Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Kỳ án hiện đại

Sau lần được tuyên trắng án, được người dân công kênh như người hùng từ trận mạc trở về, ông Tạ Đình Đề - một con người huyền thoại - lại rơi vào vòng lao lý…

Ông Tạ Đình Đề và bức ảnh của ông thời còn trẻ. Ảnh tư liệu

 

LTS: TS Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, người có 35 năm gắn bó với ngành kiểm sát, vừa cho ra mắt cuốn sách Theo dòng công lý thuật lại những vụ án mà ông từng tham gia mổ xẻ khi còn đương chức. Đó là những vụ từng gây xôn xao dư luận một thời, khi mà trước thân phận pháp lý của một con người, ông đã phải đắn đo, cân phân từng con chữ khi đặt bút viết báo cáo hoặc cáo trạng.

Pháp Luật TP.HCM trích đăng vài câu chuyện trong cuốn hồi ức giản dị và nhân bản này.

Giữa những năm 80 của thế kỷ XX, Vụ Kiểm sát điều tra án an ninh (Vụ 2C) VKSND Tối cao thụ lý kiểm sát điều tra vụ án ông Tạ Đình Đề phạm tội về an ninh. Ngày 15-9-1985, ông Tạ Đình Đề bị bắt giam. Sau hơn một năm bị tạm giam, cơ quan điều tra đề nghị VKSND Tối cao gia hạn giam đặc biệt. Lần gia hạn giam đặc biệt này, anh Lê Mai, Vụ trưởng Vụ 2C, giao cho anh Phan Xuân Bá, Phó Vụ trưởng 2C, phê chuẩn. Và tôi được lãnh đạo Vụ giao nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ.

Con người huyền thoại

Cuộc đời có những khúc quanh kỳ lạ. Đối với tôi, ông Tạ Đình Đề là một thần tượng, một người anh hùng đã in sâu vào tâm trí thời trẻ của tôi. Có thể nói tên tuổi và con người ông Tạ Đình Đề từ lâu đã là huyền thoại, hầu như ít nhiều ai cũng từng một lần nghe kể. Nhưng hấp dẫn và thú vị nhất có lẽ là chuyện ông được kẻ địch cử đi ám sát Bác Hồ nhưng được Bác cảm hóa rồi trở thành cận vệ cho Bác.

Chuyện kể rằng hôm ấy, Bác đã ngồi vào bàn ăn cơm nhưng chưa dùng vội mà quay sang nói với đồng chí bảo vệ thật to rằng cho Bác xin thêm đôi đũa và cái bát (chén) vì hôm nay Bác có khách. Dù ngạc nhiên nhưng đồng chí bảo vệ vẫn mang bát đũa ra đặt lên bàn, đoạn hỏi: “Thưa Bác, sao khách vẫn chưa đến à?”. Bác điềm nhiên trả lời: “Vị khách đã đến lâu rồi nhưng các chú không biết để tiếp đón đấy thôi”. Rồi Bác hướng mắt về phía buồng ngủ nói to: “Xin mời chú Tạ Đình Đề xuống xơi cơm với Bác!”…

Bỗng nhanh như chớp, một người từ tầng hai nhảy xuống đất, lách nhanh vào phòng ăn và đứng ngay trước mặt Bác. Các chiến sĩ bảo vệ thủ thế, sẵn sàng đối phó để bảo vệ Bác nhưng Bác khoát tay rồi mỉm cười thân thiện với vị khách đặc biệt: “Trông chú dạo này già dặn hơn trước nhiều song có phần gầy và đen hơn lúc mới ra trường. Chắc chú vất vả lắm?”… Nhìn ánh mắt nhân từ, bao dung của Bác, vị khách lễ phép đáp: “Thưa Bác, trước hết cháu xin bày tỏ lòng khâm phục của cháu đối với Bác… Cháu xin hứa chấm dứt công việc của địch giao cho và xin phục tùng dưới sự điều hành, sai bảo của Bác”.

Từ đó, ông Tạ Đình Đề trở thành người cận vệ trung thành của Bác - một trường hợp đổi vai kỳ diệu trong lịch sử nước ta.

TS Dương Thanh Biểu và bìa cuốn sách Theo dòng công lý.Ảnh: TB

Đã một lần được tuyên trắng án

Ôm tập hồ sơ vụ án Tạ Đình Đề trên tay mà lòng tôi bộn rộn bởi rất nhiều giai thoại về ông cứ thấp thoáng trong đầu. Với lần “phạm tội” trước, năm 1976, khi TAND TP Hà Nội xét xử ông, tôi được cử đi dự. Lúc đó tôi không quan tâm đến tội danh và hình phạt đối với ông mà chỉ nhăm nhăm xem con người nổi tiếng đó thế nào.

Tôi còn nhớ hôm đó là ngày 7-6-1976, ông bị tòa đưa ra xét xử về các tội cố ý làm trái, nhận hối lộ và tham ô tài sản XHCN. Tôi không tin nổi trước mắt mình là một Tạ Đình Đề bằng da bằng thịt đang đứng sau vành móng ngựa. Tôi cố chen chân vào nhìn cho kỹ. Huyền thoại tuổi thơ của chúng tôi đang ngồi trên ghế bị cáo với dáng người tiều tụy, đầu tóc bù xù, nét mặt nhăn nheo, da dẻ xanh mét. Đôi mắt ông thâm quầng, trũng sâu nhưng vẫn ánh lên nét tinh anh. Nhìn cảnh tượng đó tự dưng lòng tôi xót buốt quặn đau…

Vì đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xã hội rất quan tâm nên tòa chuẩn bị rất kỹ, loa đài được mắc thêm ngoài đường phố, phòng xử được kê thêm ghế. Mấy ngày xử án nắng như đổ lửa nhưng người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Vĩnh Phú… kéo về xem chật kín sân tòa, đứng tràn ra các tuyến phố xung quanh. Có thể nói không ngoa, những ngày này Hà Nội trải qua những cơn địa chấn dữ dội.

Theo cáo trạng thì ông Đề có các hành vi phạm tội như tổ chức móc ngoặc, chiếm dụng thiết bị máy móc của Nhà nước đem về xưởng sử dụng lung tung; phá lẻ thiết bị toàn bộ nhà máy đắp vỏ ô tô do Trung Quốc viện trợ; sử dụng vốn kinh doanh trái chính sách, chế độ; lập quỹ trái phép; làm ăn phi pháp và tham ô. Lạ một điều cáo trạng chỉ dựa vào bản kết luận của đoàn thanh tra để buộc tội nhưng bản báo cáo này lại không có ngày tháng, không có chữ ký của trưởng đoàn, đoàn thanh tra này cũng không biết do ai lập, ai làm trưởng đoàn!

Xem xét xác định nhiều sự phi lý khác nữa, cuối cùng, chiều 12-6-1976, tòa đã tuyên Tạ Đình Đề không phạm tội và tuyên bố tha bổng ông ngay tại tòa.

