Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Văn Hoá “Exit”: Không phải Thủ tướng đâu!

-TLQ: - Chuyện vỉa hè: Trên chị hai, còn có Má Thủ Tướng
- Ngay thẳng

-Khai tử báo Sài Gòn Tiếp Thị rồi khai sinh một tờ cùng tên khác

SÀI GÒN  (NV) .- Tờ bán tuần báo Sài Gòn Tiếp Thị ở Sài Gòn vừa bị khai tử nhưng lại được cho sống lại với một “cơ quan chủ quản” mới và một bộ biên tập mới. Điều này gây ra các cuộc tranh luận sôi nổi về số phận một tờ báo thuộc loại hàng đầu ở thành phố này.

 Số báo cuối cùng của tờ Sài gòn Tiếp Thị ngày 28-2-2014 sau 19 năm phục vụ và bị khai tử rồi tờ báo được giao cho "cơ quan chủ quản" khác khai sinh lại vào đầu tuần tới. (Hình: Một Thế Giới)

Ngày 28/2/2014, quyền tổng biên tập tờ Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT) là Nguyễn Xuân Minh họp toàn thể nhân viên đọc quyết định ra lệnh đình bản sau khi đã hoàn tất số báo cuối cùng đề ngày 28/2/2014 với các lời chia tay độc giả và các sự chia sẻ của độc giả, thân hữu cũng như khách hàng quảng cáo.

Tờ Sài Gòn Tiếp Thị có “cơ quan chủ quản” là Trung Tâm Xúc Tiến Thương Mại và Đầu Tư của UBND thành phố Sài Gòn hoạt động phục vụ thông tin thời sự từ năm 1995 đến nay vừa nhận cái lệnh “thu hồi giấy phép hoạt động báo chí” của Bộ Thông Tin và Truyền Thông (TTTT). Lệnh bắt đình bản này của Bộ TTTT (còn gọi là 4T) ký ngày 26/2/2014 được quyền tổng biên tập Nguyễn Xuân Minh đọc cho toàn thể khoảng 100 nhân viên của tờ báo mà nhiều người không cầm được nước mắt.

Lý do rút giấy phép hoạt động được ông thứ trưởng Bộ 4T Trương Minh Tuấn ký trên văn bản  viện dẫn là “do cơ quan chủ quản Báo đề nghị cho phép ngừng hoạt động vì không đủ điều kiện tài chính”. Tức là cái bộ của ông “vô can” khi khai tử nó trong khi có nhiều lời bàn tán về nguyên ủy chính trị của quyết định.

Tuy nhiên, cùng với việc khai tử tờ báo này thì tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn loan tin “Báo Sài Gòn Tiếp Thị sẽ tiếp tục xuất bản và số đầu tiên của bộ mới sẽ ra mắt độc giả vào ngày 3 tháng 3 sau số cuối cùng của bộ cũ phát hành vào hôm nay 28-2. Sáng nay 28-2, UBND thành phố đã công bố giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông ký ngày 26-2, cho phép Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn tiếp tục xuất bản ấn phẩm Sài Gòn Tiếp Thị, với tần suất 3 số mỗi tuần như trước (thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu).”

Tại sao vừa khai tử rồi lại khai sinh ngay một tờ báo cùng cái tên như vậy? Chôn xuống rồi lại đào lên ngay tức thì, phải có những lý do bên trên những gì được giải thích.

Theo tin tức, toàn bộ nhân viên từ trên xuống dưới của tờ SGTT (gọi là bộ cũ) từ biên tập đến trị sự, quảng cáo, sẽ bị thất nghiệp trừ một người duy nhất được cho làm ở tờ SGTT (bộ mới). Người ta đặt dấu hỏi là nếu vì lý do tài chính thua lỗ, tại sao không cho khai tử luôn mà lại  giao cái tờ báo này cho một “cơ quan chủ quản” khác, tức là giao cho Sở Công Thương của thành phố.

Từng có những lời bình luận trên các diễn đàn điện tử về lý do muốn loại bỏ toàn bộ những người làm ở tờ SGTT (bộ cũ) vì bị coi là bọn “cứng đầu”. Dù là một tờ báo có cái tên như thuần túy thông tin thương mại, lại có nhiều bài viết nhạy cảm chính trị, đụng cả tới ông thủ tướng hoặc cả mối quan hệ Việt Nam với Trung quốc.

Trong cuộc phỏng vấn của tờ Thanh Niên hôm Thứ Sáu 28/2/2014, ông Nguyễn Xuân Minh nhìn nhận trước đây “có dư luận” như vậy, nhưng khi ông tổng biên tập Nguyễn Tâm Chánh bị mất chức mà ông lên thay thì “đội ngũ của SGTT cũng ngồi lại, rút ra bài học để tự điều chỉnh chuyện này”.

Về chuyện tài chính, theo ông Minh nói trong cuộc phỏng vấn, trước đây thì có lỗ và mang số nợ 50 tỉ đồng mà hàng tháng phải trả tiền lời với lãi suất có khi lên đến 24% nên “mình làm bao nhiêu ngân hàng, nợ giấy, nợ in nuốt đến đó” dù “mấy năm gần đây báo có lãi”.

Tin tức cho hay nhóm điều hành tờ SGTT đã đề nghị bán tài sản là trụ sở của tờ báo tậu mãi được nhờ những năm khấm khá thời trước nhưng lại không được chấp thuận. Trong cuộc phỏng vấn, ông Minh cho hay “Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn đang giữ phương án tái cấu trúc của chúng tôi và có lẽ theo hướng đó”.
Ông Nguyễn Xuân Minh, quyền tổng biên tập, đọc quyết định đình bản báo SGTT trước toàn thể nhân viên, phóng viên vào sáng 28.2.2014 - (Hình: Blog Tễu)

Nếu đúng vậy, người ta hiểu việc khai tử rồi lại khai sinh ngay tờ SGTT với một “cơ quan chủ quản” khác thật sự chỉ là muốn loại trừ những người đang làm tờ báo này. Hồi Tháng 10-2012, có tin tờ SGTT bị “thanh tra toàn diện” bị gọi là “làm rõ: thực hiện tôn chỉ, mục đích của  báo”.

Năm 2009, nhân dịp kỷ niệm 30 cuộc chiến biên giới Việt Trung, tờ SGTT đăng tải bài ký sự “Biên Giới Tháng Hai” của tác giả Huy Đức. Bài viết gồm hai phần thì mới lên được phần đầu đã bị lệnh phải rút xuống. Toàn bộ 2 bài được tác giả bỏ lên blog Osin của ông. Hai tháng sau thì ông lại “đụng” gia đình ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi viết về cưỡng chế đất trồng cao su ở tỉnh Bình Dương, trong đó dính đến bà Tâm là “chị hai của thủ tướng”. Đến tháng 8/2009 thì Huy Đức bị ép nghỉ việc và bị thu hồi thẻ ký giả.

Không riêng gì Huy Đức, một số bài viết của các tác giả khác cũng đụng vào những vấn đề “nhạy cảm” khi đứng về phía quần chúng bị trị, không phải những ông bà quan quyền cậy thế. Khi bùng nổ vụ anh em ông Đoàn Văn Vươn bắn súng hoa cải đầu năm 2012, tờ SGTT cũng giống như hầu hết các tờ báo “lề phải” đưa thông tin vụ việc chứng tỏ nhà cầm quyền từ xã tới huyện và thành phố đã cưỡng chế trái luật, đẩy người dân vào cùng đường đến nỗi phải phản ứng.

“Tên tuổi của SGTT gắn với đội ngũ những người khai sinh và gầy dựng tờ báo từ năm 1995 và SGTT đã luôn được bạn đọc tin cậy và đón nhận. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh đó”, bà Trần Thị Ngọc Huệ, tổng biên tập tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, tờ báo được giao cho làm tờ SGTT “bộ mới” được dẫn lời nói khi loan tin thay đổi bộ biên tập.

Trên các tấm hình khai tử tờ SGTT “bộ cũ”, người ta thấy có một số vòng hoa tang phúng viếng cái chết của một tờ báo được độc giả quý mến. Các trang mạng loan tin này với rất nhiều lời bình luận của độc giả, thân hữu bùi ngùi và thương cảm cho những người làm báo ở Việt Nam không thể đứng thẳng lưng nếu muốn bưng bát cơm ăn ngày hai bữa. (NT)



Sài Gòn Tiếp Thị tiếp tục xuất bản (TBKTSG 28-2-14) --Báo Sài Gòn Tiếp Thị bộ mới ra sạp ngày 3.3: Chia sẻ của người trong cuộc (TN 28-2-14) : Sự đóng cửa của một tờ báo (RFA 28-2-14) -- Báo Sài Gòn Tiếp Thị ra số cuối cùng(MTG 28-2-14) -- Quyền TBT Báo Sài Gòn Tiếp Thị: "Tôi sẽ xin nghỉ hưu non" (MTG 28-2-14)
Lời nói thẳng, nói thật của các bộ trưởng (SGTT 28-2-14) -- Bài cuối cùng của Mạch Quân cho SGTT.


