Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Nhật ký Hà Nội tháng 9-10/1972

-Nhật ký Hà Nội tháng 9-10/1972 VƯƠNG-TRÍ-NHÀN
10/9 (Đi Q Trị về)
 LQVũ: Cái thu hoạch chính của ông trong chuyến đi là gì?
 Nhàn: Tôi thấy bọn trẻ miền Nam nó làm ăn cũng không phải là chuyện thường - vì thế, ngoài này phải làm gì cho đáng một chút.
 Vũ : Người ta có thể tránh được cuộc chiến tranh này không?
 Nhàn: Không thể tránh được. Ở miền Nam, tôi thấy thằng Mỹ khốn nạn. Tôi thấy cái nhục dân tộc, cái nhục ở cả hai miền Nam Bắc.

Xuân Quỳnh: Nhiều khi người ta thấy nhục mà phải chiến đấu. Tôi cũng từng thấy nhục, ở Thái Bình, máy bay Mỹ bay đi doạ mình, bay sạt nóc nhà, trẻ con khóc re cả lên, nhục muốn phát khóc.
  25/9
     Người ta nói quá nhiều về kết thúc chiến tranh. (Thảo bảo lúc chiến đấu giữ Quảng Trị, thì gọi là bài ca bất diệt. Lúc mất Quảng Trị, thì gọi là bài ca bất hủ).
Xuân Sách: Cứ ngồi mà đoán mò với nhau mãi. Tháng 5 bảo hẳn sẽ có chuyện gì không biết. Mình bảo, nó chiếm lại Quảng Trị cho mà xem. Đoán rồi, chỉ mong mình sai, nhưng lại toàn thấy đúng cả.
Nhàn: Xem bọn lính trẻ bây giờ thì mới thấy chiến tranh không phải là cái việc người ta có thể tiếp nối đều đặn, như lao động được. Chiến tranh được chuẩn bị lâu dài, để làm trong một chốc một nhát.
Một vụ đánh nhau giữa "bộ đội" và CA ở Phú Gia. "Bọn phá hoại" chiếm thang gác, CA ở dưới sau phải gọi chó béc - giê đến. Có người bảo bộ đội. Phi bộ đội, có ai dám làm như vậy? Nhưng có người nói đó là một số thanh niên sợ đi bộ đội. Đằng nào cũng chết, thà ở đây ngồi tù con hơn.
Nhân nói về đài ta, đài Tây Âu.
Ai đó bảo nhiều người nghe đài nó, rồi phát điên lên...
Hân: Với lại họ không hiểu. Ví dụ như câu” Bắc Việt thà gánh chịu những rủi ro trong chiến tranh hơn là tiếp nhận những hiểm hoạ của hoà bình”, họ không hiểu đâu. Ngay ông B.Th. cũng nhắc lại mấy lần không được.
Những - người - chống - đối ở Nga lý luận cũng đúng chủ nghĩa Mác lắm. Bây giờ không phải là tình hình trong một nước, mà là tình hình của phe (Hai phe phải chấp nhận, phải chung sống). Vấn đề là thi đua hoà bình. Không thể xuất cảng cách mạng được.
Nguyễn Minh Châu: Bên mình, trong bọn thứ trưởng, loại đại tá cũng có những tay sừng sỏ đấy chứ. Nhưng mà đành chịu.
Cuộc chiến tranh này sẽ dậy cho chúng ta phải bình tĩnh lại, chúng ta sẽ quen với những biến động quen với những tác động từ xa đến, quen chịu đựng những tai vạ, và phải quen với những bất lực. Rất nhiều lúc, chúng ta sẽ chịu theo những điều kiện ngoại cảnh -- không phải là mình muốn sao thì được vậy.
Lịch sử cuộc chiến tranh này.
- Một phép cộng của những chiến thắng nhỏ và sự trì trệ của bước đi chung của chính trị.
- Tổ hợp của những hứa hẹn hão và sự xuyên tạc đã thành bài bản.
Người lính từ chiến trường về đi học chính trị thấy hoang mang -- hoá ra mình nói không đúng, mình không hiểu biết tình hình chiến trường (như các đồng chí chỉnh huấn cho mình!)
  Nguyễn Minh Châu kể một thằng lính SG bị mình bắt làm tù binh ra ngoài này.
- Xì, hăm mấy năm cách mạng vẫn cái cày con trâu.
Ông chiến sĩ nhà mình đứng đấy ức quá. Vừa ức, vừa thấy là nó nói thực, không biết nói gì đáp lại.
Có một chính sách, như chính sách đối với các HTX: "Làm nhiều được ăn nhiều", thế mà cũng phải bao nhiêu năm mới thực hiện được, đủ hiểu những chính sách khác của ta chậm trễ đến đâu.
Thắng lợi là không thể có được.
Thất bại là không thể chấp nhận được (lời một nghị sĩ miền Nam)
Phan Hồng Giang: Mấy năm nay, nhiều yêu cầu tinh thần của mình bị hạ thấp ghê gớm. Ví dụ như mấy năm trước, thằng nào công chức đúng giờ đã bị phê phán ghê lắm rồi. Bây giờ thì cái loại người ấy, vẫn là một loại người tích cực.
Phạm Kim Sơn - bạn tôi đi học Nga về: Ở bên kia tôi đã thấy lối nghĩ, lối làm việc của người Mỹ là có sức hấp dẫn đến như thế nào. Nếu như cái đó trở thành phong cách thống trị trong thời đại, thì sẽ rất tuyệt.
Xuân Sách: Cứ xem như phong cách văn chương thông cáo của hai bên, thì không biết tại sao mà người ta lại có thể đánh nhau được. Một bên thì dài dòng lằng nhằng. Bên kia thì nó nói ngắn gọn, mỗi câu như một châm ngôn một định nghĩa.
Diễn văn của Nixon có câu:
Đã qua đi cái thời nước Mỹ coi việc của các nước là việc của mình. Qua đi cái thời mà Mỹ đi chỉ bảo các dân tộc khác xem phải sống như thế nào.
.. Chúng ta đang đứng trên thềm một kỷ nguyên hoà bình lâu dài.
Lại nhớ một ý của B. Shaw: Những kẻ quý phái, giàu có, bao giờ cũng là những kẻ thù của chính dân tộc họ. 
Ph K S:
-- Tôi kinh sợ ở con người Việt Nam cái điểm này - cái điểm giỏi thích nghi với đời sống. Cái điểm nhạy bén gần như tuỳ tiện. Còn người nước ngoài, nét điển hình cho tính cách họ là khả năng nhìn nhận mọi thứ một cách mạch lạc, sống một cách mạch lạc.
Là một người tiên tiến của xã hội Việt Nam bây giờ, anh phải sống với cả hai cái đó. 
9/10
 Nhiều chuyện đáng bi quan. Chuyện "đối ngoại" không hay. "Mình" với "nó" còn đương mặc cả. Nixon tuyên bố không cần, chúng tôi đang bận tuyển cử, sau sẽ hay. Còn như mình thì cũng cứ chửi vung lên. Đây mới là đại diện chính thức. Quyết tâm phấn đấu cho độc lập và tự do. Người ta nhận xét "không bên nào chịu bên nào". Nhất định một bên phải nhường.
... Lại đang thời buổi của những điều tán nhảm, đồn nhảm. Nước thay vua  -  cua thay càng. Mưa sao - Thời buổi của những truyện huyền thoại. Huyền thoại thì giả, nhưng bom đạn thì rất thật.
Và rất thật là một cuộc sống nhênh nhang, tạm bợ, không sao chịu nổi. Người ta sống hết sức vô nguyên tắc. Ai chăm chỉ cứ chẻ xác ra mà làm; người nào lười biếng xoay sở thì ngang nhiên, không ai dám nói.
Mọi việc đều cứ tấp đống đấy, không ai hay hiểu cụ thể là phải như thế nào.
Và bất cứ việc gì cũng có thể hỏng. Bất cứ lúc nào cũng có thể thấy những tai họa đổ lên đầu.
Người ta chỉ còn tin vào chính mình, tin vào công việc của mình, và tin rằng chỉ có mình lo cho mình, chứ không ai khác lo giùm hộ. Hỏng một đồ vật cũng không dám nhờ ai chữa. Có người anh quen, người ta mới không chữa hỏng của anh.
Sự giả dối len vào trong mọi thái độ sống. Thói tư hữu vặt  lối ăn cắp vặt đã trở thành "quốc tính"; và một sự ăn cắp công khai, chỉ thời nay mới có – riêng hai cái đó  cộng lại đã làm cho không ai được sống yên ổn. Ai có lương tâm cũng cảm thấy buồn phiền, vô cùng buồn phiền.
Niệm: Sở dĩ mình muốn đến với cậu, là vì vẫn cảm thấy cậu còn cái phần hăng hái mà bây giờ trong thanh niên, mình không kiếm đâu ra được nữa. Thanh niên bây giờ sống bề ngoài quá. Nhớ một lần qua cầu phao. Những người thanh niên đứng làm nhiệm vụ ở đó, phải nhận là những người dũng cảm chứ gì? Nhưng mà rồi mình rất buồn. Chỉ thấy bọn ấy toàn hát nhạc vàng và nói tục.
