Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Đau đầu vì người Trung Quốc… đi lạc

Gia tăng tội phạm nước ngoài

TP - Ngày càng nhiều những người nói tiếng Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam khiến giới chức năng đau đầu xác minh quốc tịch, làm thủ tục xuất cảnh trở lại.

 

Hai mẹ con người Trung Quốc lang thang tìm chồng tại Đà Nẵng. Ảnh: CTV
Hai mẹ con người Trung Quốc lang thang tìm chồng tại Đà Nẵng. Ảnh: CTV.

 

Riêng ở Đà Nẵng từ 2011 đến nay phát hiện hàng chục vụ, đa phần những người này đều lang thang ăn xin hoặc làm nhiều nghề không lương thiện...

Sáng 10-10, Đại tá Trần Hữu Do- Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA72) - Công an Đà Nẵng cho hay, hiện cơ quan chức năng đang nỗ lực xác minh quốc tịch, nguồn gốc nhập cảnh của 2 mẹ con được nghi là người Trung Quốc và làm thủ tục trả về Trung Quốc.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là bà mẹ khoảng 60 tuổi bị câm và điếc, còn cháu bé khoảng 9 tuổi chưa nhận biết được điều gì, chỉ ú ớ vài ba tiếng Trung Quốc.

 

“Đa phần người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đều làm các nghề bán buôn lòng lợn, bán vé số đến lang thang ăn xin, kinh doanh trái phép... PA72 gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý và làm thủ tục xuất cảnh. Hầu như anh em cán bộ đều phải bỏ tiền túi để trợ giúp họ trở về nước. Không có một quy định nào cho khoản chi này cả, nhưng chúng tôi làm vì tính nhân văn” – Đại tá Trần Hữu Do nói.

Đại tá Do kể lại, tối 8-10, người dân Đà Nẵng phát hiện hai mẹ con này lang thang trên các ngả đường, tưởng là người xin ăn nên đã báo cho công an quận Hải Châu.

 

Tuy nhiên, sau khi phát hiện cháu gái nói tiếng Trung Quốc và ra hiệu xin giúp đỡ vì trong người không còn tiền, không biết đi đâu về đâu, người dân đã thuê cho hai mẹ con họ nghỉ ở khách sạn, đồng thời báo công an quận Hải Châu phối hợp với PA72 làm rõ.

Dù bà mẹ câm điếc và cháu bé chỉ nói tiếng Hoa bập bẹ, song may mắn là ở trên cổ của cháu có sợi dây đeo một mảnh giấy ghi số liên lạc của chủ nhà xe cùng vé xe đã đưa hai mẹ con từ Hà Nội vào Đà Nẵng.

Liên lạc với số điện thoại này, PA72 được trả lời hai mẹ con là người Trung Quốc, không rõ bằng đường nào đã nhập cảnh vào Việt Nam rồi đến nhà xe nhờ giúp đỡ vào Đà Nẵng để tìm chồng và cha.

Thương cảm, nhà xe đã cho ít tiền rồi chở vào tận Đà Nẵng mong hai mẹ con tái ngộ người thân.

Dù vậy, khi cơ quan chức năng hỏi người thân là ai, tên gì và quê quán, làm việc ở đâu thì cháu bé không thể trả lời được. Kể cả chủ xe cho đi nhờ cũng không thể nào biết tên họ của hai mẹ con nọ.

Công an Đà Nẵng đành liên hệ với nhà xe trả hai người này về lại Hà Nội, sau đó phối hợp với cơ quan chức năng xuất cảnh họ sang bên kia biên giới. Vì hai người này không giấy tờ tùy thân, không xác minh được điều gì nên việc thông báo cho Đại sứ quán Trung Quốc là không thể.

Điên thật và... điên giả

Theo lãnh đạo PA72 Công an Đà Nẵng, từ năm 2011 đến nay, đơn vị đã phải giải quyết hàng chục vụ việc tương tự, nhưng đa phần đều là đàn ông và hầu hết đều thuộc dạng lang thang cơ nhỡ, hành vi không lương thiện, một số bị tâm thần.

Không tính riêng gần 5 ngàn lao động có giấy phép thì hằng ngày, người Trung Quốc vào Đà Nẵng theo kiểu đi chui cũng nhiều lắm.

Tình trạng này trước đây không hiếm nhưng gần đây do chúng ta đẩy mạnh kiểm tra nên mới phát hiện. Đa phần họ đều không có giấy tờ tùy thân, hành tung mờ ám.

