Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

ĐÔI LỜI TÂM SỰ VỚI CÁC BẠN TRI THỨC

-ĐÔI LỜI TÂM SỰ VỚI CÁC BẠN TRI THỨC Bauxite Việt Nam 

Tôi muốn nói với mọi người sau sự kiện hôm qua, đặc biệt với những vị đã gắn bó hơn nửa đời người với Đảng và Nhà nước là đừng ảo tưởng nữa. Hãy dũng cảm làm những việc đúng mình muốn và nói những lời đúng lòng mình.

Trần Thanh Vân 

Chồng tôi, Lê Tiến Thiện, hiệu Từ Quang (ánh sáng của lòng nhân từ) đã vĩnh viễn nằm xuống. Hôm nay anh thực sự đã trở về với mảnh đất cha ông, nghĩa trang thôn Do Lộ, thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Nằm cạnh anh là thằng con trai lớn của chúng tôi: Lê Trần Bảo, nó đã về đó cách đây đúng 12 năm để đón bố hôm nay.

Không hiểu sao, 12 năm trôi qua, nơi đó vẫn được để trống chờ anh? Một miếng đất nhỏ, góc thửa ruộng nhỏ, nguyên thổ, khiêm tốn, nằm yên lặng, bên lối đi?

Những ngày bận rộn, tang gia bối rối vừa qua, mẹ con tôi đã được anh chị em họ hàng, bạn bè, người thân, làng xóm quê nhà và cơ quan cũ của anh, của những người quen thân đã lâu và cả những bạn mới quen chưa kịp biết mặt, đã chăm lo giúp đỡ vô cùng chu đáo. Tôi mất chồng, đau khổ ngẩn ngơ, thằng bé chưa đầy 14 tuổi bị mất cha càng ngẩn ngơ hơn, nhưng mọi việc đã diễn ra vô cùng êm đẹp, khiến mẹ con tôi thực sự thấy ấm lòng.

Con xin cảm tạ Trời Phật, xin cảm tạ tấm lòng của mọi người. Cuộc đời này vẫn còn nhân hậu và đáng hy vọng lắm.

Hôm nay, 9/12/2012, theo lời hẹn, tôi phải về quê thanh toán mọi khoản chi phí và cám ơn họ hàng làng xóm đã hết lòng vì chồng tôi trong tang lễ vừa qua.

Khi tôi đang cùng mấy đứa cháu bên nhà chồng ngồi kiểm lại các khoản mọi người đã chi tiêu để thanh toán thì điện thoại reo:

- “Chị ơi, một xe buýt bắt gần 30 người đã đi về phía bên kia sông Hồng”.

Tôi nói với thằng cháu họ: “Cô ở lại làm nốt việc phải làm, cháu đi đi”.

Thằng bé tất tưởi ra đi.

Chiều về, tôi được biết đầy đủ mọi tin tức, ai đang bị giam ở đâu, ai đã được về và đọc vội thông báo của TS Nguyễn Quang A viết từ nhà cụ nhạc gửi ra và những dòng phản ứng bất bình của GS Tương Lai.

Bỗng nhiên tôi nhớ đến những ứng xử cuối đời của chồng tôi.

Anh đã từng được nuôi nấng, cưng chiều và một thời được xã hội nể trọng.

Anh là người con út sinh trưởng trong một gia đình đông con nhưng hiếu học. Các chị gái chị dâu đều là giáo viên. Các anh trai, anh rể đều tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 1946 và có người đã lên đến cấp tướng. Cả gia đình sống trong sạch, tận tụy trong công việc.

Đó là những tấm gương tốt để anh noi theo.

Bản thân anh đã tham gia quân ngũ, đã đi dạy học và ba năm liền là chiến sĩ thi đua, rồi trở thành Đảng viên khóa Mồng sáu Tháng Giêng (1961), anh đã đi làm báo, đi học đại học và được đào tạo tại nhiều nước về ngôn ngữ và về kinh tế: ở Vương quốc Anh, ở Nhật, ở Hà Lan…

Sau hơn 30 năm làm kinh tế đối ngoại ở Uỷ Ban Kế hoạch Nhà nước, ở Văn phòng Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Uỷ Ban QGDS & KHHGĐ, được đặt chân đến khoảng 40 nước phi xã hội chủ nghĩa, để đi vay và đi xin viện trợ.

Năm 1985, anh đã được Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme mời đến nhà riêng ăn cơm chiều, để thể hiện lòng hiếu khách, vợ chồng Thủ tướng vào bếp tự làm thức ăn đãi khách. Anh dần dần hiểu ra: “Xã hội Tư bản giãy chết không xấu như báo chí đã tuyên truyền và con người trong xã hội giãy chết đó thì thật tốt bụng, thông minh, cần cù và chân tình, chứ không hời hợt, kênh kiệu, giả tạo và sẵn sàng phản bạn như một số ”đồng chí” mà anh đã cộng tác”.

Đầu năm 2000, anh quyết định xin về hưu và sau khi nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, anh lặng lẽ cất bộ hồ sơ Đảng tịch đó đi, không giao nộp cho địa phương, coi đó là một kỷ niệm thời trẻ mà anh không muốn nhắc tới nữa.

Kể từ ngày đó, anh chính thức tự “khai trừ” mình ra khỏi Đảng.

Tôi về hưu sớm hơn anh (năm 1992) để lập công ty riêng, chúng tôi đi làm thuê (thiết kế và nhận hợp đồng thi công xây dựng) tôi phải kiếm tiền để nuôi sống gia đình và bắt đầu quan tâm đến các hoạt động ngoài xã hội. Khác với anh, lúc còn trẻ tôi không làm đơn xin vào Đảng, không nhận một chút chức quyền gì, nên lúc cuối đời, tôi không bị cái cảm giác thất vọng, buồn chán đè nặng như anh.

Kể từ năm 2000 vợ chồng tôi mới thực sự có thời giờ sống bên nhau và mới thực sự nói chuyện với nhau nhiều về nhân tình thế thái.

Lúc này quan hệ xã hội đã thay đổi nhiều. Những người quen đã từng cùng cộng tác và được anh giúp đỡ trước đây, có người đã về hưu, thỉnh thoảng đến thăm anh, có người vẫn phải bận kiếm sống, nên thi thoảng anh mới có dịp gặp và có người đã lên chức lên quyền thì còn bận rộn với chức quyền của mình nên anh cũng không muốn gặp họ.

Ngược lại, anh bắt đầu quen và gắn bó với các bạn của tôi nhiều hơn.

