-Tải về : Bí mật Ngũ Giác Đài – Phần IV – A2 (3)
Nguyễn Quốc Vĩ dịch
-c. Quan điểm của J.C.S (Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân )
Ngày 05 tháng 4, đáp ứng yêu cầu của Bộ trưởng Quốc Phòng, các Tham Mưu Trưởng Liên Quân đã nêu lên các biện pháp và các khuyến nghị kèm theo, đứng trên quan điểm quân sự của Hoa Kỳ, để có thể ngăn chận việc lan rộng của cộng sản ở Đông Nam Á. Sáu điểm quan trọng nhất được đưa ra bởi các Tham Mưu Trưởng là những điểm sau đây:
(1) khuyến nghị sớm thực hiện các chương trình viện trợ quân sự cho Đông Dương và các nước khác ở khu vực Đông Nam Á, với kinh phí đã được phân bổ cho các nước trong khu vực Đông Nam Á, sẽ được chuyển giao vào thời điểm sớm nhất và được tăng cường như là một vấn đề cấp bách với kinh phí từ phần chưa phân bổ của Quỹ Khẩn Cấp của Tổng thống. Cho năm tài chính tiếp theo, ước tính khoảng 100 triệu USD sẽ được yêu cầu cho phần quân sự của chương trình này.
(2) Qua kinh nghiệm về viện trợ quân sự ở Trung Quốc, Tham Mưu Trưởng Liên Quân đòi hỏi rằng các chương trình viện trợ phải chịu, trong bất kỳ trường hợp nào, các điều kiện sau đây:
"a. Viện trợ quân sự của Hoa Kỳ không được cấp một cách vô điều kiện, đúng hơn là nó phải được kiểm soát cẩn thận và chương trình viện trợ phải được tích hợp với các chương kinh tế và chính trị;
"b. Các thiết bị quân sự viện trợ phải được trước tiên duyệt xét bởi một sĩ quan chỉ định bởi Bộ Quốc phòng và người này phải có nhiệm sở ngay trong nước nhận viện trợ. Tất cả các yêu cầu viện trợ phải được người này xét thuận về tính khả thi và có sự phối hợp thỏa đáng trong các hoạt động quân sự cụ thể. Phải hiểu rõ ràng là viện trợ quân sự chỉ được xem xét trong khung các kế hoạch hoạt động quân sự, chỉ được phê duyệt bởi các đại diện của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đang làm nhiệm vụ ở nước thụ hưởng. Hơn nữa, phù hợp với các thủ tục hiện hành, quyết định chính thức cuối cùng của tất cả các chương trình cho [viện trợ] quân trang, thiết bị sẽ phải tùy thuộc vào các Tham Mưu Trưởng Liên Quân".
(3) Việc thành lập một Hội Đồng Viện Trợ Cho Đông Nam Á là cần thiết
(4) "Các Tham Mưu Trưởng Liên Quân nhận thức rõ ý nghĩa chính trị liên quan đến viện trợ quân sự vào Đông Dương. Tuy nhận thức này được đánh giá cao, các lực lượng vũ trang của Pháp vẫn còn [hiện diện] trên chiến trường này và nếu họ rút đi trong năm nay do những tính toán chính trị, chế độ Bảo Đại có lẽ sẽ không thể tồn tại, ngay cả với sự trợ giúp của Hoa Kỳ. Nếu Hoa Kỳ có thể đòi hỏi Độc Lập cho Việt Nam và một lịch trình Pháp rút quân theo từng giai đoạn ra khỏi quốc gia [Việt Nam] đó, thì điều này có thể cải thiện tình hình chính trị. Dự kiến là Pháp có thể phản đối, và chắc chắn sẽ gây sự chậm trễ trong một chương trình như vậy.. Tuy nhiên, điều kiện tại Đông Dương là không ổn định và tình hình dường như xấu đi nhanh chóng đến nỗi các yêu cầu cấp thiết, ít nhất là những tác động tâm lý của viện trợ quân sự và kinh tế ban đầu sẽ bị chìm lấp. Tham Mưu Trưởng Liên Quân, do đó, đề nghị cung cấp viện trợ quân sự cho Đông Dương vào ngày thuận lợi sớm nhất để thực hiện hành động của Tổng thống đã phê duyệt về việc phân bổ 15 triệu USD cho Đông Dương và kèm theo một phần tương ứng bằng viện trợ kinh tế và chính trị đã được lập trình trên trên cơ sở tạm thời mà không làm ảnh hưởng đến mô hình các chính sách liên quan đến các viện trợ bổ sung về quân sự, chính trị và kinh tế có thể sẽ được phát sinh sau này. "
(5) "... Tham Mưu Trưởng Liên Quân đề nghị thành lập ngay lập tức một nhóm nhỏ”, Nhóm Viện Trợ Quân Sự của Hoa Kỳ ở Đông Dương... Tham Mưu Trưởng Liên Quân mong đợi các thành viên cấp cao của nhóm này sẽ ngồi chung tham khảo ý kiến với các giới chức quân sự đại diện cho Pháp và Việt Nam và có thể, của Lào và Cam-pu-chia. Ngoài yêu cầu sàng lọc các yêu cầu viện trợ về các trang thiết bị, Tham Mưu Trưởng Liên Quân cũng dự kiến là có được sự đảm bảo về việc phối hợp đầy đủ các kế hoạch và những nỗ lực quân sự của các lực lượng Pháp và Việt Nam và sẽ giám sát việc phân bổ các trang thiết bị ".