Tiếng vỗ tay vỡ òa, vang dội. Nhiều người dự tòa bật khóc vì sung sướng. Một cảnh tượng xúc động mà tôi chưa từng gặp trong đời: Nhiều người ào vào công kênh ông Tạ Đình Đề lên vai như công kênh một người anh hùng trở về từ trận mạc xa xôi và ác liệt; nhiều bó hoa tươi thắm được trao đến tay con người huyền thoại ấy…

Vào tù lần hai vì ca dao, hò, vè

Thú thật lúc ấy tôi không hiểu vì sao một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được huy động lực lượng điều tra và kiểm sát điều tra hùng hậu, công phu như thế nhưng rốt cuộc bản cáo trạng của VKSND Tối cao đưa ra lại bị tòa bác bỏ một cách thẳng thừng như vậy!

12 ngày sau, VKSND Tối cao ký kháng nghị bản án sơ thẩm nói trên và đề nghị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao xét xử phúc thẩm. Thế nhưng không hiểu sao sau 10 năm trôi qua mà vụ án vẫn không đưa ra xử phúc thẩm. Theo quy định lúc ấy, trường hợp này bản án sơ thẩm nghiễm nhiên có hiệu lực pháp luật. Nhưng ông Tạ Đình Đề vẫn không được các cơ quan liên quan khôi phục quyền lợi và danh dự!

Cần nhắc lại trong lúc ông Tạ Đình Đề vướng vòng tai ương lao lý (lần đầu) thì vợ ông - bà Đặng Thị Thọ - phải oằn lưng gồng mình gánh vác việc nhà. Đây là thời kỳ đời sống của cán bộ viên chức và gia đình của họ gắn liền với sổ gạo, tem phiếu. Người ta ví “mặt như bị mất sổ gạo” là mặt buồn bã, nhàu nhĩ lắm. Thế mà bi đát thay, tiêu chuẩn của ông Tạ Đình Đề bị cắt hết. Giữa lòng Hà Nội, gia đình của ông sống vô cùng chật vật, thiếu thốn. Và suốt 10 năm sau phiên tòa tuyên ông vô tội, cuộc sống nhà ông lại càng bi đát hơn vì người ta không hề khôi phục quyền lợi, sổ gạo, tem phiếu cho nhà ông.

Trong cái khó của thời bao cấp lúc ấy, đâu đâu cũng xuất hiện những câu ca dao, hò, vè châm biếm, trào phúng, kiểu như: “Một yêu anh có may ô/ Hai yêu anh có cá khô để dành/ Ba yêu anh biết mổ trâu/ Bốn yêu anh biết ăn đầu, ăn da…”. Hay như: “Tôn Đản là chợ vua quan/ Nhà thờ là chợ trung gian nịnh thần/ Bắc Qua là chợ thương nhân/ Vỉa hè là chợ nhân dân anh hùng…”. Hay những câu châm ngôn mới mang tính đả kích như: Thực phẩm quý hơn nhân phẩm; Bằng gì cũng chẳng bằng lòng; Bù giá vào lương hay bù da vào xương…

Những câu truyền khẩu nói trên hầu như ai ai cũng thuộc, đâu đâu cũng nghe. Và dĩ nhiên ông Tạ Đình Đề chẳng những nghe mà còn thương và cám cho cái cảnh của mình. Nên ông sưu tầm và phổ biến. Nên ông vướng vào cái án an ninh và bị bắt bỏ tù vì cái tội tuyên truyền chống chế độ XHCN!

TS DƯƠNG THANH BIỂU

Kỳ tới: Cuộc chiến pháp lý, cuộc chiến lương tâm

“Đã bắt giam người ta chừng ấy thời gian mà bây giờ bảo là không có tội là… không ổn!”. Đó là kiểu suy nghĩ và lập luận hết sức ấu trĩ và ngụy biện. Cái ấu trĩ của một thời, của gần 30 năm trước, tiếc thay bây giờ không phải là không còn tồn tại…

(*) Tựa bài và tựa nhỏ do tòa soạn đặt -Kỳ án hiện đại - Bài 1: Tạ Đình Đề hai lần bị xử (*)-

 

Kỳ án hiện đại - Bài 2: “Đã bắt giam thì phải có tội!”

“Đã giam người ta chừng ấy thời gian mà bây giờ bảo không có tội thì không ổn”.

Thời đó, với kiểu lập luận này, người ta muốn một lần nữa kết tội ông Tạ Đình Đề nhưng cuối cùng công lý đã chiến thắng.

Như đã đề cập ở bài trước, năm 1986 tôi được lãnh đạo Vụ Kiểm sát điều tra án an ninh (Vụ 2C, VKSND Tối cao) giao nghiên cứu hồ sơ và đề xuất hướng xử lý vụ án ông Tạ Đình Đề. 10 năm trước, ông Đề từng bị bắt giam và truy tố nhiều tội nhưng được tòa tuyên trắng án, trả tự do ngay tại tòa.

Lội ngược dòng

Theo kết luận của cơ quan điều tra, ông Tạ Đình Đề đã có hành vi thu lượm các câu ca dao, hò, vè có nội dung nói xấu lãnh đạo, sau đó đưa về nói lại cho nhiều người cùng nghe. Cơ quan điều tra đề nghị VKSND Tối cao truy tố ông về tội tuyên truyền chống chế độ XHCN.

Thời điểm này tình hình kinh tế-xã hội của nước ta vô cùng khó khăn. Chính sách giá-lương-tiền dẫn đến việc đổi tiền vào tháng 9-1985 khiến giá hàng hóa tăng gấp 10 lần, lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiếu thốn nghiêm trọng. Lúc đó cán bộ, nhân viên nhà nước hằng tuần phải lên rừng phát rẫy trồng sắn, đến bữa ăn chỉ có rau và mì, có lúc phải mặc áo vá đi làm. Lúc này cán bộ, công nhân viên coi tem phiếu, sổ gạo là những tài sản vô cùng quan trọng, mất nó là tai họa (do vậy mới có câu mặt nghệt như mất sổ gạo và chính tôi đã một lần mặt nghệt như thế vì bị bọn móc túi móc sạch tem phiếu khi đi qua cầu Long Biên).

Cần nhắc lại rằng 10 năm trước, khi bị bắt, ông Đề đã từng bị cắt hết tiêu chuẩn tem phiếu, sổ gạo. Mà với một cán bộ, viên chức, điều ấy đồng nghĩa với cắt hết nguồn sống. Sau khi được tòa tha bổng, quyền lợi của ông và gia đình vẫn không được phục hồi. Nói điều ấy đủ biết tình cảnh ông bi đát đến cỡ nào.

Cho nên xét về tâm lý, ông Tạ Đình Đề từng vào sống ra chết để làm cách mạng, nay bị đối xử tệ nên phát sinh bi quan, chán nản. Từ chán nản đến tiêu cực, ông sưu tầm ca dao, hò, vè về nói chuyện phiếm với một số người. Rõ ràng hành vi này chỉ xuất phát từ động cơ chán nản, bất mãn chứ không có ý thức chống đối chế độ, chống Nhà nước.

Nhận định trên đây là kết quả sau khi tôi đã nghiên cứu xong hồ sơ vụ án. Đây là nhận định rất mới, khác với quan điểm của nhiều người, nhất là với cơ quan điều tra, nên tôi chưa dám báo cáo với lãnh đạo Vụ 2C. Có lúc tôi nghĩ mình chỉ là thằng cán bộ quèn, ăn nói không cẩn thận có khi bị chụp mũ thì gay go vô cùng.

