Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng không được đứng tên đóng góp Xây dựng khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma

-Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng không được đứng tên đóng góp Xây dựng khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma
Mấy lời gửi báo Lao động và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:
Nhận được tin này từ các bạn ở Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, tôi, một  biên tập viên kỳ cựu của báo Lao động, một người có tham gia đóng góp quỹ “Tấm lòng vàng” đáng tự hào của Báo, không thể không đặt ra với Báo Lao động và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mấy câu hỏi:

1/ Ai đã ra lệnh cho các cán bộ viên chức ở Văn phòng Đại diện Báo tại TP HCM không nhận khoản tiền ​đóng góp của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cho Quỹ Xây dựng Khu Tưởng niệm Gạc Ma?
2/ Mệnh lệnh trên căn cứ vào bộ luật nào của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam?
3/ Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đã bị tuyên là “phi pháp” hay “không được phép hoạt động”, tại văn bản chính thức nào?
Nếu những người có trách nhiệm không trưng ra được căn cứ hợp pháp cho lệnh trên, một mệnh lệnh vi hiến và phạm pháp, trực tiếp chống lại tuyên bố “người dân được làm bất cứ gì luật pháp không cấm” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trực tiếp phá hoại việc quyên góp mang tinh thần yêu nước và đoàn kết dân tộc do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, thì phải lập tức hủy bỏ cái lệnh mất lòng dân này.
Hoàng Hưng
Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyên góp từ ngày 14.3.2015 đến ngày 20.4.2015 được 25 triệu đồng (25.000.000 đ). Sáng 21.4.2015 chúng tôi gồm Kha Lương Ngãi và Tô Lê Sơn đã đến Văn phòng đại diện báo Lao động, 39 Trương Định, P. 6, Q. 3, TP Hồ Chí Minh là nơi được Quỹ Tấm Lòng Vàng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ủy quyền tiếp nhận đóng góp của đồng bào trong và ngoài nước để trao số tiền trên.
Tiếp đón chúng tôi là nhân viên bảo vệ, nhân viên hành chính và hai nhân viên phòng Kế toán. Khi đã trao 25 triệu đồng và làm phiếu thu với nội dung lý do thu tiền: “Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đóng góp Xây dựng khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma”, chúng tôi đề nghị cho biết hình thức công khai thu chi số tiền trên để báo cáo lại với Câu lạc bộ. Hai nhân viên kế toán trả lời không biết nên chúng tôi đề nghị được gặp lãnh đạo Văn phòng Đại diện Báo. Chờ một lúc chúng tôi được anh Lê Lương Phương, Phó cơ quan xuống gặp ngay tại phòng Kế toán. Sau khi chúng tôi giới thiệu về Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng và nói rõ mục đích cuộc gặp, anh Phương xin phép ra ngoài gọi điện thoại cho cấp trên xin chỉ đạo. Một lúc sau, anh Phương vào phòng và trả lời như sau: “Chúng tôi biết bác Lê Hiếu Đằng là nhà phản biện độc lập, rất trân trọng tấm lòng của các bác. Vì chúng tôi làm báo theo chỉ đạo, trên đã chỉ đạo mọi bài viết, sự kiện liên quan đến cái tên Lê Hiếu Đằng đều không được đăng. Khi công khai đóng góp đề nghị các bác trong Câu lạc bộ đổi một tên khác thì sẽ được công khai thu chi”.
Chúng tôi đã hội ý và thống nhất nhận lại 25 triệu đồng, chào anh Phương cùng các nhân viên và ra về lúc 9 giờ.
Chúng tôi sẽ gửi lại các thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng số tiền đã quyên góp. Rất tiếc tấm lòng vàng của các thành viên không được Quỹ Tấm Lòng Vàng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đón nhận, chỉ vì cái tên Lê Hiếu Đằng.
T. L. S.
Tác giả gửi BVN.



-Chủ tịch huyện từ chối 100 suất học bổng học sinh nghèo vì… ngại kiện cáo
 22/04/2015
Chủ tịch UBND huyện nghèo Yên Lập (Phú Thọ) thằng thừng từ chối 100 suất học bổng cho học sinh nghèo vì ngại… kiện cáo.

Nhằm giúp đỡ, chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện cho học sinh nghèo vùng cao có cơ hội được “chắp cánh” ước mơ con chữ, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã và đang kêu gọi, vận động nhiều tổ chức, doanh nghiệp chung tay cùng Báo tổ chức nhiều đoàn trao quà từ thiện.


