc Gia đề nghị ngưng chức Ô. Phạm Ngọc Thu và cho phép Tổng Nha câu lưu đương sự để điều tra.”

2-  Bộ Tư Pháp

       Bộ dẫn chứng điều 40, Dụ số 3 ngày 29/5/1954 về việc điều tra sơ khởi các thẩm phán bị tình nghi phạm pháp để yêu cầu áp dụng đặc quyền tài phán trong trường hợp của Ô. Biện lý Phạm Ngọc Thu: giao Ô.Thu cho Chưởng lý Tòa Thượng thẩm Saigon mở cuộc điều tra mật, sau khi liên lạc với Tổng Cảnh Sát Quốc Gia, nếu tìm đủ yếu tố về sự phạm pháp, sẽ truy tố và ngưng chức đương sự.

3- Ý kiến của Văn Phòng

      Bộ Tư Pháp đã dẫn chứng một điều luật và xin áp dụng đặc quyền tài phán cho các Thẩm phán để gỡ thể diện cho Ô. Biện lý Thu. Nếu theo giải pháp này thì không thể tống giam ngay Ô. Thu, vì về mặt Hình chưa có yếu tố nào có thể kết luận đương sự đã phạm pháp.

     Kính trình Thủ Tướng Chủ Tịch thẩm định. Thiết nghĩ có thể áp dụng đúng luật lệ, nhưng định một thời hạn và CSCA tiếp tục canh chừng.”

* Bên lề phiếu trình trên, có bút phê của Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ Tịch UB HP TƯ: Tiếp tục điều tra-trong khi chờ đợi, thuyên chuyển đương sự đi xa vùng 3.
    
Ý kiến của Tướng Kỳ truyền đạt đến Bộ Tư Pháp, Bộ này có công văn cho biết Biện lý Thu dã xin nghỉ phép 6 tháng không lương nên ý kiến trên chưa thực hiện được.


**********
Cho đến ngày 5/10/1965, Tổng Ủy Viên Bộ Tư Pháp có công văn số 262-BTP/VP/M gửi Thiếu Tướng Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, nội dung tóm gọn như sau:

“Kính thưa Thiếu Tướng Chủ Tịch,

Tuân hành lệnh của Thiếu Tướng, Bộ tôi đã giao cho Ông Chưởng Lý, Giám Đốc Sở Tư Pháp Nam Phần điều tra vụ Ông Phạm Ngọc Thu, Biện Lý Tòa Sơ Thẩm Biên Hòa, bị tình nghi dính líu vào vụ âm mưu đảo chánh ngày 20/5/1965. Kết quả như sau:

   Ông Thu thừa nhận có gặp Thảo hai lần, có nói chuyện qua loa với nhau. Lần cuối hai anh em gặp nhau, độ 3 tuần lễ trước ngày 20/5/!965.

   Tài liệu do Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia thâu thập, cũng như cuộc điều tra của Ông chưởng lý Tòa Thượng thẩm không đem lại yếu tố chứng minh rằng Ông Phạm Ngọc Thu có nhúng tay vào âm mưu đảo chánh ngày 20/5/1965. Chỉ có bằng chứng là Ông Phạm Ngọc Thu gặp Phạm Ngọc Thảo hai lần nhưng không báo cho nhà chức trách bắt. Tuy nhiên, về loại tội phạm này, pháp chế hiện hành như pháp chế áp dụng ở Pháp, cũng gạt ra ngoài vòng  đồng lõa những người thân thuộc đên hàng thứ tư…

     Trong ý niệm duy trì truyền thồng nhân nghĩa trong gia đình Việt Nam và bảo toàn nên văn minh của dân tộc, Bộ tôi dự định xếp hồ sơ Phạm Ngọc Thu vì trường hợp đặc miễn.”

**************

Ngày 21/10//1965, công văn số 1312-UBHF/ĐL/M do Trương Ngọc Giàu (không để chức tước và không con dấu, đơn vi gửi đi bị bôi đen)  có nội dung như sau:
                                         Kính gửi: Ông Đổng Lý Văn Phòng
                                                             Bộ Tư Pháp- Saigon.

  “Trân trọng tin quý Bộ rõ: Thiếu Tướng Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương đã duyệt lãm văn thư dẫn chiếu và chấp thuận cho xếp hồ sơ điều tra Ông Phạm Ngọc Thu.

             Kính tư để quý Bộ thi hành.

    Bản sao kính gởi: Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia


                                                                     A N H   T R Ầ N
                                                             (cựu sinh viên Trường Luật Saigon)



--Hồ sơ Phạm Ngọc Thảo: Biên bản của Cảnh Sát Công An (VNCH) về việc bắt đại tá Phạm Ngọc Thảo năm 1965 (viet-studies 2-1-13) -- Tư liệu quý hiếm do một bạn đọc của viet-studies cung cấp.◄◄

BÁO CÁO CỦA NHA TỔNG GIÁM ĐỐC CẢNH SÁT CÔNG AN

V/V  BẮT ĐƯỢC CỰU ĐẠI TÁ PHẠM NGỌC THẢO.

Liền sau phiên tòa xử vụ đảo chánh nhằm lật đổ Tướng Nguyễn Khánh ngày 20/2/1965 bất thành, hai phần vụ lãnh đạo vụ đảo chánh là cựu Đại Tá Phạm Ngọc Thảo và Nguyễn Bảo Kiếm (bị xử tử hình khiếm diện) đã quyết định tổ chức một cuộc đảo chính khác. Các bị can trong vụ đảo chánh bất thành bị truy nã gắt gao.

Ngày 19/7/1965, trong phiếu trình số 031881/TCSQG/S2/D gửi đến Thiếu tướng, Chủ  tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, Tổng Giám Đốc Nha Tổng GĐ CSCA, Trung tá Phạm Văn Liễu, cho biết đã bắt được cựu Đại tá Phạm Ngọc Thảo. 
Nội dung phiếu trình như sau:
1.   Tin tức do Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia nhận được về hoạt động của Thảo hai ngày trước khi bị bắt.
-  Gần đây theo cung xuất của Đại tá Bùi Dzinh, được biết co sự lủng củng nội bộ rất trầm trọng giữa bọn Kiếm, Thảo và Chung, Diễn, Bọn chúng nghi ngờ nhau và dự định thanh toán lẫn nhau, nhất là sau vụ 20/5/1965 thất bại.
-  Ngoài ra, ngày 16/7 lúc 5 giờ, Đại Úy Phạm Minh Khâm (Trưởng Ty CSQG  Gia Định) nhận được điện thoại của một kẻ vô danh cho biết như sau:
    “Chúng tôi đã giết tên Thảo rồi vì tên Thảo đã đi ngược đường lối của chúng tôi. Yêu cầu Ông (tức Đại Úy Khâm) đi theo xa lộ về hướng Biên Hòa, qua khỏi cầu sông đồng Nai, đến một ngã tư, bên trái rẻ về Hảng Cogido, bên phải về hướng lộ số 10, Ông theo hướng hương lộ 10 khoảng 700 thước thì gặp hương lộ 2, chưa tới ngã ba HL10-HL2 độ 30 thước, gặp 1 đường mòn. Ông đi theo đường mòn vào trong độ 100 th, bên phải có một lùm cây thì gặp xác của Thảo tại đây. Thảo mặc bộ đồ bà ba trắng và bị chúng tôi bắn bằng súng hãm âm thanh”
   Căn cứ vào nguồn tin này, Nha tôi có chỉ thị cho Đại Uý Khâm đến tận nơi điều tra  và phối kiểm. Kết quả không tìm được xác Đại tá Thảo nhưng thấy tại địa điểm được báo cáo vào lúc 15 giờ 45 ngày 16/7 có những vết máu đông đặc lại, một đôi dép da và 1 chăn xà rông bông.
2.   Diễn tiến cuộc điều tra và vây bắt cựu Đại tá Thảo.
Song song với sự việc vừa kể, Nha tôi cũng chỉ thị cho Nha Cảnh Sát Đặc Biệt Miền Đông và Ty Cảnh Sát Quốc Gia Biên Hòa điều tra về người bị thương mà Ty Cảnh Sát Quốc Gia Gia Định vừa được báo cáo.
Kêt quả sự diễn tiến cuộc điều tra và vây bắt như sau:
Ông Nguyễn Phước Hiệp, Trưởng Chi CSQG Quận Đức Tu (Biên Hòa) cho biết:
-  Ngày 16/7/65, lúc 10 giờ 30, một nhân viên Cảnh sát tại trạm kiểm soát Tân Mai 1 cũng là một giáo dân ngụ trong Xứ Đa Minh, có trông thấy Cha Cường,
Cha Xứ Nữ Tu Viện Đa Minh ngồi trên xe Lambretta (3 bánh) số NA-6575-A từ hướng xa lộ vào quận Đức Tu (Biên Hòa) cùng với một người mặc bà ba trắng dính máu và có vết thương nơi mặt. Khi đến trạm kiểm soát, Cha Cường vội khoát tay chào và xe chạy luôn về hướng Biên Hòa. Ông này nghi ngờ và vội báo tin trên cho Ông Nguyễn Phước Hiệp, Trưởng Chi CSQG Đức Tu. Ông này liền phân phối nhân viên an ninh chìm dò la tin tức để truy nguyên chiếc xe Lambretta và sự việc. Sau đó, ông ta được biết xe Lambretta nói trên phát xuất từ thị xả Long Bình Tân (ngang với công ty giấy Cogido)
Ông liền dò la tin tức và được biết như sau:
-  Vào khoảng 9 giờ sáng  16/7/65, các em bé muc đồng và những người tiều phu tại khu rừng chồi (xả Long Bình Tân) có trông thấy một người đàn ông mặc áo bà ba trắng dinh đầy máu và bị thương nơi mặt. Người đàn ông này tự xưng là Thầy Dòng và xin được gặp Cha Xứ để chịu phép (xức dầu trước khi chết). Dân chúng liền đem y vào trại tạm cư Công giáo người miền Trung. Tại đây, y được người Trùm Họ Nguyễn Trọng Điền kiêm y tá nông thôn săn sóc vết thương mặt. Y tỏ ý muốn gặp Cha Xứ tại đây nhưng giáo dân cho biết Cha Xứ đã đi Saigon cấm phòng. Y liền yêu cầu cho y được gặp một Cha khác thì ông Điền cho ông Đặng Văn Nhung (giáo dân xả Long Bình Tân) đi mời Cha Cường, dòng Đa Minh để y chịu phép và xức dầu. Ông Nhung dùng xe gắn máy đến Nữ Tu viện Đa Minh tìm gặp Cha Cường. Sau khi nghe ông Nhung trình bày tự sự, Cha Cường liền theo ông Nhung đến Long Bình Tân để gặp người đàn ông bị thương nói trên, Đến nơi, Cha Cường vội vàng cho xe Lambretta số NA-6575-A cùng ông Điền, Nhung và một số giáo dân lên xe đưa người đàn ông bị thương đi Biên Hòa cứu cấp. Khi xe đến cổng ấp Tân Mai 1 (xả Bùi Tiềng) Cha Cường bảo giáo dân xuống xe để một mình Cha đưa người bị thương đi cứu cấp cũng được. (Lúc này không rõ xe Lambretta đưa Cha Cường và người bị thương đi về đâu).
-  Sau khi thâu lượm các tin tức trên, ông Hiệp (Trưởng Chi CSQG Đức Tu) tình nghi nên mời Trùm Họ Nguyễn Trọng Điền và ông Bạch Văn Nhung hỏi thêm chi tiết. Ông Hiệp có cho các ông này xem một số ảnh củanhững người tại đào trong đó có ảnh cựu Đại tá Phạm Ngọc Thảo. Sau khi xem ảnh, hai ông Hiền và Nhung đều xác nhận người bị thương gương mặt giống cựu Đại tá Thảo phần trên từ mắt lên đến đầu, tuy nhiên tóc của người bị thương đã hoa râm, cao và gầy.
-  Lúc 14 giờ, trong khi tiếp tục theo dõi, ông Hiệp liền trình báo tự sự lên ông Dương Đình Đôi (Trưởng Ty CSQG Biên Hòa) và Đại úy Cao Văn Của (Quận trưởng Đắc Tu) để xin chi thị. Đồng thời ông Hiệp được biết thêm chiếc xe chở người bị  thương được xác nhận là cựu Đại tá Phạm Ngọc Thảo chạy qua khỏi Nữ Tu Viện Đa Minh một khoảng rồi rẻ vào đường mòn vào nhà Cha Cường có lẽ nhằm đánh lạc hướng chánh quyền. Cựu Đại tá Thảo được Cha Cường săn sóc vết thương, chịu phép và xức dầu tại nhà thờ Đa Minh, kế đó đưa ra ngoài ẩn trú,
-  16 giờ cùng ngày, Đại úy Quận trưởng Đức Tu, Trưởng Ty CSQG Biên Hòa họp nhau tại Chi CSQG Đức Tu để đặt kế hoạch bao vây vùng Xứ Đa Minh (chỉ thị của Tổng Giám Đốc CSQG, trong giờ phút này là phải tìm cho ra người đàn ông bị thương đã nói trên). Sau đó ông Trưởng Ty CSQG Biên Hòa đi cùng Trưởng Chi CSQG Đức Tu đến nhà thờ Đa Minh tìm gặp Cha Cường. Tại đây, Cha Cường xác nhận có săn sóc cứu cấp một giáo dân cùng chịu phép và xức dầu tại nhà thờ nhưng Cha Cường không cho biết danh tánh và nơi ẩn trú hiện tại của người ấy. Ông Trưởng Ty CSQG Biên Hòa bèn trình với Trung tá Tỉnh trưởng Biên Hòa để thỉnh thị. Còn ông Hiệp (Trưởng Chi CSQG Đức Tu) thì phân phối nhân viên an ninh chìm đi sâu vào trong vùng xứ Đa Minh. Đến 17 giờ (16/6/65), ông Hiệp được biết Thảo đang ẩn trú tại một căn nhà mới cất cách Nữ Tu Viện Đa Minh 50 thước (YT.034.108). Ông liền chỉ thị các  nhân viên CSQG siết chặt vòng vây.
-  Đúng 17 giờ 10, có một người đàn ông mặc áo cánh nâu, quần đùi đen từ căn nhà nói trên chạy ra, ông Hiệp liền chặn lại và bắt giữ. Nhưng Thảo cự nự và la lớn có ý bào động trong Xứ Đạo, đồng thời chuông báo động của nhà thờ đổ vang, Ông Hiệp vội vàng xưng chức vụ và gọi đích danh Đại tá Thảo rồi đưa xe áp giải thẳng về Ty CSQG Biên Hòa theo lời yêu cầu của Thảo, ông Hiệp vội vàng đưa Thảo đến trình diện ông Tỉnh trưởng.
-  Trên đường áp giải về Ty CSQG Biên Hòa và Tòa Tỉnh trưởng Biên Hòa, ông Hiệp có hỏi Thảo nguyên do y bị thương tích, Thảo tiết lộ: “Nội bộ thanh toán tôi”, ngoài ra không nói gì thêm.
-  Ông Nguyễn Đình Đôi, Trưởng Ty CSQG Biên Hòa xác nhận lời ông Nguyễn Phước Hiệp, Trưởng chi CSQG Đức Tu và cho biết thêm các chi tiết như sau:
-  Sau khi được ông Hiệp trình bày sự việc hồi 15 giờ, ông có chỉ thị Chi CSQG Đức Tu phải truy nả chiếc xe Lambretta và tìm cho được nơi ẩn trú của Thảo. Đồng thời ông đến trình với ông Tỉnh trưởng Biên Hòa và Giám Đốc CSQG Miền Đông để xin chỉ thị.
-  18 giờ, ông có đến gặp Cha Cường như đã nói ở đoạn trên. Sau khi gặp Cha Cường, ông đến thẳng Tòa Tỉnh trưởng trình bày với ông Tỉnh Trưởng sự việc cùng những khó khăn vấp phải là Thảo đang ẩn trú trong Xứ Đa Minh, vùng giáo dân cư ngụ rất trở ngại cho việc theo dõi.
-  Hồi 17 giờ 10, trong lúc còn đang hội thảo với các cấp chỉ huy quân sự để đặt kế hoạch và tìm biện pháp bao vây vùng xứ Đa Minh (ấp Tân Mai) hầu truy bắt Thảo thì ông Hiệp áp giải Thảo đến. Tại đây, ông Đôi được Thảo tiết lộ như sau:
-   Lúc 7 giờ sáng 16/7/65 có 10 người đi trên 2 xe trong có một chiếc xe JEEP “ Land-Rower” sơn màu trắng (không rõ số) bắt chở y đến xả Long Bình Tân và dẫn y vào trong rừng chồi cách xa lộ 1 cây số (YT-027-043) rồi hạ sát y bằng một phát súng rouleau có gắn bộ phận hãm thanh. Sau phát súng nội bọn tưởng y đã chết nên bỏ ra về. Sau cùng Thảo xác nhận là nội bộ thanh toán nhưng không nói rõ danh tánh của một ai cả.
-  Vì thấy Thảo mặc áo cánh nâu và quần đùi đen lại sợ có giấu giấy tờ trong người nên ông mới xin ông Tỉnh Trưởng Biên Hòa cho Thảo một quần tây dacron màu xanh xậm và một sơ mi trắng ngắn tay để thay.
-  18 giờ hơn, ông Đối được lệnh phải áp giải Thảo về Saigon và ông ta đã giải giao Thảo cho Cục An Ninh lúc 19 giờ
-   Nha tôi có cử đại diện đến tận nơi điều tra và xác nhận nguồn tin của Đại úy Khâm (Trưởng Ty CSQG Gia Định) là đúng.
-   Điểm đáng lưu ý là đồng bọn đã dùng súng lục có bộ phận hãm thanh để hạ sát Thảo nhưng có lẽ vì hành động bị địa phương phát giác và tưởng lầm Thảo đã chết vì vết thương nặng nơi mặt nên đồng bọn hấp tấp bỏ đi
3. Nhận xét
Bằng vào tin tức nhận được và sụ kiện xảy ra, Nha tôi nhận thấy Thảo đã bi đồng bọn thanh toán
Sự lủng củng nội bộ giữa Thảo, Kiếm và Dzinh Chương, Diễn trước đây đã có cựu Trung tá Lê Hoằng Thao khai trình, nay lại được sự xác nhận bởi cựu Đại tá Bùi Dzinh.
Giả thiết đặt ra là có lẽ nhóm cựu sĩ quan tại đào có xu hướng Quốc gia thấy rằng họ đã bị 2 tên cán bộ Cộng sản Thảo, Kiếm phỉnh gạt nên đã hạ sát Thảo mà còn chỉ điểm cho ta đến tìm xác của Thảo, có lẽ để chứng minh phần nào hành động của họ trong các vụ 19/2 và 2-/5 vừa qua.
    Nha tôi trân trọng trình Thiếu tướng Chủ tịch tường lãm..

                                                                        Con dấu và chữ ký
                                                                        Trung tá Phạm Văn Liễu