Lưu truyền hò, vè đả kích thì không phạm tội

Tôi luôn khắc ghi lời của anh Phan Xuân Bá, Vụ phó Vụ 2C, rằng: “Hồ sơ như thế nào thì báo cáo như vậy, nhận thức như thế nào thì đưa ra quan điểm như thế đó”. Nhưng trong hồ sơ, những vị quyền cao chức trọng đã khẳng định như đinh đóng cột là phải xử Tạ Đình Đề về tội chống phá chế độ. Tôi cảm thấy hơi lo lắng.

Nhưng rõ ràng hơn một năm qua, cơ quan điều tra đã đi xác minh nhiều nhân chứng ở nhiều nơi nhưng kết quả điều tra vẫn không có gì mới. Nếu tiếp tục gia hạn tạm giam đặc biệt cũng không cần thiết và không giải quyết được gì. Nhưng tôi vẫn cứ run run. Bởi nếu lãnh đạo không đồng ý thì chẳng những sẽ kéo dài thêm những tháng ngày đau khổ cho ông Tạ Đình Đề mà có khi mình còn bị đánh giá là hữu khuynh. Ranh giới giữa mất - còn thật mong manh! Biết đâu sau đề xuất của mình là những tai ương đang chờ đón, lôi thôi mình bị mất việc như chơi… Nhưng rồi cuối cùng cái tâm của con người trong tôi đã thắng, nó giúp tôi vượt qua mọi trở ngại trong báo cáo của mình: Tôi mạnh dạn đề xuất không cần thiết phải tiếp tục tạm giam bị can thêm nữa.

Một hôm, tôi đang ngồi tu chỉnh lại hồ sơ thì anh Phan Xuân Bá gọi tôi sang phòng anh Lê Mai - Vụ trưởng Vụ 2C báo cáo. Chờ tôi ngồi, anh Mai vào đề ngay: “Mình đã đọc kỹ báo cáo của cậu rồi, ngoài nội dung báo cáo, cậu có thể nói kỹ hơn, suy nghĩ thế nào thì cứ phát biểu thế đó!”. Tôi bày tỏ quan điểm của mình theo hướng như đã nói. Tôi vừa nói xong, anh Bá gật đầu nhưng anh Mai lại… lắc đầu. Anh Mai nói (đại ý) rằng ý kiến đề xuất mạnh dạn của cậu bọn mình rất hoan nghênh nhưng Tạ Đình Đề có hành vi thu thập, phổ biến và tuyên truyền các câu ca dao, hò, vè có tính chất đả kích lãnh đạo, nói xấu chế độ… Quay sang anh Bá, anh Mai hỏi: “Ý của tôi vậy, anh Bá thấy thế nào?”. “Tôi thấy thống nhất như báo cáo, giải trình của đồng chí Biểu. Đây chỉ là hành vi phản tuyên truyền, không phải là tội phạm” - anh Bá trả lời.

… Sau đó ít ngày, Vụ 2C tổ chức cuộc họp để thảo luận nghiệp vụ xoay quanh vụ án Tạ Đình Đề. Trong số các ý kiến buộc tội, có người còn lập luận rằng: “Đã giam người ta chừng ấy thời gian mà bây giờ bảo không có tội thì không ổn. Tôi đề nghị thống nhất với ý kiến của cơ quan điều tra (tức kết tội ông Đề)”!

Chiến thắng của công lý

Sau cuộc họp thảo luận trên, tôi còn được anh Bá và anh Mai gọi sang hội ý mấy lần. Một hôm, sau khi nghe tôi báo cáo, anh Mai đăm chiêu suy nghĩ, có vẻ như cân nhắc từng chữ một khi nói với tôi. “Mình và anh Bá đã xem kỹ báo cáo và cả ý kiến phát biểu của cậu hôm trước. Khá đấy! (Đột nhiên anh Mai cười vui vẻ, một điều rất hiếm gặp!). Về cơ bản mình và anh Bá nhất trí với đề xuất của cậu…”. Sau lần này, tôi làm dự thảo báo cáo và chuyển cho anh Bá, sau đó chuyển cho anh Mai.

Trời Hà Nội mấy ngày cuối đông năm 1986 mưa phùn kèm gió bấc lạnh tê tái. Tôi vừa đạp xe đến cơ quan thì anh Lê Mai bảo chuẩn bị hồ sơ để báo cáo lãnh đạo Viện. Sau khi nghe báo cáo, đồng chí Trần Lê, Viện trưởng VKSND Tối cao, kết luận: “Thay mặt lãnh đạo Viện, tôi xin biểu dương Vụ 2C đã chuẩn bị tốt nội dung báo cáo, trong đó mạnh dạn nêu quan điểm xử lý vụ án. Ý kiến các đồng chí lãnh đạo Viện đã thống nhất về quan điểm xử lý vụ án này…”.

Ngày 8-1-1987, viện trưởng VKSND Tối cao có văn bản trả lời Bộ Công an, trong đó nói rõ không cần đưa vụ án này ra truy tố, xét xử. Phải mất gần một năm trao đi đổi lại nữa, trong đó cấp cao nhất đã đồng ý với quan điểm của Viện, cuối cùng, ngày 7-12-1987, VKSND Tối cao đã quyết định đình chỉ điều tra và trả tự do cho ông Tạ Đình Đề. Vụ án được khép lại.

10 năm sau, có dịp gặp ông, tôi nói: “Kính chào bác Đề. Hơn 10 năm nay mới được gặp lại bác. Bác là người đã để lại cho đời nhiều câu chuyện huyền thoại”. Bác Đề nắm chặt tay tôi, lắc mạnh như người thân lâu ngày gặp lại và nói: “Có gì mà huyền thoại đâu. Thực ra tôi là người đã để lại cho VKS nhiều phiền toái đấy chứ!”.

Vài nét về ông Tạ Đình Đề

Ông Tạ Đình Đề sinh năm 1917 tại Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội. Năm 1936, ông cùng với cha và anh trai sang Vân Nam (Trung Quốc) làm việc tại Công ty Hỏa xa. Tại đây, ông tham gia Hội Ái hữu cứu quốc do Việt Minh tổ chức. Ông từng được cử đi học tại các trường hạ sĩ quan, Trường Đặc vụ và Trường đào tạo gián điệp ở Trung Quốc (nơi đào tạo sử dụng các loại vũ khí, chất nổ, lái xe, lái máy bay…). Ông tốt nghiệp xuất sắc Trường quân sự Hoàng Phố và được tổ chức phân công hoạt động tình báo cùng phái bộ Mỹ trong phe Đồng minh chống phát xít Nhật. Sau đó, Mỹ đưa ông đi đào tạo nhảy dù ở Ấn Độ và Mỹ. Năm 1944, ông được Mỹ và Tưởng Giới Thạch đưa về hoạt động tại Huế, Sài Gòn.

Tháng 8-1945, ông tham gia cách mạng, một năm sau thì ông vào Đảng. Ông từng làm Phó ban Tình báo Liên khu 2, Trưởng ban Tình báo Tây Tiến, Đội trưởng biệt động Liên khu 2, Giám đốc Trường Hoa văn Liên khu 3…

Ông qua đời vào ngày 29-2-1998. Năm 2007, ông được Chủ tịch nước truy tặng huân chương Độc lập hạng Ba (ảnh). Nhà thơ Bút Tre từng có thơ rằng: Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên/ Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về/ Hoan hô anh Tạ Đình Đề/ Trước đi theo địch nay về với ta.