Nghề nghiên cứu Phong thủy trong quy hoạch hay nói đến chuyện huyền bí và nghề thiết kế thi công xây dựng đôi lúc phải ra công trường lam lũ, lại hay đối diện với những vấn đề nóng bỏng như Vụ Thủy cung Thăng Long, như Disneyland trong Công viên Thống Nhất, như dự án Khách sạn trong Công viên, như Dự án xây TT Thương mại trên Chợ 19 tháng 12, như quy hoạch đô thị hai bờ Sông Hồng, như quy hoạch Thủ đô mở rộng… là những đề tài khiến tôi thực sự bận rộn và trăn trở.

Anh là người ngoài nghề nhưng anh cũng bị cuốn hút và đã giúp đỡ tôi không ít. Tính anh điềm đạm, lại đã quen viết lách và cân nhắc từng câu chữ, anh hay đọc các bài nháp tôi viết ra, cắt bỏ những từ ngữ nóng nảy không cần thiết, khiến cho những điều tôi muốn diễn tả dễ lọt tai và thuyết phục người khác hơn. Anh dặn tôi, muốn nói gì thì phải tìm hiểu cho kỹ, phải nắm thật chắc, rồi đi thẳng vào vấn đề, đừng nói chung chung, đừng hằn học thóa mạ người khác.

Anh bảo:

“Không ai thích nghe những lời đao to búa lớn, lúc cần cười, vẫn phải cười, lúc cần bắt tay vẫn phải bắt tay, miễn là bắt người ta nghe theo mình, đó chính là nguyên tắc “lấy nhu thắng cương”.

Ngày tôi suýt bị bắt vì vụ Thủy cung Thăng Long năm 1998, khi nhận được tin cấp báo, anh động viên tôi bình tĩnh vững tin và sẵn sàng thay tôi lo việc gia đình.

Ngày ông Phó Tổng giám đốc công ty du lịch Hà Nội đưa tin bịa đặt rằng Khách sạn NOVOTEL ON THE PARK là của Thụy Điển đầu tư, nên họ họp báo tuyên bố là vẫn cho tiếp tục xây khách sạn 4 sao trong công viên, anh giúp tôi liên lạc với Đại sứ Thụy Điển ngay để làm rõ trắng đen.

Từ đó anh dặn tôi trong thời buổi nhá nhem này phải hết sức tỉnh táo và khôn khéo, ai kích động cũng kệ, ai chê bai là mê tín dị đoan cũng mặc, miễn là phải luôn làm việc có hiệu quả và cần ”đánh” vụ nào là phải kiên trì tìm đồng minh “đánh” xong mới thôi.

Anh còn nói với tôi:

“Đừng có ảo tưởng và đừng đặt lòng tin vào bất cứ lời ngon ngọt nào. Lúc còn trẻ em đã không chọn con đường tiến thân là vào Đảng, thì hôm nay em cũng không việc gì phải chống Đảng. Đảng là một tổ chức chính trị chỉ có thể tồn tại trong một giai đoạn lịch sử nào đó. Anh đã từng coi Đảng là thiêng liêng là máu thịt. Nhưng chuyện đó qua rồi. Vĩnh viễn qua rồi”.

Những năm gần đây sức khỏe của anh kém dần. Còn tôi vốn đã nhiều bệnh mãn tính, lại phải chăm sóc một ông chồng ốm và nuôi dạy một thằng con út mới học đến cấp II, nên khá tốn kém và bận bịu.

Anh bảo với tôi:

“Em đừng quá lo nghĩ về anh và con quá nhiều, vẫn phải tham gia công việc xã hội và chia sẻ bớt cho xã hội, chọn việc nhỏ thôi nhưng thật hữu ích mà làm, hãy coi đó là thú vui xả hơi sau những phút căng thẳng vì chồng con, em sẽ thấy vui hơn và đóng góp có hiệu quả hơn”.

Tôi đã nghe anh và chọn những việc rất nhỏ tùy theo sức của tôi.

Hôm nay anh không còn nữa. Anh đã chọn cách ra đi để đỡ bớt gánh nặng trên vai tôi.

Dù rất đau đớn, nhưng tôi có thể yên tâm nói rằng:

“Vào lúc cuối đời chúng tôi đã hiểu nhau và có cùng quan điểm”.

Tôi muốn nói với mọi người sau sự kiện hôm qua, đặc biệt với những vị đã gắn bó hơn nửa đời người với Đảng và Nhà nước là đừng ảo tưởng nữa. Hãy dũng cảm làm những việc đúng mình muốn và nói những lời đúng lòng mình.

T.T.V.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

 

-

“Tự diễn biến” Bauxite Việt Nam 


Kính dâng hương hồn Cha và anh Khỏe thân yêu.

8 h sáng ngày 09.12.2012. Tôi đến Nhà hát thành phố tham dự mít tinh theo như thông báo trên mạng. Một cuộc mít tinh dự kiến tổ chức ngắn gọn, ôn hòa, có sự giám sát của các lực lượng chức năng, theo đề nghị của nhóm tổ chức với nhà đương cục.

Ở các bậc thềm Nhà hát, dưới tấm băng rôn ghi dòng chữ: “Chương trình biểu diễn nghệ thuật cuối tuần”, đội quân nhạc đang dàn ra trên mấy hàng ghế trong tiếng kèn trống rộn rã.

Đến nơi, tôi mới hay tin các nhân vật chủ chốt của cuộc mít tinh đều không thể có mặt, trừ anh Huỳnh Tấn Mẫm, đã thoát ra khỏi nhà từ sáng tinh mơ nhưng đến giờ ấy vẫn mất tăm mất dạng. Các ngả đường dẫn vào khu vực Nhà hát lớn đều được kéo rào chắn… Vậy là chương trình mít tinh với chủ đề yêu nước chống bành trướng Trung Quốc có nguy cơ bị phá sản.

8.30. Đội quân nhạc đã kết thúc phần trình diễn và thu dọn ghế. Vẫn không thấy bóng dáng các “nhạc trưởng” mới cho chương trình dự kiến tiếp theo. Một số người nản lòng bỏ về. Tôi tản bộ trên đường Lê Lợi, định ghé vào chợ Bến Thành mua sắm chút đỉnh thì gặp một người quen. Trao đổi vài câu, tôi nảy ý mượn máy ảnh của anh bấm vài phát cho đỡ buồn.