1-3-2014
Ở các xứ tự do người ta thường quan tâm đến việc đình bản của một tờ báo vì một số lý do. Quan trọng hơn hết là vấn đề « tự do ngôn luận ».Tờ báo chết, bất kỳ lý do nào, người ta đều có cảm tưởng rằng quyền tự do ngôn luận vừa bị một tổn thất lớn. Mà khi quyền tự do (ngôn luận hay báo chí) bị hạn chế, một cách trực tiếp, quyền con người bị đe dọa.
Trong thời kỳ bùng nổ Internet, người ta lần hồi có thói quen đọc báo « mạng » nhiều hơn đọc báo giấy. Nhiều tờ báo bị đóng cửa vì lý do kinh tế. Người ta lo ngại ở đây là lo cho những công nhân, những phóng viên… nói chung là nhân sự làm nên tờ báo, bị thất nghiệp, không có công ăn việc làm. Quyền tự do ngôn luận trong chừng mực, không bị đe dọa trực tiếp. Vì tờ báo này chết còn có những tờ báo khác, hay radio, TV… cho những người không truy cập internet.
Một tờ báo ở Việt Nam vừa bị đình bản. Nhiều người « nhỏ nước mắt » tiếc thuơng.
Nền báo chí của Việt Nam, báo giấy cũng như báo mạng, tất cả đều chịu sự lãnh đạo của đảng CSVN, gián tiếp hay trực tiếp. Tờ báo này chết, còn đến 700 tờ báo khác trăm hoa đua nở, tiếp tục « hót mãi những lời chim chóc ».
Dĩ nhiên tôi không có lời thuơng tiếc nào cho bất kỳ một tờ báo nào ở Việt Nam vừa đăng lời cáo phó. Tôi chỉ lo ngại cho tương lai những nhân sự đã cộng tác với tờ báo. Không biết tương lai họ sẽ sống bằng cách nào ? Những người này (và nhiều người khác nữa sắp tới đây) là nạn nhân trực tiếp của sự khủng hoảng kinh tế trong nước, chứ không phải vì bất kỳ hình thức hạn chế « ngôn luận » nào của nhà cầm quyền. Quyền tự do báo chí (hay ngôn luận) ở VN vẫn là một màu đen tối, như bản báo cáo mới nhất về nhân quyền của các nước trên thế giới.
Tôi đang lúng túng không biết phải mở lời thế nào để chia sẻ với nhà báo Trương Duy Nhất hiện đang bị giam giữ (một cách phi lý) vì các tội mơ hồ « lợi dụng quyền tự do dân chủ ». Lời cáo phó của tờ báo là cơ hội để tôi có một lời « công đạo » với nhà báo Trương Duy Nhất.
Tôi chỉ biết nói rằng, ở các xứ bình thường, người ta luôn đem các nhà lãnh đạo, những chính trị gia ra để làm trò hề, chọc cười. Và việc này là một « sinh hoạt văn hóa », một nghề nghiệp chân chính, như những nghề khác. Người ta phân biệt đâu là giới hạn của « riêng tư », đâu là lãnh vực của « công chúng ». Những lãnh đạo quốc gia, những nhà chính trị… là những gương mặt thuộc phạm vi công chúng.
Ông Trương Duy Nhất có một số bài nói về các lãnh đạo VN hiện nay, tức nói về một vấn đề thuộc phạm vi « công chúng ».
Bản cáo trạng của viện Giám Sát kết tội ông Nhất : viết bài « không đúng sự thật, tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước ».
Thế nào là ý nghĩa của « xuyên tạc » trong « xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật » của đảng và nhà nước ?
Những bài viết của ông Nhất liên quan đến « đường lối, chính sách » của đảng và nhà nước, có thể trái với « ý » của đảng, nhưng nó lại vừa « lòng dân ». Bởi vì, thực tế chứng minh, các chính sách, đường lối của đảng đã đem lại lợi ích nào cho đất nước, cho nhân dân ?
Các đại công ty (không phải chính sách của đảng thì của ai ?) lần lượt sụp đổ, đem lại nợ nần hàng chục tỉ đô la. Ai vào đây gánh nợ ?
Chính sách giáo dục đi từ thất bại này sang thất bại khác. Luân lý, đạo đức suy đồi. Xã hội xáo trộn, người dân sống bất an. VN không đào tạo được nhân công cao cấp đúng tiêu chuẩn cung ứng cho thế giới, cũng bất lực trong việc giải quyết công ăn việc làm cho người vừa tốt nghiệp. Thất bại ở đây không phải là chính sách của đảng thì của ai ?
Các quặng mỏ khoáng sản, than đá, dầu khí… khai thác gần cạn kiệt. Nhân dân hay đảng đã khai thác ? Đảng và nhà nước đã xây dựng được gì cho đất nước, cho nhân dân từ các nguồn tiền đó ? Hạ tầng cơ sở không xây dựng được gì. Những công trình xây dựng đều do vốn nước ngoài đầu tư. Các trạm thu phí dựng lên từng chặn đường là để bóc lột người dân trả nợ cho chủ đầu tư. Vậy thì các khoản tiền thu từ khai thác hầm mỏ (hàng 40 năm nay) như vậy đã đi đâu ? Người dân hay đảng đã hoang phí ?
(Thật là một xấu hổ lớn, Hà Nội vừa tổ chức sinh nhật ngàn năm tuổi. Không có một cây cầu nào của người VN xây qua sông Hồng. Sài Gòn đi Nha Trang (khoảng 400km) phải mất một đêm. 92 km từ Hội An đi Đà Nẵng mất 5 tiếng đồng hồ. Từ Hạ Long về Hà Nội con đường ô nhiễm nhất nước, mất 7 giờ. Bụi than đen che phủ mọi nhà, không thấy một bóng cây xanh. Hiện nay, tại khu vực Hạ Long, người ta còn khai thác đá bừa bãi, phá hoại cảnh trí thiên nhiên. Trong khi tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội vẫn vậy, do Pháp xây dựng từ trăm năm nay. Không thể tả hết những dơ bẩn kinh hoàng của chuyến tàu đêm trên tuyến đường này. Du khách đi một lần rồi không bao giờ trở lại. Dơ bẩn là một chuyện. Thời gian là chuyện khác. Không ai đi du lịch mà chấp nhận thời gian mất cho giao thông tương đương với thời gian đi ngoạn cảnh.)
Về việc bôi nhọ những gương mặt của công chúng, ông Nhất viết rằng TT Dũng viết sai lỗi chính tả.
Thì đúng như vậy ! Ông Dũng gốc Nam Kỳ (dân ruộng như tôi) hay viết sai chính tả. Đây là một sự thật. Nói ông Nhất « bôi nhọ » lãnh đạo là không đúng.
Về những nhân vật khác cũng vậy, ông Nhất viết đều đúng, hay thể hiện một thực tế, không thể phản biện được.
Viện Kiểm Sát kết tội Trương Duy Nhất như vậy là không thuyết phục.

Cũng như nhà báo Hoàng Khuơng, nhà báo Trương Duy Nhất, một con ngựa đau, cả tàu tranh ăn cỏ của con ngựa bệnh.Sự thật là vậy. Không bao nhiêu người đồng liêu với ông Nhất lên tiếng bênh vực ông này.
Một tờ báo chết, 700 tờ báo khác sống. Tất cả đều thuộc về một ông chủ. Sự sống chết của tờ báo trực thuộc vào nhu cầu của ông chủ.

Nhưng một người cầm viết thì không ai có thể quyết định sự sống chết như tờ báo. Mọi quyết định trong chiều hướng này đều chà đạp lên đạo lý con người, phỉ nhổ vào công lý, lăng mạ vào danh dự của cả cộng đồng nhân loại.Im lặng trong hoàn cảnh này là đồng lõa.

-Văn Hoá “Exit”
Alan Phan
 25 Feb 2014
Mỗi một “exit” (lối ra) là một “entry” (cửa vào) cho đâu đó (Every exit is an entry somewhere else – Tom Stoppard)

Có thể tôi hơi méo mó nghề nghiệp về quan niệm “exit” (thoát ra). Trên góc nhìn của một nhà đầu tư, phi vụ hay dự án chỉ thành công khi nào tất cả số tiền giải ngân đã được thu hồi về an toàn theo đúng mục tiêu về lợi nhuận và thời điểm. Mọi người có thể tự sướng khi thấy cổ phiếu hay tài sản của mình có một thị giá thật tốt (thường là trên giấy tờ), như mong ước…nhưng với nhà đầu tư chuyên nghiệp, nếu không có thanh khoản hay bị những rào cản làm chậm trễ hay gây rắc rối về sự rút vốn, thì thị giá của tài sản không mang một ý nghĩa gì.
Nghe thì đơn giản, nhưng đây lại là một thử thách lớn lao nhất của nghiệp vụ đầu tư. Khi có tiền, nhà đầu tư nắm phần cán và tha hồ đưa ra điều kiện hay đòi hỏi theo ý của mình. Có tiền thì lúc nào cũng có nhiều lựa chọn về phi vụ và dự án với những tiêu chí về lợi nhuận, rủi ro, địa điểm và thời hạn. Nhưng khi đồng tiền đã được giải ngân, thì sự kiểm soát trở nên một bài toán phức tạp với sự tham dự của nhiều đối tác và nhóm lợi ích. Khi thực sự exit thì vấn đề cần một giải pháp chu đáo hài hoà, với rất nhiều may mắn.
Trong cuộc sống hàng ngày, exit là một nhu cầu quan trọng cho thân thể, tâm thần hay sự nghiệp. Về thân thể, chỉ cho vào (ăn uống) mà không có đầu ra thoải mái, thì đủ thứ bệnh tật sẽ đến với những chất độc tích tụ. Một tâm thần quá tham lam, nhận rất nhiều mà không biết cho đi, thì sẽ bị héo khô và cô độc. Một sự nghiệp chỉ dựa trên thâu tóm và ích kỷ thì sẽ đến lúc phải đối phó với bao nhiêu là chống đối và áp lực.
Nhìn vào thiên nhiên, định luật của đất trời là “sinh” và “tử”. Có vào thì phải có ra. Bốn mùa tuần tự tiếp nối, không mùa đông nào dài đằng đẵng, không mùa hè nào là bất tận. Vậy mà suốt lịch sử, các vị vua chúa lúc nào cũng bắt dân phải tung hô “vạn tuế”, “muôn năm” …không có triều đình nào suy nghĩ về chuyện “exit”, cho đến khi quân thù đến tận cổng thành.
Ngày nay, ngay tại những quốc gia có sẵn cơ chế cho những nhiệm kỳ của chánh phủ, của đảng phái, của quốc hội, của ngành tư pháp…phần lớn vị quan nào nắm quyền lực cũng muốn mình hay phe nhóm tái cử dài dài và không chừa bất cứ thủ đoạn chính trị nào để đạt mục tiêu. Ở những quốc gia còn chập chững giữa phong kiến và dân chủ, chuyện “cha truyền con nối” hay ít nhất là lợi ích cho “con cháu mình”  vẫn là một vấn nạn cho những người dân xui xẻo.
Tuy nhiên, sau những bài học đẫm máu và oan nghiệt về tham quyền cố vị, nhiều quan chức hay đại gia đã bắt đầu hiểu rõ hơn định luật “hạ cánh an toàn”.  Văn hoá “exit” bắt đầu mọc rễ vào tư duy của lớp trẻ và những con người biết suy nghĩ. Không ai còn có thể chấp nhận một lý thuyết dựa trên những hoang tưởng trong quá khứ hay những luận cứ đầy mâu thuẫn với thực tại của xã hội thời Internet. Dù vẫn níu kéo vào quyền lực, một số không nhỏ những đầu óc tiến bộ đã chuẩn bị cho một văn hoá mới mà tôi gọi là văn hoá exit.
Văn hóa exit góp phần vào việc sáng tạo cho xã hội hay kinh tế. Không một động lực nào mạnh mẽ hơn là khi thế hệ mới hiểu rằng họ có thể thay thế những bậc đàn anh nếu họ có cơ hội công bằng . Và cơ hội lý tưởng nhất là một công nghệ, một thiết kế, một nghiên cứu, một chiến lược, một chánh sách… tốt hơn, hiệu quả hơn và gia tăng giá trị nhiều hơn. Silicon Valley đã tiến bộ không ngừng vì các kỹ sư, chuyên gia…đều suy nghĩ liên tục về khả năng đánh đổ những con khủng long của IT, trước là Microsoft, Intel…bây giờ là Google, Apple…
Trong nghệ thuật, truyện hay phim kịch, những exit đúng lúc hợp thời của những vai trò chính đã tạo nên những tác phẩm để đời. Nhường ánh đèn sân khấu lại cho một lớp người mới; hay bỏ đi xa để phiêu lưu vào một một vận hội mới là những điệp khúc hào hùng và thú vị cho bao nhiêu khán giả hay đọc giả. Trong thể thao, chúng ta chỉ hào hứng theo dõi khi một đội mới hay một vận động viên trẻ quật ngã những huyền thoại vô địch,.
Văn hoá exit đã tác động rất nhiều đến những biến cố lịch sử. Khi George Washington thắng đế quốc Anh và đem lại độc lập cho Hoa Kỳ, ông được sự ủng hộ và yêu mến của đa số dân Mỹ. Nhiều phe nhóm muốn ông làm Vua hay Tổng Thống suốt đời. Tuy nhiên, ông nhất định exit sau một nhiệm kỳ và tạo một tiền lệ tốt đẹp cho nền dân chủ trẻ trung của Mỹ. Trong khi đó, ngài Mugabe cứ khăng khăng bám lấy ghế Tổng Thống của Zimbabwe sau 34 năm trị vì. Kết quả của sự “không chịu exit” này là một thảm hoạ cho đất nước và người dân Zimbabwe.
Nếu mọi người, từ một phó thường dân đến các lãnh đạo tối cao, thực hành văn hoá cũng như tư duy exit trong mọi ứng xử, đất nước này sẽ có thêm một “đôi hia bảy dặm” cho thời khó khăn của hội nhập và cạnh tranh. Chúng ta quá cần những dòng máu mới. Dù thực tế đôi khi buồn thảm như Malcolm Muggeridge đã than thở vào thời của ông ta,” Ít nhà lãnh đạo nào biết phong cách exit thật đẹp vào thời điểm thích hợp (Few leaders have been able to make a graceful exit at the appropriate time).