TS DƯƠNG THANH BIỂU

 

Kỳ án hiện đại - Bài 3: Lý Tống và giấc mơ tổng thống

Trước khi thực hiện phi vụ cướp máy bay năm 1992, Lý Tống từng hai lần lẻn vào sân bay Tân Sơn Nhất để trộm máy bay nhưng bất thành.

 

10 năm sau, Lý Tống từ Mỹ về thực hiện giấc mộng hão huyền: Cướp máy bay và lật đổ chính quyền để lên làm… tổng thống.

20 năm trước, vụ Lý Tống cướp máy bay từng gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Tôi được phân công thụ lý kiểm sát điều tra vụ án này. Nghiên cứu hồ sơ vụ án, tôi thấy có mấy điểm ngồ ngộ về con người này.

Đi trộm máy bay giống như đi trộm bò

Lý Tống tên thật là Lê Văn Tống, sinh năm 1948, tại Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế. Khi đi học lái máy bay ở Mỹ (1966), hắn từng bị sa thải vì cãi lộn và đánh nhau với cán bộ nhà trường. Sau đó hắn bị đuổi ra khỏi quân lực Việt Nam Cộng hòa. Lăn lộn buôn bán chợ đen ở Sài Gòn một thời gian, năm 1968 hắn lại bị bắt lính và được đi học lái máy bay rồi bay đi thả bom. Năm 1975, hắn từng đánh bom làm sập cầu Ba Ngòi ở Cam Ranh (Khánh Hòa), sau đó hắn bị ta bắt đi cải tạo rồi trốn, rồi lại bị bắt, rồi lại trốn…

Năm 1981, Lý Tống đột nhập sân bay Tân Sơn Nhất với ý định trộm máy bay bay ra nước ngoài nhưng không thành. Tại đây có nhiều máy bay nhưng không có chiếc nào lành lặn để trộm nên khi đã khát cháy cổ, Tống ta bèn quay ra. Lần khác, rút kinh nghiệm, hắn chuẩn bị sẵn lương khô, nước uống rồi mới đột nhập. Nhưng cũng như lần trước, suốt năm ngày mò mẫm trong sân bay mà chẳng kiếm được chiếc nào như ý, hắn đành lủi ra ngoài chuồn êm.

Sau vụ xâm nhập không phận Cuba trái phép, Lý Tống bị cảnh sát Mỹ bắt giữ ngay khi vừa bước chân xuống sân bay nước này. Ảnh: TƯ LIỆU

Cuối cùng, Lý Tống vượt biên bằng đường bộ, đến tháng 8-1981 thì lọt đến Mỹ. Ôm tham vọng vào học trường chính trị Mỹ, Tống phải lang thang kiếm sống một thời gian. Nhờ sự giúp đỡ của một người bạn, cuối cùng Lý Tống được vào làm việc tại một hộp đêm, có điều kiện để theo học chính trị tại ĐH New Orleans, chuyên khoa bang giao quốc tế. Đang làm luận án tiến sĩ về lãnh đạo chiến tranh thì hắn lại bất đồng với ban giám khảo nên cuối cùng cũng chẳng nhận được bằng.

Với suy nghĩ tấm bằng tiến sĩ chính trị - ngoại giao không sướng bằng việc trở về Việt Nam làm… tổng thống, Lý Tống tìm cách học lái máy bay và nhảy dù để chuẩn bị trò cướp máy bay. Theo dõi các vụ không tặc trên thế giới, Lý Tống chuẩn bị hai túi xách làm công cụ dọa có bom, in 18.000 tờ truyền đơn bó thành nhiều cọc cùng các vật dụng khác như dù, ống nhòm, sợi dây dù… Đồng thời, Lý Tống không quên mang theo cuốn sách Ó Đen viết về chuyện vượt biên của mình.

Trộm không được thì gửi thư khoe chơi

Ngày 2-8-1992, Lý Tống đáp máy bay từ Mỹ về Bangkok (Thái Lan). Tại đây, hắn dự định đi trộm máy bay A37 ở sân bay Ubon để bay về ném bom kho xăng Khánh Hội, sau đó sẽ bay sát nhà dân thả truyền đơn kêu gọi lật đổ chính quyền rồi nhảy dù xuống xa lộ Biên Hòa đón xe khách về Sài Gòn.

Khoảng 7 giờ 30 tối 31-8-1992, Lý Tống đã đột nhập vào sân bay quân sự Ubon của Thái Lan. Đây là sân bay quân sự được binh lính không quân Thái Lan canh phòng cẩn mật thế nhưng không biết bằng cách nào mà Lý Tống vẫn chui vào được. Tống tìm đến chiếc máy bay A37 và mở cửa leo tót lên. Khi ngồi vào buồng lái, hắn mừng khôn xiết, nếu không có người gác xung quanh chắc hắn sẽ hét thật to cho hả dạ. Thế là sắp được làm tổng thống Việt Nam rồi! Chỉ vài tiếng đồng hồ nữa thôi Sài Gòn sẽ kinh hoàng khi nghe tiếng máy bay phản lực của hắn gầm rú, nhân dân sẽ được đọc lời tuyên cáo của hắn…

Giây phút phấn chấn qua nhanh, hắn lại âu lo không biết chiếc máy bay này có… bay được không nữa. Hắn muốn mở khóa cho nổ máy nhưng trời còn sớm quá, sợ lính phát hiện được thì hỏng bét. Nếu máy bay không khởi động được thì sao bây giờ? Hắn nhìn mông lung, nhìn đồng hồ mãi mà vẫn mới có 4 giờ sáng, còn đến cả tiếng nữa mới đến giờ dự kiến hành động. Kệ, không thể chờ được nữa.

Chân dung Lý Tống. Ảnh: INTERNET

Hắn ấn nút mở khóa. Im lặng, không có tín hiệu gì. Lần nữa. Vẫn thế. Lần nữa, lần nữa và lần nữa. Chết cha, chắc kiểu này bình điện hỏng mất rồi. Lý Tống ấn nút lần cuối. Tất cả vẫn lặng im như tờ. Bầu trời dần sáng rõ. Lính gác sân bay thấp thoáng đi tuần. Lý Tống nhảy xuống máy bay và tìm cách chui ra khỏi phi trường đón taxi về khách sạn.

Về khách sạn, Lý Tống viết một lá thư “nhận trách nhiệm” gửi tư lệnh Không đoàn không quân Ubon với lời lẽ rất ngông cuồng. Thư viết: “Thưa ngài! Thật tuyệt khi biết rằng việc đột nhập của tôi vào căn cứ không quân Ubon vào sáng 1-9-1992 đã được giữ kín đến mức các phương tiện thông tin Thái Lan đã không hề đưa tin gì về sự kiện nghiêm trọng này… Tôi đã rời máy bay và căn cứ trước khi thợ máy bay tới làm việc. Tôi đã bỏ lại bản đồ, dao găm và một miếng băng keo trong chỗ ngồi của phi công… Tôi đã rời Ubon đến Bangkok và sẽ cướp máy bay số 850 của hãng hàng không Việt Nam hôm nay (ngày 4-9-1992). Do vậy, đề nghị chấp nhận lời xin lỗi này. Ký tên: Chim ưng đen Lý Tống”.

