Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

TƯỞNG NIỆM BIẾN CỐ THÁNG TƯ ĐEN

-Son Tran
TƯỞNG NIỆM BIẾN CỐ THÁNG TƯ ĐEN

(Hình tuẫn tiết của anh hùng Nguyễn Văn Long, trung tá Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà trong ngày 30-4-1975 dưới chân tượng đài Thủy Quân Lục Chiến đối diện trụ sở Hạ Nghị ViênVNCH).

Dưới chân tượng đài của thủy quân lục chiến, xác một người cảnh sát nằm đó. Máu ở đầu ông ta chẩy ra tươi rói. Người sĩ quan cảnh sát đeo lon Trung tá. ông ta mặc đồng phục màu xanh. Nắp túi ngực in chữ Long. Trung tá cảnh sát Long đã tự sát ở đây Cộng sản để mặc ông ta nằm gối đầu trên vũng máu. Phóng viên truyền hình Pháp quay rất lâu cảnh này. Lúc tôi đến là 14 giờ 30. Dân chúng đứng mặc niệm trung tá Long, nước mắt đầm đìa. Những người không khóc thì mắt đỏ hoe, chớp nhanh.


Trung tá Long đã chọn đúng chỗ để tuẫn tiết.

Tiểu sử Trung Tá Nguyễn văn Long.

BBT: Qua nhiều bài viết về Trung Tá Nguyễn Văn Long mà chúng tôi có dịp đọc trước đây, chúng tôi vẫn cảm thấy có điều gì đó còn thiếu sót, nếu không muốn nói là chưa thỏa mãn được những gì mà chúng ta muốn biết về Trung Tá Long. Người mà chúng tôi nghĩ đến có thể bổ túc cho những thiếu sót đó không ai khác hơn là cựu Trung Tá Nguyễn An Vinh, nguyên Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc gia Đà Nẳng, người đã có thời gian dài được gần gũi với Trung Tá Long, trong phạm vi Bộ Chỉ Huy Khu I, cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Kính mời quý vị xem bài của cựu Trung Tá Chỉ Huy Trưởng Nguyễn An Vinh


Sau chính biến 1 tháng 11 năm 1963 lật đổ nền Ðệ nhất Cộng Hòa, Quốc Gia trải qua một thời kỳ hỗn lọan. Tại miền Trung, đặc biệt là Thừa Thiên Huế, họat động ngành an ninh trật tự hoàn toàn tê liệt. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm mà đã thay đổi sáu Giám-Ðốc Nha Công An. Có ông chỉ tại chức 32 ngày. Hai Trưởng Ty Công An Thừa Thiên và Cảnh Sát Huế đều là cơ sở nòng cốt Cộng Sản, một vài tay chân của nhóm Phật Giáo Ấn Quang tranh đấu ly khai xuống đường phá rối. An ninh trật tự hoàn toàn suy sụp.


Ðể đối phó với tình hình rối ren của vùng I, tháng 6 năm 1966 Trung Ương quyết-định bổ nhiệm Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, và ngay lập tức, ông cho chấn chỉnh lại những hoạt động của Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia tại địa phương đầy biến động này, đồng thời bổ nhiệm Quận Trưởng Cảnh-Sát Võ Lương giữ chức Giám-Ðốc Cảnh Sát Quốc-Gia Vùng. Quận Trưởng Cảnh Sát Võ Lương là Giám-Ðốc thứ bảy kể từ năm 1963 và là người đầu tiên giữ vững đựơc kỷ cương trật tự sau một thời gian hỗn loạn quá dài. Ðể mau chóng ổn định nhân-sự cũng như họat động, Ông cho lệnh di chuyển Nha CSQG từ Huế vào Ðà-Nẳng. Ông cho tất cả nhân viên dễ dàng trong một tháng để thu xếp gia-đình.


Trong vòng một tháng đó, phần đông nhân-viên đã có đủ thì giờ để ổn định việc nhà cửa và chuyện con cái học hành. Chỉ riêng Trung Tá Long, lúc ấy vừa được bổ nhiệm chức Chủ-Sự Phòng An Ninh Nội Bộ kiêm Thanh Tra, là còn loay hoay chưa kiếm ra nơi tá túc cho gia-đình. Hết hạn 1 tháng, Ông không thèm xoay sở nữa mà đã sáng kiến thực hiện một việc cổ kim không giống ai:


Thấy có một khoảng đất công trống trên đường Duy Tân, giữa lòng Thành Phố, Ông dựng lên một cái chái lợp tôn, dựa lưng vào bức tường thành của một Công Sở. Ðó là nơi gia đình ông đang cư trú, không điện không nước.


Có hai nhân viên thuộc quyền ghé thăm thấy cả nhà ban đêm thắp hai ngọn đèn dầu lù mù, họ rủ nhau hùn tiền mua đến cho ông một cái đèn Manchon. Ông từ chối nhất định không lấy, nói thế nào ông cũng không chịu, bắt họ đem đi trả lại.


Câu chuyện nhà ông Long thắp đèn dầu được nhiều người kể đi kể lại ở sở. Một hôm nhân có dịp ngồi chung xe với ông Giám Ðốc lên họp Quân Ðoàn, tôi kể Ông nghe câu chuyện về cái đèn Manchon. Ông Giám Đốc lắc đầu nói: “...tính của Long là vậy, tôi biết chả từ lâu, từ hồi còn làm bên Công An Liên Bang. Ðó là một người rất tốt, thanh liêm và cương trực, đông con nhà nghèo...”. Từ lúc đó cho đến khi vào họp Ông không nói thêm lời nào. Ông lặng lẽ, dường như có điều tính toán suy nghĩ, ngó mông lung ra ngoài đường. Tuần lễ sau, tôi ghé nhà Long thăm đã thấy có điện nước. Hỏi ra thì biết trong lúc Ông Long đi làm, có 2 người tới bắt cho 2 bóng đèn và 2 lỗ cắm điện, một vòi nước. Họ không lấy tiền cũng không cho biết ai sai tới. Tôi biết ngay là do sự can thiệp kín đáo của Ông Giám đốc. Biết Ông không ra mặt tôi cũng làm thinh luôn.


Liền sau đó, trong một phiên họp khoáng đại, ông Giám Ðốc hỏi nhỏ tôi, nhà Long có điện chưa. Tôi trả lời có rồi, có cả nước nữa. Ông gật đầu, mỉn cười nhìn về phía Long, nét mặt hiền lành khoan dung. Ông vui vì đã giúp được thuộc cấp một việc tuy nhỏ nhưng rất cấp bách cần thiết. Tính Ông quảng đại, kín đáo và chi-tiết. Nhiều khi làm ơn từ việc nhỏ đến việc lớn, không cần cho ai biết.


Dạo ấy, vì cơ sở mới dọn từ Huế vào, phòng ốc chưa đủ, Ông Giám-đốc cũng không có tư dinh phải ở tạm một phòng trong khách sạn Grand Hotel trên đường Bạch Ðằng. Trong khách sạn có sẵn Restaurant. Ông thường dùng bữa vớí nhiều viên chức khác ngành, vừa ăn vừa luận bàn công việc. Những lúc không mời ai, Ông gọi tôi tới ăn cơm chung. Nhờ có chút khả năng giao-thiệp, quen biết nhiều người và luôn sẵn những chuyện tếu vô hại, Ông thường ngồi nhiều giờ với tôi, bàn về đủ mọi thứ, phần lớn là những việc trên trời dưới đất, không dính dấp gì tới công vụ. Nhân một lúc vui vẻ, cởi mở, tôi nhắc lại chuyện Trung Tá Long và hỏi Ông lý do không cho Long biết việc Ông can thiệp bắt điện nước vào nhà. Ông cườì rồi từ từ kể. Sau đây là những gì Ông Giám đốc Võ Lương nói về Trung Tá Nguyễn văn Long:


“...Tôi biết Long từ những thập niên 1940, khi Giả ( tiếng thông dụng miền Trung có nghĩa là Anh ấy, Ông ấy ) mới gia-nhập Ngành An ninh thời Tây. Giả nổi tiếng1à siêng năng cần mẫn, kỷ-luật và trong sạch. Lương bổng không đến nỗi tệ nhưng gia-đình đông con lại suốt đời không tơ hào những bổng lộc phi nghĩa nên thời nào cũng nghèo. Cả đời ở nhà mướn. Ðúng ra, trước năm 1963 Giả cũng có một căn nhà tương đối được, ở đường Phạm Hồng Thái, Thành Phố Huế. Nhà này có từ nhiều năm trước, có thể do cha mẹ để lạị. Trước đảo chánh Ông Diệm, Giả bị bắt giam trong vụ Gián Ðiệp Miền Trung do Phan Quang Ðông điều tra khai thác. Trong thời gian bị ngưng chức không lương tiền hàng tháng, bà vợ đã phải bán căn nhà này để đong gạo cho gia đình...


...Giả sống rất chừng mực, lương thiện, không có khả năng xoay xở, lại càng không muốn xoay xở bậy bạ. Nhũng lúc gặp khó khăn thì cắn răng chịu đựng, không hề muốn nhờ vả ai. Giả rất khó chịu khi phải chịu ơn người khác. Ðiều này giải thích được tại sao tôi không trực tiếp cho biết đã nhờ người bắt điện nước cho gia đình Giả. Chuyện nhỏ không muốn Giả có mặc cảm mang ơn....


... Là viên chức kỳ cựu, phuc vụ trong ngành đã hơn 20 năm, Long có khá nhiều cơ hội để khá hơn, nhưng cơ hội nào Giả cũng bỏ qua, có khi còn quyết liệt từ chối thẳng tay, nên đến bây giờ vẫn sống chật hẹp với đồng lương của một công chức.


