Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Choáng váng: Thí sinh thi Đại học viết "Đảng Cộng sản ra đời năm 1975"

(GDVN) - Ở các bài làm môn Lịch sử kỳ thi ĐH 2012, nhiều thí sinh đã "sáng tạo" quá đà: “Từ năm 1945 nhân dân ta vật lộn với Pháp vì Pháp nổ súng chiếm nước ta làm thuộc địa”; “Năm 1945 chúng ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; “Đảng cộng sản Việt Nam ra đời năm 1975 đã cùng Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân chiến thắng Điện Biên Phủ”…
Đến hết ngày 20/7/2012, đã có 15 trường Đại học công bố điểm, chủ yếu là những trường đại học dân lập ở các địa phương thuộc khối tự nhiên.Trong vài ngày sắp tới, lần lượt các trường có nhiều khoa thuộc khối C với các môn tự luận Văn - Sử - Địa sẽ hoàn thành những công đoạn cuối cùng để công bố kết quả.

Chấm thi môn văn tại Trường ĐH Sài Gòn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Môn Lịch sử ở các trường cũng đã chấm xong. Sau khi chấm xong môn Sử, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ, trao đổi với một số giáo viên làm cán bộ chấm thi ở một số Hội đồng chấm thi. Hầu hết các giám khảo đều cho rằng, trước khi chấm đã phải chịu nhiều áp lực khi đáp án của Bộ (dù đã sửa đổi lần thứ 2) vẫn còn một số điểm bất hợp lý về nội dung kiến thức và cấu trúc thang điểm. Nhiều giám khảo đã thất vọng bởi chất lượng của nhiều bài thi quá kém, nhưng không khí trong các phòng chấm thi môn Sử rất “sôi nổi” bởi gặp những bài thi, những dòng chữ nêu sự kiện và bình luận sự kiện “cười ra nước mắt” của thí sinh.

Câu 1 (2,0 điểm): “Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2 của thực dân Pháp đã có tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam”?

Theo nhận xét của các giám khảo, đa số thí sinh có xu hướng trình bày cả 2 tác động  cuộc khai thác thuộc địa về kinh tế là tích cực và tiêu cực. Ở câu này, thường thí sinh nào làm tốt nhất vẫn không thể nêu hết 4 ý mà đáp án yêu cầu do đều tập trung vào ý “tác động như thế nào” (mà ý này chỉ được 0,5 điểm ). Theo các giám khảo, câu này nên “trình bày cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2 của thực dân Pháp và tác động của nó đối với nền kinh tế Việt Nam” thì sẽ chuẩn hơn và phù hợp với thang điểm của Bộ. Giám khảo phải chấm rất “linh hoạt” để thí sinh đỡ thiệt thòi ở câu hỏi này.

Câu 2 (2,0 điểm): Từ năm 1919 đến năm 2000, lịch sử Việt Nam đã trải qua những thời kỳ nào? Khái quát nội dung chính của thời kỳ lịch sử diễn ra sự kiện quân và dân ta đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp.

Đây là câu mà nhiều thí sinh mắc nhiều lỗi “ngớ ngẩn” nhất .Nhiều thí sinh không chia được thời gian theo từng thời kỳ như trong sách giáo khoa và đáp án. Các giám khảo cho rằng, các em ôn để thi đại học nhưng không chịu đọc và nắm kỹ nội dung cơ bản của bài “Tổng kết lịch sử Việt nam từ 1919 đến năm 2000” trong SGK Lịch sử 12.

Ở vế thứ 2 của câu này, rất nhiều thí sinh đã xác định sai kiến thức nội dung cơ bản của giai đoạn lịch sử từ 1945 đến 1954. Hầu hết, các thí sinh sa vào trình bày nội dung chi tiết của chiến thắng Điện Biên phủ 1954 (ý này chỉ có 0,25 điểm) nhưng lại không nhớ chính xác nên cứ “ngây thơ” mà viết: “Từ năm 1945 nhân dân ta vật lộn với Pháp vì Pháp nổ súng chiếm nước ta làm thuộc địa”; “Năm 1945 chúng ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; “Đảng cộng sản Việt Nam ra đời năm 1975 đã cùng Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân chiến thắng Điện Biên Phủ”…

Câu 3 (3,0 điểm): “Cuối tháng 3.1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã có quyết định gì để hoàn thành sớm quyết tâm giải  phóng miền Nam? Quyết định đó được đề ra dựa trên những cơ sở nào? Tóm tắt diễn biến của chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Về mặt nội dung kiến thức, hầu hết thí sinh đều đưa ra cơ sở để giải phóng miền Nam sau chiến thắng Phước Long-Đường số 14.