Nhàn: Lâu nay, người ta chỉ cần đào tạo người đi đánh nhau mà lại.
Sơ tán là gì? Là làm nháo nháo cả lên, để rồi nó có ném bom trúng, thì mỗi người thiệt một tí, mỗi người chịu trách nhiệm một tí, không ai thiệt hết cả.
Bây giờ, người ta ai cũng sợ trách nhiệm với trên, hơn là tác hại của chính sự việc do mình gây ra.
9/10
Châu: Dạo này ông Khải cứ sợ bóng sợ vía không dám đi đâu cả. Ông ấy còn muốn giữ thân ông ấy để nay mai có gì ông ấy viết chứ.
Khải: Đúng là dạo này tôi cứ trốn biệt đi. Gặp những ông như ông Tuân thấy cũng không nói chuyện được nữa. Ông ấy lại trách nước nọ, trách nước kia, bây giờ thì làm gì có tiêu chuẩn mà trách nữa. Mới thấy ông ấy cũng là người của một thời.
 Nghe những ông như ông Tuân xong, rồi gặp những lão lờ phờ như Tế Hanh lại càng chán tợn. Hôm nọ Vũ Tú Nam lên đây thăm ông Cao, thở ra toàn một giọng nghe rất quan liêu và xa lạ. Mình, Xuân Sách, Hải Hồ vỗ đít bỏ về thẳng, cũng chẳng có chào hỏi gì cả.
- Tình hình thế này, không ngừng đánh nhau thì chiến tranh kéo đến bao giờ. Không biết người mình say đánh nhau hay sao đấy không biết. Ông Duẩn có lần bảo đánh cho đến lúc nó phát chán thì thôi cơ mà. Hoá ra chính mình phát chán chứ không phải nó phát chán.
- Mình hay có lý luận tức là thời gian trước làm, thời gian sau sẽ có kinh nghiệm. Ví dụ như ta đã quay 4 năm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại rồi, kỳ này sẽ khá hơn. Có ai biết đâu rằng kỳ này, dân tình nát bét ra, ai cũng muốn thôi. Bây giờ, mà lên rừng ấy à - có ma biết rằng mọi chuyện sẽ ra sao nữa.
10/10
Nhàn: Anh có công nhận rằng đây là thời gian có nhiều suy nghĩ nhất - giống như thời gian năm 1956-57?
Khải : Đúng là năm ấy, mình có nhiều cái thấy rõ thật. Ví như đã thấy bên này cũng có những người dở, thối. Nhưng cái chính là vẫn thấy mình tốt.
          Chính năm 1969, là năm tôi có nhiều suy nghĩ về mình nhất. Vì mình thấy thế này này. Người mình chỉ hơn nó là về khoản quan hệ giữa người với người. Trong năm 69 là năm mình thấy quan hệ giữa người và người nó khỉ quá đi. Cho nên tôi mới phải nói nhiều về lòng tin.
Một lần khác.
Nhàn: Dẫu sao, những năm này cũng là những năm cực nhất – tôi nói về phương diện tinh thần ấy.
Khải: Việc gì mà cực. Vẫn vui thôi, vui vì mình thấy vỡ ra một cái gì đó. Nghĩa là cuộc sống nhất định phải thay đổi... Dân khôn hơn lên nhiều chứ!
(Dịp khác)
Nhàn: Dân mình thật là dại về chính trị?
Khải: Ông nói thế thì ông rất là ngu. Dân mình khôn quá đi chứ. Chẳng qua là họ tốt.  Lắm lúc tôi chỉ ức một điều. Dân mình tốt, mình có chính nghĩa, sao mà mình vẫn thất bại.
Báo Văn nghệ, khi in một chương Chiến sĩ, cắt của tôi những đoạn quý lắm. Ví như hai anh chiến sĩ quay về. Một anh nhớ tới những người mới chết.
- Thế sau này còn nhớ tới họ không?
- Có, có thể có, mà có thể không, còn tuỳ ở sự suy nghĩ của mình lúc bấy giờ.
Cắt mất cả. Bao giờ in sách thì giữ. Người lính bây giờ, từ thực tế cũng có những lối suy nghĩ trắng trợn lắm.
11/10
Những ngày mọi người đánh cược nhau, mà cũng là một dịp nói những ao ước của chính mình.Thắng ư? Trên bảo 50%. Có người bảo: Không, 90% rồi...
Lénin: Khi một đất nước do những người vô văn hóa lãnh đạo, thì đó lại chính là đất nước của những lối bép xép và những chuyện thần tiên.
12/10
 Chúng tôi đang đứng giữa một bước ngoặt lớn của lịch sử. Con người vốn rợn ngợp trước những sự thay đổi, sẽ phải đối diện với một sự thay đổi rất lớn lao của khách quan, mà rất nhiều năm sau lịch sử còn nói tới.
Hình như không có ý thức, nhưng mọi người đều đang làm cái việc kiểm điểm lại những năm qua mình đã sống thế nào, dân tộc mình đã sống thế nào. Quả thật, mọi người đều mỏi mệt lắm.
Hữu Mai kể, ở ngoài nó cứ bảo cánh Quân đội thì chắc người nào cũng nói đánh đến cùng. Hữu Mai kể tiếp, thoạt đầu tôi còn nhỏ nhẹ “Thì cũng phải xem thế nào mới ngừng được chứ” sau mới hạ cho một câu:
- Chúng tôi thì giá thế đéo nào chúng tôi cũng ngừng.
Ng Khải: Tôi nghĩ có họa là muốn tự sát, thì mới găng mãi. Đằng nào cũng chết. Dẫu sao, đằng này, sự chết chóc cũng từ tốn hơn.
...
 Ngày càng thấy xuất hiện những hình ảnh so sánh cay độc nhất. Nhân bàn chuyện viện trợ, mình vác rá đi xin, Nguyễn Minh Châu bảo mình như con ve sầu kêu ve ve, cuối cùng đi xin con kiến. "Suốt muà hè bác còn bận việc gì?" "Tôi còn bận ca hát. Xưa nó nói thế. Bây giờ mình thì “Tôi còn bận chiến đấu”.
Còn như về cách đối nhân xử thế. Nhân chuyện Tô Hoài đọc bài viết của Nguyễn Tuân, nói với một nhà văn trong Nam -- mà mọi người đều nghĩ là Vũ Bằng, mới thấy buồn cười. Nhị Ca bảo thật là dơ. Chẳng bao giờ nhắc đến nó, bây giờ lại nói đến nó ầm ầm.
 Nhưng rồi Nhị Ca lại thêm:
-- Nhưng mà bây giờ thế cả thôi. Thái độ mọi người quay 180o cả, mình cũng phải quay như thế, chứ làm sao khác?
Như một thói quen nghĩ ngược, những ngày vui, tôi đã chạnh lòng và hoài nghi, hôm nay đáng lẽ phải nghĩ được những cái này-- phải nghĩ được những điều tốt đẹp, những sự bình tĩnh.
( còn tiếp)
Phụ lục
(soạn theo một số tài lệu trên mạng) 
Bản Sơ thảo Hiệp định Paris thành hình vào thượng tuần tháng 10/1972.
Trước đó tình hình đàm phán rất trì trệ, kéo dài từ suốt từ tháng 4/1969 cho tới tháng 8/1972.
Tại phiên họp ngày 26, 27/9/1972, Lê Đức Thọ còn đòi loại chính phủ Thiệu, lập chính phủ Lâm thời hòa giải dân tộc. Kissinger không chấp nhận.
Tại buổi họp 9/10/1972  Hà Nội mới nói không đòi Mỹ rút đơn phương, không lập chính phủ Liên hiệp tại miền nam VN, không đòi lật đổ TT Thiệu, không đòi Mỹ cắt viện trợ quân sự kinh tế cho VNCH
 9 và 10/10/1972 họp tiếp 16 tiếng mỗi ngày. Hai bên thỏa thuận dần dần và lên thời khóa biểu: 18/10 ngưng oanh tạc và phong tỏa Hải phòng ;19/10 Kissinger và Lê Đức Thọ ký tắt Sơ thảo tại Hà Nội ; 26/10 Bộ trưởng ngoại giao của các nước sẽ ký; 27/10 ngưng bắn tại chỗ sẽ có hiệu lực trên toàn cõi nam VN.
 12/10 Kissinger về Hoa Thịnh Đốn:
18/10 Kissinger tới Sài Gòn. Nhưng mấy ngày sau, khi tiếp Kissinger và Bunker, TT Thiệu nói không thể chấp nhận Hiệp định này, ký kết tức là đầu hàng.
 23/10 Kissinger về Mỹ thất vọng hoàn toàn.
Sang tháng 11/1972 hòa đàm không tiến triển gì hơn.
 13/12 hòa đàm tan vỡ, Lê Đức Thọ bỏ Hội nghị không hẹn khi nào trở lại.
14/12 Kissinger về Mỹ cùng Nixon và Tướng Haig bàn luận đưa tới quyết định ném bom BV. Nixon gửi tối hậu thư, rồi lập tức cho oanh tạc ngoại ô Hà Nội, Hải phòng bằng B-52. Chiến địch kéo dài 12 ngày, từ 18/12 cho tời cuối tháng 12/1972.
 9/1/1973 hai bên trở lại đàm phán, đi tới thỏa hiệp chung.
 23/1/1973 Kissnger và Lê Đức Thọ ký tắt,
 27/1 Bộ ngoại giao Mỹ, HN, VNCH, miền Nam VN ký chính thức Hiệp định ngưng bắn.