Thiết thực kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vận động được 100 suất học bổng (mỗi suất 500.000 đồng - tổng cộng là 50 triệu đồng) để trao cho học sinh nghèo vùng cao.
Học sinh nghèo xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, Phú Thọ vui mừng khi nhận quà từ thiện. Ảnh: An Ninh Thủ Đô.
Qua khảo sát, tìm hiểu về các địa phương trong tinh Phú Thọ, Báo nhận thấy huyện Yên Lập là huyện nghèo nhất của tỉnh Phú Thọ. Nơi đây, có hàng ngàn em học sinh vẫn còn sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về vật chất lẫn cả tinh thần.
Tuy những xuất học bổng có giá trị không lớn, không làm thay đổi nhanh chóng cuộc sống của các em nhưng sẽ là một động lực tinh thần để góp phần cho các em vượt qua khó khăn, thực hiện ước mơ.
Báo Giáo dục Việt Nam thống nhất với nhà tài trợ sẽ chọn địa bàn huyện Yên Lập để thực hiện chuyến phát quà từ thiện.
Điều kiện để nhận được học bổng theo đề nghị của nhà tài trợ là các em học sinh nghèo, có thành tích tốt trong học tập lấy từ cao xuống thấp cho đủ 100 trường hợp theo danh sách của địa phương sau khi có sự bình chọn của cơ sở. Yêu cầu của nhà tài trợ đối với Báo là tuyệt đối không được thông tin về công ty hay cá nhân lãnh đạo công ty đó, tránh hiểu sai mục đích của nhà tài trợ.
Tuy ý nghĩa lớn lao là vậy, nhưng khi cán bộ của Báo liên hệ với ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Lập để phối hợp thực hiện thì ông thẳng thừng từ chối với hàng loạt lý do.
Ông cho biết, 100 suất quà như vậy thì không đủ để phát cho các em học sinh nghèo, nhiều huyện khác còn nghèo hơn, đề nghị Báo đi tìm địa phương khác mà phát quà...
Chỉ vì cái sự "ngại kiện cáo", "cầu toàn" của vị Chủ tịch Huyện mà các em học sinh nghèo mất đi cơ hội được nhật quà từ đoàn từ thiện. Ảnh: An Ninh Thủ đô.
Để xác minh lại sự việc, ngay sau đó phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Trường Sơn thì ông cũng khẳng định lại sự việc.
Ông Sơn cho biết: “Địa phương có rất nhiều người (người dân nghèo-PV) đã được giúp đỡ nhưng người được giúp thì hồ hởi, còn người không được thì lại có đơn thư gây khó khăn cho địa phương và đơn vị từ thiện.
Chế độ an sinh xã hội (của Nhà nước-PV) cấp cho đối tượng nào thì đã cấp đầy đủ, còn đây mình từ thiện chỉ có bấy nhiêu thôi (100 suất học bổng = 50 triệu đồng) nên đối tượng chưa đủ được.
Nhiều nơi (địa phương-PV), sau khi nhận từ thiện, họ (cán bộ địa phương-PV) lại có ý kiến lần sau không nhận nữa. Thời điểm này, cũng đang chuẩn bị đại hội các thứ nên họ cũng ngại…”.
Nhà tài trợ khi biết thái độ của ông Chủ tịch Huyện đã yêu cầu Báo chuyển ngay các xuất học bổng sang một địa phương khác có ông lãnh đạo "vì dân nghèo hơn".

Chì vì cái ngại của vị Chủ tịch huyện mà 100 em học sinh nghèo của huyện Yên Lập đã bị tước đi cơ hội của mình....


MỘT NHÀ TỪ THIỆN PHẢI ĐỘT NGỘT RỜI VN SAU KHI BỊ CÔNG AN SÁCH NHIỄU VÀ ĐE DỌA...
