Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Nhân đọc bên thắng cuộc (21) – Lên án và mạt sát là cái thúng, dữ kiện lịch sử là con voi!

Tác giả : Vũ Anh/Sống Magazine
Vài dòng về tác giả: Tên thật là Vũ Ánh, sinh năm 1941, còn có bút hiệu khác là Vũ Huy Thục. Trước năm 1975, từ 1964 phục vụ tại Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia đến sáng ngày 30-4-1975, với các chức vụ: phóng viên mặt trận 7 năm, rồi trưởng phòng Bình Luận, Chánh Sự Vụ Sở Thời sự Quốc tế và Quốc nội cho đến 10 giờ sáng 30-4-1975. Ngoài ra, tác giả còn cộng tác với các nhật báo Dân Ý, Báo Đen và Sóng Thần vào những năm chiến tranh.
Sau 30-4-1975, đi tù cải tạo dưới chế độ Cộng sản 13 năm, trong thời gian này bị nằm “chuồng cọp” mất 5 năm liên tiếp vì chống lại chế độ lao tù và ấn hành tờ Hợp Đoàn (báo chui trong trại giam). Được thả về gia đình với 5 năm quản chế, mưu sinh bằng lao động chân tay cho đến khi được định cư ở Mỹ theo diện HO năm 1992.
Sang Mỹ, tác giả trở lại nghề báo và truyền thông: Nhật báo Viễn Đông Kinh Tế Thời Báo (TTK), Nhật Báo Người Việt (TTK và Chủ Bút), cộng tác với nhật báo Việt Herald. Đồng sáng lập đài Văn Nghệ Truyền Thanh (VNTT), Việt Nam California Radio (VNCR) và làm việc ở đó 10 năm, cộng tác với Đài Truyền Hình SBTN, hiện cộng tác với Tuần báo Sống, trong vai trò Cố vấn Biên tập.
Lịch sử cận đại của cuộc chiến tranh Nam-Bắc Mỹ, Tổng Thống Abraham Lincoln khi chiến thắng Nam quân sau trận Gettysburg đã ra lệnh cho tướng Grant phải đứng ra để chào kính viên tướng Nam quân lên ngựa sau khi họ đã ký vào văn bản đầu hàng của Nam quân. Nhưng để hàn gắn, Tổng Thống Abraham Lincoln không phải ra lời xin lỗi Nam quân vì thực sự chiến thắng của Bắc Quân không phải là lỗi của ông. Nhưng hành động cấm tất cả binh lính dưới quyền Tổng Tư Lệnh Abraham Lincoln không được truy bức những cựu thù là một cách hàn gắn rất thông minh và văn minh khi bên chiến thắng chìa bàn tay ra trước” – Vũ Ánh.

- Lên án và mạt sát là cái thúng, dữ kiện lịch sử là con voi!

Vũ Ánh

Trong một quốc gia có tự do báo chí như ở Hoa Kỳ việc trình bày những quan điểm trái ngược nhau không có gì là tội vạ cả mà lại còn được khuyến khích, bởi vì từ những tường thuật hay những quan điểm trái ngược, người ta có thể dễ tìm ra sự thật.


Ðệ tứ quyền này ở Hoa Kỳ rất rộng rãi, nó không phải là văn bản pháp qui mà nó được qui định trong Hiến Pháp Hiệp Chủng Quốc và được tu chính bằng Ðệ Nhất Tu Chính Án.