Lên trang viet-studies 2-1-13

(Kỳ 7): Cái chết bi thảm và sứ mệnh hoàn hảo (TN). -“Tôi biết chắc những người có dụng ý loại trừ Thảo không muốn chuyện bắt bớ kéo dài kéo theo nhiều chuyện lôi thôi. Bởi họ không thể không biết đại tá Phạm Ngọc Thảo rất được cảm tình và sự che chở của nhiều chức sắc cao cấp Công giáo” - linh mục Nguyễn Quang Lãm.
Chúng tôi hỏi ông Nguyễn Cao Kỳ: “Ai đã giết Phạm Ngọc Thảo?”. Ông Kỳ: “Sau lần tiếp xúc ở Biên Hòa, tôi không gặp Phạm Ngọc Thảo nữa và không quan tâm đến chuyện của ông ấy”. Hỏi: “Hồi đó mọi người đều nói tướng Nguyễn Ngọc Loan tự tay giết chết Phạm Ngọc Thảo. Mà tướng Loan từng là người thân cận của ông?”. Ông Kỳ: “Tôi không biết ông Loan có giết ông Thảo hay không, nhưng mọi quyết định đều do ông Thiệu”.
Cuộc đời ông kết thúc bi thảm, nhưng sứ mệnh ông thực hiện là hoàn hảo. Sự hoàn hảo không phải trên vỏ bọc mà ở hành động vì nước vì dân không che giấu, ở cuộc sống chính trực và tấm lòng chân thành
“Mọi quyết định đều do ông Thiệu”, ông Kỳ nói đúng. Nhưng ông Kỳ nói ông không quan tâm đến ông Thảo thì chưa chắc đúng.
Linh mục Nguyễn Quang Lãm, chủ bút Báo Xây Dựng, là người có tình cảm đặc biệt đối với Phạm Ngọc Thảo. Ông không những che chở, giữ liên lạc và làm tất cả những gì có thể làm được để giúp Phạm Ngọc Thảo mọi lúc mọi nơi, mà còn đăng công khai trên báo chí những điều tốt đẹp nhất về Phạm Ngọc Thảo, dù ai có nói ông Thảo là cộng sản ông cũng mặc kệ. Sau khi ông Thảo bị giết hại, Báo Xây Dựng của cha Lãm đã đăng loạt bài điều tra 40 kỳ về cái chết của ông. Chưa hết, gần 10 năm sau, vào năm 1974, cha Lãm còn viết một loạt bài nhiều kỳ đăng trên Báo Hòa Bình, lại đề cập đến việc ai đã giết Phạm Ngọc Thảo, ai đã bán đứng Phạm Ngọc Thảo.
Theo cha Lãm thì: “Đại tá Phạm Ngọc Thảo là người can đảm, một kẻ dám làm một cái gì, một người có những tư tưởng lạ, những tư tưởng lớn về chuyện Đất Nước”. Ông nghĩ vậy và ông nghĩ rằng ông Nguyễn Cao Kỳ cũng có thể nghĩ như ông, vì ông biết ông Kỳ rất muốn gặp Phạm Ngọc Thảo sau cuộc đảo chính. Cha Lãm muốn đưa ông Thảo đến trại Phi Long (căn cứ không quân) gặp Nguyễn Cao Kỳ, nhưng vì mỗi lần gặp ông Kỳ cứ nhắc đi nhắc lại “Anh ta đâu?” một cách sốt sắng, nên vị linh mục đâm ra cảnh giác: “Nhỡ ra tướng Kỳ nổi hứng hay nổi đóa giữ Phạm Ngọc Thảo lại nộp cho cơ quan an ninh thì sao?”. Vì vậy, thay vì đưa ông Thảo đến, cha Lãm đến gặp ông Kỳ đề nghị đưa ông Kỳ đến gặp ông Thảo tại một địa điểm bí mật với điều kiện: đi một mình, không cho cận vệ đi kèm, không dắt súng lục, không nhấc điện thoại gọi về nhà dù chỉ bảo “Hôm nay không về ăn cơm nhà”. Hôm đó ông Kỳ “OK” nhưng bảo “đang bận hôm nay không đi được”. Cha Lãm thuật lại chuyện này với Phạm Ngọc Thảo, nhưng ông Thảo bảo cha không cần thận trọng như thế, rằng ông có thể đến trại Phi Long gặp ông Kỳ được, rằng “mời ông ta ra chỉ cho thấy mình yếu bóng vía và không tin cậy ông ta”. Hai hôm sau, cha Lãm tới nơi ông Thảo lánh nạn (tại một cao ốc trên đường Ngô Đức Kế) để đưa ông Thảo vào trại Phi Long thì ông Thảo đã rời khỏi chỗ này rồi, do bị lộ, an ninh đến lục xét. Một tuần sau, cha Lãm mới hết lo lắng khi ông Thảo nhắn cha lên Biên Hòa và cho biết mình đang ở chỗ xứ cha Cường. Vị linh mục kể lại chuyện này kèm theo những lời trìu mến: “Chỉ tội ở đó không có điện thoại để con người làm cách mạng đó móc nối liên lạc với các đồng chí và lúc buồn buồn có thể nói được dăm ba câu với một vài người đẹp”. Nhưng 3 tuần sau, ngày 17.7.1965, cha Lãm nhận được điện thoại của một ký giả làm cho một hãng thông tấn ngoại quốc báo tin ông Thảo đã bị giết rồi.
Tài liệu chính thức của ta hiện nay đều nói về cái chết của Phạm  Ngọc Thảo: Ông bị an ninh chính quyền Sài Gòn bắt đem đi thủ tiêu vào ngày 15.7 nhưng ông chỉ bị thương nặng, được các linh mục và nữ tu đem về một tu viện chăm sóc, sau đó nhà cầm quyền truy lùng tung tích và bắt ông đưa về cơ quan an ninh quân đội vào ngày 16.7. Tại đây, Nguyễn Ngọc Loan và thuộc hạ đã tra tấn và bóp hạ bộ ông cho đến chết ngay trong đêm hôm đó. Báo chí và dư luận ở Sài Gòn trước giải phóng cũng nói như vậy. Chính cha Lãm đã trực tiếp gặp Nguyễn Ngọc Loan để hỏi cho ra nhẽ. Tướng Loan chối, bảo rằng không có chuyện đó, rằng ông Thảo chết là do bị thương quá nặng, thậm chí ông ta còn nói mình không liên quan đến chuyện bắt bớ ông Thảo. Vị linh mục nói ông đã đem lời tướng Loan kể lại cho đàn em và bạn bè Phạm Ngọc Thảo, nhưng không ai tin, “người ta sẵn sàng tin là tướng Loan nói thật, nhưng đó là sự thật ghi trên các phúc trình, báo cáo, biên bản của bác sĩ”.
Phạm Ngọc Thảo - Oanh liệt trong thầm lặng
Phạm Ngọc Thảo bị sát hại - Ảnh: Tư Liệu
Cha Lãm còn cho hay, Phạm Ngọc Thảo thường thay đổi chỗ ở với những hành tung lạ lùng, có khi ông ở ngay gần bót cảnh sát, ở chỗ nào ông cũng cho cha Lãm biết. Cuối cùng, khi những nơi khác không an toàn, ông về xứ Đa Minh của cha Cường ở Thủ Đức, rồi đến trú tại tu viện Phước Sơn. Tại đây, cha Lãm cũng làm hết sức mình để ông được an toàn nhất. Ông được các linh mục hết lòng bảo vệ, tuy nhiên, theo cha Lãm thì chính lòng tốt và sự thiệt thà của các linh mục bảo vệ ông đã khiến ông bị lộ. Khi ông bị thủ tiêu không chết, được các linh mục đưa về giáo xứ Đa Minh cứu chữa, bọn chúng cũng lần theo các linh mục để truy tìm ông.
Cha Lãm cho biết thêm, khi bọn chúng cấp tốc đưa Phạm Ngọc Thảo về Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 trong tình trạng bị thương rất nặng, một chiếc trực thăng H-34 chở ông thẳng về Bộ Tổng tham mưu, tại đây người của Nguyễn Ngọc Loan đã chờ sẵn, lúc đó là 7 giờ tối 16.7. Trên quốc lộ 4, những người thân của Phạm Ngọc Thảo cũng rú ga xe chạy đến Mỹ Tho và Cần Thơ gặp 2 vị giám mục, đã có những cú điện thoại gọi về trong đêm cho trung tướng Thiệu, nhưng ngay trong đêm ông Thảo đã chết rồi. Vị linh mục còn viết tiếp: “Tôi biết chắc những người có dụng ý loại trừ Thảo không muốn chuyện bắt bớ kéo dài kéo theo nhiều chuyện lôi thôi. Bởi họ không thể không biết đại tá Phạm Ngọc Thảo rất được cảm tình và sự che chở của nhiều chức sắc cao cấp Công giáo. Nếu Phạm Ngọc Thảo bị giải về Sài Gòn, chờ ngày ra tòa lãnh án thì tất nhiên sẽ có nhiều tiếng nói can thiệp, nhiều áp lực ngay cả do phía tòa đại sứ Mỹ. Vì vậy biện pháp áp dụng là thủ tiêu ngay”.
Điều chắc chắn là Nguyễn Văn Thiệu không tin ông Thảo là cộng sản, ông ta biết các vị chức sắc Công giáo cùng nhiều sĩ quan thuộc quyền ông ta cũng không tin ông Thảo là cộng sản. Bởi vậy mà Phạm Ngọc Thảo phải chết, vì ông là một đối thủ đáng gờm của người cầm quyền. Một người được giới chức sắc Công giáo hậu thuẫn, được giới quân sự nể phục, một người tay không mà tổ chức một cuộc binh biến khiến cho Nguyễn Khánh đang nắm trong tay cả một quân đội phải chạy tóe khói, người ấy không đáng gờm sao được! Nếu Nguyễn Văn Thiệu, nếu các vị giám mục, linh mục tin Phạm Ngọc Thảo là cộng sản thì chưa chắc ông đã bị thủ tiêu. Những nhà tình báo lừng lẫy như Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Nguyễn Tài… cũng như nhiều cán bộ cách mạng cấp cao bị bắt, giới cầm quyền biết chắc các vị là cộng sản, các vị bị đày ra Côn Đảo, nhưng các vị có bị thủ tiêu đâu.
Phạm Ngọc Thảo chết khi mới 43 tuổi. Cuộc đời ông kết thúc bi thảm, nhưng sứ mệnh ông thực hiện là hoàn hảo. Sự hoàn hảo không phải trên vỏ bọc mà ở hành động vì nước vì dân không che giấu, ở cuộc sống chính trực và tấm lòng chân thành. Cho đến bây giờ, khi biết ông là người của cách mạng, những bạn bè và những người quen biết ông từng ở phía bên kia vẫn yêu mến, vẫn ngưỡng mộ ông.
Hoàng Hải Vân

- Phạm Ngọc Thảo – Oanh liệt trong thầm lặng (Kỳ 7): Cái chết bi thảm và sứ mệnh hoàn hảo (TN).

>> Kỳ 6: Suýt làm Thủ tướng Việt Nam cộng hòa-

“Cái ông Phạm Ngọc Thảo này rất lạ. Hồi đó nhiều người nghĩ ổng là cộng sản, nhưng lạ là không ai làm gì được ổng. Ổng nói nhỏ nhẹ và rất thuyết phục, ai cũng nghe. Năm 1965, tôi mà không ngăn cản thì ổng đã làm Thủ tướng rồi” - lời ông Nguyễn Cao Kỳ nói với Thanh Niên.

Phạm Ngọc Thảo (giữa) chỉ huy đảo chính - Ảnh: LIFE
Năm 1962, sau khi thôi làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa, sang Mỹ học một khóa quân sự cao cấp, Phạm Ngọc Thảo được bổ nhiệm làm Thanh tra Ấp chiến lược, trực thuộc Phủ Tổng thống. Thời gian này mối quan hệ giữa ông với ông Trần Kim Tuyến và Huỳnh Văn Lang càng thân thiết. Với sức thuyết phục mạnh mẽ của một nhà quân sự vừa có trình độ, vừa chân thành vốn có, ông được nhiều sĩ quan có tinh thần dân tộc ngưỡng mộ.

Trong những năm 1962 - 1963, giữa lúc phong trào Đồng khởi lan rộng ở nông thôn, chính trường miền Nam Việt Nam trở nên rối ren. Gia đình họ Ngô vừa cai trị độc tài, vừa muốn thoát khỏi sự can thiệp của người Mỹ, tình hình này khiến cho phong trào đấu tranh của quần chúng ở đô thị dâng cao. Người Mỹ thì muốn gạt bỏ gia đình họ Ngô để thay vào đó giới lãnh đạo thân Mỹ nhằm biến miền Nam thực sự là một tiền đồn chống cộng. Biết trước sau gì gia đình họ Ngô cũng bị người Mỹ lật đổ để dựng lên một chính quyền nguy hiểm hơn, Phạm Ngọc Thảo cùng với Trần Kim Tuyến và Huỳnh Văn Lang lên một kế hoạch đảo chính với mục tiêu “cải sửa” chế độ nhằm vô hiệu hóa ý đồ của người Mỹ. Theo kế hoạch này, lực lượng đảo chính sẽ vẫn giữ Ngô Đình Diệm làm tổng thống, chỉ buộc Ngô Đình Nhu ra nước ngoài. Tuy nhiên, kế hoạch bị lộ, Trần Kim Tuyến bị đưa đi làm lãnh sự ở Ai Cập. Ngô Đình Nhu không tin Phạm Ngọc Thảo tham gia kế hoạch này, thứ nhất là ông Nhu không tin ông Thảo phản bội, thứ hai là ông Thảo “không có quân”. Thực ra lúc đó ông Thảo đã được nhiều sĩ quan chỉ huy ở Quân đoàn 3, Quân đoàn 4, một số đơn vị biệt động quân, bảo an hậu thuẫn. Cuộc đảo chính không thành chủ yếu do thành phần đảo chính không phải là những người mà người Mỹ có thể nắm được.

Và như chúng ta đã biết, ngày 1.11.1963, một nhóm tướng lĩnh do Mỹ bật đèn xanh, đã tiến hành đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Anh em ông Diệm, ông Nhu bị chết thảm. “Hội đồng quân nhân cách mạng” (HĐQNCM) do tướng Dương Văn Minh đứng đầu lên cầm quyền. Phạm Ngọc Thảo dù không chủ động tham gia cuộc đảo chính này, vẫn được HĐQNCM cử làm tùy viên báo chí, sau đó được cử sang Mỹ tu nghiệp. HĐQNCM cầm quyền được 2 tháng, đã bị tướng Nguyễn Khánh và tướng Trần Thiện Khiêm 2 lần “chỉnh lý”, thâu tóm mọi quyền lực.

Lên cầm quyền, Nguyễn Khánh rút Phạm Ngọc Thảo về nước, cử làm giám đốc báo chí, phát ngôn viên chính phủ, lúc này ông đã được thăng đại tá. Mâu thuẫn giữa các tướng lĩnh trong giới cầm quyền ngày càng gay gắt, Nguyễn Khánh tiếp tục loại Trần Thiện Khiêm, đưa ông tướng này đi làm đại sứ tại Mỹ. Phạm Ngọc Thảo cũng được đưa sang Mỹ làm tùy viên văn hóa, quân sự vào đầu tháng 10.1964. Ông đưa luôn vợ con sang (họ định cư ở Mỹ cho đến ngày nay). Tuy nhiên, sau đó do nghi ngờ Phạm Ngọc Thảo, nên cuối năm 1964, Nguyễn Khánh ra lệnh triệu hồi Phạm Ngọc Thảo về nước, với ý đồ sẽ bắt ông tại sân bay Tân Sơn Nhất. Phạm Ngọc Thảo đã khôn khéo không về đúng giờ bay dự định nên thoát. Có mặt ở Sài Gòn, ông bí mật móc nối tổ chức lực lượng, kéo tướng Lâm Văn Phát và hàng chục sĩ quan khác tiến hành cuộc đảo chính ngày 19.2.1965.

Điều kỳ lạ là lúc đó Phạm Ngọc Thảo, tuy là đại tá nhưng không cầm quân và đang bị Nguyễn Khánh truy bắt, lại có thể tổ chức và chỉ huy một lực lượng không dưới một sư đoàn làm binh biến (gồm các đơn vị thiết giáp với 45 xe tăng và thiết giáp, các đơn vị địa phương quân, lực lượng của Trường bộ binh Thủ Đức và chủ lực là trung đoàn 46 thuộc Sư đoàn 25 bộ binh). Cuộc binh biến do tướng Lâm Văn Phát cầm đầu về danh nghĩa, còn thực tế do Phạm Ngọc Thảo tổ chức và chỉ huy, sau này người ta gọi ông là “Tư lệnh hành quân 19.2”.

Chỉ trong 1 ngày, lực lượng đảo chính đã chiếm Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô (trại Lê Văn Duyệt), Đài phát thanh Sài Gòn, bến Bạch Đằng và sân bay Tân Sơn Nhất. Đáng tiếc là do một số sơ sót trong hợp đồng tác chiến, Nguyễn Khánh đã được Tư lệnh Không quân lúc đó là Nguyễn Cao Kỳ cứu thoát.

Chúng tôi có dịp gặp ông Nguyễn Cao Kỳ năm 2008. Hỏi về sự kiện này, ông Nguyễn Cao Kỳ nói: “Cái ông Phạm Ngọc Thảo này rất lạ. Hồi đó nhiều người nghĩ ổng là cộng sản, nhưng lạ là không ai làm gì được ổng. Ổng nói nhỏ nhẹ và rất thuyết phục, ai cũng nghe. Năm 1965, tôi mà không ngăn cản thì ổng đã làm Thủ tướng rồi”. Ngẫm nghĩ một hồi, ông Kỳ nhớ lại: “Cuộc đảo chính diễn ra bất ngờ đến mức tôi không kịp mặc áo, chỉ mặc may ô chui hàng rào thép gai ra lấy máy bay chạy về Biên Hòa. Sau đó ông Thảo lên Biên Hòa gặp tôi, cùng đi có một đại tá Mỹ. Ổng thuyết phục tôi ủng hộ quân đảo chính. Nói thật là tôi không ưa gì Nguyễn Khánh, nhưng quân đội đánh nhau tôi không đồng ý. Tôi bảo các anh phải cho quân về ngay doanh trại, đến 5 giờ chiều mà không rút quân tôi sẽ cho máy bay ném bom”. Đó là lý do khiến cuộc đảo chính thất bại.

Tuy nhiên, Nguyễn Khánh cũng bị loại. Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ và một số tướng lãnh được sự hậu thuẫn của người Mỹ đã lựa gió phất cờ, họp Hội đồng tướng lãnh buộc Nguyễn Khánh từ chức và trục xuất ông này ra nước ngoài với danh nghĩa là “đại sứ lưu động”, cử tướng Nguyễn Chánh Thi làm chỉ huy chống đảo chính, ra lệnh cho Phạm Ngọc Thảo, Lâm Văn Phát cùng 13 sĩ quan “đầu sỏ” tham gia đảo chính trong vòng 24 giờ phải ra trình diện. Phạm Ngọc Thảo, tướng Lâm Văn Phát, trung tá Lê Hoàng Thao (Trung đoàn trưởng Trung đoàn 46) bỏ trốn.

Tháng 6.1965, Hội đồng tướng lĩnh giải tán chính phủ dân sự của Phan Huy Quát, đưa tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia (tương đương quốc trưởng), tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương (tương đương thủ tướng). Chính quyền Thiệu - Kỳ lập tòa án quân sự để xử những người tham gia đảo chính. Phạm Ngọc Thảo bị kết án tử hình vắng mặt, chúng treo giải thưởng 3 triệu đồng cho ai bắt được ông.

Lúc này tuy ông phải lẩn tránh sự truy bắt của chính quyền, nhưng vẫn còn nắm được 1 tiểu đoàn. Ông liên lạc với ông Võ Văn Kiệt. Ông Kiệt gặp ông và gợi ý ông ra chiến khu cho an toàn, có thể dẫn theo tiểu đoàn này với danh nghĩa binh biến ly khai. Tuy nhiên, ông cho biết ông vẫn còn có khả năng tổ chức đảo chính để ngăn chặn chính quyền quân phiệt rước quân viễn chinh Mỹ vào gây tội ác. Ông Võ Văn Kiệt đồng ý.

Phạm Ngọc Thảo tiếp tục hoạt động bí mật ở Sài Gòn, cho xuất bản tờ “Việt Tiến” để tập hợp lực lượng. Ông được các giám mục, linh mục, giáo dân Công giáo cùng nhiều bạn bè trong và ngoài quân đội giúp đỡ, bảo vệ.

Còn Nguyễn Văn Thiệu, sau khi lên nắm chính quyền, thấy rõ Phạm Ngọc Thảo là mối đe dọa nguy hiểm đến vị trí quyền lực của mình, nên quyết tìm mọi cách tiêu diệt ông để trừ hậu họa. (còn tiếp)

Hoàng Hải Vân
 Phạm Ngọc Thảo – Oanh liệt trong thầm lặng (Kỳ 6): Suýt làm Thủ tướng Việt Nam cộng hòa (TN). - Nguyễn Cao Kỳ: “Không do tôi,ông Thảo đã làm TTg Việt Nam Cộng hòa” (TN/GDVN).


>> Kỳ 5: Bị cách mạng ám sát-

Ông Thảo chụp trái lựu đạn đang xì khói, lúng túng không biết xử lý làm sao. Nếu liệng ra bên ngoài thì chết dân, liệng bên phải bên trái thì chết dàn thiếu nhi nhà thờ...
Hành động của Phạm Ngọc Thảo tại Bến Tre như thả tù chính trị và khôn khéo lái các cuộc hành quân tảo thanh vào chỗ không người đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn lực lượng cách mạng, tạo điều kiện mở rộng cuộc Đồng khởi ở miền Nam. Nhưng đó là nhận định sau này, khi đã biết Phạm Ngọc Thảo là người của ta. Còn lúc đó, nhận định của Tỉnh ủy Bến Tre thì hoàn toàn ngược lại.



Ám sát ông Thảo là làm thiệt. Lựu đạn thối, có khả năng là có nội gián của địch trong công binh xưởng lúc kiểm tra lựu đạn

Chúng tôi đã gặp một trong hai người trực tiếp ném lựu đạn giết Phạm Ngọc Thảo. Đó là ông Đặng Quốc Tuấn (Sáu Tuấn), sau này là Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn, rồi làm Giám đốc Đài phát thanh - truyền hình tỉnh Bến Tre cho đến khi về hưu. Người kia là ông Ngô Văn Thiều đã qua đời.

Hôm đó là ngày Quốc khánh VNCH 26.10.1961, một cuộc mít tinh lớn biểu dương lực lượng được tổ chức tại Quảng trường An Hội, ngay đầu cầu Bến Tre 1 chợ Vườn Hoa bây giờ. Người giao nhiệm vụ là ông Hai Trung, Tỉnh ủy viên phụ trách Thị ủy. Nhiệm vụ ông Hai Trung giao trực tiếp cho ông Thiều, đã thoát ly, cùng 5 trái lựu đạn, 3 trái nội hóa, 2 trái MK2 của Mỹ. Ông Thiều giao nhiệm vụ lại cho ông Sáu Tuấn, lúc đó 17 tuổi, đang học đệ tam (lớp 10). Mỗi ông cầm 1 trái lựu đạn MK2, 3 trái kia để ở nhà ông Thiều. Ông Thiều đứng tại vị trí ngay trụ sở Báo Đồng Khởi bây giờ, còn ông Sáu Tuấn đứng cách 10 m. Theo hợp đồng, ông Thiều ném trước, ông Sáu Tuấn ném tiếp theo, ném xong chạy về tập kết tại nhà ông Thiều ở thị xã.

Ông Sáu Tuấn kể: “Sau khi ông Thảo đọc diễn văn, lúc đó khoảng 8 giờ 30, tới phần diễu hành. Tất cả quan khách đứng lên nhìn ra phía diễu hành. Ông Thiều liệng 1 trái, lựu đạn rơi cách ông Thảo 1,5 m, không thấy nổ, tôi liệng tiếp 1 trái cách ông Thảo 5 m rồi bỏ chạy, cũng không nổ luôn. Lúc đó bọn tôi bỏ chạy không để ý, sau giải phóng chị Nhiệm vợ ông Thảo về Bến Tre gặp chúng tôi có nói lại mới biết lúc đó ông Thảo chụp trái lựu đạn đang xì khói, lúng túng không biết xử lý làm sao. Nếu liệng ra bên ngoài thì chết dân, liệng bên phải bên trái thì chết dàn thiếu nhi nhà thờ. Đang không biết làm sao thì thấy khói dần dần mỏng ra, ổng biết lựu đạn lép, nên nắm chặt luôn. Tôi chưa biết ông Thiều bị bắt tại chỗ, nên chạy về nhà ông Thiều định lấy tiếp 3 trái còn lại. Rủi cho tôi, tại nhà ông Thiều đã có mật báo dẫn người lên ém, tôi đến bọn chúng giữ lại, chưa bắt ngay. Chúng vô nhà xét, lấy 3 trái lựu đạn và chiếc cặp da đi học tôi để ở nhà ông Thiều, vì cái cặp da có giấu cây súng trước đây tôi để trong cặp, nên tôi bị bắt, bị đánh tại chỗ. Tôi và ông Thiều bị giam riêng. Do không lường trước là bị bắt nên chưa thống nhất cách khai, vì vậy mỗi người nói một phách. 20 ngày sau, khi giam chung mới thống nhất lại”.


Phạm Ngọc Thảo lúc làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa - Ảnh: LIFE

Sau khi bị bắt 1 tuần, ông Thảo có gặp hai ông. Lần đó, một cố vấn Mỹ thẩm vấn, ông Thảo làm phiên dịch. Hỏi: “Tại sao là học sinh mà đi ám sát tỉnh trưởng ngay tại ngày quốc khánh? Có phải cộng sản giao việc không? Ai là người giao việc?”. Trả lời: “Do chính quyền độc ác, đàn áp ức hiếp giết hại dân. Chúng tôi học tập gương của Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học đứng lên đấu tranh, không liên quan gì tới cộng sản, không có ai giao việc cả”. Ông Thảo dịch như thế nào ông Sáu Tuấn không biết. Ông Thảo chỉ nói với hai ông: “Các em còn nhỏ, phải lo chuyện học hành, chính trị là chuyện của người lớn, sau này lớn lên muốn làm gì thì làm”. Lần thứ hai, ông Thảo đến hỏi thăm trước khi đưa về Chí Hòa.