... Giả bị bắt giam trong vụ Gián Ðiệp Miền Trung năm 1962 nên sau khi Chính Phủ Ngô Ðình Diệm bị lật đổ, Long được cử ngay làm Trưởng Ban Công Tác Ðặc nhiệm điều tra tội ác và tài sản chế độ cũ cũng như của nhóm Cần Lao. Nhiều người cứ tưởng dịp này Long tha hồ ân oán giang hồ. Nhưng trái với mọi suy đoán, Long hành xử trách nhiệm hoàn toàn vô tư, không nghe lời xúc xiểm, không thành kiến, cũng như không bới lông tìm vết. Ðể tránh mấy tay môi giới chạy chọt xin xỏ đút lót lôi thôi, Long cắm trại luôn trong sở, thật khuya mớí lạch cạch đạp xe về nhà. Dạo ấy cả gia-đình đã theo đạo Công Giáo, nhà thuê ngay kế bên Dòng Chúa Cứu Thế Huế.. Nhà Long cữa đóng then cài. Long không tiếp bất cứ ai.


...Năm 1965, Long đưọc bổ nhiệm làm Trưởng Ty Công an Ðặc Biệt Bến Hải, đóng dọc theo Nam Vĩ Tuyến 17 thuộc Quận Trung Lương, Tỉnh Quảng Trị. Nhận việc chưa bao lâu thì Phòng Lương Bổng, Vật Liệu , Kế Toán đưa cho Giả một phong bì đầy tiền. Long hỏi cái gì thì họ cho biết, như thông lệ từ trước, đây là số tiền bán bớt xăng nhớt và văn phòng phẩm nạp cho Trưởng Ty làm mật phí giao tế. Giả đỏ mặt, trợn mắt đòi bỏ tù cả đám. Từ đó hết ai dám léng phéng chuyện tiền nong lem nhem với Long...”


Kể đến đây Ông Giám Ðốc cườì thành tiếng và nói đùa: “...Nếu Long chịu nhận vàì ba mớ phong bì như thế thì đâu đến nỗi bây giờ phải cắm dùi đường Duy Tân. Nên nhớ Long đang là chức Trưởng Ty khi được lệnh di chuyển từ Quảng Trị vào Ðà-Nẵng. Một Ông Tưởng Ty mà ngày trước ngày sau phải ở bụi ở đường thì thế gian chỉ có một Nguyễn văn Long mà thôi, không có người thứ hai. Bổ nhiệm Long vào chức An Ninh Nội Bộ và Thanh Tra, tôi yên tâm nhưng cũng có nhiều anh khó chịu không vui đấy...”


Khi tôi hỏi về Vụ Gián Ðiệp Miền Trung , Ông cho biết vụ ấy không hẳn là có thật mà chỉ do Pháp cố ý dựng chuyện lên để phá thối. Công việc của Phan Quang Ðông là huấn luyện và tung mạng lưới tình báo gián điệp ra Bắc hoạt động vùng Thanh Nghệ Tĩnh mà thôi. Ðông không dính líu gì đến vấn đề nội chính và an ninh quốc nội. Ðông bị xử tử hình để bịt miệng, do áp lực từ Cộng Sản trong nhóm tranh đấu, gây rối Mìền Trung. Không có vụ gián điệp thì Ðông cũng bị giết.


Hình như Long biết sự kiện này cho nên ngày xử bắn Phan Quang Ðông tại Sân Vận Ðộng Chi Lăng, mấy người bạn cùng vụ rủ Long đi coi, Long từ chối. Long nói:





“...chuyện Ðông có những điều chưa minh bạch, xét xử vội vàng và có quá nhiều áp lực. Ðông đâu đáng tội chết! Vả lại oán thù nên cởi, không nên buộc... Ông Giám Ðốc kết luận:...Long khắt khe sắt thép với chính mình nhưng khoan dung nhân hậu, công bằng và rộng lượng với kẻ khác, cả với kẻ vừa mới giam giữ mình...”


Năm 1970 , tôi bàn giao chức Chỉ Huy Trưởng cho Thiếu Tá Trần Hàng để ra Ðà-Nẵng. Vừa nhận việc chưa được bao lâu thì Thành Phố chịu một cơn bão lụt Sóng Thần khủng khiếp chưa từng thấy trong cả trăm năm. Mưa như trút nước. Sóng biển gầm thét dữ dội. Một phần đường trong thành phố ngập nước quá đầu gối. Giáp ranh phía Bắc Thành Phố là Bãi Thanh Bình thành một vùng nước mênh mông. Nhưng ngặt nghèo và nguy hiểm nhất là khu tạm cư Ngọc Quang. Khu này là một giải cát bồi thoai thoảỉ nằm dài giửa Bãi Thanh Bình và biển cả, không một bóng cây. Từ tầm xa nhìn tới , toàn khu hoàn toàn biến mất, chỉ còn thấy lác đác ít nóc nhà nhấp nhô theo sóng dữ. Gió rất mạnh, thổi giật từng cơn. Bộ Chỉ Huy Cành Sát Quốc Gia huy động toàn bộ lực lượng cơ hữu như Giang Ðoàn và trưng dụng thêm một số ghe thuyền tư nhân trong nỗ lực di tản dân chúng vào khu an toàn, lúc ấy là sân Trường Kỹ Thuật ở đường Cao Thắng và chung quanh 2 Thánh Ðường Họ Giáo Ngọc Quang và Giáo Xứ Thanh Ðức.


Qua máy truyền tin, Giang Ðoàn cho tôi biết gia-đình Trung Tá Long ở vào một khu nguy hiểm nhất. Nhà có thể bị cuốn trôi ra biển bất cứ lúc nào. Cả gia-đình đã lên được đất liền nhưng Trung Tá Long đang ngồi trên một cái chõng tre, tay cầm chai rượu thuốc, nói là để ở lại giữ nhà, không chịu đi đâu hết. Tôi nghe mà lạnh người. Cũng lại cái “Ông Trời sợ” này nữa. Tôi không thể quên vụ Ông cắm dùi ở đường Duy Tân năm nào và việc Ông Giám Ðốc Võ Lương kín đáo giúp đỡ bắt điện nước cho Long.


Tôi nhờ Giang Ðoàn ra tận nơi, đưa máy truyền tin cho tôi nói chuyện với Long. Nghe tiếng tôi, Ông nói ngay: Chào Ông Chỉ Huy Trưởng, tôi không sao đâu. Sau một hồi giải thích gần như năn nỉ, cuối cùng phải viện dẫn lý do an ninh cũng như xin Ông hợp tác để làm gương cho đồng bào. Cuối cùng Ông mới chịu vào bờ.


Dọn dẹp bão lụt xong, dân chúng lo sửa sang những thứ đỗ nát. Tôi điện thoại cho Ông hỏi thăm nhà cửa hư hại ra sao. Ông trả lời tỉnh bơ: Nhà chỉ có mấy tấm ván, xẹp xuống rồi dựng lại lên, có chi mà hư hại. Tuần này tôi xin nghỉ mấy ngày phép và mất một mớ đinh là xong ngay.Tôi bái phục cái thái độ bình tâm giản dị gần như bất cần của Ông, nhưng quyết định phải ra tận nơi coi cho biết. Tôi mặc thường phục cùng với mấy tay bài trừ du đãng đi Honda, luồn lách ra Ngọc Quang. Tới nhà Ông Long, tôi hết hồn.


Căn nhà của Ông chỉ là một tác phẩm chắp nối vội vàng và lỏng lẻo gồm mọi thứ tạp nhạp không đáng gọi là vật liệu, góp nhặt từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Nhà nằm lọt vào khu vực tạm cư hỗn độn gồm các gia đình đổ về từ những vùng quê Quảng Nam mất an ninh. Giây điện và giây phơi áo quần chằng chịt. Rất mau, tôi vụt nhớ đến một bản báo cáo của Cảnh Sát Ðặc Biệt về việc Cộng Sản cài người vào dân tị nạn và vụ xe ông Trưởng Phòng Ðặc Biệt Nha tên Diệp đi mua vật liệu bên Quận Ba bị đặt Plastic chết banh xác trên gần Chợ Cồn năm nào. Thương Ông, tôi nhất định phải đưa Ông vào thành phố.


Ngay ngày hôm sau tôi nhờ các Phường Quận tìm dùm một miếng đất cho Ông Long cất nhà. Các nơi tìm được khá nhiều nhưng tôi chọn ra 4 chỗ. Tôi lái xe đưa Ông đi xem. Cả 4 chỗ Ông không chê nhưng ngần ngại không quyết định, viện dẫn nhiều lý do nghe cũng được. Chuyện không thể chậm trễ, tôi nói ngay: hay là Ông vô ở chung với tôi. Ông cười khẩy, tưởng tôi bực mình nói lời mỉa mai. Sự thực khi nói câu đó, tôi nghĩ đến khu đất trống sau tư dinh dành cho gia đình Chỉ Huy Trưởng số 37 Nguyễn Thị Giang, ngay trung tâm thành phố, sát tường rào Trường Nam Tiểu Học, có thể mở lối đi riêng. Tôi chỉ cho Ông. Ông chịu liền nhưng còn bán tín bán nghi. Ðể xác nhận không phải chuyện bông đùa, tôi đưa Ông tới một trại cây đường Phan đình Phùng, nói với bà chủ chọn cho Ông một số cây ván thứ tốt, hoá đơn gởi cho tôi. Tới đây Ông mới tin là chuyện thật và bắt tay tôi vui vẻ, nói lời cám ơn.


Không chờ đợi lâu, Ông cho tháo căn nhà từ Ngọc Quang, cha con chồng vợ cả gần chục người hớn hở dựng căn nhà mới. Chỉ trong vòng chừng 2 tuần là xong, điện nước từ nhà tôi câu qua. Gia đình Ông Long vui vẻ đã đành, phần tôi cũng vui không ít.