Từ biến cố 30 tháng 4, 1975, điều may mắn nhất của người Việt di tản là thoát được khỏi Miền Nam vào lúc đất nước nghiêng ngửa, cái may mắn của người vượt biển là đến được ngưỡng cửa của bến bờ tự do, may mắn hơn nhiều so với những đồng cảnh không may mắn đành phải để nắm xương tàn ở biển đen mênh mông hay ở những khu rừng già trên đất Cambodia dưới thời Pol Pot, hoặc những người muốn ra đi mà không có vàng để mua chỗ trên những chiếc thuyền nhỏ, những người thuộc diện HO may mắn hơn những đồng đội của mình còn ở lại Việt Nam và nhất là may mắn hơn cả những người lính của mình phải gởi một phần thân thể tại chiến trường năm xưa nay phải sống lây lất tại một quê hương nơi mà chế độ vẫn còn giữ lòng kỳ thị và hận thù. Và may mắn thứ hai là cộng đồng Việt Nam tị nạn được sống trong vùng đất thực sự tự do trong đó có tự do ngôn luận, chìa khóa để xây dựng cộng đồng đoàn kết, lành mạnh biểu lộ được tín niệm “Tự Thắng Ðể Chỉ Huy” từng được nêu cao tại trường Võ Bị Ðà Lạt khi xưa.


“Tự thắng” dứt khoát không phải là khi thấy người ta đụng chạm đến sự thất bại của mình thì giãy nẩy lên, giận dữ xung thiên và phản ứng bằng cáo buộc, chụp mũ linh tinh.


Nói đến tự thắng, tôi nhớ lại một kỷ niệm thời còn bị lưu đày trong các trại cải tạo. Ở những trại này, bọn cán bộ trại giam thường chơi ác vào những ngày họ kỷ niệm chiến thắng 30 tháng 4. Những ngày ấy chúng tôi được nghỉ lao động, được cho ăn thêm cơm và cộng thêm với một miếng thịt heo nhỏ bằng ngón tay. Buổi tối, họ tập trung tất cả tù cải tạo ra sân trại để đoàn chiếu phim đến “phục vụ.” Họ chiếu những phim gì? Trước hết là bốn “món ăn chơi”: phim thời sự ghi lại hình ảnh của chiến dịch 55 ngày đêm đánh chiếm Miền Nam. Nhưng cuốn phim làm chúng tôi đau đớn nhất là cuốn phim thời sự mô tả “quân giải phóng” tiến vào Saigon, cảnh kéo sập cổng trước Dinh Ðộc Lập, cảnh họ hạ lá cờ VNCH xuống và kéo lá cờ Mặt Trận Giải Phóng lên tiền đình Dinh Ðộc Lập và khi phim quay cảnh tan hàng của những đơn vị quân đội VNCH: giầy xô, áo trận, nón sắt, huy hiệu, phù hiệu, ba lô, súng ống đủ loại, xe nhà binh, đạn dược vất la liệt trên đường, những quân nhân VNCH bị người thắng trận bắt buộc phải cởi hay tự ý cởi bỏ quân phục chỉ còn mặc chiếc quần đùi chạy vào nhà dân xin thường phục để tìm chỗ lánh thân... khiến nhiều anh em tù cải tạo nước mắt lưng tròng. Tôi cúi đầu vì không còn can đảm nhìn những hình ảnh mà đích thân tôi cũng như dân chúng Saigon đã nhìn thấy sáng 30 tháng 4, 1975. Những lần sau, cứ ngày 29 tháng 4 khi nghe có đoàn chiếu phim đến “phục vụ” trại là tôi cùng một vài anh em khác đồng suy nghĩ như tôi khai bệnh nằm trong phòng giam. Khi cán bộ đi kiểm tra, việc đầu tiên là họ cho khênh chúng tôi vào vào “chuồng cọp” nằm cùm để trừng phạt tội không ra xem phim.