Alan Phan
(viết cho SGTT trong số báo exit để tái sinh dưới hính thức khác).





Nỗi nhục này không chỉ là nỗi nhục của riêng tờ báo SGTT
Tin Không Lề 28-2-2014

Ngày 28/2/2014 là ngày tờ báo SGTT chính thức bị khai tử. Sự kiện tờ báo SGTT bị đình bản chính là cái tát vào mặt các TBT của tất cả các tờ báo khác, những tờ báo không nhận tiền từ ngân sách của chính phủ, không phải là cơ quan ngôn luận của đảng và nhà nước.


Trong khi họ bức tử tờ SGTT nhưng tất cả các tờ báo khác đã im lặng, không tờ báo chính thống nào dám lên tiếng, mà chỉ đứng đó nhìn người anh em của mình bị giết chết. Điều này có nghĩa là, nếu họ muốn khai tử bất kỳ tờ báo nào thì họ có thể giết một cách dễ dàng, bởi không tờ báo nào dám lên tiếng, bênh vực cho tờ báo bị lôi ra làm thịt.

Nỗi nhục này không chỉ là nỗi nhục của riêng tờ báo SGTT, mà còn là nỗi nhục của tất cả các tờ báo ở VN và cũng là nỗi nhục chung của những người cầm bút.


————


https://www.facebook.com/manh.quan.14/posts/10152238372219824
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=672834109430226

Mạnh Quân


Hơn 5 năm cùng Sài Gòn Tiếp thị, thế là hết…

Sáng nay, nhắn cái tin cuối cùng cho anh em Hà Nội kêu gọi đăng ký đề tài cho số cuối cùng của Sài Gòn Tiếp thị. Thấy trong lòng nao nao…Tuy cũng hơi buồn nhưng cũng mới nhận được tin vui: SGTT có thể tái sinh, ở một cái tên khác…Mong những bạn bè, đồng nghiệp, độc giả đã ủng hộ SGTT, tiếp tục ủng hộ chúng tôi ở một tờ báo mới (chưa tiện nêu tên )

Nhớ lại những ngày đầu vào SGTT, hồi năm 2008, mình được bạn Lan Anh (hiện giờ làm ở FORBES) và anh Hà Tân Cương, thư ký tòa soạn SGTT giới thiệu với anh Tâm Chánh về làm SGTT. Lúc đó SGTT đang lên, “Góc nhìn” có 2 trang và anh Huy Đức đang “very hot” ở đó. Được mời tham gia mục này, lương cả cục, gây sốc cho anh em phóng viên ngoài Bắc thời điểm đó. Thích quá, lại đang chán chán báo Thanh niên (sau 8 năm rưỡi làm việc), không phải chán anh em, mà chán với việc lúc nào cũng hùng hục chạy làm thời sự, muốn bớt chạy, ngồi phán nhiều hơn nên sang luôn . Cùng thời gian đó, có cả Tư Giang.

Sang được mấy hôm, Hà Tân Cương chát, hỏi: sang đây rồi định thế nào ? . Mình bảo: “Em tính làm độ…chục năm, nếu thấy oải thì xin chuyển, đi tìm báo nào khác, làm biên tập”. Hà Tân Cương cười rộ, bảo: 10 năm thì không biết ai còn, ai mất đâu.


Giờ Tân Cương còn đi trước mình mà lời nói ngày xưa vẫn nghe như đâu đó bên tai…

Ở SGTT quá vui. Những năm đầu sang, được viết cùng mục với anh Huy Đức, Mỹ Lệ, cùng Tư Giang…và có cả nhiều cây viết thuộc nhóm IDS xưa tả xung hữu đột. Những bạn ở các nhóm thời sự, điều tra…cũng tung hoành, lăn lộn. Thấy chất lượng bài vở ví dụ như tuyến đề tài về Bauxite tây Nguyên, những bê bối của khối tập đoàn kinh tế nn… khác nhiều các báo, đọc sướng lắm. Số báo nào ra cũng háo hức đón để xem bài mình thế nào, tự sướng. Những năm đó, hầu như không thấy mấy ai chê SGTT, ai chê, nóng mặt lên ngay

Trước SGTT, mình đã làm 3 báo nhưng chẳng làm chỗ nào thích như SGTT. Một môi trường làm việc rất dân chủ, pv luôn có thể nạt sếp vì sao không dùng bài, vì sao biên tập thế này, thế kia…nhưng cũng không phải quá chớn (quy chế là, nếu nói năng xúc phạm nhau, ăn ngay một tờ A4-nghỉ việc )…và rất có nề nếp, quy trình làm việc khá rõ ràng, hợp lý. Hầu như không có hiện tượng tranh giành, ganh ghét, phá nhau…như ở nhiều nơi. Lương và nhuận bút khá ổn (có thể là một nguyên nhân dẫn đến khó khăn )…sức ép không quá lớn. Thái độ các sếp nói chung nhã nhặn, văn minh…


Ở SGTT, cái thích nhất là ở đây mình nhận ra mình là ai. Mình thấy mình khá giống tính cách nhiều anh em SGTT: vô tư, không để được cái gì lâu ở trong bụng, có gì là tuôn xối xả lên báo, lên FB…Hôm trước, đi Đồng Nai, Trâm Anh K bảo: Anh Mạnh Quân chẳng có tí nào giống người Hà Nội cả, ngoài cái giọng nói…, mình giật mình: ừ nhỉ, có vẻ thế thật :)))

Thế mà giờ đây, cũng mới được độ 5 năm, hơn tí, còn chưa kịp nhận huy chương bạc (5 năm huy chương bạc, 10 năm huy chương vàng, cống hiến hết đời thì được 100 triệu đ +lãi suất từ ngày có chính sách :-p)…thì báo đã ngừng hoạt động. Hà Tân Cương còn đi trước cả mình. Sau khi anh Huy Đức phải nghỉ việc, một thời gian sau thì anh Tâm Chánh cũng phải giả chức TBT. Không lâu sau đó, một số người mình kính trọng, quý mến nhất…đã lác đác đi dần, theo từng bước khó khăn của tờ báo: Duy Thông, Trúc Quân, anh Đoàn Khắc Xuyên, Quốc Khánh, Lan Anh, Mai Mai Hương…những người ấy đi, mang theo một phần hồn của Sài Gòn Tiếp thị. Người thì sang FORBES, người thì sang Người đô thị, Một Thế giới…Mình đã dần dần quen với việc người này đi, người kia đi…Càng gần đến ngày báo bị đưa vào thế phải đình bản, ngày càng có nhiều người đi.