Những ngày tiếp theo, tôi chờ hoài không thấy trại gỗ đưa hóa đơn tới, hỏi ra mới biết: thấy tôi tận tâm, nể mất lòng, Ông chỉ lấy một ít ván gắn vào mặt tiền coi cho được còn bao nhiêu Ông mua các thứ tạp nhạp từ một bãi phế thải ở đường Ông Ích Khiêm chở mấy xe Ba Gác về, đóng phía trong phía ngoài khá tươm tất. Một lần nữa tôi cảm phục tính lương thiện và sòng phẳng của Ông. Dọn vào nhà mới xong, ít lâu sau Ông thăng Trung Tá và được bổ nhiệm Chánh Sở Tư Pháp, tiếp tục phục vụ tại Bộ Chỉ Huy Vùng. Từ đây Ông yên tâm ở bên cạnh nhà tôi và tôi cũng có cơ hội làm một chút quan sát:


Nhà Ông rất đông con. Một vợ một chồng, sinh 12 lần, nuôi 13 đứa, có cả cặp sinh đôi sau cùng, một trai một gái. Ông còn cưu mang thêm một đứa cháu mồ côi, anh nó đi lính tận trên Pleiku, giao luôn cho Ông giữ. Chưa hết. Nhà còn có thêm một con heo con. Bà Long nói phải nuôi thêm con heo làm lợi, cho đứa cháu mồ côi thêm tiền ăn học. Chuyện nhà Ông Long nuôi heo nhiều người không tin, đòi đến coi. Làm gì giữa thành phố, ngay cạnh tư dinh Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát mà lai có người dám nuôi heo. Ai nói gì thì nói, hiểu rõ hoàn cảnh gia-đình, cùng cái lý do chân thật và tội nghiệp đối với Bà Long, tôi không phản đối. Mấy đứa con nhỏ của tôi cũng rất ưa thích con heo. Ði học về, tụi nhỏ chạy sang xem, cho heo ăn, trầm trồ khen heo sạch sẽ và mau lớn. Thấy các con ưa thích, tôi cũng vui. Bà Long lại càng vui hơn.

Ông Long dạy con rất nghiêm nhưng không hề ồn ào to tiếng. Ông ưa nói chuyện gương trung liệt người xưa và lấy chuyện sách đèn của các con làm trọng. Ông thường dặn con: dù hoàn cảnh nào cũng ráng kiếm cho được ba mớ chữ. Câu Ông thưòng nhắc đi nhắc lại với các con là: Khi nào cái đầu cũng ở trên. Cái đầu phải có kiến-thức để điều khiển toàn thân làm những việc khá hơn là việc tay chân lao động.


Những lúc rảnh rỗi nhà tôi hay sang chơi, khen mấy cháu học giỏi và thường dấm dúi cho các em chút đỉnh tiền để khi thì mua cái cặp sách, khi thì mua bộ áo quần. Ðặc biệt đứa cháu mồ côi là nhà tôi thương nhất. Ông Long có mấy con đã trưởng thành. Hai anh đi không quân, một thiết giáp, ba Cảnh Sát. Đứa đầu lòng tên Phụng, Sĩ Quan Biệt Ðộng Quân, tử trận. Thỉnh thoảng các cháu về phép, nhà tôi thường dặn dò phải cận thận giữ mình, đôi khi còn có chút ít tiền cho các cháu cà phê. Những cử chỉ thương yêu nhẹ nhàng kín đáo như thế chỉ có các con và Bà Long biết, Ông Long thì không. Qua tôi, nhà tôi đã hiểu tính Ông Long rất tự ái và không ưa nhờ vả ai, dù là từ những người thân.


Trong năm năm sống cạnh nhau, Ông Long chỉ sang nhà tôi có một lần, đi chung với Ông Võ Hoàng, anh Ông Giám Ðốc Võ Lương. Lúc ấy tôi vừa cho thêm một người bạn khác, Ông Huỳnh Giáo cựu Trưởng Ty Công-An Quảng Tín làm căn nhà đằng sau , phía bên phải. Nhà Ông Long bên trái. Ông Võ Hoàng là một nhà phong thủy cho biết hai căn nhà phía sau Tư dinh là một phối trí phong thủy tuyệt hảo, che chắn hết mọi bất trắc, rủi ro, không sợ đao kiếm cùng kẻ xấu chém lén sau lưng. Ông Chỉ Huy Trưởng sẽ yên vị tại chức lâu dài. Tôi không biết nhiều về phong thủy, cũng không hẳn tin. Tôi chỉ muốn làm một việc tử tế khi có cơ hội để giúp cho hai người bạn mà tôi rất thương yêu và mến phục.


Sống bên nhà tôi lâu như thế mà gia-đình Ông Long không bao giờ xin ân huệ cho mình cũng như cho bất cứ ai. Họ sống lặng lẽ, âm thầm gần như cam chịu. Bà Long thường nói đây là căn nhà vừa ý nhất từ trước đến nay và ao ước được ở đây mãi mãi.. Niềm ao ước bình thường giản dị ấy không được bao lâu thì Ðà-Nẵng thất thủ, cuối tháng ba 75. Tai trời ách nước đổ sập xuống, chúng tôi tan tác mỗi người một nơi.


Tôi thoát đi được trong gang tấc, theo một tàu Mỹ vào Cam Ranh. Tại đây dùng tàu đò dân-sự vào Vũng Tàu. Khi vừa mới từ bờ ra lại biển khơi, tôi gặp Ông Long đi trên một ghe đánh cá từ Ðà-Nẵng vào. Tôi đổi tàu cùng Ông xuôi Nam. Về đến Saì-Gòn chia tay mỗi người một ngã. Tôi tìm cách cùng gia đình thoát thân lần nữa. Qua tới Guam được mấy ngày thì được tin Long tự sát. Tôi bàng hoàng xúc động, thương Ông suốt một đời lận đận và kết thúc tức tưởi thế kia. Từ đó tôi bị thúc bách và tự cho như có bổn phận phải tìm thêm tin tức của Long:


Ở Mỹ, tôi theo dõi các báo lớn ngoại quốc có đăng trang bìa hình Long tự sát trước tượng đài Thủy Quân Lục Chiến khu tiền đình Trụ Sở Quốc Hội, sắc phục và cấp bậc Sĩ Quan Cảnh Sát ngay ngắn đàng hoàng, nhưng không có báo nào nói xác Long ai đem đi đâu. Tôi cứ nghĩ thi thể vô thừa nhận đã bị vùi dập ở một xó xỉnh nào.


Nhưng không. Khoảng hơn hai tuần sau, Bà Long nhận đươc giấy báo vào nhà thương Grall nhận xác. Nguyên do là khi tuẫn tiết, trong túi áo Long có thẻ căn cước địa chỉ 37 Nguyễn Thị Giang, Ðà-Nẵng. Nhà thương cứ theo địa chỉ đó mà báo tin. Tôi nhớ là cái căn cước bọc nhựa ấy tôi đổi lại cho Long khi vừa mới dọn vào ở chung, đặc biệt có chữ ký của tôi làm kỷ niệm, không phải chữ ký của Thiếu Tá Chỉ Huy Phó như những căn cước khác. Tự nhiên tôi có chút suy nghĩ sao mà cái việc nhỏ nhặt như việc đổi cái thẻ căn cước bọc nhựa năm xưa lại đưa đến một sự việc quá quan trọng như thế. Cái căn cước có chữ ký của tôi đó không phải vì nhu-cầu mà chỉ vì chút cảm tình, nhưng lại chính nhờ nó mà gia-đình nhận đươc xác của Long. Ðây có phải chỉ là một diễn tiến tình cờ hay là một tính toán cẩn thận của Long. Giả thuyết thứ hai hợp lý hơn.


Ðà-nẵng mất mau quá, Long chưa kịp lãnh lương tháng ba nên nhà không có tiền vào Sàigon. Tội nghiệp chỉ có cô Tâm, con thứ ba vào nhận xác. Tới SàiGòn ngày 17 tháng 5 cô Tâm cùng với một người chị thứ hai tên Ðào và người em gái tên Thuận đang làm việc ở Sai-Gòn tới nhà thương Grall. Tại dây nhân viên Bệnh Viện, như có được lệnh của Ban Giám Ðốc, đã dành mọi dễ dàng, chỉ vẽ tận tâm chu đáo và tỏ ra có thiện cảm đặc biệt với người chết. Họ tắm rửa, thoa thuốc, uốn nắn và chăm sóc thi thể nhẹ nhàng tử tế đến độ làm các con cảm-động và ngạc nhiên. Ngày chôn cất có ban hậu sự Nhà Thương sắc phục và xe tang đàng hoàng, khoan thai đưa tiễn tới Nghĩa Trang. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí. Thi hài được mai táng tại Nghĩa Trang Giáo Xứ Công Giáo Bà Quẹo với đầy đủ lễ nghi tôn giáo. Có Linh-Mục đến làm phép xác. Rõ ràng là cái chết công khai và lẩm liệt của một Anh Hùng vị Quốc vong thân, ngay lập tức đã có người trân trọng. Ít năm sau gia đình cải táng. Lần này thì khăn tang trắng một vùng, đầy đủ vợ và các con, các cháu, xác được hỏa thiêu. Tro ký thác tại Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài-Gòn, đường Kỳ Ðồng.


* * *


Ngày mất nước 30 tháng 4 năm 75, khi biết mọi sự đã hỏng hết, nhiều Tướng Lãnh, Sĩ Quan, Binh Lính, Cảnh Sát và cả nhân- viên Dân Chính đã tự sát tại nhiều nơi và bằng nhiều cách, cách nào cũng nói lên chí khí bất khuất không đầu hàng, không để cho thân rơi vào tay giặc. Nhưng cái chết của Trung Tá Nguyễn văn Long mới được cả thế giới biết đến mau nhất, gây xúc động mạnh nhất. Long đã chọn cách thế, giờ giấc cho cái chết có mục đích tại một địa điểm không thể có nơi nào thích hợp hơn. Trước Tòa Nhà Quốc Hội, dưới chân Tượng Ðài Chiến Sĩ là nơi biểu tương Trái Tim đang thoi thóp của Miền Nam. Ông đã nằm xuống đó để chấm dứt nhịp đập trái tim Ông. Ông dâng hiến máu tươi và mạch sống cho Tổ Quốc. Khỏi cần phải luận bàn dông dài, cả thế giới cùng công nhận Long đã bình tĩnh sửa soạn cho cái chết từng chi-tiết. Long mặc sắc phục, cấp bậc chỉnh tề, thẻ căn cước cài trong túi áo. Trước lúc bắn vào đầu, Long đứng nghiêm, chào kính Tượng Ðài rồi khoan thai nằm xuống. Chỉ một phát súng dứt khoát và chính xác, Long anh dũng đền ơn nước.