Tháng 3 năm sau, Tòa án quân sự đặc biệt mở phiên tòa xử hai ông theo luật 10/59, một đại tá tên Khoa làm công tố. Do có sự vận động của phong trào yêu nước ở Sài Gòn, nên luật sư Trịnh Đình Thảo đến bào chữa cho hai ông. Tuy nhiên, hai ông tự cãi là chính. Hai ông tố cáo sự tàn bạo của chế độ và dõng dạc nói: “Tụi tôi không phải là Việt cộng, nhưng nếu như được Việt cộng tổ chức làm như vậy tụi tôi cũng tham gia”. Hai ông còn lên án phiên tòa vi phạm luật quốc tế, xử vị thành niên chưa tới 18 tuổi, đại tá Khoa rút gươm lệnh ra nói lớn: “18 tuổi là luật cộng sản, Việt Nam cộng hòa xử 13 tuổi”. Do những gì cần cãi hai ông đã tự cãi rồi, nên luật sư Trịnh Đình Thảo chỉ đề nghị khoan hồng.


Ông Đặng Quốc Tuấn - Ảnh: Nguyễn Khoa Chiến

Hai ông bị kết án mỗi người 20 năm tù, đưa về Chí Hòa, sau đó đưa ra Côn Đảo, chung một chuyến với những người tù nổi tiếng Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư. Ngoài Côn Đảo, hai ông đấu tranh, chống chào cờ, được kết nạp Đảng trong tù. Năm 1965, sau khi ông Thảo bị sát hại, bỗng nhiên hai ông được đưa về Chí Hòa, lúc ấy anh em trong tù nhận định hai khả năng, hoặc là được thả hoặc tăng án lên tử hình. Lúc đó 2 ông đã chống chào cờ rồi, về Chí Hòa chúng chỉ yêu cầu hai ông chào cờ, nhưng hai ông dứt khoát không chịu, mà chống chào cờ là tự nhận là cộng sản, nên dù ông Thảo có là cộng sản đi chăng nữa thì tội của hai ông cũng không nhẹ đi được, do đó sau 20 ngày chúng đưa trở lại Côn Đảo. Ông Thiều được thả năm 1973, thoát ly lên chiến khu, sau giải phóng làm cán bộ Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM, qua đời năm 1984 vì bệnh. Còn ông Sáu Tuấn đến ngày giải phóng mới về.

Chúng tôi hỏi ông Sáu Tuấn: “Có phải 2 trái lựu đạn không nổ là do tổ chức bố trí để ám sát giả?”. Trả lời: “Không có chuyện đó. Ám sát ông Thảo là làm thiệt. Lựu đạn thối, có khả năng là có nội gián của địch trong công binh xưởng lúc kiểm tra lựu đạn. Sau này ta đã bắt được một ông. Làm cho lựu đạn không nổ rất đơn giản, chỉ cần nhúng sáp đèn cầy vào tim cháy chậm, khi giật lửa cháy lên khiến cho sáp chảy ra bít ngòi nổ”. Hỏi: “Tại sao Tỉnh ủy phải quyết giết ông Thảo?”. Trả lời: “Mãi sau này mới biết ông Thảo có công lớn, chứ theo nhận định của Tỉnh ủy lúc đó thì khi phong trào Đồng khởi đang lên mà ông Thảo lại thả tù, người mới bắt thì đối xử tử tế, gom vào sân vận động giải thích rồi cho về hết, làm nhụt ý chí chiến đấu của quần chúng. Đó là tên tỉnh trưởng mỵ dân rất nguy hiểm, cần phải trừ khử”.

Vì giết ông Thảo mà ông Sáu Tuấn ở tù 14 năm, 17 tuổi vào tù, ra tù 31 tuổi. Bà Phạm Thị Nhiệm thỉnh thoảng về nước đến Bến Tre thăm lại những kỷ niệm xưa, đều thăm ông Sáu Tuấn, bà nói: “Ngày xưa anh Thảo vẫn nhắc đến tụi mày”. Các con ông Thảo cũng có về. Ông Tuấn nói con ông Thảo một đứa sinh ở Bến Tre, một đứa khác vừa rồi về cưới vợ, nghe đâu ở An Giang. (còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

>> Kỳ 1: Những giọt nước mắt của ông Mười Hương
>> Kỳ 2: Gia thế
>> Kỳ 3: Lật ngửa bài để tàng hình


- Phạm Ngọc Thảo – Oanh liệt trong thầm lặng (Kỳ 5): Bị cách mạng ám sát (TN). – Trần Đỗ Cung: PHẠM NGỌC THẢO, ÔNG LÀ AI ? (phusaonline.)
.
Viết ngày 15 tháng Chạp năm 2006,
tại Prunedale, Monterey, California

        Tôi quen Phạm Ngọc Thảo từ năm 1939. Lúc ấy tôi mới nhập học Quốc Học Khải Định sau khi đậu bằng Thành Chung ở Thanh Hóa. Lớp có cả thẩy 40 học sinh, 33 Nam và 7 nữ gồm đủ thành phần đến từ nhiều nơi nhưng đều là người Trung chỉ trừ có Nguyễn Khắc Hoạch là cháu họa sỹ Mai Trung Thứ dậy vẽ ở đây và anh chàng cù-không-cười Nguyễn Khải Tạo, có nét mặt tưng tửng mỗi khi lên bảng làm cả lớp khúc khích, là dân Bắc Kỳ rau muống. (Tiến Sỹ Văn Chương Nguyễn Khắc Hoạch là Khoa Trưởng Văn Khoa Sài Gòn. Sau này ông trở thành Viện Trưởng Viện Việt Học thay thế Giáo Sư Nguyễn Đình Hòa).
        Được ba ngày sau Censeur Giamachi dẫn vào lớp một học sinh mới trông hơi khác lạ, có cái tên Tây Albert Phạm Ngọc Thuần, nước da mai mái đậm đà và có cái mắt trái lác xệch. Anh là người độc nhất Nam Kỳ, mặc quần short đến đầu gối để lộ cặp giò khẳng khiu. Anh được xếp ngồi cạnh tôi, ăn nói nhỏ nhẹ vói một giọng miền Nam trầm bổng và hay chêm tiếng Tây vào câu chuyện. Trong nội trú anh cũng nằm giường cạnh tôi, luôn luôn tĩnh lặng củ mỉ cù mì giữa một đám ồn ào nhất quỷ nhì ma. Những ngày cuối tuần anh thường rủ tôi đi thăm Hồ Tĩnh Tâm ngồi trầm ngâm ngắm sen thơm ngát và nói toàn chuyện cách mạng Pháp. Anh ta rất ghét cái dữ tợn của Robespierre và Marat và yêu tư tưởng xã hội Rousseau và Voltaire. Anh cũng bàn về cái quá khích và vô nhân bản của Marx-Lenin với chủ trương bạo lực quá độ và duy trì chính quyền bằng bạo lực.
        Cuối năm học không thấy Albert trở lại, nghe nói đã được gia đình gửi qua Pháp du học. Mãi đến tháng Mười 1945 tôi mới tình cờ gặp lại anh mà lại ở Hà Nội? Hôm ấy khoảng 10 giờ tối, đã có sương mù giầy đặc và khí hậu bắt đầu xe lạnh, tôi đang đứng trước thềm nhà A thì Albert hiện ra như trong phim trinh thám. Tôi không nhận ra vì anh mặc bộ bà-ba đen, cổ quấn chiếc khăn rằn ri mầu hồng thẫm của dân miệt vườn Nam Kỳ. Đầu anh đội chiếc mũ vải mềm mầu nâu mà vành uốn lượn lên cụp xuống, chân anh đi đôi dép quai chéo, đế bằng vỏ lốp xe hơi. Anh hấp tấp bắt tay tôi và nói thẳng một lèo, “Moi mới ra vội vã lắm để dự khoá họp Quốc Hội đầu tiên trong phái đoàn Nam Bộ; đêm nay người ta xếp cho cả bọn ở đây và mai phải đi rất sớm”! Là một thanh niên chỉ biết yêu nước và ghét ngoại bang đô hộ, tôi chả có chú ý gì đến chính trị và những khúc mắc về cơ cấu chính quyền nên tôi đã không níu kéo anh vài phút để ít nhất biết phái đoàn có những ai và làm công việc gì? Như vậy cuộc gặp gỡ sau sáu năm chỉ có không đầy năm phút mà thôi.
       Rồi thời gian qua với trận Điện Biên Phủ đánh dấu sự chia cắt đất nước Bắc Nam. Tôi vào làm việc tại Sài Gòn rồi nhập ngũ qua học ở trường Không Quân Pháp Salon de Provence. Khi trở về thì miền Nam đã có chính thể Cộng Hoà của Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong khi trái lại Bắc Kỳ đã thành Cộng Hòa Nhân Dân Mác Xít. Vào khoảng 1955 nghe nói đến một cán bộ hồi chánh tên là Phạm Ngọc Thảo về làm việc tại Viện Hối Đoái. Về sau y được Bộ Nội Vụ cho đeo lon Đại Úy và giao làm với Bảo An Tỉnh Đoàn Vĩnh Long. Rồi được bổ Tỉnh Trưởng Bến Tre. Bến Tre mà tên cũ là Thủ Đầu Một là một tỉnh trù phú và Việt Minh dùng làm nơi dưỡng quân. Tỉnh Trưởng mới hết sức năng động, hay đứng giữa công chúng diễn giảng và lập lại hoàn toàn an ninh địa phương. Một thời gian sau tỉnh trưởng được thay thế vì đã hoàn tất nhiệm vụ.
       Năm 1960 sau vu đảo chính nhẩy dù với Vương Văn Đông, Nguyễn Triệu Hồng đã lắng thì một hôm tôi đang ngồi ngáp ruồi ở Bộ Tư Lệnh Không Quân bỗng nhiên điện thoại reo. Uể oải nhấc máy lên thì đầu giây bên kia một giọng Nam chay nói, “Tôi là Trung Tá Phạm Ngọc Thảo, tôi muốn gặp Đại Úy Trần Đỗ Cung”. Tôi vội trả lời, “Vâng thưa tôi đây nhưng Trung Tá cần gì và Trung Tá là ai”? Thì được trả lời ngay, “Albert Phạm Ngọc Thuần bạn học anh ở Lycée Khải Định đây, còn nhớ không”? “Nhớ chứ, nhưng anh đổi tên từ hồi nào và tôi nghe nói anh làm Tỉnh Trưởng Bến Tre kia mà”? Thảo nói, “Xong việc rồi, giờ moi ngồi tại văn phòng cố vấn chánh trị trên đường Hồng Thập Tự, xế cửa Cercle Sportif. Có rảnh thì ghé lại chơi, chúng mình sẽ nói nhiều kỷ niệm thời 1-S năm xưa Cung nhé”!
       Một hôm nhân đi tập với Maitre Vatin tôi ghé lại. Cũng hơi khớp vì nghĩ là mình sẽ vào hang hùm đây. Tôi dựa chiếc Velo Solex vào giá và một lính gác mặt lạnh như tiền bước đến. Sau khi xem giấy tờ hắn khám người tôi cẩn thận và hướng dẫn tôi đến bàn giấy Trung Tá Thảo. Tôi thấy anh không khác xưa mấy, cũng nước da mai mái, cũng cái mắt lác xệch, cũng dáng người mảnh khảnh, có chăng là bây giờ anh không mặc quần short nữa mà đóng bộ quân phục gọn gàng với hai đôi hoa mai bạc. Thảo bắt tay chặt chẽ và mời tôi ngồi, sai lính đem cho tôi một ly soda. Chúng tôi chuyện trò cả nửa giờ, hết các thầy rồi qua các chị, cảm động với bao nhiêu kỷ niệm hồi tuổi trẻ trong trắng hồn nhiên. Tôi đứng dậy đi qua Cercle Sportif cho kịp lớp thể dục tập thể. Thảo tiễn tôi ra đến cửa và nói bâng quơ, “không biết còn bao nhiêu bạn cũ ở Sài Gòn, nếu gặp nhau một bữa thì chắc vui lắm nhỉ”! Tôi chỉ gật gù qua loa đồng ý.
       Trong lúc tập thể dục và nhất là khi đi tắm tôi nghĩ đi nghĩ lại lời nói bâng quơ của bạn và chợt nghĩ đến bạn Phạm Qụy, một Luật Sư nổi tiếng, có tư gia sang trọng ở số 132 Dường Công Lý. Có thể nếu anh ta nhận lời đứng tổ chức một bữa ăn tối thì hay quá. Sáng hôm sau tôi điện thoại cho Qụy và Qụy hết sức hoan nghênh ý kiến. Được vài hôm anh ấy liên lạc được vài bạn cũ và mời đến dùng cơm tối. Tối hôm ấy có độ mười người như Hải Quân Trung Tá Võ Sum, chị Ngọc Trâm tức ca sỹ Minh Trang, Phó Tổng Giám Đốc Điện Lực Tôn Thất Uẩn, Phó Tổng Giám Đốc Quan Thuế Đoàn Hòa, Trần Ngọc Nhụy em Tổng Giám Đốc Nông Tín Cuộc Trần Ngọc Liên, Hồ Tường, Trung Tá Phạm Ngọc Thảo, tôi Đại Úy Không Quân và anh chị Phạm Quỵ.
        Bữa cơm đặc Huế ngon miệng do bàn tay khéo léo của bà chủ nhà kéo dài mấy tiếng đồng hồ, ai nấy tranh nhau kể lại các chuyện vui thời học trò vô tư và vô sự. Nào là nét cá biệt của mỗi thầy, những đặc tính của một vài bạn. Trên lầu nội trú, Trần Kế Tạo anh ruột chị Qụy lẻn vào phòng thầy Quốc đổ đầy nước ướt sũng rương quần áo của giám thị. Sự ẩu đả giữa Tôn Thất Uẩn và Hoàng Tuệ lăn cù xéo nát mấy luống rau cải vì “hai con gà cồ” tức nhau tiếng gáy Ngọc Trâm. Đến đây thì chị Trâm trố mắt nói tôi không biết chuyện ấy và Tôn Thất Uẩn đỏ mặt bảo đâu có. Chuyển qua chuyện chị Trâm lấy thầy Quả và được đích người đẹp nói là tuổi trẻ quá bồng bột mà Thầy Quả thật có duyên. Những tiếng cười vang với những tràng vỗ tay bôm bốp kéo dài cho đến mười một giờ đêm thì chia tay, tiếc một đêm họp mặt mau tàn.
       Sau khi hai phi công Quốc và Cử dội bom dinh Độc Lập vị Tư Lệnh đương nhiệm dẫn toàn thể sỹ quan tham mưu lên trình diện Tổng Thống tại Dinh Gia Long để nghe ông Ngô Đình Diệm đơn ca hiểu thị với giọng Huế đặc xệt mà không nhìn thẳng vào mặt cử tọa đứng cứng ngắc. Về đến Tân Sơn Nhất thì Tư Lệnh “mặt đỏ xần mũ đội lệch” cho gọi tôi vào hất hàm nói, “Đại Tá Đỗ Mậu gọi, anh đi trình diện lập tức”! Lên an ninh quân đội có nghĩa là nhìn thấy cơ nguy tra khảo đánh đập nên tôi hết sức rét. Nhưng không ngờ tôi lại được vị Đại Tá “mặt sắt đen xì” tiếp một cách rất thân tình và thông báo sẽ ký giấy thuận cho lên Thiếu Tá. Trở về bàn giấy ngáp ruồi văt để được Tư Lệnh dằn mặt, “Anh tưởng anh được ông Đỗ Mậu che chở mà xong hả?” thì điện thoại lại reo vang. Đầu giây bên kia Phạm Ngọc Thảo nói “moi đang theo học Anh Ngữ bên này để sửa soạn đi học tham mưu Fort Leavenworth; Cung có rảnh thì sang đây ăn cơm trưa và mình sẽ ghé qua đón”?
       Đúng 12 giờ trưa Thảo lái xe Jeep qua và tôi theo anh ta qua Tổng Tham Mưu, định tâm sẽ cùng anh ghé ăn trưa tại Câu Lạc Bộ Sỹ Quan. Nhưng Thảo quẹo trái ngay khi qua cổng, đậu xe trước giẫy nhà hai từng của các Tướng. Tôi đi theo anh lên lầu, quẹo phải đến căn áp chót của Đại Tá Đỗ Mậu , kế cận căn của Trần Thiện Khiêm và anh thản nhiên mở cửa cho tôi cùng vào. Tôi gặp một Trung Tá lục quân lạ mặt thì được Thảo giới thiệu là Trung Tá Phạm Đăng Tấn, phụ tá của Đại Tá Đỗ Mậu. Trung Tá Tấn mở tủ lạnh đem ra bàn ăn các đồ nguội jambon-saucisse, bánh mì và xếp đặt bàn cho ba người cùng ngồi ăn. Thảo mở đầu ngay, nói về tình hình chính trị rối ren nguy hiểm và cần thay đổi để cứu vãn vì ta đang đương đầu với bọn cộng sản mưu mô và xảo quyền với tổ chức Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của chúng.
       Một cuộc đảo chính đang được hình thành hầu xoay lại tình thế trước đe dọa gia tăng của cộng sản. Đại Tá Đỗ Mậu cũng như ông bên cạnh Trần Thiện Khiêm đã đồng ý và đã có nhiều đơn vị cùng các Tướng Lãnh sẵn sàng tham gia. Tôi ngồi nghe chăm chú, suy nghĩ cho bản thân đang bị trù dập bởi cánh Cần Lao. Bỗng Thảo nhìn thẳng mặt tôi hỏi, “Cung, toi phải nắm lấy Không Quân. Chỉ cần toi cho vài chiếc máy bay lên bay vè vè và đưa ra một số ít binh sỹ đứng các ngả đường huy trương thanh thế, không cần biết bắn cũng được. Đã có kế hoạch đối với Hải Quân, có thêm Không Quân thì hoàn toàn”.
       Tôi nói ngay, theo tập quán trong quân chủng người chỉ huy cần phải là phi hành mà tôi chỉ là dân kỹ thuật bò sát nên không làm được. Tấn hỏi ngay, “anh có thể đề nghị một tên không”? Tấn nắm vững tình hình các sỹ quan nên đã cùng tôi duyệt đủ tên chỉ huy trong Không Quân. Nhìn đi nhìn lại, nào Võ Dinh, nào Nguyễn Ngọc Oánh, Võ Xuân Lành rồi Nguyễn Huy Ánh, Võ Công Thống, thấy chẳng ai có thể thích hợp nên tôi nẩy ý kiến đề nghị Nguyễn Cao Kỳ đang bị thất sủng mất chức chỉ huy Liên Phi Đoàn Vận Tải và có lệnh đổi ra Nha Trang làm huấn luyện viên bay. Tấn nói hay lắm và anh có thể móc nối Kỳ được không?
       Tôi nói ngay sẽ cố gắng tuy nhiên sự giao hảo giửa tôi với Kỳ không tốt đẹp lắm. Tôi kể lại hồi làm với Trần Văn Hổ tôi hay mò sang đơn vị của Kỳ mỗi buổi trưa, leo lên phi cơ và rút túi chiếc mouchoir trắng tinh ra tuốt các giây cable điều khiển đuôi và bánh lái. Khi tôi thấy hầu hết các cables có các sợi nhỏ bị tưa đứt vướng các sợi chỉ trắng nên tôi đề nghị ông Hổ cho ngưng bay tất cả các C-47 chờ thay cables mới. Trong buổi họp trên bộ Tư Lệnh Kỳ nổi sùng chỉ mặt tôi nói, “kể từ nay tôi không muốn ông Đại Úy Cung leo lên phi cơ của tôi mà không có phép của tôi”. Trung Tá Hổ liền ôn tồn nói, “Ông Đại Úy Cung làm là thay mặt cho tôi”. Và Kỳ im bặt rồi từ đó chúng tôi rất lạnh nhạt với nhau. Cả Tấn và Thảo đều đồng thanh nói, “chuyện vặt mà, anh Cung cứ cố gắng”! Tôi thêm “Kỳ là một thứ Don Quichote, hùng hổ nhưng trí đoản và liều mạng. Và anh ta đang bất mãn lắm”!  
          Về đến nhà tôi mở tủ lấy ra một chai Johnny Walker Black Label trong số rượu quý mà học trò ngoại quốc biếu tôi và bỏ vào túi giấy. Sáng hôm sau tôi qua bàn giấy Kỳ thì thấy anh ta đang lúi húi dọn dẹp các ngăn kéo ý chừng để bàn giao cho chỉ huy trưởng mới. Tôi để túi đựng chai rượu lên bàn và nói, “Tôi có nhiều rượu quý học trò ngoại quốc biếu mà không biết uống; nay thấy anh sắp đổi nhiệm sở tôi đem sang làm quà để anh thưởng thức”. Kỳ rút chai rượu ra ngắm nghía, xiết chặt tay tôi và cám ơn.
         Trưa tôi về nhà vừa sửa soạn ngồi vào bàn ăn thì xe Jeep Kỳ xịch tới. Anh ta chậm rãi bước lên thềm và ngồi vào sofa. Tôi chạy đến ngồi cạnh thì Kỳ nói, “Moa cám ơn toa cho moa chai rượu ngon. Nhưng moa thắc mắc mãi, phải đến hỏi toa có cái gì đằng sau vậy”?
Kể ra thì cũng tinh khôn thật. Tôi liền nói chuyện này rất nguy hiểm
anh phải giữ kín như bưng. Kỳ gật gù và tôi kể buổi họp với Tấn và Thảo trong căn nhà của Đỗ Mậu. “Nếu anh đồng ý thì họ sẽ liên lạc phối hợp thẳng với anh. Nhưng phải hết sức kín nếu không cả anh và tôi sẽ toi mạng”! Kỳ không nói đi nói lại, chỉ xiết tay tôi thật chặt và thêm vắn tắt, “OK”!
       Tôi thông báo cho Tấn và Thảo thì họ mừng lắm và Thảo bảo tôi liên lạc thường xuyên với anh tại tư gia số 51 Đường Tự Đức, căn dặn nên cẩn thận, dùng Taxi trả tiền trước đề phòng con mắt của Mật Vụ. Một lần tôi đến nhà Thảo trong một biệt thự công có lính gác. Hôm ấy vào khoảng đầu tháng Mười 1962 tôi ngồi với Thảo ở chiếc bàn gỗ dưới dàn cây leo. Thảo cho tôi biết qua loa kế hoạch, khi nổ súng thì hai chúng tôi đều mỗi người ngồi trên một xe thiết giáp của Dương Hiếu Nghĩa tiến về dinh Gia Long. Vậy tôi phải liên lạc mật thiết với Thảo để biết ngày N, giờ G và địa điểm thiết giáp. Lúc đầu dự trù vào ngày 26 tháng Mười nhưng vì kế hoạch Bravo và Anti Bravo của ông Nhu nên phải hủy bỏ.
       Một hai lần khác đến tôi mới biết là Thảo đã cho vợ con qua Mỹ trước và tôi được gặp một hai cấp chỉ huy quan trọng mà tôi không nhớ tên, ăn mặc thường phục. Lần cuối cùng tôi đến nhà Thảo là sáng ngày 29 tháng Mười. Tôi mới mua một chiếc xe Morris 1100 mới toanh, đậu bãi trước Sở Thú và trả tiền bao thuê taxi đến 51 Tự Đức. Khi Taxi vừa đậu trước cổng và tôi nhận chuông thì anh lính gác mở hé lỗ vuông cổng sắt rồi nói vắn tắt “có mật vụ”. Liếc mắt qua bên kia đường thì thấy hai nhân viên nhà đèn mặc áo liền quần xanh đang lúi húi ghi chép. Tôi nhẩy phắt lên taxi về Sở Thú. Khi đi ngang một nhà có bảng SỞ XÃ HỘI PHỦ TỔNG THỐNG thì thấy bóng một xe Jeep phóng ra. Tôi vội vã lái xe mình trực chỉ Tân Sơn Nhất, vượt qua cả đèn đỏ nhưng qua kính chiếu hậu không thấy xe đuổi theo. Về đến nhà tôi lo lắng nghĩ rằng chỉ nội đêm nay hay mai chúng sẽ đến tìm mình và không dám ra khỏi cổng Phi Long, vợ con chẳng biết mô tê gì hết!      
      Bởi vậy khi nổ súng tôi đã không có mặt trên xe thiết giáp chỉ định mà tôi ngồi ở bàn giấy thường lệ, hai chân gác lên mặt bàn thoải mái, với một cái radio nhỏ vặn vừa nghe. Mấy sỹ quan Không Quân có lẽ cho rằng tôi là người biết chuyện, luôn ghé lại hỏi thăm tình hình. Độ bốn giờ sáng thì Nguyễn Cao Kỳ ghé qua với bốn năm thủ túc súng ống đầy mình. Họ đều mặc quần áo bay xám, riêng Kỳ trưng một bộ màu cam của Hải Quân Mỹ. Kỳ nói với tôi bằng một dọng khẩn cấp, “Cung, toa ở đây lo Không Quân để moa đi bắt thằng Hiền rồi thằng Sang”. Huỳnh Hữu Hiền mới được bổ nhiệm thay Nguyễn Xuân Vinh đi Mỹ còn Phạm Ngọc Sang thì luôn luôn lái máy bay cho Tổng Thống. Cả hai đều là người Nam, tính tình hiền lành vô sự. Tôi tự nghĩ mình lo Không Quân thế quái nào được, chẳng có đàn em thân tín nào mà cũng chưa bao giờ đụng đến súng.
        Hơn nữa tên Tham Mưu Trưởng Đỗ Khắc Mai, Cần Lao Gộc sờ sờ ra đấy mà Kỳ đã vô tâm không cô lập. Bởi vậy trong lúc nhốn nháo Mai điện thoại cho các Tướng phúc trình, “Thưa Không Quân yên tĩnh, em chu toàn mọi viêc ở đây”. Do đó các Tướng làm lệnh cử Mai Tư Lệnh Không Quân và Kỳ bị hất cẳng. Ngay hôm sau có giấy Đỗ Mậu gửi sang thăng cấp Đại Tá cho tôi vì có công với cách mạng. Mai đưa tôi xem rồi xin để Không Quân đề nghị lên hầu giữ hệ thống chỉ huy. Ngay hôm sau có lệnh cho Mai đi Tùy Viên Quân Sự ở Bonn, Kỳ nắm lấy Tư Lệnh Không Quân và sự việc bị chôn vùi. Tôi chẳng để ý gì cái vặt ấy vì trong thâm tâm chỉ muốn xuất ngũ. Hơn nữa mình đâu có nghĩ là có công cán gì với cách mạng? Khi Tướng Đỗ Mậu được chỉ định chức Ủy Viên Văn Hóa cho gọi tôi và Thảo lên làm việc với ông ta, tôi cũng lờ như không biết.
       Tình hinh chính trị Sài Gòn trở nên lộn xộn khi các Tướng trong Hội Đồng Quân Lực chia chác quyền hành và thi nhau gắn lon gắn sao cho đồng bọn. Cái bát nháo này làm cho Mỹ điên đầu và Hà Nội thấy cơ hội ngàn năm một thuở đã đến. Trong thời kỳ này Nguyễn Khánh đã bứng Trần Thiện Khiêm đi làm Đại Sứ tại Washington đem theo tùy viên báo chí Phạm Ngọc Thảo. Nguyễn Khánh cho lệnh gọi Thảo về nhưng Khiêm đã lo giấy tờ cho Thảo đi Hồng Kông rồi bí mật quay về Sài Gòn qua ngã Nam Vang liên lạc với Lâm Văn Phát tổ chức đảo chính.
        Nguyễn Khánh đã thoát nạn nhờ Nguyễn Cao Kỳ lái C-47 bốc đi Vũng Tầu trước khi Kỳ bay về Biên Hoà trong căn cứ không quăn cấm trại nghiêm ngặt. Tại đây một phòng Hành Quân Đặc Biệt được thiết lập và trên không phận một phi tuần AD-6 bao vùng ầm ì trên không trung. Rồi Phạm Văn Liễu đi với Tướng cố vấn Không Quân Roland chở Lâm Văn Phát trên một chiếc C-123 của Mỹ đáp xuống Biên Hòa để điều đình. Anh hề Nguyễn Khánh bị Hội Đồng Quân Lực chỉnh lý cho làm Đại Sứ Lưu Động đi không biết ngày về mang theo một túi plastic đựng bụi đất Việt Nam.
       Đêm hôm ấy căn cứ không quân Tân Sơn Nhất lại cấm trại trăm phần trăm. Tôi với Nguyễn Tấn Hồng mặc quân phục lái xe Jeep ra phố vắng tanh qua các chốt gác đến nhà Bùi Diễm trên đường Charner thì biết cả Diễm lẫn Đặng Văn Sung và Nguyễn Đình Tú đã ẩn trốn trên trần nhà. Lâm Văn Phát đi trốn bị Tòa Án Quân Sự xử tử hình khiếm diện và Phạm Ngọc Thảo bị tâm nã gắt. Tuy nhiên có một sự điều đình để Tòa bỏ vụ án Lâm Văn Phát.
      Khi ấy tôi đang làm Đổng Lý Văn Phòng cho Tổng Trưởng Thanh Niên Nguyễn Cao Kỳ trong chính phủ Trần Văn Hương. Tổng Trưởng Kỳ chì đến bộ đúng một lần bằng trực thăng đáp xuống sân cỏ bộ dưới sự vỗ tay thán phục của công chức nam nữ. Tổng Trưởng cũng không thèm đi họp hội đồng nội các và Đổng Lý thay thế để nhìn thấy Thủ Tướng lẩm cẩm trong khi Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Oánh ngồi dũa móng tay lơ đãng.
       Môt buổi sáng vào khoảng 9 giờ, có một em bé độ mười lăm đến bộ xin gặp tôi. Khi được đưa vào bàn giấy tôi, cô bé ấy đưa cho tôi một bức thư nhỏ viết tay nói là của ông Phạm Ngọc Thảo, “Nhờ Cung liên lạc với ông chủ giúp đỡ và em bé có thể cho biết số điện thoại và chỗ của tôi”. Tôi biết danh từ ông chủ ám chỉ Nguyễn Cao Kỳ. Tôi hỏi cô bé thì biết là Thảo hiện ẩn trốn trên trần tiệm bán đồ thể thao Émile Bodin ở đường Bonard. Tôi quay số điện thoại mà cô bé cho tôi thì Thảo trả lời bóng gió, “Tôi ở miệt vườn lên đây. Độ này thất bát quá, gạo khan hiếm nên nhà máy chỉ chạy cầm chừng. Tôi bị đau mắt chói lắm, đầu tóc lo nghĩ bạc phơ nên trông kỳ lắm. Ông có rảnh thì chở tôi lên ông chủ xin giúp đỡ cho qua lúc nầy. Nếu được thì xin ông đón tôi lúc 1 giờ hôm nay ở Givral”!
      Tôi hiểu ra là Thảo ngụy trang đeo kính đen đàu đội mũ tùm hụp. Tuy nhiên vừa lúc ấy có tin là chính phủ dân sự Phan Huy Quát đã thành hình mà ông Quát là chỗ đàn anh thân tình và đứng đắn nên tôi đắn đo suy nghĩ mình có nên tiếp tay phá thối nữa không? Bởi vậy tôi đã không đến điểm hẹn Givral. Về sau có tin là Thảo đã mò về khu vực họ đạo Hố Nai rồi bị an ninh mai phục bắn vỡ hàm tưởng chết bỏ nằm trên bờ suối. Thảo tỉnh lại viết lên cát “xin gọi Phan Xi Cô cứu” và được một linh mục đem về chăm nom. Rồi an ninh đến chở bằng trực thăng về cơ quan, tra tấn tàn nhẫn. Nghe nói Thiếu Tá Nguyễn Mộng Hùng tức Hùng Xùi, một Biệt Động Quân được Nguyễn Ngọc Loan xin biệt phái qua Cảnh Sát, không ưa cái mắt lác của Thảo mà tra khảo và bóp dái đến chết tuốt.
      Tôi vừa được Yung Krall tức Đặng Mỹ Dung cho biết là khi cô ta lên Sài Gòn có đến thăm ông Thảo tại nhà gần Sở Thú. Rồi khi bà Thảo và các con đi Mỹ thì cô Kim chị của Dung cũng được đi Mỹ và đã lần hồi tới gặp bà Thảo xin một chỗ dậy tiếng Việt tại Fort Bliss ở El Paso Texas. Lúc ấy ông Thảo đã bị giết rồi. Năm 1997 Yung Krall có đến thăm bà Thảo cùng gia đình ở Escondido và bà còn giữ mối hận thù nói rằng, “Thằng giết chồng tôi, tôi và con cái sẽ tìm để giết  nó”! Mỹ Dung cố khuyên giải, “Nên để cho các em sống bình an; bác trai làm chính trị mà chính trị thì tàn ác mưu mô nhiều lắm”, nhưng bác gái một mực vẫn căm thù không đội trời chung.
        Theo tôi suy nghĩ thì câu chuyện xẩy ra đã lâu quá rồi. Đống tro tàn nguội lạnh từ lâu có lẽ cũng lần hồi cuốn theo chiều gió. Vả lại bà Thảo nay cũng lớn tuổi mà lại vừa trải qua một trường hợp giải phẫu thập tử nhất sinh. Thôi thì ân chưa trả, oán chưa báo cũng nên phú cho số mệnh!
       Bây giờ nghĩ lại tôi thấy hối hận. Nếu tôi đến đón Thảo tại Givral chở gặp Nguyễn Cao Kỳ thì chắc là Thảo chưa chết thảm. Tuy nhiên con người ta thay đổi vì hoàn cảnh, Kỳ đang say sưa trong vị trí mới chắc đâu sẽ làm gì cho Thảo. Mà tôi lại bị mắc kẹt vào một hoàn cảnh khó khăn không lường đuợc, trong thời kỳ Sài Gòn bát nháo với các Tướng Tá kèn cựa, tiêm nhiễm ích kỷ và tham vọng. Thì hãy đổ cho số phận vậy!
       Tôi vẫn không cho Thảo là cộng sản nằm vùng mặc dầu sau khi chúng chiếm được Sài Gòn chúng đã dàn dựng tuyên dương anh là anh hùng nhân dân như chúng đã từng dàn cảnh mọi việc có lợi cho bài bản tuyên truyền của chúng, theo đúng sách vở của Marx, “la fin justifie le moyen  mentez mentez toujours et les gens finiront par le croire”.Tuy nhiên có lẽ ý kiến của tôi là do những cảm nhận chủ quan riêng mà tôi dành cho anh trong những tiếp xúc lúc còn trẻ. Và theo lời kể lại của Nguyễn Trung Trinh hiện ở Paris thì vào cuối năm 1946 Trinh gặp Thảo ở Thị Nghè lúc anh đang chỉ huy một tiểu đội phục kích Pháp. Thảo dụ Trinh nhập bọn đánh Tây nhưng khi thấy bạn do dự thì anh nói ngay, “Moa biết toa có nhiều quen biết phía bên kia; vậy toa cứ đi công chuyện của toa và chúng mình vẫn là anh em bạn thân nhé”! Thật là trung hậu và quảng đại!
       Hơn nữa nếu anh là một điệp viên nhị trùng quý báu của Hà Nội thì tại sao họ không cứu anh ra bưng để khai thác thêm tin tức. Ngay khi anh về trú ẩn tại Hố Nai thì con đường về mật khu thật là gần xịt, tại sao anh không dọt lẹ để bị bắn và bắt giết. Một yếu tố nữa là anh đã cho vợ và sáu con nhỏ qua Hoa Kỳ trước? Bảo vệ gia đình mình tại một nơi chốn tự do xa lánh hẳn môi trường xã hội chủ nghĩa mà anh đã cho là không thích hợp? Hoặc giả vì anh đã bỏ bên kia hồi chánh nên không dám trở về bưng để bị các đồng chí cũ xử giảo thảm khốc? Hơn nữa ngay cả Bác Sỹ Trần Kim Tuyến sau này cũng nói ông không tin là Thảo trá hàng. Tất cả chỉ là những suy nghĩ vẩn vơ không có một dữ kiện xác thực chứng minh. Nhưng trong cõi đời này có cái gì là hoàn toàn thực chất đâu, Đức Phật đã chẳng giảng là “sắc sắc không không” hay sao?      