Tôi nhớ một lần sau khi từ chuồng cọp được thả về với đội, các bạn tôi xỉ vả: “Mày việc đếch gì phải hành hạ cái thân xác như vậy. Tự thắng đi chứ, không tự thắng mình thì còn làm gì cho nên hồn, hả con. Mấy anh lớn (chỉ những người lãnh đạo VNCH) bây giờ an toàn ở nơi xa rồi, còn lại bọn mình gồm những thằng không bỏ chạy, không bỏ lính, bỏ nhân viên của mình nghĩa là chúng ta đã làm xong bổn phận rồi, mày còn tự hành hạ cái thân làm gì cho khổ.” Ðầu tiên tôi còn cự nự, nhưng sau trộm nghĩ bọn bạn tù của tôi có lý. Những thước phim mà những phóng viên mặt trận của bên thắng trận họ ghi hình đã trở thành dữ kiện họ không thể dựng lên vả lại cảnh đó tôi đã chứng kiến tận mắt sáng 30 tháng 4. Khi chúng trở thành dữ kiện lịch sử rồi không xóa bỏ được nữa thì tại sao lại không cắn răng nhận lấy cái vị cay đắng của sự thất bại? Không nhận lấy thất bại của mình thì ai nhận cho và làm sao học được bài học lịch sử có khi cần thiết cho “keo” khác. Mà muốn bày “keo” khác thì phải tỉnh táo, phải có tri thức, sự lão luyện và phải biết mở mắt ra nhìn xem đâu là thật, đâu là giả, đâu là đúng đâu, là sai trong quá khứ.


Khi bước trở lại ngành truyền thông và báo chí ở Little Saigon năm 1993, trong vài năm đầu, tôi vẫn bị ám ảnh bởi những sự thất bại đó và vẫn giữ thái độ của những con đà điểu vùi đầu vào cát. Thời gian qua, tôi thấy phần lớn những nhà lãnh đạo cộng đồng và những nhà lãnh đạo chống Cộng trong cộng đồng này ở xa mục tiêu quá. Tôi không biết có phải sợ bị bắt, bị tù đày khi về Việt Nam tranh đấu mà nhiều người chỉ thích chống Cộng ở hải ngoại hay không, nhưng tôi tin rằng không thực hiện được chiến lược trường kỳ mai phục thì không quật ngã được đối phương, thậm chí không thể làm đối phương thay đổi. Chưa thấm được nỗi nhục của việc để mất Miền Nam, chưa chấp nhận đói khổ tù đày và chỉ “hy sinh” tranh đấu ở hải ngoại cho an toàn hơn thì chưa thể chống Cộng bằng hành động được nếu không muốn nói chống Cộng mà chỉ đao to búa lớn ngoài miệng tại một đất nước như nước Mỹ thì quả thật khó lòng tạo được ảnh hưởng


Cũng vì chỉ muốn chống kẻ thù của mình từ một nơi an toàn xa lắc không tạo được ảnh hưởng, không tạo được nhãn hiệu nên cuối cùng họ phải tìm mục tiêu sát gần, và tốt nhất là tìm kẻ thù trong số những người đồng cảnh với mình trong cộng đồng này. Tôi nhớ lại một trường hợp điển hình vào giữa thập niên 90 khi tờ Thời Báo ở San Jose đăng tải nội dung cuộc phỏng vấn của phóng viên báo này với tổng lãnh sự Việt Nam lúc đó là Nguyễn Xuân Phong. Khi bài phỏng vấn được đăng tải dưới hình thức “Q & A” tức hỏi và đáp vì tờ Thời Báo cũng ý thức được sự nhạy cảm của cộng đồng, một trái bom dư luận đã bùng nổ. Thay vì cộng đồng ở San Jose lúc đó chú tâm vào nội dung cuộc phỏng vấn để biểu tình phản đối Nguyễn Xuân Phong thì họ lại chỉ chú trọng đến việc phản đối tờ báo đã thực hiện cuộc phỏng vấn đó. Ðối tượng chính là cán bộ ngoại giao Việt Cộng Nguyễn Xuân Phong vẫn an toàn bình chân như vại. Dĩ nhiên ở Mỹ, sự phản đối tờ Thời Báo của một số người chống Cộng là quyền của họ tại một nước tự do, nhưng trớ trêu thay chính cái quyền ấy lại được dùng để áp lực với một cơ quan truyền thông cũng được Ðệ Nhất Tu Chính Án Hiến Pháp bảo vệ. Mục tiêu chính là cách nhìn vấn đề của viên Tổng lãnh sự Việt Nam Cộng sản Nguyễn Xuân Phong chứ không phải là tờ Thời Báo. Tôi không ngạc nhiên về chuyện này, nhưng điều gây sửng sốt cho tôi là tại Bắc và Nam California có cả mấy chục tờ báo Việt ngữ, mà không tờ nào dám hó hé một lời bênh vực, ngoại trừ tờ Viễn Ðông Kinh Tế Thời Báo của Nguyễn Ðức Quang.