-- Một nhà từ thiện phải đột ngột rời VN-
*LTS: Hội từ thiện Măng Non (tên tiếng Pháp là Association Avenir) thành lập tại Pháp hoạt động từ năm 1994 với mục đích giúp đỡ các sinh viên và học sinh nghèo tiếp tục theo học. Một cách đều đặn từ 18 năm qua cứ hai năm một lần hội tổ chức những chuyến du lịch Việt Nam để tặng quà cho các trường học và để các nhà hảo tâm có dip thăm viếng Việt Nam và gặp các em mà họ giúp đỡ. Cho tới nay các chuyến du lịch này diễn ra môt cách bình thường dù bị công an theo dõi rất sát nhưng lần này công an đổi thái độ và ra mặt sách nhiễu. Bà Lương Thị Hồ Quì, vợ ông Nguyễn Gia Kiểng, một trong những sáng lập viên của hội và cũng là chủ tịch hội trong những năm đầu, đã phải rời Việt nam đột ngột sau khi bị công an đe dọa an ninh nhân thân. Phái đoàn sau đó cũng bị sách nhiễu. Trọng Khiêm đã liên lạc với bà Hồ Quì sau khi bà về Pháp. Sau đây là phần chính cuộc phỏng vấn...
——————————————–

Trọng Khiêm: Chào chị Quì, tại sao chị về Pháp cắt ngang cuộc thăm viếng Việt Nam?
Hình ảnh
Bà Hồ Quì
Bà Hồ Quì: Tôi bị buộc phải rời Việt Nam vì bị công an đe dọa. Người chỉ huy công an nói với tôi rằng họ không trục xuất tôi nhưng nếu tôi không rời ngay Việt Nam thì họ sẽ không bảo đảm an ninh cho tôi và phái đoàn Măng Non đi đến đâu họ cũng không để yên.
- Chị nghĩ rằng họ có thể bạo hành?
- Tôi hỏi tòa lãnh sự Pháp xem phải ứng xử như thế nào sau lời đe dọa này. Vị lãnh sự Pháp hỏi tôi cơ quan nào đưa ra lời đe dọa, tôi nói rằng tôi chỉ biết đây là một cơ quan công an nhưng không biết danh xưng chính thức là gì, chỉ biết địa chỉ công an là 242 đường Nguyễn Trãi. Vĩ lãnh sự nói rằng nếu như thề thì nghiêm trọng lắm, bà nên trở về Pháp ngay đi. Tôi điện thoại hỏi anh Kiểng, chồng tôi cũng nói rằng nên rời Việt Nam bởi vì công an Việt Nam có thói quen dùng bọn lưu manh hành hung những người mà họ không ưa. Đã có rất nhiều phụ nữ bị công an giả dạng côn đồ hoặc thuê bọn côn đồ hành hung. Một lý do khác khiến tôi quyết định về Pháp ngay là họ nói rằng nếu tôi còn ở lại Việt Nam thì phái đoàn Măng Non đi đến đâu họ cũng không để yên. Tôi không muốn vì tôi mà các bạn trong phái đoàn bị sách nhiễu, làm hỏng chuyến du lịch của họ.
- Thành phần phái đoàn Măng Non như thế nào và về Việt nam với mục đích nào?
- Tổng cộng có 20 người, đa số là người Pháp, phần còn lại là những người Việt sinh sống tại Pháp và có quốc tịch Pháp. Tất cả đều là hội viên hội Măng Non và tích cực giúp đỡ học sinh sinh viên nghèo tại Việt Nam, thí dụ như nhận một hay nhiều học sinh Việt Nam làm con nuôi và trợ giúp để các em có thể tiếp tục đi học. Các chuyến du lịch có mục đích để các cha mẹ nuôi gặp các em mà họ đỡ đầu và thăm viếng các cơ sở giáo dục mà họ giúp đỡ, đồng thời để thăm viếng đất nước Việt Nam. Mỗi lần thăm viếng các trường và các nơi có cô nhi chúng tôi đều đem quà tặng, như bút, quần áo, đồ chơi, hay tiền v.v.
- Đây là lần đầu tiên phái đoàn và cá nhân chị bị làm khó?
- Cá nhân tôi thì không phải lần đầu nhưng phái đoàn thì gần như vậy. Năm 2006 tôi vào tới Sài Gòn thì được đưa giấy mời ra sở công an “làm việc”, tôi hỏi người sĩ quan công an đây là giấy mời hay lệnh triệu tập và được trả lời rằng đây đúng là một giấy mời. Tôi đáp lại rằng nếu là giấy mời thì có nghĩa là tôi không sai phạm gì cả và có quyền từ chối lời mời.
