Qua suc chiu dung... Vinh biet bo!
"Ông ấy
Lầm lũi trong nắng, trong mưa..., bóng gầy đổ dài trên con đường sỏi đá, hòm thuốc nặng trĩu sau xe, người đàn ông ấy lặng lẽ chia sẻ với những thân phận nghèo hèn từng nỗi đau của kiếp người.
Chiều sắp tắt, nhà thứ 31, làn khói mỏng manh trên mái bếp. "Mẹ ơi, ông lang kìa!". "Nhà có lấy thuốc gì không?". Hòm thuốc được cải tạo từ cái vali cũ, có đóng thêm dăm cái nẹp bằng gỗ, bên trong được sắp xếp ngăn nắp như một tủ tân dược mini. Nào ngăn kháng sinh, nào ngăn thuốc bổ, ngăn biệt dược... Tôi có cảm giác ông nhắm mắt cũng có thể chỉ đâu là lọ ampixilin, nhắm mắt cũng có thể nói đâu là gói dầu cá, đâu là vỉ bisepton, bởi đến mỗi nhà là lại ngần ấy cử chỉ lặp đi, lặp lại, giản dị, thân quen như chuyện nắng, chuyện mưa đến với ông mỗi ngày trong cuộc đời lang dạo của ông.
- Cho con 10 viên seda, 4 viên ampi, 50 viên B1 và một hộp dầu cao. Ông lại ghi sổ ông nhá. Tuần sau ông quay lại, lấy được tiền lạc con trả hết. Mà ông ơi, mẹ con hay hoa mắt, tê tê ở đầu ngón chân thì uống thuốc gì ạ...?
- Ông ơi, xong rồi sang nhà con ông nhá.
- Ông ơi...
Đêm đã buông xuống từ lúc nào, cái dáng gầy gò lại lụi cụi đạp xe trên con đường lổn nhổn đá. "Ngày mai sang Huống Thượng đêm 10 lọ giăng-ta cho bà Tín, gói thuốc ngâm rượu cho ông Thành, một liều gri-xin co anh Hoàn...". Miên man thế, ông về đến nhà từ lúc nào. Mấy đứa con ngáp dài bên mâm cơm đợi bố. "Tôi đã bảo là cứ ăn cơm trước, tôi về sau ăn mà". Bà vợ lặng lẽ múc thau nước cho chồng rửa mặt, rồi bê nồi canh đi hâm lại. Một ngày lại qua đi.
Một tuần có bảy ngày thì ông rong ruổi trên bảy vùng khác nhau. Nhìn vào lịch trình của ông, ai đó dễ nhầm tưởng là lịch công tác của một vị chủ tịch huyện năng nổ và sâu sát. Thứ hai đi Tân Cương, thứ ba Phúc Trìu, thứ tư Huống Thượng, thứ năm Linh Sơn, thứ sáu Đồng Tâm, thứ bảy Đồng Ao, chủ nhật Cam Giá... Tất cả trên dưới chục xã xung quanh thành phố Thái Nguyên. Sơ sơ cũng khoảng trên dưới 400 gia đình trở thành khách hàng thường xuyên của ông. Họ trìu mến gọi ông là "ông lang của gia đình". Ông vừa bán thuốc, vừa khám bệnh, kiêm luôn tư vấn miễn phí các vấn đề sức khoẻ cho gia đình họ. Gặp những trường hợp bệnh nan y, ông mách họ đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế có tiếng để điều trị. Theo lời ông kể thì trung bình mỗi ngày ông bán được khoảng 100.000 đồng (tính theo thời giá bây giờ), lãi suất 15-20%. Nhà năm miệng ăn ở vùng đất nghèo như Thái Nguyên thì cũng tạm đủ chi dùng. Có lúc bệnh nhân chẳng có tiền, trả ông bằng thóc, ngô, đậu, lạc... ông cũng đành nhận.
Ông vốn là một y sĩ được đào tạo từ thời Pháp, một trong những lớp học trò đầu của giáo sư Tôn Thất Tùng. Tôi từng gặp nhiều bác sĩ, cử nhân y khoa nhờ cậy ông dịch các đơn thuốc, tài liệu y học bằng tiếng Pháp. Mỗi khi có sách y dược mới, đắt mấy ông cũng tìm mua cho bằng được. Ông không phải là một chuyên gia giỏi về y khoa, và ông hiểu điều đó, nên nhiều lần ông từ chối yêu cầu chữa bệnh của bệnh nhân. Có bận lâu lâu không thấy ông đến vùng Linh Sơn, hoá ra có mấy con nghiện đòi ông cung cấp mooc-phin và dolargan, bị ông từ chối, chúng doạ đánh, chặn đường không cho ông bán thuốc nữa.
Một dạo, bỗng thấy vắng bóng ông trên những nẻo đường quen. Bà con hỏi nhau, làng xóm hỏi nhau, rồi có người kể gặp ông với một cánh tay bó bột. Thì ra có hôm trời mưa lớn, ông bị ngã ở bến đò Huống. Hòm thuốc ướt hết. Tay gãy, lần mò thế nào ông cũng tìm được về đến nhà cách đó non 10km. Đợt ấy ông phải nghỉ ở nhà gần bốn tháng, bao nhiêu tiền dành dụm được tan tành hết, lại ăn cả vào vốn. Có lần ông bị thu trắng hòm thuốc vì tội không đăng ký kinh doanh... Bà vợ lại tất tả ngược xuôi vay mượn lo vốn cho chồng. Rồi một hôm, cả nhà chờ mãi chẳng thấy ông về. Đêm đã khuya lắm, chợt có tiếng ô tô đỗ ở cổng nhà. Hai người đàn ông khênh chiếc xe đạp bẹp dí đặt trước mặt bà và cúi đầu chịu lỗi. Ông đang nằm ở bệnh viện, may mắn sao ông chỉ bị trầy xước nhẹ. Những nhọc nhằn ấy không làm ông nản lòng, vì cuộc sống gia đình, ông lại rong ruổi trên những con đường quen thuộc.
Với riêng tôi, tôi vẫn đau đáu hình ảnh một ông lang lặng lẽ, bền bỉ chăm sóc sức khoẻ cho những gia đình nghèo. Mặc dù cái cách ông làm ngày ấy, và cả bây giờ nữa, không được Nhà nước khuyến khích, nhưng thực tế nó đã giúp cho biết bao số phận vượt qua nỗi đau. Ông bây giờ đã nghỉ, ba đứa con lớn lên nhờ hòm thuốc của ông giờ không đứa nào còn ở nhà, đứa Hà Nội, đứa Hải Phòng... Trong căn nhà cũ tường đất, mái lá ngày xưa chỉ còn hai vợ chồng già chăm sóc nhau và thỉnh thoảng một bệnh nhân cũ lại đến thăm ông - thầy lang của những người nghèo. Còn tôi, tôi cứ nghĩ mãi về cuộc sống vốn đã nhọc nhằn của người nông dân, nghĩ về những bệnh viện nhà nước đông nghẹt người. Giá mà...
Cuộc đời, bao sự tình cờ, tôi đi theo nghiệp báo, phải xa gia đình, xa quê và cầm bút viết về bao cuộc đời, bao số phận, nhưng hình ảnh ông vẫn luôn là chỗ dựa tinh thần cho tôi. Bởi điều gian dị: ông là cha tôi.
Phan Mai (Hà Nội)".
@ --Nho bo...
-Xin chia buồn cùng Bút Lông !