Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

Nhân đọc bên thắng cuộc (6) : VÀI CẢM NGHĨ VỀ QUYỂN BÊN THẮNG CUỘC

người lính già oregon


       Một cách nào đó, somehow, dù bận lắm, tôi cũng vừa đọc xong quyển Bên Thắng Cuộc, phần I, 190 trang, của Huy Đức do một người bạn gửi tới. Tôi đọc rất kỹ đến trang 90, thì “nắm” được điều tôi muốn “nắm”, và từ đó trở đi, tôi đọc phớt qua, vì không còn gì hấp dẫn, cũng bấy nhiêu chuyện chúng ta đã quá biết. Như trên đầu đề, tôi viết những dòng này như “vài cảm nghĩ”, m à “cảm nghĩ” thì lúc nào cũng mang tính cá nhân, chủ quan; không phải một bài phê bình có tính cách hàn lâm, dài dòng, với trích dẫn, bằng cớ. Nghĩa là đọc xong phần I (tôi chỉ có phần này), tôi xếp nó lại, và viết theo trí nhớ, trung thực với cảm nghĩ đã có mà thôi. Vì quyển sách không đáng bỏ công sức và thì giờ để bình phẩm, khen hay chê. Không đáng, vì theo thiển ý, nó chỉ gây xôn xao vài bữa, rồi cuối cùng sẽ chìm vào tầm thường, quên lãng như những tác phẩm của Bùi Tín, Dương Thu Hương, Vũ Thư Hiên, Tô Hải dạo nào v.v…
Không đáng, vì Bên Thắng Cuộc, tôi nghĩ, chỉ là một sưu tập (recueil, collection) những mẩu chuyện đã xưa, đã cũ 37 năm, từ 1975, được phân đoạn thành phần, chương, mục, thêm dẫn chứng v.v… Tôi sực nhớ quyển Những thiên đường mù của Dương Thu Hương trong đó bà kết án vụ đấu tố năm 54 –điều làm dân hải ngoại hả hê, nhưng thực ra về vụ ấy, tên cáo già Hồ Chí Minh cũng đã vờ vịt lên tiếng nhận khuyết điểm và trách cứ những cán bộ thừa hành đã làm sai v.v… Tôi có quá lời lắm không nếu tôi đánh giá Bên thắng cuộc như những chuyện ngồi lê đôi mách, ai cũng biết rồi khổ quá nói mãi, được tác giả góp nhặt lại, kể và in thành sách bán tại Mỹ, để kiếm tiền, kiếm danh  –là điều chắc chắn– và dĩ nhiên, kiếm lợi nào đó về chính trị trên thế đứng của một người hiện-còn-là-Cộng-sản đứt đuôi con nòng nọc, chưa bỏ nước ra đi như, ít ra, những cựu đảng viên ly khai sống tại Pháp.

1) Danh sách cám ơn     Trong mục tác giả cảm tạ những người đã giúp ông hoàn thành tác phẩm, người ta thấy danh sách quá dài, quá chi tiết, mà hai phân ba là những lãnh đạo và cán bộ gộc, xưa và nay, của Cộng Phỉ Coco ViXi. Bọn ác ôn này làm sao mà nói tốt về dân “ngụy” thua cuộc cho được? Lại nữa, phỏng vấn bọn lãnh đạo Vi Xi, có thực hay không, làm sao dân hải ngoại biết? Kê đại ra cho oai?
     Phần còn lại gồm những nhân vật theo Cộng từ khuya, đa số còn trong nước (như Hồ Ngọc Nhuận), hay ngoài nước, hoặc cộng tác với tờ pro VC Người Việt (như Đinh Quang Anh Thái, nhân vật này trong lời giới thiệu quyển sách đã dùng chữ của Vi Xi “tư liệu” thay cho “tài liệu”, thì đủ rõ lập trường của y), hoặc nửa nạc nửa mỡ, hay những tên tuổi lạ hoắc gồm những khoa bảng trẻ tuổi lớn lên tại xứ người, biết cóc khô gì về cuộc chiến VN, về Cộng sản, hay những khoa bảng già què ăn quẩn cối xay đã sống nhờ cơm quốc gia nay thờ ma Cộng sản (như Châu Tâm Luân, hay Nguyễn Mạnh Hùng –có thời là giáo sư trường Đại Học CTCT Đà Lạt)… Thiếu vắng những người chống Cộng thứ thiệt và thứ dữ (như nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, chủ báo Hoàng Dược Thảo, những talk show hosts Huỳnh Quốc Bình, Đoàn Trọng Hiếu, Hồng Phúc, những cựu quân nhân, cựu tù nhân, cựu thuyền nhân có tiếng tăm và những bạn bè bảo vệ Cờ Vàng của tôi trong các diễn đàn Thụ Nhân, Tổng Hội Ái Hữu Đại Học CTCT Đà Lạt). Trừ vài nhân vật hải ngoại nổi tiếng, như bà Khúc Minh Thơ (nhân chứng về vụ vượt biên?), hoặc Phan Nhật Nam (ví dụ về cha là cán bộ Vi Xi gộc, mà con “ngụy” vẫn đi tù), mà, tôi đoán, tác giả xử dụng như nguồn tin vô thưởng vô phạt về những tiết mục nhất định. Lại có cả Kissinger, một tên “đồng minh” vô liêm sỉ đã bán đứng VNCH cho Cộng Phỉ; tin được tên này thì có mà bán thóc giống. Ngoài ra, nhìn tác phẩm trong thư mục tác giả đã tham khảo, tôi đoán ông trích dẫn tài liệu nhiều hơn là phỏng vấn những nhân chứng, chẳng hạn Kissinger (đâu có hưỡn, và đâu có phỏng vấn y chùa được?), vì tài liệu có sẵn hết rồi, giờ đâu mà tác giả bày đặt phỏng vấn để biết những điều mà ông đã quá biết qua sách vở? Chẳng qua chỉ muốn làm tăng thêm giá trị của quyển sách để dễ bán, để hù độc giả dễ tin. Cũng như tại Mỹ, được cơ sở thương mại Amazon phát hành có gì là ghê gớm lắm đâu mà tác giả, đúng hơn các bơm sĩ, khua chiêng gõ mõ kinh quá?
     Chỉ đọc qua danh sách, có thể biết tác giả là ai, và tác phẩm muốn viết gì.