(6) "Tham Mưu Trưởng Liên Quân tin tưởng vào khả năng thành công của một chương trình nhanh chóng phối hợp viện trợ quân sự, chính trị, kinh tế của Hoa Kỳ cho khu vực Đông Nam Á, và cho rằng một thành công như vậy cũng có thể dẫn đến những sáng kiến khác trong cuộc đấu tranh trong khu vực chung."
Điểm cuối cùng của những điểm trên rõ ràng là nền tảng cho sự cam kết của bất kỳ chương trình viện trợ nào, nhưng trong biên bản ghi nhớ của Tham Mưu Trưởng Liên Quân , chỉ xuất hiện như là phần kết luận của đoạn văn (đoạn 15) là đề xuất thành lập một nhóm trợ giúp quân sự ở Đông Dương, và sau đó được cụ thể gài cắm vào chuyện "mục tiêu của Hoa Kỳ ở châu Á chỉ có thể đạt được với sự thành công cuối cùng ở Trung Quốc." Đáng nói hơn, tuy nhiên, đây là một phát biểu hiếm hoi mang một dự đoán rõ ràng về sự thành công được tìm thấy trong các tài liệu có liên quan trực tiếp đến quyết định viện trợ cho Đông Dương. Những báo cáo trực tiếp về tính hiệu quả có thể có của chương trình viện trợ của Hoa Kỳ trong thời kỳ này thường là vắng mặt, các báo cáo thường gián tiếp theo kiểu áp đặt ("chúng ta phải làm chuyện X nếu muốn Châu Á được cứu"), hoặc theo kiểu bi quan – áp đặt (nếu chúng ta không làm chuyện X, Châu Á sẽ bị mất "). Không một đảm bảo thành công quân sự nào được đưa ra; và các tính toán trong quá trình ra quyết định thì liên quan đến việc cân nhắc xác suất thành công so với các chi phí của sự thất bại của các chương trình của Hoa Kỳ trong giai đoạn 1950 không phải là những điều hiển nhiên, nhưng không may, chúng lại xuất hiện trong các tài liệu có sẵn.
-
Tổng thống Phê duyệt
Ngày 01 Tháng 5 năm 1950, Tổng thống Truman đã phê duyệt việc phân bổ 10.000.000 $ cho Bộ Quốc Phòng để trang trải cho các lô hàng đầu gồm các hạng mục viện trợ quân sự cần thiết cho Đông Dương. 35/ như vậy trở thành quyết định đầu tiên rất quan trọng liên quan đến việc can thiệp quân sự của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Vào ngày 08 Tháng Năm, Bộ Trưởng Ngoại Giao, trong một tuyên bố tại cuộc họp cấp bộ trưởng ở Paris, tuyên bố việc Hoa Kỳ sẽ viện trợ cho các nước Đông Dương và Pháp. Ngày 24 tháng Năm, chính phủ Pháp và các nước Đông Dương được thông báo về ý định của Hoa Kỳ về việc thiết lập một cơ quan viện trợ kinh tế cho nước Đông Dương, đánh dấu việc thực hiện các đề xuất của Phái đoàn Griffin.