Nhật ký Hà Nội tháng 9-10/1972 ( tiếp)

VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

13/10
Như là trong đêm giao thừa, tất cả chúng tôi ngồi chờ đợi một bước ngoặt. Hơn thế nữa, như là sau đêm dài, mọi người ngồi chờ sáng, chờ hòa bình. Nguyễn Minh Châu nói tình hình chiến sự vào đến tận ngưỡng cửa mỗi nhà. Chính Nguyễn Minh Châu dựng lại một chuyện đùa. Hồ Phương vợ đẻ, vừa mang các con từ sơ tán về thì Hữu Mai bảo có lệnh của ông Văn là tất cả, ngay chỗ sơ tán, cũng phải phân tán. Hồ Phương ra, mặt nhăn lại, đấm tay chỉ chỉ xuống đất, giọng hấm hứ:
- Cái thằng Hữu Mai là nó độc ác lắm. Lúc nào nó cũng chỉ nói chiến tranh... Nó không muốn để cho ai yên lành... Chả trách thằng Khải nó hay phản ứng là phải.
Mọi người nghe thấy đều buồn cười. Nhưng mà nó có một sự thật, người ta mót quá. Mót sự yên ổn.
Từ dăm hôm nay, gần như mọi người trong cơ quan không làm gì, chỉ ngồi nghe đài, và bàn thêm mọi chuyện. Như bây giờ thì dự đoán thế nào về hoà đàm? Nhị Ca: Nhất định là 99,9% rồi... Thế nào mình cũng phải chịu.