Chạm vào giấc mơ hão huyền

Đúng như lời lẽ ghi trong bức thư khoe chiến tích nói trên, 5 giờ kém 10 chiều 4-9-1992, Lý Tống bước lên máy bay, bắt đầu thực hiện giấc mơ hão huyền nay mai sẽ được làm tổng thống.

Về hành trình cướp máy bay, sau này Lý Tống tự thuật như sau: Lúc đầu Lý Tống mua vé máy bay của hãng hàng không Thái Lan để bay về Việt Nam. Vé này Lý Tống mua ở Mỹ hết 317 USD. Nhưng khi đến Thái Lan, Lý Tống lại nghĩ nếu cướp máy bay của Thái Lan về Sài Gòn rải truyền đơn rồi sau đó nhỡ thất bại, phải trốn khỏi Việt Nam thì không thể không đến Thái Lan để tạm trú, khi đó rất dễ bị trả thù. Do đó, Lý Tống cân nhắc đổi sang cướp máy bay của hãng hàng không Việt Nam. Nghĩ thế, Lý Tống đành bỏ vé cũ, mua vé máy bay của hãng hàng không Việt Nam với giá 318 USD.

Hắn lại đắn đo suy nghĩ, vé hạng nhất là nơi gần buồng lái, ngồi ở khoang này sẽ có điều kiện quan sát, nghiên cứu cách mở cửa buồng lái, xem các hoạt động của tiếp viên để tiếp cận buồng lái ngay khi đã khống chế tiếp viên. Do vậy, Lý Tống lại chọn mua vé hạng nhất.

Theo lịch trình, đúng 5 giờ (chiều 4-9-1992) máy bay sẽ cất cánh. Lý Tống đăng ký được số ghế 1B ngay cạnh đường đi và lại ở hàng đầu. Hàng ghế này có 10 ghế nhưng cô tiếp viên xinh đẹp mỉm cười cho hắn biết chỉ có ba hành khách. Điều này rất thuận lợi để Lý Tống quan sát và khởi sự. Lý Tống nghĩ nếu có nhiều người lúc mình đang hành động nhỡ ai đó đứng lên can thiệp thì căng. Lý Tống cất đồ vào ngăn để hành lý trên đầu rồi ngồi xuống xoay người ra sau liếc mắt nhanh quan sát. Hành khách vẫn lục tục đi lên, các tiếp viên đang hướng dẫn khách tìm chỗ ngồi. Tiếng người đi, tiếng hành lý xách tay xếp lên ngăn chứa lách cách, lịch kịch và vội vã. Lý Tống thấy yên tâm và rung đùi điểm nhanh trong đầu kế hoạch hành động.

Lý Tống mặc bộ đồ bò màu xanh nhạt, mắt đeo kính nâu đen, ngồi vắt chân chữ ngũ, hai tay bó lấy gối, vai rộng, lưng bè, suy nghĩ mông lung cho cuộc không tặc sắp tới. Cái hình ảnh này rất giống với phong thái của những tên không tặc trong xi-nê. Lý Tống mỉm cười.

Bỗng có một nhân viên người Thái Lan lên quan sát khoang hạng nhất nơi Lý Tống ngồi và hỏi bâng quơ: “Tại sao khoang hạng nhất mà chỉ có bốn hành khách?”. Nghe vậy Lý Tống hơi lo. Chả nhẽ họ định nhét thêm người vào đây? Nhưng sau đó mọi sự vẫn yên lành. Do việc kiểm tra như trên nên máy bay cất cánh chậm mất 20 phút. Lý Tống lại phải tính toán lại giờ hành động.

Lý Tống dự định khởi sự trước khi máy bay đến Sài Gòn 30 phút. Cho nên sau khi máy bay cất cánh, để chắc ăn, Lý Tống hỏi cô tiếp viên bằng tiếng Anh: “What time does it arrive?” (tạm dịch: Mấy giờ máy bay đến nơi?). Cô tiếp viên có đôi mắt sáng, khuôn mặt trái xoan, nước da trắng hồng, thấy Lý Tống hỏi trống không nên cũng trả lời trống không. Lý Tống khẩn trương điều chỉnh chuông đồng hồ báo giờ bắt đầu hành động. Xong việc, hắn ngồi im như thóc, bụng chợt nóng lên như có lửa đốt. Nhưng vốn là người bản lĩnh, Lý Tống kịp trấn tĩnh, chờ từng giây từng phút trôi qua...

TS DƯƠNG THANH BIỂU

Kỳ tới: “Chim ưng đen” bổ nhào xuống ao rau muống

Sau khi đã khống chế tiếp viên và phi công để máy bay lượn vài vòng rải truyền đơn, Lý Tống yêu cầu mở cửa máy bay rồi nhảy ra ngoài bung dù. Cuối cùng “chim ưng đen” (biệt danh tự phong của Lý Tống) bổ nhào xuống ao rau muống…

Kỳ án hiện đại - Bài 4: Kết cục thảm hại

Lý Tống - kẻ cuồng vọng hão huyền từng cướp máy bay để thực hiện giấc mơ làm tổng thống - càng về sau càng thể hiện một hình ảnh ngày càng thảm hại.

 

Như đã nêu trên số báo trước, tôi được phân công thụ lý kiểm sát điều tra vụ án Lý Tống cướp máy bay năm 1992. Đọc hồ sơ vụ này, có lúc tôi phải phì cười về tính cách quái đản, cuồng vọng và hoang tưởng của con người Lý Tống. Từ cái cách y trang phục, đeo kiếng đen khi lên máy bay để giống với những tên không tặc trong xi-nê đến cái hình ảnh thảm hại khi y bò lóp ngóp dưới ao rau muống và bị anh bảo vệ khu phố tóm cổ…

Lý Tống tại phiên tòa ngày 24-2-1993. Ảnh: TƯ LIỆU

“Chim ưng đen” gãy cánh

Lại nói Lý Tống khi lên máy bay số hiệu 850 của hãng hàng không Việt Nam từ Thái Lan về TP.HCM vào ngày 4-9-1992, trong bụng hắn như có lửa đốt. Khi Lý Tống đang suy nghĩ miên man thì bỗng có tiếng động phía sau hàng ghế khiến hắn giật bắn mình và quay lại. Thì ra là cô tiếp viên xinh đẹp đến phát suất ăn cho hắn. Lý Tống đón đĩa thức ăn, mắt hắn sáng lên khi nhìn thấy con dao inox. Khi cô tiếp viên vừa quay người, hắn vội lấy con dao bỏ vào túi quần…

Đồng hồ kêu “tít” báo giờ khởi sự, hắn đứng dậy đi tới chỗ cô tiếp viên. Hắn mới đi được mấy bước thì bỗng có một tiếp viên nam đến. Mặt Lý Tống tái dại. Hắn tiếp tục ngồi chờ, khi tiếp viên nam xuống toa thường, hắn liền lủi vào toilet. Kiểm tra các thứ, hắn mở cửa bước ra định sẽ dùng dao khống chế nhưng lại gặp tiếp viên nam. Hắn lại về chỗ ngồi, tim đập thình thịch, người run lẩy bẩy.