Ðã một thời sống gần và làm việc chung, tôi thương mến Long lúc sinh thời, kính phục Long khi đã chết và sẽ mãi mãi nhớ Long. Cái chết của Long là một cái chết bất tử.

(Nguyễn An Vinh)




Trung Tá Nguyễn Văn Long
Khi đề nghị chọn chủ đề cho Đặc San Phượng Hoàng 2010, chúng tôi cùng một vài anh em, đang tham dự Đại Hội Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia kỳ 5 tại Nam California, gần như có một chủ đề đã nằm sẵn trong đầu mà chưa ai kịp nói ra.
Nói về những tấm gương anh hùng, nói về những chiến hữu đã một thời tận tụy cho nghiệp vụ, cho sự an bình của toàn dân miền Nam trong suốt thời gian của cuộc chiến trước 1975, hoặc giả nói về những ai đã từng nêu cao TỔ QUỐC- CÔNG MINH- LIÊM CHÍNH . . , trong số “những” người đó, chúng tôi không khó khăn để chọn ra một người, đó là Trung Tá Nguyễn Văn Long. Tên gọi “Nguyễn Văn Long”, ít nhứt trong một phần nhỏ bé nào đó của lịch sử cận đại, trong nhiệm vụ bảo vệ giang sơn gấm vóc, đã có một vị trí mà mọi người đều nhận rõ bên cạnh các anh hùng “Vị Quốc vong thân”, từ cấp lớn cho đến cấp nhỏ nhất, của Quân Cán Chính VNCH trước và sau tháng 4 oan nghiệt năm 1975. Sau khi sưu tập những tài liệu có sẵn, vì nhiều lý do khác nhau, chúng tôi chỉ được phép tóm lượt lại và đúc kết nên bài này, chỉ mong được trình đôi nét về người anh hùng này của Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia…:
Đôi dòng….