Hội nghị Paris mật đàm kéo dài ngày thứ hai, rồi ngày thứ ba. Mọi người rất chú ý chi tiết Kissinger đã cho mang hành lý ra máy bay, rồi lại ở lại.
- Chắc là mình cũng găng quá, đợi cho nó chịu, nhưng nó không chịu, bấy giờ mình mới gọi lại.
- Cũng là cái kiểu mặc cả của mình ngoài chợ. Trên thế giới, bây giờ còn nước nào theo lối mặc cả thế này nữa đâu.
Rồi nhân thể, mọi người nghĩ về cái sự không hiểu nhau giữa mình với nó. Nó không hiểu nổi cái lạc hậu của mình, cũng như mình không hiểu nổi cái tiên tiến của nó. Ví dụ, mọi người nhớ lại, có một dạo, có một số bom Mỹ không nổ  -- có tin đồn giai cấp công nhân Mỹ ủng hộ mình nhồi bông vào chỗ hạt nổ của qur bom. Rồi lại có tin họ làm bom đất, làm bom giẻ. Làm như nó cũng sản xuất theo lối thủ công. Và  tưởng nước Mỹ nó cũng nhiều giẻ rách như nước mình.

Cho đến những ngày 11,12, mọi người còn rất chờ đợi. Có tin mình đã may quần áo com-lê cho phi công Mỹ (những người ở trên gác đường Phùng Hưng nhìn xuống 17 Lý Nam Đế thấy vậy). Nghe đồn trên đang cho đi vét các thứ tranh làm quà. Và các đoàn ngoại giao của mình ở nước ngoài có thêm những nhân vật sang làm văn kiện. Ví như Lưu Văn Lợi, Phan Anh, Trần Công Tường v.v...
 Như ngày máy bay Mỹ ném bom trúng căn nhà Tổng đại diện Pháp. Trái với ý nghĩ một người như tôi - dân sợ  -- thì những người như ông Khải nhận định và quả là họ đúng, dân cảm thấy bình tĩnh ra mặt.
 Đài BBC còn nói rõ hơn: Đúng là Hà Nội mừng như vớ được của. Vì có thêm cớ để đòi Mỹ ngừng bắn.

 Từ chiều 12/10, nghe nói là họp đến ngày thứ tư, mà vẫn chưa có kết quả. Bắt đầu bàn tán theo hướng khác.
- Tôi chắc là mình găng quá, thấy nó nhường rồi, lại dấn thêm, cho nên mới thế.
- Đúng, đúng. Gần đây nghe nói là về mặt quân sự mình không đạt được kết quả lắm, cho nên cũng phải cố trên mặt ngoại giao. Định kiếm lấy những thắng lợi không đạt được trên chiến trường, thông qua con đường trên bàn hội nghị.
- Tôi thấy chính lúc này, nên gọi nó đến Hà Nội. Paris quá xa, mình có đường dây nóng gọi về đâu. Người ở bên ấy, toàn những ông già, cùng với những ông không chịu trách nhiệm gì cả, thế thì làm sao mà giải quyết được. Ở nhà chắc cũng đề ra vài ba phương án, nhưng có phải là thần thánh gì đâu. Cũng có lúc bí chứ. Đáng ra, phải những ông chịu trách nhiệm chính, như ông Đồng, ông Duẩn sang cơ.
- Nhưng mà như thế thì lại cho là coi trọng nó quá, thế mới khổ. Có biết đâu rằng bên kia, những MaoTrạch Đông, Brezhev cũng đón nó cả, chứ ai. Khổ, cụ Thọ, cụ Hoan. Toàn những cụ đã già, lại không quen ngoại giao -- nó có nói ra một điểm cũng phải nghĩ, hàng ngày, xem chỗ nào nó định đánh lừa mình, chỗ nào nó định bắt nạt mình. Ông Xuân Thủy lại được chỉ thị làm bộ mặt lạnh lùng... Như thế thì chỉ tổ gây cho nó thêm bực, chả được việc gì cả.

Và mọi điều kết thúc giống như nhau.  Điều lo lắng nhất đã đến, nghe lại còn cay đắng nữa. Có tin buổi họp hôm trước thất bại. Cả hai bên bỏ ra về. Hoãn họp đến 20.10.
Bởi trong buổi họp ấy, phía bên kia nêu ra những điều mình rất khó nuốt. Là rút quân miền Bắc khỏi miền Nam (Nó thì Việt Nam hóa chiến tranh, còn ta ngày càng Bắc Việt hóa chiến tranh).
 Nẩy ra những nhận định cuối cùng, cay đắng nhất:
- Tất nhiên phải thế này thôi. Vì một cuộc chiến tranh này của mình đã như thế, thì không thể kết thúc một cách hoàn toàn tốt đẹp như mình mong muốn được. Như thế là cả một điều phi lý... Lung tung nháo nhào cả lên mới hợp lý.

 Người ta nói tới những sự kiện khác. Chắc nay mai, bên kia nó sẽ công bố nội dung những cuộc mật đàm để hốt phiếu. Căn bản bên mình là vừa phải đòi bỏ Thiệu, vừa đòi Chính Phủ liên hiệp, nên nó không chịu. Mà rút quân thì nó không bỏ cho mình một cái gì. Tóm lại nó đòi mình tay trắng. Mình chả biết phân tích tình hình gì cả. Sợ mang tiếng ăn non.
 Nguyễn Khải có mặt ở đấy đế thêm:
-- Mả mẹ nó, cái thằng Pháp, mới đây lại công bố giá ở hội nghị Genève, Việt Nam găng độ 6 tiếng nữa, thì họ cũng được thêm 1, 2 vĩ tuyến. Nghe toàn là những chuyện buồn.
Một người nói đầy giọng cam chịu:
- Kể ra, nó cũng có những nguyên nhân từ lâu rồi, chứ không phải những nguyên nhân trước mắt. Tất cả chuyện là phải như thế. Bây giờ phải có một ông như ông Mao, thì mới thay đổi được mọi đường lối. Nhưng lấy đâu ra.