Không chần chừ được nữa, hắn đánh bài liều bấm chuông gọi tiếp viên đến ba lần. Cô tiếp viên xinh đẹp lúc nãy bước đến. Hắn ngước nhìn và ra hiệu xin ly trà khác, cô tiếp viên nở nụ cười và lấy ly trà trên bàn ăn của hắn xoay người bước vào phòng tiếp viên. Hắn liền bước theo, thoáng cái đã tới sát nữ tiếp viên rồi nhanh tay lấy dây dù quấn vào cổ cô, một tay giữ chặt dây, tay kia chìa dao inox và nói (bằng tiếng Anh, đại ý): “Tôi cướp chiếc máy bay này, tôi có bom…”. Chiếc cốc trên tay tiếp viên Nguyễn Xuân Thủy Tiên rơi xuống. Hắn đẩy cô vào phòng tiếp viên bắt nằm xuống sàn và trói lại. Hành khách hoang mang, căng thẳng.

Trong phòng lúc này có một nam tiếp viên người nước ngoài tên là Chavder. Lý Tống hô to bằng tiếng Anh như lúc nãy rồi cũng bắt Chavder nằm xuống sàn, lấy dây trói lại. Cùng lúc đó, cô tiếp viên khác, tên Lê Hồng Thủy Tiên đi lên khoang bếp có việc liền bị hắn khống chế buộc mở cửa buồng lái để hắn khống chế phi công. Rồi hắn yêu cầu phi công hạ độ cao, bay lượn vòng Sài Gòn và mở cửa sổ máy bay để hắn rải truyền đơn. Anh phi công tên Vitkov bình tĩnh đối đáp với hắn để khéo léo xử lý tình huống và báo sự việc về mặt đất. Lúc này, hắn yêu cầu hai cô tiếp viên cầm truyền đơn xuống phát cho hành khách nhưng hai cô nhanh trí mang đi nhét vào tủ đựng đồ…

… Cuối cùng, viên phi công Vitkov nói với Lý Tống: “Bây giờ anh có thể nhảy dù qua cửa sổ này”. Nhìn thân hình quá to của hắn loay hoay, lúi húi chui qua cửa sổ, Vitkov cũng phải phì cười. Xong, Vitkov thông báo cho hành khách bình tĩnh và đáp máy bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất an toàn.

Về phần Lý Tống, khi dù rơi, hắn có cảm giác phía dưới là nước chứ không phải là ruộng lúa. Đang tính toán cách đối phó thì một tiếng “ụp” vang lên, cả dù và hắn rơi tõm xuống ao rau muống ở quận 8. Vừa định tìm đường tẩu thoát thì hắn phát hiện có ánh đèn, sợ thốn đái nên hắn lội ngược xuống ao, rồi xuống sông. Cuối cùng hắn đã bị anh bảo vệ khu phố tóm cổ.

Ngày 5-9-1992, cơ quan điều tra khởi tố vụ án Lý Tống chiếm đoạt máy bay.

Ước được ăn một bữa thịt chó thỏa thuê

Hình ảnh thảm hại của Lý Tống khi giả gái để xịt hơi cay vào ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Ảnh: INTERNET

Từ Hà Nội, tôi bay vào hỏi phúc cung Lý Tống. Hôm qua ở Hà Nội không khí lạnh tràn về, gió mùa đông bắc rít lên từng cơn tê tái. Thế mà hôm nay, tại phòng làm việc với Lý Tống, không khí thật oi bức, ngột ngạt. Tôi kéo ghế ngồi, rút tập cáo trạng trong cặp tài liệu ra để trên bàn và nhìn Lý Tống. Đôi mắt hắn lờ đờ, đỏ ngầu, khuôn mặt hốc hác, nước da ngăm đen, đầu tóc bù xù.

Tôi nhẹ nhàng hỏi hắn: “Hôm nay sức khỏe của anh thế nào? Vẫn làm việc bình thường được chứ?”. Bộ dạng thiểu não, hắn trả lời: “Ở đây có làm gì đâu mà yếu hả cán bộ! Chỉ thèm thịt chó thôi!”. Hắn chép miệng, nước bọt trắng bệch đọng trên hai ria mép. Nhìn hắn lúc này thật đúng như người ta nói: Thèm rỏ nước dãi. Tôi đưa tay chỉ ra ngoài trời và nói: “Trời nắng chói chang, oi bức thế này mà tống thịt chó vào có mà toi à!”. Hắn hạ giọng: “Người ta ăn thịt chó vào thì kêu nóng, riêng tôi càng ăn thịt chó càng mát như tắm sông cán bộ à!”…

Sau khi nhận cáo trạng truy tố về tội chiếm đoạt máy bay, hắn bắt đầu lý luận: “Hành động của tôi thực ra không có gì nguy hiểm. Tôi chỉ dọa có bom nhưng thực tế không có bom. Như vậy, lời đe dọa đó không thể xảy ra nguy hiểm được. Hơn nữa, cơ trưởng đã lái máy bay đáp xuống phi trường an toàn cơ mà…”.

Tôi vặn: “Anh từng là phi công thì phải hiểu rằng việc anh dọa có bom sắp nổ trên máy bay đã tác động rất lớn đến tâm lý, tinh thần của người lái, rất dễ xảy ra hậu quả khôn lường. Khi anh dọa có bom và khống chế tổ lái thì hành vi chiếm đoạt máy bay đã hoàn thành… Đó là chưa nói việc anh buộc họ mở cửa sổ máy bay dân dụng là vô cùng nguy hiểm, lúc này áp suất rất lớn, máy bay rất dễ bị nổ…”.

Nghe đến đây, nét mặt Lý Tống nhợt nhạt và ủ rũ hẳn, nhưng hắn vẫn cố phân bua: “Không hiểu máy bay dân dụng thế nào chứ với máy bay quân sự thì việc mở cửa sổ nhảy dù là chuyện bình thường. Vả lại hôm đó máy bay đâu có nổ…”. Tôi nói ngay: “Lúc nào anh cũng vỗ ngực tự xưng mình là người lái máy bay tài giỏi nhưng những kiến thức tối thiểu về kỹ thuật an toàn hàng không thì trong đầu anh xem ra trống rỗng. Máy bay quân sự và máy bay dân dụng có cấu trúc hoàn toàn khác nhau. Việc máy bay hôm đó an toàn là do sự điều khiển tài giỏi của cơ trưởng. Anh cứ đòi hỏi phải có hậu quả nổ máy bay thì mới kết tội, lúc đó anh đã chết toi mất xác còn đâu...”. Lý Tống suy sụp hoàn toàn.

Kiếm sống trên đất Mỹ bằng “nghề” ăn vạ

Buổi chiều, Lý Tống bỗng đưa bàn tay phải nắm vào khuỷu tay trái, vẻ mặt đau đớn. Tôi hỏi: “Anh bị đau chỗ nào, tôi có lọ dầu đây này!”. Nhận lọ dầu gió, Lý Tống nói, giọng lạc hẳn: “Báo cáo cán bộ, khuỷu tay trái của tôi như bị kim châm”. Hắn vừa nói vừa xắn tay áo lên để lộ vết sẹo to bằng miệng cái ly uống nước, vết thương đã ra da non nhưng còn sưng đỏ. “Anh bị thương lúc nào vậy?” - tôi hỏi. Lý Tống nhìn tôi và cười như mếu: “Báo cáo cán bộ, lúc ở bên Mỹ tôi sống bằng nghề... “đụng xe” nên mới bị thương vào khuỷu tay”.