Prunedale, 15 December 2006
Trần Đỗ Cung


>> Kỳ 4: Luận về quân tử - tiểu nhân-
Những bài báo “gây sốc” của Phạm Ngọc Thảo đã tạo một tiếng vang lớn. Chúng được giới quân sự, chính trị ở Sài Gòn cũng như các chuyên gia CIA và tình báo nước ngoài rất quan tâm. Họ “soi” rất kỹ để biết Phạm Ngọc Thảo là ai. Ngay cả cấp trên của ông Thảo cũng hồi hộp lo lắng về nước cờ cao nhưng liều lĩnh của ông.

Phạm Ngọc Thảo (phải) lúc làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa - Ảnh: LIFE




Nước cờ cao này sẽ khiến cho những kẻ chống cộng tầm thường nghĩ ông là cộng sản nằm vùng, dù bọn họ là số đông, nhưng ông không quan tâm, họ không phải là đối tượng để ông gửi thông điệp. Thông điệp mà Phạm Ngọc Thảo muốn gửi tới là Ngô Đình Nhu và bộ tham mưu cao cờ của ông Nhu, đặc biệt là Trần Kim Tuyến.

Quả nhiên những bài báo đó không lọt khỏi “mắt xanh” của Ngô Đình Nhu và Trần Kim Tuyến. Đây chính là thứ mà họ Ngô cần. Muốn xây dựng một quân đội thực sự là “quân đội quốc gia” thì không thể không dựa trên lý luận quân sự được trình bày trong những bài báo của Phạm Ngọc Thảo. Thông điệp mà Phạm Ngọc Thảo gửi tới phù hợp với đường lối chiến lược của anh em họ Ngô: Muốn chiến thắng cộng sản, muốn xây dựng một quân đội, một chế độ độc lập thì phải làm theo cách của Việt Minh. Lịch sử “Đệ nhất cộng hòa” sau này cho thấy, họ Ngô tuy nhận viện trợ của Mỹ nhưng không nghe lời Mỹ, không để người Mỹ can thiệp quá sâu vào chế độ, vì vậy mà bị Mỹ đạo diễn lật đổ.






Nếu tôi chỉ cho chính quyền bắt những đồng đội cũ của tôi, thì tôi là kẻ tiểu nhân đáng khinh bỉ. Liệu những người quân tử như tổng thống và anh Nhu có thể trọng dụng được kẻ tiểu nhân đáng khinh bỉ như vậy không?



Lời Phạm Ngọc Thảo nói với Ngô Đình Nhu






Và Phạm Ngọc Thảo bắt đầu được trọng dụng. Ông gia nhập đảng Cần Lao và được đưa vào Ban Tuyên huấn đảng này, được thăng quân hàm thiếu tá, rút về làm việc tại Sở Nghiên cứu chính trị - xã hội (cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống) do Trần Kim Tuyến làm giám đốc, văn phòng ông nằm ở cánh trái Phủ Tổng thống, bên cạnh Văn phòng cố vấn Ngô Đình Nhu.

Việc Phạm Ngọc Thảo được trọng dụng khiến cho không ít nhân vật cao cấp trong chính quyền tức tối. Tướng Mai Hữu Xuân, Giám đốc An ninh quân đội, không những nghi ngờ mà còn quả quyết cho rằng Phạm Ngọc Thảo chính là cộng sản, rằng “cộng sản đang lũng đoạn Phủ Tổng thống”. Sau này ông ta nói với các thuộc cấp: “Mỗi lần vào Dinh Độc lập, tôi thấy cánh trái của dinh ửng lên đỏ loét”. Những báo cáo về Phạm Ngọc Thảo của các cơ quan an ninh, cảnh sát đều bị bỏ ngoài tai. Ông Diệm, ông Nhu có cái lý của mình, hạng như Mai Hữu Xuân thì biết gì!

Tuy nhiên, trong khi Ngô Đình Diệm hoàn toàn tin tưởng Phạm Ngọc Thảo, thì Ngô Đình Nhu vốn là một con cáo già về chính trị, nên dù trọng dụng ông song chưa phải là hoàn toàn tin tưởng. Một lần, ông Nhu rủ ông Thảo đi chơi bằng ca nô trên sông Cửu Long, ông Nhu đột ngột hỏi: “Nhiều cán bộ Việt Minh sau Hiệp định Genève về làm việc cho quốc gia, họ chỉ cho quốc gia bắt được nhiều cán bộ cộng sản nằm vùng quan trọng. Anh Thảo về làm việc cho quốc gia được một thời gian rồi, sao chưa thấy anh Thảo chỉ bắt được ai?”. Câu hỏi thật hắc búa, nhưng Phạm Ngọc Thảo không hề lúng túng. Ông bình thản nói: “Trước đây đi kháng chiến tôi hợp tác với người cộng sản dưới ngọn cờ Việt Minh đánh Tây để giải phóng Tổ quốc. Nay đất nước chia đôi, miền Bắc giao cho cộng sản, miền Nam giao cho quốc gia. Tổng thống và anh Nhu là người quốc gia yêu nước, muốn kiến thiết lại xứ sở sau bao nhiêu năm bị chiến tranh tàn phá, nên tôi đem hết sức lực làm việc cho tổng thống. Tôi nghĩ tổng thống và anh Nhu là những người quân tử, dùng người theo cách của người quân tử. Nếu tôi chỉ cho chính quyền bắt những đồng đội cũ của tôi, thì tôi là kẻ tiểu nhân đáng khinh bỉ. Liệu những người quân tử như tổng thống và anh có thể trọng dụng được kẻ tiểu nhân đáng khinh bỉ như vậy không?”. Ngô Đình Nhu đuối lý nhưng rất thích câu trả lời đó, bảo chỉ hỏi đùa vậy thôi và xin lỗi ông Thảo.

Tại các cuộc họp của đảng Cần Lao, trong khi những người khác chỉ nói theo, không ai dám làm trái ý Ngô Đình Nhu thì Phạm Ngọc Thảo lại rất thẳng thắn. Sự thẳng thắn đó làm Ngô Đình Nhu rất hài lòng. Một lần ra hành lang cuộc họp, Ngô Đình Nhu nói với những người thân cận về Phạm Ngọc Thảo: “Thằng này đúng là thằng dân tộc chủ nghĩa đậm chất Nam bộ”, lời nhận xét đó được một cơ sở của ta nghe được và nói lại với ông Mười Hương.

Phạm Ngọc Thảo còn phản đối những hành vi vô nhân đạo trong chính sách tố cộng của Ngô Đình Diệm. Họ Ngô đề cao chính sách thân dân mà hành xử thì lê máy chém sát hại người yêu nước. Ông nói với Đức cha Thục rằng việc chống cộng kiểu này là thua cộng sản, rằng chống cộng càng tàn bạo bao nhiêu càng khiến cho dân chúng thấy Việt Minh nhân ái hơn bấy nhiêu. Ngô Đình Thục tán đồng ý kiến này và thuật lại với Ngô Đình Diệm. Ngô Đình Diệm thấy có lý. Đó là một trong những lý do Phạm Ngọc Thảo được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre) vào đầu năm 1961, nơi đang diễn ra cuộc Đồng khởi lịch sử. Lúc này ông được thăng hàm trung tá. Nhiều người cho rằng vì họ Ngô còn nghi kỵ Phạm Ngọc Thảo nên mới đưa ông đến Kiến Hòa là để thử thách lòng trung thành, nhưng theo chúng tôi thì không thể như vậy, không người cầm quyền nào đem sự thành bại của chế độ ra mà thử thách thuộc hạ. Ngô Đình Diệm muốn Phạm Ngọc Thảo áp dụng chính sách “thân dân” của ông ngay trong vùng nước sôi lửa bỏng.

Về làm tỉnh trưởng một thời gian, ông Thảo thả hơn 2.000 tù chính trị, trong đó có ông Võ Viết Thanh (sau này là Chủ tịch UBND TP.HCM), nói là thực hiện chính sách thân dân của Ngô Tổng thống, bất chấp những lời tố cáo ông liên tục gửi về Sài Gòn. Theo tài liệu ghi chép lại của ông Sáu Trí, Trưởng ty Công an Kiến Hòa lúc đó đã báo cáo với thiếu tướng Nguyễn Văn Là, Tổng giám đốc Công an cảnh sát như sau: “Ông tỉnh trưởng này khả nghi quá. Những cuộc hành quân bố ráp của ngành an ninh trong vùng cộng sản mới chiếm đã bắt nhiều người đem về để rà soát tìm những tên đầu sỏ nhằm tiêu diệt lực lượng cộng sản từ cơ sở, nhưng chúng tôi chưa kịp thẩm vấn ai, chưa kịp làm gì thì ổng cho thả gần như 99%. Không cơ quan an ninh nào muốn làm việc nữa. Nếu hành quân đem về buổi chiều, ổng bảo đem số người bị bắt vào dinh ổng nghỉ tạm, mấy bà già và phụ nữ lớn tuổi ổng đem lên lầu ở, số còn lại ở bên dưới. Ban đêm nấu cháo gà đãi, sáng ra ông cho tập hợp lại, đến nói chuyện chính trị, tuyên truyền chính sách thân dân của Ngô Tổng thống, xong rồi cho thả về hết, có người còn được cấp tiền xe…”. Thiếu tướng Là cắt ngang, ngao ngán: “Tổng thống khen Phạm Ngọc Thảo hết lời, bảo tỉnh trưởng các tỉnh toàn quốc đến Kiến Hòa học cách làm của trung tá Thảo”.