Khái quát chung về tai hoạ, Nguyễn Minh Châu bảo nó thường đến quá bất ngờ. Độ nửa tiếng trước, người ta không ai biết bộ mặt của nó, đến hơi thở của nó cũng không. Nhưng độ nửa tiếng sau thì nó trở nên kinh khủng.
Nguyễn Khải: Không. Không phải thế, những tai họa đều đến rất từ tốn, nhưng vì nhiều khi chúng ta quá ngây thơ, nên không sao hình dung nổi. Ví như lần này tôi chỉ có dịp khẳng định thêm những ý nghĩ cũ của mình, về sự hoài nghi, về lòng tin... Lâu nay, mình đã thấy những hiện tượng như thế, sự lãnh đạo quan liêu, những người giúp việc cơ hội, dân chúng bị lọc lừa. Thế mà mình vẫn cứ coi thường. Cho nên, mọi điều có như hôm nay, thì cũng là một điều dễ hiểu.
 Nguyễn Minh Châu nói một điều, riêng tôi rất tâm đắc:
- Thế là bao nhiêu hứa hẹn của mình với dân, với cán bộ vứt đi cả. Bên nó, nó đã tốn nhiều của cải xương máu quá, nó càng phải cố. Bên mình cũng vậy. Một thằng như Triều Tiên nó muốn xoay ngang xoay dọc gì cũng được. Còn dân mình, đã đâm lao rồi, chân sục xuống bùn rồi.

... Chưa bao giờ, mọi người cảm thấy bi đát thế này.
 Cái năm 1972 nhiều biến cố.
 Rồi nhớ lại năm 1967 nhất là 1968 cũng đầy biến cố.
 Bây giờ đây, người ta biết nhiều quá, toàn những thứ không có lợi cho mình.
Như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ. 42 năm vẫn nằm trên cỏ.
- Có nước nào như nước mình, dắt díu nhau vào toàn những chuyện họp kín họp hở chung quanh chả biết chuyện gì cả.
- Ai đó nói phen này hòa bình, lãnh đạo tư tưởng hòa bình còn khó hơn lãnh đạo tư tưởng tiếp tục đánh.
- Lúc nào cũng bàn chuyện lãnh đạo tư tưởng. Bây giờ có lãnh đạo thì một bên là tư tưởng của đảng, bên kia là tư tưởng của toàn dân.

Nói chuyện mình với nó lừa lọc nhau:
- Nó lừa mình, rồi mình lại về lừa cấp dưới.
Hình dung mình với nó đánh nhau:
-Y như đức Khổng Tử đánh nhau với thằng côn đồ. Lại còn phải khăn xếp áo the chứ không thể nào qua loa được.

Mỗi một lần nghe mọi người trò chuyện trở về, tôi không khỏi băn khoăn. Vậy thì mỗi người bây giờ phải làm gì. Nhất là những người trẻ tuổi như tôi phải làm gì.
Người ta đã tạo ra một lớp thanh niên hèn hạ quá -- dạo này tôi nghĩ vậy. Người ta đã diệt hết những mầm phản kháng. Nhưng tôi chỉ bổ sung một nhận xét: Bây giờ, mà muốn làm gì, thì không phải là trông vào truyền thống - lịch sử để học tập, mà cái chính là trông vào những xu hướng ở nước ngoài, con đường đi của nước ngoài. (Chợt nhớ lời một nhà văn Nhật: "Bây giờ đây, tôi cảm thấy những liên hệ tinh thần với người nước ngoài hiện nay, còn sâu nặng hơn là đối với những người đồng hương ở các thế hệ trước!")

16/10
 Phụ lục những văn kiện có liên quan
Đề nghị 11/9: Chính phủ liên hiệp, có 2 QĐ, 2 CP. (Không còn ta là đại diện duy nhất!). Bỏ Thiệu. Nghe nói sau nó không chịu.
 Ta xoay cách khác: ngừng bắn tại chỗ, vấn đề Việt Nam để Việt Nam giải quyết (không bàn chính phủ, Thiệu...). Bồi thường chiến tranh.
Nhưng Mỹ ngày càng đòi miền Bắc rút quân khỏi miền Nam. Có ý kiến: Thôi cũng phải rút nhưng để sau.
 sự xuống thang của chúng ta : Từ chỗ Chính phủ liên hiệp bỏ Thiệu đến Chính phủ liên hiệp, không bỏ Thiệu  đều không được
Như vậy là:
1. Cuộc chiến tranh chính trị, ta đã thất bại từ cách đây 4 năm
2. Những năm gần đây, dốc sức vào... một cuộc chiến tranh quân sự. Nhưng một nước nông nghiệp lạc hậu không thể đi bằng con đường ấy được. Thành tựu quân sự bao giờ cũng phải trên cơ sở chính trị.

Nhàn: Ai đó nói chủ nghĩa phát xít, lúc đầu lấn tí một, tí một, nhưng người ta không biết ngăn cản. Sau bị hết.
Khải: Không phải vậy. Bên ấy khác bên mình. Căn bản phải nói từ trước đến nay, thế là mình cũng tài đấy, đúng đấy. Nhưng cứ hỏng dần. Trước hết không làm sớm, lúc thằng Mỹ nó chưa vào, là một cái hớ rồi. Đến năm 1968, tổng tiến công như vậy nhưng chưa nhìn ra đâu! Ngay năm nay cũng vậy, từ tháng 6, tháng 7 đáng phải nghe ra tình hình, thì lại mụ mị đi. Sinh ra tự ái rồi. Cả nước Mỹ nó ngãng ra cả, vậy mình cứ làm cho nó biết tay. “Mình sẽ cách mạng hết những nguyên lý lớn của thời đại. Mình sẽ là trung tâm đoàn kết thế giới.” Rút cục là tham vọng lớn, làm không nổi.

17/10
Phải công nhận những người ở đây cũng có một sự phân tích sáng suốt. Ngay trong những ngày ít tin tức nhất, vẫn nhiều ý cả quyết: "Thả nào cũng đình chiến" “Mình không thể cố được nữa" "Im thế này, chắc còn là để về thông qua ở nhà, với lại phải giữ tinh thần cho hàng mười mấy sư đoàn của mình”.
 Cũng bằng trực giác, mọi người đoán rằng mọi điều thay đổi.
 Sáng hôm qua 16/10, đài tự nhiên tung ra bài Con đường đúng ở đâu? Ý chính:
- Không bị chiến tranh kéo dài vài chục năm, nên không ai yêu hòa bình như chúng ta.
- Chúng ta bị đô hộ hàng trăm năm, nên không ai yêu độc lập như chúng ta.
- Chúng ta đã bị chia rẽ hàng nghìn năm, nên không ai yêu mến đoàn kết dân tộc như chúng ta.
- Chiến tranh đẩy chúng ta vào cảnh nồi da xáo thịt anh em, con chống lại cha, cho nên, chúng ta phải giành lấy những ngày hòa bình.
Thực là
Nhiều điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Đại khái như vậy.
Nguyễn Khải, Xuân Sách, Nguyễn Minh Châu đều đoán ra ngay - như vậy là mình đã thay đổi... Quay 180 độ rồi, anh em sẽ quay theo rất nhanh.