Rồi Lý Tống nói như mếu: “Khi sống bên Mỹ, tôi không có công ăn việc làm. Theo pháp luật Mỹ thì mọi công dân đều phải mua bảo hiểm thân thể. Tôi xài tiền cũng rất nhiều, tiền ăn, tiền thuê nhà này nọ. Nên thi thoảng tôi phải ra đường quốc lộ lao vào xe cơ giới sao cho chỉ đủ bị thương để được trả tiền bảo hiểm... Đây chính là vết thương do đụng xe như thế”.

Đến phần tiểu sử bản thân, Lý Tống khai trận đánh ngày 13-2-1973 hắn được giao lái máy bay A37 và chỉ huy hai chiếc khác đi thả bom ở Đắc Tô - Tân Cảnh (Kon Tum). Rồi máy bay hắn bị trúng đạn bốc cháy, may mà hắn kịp nhảy dù thoát thân. Nghe đến đây, tôi đưa mắt nhìn hắn: “Anh có biết hôm đó ai là người bắn máy bay của anh bị thương không?”. Hắn gãi đầu bảo làm sao biết được. Anh Nguyễn Đức Lương, kiểm sát viên cao cấp, người cùng phúc cung với tôi hôm ấy bảo: “Bây giờ nếu anh muốn biết người đó thì tôi sẽ cho gặp”. Hắn thốt lên: “Ôi, còn gì hạnh phúc hơn thế nữa, ai vậy cán bộ?”. Anh Lương chỉ tay về phía tôi: “Anh Biểu đấy. Chính anh Biểu là người chỉ huy đơn vị bắn máy bay các anh ngày đó đấy”. Lý Tống trố mắt nhìn tôi rồi đứng dậy, cúi người về phía trước…

▲▲▲

Ngày 24-2-1993, Tòa Hình sự TAND Tối cao đã xét xử sơ thẩm, đồng thời chung thẩm tuyên phạt Lý Tống 20 năm tù. Năm 1998, hắn được đặc xá và bị trục xuất khỏi Việt Nam. Sau này hắn còn làm nhiều chuyện điên khùng, cuồng vọng khác mà báo chí từng phản ánh.

TS DƯƠNG THANH BIỂU

Kỳ tới: Bên trong vụ án Lã Thị Kim Oanh

 

Kỳ án hiện đại - Bài cuối: Phía sau vụ án Lã Thị Kim Oanh

Trong vụ án Lã Thị Kim Oanh, dư luận nghi ngờ sự dính líu của Bộ trưởng Lê Huy Ngọ và cựu bộ trưởng - đương kim phó thủ tướng lúc ấy, ông Nguyễn Công Tạn. Nhưng qua đối chất, cơ quan tố tụng đã giải oan cho hai vị này.

 

Năm 2000, tôi được bổ nhiệm làm phó viện trưởng VKSND Tối cao. Sau đó không lâu thì xảy ra vụ án Lã Thị Kim Oanh. Đây là vụ án rất phức tạp, cơ quan điều tra phải mất gần hai năm điều tra và xác minh hàng trăm cơ quan, hàng chục địa phương và gặp hàng ngàn người để thu thập chứng cứ. Với cương vị viện phó, tôi tham gia chỉ đạo kiểm sát điều tra vụ án này.

Bị cáo Lã Thị Kim Oanh được dẫn giải ra tòa. Ảnh: TƯ LIỆU

Phải đối chất với phó thủ tướng và bộ trưởng

Vụ án được tóm tắt như sau: Lã Thị Kim Oanh là giám đốc Công ty Tiếp thị và Thương mại Nông nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT. Từ năm 1995 đến 1999, Kim Oanh và đồng phạm đã sử dụng vốn do ngân sách Nhà nước cấp cũng như đi vay các ngân hàng để thực hiện dự án nhưng sau đó đã tham ô hơn 70 tỉ đồng và hơn 92.000 USD, cố ý làm trái gây thiệt hại hơn 34 tỉ đồng và 3.000 USD. Hai nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT là Nguyễn Quang Hà và Nguyễn Thiện Luân cùng hai nguyên vụ trưởng của bộ này là Phan Văn Quán và Huỳnh Xuân Hoàng phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Sau gần nửa tháng xử sơ thẩm, ngày 2-12-2003, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Kim Oanh mức án tử hình về tội tham ô và cố ý làm trái, nguyên thứ trưởng (thường trực) Nguyễn Quang Hà và nguyên thứ trưởng Nguyễn Thiện Luân cùng bị ba năm tù, hai nguyên vụ trưởng Huỳnh Xuân Hoàng và Phạm Văn Quán cùng bị bốn năm tù.

Trước phiên xử sơ thẩm, dư luận cho rằng VKSND Tối cao còn để lọt tội phạm (hàm ý trách nhiệm của ông Lê Huy Ngọ - Bộ trưởng khi đó và ông Nguyễn Công Tạn - cựu Bộ trưởng, lúc ấy đang là phó thủ tướng). Thậm chí ngay trong VKSND Tối cao cũng râm ran dư luận này. Sau phiên tòa sơ thẩm, dư luận và công luận cho rằng việc xét xử chưa nghiêm, chưa công bằng, nhiều nhân chứng quan trọng không có mặt tại phiên tòa làm cho vụ án chưa thấu tình đạt lý. Không chỉ thế, những bị cáo nguyên là cán bộ lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng hành vi ký xác nhận cho Lã Thị Kim Oanh vay tiền của các ngân hàng đã được báo cáo cho bộ trưởng biết. Dư luận đề nghị cần đối chất giữa các bị cáo với bộ trưởng đương chức Lê Huy Ngọ và cựu Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn (lúc vụ án xảy ra là phó thủ tướng). Không ít bài báo ám chỉ cơ quan tố tụng đã để lọt những bị can quan trọng.

Cuối tháng Giêng năm 2004, trước khi dự họp với Ban Chỉ đạo giải quyết vụ án, tôi trao đổi với Viện trưởng Hà Mạnh Trí về những dư luận bức xúc nói trên. Tại tòa, các bị cáo và luật sư đều tập trung khai thác những vấn đề liên quan đến trách nhiệm bộ trưởng nhưng không có các vị ấy để đối chất. Mặt khác, Lã Thị Kim Oanh tham ô số tiền hơn 70 tỉ đồng nhưng khi khám nhà bị cáo lại không thu được gì đáng kể… Sau khi họp với ban chỉ đạo, tôi đề xuất và được Viện trưởng Hà Mạnh Trí đồng ý kế hoạch đối chất giữa các bị cáo (chủ yếu là hai nguyên thứ trưởng) với Bộ trưởng Lê Huy Ngọ và cựu Bộ trưởng - Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn.

Nỗi khổ của người bị báo chí “kết tội”

Ngày 18-2-2004, tôi ký giấy giới thiệu cho Vụ phó 2A Mai Anh Thông trực tiếp sang gặp ông Nguyễn Công Tạn và ông Lê Huy Ngọ đặt vấn đề tiến hành đối chất. Ông Tạn và ông Ngọ đồng ý. Sáu ngày sau, tại trụ sở Bộ NN&PTNT, chúng tôi tiến hành cuộc đối chất. Tranh thủ lúc cơ quan điều tra bố trí ghi âm, ghi hình, tôi gặp riêng Bộ trưởng Lê Huy Ngọ. Bộ trưởng ra tận cửa đón tôi nhưng trông ông rất buồn. Những nếp nhăn như hằn sâu thêm trên vầng trán làm cho khuôn mặt vốn khắc khổ của ông càng khắc khổ hơn. Tôi từng làm việc nhiều lần với ông nhưng hôm nay trông ông già hẳn. Ai từng bị dư luận, báo chí “kết tội” sai hẳn hiểu được nỗi khổ của ông lúc này.