Nhưng cái giá mà tờ Viễn Ðông Kinh Tế Thời Báo phải trả là sau đó nó bị một số người chống Cộng chụp cho cái mũ cộng sản trong khi những người làm trong tòa soạn báo này đa số là những người từng trả cái giá ngục tù rất nặng dưới chế độ cộng sản. Dù người ta có cáo buộc ông Vũ Bình Nghi là chủ nhiệm tờ Thời Báo như thế nào đi nữa, thì tờ Thời Báo vẫn chỉ làm nhiệm vụ thông tin, không ai có thể ngồi trên Hiến Pháp để cản ngăn tờ báo không được tiếp xúc với nhân vật này hay nhân vật nọ của phía cộng sản.


Thời điểm vụ Linh Mục Nguyễn Văn Lý và Hòa Thượng Quảng Ðộ đang nổi, người nào mon men đến gần nơi hai nhà tu này là bị “chộp” ngay. Báo chí và truyền thông Việt ngữ ở hải ngoại lên tiếng hàng ngày để phản đối Hà Nội về những hành động đàn áp đó. Nhưng nếu ngồi bình tĩnh so sánh yếu tố “bị cấm” trong các vụ này, người ta có thể thấy ngay căn nhà Việt ở hải ngoại nói chung và ở Mỹ nói riêng cũng có rác đấy, rác “cấm” do một thiểu số người cực đoan mang vào.


Vụ tờ Thời Báo của ông Vũ Bình Nghi trở thành điển hình của một phong trào tiếp theo nhắm vào các cơ quan báo chí và truyền thông Việt ngữ, nào là không được dùng chữ Việt cộng, không được loan tải tin Việt cộng, không được đăng quảng cáo du lịch Việt Nam, không được dùng hình ảnh Việt Nam để minh họa cho nên mới có cảnh một vài tờ báo Việt ngữ ở quận Cam không những “chôm” nguyên con tin của các báo giấy xuất bản ở Việt Nam mà còn sửa lại những chữ dùng trong bài để tránh “phạm húy,” đại loại như như thành phố Hồ Chí Minh thì sửa lại là thành phố Saigon, hoặc Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh thì phải sửa là Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Saigon, Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh thì phải sửa là Bí thư thành ủy Saigon. Họ không hề để ý là việc làm này sẽ có một hậu quả ngược lại khiến người hiểu biết phải phì cười. Họ kháo nhau: “Thế hóa ra, trước 30 tháng 4, 1975 tức là trước ngày Saigon bị đổi tên đã có Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố, hay Bí thư thành Ủy Saigon ngồi chễm chệ ở Tòa Ðô Chính rồi hay sao?” Chưa hết, dư luận lại còn kể cho nhau nghe nhiều câu chuyện khôi hài đen, chẳng hạn như nhiều người thắc mắc: những phần tử lúc nào cũng ra miệng khuyến cáo báo chí truyền thông tránh “phạm húy” mà bỗng nhiên có chuyện quan hôn tang tế ở Việt Nam cần có mặt mình thì liệu ông ta, hay bà ta có yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam đừng đóng dấu hộ chiếu của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vào sổ thông hành của mình được không? Hoặc khi người thân ở Việt Nam của ông bà nào thường thích đặt ra những kỵ húy cho anh em làm báo chúng tôi viết thư yêu cầu họ gởi giấy tờ cần thiết về Việt Nam, ngoài bì thư ông hay bà sau khi đề địa chỉ người nhận, liệu hàng chữ thành phố Hồ Chí Minh có được thay bằng hàng chữ thành phố Saigon không? Ngày xưa Sài-côn bị đổi tên là Saigon, rồi sau thấy nó có vẻ Pháp quá nên mới biến thành Sài-gòn. Nhưng khi tên Saigon xuất hiện, một thời gian sau nó làm chết cái tên cũ luôn. Nhưng ngày nay, cái tên thành phố Hồ Chí Minh chỉ có trên giấy tờ khi đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền, nhưng người dân vẫn tiếp tục dùng cái tên Sài Gòn trong câu chuyện hàng ngày, trong văn chương dân gian. Nhưng dù có dùng tên cũ hay tên mới, thực chất của Việt Nam vẫn thế, người Việt Nam ở cả hai phía trong nước và hải ngoại không thể sửa lại theo ý mình những gì đã diễn ra trên đất nước Việt Nam từ thế kỷ 20 cho đến nay.