Nhiệt độ ở Hương Ngải xuống quá thấp. Ông Khải mang lại những nhận định nhiều lý lẽ. Còn Hữu Mai mang lại những bằng chứng rất xác đáng. Theo Hữu Mai mọi điều còn đang rối tinh lên cả. Thứ trưởng, bộ trưởng đều ra rìa. Không biết gì...
Tuy vậy, vẫn có nhiều nguồn tin đưa ra. Bàn bạc xong rồi. Chỉ chưa ký, vì ông Thọ, Kissinger không phải là những người đại diện cho chính phủ. Nhưng mọi việc đã xong. Đại khái gồm có: 1. Ngừng bắn. 2. Có một ủy ban điều giải dân tộc. Và chuyện mục tiêu chính trị. Vậy thì cái gì sẽ hình thành. Người ta giải thích cốt thật sự liên hiệp; còn hình thức nó là gì thì là.
Về chuyện ngừng bắn. Như vậy, bên nào ở nguyên chỗ bên ấy. Thành thử bây giờ hai bên mình với nó đang lấn nhau. Nó toàn kiếm, mình toàn lấn.
Nó đề nghị công bố ngừng bắn luôn. Ta nói phải mất ba ngày, tin tức của chúng tôi mới truyền được xuống dưới. Nó nói sẽ thông tin hộ. Bên ta không tin nên không nhận.
Tiếng súng, tiếng bom còn nổ. Bên ta rất lo đối phó. Mỹ đã có tiền lệ là tàn phá Bình Nhưỡng hoàn toàn, trong 48 giờ cuối cùng.
Việc bàn bạc tỏ ra khá chi tiết. Mọi người nói bàn với nhau cả về ai ở cảng nào, bến nào. Cỡ súng được dùng bao nhiêu... Nghe nói, ở Nam bộ, thế ta đang lấn rất tốt, có nhiều nơi, đã ở thế như năm 1954.
Khi nghe tin này, Ng Khải lập tức không giấu giếm mà phản ứng. Tôi lo mấy ngày cuối cùng lắm! Tiếng súng lớn có thể chấm dứt nhưng tiếng súng nhỏ vẫn chưa chấm dứt.
... Dẫu sao, cũng đã rõ một sự thật: tình thế rõ thế rồi, mọi thứ ngã giá rồi. Chỉ còn chờ 2 bên quyết định như thế nào?

Phụ lụcTình thế hiện nay- Bình luận đài UPI
Ở Mỹ người ta cho chính phủ Nixon đã thất bại, trước sau cộng sản sẽ thắng.
Tình hình chiến trường không phải như vậy. Không giống như năm 1968, cộng sản không được lòng dân. Những đơn vị chủ lực bị thất thiệt. Chính phủ Hà Nội đang cần thương lượng hơn cả Sài Gòn- Hoa Thịnh Đốn. Họ lại bị các đồng chí Liên Xô, Trung quốc của họ khuyên thôi. Chính phủ Hà Nội không chia sẻ với nhân dân Mỹ những nhận xét trên.
Chưa bao giờ Hà Nội tố cuộc chiến tranh phá hoại mạnh như hiện nay.
... Nhưng Hà Nội cũng đã dọn đường cho việc ký hiệp ước ngừng chiến: đã xuất hiện một bài viết trên báoNhân Dân nói về bồi thường chiến tranh.


Lòng tin. Chúng ta hay nói lòng tin bắt nguồn từ quy luật, mà có thể là những quy luật rất đơn giản. Ví như vào những ngày này, tin tức thế nào là do cấp trên cho biết. Lại nói là đài địch thì xuyên tạc mọi tin tức. Nhưng không cho nghe, thì người ta đi tìm, và suy cho cùng thì cũng có thể tin được ở cái phần mà phía bên kia nói ra. Tin tức là một là một cái gì có cuộc sống riêng của nó!
Khốn khổ cho tuổi trẻ chúng tôi, chúng tôi vừa phải lo chiến đấu, nghĩa là nỗi lo  hùa nhau vào đánh một kẻ thù hiện đại, nhưng -- có những người như tôi --, lại vẫn khao khát một sự hiểu biết và muốn có một trình độ nào đó, như là có thể bình đẳng mà nói chuyện với những dân tộc khác trên thế giới. Cuộc chiến tranh đáng nguyền rủa này, không phải là nó kéo dài 8 năm mà là đã 20 năm, 40 năm. Nó là thời gian các nước khác, các dân tộc khác phát triển vùn vụt.
20/10
Có những ngày quá cơ cực, chỉ còn một niềm an ủi -- chắc mai kia, nhớ lại những ngày này, mình sẽ rất cảm động.
Những ngày chờ đợi của tôi, của anh, của chúng ta trong hòa bình này đại khái là như vậy.
 Mong quá sinh ra nhiều tin tức, đồn bậy.

  Còn nhớ tối 17/10, về Hà Nội, được thổi vào tai đủ thứ. Bùi Bình Thi tỏ ra rất khinh bỉ, vì tôi không biết gì cả. Những người làm ở đài phát thanh, như Trúc Thông, thì đã được giao đi đặt bài viết về hòa hợp dân tộc. Báo QĐND sẽ ra 8 trang, và đi đặt Bùi Bình Thi đặc tả... Người ta bảo: thiếu nhất là cán bộ ở báo, ở đài.
Nhiệt độ ở Hà Nội lên rất cao. 0g sáng 19/10 sẽ ngừng bắn hạn chế. Đang đêm, Bùi Bình Thi nói vậy. Rồi lại 0 g ngày 20/10… Để cho 21/10, Kissinger đến Hà Nội, và 22/10 sẽ công bố hoàn toàn.
Ông Hữu Mai khuyên tôi không nên lên sơ tán. Ở lại mà đón hòa bình. Này, báo mình không dỡ ra đi, làm mấy bài tùy bút, thì còn đến bao giờ nữa.

Báo chí mấy ngày nay chuyển hướng cập rập, vụng về, cứ như là người kéo màn của một lúc mấy vở kịch, diễn viên phải đóng nhiều vai quá, mà lại phải ra vội.
Có một sự việc buồn cười nhất, tuy đáng phải nghiêm chỉnh nhất: chiếc máy bay thứ 4000. Nghe Đoàn Công Tính nói định để cho Hà Nội, cho nên kìm giữ mấy nơi khác. Nhưng để đón tiến sĩ H. K. phải làm sớm, cho đẹp mặt ông ta một chút, thế là dí cho Vĩnh Phú. Một đợt tuyên truyền có vẻ ầm ĩ, nhưng trống rỗng -- chắc là sẽ tạnh rất nhanh.
Lâu nay, đài + báo luôn có những bài tổng kết tình hình ở Tây Nguyên, ở Thừa Thiên. Bây giờ lại tổng kết chiến tranh phá hoại ở miền Bắc để chuẩn bị kéo những lớp màn khác!