Cầm máy ảnh trong tay, tôi quay lại công viên trước Nhà hát, nơi thường xuyên có triển lãm nghệ thuật. Đang loay hoay chọn một góc thích hợp cho khung hình, thì bất ngờ, chếch phía bên trái ống kính của tôi, xuất hiện một mảng đỏ phấp phới. Tôi hạ máy xuống thì nhận ra một lá cờ Tổ quốc vừa được giương lên trong đám đông. Một thanh niên mặc áo pull màu xám. Rồi đồng loạt những tiếng hô vang dậy cùng với các biểu ngữ mini nhanh chóng được giương lên, và đoàn người hình thành chớp nhoáng ấy băng qua đường tiến về phía Nhà hát. Lại xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng thứ hai trong tay một thanh niên dáng cao gầy mặc áo sọc xanh đỏ. Nhà thơ Lưu Trọng Văn cũng “xuất quân” với tấm tranh – biểu ngữ bằng vải. Tôi nghe tiếng thét của anh vang dội (xin anh thứ lỗi, trong tích tắc tôi đã lú lẫn gọi nhầm tên anh là Hoàng Hưng!) hòa vào tiếng hô của các anh em khác.

Đoàn người tập họp ở quảng trường trước Nhà hát trong phút chốc rồi tự động tuần hành theo đường Lê Lợi hướng về chợ Bến Thành. Nhưng chỉ đi được một quãng đến ngã tư Nguyễn Huệ, là rào kẽm gai đã được giăng kín. Không đi tới được thì quay lại thôi! A lê hấp! Đoàn người tự động đằng sau quay, vẫn giữ đội hình rập ràng trật tự, người đi cuối đoàn trở thành người dẫn đầu, và lại tiến về phía Nhà hát lớn.

Tôi đi theo mà lòng không khỏi hoang mang lo lắng, rằng trong tình trạng không có người đầu tàu như hiện nay, liệu cuộc tập họp này có diễn ra đúng hướng không? Liệu có phần tử xấu nào trà trộn vào để gây manh động hay khủng bố không? Nếu có, sẽ rắc rối to đây!…

Nhưng khi đoàn quay lại quảng trường trước Nhà hát thì… Kìa…! Trên bậc thềm cao nhất của Nhà hát, anh Huỳnh Tấn Mẫm và một số anh em ở đâu vừa mới xuất hiện … Anh Mẫm làm thế nào vượt được vòng vây vào đến tận đây?! Quả là thần kỳ, tôi không còn tin vào mắt mình nữa… Đám đông quần chúng cũng nhận ra sự hiện diện của anh Mẫm và lập tức tập trung về các bậc thềm. Rồi lần lượt các gương mặt quen thuộc: KTS Nguyễn Trọng Huấn, họa sĩ Thanh Tùng, PGS TS Hoàng Dũng… cũng nhanh chóng tề tựu.

Có tiếng xôn xao: “Có ai có micro pin không?”. Nhưng không cần micro, anh Mẫm vẫn bắt đầu. Ngắn gọn về mục đích và nội dung cuộc mít tinh biểu thị tinh thần yêu nước, chống Trung Quốc xâm lược. Khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của nhân dân Việt Nam. Anh vừa dứt lời, các khẩu hiệu lại được hô vang lên. Không chỉ người trẻ tuổi, mà các bác lão thành cũng dốc hết hơi sức: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Tổ quốc Việt Nam trên hết. Dân tộc Việt Nam trên hết. Đả đảo nhà cầm quyền Trung Quốc âm mưu lấn chiếm Hoàng Sa và Trường Sa. Đoàn kết sát cánh với Nhà nước chống ngoại xâm. Thậm chí có cả khẩu hiệu: Chúng tôi chống bành trướng Bắc Kinh, chúng tôi không chống Nhà nước

Đứng cạnh tôi, một xung kích áo xanh màu cỏ ra chiều hung hăng quát tháo: “Bộ mấy người muốn có chiến tranh lắm hả? Chuyện HS-TS đã có Liên Hiệp Quốc can thiệp”… Lập tức cậu ta bị phản bác: “Này, bác hỏi cháu, giả sử nhà cháu bị cướp mà cháu cứ nấp trong xó nhà, chờ hàng xóm với Ủy ban Phường đến đuổi giúp, thì liệu cháu có giữ được tài sản và cả tính mạng không?”. Cậu ta vẫn quyết ăn thua đủ: “

Đã có Đảng Nhà nước, bộ không lo nổi sao phải nhờ đến các bà?”. “Thì chúng tôi tham dự cuộc mít tinh này là nhằm ủng hộ Đảng Nhà nước đấy thôi. Một đất nước gặp nạn ngoại xâm mà dân chúng thờ ơ mới là đáng lo ngại chứ?!”. Cuộc đấu lý được tiếp sức từ nhiều người, chàng áo xanh xem chừng đuối hơi vì có lẽ chỉ kịp học thuộc có mấy câu bài bản, nên đã tự động “tắt đài” và ngó lơ sang chỗ khác…

Một bóng nữ phốp pháp mặc thường phục xông vào đám đông chìa thẻ đỏ giằng máy ảnh của một thanh niên. Bị phản ứng, chị ta đuổi anh này ra ngoài. Một cô gái bị giật mất tấm áp phích, lên tiếng kêu cứu. Cảnh giằng co cờ và biểu ngữ… Cho đến thời điểm này, dù liên tục bị tấn công, người biểu tình vẫn giữ thái độ ôn hòa. Phần tôi, lo ngại nếu đưa máy ảnh lên cao quá đầu để “tác nghiệp”, có thể bị giật mất từ phía sau lưng, lại là máy ảnh đi mượn, nên phải kìm lòng đút máy vào túi. Vì thế mà tôi không kịp ghi nhận một cảnh vô cùng ấn tượng: Khi anh Mẫm vừa ra hiệu cho đám đông ngưng hô khẩu hiệu để tuyên bố kết thúc và giải tán trong trật tự, thì bất đồ từ hai cánh bên hành lang Nhà hát, tràn ra năm bảy chục nhân viên áo xanh. Họ dàn thành ba hàng ngang, đồng loạt tiến lên xô ngã rạp đám đông đang đứng trên các bậc thềm. Khỏi nói thì ai cũng hình dung cảnh tượng hỗn loạn đến thế nào. Nhiều người ngã lăn xuống bậc thềm. Cựu tù Côn Đảo Hồ Hiếu vừa qua bạo bệnh đang chống gậy đứng trên cao cũng loạng choạng rơi tự do, may có người đỡ kịp. KTS Nguyễn Trọng Huấn lộn mấy vòng cắm đầu xuống đất; trán ông va đập bị tụ máu đỏ bầm. Ông cứ trấn an mọi người là không sao, trong khi người nhà đi cùng ông thì thảng thốt đến rơm rớm nước mắt; bà nói sức khỏe ông vốn chưa thực sự phục hồi sau đợt tai biến, giờ lại nhồi thêm cú ngã này… Nói vậy, nhưng bà vẫn chiều theo mà nán lại cùng ông đến phút cuối.

