Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

Đời tư Mao Trạch Đông – Phần III. Chương 86


-

Chương 86

Mao không có mặt tại các phiên họp ở Bắc Kinh, vẫn ở Trường Sa. Cả Uông Đông Hưng cũng không về Bắc Kinh. Uông không muốn dính dáng rắc rối trong cuộc cãi lộn của các phe phái.
Tôi muốn trở về Bắc Kinh vì chả có việc gì làm ở Trường Sa, nhưng biết phải chuẩn bị trước, tình hình sức khỏe của Mao có thể diễn biến bất thường. Đội y tế ở Bắc Kinh chưa hoàn thành phương án, phác đồ hồi sức cấp cứu, tôi biết không lâu, sẽ phải đối mặt sự thật bệnh tật của Chủ tịch.

Đầu tháng giêng, Hồ Thư Đông, Ngô Thế và tôi trở lại Bắc Kinh thành lập đội Hồi sức cấp cứu gồm, Khương Tư Trường, chủ nhiệm khoa tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa Quân Giải phóng, Châu Quang Ngọc, Chủ nhiệm khoa ngoại Bệnh viện Bắc Kinh, Cao Nhật Tân, chủ nhiệm khoa Gây mê, hồi sức Bệnh viện Bắc Kinh và Uyên Triệu Chuyên, chủ nhiệm khoa Da liễu Trường Đại học Liên hợp Y khoa Bắc Kinh.

Hồ Thư Đông đưa đội Hồi sức cấp cứu đi Trường Sa, còn tôi đi gặp một số lãnh tụ cao cấp báo cáo tóm tắt tình hình sức khỏe của Chủ tịch. Người đầu tiên tôi gặp, nguyên soái Diệp Kiếm Anh, hy vọng ông sẽ hợp tác chặt chẽ. Với sự ngang ngạnh của Mao, chúng tôi rất cần sự ủng hộ của mọi người, trong thời gian ngắn sắp tới, bệnh của Chủ tịch sẽ được thông báo cho tất cả uỷ viên Bộ chính trị. Nguyên soái Diệp thường xuyên lo ngại những vấn đề tôi đối mặt với Chủ tịch. Chúng tôi nói chuyện, nhắc lại những ngày đầu tiên cách đây 21 năm tôi mới phục vụ Mao như thế nào. Tôi báo cáo tình hình sức khỏe trong 6 tháng gần đây, những khó khăn của các bác sĩ khi Chủ tịch từ chối thăm khám, bàn chuyện làm sao có thể thuyết phục ông cho phép đút ống dẫn qua đường mũi để đưa thức ăn vào dạ dày và những tai biến có thể gặp, như thức ăn lọt qua ống dẫn rơi vào phổi.
Diệp Kiếm Anh động viên rất nhiều. Tuy nhiên quan hệ của tôi với Uông Đông Hưng và Trương Diêu Tự, những người phải tiếp xúc hàng ngày lại không mấy suôn sẻ. Họ chẳng thèm để ý những lời giải thích tình hình sức khỏe nghiêm trọng của Mao, những biểu đồ minh hoạ họ cũng chẳng thèm tìm hiểu, nhất là Trương Diêu Tự rất ngang bướng, cố chấp. Sau khi biết bệnh Chủ tịch vô phương cứu chữa, y lảng tránh thật xa để không liên quan dính dáng chuyện ốm đau bệnh tật. Trương sợ bị liên quan đến trách nhiệm về bệnh tình, y muốn chỗ đứng được an toàn.
Diệp Kiếm Anh đồng ý giúp, dù cũng không mấy hy vọng Mao đồng ý cho đút ống xông qua mũi đưa thức ăn vào dạ dày. Ông nói, âm mưu gây rối có thể xảy ra từ Giang Thanh bất cứ lúc nào. Diệp không quên màn kịch dựng lên năm 1972 khi Mao ốm, tin bà ta có thể lại nện xuống đầu tôi lần này nữa. Nhưng yêu cầu đừng quá lo, ông hứa sẽ đứng ra bảo vệ nếu tôi bị tấn công. Đồng thời hứa bảo vệ toàn thể nhân viên trong đội Hồi sức cấp cứu trong trường hợp tương tự.
