(GDVN) - Sở hữu số tài sản khổng lồ nhưng không có tên trên bảng xếp hạng người giàu, thậm chí có người chỉ đến khi chết, mọi người mới "tá hỏa" khi biết số tài sản mà họ sở hữu lên tới hàng nghìn tỷ. Có người vẫn cần mẫn đi xe cổ lỗ sĩ, ở nhà nát và số tài sản của họ vẫn là một ẩn số, chỉ biết rằng số tiền họ có không dưới 10 con số...
Lão tỷ phú ở trần chân đất ấy có tên họ đầy đủ theo giấy khai sinh là là Huỳnh Hộ. Ông sinh ra và lớn lên ở khối phố Long Xuyên 2, Thị trấn Nam Phước, Huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Người dân quanh đây vẫn gọi ông là ông Hai Hộ. Gia sản của ông đến thời điểm hiện tại có giá trị khoảng hơn 5 tỷ đồng nhưng đến cuối cuộc đời, ông vẫn cần mẫn kiếm sống bằng nghề kéo hàng thuê bằng chiếc xe cổ lỗ sĩ.
Ông làm đủ thứ nghề, trong đó nghề kéo hàng thuê nơi chợ Nam Phước này gắn bó với ông lâu dài nhất. Bước sang tuổi 80, sức đã gần tàn nhưng dường như ông chẳng muốn rời xa chiếc xe kéo nặng nề và ọc ạch ấy. Điều tâm niệm suốt cuộc đời lão tỷ phú Hai Hộ được gói gọn một câu: “Ăn để sống, chứ không phải sống để ăn…”. Đây là điều lão tỷ phú đặt ra cho riêng mình và ông cứ sống đúng như vậy. Một năm ông chỉ đi chợ hai lần để mua thịt cá đó là tết và khi có giỗ. Ngày thường, ông chỉ ăn cơm với rau dưa, muối mắm, tối thường ăn hủ tiểu của cô chủ thuê đất nhà ông cho.
Ông tâm niệm một điều, tiền mình làm ra bằng mồ hôi nước mắt thì cố giữ và tiết kiệm. Còn những thứ không phải sức mình đổ mồ hôi làm ra thì không nên nhận. Triết lý sống của ông đơn giản, và suốt cả cuộc đời ông sống đạm bạc mà người ngoài nhìn thấy đều bảo ông điên, hay ông sống như tù khổ sai. Nhiều người cho ông là khùng nhưng ông vẫn cứ sống một cuộc sống tiết kiệm như thế. Cuộc sống đời thường hàng ngày của ông trở thành những giai thoại sống mà người dân nơi thị trấn này thường bảo khổ như tỷ phú Hai Hộ…
Tháng 3/2011, bà N.T. P.( sinh năm 1946, ngụ tại quận Tân Phú- TP.HCM) đột ngột qua đời, không rõ bệnh, không di chúc. Cái chết của bà không còn đơn giản khi khối tài sản 1000 tỷ của bà được mọi người biết đến. Khi mở két, két được chia thành 3 ngăn. Ngăn đựng giấy tờ nhà đất; ngăn đựng tiền mặt và gần 20 sổ tiết kiệm trị giá hàng trăm nghìn USD cùng nhiều tỷ đồng. Ngăn cuối cùng đựng gần 100 cây vàng, nữ trang và đá quý được bà chủ quá cố chia thành các túi nhỏ.
Được biết khi còn sống, công việc chủ yếu của bà là làm bún. Bà sống trong một ngôi biệt thự cũ trên đường Tô Hiệu. Bà sống rất giản dị, kín tiếng, ăn chay trường kỳ và thường xuyên giúp đỡ mọi người. Ra đường chỉ mặc quần tây, áo sơ mi và chạy chiếc Dream II cũ. Bà ở trong ngôi nhà sát màu xám do chính tay bà thiết kế và thuê thợ thi công. Số tài sản bà để lại đã dẫn đến cuộc tranh chấp giữa người thân trong gia đình.
Lăng mộ của bà P. Toàn bộ ngôi mộ được lát bằng đá hoa cương, chạm khắc tinh xảo. Để hoàn thiện công trình này, cả chục thợ xây phải hì hục làm mấy tháng, số tiền mà gia chủ bỏ ra cũng hơn 3 tỷ đồng. Ngôi mộ được chọn vị trí rất kĩ càng, những chi tiết trang trí rất tinh xảo. Mọi chi tiết đều được chú ý. Bất kỳ ai cũng phải ngỡ ngàng.
Ở Sơn Lâm, Lương Sơn, Hòa Bình, hầu như ai cũng biết đến biệt danh "Đức gấu". Ông là Nguyễn Công Đức, người Hà Nội chính gốc nhưng đã chuyển lên đây sống từ nhiều năm nay. Ông Đức nổi tiếng không chỉ vì nuôi gấu mà còn tự mình xây dựng một trang trại, trong đó có khu lăng mộ chờ ướp xác mình.