Di ảnh Trung Tá Cảnh Sát Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Long Tuẩn Tiết ngày 30-4-1975
Trung Tá Nguyễn Văn Long sinh năm 1919 tại làng Phú Hội thành phố Huế. Ông là một trong những viên chức kỳ cựu của Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia. Ông đã từng giữ nhiều chức vụ qua nhiều thời kỳ đổi thay của ngành, từ Trưởng Phòng, Phó Ty, Trưởng Ty Công An, Trưởng Ty Cảnh Sát Quốc Gia…và chức vụ sau cùng là Chánh sở Tư Pháp thuộc Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Khu I . Suốt nhiều năm phục vụ trong ngành Đặc Biệt, ông đã lập được bao chiến công trong nhiệm vụ tiêu diệt cộng sản mà bọn chúng chỉ đang chờ chực cướp phá xóm làng, khủng bố lương dân. Trong lãnh vực Tư Pháp, ông là một sĩ quan có năng lực chuyên môn, tài giỏi, đặc biệt là đức tính Công minh và Cương trực. Ông không bao giờ lợi dụng chức quyền để thủ lợi, không khoan nhượng bất cứ một sự vi phạm pháp luật nào dù có sự can thiệp che chở của một thế lực, một phe nhóm hay một cấp chính quyền nào. Đó là lý do ông có biệt danh là “Long Lý”, cũng có nghĩa là Pháp bất vị Thân, vị Tình. Sự thanh liêm đó được chứng minh trong cuộc sống thanh bần của cá nhân và gia đình cho đến tháng 4 năm 1975.
Đã có vài lần chiến hữu Lê Xuân Nhuận (cựu Phụ Tá Đặc Biệt Khu I) viết về Trung Tá Nguyễn Văn Long, nhưng sau mỗi lần viết, khi đọc lại, thấy phải viết thêm hay viết lại, vì LXN cảm thấy mình chưa nói đủ hoặc chưa nói hết được những gì mà Trung Tá Long đã để lại cho người còn sống hôm nay cần phải biết về Ông cũng như những công việc mà Ông đã làm đối với đồng bạn, đối với ngành và đất nước… Cho đến bài sau cùng này (?) mà chúng tôi nhận được, LXN đã viết:
“…Anh Long là người cương trực tối đa. Bất cứ người nào mà vi phạm luật pháp, là anh ấy không tha. Tình hình tại Bộ Chỉ Huy Khu I sau hiệp định Paris 1973 và trước quốc biến 1975 thật là phức tạp. Bên ngoài thì áp lực Cộng Sản Bắc Việt, công khai đổ quân ào ạt để tăng viện và tấn công, bên trong thì sức phá hoại của các tổ chức xưng danh đối lập và tự do quá khích ngày càng gia tăng mức độ và cường độ hỗn loạn hầu làm suy thoái hóa các lực lượng Quốc Gia. Thật là khó khăn cho chúng ta khi phải đối phó với bọn Cộng sản, vừa chống đỡ các phần tử nhũng lạm, các phe nhóm chủ bại, gần như là sẵn sàng làm nội ứng cho giặc.Công việc trị an gặp rất nhiều khó khăn, vì hầu như bất cứ kẻ phạm pháp nào cũng nấp dưới danh nghĩa của một chính đảng hay được sự bao che của một đoàn thể hay của một vài nhân vật lãnh đạo nào đó của chính quyền. Ðụng vào họ, có thể là tự rước tai họa vào mình. Thế mà anh Long đã đứng thẳng, đã dám xúc tiến điều tra, lập hồ sơ truy tố nhiều nhân vật đáng sợ. Rất là nhiều vụ, mà vụ tôi thích nhất là vụ “tiền trợ cấp dân Quảng Trị tỵ nạn”. Ðại khái như sau :
Ðồng bào Quảng Trị di tản, được tạm cư tại Ðà Nẵng. Có người đi, có người ở lại tỉnh cũ. Nhiều người đã lập hồ sơ hưởng một lần nhiều món trợ cấp như: tiền, thực phẩm, áo quần, xi-măng, tôn lợp nhà v.v. . ., tại cả tỉnh cũ lẫn trại tạm cư mới, do ngân sách của Bộ Xã Hội đài thọ hàng tháng. Nhiều người còn lập hồ sơ làm dân tỵ nạn, từ xã bất an và xôi đậu đến định cư tại xã an ninh, thậm chí còn xưng là cơ sở ở vùng Việt Cộng kiểm soát, nay bỏ về với Quốc Gia, để được hưởng các loại trợ cấp do Bộ Chiêu Hồi cung cấp. Một số lại là nhân viên Chương Trình Áo Xanh, do một tổ chức Hoa Kỳ tài trợ, cung cấp việc làm cho người lao động thất nghiệp, một số cũng là hội viên Hội Cựu Chiến Binh và Dân Phế Binh, quy tụ lính cũ của thời Pháp thuộc, thời Nhật chiếm đóng, thời kháng Pháp . . . mà hồ sơ gốc thì không hề có. Do đó, một người lãnh trợ cấp với nhiều tư cách, trong nhiều hoàn cảnh, nhưng chỉ lãnh được một ít, còn thì nạp vào túi riêng của những người chứng gian, chứng dối, vừa lãng phí ngân sách, vừa phá hoại chính sách. Vụ án làm chấn động dư luận, liên quan đến nhiều cấp chức thuộc nhiều giới, nhiều ngành . . .”
Lê Xuân Nhuận viết tiếp:
“. . . Kỷ niệm tôi không bao giờ quên về anh Long, là vụ rút lui khỏi Ðà Nẵng, thành lũy cuối cùng của Quân Khu I. Lúc ấy, vào khoảng 8 giờ tối ngày 28 tháng 3 năm 1975, trên làn sóng vô tuyến của Cảnh Sát thị xã Ðà Nẵng, tôi được báo cáo là có nhiều người ăn mặc lộn xộn, có vũ khí, đang nép hai bên lề đường tiến vào thị xã. Tôi dùng làn sóng của Cảnh Sát Ðặc Biệt, ra lệnh cho Cảnh Sát Ðặc Biệt Khu I và Ðà Nẵng lo đối phó. Sau đó tôi gọi điện thoại đến Bộ Chỉ Huy Khu I để tường trình với Ðại Tá Lộc, đang cùng các Chánh Sở và một số Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh tập trung tại đó. Liền sau đó, anh Long đến ngồi tại trung tâm truyền tin của Cảnh Sát Ðặc Biệt, để liên lạc thường xuyên với tôi hầu theo dõi tình hình bên ngoài. Ðến khoảng hơn 10 giờ, tổng đài Cảnh Sát Ðặc Biệt cho biết là Trung tá Long muốn mượn một máy bộ đàm của Cảnh Sát Ðặc Biệt, để liên lạc trực tiếp với tôi. Trong những lần liên lạc ấy, có lúc giọng anh run lên, không phải vì sợ mà vì tức giận. Anh cho biết là Ðại Tá Lộc bảo tất cả Chỉ Huy Trưởng Tỉnh và các Chánh Sở tại Bộ Chỉ Huy Khu I hãy lên xe đi theo mình, do Chỉ Huy Trưởng Ðà Nẵng hướng dẫn, ra bờ sông Hàn, xuống tàu tuần giang của Giang Cảnh, để ra biển Ðông. Anh Long có hỏi thì được biết là để di tản vào Saigon. Anh cho rằng, chưa chống lại địch đã bỏ rơi cấp dưới mà chạy là không xứng đáng, nên anh quay lui, về lại Bộ Chỉ Huy Khu, mời tôi đến để tổ chức mà tử thủ . . . .
. . . Trên đường đến Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn I, tôi thấy anh Long mặc bộ đồ Cảnh Sát Dã Chiến, mang súng M.16, lái xe chạy ngược chiều xe tôi, nhưng anh không thấy tôi vì xe để đèn pha. Tại Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn I, chỉ còn vài người lính ngơ ngác ở tại cổng ra vào. Tôi đến Tiểu đoàn Tiếp Liệu, thấy các tàu dầu của Quân Ðoàn đã bị binh sĩ và vợ con tràn lên, từ đây tôi gọi điện thoại đến Phòng 2, Phòng 3 Quân Ðoàn, Sở An Ninh Quân Ðội và vài nơi khác, nhưng không có ai trả lời. Sau đó, tôi hướng dẫn đoàn xe Cảnh Sát Ðặc Biệt và Thám Sát chạy qua Quận 3, bãi biển Sơn Trà, căn cứ Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải.. . . để theo dõi tình hình. Khi tôi về lại Trung Tâm Ðà Nẵng, vào khoảng nửa đêm, thì hầu hết mọi loại xe đã mở hết tốc lực chen nhau qua cầu Trịnh minh Thế, hướng về bãi biển, trong đó, có cả xe của anh Long. Tôi thấy mặt anh đỏ gay, đầy vẻ tức giận và cương nghị . . .
. . . Từ đó, tôi không gặp lại anh Long nữa . . . Sau này, ở trường “cải tạo”, tôi được quen mấy người đã từng chạy vào Saigon trong những ngày cuối tháng 3 năm 1975 đó, cho biết là anh Long đã tự tử chết trước thềm Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa (Hạ Viện) sau lệnh đầu hàng của Dương văn Minh. Tôi không ngạc nhiên, vì bị trói tay thì làm sao đánh thắng được giặc. Nếu anh còn sống mà rủi bị bắt thì hẵn là ở trong các trại tập trung, anh sẽ bị hành hạ thảm não hơn đồng bạn, vốn đã điêu đứng đủ điều, nếu không, cũng có thể bị sát hại ở một xó rừng nào đó.
Cái chết của anh Long làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Anh lớn tuổi hơn tôi, nhưng vẫn trẻ trung trong lối sống và trong công việc. Những người trẻ sau này, khó mà vượt qua nổi anh về phong cách và kinh nghiệm nghề nghiệp. Trước kia, tôi làm Cảnh Sát trật tự, anh làm Công an chính trị, sau nhiều đổi thay, tôi qua anh ninh thì anh về hình sự. Anh đã kết hợp và tiêu biểu đầy đủ cho mọi ngành trong các nhiệm vụ của người Cảnh Sát Quốc Gia. Trong lúc thành quả hoạt động của Cảnh Sát Quốc Gia nói chung, là đã hạ được khá nhiều Cộng sản, trên nhiều mặt trận khác nhau, mà người ngoài ít ai biết đến, ngay một số trong ngành Cảnh Sát Quốc Gia, cũng cho đó là việc riêng của Cảnh Sát Ðặc Biệt! Ngược lại, anh Long đã hòa mình vào mọi lãnh vực, mọi công tác của ngành, để cuối cùng, tự nhận lấy một phần trách nhiệm đối với sự hưng vong của Tổ Quốc! Cái chết của anh, đã chứng tỏ được cái khí tiết của riêng anh cũng như của rất nhiều nhân viên Cảnh Sát Quốc Gia, nói chung, và Cảnh Sát Ðặc Biệt, nói riêng, cùng với biết bao quân dân các cấp, ở khắp nơi, để khỏi bị rơi vào tay giặc, khi nước mất nhà tan. . . .
. . . Người chết không mong được đời nhắc tới, nhưng bổn phận của người sống là phải phát huy những tấm gương trí dũng ngời sáng ấy. Anh là một trong những tấm gương ngời sáng, để cho những ai còn thờ ơ với tiền đồ Tổ Quốc, hãy tự soi rọi lấy bản thân mình, có còn đáng được sống trước những hy sinh cao cả đó hay không.
Nguyễn Văn Long.! Tên anh đã được mọi nguyời nhắc đến với một sự thương yêu kính trọng. Anh đã ghi thêm một vết son trong Cảnh Sử với tư cách một trong những anh hùng của Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa. . .”
Lê Xuân Nhuận là một trong những người còn ở với Nguyễn Văn Long, trước những giây phút phải di tản khỏi Quân Đoàn I và II. Đây là một trong những bài mà LXN đã viết về Trung Tá Nguyễn Văn Long.
Một người khác, cũng ở khu I, là người tiền nhiệm của Lê Xuân Nhuận trong chức vụ Phụ Tá Đặc Biệt Khu, sau được chọn lên làm Chỉ Huy Trưởng CSQG tỉnh Quảng Ngãi, đó là chiến hữu Hồ Anh Triết, đã viết:
“. . .Tôi về BCH / CSQG Khu 1 vào tháng 5/1971. Lúc đó Trung tá Long làm Chủ sụ phòng Tư Pháp BCH/ CSQG khu 1 (đầu năm 1972 đổi thành Chánh Sở Tư Pháp). Tuy cùng một bộ chỉ huy, nhưng hai lãnh vực hoạt động hoàn toàn khác nhau, không thường xuyên phối hợp, nên tôi không rỏ lắm về sự hoạt động trong lãnh vực tư pháp của Trung tá Long. Nhưng về phương diện “con người” thì tôi có những nhận định như sau:
- Một cấp chi huy rất đường hoàng, ăn nói nhỏ nhẹ nhưng không kém cương
quyết
- Đối với cấp trên, qua các buổi họp, tôi thấy lúc nào Trung Tá Long cũng ăn nói từ tốn, có sự kính trọng cấp chỉ huy nhưng không bao giờ có vẻ khúm núm hay ra vẻ nịnh bợ.
- Anh em trong bộ chỉ huy CSQG/ Khu 1 đều có thiện cảm và kính trọng Trung  Tá Long. Tôi nghĩ sở dĩ Trung Tá Long nhận được sự kính trọng đó không phải vì Trung Tá Long lớn tuổi hay vì chức vụ của Ông ta mà vì tư cách và đạo đức của chính Ông ta. Trung tá Long là người đã phục vụ tại Bộ Chỉ Huy CSQG Khu I rất lâu, trước ngày tôi về phục vụ tại BCH nầy. Theo tôi, một cấp chỉ huy đã phục vụ một nơi nào từ 5 năm trở lên, mà vẫn giữ đuợc sự kính trọng của toàn thể anh em thì người đó phải là một người thật đường hoàng trong tư cách, Trung Tá Long là một người như vậy.
Tôi rời BCH/ CSQG Khu I tháng 9-1973 về Quảng-Ngãi và bị Cộng Sản bắt ngảy 24-3-1975 tại Chu-Lai. Tôi không nắm vững về “sinh hoạt” của BCH/ CSQG Khu I trong những ngày cuối cùng ở Đà-Nẳng (trong đó còn có Trung Tá Nguyễn văn Long, Chánh Sở Tư Pháp BCH/CSQG Khu I).
Năm 1988 tôi được về. Sau đó, anh em tới thăm, có nói cho tôi nghe việc Trung Tá Long đã tự sát trước tòa nhà Quốc-Hội VNCH ngày Miền Nam rơi vào tay Cộng Sản. Mấy tháng sau đó, khi đã tạm ổn định, tôi có đến nơi đó, (công viên trước tòa nhà Quốc Hội cũ) để tưởng nhớ đến một đồng nghiệp anh hùng, mà tôi đã quen biết và kính trọng từ ngày tôi về phục vụ tại BCH/CSQG Khu I. Tuy nhiên, nơi tôi đứng, có phải là chính nơi Trung tá Long đã nằm xuống hay không (?). . . quang cảnh đã hoàn toàn khác xưa. Nước mắt tôi đã rơi xuống cho ngưòi bạn anh hùng và cũng cho chính mình. Trong sâu thẳm tâm hồn lúc đó, tôi đã hỏi anh Long: Rồi đây, đất nước chúng ta và con cái chúng sẻ ra sao đây anh….?
Phần trên là của hai chiến hữu Cảnh Sát Quốc Gia, còn phần tiếp theo đây là những trích đoạn trong bài viết của một người ngoài ngành, một nhà văn khá nổi tiếng của miền Nam, cũng đã phải bị “cải tạo” trong các ngục tù của cộng sản sau 30-4-75. Nhà văn D.A đã viết trong bài “Máu Trung Tá Long đã đổ xuống lòng đất mẹ”, như sau:
“. . .Tôi không hiểu trong Dinh Ðộc Lập, Dương Văn Minh và bọn hàng thần lơ láo đến mức độ nào trước ống kính xấc xược của bọn phóng viên cộng sản và trước những câu hạch hỏi hỗn láo của bộ đội giải phóng cấp tá. Họ có nghe những tiếng súng danh dự, trách nhiệm, tổ quốc của lính văn nghệ diệt T.54 ở cầu Thị Nghè, của lính nhẩy dù cách cổng Dinh Ðộc Lập chẳng bao xa? Chúng tôi vào trung tâm thành phố, dân chúng đang bu kín công viên dựng tượng hai người chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam, họng súng nhắm thẳng vào Hạ Viện. Những chiếc loa gắn trên cây cao đã oang oang giọng nói mới chào mừng giải phóng miền Nam. Bài hát… Tiến vào Saigòn ta quét sạch giặc thù … muốn rung chuyển thành phố. Nhưng trời vẫn thiếu nắng. Cộng sản đã tiếp thu đài phát thanh, bưu điện…. Giọng nói cầy cáo của Lý Quý Chung và ca khúc Nối Vòng Tay Lớn không còn nữa.
Chúng tôi lách đám đông. Dưới chân Tượng Ðài của Thủ Quân Lục Chiến, xác một người Cảnh Sát nằm đó. Máu ở đầu ông ta chảy ra tươi rói. Người sĩ quan Cảnh Sát đeo lon Trung Tá, ông ta mặc đồng phục màu xanh. Nắp túi ngực in chữ Long. Trung Tá Cảnh Sát Long đã tự sát ở đây, cộng sản để mặc ông ta nằm gối đầu trên vũng máu. Phóng viên truyền hình Pháp quay rất lâu cảnh này. Lúc tôi đến là 14 giờ 30. Dân chúng đứng mặc niệm Trung Tá Long, nước mắt đầm đìa. Những người không khóc thì mắt đỏ hoe, chớp nhanh. Tất cả im lặng, thây kệ những bài ca cách mạng, những lời hoan hô bộ đội giải phóng. . . .