2) Muốn gì?    Tôi có cảm tưởng quyển Bên Thắng Cuộc, nếu là tiểu thuyết, sẽ rơi đúng, ngoài ý muốn, và khả năng, dĩ nhiên, của tác giả VC Huy Đức, vào một tiêu chuẩn của “tân tiểu thuyết” Pháp (nouveau roman) được đề ra trong những tiểu thuyết và nhất là L’ère du soupçon (Kỷ nguyên hồ nghi) của Nathalie Sarraute: cứ nêu tất cả sự kiện, lộn xộn, khách quan… cũng không sao. Tác giả thì ẩn núp trong các nhân vật của mình, hoặc ở đâu đó, và tất cả đều không quan trọng. Độc giả mới là người phải sắp xếp lại các sự kiện để tìm ra ý nghĩa thật của nội dung, nhân vật, tác giả, sứ điệp (message) trong sách. Cũng vậy, trong quyển La Jalousie (có hai nghĩa), tác giả Alain Robbe-Grillet đứng sau bức mành cửa sổ (jalousie) nhìn và kể những sự kiện xảy ra trong căn phòng của một người đàn ông đang ghen (jalousie) vợ. Độc giả có nhiệm vụ ráp lại các chi tiết để cấu thành nội dung câu chuyện và hiểu ý của tác giả.
    Như thế, trong sách của mình, Huy Đức núp dưới bóng các nhân vật hoặc trốn sau bức mành, phơi bày những sự kiện, có tính lịch sử hay không. Nhiệm vụ của chúng ta, độc giả, là lôi tác giả ra khỏi những sự kiện, câu văn hay nhân vật để nhìn thấy sự thật. Và sự thật trong Bên Thắng Cuộc, đó là:
       a) Trong những đoạn mở đầu, Huy Đức tả / kể về cuộc điều quân và thắng trận của Cộng quân vào ngày 30/4/1975 một cách chi tiết, tỉ mỉ, toàn hảo, cho độc giả cảm tưởng rằng Đảng tuyệt vời, những cấp chỉ huy bên Cộng quân đều là danh tướng, không khác những phim, sách kể lại những trận đánh lớn trong quân sử thế giới. Để làm gì, nếu không là để ca ngợi và thấy hãnh diện về “chiến thắng lịch sử”, một cách khéo léo qua những sách vở Đảng, công điện, lời nói của Bí thư Đảng (Lê Duẩn) và các tướng chỉ huy mặt trận? Để làm gì? Vì nếu “hồi chánh” thật (như một số độc giả hải ngoại tưởng lầm hoặc mong ước) hoặc ít ra có cái nhìn trung thực, khách quan về lịch sử, tác giả phải lên án cuộc tấn công ấy chứ, ví dụ, Việt Cộng vi phạm hiệp định Paris, với sự đồng lõa của người Mỹ lật lọng và tay trong ngu đần Dương Văn Minh, tên tướng được sinh ra chỉ để phản bội; ví dụ, nếu không có Trung Cộng và Liên Xô viện trợ, thì Việt Cộng cũng chẳng làm nên cơm cháo gì, hoặc nếu Miền Nam là tay sai của Mỹ thì Miền Bắc nô lệ cho hai quan thầy, Nga và Tàu. Đàng này, Huy Đức cứ kể chuyện, mà phớt lờ những vấn đề ấy.
     Vì muốn đề cao chiến thắng vĩ đại của đoàn quân anh hùng, Huy Đức cũng lờ đi sự việc mà người dân Miền Nam nào cũng thấy, cũng biết, cũng chế giễu: đó là đoàn quân anh hùng chiến thắng vĩ đại gồm toàn những tên bộ đội mặt mũi non choẹt, hay những tên sĩ quan, đứa nào cũng có hàm răng hô như bàn nạo dừa, gốc gác bần cố nông, nhà quê, tóc không chải, chân đi dép râu, quần áo rộng thùng thình, lâu ngày không giặt hôi hám, ngơ ngơ ngác ngác như những thằng Mán về thành, ngẩng mặt nhìn những cao ốc Sài Gòn thiếu điều cổ muốn gãy, gọi nhà hộ sinh là “xưởng đẻ”, cầu tiêu tiểu là “nhà ỉa, nhà đái”. Huy Đức cũng có kể câu chuyện tên bộ đội rửa rau trong bồn cầu, giật nước trôi đi và nó la hoảng, tưởng là CIA gài bẫy phá hoại, hay một tên khác khoác lác là “ở Miền Bắc ti vi tủ lạnh chạy đầy đường”, nhưng đó chỉ là hai ví dụ mà tác giả đưa ra, cốt lấy điểm người Việt hải ngoại, và cho là hiện tượng cá nhân, không đáng kể. Không hiểu sao, bây giờ những đứa nào trong phe chiến thắng cũng có mặc cảm xấu hổ về tính chất quê mùa, bần cố nông, bồi tàu, thiến heo, phu cạo mủ cao su, giao liên xã –mà trước kia là điều kiện tiên quyết ắt có và đủ để trở thành Cộng sản. Dương Thu Hương, trong Tiểu thuyết vô đề, lâu ngày quá, quên mình là Vi Xi, đã “ngụy hóa” viên sĩ quan chỉ huy một đại đội trên Trường Sơn bằng cách giấu biến dép râu và nón cối, cho y mang giày mang tất đường hoàng như lính quân đội VNCH. Thế đấy.
      b) Huy Đức bơm quá sá Võ Văn Kiệt và Lê Duẩn. Nếu Bùi Tín trongMây mù thế kỷ đứng về phe Võ Nguyên Giáp, nâng bi tên tướng bị thất sủng này thế nào thì trong Bên thăng cuộc, Huy Đức bơm Lê Duẩn như thế ấy, hoặc hơn, ví dụ  khen giọng nói “giọng Quảng Trị trầm ấm” của y (“trầm ấm” chỗ nào hả ông? Ba tôi cũng dân Quảng Trị, giọng nói nghe nặng chình chịch, nịnh vừa thôi chứ). Theo Huy Đức, Lê Duẩn lúc ấy là bí thư Đảng, đã lãnh đạo cuộc tấn công xâm chiếm Miền Nam , tạo nên chiến thắng lẫy lừng 30/4/1975 . Lê Duẩn chống Tàu Cộng (ví dụ, không thèm bắt tay Chu Ân Lai), lãnh đạo cuộc phản công nhanh chóng và thắng lợi trong những trận đánh phá biên giới phía Bắc bởi Tàu, và phía Tây Nam bởi Pol Pot, đệ tử của Tàu Cộng. Qua đó, Huy Đức muốn nhắn gửi gì cho bọn lãnh đạo VC hiện nay đang rước voi về dày mả tổ, tự nguyện làm tay sai cho Tàu Cộng? Cũng cần nhắc thêm, tôi đã xem đâu đó, dưới mắt quốc tế, Lê Duẩn được xem là một tay đồ tể Việt Nam đã sát hại bao nhiêu sinh linh, chỉ sau Hồ Chí Minh,
     Còn Võ Văn Kiệt, theo Huy Đức, là một thủ tướng “cởi mở” đề ra chính sách hòa hợp hòa giải, chiêu hiền đãi sĩ. Chính sách này, Huy Đức đang giăng ra, theo nghị quyết 36 của Đảng, như cái bẫy đối với những con mồi quốc gia hải ngoại suốt đời ngây thơ bị lừa phỉnh dài dài mà không tởn, qua quyển sách đang ăn khách của ông –mà các bơm sĩ chuyên đút và thổi ống đu đủ xem như một người trung thực, vô tư, công bằng. Cũng không phải vô tình mà Huy Đức nhiều lần nhắc đến tên của Đỗ Trung Quân, tác giả bài “Quê hương là chùm khế ngọt”. Đại khái, về đi anh ơi, quên hết hận thù, xóa bàn làm lại. Nguyễn Minh Triết, tại Dana Point, năm nào, thì trắng trợn hơn không thua một thằng ma cô chánh hiệu: về đi anh ơi, gái Việt Nam bây giờ đẹp lắm.     Chúng ta có thể xem tác giả Huy Đức là người của phe đối lập với lãnh đạo hiện tại? Tại sao không? Đối lập, nhưng nhát gan, không dám đụng trực tiếp, sợ bị tai nạn xe hoặc bị mời vào trại cải tạo. Một thắc mắc nữa của tôi là vấn đề thời điểm, timing: tại sao bây giờ, sau 37 năm, mới viết sách, đưa tất cả chuyện này ra? Có thể tác giả đang học hay tu nghiệp tại Mỹ và đối tượng chính lần này là độc giả hải ngoại, mà ông ta rất cần sự ủng hộ, ít ra bằng võ mồm, chống lại bọn trên và chống Tàu Cộng? Hay có thể bọn lãnh đạo hiện tại mượn tay Huy Đức chiêu dụ Việt kiều xóa bỏ hận thù? Dám lắm.

     c) Vụ kẻ chiến thắng lừa và lùa kẻ chiến bại vào những trại tù cải tạo:Huy Đức, trong một đoạn đã tiết lộ nội dung cái thông cáo của Ủy ban Quân quản bắt trình diện “học tập” là do mưu kế của Võ Văn Kiệt, chính ủy Sài Gòn toàn quyền lúc ấy, thần tượng của Huy Đức trong sách: “Việc công bố ba mức thời gian học tập […] là cố ý để cho các đối tượng ngầm hiểu rằng thời gian học tập tối đa của các sỹ quan chỉ là một tháng”. Ai cũng dính bẫy. Đó là một trò lừa phỉnh đê tiện mà chỉ có “bên thắng cuộc”, tức bọn lưu manh Vi Xi mới xử dụng. Thay vì kết án, như tôi đang làm, Huy Đức lại trích ra nguyên văn câu trên, không ý kiến, để làm gì?
     Về các sĩ quan VNCH bị nhốt ở các trại tù, Huy Đức có nhỏ vài giọt nước mắt cá sấu, chẳng hạn kể những thảm cảnh và cực khổ của vài “nhân chứng” đi thăm nuôi chồng, con. Lại có đoạn kể một quản giáo cũng khóc ròng vì thương cảm (chuyện về một người tên Lưu Đình Triều). Ô hô. Nhưng không có một lời kết án nào dành cho bọn chiến thắng đã đối xử một cách tàn bạo, nhỏ nhen, hèn hạ đối với những người đã buông súng đầu hàng. Trái lại, qua văn phong, ông tỏ vẻ dửng dưng, nếu không nói là hài lòng đối với biện pháp cải tạo đề ra bởi Đảng, dưới quyền của Lê Duẩn, một cách kín đáo bằng cách trích dẫn, không cần thiết, những lời giải thích, biện minh qua các văn kiện, thông tư của những tên chóp bu. Hoặc ngược lại, của những cải tạo viên “giác ngộ” công khai ca tụng chính sách cải tạo, từ ông tướng già bệnh hoạn Nguyễn Văn Vỹ “học” sáu tháng đến các binh sĩ “học” ba ngày được thong thả về nhà. Chưa nói việc một số tay sai trong hàng ngũ quốc gia tuyên bố được đi tù là điều “may mắn”, nhẹ nhàng như đi dạo mát. Chưa nói việc Huy Đức bênh Đảng, cho rằng vì “ngân sách của Cách mạng” eo hẹp nên phải cho tù cải tạo ăn ít đi, mà cố tình lờ rằng, cho tù ăn đói là một chính sách thâm độc của Vi Xi. Vân vân…
     Việc này cũng giống như việc bọn “bên thắng cuộc” đánh tư sản mại bản, gian thương, Hoa kiều, bằng cách đổi tiền, tịch thu tài sản, lùa dân đi kinh tế mới, cho đến phong trào vượt biên: không một lời kết tội bọn cầm quyền và chính sách đểu cáng, ty tiện (vơ vét tiền bạc, vàng bạc của nhân dân Miền Nam). Tác giả –núp sau lưng Đảng Cướp Ngày CSVN– chỉ kể, nhưng độc giả không biết để làm gì, vì không có một lời lên án những hành động này. Không có cả một lời cảm thông cho những nạn nhân, trái lại ông ngầm đồng tình với bọn cướp xem họ như những tư bản ác ôn, không hơn không kém.