Hoàng Hải Vân

(Còn tiếp)




-- Phạm Ngọc Thảo – Oanh liệt trong thầm lặng (Kỳ 4): Luận về quân tử – tiểu nhân (TN).>> Kỳ 3: Lật ngửa bài để tàng hình

-Phạm Ngọc Thảo tất nhiên không thể giấu cái lý lịch kháng chiến ai cũng biết của ông, nhưng ông không “hồi chánh” để “trở về với chính nghĩa quốc gia” như một số người, vì làm như vậy là biến thành một “thây ma”, là tự vô hiệu hóa vai trò của mình.

“Phục vụ cho mục tiêu thống nhất đất nước” là làm nhiệm vụ cụ thể gì, không ai rõ chi tiết. Ông Mai Chí Thọ xác nhận việc ông Lê Duẩn giới thiệu Phạm Ngọc Thảo cho ông để bố trí ở lại miền Nam hoạt động, nhưng ông bảo ông chỉ nhận được chỉ thị về nhiệm vụ của ông đối với Phạm Ngọc Thảo thôi, còn ông Lê Duẩn chỉ thị cho Phạm Ngọc Thảo làm những việc gì thì ông không được thông báo.


Theo ông Mười Hương, nếu không thừa nhận anh em Ngô Đình Diệm là những người yêu nước theo cách của họ, nếu không thừa nhận họ là những người có tinh thần dân tộc, muốn xây dựng một chế độ quốc gia không cộng sản, thì Phạm Ngọc Thảo khó mà dám “ngửa bài”

Còn ông Võ Văn Kiệt, ban đầu không liên quan đến Phạm Ngọc Thảo, ông chỉ biết ông Lê Duẩn đã trọng dụng ông Thảo như thế nào mà thôi. Nhưng sau Hiệp định Genève, có một thời gian ông Lê Duẩn vào sống ngay trong thành phố Sài Gòn, ông Kiệt có nhiệm vụ tổ chức nơi ăn ở và bảo vệ an toàn, ông dần dần hiểu được những việc mà ông Lê Duẩn giao cho Phạm Ngọc Thảo. Khi làm Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định, ông Võ Văn Kiệt mới “liên quan” đến Phạm Ngọc Thảo. Ban đầu ông định cử ông Mười Nho, Trưởng ban Đặc tình Đặc khu ủy, liên lạc với Phạm Ngọc Thảo, nhưng xét thấy ông Mười Nho đã từng bị lộ tung tích, nên kế hoạch bị hủy bỏ. Ông Kiệt gặp ông Thảo nhiều lần, từ sau cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm đến sau cuộc đảo chính 19.2.1965.

Theo ông Võ Văn Kiệt, nhiệm vụ mà ông Lê Duẩn giao cho ông Thảo là tìm cách thâm nhập càng sâu càng tốt vào bộ máy chính quyền Sài Gòn và tùy cơ ứng biến; ông Thảo không phải là một điệp viên, không có trách nhiệm báo cáo bất cứ chuyện gì với bất kỳ ai, khi có việc cần thiết có thể trao đổi với người lãnh đạo nào mà ông Thảo thấy đủ tin tưởng, nếu không thấy cần thiết thì không trao đổi. Ông Thảo hoạt động độc lập, tự do hành động, không bị bất cứ một chế định nào. Việc ông Kiệt gặp ông Thảo là do chính ông Thảo chủ động cho người thân liên lạc để bàn bạc giải pháp, ông Kiệt không có “chỉ thị” ông Thảo phải gặp ông.

Sau khi thống nhất đường hướng, phương thức hoạt động với ông Mười Hương, Phạm Ngọc Thảo vào Sài Gòn, bắt đầu tàng hình bằng một “ván bài lật ngửa”.

Theo ông Mười Hương, nếu không thừa nhận anh em Ngô Đình Diệm là những người yêu nước theo cách của họ, nếu không thừa nhận họ là những người có tinh thần dân tộc, muốn xây dựng một chế độ quốc gia không cộng sản, thì Phạm Ngọc Thảo khó mà dám “ngửa bài”. Ông Mười Hương cho rằng, thực tế Ngô Đình Diệm luôn mơ ước có những trí thức yêu nước có tầm cỡ bên cạnh mình, như cụ Hồ có những người như ông Hoàng Minh Giám bên cạnh. Cần biết Ngô Đình Diệm nổi tiếng chống cộng, nhưng Ngô Đình Diệm trong thâm tâm bao giờ cũng nể phục cụ Hồ và chưa bao giờ dám xúc phạm đến cụ Hồ.

Phạm Ngọc Thảo tất nhiên không thể giấu cái lý lịch kháng chiến ai cũng biết của ông, nhưng ông không “hồi chánh” để “trở về với chính nghĩa quốc gia” như một số người, vì làm như vậy là biến thành một “thây ma”, là tự vô hiệu hóa vai trò của mình. Ngược lại, ông không những chủ động công khai cái lý lịch kháng chiến đó mà còn công khai tự hào về quãng đường mình đã theo Việt Minh chống Pháp. Để tiếp cận với gia đình họ Ngô, nguồn gốc trí thức Công giáo đã đành là một lợi thế, nhưng chưa đủ. Ông đã khôn ngoan biến cái lý lịch kháng chiến thành một lợi thế thứ hai, lợi hại hơn.

Khi về Sài Gòn, sau khi thu xếp nơi ăn chốn ở cho gia đình, ông không vội tiếp cận với gia đình họ Ngô mà ung dung đi dạy học. Vợ ông cũng vậy. Nhưng Sài Gòn lúc đó rất rối ren. Chính quyền một mặt phải đối phó với lực lượng của các giáo phái và các lực lượng thân Pháp, một mặt ráo riết lùng bắt những cán bộ Việt Minh không đi tập kết nhưng không “hồi chánh” để trừ hậu họa. Phạm Ngọc Thảo không “hồi chánh” nên tất nhiên không có giấy tờ “hồi chánh”, ông bị an ninh quân đội nhiều lần truy bắt, phải rất khôn ngoan ông mới trốn thoát.


Phạm Ngọc Thảo nói chuyện với các chức sắc Cao Đài - Ảnh: LIFE

Không thể ung dung ở Sài Gòn được nữa, ông về Vĩnh Long theo dự định ban đầu. Theo kế hoạch, việc đầu tiên ông làm là đến thăm Giám mục Ngô Đình Thục, anh ruột Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu. Đức cha Thục rất thân thiết với gia đình Phạm Ngọc Thảo, từng là người làm lễ rửa tội cho ông và coi ông như con nuôi. Trong kháng chiến chống Pháp, Phạm Ngọc Thảo từng mời Đức cha vào chiến khu để thông qua vị giám mục này mà tranh thủ đồng bào Công giáo ủng hộ kháng chiến. Lần này Phạm Ngọc Thảo đến thăm với sự lễ phép của một tín đồ ngoan đạo khiến vị giám mục vô cùng cảm động. Ngô Đình Thục đã bảo lãnh cho Phạm Ngọc Thảo vào dạy tại một trường trung học. Sau đó cũng từ sự giới thiệu của Đức cha Thục, Phạm Ngọc Thảo quay lại Sài Gòn làm việc tại Viện Hối đoái do ông Huỳnh Văn Lang, một học trò cũ của Đức cha Thục, làm Giám đốc. Trở lại Sài Gòn lần này ông hoàn toàn không bị an ninh quân đội làm khó dễ, vì ai mà dám động đến người của Đức cha!

Sau khi Ngô Đình Diệm phế truất Bảo Đại, lên làm Tổng thống, Giám mục Ngô Đình Thục liền tiến cử ông Thảo với Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, bảo đây là một nhân tài cần được trọng dụng. Gia đình họ Ngô anh nói em nghe, rất có khuôn phép, nên đương nhiên Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu chấp nhận sự tiến cử này. Tuy nhiên, do chưa thấy ông Thảo có tài năng gì đặc biệt, nên họ cũng chỉ bố trí cho ông những chức vụ khiêm tốn: đại úy đồng hóa, Tỉnh đoàn trưởng Bảo an…

Mối quan hệ với Huỳnh Văn Lang tạo thêm cho Phạm Ngọc Thảo một lợi thế: viết báo để thể hiện mình. Năm 1957, ông Huỳnh Văn Lang khi ấy là Giám đốc Viện Hối đoái và là Bí thư liên kỳ Nam Bắc Việt Nam của Đảng Cần Lao, đã cho xuất bản Tạp chí Bách Khoa. Phạm Ngọc Thảo được mời làm một thành viên sáng lập và tham gia Ban Biên tập tạp chí. Tờ Bách Khoa qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn tồn tại cho đến năm 1975. Phạm Ngọc Thảo có mặt từ số báo đầu tiên và chỉ tính riêng trong năm 1957-1958, ông đã cho đăng liên tục và dồn dập hàng loạt bài trên tạp chí này, tập trung đề tài về quân sự: “Thế nào là một quân đội mạnh?” (BK số 1-1957); “Đánh giặc mà không giết người” (BK số 2); “Góp ý kiến về thiên Mưu công trong binh pháp Tôn Tử” (BK số 3); “Một số ý kiến về lãnh đạo tinh thần một đơn vị quân đội” (BK số 4); “Vấn đề kinh tế tự túc trong quân đội” (BK số 5-6)…; “Lực lượng quân sự cơ động và lực lượng địa phương” (BK số 13); “Quân đội và nhân dân” (BK số 14); “Quân đội bình định đem lại bình an hay oán hận” (BK số 16); “Quan niệm về quân sự hiện đại” (BK số 17)... Những bài báo đó thể hiện tác giả của chúng có kiến thức uyên bác của một nhà chiến lược quân sự và thực tiễn sinh động của một nhà cầm quân, nhưng lại gây sốc: công khai ca ngợi chiến công chống ngoại xâm và hành động vì dân vì nước của quân đội nhân dân VN trong kháng chiến chống Pháp, lên án những hành vi phi nghĩa của quân đội phản nhân dân. (Còn tiếp)-- Phạm Ngọc Thảo – Oanh liệt trong thầm lặng (Kỳ 3): Lật ngửa bài để tàng hình (TN).

- Kỳ 2: Gia thế -Vì sao con cái một gia đình “đại địa chủ”, đồng thời là “dân Tây” và là Công giáo toàn tòng, lại “đồng loạt” đi tham gia kháng chiến, không chỉ tham gia kháng chiến mà còn đem hết gia sản ra ủng hộ kháng chiến?

Phạm Ngọc Thảo trên tạp chí Life

Phạm Ngọc Thảo xuất thân từ một gia đình trí thức giàu có ở Vĩnh Long, theo đạo Công giáo toàn tòng. Thân sinh của ông là cụ Adrian Phạm Ngọc Thuần, một kỹ sư trắc địa và là một điền chủ giàu có nổi tiếng Nam bộ, mang quốc tịch Pháp. Anh chị em ông cũng có quốc tịch Pháp nên sang Pháp du học, đều trở thành bác sĩ, kỹ sư, luật sư.


Dù học ở Pháp, dù là “dân Tây”, dù có cuộc sống giàu sang nhưng anh chị em Phạm Ngọc Thảo đều hướng về đất nước, đều khát khao giành độc lập cho Tổ quốc. Anh ruột ông, luật sư Gaston Phạm Ngọc Thuần tham gia Thanh Niên Tiền phong chống Pháp cùng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch từ năm 1943, sau đó tham gia khởi nghĩa giành chính quyền và làm đến chức Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ, sau năm 1954 tập kết ra Bắc, làm Đại sứ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại CHDC Đức. Một người anh khác, ông Lucien Phạm Ngọc Hùng cũng từ Pháp về nước tham gia kháng chiến, sau này là Ủy viên Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam…

Phạm Ngọc Thảo sinh ngày 14.2.1922, sau khi đỗ tú tài ở Sài Gòn, do Đại chiến thế giới 2 nổ ra, ông không sang Pháp mà ra Hà Nội học, tốt nghiệp bằng kỹ sư công chánh năm 1942 và về làm việc tại Sài Gòn từ năm 1943. Theo chân người anh, ông tham gia Cách mạng tháng Tám năm 1945 ngay từ những ngày đầu và khi Pháp quay lại xâm chiếm Nam bộ, ông tuyên bố hủy bỏ quốc tịch Pháp, lên đường cầm súng đi kháng chiến.

Vì sao con cái một gia đình “đại địa chủ” (theo nhiều tài liệu thì gia đình Phạm Ngọc Thảo có tới hơn 4.000 mẫu đất và hàng ngàn bất động sản ở Nam bộ), đồng thời là “dân Tây” và là Công giáo toàn tòng, lại “đồng loạt” tham gia kháng chiến, không chỉ tham gia kháng chiến mà còn đem hết gia sản ra ủng hộ kháng chiến?

Sự “đồng loạt” hiếm có đó là từ chính nghĩa của cách mạng, là từ truyền thống yêu nước của gia đình, xuất phát từ người ông của Phạm Ngọc Thảo. Ông nội của Phạm Ngọc Thảo là cụ Phạm Ngọc Lành (cụ Lành có thể có nhiều tên khác), là một thương gia lớn ở Nam bộ thời Pháp thuộc. Sau này cho con cháu gia nhập quốc tịch Pháp để “tự vệ”, song cụ Lành sinh thời không những không dính dáng gì với người Pháp mà còn tích cực ủng hộ, hậu thuẫn cho các phong trào yêu nước chống Pháp từ trước khi có cách mạng. Ngay cả phong trào Cần Vương ở tận miền Trung cũng được cụ Lành gửi tiền của hậu thuẫn. Nhiều bậc tiền bối của cách mạng ở Nam bộ đã dựa vào gia đình này để nhen nhóm phong trào và khi cách mạng nổ ra, gia đình này đã nhẹ nhàng đem hết gia sản và con cái ra cống hiến.

Thực ra, khi đất nước bị chia cắt thì một gia đình bị phân hóa cũng là bình thường, mặt khác, sau này anh em ông Ngô Đình Diệm đã trọng dụng Phạm Ngọc Thảo, không chỉ vì ông Thảo có tài năng, có tư cách. Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và Trần Kim Tuyến chắc chắn không “mù”, họ biết rất rõ những người anh của Phạm Ngọc Thảo đang ở “phía bên kia”. Sau khi lên cầm quyền ở miền Nam, Ngô Đình Diệm thực hiện khẩu hiệu “phản đế, bài phong” để xây dựng chế độ quốc gia “cạnh tranh” với những người cộng sản, nhưng điều mỉa mai là hầu hết các tướng lãnh, sĩ quan và quan chức cao cấp chính quyền của họ đều là sản phẩm do người Pháp để lại. Anh em họ Ngô rất cần có những trí thức từng tham gia chống Pháp ở bên cạnh mình và rất cần sự hậu thuẫn của những gia đình có truyền thống yêu nước như gia đình Phạm Ngọc Thảo để làm nền móng cho chế độ. Phạm Ngọc Thảo và cấp trên của ông không bao giờ đánh giá thấp anh em Ngô Đình Diệm, nếu đánh giá thấp đối phương thì không thể có được “ván bài lật ngửa” ngoạn mục như chúng ta đã biết. Nhưng đó là chuyện sau này.

Năm 1946, ông được cử đi học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ở Sơn Tây. Sau khi tốt nghiệp khóa 1 trường này, ông lập tức trở về miền Nam chiến đấu và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của kháng chiến: Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn phó, Trưởng phòng Mật vụ Nam bộ (chức vụ tương đương Trung đoàn trưởng). Năm 1949, Phạm Ngọc Thảo kết hôn với bà Phạm Thị Nhiệm, cũng là một trí thức tham gia kháng chiến (bà Nhiệm là em gái Giáo sư Phạm Thiều lúc đó là Giám đốc Nha Giáo dục phổ thông Nam bộ, sau khi tập kết ra Bắc làm Đại sứ Việt Nam dân chủ cộng hòa tại một số nước Đông Âu).

Năm 1946 cũng là năm ông Lê Duẩn được Trung ương cử vào Nam làm Bí thư Xứ ủy Nam bộ. Khi quân Pháp đổ bộ vào miền Nam, giữa sự vây ráp ráo riết của địch, chính Phạm Ngọc Thảo là người trực tiếp hộ vệ đưa ông Lê Duẩn từ Phú Yên, nơi đóng trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến miền Nam Việt Nam về chiến trường Nam bộ để lãnh đạo kháng chiến. Bản lĩnh, tài năng, mưu trí và phẩm chất của Phạm Ngọc Thảo trên chiến trường đã chinh phục niềm tin của vị Bí thư Xứ ủy. Cuộc hạnh ngộ này ảnh hưởng quyết định đến sứ mệnh sau này của ông. Dùng một trí thức con nhà Công giáo đại địa chủ làm tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng, thậm chí làm tướng cũng không có vấn đề gì, nhưng làm Trưởng phòng Mật vụ của cả Nam bộ kháng chiến thì, trừ ông Lê Duẩn, không ai dám và điều này thì quả thật, ông Lê Duẩn có con mắt anh hùng đoán giữa trần ai. Trong những lúc nói chuyện với chúng tôi, ông Võ Văn Kiệt trước sau đều khâm phục tầm nhìn chiến lược và sự trông xa thấy rộng của ông Lê Duẩn và ông cũng nhớ lại: “Không ít anh em cũng lo ngại về cách dùng người như vậy của anh Ba”.

Điều đáng chú ý là những nhân vật như Trần Văn Đôn, Nguyễn Khánh, Lê Văn Kim… cũng có vào chiến khu tham gia kháng chiến trong thời gian đầu và họ đều được Phạm Ngọc Thảo huấn luyện về chiến tranh du kích, nhưng họ đã quay lưng theo Pháp và trở thành những tướng lãnh quân đội Sài Gòn. “Những người quen cũ” đó sau này vừa nể phục Phạm Ngọc Thảo vừa coi ông là một đối thủ đáng gờm.

Hiệp định Genève được ký kết, Phạm Ngọc Thảo được đích thân Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn chỉ định ở lại miền Nam với nhiệm vụ chiến lược là thâm nhập vào hàng ngũ cao cấp của chính quyền Sài Gòn để “phục vụ cho mục tiêu thống nhất đất nước”. Ông Lê Duẩn giới thiệu Phạm Ngọc Thảo với ông Mai Chí Thọ, lúc ấy là người phụ trách Ban Đặc tình Xứ ủy (sau này là đại tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ). Hai người khác trong Ban cùng có mặt là ông Mười Hương và ông Cao Đăng Chiếm (sau này là thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ).

Tuy ở lại hoạt động ở miền Nam nhưng ông Mai Chí Thọ là người lừng lẫy nên có quá nhiều người biết, ông Cao Đăng Chiếm cũng vậy, Đảng không cho phép vào sống ở Sài Gòn, chỉ có ông Mười Hương là có thể vào Sài Gòn sống hợp pháp vì ông là cán bộ từ ngoài Bắc vào, không ai biết. Do đó, ông Mười Hương đã bàn bạc cụ thể với Phạm Ngọc Thảo về đường hướng, phương thức hoạt động và trực tiếp liên lạc với Phạm Ngọc Thảo ngay tại Sài Gòn. Ông Mười Hương trở thành “người chỉ huy” Phạm Ngọc Thảo trong thời kỳ đầu, tuy nhiên thời gian này rất ngắn, vì sau đó ông Mười Hương bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam ở Huế.- Phạm Ngọc Thảo – Oanh liệt trong thầm lặng – Kỳ 2: Gia thế (TN).

-- Phạm Ngọc Thảo – Oanh liệt trong thầm lặng: Những giọt nước mắt của ông Mười Hương (TN).
“Trong lịch sử tình báo ta, câu chuyện ly kỳ như Phạm Ngọc Thảo là hãn hữu, nếu bỏ qua không nghiên cứu đến nơi đến chốn là thiếu trách nhiệm đối với công cuộc tích tụ kho tàng tình báo Việt Nam” (Lời tướng Nguyễn Đức Trí (Sáu Trí), nguyên Thủ trưởng Cơ quan tình báo Miền)
Phạm Ngọc Thảo - Oanh liệt trong thầm lặng
Đại tá quân đội Sài Gòn Phạm Ngọc Thảo chỉ huy cuộc đảo chính ngày 19.2.1965 lật đổ chính quyền Nguyễn Khánh - Ảnh: Chin Kah Chong

Tấm hình đăng kèm theo đây do nhà báo Chin Kah Chong của hãng tin Pan-Asia Newspaper Alliance (PANA News) của Nhật Bản chụp Phạm Ngọc Thảo mang lon đại tá quân đội Sài Gòn lúc chỉ huy cuộc đảo chính ngày 19.2.1965 lật đổ chính quyền Nguyễn Khánh. Ông Chin đã gửi tặng tấm hình cho chúng tôi trong dịp sang lại Việt Nam cách đây không lâu. Ông bảo ông đã hai lần gặp Phạm Ngọc Thảo, ông kể lại không khí của cuộc đảo chính mà ông trực tiếp chứng kiến hồi đó, nhưng ông không lý giải được về hoạt động của vị đại tá này dù ông rất ngưỡng mộ.


Giữa một rừng gươm giáo hiểm ác, ông như một nghệ sĩ xiếc đi trên dây, bên phải thì địch muốn giết, bên trái thì ta cũng muốn giết. Ông hiên ngang lật ngửa ván bài và “chơi” tới tận cùng

Cho đến nay, Phạm Ngọc Thảo vẫn còn là một bí ẩn khó có thể giải mã. Không phải vì xung quanh ông vẫn còn những bí mật quân sự, cũng không phải xung quanh ông có những điều “nhạy cảm” khó nói. Khó giải mã là do tầng tầng lớp lớp những biến cố lịch sử, những quan hệ, sự thiên biến vạn hóa của chiến lược, chiến thuật, kỹ thuật, nghệ thuật chiến tranh tồn tại trên chiến trường, trên chính trường và trong cuộc sống nhưng nằm ngoài sách vở và các bản tổng kết.

Sau khi bộ phim nổi tiếng Ván bài lật ngửa bắt đầu công chiếu từ năm 1982, khi biết nhân vật Nguyễn Thành Luân được nhà văn Trần Bạch Đằng xây dựng dựa trên nguyên mẫu là Phạm Ngọc Thảo, những giai thoại về Phạm Ngọc Thảo dần dần lưu truyền rộng rãi trong dân chúng. Nhà văn - nhà cách mạng Trần Bạch Đằng từng là Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định trong kháng chiến chống Mỹ, là một trong số rất ít người biết rất rõ Phạm Ngọc Thảo, nhưng Ván bài lật ngửa vốn là một cuốn tiểu thuyết được dựng thành phim, tất nhiên Nguyễn Thành Luân dù mang dáng dấp Phạm Ngọc Thảo nhưng vẫn là một nhân vật hư cấu. Lúc ấy ngôi mộ của Phạm Ngọc Thảo vẫn chỉ là một nấm mồ vô danh.