Ngày 27 Tháng Sáu 1950, Tổng thống Truman, công bố sự khởi đầu của cuộc chiến tranh Triều Tiên, cũng nói rằng ông đã "chỉ đạo tăng tốc cung cấp viện trợ quân sự cho các lực lượng của Pháp và các nước ở Đông Dương và gửi một phái đoàn quân sự để có các quan hệ để làm việc chặt chẽ với các lực lượng đó. " 36/ Khái niệm một nhóm tư vấn viện trợ quân sự cũng đã được chấp thuận, mặc dù Tổng thống đã không đề cập đến MAAG trong tuyên bố công khai của mình. 37/ Ngoài ra, trong tháng Sáu, theo khuyến nghị của Tham Mưu Trưởng Liên Quân, một Ủy Ban Chính Sách Viện Trợ Cho Khu Vực Đông Nam Á được thành lập.
-
Đoàn Công Tác Erskine
Phái bộ quân sự được Tổng thống cử đi và đứng đầu là Thiếu tướng Graves B. Erskine, TQLC, đã đến Sài Gòn ngày 15 tháng 7 và đã báo cáo những tìm hiểu của họ ngày 05 tháng Tám. Tướng Erskine báo cáo rằng một giải pháp lâu dài của cuộc khủng hoảng Đông Dương đã vượt ra ngoài chỉ bởi đơn thuần bằng các hành động quân sự, cốt lõi của vấn đề là một sự hận thù sâu xa và mất lòng tin vào người Pháp bởi người dân, làm ngăn cản việc hợp tác của dân chúng trong việc tiến hành cuộc chiến. Phái bộ cũng báo cáo rằng số tiền viện trợ và tầm cỡ của sự viện trợ như vậy, theo yêu cầu của người Pháp đến nay là không đủ để đáp ứng nhu cầu của tình hình. 38/
Các đơn vị đầu tiên của MAAG Hoa Kỳ đã được bổ nhiệm cho Đông Dương vào ngày 03 tháng Tám năm 1950, Chuẩn Tướng Francis G. Brink, Hoa Kỳ, đảm nhiệm Trưởng nhóm đầu tiên của MAAG vào ngày 10 tháng 10. Nhiệm vụ của MAAG được giới hạn vào công tác cung cấp các trợ giúp vật chất cho lực lượng Pháp và gián tiếp cung cấp viện trợ quân sự cho các lực lượng của các nước Đông Dương. Tướng Brink nhận lệnh không được tham gia vào việc cố vấn hay huấn luyện cho quân đội bản địa. Nhưng ngay từ đầu, Pháp đã hạn chế một cách nghiêm ngặt các cuộc thanh tra của MAAG về việc xử dụng cuối cùng [các đồ viện trợ] vào một số lượng nhỏ các lần thăm đã được [người Pháp] cẩn thận quy định. 39/
-
JCS đánh giá lại
Sau quyết định ban đầu về việc cung cấp viện trợ cho Pháp và các nước Đông Dương đã được thực hiện, sự hình thành của một phái bộ kinh tế được công bố, chuyến hàng đầu tiên mang vũ khí và trang thiết bị đã đến Đông Dương, và cơ quan MAAG đã được phê duyệt và đang trong quá trình hình thành, nhiều mối quan tâm đã dần nổi lên liên quan đến tính đúng đắn của những động thái này. Tham Mưu Trưởng Liên Quân một lần nữa đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc Phòng xây dựng một lập trường hành động trong tương lai của Hoa Kỳ đối với Đông Dương, và khu vực Đông Nam Á. Ủy Ban Chính Sách Viện Trợ Cho Đông Nam Á (SEAAPC: South East Asia Aid Policy Committee) công bố, ngày 11 tháng 10 năm 1950, bản dự thảo "Đề xuất bản Tuyên Bố về Chính sách của Hoa Kỳ về Đông Dương. " Những tuyên bố SEAAPC cũng đưa ra thêm một hướng mới bổ túc cho chính sách viện trợ của Hoa Kỳ: "Bất kể