3) Độc giả hải ngoại     Trừ bài viết cò mồi quảng cáo bán sách của ông bơm sĩ, giáo sư Trần Hữu Dũng, và vài nhân vật nổi tiếng pro VC, tôi có đọc vài ý kiến của một số người thực sự “phe ta” cho rằng Huy Đức đã gọi các sĩ quan tự sát là “tuẫn tiết”, đã gọi tổng thống, tướng lãnh, sĩ quan VNCH, đầy đủ tước vị, với vẻ kính trọng đường hoàng, như vậy, họ kết luận, tác giả này rất good, cò thể tin được… Chu choa! In sách tại Mỹ, cho người Việt hải ngoại mua đọc và phổ biến, với mục đích gì tôi đã phân tích, thì bố bảo ông ta cũng không dám gọi ai trong “phe mình” là  “thằng” này “thằng” nọ. Nhưng qua lời ông ta trích dẫn câu nói của vài tên thuộc phe chiến thắng hạng gộc, trong đó có Lê Duẩn, hay lũ cán bộ, quản giáo trong những trại tù cải tạo, người dân Miến Nam từ tổng thống trở xuống đều bị gọi và bị chửi là “thằng”, là “ngụy” tuốt luốt. Và đó mới là lời lẽ đích thực của tác giả Huy Đức, cựu bộ đội, nhà văn, nhà báo VC, đứng sau mành cửa sổ, như tác giả Alain Robbe-Grillet của La Jalousie, xem chúng nó đánh nhau. “Chúng nó” đây là những người phe ta ca ngợi tác phẩm của ông vs những người phe mình có tánh đa nghi, đầu có nhiều sạn, như tôi, rất khó dụ khị. “Chúng nó” mà xào xáo, chia rẽ nhau vì cuốn sách tầm thường, nặc mùi Vi Xi này, thì cuốn sách cũng đã thành công rồi, đúng theo Nghị quyết 36 đề ra.

4) Một ví dụ về hình thức chửi khéo Vi Xi của một tù nhân cải tạo, có thể so sánh với phương cách chửi khéo phe ta được tác giả Huy Đức áp dụng trongBên thắng cuộc:    "Mới đầu, đa số còn phát biểu linh tinh lắm. Hệ thống ăng ten chưa được thiết lập qui mô. Trong đội Rau Xanh có ông Đại úy Cảnh sát già gân Hoàng Bá Linh. Ông Linh là người Quảng Bình, hay Quảng Trị, trực tánh, ưa kể chuyện tiếu lâm và chuyện chế độ cũ, nói năng rất “phản động”, thuộc loại điếc không sợ súng. Trong một buổi học tập của đội, ông đã phát biểu, lên án “bọn CTCT ngụy” như sau: “Bọn ngụy tuyên truyền rất bố láo bố lếu về Bác Hồ vĩ đại, vô vàn kính yêu của ta, ví dụ họ nói nguyên văn như ri, tổ cha thằng già Hồ Chí Minh là tên giết người bán nước, làm tay sai cho thằng Xịt Ta Lin và thằng Mao Xếnh Xáng... Họ xuyên tạc bộ đội anh hùng của ta nguyên văn như ri, là chúng nó ốm đói quá, bảy thằng Việt Cộng đu một cọng đu đủ mà không gãy... Thật là mất dạy hết sức!”, v.v... Và cứ thế ông nói dai, nói dài, nói lớn nguyên văn như ri, như ri”, với giọng nặng trịch, nhừa nhựa thuốc lào. Tất cả sĩ quan cải tạo xanh mặt, cản không được, ngồi im, lo lắng cho ông. Phải hơn hai phút sau thằng cán bộ quản giáo mới hiểu ra, lên tiếng cắt ngang, hầm hầm quát bảo ông im ngay. Nó ức lắm, nhưng lúc ấy vì quá bất ngờ chưa biết kết ông vào tội gì. Hôm sau, ông bị dẫn đi “làm việc” khá lâu, rồi bị biệt giam một tháng. Ra khỏi phòng biệt giam, ông tiếp tục mở máy, như cũ, cười hề hề: 'Tui đâu ngán thằng mô'"
(trích bài “Đá Nát Vàng Phai” của Kim Thanh)

Người Lính Già Oregon

-Portland, 21/12/2012

Xem đính kèm: --Bên thắng cuộc – Chương VII: “Giải Phóng”

-Bên thắng cuộc –Phần II: Thời Lê Duẩn Chương VIII: Thống nhất

-Bên thắng cuộc –Phần II: Thời Lê Duẩn Chương IX: Xé Rào
***********

Bổ sung thêm tài liệu về Nguyễn Mạnh Huy trong -Bên thắng cuộc – Chương VII: “Giải Phóng”

Bên thắng cuộc - Phần II ( Quyền binh ), end note 89:
89 Mùa hè năm 1987, Nguyễn Mạnh Huy quyết định thi đại học lần thứ tư. Kết quả, Huy được 22 điểm trong khi chỉ cần 20 là đỗ vào đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, cả lần này, Nguyễn Mạnh Huy vẫn “không được đi học vì cha chết trận”. Nguyễn Mạnh Huy viết thư gửi báo Thanh Niên: “Đây là lần thi cuối cùng của tôi. Tôi tuyệt vọng!” Bức thư đến tay người phụ trách tòa soạn lúc bấy giờ là nhà báo Nguyễn Công Thắng, ông Thắng đã trực tiếp xử lý và được người có quyền quyết định về nội dung lúc ấy là Phó Tổng Biên Tập Nguyễn Công Khế đồng ý đưa lên mục Diễn Đàn. Hơn 1000 thư đã gửi về báo Thanh Niên bày tỏ thái độ ủng hộ Nguyễn Mạnh Huy và báo Thanh Niên. Các báo Tiền Phong, Tuổi Trẻ cũng cùng lên tiếng. Nhưng, trong khi lương tâm của nhiều người cắn rứt vì sự nghiệt ngã của một số phận thì “lập trường giai cấp” trong lòng nhiều quan chức vẫn như một thành trì. Ban Giáo dục Chuyên nghiệp tỉnh Nghĩa Bình đã gửi cho báo Thanh Niên một bức điện lạnh lùng: “Về việc tuyển sinh vào các trường đại học, trong tổng kết năm 1986, Giáo sư, Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp Mai Hữu Khuê đã nói: Công tác tuyển sinh khẳng định là phải mang tính chất giai cấp. Ở bất cứ chế độ xã hội nào đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân kỹ thuật, đội ngũ đó phải trung thành với chế độ và phục vụ một cách có hiệu quả cho chế độ đó”. Cuối tháng 11-1987, khi vụ Nguyễn Mạnh Huy được đưa ra thảo luận tại các trung tâm hội thảo của Đại hội Đoàn toàn quốc, báo Thanh Niên đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trực tiếp viết thư cho Tỉnh ủy Nghĩa Bình và theo ông Nguyễn Công Khế: “Khi các đại biểu Đại hội Đoàn tới thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã cho công bố thư của Bí thư Nghĩa Bình trả lời ông Linh, đồng ý cho Nguyễn Mạnh Huy đi học”. Thành công của báo chí, đặc biệt là báo Thanh Niên trong vụ Nguyễn Mạnh Huy, đã buộc chính quyền phải sửa đổi chính sách phân loại “13 hạng thanh niên” trong tuyển sinh.

-

20 năm Thanh Niên đồng hành cùng bạn đọc



Đông đảo bạn đọc trẻ đến cổ vũ đêm giao lưu. Ảnh Đ.N.T - D.B


* Tướng Nguyễn Việt Thành: “Nếu vụ án Năm Cam không sớm kết thúc thì Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế có thể bị sát hại...”