Trung Tá Cảnh Sát Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Long Tuẩn Tiết ngày 30-04-1975
. . . . Không có Hoàng Diệu, ở những trang lịch sử chó đẻ của thời đại chúng ta. Và trên những tiểu thuyết đấu tranh, những hồi ký chiến đấu của những con người tự nhởn sống hùng mọi hoàn cảnh, người ta không thấy một dòng nào viết về cái chết tuyệt vời của Trung Tá Cảnh Sát tên Long. Cộng sản đã chẳng ngu dại phong anh hùng, liệt sĩ cho quốc gia. Họ độc quyền anh hùng, liệt sĩ. Ở những cuộc đấu thầu anh hùng, liệt sĩ quốc gia tại hải ngoại, chưa thấy một nén tâm hương tưởng mộ Trung Tá Long. Có lẽ, liệt sĩ đích thật không lãi lớn bằng liệt sĩ giả vờ. Thế thì thời đại chúng ta đang sống là cái thời đại gì nhỉ? Nó không chịu, không thích vinh tôn cái thật, đã đành, nó còn nhận chìm cái thật và vấy bẩn lên cái thật một cách thô bạo, ẩn ý và lạnh lùng. Khi cái thật bị nhởn chìm, bị vấy bẩn, cái giả nổi bật, sáng giá và chói lọi, thơm tho. Như vậy, mọi giá trị về tinh thần, về đạo nghĩa bị nhởn chìm theo. Rốt cuộc, bọn giả hình sống với cái giả của chúng, huyễn hoặc mọi người bằng cái giả với bạo lực của quyền uy hợp pháp và cả quyền uy ảo tưởng hậu thuẩn. Và người công chính thụ động, buông xuôi. Cuối cùng, con cháu chúng ta sẽ chỉ biết liệt sĩ đất sét, anh hùng gian dối, vĩ nhân phường tuồng.
Tôi muốn biểu dương Trung Tá Long như Hoàng Diệu hôm nay, Hoàng Diệu của Sài gòn. Ông ta đã nằm kia, dưới chân tượng đài Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam anh dũng. Máu của Trung Tá Long đã thấm xuống lòng đất mẹ. Cái chết của Trung tá Long nếu chưa thức tỉnh được sự u mê của thế giới tự do thân cộng, của bọn phản chiến làm dáng, thì ít ra, nó cũng biểu lộ cái khí phách của một sĩ quan Việt Nam không biết hàng giặc. . . Chúng ta hãnh diện làm người Việt Nam lưu vong vì chúng ta còn có Trung Tá Long không đào ngũ, không đầu hàng giặc và biết chết cho danh dự miền Nam, danh dự của Tổ Quốc. . .
. . . . . . . . . . . . . . . .
- Tôi chứng kiến tự phút đầu.
- Ông nói sao?
- Tôi nhìn rõ ông ta rút súng bắn vào thái dương mình.
- Thật chứ?
- Ðáng lẽ tôi phải nói dối.
- Tại sao?
- Vì nói thật lúc này không có lợi.
Tôi nghe hai người Sài-gòn nói chuyện, và tôi được nghe “huyền sử một người mang tên Long” do một trong hai người kể. Truyện như vầy:
“. . .10:30 sáng, Dương Văn Minh đọc lệnh đầu hàng, quân đội và cảnh sát tuân lệnh Tổng Thống, lột quần áo, giầy vớ, nón mũ, vất súng đạn bỏ chạy về nhà mình hay nhà của thân nhân mình. Một mình Trung Tá Long không lột chiến bào, không phi tang tích huân chương, không liệng súng đạn. Trung Tá Long từ nơi nào đến, chẳng ai rõ. Ông xuất hiện ở công viên trước Hạ Viện hồi 12 giờ. Ngồi trên ghế đá, ông ta trầm ngâm hút thuốc. Rồi ông ta nhìn trước nhìn sau, ngó ngang, ngó dọc. Rồi ông ta đưa tay ôm lấy đầu, cúi thấp. Khi ấy Sài-gòn đã ồn ào tiếng hoan hô cộng sản giải phóng. Bất chợt, ông ta đứng dậy, chậm rãi bước gần chân Tượng Ðài. Trung Tá Long đứng thẳng, ông ta ngẫng mặt. Thản nhiên ông ta rút khẩu súng Colt, kê họng súng vào thái dương mình bóp cò. Tiếng đạn nổ trùm lấp tiếng hoan hô cộng sản. Trung Tá Long đổ rạp…..
- Ðó, diễn tiến cái chết của Trung Tá Long.
- Ông có mặt ở đây trước lúc Trung Tá Long xuất hiện?
- Phải. Tôi tuyệt vọng, không thiết về nhà nữa!
- Rồi sao?
- Dân chúng bu quanh xác Trung Tá Long. Cộng sản chưa có thì giờ kéo xác ông ta đi. Phóng viên truyền hình Pháp thu cảnh này kỹ lắm. Chỉ tiếc họ đã không thu được cái oai phong lẫm liệt của Trung Tá Long. Họ đến quá chậm và họ chỉ quay phim một xác chết. Ông hãy nhìn cho kỹ. Trung Tá Long tuẩn tiết cùng chiến bào, cùng cấp bậc, cùng tên mình.!!
Tôi đã nhìn kỹ. Lịch sử của chúng ta đã có những vị anh hùng chỉ có tên mà không có họ. Như Ðô Ðốc Tuyết, Ðô Ðốc Long…. Hôm nay chúng ta có thêm Trung Tá Long. Những ai sẽ viết lịch sử? Và liệu sử gia đời sau có soi tỏ niềm u uẩn của Trung Tá Long, chảy máu mắt nhìn quê hương lạc vào tay quân thù mà bất lực cứu quê hương, mà chỉ biết đem cái chết tạ tội quê hương, dân tộc. Ðã hàng tỉ tỉ chữ viết về những chuyện khốn nạn, viết về những tên khốn kiếp, viết về những sự việc khốn cùng. Dòng chữ nào đã viết về Trung Tá Long? Người ta đã viết cả pho sách dày cộm để nguyền rủa xác chết. Người ta cũng đã viết cả pho sách dày cộm để suy tôn xác sống. Người ta ồn ào. Người ta vo ve. Dòng chữ nào đã viết về Trung Tá Long? Ai đã làm công việc sưu tầm lý lịch đầy đủ của vị liệt sĩ đích thực này? Than ôi, lịch sử đã hóa thành huyền sử. Cho nên người ta nhìn Quốc kỳ mà không cảm giác linh hồn Tổ Quốc phất phới bay. . . . . . Thời đại của chúng ta còn đòi đoạn ở chỗ, kẻ sĩ và kẻ vô lại đồng hóa trong “lý tưởng” nguyền rủa xác chết và suy tôn xác sống.
Xưa Vua Duy Tân đã hỏi quan Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài và các cận thần:
- Tay bẩn lấy gì rửa?
Cận thần đáp:
- Nước.
Duy Tân hỏi thêm:
- Nước bẩn lấy gì rửa?
Cận thần ngơ ngác:
- Tâu bệ hạ, thần không hiểu.
Vua Duy Tân nói:
- Nước bẩn lấy máu mà rửa.
Trung tá Long đã lấy máu rửa vết ô nhục 30- 4. Lính nhẩy dù đã lấy máu rửa một vết ô nhục 30- 4. Lính văn nghệ đã lấy máu rửa một vết ô nhục 30- 4. Những kẻ tạo ra ô nhục lấy gì để rửa nhỉ? . . . .
. . . . Lịch sử lại thêm vài phụ trang chó đẻ.!
Giải phóng quân đã đổ đầy trước Hạ viện. Cỏ đuôi chó hoan hô tưng bừng. Dân chúng chiêm ngưỡng Trung Tá Long tản mạn. Trung Tá Long nằm nguyên chỗ ông ngã rạp cho máu rửa nhục Sài-gòn. Giã từ liệt sĩ. Vĩnh biệt liệt sĩ. Xin hãy phò hộ cho tôi kéo dài cuộc sống hèn để có ngày được viết vài dòng về Trung Tá. . . . . .  . . .”