Quả là trong cảnh hỗn độn ấy, tuyên bố kết thúc của anh Huỳnh Tấn Mẫm ít người được nghe rõ. Nhưng tất cả đều bảo nhau: chúng ta thể hiện văn hóa ứng xử bằng cách giải tán trong trật tự.

Bên kia đường, trong công viên trước Nhà hát, nhiều người vẫn tiếp tục nán lại, trong số đó có cụ bà PTM, người nhỏ nhắn mong manh, đi một mình từ quận 7 sang từ sáng sớm. Biết KTS Nguyễn Trọng Huấn nằm trong số 42 nhân vật ký tên vào kiến nghị, cụ mừng rỡ sà vào bắt chuyện. Rồi cụ quay sang kể với tôi, lần biểu tình năm ngoái, cụ bị mấy anh an ninh bám theo về đến tận nhà. “Bực quá, tôi rẽ luôn vào Công an Phường cho chúng nó cụt hứng… Nói xin lỗi, tôi gần 80 tuổi đầu, đã qua hai cuộc kháng chiến, tôi sợ gì mấy thằng nhãi ranh ấy mà hòng hăm dọa tôi chứ!…”, bà cụ cười hồn nhiên.

Một nhân viên thường phục từ xa chĩa máy về phía băng đá nơi chúng tôi ngồi. Bà cụ đang mải chuyện vẫn nhận ra, lập tức ưỡn ngực và ngẩng cao đầu về phía ống kính: “Đấy, chúng nó lại lén chụp hình đấy. Cứ chụp đi, bà thì sợ gì chúng mày kia chứ!”

Mọi việc diễn ra trôi chảy, rập ràng và kết thúc êm ả. Quả là một màn biến tấu quá ngọt. Quá nhuyễn. Và quá bất ngờ! Bởi có một số anh, chị tưởng rằng cuộc mít tinh đã bị dìm chết trong trứng nước với sự cô lập và cầm chân các nhân vật chủ chốt, nên đã bỏ về trước đó. Chắc các anh chị ấy cũng bất ngờ với diễn tiến sáng nay. Và chính tôi cũng vậy. Cũng tự nhủ chỉ la cà “hái hoa bắt bướm” một lúc rồi ra về. Chúng tôi đã thực sự không hiểu đúng sức mạnh quần chúng. Sự cấm cản của chính quyền chỉ có thể giáng xuống một thiểu số nào đó, chứ không thể vô hiệu hóa ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Tôi càng tin vào nhận thức đúng đắn của bà con, khi trong hơn 20 phút tuần hành và mít tinh, tuyệt không hề có dù chỉ một hành động quá khích manh động nào. Trước sau chỉ một ý chí, một nguyện vọng: đồng tâm hiệp lực cùng Nhà nước bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, chống bành trướng xâm lược Bắc Kinh.

Bỗng trong tôi bật lên lời dạy của Bác về công tác quần chúng:

Dễ trăm lần không dân cũng chịu

Khó trăm lần dân liệu cũng xong.

Tôi không rõ các anh an ninh có lôi ra được phần tử phá hoại trị an nào từ trong đám đông này hay không, nếu có chắc chắn các anh sẽ được thưởng to, và chẳng bõ công các anh phải vất vả bài binh bố trận từ mờ sáng. Thật tình, nếu tôi là người nhà của các anh, tôi sẽ cảm thấy thiệt thòi vô cùng khi người thân của mình phải hy sinh cả ngày nghỉ cuối tuần, thay vì vui vầy với vợ con thì lại cứ phải chạy theo các bóng ma phản động trong các cuộc biểu tình yêu nước như thế này, mà có khi tìm mãi chẳng thấy mống nào để báo công với cấp trên!

Tuy nhiên, nếu đứng trước từng nhân viên thừa hành công vụ, tôi có thể tự cho phép mình có ý nghĩ thông cảm với họ, thì cái hành động “lũ quét” trên bậc thềm cao của Nhà hát cứ ám ảnh tôi đến rờn rợn suốt cả ngày. Hình ảnh hàng hàng lớp lớp áo xanh từ phía sau ập tới, xô ngã rạp đoàn mít tinh gợi tôi nhớ đến “chiến thuật biển người” mà tập đoàn Trung Nam Hải đã áp dụng không chỉ với các nước láng giềng mà cả trong các cuộc đàn áp nhân dân của họ. Tôi tự ngăn mình không để trí tưởng tượng bay xa đến bánh xích xe tăng nghiến trên quảng trường Thiên An Môn năm nào. Thật ghê rợn! Mong là đất nước ViệtNamkhông bao giờ xảy ra thảm kịch tương tự như nhân dân Trung Quốc đã hứng chịu!

Trong phút hòa bước trên đường phố cùng mọi người, tôi như sống lại với ký ức hơn 40 năm trước, thời nhóc con quăng cặp táp chạy theo Chủ tịch Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn Lê Văn Nuôi trong các cuộc đấu tranh bãi khóa. Tôi nhớ đến các anh chị thân quen với gia đình tôi, đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi thanh xuân, người bị đạn bắn bom vùi ở chiến khu, người bị tra tấn đến thiệt mạng trong nhà giam: anh Nguyễn Điền, anh Quỳnh Diệu, chị Năm Nga, anh Trần Quang Long, anh Nguyễn Văn Quới, anh Nguyễn Hoa… Tôi nhớ đến anh Trần Hữu Khỏe, anh cả của tôi, người thà chết chứ quyết không làm tù binh khi anh lọt vào ổ phục kích và bị bắn trọng thương trên đường chuyển cứ; chúng thả rọ không từ trên trực thăng xuống để dụ anh đầu hàng… Tôi nhớ đến những gương mặt bầu bĩnh măng tơ ở tuổi mười tám đôi mươi trên những tấm mộ bia trong Nghĩa trang Liệt sĩ TP HCM, những chiến sĩ tình nguyện quân ở chiến trường Campuchia, có người hy sinh chỉ vẻn vẹn sau một vài tháng nhập ngũ. Tôi nhớ đến cha tôi nay đã quá cố, giáo sư Trần Hữu Khuê, cựu tù Côn Đảo, người năm xưa bị chính quyền Sài Gòn kết án 20 năm khổ sai và 10 năm biệt xứ vì tội “phá rối trị an”, thành lập Phong trào Dân tộc Tự quyết (1964-1965) nhằm kêu gọi các tầng lớp nhân dân phản đối sự đổ bộ của quân đội Mỹ vào miền Nam Việt Nam; một đảng viên 60 tuổi Đảng đến cuối đời dẫu đau lòng trước thế sự ngả nghiêng, vẫn tuyệt đối giữ lòng trung trinh với dân tộc, với đất nước.