Nhật ký Hà Nội tháng 9-10/1972 (tiếp hai kỳ trước)
 


20-10 (tiếp)
Lên Hương Ngải. Chưa nói tin Hà Nội thì những người ở cái đất sơ tán này đã đoán có thể 22 sẽ có một cái gì đó . Vì đài UPI nói 22/10, Nixon sẽ đọc một bài diễn văn quan trọng, và sẽ đi vận động bầu cử.
Tôi phục những người ở đây, vì sự đoán định khá chi tiết. Đoán hai bên Bắc Việt & Mỹ đã kịp xong, sắp tới ký 4 bên. Đoán Kíssinger sẽ đến Hà Nội. Và lại đoán ông ta sẽ ở nhà khách của chính phủ. Sẽ gặp các ông trên. Hẳn sẽ rất thú vị. Được nói chuyện với Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng -- những người đối mặt với mình bấy lâu. Có thể là xin gặp cả tướng Giáp. Hai bên có những điểm trọng nhau nên cũng tương đắc với nhau.
Rồi mọi người nói về những ngày hòa bình. Thế là dân tộc này có thể gọi là từ giã vũ khí. Không ai xúi bẩy được nữa - Nguyễn Minh Châu nói vậy.
Nguyễn Khải thích chí vì hãy biết rằng không phải cái chết lúc nào cũng treo trên đầu mình nữa. Từ nay trở đi, chỉ còn những bi kịch cá nhân.
Nguyễn Minh Châu lại bảo hoà bình nghĩa là một cái nhà không bị đuổi, có chỗ ngồi viết.
Hải Hồ hào hứng vì sẽ đi công tác nay Vinh, mai Đồng Hới, sẽ không bị cảnh gia đình thúc bách.
Nhưng có người như Nhị Ca nói:
- Ngày mai, các ông sẽ thấy có những yêu cầu khác. Sẽ thấy chiến tranh làm kiệt quệ đi, bào mòn sức lực và bao nhiêu khả năng nâng cao đời sống bị bỏ qua. Như ông Nhàn không nói làm gì, đó là một trường hợp thành đạt và hãnh tiến rồi. Còn như bao nhiêu thằng thương binh, bệnh binh, nó mới bị khổ sở, thiệt thòi... nó kêu lên thì mới thật ghê đấy.
Dẫu sao tất cả đều nghĩ những ngày cực khổ đã qua rồi. Dự đoán sẽ là nửa năm đầu, mọi người còn vui thoải mái. Độ nửa năm trở ra, lúc bấy giờ mới lại có những tâm trạng bất mãn, những sự cáu kỉnh, những người đòi nghĩ lại về những năm chiến tranh - còn nhiều chuyện lắm.

 Chuyện văn học. Ng Khải cho biết vừa rồi, thường vụ (bộ phận nòng cốt của BCH) họp, cũng bàn về giải thưởng văn học 15 năm. Nhưng mà là cho tác giả, chứ không phải cho những quyển sách cụ thể.
- Tôi viết cái Chủ tịch huyện đưa ra năm 1965 thì mọi người kêu nhiều lắm. Bảo là nặng quá. Đến năm nay thì mọi người lại kêu là nhẹ tay quá rồi.
- Thế thì anh mừng chứ gì (tôi muốn nói: mừng vì trình độ quần chúng)?
- Mừng cái chết tiệt . Xã hội mình ngày càng nhiều chuyện tham ô mà lại mừng.

Một hôm, ông Khải sang nhà mình -- Xuân Sách kể -- Thôi thế là hỏng rồi, công lao lo liệu của mình là đi toi cả rồi, ông Sách ạ.
- Sao thế?
- Thằng Huỳnh nằm nghe ông Ngô Thảo và ông Thái nói thế nào mới xoay ra làm đơn xin đi bộ đội, chỉ còn thiếu lấy máu ra viết quyết tâm thư nữa thôi.
Mình( XS) phải sang, dùng mọi cách giảng giải cho nó biết. Ví dụ bây giờ muốn đi, phải tập trung ở trường, ở xã như thế nào, qua các khâu khám sức khoẻ như thế nào, để cho nó sợ. Dĩ nhiên không nói là ông Khải bảo.
 Thỉnh thoảng, ông Khải lại khoe:
- Thằng H, thế mà nó cũng biết gớm đấy.
- Chứ sao, ông áp bức nó lắm, nhưng nó vẫn phải có cuộc sống của nó chứ.
Sách ( bình luận về sau):
 - Hai người con của ông Khải mang hai đặc tính của thời đại - một là đặc tính của những người anh hùng. Hai là đặc tính của bọn cơ hội.

Những chuyện về văn nghệ.
Khải: Tôi thấy ông Hồ Phương, ông Hữu Mai cứ tí tởn, vì những chuyện nào là phải xem hội nghị Hà Nội người ta làm sao, nào là phải viết cái gì đó đúng với thời kỳ được viết này... Toàn là các ông dại. Qua khúc quanh, chính là nên đi chậm lại.
Châu: Kinh nghiệm làm ăn là mình cứ từ từ. Nhà tiên tri không thể giống như một anh chàng láu táu.
Khải: Với lại tiên tri là trong lĩnh vực tư tưởng. Còn đây là về nghệ thuật, trình độ mình tiên tri gì!
Châu: Cái cửa sắp tới mở vẫn là cửa giả thôi. Còn cánh cửa thật còn lâu mới thấy. Anh nào dại thì cứ đi làm mồi.
Trong những lúc này, có thể viết hẳn một quyển sách về cách làm tư tưởng và công tác tổ chức của trên. Họ dùng mọi người như là một thứ đi làm thuê. Họ nhìn một người như ông Khải chỉ thấy ông ta không giúp được cho mình cụ thể gì cả.