Vâng, anh đã được kéo dài thêm cuộc sống để viết cho Trung Tá Nguyễn Văn Long những gì mà chúng tôi được đọc ở đây. Và chúng tôi, cũng đã viết cho Trung Tá Long từ những buồn tủi trong thân phận của người mất nước. Khi hay tin, và được truyền cho nhau thật nhanh trong khoảng thời gian ngắn ngủi trước khi “sắp hàng vào tù”, anh em chúng tôi đã viết, viết thật nhiều bằng những giọt nước mắt của chính mình về một người Anh, một chiến hữu đã làm tròn bổn phận đối với Tổ Quốc và đã chứng tỏ được khí tiết của người Chiến Sĩ VNCH! Từ tấm gương sáng ngời đó của anh Long, chúng tôi nhận biết rất nhiều nghịch lý cho sự sống và sự chết, cũng như cho sự tồn tại của chính mình hôm nay, sau 35 năm đất nước bị mất vào tay kẻ bạo tàn.
Khi đúc kết hết những bài này, đến đây, chỉ mong anh linh của Trung Tá Long có lẫn khuất đâu đây, hãy phò hộ cho chúng tôi được tiếp nối làm những gì mà chúng ta trước kia chưa làm được hầu cứu lấy quê hương và cũng để chúng tôi được trả ơn những người anh hùng của Tổ Quốc, trong đó có Trung Tá Nguyễn Văn Long.
Một lần trong muôn lần, xin được nói lời vĩnh biệt!!
Phan Tấn Ngưu




-Chuyện Về Bức Tượng TQLC ở Sài Gòn - Tô Văn Cấp
(Xin gửi bài này như một món quà Giáng Sinh và năm mới đến tất cả quý vị đã một lần đứng ngắm bức tượng TQLC. Xin bái phục các Mũ Xanh đã góp công sức thực hiện và bảo vệ bức tượng, và cám ơn quý anh đã cung cấp tin tức để viết)



Saigon 1969 - Tượng TQLC trước Quốc Hội


“Lão Xit đẻ ở nước Nga, cớ sao sang đứng vườn hoa nước mình?”
Thằng cháu con ông anh ngâm xong câu thơ rồi quay sang hỏi tôi:
- Chú có thể cho cháu biết “lý lịch” của bức tượng hai người lính TQLC trước tòa nhà Quốc Hội ở Sài-Gòn được không?
- Ư, ư ! Tưởng cháu hỏi lý do lão Xít lão Mao tại sao lại bị gậy sang ăn mày nước ta thì chú sẽ giải thích cặn kẽ rõ ràng, còn hỏi về bức tượng TQLC đứng trước tòa nhà quốc hội thì quả thực chú không rành lắm, chú không biết!
- Chuyện lão Mao lão Xít muốn thịt dân ta thì tụi cháu cũng còn biết, huống chi là người lớn. Nhưng các chú thường hãnh diện là lính Mũ Xanh, đi hành quân từ Bến Hải đến mũi Cà Mau, từ Cao Nguyên xuống đầm lầy, có mặt khắp mọi miền đất nước, vậy mà ngay tại trung tâm thủ đô VNCH có bức tượng TQLC nổi tiếng mà chú không biết gì về lý lịch của bức tượng này thì lạ thật..!

Thằng cháu con ông anh bỏ lửng câu hỏi rồi mỉm cười khiến tôi nóng mặt. Nhưng sự thật là vậy thì biết phản ứng ra sao, thôi thì đành hứa với cháu là chú sẽ tìm hiểu rồi trả lời sau.

Nghĩ lại mà ngượng và buồn, gia đình tôi có ba anh em đều là lính và hiện tị nạn tại Little SG nên mỗi cuối tuần, anh em tôi luân phiên họp mặt cả ba gia đình với con cháu, nhân dịp này cha chú kể chuyện đời lính cho thế hệ sau nghe. Người em kể về đời lính Không Quân, ông anh Cảnh Sát nói chuyện đô thành, còn tôi TQLC nói về hành quân và lao tù CS, như vậy là đầy đủ những chuyện trên trời dưới đất và hỏa ngục. Vậy mà tôi lại mù tịt về bức tượng nổi danh của Binh Chủng sừng sững giữa trung tâm thủ đô! Buồn thật! Ta buồn ta đi hỏi.

Hỏi từ các anh cao đến em thấp trong binh chủng, hỏi trên diễn đàn TQLC, mỗi người cho một tin, góp một ý, tất cả đều do trí nhớ cách nay đã hơn 40 năm. Những ý kiến tương đối chính xác, nhưng rất tiếc không tìm được tài liệu trên giấy tờ để chứng minh cụ thể nên tôi chỉ xin ghi lại, xem như một giai thoại về bức tượng hơn là một “tài liệu” chính thức. Vì vậy nếu có những chi tiết không phù hợp với ý nghĩ của bất cứ ai thì xin miễn trách.

Năm 1966, Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ giao cho mỗi đơn vị quân đội dựng một biểu tượng cho đơn vị mình tại các công viên hay công trường trong thành phố Saìgon và Chợ Lớn, những kiến trúc ấy như sau:

Hải Quân dựng tượng thánh tổ Trần Hưng Đạo tại bến Bạch Đằng.

Không Quân với “Tổ Quốc và Không Gian” trước tòa Đô Chính.

TQLC với bức tượng 2 người lính ở vườn hoa trước Quốc Hội.

Pháo Binh có biểu tượng trước hội trường Diên Hồng.

Truyền Tin với thánh tổ Trần Nguyên Hãn trước chợ Bến Thành.

Thiết Giáp là Phù Đổng Thiên Vương tại bùng binh ngã Sáu Saigon.

BĐQ có tượng 3 người lính tại ngã sáu Lý Thái Tổ.

Nhẩy Dù có biểu tượng đặt trước bệnh viện Sùng Chính.

Quân Nhu đặt biểu tượng trên đường Hồng Bàng Chợ Lớn.

Quân Cụ đặt biểu tượng trên đường Khổng Tử.

Cảnh Sát đặt hai nhân viên đứng thao diễn nghỉ trên đường Thành Thái v.v..

Cái lý do thủ tướng cho thiết lập các biểu tượng này là muốn thay đổi nét mặt của thủ đô đẹp hơn và cũng mang một dáng dấp “Nội Các Chiến Tranh”. Nhưng thời gian đó cũng có những cuộc biểu tình phản chiến thường tập trung tại những địa diểm này để phản đối chính phủ, đồng thời nhiều tin đồn là một số tu sĩ của tôn giáo nọ dự định chiếm các nơi này để dựng những “hình ảnh” tôn giáo với mục đích làm khó dễ chính phủ nên chính phủ phải ra tay trước (người viết xin nhắc lại đây chỉ là tin đồn, thực hư tùy người nghe), giao cho các đơn vị quân đội thực hiện biểu tượng của mình thật gấp với lý do để kịp khánh thành vào ngày kỷ niệm NCCT chấp chánh.

Vị trí cho từng đơn vị thì được bốc thăm (?) và chính phủ cấp cho mỗi đơn vị một ngân khoản rất hạn chế. Ngân khoản hạn chế, thơi gian gấp rút nên đa số các biểu tượng không được đúng với tiêu chuẩn nghệ thuật. Đẹp và có ý nghĩa nhất là tượng Phù Đổng Thiên Vương, Thánh Tổ Thiết Giáp (TTTG), Đức Trần Hưng Đạo (TTHQ), ĐứcTrần Nguyên Hãn (TTTrTin). Người viết không dám có ý kiến về các biểu tượng khác, nhưng riêng về biểu tượng của TQLC là hai người lính trước tòa nhà Quốc Hội thì nhiều người cho là có vị trí đẹp nhất. Nhưng với tôi, vị trí lý tưởng nhất là công viên trước tòa Đô Chính với biểu tượng “Tổ Quốc và Không Gian” của KQ, và tượng Đức Trần Hưng Đạo của HQ tại công trường Mê Linh, bến Bạch Đằng.

Nói về tượng TQLC, họa sĩ Lương Trường Thọ (TTHL/TQLC) góp ý:

- “Tượng TQLC đặt trước quốc hội là một vị trí đẹp nhất của đô thành Saigon, chính vì vậy mà được nhiều người biết đến. Đầu tiên là Thiếu Tá Huỳnh Huyền Đỏ, thuộc bộ TTM làm phác thảo mẫu tượng với ba người lính TQLC. Th/tá Đỏ là điêu khắc gia xuất thân trường Mỹ Thuật Gia Định, khi đang thực hiện công trình này thì vì một lý do nào đó ông không thể tiếp tục được nữa nên giao công việc đang còn dang dở cho TQLC.

Vì phải hoàn thành đúng thời hạn để kỷ niệm ngày chấp chánh nên TQLC giao cho Thiếu Úy Đinh Văn Thuộc tiếp tục công việc với sự góp ý và hường dẫn của Họa Sĩ Lê Chánh (BTL/TQLC) và HS Lương Trường Thọ (TTHL/TQLC).

Thiếu úy Đinh Văn Thuộc là đại đội trưởng đại đội Công Vụ TQLC. Tuy không là họa sĩ hay điêu khắc gia mà chỉ là tay ngang, tay súng vậy mà ông cùng anh em đại đội Công Vụ đã nhận lãnh trách nhiệm do trên giao, họ làm việc liên tục 24/24 và anh em đã hoàn thành nhiệm vụ.

Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu đã tốn công tốn của và được phủ tồng thống yểm trợ tối đa nên mới hoàn thành được bức tượng “Tiếc Thương”, còn Thiếu Úy Đinh Văn Thuộc và anh em binh sĩ TQLC chỉ là tay ngang mà đắp được bức tượng đồ sộ như thế thì đáng khâm phục, không thể phê bình hay đòi hỏi gì hơn về nghệ thuật chuyên môn như của một điêu khắc gia được.

Nhưng bức tượng hai người lính TQLC lại là một bức tượng nổi tiếng, nhiều người biết đến do nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân đó có thể là do hướng súng đại liên, và nhất là trong ngày cuối cùng của VNCH, một vị anh hùng đã chọn chân tượng đài TQLC để tự sát, chết theo thành (phố).

Hai người lính TQLC ôm súng xung phong vào tòa nhà Quốc Hội?

Chi tiết này là nguyên do chính được nhiều người biết đến và cũng là lý do khiến bức tượng hai người lính này “vất vả” với các vị dân cử ngồi trong tòa nhà quyền lực cao nhất nước! Lính TQLC thật thì đang vất vả với súng đạn khói lửa, sống chết trong nháy mắt trên khắp chiến trường để bảo vệ chế độ. Khi họ đã hy sinh mạng sống, hồn thiêng về ngồi nghỉ bên bức tượng thì lại bị các vị dân cử trong Quốc Hội hỏi “giấy phép” và bắt đi chỗ khác chơi !

Tại sao? Vào thời điềm này thì các vị dân cử thường “mổ bò” thay vì bàn quốc sự, môt số dân cử trốn lính “trốn làm” quay sang đối lập với Nội Các Chiến Tranh nên tranh dành đủ thứ gây ra tình trạng hỗn loạn và rồi đổ thửa tại hai người lính TQLC hướng súng vào tòa nhà Quốc Hội khiến họ bị xúi quẩy!