Sáng hôm nay, hòa vào dòng người trên đường phố, tôi tự nhủ, mình phải sống sao để không mang tội phản bội quá khứ, cũng như không làm tủi hổ anh linh của biết bao thế hệ đã không tiếc thân mình để có được một ViệtNamhôm nay.

Cũng chỉ trong mấy mươi phút ngắn ngủi sáng nay mà tôi đã ngộ ra nhiều điều. Tôi tự thấy mình đã quá “lo bò trắng răng” về một cuộc tập họp thiếu vắng người khởi xướng. Quần chúng quả là tiến bộ và hiểu biết hơn tôi tưởng. Chính tôi mới phải học tập họ về tinh thần quyết liệt trong đấu tranh trước họa xâm lăng cùng thái độ ứng xử chừng mực ôn hòa với nhân viên thừa hành công vụ. Nói các bác các anh đừng giận, giả như hôm nay anh Mẫm không kịp đến hiện trường, thì tôi tin đồng bào mình cũng sẽ dẫn dắt cuộc biểu tình một cách đúng đắn, không sa vào quá khích hay chệch hướng!

Một chuyện vui nho nhỏ để kết bài, là câu trả lời mà tôi còn nợ với con trai mình. Cháu có lần hỏi tôi: “Mẹ ơi, ngày xưa bộ mẹ đi biểu tình chống Mỹ thiệt hả? Con thấy mẹ nhát gan thấy mồ!”. “Đúng vậy con à, tôi đáp, hồi nhỏ mẹ nhát lắm. Mỗi lần đi biểu tình là mỗi lần run, mỗi lần đi giao liên nội thành là mỗi lần hồi hộp muốn vỡ tim. Vừa đi vừa sợ! Nhưng sợ mà vẫn đi! Cứ thầm nhủ, đi để trả thù cho cậu Khỏe. Đi, để Ông ngoại mình sớm trở về.” “Vậy bây giờ Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, mẹ có dám đi biểu tình nữa không?”. Câu hỏi này, lần nào bị vặn tôi cũng “khất”: “Thì các bác đang xin chính quyền cho phép biểu tình chống Trung Quốc mà, nhưng chưa được chấp thuận thì chưa thực hiện được con à. Mà bây giờ mẹ già rồi, mỗi tuổi mỗi hèn mà con, mẹ hổng dám làm bậy đâu!”. Cu Huy xem chừng nghi ngờ lắm lắm cái dũng khí của mẹ ngày xưa. Thế nhưng hôm nay, khi nghe tôi tường thuật sự việc, cu cậu reo lên: “Ôi, vậy là mẹ dám đi biểu tình mà không xin phép hả? Hoan hô mẹ. Tối nay con tình nguyện rửa chén và massage chân cho mẹ nha”. Ông xã tôi nghe hai mẹ con đấu hót thì chỉ im lặng, nhưng thừa lúc thằng bé vào phòng riêng, anh ấy cười tủm tỉm: “Là em “ăn may” đó thôi, bà Khốt ta bít ơi! Giả sử mọi việc diễn ra suôn sẻ, ông chính quyền cho phép tổ chức mít tinh dưới sự giám sát chặt chẽ của Công an, ông ấy quây rào chắn chỉ cho vài mươi người tham dự, thì dù em có lọt được vào vòng trong, cũng chỉ kịp hô vài câu khẩu hiệu cho có lệ rồi bị giải tán ngay, anh chắc chắn vậy, em lấy đâu ra biểu tình với tuần hành mà khoe với con chứ!”.

Ôi cái ông chồng “tinh vi” của tôi! Tôi chỉ biết cười trừ mà thì thào với anh: “Chứ không lẽ em thú thiệt với con rằng: E hèm, các bác xin phép tổ chức mít tinh ôn hòa trong khuôn khổ kiểm soát của chính quyền, chỉ mươi phút thôi là giải tán, nhưng vì các bác ấy giờ chót bị nhốt ở nhà hết thảy, không ai cầm chịch, nên bà con tại chỗ mới tự động chuyển thành biểu tình! Là “tự diễn biến” đó con à! Chứ có ai lường trước nó ra thế đâu, hi hi!”.

T. H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

 


-Các nhà lãnh đạo của Đảng cần hiểu rõ thủ đoạn ly gián Đảng với Dân của đế quốc cộng sản Đại Hán Bauxite Việt Nam 

Dân nghĩ gì qua thái độ của Đảng đối phó với phản ứng của Dân trước hành động xâm lược của bọn cộng sản Đại Hán?

Dân thì không nghĩ được sâu xa như các nhà lý luận của Đảng. Tôi xin ghi lại vài ý nghĩ mộc mạc của Dân để các nhà lãnh đạo của Đảng suy xét.

-       Dân thấy Đảng huy động bộ máy chuyên chính của Đảng giải tán các cuộc biểu tình của Dân chống bọn cộng sản Đại Hán xâm lược. Dân hiểu: Đảng không muốn Dân chống xâm lược Trung Cộng.

-       Dân thấy Đảng bắt giam những người biểu tình chống cộng sản Đại Hán xâm lược vào Trại Phục hồi Nhân phẩm Lộc Hà. Dân hiểu: Đảng xem những người chống Trung Cộng là bọn mất nhân phẩm.

-       Dân thấy, cơ quan ngôn luận của Đảng nói, những người đi biểu tình là bị các thế lực thù địch xúi giục. Ngược lại, Dân thấy, những người đi tiên phong trong các cuộc biểu tình là những người luôn hô vang những khẩu hiệu yêu nước. Dân hiểu: Đảng xem những người yêu nước là thế lực thù địch.