Sau đó sở công an gọi điện thoại cả chục lần đòi tôi đến sở công an nhưng tôi vẫn không đến, cuối cùng tôi bằng lòng để công an đến nhà gặp tôi trong vòng nửa giờ. Năm 2008 họ lại đưa giấy mời và tôi cũng vẫn từ chối đến sở công an, sau cùng hai sĩ quan công an đến gặp tôi tại khách sạn, khoảng một giờ. Năm 2010 không có gì xảy ra, phái đoàn và tôi được yên ổn. Nhưng năm nay thì khác hẳn.
- Chị nói khác hẳn là khác như thế nào?
- Kề từ năm 1996 khi hội chúng tôi bắt đầu tổ chức những chuyến về thăm Việt Nam lúc nào họ cũng theo dõi rất sát, đi đâu họ cũng đi theo để quay phim, chụp ảnh nhưng họ vẫn để chúng tôi yên và chúng tôi cũng không phiền gì vì mình có làm gì lén lút đâu mà sợ. Nói chung hội Mang Non cũng như cá nhân tôi không có quan hệ trực tiếp và công khai với công an. Chỉ từ năm 2006 trở đi họ mới đòi gặp tôi nhưng hội thì họ vẫn để yên và cũng chỉ tiếp xúc tại Sài Gòn, nghĩa là giai đoạn chót của chuyến thăm viếng thôi chứ ở ngoài Bắc và ngoài Trung họ không làm gì ngoài quay phim và chụp ảnh. Như tôi đã nói năm 2006 sau khi đưa giấy mời và điện thoại rất nhiều lần yêu cầu tôi đến sở công an làm việc nhưng tôi không đến, họ đã đến nhà chị tôi để gặp tôi. Người gặp tôi xưng tên là Phan Trung chắc là một sĩ quan cao cấp vì có mấy sĩ quan công an đi theo. Ông này nói năng lịch sự. Sau vài lời xã giao ông ấy đề nghị hội Măng Non gia nhập Mặt Trận Tổ Quốc như các hội từ thiện khác để dễ hoạt động. Tôi đáp lại rằng Mặt Trận Tổ Quốc là một tổ chức chính trị, hội chúng tôi là một hội từ thiện thuần túy chúng tôi không thể tham gia Mặt Trận Tổ Quốc được, còn các tổ chức từ thiện khác có tham gia hay không tùy họ. Ông Trung không nói thêm và xoay qua nói về anh Kiểng. Ông ấy nói rằng anh Kiểng là một người yêu nước, nhưng thái độ của anh ấy với chính quyền cứng rắn quá. Anh Kiểng nên về Việt Nam thăm quê hương để biết rõ thực tại đất nước. Tôi đáp lại rằng nếu các anh muốn anh Kiểng về Việt nam thì cứ liên lạc trực tiếp với anh ấy; tôi không làm chính trị nên không thể biết anh ấy nghĩ gì để có thể làm trung gian. Ông ấy vẫn nói anh Kiểng nên về nước và suốt phần còn lại của buổi tiếp xúc xoay quanh vấn đề này một cách lịch sự. Năm 2008 khi tôi vừa vào tới Sài Gòn thì đã nhận được ngay giấy mời lên sở công an và tôi cũng từ chối. Sau cùng thì hai sĩ quan công an đến gặp tôi tại khách sạn. Tất cả cuộc nói chuyện kéo dài hơn một giờ, ngoài những thăm hỏi xã giao, chỉ xoay quanh việc đề nghị anh Kiểng về Việt Nam. Lập trường của tôi vẫn như trước nghĩa là họ nên trực tiếp liên hệ với anh Kiểng trong khi lập trường của họ vẫn là tôi nên chuyển lời đề nghị của họ. Có một lúc họ nói rằng tại sao các ông Nguyễn Cao Kỳ và Thích Nhất Hạnh về nước được mà anh Kiểng lại không chịu về. Tôi chỉ biết đáp lại rằng mỗi người có một cương vị riêng và buổi tiếp xúc kết thúc một cách nhã nhặn.
- Còn lần này thì sao?