Một điểm chung của những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép là thường biểu hiện câm điếc, tâm thần khi bị cơ quan chức năng hỏi thăm.

Ngày 17-9 vừa rồi, một thanh niên Trung Quốc là Wang Hong You, nhập cảnh từ cửa khẩu Móng Cái (hết hạn visa du lịch ngày 15-10), đi tàu từ Hà Nội vào TPHCM, ngang đèo Hải Vân thì phi thân qua cửa sổ trong đêm tối.

Khi đội tuần tra đường sắt đưa vào viện, anh này còn hung hăng đập phá, đòi nhảy lầu tự tử.

Qua kiểm tra, vẫn không phát hiện được anh này bị tâm thần hay có bất kỳ bệnh lý gì khác. Bắt buộc PA72 phải làm thủ tục xuất cảnh.

“Đó là một trường hợp hiếm hoi người Trung Quốc có giấy tờ đàng hoàng, sau này, Đại sứ quán của họ ở Hà Nội gửi thư cảm ơn cơ quan chức năng Đà Nẵng” – Đại tá Do kể.

“Nhiều trường hợp giả điên khi bị kiểm tra” – một cán bộ Bộ đội biên phòng Cảng Đà Nẵng kể. Đó là trường hợp một thanh niên Trung Quốc lang thang nhiều ngày ở các bến cảng, tàu thuyền, khu vực quân sự có biển cấm.

Khi trinh sát BĐBP tạm giữ hỏi giấy tờ, anh này giả câm, điếc không nghe không nói. Tuy nhiên, sau khi bị trinh sát cài bẫy, anh ta lại giở trò giả điên bị tâm thần. Hết cách, bắt buộc cơ quan chức năng phải làm thủ tục xuất cảnh.

Nam Cường

Đau đầu vì người Trung Quốc… đi lạc

-Chủ thầu xây dựng Trung Quốc thoải mái ngược đãi công nhân

Tờ Shanghaiist ngày 10/10 dẫn nguồn tin từ tờ Equal Times có trụ sở tại Brussels, Bỉ cho hay, do ảnh hưởng to lớn của Trung Quốc đối với quốc gia châu Phi Zimbabwe, những vụ ngược đãi lao động của các ông chủ Trung Quốc tại đây đều được miễn truy cứu.

Công nhân Zimbabwe làm việc trên công trường


Tổng Thư ký Công đoàn và Xây dựng Zimbabwe Nicholas Mazarura cho hay: “Có vẻ như người Trung Quốc được miễn truy tố và bắt bớ.”

Theo các công nhân tố cáo trường hợp một người làm công bị người quản lý Trung Quốc đánh đập đến chảy máu và bị bỏ mặc trên công trường xây dựng ở Highfield, cảnh sát nói với họ rằng họ được chỉ đạo không bắt giữ người Trung Quốc “bạn bè của đất nước”.

Peter Dube, một công nhân làm việc cho công ty xây dựng của Bộ Quốc phòng Trung Quốc và Bộ Quốc phòng Zimbabwe cho hay: “Các ông chủ Trung Quốc cáo buộc chúng tôi lười biếng và không muốn làm việc cho đất nước. Thế nhưng chúng tôi đã bị ép phải làm việc 8 giờ ban ngày và thêm 6 tiếng ban đêm, mặc dù theo luật Zimbabwe thì chúng tôi chỉ phải làm việc 8 giờ một ngày.”

Người Zimbabwe biểu tình phản đối tàu chở vũ khí từ Trung Quốc tới nước này hồi năm 2008


Theo các quan chức công đoàn, công nhân chỉ được trang bị giày vải để bảo hộ trong điều kiện tiếp xúc thường xuyên với kim loại và xi-măng, trong khi các trang bị khách như găng tay, mặt nạ và mũ bảo hộ thường không được cấp.

“Khi chúng tôi lên tiếng, họ luôn nói rằng người Zimbabwe phải làm việc mà không được đòi hỏi, đơn giản là vì người Trung Quốc đang dùng thiết bị và tiền của họ để tái thiết Zimbabwe, thế nên họ sẽ không chi tiền vào những “khoản xa xỉ” như quần áo bảo hộ lao động.”

Bảo Thành (Nguồn: Shanghaiist)

Tổng số lượt xem trang