Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Bí Mật Ngũ Giác Đài – Phần IV – A2

--  -Tải về : Bí mật Ngũ Giác Đài - Phần IV - A2
Nguyễn Quốc Vĩ dịch 

Bí Mật Ngũ Giác Đài – Phần IV – A2

QUAN HỆ GIỮA VIỆT NAM VÀ HOA KỲ
1945 – 1967
                                

IV-A-2
VIỆN TRỢ CHO PHÁP TẠI ĐÔNG DƯƠNG
1950 – 1954

Lời người dịch:
Sau khi dịch Bí Mật Ngũ Giác Đài Phần I, II, III và IV-B-5, tôi lắng đọng với nỗi buồn không dịch chi cả suốt mấy tháng nay. Buồn vì gửi đâu cũng không mấy nơi đăng dù đó là một phần (vì còn dịch tiếp) sự thực vì sao Đất Nước chúng ta bị chia hai, hàng triệu người dân Việt ngã xuống, thương vong, tàn phá vô cùng mà sao thiên hạ lơ là đến thế. Thôi, buồn thì buồn, dịch thì cứ dịch. Không đăng thì ta đọc một mình, ai quan tâm thì ta gửi. Đơn giản cuộc đời cho dễ sống. Tình yêu cho Tổ Quốc quê hương, mỗi người một cách thể hiện và nhìn nhận.

Năm 1945, không ít hơn tám lần, ông Hồ Chí Minh đã liên lạc với Tổng Thống Mỹ để yêu cầu Hoa Kỳ công nhận Độc Lập cho Việt Nam hay ít nhất là đưa Việt Nam vào giám hộ quốc tế như Mỹ đã giám hộ Phi Luật Tân. Đây là một sự kiên hết sức quan trọng, không những quan trọng ở chỗ tôi cho rằng ý đồ chính trị của ông Hồ muốn Việt Nam ngã về phía Tự Do (Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của cách mạng Pháp ngay khi mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập[theo ông Bùi Tín] là băng chứng). Quan trọng là ở chỗ ông Hồ đã tự mình đóng dấu ấn “không trung kiên” mà sau này khi Việt Minh phải ngã vào vòng tay của khối Cộng Sản thì dấu ấn đó sẽ không bao giờ Mao Trạch Đông bỏ qua.
Khi đã “bao thầu” cho Việt Minh đánh Pháp thì Tầu không thể gạt Hồ Chí Minh ra ngoài vì uy tín của ông Hồ quá lớn, để yên cho ông Hồ và Việt Minh trọn quyền hành động là không thể có, vì Tầu vừa là kẻ xuất chi vừa là kẻ mưu đồ Đại Hán. Cái logic chính trị là Tầu sẽ tiếp tục ủng hộ ông Hồ nhưng khống chế kiểu vòng Kim Cô của Phật Bà Quan Âm. Cài cắm chung quanh ông Hồ vài Lê Chiêu Thống [Hoàng Văn Hoan chẳng hạn] đủ để khuynh đảo Bộ Chính Trị và đủ để tiến hành các động tác có lợi cho Tầu (đẩy nguy cơ chiến tranh với khối Tư Bản ra khỏi Tầu để có đủ thời gian yên ổn mà xây dựng). Cách làm này nhà chính trị nào cũng làm, không cần cao kiến để hiểu. Có lẽ ngày nay, thế chính trị đó cũng không gì khác, chỉ khác là không còn một nhân vật trung tâm.
Bí Mật Ngũ Giác Đài phần IV-A-2 (tôi dịch trước phần IV-A-1 vì nó trực tiếp đến quyết định của Mỹ tham gia vào chiến tranh Đông Dương) một lần nữa cho thấy Thực Dân Pháp tham lam, ngu xuẩn và gian dối là tác nhân quan trọng nhất đã đưa Việt Nam vào thế tương tàn nồi da xáo thịt. Dịch, đọc mà thương cho nước Mỹ: quyết tâm mạnh mẽ của họ thúc đẩy Pháp trao trả Độc Lập cho Việt Nam đã bị Pháp thao tác (manipuler) cài vào thế bí và Pháp không giao Độc Lập cho Việt Nam, kịp thời để chủ nghĩa Dân Tộc đủ thời gian phát triển và lớn mạnh để có được lòng dân, đủ để thành một lực lượng có tiếng nói quan trọng trong lòng Dân Tộc.
Người Mỹ can thiệp vào chiến tranh Đông Đương nhưng tránh không đưa quân vào. Vì sao? Kinh phí chiến tranh lớn? sợ đụng đầu trực tiếp với Trung Cộng? Nhưng vì sao họ đã loại Tổng Thống Ngô Đình Diệm để rồi mang hàng triệu lính vào rồi bỏ đi sau khi đã mất hơn 58 ngàn thanh niên ở đó? Vì TT Diệm muốn cởi bỏ vòng Kim Cô? vì muốn cách ly hai tay to đầu Cộng Sản, hay vì đã tới lúc Mỹ phải làm như vậy để xâm nhập thị trường hơn một tỉ dân Tầu? Dù trong thế trận nào đi nữa giữa các cường quốc, một dân tộc nhược tiểu chỉ có con đường chịu trận.
Ngày nay, theo Mỹ thì sợ Tầu đánh, Mỹ che rồi Mỹ bỏ kiểu VNCH, theo Tầu thì sợ nó cho món “nô lệ ngàn năm” gặm mệt nghĩ. “Sống chung với lũ”, đảng Cộng Sản Việt Nam đang rầm rì với nhau đó là giải pháp trước nguy cơ xung đột với Tầu. Ngày xưa ông Hồ bảo “ta trăm lần, ngàn lần chịu ơn Trung Quốc”, lập tức câu nói thành một thứ mệnh lệnh cho đảng viên (và đảng viên lại đè lên dân) vòng tay vâng dạ với Tầu. Nói gì nghe đấy bảo gì làm đấy. Suy nghĩ cho kỹ các ông cộng sản Việt Nam ơi, Tổ Quốc là trên hết đấy.
Nguyễn Quốc Vĩ