Trước tết, công đoàn tụ tập anh em cả 3 vùng miền vào Đồng Nai du hý, nhậu nhẹt…rất vui, uống rượu bia bằng bát, hát chung đến khản giọng…vui như như từng vui như thế nhưng trong lòng đều hiểu rằng, đó sẽ là lần gặp nhau cuối cùng. Chia tay nhau, chẳng ai khóc mà trong tim cảm thấy như nước lạnh tràn qua…

Văn phòng Hà Nội có bao nhiêu người đã đi trong 2-3 năm qua nhỉ ?. Đầu tiên là chị Kim Hoa, rồi Đỗ Hữu Lực, Tư Giang…gần đây là Xuân Thi, rồi chị Ngọc Hà vào tòa soạn Sài Gòn, mấy ngày trước là Việt Anh-Chí Hiếu sang thử việc ở Vnexpress. Mỗi một chiếc ghế trống đi, là lại chơi vơi một nỗi buồn …

Có người vẫn bảo, chúng tôi vì thua lỗ, phải đóng cửa. Ừ thì có khó khăn, những sai lầm nội tại, nợ nần chồng chất…là một nguyên nhân. Nếu hoàn toàn khỏe thì cũng chẳng đến nỗi để người ta phải đẩy mình thêm đến bước đường cùng. Nhưng cứ để chúng tôi bán xong trụ sở-nơi chúng tôi mua được bằng tiền của mình làm ra, trả nợ, lỗ xong, chúng tôi vẫn còn dư tiên để có thể sống, chiến đấu đàng hoàng một thời gian nữa. Có những nhà đầu tư sẵn sàng hợp tác làm ăn, giúp chúng tôi qua khó khăn. Nhưng người ta vẫn không muốn thế. Đang chơi vơi ở bờ vực, vẫn có thể đứng vững, nó còn hích cho một phát, làm gì không rơi xuống vực, làm gì chẳng chết…

Người ta có thể nói, đâu, vẫn còn tớ SGTT đó thôi, chủ quản mới là Sở Công thương-giao cho nhóm Saigontimes Group quản lý. Nhưng không phải, chỉ là cái tên thôi, hàng fake là chắc chắn, bởi hầu như không có ai của SGTT sang. Có người sang, lại là làm cho tờ TBKTSG tuần báo. Sẽ chẳng còn chuyên mục, tinh thần, bản sắc nào của SGTT 19 năm qua ở cái tờ mới này cả. Sẽ chẳng còn những bài viết của những cây viết vẫn còn vang danh của SGTT những ngày cuối: Người Già chuyện Trần Hữu Bảo, Nguyễn Ngọc Tư, Vĩnh Nguyên…Nghe đâu, người ta lấy về, chỉ lại là để mua đi, bán lại cho một nhóm nào đó, muốn ăn chút hơi tàn…của SGTT. Hãy nhớ giùm điều đó…


Rồi. Chết thì chết. Chết không phải là hết. Có nhiều anh em đã và sẽ có chỗ làm việc mới, lại chiến đấu, cống hiến hết mình đúng tinh thần làm việc của SGTT. Có những bạn khó khăn hơn, nhưng rồi cũng sẽ có chỗ làm việc. Có nhiều anh em sẽ tụ tập về một mái nhà mới (tin mới nhật). Nhưng tôi tin, dù đi đâu, chúng ta sẽ mãi nhớ về cơ quan này, mái nhà này…nhớ những lúc vui buồn, cùng nhau nhậu nhẹt, ca hát thâu đêm…nhớ cả những nỗi căm giận chung với những kẻ phá hoại tờ báo, khiến anh em ta từ mai, mỗi người một phương.

Mùa Thu, Chí Hiếu Phan, Trần Lệ Hà, Thanh Tuyền, Xuân Xuan Thi, Phuong Le…các em ơi, hãy nhớ nhé, cái ngày này, 28.2, chúng ta sẽ lại tụ tập nhau. Chắc là sẽ khó có ngày nào, có một nơi nào để anh em ta cùng nhau về một chỗ, cùng làm việc …nhưng chúng ta sẽ nhớ những tháng ngày này.

Xin chào tạm biệt những người anh em SGTT của tôi, nhất là những người đã cùng gắn bó với SGTT đến ngày cuối…

Hôm nay, là ngày làm số báo cuối cùng cho SGTT. Vui, buồn lẫn lộn )), ((


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
______________________

TP.Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 12 năm 2013

ĐƠN XIN CỨU XÉT KHẨN CẤP
CỦA TẬP THỂ NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐANG LÀM VIỆC TẠI 
BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ 
VỀ SỰ TỒN TẠI CỦA BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ

Kính gửi: 
- Ông Lê Thanh Hải – Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh,
Đồng kính gửi: 
Ông Lê Hoàng Quân – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM,
Ông Hứa Ngọc Thuận – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM

Căn cứ vào thông báo số 924/TB-VP của Ủy ban Nhân dân TP. HCM ban hành ngày 30 tháng 11 năm 2013 về Nội dung kết luận của Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Hứa Ngọc Thuận tại cuộc họp về kiến nghị của Báo Sài Gòn Tiếp Thị. 
Căn cứ vào thông tin của Ban biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị thông tin lại về nội dung cuộc làm việc giữa Ban biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, các trưởng phòng ban cùng đại diện Ban biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn vào ngày 23 tháng 12 năm 2013. Theo đó, Thời báo Kinh tế Sài Gòn chỉ nhận để duy trì thương hiệu Sài Gòn Tiếp Thị chứ không phải nhận bàn giao tất cả. Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã chuẩn bị phương án dự kiến là xin ra bộ mới, sử dụng măng set Sài Gòn Tiếp Thị dựa trên cơ sở kế thừa tôn chỉ mục đích của Sài Gòn Tiếp Thị và chỉ tiếp nhận phóng viên, biên tập viên khoảng 10 người. Như vậy số lượng nhân sự dự kiến không phải là danh sách thống nhất được tiếp nhận theo tinh thần Thông báo số 924/TB-VP của Văn phòng Ủy ban Nhân dân TP.HCM ngày 30 tháng 11 năm 2013 mà tất cả nhân sự phải đăng ký tuyển dụng. 
Trước sự hoang mang và bức xúc của hàng trăm người lao động, chúng tôi: Công đoàn, Chi đoàn Thanh niên, Chi hội nhà báo Báo Sài Gòn Tiếp Thị và tập thể người lao động đang làm việc tại Báo Sài Gòn Tiếp Thị đồng lòng ký tên vào bản kiến nghị này, để mong Lãnh đạo UBND TPHCM quan tâm xem xét, bởi chúng tôi - tập thể trên 100 con người đang đứng trước nguy cơ bị mất việc. Sài Gòn Tiếp Thị, tờ báo mà chúng tôi gầy dựng, gắn bó và làm việc suốt thời gian qua (19 năm), tờ báo để lại dấu ấn đậm nét cho bạn đọc trong và ngoài nước, đang đứng trước nguy cơ bị thay thế. 
Chúng tôi- tập thể người lao động đang làm việc tại Báo Sài Gòn Tiếp Thị làm đơn khẩn cấp gửi các lãnh đạo xem xét các vấn đề sau:
1- Nguy cơ mất việc: đơn vị tiếp nhận mới có thể không đồng ý tiếp nhận người lao động đang làm việc tại báo Sài Gòn Tiếp Thị, không quan tâm đến quyền lợi của họ là trái với Luật lao động, và đạo lý của người Việt Nam. 
2- Giao thương hiệu Sài Gòn Tiếp Thị cho đơn vị khác quản lý, mà không xem xét đến nguyện vọng, đời sống, nhu cầu người lao động đã xây dựng và sáng tạo ra tờ báo suốt 19 năm qua là cách làm thuần lý mà thiếu tình người.
3- Vì sao phải buộc tờ báo của chúng tôi phải tự đình bản, trong khi chúng tôi không hề vi phạm qui định quản lý báo chí, cũng như các qui định khác của Nhà nước . Chúng tôi, hàng trăm người lao động rất muốn tiếp tục được làm việc tại báo Sài Gòn Tiếp Thị một cách đầy tinh thần trách nhiệm, hợp pháp với tư cách của một công dân Việt Nam đóng góp sức lực cho công cuộc phát triển của đất nước trong khuôn khổ pháp luật của Nhà Nước.
Chúng tôi, tập thể nhân viên báo Sài Gòn Tiếp Thị kiến nghị:
Xin cho tờ báo Sài Gòn Tiếp Thị được tồn tại độc lập, chúng tôi xin hứa sẽ tiếp tục duy trì hoạt động báo Sài Gòn Tiếp Thị theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà Nước, vận hành tờ báo có hiệu quả. 
Chúng tôi cam kết sẽ đồng lòng sát cánh cùng Ban biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị giải quyết vấn đề tài chính của tờ báo theo phương án mà UBND TPHCM đã phê duyệt, bên cạnh đó các anh em công đoàn viên báo Sài Gòn Tiếp Thị đồng lòng chấp thuận cho cơ quan báo Sài Gòn Tiếp Thị chậm trả lương, trả nhuận bút trong một thời gian để nhằm giải quyết tình hình tài chính. 
Chúng tôi xin phép được tiếp tục tồn tại trong vòng 3 đến 5 năm nữa theo thời hạn của giấy phép tiếp tục. Chúng tôi cam kết nếu trong khoảng thời gian đó nếu chúng tôi không đủ sức đảm bảo quá trình hoạt động được nữa, chúng tôi sẽ tự xin đình bản.
Đề nghị trước khi ra quyết định, các cơ quan quản lý hãy lưu tâm đến số phận của chúng tôi - những con người đã tạo và xây dựng nên thương hiệu tờ báo Sài Gòn Tiếp Thị và lắng nghe nguyện vọng của chúng tôi, những người lao động tự tin rằng có thể có tiếp tục duy trì tờ báo từ những cơ sở đã nêu ở trên, và đủ tự trọng để không muốn trở thành "gánh nặng" cho xã hội. Chúng tôi mong các cấp lãnh đạo có những quyết định sáng suốt và nhanh chóng giải quyết để chúng tôi tiếp tục an tâm làm việc trong giai đoạn này, với hàng trăm người lao động gồm các phóng viên, nhà báo, biên tập viên đang hoang mang, đang muốn khiếu nại nhiều nơi để tự bảo vệ quyền lợi của họ.
Chúng tôi khẩn thiết mong nhận được sự giải đáp nhanh chóng và quyết định đúng đắn từ các cấp lãnh đạo. Chân thành cảm ơn.
Trân trọng kính chào.