Mãi đến ngày 30.8.1995, đại tá QĐND Việt Nam, liệt sĩ Phạm Ngọc Thảo mới được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Lý do của sự chậm trễ này chưa bao giờ được công bố chính thức.

Sau năm 1987, báo chí trong nước có viết một số bài về Phạm Ngọc Thảo, nội dung còn sơ lược, chủ yếu dựa vào lý lịch và bản thành tích được công bố. Trong khi ở nước ngoài, nhiều người từng ở “phía bên kia” quen biết Phạm Ngọc Thảo cũng viết về ông, bên cạnh việc thuật lại các góc độ khác nhau những sự kiện mà họ chứng kiến là những phỏng đoán, nhất là sự phỏng đoán xung quanh 2 vấn đề mà họ không giải thích được: Vì sao mãi tới 12 năm sau ngày hòa bình Nhà nước Việt Nam mới chính thức công nhận Phạm Ngọc Thảo là “người của mình”? Nếu Phạm Ngọc Thảo là tình báo “Việt cộng” thì khi cuộc đảo chính tháng 2.1965 thất bại, ông hoàn toàn có thể chạy ra căn cứ một cách an toàn, nhưng vì sao ông không đi mà ở lại tại một xứ đạo để cuối cùng phải chết một cách bi thảm?


Đại tá quân đội Sài Gòn Phạm Ngọc Thảo chỉ huy cuộc đảo chính ngày 19.2.1965 lật đổ chính quyền Nguyễn Khánh - Ảnh: Chin Kah Chong


Không thể đem những lý lẽ thông thường để luận giải cuộc đời bi tráng của người anh hùng phi thường này. Giữa một rừng gươm giáo hiểm ác, ông như một nghệ sĩ xiếc đi trên dây, bên phải thì địch muốn giết, bên trái thì ta cũng muốn giết. Ông hiên ngang lật ngửa ván bài và “chơi” tới tận cùng. Địch coi ông là tên “Việt cộng” nằm vùng nguy hiểm, ông không ngại, thậm chí còn viết báo công khai ca ngợi tinh thần vì dân vì nước của Quân đội nhân dân Việt Nam trong chống Pháp. Ngại nhất là ta, bởi vì ngay tại Sở Chỉ huy của kháng chiến cũng chỉ vài người được biết ông là người của ta, nên khi ông thả hàng ngàn tù chính trị, cơ quan chỉ huy kháng chiến cấp dưới lập tức kết luận ông là tên tỉnh trưởng mị dân nguy hiểm nhất cần phải trừ khử. Ông đã nhiều lần thoát chết, không phải do sự nương tay của ta, mà do may mắn.

Sinh thời cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt bao giờ cũng rơm rớm nước mắt mỗi khi nhắc đến Phạm Ngọc Thảo. Ông bảo Phạm Ngọc Thảo do đích thân ông Lê Duẩn giao nhiệm vụ ở lại miền Nam làm tình báo chiến lược, không phải để cung cấp tin tức, mà đi sâu vào hàng ngũ cao cấp của chính quyền Sài Gòn nhằm xoay chuyển thời cuộc, chuẩn bị cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Đối với ông Võ Văn Kiệt, Phạm Ngọc Thảo là nhà tình báo kiệt xuất, là người anh hùng hội đủ nhân, trí, dũng. Ông vẫn tiếc là không cứu được Phạm Ngọc Thảo mặc dù ông đã làm hết cách.

Còn ông Mười Hương thì vừa nói đến Phạm Ngọc Thảo đã khóc như một đứa trẻ. Lần đầu gặp ông, khi chúng tôi hỏi vì sao Phạm Ngọc Thảo được công nhận liệt sĩ và phong anh hùng chậm như vậy, ông nức nở: “Phong anh hùng 10 lần cho Phạm Ngọc Thảo cũng xứng đáng, nhưng chưa thể được, vì vợ con Thảo đang ở Mỹ. Khi chiếu phim Ván bài lật ngửa, tôi gọi cho ông Trần Độ (lúc ấy làm Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ T.Ư - TN) bảo hãy cấm cái phim đó đi, đừng làm hại vợ con Phạm Ngọc Thảo”. Ông Phạm Xuân Ẩn từng nói với chúng tôi rằng, sau khi Phạm Ngọc Thảo bị giết chết, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã đề nghị chính quyền Mỹ trục xuất vợ con ông Thảo, lúc đó ở Mỹ có một cuộc vận động bảo vệ vợ con ông Thảo, ngay cả những nhà báo Mỹ chống cộng cũng phản đối sự trục xuất này, vì vậy mà vợ con ông Thảo vẫn bình an vô sự cho đến bây giờ.

Sự lo xa của ông Mười Hương là tình nghĩa rất đáng trân trọng. Giọt nước mắt của ông đủ để giải thích lý do vì sao Phạm Ngọc Thảo chậm được thừa nhận một cách công khai. Quốc gia đại sự không bao giờ bỏ sót cái tình, và suy cho cùng cũng vì cái tình mà có quốc gia đại sự.




Trước khi viết loạt bài này, ngoài việc nghiên cứu những tài liệu ghi chép từ các nhà tình báo lão thành hoạt động trong mạng lưới tình báo Miền, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với ông Mười Hương (Trần Quốc Hương), nguyên Bí thư T.Ư Đảng, người trực tiếp tổ chức hoạt động cho những nhà tình báo lừng danh Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ… sau Hiệp định Genève, trao đổi với cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, với ông Sáu Trí, ông Mười Nho (người phụ trách công tác tình báo đặc khu Sài Gòn - Gia Định đầu những năm 1960), chúng tôi còn gặp 1 trong 2 nhân vật được Tỉnh ủy Bến Tre giao nhiệm vụ ám sát Phạm Ngọc Thảo. Chúng tôi cũng đã có dịp nói chuyện với cựu Phó tổng thống chính quyền Sài Gòn cũ Nguyễn Cao Kỳ, người lên chức Chủ tịch Ủy ban Hành pháp T.Ư (Thủ tướng) ngay sau khi cuộc đảo chính năm 1965 thất bại. Ngoài ra, chúng tôi còn tham khảo nhiều tài liệu liên quan đến ông Thảo trên báo chí Sài Gòn trước năm 1975.




(còn tiếp)

Hoàng Hải Vân-Những giọt nước mắt của ông Mười Hương

--
ô Lữ Giang định viết lại lịch sử ?! Chờ xem dẫn chứng của ông LG. Sẽ bị ném đá tơi bời đây !
(Bài 1)
Lữ Giang

Sau khi chiếm miền Nam, Đảng CSVN đã cho văn công biên soạn và ấn hành nhiều tài liệu nói về những thắng lợi về tình báo của họ tại miền Nam Việt Nam trước 1975. Sau đây là ba tài liệu chính:
(1) Bộ phim “Ván Bài Lật Ngửa” gồm 8 tập của đạo diễn Khôi Nguyên (tên thật Lê Hoàng Hoa), do Xí nghiệp phim Tổng hợp Thành phố Sài Gòn sản xuất từ 1982 đến 1987. Bộ phim này kể về quãng đời hoạt động của điệp viên Phạm Ngọc Thảo và tôn Phạm Ngọc Thảo là “một điệp viên siêu hạng”.
(2) Bộ truyện “Ông Cố Vấn, Hồ Sơ Một Điệp Viên” của nhà văn Hữu Mai, viết về cuộc đời hoạt động của điệp viên Vũ Ngọc Nhạ trong khoảng thời gian từ năm 1958 đến năm 1975 và vụ án Huỳnh Văn Trọng. Tác phẩm được xuất bản lần đầu vào năm 1987, bao gồm 3 tập.
(3) Cuốn “Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời” của Nguyễn Thị Ngọc Hải. Đây là cuốn tiểu thuyết viết rất bựa vì bà Hải không biết chút gì về tổ chức chính quyền miền Nam nên cứ phang bừa thành ra lố bịch.
Khôi hài hơn, Larry Berman đã đến Việt Nam phỏng vấn Phạm Xuân Ẩn rồi cóp gần như toàn bộ các sự kiện giả tưởng ghi trong cuốn “Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời” của Nguyễn Thị Ngọc Hải và về viết cuốn “Perfect Spy”!

MỤC TIÊU CỦA SỰ LỪA GẠT
Trên đây chỉ là những câu chuyện giả tưởng được biên soạn dựa vào một số sự kiện có thật và một số nhân vật có thật rồi tiểu thuyết hoá. Các nhân vật tình báo được đề cao là Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ và Phạm Xuân Ẩn thật ra chỉ là những tên cắc ké được giao cho phụ trách một số công tác đặc biệt. Sở dĩ Đảng CSVN cho đề cao những tên cắc ké này để che đậy những sự thất bại lớn lao về hoạt động tình báo của Hà Nội tại miền Nam:
(1) Hai nhân vật chỉ huy tình báo của Hà Nội đã bị cơ quan an ninh VNCH tóm gọn, đó là Trần Quốc Hương(còn được gọi là Trần Ngọc Ban, tự là Mười Hương) thuộc Cục Tình Báo Chiến Lược, chỉ huy Điệp Báo tại miền Nam và Đại Tá Lê Câu, Chỉ Huy Cục 2 Quân Báo Miền Nam.
(2) Khoảng 60 cụm tình báo chiến lược của Hà Nội đã bị phá vỡ, không kể các cụm tình báo địa phương.
(3) Khoảng 93.362 cán bộ và đảng viên nằm vùng đã bị  bắt hay ra đầu thú trong chưa đầy một năm. Hầu hết các cơ sở đã bị phá vở. Vì không chịu nổi chiến dịch tố Cộng tại miền Nam, năm 1957 Lê Duẫn, Bí Thư Xứ Ủy Nam Bộ, phải bỏ ra Hà Nội.

Sau đây là một vài bằng chứng cụ thể chứng minh sự thất bại nghiêm trọng của Hà Nội;

Cuốn “Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1955” của Bộ Quốc Phòng Hà Nội, đã viết:
Chỉ từ tháng 7–1955 đến tháng 2–1956, Mỹ – Diệm đã giết hại, giam cầm 93.362 cán bộ, đảng viên và những người yêu nước. Cơ sở đảng, cơ sở quần chúng bị tổn thất nặng.
“Ở Tây Nam Bộ, sau hai năm thực hiện đấu tranh chính trị, đã có một đồng chí Phó Bí Thư Xứ Ủy, 18 tỉnh ủy viên, 100 huyện ủy bị giết.
“Tỉnh Thủ Đầu Một ta bố trí ở lại 1.647 đảng viên chỉ còn 260. Tỉnh Gia Định 3.000 đảng viên chỉ còn 350. Huyện Hàm Thuận (Bình Thuận) từ 656 đảng viên đến ngày 20.7.1955, chỉ còn 80 đảng viên, v.v.
“Đặc biệt nghiêm trọng, do bị khủng bố dã man ở một số địa phương đã ra đầu hàng, tự thú với địch. Ở Bình Định, hầu hết đảng viên bị bắt đều khai báo tự nhận mình là đảng viên hoặc khai cho người khác. Hai huyện Nghĩa Hành và Đức Phổ (Quảng Ngãi), tính đến tháng 8–1955, có 80% đảng viên khai báo. Xã Phong Chương (Phong Điền, Thừa Thiên) có chi bộ 25 đảng viên, ra đầu hàng 24 còn một phải chạy trốn. Một số đảng viên không tin ở đấu tranh chính trị thành công đã dao động, chạy dài, tránh né công tác, thậm chí có người tập ăn nhạt, uống ít nước để nằm hầm bí mật được lâu. Những số liệu này cho thấy bản chất phản động tàn bạo của chính quyền Diệm và tính chất ác liệt của cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam.”
[“Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1955”,
 Bộ Quốc Phòng, Tập II, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 73 – 74].

Cuốn hồi ký mang tên “Bội Phản hay Chân Chính?” của Dư Văn Chất, Phái khiển của cụm tình báo chiến lược A.22 đã ghi lại như sau:
Đây là một ngành an ninh đích thực, nhưng là một “siêu tổ chức” với nhiều đặc thù mà không có bộ máy nào của Ngụy so sánh được. Nó tập trung quyền lực cao độ: cực quyền, với các phương thức hoạt động hết sức tinh vi, hiểm độc và táo bạo. Trong cái nhà tù không song sắt, Công an Mật vụ cùng với kháng chiến Việt Cộng ăn chung, ngủ chung, chơi chung và công tác chung. Chuyện khó tin mà có thật, và chỉ có được trong thời điểm lịch sử nhất định. Bắt đầu từ cuộc đấu tranh chính trị đòi hỏi hiệp thương tổng tuyền cử cho tới tiếng súng Đồng Khởi hạ màn kết thúc. Thành tích chống Cộng của Mật vụ Ngô Đình Cẩn – Dương Văn Hiếu thật diệu kỳ. Chúng đánh phá vào cơ quan đầu não của các Đảng bộ miền Trung như Liên Khu Năm, Tỉnh Ủy Thừa Thiên, Thành Ủy Huế rồi Đà Nẵng. Tiến xuống phía Nam, chúng tấn công cơ sở Đặc Khu Sài Gòn Chợ Lớn, Thủ Biên, Cần Thơ. Nổi bật nhất là Mật vụ Miền Trung đánh bắt gọn các lưới Tình Báo Chiến Lược của ta trải suốt từ Bến Hải tới Sài Gòn trong vòng chỉ một năm.”
[Dư Văn Chất, Bội Phản hay Chân Chính, Saigon 1992, tr.2].

Người ta tưởng những chuyện giả tưởng nói trên chi có thể đánh lừa được người dân miền Bắc vì dưới chế độ miền cộng sản, mọi thông tin đều bị bưng bít. Không ngờ một số viên chức cao cấp, một số nhà đấu tranh chống cộng và nhà báo VNCH cũng đã tin những tài liệu bịa đặt này và một số người đã trích dẫn các tài liệu đó như là “những sự kiện lịch sử”!
Một Đại Tá điều khiển ngành Cảnh Sát Đặc Biệt của VNCH, cho đến nay vẫn chưa thấy được mặt thật của hai vụ án Huỳnh Văn Trọng và Trần Ngọc Châu, vẫn viết sách nói đó là những vụ điệp báo có thật của địch do ta khám phá ra! Thậm chí Hoà Thượng Quảng Độ, người lãnh đạo Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất cũng đã tin và trích dẫn. Trong Thông Tư số 07/VHĐ/VT đề ngày 17.1.2010, Hoà Thượng tố cáo các chính phủ VNCH đã bị Cộng Sản xâm nhập. Hoà Thượng viết:
“Trái lại, việc rõ như ban ngày là sự xâm nhập của những lưới tình báo chiến lược Cộng sản vào nằm giữa Phủ Tổng thống dưới hai triều Tổng thống Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu, nội tuyến trong các cơ quan quốc phòng, cảnh sát, báo chí, v.v…: những ông Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn... Chỉ nêu vài tên điển hình, vì thực tế nhiều vô kể. Chẳng có ai là Phật tử trong đám người này.”

Chỉ cần so với những nhân vật tình báo thứ  cấp của Hà Nội tại miền Nam như Văn Viên, Hoàng Minh Đạo, Trần Ngọc Hiền, Lê Hữu Thúy..., thì Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ và Phạm Xuân Ẩn còn nằm dưới quá xa và chỉ là thuộc cấp. Còn Huỳnh Văn Trọng chưa bao giờ là điệp viên của Cộng Sản.
(Còn tiếp)

Ngày 5.6.2012
Lữ Giang

Lữ Giang
(Bài 2)



Về các vụ gián điệp giả tưởng tại miền Nam do các văn công cộng sản sáng chế, trước hết chúng tôi xin trình bày lại vai trò của Phạm Ngọc Thảo, sau đó sẽ nói đến vụ Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng, và vụ Phạm Xuân Ẩn.


Các viên chức tại miền Nam biết về Phạm Ngọc Thảo khá nhiều, nhưng người biết rõ nhất có lẽ là ông Huỳnh Văn Lang, hiện đang ở tại Orange County. Ông là Bí Thư Liên Kỳ Bộ của Đảng Cần Lao và là người đã kết nạp Phạm Ngọc Thảo vào Đảng Cần Lao năm 1956 dưới sự bảo trợ của Trần Văn Trị và Dương Chí Sanh. Sau khi cuộc đảo chánh ngày 19.2.1965 thất bại, chính ông Huỳnh Văn Lang là người đã đưa Phạm Ngọc Thảo lên làng Đại Học Thủ Đức trốn, và sau đó đưa đến ẩn náu trong Dòng Châu Sơn ở Cát Lái.
Chuyện Phạm Ngọc Thảo đã được chúng tôi kể khá dài trên Saigon Nhỏ ngày 8.7.2005. Ở đây chúng tôi chỉ ghi lại những nét chính với một vài thông tin mới để độc giả có thể thấy Phạm Ngọc Thảo không phải là “một điệp viên siêu hạng” như đã mô tả trong bộ phim “Ván bài lật ngữa”.
Tuy nhiên, trước khi đề cập đến chuyện Phạm Ngọc Thảo, chúng tôi xin nói qua khái niệm về tổ chức tình báo của Hà Nội tại miền Nam.

TỔ CHỨC TÌNH BÁO CỦA HÀ NỘI
Sau hiệp định Genève 1954, Hà Nội đã cho lập Ban Địch Tình của Xứ Ủy Phía Nam để tổ chức và lãnh đạo mạng lưới tình báo chiến lược tại miền Nam do Văn Viên phụ trách. Đoàn Công Tác Đặc Biệt đã phá vỡ Ban Địch Tình của Xứ Ủy Phía Nam và bắt tên cầm đầu là Mười Hương, tên thật là Trần Ngọc Ban. Cục Tình Báo Chiến Lược Hà Nội phải tổ chức lại mạng lưới tình báo tại miền Nam. Mạng lưới này được chia thành nhiều “Cụm tình báo chiến lược”.
Gọi là “Cụm Tình Báo Chiến Lược” vì do Cục Tình Báo Chiến Lược ở Hà Nội tổ chức và điều hành chứ không phải do các tổ chức tình báo địa phương. Mỗi cụm có 3 người thành một “tổ tam tam” gồm một Phái khiển (agent handler),một Cán bộ và một Cơ cán. Phái khiển được coi như tổ trưởng, có nhiệm vụ thu lượm tin tức và lập báo cáo bằng mật mã. Cán bộ là người chuyển báo cáo của phái khiển đến cơ cán. Cơ cán có nhiệm vụ giao thông liên lạc, chuyển tài liệu đi.
Một thí dụ cụ thể: Chúng ta thường nghe Hà Nội nói nhiều đến “Cụm tình báo chiến lực A.22” như là một cụm tình báo quan trọng ở Sài Gòn, nhưng thực tế không phải vậy. Cụm này chỉ là một cụm tình báo nhỏ hoạt động trong Sở Đào Kinh thuộc Bộ Công Chánh ở Sài Gòn. Cụm này gồm có: Dư Văn Chất (tự Văn Tiến Mạnh, tự Nguyễn Trọng Văn) làm Phái khiển, Vũ Ngọc Nhạ làm Cán bộ và Phạm Văn Đường làm Cơ cán. Cả ba đều là thư ký đánh máy công nhật B3 ở Sở Đào Kinh thuộc Bộ Công Chánh, do Kỹ sư Nguyễn Sỹ Cảnh làm chánh sự vụ. Kỹ sư Cảnh là cha vợ của Cao Đăng Chiếm. Ba tên này đã được Kỹ sư Cảnh tuyển dụng.
Năm 1959, cụm tình báo này đã bị tóm gọn, kể cả Kỹ Sư Nguyễn Sỹ Cảnh. Tuy nhiên, sau khi được cải tạo tại trại Tòa Khâm, Huế, Vũ Ngọc Nhạ đã chuyển hướng và đồng ý hợp tác nên năm 1961 đã được phóng thích và đưa về Sài Gòn dưới danh nghĩa một cán bộ hồi chánh bị quản chế, hàng tháng phải trình diện cơ quan an ninh, nhưng trong thực tế Nhạ đã hoạt động đắc lực cho Đoàn Công Tác Đặc Biệt trong công tác lấy tin tức.
Tính chung, chỉ trong vòng một năm, Đoàn Công Tác Đặc Biệt đã phá vỡ được hầu hết các cơ sở quan trọng của Cộng Sản hoạt động tại miền Nam Việt Nam như Đảng Bộ Liên Khu V, Đặc Khu Ủy Sài Gòn Chợ Lớn, Thành Ủy Đà Nẵng, Tỉnh Ủy Quảng Trị, Thành Ủy Huế, Tỉnh Ủy Quảng Nam, Tỉnh Ủy Phú Yên, Tỉnh Ủy Long An, Tỉnh Ủy Phước Long, Tỉnh Ủy Cần Thơ, v.v.