Tóm Lược

Quyết định của Hoa Kỳ cung cấp viện trợ quân sự cho Pháp và các nước Đông Dương… đã đạt được một cách không chính thức trong tháng Hai / tháng Ba năm 1950, được Tổng thống chấp nhận tài trợ vào ngày 01 tháng 5 năm 1950, và được công bố ngày 08 tháng 5 năm đó. Quyết định này được thực hiện mặc dù mong muốn của Hoa Kỳ là tránh tham gia trực tiếp vào một cuộc chiến tranh thuộc địa, và mặc dù Hoa Kỳ đã nhận biết về tình hình chính trị-quân sự của Pháp ở Đông Dương là xấu và ngày càng trở nên tệ hại. Hơn thế nữa, những dự đoán cho rằng viện trợ Hoa Kỳ sẽ tạo được một sự khác biệt đáng kể trong diễn biến của chiến tranh Đông Dương đã được đánh giá cao.
Tình huống mà quyết định này đã được thực hiện hoàn toàn bị chi phối bởi việc lấn chiếm và củng cố quyền lực ở Trung Quốc bởi Cộng sản. Lực lượng Quốc Gia Trung Quốc đã rút khỏi Trung Hoa Lục Địa và quân đội Trung Cộng đã đến sát biên giới Đông Dương vào cuối năm 1949. Thời kỳ này là đỉnh điểm của Hoa Kỳ lo ngại về việc Trung Cộng có thể can thiệp trực tiếp vào Đông Dương. NIE số 5 ngày 29 tháng 12 1950 nêu rõ [NIE National Intelligent Estimate – Ước tính Tình Báo Quốc Gia]:
"Việc quân Trung Cộng trực tiếp can thiệp có thể xảy ra bất cứ lúc nào... gần như chắc chắn việc đó sẽ xảy ra mạnh mẽ bất cứ khi nào Việt Minh có nguy cơ thất bại quân sự trong việc đánh đuổi Pháp ra khỏi Đông Dương, hoặc chính phủ Bảo Đại đạt được thành công trong việc phá hoại sự viện trợ [của quần chúng] cho Việt Minh".
Lý do của quyết định là quan điểm của Hoa Kỳ cho rằng việc Liên Xô bành trướng vùng kiểm soát bởi chủ nghĩa cộng sản ở Châu Á và ở Châu Âu đã đòi hỏi, vì lợi ích an ninh của Hoa Kỳ, phải có một sự ngăn chận [Cộng Sản] ở Đông Dương. Lý thuyết domino là khá nổi bật. Vào ngày 6 tháng Ba 1950, Bộ trưởng Quốc phòng đã viết cho Tổng Thống như sau: "Chọn lựa mà Hòa Kỳ phải đối mặt hoặc phải viện trợ các chính quyền hợp pháp ở Đông Dương hoặc phải đối mặt với sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản trên phần còn lại của khu vực lục địa Đông Nam Á và có thể cả về phía Tây …” Mặc dù đã có tuyên bố như thế, một đề xuất lại được mọi người chấp nhận rằng "bất kể hiện nay Hoa Kỳ đang cam kết một viện trợ quân sự nhất định cho Trung Quốc [phe Quốc Gia của Tưởng Giới Thạch], Hoa Kỳ sẽ không cam kết bất kỳ một lực lượng vũ trang nào để bảo vệ Đông Dương chống lại xâm lược công khai từ nước ngoài, theo như hoàn cảnh hiện tại."
Quyết định bắt đầu viện trợ quân sự cho Pháp và các nước Đông Dương đã không được thành hình với những ảo tưởng về một hy vọng lớn. Trong tháng 4 năm 1950, Tham Mưu Trưởng Liên Quân đã không tiến xa hơn việc nói rằng viện trợ được nhanh chóng bàn giao sẽ không tạo được gì nhiều hơn là đưa ra một "khả năng thành công." Tháng 7 năm 1950, Tướng Erskine, sau khi hoàn thành công tác được Tổng Thống giao phó [thẩm tra] ở Đông Dương, đã báo cáo rằng "số lượng viện trợ và phạm vi của sự hỗ trợ, đến nay theo yêu cầu của người Pháp là không đủ để đáp ứng nhu cầu của tình hình." Tất cả mong đợi của Hoa Kỳ dường được củng cố bởi niềm tin của Tham Mưu Trưởng Liên Quân là "mục tiêu của Hoa Kỳ ở châu Á chỉ có thể đạt được qua sự thành công cuối cùng ở Trung Quốc."