Ngày 20-1 tôi gặp Chu Ân Lai, ông vẫn còn nằm trong Bệnh viện 305. Chu lại mắc thêm chứng bệnh nữa. Trước khi rời Trường Sa, bác sĩ phát hiện trong phân của ông có máu. Vì biết ông đang bận nhiều việc, thăm viếng và xin chỉ thị Chủ tịch, họp hội nghị đảng, chủ toạ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, nên phải đợi, chưa thể báo cáo ngay được. Hội nghị kết thúc ngày 17-1, trong báo cáo, Chu kêu gọi chính phủ sẽ có bước chuyển mình mới lớn lao, tập trung hiện đại hoá Trung Hoa. Ngay sau khi hộp nghị bế mạc, Chu được nội soi đại tràng, bác sĩ nghi ngờ ông bị ung thư ruột kết.
Chu gày và xanh xao, nhưng từ chối nằm liệt trên giường. Ông ngồi ở đi văng, vẫn theo thói quen mặc bộ quần áo kiểu Mao. Khi tôi kể đã về Bắc Kinh từ hai tuần trước, nhưng không muốn quấy rầy ông, Chu mắng tôi quá cẩn thận, rồi bắt đầu hỏi về sức khỏe Chủ tịch.
Lúc này Mao đã về Hàng Châu. Tôi có kế hoạch ngày hôm sau đến chỗ Chủ tịch cùng với hai bác sĩ. Nhóm đầu tiên đã lên đường. Khi không có mặt tôi, tất cả đã khuyên Chủ tịch nên khám sức khoẻ toàn diện.
Chu đã hỏi các bác sĩ khác, biết bệnh đục thuỷ tinh thể của Chủ tịch có thể chữa được. Căn bệnh thoái hoá tế bào thần kinh vận động ông muốn biết chúng tôi đã tìm ra phương án điều trị ra sao. Thủ tướng vẫn khó tin căn bệnh của lãnh tụ là nan y.
Tôi nhắc lại, ở Trung Quốc và cả ở Tây phương vẫn chưa có thuốc chữa. Chu gợi ý để thầy lang giỏi y học cổ truyền Trung Quốc khám cho Chủ tịch. Tôi nói rằng Mao không tin vào y học cổ truyền, ông không chịu uống theo các toa thuốc, rồi sắc thuốc và sau đó uống nước cốt được chắt ra, phải uống nóng, bát thuốc đầy. Mao có thể bị sặc ngay khi chỉ cần uống với số lượng nhỏ, vậy làm sao cho ông uống số lượng thuốc nhiều như vậy.
Chu không tranh luận nữa, ông chỉ đề nghị chuyển tới Chủ tịch lời chúc tốt lành nhất của ông.
Hôm sau tôi khởi hành, đội y tế gồm 12 y tá, 10 bác sĩ, Ngô Thế, 2 bác sĩ thần kinh, 3 bác sĩ khoa mắt, 2 bác sĩ điện quang-vật lý trị liệu, và hai bác sĩ phòng sinh hoá. Chúng tôi đuổi theo tổ y tế gồm bác sĩ chuyên khoa ngoại, tai mũi họng đã theo xe lửa đi Hàng Châu hôm trước.
Việc khám tổng thể Mao mất bốn ngày. Những bác sĩ này thường xuyên làm nhiệm vụ kiểm tra sức khỏe cho các lãnh tụ cao cấp, họ biết công việc khám bệnh của họ không vượt quá khuôn khổ chuyên khoa của mình. Các bác sĩ không được phép tư vấn lẫn nhau, bàn thảo phương pháp điều trị. Tất cả các kết quả khám đều chuyển cho tôi, trên cơ sở đó vạch ra kế hoạch điều trị. Quy tắc này quá an toàn khi phải chăm sóc sức khoẻ người bệnh, đặc biệt trong trường hợp này lại là Mao. Mao mắc nhiều chứng bệnh chồng chéo nhau, trong trường hợp như thế, quan điểm chung của các bác sĩ có chuyên môn khác nhau rất cần thiết.
Sau một hồi giải thích, Uông Đông Hưng đồng ý để các bác sĩ chuyên khoa khám riêng, sau đó sẽ họp chung, tìm ra phương án, phác đồ điều trị tối ưu. Bác sĩ tai mũi họng và ngoại khoa khám trước, tiếp theo bác sĩ nội khoa, thần kinh, khoa mắt. Sau đó đo điện tim, chụp X-quang tim-phổi. Kết quả chụp phim cho thấy tim Chủ tịch bị to ra, có thể mắc chứng suy tim.