NHÂN VẬT PHẠM NGỌC THẢO
Trong bộ phim “Ván bài lật ngửa” Nguyễn Thành Luân đã dàn dựng Phạm Ngọc Thảo như là “một điệp viên siêu hạng”, đã đóng vai trò cố vấn về chính sách quốc gia cho các nhân vật lãnh đạo VNCH. Nhưng sự thật như thế nào?
Phạm Ngọc Thảo, có tên Pháp là Albert Thảo, sinh ngày 14.2.1922 tại Sài Gòn, nguyên quán Vĩnh Long. Năm 1945 Thảo đi theo kháng chiến và làm Tiểu Đoàn trưởng Tiểu Đoàn 404 (có tài liệu nói Tiểu Đoàn 420) rồi Trưởng Phòng Mật Vụ Nam Bộ.
Sau hiệp định Genève, Thảo không tập kết ra Bắc mà ở lại miền Nam như một cán bộ hồi chánh. Qua trung gian của người em ruột là Marguerite Phạm Ngọc Thuần, Thảo được đưa xuống Vĩnh Long gặp Đức Giám Mục Ngô Đình Thục nhờ giúp đỡ. Bà Thuần là vợ của ông Trần Văn Minh, em ruột Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ. Ông Đỗ là chú của Bà Ngô Đình Nhu.
Thấy Thảo có học vấn khá, ĐGM Thục đã giới thiệu Thảo với ông Nhu. Thảo tỏ ra hiểu biết về các hoạt động của đám Việt Cộng nằm vùng, nên ông Nhu quyết định cho Thảo mang cấp bậc Đại Úy đồng hoá và đưa Thảo đi làm Tỉnh Đoàn Trưởng Bảo An Vĩnh Long, sau đó về làm Tỉnh Đoàn Trưởng Bảo An Bình Dương. Hoạt động bình định của Thảo rất thành công.
Khi Khu Trù Mật mới được thành lập, đầu năm 1961, ông Diệm đã cho Thảo được thăng lên Trung Tá và cử làm Tỉnh Trưởng Tỉnh Kiến Hòa để trắc nghiệm, nhưng ông Nhu đã cho nhân viên tình báo theo dõi rất sát, vì nghi Thảo là gián điệp hai mang. Thảo đã làm cho tỉnh Bến Tre thành một khu vực yên tĩnh khác thường. Nhưng vì có nhiều báo cáo cho biết Thảo thường liên lạc với Việt Cộng, nên ông Diệm đã ngưng chức Tỉnh Trưởng Kiến Hòa của Thảo và cho qua Hoa Kỳ học một khóa về chỉ huy và tham mưu như hầu hết các sĩ quan cấp tá khác. Sau khi Thảo đi, tỉnh Bến Tre lại bị mất an ninh rất nghiêm trọng. Điều này khiến ông Nhu tin rằng Thảo được Việt Cộng yểm trợ trong thời gian làm Tỉnh Trưởng Bến Tre, nên quyết định thành lập một đơn tuyến (single placement) và dùng Thảo để liên lạc trực tuyến với “phiá bên kia”.
Ngày 23.3.1962, Phạm Ngọc Thảo vừa đi Mỹ về, liền được cử làm Thanh Tra Ấp Chiến Lược. Thảo đã đưa nhiều ý kiến chống sự xâm nhập của Việt Cộng rất xuất sắc.
Tháng 10 năm 1963, khi Hoa Kỳ bắt đầu xúc tiến cuộc đảo chánh lật đổ ông Diệm, Đại Sứ Cabot Lodge đã đánh về Washington nhiều công điện báo cáo Phạm Ngọc Thảo, Huỳnh Văn Lang và Trần Kim Tuyến âm mưu tổ chức đảo chánh. Các công điện này đều được để lọt cho ông Nhu biết. Nhưng ông Nhu cho rằng đây chỉ là trò nghi binh của ông Lodge. Ông hỏi ông Cao Xuân Vỹ: “Thằng Thảo lấy quân đâu mà đảo chánh?”. Biết rõ Mỹ chỉ dùng Phạm Ngọc Thảo như là một thứ nghi binh, nhưng điều đánh tiếc là ông Diệm ông Nhu không bao giờ nghi CIA lại dùng hai người thân tín nhất của hai ông là Tướng Trần Thiện Khiêm và Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu để lật đổ chế độ!
Sau đảo chánh ngày 1.11.1963, Phạm Ngọc Thảo được thăng lên Đại Tá và làm Tùy Viên Báo Chí cho Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, nhưng các tướng lãnh đảo chánh đều nghi Thảo là điệp viên của CIA, một thành phần nguy hiễm, nên sau đó đã đẩy Thảo đi làm Tùy Viên Văn Hóa tại Tòa Đại Sứ VN ở Washington để “trừ hậu hoạ”!

VỤ ÁN PHẠM NGỌC THẢO
Khi muốn loại bỏ Tướng Nguyễn Khánh, CIA đã bí mật đưa Phạm Ngọc Thảo về Sài Gòn. Tướng Khánh cho tôi biết khi Thảo đánh diện xin về nước, ông đã từ chối và ra lệnh cho các cơ quan an ninh ngăn chận không cho Thảo nhập cảnh bất cứ cửa khẩu nào. Không hiểu sao, khoảng hai tuần sau, ông được báo cáo Thảo đã có mặt tại Sài Gòn. Ông nghi Mỹ đã đưa Thảo xuống phi trường Cam Ranh rồi từ đó đưa về Sài Gòn.
Chỉ ít lâu sau, Thảo đã kết hợp được với Tướng Lâm Văn Phát tổ chức đảo chánh ngày 19.2.1965. Cuộc đảo chánh này thất bại, nhưng theo sự chỉ đạo của CIA, trong cuộc họp ngày 21.2.1965 tại Biên Hòa, các tướng lãnh đã quyết định giải nhiệm Tướng Khánh và cho đi làm đại sứ lưu động.
Thấy Phạm Ngọc Thảo quá nguy hiểm, Tướng Nguyễn Văn Thiệu, mới lên nhận chức Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, đã ra lệnh phải truy lùng và hạ sát Phạm Ngọc Thảo bằng mọi giá. Ông Huỳnh Văn Lang, người kết nạp Thảo vào Đảng Cần Lao, đã đưa Thảo lên làng Đại Học Thủ Đức trốn, sau đó đưa qua ẩn nấp tại Dòng Châu Sơn ở Cát Lái. Vì sự sơ hở của LM Trần Ngọc Nhuận, chánh xứ Phát Diệm ở Phú Nhuận, cơ quan an ninh khám phá ra Thảo đang trốn ở Cát Lái. Thảo thấy bị động đã bỏ Dòng Châu Sơn trốn ra ở một nhà dân. Nhưng nhân viên an ninh cũng khám phá ra. Ngày 16.7.1965, Thảo đã bị bắt tại Cát Lái lúc trời gần sáng, bị đưa về Hố Nai, Biên Hòa, và bị bắn nằm gục ở một khu trống vắng. Nhưng Thảo chưa chết. Khi thấy có người đi qua, Thảo rên xiết nên đã được người này đưa về một cơ quan công giáo gần đó nhờ cứu chữa. Nơi đây nguời bị thương cho biết anh ta là Đại Tá Phạm Ngọc Thảo.
Nhân viên An Ninh Quân Đội theo dõi tình trạng của Thảo, biết Thảo còn sống và đang được cứu chữa, nên đã đến bảo lãnh và xin đưa về Nha An Ninh Quân Đội ở Sài Gòn.
Thảo đã từ trần lúc 1 giờ 30 sáng 17.7.1965 tại Nha An Ninh Quân Đội và được báo cáo là đã chết vì ra máu quá nhiều, nhưng một nguồn tin bên trong nói Thảo đã bị bóp dế chết. Chúng tôi đã phỏng vấn nhiều nhân chứng về vụ này. Đây là một câu chuyện khá ly kỳ, chúng tôi sẽ mô tả vào một dịp khác.
Có thể nói Phạm Ngọc Thảo là “gián điệp tam trùng” (triple agent – danh từ của Joby Warrick), vừa làm gián điệp cho Việt Cộng, vừa làm gián cho ông Ngô Đình Nhu và vừa hoạt động cho CIA. Ông Nhu biết Thảo là gián điệp cộng sản nên đã xử dụng Thảo làm cán bộ liên lạc trực tuyến, nhưng cho theo dõi rất kỹ, làm sao Thảo có thể lũng đoạn chính sách quốc gia của VNCH được? Thảo chỉ là con bài của ông Nhu và sau đó trở thành con bài của CIA mà thôi. Thảo đã bị giềt như thân phận của một con bài, xài xong rồi bỏ.

(Còn tiếp)

Ngày 12.6.2012
-Ruồi muỗi chết oan


Lữ Giang

(Bài 3)

Như chúng tôi đã nói, Vũ Ngọc Nhạ chỉ là một thứ gián điệp cắc ké của Hà Nội, còn Huỳnh Văn Trọng chưa bao giờ là điệp viên của Cộng Sản. Nhưng vụ án Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng đã gây nhiều ngộ nhận,


Tài liệu được tiết lộ cho thấy hai vụ án Huỳnh Văn Trọng và Trần Ngọc Châu chỉ là một trận chiến “ngậm đắng nuốt cay” giữa Tổng Thống Thiệu và CIA. Nói một cách rõ hơn, Tổng Thống Thiệu và CIA húc nhau, Huỳnh Văn Trọng và Trần Ngọc Châu chỉ là ruồi muỗi bị chết oan.

Hồ sơ của cả hai vụ đã được bạch hoá: Ông Trần Ngọc Châu đã viết hồi ký nói lên hầu hết mặt trái của nội vụ. Ba người được Tổng Thống Thiệu cử phụ giúp Huỳnh Văn Trọng thi hành sứ mạng liên lạc với “phiá bên kia” cũng đã tiết lộ những sự thật đáng buồn. Một trong ba người đó, năm nay đã gần 90 tuổi, hiện đang sống tại Orange County, đã kể lại cho chúng tôi những gì đã thật sự xẩy ra. Sau khi Huỳnh Văn Trọng trở lại Sài Gòn, một vài người quen thân đến thăm ông, ông vẫn khẳng định ông không bao giờ là gián điệp của Cộng Sản.

Điều đáng tiếc một số viên chức cao cấp thuộc ngành cảnh sát đặc biệt VNCH vẫn coi việc bắt Huỳnh Văn Trọng và Vũ Ngọc Nhạ như là một công trạng lớn của họ!


Câu chuyện này cũng khá ly kỳ, nhưng trong phạm vi một bài báo, chúng tôi cũng chỉ có thể tóm lược những nét chính.


CHUYỆN MỸ MUỐN LÀM
Kể từ năm 1965, sau khi Đại Sứ Cabot Lodge được chính phủ Hoa Kỳ đưa trở lại Việt Nam để dẹp loạn Phật Giáo, Hoa Kỳ đã nghĩ đến việc lập một đường dây để liên lạc với “phía bên kia”. Lúc đó Trung Tá Trần Ngọc Châu đang là Giám Đốc Trung Tâm Huấn Luyện Bình Định Nông Thôn ở Vũng Tàu, một cơ quan do CIA tài trợ và giám sát. CIA biết Trần Ngọc Châu có người anh là Đại Tá Trần Ngọc Hiền, từng là Ủy Viên của Đặc Khu Sài Gòn – Chợ Lớn, bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt bắt, đã được Mai Hữu Xuân thả ra sau khi nhận tiền của Việt Cộng. Vì thế, CIA đã đề nghị với Tổng Nha Cảnh Sát để cho CIA lập đường dây liên lạc với “phía bên kia” qua Trần Ngọc Châu. Tổng Nha Cảnh Sát đồng ý. Cơ quan an ninh VNCH đã bảo đảm cho đường dây này được hoạt động dễ dàng và không can dự vào. Một cụm tình báo được  thành lập để phụ trách công tác này, đó là “Cụm tình báo A-68” do Trần Ngọc Hiền làm Phái khiển, Trần Ngọc Châu là Cán bộ và Trần Châu Khang là Cơ cán. Nhiệm vụ của Cán bộ (Trần Ngọc Châu) là chuyển tài liệu giữa CIA và Cơ cán. Cụm này đã hoạt động một cách yên ổn từ tháng 8/1965 đến 1969.

ÔNG THIỆU MUỐN BẮT CHƯỚC MỸ
Năm 1967, khi đắc cử Tổng Thống, Tướng Nguyễn Văn Thiệu nghĩ rằng nếu Mỹ nói chuyện riêng với Việt Cộng, tại sao VNCH không làm như vậy? Ông liền bảo Phụ Tá Nguyễn Cao Thăng tìm cho ông một người có thể liên lạc với “phía bên kia”. Nguyễn Cao Thăng liền giới thiệu người bạn thân của mình khi còn ở Huế là Huỳnh Văn Trọng.

Huỳnh Văn Trọng, sinh năm 1909, là người công giáo gốc ở giáo xứ Kim Long, Huế, đi tu dòng Đa Minh, sau ra học luật ở Hà Nội. Nhưng mới học được hai năm thì Việt Minh cướp chính quyền, Trọng về Huế và làm cho Phòng Nhì của Pháp. Khi Pháp rút khỏi miền Nam, Huỳnh Văn Trọng và hai người khác được tổ chức thành một tổ tình báo của Pháp hoạt động miền Nam. Đoàn Cộng Tác Đặc Biệt khám phá ra hoạt động của tổ này. Huỳnh Văn Trọng đã trốn qua Cam-bốt, còn hai người kia bị bắt.

Sau cuộc đảo chánh 1.11.1963, Huỳnh Văn Trọng về Việt Nam và liên lạc lại với Nguyễn Cao Thăng. Lúc đó Nguyễn Cao Thăng đang là một Phụ Tá đầy quyền lực của Tổng Thống Thiệu.

Phụ Tá Nguyễn Cao Thăng biết Huỳnh Văn Trọng đã được Pháp huấn luyện về tình báo nên giới thiệu Trọng với Tổng Thống Thiệu. Tổng Thống Thiệu liền cử Huỳnh Văn Trọng làm Phụ Tá Đặc Biệt Phủ Tổng Thống để có danh nghĩa và thầm quyền nói chuyện với “phía bên kia”. Ba người khác được Nguyễn Cao Thăng giới thiệu, được Tổng Thống Thiệu cử làm phụ tá cho Huỳnh Văn Trọng. Chuyện này không hề được thông báo cho Tổng Nha Cảnh Sát và cơ quan CIA biết.
Chúng tôi đã phỏng vấn hai người được Nguyễn Cao Thăng cử phụ giúp Huỳnh Văn Trọng, nên biết khá nhiều chi tiết rất lý thú.


Như đã nói ở trước, sau khi bị bắt, Vũ Ngọc Nhạ đồng ý làm điệp viên nhị trùng cho Đoàn Công Tác Đặc biệt và được Đoàn này trả lương. Ông Nguyễn Tư Thái (Thái Đen) cho biết Đoàn còn cử Vũ Ngọc Nhạ xâm nhập vào giáo xứ Bình An của Linh mục Hoàng Quỳnh ở Bình Đông để theo dõi nhóm Giám Mục Lê Hữu Từ đang hoạt động chống ông Diệm. Nhưng sau cuộc đảo chánh 1.11.1963, không ai trả lương cho Nhạ nữa nên Nhạ đến xin làm việc tại nhà in của Linh mục Trấn Ngọc Nhuận ở nhà thờ Phát Diệm, Phú Nhuận, vì khi còn ở ngoài Bắc, Nhạ đã có một thời gian ở Phát Diệm. Linh mục Nhuận biết Nhạ là cán bộ hồi chánh nên cho phụ xếp giấy để có lương sống qua ngày.

Khi Huỳnh Văn Trọng đang tìm người có thể liên lạc với “phía bên kia”, có người đã cho Huỳnh Văn Trọng biết Vũ Ngọc Nhạ, một cán bộ hồi chánh, đang làm ở nhà in của cha Nhuận có thể làm được chuyện này. Huỳnh Văn Trọng đến gặp cha Nhuận. Cha Nhuận hỏi Nhạ có làm liên lạc được không thì Nhạ xin một tuần để trả lời. Sau đó Nhạ cho biết có thể làm được.



MỸ CHƠI ÔNG THIỆU

Huỳnh Văn Trọng đã được Vũ Ngọc Nhạ đưa đi tiếp xúc với đại diện của Việt Cộng nhiều lần, khi ở Đồng Ông Cộ, khi ở cầu Bình Lợi, khi ở Hàng Xanh... Có lần Vũ Ngọc Nhạ đã đưa Huỳnh Văn Trọng đi gặp Phạm Hùng. Nhưng việc liên lạc này đã bị CIA phát hiện. CIA đã phái điệp viên William James Porter đến giúp Tổng Nha Cảnh Sát theo dõi để bắt. Porter đã cung cấp cho cảnh sát các máy thu thanh và thu hình tự động rất tinh vi để theo dõi nội vụ và làm bằng chứng. Ông ta còn cung cấp cả không ảnh chụp nơi nhóm này thường tụ họp ở Đồng Ông Cộ. Ngày 20.9.1969 Tổng Nha Cảnh Sát đã mở cuộc hành quân xúc toàn bộ các cụm tình báo Việt Cộng hoạt động chung quanh Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng, trong đó có Lê Hữu Thúy, Phạm Xuân Hòe, Vũ Hữu Ruật, Lê Thị Nuôi, v.v. Huỳnh Văn Trọng cũng bị bắt tại nhà ở đường Lê Lợi, Quận 1, Sài Gòn.

Khi được đưa ra trình diện trước báo chí, Huỳnh Văn Trọng nói rằng ông sẽ tiết lộ tất cả những bí mật về vụ này trước phiên tòa. Nhưng Tổng Thống Thiệu đã bảo Nguyễn Cao Thăng nói với Huỳnh Văn Trọng không được tiết lộ nội vụ để khỏi gây hoang mang về việc ông đã bí mật nói chuyện với Việt Cộng. Tổng Thống Thiệu hứa sau khi giam giữ một thời gian, ông sẽ ra lệnh thả Trọng ra.

Khoảng 22 giờ tối 29.11.1969, Tòa Án Lưu Động Mặt Trận Vùng III Chiến Thuật đã tuyên án như sau: Huỳnh Văn Trọng, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy và Nguyễn Xuân Hòe khổ sai chung thân. 8 người bị khổ sai 20 năm, 5 người bị khổ sai từ 5 đến 7 năm. Các bị can khác bị tù từ 3 tháng đến 3 năm và 11 người được hưởng án treo.
Vì Nguyễn Cao Thăng bị ung thư cuống họng chết năm 1971, nên Tổng Thống Thiệu hy sinh Huỳnh Văn Trọng luôn. Ông không bao giờ ra lệnh thả Huỳnh Văn Trọng, mà còn trao trả Trọng cho Việt Cộng sau Hiệp Định Paris.



ÔNG THIỆU TRẢ ĐỦA MỸ

Để trả đủa lại CIA, Tổng Thống Thiệu ra lệnh bắt “cụm tình báo A-68”. Tuy nhiên, Đại Tá Trần Văn Hai, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia không chịu bắt Trần Ngọc Châu vì lúc đó Trần Ngọc Châu đang là dân biểu và là Tổng Thư Ký của Hạ Viện. Vã lại, đã có sự đồng ý của Tổng Nha Cảnh Sát để cho CIA lập tổ này.

Bị Nguyễn Cao Thăng thúc đẩy, Đại Tá Hai đòi phải có lệnh viết của Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm ông mới bắt. Tổng Thống Thiệu đã bảo Tướng Khiêm ký lệnh viết nên ngày 20.2.1970, cảnh sát đã bao vây và bắt Trần Ngọc Châu ngay tại Hạ Viện.

Ngày 2.3.1970, Toà Án Lưu Động Mặt Trận Vùng III Chiến Thuật bắt đầu xử vụ án Trần Ngọc Hiền và Trần Ngọc Châu, nhưng tuyên phạt nhẹ hơn vụ án Huỳnh Văn Trọng nhiều, vì có sự can thiệp mạnh của Tòa Đại Sứ Mỹ. Tòa tuyên án Trần Ngọc Châu 10 năm khổ sai và Trần Ngọc Hiền 4 năm tù. Ít lâu sau, Trần Ngọc Châu được phóng thích, nhưng Trần Ngọc Hiền không còn nhận Trần Ngọc Châu là em nữa vì cho rằng mình đã bị Châu lừa!

Tóm kết, Huỳnh Văn Trọng là người được Tổng Thống Thiệu cử làm Phụ Tá Tổng Thống đặc trách liên lạc với “phía bên kia”, chứ không phải là điệp viên cộng sản được cài vào Dinh Độc Lập như văn công cộng sản và một viên chức cảnh sát VNCH đã viết.
Vũ Ngọc Nhạ chỉ học tới lớp 7, làm thư ký đánh máy công nhật B3 ở sở Đào Kinh, Bộ Công Chánh, làm sao có thể làm cố vấn cho ba đời Tổng Thống VNCH như văn công Việt Cộng đã viết? Có vài lần Huỳnh Văn Trọng đã đưa Nhạ vào Dinh Độc Lập gặp Thổng Thống Thiệu. Mục đích của Huỳnh Văn Trọng là cho Vũ Ngọc Nhạ thấy ông ta thật sự là người của Tổng Thống Thiệu. Tổng Thống Thiệu cũng đã vài lần viết thư khuyến khích Nhạ, nhưng Nhạ chưa bao giờ làm “cố vấn” cho ông Thiệu.


(Còn tiếp)



Ngày 19.6.2012

Lữ Giang

- Chỉ là cái hộp thư

Lữ Giang
(Bài cuối)

Phạm Xuân Ẩn tên thật là Trần Văn Trung, sinh ngày 12.9.1927 tại Biên Hoà, sau ông cùng với gia đình về ở Mỹ Tho. Năm 1945, khi mới 18 tuổi, Ẩn đã đi theo Việt Minh làm liên lạc viên và năm 1949 trở về thành và đi học lại ở Collège Le Myre de Vilers ở Mỹ Tho. Năm 1950, Ẩn bỏ học và đi làm thư ký cho công ty dầu lửa Caltex. Năm 1950, Ẩn xin vào làm nhân viên kiểm hàng (pointer) cho Quan Thuế ở bến tàu (văn công Việt Cộng gọi là “Thanh Tra”!). 
Năm 1952, Ẩn bị động viên, được Pháp cho làm thông dịch viên, mang cấp bậc Trung Sĩ đồng hóa (giống Tôn Thất Đính và Nguyễn Chánh Thi), làm việc ở Camp Aux Mares. Thế nhưng văn công Việt Cộng mô tả Ẩn được trưng dụng làm “Bí Thư Phòng Chiến Tranh Tâm Lý” trong Bộ Tổng hành dinh quân đội Liên hiệp Pháp!


Theo văn công Việt Cộng, sau hiệp định Genève, Ẩn xin qua làm việc ở phái bộ quân sự Mỹ tại Sài Gòn, thường xuyên đến văn phòng hoặc nhà riêng để gặp gỡ đại tá CIA Ed Lansdale, thiếu tá Lou Conien… Đại tá Edward Lansdale là người chỉ huy CIA tại Đông Dương cũ và là trưởng phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ (US.MAAG) ở Sài Gòn. Nhưng văn công đã nói láo không có sách, lúc đó Đại tá Edward Lansdale không phải là người chỉ huy CIA. Ông chỉ là Trưởng Phái Bộ Quân Sự Saigon (Saigon Military Mission, viết tắt là SMM). Ông mới đến Sài Gòn vào tháng 6 năm 1954.


HỌC LÀM BÁO… ESL!
Năm 1957, Ẩn bị cơ quan an ninh theo dõi và khám phá ra Ẩn đã làm điệp viên cho Việt Cộng từ khi vào làm thông dịch viên ở thành Aux Mares, Sở Nghiên Cứu Chính Trị đã ra lệnh bí mật bắt. Sau khi khai thác, ông Trần Kim Tuyến thấy Ẩn biết khá nhiều đường dây bí mật của Việt Cộng, nói tiếng Pháp khá, có biết đôi chút tiếng Anh, nên quyết định huấn luyện Ẩn làm phản gián. Tháng 10 năm 1957 Ẩn được gởi qua Mỹ để học về phản gián. Trước hết, Ẩn được đến trường Orange Coast College ở Orange County, California, để học Anh Văn. Văn công Việt Cộng nói Ẩn đến đây để học báo chí, nhưng người Việt ở Orange County ai cũng biết trường này chưa hề dạy môn báo chí và thời đó không có bằng Tú Tài II không thể đi du học về báo chí. Hồ sơ tại trường Orange Coast College ghi rõ Ẩn vào học ESL (English as a second language). Những người Việt sau này đến Mỹ cũng đều qua các lớp ESL như thế.