Kết quả của quyết định trên là pha trộn. Mặc dù việc thực hiện quyết định [viện trợ quân sự] phần nào đạt thành công là ở chỗ nó cho phép người Pháp tiếp tục chiến dịch quân sự ở Đông Dương đến thời điểm Hiệp định Genève, viện trợ quân sự đến lúc ấy  là một thất bại to lớn cho một công cụ chính sách của Hoa Kỳ: không đảm bảo được cho Pháp một thành công quân sự, tạo lợi thế để ảnh hưởng đến tình hình chính trị, cũng không ngăn cản được việc miền Bắc Việt Nam mất vào tay cộng sản tại Giơ-ne-vơ.
Cơ quan MAAG Indochina của Hoa Kỳ đã không thể thực hiện được gì ngay cả những chức năng hạn chế đã được giao phó. Người Pháp không bao giờ háo hức với các cố vấn Hoa Kỳ, họ đã thành công trong việc hạn chế các chức năng của MAAG chỉ trong việc nhận đơn đặt hàng mang tính chất như những giao dịch thương mại. (MAAG: Military Assistance Advisory Group). [mà người cung cấp phải theo điều kiện của người mua]. 
Góp phần vào quyết định ban đầu của Hoa Kỳ về việc viện trợ cho Pháp, và làm hạn chế hiệu quả của các chương trình viện trợ của Hoa Kỳ, là (1) đưa ra các điều kiện tiên quyết không thể thực hiện khi quyết định viện trợ cho Pháp, (2) Hoa Kỳ có khuynh hướng chấp nhận một cơ hội thành công mong manh mà không đặt nặng vào những biện pháp thay thế, (3) việc xem nhẹ các lựa chọn thay thế dẫn đến những quyết định lòng vòng nhằm tăng sức cho các chính sách hiện có, (4) những thất bại liên tục trong những thương lượng hiệu quả giữa Hoa Kỳ với Pháp, và (5) bộ máy hoạch định chính sách Hoa Kỳ dễ bị tổn thương vì sự giả mạo, đặc biệt là về việc Hoa Kỳ cả tin sẳn sàng chấp nhận những thông tin từ Pháp chỉ có giá trị trên bề mặt và rất đáng nghi là có những vết tích "màu đỏ" bên trong.
Quyết định viện trợ cho Pháp và các nước Đông Dương là trọng tâm cho cuộc thảo luận này, nó chỉ là một trong số hàng trăm vấn đề mà Chính phủ Hoa Kỳ bận tâm trong thời gian mà nó được xem xét - sự sụp đổ của Trung Quốc và chiến tranh Triều Tiên - và có lẽ nó đã không được những người làm chính sách xem như một trong các quyết định quan trọng của họ. Không có bằng chứng của bất kỳ quan chức cao nào của Hoa Kỳ đưa ra bất kỳ ý kiến nào cho rằng ngưỡng cam kết quan trọng đã bị vượt qua. Đã có, tuy nhiên, nhiều người cho rằng lập trường quan trọng của Hoa Kỳ về việc chống chủ nghĩa Thực Dân đang bị huỷ hoại. Những tiếng nói (cơ bản là từ công chúng) đã bị át đi bởi những người ủng hộ việc phải đối phó với vấn đề an ninh trước mắt. Tầm quan trọng của quyết định là khi Hoa Kỳ đã phải đối mặt với một sự lựa chọn rõ ràng giữa chính sách chống chủ nghĩa Thực Dân và chính sách chống Cộng Sản, họ đã chọn cái sau. Và, mặc dù quyết định này đã không được Hoa Kỳ nhận thức sâu xa hơn là một sự "tham gia" ở Đông Dương, nhưng nó đã đánh dấu một bước đi cụ thể đầu tiên theo hướng đó.