-       Dân nghe, cán bộ của Đảng cầm loa giải thích trên đường phố, rằng biểu tình làm ảnh hưởng đến đường lối đối ngoại của Đảng. Dân không hiểu: Mỗi khi đối mặt với các sự kiện trọng đại, Đảng đều họp để có quyết định tập thể, không họp Ban chấp hành Trung ương thì họp Bộ Chính trị, không họp Bộ Chính trị thì cũng họp Ban bí thư hoặc chí ít là Thường trực Ban Bí thư. Vậy mà, suốt từ Nghị quyết Trung ương lần thứ 9 về đường lối đối ngoại chống xét lại hồi thập niên 1960 đến nay, đã qua nửa thế kỷ Dân chưa thấy một hội nghị nào của Đảng bàn về đường lối đối ngoại của Đảng. Vậy thì cái gọi là đường lối đối ngoại của Đảng là do ai chủ trương và chỉ đạo?

-       Dân chỉ đọc thấy trên báo chí lề phải của Đảng loan tin, các “đồng chí” bên Trung Cộng khuyên “Đảng ta” đừng để vấn đề Biển Đông làm tổn hại quan hệ hai đảng, đừng để các “Thế lực thù địch” chia rẽ tình đoàn kết của hai đảng.

Qua những sự kiện như vậy, Dân ngày càng thấy mất lòng tin vào Đảng.

Qua tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Dân chỉ nhìn thấy một cái Đảng nào đó rất anh dũng mơ hồ trong quá khứ xa xăm. Còn cái Đảng hôm nay chỉ toàn thấy báo đài nói về tham nhũng, nói về các nhà lãnh đạo của Đảng ăn đút lót những khoản tiền khổng lồ từ tiền thuế của Dân, từ tiền nước ngoài viện trợ cho Dân… Đến khi tòa án nước ngoài đã xử dân của họ cầm tiền đi đút lót cán bộ của “Đảng ta”, hơn nữa họ vạch mặt chỉ tên rõ từng “đồng chí, từ những thống đốc này, đến các quan chức nọ của … “Đảng ta”, hết “đồng chí X” lại đến “đồng chí Y”, và “đồng chí Z”, đều là đảng viên của “Đảng ta” cả, mà “Đảng ta” vẫn không xử. Chính những báo chí lề phải này của Đảng đã như những… “thế lực thù địch” suốt ngày ra rả xúi giục Dân nhìn Đảng với con mắt ngày càng xa lánh.

Đến khi thấy viết tiêu cực nhiều quá bất lợi, Dân thấy hình như ở đâu đó chỉ đạo hạn chế việc viết lách về những chuyện tiêu cực, thì phóng viên của Đảng lại chuyển qua viết về … cướp-giết-hiếp… Dân lại hỏi: Vì sao mà dưới sự lãnh đạo của Đảng, đạo đức của xã hội cứ xuống cấp nhiều thế? Thế là phóng viên của Đảng xoay qua viết các bài hướng dẫn các trò… thư giãn, nào là “cắt tóc chân dài cho các quý ông”, “mát-xa nam từ A đến Z cho các quý bà”, nào là uống “cà phê giường”, “ngủ trưa ôm”, “tẩm quất oral sex”, vân vân và vân vân.

Dân thấy các vị lãnh đạo của Đảng nói đúng, ngay cả các “đồng chí” Tập Cận Bình, Chu Dung Cơ bên nước cộng sản Đại Hán cũng nói đúng, rằng, những sự kiện ấy đang là nguy cơ dẫn tới sụp đổ Đảng Cộng sản. Không biết các vị lãnh đạo của “Đảng ta” đã “quán triệt” hết ý kiến chỉ đạo của các “Tập Bí thư” và “Chu lão đồng chí” hay chưa?

Hố ngăn cách giữa Đảng và Dân ngày càng xa, ngày càng bị khoét sâu. Cái bài hát “Đảng Lao Động ViệtNam, đảng của công nông và muôn lớp người lao động …” mà dân chúng say sưa hát từ năm 1951, đã vĩnh viễn lùi vào lịch sử…, bởi vì Đảng đang làm những việc để khoét ngày càng sâu cái hố ngăn cách ấy.

Tôi không hiểu các nhà lãnh đạo của Đảng có đủ tỉnh táo để nhận ra sự thật này không?

*

Tôi tin rằng, trong Bộ Chính trị, và nhất là, trong Ban Chấp hành Trung ương vẫn còn nhiều người mang trong tim lòng yêu nước thương nòi.

Trong một lần đàm đạo với một sĩ quan cấp tướng đang tại vị, và là đương kim ủy viên trung ương của Đảng, khi nghe tôi nói đến sự lo ngại các nhà lãnh đạo của chúng ta quá mềm yếu, thì vị tướng đã nói với tôi bằng một giọng quả quyết: “Tôi đảm bảo với bác rằng, nếu bọn Trung Quốc xâm lược, thì dứt khoát quân đội sẽ đánh… và đánh thắng”…

Tôi có đủ cơ sở để tin lời vị tướng này. Nhưng bọn cộng sản Đại Hán hiện nay lại rất gian manh xảo quyệt. Chúng dùng thủ đoạn “chiến tranh nhân dân” của Mao Trạch Đông. Chúng tuyên bố không dùng vũ lực… Chúng vừa cho hàng chục ngàn tàu dân sự ào ào tràn xuống Biển Đông, vừa trắng trợn khiêu khích các nước ven Thái Bình Dương nổ súng, và chúng chờ cơ hội để “cào cái … mặt” đểu cáng của chúng và la làng ăn vạ. Một tư cách Chí Phèo như vậy đang vỗ ngực là kẻ sẽ thống trị thế giới? Bằng cách đó, rất có thể chúng sẽ vô hiệu hóa quyết tâm bảo vệ Tổ Quốc của quân đội ViệtNam. Dân đang hỏi: Đảng có đối sách nào chưa? Hay là vẫn im lặng?

Hình như Đảng vẫn cứ loay hoay với cái mũ kim cô ý thức hệ “đồng chí tốt”, … “Lý tưởng tương thông” bên nách bọn ranh ma quỷ quái Đại Hán cộng sản… Tôi tin rằng sẽ đến ngày các nhà lãnh đạo của Đảng sẽ nhận ra cái tâm địa độc ác của các “đồng chí” … “của mình”, và quyết tâm vứt bỏ cái mũ kim cô ý thức hệ cộng sản mà bọn cộng sản Đại Hán đang xiết ngày càng chặt trên đầu các vị lãnh đạo Đảng này, làm cho Đảng này rất sợ bị chúng quy chụp cho tội “phản bội chủ nghĩa Mác – Lê Nin”.