Sảnh đường rộng lớn hơn 1.000 chỗ ngồi của Nhà hát Bến Thành (TP.HCM) đã trở nên quá tải trước lượng bạn trẻ, sinh viên (SV) đông đảo đến tham gia đêm giao lưu "20 năm đồng hành cùng bạn đọc" của Báo Thanh Niên tối qua, 27/12/2005.



Câu chuyện "chiếc xe cà khổ" và Nguyễn Mạnh Huy

Khi anh Nguyễn Công Khế - Phó chủ tịch Hội LHTN VN, Tổng biên tập Báo Thanh Niên phát biểu khai mạc trong đêm giao lưu, nhiều tràng pháo tay giòn giã đã vang lên. Anh Khế đã điểm lại những bước đi mạnh mẽ của báo Thanh Niên trong chặng đường "từ không đến có", từ một tờ tuần tin đến tờ báo ra hằng ngày với nửa triệu bản in cùng hai website (tiếng Việt và tiếng Anh) được đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước đón nhận.

Anh Nguyễn Mạnh Huy - kỹ sư Xí nghiệp in Lê Quang Lộc và nhà báo Nguyễn Công Thắng (Trưởng ban Công tác bạn đọc báo Thanh Niên) là hai nhân vật đầu tiên xuất hiện trong buổi giao lưu. Với một vẻ xúc động đặc biệt, anh Mạnh Huy đã đưa bạn đọc trẻ trở về câu chuyện của chính bản thân anh cách đây 18, 19 năm. Đó là thời kỳ "chủ nghĩa lý lịch" đã trở thành một thứ rào cản khắc nghiệt, khiến anh cũng như bao bạn trẻ có tài khác phải mòn mỏi đứng bên ngoài cánh cửa ĐH vì vấn đề lý lịch của cha ông.

Ba năm liền, Huy đậu với số điểm rất cao nhưng đều vô vọng. Không an phận với nghề thợ mộc, chàng trai trẻ Mạnh Huy ở tỉnh Bình Định (tỉnh Nghĩa Bình cũ - PV) đã gửi bức thư tâm huyết đến Thanh Niên kêu oan. Người đầu tiên đọc lá thư đó trong tâm trạng bàng hoàng chính là nhà báo Nguyễn Công Thắng. Anh Thắng kể: "19 năm đã trôi qua nhưng bây giờ tôi vẫn nhớ như in lá thư viết trên những trang giấy học trò, với nét chữ ngay ngắn của anh Huy. Lá thư đã khiến tôi cảm động vì niềm khao khát cháy bỏng được vào ĐH rất chính đáng của anh Huy". Chính vì mối sẻ chia sâu sắc với bức xúc của bạn đọc mà nhà báo Nguyễn Công Thắng đã không quản ngại khó khăn, đạp xe trên chiếc xe đạp cà khổ "liên hiệp quốc" (chiếc xe do bạn bè góp mỗi thứ lại mà thành) để đến tận những nơi cần đến, để thuyết phục và đấu tranh cho Nguyễn Mạnh Huy... Nguyễn Mạnh Huy xúc động: "Báo Thanh Niên vô cùng dũng cảm. Nhờ quý báo mà tôi có được cuộc sống như ngày hôm nay. Xin chúc quý báo luôn năng động, phát triển như tuổi 20 của mình!".



Bạn đọc trẻ chúc mừng Nguyễn Mạnh Huy. Ảnh Đ.N.T - D.B


Sẵn sàng "đi vào miền gian khổ"

"Khi tác nghiệp ở nước ngoài, động lực nào để các anh có thể vượt qua được những điều kiện khắc nghiệt để tác nghiệp tốt?", nhà báo Ngọc Thịnh - người đã có mặt và kịp thời phản ánh những thông tin nóng hổi về cuộc chiến tại Afghanistan bộc bạch giản dị: "Trước hết, đó là nhờ lòng yêu nghề. Tiếp nữa, phải biết vượt lên những nỗi sợ hãi của bản thân. Thú thực, lúc đó tôi cũng lo sợ vì chưa lần nào đến đất nước Hồi giáo, chưa am hiểu phong tục, văn hóa của họ... Tuy nhiên, tôi đã cảm thấy sung sướng vì được sếp tin tưởng giao phó".

Anh Đỗ Hùng - nhà báo đã xông xáo có mặt tại Thái Lan, Sri Lanka để viết bài, đưa tin và kêu gọi hỗ trợ nạn nhân sóng thần hồi năm ngoái thì chia sẻ:"Khi Ban Biên tập giao nhiệm vụ, tôi chưa biết làm gì nhưng khi đến tận nơi, chứng kiến sự tang thương của người dân chịu thảm họa sóng thần, tôi thường chạy xe cả trăm cây số để gửi bài về. Tiếp đó, Báo Thanh Niên đã làm cuộc vận động hỗ trợ người dân vùng sóng thần. Theo tôi, không có khó khăn nào mà không vượt qua khi có động lực lớn".

Một SV Trường ĐH khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM hỏi: "Nếu phải chết khi sẵn sàng đi vào miền gian khổ, các anh nghĩ thế nào?", nhà báo Ngọc Thịnh nói ngay: "Xin cảm ơn câu hỏi của bạn! Tôi đã chuẩn bị cả rồi! Trước khi đi Afghanistan, tôi có gọi điện cho một người bạn và nhờ người ấy hãy chăm sóc cho mẹ tôi, nếu tôi có bề gì!". Những tràng pháo tay giòn giã vang lên sau câu trả lời đầy nhuệ khí và vô cùng nhẹ nhàng ấy!

Ca sĩ Phương Thanh: "Nếu không được mời hát, tôi sẽ rất buồn"

Ca sĩ Phương Thanh nói về chương trình Duyên Dáng Việt Nam (DDVN) và cô đã thốt lên như vậy với Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế. Phương Thanh nói: "DDVN là chương trình có 3 ý nghĩa lớn đối với tôi. Đó là được làm từ thiện để góp phần nhỏ bé của mình cho học bổng Nguyễn Thái Bình, là vinh dự cho người ca sĩ vì đây là một chương trình lớn, mỗi năm chỉ được tổ chức 1 lần và là niềm vinh quang cho ca sĩ đã góp phần làm nên tên tuổi và đưa tên tuổi của nghệ sĩ bay xa". Còn ca sĩ Mỹ Linh chân tình: "Tôi đã rất vui và hãnh diện khi nhiều lần được mời tham gia chương trình DDVN. Mỗi chương trình là một sự tìm tòi đến với cái mới, cái lạ của những người tổ chức. Mỗi chương trình DDVN đều có những nét đặc trưng riêng. Muốn được "tồn tại" lâu dài với DDVN thì ca sĩ chúng tôi cần phải đầu tư nghiêm túc cả bài hát và trí tuệ để biểu diễn".

Tuyển thủ Phan Văn Tài Em: "Giải U.21 Báo Thanh Niên đã giúp tôi trưởng thành"

Mở đầu buổi giao lưu, Phan Văn Tài Em khẳng định: "Năm 2000, lúc tôi mới 18 tuổi, tôi đã may mắn thi đấu tại giải U.21 Báo Thanh Niên và năm đó tôi cũng rất hạnh phúc khi đội GĐTLA đoạt ngôi Á quân. Tôi càng may mắn hơn, bởi sau đó, tôi và nhiều đồng đội khác được báo Thanh Niên đưa đi tập huấn quốc tế tại Argentina, đây là một chuyến tập huấn rất bổ ích đối với tôi. Chính từ môi trường trong sạch và lành mạnh của giải bóng đá U.21 Báo Thanh Niên, tôi trưởng thành và tiến bộ không chỉ về chuyên môn mà tôi còn trưởng thành rất nhiều về nhân cách và lẽ sống ở đời".

Còn HLV đội U.21 Bình Định Hà Tôn Quyền cũng khẳng định: "Giải bóng đá U.21 Báo Thanh Niên là giải đấu có chất lượng cao, ngày càng được nâng chất và phát hiện nhiều tài năng để bổ sung và tăng cường cho đội tuyển bóng đá VN". Trước câu hỏi của độc giả: "Tài Em có cảm giác như thế nào khi đứng ra tố cáo tiêu cực của các đồng đội của mình?". Tài Em chân thành nói: "Tôi nói vì tôi cũng là người yêu bóng đá như bao triệu người VN. Tôi không thể cứ nhìn bóng đá VN tiêu cực và kéo dài mãi. Sau khi tố cáo tiêu cực, đến đây được sự động viên của các bạn và đặc biệt là lời khẳng định của Trung tướng Nguyễn Việt Thành, tôi cảm thấy yên tâm". Phan Văn Tài Em có lẽ là người nhận được nhiều sự quan tâm nhất từ bạn đọc báo Thanh Niên và ngay cả những vị khách mời giao lưu.