cam kết của Hoa Kỳ về việc cung cấp một số viện trợ quân sự cho Đông Dương, Hoa Kỳ sẽ không cam kết bất kỳ lực lượng vũ trang nào để bảo vệ Đông Dương chống xâm lược công khai nào từ nước ngoài, theo như hoàn cảnh hiện nay. " 40/ Tài liệu này cũng khuyến khích viện trợ của Hoa Kỳ " sẽ nhanh chóng đẩy mạnh sự hình thành của một quân đội quốc gia mới của ba nước Đông Dương ", và biên bản ghi nhớ được gửi đến Bộ Trưởng Ngoại Giao và Bộ Trưởng Quốc Phòng đề nghị rằng nếu có các cuộc đàm phán được tiến hành với Pháp, đại diện Hoa Kỳ nên:
"... Đảm bảo việc Pháp chấp nhận các điều kiện theo đó có đính kèm việc mở rộng viện trợ của Hoa Kỳ vào việc xây dựng các quân đội quốc gia ở Đông Dương: (1) Lực lượng Liên Quân Pháp không sẽ triệt thoái khỏi Đông Dương cho đến quân đội các nước Đông Dương được huấn luyện đầy đủ và sẵn sàng hành động có hiệu quả để thay thế [cho Pháp] (2) Pháp sẽ không giảm chi tiêu cho vùng Đông Dương dưới mức 1950 trong thời kỳ viện trợ quân sự của Hoa Kỳ đã yêu cầu, (3) dự án các quân đội quốc gia sẽ có sự chấp thuận của chính phủ của ba nước Đông Dương; (nếu) Cao Ủy Đông Dương, Bộ Tư Lệnh [quân sự] Pháp [tại Đông Dương], và ba nước Đông Dương sẽ duy trì quan hệ tư vấn đầy đủ với các Sứ Quán và MAAG trong suốt thời gian hình thành của các quân đội ấy".
Kết quả định giá lại của Tham Mưu Trưởng Liên Quân xuất hiện ngày 27 tháng 10: viện trợ quân sự nên tiếp tục trên cơ sở giải quyết nhanh. Một lần nữa, luận cứ quyền tự chủ thực sự và một chính phủ tự trị phải được trao cho nhân dân Đông Dương để cải thiện nguyên nhân cơ bản cho sự suy thoái về an ninh tại Đông Dương: đó là sự thiếu sự ủng hộ của nhân dân dành cho các cơ quan chính quyền. 41/ Nhưng nhận định rõ ràng và đầy đủ nhất của các Tham Mưu Trưởng Liên Quân về tình hình tổng quát vào thời kỳ cuối năm được tìm thấy trong tài liệu NSC 64/1, 42/ một tài liệu ký ngày 28 tháng 11 bởi các Tham Mưu Trưởng trong đó họ đã căn cứ trên một báo cáo của Tướng Brink 43/ và một dự thảo của Ủy Ban Chính Sách Viện Trợ Cho Đông Nam Á ngày 11 tháng 10. Trong thực tế, công bố về những mục tiêu ngắn-và-dài hạn chứa trong NSC 64/1 này đã được duy trì làm cơ sở cho chính sách của Hoa Kỳ về Đông Dương trong suốt thời gian chiến tranh Đông Dương của Pháp.
" MỤC TIÊU NGẮN HẠN
"a. Hoa Kỳ nên hành động, như là một vấn đề cấp bách, với tất cả phương tiện có thể sử dụng được của Hoa Kỳ ngoại trừ các lực lượng quân sự, để bảo vệ Đông Dương không lọt vào tay Cộng Sản.
"b. Bao lâu mà tình hình như hiện nay còn tồn tại, Hoa Kỳ nên tiếp tục đảm bảo rằng trách nhiệm chính cho việc khôi phục hòa bình và an ninh ở Đông Dương là thuộc về Pháp.
"c. Hoa Kỳ cần phải tìm cách phát triển các chương trình viện trợ quân sự cho Đông Dương dựa trên một kế hoạch quân sự tổng thể được chuẩn bị bởi người Pháp, với sự đồng tình bởi các nước Đông Dương, và có thể chấp nhận được cho Hoa Kỳ.