Một số vị lãnh đạo thường vin vào lời nói của Cụ Hồ vào năm 1921: “Chí có chủ nghĩa Lê Nin mới giúp cho công cuộc giải phóng dân tộc thắng lợi hoàn toàn”. Từ đấy đến nay đã non một thế kỷ, biết bao đất nước giành độc lập đâu có cần “trang bị” bằng chủ nghĩa Lê Nin. Với nước ta hiện nay, ngược lại, cái mũ kim cô Mác Lê đang làm cho Đảng của ViệtNamngày càng bị trói buộc vào với quân xâm lược và ngày càng đi ngược lại ý chí và quyền lợi của Dân.

Heraclit, triết gia thời Hy Lạp cổ đại nói “Người ta không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”… Nếu như năm 1921, Cụ Hồ đã tắm trên dòng sông “Chủ nghĩa Lê Nin đã giúp Cụ tìm ra con đường giải phóng dân tộc”, thì cái dòng sông ấy đã qua gần một thế kỷ rồi. Chúng ta có thể thắp hương thưa lại với Cụ Hồ mà không hề lo Cụ quở trách: Ngày nay, cái mũ kim cô Mác – Lê đang bị kẻ thù của dân tộc lợi dụng để lôi kéo “Đảng ta” ngày càng xa dân tộc, để đẩy dân tộc vào con đường nô lệ cho bọn cộng sản Đại Hán xâm lược… Thì gỡ bỏ cái mũ kim cô Mác Lê lại là con đường thoát khỏi sự lệ thuộc của đất nước này.

Vả lại, trong bài viết trên Bauxite Viet Nam tuần trước, tôi đã viện dẫn Cụ Hồ rằng, tuy không nói trắng ra, nhưng Bản Di chúc thảo năm 1965 của Cụ Hồ cũng đã không còn nói đến “Điều mong muốn cuối cùng” là “Xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa” nữa.

Một giai thoại lưu truyền trong dân nghe cũng lạ tai. Trong một lần ông Lý Quang Diệu đến thăm Việt Nam, khi được một vị lãnh đạo Việt Nam phỏng vấn “Cảm tưởng của Ngài thế nào khi đi trên đường phố Hà Nội”, thì ông Lý Quang Diệu đã trả lời không cần suy nghĩ: “Tôi có hai cảm tường: Cảm tưởng thứ nhất, tôi kinh ngạc vì sự phát triển của Hà Nội…”. Vị lãnh đạo của ta hởi lòng hởi dạ… Nhưng rồi ông tiếp: “… Cảm tưởng thứ hai, …”, vị lãnh đạo của ta hồi hộp nín thở, … “tôi thật mừng và thở dài nhẹ nhõm, … khi nhận ra, là du kích cộng sản Mã Lai của ông Tổng Bí thư Trần Bình đã không giành được chính quyền hồi năm 1945 trên đất nước của chúng tôi”.

Nếu giai thoại này không phải là sự thật, thì cũng là một thứ truyện dân gian truyền miệng để các nhà lãnh đạo tham khảo về thái độ của Dân với Đảng hiện nay.

V.C.Đ.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

 

-Vương quốc bí mật của Trung Hoa

-Sự gắn với quyền lực lãnh thổ là một cái gì đó cố hữu cho tới ngày hôm nay, với việc Đảng Cộng sản Trung Quốc quan tâm tới phát triển kinh tế trong nước.

Thông báo hồi cuối năm 2011 của Tổng thống Mỹ Barack Obama về chiến lược chuyển trọng tâm sang châu Á của chính quyền dưới thời ông đã đánh dấu một sự thay đổi liên quan đến biển về mặt địa chính trị của Mỹ, từ châu Âu và Trung Đông chuyển sang châu Á và ven bờ Thái Bình Dương. Phản ánh những tác động chiến lược ngày càng lớn của sự nổi lên của Trung Quốc, động thái này báo trước một kỷ nguyên mới của nền chính trị nước lớn, khi Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh trên biển Thái Bình Dương. Nhưng Mỹ liệu đã nhìn đúng chỗ?

Một số chiến lược gia của Mỹ, trong đó có ông Robert D. Kaplan, đã viết rằng một cuộc chiến tranh lạnh tiềm ẩn giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không nặng nề bằng cuộc đối đầu với Liên Xô, vì nó sẽ đòi hỏi chỉ một yếu tố biển thay vì các lực lượng trên bộ đồn trú ở các quốc gia đồng minh để chiến thắng trong một mối đe dọa lục địa. Điều này có thể đúng với trường hợp biển Đông, hoặc Eo biển Malacca. Nhưng nó lại quên vai trò của mảnh đất rộng lớn Trung Á, nơi Trung Quốc đang củng cố vị thế của mình tại cái dường như là một vùng đất không được chú ý tới. Như Tướng Liu Yazhou, thuộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa, từng nói: Trung Á là "miếng bánh dày nhất từ trên trời rơi xuống cho Trung Quốc hiện đại".

Trong hầu hết chiều dài lịch sử thống nhất của mình, Trung Quốc đã là một cường quốc đất liền tập trung vào kinh tế. Theo ngôn từ địa chính trị ngày nay, sự nổi lên của Trung Quốc chủ yếu thể hiện tại Á - Âu, rất xa tầm với của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ và các đồng minh của Washington ở ven bờ đại dương này - và cũng xa tầm ảnh hưởng của các cường quốc châu Á khác như Ấn Độ.

Như vậy, các nhà hoạch định chính sách của phương Tây nên phủi bụi những cuốn sách cũ của Halford Mackinder, người từng nói rằng Trung Á là khu vực địa lý trọng điểm nhất trên hành tinh, thay vì ngâm cứu những cuốn sách của Alfred Thayer Mahan, đại chiến lược gia của Mỹ về sức mạnh biển. Cần tập trung nhiều hơn vào sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc tại Trung Á nếu Mỹ muốn hiểu đúng sự nổi lên về chiến lược và địa chính trị của Trung Quốc.

Thực vậy, nếu Trung Quốc có thể thách thức được vai trò biển của Mỹ tại Thái Bình Dương, thì đó sẽ là vì họ đã củng cố được vị trí trên đất liền của mình ở Trung Á và cảm thấy yên tâm hơn ở sau lưng để đối đầu với Mỹ trên biển.

Như Kaplan từng viết: "Chỉ đi ra biển theo cách đó, Trung Quốc mới chứng tỏ vị trí lợi thế của mình trên đất liền ở trái tim châu Á".