IV-A-2
VIỆN TRỢ CHO PHÁP TẠI ĐÔNG DƯƠNG: 1950 – 1954

Mục Lục

1. Hoa Kỳ và chiến tranh thuộc địa của Pháp
2. Ngăn chận của chủ nghĩa cộng sản
3. "Đường ngăn chận" và "Lý thuyết Domino"
4. Nhận thức về các mối đe dọa từ Cộng sản Trung Quốc
5. Nhận thức tình hình ở Việt Nam
a. Tình hình quân sự
b. Tình hình kinh tế và chính trị
c. Mục tiêu của Pháp trong Việt Nam
d. Pháp quyết tâm duy trì tại Việt Nam
6. Quyết định Viện trợ cho Pháp và các nước Đông Dương
a. Pháp yêu cầu trợ giúp
b. Đoàn Công Tác Griffin
c. Quan điểm của J.C.S (Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân )
d. Tổng thống Phê duyệt
e. Đoàn Công Tác Erskine
f. JCS đánh giá lại
7. MAP cho Đông Dương
a. Tầm quan trọng
b. Hiệu quả

8. Phê bình                                       
a. Đánh giá sai về Pháp
b. Chấp nhận cơ hội mong manh
c. Chính sách lòng vòng
d. Thương lượng yếu kém
e. Không đúng sự thật
f. Không cân nhắc chi phí