Về lỗi sai sót, đây cũng là câu mà nhiều thí sinh “sáng tạo” ra lịch sử nhiều nhất, tự “xê dịch” các mốc thời gian của lịch sử, nhớ lẫn lộn giữa sự kiện này với sự kiện khác. Một trong những sự nhầm lẫn gây “choáng” nhất của thí sinh đối với nhiều giám khảo là khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nói về sự kiện chiến dịch Hồ Chí Minh, nhiều thí sinh đã nhầm lẫn vô cùng tai hại về thời gian, không gian và bản chất của sự kiện: “Hồ Chí Minh về nước năm 1975 trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt nam”; “Năm 1975 nhân dân ta bầu Nguyễn Ái Quốc lên là Chủ tịch nước”; “Hồ Chí Minh đã chọn cách đánh Mỹ và lấy tên mình đặt tên cho chiến dịch Hồ Chí Minh”; “Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt và nhận thấy thời cơ đánh Pháp nên Hồ Chí Minh ra lệnh mở chiến dịch mang tên mình để kết thúc chiến tranh với Pháp năm 1975”; “Năm 1975 nhờ sự kêu gọi trực tiếp của Hồ Chí Minh nên bà già, em bé, phụ nữ đã xông lên đánh Pháp giải phóng miền Nam, hoá ra Việt Nam vi phạm công ước chiến tranh của Liên Hiệp quốc”…

Theo đáng giá chung của nhiều giám khảo môn Sử, nhìn chung họ vẫn không tán thành đáp án của Bộ khi đã sửa đổi lần 2 nhưng vẫn chưa hợp lý, gây thiệt thòi cho nhiều thí sinh. Ở một số Hội đồng chấm thi, điểm khá thấp, vẫn có những điểm 0 .Những bài nào có điểm từ 0,25 đến 0,5 thì thực chất đó là những bài xứng đáng 0 điểm. Điểm cao nhất dao động từ 8,0 đến 8,5. Nhiều giám khảo đã tâm sự với chúng tôi rằng, trên cơ sở đáp án còn chưa chuẩn nên về cơ bản họ chấm kỹ và linh hoạt tìm từng 0,25 điểm cho thí sinh để bù lại những ý thí sinh làm được nhưng không có trong đáp án.

Những thông tin mà chúng tôi trao đổi là chưa đầy đủ và chỉ xảy ra một số Hội đồng chấm thi nên rất có thể chưa phản ánh hết tình hình chung về kết quả môn Sử cùng với những yếu kém “khó đỡ” của nhiều thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh đại học môn Sử năm nay. Dù sao, đó cũng là điều đáng để chúng ta phải suy nghĩ, trăn trở với nhiều câu hỏi mà chưa có nhiều phương án tối ưu để trả lời.

 

-Choáng váng: Thí sinh thi Đại học viết "Đảng Cộng sản ra đời năm 1975"

 ĐH Đà Nẵng: 45 bài thi môn sử bị điểm 0 ?(NLĐ).-Đầu Rùa ở Văn Miếu rồi sẽ biến thành... đầu Kiến

-Rùng rợn clip thầy dùng hết sức "tra tấn" nhiều học sinh ở Thái Nguyên

Đắng lòng thầy dùng roi dạy trò (TP).  – “Tiết lộ” tiểu sử thầy giáo dùng roi mây vụt học sinh (Bee).  - Bị cấm thi, kéo đồng bọn đến đánh dằn mặt thầy giáo (GDVN). - Phụ huynh Thái Nguyên đồng tình cách dạy ‘yêu cho roi…’ (VNN).  - Thầy “vụt roi mây vào mông trò”, phụ huynh đồng tình? (Bee).

Lời kể của cậu bé nghèo phải bỏ học từ lớp 8 (DV).

Giáo dục đặc biệt ở Nhật: 10 học sinh, 6 giáo viên (Bee).

-Lời thú nhận rùng mình của giáo viên “tra tấn” học trò ở Thái Nguyên

(GDVN) - Ông Phạm Minh Tuấn, chủ của Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp 2 tại Thái Nguyên thừa nhận, việc dùng roi mây đánh học sinh là một trong những cách dạy của trung tâm để phạt học sinh không thuộc bài.