Kết quả khám tổng hợp, Mao bị đục thuỷ tinh thể, bệnh teo cơ cục bộ, bệnh động mạch vành tim, bệnh tâm-phế mạn tính, viêm thuỳ dưới cả 2 phổi, phổi trái có 3 phế nang dãn to, lở loét mông, thiếu oxygen trong máu. Ngoài ra Mao còn bị sốt nhẹ, hung hắng ho. Chúng tôi thống nhất, cần phải dùng ống xông qua mũi để đưa dinh dưỡng và thuốc điều trị và để nghị mổ mắt chữa đục thuỷ tinh thể.
Trên cơ sở những kết luận này, tôi chịu trách nhiệm viết báo cáo tường trình, chẩn đoán và phương án điều trị cho Mao. Ngày 27-1-1975, thay mặt đội y tế, tôi đưa báo cáo cho Trương Diêu Tự chuyển tới Chủ tịch, đồng thời yêu cầu ông giải thích tài liệu này cho Trương Ngọc Phượng biết. Mao bị mù, Trương Diêu Tự chịu trách nhiệm đọc, giải thích bản báo cáo.
Hôm sau Trương Diêu Tự đánh thức tôi vào lúc năm rưỡi sáng. Toàn bộ đội y tế gặp ông và Uông Đông Hưng ngay lập tức. Trương Ngọc Phượng vừa mới đem thư của Mao trả lời báo cáo của chúng tôi.
Uông Đông Hưng chờ chúng tôi. Trương Diêu Tự thông báo, Trương Ngọc Phượng phản đối mọi đề nghị điều trị đưa ra. Theo quan điểm của cô, tất cả phương án điều trị chẳng có tác dụng gì. Trương Ngọc Phượng đưa ra phương án điều trị cho Chủ tịch, được ông tán thành. Trương Ngọc Phượng yêu cầu điều trị cho Mao bằng cách truyền dung dịch đường glucose. Việc tiêm truyền glucose và truyền máu trong thời gian Cách mạng văn hoá là phương tiện bồi bổ sức khỏe phổ biến cho một loạt lãnh đạo cao cấp. Khi Giang Thanh nghe đồn, nếu được tiếp máu từ những thanh niên trẻ khoẻ, sẽ được sống lâu, bà yêu cầu một số lính trẻ trong Quân Giải phóng hiến máu để truyền cho bà. Tin đồn về phương pháp truyền dung dịch như thế, đến tai Trương Ngọc Phượng, giờ đây cô ta cho rằng glucose có khả năng không những là chất dinh dưỡng nuôi cơ thể, còn chữa tất cả bệnh tật của Chủ tịch. Cô ta yêu cầu việc truyền dung dịch đường glucose phải thực hiện ngay.
Tất cả chúng tôi chết lặng. Uông Đông Hưng yêu cầu chúng tôi trả lời, đồng thời không cho phép thảo luận bàn bạc gì. Thay vào đó, ông đi đến từng người, hỏi ý kiến, đồng ý hay không với ý kiến của Trương Ngọc Phượng. Nếu tất cả đồng ý, việc truyền dịch đường glucose phải tiến hành ngay.
Ngay lúc đó xảy ra một điều hoàn toàn bất ngờ, hầu hết đồng nghiệp của tôi lại đồng ý. Ý thức phục tùng chính trị chứ không phải y học đã chinh phục họ. Đó là thói quen mù quáng tuân theo lãnh đạo đảng cao hơn trách nhiệm nghề nghiệp.
Tôi được hỏi cuối cùng. Tôi nói, việc tiêm truyền đường glucose có tác dụng trong trường hợp cấp cứu, còn với Chủ tịch hiện tại không dẫn đến cái gì tốt hơn, ngoài ra còn có thể gây ra tai biến, khi một lượng lớn dung dịch truyền vào máu, trong khi tim của Mao vốn đã yếu. Các tạp chất trong glucose đôi lúc gây ra những phản ứng không mong muốn, nếu như không đưa thêm vào trong đó các chất steroid để chống lại dị ứng thuốc. Chúng tôi sợ làm việc này có thể gây ra biến chứng. Trương Ngọc Phượng chẳng chịu một trách nhiệm nào cả, nếu cái gì đó xảy ra. Cô ta không phải bác sĩ. Với tư cách người đứng đầu nhóm y tế và bác sĩ riêng của Mao, tôi không tán thành, cương quyết bác bỏ.