Phần chú thích

Bm_6 Bm_5 Bm_4 Bm_3 Bm_2


Dẫn nhập: Hoa Kỳ và chiến tranh thuộc địa của Pháp

Bởi vì giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh Đông Dương (1946-1949) là một nỗ lực công khai của người Pháp để tái khẳng định quyền hạn và kiểm soát thuộc địa Đông Dương của họ, Hoa Kỳ, mặc dù biết rằng nguồn tiền dành cho European Recovery Program (ERP: chương trình Tái Thiết Âu Châu) đã được gián tiếp sử dụng để tài trợ cho chiến tranh, đã từ chối ủng hộ trực tiếp cuộc chiến tranh đó. Tuy nhiên, hành động Hoa Kỳ mà thực hiện để đảm bảo một vị trí trung lập - từ chối bán vũ khí cho Pháp để sử dụng ở Đông Dương, từ chối vận chuyển quân, vũ khí, đạn dược " đến hay từ vùng Đông Ấn Hà Lan [vùng thuộc địa của Hà Lan nay là Nam Dương] hoặc các nước Đông Dương thuộc Pháp"  1/ - kèm theo các tuyên bố công khai và riêng tư về tình cảm chống thực dân, đã tạo thành, ít nhất là trong mắt người Pháp, một chính sách thù địch với lợi ích của Pháp ở Đông Dương. 2/ Vì vậy, đầu năm 1947, Bộ Ngoại giao đã cố gắng để trấn an Chính phủ Pháp, và để làm cho chính sách và hành động của Hoa Kỳ hấp dẫn hơn với họ:
“… Mặc dù có thể đã có bất kỳ sự hiểu lầm đã phát sinh trong tâm trí người Pháp về lập trường của chúng tôi liên quan đến Đông Dương, họ phải đánh giá cao rằng chúng tôi đã hoàn toàn công nhận vị thế chủ quyền của Pháp ở khu vực đó và chúng tôi làm không muốn để nó được hiểu rằng chúng tôi đã có bất kỳ nỗ lực nào làm suy yếu vị thế này của Pháp, và người Pháp nên biết rằng mong muốn của chúng tôi là giúp đỡ và chúng tôi sẵn sàng viện trợ bằng bất kỳ cách nào thích hợp để chúng ta có thể để tìm ra giải pháp cho vấn đề Đông Dương. Cùng lúc, chúng tôi không thể nhắm mắt trước một thực tế là có hai mặt của một vấn đề này và các báo cáo của chúng tôi cho thấy cả một sự thiếu hiểu biết của Pháp đối với phía bên kia (ở Sài Gòn nhiều hơn là ở Paris) và sự tiếp tục tồn tại đầy nguy hiểm và lỗi thời của một khung cảnh và những biện pháp thuộc địa trong khu vực …” 3/
Cả viện trợ trực tiếp hay gián tiếp cho nỗ lực của Pháp ở Đông Dương đã không được coi là "thích hợp", tuy nhiên, cho đến khi người Pháp đã có những bước đi cụ thể để trao quyền tự chủ cho Lào, Campuchia, và Việt Nam, Hoa Kỳ đã chuẩn bị để viện trợ "giải pháp Bảo Đại" cho Việt Nam khi nào và nếu Bảo Đại đã giành được độc lập chân chính. Hoa Kỳ cảnh báo Pháp là Hoa Kỳ chống cách giải quyết là lập ra một "chính phủ bản địa [đứng đầu là Bảo Đại] mà không kêu gọi được lòng dân [Việt Nam], nó có thể trở thành hầu như là một chính phủ bù nhìn, tách rời với người dân và [chính phủ đó] chỉ hiện hữu bởi sự hiện diện của các lực lượng quân đội Pháp". 4/
Trong tháng Ba năm 1949, trong cái gọi là Hiệp định Elysée mà Pháp ký kết với Bảo Đại chấp nhận Việt Nam, Campuchia và Lào được "độc lập trong Liên hiệp Pháp" 5/ Mặc dù đã có nhiều yêu cầu mạnh mẽ của Hoa Kỳ, Hiệp định Elysée vẫn là một lời hứa trống rỗng và khó xác định của Pháp trong mười một tháng. Trong thời gian đó, các lực lượng Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch đã bị đánh bật khỏi Trung Hoa đại lục, và vào tháng Mười Một, quân đoàn của Mao đã đến biên giới Đông Dương. Tháng Giêng 1950, Hồ Chí Minh đưa ra lời tuyên bố chính phủ của ông là "chính phủ hợp pháp duy nhất của người Việt Nam" và cho biết ông sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào công nhận chính phủ của ông trên cơ sở "bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau về chủ quyền và lãnh thổ quốc gia [của Việt Nam]." 6/ 
Cộng sản Trung Quốc đáp ứng ngay với sự công nhận, tiếp theo là Liên Xô. Tại Pháp, có một cuộc tranh luận mạnh trong Quốc hội giữa những người ủng hộ cánh tả về một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức với Việt Minh, và những người ủng hộ Chính phủ phê chuẩn Hiệp định Elysée. Ngày 02 Tháng Hai 1950, Chính phủ Pháp thắng thế, và Hiệp định Elysée được chính thức phê chuẩn. Trong hoàn cảnh lúc đó, Hoa Kỳ xác định rằng hành động này của Pháp đã đáp ứng các yêu cầu tối thiểu của họ do những tiến bộ hiển nhiên của Pháp đối với quyền tự chủ của Việt Nam. Ngày 03 tháng 2, Tổng thống Truman phê duyệt công nhận nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia. 7/ Trong vòng ba tháng sau đó Hoa Kỳ quyết định mở rộng viện trợ kinh tế và quân sự cho những quốc gia mới thành lập. Ngày 08 tháng 5 năm 1950, Bộ trưởng Ngoại giao đã thông báo rằng:
"Với niềm tin rằng không một nền độc lập quốc gia, một tiến trình dân chủ nào có thể được tồn tại trong bất kỳ khu vực thống trị nào của đế quốc Liên Xô, Chính phủ Hoa Kỳ cho rằng trong tình hình như vậy cần phải đảm bảo viện trợ kinh tế và trang thiết bị quân sự các nước Đông Dương và nước Pháp để giúp khôi phục sự ổn định và cho phép các nước này theo đuổi việc phát triển nền dân chủ hòa bình của họ. " 8/
Sự tham gia của Hoa Kỳ vào cuộc chiến tranh Việt Nam có nguồn gốc từ quyết định của họ về việc cung cấp viện trợ cho Pháp và các nước Đông Dương, và sự hình thành cơ quan MAAG Indochina. Vì vậy, việc tìm hiểu về lý do, hình thức thực hiện, và các hiệu ứng của quyết định trên là đặc biệt quan trọng.

Tổng số lượt xem trang