Sau khi Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải những clip về hành vi dùng roi mây “tra tấn” học trò tại trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp 2 của ông Phạm Minh Tuấn (số 300 đường Cách mạng tháng 8, TP Thái Nguyên), chúng tôi đã ghi lại được những lời thú nhận của ông giám đốc trung tâm và giáo viên tên Thành về cách dạy học mang nặng tính bạo lực này.

Phạt học trò bằng những cú đánh không nương tay, một cách dạy bị nhiều người lên án là phản giáo dục - Ảnh: Clip
Trước những bằng chứng rõ ràng (clip ghi hình các học sinh bị đánh) và nhân chứng cụ thể là phóng viên được cài vào lớp học, ông Phạm Minh Tuấn đã thừa nhận: “Việc dùng roi mây đánh học sinh là một trong những cách dạy của trung tâm. Hình ảnh trong clip không phải là hình ảnh cá biệt vì các lớp học khác của trung tâm cũng dùng hình phạt như vậy khi học sinh không thuộc bài”. Đồng thời, ông Tuấn cũng không quên bào chữa là: “Chỉ đánh khi phụ huynh yêu cầu”.

Tuy nhiên, đi ngược lại những lời ông Tuấn nói là lời phủ nhận của những phụ huynh có con bị đánh trong clip là bố của một học sinh tên Nam và ông Vi Văn Lăng (bố của học sinh tên Thành): "Chúng tôi không hề được người của trung tâm nói về chuyện sẽ đánh con tôi như một phương pháp dạy học trong quá trình cháu theo học tại trung tâm".

Vì thế, mới có chuyện ông Tuấn gọi cho phụ huynh của hai học sinh Nam và Thành để dặn dò: Có bọn phóng viên đang muốn chơi xấu em. Vì thế, nếu bọn nó đến hỏi là trung tâm đã thỏa thuận chuyện được đánh các cháu 1 vài roi trong quá trình dạy hay không thì anh nói có cho em nhé.

Cũng theo lời ông Phạm Minh Tuấn, trung tâm đã hoạt động được hơn 4 năm. Trong quá trình dạy, trung tâm có xin giấy phép của Sở giáo dục. Tuy nhiên, năm học này trung tâm chưa được cấp phép.

Trong quá trình xin giấy phép, trung tâm có trình giáo án, phương pháp giảng dạy lên các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận không hề báo cáo cơ quan chức năng về việc sẽ dùng đòn roi “tra tấn” học sinh trong quá trình dạy ở trung tâm.
Trước câu hỏi: Ông có nghĩ rằng việc dạy học bằng phương pháp bạo lực như vậy sẽ ảnh hưởng tới nhận thức của một bộ phận giáo viên, phụ huynh về việc phải dùng bạo lực thì mới dạy học được hay không? Ông Phạm Minh Tuấn cho rằng: “Khi dạy ở trung tâm thì giáo viên sẽ áp dụng cách dạy đó. Còn khi về trường thì sẽ không như vậy".

Trong khi đó, nhân vật giáo viên dùng roi "tra tấn" học trò trong clip tự nhận mình tên Thành, 30 tuổi, quê ở Tuyên Quang. Anh này thừa nhận hành vi của mình là sai, phản sư phạm và xin không công bố thông tin rộng rãi, vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến công việc của mình.

Bình luận về những hình ảnh đã được phóng viên của Giáo dục Việt Nam quay lại, ông Bùi Đức Cường – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên, khẳng định: “Đây là việc không thể chấp nhận được. Việc làm của trung tâm trên gây ảnh hưởng sâu sắc tới tâm lý của học sinh, đó là sự ngộ nhận của phụ huynh và một bộ phận các giáo viên khi cho rằng phải dạy học bằng phương pháp bạo lực thì học sinh mới học được. Đồng thời, việc làm trên làm xấu đi hình ảnh người giáo viên. Chúng tôi đã lập tức cho kiểm tra và đình chỉ trung tâm của anh Phạm Minh Tuấn.

Sắp tới, tôi sẽ cho thanh tra toàn diện về việc dạy thêm trên địa bàn toàn tỉnh để tránh tình trạng như trên còn tồn tại. Chúng tôi chân thành cảm ơn Báo Giáo dục Việt Nam đã cho phóng viên thâm nhập điều tra công phu để đưa ra công luận vụ việc này”.

 

Tổng số lượt xem trang