Trung tướng Nguyễn Việt Thành - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an nói về chiến công phá vỡ tập đoàn Năm Cam

Tướng Nguyễn Việt Thành: "Nếu vụ án Năm Cam không sớm kết thúc thì Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế có thể bị sát hại...".

Có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta làm tốt vụ án này, trong đó nguyên nhân lớn nhất mang đến sự thành công là sự phối hợp hành động giữa các chiến sĩ công an, các cán bộ trong các cơ quan bảo vệ pháp luật với các cơ quan thông tấn báo chí mà trong đó có sự đóng góp rất lớn của báo Thanh Niên. Nếu không có các bài viết, các tin tức của các báo, đặc biệt là Thanh Niên thì ban chuyên án không thể có những thông tin quý giá, giúp cho ban chuyên án nhận định để tổ chức điều tra và kết thúc một cách thắng lợi vụ án Năm Cam.

Nhìn xuống hơn 1.000 bạn đọc, Trung tướng Nguyễn Việt Thành nói: "Tôi muốn nói thêm với các bạn rằng, trong quá trình điều tra, chúng tôi đã thu thập rất nhiều tài liệu về âm mưu sát hại nhiều người của tập đoàn Năm Cam, trong đó có anh Nguyễn Công Khế đang ngồi đây với các bạn. Hiện tài liệu đó chúng tôi đang lưu giữ rất kỹ lưỡng. Nếu vụ án Năm Cam không được sớm điều tra và kết thúc thì anh Công Khế có thể sẽ bị sát hại. Chúng tôi rất khâm phục anh Nguyễn Công Khế trong trận cùng chúng tôi quyết đấu với bọn tội phạm làm nức lòng nhân dân cả nước"...

Trước lúc kết thúc phần giao lưu của mình, Trung tướng Nguyễn Việt Thành khẳng định: "Một điều mà tôi muốn nói để Tài Em và các bạn yên tâm, là chúng tôi, lực lượng Công an đã khẳng định quyết tâm của mình và kiên quyết đấu tranh đến cùng với tiêu cực trong bóng đá. Chúng tôi khẳng định với nhân dân, những người hâm mộ bóng đá, chúng tôi sẽ bảo vệ những người dũng cảm tố giác cái xấu, tố cáo tiêu cực...".




Tổng biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế tặng hoa Trung tướng Nguyễn Việt Thành



Như Lịch - Tấn Tú - Quang Huy

Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)









Từ vụ Nguyễn Mạnh Huy đến cải cách chế độ tuyển sinh: Bàn tay nâng đỡ những số phận nghiệt ngã15/12/2005 10:53



Nguyễn Mạnh Huy tập huấn tại CHLB Đức năm 2005



Bức thư trên giấy học trò

Vụ Nguyễn Mạnh Huy đã thực sự gắn liền với tên tuổi của báo Thanh Niên. Người ta thường nhắc đến vụ Nguyễn Mạnh Huy để ghi nhớ một thành tích của báo Thanh Niên đã đóng góp vào tiến trình đưa đến thành tựu ngày nay của công cuộc đổi mới đất nước.


Vụ việc đã lay động trái tim của nhiều người, không chỉ vì số phận quá đỗi nghiệt ngã với cậu học trò Nguyễn Mạnh Huy, mà còn vì vụ việc này đã trực tiếp tác động đến sự thay đổi căn bản chế độ tuyển sinh quá lỗi thời lúc bấy giờ.

Mùa tuyển sinh năm 1987, Nguyễn Mạnh Huy là một học sinh ở thành phố Qui Nhơn, tỉnh Nghĩa Bình (cũ). Liên tiếp hai năm 1981, 1982 Nguyễn Mạnh Huy đậu đại học với số điểm rất cao, nhưng cả hai lần em đều không được đi học chỉ vì lý lịch xấu - cha là sĩ quan chế độ cũ chết trận. Huy đành đi làm thợ mộc ở một hợp tác xã. Bốn năm trời lao động nghiêm túc, Huy trở thành một thợ cả bậc cao, nhưng niềm say mê được vào đại học vẫn cháy bỏng trong lòng em. Huy âm thầm ôn lại bài vở, thi vào trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Lại một lần nữa, Huy thi đậu dư điểm so với điểm chuẩn. Và cũng một lần nữa em nhận được câu trả lời: Không được đi học vì lý lịch có vấn đề.

Huy quá đau buồn, mong chờ một bàn tay nâng đỡ, giúp em vượt qua số phận nghiệt ngã. Em đã nghĩ đến báo Thanh Niên trong tình thế tuyệt vọng đó, và đã viết cho Thanh Niên một lá thư nói hết hoàn cảnh và ước vọng được đi học của mình.

Thư Huy viết trên những trang giấy học trò sạch sẽ, chữ viết ngay ngắn dễ đọc. Bức thư đó đã được bộ phận văn thư chuyển đến tôi vào gần cuối giờ làm việc một buổi chiều. Dạo đó, báo Thanh Niên còn đóng trụ sở ở 20 Ter Trần Hưng Đạo, Quận 5, TP Hồ Chí Minh. Báo còn mang tên Tuần Tin Thanh Niên mỗi tuần ra 1 số 16 trang - in 2 màu khổ 20x28. Lúc ấy, tôi mới về báo Thanh Niên, chưa có chức danh chính thức nhưng công việc được Ban Biên tập giao là công việc của Thư ký tòa soạn. Tôi đọc bức thư của Nguyễn Mạnh Huy, vô cùng xúc động. Lòng hiếu học và đức tính kiên trì thể hiện trong cuộc sống của Huy đã thu hút tình cảm của tôi: phải đứng về phía em. Tôi ghi bên lề bức thư mấy dòng ý kiến của mình để chuyển cho anh Trần Đình Sơn Cước, Trưởng ban Công tác Bạn đọc xử lý.





Nguyễn Mạnh Huy (bên phải) gặp gỡ Ban Biên tập Tuần tin Thanh Niên




Lẽ ra, bức thư này phải đến tay anh Cước trước, nhưng chiều đó anh bị cảm nên ở nhà. Tôi làm xong công việc trong ngày, bước xuống cầu thang định ghé phòng Công tác Bạn đọc để chuyển bức thư. Không hiểu sao tôi lại phân vân, rồi gấp bức thư đút vào túi áo. Cơn mưa chiều vừa mới tạnh, trời hửng lên, tôi lấy xe đạp ở tầng trệt thong thả đạp xe lên nhà anh Cước. Vừa đạp xe, vừa suy nghĩ về số phận của cậu học trò kém may mắn này. Phải mất hơn nửa tiếng tôi mới đạp xe đến nhà anh Cước cạnh hồ bơi đường An Tôn, trước chợ Tân Bình. Tôi đưa bức thư cho anh và nói thẳng không rào đón trước sau: "Ông vắng, chiều nay thường trực chuyển cho tôi thư của cậu học trò ở Qui Nhơn, tôi đọc xúc động quá, ông đọc đi và xem thử có cách gì cứu cậu ta không".

Anh Cước mở thư, chậm rãi đọc - tính anh vốn thế, anh là một luật sư giỏi, tính tình cẩn trọng, khéo léo. Đọc xong, anh chắc lưỡi: "Tội nghiệp thằng nhỏ!". Giọng anh trầm xuống, thoáng bức bối. Tôi mừng vì có người đồng cảm. Thấy anh đã khỏi bệnh, nhẩm tính số tiền trong túi, tôi rủ anh ra quán cà phê cạnh nhà nói chuyện tiếp. Tôi hăng say đưa ra ý kiến của mình: Sự phân biệt đối xử trong chế độ tuyển sinh có lý lẽ sâu xa là nhằm bù đắp những thiệt thòi của con em diện chính sách, do phải gánh chịu nhiều đau thương, mất mát trong hai cuộc chiến tranh. Thế nhưng nếu áp dụng trong lĩnh vực tuyển sinh sẽ gây ra hậu quả là bóp nghẹt nhân tài đất nước, gây ra bất công xã hội và làm rạn nứt trong lòng dân tộc. Chúng ta có thể ưu đãi thật nhiều cho diện chính sách trong suốt quá trình học tập, nhưng đến lúc đi thi thì phải đối xử công bằng với tất cả mọi đối tượng, đặc biệt trong các kỳ thi quốc gia. Tôi nói với anh Cước tôi là con liệt sĩ, nhưng tôi không đồng tình với sự phân biệt thành phần trong tuyển sinh.