Nơi nhận:
Như trên;
Lưu.
Đính kèm:
Bản chữ ký của tập thể người lao động đang làm việc tại Báo Sài Gòn Tiếp Thị đồng ý nội dung của bản kiến nghị này.
-Cuối năm buồn của SGTT (Blog Mạnh Quân 23-12-13) Cả đêm không ngủ. Buồn. Chao đảo…Cuối cùng thông tin cũng không còn giữ được nữa. Nói như Bút Lông cũng đúng: 107 con người còn lại của SGTT đang chuẩn bị phải chọn lọc, dự tuyển vào chính tờ báo của mình khi đổi cơ quan chủ quản…

Trong 107 người đó, sẽ có rất nhiều người sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp. Bởi tiêu chí của tờ báo SGTT bộ mới, bởi yêu cầu của cơ quan chủ quản mới, một ban biên tập mới…đi theo hướng khác. Có những người không còn phù hợp, có những người không còn cần thiết…Trong số đó có những người giỏi giang, tay nghề khá…nhưng đơn giản, vì báo SGTT mới đi theo hướng hàng hóa, mua sắm, tiêu dùng…gẫn gùi, thiết thực, dân sinh hơn, không cần đến những thông tin vĩ mô, những chuyện điều tra, phê bình, chiến đấu...như thời chị Kim Hạnh-người khai sinh ra báo. Hướng đi đó, có thể hay hơn hiện nay, có thể làm tờ báo sống tốt hơn, cũng sẽ có nhiều độc giả, nhiều nhà quảng cáo tìm đến…

Nhưng bao nhiêu con người, trong đó có cả những người gần gũi mình mấy năm nay, một chốc rơi vào cảnh chờ trợ cấp thất nghiệp. Không có một chút nhân ái nào, không có sự bao dung nào..sự nhẫn tâm của nghề nghiệp, của cuộc chơi chính trị…thật cay đắng, nghiệt ngã. Đó là một cú sốc. Làm sao có thể ngủ ngon được nữa đây ?

Vẫn biết trước sớm muộn có tình cảnh này mà sao buồn đến thế. Tôi không trách những người lãnh đạo của SaigonTimes…trong việc tiếp nhận này. Họ không có quyền từ chối tiếp nhận. Đã từ lâu, tờ báo đó cũng khó khăn, anh em cũng khó khăn hơn, cũng phải ấm ức chấp nhận giảm lương để cơ quan trích lập dự phòng rủi ro, để vận hành SGTT trở lại mái nhà xưa…trong tư thế thật buồn. Chắc là sẽ có không ít anh chị em SGTT hiện nay sẽ qua SGTT mới và chắc là các anh SGT cũng sẽ tạo điều kiện để mọi người phát huy sở trường, làm nên một SGTT mới cũng rất hay, được độc giả, được nhiều nhà quảng cáo tiếp tục ủng hộ 

Đây là một cuộc “hôn nhân” cả 2 bên không mong đợi. Bị cưỡng hôn. Đúng thế. Liệu cuộc hôn nhân đó rồi có tốt đẹp cho cả hai không, tôi ko dám nói. Nhưng trong lòng cũng thấy hẫng hụt. Sao trong lúc cay đắng, chia rẽ này, chỉ thấy không khí lạnh lẽ, chẳng có sự ấm áp, chia sẻ tình người…Có những nữ phóng viên giỏi, nhưng vừa nghỉ sinh con. Bỗng dưng biết rằng, mình có thể thất nghiệp. Buồn không? –Tê tái.

Hãy đừng nói rằng báo SGTT thua lỗ, phá sản. Không, chính nhiều tháng nay, báo vẫn làm ăn có lãi, nếu không tính đến khoản thua lỗ đáng kể do thời ký khó khăn trước, chủ yếu do vay vốn ngân hàng, ls quá cao…Bây giờ, thành phố cho bán trụ sở đi, vẫn còn dư để trả mọi khoản nợ nần, hết lỗ…Vẫn có thể tiếp tục làm báo, làm hay hơn, ổn định, có lãi…

Nhưng người ta không muốn cho SGTT sống, dù cũng có những nhà đầu tư mạnh sẵn sàng nhảy vào cuộc để chấn hưng tờ báo. Người ta muốn có một cuộc thay máu ở tờ báo này thì biết làm sao được ? . Báo SGTT không chết, không phá sản mà tái sinh, vẫn cái tên ấy, ở cơ quan chủ quản trước đây…có thể rồi sẽ làm tốt hơn, nét hơn…nhưng sao vẫn chua chát thế này ?

Dù thế nào, SGTT từ đời TBT Kim Hạnh đến TBT Đặng Tâm Chánh…mỗi thời làm mỗi khác nhưng thời nào cũng có bản sắc. Thời của anh Tâm Chánh, báo bớt viết về mua sắm tiêu dùng, ít thiết thực hơn…nhưng lại mon men, có lúc đã đến gần hơn, đến trực tiếp hơn với sự thật qua những loạt bài của Huy Đức: Bức tường Béc lin, Chị Hai Thủ tướng…những bài về Vinashin, về hiểm họa bùn đỏ Tây Nguyên…của Tư Giang, của Mỹ Lệ, của nhóm IDS cũ: Quang A, gs Tương Lai…chắc chắn có nhiều bài, đến giờ vẫn chưa phai trong tâm trí của độc giả…

Nhưng thời thế là vậy. Từ lâu, nhiều anh chị em SGTT đã qua báo này, báo khác…Bản sắc của SGTT đâu đó, lại thấy ở Người Đô thị, rồi có thể là Một Thế giới…Một nhóm anh chị đang làm rất hay ở FORBES…Nhưng dẫu sau, cuộc chia tay nào cũng buồn. Rồi đây, vài tháng nữa, ai cũng sẽ tìm được chỗ của mình. Tôi tin vào tâm huyết, tài năng nhiều anh chị em sẽ không đến nỗi thất nghiệp. Cuối năm rõ ràng rất buồn rồi. Nhưng cũng chúc cho tất cả chúng ta, một năm mới, một chỗ mới tốt đẹp hơn…


'Tôi nhớ thời hoàng kim của SGTT'


Quyền Tổng biên tập tờ Sài Gòn Tiếp Thị sắp bị đóng, ông Nguyễn Xuân Minh nói về số phận tờ báo có tính cách và kể lại các giai đoạn thăng trầm của báo.

Tin báo Sài Gòn Tiếp thị (SGTT) sẽ ngưng hoạt động và chính thức sáp nhập vào Thời báo Kinh tế Sài Gòn kể từ ngày 1/3 năm sau, theo quyết định của các cơ quan chức năng vẫn khiến làng báo Việt Nam Bấmxôn xao.
Các bài liên quan

Làm rõ 'vùng cấm' và cơ hội báo tư nhân
Làm báo 'an toàn' trong lòng dư luận
Đài báo Việt Nam tự do làm hàng chợ?



Ông Nguyễn Xuân Minh giải thích với BBC về quá trình gọi là 'sáp nhập với cơ quan chủ quản mới' theo các tin đưa ra.


Ông Nguyễn Xuân Minh: Đây là một quyết định cũng làm cho đội ngũ của tôi trăn trở.

Tờ báo sẽ chấm dứt hoạt động và chuyển giao về Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Bên đó sẽ mở một ấn phẩm phụ mang tên Sài Gòn Tiếp thị.

Mình không thể bê nguyên đội ngũ cũ qua mà sẽ có một sự sàng lọc nhất định. Họ phải đảm bảo những yếu tố giúp họ tồn tại và phát triển vì bên kia cũng đang ở trong một giai đoạn rất khó khăn.

Điều đó cũng bình thường nhưng mà đúng là người lao động bức xúc vì người ta đã giúp xây dựng thương hiệu này rất nhiều năm rồi, giờ thì sau Tết họ lại có thể mất công ăn việc làm.

Đây là điều mà mình làm một tờ báo thì phải chấp hành

BBC: Những nguyên nhân nào khiến tờ báo phải ngưng hoạt động thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Minh: Thực ra thì tờ báo đã từ rất lâu đã có lỗ.



"Văn bản thanh tra báo"

Đỉnh điểm của khó khăn về mặt tài chính đó là vào năm 2011, nền kinh tế khủng hoảng đến mức lãi suất lúc đó lên đến hơn 23%, toàn bộ tiền bạc chúng tôi làm ra phải trả lãi vay cho ngân hàng.

Thành phố cũng đã quyết định cho chúng tôi bán trụ sở của mình mà khi trước sắm bằng tiền của đội ngũ tập thể ở đây để thanh toán nợ.

BBC: Báo trong nước nói là bản thân trụ sở của SGTT có giá trị cao hơn gấp nhiều lần so với khoản nợ mà tờ báo đang đối mặt hiện nay và nếu bán trụ sở này thì SGTT hoàn toàn có thể chi trả nợ và tiếp tục hoạt động. Vậy ông nghĩ nguyên nhân sâu xa dẫn đến quyết định của cơ quan chức năng trong việc buộc tờ báo chuyển chủ và sung số tài sản dôi ra vào công quỹ có bắt nguồn từ vấn đề nào nằm ngoài vấn đề tài chính hay không?

Thực ra thì nếu chúng tôi bán nhà thì ủy ban thành phố có quyết định rằng chúng tôi sẽ hưởng toàn bộ khoản đó chứ không phải nộp ngân sách. Không phải vì lý‎ do tài chính mà chúng tôi khó khăn.

Tôi vừa làm việc với một đơn vị và khả năng là tiền thu từ việc bán nhà là cao hơn rất nhiều lần so với số nợ mà chúng tôi đang có.


Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

Có lẽ có những vấn đề sâu xa mà chúng tôi không hiểu được.

BBC: Tờ báo đã từng viết khá nhiều về chủ đề chính trị, xã hội, ông có cho rằng đây là một trong những vấn đề khiến tờ báo gặp rắc rối hay không?

Ông Nguyễn Xuân Minh: Theo tôi đó là thời gian trước đây. Sau này chúng tôi cũng đã cố gắng điều chỉnh khi anh Chánh đột ngột đổi tổng biên tập.

Điều đó cho thấy rằng chúng tôi tự tìm hiểu lý do của nó và hiểu rằng mình phải điều chỉnh nội dung tờ báo theo tôn chỉ, mục đích của tờ báo trên giấy phép.

Chính những vấn đề này đã dẫn đến những sự xáo trộn trong bộ máy quản lý‎ của tờ báo.

Chúng tôi đã thay đổi rất nhiều nội dung và thậm chí nhiều người nói là tờ báo bị ‘hèn đi’.