Ngôi mộ có một không ai được ông xây dựng rất công phu. Để tạo được đường đi vào ngôi mộ, ông Đức đã thuê người đẽo đá trong vòng 3 năm. Hiện nay, khu mộ đã xây hoàn chỉnh với 2 ngôi cạnh nhau, phía trên có 2 tấm bê tông, ước chừng 6 người khiêng không nổi. Phía dưới hầm mộ có hệ thống xe goòng đưa quan tài vào sâu trong núi. Hương liệu và các vật phẩm dùng ướp xác khác đã chuẩn bị xong.
Ông Đức hy vọng, ngôi mộ của mình sẽ trở thành địa điểm cho mọi người đến thưởng lãm phong cảnh và thư giãn. Cuộc sống không quá ồn ào, nhưng hành động của ông khiến cho nhiều người phải kinh ngạc.
Doanh nhân Phạm Đình Nguyên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS), trụ sở tại TP.HCM, vừa "mua đứt" vùng đất Buford, thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ, với giá 900.000 USD, trong một cuộc đấu giá nghẹt thở 11 phút. Trên tờ báo của Mỹ đã nêu rõ: “Hai người đàn ông Việt Nam không rõ danh tính đã chiến thắng trong cuộc đấu giá mua thị trấn Buford, tại bang Wyoming”.
Trong khu " Sơn trang tiên cảnh" có một ngôi mộ đang được xây dựng giá trị lên đến 8 tỷ đồng. Theo tiết lộ của một số công nhân đang làm tại công trình 8 tỷ này, thì đại gia chơi trội này mua hẳn khu đất rộng hơn 100 m2 dành để xây huyệt mộ theo kiến trúc dạng gia tộc hào hoa. Danh tính vị đại gia ẩn danh này được đồn đại là kinh doanh trong ngành bất động sản, vì thế đã đi tắt đón đầu các dự án kinh doanh, trong đó có huyệt mộ. Không ai biết danh tính vị đại gia này là ai nhưng khi hoàn thành thì đây sẽ là nhà mộ lớn nhất do một cá nhân bỏ tiền xây dựng.
Chỉ mới 27 tuổi, thuyền trưởng Lê Văn Sang đã khiến bạn chài kinh ngạc khi dám đóng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung( quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) trị giá hơn 3 tỷ đồng. Mô hình hiệu quả, chàng trai này đang thu về những số tiền rất lớn.
Được phong là "vua" đá cảnh miền Bắc, anh Lê Quang Tùng ở trung tâm xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái sở hữu vô số đá cảnh nhiều màu sắc, hình dạng. Anh Tùng treo một tấm biển ghi "nơi trưng bày đồ độc" trước cửa nhà để giới thiệu với khách thập phương. Khi được hỏi về tổng giá trị của kho tranh đá đang sở hữu, Lê Quang Tùng ngần ngừ lắc đầu bảo, chưa thể định giá chính xác. Tuy nhiên, theo nhẩm tính của chúng tôi thì kho đá cảnh của "vua" đá Lê Quang Tùng có giá trị trên chục tỷ đồng.
Thanh Huyền
Những tỷ phú "giấu mặt" của Việt Nam
Nhận diện "Nhóm 1%" của Trung Quốc
Với một số người sự lớn mạnh của Trung Quốc chỉ đơn giản là tiền và rất nhiều tiền và với nhóm 1% giàu có nhất Trung Quốc thì đó là may mắn của họ.
Khi kinh tế Trung Quốc cất cánh, hình ảnh quốc gia này bị những đường chân trời với cần trục và các tòa nhà có mặt tiền bằng kính chiếm lĩnh, chứng tỏ Trung Quốc đã đạt tầm cỡ thế giới và nước này cũng muốn các đối thủ cạnh tranh của họ biết về điều đó. Tuy nhiên, sự lớn mạnh của Trung Quốc cũng đi kèm với cuộc cách mạng trong đời tư của người dân và điều đó không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
Với một số người, kinh tế tăng trưởng mạnh là một tấm vé thoát khỏi nông thôn để tới với một trong những trung tâm sản xuất ở các thành phố như Thâm Quyến, Trùng Khánh và Thiên Tân. Cuộc sống tại một trong những thành phố bùng nổ này có thể rất khắc nghiệt nhưng lương cao đã cho phép người dân Trung Quốc bình thường cải thiện mức sống và những người trong gia đình họ ở làng quê lại bị tụt hậu.
Với một số người khác, sự lớn mạnh của Trung Quốc chỉ đơn giản là tiền và rất nhiều tiền. Dẫu vậy, với bất kỳ định nghĩa nào, sự tăng trưởng của Trung Quốc cũng tạo nên sự phát triển ở vùng nông thôn không bình đẳng và những phát triển kinh tế trong hơn ba thập niên qua cũng không được phân bố đồng đều. Thay vào đó, nó đổ vào những người đã giàu có, nhiều quan hệ và đôi khi là khôn ngoan.
Dưới đây là chân dung của 1% dân số giàu có ở Trung Quốc.