Đồng thời một vị dân biểu bị ám sát chết (dân biểu Văn) nên một số vị dân cử càng tin “cuốc hội xui xẻo” vì cái họng súng đen ngòm kia! Dị đoan bói toán đã là một “yêu” điểm của các ông tai to mặt lon ở hậu phương nên các ông này chính thức lập phái đoàn để chất vấn TQLC về lý do tại sao lại cho lính ôm súng “xung phong vào quốc hội?”.

Thiếu Tá Lê Đình Bảo, Trưởng Phòng Chính Huấn BTL/TQLC nói:

- Một phái đoàn gồm nghị sĩ và dân biểu ( Th/Tá Bảo có nêu đích danh một số vị nhưng người viết xin miễn ghi, phí giấy) họp và thảo luận với BTL/TQLC về bức tượng với mục đích muốn dời tượng đi chỗ khác. Lý do là súng đại liên TQLC chĩa vào quốc hội? Nhưng một vị thuộc BTL xác định với phái đoàn như sau:

- “TQLC không hướng súng vào Quốc Hội mà là bảo vệ Quốc Hội, súng TQLC nhắm vào bên hông trái* QH, nơi có hang ổ của phản chiến và nội tuyến. Quý vị có thể ra tận nơi để xác định hướng súng. Hơn nữa, mỗi ngày có hằng trăm anh em chúng tôi hy sinh tại chiến trường trong khi ở hậu phương chỉ có một dân cử bị nạn mà quý vị đòi dẹp bỏ biểu tượng của TQLC chúng tôi!”

(* Xin mở dấu ngoặc ở đây để nói thêm về vị trí nhà hàng Givral và khách sạn Continental. Nếu chúng ta đứng dưới chân tượng TQLC nhìn về QH thì bên tay trái chúng ta, góc đường Lê Lợi và Tự Do là nhà hàng Givral, băng qua đường Tư Do là khách sạn Cotinental, cả hai nơi này là tụ điểm của những nhà báo và những tên tình báo thường xuyên lui tới để trao đồi tin tức, luận bàn tình hình chính trị và chiến trường thường có khuynh hướng bất lợi cho chế độ VNCH)

Thú thực khi được Th/tá TP/CH nhắc lại lời của cấp chỉ huy ngày trước, cách nay gần nửa thế kỷ, mà tôi cảm động đến nóng người, như trông thấy ông là “cây tùng trước bão”, trông thấy ông như bức tượng đồng trơ gan cùng “tuế nguyệt”. Tôi kính phục ông, kính phục ông, chỉ tiếc một điều là ông thiếu một cái nắm tay đập mạnh xuống mặt bàn, ngón tay chỉ ra cửa .. “get out”.

Rồi những con người “dị đoan” kia ra đứng dưới “chân” bức tượng để nhắm hướng và quả thực họ đã nhận thấy mũi súng của anh lính TQLC hướng thẳng vào ổ gián điệp, vào lũ phản chiến, một bọn luôn mong nền Đệ Nhị Cộng Hòa sụp đổ! Nhưng hai người lính TQLC vẫn sừng sững giữa thủ đô trong khi những người muốn đuổi họ đi chỗ khác thì đã cao bay xa chạy! Tụt quần mà chạy, bỏ lon bỏ chức mà chạy và họ đã cảm thấy an toàn hạnh phúc, thở phào nhẹ nhõm khi được chùm lên người một bộ áo giáp an toàn: “Thuốc DDT”, còn hai anh lính vẫn vững tay súng, họ chỉ sụp đổ sau khi chế độ đã bị giật sập!

Nhưng bức tượng hai anh lính TQLC không cô đơn, còn có một anh hùng khác cũng thác theo thành (phố) ngay bên cạnh các anh. Ông Phan Tấn Ngưu, THT Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia VN Hải Ngoại xác nhận:

“Người tự sát dưới chân tượng đài TQLC là Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Long, Ông là Chánh Sở Tư Pháp vùng I, mới vừa di tản về Saigòn. Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn long có biệt danh là .. “Long-Lý”.

Người ta gọi ông là Long-Lý, vì ông làm việc với phương châm “Pháp bất vị thân”. Thân sơ gì cũng không tha, một khi vi phạm luật pháp quốc Gia thì chỉ có nhẹ thì giam, nặng thì “trảm”. Dễ gì có được một “Bao Công” thời đại như ông, tôi xin kính cẩn cúi đầu lạy ông: Ông Long-Lý.

Hình tuẫn tiết của anh hùng Nguyễn Văn Long, trung tá Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà trong ngày 30-4-1975 dưới chân tượng đài Thủy Quân Lục Chiến đối diện trụ sở Hạ Nghị Viên VNCH.

Trở lại cây súng của hai anh linh TQLC, Tr/Tá Đoàn Trọng Cảo nói:

- Khi đặt bức tượng, các thẩm quyền TQLC cũng suy nghĩ nhiều lắm, không phải vì lý do phong thủy quỷ quái gì cả mà vì vấn đề tế nhị, không thể để hai cái mông hướng về các vị dân cử được, mà phải là hướng mặt về cơ quan quyền lực nhất nước. Nhưng phải xê dịch làm sao cho mũi súng chếch sang một bên, sang bên trái thì có ý nghĩa hơn. Continental là nơi bọn phá thối, bọn ăn cơm Quốc Gia thờ ma VC hay ngồi bàn chuyện “dại sự”, hãy hướng mũi súng về đó.

Chỉ huy là tiên liệu, cấp chỉ huy của chúng tôi đã tiên liệu và sự việc đã xảy ra đúng như dự đoán, các cấp chỉ huy của chúng tôi đã đi “bốt-đờ-sô” vào trong bụng mấy anh dân cử đối lập cuội nhưng phản chiến thực. Để kiểm chứng, tôi gọi cho cựu dân biểu Tô Đức H. đơn vị Lâm Đồng, hiện ở Alhambra:

- Ê H.. hồi đó có chuyện mấy tên dân cử đòi bứng tượng TQLC đi không?

- Có, nhưng họ bị hố, khi xem lại thì mới biết súng nhắm vào Continental.

Nội dung bức tượng hai người lính TQLC như vậy là tuyệt vời, đầy đủ ý nghĩa, nhưng hình thức thì .. với cái nhìn méo mó mắt trần của cá nhân tôi thì có một vài khuyết điểm, thí dụ như lòng cây súng đại liên ngắn quá. Còn cái mông của người lính thì ôi thôi.. đời lính hành quân chỉ nhá toàn cơm sấy với rau rừng, khô cá mối, thịnh soạn thì may ra có thêm thịt ba-lát ration C thì lấy gì tẩm bổ mà cái mông to thế! Nghe tôi phê bình nghệ thuật, mấy MX bên cạnh kê nhẹ một phát:

- “Anh không thích mông to nhưng nhiều người lại yêu nét duyên dáng ấy”

Thấy các tay súng này bắt đầu bàn ngang, bắn hoảng, hs Thọ vội giải thích:

- Một điêu khắc gia chính hiệu có khi ngồi hằng giờ chỉ để sửa lại một nét trên tác phẩm của họ, có khi sửa hôm nay, mai đục đi đắp lại, nghệ thuật mà, trong khi Th/Úy Thuộc và anh em thuộc Đ.Đ Công Vụ chỉ là tay ngang lại phải đắp tượng trong điều kiện “khắc nghiệt”, thời gian bị hạn chế, tự lo tìm vật liệu thì không có bất cứ một nhà điêu khắc nào làm hơn các anh được. Theo bản vẽ lúc đầu của điêu khắc gia Huỳnh Huyền Đỏ là ba người lính, nhưng khi toán Th/Uy Thuộc đắp thì chỉ có hai, có lẽ vì đắp lớn quá nên thiếu chỗ.

- Thực ra các với sự góp ý của họa sĩ Lê Chánh, các anh đắp cũng nghệ thuật lắm, nhưng vì toàn trọng lượng của bức tượng này quá nặng, phải dùng xe cần cẩu để đưa vào đúng vị trí, lại phải xê dịch nhiều lần theo ý của cấp trên sao cho hướng súng không “trực xạ” vào Quốc Hội, vì thế lòng súng bị cong và mông người lính bị nứt! Ngày khánh thành gần kề, không còn thời gian sửa chữa nên ông Thuộc cho cưa bớt phần cong lòng súng đi. Còn cái mông anh lính? Lại phải độn thêm, đắp thêm nhiều lớp đề che đi chỗ bị nứt và kết dính các bộ phận khác vào với nhau, đó cũng là một nghệ thuật.

Người viết lại tiểu sử bức tượng hai người lính TQLC trước tòa nhà QH/VNCH với sự góp ý khá chính xác của những nhân chứng sống, nhưng vẫn xin được xem như câu chuyện “bên lề” vì thiếu tài liệu chứng minh. Trong tương lai nếu có những góp ý khác tôi sẽ xin bổ sung sau, nhưng nếu ai chưa có tài liệu chính xác mà phản bác điều tôi ghi chép thì tôi xin miễn trả lời đúng sai.
Nhưng có một điều mà những ai có một tấm lòng của con người thì đều thấy sai, đó là hành động phá bỏ những tác phẩm nghệ thuật của bọn Taliban. Taliban chính hiệu lấy súng cà-nông bắn nát những bức tượng Phật, bọn taliban cu-mu-lít vixi thì !!! Bần tiện hơn, chúng đục đẽo bào gọt phá bỏ cả bảng tên kỷ niệm những nạn nhân hy sinh trên đường tìm tự do ở một hòn đảo hoang vu ngoài lãnh thổ VN thì chúng tha gì những hình ảnh của VNCH, dù là nghệ thuật.-Chuyện Về Bức Tượng TQLC ở Sài Gòn - Tô Văn Cấp

Tổng số lượt xem trang