Nhưng thú thật là chúng tôi phải trở lại với con đường của mình đó là một tờ báo hàng hóa, tiêu dùng, thị trường và những vấn đề khác thì cũng đề cập có liều lượng. Trước đây mình sa vào những vấn đề vĩ mô quá thì cũng mang lại nhiều bất lợi.

BBC: Năm 2009 SGTT đã cho thôi việc nhà báo Huy Đức vì bài “Bức tường Berlin” trên blog riêng của tác giả. Các hãng thông tấn quốc tế nói Ban Tuyên giáo Trung ương đã ‘than phiền’ về các bài blog và bài báo của ông Huy Đức. Phải chăng việc cho thôi việc nhà báo Huy Đức là để tránh cho tờ báo khỏi những rắc rối nằm ngoài vấn đề tài chính?



"Dù thế nào, SGTT từ đời TBT Kim Hạnh đến TBT Đặng Tâm Chánh…mỗi thời làm mỗi khác nhưng thời nào cũng có bản sắc"


Blogger Mạnh Quân

Ông Nguyễn Xuân Minh: Ở đây có yếu tố nhạy cảm, như bản lĩnh về mặt chính trị để xử lý vấn đề đó.

Cũng đã rất nhiều lần chúng tôi bị bên tuyên giáo phê bình và cũng cần nói rõ không ai ép buộc anh Huy Đức nghỉ.

Chính ban biên tập lúc đó có thảo luận với anh Huy Đức là tình hình rất gay go và chúng tôi có đề nghị với anh Huy Đức là mình chia tay với nhau để tờ báo khỏi có những chuyện căng thẳng, và sau này có những bài vở nào thì anh có thể tiếp tục cộng tác.

Sau đó thì anh Huy Đức cũng vui vẻ, không có vấn đề gì.

BBC: Phía bên Thời báo Kinh tế Sài Gòn họ có cho biết là sẽ nhận vào bao nhiêu nhân sự từ SGTT hay không? Tâm lý cán bộ và phóng viên SGTT hiện nay ra sao và mọi người đã lên kế hoạch gì cho thời gian sắp tới?


Ông Nguyễn Xuân Minh: Tôi đã làm việc với các anh chị bên ban biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Người ta phải cân nhắc để thu gọn bộ máy nhằm phát huy hiệu quả cao nhất. Tất nhiên họ phải sàng lọc đội ngũ của SGTT mà bộ máy của tôi hiện nay là 107 người.



"Đỉnh điểm của khó khăn về mặt tài chính là vào năm 2011, nền kinh tế khủng hoảng đến mức lãi suất lúc đó lên đến hơn 23%, toàn bộ tiền bạc chúng tôi làm ra phải trả lãi vay cho ngân hàng."

Việc đó cũng bình thường, nếu là tôi thì tôi cũng sẽ làm vậy thôi, để đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Hiện nay hai bên đang làm việc nội bộ theo tinh thần đó chứ không có vấn đề gì như là nộp đơn thi tuyển lại hay gì khác.

Xin nói thẳng là họ cũng không vui vẻ gì khi nhận SGTT vì họ đang có một nhóm báo với nhiều ấn phẩm khác nhau.

Với người lao động thì chúng tôi sẽ có nhiệm vụ giới thiệu một số người cho báo Thời báo kinh tế sài Gòn để họ gặp gỡ và thỏa thuận.

Tất nhiên có những người khác mà những vấn đề như chế độ làm việc hay lương hướng mà người ta không vui vẻ thì lại muốn đi tìm một tờ báo tốt hơn.

Khi nhận về thì Sài gòn tiếp thị mới sẽ vận hành theo cách mới chứ không thể vận hành theo cách lâu nay.

BBC: Sau khi chuyển sang cơ quan chủ quản mới, ông sẽ nhớ gì về SGTT những ngày cũ?

Ông Nguyễn Xuân Minh: Tôi nhớ về thời hoàng kim của SGTT.

Tôi cũng chưa phải là người đã ở đây lâu lắm.Tôi biết có những anh chị gắn bó với tờ báo từ ngày khai sinh, khi đó vẫn còn là ấn phẩm phụ của Thời báo Kinh tế Sài Gòn.

Lúc đó cả đội ngũ phóng viên, biên tập viên phải lao đi làm Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, cho đến giờ đã là một hội chợ lừng danh cả nước.

Cho đến bây giờ thì báo đã phát triển chính quy hơn và các phóng viên có thể làm việc chuyên môn của mình và chuyện làm hội chợ để một đội ngũ khác.

Theo tôi nghĩ là phong trào người Việt dùng hàng Việt cũng là ‎ý tưởng do chúng tôi bền bỉ nuôi dưỡng ‎ từ chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao từ năm 1996, khi hàng ngoại tràn ngập thị trường.

Đó là dấu ấn lớn nhất trong đội ngũ của chúng tôi.

Một điều nữa, đó là không khí làm việc của tờ báo. Tình cảm gắn bó của anh em ở đây mà dẫn đến cả sự bức xúc lúc này, là do không hành nghề của SGTT là rất đáng qu‎ý và dù có đi đây đi đó thì cũng sẽ nhớ về không gian đó nhiều nhất.
Theo chủ trương của các cơ quan chức năng, từ 1.3.2014, báo Sài Gòn Tiếp Thị sẽ được chuyển giao cho Saigon Times Group. Tuy nhiên, thông tin mới nhất cho biết Saigon Times Group dự định chỉ tiếp nhận măng-sét tờ báo, còn nhân sự tổng cộng 107 con người nếu muốn ở lại sẽ phải thi tuyển lại từ đầu với số lượng được nhận rất hạn chế.

Thông tin trên đã khiến toàn bộ cán bộ, nhân viên, phóng viên của Báo Sài Gòn Tiếp Thị trải qua một kỳ giáng sinh buồn. Họ sẽ phải dự thi để được tiếp tục làm việc cho măng - sét của một tờ báo mà họ đã gắn bó, góp công gầy dựng từ nhiều năm qua. Số đông không được tuyển sẽ trở thành thất nghiệp và phải tự đi tìm việc.  
Trước thông tin và diễn biến như trên, tập thể phóng viên, nhân viên báo Sài Gòn Tiếp Thị tỏ ra rất hoang mang. Sài Gòn Tiếp Thị là tờ báo từng nổi tiếng hay về nội dung, đẹp hình thức. Thành lập từ năm 1995, gần 19 năm gắn bó với bạn đọc, Sài Gòn Tiếp Thị từng là một trong những tờ báo hay nhất Việt Nam với nhiều cây bút xuất sắc, lưu dấu ấn trong lòng bạn đọc khắp nơi.
Giờ thì vì khó khăn, tờ báo sẽ phải nhập về Sài Gòn Times Group, được biết qua tên gọi Thời báo kinh tế Sài Gòn. Trụ sở đặt tại 25 Ngô Thời Nhiệm dự định sẽ phải bán đi để thanh toán các khoản nợ. Giới thạo giá cả cho rằng, tòa nhà này có giá trị lớn hơn nhiều so với các khoản nợ của báo. Phần tài sản dôi ra, dự kiến sẽ được sung công quỹ nhà nước theo quy định
Từ nhiều ngày qua, trên trang cá nhân của rất nhiều nhân viên, phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị đã thể hiện sự buồn bã.
Nhà báo Mạnh Quân, văn phòng Sài Gòn Tiếp Thị tại Hà Nội ví von: “Nếu như biết rằng, các ấn phẩm của Sài Gòn Times Group nhiều bản cũng thua lỗ thì việc lấy măng sét Sài Gòn Tiếp Thị về liệu có khác gì Vinalines nhận tàu của Vinashin?"
Một số chuyên gia lĩnh vực kinh tế, báo chí phân tích, Sài Gòn Tiếp Thị hoàn toàn có thể tự phục hồi mà không cần phải sáp nhập. Đó là tờ báo này có thể bán trụ sở do chính mình tạo lập để trả nợ. Và với doanh thu hiện nay, tờ báo vẫn hoạt động tốt.
Được tin báo Sài Gòn Tiếp Thị lâm vào tình cảnh như trên, nhiều bạn đọc tỏ ra tiếc nuối với ấn phẩm đã thành thói quen hàng ngày của mình.
“Tờ báo có nhiều cây bút với hàng loạt bài viết in sâu vào lòng người. Ở mỗi thể loại báo chí, mỗi lĩnh vực, báo luôn có những bài viết hay về góc nhìn, phân tích kinh tế, ẩm thực, văn hóa. Tôi rất tiếc nếu phải từ giã tờ báo mình từng yêu quý”, Anh Xuân Vũ, một bạn đọc ở quận Bình Thạnh cho biết.
Thanh Nhã

Chiều qua xin gặp chị Kim Hạnh, chị hỏi: "Chuyện Sài Gòn Tiếp Thị hả bạn?". "Không". Tôi đã là "người ngoài" của SGTT từ 4 năm rưỡi nay. Nhưng đêm về đọc note của Mạnh Quân nghĩ mãi, nếu như năm 2009 mình không viết "Chị Hai Thủ Tướng" thì tôi và SGTT có như thế này chăng (bài này tôi chỉ định viết cho Osin Blog nhưng nghĩ, đang là người của SGTT cũng nên tham khảo ý kiến Tam Chanh, ai dè bạn ấy cân nhắc, tham vấn, rồi cho đăng trên SGTT - Tất nhiên, các bạn đang ở SGTT biết còn nhiều nguyên nhân khác)? Không hiểu tại sao, từ năm 2009 tới nay, người viết gặp nạn thường có duyên nợ với Thủ tướng: Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức với hai blogs, Change we need và Trần Đông Chấn (nói từ chuyện nhà cho tới chính sách của Thủ tướng); Phạm Chí Dũng bị nghi tác giả của Quan Làm Báo; Trương Duy Nhất "chấm điểm" Chính phủ và Thủ tướng quá thấp...
-Đoạn tin trn báo Tủi Trẻ bản in
Đoạn tin trên chưa thấy xuất hiện trên Tuổi Trẻ Online
-Không phải Thủ tướng đâu!