"(1) Cả hai việc kế hoạch và chương trình phải được xây dựng và triển khai thực hiện như là một vấn đề cấp bách. Nó phải được hiểu rõ ràng, tuy nhiên, rằng Hoa Kỳ chỉ chấp nhận kế hoạch được giới hạn vào việc viện trợ hậu cần mà Hoa Kỳ có thể đồng ý cung cấp. Viện trợ được cung cấp theo chương trình nên được trao cho người Pháp ở Đông Dương và các nước Đông Dương. Việc phân bổ viện trợ quân sự của Hoa Kỳ giữa Pháp và quân đội các quốc gia Đông Dương phải được chấp thuận bởi Pháp và các cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ ở Đông Dương"
"(2) Lòng dân Đông Dương ủng hộ Chính phủ là yếu tố cần thiết để giải quyết thuận lợi vấn đề an ninh của Đông Dương. Vì vậy, như là một điều kiện để gia tăng viện trợ quân sự cần thiết cho Đông Dương trong việc thực hiện một kế hoạch quân sự tổng thể được thỏa thuận, Chính phủ Hoa Kỳ phải có được sự đảm bảo từ Chính phủ Pháp rằng:
(a) Một chương trình nhằm viện trợ cho một chính phủ tự trị của Đông Dương trước sau cũng sẽ được thành lập dù nó nằm bên trong hoặc bên ngoài Liên hiệp Pháp, sẽ được phát triển, công bố, và bắt đầu thực hiện cùng một lúc để tăng cường tinh thần quốc gia của Đông Dương trong việc đối kháng lại chủ nghĩa Cộng sản.
(b) quân đội quốc gia các nước Đông Dương sẽ được tổ chức như là một vấn đề cấp bách. Trong khi đó cũng thật nghi ngại rằng việc xây dựng các quân đội [quốc gia] có thể không hoàn thành được trong thời gian mong muốn để đóng góp đáng kể vào tình hình quân sự hiện nay, những lợi ích trực tiếp về chính trị và tâm lý thu được từ diễn trình này sẽ là tuyệt vời và do đó sẽ cho thấy những kết quả ngay lập tức, mặc dù một cách gián tiếp, là những lợi ích quân sự.
(c) Trong khi chờ sự hình thành và đào tạo quân đội quốc gia Đông Dương thành một đơn vị có hiệu năng, và như là một biện pháp khẩn cấp tạm thời, Pháp sẽ điều động thêm đủ lực lượng vũ trang vào Đông Dương để bảo đảm rằng việc khôi phục hòa bình và an ninh trong nước tại quốc gia đó sẽ được thực hiện phù hợp với thời gian biểu của kế hoạch tổng thể về quân sự của cả Đông Dương.
(d) Pháp sẽ thay đổi khái niệm chính trị và quân sự ở Đông Dương:
-
Loại bỏ các chính sách của chủ nghĩa thực dân.
-
Cung cấp sự giám hộ thích hợp cho các nước Đông Dương.
-
Bảo đảm một cấu trúc chỉ huy quân sự thuận lợi, không bị cản trở bởi những can thiệp chính trị, được thành lập để tiến hành các hoạt động quân sự có hiệu quả và phù hợp...
"(3) Vào một thời điểm thích hợp, Hoa Kỳ phải tiến hành các cuộc kiểm tra để xem các điều kiện quy định tại điểm c (2) trên đây đã được thực hiện một cách đầy đủ.
"d. Hoa Kỳ nên thực hiện tất cả các biện pháp chính trị và ngoại giao cần thiết để có được sự công nhận các nước Đông Dương bởi các quốc gia không Cộng sản khác ở Đông Nam Á và Nam Á.
"e. Trong trường hợp xảy ra các cuộc tấn công công khai được tổ chức bởi lực lượng Cộng sản Trung Quốc đối với Đông Dương, Hoa Kỳ không nên cho phép mình trở thành kẻ tham gia vào một cuộc chiến toàn diện với Cộng sản Trung Quốc, nhưng nên phối hợp với Vương quốc Anh để viện trợ cho Pháp và các nước Đông Dương với tất cả mọi phương tiện nhưng không xử dụng lực lượng quân sự của Hoa Kỳ. Sự viện trợ này bao gồm việc tăng cường một cách thích hợp chương trình viện trợ quân sự đang có và nỗ lực để được các nước lân cận trong khu vực Đông Dương cam kết các lực lượng vũ trang để chống lại sự xâm lăng.
"f. Hoa Kỳ ngay lập tức phải xem xét lại chính sách về Đông Dương của mình bất cứ khi nào xuất hiện việc Chính phủ Pháp có thể từ bỏ vị trí quân sự của mình tại quốc gia này hoặc Pháp có kế hoạch để đưa vấn đề Đông Dương Quốc ra Liên Hiệp Quốc. Trừ khi tình hình trên Thế Giới nói chung, và đặc biệt là Đông Dương, bị thay đổi cụ thể, Hoa Kỳ cần phải tìm cách thuyết phục Pháp từ bỏ việc đưa vấn đề Đông Dương ra trước Liên Hiệp Quốc.