Nguyễn Mạnh Huy (trái) chụp hình với các bạn ở năm đầu tiên học đại học (năm 1988)




Anh Cước hoàn toàn tán thành những ý kiến của tôi, anh còn bày tỏ cảm xúc về bức thư của Nguyễn Mạnh Huy. Đặc biệt anh ngợi khen ý chí và lòng kiên trì của Huy trong quãng thời gian làm thợ mộc - lao động kiếm sống nghiêm túc và trở thành một phó mộc có tay nghề cao, đồng thời vẫn âm thầm đèn sách, nuôi chí bước vào ngưỡng cửa đại học. Anh nói sẽ giữ lại bức thư để tối đó viết bài, tôi có nhiệm vụ biên tập để cơ cấu vào trang và giải thích vụ việc khi trình duyệt bài với anh Nguyễn Công Khế. Chúng tôi đang hăng chuyện thì từ ngoài cửa quán, anh Lê Nhược Thủy dựng xe gắn máy tươi cười bước vào. Vốn người hào phóng nên khi có anh Thủy, “bữa tiệc cà phê” trở nên sáng sủa. Anh tới tấp gọi thêm cà phê, rút túi quẳng ra bàn một gói thuốc đầy "có cán" nghiêm chỉnh. Dạo đó, anh Lê Nhược Thủy vẫn chưa về báo Thanh Niên. Chúng tôi lại rôm rã chuyện đông, chuyện tây, mãi tận chiều tối mới chia tay.

Hôm sau, tôi có trong tay một bài viết ngắn của anh Cước cho chuyên mục "Qua thư bạn đọc". Chỉ một vài lời dẫn nhập để trích đoạn bức thư của Nguyễn Mạnh Huy. Bức thư với lời lẽ chân thành tự nó đã nói lên số phận nghiệt ngã và tâm nguyện tha thiết được đi học của em. Một cách xử lý thật khéo léo. Tôi giữ nguyên không biên tập gì và đem trình duyệt. Tôi biết anh Nguyễn Công Khế rất quan tâm đến những trường hợp như Huy, và quan điểm của anh cũng rất rõ ràng, đó là phải đòi hỏi công bằng cho các em. Thuở đó, khi tôi chưa về công tác thì báo Thanh Niên cũng đã theo đuổi vụ Dương Thị Hà My ở tỉnh Thuận Hải (cũ), một nữ sinh bị trở ngại việc học hành cũng vì lý do tương tự như Huy. Tôi thuyết minh ngắn gọn vụ Nguyễn Mạnh Huy và nhắc đến Hà My. Anh Khế đọc bài và ký duyệt ngay. Anh dặn đi dặn lại tôi đưa lên đầu trang và cho đăng ngay vào số tới để can thiệp cho Huy kịp năm học.

Thế là Thanh Niên số 84 ra ngày 21 - 27/9/1987 khởi đăng vụ Nguyễn Mạnh Huy.

Số báo vừa ra, lập tức nhận được hàng chục bức thư của bạn đọc từ khắp nơi gửi về, đồng tình ủng hộ báo Thanh Niên. Đa số thư đều lên án chủ nghĩa lý lịch hẹp hòi. Một thanh niên gia đình có truyền thống cách mạng đã viết: “Hoài bão của Huy không khác gì hoài bảo của mình. Có khác chăng đó là Huy trót sinh ra với một lý lịch xấu hơn mình. Mình không nghĩ rằng sự xem xét lý lịch là không cần thiết, nhưng cái chính là phải xét đến nỗ lực của bản thân. Bởi vì ở đời có ai chọn cửa để sinh ra đâu!”...





Nguyễn Mạnh Huy bảo vệ luận án tốt nghiệp năm 1993




Anh Khế chỉ đạo mở diễn đàn đăng ý kiến bạn đọc để tạo sức mạnh của công luận. Quả đúng như thế, thư bạn đọc lại tới tấp gửi về, nhiều bức thư bày tỏ sự quyết liệt sẵn sàng đứng bên cạnh báo Thanh Niên. Từ chỉ đạo của anh Khế, tôi đã rút ra được một bài học nghiệp vụ quí báu là sử dụng thư bạn đọc thành một lợi thế đấu tranh. Về sau, tôi đem áp dụng kinh nghiệm này cho một số vụ việc khác và thấy rất hiệu quả.

Một số báo bạn lên tiếng ủng hộ báo Thanh Niên. Nguyễn Mạnh Huy thêm hy vọng và tin tưởng. Huy viết trong nhật ký:

"4/11/1987
Cả ba tờ báo lớn nhất hiện nay của thanh niên đang cố gắng đấu tranh cho việc học của mình. Thế là sau phát pháo đầu tiên của báo Thanh Niên, thì báo Tiền Phong và sau đó là Tuổi Trẻ cũng vào cuộc. Thật cảm động, mình không ngờ các anh lại quan tâm đến quyền được học của thanh niên đến thế. Mình không biết nói sao cho hết lòng biết ơn của mình đối với các anh, đối với Bộ ĐH và các bạn đọc. Mình tin rằng với sự cố gắng nhiệt tình của các anh, sự ủng hộ của đông đảo dư luận cả nước rồi mình sẽ được đi học".

Thế nhưng, từ tỉnh Nghĩa Bình vẫn một câu trả lời lạnh lùng: không cho Nguyễn Mạnh Huy đi học. Ban Giáo dục chuyên nghiệp tỉnh Nghĩa Bình gửi cho báo Thanh Niên một điện văn khẳng định: “Về việc tuyển sinh vào các trường Đại học, trong tổng kết năm 1986 đồng chí giáo sư, thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp Mai Hữu Khuê đã nói công tác tuyển sinh khẳng định là phải mang tính chất giai cấp, ở bất cứ chế độ xã hội nào đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân kỹ thuật, đội ngũ đó phải trung thành với chế độ và phục vụ một cách có hiệu quả cho chế độ đó”.

Tình hình trở nên căng thẳng khi một số người có trách nhiệm và quyền hạn ở một số cấp phê bình báo Thanh Niên làm ồn ào vụ Nguyễn Mạnh Huy trong khi còn nhiều chuyện lớn hơn chưa làm, họ bảo báo chí chuyện nhỏ xé cho to, kích động dư luận, cào bằng... Để đấu tranh với những luận điểm thủ cựu này, anh Nguyễn Công Khế viết bài xã luận Đâu thể xem là chuyện nhỏ đăng trong mục Câu chuyện hàng tuần số ra ngày 21/12/1987, có đoạn viết: “Không có việc gì đụng đến từng số phận con người lại là việc nhỏ cả... Cho đến bây giờ, chưa lúc nào tôi lại xem một chuyện nghiêm túc, như chuyện tính toán đào tạo cho xã hội xã hội chủ nghĩa một đội ngũ tri thức có tài, đủ sức tiến kịp trình độ thế giới, lại là chuyện nhỏ. Chưa bao giờ tôi có thể nghĩ rằng mọi công dân được sống, học tập, làm việc theo hiến pháp và pháp luật lại bị chính một Ban giáo dục chuyên nghiệp một tỉnh vi phạm quyền được học tập lại là chuyện nhỏ...

Tháng 9/1945, trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường, Bác Hồ của chúng ta đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Nếu quan niệm việc học tập như Bác Hồ đã từng dạy thì không thể có quan niệm khác với những thanh niên có chí tiến thủ, ham học và học giỏi”.

Không những đầu tư vào việc chỉ đạo cho tòa soạn xử lý từng tình huống, anh Khế còn dành thời gian viết thư động viên Nguyễn Mạnh Huy và trực tiếp viết một số bài quan trọng. Cho đến nay, trong hồ sơ lưu trữ vẫn còn bút tích những bài viết nóng bỏng và kiên quyết của anh về vụ Nguyễn Mạnh Huy.

Thế nhưng, vụ việc vẫn giằng co không đi đến kết thúc, mãi cho đến những ngày cuối năm 1987.

Đại hội đoàn và cuộc cải cách chế độ tuyển sinh

Cuối năm 1987, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V diễn ra tại thủ đô Hà Nội từ ngày 27 đến 30/11/1987. Đại hội có 7 Trung tâm hội thảo. Vụ Nguyễn Mạnh Huy đã được các đại biểu nêu ra ở cả 7 trung tâm để thảo luận. Các đại biểu trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Bộ Đại học và THCN Trần Hồng Quân. Đại hội còn thảo luận và đưa ra nhiều kiến nghị về thay đổi chế độ tuyển sinh. Với tư cách đại biểu, anh Nguyễn Công Khế đã trực tiếp chất vấn Bộ trưởng: “Công văn của Bộ ĐH gửi cho Tỉnh đề nghị xem xét - chứ không phải chỉ thị giải quyết trường hợp Nguyễn Mạnh Huy, là chưa thể hiện được trách nhiệm và quyền hạn của một cơ quan cấp nhà nước trong lãnh vực này. Đề nghị đồng chí Bộ trưởng trả lời cho chúng tôi về trường hợp cụ thể này...”. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Phó Bí thư Thành Đoàn TP.HCM phát biểu: “Rất nhất trí, phải công bằng trong đào tạo. Làm thế nào để người học sinh thấy rằng học tập ngày nay chính là tương lai ngày mai, của đất nước và của chính mình. Nên thực hiện chính sách giai cấp bằng cách tạo điều kiện để diện ưu tiên học tốt hơn, đủ sức vào đại học chứ không ưu tiên bằng cách hạ điểm chuẩn. Ký túc xá của con em liệt sĩ phải đàng hoàng hơn, sách vở đầy đủ hơn, giỏi hơn... Nhưng khi đi thi không bớt điểm một cách khó chấp nhận được như hiện nay”. Bộ Trưởng Trần Hồng Quân trả lời: “Văn bản của Bộ ĐH có ghi: lý lịch “rõ ràng” chứ không phải lý lịch “trong sạch”. Đúng là giải phóng đã hơn 12 năm mà vẫn phân thanh niên làm 13 loại đối tượng là không hợp lý”. Tại Đại Hội, Bộ trưởng Trần Hồng Quân tuyên bố trường hợp Nguyễn Mạnh Huy đã được Bộ và UBND tỉnh Nghĩa Bình xem xét và quyết định cho đi học.