Hai ngày sau khi tin tức được Tuổi Trẻ công khai cho biết báo Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT) bị thanh tra toàn diện, ngay lập tức nhiều tin đồn đoán cho rằng đây là một độc chiên khác của Thủ tướng nhằm trả thù những gì tờ báo này đã từnglàm đã từng khiến tăm tiếng của ông ta bị ảnh hưởng.
Dù muốn hay không rất nhiều người công nhận rằng SGTT là nơi chừng như duy nhất còn giữ được chuẩn mực của một tờ báo đàng hoàng. SGTT chưa bao giờ chạy theo thị hiếu tầm thường của một số rất lớn độc giả hiện nay ưa thích, nhất là lớp thanh niên thiếu trang bị kiến thức chỉ biết chạy theo thứ thời thượng rẻ tiền của các phong trào khoe là chính, từ sắc đẹp tới cơ thể, từ giày dép tới nội y...SGTT chứng tỏ vị trí của nó đối với 700 tờ báo bạn là không "đụng hàng" và hoàn toàn vượt xa tầm với của hàng ngàn đồng nghiệp.
SGTT khi bước sang giai đoạn mới với Tổng biên tập Nguyễn Xuân Minh so với thời Tâm Chánh tuy thiếu vắng những cây bút sắc sảo nhưng bù lại tờ báo này đã khôn khéo mời một số trí thức cộng tác bằng các bài viết mang đậm chất thời cuộc với cái nhìn của các chuyên gia. Điển hình là ông Bùi Văn Nam Sơn được mời giữ chuyên mục "Câu chuyện triết học" được chú ý nhiều nhưng do áp lực từ chính quyền thành phố đã bị bỏ hẳn.
Tờ báo tuy nổi tiếng nhưng đồng thời làm cho chính quyền trái ý. Vào ngày 5 tháng Tư năm 2012, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã phát biểu chủ đề có liên quan đến báo chí và truyền thông, ông nhắc tới tờ SGTT mà ông gọi là 'sai tôn chỉ'. Câu nói "Tôn chỉ mục đích có rồi sao không theo? Báo của tổ chức này sao lại nói về lĩnh vực của tổ chức khác? Vì sao báo về tiếp thị lại đi viết về chính trị?” đã làm ông Huệ mất điểm trầm trọng và sau đó cư dân mạng đồng loạt chỉa ngón cái xuống đất cho một người mà họ từng kỳ vọng như một nhà cải cách trước đó.
SGTT tuy là tờ báo chủ trương về kinh doanh nhưng nó không ngần ngại khi viết về những chủ đề nhạy cảm, như chống Trung Quốc chẳng hạn. Những chiến dịch vận động giúp đồng bào tại Lý Sơn hay Trường Sa đã được tờ báo làm rất tốt. Không biết có phải vì quá tốt mà nó làm chạnh lòng bộ sậu của chính quyền do Bí thư thành ủy Lê Thanh Hải cầm đầu hay không, nhưng trước mắt nhiều người bạn của tờ báo đều quả quyết rằng cơ quan an ninh đã lập trước tòa soạn của SGTT một "tiền đồn" theo dõi ngày đêm sinh hoạt của tờ báo.
Cái tiền đồn này nổi tiếng đến nỗi ai vào tòa soạn cũng biết chức năng của nó là theo dõi, nhưng không ít người đã ghé tạt vào nó xem thử chủ quán là ai, mặt tròn mặt dẹt thế nào và cuối cùng thì anh chàng an ninh được phân công theo dõi trở thành chủ cái quán ngày càng đông khách và dĩ nhiên anh ta và vợ con vẫn không thể quên mục đích chính của mình.
Cái lô cốt "chỉ điểm" ăn nên làm ra nhờ theo dõi ấy đã xuất hiện từ lâu chứ không phải mới đây. Từ sau khi Tổng biên tập Tâm Chánh và nhà báo Huy Đức bị thải hồi, kéo theo hàng loạt tai tiếng cho Thủ tướng đương nhiệm.
Tin thanh tra toàn diện tờ báo làm nhiều người chán chường trong đó có mình.
Mình thật sự lo cho tờ báo mà mình yêu thích nhất sẽ theo kịch bản cũ là thay Tổng biên tập, thay những cây viết không biết nịnh, và đòn thù này còn đánh xa hơn như đã từng đánh kẻ đã làm cho Thủ tướng mất ngủ: nhà báo Tâm Chánh, nguyên Tổng biên tập của Sài Gòn Tiếp Thị.
Tổng biên tập Tâm Chánh là người chịu trách nhiệm cho đăng bài viết của nhà báo Huy Đức, người sau này nổi tiếng với trang blog Osin. Huy Đức là tác giả bài phóng sự điều tra mang tên "Ngay thẳng" đăng trên SGTT viết về vụ chính quyền tỉnh Bình Dương cưỡng chế 280 hecta cao su để làm khu công nghiệp. Số đất này đã được luốn lách bán với giá rẻ mạt là 50 triệu mỗi hécta cho 40 hộ gia đình, trong đó có cả gia đình bà Hai Tâm, người chị ruột của Thủ tướng cũng đứng tên một số đất tại đây. Cái giá 50 triệu đồng mỗi hecta được báo chí cho là tham nhũng, gian trá, hợp thức hóa đất của nhà nước vì phía sau có chỗ dựa là Thủ tướng
Việc làm này của huyện Bến Cát tỉnh Bình Dương được nhà báo Huy Đức cho là ngay thẳng vì không nhân nhượng cả chị ruột của Thủ tướng đương nhiệm.
Sau bài báo, nhiều nhân vật trong tòa soạn SGTT bị trả đũa nặng nề. Huy Đức, tác giả bài báo bị buộc thôi việc. Tổng biên tập Tâm Chánh thôi chức và về làm việc tại một cơ quan khác là ITPC tức là Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM. Sự trả đũa này lộ liễu và tiểu nhân đến nỗi ngay cả báo chí ngoại quốc cũng lên tiếng và hàng trăm trang mạng nổi sóng trong nhiều tuần lễ sau đó.
Quyết định thanh tra toàn diện tờ báo SGTT như một tiếng chuông hết sức lạc điệu. Nó không gõ vào sáng sớm, đúng ngọ hay hoàng hôn mà nó gõ vào khoảng thời gian vô duyên nhất khi Hội nghị trung ương 6 đang bước vào cuộc đọ sức sống mái của tứ trụ triều đình: 9 giờ sáng! Hành động này của thành phố HCM không thể được xem là khôn ngoan khi khơi ra vết thương cũ đã chớm lành.
Hội đồng quản trị của SGTT có sai phạm gì chăng nữa cũng không thể so sánh với đám con cưng chế độ là các tập đoàn kinh tế nhà nước. Ngày 12-2-2004, Sài Gòn Tiếp Thị trở thành tờ tuần báo độc lập, với cơ quan chủ quản mới là Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM. Cơ quan này vẫn độc lập và việc thanh tra cho thấy cái gai nhọn Tâm Chánh vẫn còn rất bén trong mắt chính quyền thành phố.
Đối với Huy Đức, sự xuất hiện bài viết "Bẫy việt vị của Thủ tướng" là mũi kim chọc "vết thương lòng" của Thủ tướng, và dù đang ngồi suy nghĩ cách đối phó giữa Hội nghị Trung ương 6 ông vẫn khó "nói không" với báo cáo của đàn em khi được hỏi có nên đánh "thằng" SGTT vào lúc này hay không?
Nếu nói không thì sợ không còn cơ hội trả thù khi chẳng may mất ghế, mà nói có thì dư luận lại ồ lên rất phản cảm.
Quyết định cho "tới luôn" trong thời điểm này như một vàn bài tháu cáy: khước từ tin đồn đấu đá nội bộ và Thủ tướng cùng phe nhóm vẫn đang vững như bàn thạch! Vì nếu có như lời đồn đoán thì ông Thủ tướng không dại gì mua thêm thù, chuốc thêm oán trong lúc ai cũng ao ước ông ta rời khỏi chiếc ghế quá nhiều oan khuất này.
Thế nhưng lá bài tháu cáy nào cũng có kết quả trái ngược nếu đối phương cứng cựa. Trong trường hợp này, một mình Thủ tướng và đám tay chân tại TPHCM không bịt nổi miệng của cả nước khi phe ông Tư vẫn chăm chú theo dõi bất cứ cơ hội nào nhằm tấn công tử huyệt của Thủ tướng.
Hay là đám tay chân do quá sốt sắng mà quên điều này? Nếu thế thì việc thanh tra SGTT đâu phải lỗi của thủ tướng? Than ôi! chỉ tại thằng đánh máy ngu ngốc mà ra.

-Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân
Báo Đồng Nai
(ĐN) - Sáng 9-10, Trung tâm thông tin công tác tuyên giáo tỉnh đã tổ chức hội nghị báo cáo viên (BCV) tháng 9 cho các BCV Tỉnh ủy, Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy; cán bộ Ban Tuyên giáo cấp huyện, Đảng ủy trực thuộc tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, ...
Vấn đề hệ trọng của đất nước đang được đặt ra đúng tầmĐài Tiếng Nói Việt Nam
Vì sao Hội nghị Trung ương 6 diễn ra sớm hơn dự định?Đài Á Châu Tự Do
Cán bộ Nhà nướcBáo Phú Yên

-Việt Nam truy tố 22 người tội 'hoạt động nhằm lật đổ chính quyền'Việt Nam vừa chính thức truy tố 22 người liên quan tới tổ chức ít được công chúng biết tới là ‘Hội đồng công luật công án Bia Sơn’ ở tỉnh Phú Yên

Quan Làm Báo 'viết bài từ trong nước'
Truyền hình Việt Nam nói có tới gần một nửa các bài báo trên trang blog đang bị điều tra được 'soạn và đưa từ trong nước'.


ĐẢNG TA MUÔN NĂM THẬT RÔI. (Mafiovi)


- Ta sai mất rồi: NQ4 đã thành công rực rỡ.

Kiểm điểm tự phê bình và phê bình cấp thường vụ ở tỉnh, thành, bộ, ngành đã làm xong. Thấy êm xuôi, tốt cả, thành tích lãnh đạo cấp ủy đều khá trở lên, thậm chí có cơ quan cấp Trung ương, Ban thường vụ tỉnh, thành đầy tai tiếng nay vẫn kết luận là không có suy thoái, không có tham nhũng, không có nhóm lợi ích…


- Đã và đang xuất hiện lực lượng chống đối quyết liệt nền tảng tư tưởng và quan điểm, đường lối của Đảng ?