Trương Diêu Tự nổi cáu. Mao không ưa bác sĩ, ấy thế ông đã đồng ý giải pháp của Trương Ngọc Phượng, tôi lại phản đối. Giờ đây ông ta cũng chẳng biết phải làm gì.
Tôi trách Trương Diêu Tự và Trương Ngọc Phượng đã làm rách việc. Tất cả chúng tôi biết Mao không thích phác đồ điều trị. Mao từ chối tiếp tôi và các bác sĩ, trách nhiệm việc đọc, lý giải kết luận của chúng tôi thuộc về Trương Ngọc Phượng. Nhưng Trương Ngọc Phượng từ chối thảo luận, bàn bạc với chúng tôi. Vì thế tôi yêu cầu Trương Diêu Tự giải thích cho cô ta hiểu bản báo cáo, đồng thời thúc giục cô khuyên Chủ tịch chấp nhận phương án điều trị của chúng tôi. Trương Ngọc Phượng, người duy nhất làm cầu nối giữa tôi và Chủ tịch, vì thế sự hợp tác giúp đỡ của cô với chúng tôi rất cần thiết.
Uông Đông Hưng giận tôi. Tôi là người duy nhất chống tiêm truyền glucose. Ông nhắc tôi về trách nhiệm trước đảng và doạ tôi sẽ bị rầy rà, nếu tôi vẫn khăng khăng giữ quan điểm cũ.
Nhưng phương pháp điều trị Chủ tịch không phải nguyên tắc của đảng. Chính các bác sĩ, những chuyên viên chịu trách nhiệm điều trị, chứ không phải Trương Ngọc Phượng, Uông Đông Hưng, Trương Diêu Tự và càng không phải đảng phải chịu trách nhiệm. Thậm chí chính Mao có lần kể rằng bệnh nhân phải nghe lời bác sĩ.
Chúng tôi đi vào bế tắc. Uông Đông Hưng ra lệnh cho tôi viết lời giải thích gửi cho Mao, vì sao một mình tôi chống tiêm truyền glucose. Uông muốn để lãnh tụ quyết lời cuối cùng.
Tôi viết ngay bản tường trình, giao cho Trương Diêu Tự, chuyển cho Trương Ngọc Phượng. Câu trả lời của Mao đến ngay chiều tối hôm đó. Chủ tịch quyết định từ chối tiêm glucose.
Nhưng tình hình vẫn không có lối thoát. Tất cả mọi người không hài lòng với tôi. Bị mất quyền trực tiếp gặp Mao, tôi buộc phải cộng tác với Trương Diêu Tự, Uông Đông Hưng và đặc biệt với Trương Ngọc Phượng. Nhưng họ chỉ gây khó khăn cho công việc điều trị. Nếu tôi chịu theo áp lực của họ, tất nhiên lần sau họ sẽ lấn tới, những gì sai sót xảy ra chỉ có bác sĩ hứng chịu, họ đâu có chịu.
Cả đội y tế lo âu, họ đồng ý phải điều trị thuốc, nhưng không muốn làm mất lòng Trương Ngọc Phượng, Trương Diêu Tự và Uông Đông Hưng thêm nữa. Tôi rất cần họ giúp đỡ. Tôi đã từng sống sót sau bao chuyện điêu đứng.
Từ năm 1968, Giang Thanh định gắn cho tôi cái mác phản cách mạng, còn năm 1972, khi Mao ốm, gán tội gián điệp, trong nhóm phản động phục vụ quanh Mao. Nếu bây giờ tôi cứ điều trị thuốc men, phớt lời ý kiến độc đoán của Trương Ngọc Phượng và người khác, tôi sẽ bị chụp mũ phản động, cố tình ám hại Chủ tịch. Tôi cũng phải đề phòng, nhỡ truyền dung dịch glucose, xảy ra biến chứng, Giang Thanh sẽ lại buộc thòng lọng vào cổ rồi treo tôi lên. Bà ta chỉ cần tìm một lý do nào đó để tính sổ với tôi.
Tôi thảo luận tình hình phức tạp với Ngô Thế. Ông khuyên chúng tôi cần từ chức. Chuyển trách nhiệm này sang đội cấp cứu khác, nhưng Ngô rất hiểu, tôi trong tình trạng nguy hiểm, không từ nhiệm không xong.