Wu Xie'en, trưởng làng
Wu Xie'en là bí thư đảng ủy kiêm trưởng làng Huaxi, ngôi làng giàu có nhất tại Trung Quốc. Ông này và gia đình có quyền lực gần như là tuyệt đối tại ngôi làng kiểu mẫu này. Huaxi nổi tiếng là "ngôi làng số 1 dưới bầu trời". Huaxi, tại tỉnh Giang Tô, là nơi có đủ các bản sao như thật của Vạn lý Trường thành, Quảng trường Thiên An Môn, Khải Hoàn Môn và điện Capitol của Mỹ.
Yin Mingshan, Chủ tịch kiêm người sáng lập tập đoàn Lifan
Yin Mingshan, Chủ tịch kiêm người sáng lập tập đoàn Lifan, chuyên sản xuất ô tô và xe máy tại đại đô thị Trùng Khánh. Xe của hãng này sản xuất ra chủ yếu cho thị trường Trung Quốc và là món hàng mà nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu mới có thể mua được. Công ty của ông này rất thành công và Yin là một trong những người giàu có nhất ở Trung Quốc.
Chen Jun hay còn gọi là Kirk Chen, tổng giám đốc câu lạc bộ du thuyền 9 con rồng
Kirk Chen là một thành viên của gia tộc sở hữu 9 con rồng, một trong những câu lạc bộ chọn lọc thành viên nhất tại Pinghu, Chiết Giang. Công ty này sở hữu một sân gôn 27 lỗ, một câu lạc bộ polo và một bến du thuyền đặc biệt, Kirt Chen là tổng giám đốc bến du thuyền và câu lạc bộ du thuyền. Anh chàng này thích khoe chiếc xe thể thao Lamborghini và thường đậu nó ở ngoài câu lạc bộ.
Jin Yu Xi hay Yue-Sai Kan, nhà sản xuất truyền hình, phát thanh viên, doanh nhân
Yue-Sai Kan là một ngôi sao lớn ở Trung Quốc. Tạp chí People từng viết, bà này là người phụ nữ Trung Quốc nổi tiếng nhất còn sống. Yue-Sai Kan là nhà sản xuất truyền hình, phát thanh viên ở Thượng Hải. Bà đã viết 4 cuốn sách, và thành lập công ty mỹ phẩm lớn đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 1989. Sau đó, công ty mỹ phẩm của bà được bán cho L'Oreal nhưng người phụ nữ này vẫn nắm giữ nhiều cổ phần trong công ty và là gương mặt đại diện của nó.
Xia Yang, Chủ tịch, chủ câu lạc bộ polo Sunny Times Bắc Kinh, doanh nhân
Xia Yang là chủ sở hữu kiêm Chủ tịch câu lạc bộ polo Sunny Times Bắc Kinh. Tại câu lạc bộ của ông này ở ngoại ô Bắc Kinh, hàng chục con ngựa sống trong các chuồng nuôi tuyệt đỉnh. Trong số các nhân viên trông coi lũ ngựa của câu lạc bộ có cả những vận động viên polo người Argentina.
Môn polo biến mất khỏi Trung Quốc trong thời cách mạng văn hóa nhưng sau khi xem Thái tử Anh Charles chơi môn này, ông Xia đã quyết tâm đưa nó trở lại Trung Quốc.
"Ở phương Tây, polo là môn thể thao quý tộc...Trung Quốc không có quý tộc nhưng chúng tôi có nhiều người giàu lên rất nhanh. Tôi muốn khuyến khích họ cư xử như những quý ông và chơi polo là một phần của nó", ông Xia nói.
Wu Xiangbing, Giám đốc học viện golf
Wu Xiangbing là giám đốc học viện golf Mission Hills Golf Club ở Guanlan, câu lạc bộ golf danh tiếng nhất Trung Quốc. Ông từng là vận động viên chuyên nghiệp và 4 lần vô địch giải golf toàn Trung Quốc.
Golf đã trở thành một môn thể thao được ưa chuộng tại Trung Quốc trong vài năm qua nhưng hiện giờ nó vẫn trong giai đoạn sơ khai. Ước tính về số lượng người chơi golf ở Trung Quốc là rất đa dạng nhưng vào khoảng 300.000 tới 3 triệu người. Và, đây là cơ hội để kiếm tiền.
Ma Jing và Li Haifeng, chủ đế chế kinh doanh 8 vị bất tử ở Penglai
Ma Jing, con gái một giám đốc và chồng là Li Haifeng là những người quyền lực nhất ở Penglai và là chủ một đế chế kinh doanh. Họ tự gọi mình là "cặp đôi ma thuật".
Dự án mới nhất của cả hai là xây dựng một khu liên hợp khách sạn đắt tiền theo phong cách cung điện. Ma mô tả dự án của bà là câu trả lời của Trung Quốc với Versailles, trọng tâm của đế chế kinh doanh mà bà cùng chồng dựng lên. Ma bất tuân lời cha khi kết hôn với ông Li và từ bỏ công việc bác sĩ để lao vào kinh doanh với chồng, một nhà hàng ăn là bước đầu trong việc xây dựng đế chế của họ
- Lê Nguyễn (Theo FP)