Chính xác: đó chính là bọn Sâu Bọ trong Đảng ta.

(I'll Back)....Update: khỏi back luôn.


- NÓNG: ĐOÀN XE RỢ CHỞ RỢ SANG CHỈ ĐẠO HỘI NGHỊ TW 6?


- Ai là "hắn" ? - Ai cũng đc luôn.


- Đảng vs Sâu-Bọ: So sánh lực lượng.

- NHÂN DÂN VÀ QUÂN ĐỘI ĐỨNG VỀ PHÍA ĐẢNG.

- TRONG ĐẢNG: ĐẠI ĐA SỐ ĐẢNG VIÊN ỦNG HỘ NQ4, ỦNG HỘ ANH CẢ ANH TƯ.

Khỏi so se luôn


Tê giác tặng ông Trầm Bê giá bao nhiêu? đv

-Sài Gòn Tiếp Thị bị 'thanh tra toàn diện' (BBC 6-10-12) -- Trên Facebook Ôsin có một comment ngắn như thế này: "Tôi rời Sài Gòn Tiếp Thị quá lâu để biết điều gì đang xảy ra ở đây nhưng cứ mỗi lần nhớ lại vụ "Chị Hai Thủ Tướng" đều cảm thấy chạnh lòng, nói chuyện ngay thẳng với người không ngay thẳng thật là nguy hiểm; không chỉ có tôi hay bạn Tổng biên tập, anh em cũng đã phải trả giá rất nhiều cho bài báo ấy"
Tăng cường đấu tranh với thông tin sai lệch, phá hoại trên internet (VTV GD 7-12-10) -- "Đơn cử như trang Quan Làm báo, chỉ trong vòng 4 tháng, tính từ cuối tháng 5 năm 2012, tổng cộng đã có gần 900 bài, trong đó gần 400 bài được soạn và đưa từ trong nước và hơn 150 bài lấy từ các trang mạng phản động khác đăng lại" Cơ quan chức năng có người đọc những trang này, đếm từng bài...?

Soi 'gia tài' của các ông bầu bóng đá (VnEx 7-10-12)


Tranh cãi tính hợp pháp sừng tê bị mất của ông Trầm Bê (VnEx 7-10-12)


Đảng đùa à? (Mafiovi)


- Facebook Ôsin: nói chuyện ngay thẳng với người không ngay thẳng thật là nguy hiểm :
Ko những bọn có vần Quan, Quán, Quản, Quân ..(như ta đã cảnh báo mấy ngày trước) mà SGTT cũng có thể là QLB

Mà chưa chừng Báo Nhân Dân cũng là ...QLB, he he...

- Kính gửi: Toàn thể đồng bào trong nước và ở nước ngoài.

- Tôi kêu gọi các ông đảng viên có chức có quyền từ TTg trở xuống có chút " liêm sỉ" cuối cùng

- Sâu? nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có, vậy mà Đảng không bắt được con nào? Đảng đùa à?





.--Sài Gòn Tiếp Thị bị ‘thanh tra toàn diện’. Tin cho hay báo Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT) bị 'thanh tra toàn diện' để làm rõ một số nội dung, trong có thực hiện tôn chỉ, mục đích của tờ báo.
Báo Tuổi Trẻ TP. HCM phiên bản báo in hôm thứ Bảy 6/10 trong mục tin ngắn 20 giây cho hay báo SGTT bị thanh tra toàn diện và "một số nội dung thanh tra yêu cầu làm rõ" là: thực hiện tôn chỉ, mục đích của báo; tổ chức, hoạt động; chấp hành các quy định của pháp luật về tài chính kế toán; quản lý, sử dụng và quyết toán các nguồn kinh phí...

Đoạn tin ngắn của Tuổi Trẻ không cho biết thêm chi tiết gì khác và cũng chưa thấy xuất hiện trên phiên bản online.
SGTT là báo của Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM.
Quyền Tổng biên tập hiện nay là ông Nguyễn Xuân Minh.
Trong các nội dung thanh tra liệt kê ở trên, việc thực hiện tôn chỉ và mục đích của báo là vấn đề đã được đặt ra một thời gian gần đây.
Đầu tháng Tư, trong một hội nghị của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã phát biểu về chủ đề báo chí và truyền thông, trong đó ông nhắc tới việc mà ông gọi là 'sai tôn chỉ'.
Ông Huệ được dẫn lời nói: "Tôn chỉ mục đích có rồi sao không theo? Báo của tổ chức này sao lại nói về lĩnh vực của tổ chức khác? Vì sao báo về tiếp thị lại đi viết về chính trị?”.
Sau đó, SGTT đã bỏ chuyên mục Câu chuyện triết học với sự đóng góp thường xuyên của cây viết Bùi Văn Nam Sơn.

Gặp rắc rối

Báo SGTT ra đời từ năm 1995, và trong khoảng một thập niên nay nổi lên như một tờ báo không chỉ chuyên về kinh tế mà còn đề cập tới nhiều vấn đề chính trị-xã hội nóng bỏng.
Người được cho như có công gây dựng phát triển tờ báo này từ đầu là bà Vũ Kim Hạnh, cựu Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ TP. HCM, người bị cho thôi chức vì 'phạm khuyết điểm' năm 1991.
Dưới sự lãnh đạo của bà Kim Hạnh, SGTT cũng quy tập một số nhà báo có kinh nghiệm từ các tờ báo khác, đặc biệt là Tuổi Trẻ.
Chính SGTT đã khởi xướng ra Chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao.
SGTT đã có lúc nằm trong danh sách các báo thành công nhất ở Việt Nam khi dám đề cập về các chủ đề bị cho là nhạy cảm.
Một trong số các cây bút được cho đã góp phần mang lại tên tuổi cho SGTT là nhà báo Huy Đức, người vào tháng 8/2009 bị ngừng hợp đồng vì 'bất đồng quan điểm với tòa soạn' sau một bài viết của ông.
Có ý kiến cho rằng các rắc rối xung quanh SGTT nảy sinh gay gắt sau khi tờ báo này trong mục Góc nhìn hôm 24/4/2009 đăng bài của ông Huy Đức tựa đề BấmNgay thẳng về vụ chính quyền tỉnh huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương cưỡng chế thu hồi đất trồng cây cao su để làm khu công nghiệp An Tây, trong đó có diện tích đất khá lớn thuộc về gia đình bà Hai Tâm, chị gái của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Sau đó, tháng 3/2011, Tổng biên tập SGTT lúc đó là ông Đặng Tâm Chánh cũng bị điều động làm công việc khác, thay bằng quyền Tổng biên tập Nguyễn Xuân Minh.--Sài Gòn Tiếp Thị bị ‘thanh tra toàn diện’.

Tin liên quan: Ngay thẳng

-Nguyễn Trung Trực không còn ở Rạch Giá

--Ngày 24.04.2009

Ngay thẳng
Sáng 17.4.2009, một người thân của đương kim Thủ tướng cũng đã bị “áp giải ra khỏi hiện trường” khi chính quyền huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương tiến hành cưỡng chế thu hồi hơn 280ha cao su còn lại ở xã An Tây để làm khu công nghiệp. Anh Huỳnh Ngọc Sang, người tự giới thiệu đang quản lý vườn cao su cho bà Hai Tâm, người chị ruột của Thủ tướng, kể: Lực lượng cưỡng chế với khoảng 150 người, đã “đưa đi” ít nhất ba người trong đó có “ông Hai”, chồng bà Tâm.
Vườn cao su kể trên thuộc 642ha đất cao su vốn của công ty quốc doanh Sobexco. Trước đây, do làm ăn thua lỗ, Sobexco đã được tỉnh Bình Dương cho phép “bán vườn cây không gồm quyền sử dụng đất” để trả nợ, với giá bình quân 50 triệu/ha. Tiến trình mua bán kéo dài tới năm 2001, thì có những thay đổi, giấy tờ mua bán được ghi là “bên A (Sobexco) chuyển nhượng vườn cây cao su gắn liền với quyền sử dụng đất”. Hơn 40 người mua vườn cây cao su ở đây về sau được cấp sổ đỏ.
Tháng 6.2006, Thanh tra tỉnh Bình Dương cho rằng việc cấp sổ đỏ cho 40 hộ này là trái luật. Cuộc tranh cãi chưa ngã ngũ nhưng tỉnh vẫn cho phép công ty XNK Bình Dương thực hiện dự án xây dựng khu công nghiệp An Tây trên khu đất này. Số đất mà sáu năm trước đó tỉnh “bán” với giá 50 triệu đồng/ha, nay để làm khu công nghiệp, một công ty quốc doanh đền bù với giá gần 1 tỉ/ha. Kiên quyết làm khu công nghiệp, chỉ trong vòng từ tháng 7 đến tháng 10.2007, công ty XNK Bình Dương đã chi ra hơn 500 tỉ để đền bù cho vườn cao su.
Từ năm 2006, một số bài báo đã coi đây là “tham nhũng”; gần đây, một số bài báo đề nghị Nhà nước cũng nên giữ chữ tín, Nhà nước sai thì Nhà nước chịu không nên thu lại tiền đền bù đã chi hay thu hồi sổ đỏ. Nhưng, vấn đề là trong số 40 người “dân” đứng tên trong các sổ đỏ ấy, có một số là người nhà của quan chức địa phương; và, tới cuối năm 2008, tuy không đứng tên quyền sử dụng đất ở An Tây, có người thân của Thủ tướng cũng lên gặp chính quyền địa phương khiếu nại.
Một quan chức địa phương xin giấu tên nói rằng họ biết trong số những người phản đối sáng 17.4 có vợ chồng người chị ruột của Thủ tướng nhưng chính quyền vẫn tiến hành cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật và lực lượng cưỡng chế đã không gặp phải bất cứ sự can thiệp nào. Chuyện mua bán, đền bù vườn cao su đúng sai rồi sẽ còn phải làm rõ, nhưng tinh thần sự ngay thẳng trong thực thi công vụ của chính quyền huyện Bến Cát là một thái độ hành xử đáng ghi nhận.
Huy Đức

Tổng số lượt xem trang