Nhìn vào lịch sử của Trung Quốc, nước này chưa bao giờ là một cường quốc biển. Ngoài các chuyến viễn chinh trên biển của nhà thám hiểm Trịnh Hòa từ thế kỷ 15, các vương triều của Trung Quốc có truyền thống tập trung vào sức mạnh trên đất liền hơn. Ngay cả Trịnh Hòa, với tất cả các kỹ năng là một nhà thám hiểm trên biển của mình, sau này cũng bị tước quyền bởi chỉ dụ "Hải cấm" đánh dấu sự rút lui của Trung Quốc khỏi biển. Đối với các triều đại phong kiến Trung Quốc, trọng tâm là duy trì sự toàn vẹn của đại nhà nước của mình.

Sự gắn với quyền lực lãnh thổ này là một cái gì đó cố hữu cho tới ngày hôm nay, với việc Đảng Cộng sản quan tâm tới phát triển kinh tế trong nước. Đây hầu như là một cơ chế sống còn để chứng tỏ khả năng lãnh đạo hiệu quả của Đảng và từ đó khẳng định sự chế ngự liên tục của Đảng. Nhưng nó cũng đã có tác động của chính sách đối ngoại hơi thiên lệch theo hướng bảo vệ các lợi ích trong nước.

Không ở đâu điều này rõ ràng hơn ở Trung Á, nơi chính sách phát triển bền vững của Trung Quốc hướng tới khu vực tập trung vào đảm bảo các nguồn tài nguyên. Chính sách này gần đây đã phát triển hơn trong một chiến lược nhằm tạo một quan hệ láng giềng thịnh vượng hơn, mà nhờ đó tỉnh Tân Cương ở cực Tây hẻo lánh của Trung Quốc có thể trao đổi thương mại. Ở xa trung tâm (mọi thứ ở Tân Cương đều chậm hơn ở Bắc Kinh hai giờ đồng hồ, dù giờ chính thức vẫn giống ở Bắc Kinh), lại giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng gần như vắng bóng người và đầy căng thẳng sắc tộc đôi khi bùng phát thành bạo lực, Tân Cương từ lâu là một mối lo ngại đối với các nhà hoạch định chính sách trong việc Bắc Kinh xử lý những phức tạp tại biển Đông.

Mối lo ngại này nổi lên một lần nữa vào tháng 7/2009, khi bạo động tại thủ phủ Urumqi của Tân Cương khiến hơn 200 người thiệt mạng. Xuất phát từ các cuộc biểu tình trong thành phố chống lại những báo cáo về việc người lao động Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Quảng Đông bị lạm dụng, vấn đề đã nhanh chóng leo thang thành bạo động, trong đó đám đông người Duy Ngô Nhĩ tuần hành khắp thành phố đánh đập người Hán đền chết. Ngày hôm sau, người Hán giận dữ đã tiến hành chống bạo động trực tiếp nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ, cũng như sự bất lực của chính quyền người Hán vì không bảo vệ được họ hoặc không giải quyết được các vấn đề lâu nay của tỉnh. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã phải nhanh chóng rời Hội nghị thượng đỉnh G-8 ở Italy để về nước giải quyết vấn đề.

Sau vụ bạo lực này, Bắc Kinh quyết định đã đến lúc phải có cách tiếp cận mới. Các lãnh đạo cấp cao tại cơ quan an ninh Urumqi đã bị sa thải, và tháng 4/2010 Bí thư tỉnh ủy Tân cương lâu nay Vương Lạc Tuyền đã phải rời nhiệm sở. Thay thế ông là Zhang Chunxian, cựu chủ tịch tỉnh Hồ Nam, người đã được ca ngợi vì đã mang lại sự phát triển kinh tế cho tỉnh. Hòn đá tảng của chiến lược tái sinh hướng tới Tân Cương này là một hội thảo làm việc vào tháng 5/2010, trong đó đưa ra một loạt các quyết định quan trọng liên quan đến tỉnh này. Các tỉnh giàu có hơn được giao trách nhiệm một phần về Tân Cương; các công ty năng lượng quốc gia khai thác tài nguyên khí đốt giàu có của Tân Cương được lệnh chi nhiều tiền hơn cho tỉnh dưới dạng các loại thuế; và "các đặc khu kinh tế" được thiết lập tại Kashgar (phía Nam Tân Cương) và Khorgos (một mảnh đất ở biên giới với Kazakhstan). Nhấn mạnh vào ngoại thương để có được sự phát triển của tỉnh, các nhà hoạch định chính sách đã nâng cấp Hội trợ thương mại và quan hệ kinh tế với nước ngoài của Urumqi thường niên thành Triển lãm Trung Quốc - Á Âu quy mô lớn hơn.

Nhưng một tỉnh nằm bao quanh bởi đất liền như Tân Cương có thể phát triển chỉ khi các vùng ngoại biên của nó ổn định và đủ thịnh vượng để trao đổi thương mại. Nằm giáp với Pakistan, Afghanistan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Nga và Mông Cổ, Tân Cương ở giữa những người hàng xóm vô cùng phức tạp. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc có một lợi ích lớn khi phát triển kinh tế và an ninh ở Trung Á - trải dài từ 5 quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ tới tận Afghanistan.

Mối lo ngại trên được phản ánh trong sự kết hợp các nỗ lực về an ninh, kinh tế và văn hóa mà Trung Quốc đã thiết lập trên khắp khu vực này. Thú vị là các nỗ lực này dường như không phải là một sản phẩm của một chiến lược toàn diện và được cân nhắc kỹ. Nhưng cùng lúc, các nỗ lực này cho thấy một bức tranh đầy đủ hơn người ta thường đánh giá. Không rõ Trung Quốc có hiểu được các tác động ngẫu nhiên của các hoạt động khu vực khi tái định hình Trung Á hay không, và các nước trong khu vực tiếp nhận điều này như thế nào, khi các tác nhân Trung Quốc đơn giản chỉ tập trung vào phát triển Tân Cương và khai thác những gì họ muốn từ Trung Á. Khi ảnh hưởng của Nga trong khu vực rơi vào thời điểm "triều xuống" trong lịch sử, và toàn Trung Á nhận thấy Mỹ sẽ bỏ rơi khu vực này về mặt chiến lược một khi hầu hết binh sĩ Mỹ rút khỏi Afghanistan, Bắc Kinh đã cắt ra được một mảnh đất, một vương quốc bị quên lãng. Thiếu một chiến lược rõ ràng và với ý định giấu mình chờ thời (một cách tiếp cận đặc trưng của Trung Quốc), Trung Quốc đã trở thành tác nhân tự nhiên nhất trong khu vực Trung Á.

Châu Giang/theo national interest
  • Còn tiếp

Tổng số lượt xem trang