- Lần này thì ngay khi tôi mới tới Hà Nội đã nhận được giấy mời lên sở công an làm việc. Tôi không tới gặp họ. Vả lại tôi rất ít thời giờ vì chỉ ở Hà Nội vài ngày lại còn dự định đi thăm nhiều nơi. Trước khi rời Hà Nội tôi gọi điện thoại cho họ theo số điện thoại trên giấy mời. Họ cho biết là tôi không sai phạm gì, họ chỉ muốn gặp tôi để biết thêm về hội Măng Non và phái đoàn du khách. Tôi nói rằng tôi không còn là chủ tịch hội nữa, trong phái đoàn có anh trưởng đoàn và cô tổng thư ký của hội sẵn sàng gặp họ, nhưng họ cho biết chỉ muốn gặp tôi thôi chứ không muốn gặp hai người kia. Tôi biết là có chuyện không bình thường rồi nhưng vẫn từ chối gặp họ. Họ nói rằng nếu tôi không gặp họ tại Hà Nội thì cũng sẽ phải gặp họ ở Sài Gòn. Sau đó đoàn chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình, đi đâu cũng có người theo sát, quay phim chụp anh một cách rất lộ liễu. Tại Huế họ khám xét rất kỹ những món quà chúng tôi tặng cho học sinh. Không khí bắt đầu căng thẳng nhưng cũng không quá gay go. Chỉ có từ khi vào đến Sài gòn là mới thực sự căng thẳng và cuối cùng tôi phải rời Việt Nam một tuần lễ trước dự định.
- Cuộc đụng độ giữa công an và chị diễn ra như thế nào?
- Họ kiếm chuyện với tôi chứ tôi đâu có đụng độ gì với họ. Tôi chỉ ứng xử một cách bình thường. Ngay khi tôi tới Sài Gòn công an thường phục đã đợi sẵn tại khách sạn và liên tục quay phim, khách sạn đã có sẵn giấy mời tôi đến sở công an làm việc. Cũng như tại Hà Nôi hôm sau tôi gọi họ để biết lý do tại sao họ mời tôi. Một công an tên là Tạ Xuân Vũ cho biết giấy mời này không liên quan gì tới hội Măng Non, nhà nước hoan nghênh công việc từ thiện của hội. Tôi được mời tới làm việc là để nói chuyện về chồng tôi. Theo họ chồng tôi có lập trường “không thân thiện” với chính quyền. Tôi trả lời họ là tôi không làm chính trị nên không biết gì về hoạt động của chồng tôi cả, vả lại tôi rất ít thời giờ nhưng nếu họ muốn gặp cũng được, với điều kiện là họ đến khách sạn gặp tôi. Họ đồng ý nhưng buổi chiều không thấy họ đến. Ngày hôm sau tôi cùng đoàn đi thăm viếng miền Tây đúng như chương trình.
- Phản ứng của công an ra sao?
- Xe chúng tôi đi được một đoạn đường thì công an goi cho công ty du lịch bắt quay trở lại và đưa tôi tới sở công an đường Nguyễn Trãi. Tôi vào gặp họ, anh trưởng đoàn và cô tổng thư ký hội đi theo, còn những bạn khác ngồi trên xe chờ. Họ để anh trưởng đoàn và cô tổng thư ký ngồi chờ ngoài sân còn tôi thì vào văn phòng làm việc với họ.
- Buổi làm việc diễn ra như thế nào?
- Anh Tạ Xuân Vũ và một sĩ quan công an khác tên là Đạt làm việc với tôi. Anh Tạ Xuân Vũ đã thay đổi hẳn, mới hôm qua anh ta còn nói nhỏ nhẹ từ tốn với tôi qua điện thoại, hôm nay anh ta tỏ ra rất cộc cằn. Chắc anh ta vừa nhận một lệnh mới. Họ đặt những câu hỏi về lý lịch cá nhân và về chuyến đi. Đây là những điều họ đã biết rồi nhưng vẫn hỏi. Ngày và nơi sinh, nghề nghiệp, cha mẹ, anh em, chồng con v.v. Có những câu hỏi rất vô duyên như “chị vào chùa để gặp ai” tôi trả lời là để gặp Phật, hay “chị vào thăm các trường để làm gì?” và tôi trả lời là để thăm các cháu học sinh và các thày cô v.v.
- Theo chị tại sao họ cần hỏi những câu hỏi như thế?
- Theo tôi mục đích của họ là để gây cho tôi cái cảm tưởng mình là người sai phạm đang bị hỏi cung để sau đó họ dễ trấn áp tinh thần khi bắt đầu những câu hỏi thực, nghĩa là những câu hỏi về anh Kiểng.
- Họ hỏi những gì về anh Kiểng?