MÔN HỌC CHÍNH LÀ PHẢN GIÁN!

Cuối tuần và những ngày nghỉ, Phạm Xuân Ẩn lên San Francisco để được huấn luyện về phản gián. Sau hai năm, tháng 10/1959, Ẩn trở về Sài Gòn. Không có lớp báo chí nào ở Mỹ mà chỉ học có hai năm!

Vì Ẩn không có bằng Tú Tài toàn phần nên ông Trần Kim Tuyến không thể cho Ẩn làm biên tập viên Cảnh Sát hay Thông Tin, nên ông quyết định cho Ẩn ăn lương Công Cán Ủy Viên Phủ Tổng Thống và gởi qua làm việc ở Việt Tấn Xã. Đây là lý do khiến văn công Việt Cộng hô lên Ẩn làm việc cho Phủ Tổng Thống! Chính vì những sự “ưu ái” này của ông Trần Kim Tuyến, ngày 29.4.1975, Phạm Xuân Ẩn đã tìm cách đưa ông Tuyến rời khỏi Việt Nam. Sau khi ông Tuyến bị mất chức, thỉnh thoảng tôi thấy Ẩn ở nhà ông Tuyến.
Sau cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963, Phạm Xuân Ẩn mất việc, nên CIA tuyển dụng Ẩn làm phản gián vì Ẩn đã được Mỹ huấn luyện. Để cho Ẩn có một cái vỏ bọc bên ngoài, CIA đã ghi tên cho Ẩn làm phóng viên của hãng Reuters và các báo Time, New York Herald Tribune, The Chritian Science Monitor... Với trình độ học vấn và Anh ngữ thấp như thế, làm sao Ẩn có thể được vào làm cho các cơ quan thông tin nổi tiếng đó nếu không có sự “gởi gấm” của CIA?


Về phương diện săn tin và viết báo, một vài tác giả đã mô tả Phạm Xuân Ẩn như là“Chủ Nhiệm Giới Báo Chí Việt Nam và Đài Tiếng Nói Catinat (Voice of Radio Catinat) hay “Nhà máy xay những tin đồn đại”. Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên, vì Ẩn thường la cà ở các tiệm cà phê trên đường Catinat. Chưa ai dẫn chứng được một bài bình luận hay một tin tức nào của Nguyễn Xuân Ẩn được coi là xuất sắc. Nhiều người cho rằng nếu có, thì đó chỉ là những bài hay những tin do CIA soạn thảo và cho Ẩn gởi đi để “làm cảnh”, chứ sức của Ẩn không thể làm được những chuyện đó.


CHỈ LÀ CÁI HỘP THƯ
Về phương diện tình báo, theo tài liệu của Việt Cộng, Phạm Xuân Ẩn làm việc với “Cụm Tình Báo Quân Sự H63”. Cụm này do Đại Tá Nguyễn Văn Tàu, biệt danh Tư Cang, làm Phái khiển, bà Tám Thảo làm Cán bộ, còn cô Nguyễn Thị Ba làm Cơ cán (tức giao liên). Mọi tin tức Phạm Xuân Ẩn lấy được đều được chuyển cho cụm tình báo này để gởi về Hà Nội.


Tài liệu do các văn công Hà Nội viết cho biết Phạm Xuân Ẩn đã gởi một chuỗi dài đều đặn những tài liệu quân sự mật và công điện viết bằng mực hoá học (loại mực viết không không thể đọc được cho đến khi được xử lý đặc biệt). Vấn đề được đặt ra là làm thế nào Phạm Xuân Ẩn có thể lấy được những tài liệu đó của Mỹ, vì Phạm Xuân Ẩn không hề giữ một nhiệm vụ gì trong các cơ quan chính trị hay quốc phòng của Mỹ. Không lẽ Phạm Xuân Ẩn đã mua?

Không ai tin như vậy. Điều chắc chắn Phạm Xuân Ẩn là một gián điệp nhị trùng, vừa là gián điệp cho Mỹ, vừa làm gián điệp cho Việt Cộng. Ông ta có nhiệm vụ chuyển những tài liệu “lấy được” của Mỹ cho Việt Cộng và những tài liệu “lấy được” của Việt Cộng cho Mỹ. Đó là những tài liệu như thế nào?

Nhiều người tin rằng đó là những tài liệu do cơ quan CIA hay Việt Cộng soạn ra hay là những tài liệu có thật nhưng đã được cải biến lại hay không còn có giá trị thực dụng nữa. Mục đích của việc chuyển những tài liệu này là để đánh lạc hướng đối phương.
Như chúng ta đã biết, các nhân viên tình báo hay quân báo của Mỹ hoạt động tại miền Nam đều đã được Mỹ đưa ra khỏi Việt Nam từ ngày 19.4.1975, vì sợ họ tiết lộ những tin tức mà họ biết và các kỷ thuật tình báo mà họ đã được huấn luyện. Nếu Phạm Xuân Ẩn là điệp viên quan trọng, biết nhiều về tin tức tình báo hay kỷ thuật tình báo của Mỹ, tại sao họ không mang ông ta đi mà bảo ông ta ở lại Việt Nam và sau đó còn gián tiếp công bố tên tuổi và nghiệp vụ của ông ta?

Tại vì Phạm Xuân Ẩn chỉ là một cái “hộp thư”, nhận và chuyển đi các tài liệu phản gián của Mỹ. Ông ta chẳng biết gì các bí mật về chính trị và an ninh của Mỹ. “Hộp thư” được xài xong rồi thì bỏ đi.

Hà Nội biết rõ tất cả những chuyện đó, nên cũng chỉ khai thác Phạm Xuân Ẩn như một công cụ để tuyên truyền chứ không hề xử dụng và chẳng những không ưu đãi mà còn ngược đãi.


THÂN PHẬN CỦA MỘT HỘP THƯ

Năm 2002, Đặng Văn Nhâm đã về Việt Nam thăm Phạm Xuân Ẩn, được nói là một người bạn học cũ của ông ta. Những điều ông ta ghi lại trong bài Sau 30 năm gặp lại Phạm Xuân Ẩn viên tướng điệp báo tài ba lỗi lạc! đọc nghe rất thê thảm. Đặng Văn Nhâm viết:

“Chúng tôi vừa ngồi xuống mấy chiếc ghế đá trong ngôi vườn nhỏ trước sân nhà, là một biệt thự cũ, xây cất từ thời Tây, khá rộng rãi. Tôi mở đầu câu chuyện trêu ghẹo anh ngay:
“Trước khi đến thăm anh, tôi cứ nghĩ: với quân hàm cấp tướng, dù sao tối thiểu anh cũng phải có một chiếc xe và một tên lính hầu. Nhưng, nãy giờ tôi chẳng thấy một tên gia nhân nào, cả xe cộ cũng không?
“Anh cười rất hồn nhiên:
“- Xe à? Có chứ! Đấy chiếc xe đó.
“Miệng nói, tay anh vừa chỉ cho tôi thấy một chiếc xe gắn máy hiệu Suzuki sơn đen, cũ xì, đầy sét rỉ lở chóc loang lổ. Có lẽ cây chống của nó đã liệt rồi, nên phải dựng nghiêng bên vách tường.”
“Tôi cười, ngầm hiểu ý anh. Tôi hỏi thẳng vào vấn đề:
“- Từ sau 1975 đến nay, dưới chế độ này, anh có làm gì nữa không?


“- Không. Mình chẳng làm gì cả!”


Đặng Văn Nhâm ghi ở cuối bài:

Nên biết: lương tháng của một ông tướng CSVN hồi hưu chỉ có 960.000 đồng bạc Hồ mà thôi. Tức trị gía khoảng hơn 60 USD!

ĐIỀU ĐÁNG TIẾC...

Nhìn chung, chúng ta thấy Đảng CSVN chỉ dùng Vũ Ngọc Nhạ và Phạm Xuân Ẩn như những công cụ để tuyên truyền, nhưng họ chẳng những không ưu đãi mà còn ngược đãi. Điều này chứng tỏ hai điệp viên này không phải là hai điệp viên quan trọng, đã thực hiện được nhiều công trạng.

Điều đáng tiếc là những chuyện bịa đặt do văn công Việt Cộng sáng chế, thỉnh thoảng lại được một số người Việt chống cộng ở hải ngoại, kể cả một số viên chức cao cấp của VNCH trước đây, coi đó là những sự yếu kém và thất bại về tình báo của VNCH. Họ thường trích dẫn để chứng minh mỗi khi viết bài!

Xin tạm nghĩ một thời gian
Ngày 26.3.2012

Lữ Giang


(uh, theo ttngbt thì lương tháng của một ông tướng về hưu không thể chỉ có 960.000 VND. Có thể chỉ riêng với ô Ẩn do thời gian làm việc chính thức ít ?!!! Ai giải thích điều này được không?)




- Bốn mươi năm, mùa hè đỏ lửa 1972(Lê Mai).


- Rạch Gầm – Xoài Mút: Trận thủy chiến lừng lẫy trong lịch sử Việt Nam (ĐĐK).
- Bài 5: Giải phóng và làm chủ biển, đảo của Tổ quốc mùa Xuân 1975 (ĐĐK). “Tính đến hết ngày 1-5-1975, quân và dân ta đã giải phóng và làm chủ hầu hết các đảo và vùng biển phía nam của Tổ quốc (trừ quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm của Việt Nam từ tay quân đội Sài Gòn ngày 19-1-1974)“. BTV: Sao quân ta không giải phóng và giành lại chủ quyền Hoàng Sa luôn? Hay là chỉ có thể “giải phóng” từ những người anh em trong nhà, còn “bọn lạ” thì nhịn chúng?

Vị Thượng hoàng đầu tiên của Vương triều Trần (Bee).
- Phạm Quỳnh và lòng tự tôn dân tộc (Phạm Quỳnh). - Phạm Quỳnh – Một nhân cách về lòng tự tôn dân tộc.
- Ký ức chưa từng công bố của lính Mỹ về cuộc chiến ở Việt Nam (P2) (GDVN).
- Ký ức chưa từng công bố của lính Mỹ về cuộc chiến ở Việt Nam (kỳ 1) (ĐV).


- Hồ Chí Minh qua ống kính Phương Tây (BBC).
- Tận mắt xem 19 bức ảnh về nạn đói năm 1945 của cố nghệ sĩ Võ An Ninh (GDVN).


- Khởi công đền thờ người thân Bác Hồ (VNN). Bộ trưởng Nga đề nghị chôn cất Lenin

- 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng: Xuất khẩu gạo để cứu đói! (PLTP).

Hồ Chí Minh qua ống kính Phương Tây

@Chiến sĩ tình báo bán bánh mì (NĐT 10-6-12) (Nguoiduatin.vn) - Ông là thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, một nhân chứng sống tiêu biểu cho một tinh thần thép, ý chí thép của người chiến sĩ hoạt động tình báo trong lòng địch.
Nghe lính đặc công miền Tây kể chuyện tình buồn
    Nguyễn Văn Thương thời trai trẻ
    Từ anh giao liên trở thành chiến sĩ tình báo
    Nguyễn Văn Thương sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống Cách mạng tại tỉnh Tây Ninh. Má ông là bà Lê Thị Tân, một bác sĩ học trường Tây. Bà là Đảng viên Cộng sản, tham gia cách mạng từ rất sớm, hoạt động trong Hội Phụ nữ cứu quốc. Bà bị bắt rồi bị đày ra Côn Đảo sau đó hy sinh tại Chuồng cọp. Thương mồ côi mẹ rất sớm nên ông được sống trong tình thương hết mình của cha. Cha ông là Nguyễn Văn Chắc, người Tiểu đoàn trưởng Quân báo liên quân 311, 312 đã dạy dỗ con trai giác ngộ và đi theo con đường Cánh mạng từ rất sớm.
    Từ nhỏ, Thương được cha gửi vào trường Đạo đức học đường thuộc phạm vi quản lý của Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh. Tại đây, Thương sớm nhận thức được tinh thần Cách mạng cùng nỗi thống khổ của người dân đang phải chịu dưới hai tầng áp bức là Mỹ và chế độ Ngụy quyền. Nhiệm vụ đầu tiên của Thương là mang thư từ, điện báo từ Tây Ninh xuống Long Khánh (Đồng Nai) và rải truyền đơn trong đồn điền cao su. Tất cả những công việc đó đã được Thương hoàn thành một cách xuất sắc.
    Năm 1961, sau thời gian đi học trường nghiệp vụ sĩ quan, Thương được chọn làm vệ sĩ cho đồng chí Sáu Dân (sau này là Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Vào thời điểm này, cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc đang rất khốc liệt, Trung ương chủ trương thành lập Cục tình báo miền Nam và Nguyễn Văn Thương là một trong số ít người được đồng chí Võ Văn Kiệt tin tưởng giao nhiệm vụ mới. Từ đây, con đường hoạt động của Thương chuyển sang một bước ngoặt với nhiệm vụ mới và trách nhiệm đối với vận mệnh dân tộc nặng nề hơn.
    Do từ trước Thương đã có thời gian làm giao liên nên khi tiếp cận với công việc tình báo, Thương không phải gặp nhiều khó khăn. Thương nằm trong mũi tình báo giao thông chịu trách nhiệm truyền thông tin lấy được từ nội thành ra ngoài và ngược lại. Đồng chí Mười Nho (Nguyễn Nho Quý) là người trực tiếp quản lý và dạy nghiệp vụ cho Thương cùng một số chiến sĩ tình báo khác.Nói là dạy nhưng thực chất là những buổi nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm của người đi trước chứ thực ra thời bấy giờ chưa có trường lớp nào chính thức mở ra dạy nghiệp vụ tình báo.
    Những chiến sĩ tình báo như ông luôn luôn ghi nhớ và khắc sâu một điều, đó là “mất tài liệu là mất điệp viên”. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình huống nào bằng mọi giá phải giữ được tài liệu hoặc không cho địch phát hiện ra. Vì thế mà những điệp viên tình báo luôn phải trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và nếu cần thì có thể phải hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ cơ sở. Trong suốt thời gian đầu hoạt động tình báo với nhiệm vụ chuyển thư từ và rải truyền đơn, tổ tình báo của Nguyễn Văn Thương không để xẩy ra một bất trắc nào gây ảnh hưởng đến tổ chức.
    Trận đánh trực diện với CIA mang mác nhà sư
    Nguyễn Văn Thương hoạt động tình báo chủ yếu ở khu vực miền Đông Nam Bộ từ Tây Ninh tới Bình Long (Bình Phước), Long Khánh (Đồng Nai) và về Sài Gòn. Trong vai một người bán bánh mì dạo, mà thực tế lúc bấy giờ những người lính Cách mạng như ông phải vừa làm để lấy tiền sinh sống và hoạt động vì đất nước gặp khó khăn, người dân đói khổ nên mỗi người cần phải ý thức được công việc mình làm. Ngày ngày, chàng bán bánh mì Tư Hiếu (bí danh của Nguyễn Văn Thương) có mặt trên khắp các con đường xung quanh khu vực lính Mỹ đóng quân.

    Huyền thoại sống về người chiến sĩ tình báo bị CIA cưa chân 6 lần
    Những tiếng cưa sắt xè xè, ken két nghiến từng khúc xương trên đôi chân một con người đang sống. 6 lần cưa đứt sáu khúc, hết một đôi chân giao liên, tình báo. Người Mỹ đã phải thốt lên: “Ôi! Một sinh vật bằng thép, chúng tôi đã thua ông”. Ông trở thành biểu tượng sừng sững về tinh thần chiến đấu bất khuất của đồng bào miền Nam “thành đồng Tổ quốc trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ”.

    Trước ngày Đồng khởi, tổ tình báo của Thương đã mở màn bằng những chiến công vang dội. Sau 3 tháng trời vừa bán bánh mì vừa theo dõi nắm bắt tình hình, Thương phát hiện ra những vị sư trong Tòa thánh Cao Đài đều là người của CIA đóng giả nhằm che mắt Việt Minh. Dưới mác nhà sư, chúng dùng nhiều thủ đoạn để lừa gạt, mê muội người dân sùng bái đạo gây ra sự đạo lộn trong cuộc sống nhân dân ta ở một vùng. Trong một lần vào chùa chào bán bánh mì, Thương thấy ông sư cầm một hũ cơm chay ra để ăn chẳng may vấp ngã xuống nhà, một cục thịt heo ở dưới đáy hũ vung ra nhưng rất nhanh, trong tích tắc vị sư lượm lên và tiêu hủy ngay.
    Vậy là đã rõ, Thương về báo cáo lại tình hình với tổ chức và xin một tiểu đội để đánh úp tay chân của CIA dưới mác các nhà sư này. Cấp trên tin tưởng giao cho Thương đảm nhận vụ này. Một tiểu đội phải cạo trọc đầu thành sư hết. Sau vài ngày học cách đi khất thực của các nhà sư chuyên tu, tổ đặc nhiệm bắt đầu vào cuộc. Mỗi người một áo chùa trong đó đã giắt sẵn súng ngắn, một hũ đi xin nhưng bên trong đựng lựu đạn, chân không dép, đầu cạo trọc.
    Vào khoảng 7h sáng, sau khi đã quan sát toàn bộ khu vực trong và ngoài toà thánh mà CIA trá hình, Thương ra lệnh cho toàn bộ hành động. Chỉ trong vòng một phút, súng nhả đạn, lựu đạn ném làm cho địch không kịp phản ứng, chúng chạy tan tác khắp nơi tìm chỗ ẩn náu. Thừa cơ hội đó, Thương chạy nhanh vào phòng lấy được toàn bộ giấy tờ, hồ sơ của chúng đưa đi tiêu hủy. Hành động chớp nhoáng xong, cả đội rút lui an toàn riêng Thương quay trở lại với giỏ bánh mì và bộ tóc giả (vì lúc này, Thương đã cạo trọc đầu trong trận đánh vừa rồi) để kiểm tra tình hình. Đứng ngoài cửa, Thương còn nghe được câu nói của viên Trung tá ngụy “Chúng mày làm gì mà để Việt cộng vào tận đây đánh giữa ban ngày như vậy?”.
    Cũng trong thời gian hoạt động tình báo, có lần Nguyễn Văn Thương đã dám trèo lên xe đang chở hình nộm Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lấy kìm bẻ đầu Tổng thống sau đó nhảy xuống đất đập nát cái đầu ra thành nhiều mảnh. Lý giải về việc này ông bảo do lúc đó thấy hình ông Tổng thống ăn vận rất sang trọng, mặc áo gấm đầu chít khăn nhung, ông nhìn thấy trướng mắt, máu căm thù sôi lên, sẵn thời cơ đến vậy là phải bẻ cổ cái đầu kia đi cho người dân được xem hình nộm một Tổng thống không đầu đứng trên một chiếc xe sang trong đưa tay ra vẫy chào. Còn cái đầu phải đập nát đi cho không còn đầu gắn lên nữa chứ nếu lúc ấy mà vứt xuống đất thì có người nhặt được họ sẽ lại gắn lên.

    Đầu năm 1966, một trận càn quy mô lớn với 35 ngàn quân địch nhằm vào khu Tam giác sắt (tại đất thép Củ Chi). Lệnh sơ tán được ban ra, mọi người nhanh chóng đi sơ tán riêng cụm A36 gồm Nguyễn Văn Thương cùng hai đồng chí khác trụ lại bám địa bàn và làm nhiệm vụ mật báo. Trong trận càn đó, tổ tình báo của Thương đã tiêu diệt được 115 tên Mỹ, diệt 12 xe tăng, bắn rơi 5 máy bay. Có những đợt cao điểm đối đầu địch, 3 chiến sĩ tình báo chiến đấu với một đại đội địch vậy mà họ vẫn không hề hấn gì, không ai bị thương vong. Nhưng trong lần ấy, chính mắt ông phải chứng kiến cái chết thảm thương của 47 cô gái còn rất trẻ. Họ là những người bị bắt đi phục vụ cho lính Mỹ trong trận càn đó và khi đã thỏa mãn thú tính, chúng hãm hiếp xong thì thẳng tay giết chết các cô gái.
    Những cô gái xấu số bị ném xuống cùng một cái hố lớn trong bộ dạng lõa thể. Chính tay ông đã chôn cất từng thi thể một và trong hoàn cảnh ấy khi nhìn đồng bào mình trong cảnh tang thương, làng xóm nhuốm mùi khói súng, ông càng căm giận giặc Mỹ bao nhiêu lại càng quyết tâm chiến đấu bấy nhiêu.
    Sau trận càn đó, ông cùng đồng đội ngồi “chia Mỹ” ra để tự thưởng chiến công cho mình. Ông giải thích về cụm từ “chia Mỹ”, thời gian đó cả nước có phong trào tìm Mỹ mà đánh tìm ngụy mà diệt và cứ diệt được 3 lính Mỹ, 1 máy bay thì được phong làm dũng sĩ. Vì vậy mà cả nước háo hức thi đua đánh giặc để lập thành tích. Lúc này, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng ba và được cấp trên hết lòng khen ngợi.

    Hoa Nguyên


    HANOI (Reuters) - The Vietnamese government gave on Monday a boost to the search for missing U.S. servicemen from the Vietnam War, telling visiting U.S. Defense Secretary Leon Panetta it would open three previously closed sites to permit excavation for remains.
     
    -Kinh Điển -- Gái bán bar ở Việt Nam thời chiến tranh: “Freedom. Money. Fun. Love.”: The Warlore of Vietnamese Bargirls (Oral History Review August 11) ◄◄


    Văn phòng Xứ ủy Nam Bộ (1956-1957), Đơn vị Anh hùng LLVTND: Chiến công thầm lặng xuất sắc (CAND 9-7-12)
    - Vụ binh biến Hà Thành 1908 đổ bể vì lộ thông tin (Bee).
    - Khói hương Quân sử (ĐCV). – Kịch bản 75: Xin cùng nhau viết lại lịch sử (ĐCV).  – Thăm lại mộ thuyền nhân Việt(BBC). - Nguyên Ngọc: Gia đình, bạn bè và đất nước (TS). Về hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình. - Tại sao anh em nhà Tây Sơn ‘nồi da xáo thịt’? (kỳ 1) (ĐV).

    - Tại sao anh em nhà Tây Sơn ‘nồi da xáo thịt’? (kỳ 2) (ĐV).


    --Bà Vi Nguyệt Hồ, vợ Giáo sư Tôn Thất Tùng: Nỗi buồn lặng lẽ (CAND 5-6-12)


    - Những hài cốt trong lòng núi Sài Sơn: Nạn nhân của giặc Minh? (Tia sáng).
    - Tận thấy “bảo tàng giết chóc thú” khủng khiếp ở Sơn La (VTC).

    Xây dựng đền thờ thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (TTXVN).
    - Công nhận Khu tưởng niệm cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng là Di tích quốc gia (ND).

    Tổng số lượt xem trang