 Lưu Quang Vũ kể: Các ông lại bảo tôi đi làm thơ tình. Nhưng tôi cần gì phải làm thơ tình?
Trong khi đó, - vẫn theo Vũ - các ông già được đánh bóng , chữ dùng hiện nay đã trở nên quen thuộc.
Ông Hoàng Tùng nói chuyện: Báo chí của ta cường quyền, công chức và công thức. Báo chí của ta cũng giống như một công báo vậy.
Trên cứ làm như trách nhiệm về báo chí hiện nay là do ai khác chịu trách nhiệm chứ không phải là trên. Rồi than trách là từng ấy năm cách mạng, không có một nhà báo nào cho ra hồn.
- Thì toàn bộ lối tổ chức của xã hội ta là cửa quyền, công thức và công chức chứ gì, báo chí, ông ấy nói thế, nhưng trên thít một lần, dưới thít chặt hơn, dưới nữa lại thít chặt hơn một mức nữa. Trách gì được người cán bộ.
... Nhưng, có phải hoài nghi không, khi nghĩ cái thế sắp tới là cái thế tạm thời. Mọi người đều cảm thấy bị theo dõi rất nghiêm nhặt. Và đừng có lơ mơ vào. Ví dụ như ba khẩu hiệu hiện nay: hoà bình, xóa bỏ hận thù, và hòa hợp dân tộc. Các ông trên nói thế, nhưng phải hiểu, phải nói thế nào?
Nói hoà bình nhưng không được chống chiến tranh. Phải thấy đây là thắng lợi của chiến tranh.
Nói xóa bỏ hận thù, nhưng nên nhớ rằng tiếng súng nhỏ còn nổ, còn người chết. Và chính các cụ ấy "đánh chẳng được thì tha làm phúc" . Chứ các cụ thích thú gì những tay chóp bu bên kia. Chính các cụ thù hằn nặng hơn hết.
Và hoà hợp dân tộc. Mọi người tin rằng còn lâu mới có thể hòa hợp được thống nhất được. Chẳng qua, cái thế cùng phải chịu. Rồi cũng đến để miền Nam cho nó, coi là việc nhà nó. Bây giờ nó tạm đuổi mình ra một góc nhà, để rồi nay mai đuổi tuốt.
Vậy mà văn nghệ lại đòi hầm hè tranh khôn ư? Đừng hòng .
Người ta có thể dùng văn nghệ như một thứ trò chơi, nói nhăng nói cuội thì được, nhưng chớ có động vào những vấn đề cơ bản.
Một người như tôi, trong những lúc này, làm sao tôi không buồn được? Những gì tôi đọc được cho tôi biết rằng chung quanh ta, các nước người ta đã đi xa lắm, và chúng ta đã lạc hậu lắm.
Vậy thì thắng lợi đối với tôi là gì? May lắm chỉ là một dịp làm cho mọi người thức tỉnh. Không thể sống như hôm qua được nữa. Cách lãnh đạo hiện nay đã cũ. Cách quan hệ với thế giới hiện nay đã cũ. Như về mối quan hệ quốc tế, thời đại này là của 2 phe. Phải chơi với cả 2 phe. Phải như Sihanuk trước kia vậy. Sihanuk gọi đó là chính sách chui vào mắt bão mà sống.
Như về cách quan hệ với thế giới. Nước Nhật đi với Mỹ, Trung quốc thì sao? Phải việc gì  cũng dám làm làm, miễn là có ích.
Tôi không hình dung ra những hậu họa sẽ đến về sau. Nhưng tôi nghĩ rằng là cách duy nhất lúc này là phải từ bỏ thế cô lập để ra với thế giới.

Tự hỏi:
- Người ta được lợi gì sau cuộc chiến tranh này?
- Một nền hòa bình con đẻ của nền chiến tranh, là hòa bình thế nào?
Nhớ một ý của Ng Khải: Ví dụ như về vấn đề quân sự, mình thấy nguyên lý của mình đúng thôi, mình làm sai nguyên lý nên hỏng. Ông Văn từng nói quân đội ta có thể đánh thắng bất cứ một đội quân tay sai nào khác của đế quốc. Nhưng quân sự là tiếp tục của chính trị. Ở miền Nam, mình không nắm được dân nữa, mà nó cũng không phải là tay sai theo nghĩa cũ nữa, thì quân sự mình còn xoay làm sao nổi. Đó là mình đi ngược lý thuyết của mình chứ gì?
(Nhị Ca: một nước nông nghiệp như mình, không thể nuôi một đội quân viễn chinh quá lớn được).

Dân tình, cái gọi là dân tình trong những năm tháng này.
Ngày bắn rơi 4000 máy bay tôi đi ra đường, thấy hai ông xích lô gặp nhau hỉ hả: Mới ngày nào Johnson thách bắn rơi 1000 máy bay thì bó giáo lai hàng. Giờ đã 4000 rồi.
Thế nhưng, người ta đã bắt đầu lo sống sao những ngày hòa bình tới.
Dân bàn giăng giăng ở đường ở chợ. Dân là như vậy, như một cái đê. Khi bình thường thì không sao. Nhưng khi đã rã, là vỡ, lở hàng loạt. Người ta đã không quan tâm đến gì thì thôi. Khi đã quan tâm, thì quan tâm đến cùng.
Chị tôi, một người buôn bán nhỏ cũng bảo: Người ta đồn ký cả rồi, 25 này thì công bố.
Bàn nhiều quá, đến nỗi trên cũng phải sợ, tự hỏi, cho đi kiểm tra, không hiểu ở đâu mà tin tung ra như vậy?
Rồi khi thất vọng, thì mọi người lại đùa với nhau: Không phải mùa vịt mà Hà Nội phải ăn bao nhiêu vịt giời.

25/10
 Mỗi ngày một tin. Thời tiết lúc ấm lúc lạnh. Lúc nghe tin ngừng bắn 0 giờ ngày này, lúc nghe tin 0 giờ ngày kia. Rồi không có giờ nào cả. Vì 19 không, 20 không, đến 23, 24 không, và hôm nay 25 thì theo ngôn ngữ phương Tây, đài BBC mới mô tả, hình như là có một sự ngừng bắn từ vĩ tuyến 20 trở ra, còn như cũng không có lời tuyên bố chính thức nào cả.
Bây giờ ở đâu người ta cũng bàn tán. Một câu ca dao hồi ông Pốt – goóc - nưi  (Podgornyi ) sang đây được nhắ lại :
Trước là để đón bác Nưi
Sau là bu cháu xả hơi vài ngày
...
Hôm nay bác đã đi rồi
Lại lên sơ tán, lại ngồi săn tin
Lắng nghe ngoài đường thôi, thử nhìn cái người đi xe đạp kia  hay người  ngồi quán bia nọ, họ đang nói gì với nhau? Họ đang bàn về thời sự. Những người không quen biết gì nhau, ở những nơi công cộng, như là thư viện, cũng có thể nói chuyện với nhau về chiến sự. Vì mọi người đều cảm thấy bây giờ, nói như chữ nghĩa trong thơ, là đứng chung trong một chiến hào, một số phận và nói nôm na, tức là chung một hố.
Sáng nay, lúc đi đường, tôi được nghe kể, như vậy là Kissinger lật lọng rồi. Hà Nội trải thảm trên đường, mà vẫn không thấy lão ta đâu. Y như những ngày trước đám cưới, họ nhà gái đã sửa soạn, họ nhà giai thì mãi không đến mà rước dâu đi. Ở nhà thì con gái bụng cứ to mãi ra. Một nền hòa bình đẻ non cũng không có.

Tổng số lượt xem trang