- Anh Kiểng làm gì trong ngày? Hay đi đâu? Thường gặp những ai? Tôi có biết là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên phát hành trái phép tờ báo Tổ Quốc ở trong nước không? v.v. Tôi chỉ trả lời qua loa những câu hỏi này. Về những người thường đến gặp anh Kiểng tôi nói là có nhiều người lắm nhưng tôi không thể nêu tên họ ra vì không được phép của họ. Rồi họ nói là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chống nhà nước vì chủ trương đa nguyên trong khi nhà nước Việt Nam chủ trương độc đảng và tôi cũng tham gia nấu ăn cho những bữa cơm gây quỹ của THDCĐN như vậy là tôi cũng hoạt động chính trị. Tôi xác nhận là tôi có nấu ăn cho những bữa ăn gây quỹ của THDCĐN và nếu họ nghĩ rằng như thế là làm chính trị thì quả nhiên tôi có làm chính trị, làm chính trị nhiều lắm và sẽ còn tiếp tục làm. Phần sau này khá căng thẳng vì họ xấc xược quá. Họ luôn luôn nhắc đi nhắc lại rằng đất nước này là của họ, họ muốn làm gì cũng được. Sau cùng họ đưa tôi tờ biên bản buổi làm việc. Họ bảo tôi đọc và ký tên. Tôi trả lời là tôi không cần đọc họ muốn viết gì tùy ý và tôi viết vào biên bản rằng “tôi rất không vui vì bị làm phiền”. Lúc đó người chỉ huy mới ra, anh ta đọc biên bản rồi xừng xộ đả kích anh Kiểng là làm chính trị xa lông, không biết gì về thực trạng đất nước v.v. Tôi nói với anh ta rằng nếu thấy anh Kiểng nói sai sự thực sao không tranh luận với anh ấy. Anh ta hùng hổ chỉ tay vào mặt tôi nói rằng tôi cũng tiếp tay cho anh Kiểng chống nhà nước. Tôi nhắc nhở anh ta rằng ở những nước văn minh người ta ăn nói lịch sự, không chỉ tay vào mặt người nói chuyện, nhất là đối với phụ nữ.
- Anh ta tên gì, cấp bậc nào?
- Tôi không biết, anh ta chỉ xưng tên là Minh và mặc thường phục, khoảng ngoài 40 tuổi, chức vụ của anh ta chắc phải cao lắm mới có quyền bắt một công ty du lịch buộc một xe chở du khách đang trên đường đi phải quay lại Sài Gòn. Sau khi tôi đã về Pháp rồi anh ta còn ra lệnh cho các công an tỉnh sách nhiễu đoàn du lịch, khám xét hạch hỏi một số người trong đoàn. Họ còn hăm dọa đoàn là sẽ bị phạt vì làm việc từ thiện bất hợp pháp.
- Chính anh ta ra buộc chị phải rời Việt Nam?
- Đúng thế anh ta nói “đất nước này là của chúng tôi, chúng tôi muốn cho ai đến thì cho, muốn cấm ai ở thì cấm, chúng tôi khuyên chị nên rời Việt Nam ngay đi”. Tôi hỏi lại anh ta như thế có phải là chính quyền trục xuất tôi không, anh ta trả lời rằng anh ta không trục xuất tôi nhưng anh ta khuyên tôi nên về Pháp ngay vì nếu tôi ở lại an ninh của tôi sẽ không được bảo đảm và đoàn du lịch sẽ không đi đâu được cả. Chiều hôm đó tôi lấy máy bay về Pháp. Sau khi về Pháp tôi được công ty du lịch cho biết rằng chuyện hăm dọa này xảy ra chỉ vì buổi làm việc căng thẳng quá. Nhưng tôi không hề nổi nóng và cũng không nói gì xúc phạm cả. Tôi chỉ không chấp nhận để bị mất thể diện thôi.
- Chị Quì có cảm nghĩ gì sau chuyến đi này?