Trong những lần gặp nhau trước đây, giữa tôi và bộ trưởng rất thân tình. Nhưng hôm nay lại khác. Có cái gì đó căng thẳng tạo nên sự ngăn cách giữa chúng tôi. Mùi chè Thái thơm cũng chẳng làm thay đổi được không khí nặng nề. Ông như cố ý tránh ánh mắt tôi. Tôi vừa mở đầu câu chuyện đại ý có dư luận, đơn thư khiếu nại… nên mới cần thiết có buổi đối chất này. Tôi vừa nói đến đây bỗng bộ trưởng nhìn tôi, lắc đầu: “Tôi đã có tường trình đầy đủ và khẳng định hoàn toàn không biết có việc ký các loại giấy tờ rồi mà. Quy chế làm việc tại Bộ NN&PTNT đã được quy định rất cụ thể, rành mạch về những loại việc của tập thể lãnh đạo bộ, của bộ trưởng và của các thứ trưởng… Nếu các vị ấy (chỉ hai thứ trưởng) không chứng minh được thì các vị ấy phải chịu trách nhiệm về chữ ký của mình, không thể đổ lỗi cho người khác được”.

Tôi ngồi nghe ông nói một thôi một hồi. Giọng hơi khàn. Có lúc ông dằn từng tiếng, to dần. Hai bàn tay ông chặt mạnh vào không khí. Ông nhìn thẳng vào tôi như muốn trút những cơn bực dọc mà lâu nay ông phải gánh chịu…

Ông Ngọ về làm bộ trưởng khi Lã Thị Kim Oanh làm giám đốc công ty nói trên đã lâu rồi. Trước khi về, ông đã nghe người ta xì xào về nhân vật này nên ông rất cảnh giác. Thế nhưng mới nhận nhiệm vụ chẳng được bao lâu thì xảy ra vụ án này.

Bộ trưởng Lê Huy Ngọ nhắc lại: “Có cần phải đối chất nữa hay không? Bởi những vấn đề đó đã được tôi tường trình đầy đủ rồi mà… Có cần thiết phải đối chất hay không?”. Nếp nhăn trên trán ông càng sâu thêm. Tôi tìm lời động viên ông rằng tuy hơi phiền hà nhưng như ông bà ta nói “ba mặt một nhời”, việc đối chất này không chỉ làm sáng tỏ các lời khai “đổ vấy” của các bị cáo tại tòa mà còn nhằm giải tỏa những nghi kỵ của dư luận đối với bộ trưởng. Và rằng nếu tại phiên tòa (sắp tới) mà có mặt bộ trưởng thì các bị cáo không thể đổ vấy cho ai được. Đây cũng là cách tốt nhất để khẳng định sự ngoại phạm và minh oan cho bộ trưởng…

Ông vừa nghe tôi nói vừa nhìn ra cửa sổ, gật đầu rồi xoay người sang phía tôi: “Đối chất thì được. Còn ra tòa thì tôi sẽ cân nhắc thêm”. Tôi nhìn đồng hồ, nói: “Bây giờ xin mời bộ trưởng cùng anh em chúng tôi tiến hành đối chất”. Ông đứng dậy và cùng tôi đi về phòng đối chất.

Giữ đúng lời hứa sẽ ra tòa

Đúng như sự tiên liệu của tôi và nhiều người, kết quả đối chất hôm ấy cho thấy cả hai nguyên thứ trưởng - bị cáo trong vụ án - khi ký giấy tờ xác nhận cho Lã Thị Kim Oanh vay tiền đều không có bằng chứng thể hiện có báo cáo Bộ trưởng Lê Huy Ngọ.

Buổi đối chất kết thúc, nét mặt bộ trưởng dãn ra, đượm nét tự tin nhưng ông cũng hơi thấm mệt. Tôi bắt tay ông định tạm biệt thì bộ trưởng nắm chặt tay tôi kéo vào phòng ông. Tôi đi theo như bị thôi miên. Trong câu chuyện, tôi nhắc lại lời đề nghị ông ra tòa vào phiên phúc thẩm. Tôi chưa kịp nói hết câu thì bộ trưởng chìa tay cho tôi bắt và nói như đinh đóng cột: “Tôi sẽ ra tòa. Nhất định tôi sẽ ra tòa”.

Theo kế hoạch, sáng hôm sau chúng tôi lại có mặt tại trụ sở Bộ NN&PTNT để tiến hành đối chất giữa ông Nguyễn Công Tạn với các bị cáo Luân và Hà. Khi tôi đến đã thấy ông Tạn và bị cáo Luân trong phòng làm việc. Kết quả đối chất này cũng giống kết quả như của ông Ngọ. Cuối buổi, tôi nhắc lại đề nghị ông Tạn nên ra tòa nhưng ông lắc đầu nói mình vừa mổ tim, sức khỏe chưa ổn. Quả thật, nhìn vẻ mệt mỏi, nước da xanh xao, đôi mắt sâu và giọng nói còn yếu ớt của ông, tôi nghĩ quyết định ấy là chính xác. Lúc ấy, tòa chỉ cần công bố lời đối chất là đã đủ sức thuyết phục.

Ngày 22-3-2004, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm. Bộ trưởng Lê Huy Ngọ có đơn xin vắng mặt trong ngày khai mạc vì “bận công việc đã có lịch trước” nhưng hứa “sẽ có mặt khi tòa yêu cầu ra làm chứng”. Và ông đã giữ đúng lời hứa ấy. Kết quả tòa tuyên y án tử hình đối với Lã Thị Kim Oanh, giảm án cho bị cáo Luân, nguyên thứ trưởng, từ ba năm xuống còn hai năm tù nhưng cho hưởng án treo, giữ nguyên mức án ba năm tù đối với bị cáo Hà, nguyên thứ trưởng nhưng cho hưởng án treo. (Sau này Chủ tịch nước đã ân giảm cho Lã Thị Kim Oanh xuống còn chung thân.)

▲▲▲

Vụ án khép lại. Tôi và ông Lê Huy Ngọ ít khi gặp nhau. Bỗng một hôm tôi nghe tin ông từ chức bộ trưởng, một chuyện “xưa nay hiếm” ở nước ta. Từ sâu thẳm đáy lòng, tôi thấy vừa thương vừa tiếc cho một con người cần mẫn như ông mà phải từ chức. Nhưng, nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy ông ứng xử đúng với lương tâm và trách nhiệm. Sau sóng gió, con người ta cần những bến đậu, những khoảng lặng bình yên để lòng mình thanh thản. Và tôi cũng thầm khen ông dũng cảm, công tâm khi từ chức trong bối cảnh văn hóa từ chức chưa được xác lập ở nước ta, kể cả cho đến bây giờ.

Hà Nội, cuối tháng 2-2012

TS DƯƠNG THANH BIỂU

Tổng số lượt xem trang