Ngô Thế nói đúng. Bệnh của Mao là nan y, thậm chí ngay cả sự chăm sóc tốt nhất kết quả cũng không đảo ngược được. Cái chết không thể tránh khỏi. Nhưng tôi không thể từ chức. Tôi là trưởng nhóm, tôi chịu trách nhiệm tất cả. Dù tôi xin từ chức, Uông Đông Hưng không buông tha, tôi không cho phép chính trị can thiệp vào y học.
Khi tôi hội ý riêng với Uông, ông có vẻ thành thực hơn. Ông xin lỗi đã dây vào cuộc cãi vã về tiêm glucose. “Tôi quá khinh suất” – ông nói, thú nhận chuyện đó phải thuộc quyền bác sĩ quyết định. Nhưng Uông vẫn phê bình tôi quá thẳng tính, thiếu mềm mỏng. Ông hứa, sau Tết âm lịch sẽ đưa tôi, các y tá và một số bác sĩ về Bắc Kinh. Ở đó chúng tôi có thể quyết định phương án điều trị cho Chủ tịch như thế nào. Còn Hồ Thư Đông, hai bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, bác sĩ gây mê, hồi sức và các bác sĩ phẫu thuật ở lại Hàng Châu. Nếu bệnh đục thuỷ tinh thể của Mao có thể chữa khỏi, chữa nó đầu tiên. Uông đề nghị tìm những bệnh nhân bị cùng đục thuỷ tinh thể tương ứng với độ tuổi và tình trạng sức khoẻ như Mao, rồi phẫu thuật cho họ đầu tiên. Với kết quả phẫu thuật sau đó có thể đưa cho Chủ tịch xem, để ông quyết định có đồng ý mổ hay không. Tiếp theo sẽ chữa thoái hoá tế bào thần kinh vận động của Mao. Ông vẫn không tin bệnh đó không chữa được.
Bệnh tật của Mao được báo cáo đầy đủ và chính thức với toàn thể Uỷ viên Bộ chính trị. Trong số những nhà lãnh đạo cao cấp, nắm thông tin đúng chỉ có Chu Ân Lai và Diệp Kiếm Anh. Báo chí Trung Quốc vẫn mô tả Chủ tịch hồng hào béo tốt. Dân Trung Quốc và ban lãnh đạo cao cấp chẳng ai biết về sự thật bệnh tật của Mao. Báo cáo cho Bộ chính trị chính là để bảo vệ các bác sĩ và Uông Đông Hưng. Giang Thanh vẫn trên con đường chiến tranh với Uông. Giang không bao giờ hỏi Uông về sức khỏe của chồng, chỉ chờ cơ hội sơ hở, nếu Mao chết, Giang sẽ tấn công Uông không thương tiếc. Nếu Bộ chính trị được báo cáo chi tiết đầy đủ, phương pháp điều trị, trách nhiệm sẽ được chia đều cho tất cả. Nếu đây là thứ bệnh nan y, không có thuốc chữa cũng phải thông báo để Bộ chính trị biết. Việc các nhà lãnh đạo cao cấp chấp thuận quy trình điều trị đã trình bày, có thể giúp cả cho Chủ tịch, cho các bác sĩ và cho cả người bảo trợ của tôi.
Ngày 8-2, khi chúng tôi bay về Bắc Kinh, Uông gọi tôi đến khoang ông ngồi. Ông biết rằng tôi rất tức Trương Ngọc Phượng, điều làm tôi điên lên chính là việc can thiệp của cô với ý tưởng điên rồ tiêm truyền glucose.
Uông bảo vệ cô. Những người quanh Mao đều muốn tránh va chạm với Trương Ngọc Phượng. Chỉ có cô ta mới hiểu được Mao nói gì. Cô ta chỉ cần nhìn môi Chủ tịch mấp máy để đoán lời và ý của ông.
- Nếu gạt cô ta đi – Uông nói – làm thế nào chúng ta hiểu Chủ tịch?
Trương Ngọc Phượng phải ở lại. Nhờ đọc được ý nghĩa qua môi Chủ tịch mấp máy trong những ngày tàn của đời ông đã đem lại cho cô ta chỗ đứng và quyền lực lớn hơn tất cả chúng tôi.

Tổng số lượt xem trang