"g. Bởi vì giải pháp do Hoa-Kỳ tài trợ, ‘Liên Minh Vì Hòa Bình’, đã được thông qua bởi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, và tình huống phát triển ở Đông Dương một cách tương tự như ở Hàn Quốc, trong đó lực lượng [quân sự] của Liên hợp quốc đã được yêu cầu. Khi đó Hoa Kỳ sẽ có thể cung cấp, như một nghĩa vụ đạo đức, các lượng vũ trang của mình để tham gia vào lực lượng quân sự dưới danh nghĩa đã được chỉ định của Liên Hiệp Quốc. Do vậy, việc đó nằm trong lợi ích của Hoa Kỳ để lấy một hành động như vậy ở Đông Dương cũng như tránh cho Liên Hiệp Quốc khỏi phải đưa ra các điều khoản của nghị quyết, ‘Liên Minh Vì Hòa Bình’..."
JCS [Tham Mưu Trưởng Liên Quân] cũng đã đề xuất các mục tiêu dài hạn, đôn đốc việc phát triển một khả năng chiến tranh du kích ngầm, một chương trình chiến tranh tâm lý ("để chứng minh những điều xấu xa của Chủ Ngĩa Cộng Sản.... và cảnh báo... sự tái hiện của chủ nghĩa Đế Quốc Trung Hoa" [ta gọi là chủ nghĩa Đại Hán]), và thúc đẩy một hiệp ước an ninh khu vực thích hợp. Những khái niệm này cấu thành trung tâm của một nghiên cứu của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia ngày 28 tháng 12. 44/ Quyết định cung cấp viện trợ ban đầu đã được xác nhận sau khi dã được kiểm tra đi kiểm tra lại liên tục trong gần một năm, và vẫn là cơ bản cho chính sách của Hoa Kỳ trong suốt phần còn lại của chiến tranh.
7. MAP cho Đông Dương (MAP: Military Assistance Program)
a. Tầm quan trọng
Chương trình viện trợ của quân đội Hoa Kỳ cho Pháp và các nước Đông Dương được thực hiện nhanh chóng, so với những cam kết chính của Hoa Kỳ trong chiến tranh Triều Tiên. Trong một phán quyết vội vã về kết quả, một báo cáo về tiến độ thực hiện của NSC 64 (ngày 15 tháng 3, 1951) nói rằng " Viện trợ quân sự của Hoa Kỳ được trang bị cho các lực lượng các nước Đông Dương và cho quân đội Liên Hiệp Pháp có thể là yếu tố quyết định trong bảo vệ khu vực chống lại sự xâm lăng của Cộng sản " 45/ Thông qua năm 1952 và vào năm 1954 các lô hàng MDAP vào Đông Dương tăng nhanh chóng 46/ Cho đến ngày 3 tháng 2 năm 1953, Hoa Kỳ đã vận chuyển 137.200 tấn Anh vật liệu (224 tàu loại chở hàng); Tháng 7 năm 1954, khoảng 150.000 tấn Anh (*) đã được gửi đi, bao gồm cả 1800 xe chiến đấu, 30.887 xe cơ giới vận tải, 361.522 vũ khí nhỏ và súng máy, 438 tầu hải quân, 2 tầu sân bay thời Thế giới II, và khoảng 500 máy bay. Cho đến lúc ký kết các hiệp định Geneva vào tháng Bảy năm 1954, Hoa Kỳ đã cung cấp viện trợ cho Đông Dương một chi phí cơ bản là $ 2,600 triệu. 47/ Tuy nhiên, Pháp đã phản đối việc giao hàng “chậm chạp” và những "can thiệp" của MAAG về các yêu cầu của Pháp lại tái diễn, và đạt đỉnh trong những ngày khủng hoảng năm 1954. Tuy nhiên, thực sự các khiếu nại này có thể phản ánh ít về sự thiếu sót của Hoa Kỳ hơn là việc Pháp oán giận đối những nỗ lực của Hoa Kỳ để tư vấn, rà soát, kiểm tra và xác minh, và hoàn toàn thất vọng. Hơn nữa, sự thay đổi bất thường của hệ thống hậu cần Pháp không chỉ làm công việc MAAG khó thực hiện hơn, mà hơn nữa còn làm cản trở nguồn cung cấp đến cho chiến trận.
(*) [một tấn Anh theo hệ đo lường của Anh = 1016kgs, một tấn theo hệ đo lường của Pháp là 1000kgs]