Suốt tuần lễ diễn ra Đại hội Đoàn ở Hà Nội, tin vui liên tiếp chuyển về tòa soạn. Rõ ràng vận động đưa được vụ Nguyễn Mạnh Huy và việc cải cách chế độ tuyển sinh vào chương trình nghị sự của Đại hội Đoàn là tính toán đầy khó nhọc và tâm huyết của đại biểu Nguyễn Công Khế - báo Thanh Niên.

Trực ở cơ quan, chúng tôi liên tục phải chờ đợi và thay đổi tin bài của Đại Hội vào giờ cuối. Thuở đó, in báo còn phải sắp chữ chì, chúng tôi chưa biết gì về máy vi tính, công nghệ tin học còn là một khái niệm quá xa vời. Mỗi lần có tin bài giờ cuối, tôi phải đạp xe qua nhà in số 7, đưa bài cho bộ phận sắp chữ, chờ in xong bản vỗ, tôi đọc lại và sửa chữa trên bản vỗ, nếu cẩn thận thì vỗ hai, ba lần, xong cho ra bản nhũ, xách bản nhũ về lại tòa soạn giao cho bộ phận trình bày, chờ montagne xong, bật đèn rọi ngược đọc lại trước khi in... Các công đoạn rất nhiêu khê và cực nhọc nhưng chúng tôi làm việc trong tâm trạng vui vẻ và phấn chấn.

Mặc dù Hội đồng Tuyển sinh tỉnh Nghĩa Bình cứ lần khần nhưng cuối cùng, khoảng 2 tháng sau cũng phải ký quyết định cho Nguyễn Mạnh Huy đi học. Năm học đã trễ nên trường Đại Học bảo lưu kết quả cho em vào niên khóa sau. Cuộc đấu tranh về vụ Nguyễn Mạnh Huy đã kết thúc thắng lợi.

***

Báo Thanh Niên đã đưa bàn tay nâng đỡ Nguyễn Mạnh Huy vượt qua số phận nghiệt ngã. Sau Nguyễn Mạnh Huy, một số trường hợp tương tự như Sơn, Hiếu, Tống Châu Sinh... đều được các địa phương giải quyết cho đi học. Nhưng quan trọng hơn là xuất phát từ đây, báo Thanh Niên đã tạo ra một làn sóng dư luận mạnh mẽ kêu đòi phải thay đổi, cải cách chế độ tuyển sinh lỗi thời dựa trên sự phân biệt thành phần và chủ nghĩa lý lịch hẹp hòi. Đại Hội Đoàn toàn quốc lần thứ V, đại diện cho hàng triệu thanh niên Việt Nam là đỉnh cao của tiếng nói mạnh mẽ và chính đáng này.

Báo Thanh Niên đấu tranh để thay đổi chế độ tuyển sinh là trực tiếp mang lại công bằng cho hàng vạn thanh niên có hoàn cảnh lịch sử đặc thù và nghiệt ngã sau chiến tranh, đồng thời đây là một đóng góp của báo thúc đẩy tiến trình của công cuộc đổi mới đất nước. 20 năm qua, báo Thanh Niên đã thành công trên nhiều lĩnh vực, đấu tranh thắng lợi nhiều vụ việc nhưng nếu ai đó hỏi tôi tâm đắc nhất việc gì, tôi sẽ trả lời không do dự là vụ Nguyễn Mạnh Huy và cuộc cải cách chế độ tuyển sinh.




Bức thư của Nguyễn Mạnh Huy đăng trên Tuần tin Thanh Niên ngày 21/9/1987

Hãy xét đến nỗ lực của tôi để có cái nhìn thoáng hơn về lý lịch, cho tôi cơ hội bước vào ngưỡng cửa đại học như bạn bè khác

Bạn Nguyễn Mạnh Huy, ở tổ 25, khu vực 4, phường Lê Hồng Phong, thành phố Qui Nhơn, đã gửi về Thanh Niên lá thư dài rất cảm động trình bày hoàn cảnh riêng của bạn như sau:

“Tôi tốt nghiệp cấp III năm 1981 và dự thi vào trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đạt số điểm 26,5 điểm (điểm chuẩn 17). Nhưng Ban tuyển sinh tỉnh không cho tôi đi học vì lý do lý lịch. Cha tôi đi lính ngụy chết trận năm 1965. Mẹ làm thư ký đánh máy cho Ty thông tin chế độ cũ. Tôi rất buồn, nhưng với ước mơ được vào ĐH để có cơ hội rèn luyện kiến thức, góp trí tuệ xây dựng đất nước, tôi đã nộp đơn thi lại lần nữa. Năm đó tôi thi vào trường ĐH Nông nghiệp IV và đạt số điểm 22,5 điểm (điểm chuẩn là 16). Nhưng, một lần nữa, tôi cũng không được đi học vì lý lịch như năm trước.

Tôi tha thiết được học tập không phải để sau này làm ông này ông kia có chức có quyền, nhưng vì khả năng và nhiệt tình tuổi trẻ muốn được cống hiến cho đất nước, nhưng động cơ trong sáng đó đã hai lần bị gạt bỏ chỉ vì tôi trót mang một lý lịch của cha mẹ sinh ra tôi. Tôi bi quan nghĩ rằng đó là số phận nên đành chấp nhận. Sau đó, tôi xin đi làm ở HTX mộc Đa Hưng Qui Nhơn. Suốt trong 4 năm lao động tôi cố gắng học nghề, đồng thời tôi vẫn không quên ôn tập bài vở với một hy vọng bé nhỏ, có một ngày nào đó, có một sự nới rộng nào đó, tôi sẽ từ người thợ mộc được cắp sách bước vào ngưỡng cửa đại học đã khép lại với tôi từ mấy lâu nay.

Năm nay, tôi đọc báo thấy nhiều vấn đề cần đổi mới trong công tác tuyển sinh, trong đó có việc xét xếp đối tượng và điểm chuẩn. Hy vọng lại bùng lên trong tôi, khát khao được đi học sống lại trong lòng tôi mãnh liệt. Tôi quyết chí thi lại một lần nữa. Tôi xin nghỉ làm và dồn hết tâm trí vào việc luyện thi. Năm nay tôi thi vào trường ĐH Bách Khoa TP.HCM. Tôi đạt số điểm là 22(điểm chuẩn cho nhóm IV là 20). Tôi thấp thỏm hy vọng. Nhưng tuyệt vọng thay, tôi cũng nhận được câu trả lời như 4 năm về trước.

Thế là tiêu tan bao nhiêu hy vọng. Đây là lần thi cuối cùng của tôi. Tôi tuyệt vọng. Tôi nghĩ rằng ba tôi đi lính rồi chết trận là việc bắt buộc. Hoàn cảnh xã hội như thế, ba tôi đi lính chẳng vì một lý tưởng nào cả. Còn mẹ tôi đi làm chẳng qua vì kế sinh nhai, một tay phải nuôi 3 con trong khi vốn liếng không có để buôn bán làm ăn…

Tôi buồn vì ban tuyển sinh rốt cuộc cũng không xét đến nỗ lực của bản thân tôi, động cơ trong sáng và tấm lòng tha thiết của tôi. Xin các cấp thẩm quyền có cái nhìn thoáng hơn về lý lịch, để cho tôi cơ hội được bước vào ngưỡng cửa đại học như bao bạn bè khác của tôi.







Trích nhật ký Nguyễn Mạnh Huy

19/11/1981
"Những tiếng vỗ tay của bạn bè đã đưa tôi vào bầu trời tri thức, giờ đây chẳng lẽ cuộc đời đã tặng tôi cái tát tai nghiệt ngã thế này sao? Cuộc đời tôi, việc học của tôi bị chận lại từ đây sao? Tôi như một thân cây đang vươn lên khao khát đón ánh nắng cuộc đời thì bị bẻ cụt ngọn…".