- Tôi rất buồn. Những người công an quả là một loại người rất đặc biệt. Đáng lẽ công an phải bảo vệ an ninh thì lại gây mất an ninh. Họ không hề nể nang những người làm việc từ thiện giúp đỡ các cháu nghèo khổ, họ làm như được họ cho phép giúp các cháu là một ơn huệ. Họ cũng không ngần ngại gây thiệt hại cho ngành du lịch khi đối xử thô lỗ với du khách. Hình như họ nghĩ chức năng của họ là để làm phiền và làm hại và lấy đó làm vinh dự. Họ gây thiệt hại nhiều lắm cho đất nước. Cách đây không lâu một anh bạn của chồng tôi được một trường đại học mời về dạy. Anh ấy bằng lòng và chấp nhận dạy không lãnh lương, cũng không đòi chi phí vé máy bay và khách sạn. Anh ấy tự lo lấy hết, chỉ dạy học để giúp thanh niên Việt Nam thôi vì anh ấy đã về hưu và có lương hưu khá lớn. Nhưng ngay khi về liền bị công an mời lên làm việc. Họ giữ passport của anh ấy ba ngày liền để thẩm vấn như một người có tội. Họ hạch sách, quát tháo hỏi anh ấy quen anh Kiểng như thế nào, làm gì cho anh Kiểng, biết những ai trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên v.v. Rồi sau cùng nói bằng lòng cho anh ấy về Viêt Nam và đề nghị anh ấy làm chỉ điểm cho họ. Tôi thực không thể hiểu họ là loại người gì mà có thể làm như thế. Dĩ nhiên anh này chán ngán và bỏ ý định về Việt Nam dạy học. Thật đáng tiếc vì anh ấy là một chuyên gia lớn.
- Chuyến về Việt Nam lần này như thế là không vui?
- Cũng có những niềm vui. Thí dụ như tôi và các bạn đã tới ăn cơm trưa ở “Quán Cơm 2000″ của hội Người Tôi Cưu Mang (www.nguoitoicuumang.com). Mỗi bữa ăn chỉ có 2000 đồng Việt Nam, nghĩa là chưa tới 10 cent vì một USD đổi ra được hơn 20.000 đồng VN. Quán cơm được tổ chức để giúp đồng bào nghèo có bữa ăn. Chỉ có 2000 đồng một bữa cơm thôi nhưng rất sạch sẽ, lịch sự, tình cảm, cơm ăn đủ no. Các sinh viên phục vụ rất chu đáo và ân cần. Thật là tuyệt vời. Nước ta vẫn còn nhiều hy vọng vì vẫn còn những người tốt. Thật đáng kính phục và đáng được ủng hộ nồng nhiệt.
- Câu hỏi cuối cùng, sau vụ này hội Măng Non và cá nhân chị có còn tiếp tục công tác từ thiện tại Việt Nam nữa không?
- Dĩ nhiên là vẫn tiếp tục. Chúng tôi làm việc cho học sinh sinh viên nghèo ở Việt Nam chứ có làm việc cho công an đâu mà bỏ cuộc vì công an thô bạo? Dĩ nhiên là nhiều bạn Pháp trong chuyến đi này rất thất vọng và không muốn đến Việt Nam nữa trong một thời gian dài, nhưng hoạt động của hội vẫn phải tiếp tục và càng phải tiếp tục mạnh hơn nữa khi đất nước bị quản trị một cách vô lý. Chúng tôi hiện có hơn 400 con nuôi. Hy vọng rằng hè năm tới con số này sẽ là 500 hay nhiều hơn ■
Trọng Khiêm (Ethongluan.org)
-@-MỘT NHÀ TỪ THIỆN PHẢI ĐỘT NGỘT RỜI VN SAU KHI BỊ CÔNG AN SÁCH NHIỄU VÀ ĐE DỌA...

http://vietnamexodus.freeforums.org/m-t-nha-t-thi-n-ph-i-t-ng-t-r-i-vn-t464.html





--

anhbasam: - Về bà Hồ Quì vợ ông Nguyễn Gia Kiểng, sáng lập tổ chức Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên bị sách nhiễu: Việt kiều Pháp về làm từ thiện bị công an hăm dọa – (RFA). BTV: Được biết nhóm cố vấn của thủ tướng nhà mình mấy lần qua Pháp đều có gặp ông Kiểng, cũng như thành viên của tổ chức ông Kiểng mấy năm trước đã về nước giúp cố vấn cho thủ tướng về việc tung ra gói kích cầu, cứu nguy nền kinh tế, cũng chính là cứu nguy cho thủ tướng, sao bây giờ thủ tướng lại “trả ơn” vợ chồng ông Kiểng như vậy?

Tổng số lượt xem trang