04/04/1982
“Cuộc sống chẳng có vẻ dễ dàng đối với mỗi chúng ta. Nhưng sao phải kiên trì, nhất là phải tin ở mình chứ? Phải tin rằng ta có khiếu về một mặt nào đó và quyết đạt tới cho bằng được”.

22/9/1982
"Tâm hồn của mình lúc này, thật khó tả. Vừa vui buồn, xao xuyến… Tất cả trộn lẫn với nhau, hòa với nhau tạo thành một cảm giác thế nào đó. Mấy hôm nay chẳng lúc nào mình ngủ được ngon lành, bao giờ cũng trằn trọc rồi mới yên, vì nhiều lúc mình muốn không lo nghĩ nữa để việc nào tới sẽ tới nhưng không được, đầu óc mình lúc nào cũng xoay quanh những chuyện đó".

27/9/1982
"Sáng nay mình lên Thủ Đức coi bảng. Thật nực cười, mình vẫn có tên trên bảng được xếp vàp lớp cơ khí A nhưng lại chưa có giấy báo trong khi anh em bọn nó nộp hồ sơ vào nhập học! Liễu rớt rồi, buồn thật. Thế là hai đứa mình mỗi đứa phải mỗi ngã, không hiểu hoàn cảnh của mình có hơn 2 đứa nó không? Sáng nay vừa đi công chuyện cho cậu mình về thì nhận được điện anh Hào đánh vô cho biết mình đã có tên trong danh sách được đi học đại học. Rất mừng. Điều đó tăng thêm cho mình 50% hy vọng. Mình tính mốt sẽ về".

2/10/1982
"Trời như sụp đổ xuống trước mắt mình. Sáng nay vừa đi mượn tiền về thì nhận được điện cho biết mình bị như năm ngoái. Thật buồn! Thế mà mình cứ tưởng là đã thoát nạn. Trời ơi sao đời cứ đày đọa tôi thế này! Ít nhất phải cho tôi một lối thoát để mà sống chứ. Chiều nay mình chạy gấp lên Thủ Đức nhờ xin giấy báo. Họ hẹn sáng thứ hai lên trả lời. Chẳng biết sao nữa".

01/12/1982
"Thế là đã gần hết một năm nữa rồi, mau thật! Mới ngày nào đây mình còn cắp sách đến trường bạn bè sum họp vui vẻ mà bây giờ mỗi đứa mỗi nơi, mỗi số phận, có đứa thật là may mắn như Bản, có đứa lại thật đen đủ như mình, Tường, K.Liên".

6/01/1983
"Mari Quyri (Marie Curie) là niềm an ủi lớn với tôi trong những tháng ngày buồn tủi này. Tôi học bà tính kiên trì, lòng đam mê tri thức. Đọc cuốn sách viết về cuộc đời bà tôi thấy vui lên đôi chút. Lúc nào cũng học, học không bao giờ vô ích cả…".

24/4/1983
"Sức chịu đựng là tiềm tàng ở mỗi con người, ai cũng có dù ít, dù nhiều và chỉ bộc lộ mỗi khi họ gặp khó khăn".

10/10/1983
"Năm nay mình lại thi đại học một lần nữa vẫn đậu (18,5đ) nhưng chẳng được đi học. Nhiều lúc mình cảm thấy bình thường nhưng đôi khi mình vẫn cảm thấy buồn thế nào đó. Vết thương chắc sẽ không bao giờ lành hẳn, nó vẫn thường hay rỉ máu làm cho mình tê tái. Mình không phải ân hận là không làm tròn tách nhiệm của người con đối với cha mẹ, nhưng dù sao mình cũng cảm thấy áy náy về trách nhiệm của mình đối với xã hội, đối với đất nước".

18/5/1984
"Không hiểu sao mỗi lần coi xong 01 quyển sách nói về danh nhân mình bổng cảm thấy buồn - phải chăng mình cảm thấy vô cùng nhỏ bé đối với họ. Họ đã làm biết bao công việc, có ích cho loài người, cho đất nước, còn mình thì sao nhỉ? Tất cả chỉ là một con số không. Khi còn đi học mình đã ước mơ rất nhiều để bây giờ lại nuối tiếc. Phải làm gì để thực hiện hoài bão quả là bất lực vì mình biết chắc sức mình sẽ không qua nổi khó khăn này.
Tương lai! Ôi! Nghe những tiếng đó mình cảm thấy xót xa vì nó xa quá. Hay đúng hơn mình đã không nghĩ tới. Mình vui để mà sống nhưng dù sao khi chỉ còn 1 mình vẫn cảm thấy buồn pha một chút gì luyến tiếc - Giá mà mình được đi học".

2/7/1984
"Lại 1 mùa thi ĐH sắp tới, những cô cậu học sinh lại chuẩn bị cho cuộc đua tài sắp tới làm cho mình cũng cảm thấy buồn".

21/12/1986
"Thế đấy, lại một năm nũa sắp qua. Đã hơn 1 năm qua mình chả hề đụng tới quyển nhật ký. Không phải mình làm biếng mà cũng đã có biết bao nhiêu sự việc đã xảy ra đâu chứ.
Thế nhưng chả có điều gì ghi nhớ cả. Điều đáng nhận là cuộc sống, nghề nghiệp của mình đã có nhiều biến chuyển. Cả 1 năm qua tay nghề của mình đã được trau dồi thêm rất nhiều. Mình đã trở thành thợ chính ngoài phân xưởng, cuộc sống của mình theo đó cũng đã được nâng lên. Nói chung đã ổn định và có chiều hướng phát triển tốt.
Thế nhưng đôi lúc mình vẫn cảm thấy buồn, những sự việc đã xảy ra cách đây 5 năm vẫn làm mình ấm ức khó chịu, mình vẫn cảm thấy cuộc sống mình vẫn còn thiếu một cái gì đó - kiến thức, được học tập. Vâng đó là niềm khao khát được học tập, được trau dồi kiến thức và để được cống hiến cho đất nước.
Đôi khi nó vẫn giày vò mình đến khổ sở. Còn một điều nữa mà mình vẫn giấu kín trong lòng ít tâm sự với ai (chỉ có Mạnh là có thể hiểu). Đó là trách nhiệm đối với gia đình thêm nữa là trách nhiệm đối với đất nước xã hội.
Đối với đất nước - xã hội vẫn là con số không. Còn đối với gia đình ư? Vẫn còn quá ít.
Chắc sang năm mình sẽ thi lại để may ra có thể thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay.
Thế đấy từ ngày gặp cậu Bảy cho biết anh An đã được đi học, nỗi khao khát được vào đại học đã đốt cháy lòng mình. Nó không để cho mình yên nữa. Lúc nào nó cũng giày vò tâm trí mình.
Bây giờ học để thi lại cũng khá gay đấy, mình sẽ cố gắng hết sức mình - lại một cuộc đấu tranh mới nhưng mình đã cảm thấy phấn khởi và hình như “cửa đã mở”".

30/9/1987
"Lâu rồi mình không viết nhật ký. Cũng bởi mình đang nằm trong âu lo chờ kết quả được đi học hay không. Từ hơn tháng nay mình buồn đôi khi cảm thấy bế tắc vì mình vẫn không được đi học.
Không biết bao giờ mới hết tình trạng này. Mình đang cố gắng đấu tranh nhưng không biết sức mình đến đâu.
Vừa rồi báo Thanh Niên đã đăng trường hợp mình nhưng cay đắng vẫn còn sự im lặng của Ban Tuyển sinh.
Báo Nghĩa Bình đang cố gắng đấu tranh nhưng không biết sẽ đến đâu?"

25/10/1987
"Tôi muốn học! Tôi kêu đòi được học! Dù phải cực khổ tới đâu tôi cũng xin chịu. Ước mơ đó đâu có gì to tát, không phải tại tôi! Tôi đã làm hết sức mình. Vì sao đời tôi và số phận cả một lớp trẻ phải mang trên vai gánh nặng của cuộc chiến tranh đã qua rồi mười ba năm trước".

4/11/1987
"Cả ba tờ báo dành cho thanh niên lớn nhất hiện nay đang cố gắng đấu tranh cho việc được học của mình. Thật cảm động, mình không ngờ các anh lại quan tâm đến quyền được học của thanh niên đến thế. Mình không biết nói sao cho hết lòng biết ơn của mình đối với các anh, đối với Bộ Đại học và các bạn đọc. Mình tin rằng với sự cố gắng nhiệt tình của các anh, sự ủng hộ của đông đảo dư luận cả nước rồi mình sẽ được học. Mình sẽ cố gắng học tập hết sức mình để khỏi phụ lòng mọi người và nguyện sẽ đem hết sức lực cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân".

( TT Thanh Niên 23/11/1987)




Nguyễn Công Thắng


--

Tổng số lượt xem trang