Cho nên, gần đây nhất, cuốn “Bên Thắng Cuộc” của Huy Ðức đã đụng chạm đến nhiều húy kỵ rất vô lý trong cộng đồng Việt Nam ở Mỹ và các nước khác, đồng thời đánh thẳng vào những cấm kỵ riêng của đảng Cộng sản. Húy kỵ của họ là gì, nếu không phải là những nhân vật chóp bu của đảng Cộng Sản Việt Nam không người nào còn thích làm đậm nét những hậu chấn của ngày 30 tháng 4, 1975 từ chính sách cải tạo, đánh tư sản mại bản, cải tổ công thương nghiệp tư doanh, chính sách bao cấp, cuộc chiến ở Cambodia cho đến vấn đề nội bộ đảng Cộng sản. Họ không muốn người ta so sánh thời kỳ ấy với thời kỳ hiện tại để kết luận rằng sự lụn bại, ì ạch hiện nay của Việt Nam là hậu quả của những chính sách hời hợt, kém thông minh và đầy thù hận sau khi người Cộng sản chiếm được Miền Nam. Nhất là, trong “Bên Thắng Cuộc,” Huy Ðức lại còn kê khai hết những gấu ó, ngược ngạo trong hậu trường chính trị của đảng. Ðó là lý do tại sao hiện nay tác giả “Bên Thắng Cuộc” bị nhà cầm quyền Cộng Sản và bị một số người chống Cộng tại hải ngoại đả kích, lên án gay gắt, giận dữ.


Tôi đặt ra vấn đề này không phải để biến nó thành một câu chuyện khôi hài đen khác mà đặt nó vào một khung cảnh nghiêm túc với một câu hỏi lớn: “Liệu những húy kỵ vặt vãnh này có che lấp được sự thất bại của chúng ta không hay có sửa lại được lịch sử đầy những dữ kiện thực còn bám theo chúng ta sang quê hương thứ hai này hay không và nếu chúng ta cứ luẩn quẩn trong những vặt vãnh này thì liệu nó có làm cho những người có năng lực tranh đấu và đang thực sự đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền Việt Nam thối chí hay không?”


Tôi không có tham vọng tìm được câu trả lời chung cho mọi người, nhưng cá nhân một nhà báo tự do ở một đất nước tự do, tôi hy vọng sẽ có những câu trả lời khác nhau, trả lời chứ không phải là lên án và mạt sát. Ngày nay, lên án và mạt sát trong mắt trận tâm lý chiến sẽ chỉ đưa người ta vào ngõ cụt. Chỉ có những ý kiến khác nhau và ôn hòa mới có thể tìm ra câu trả lời chung. Ngoài ra cũng không nên tìm cách phủ nhận lịch sử như người Cộng sản thường chủ trương. Phủ nhận, húy kỵ, bạo lực chính trị chỉ là cái thúng, mà dữ kiện lịch sử là những con voi mamouth. Tôi đan cử ra một điển hình cho thấy chấp nhận thất bại, gạt bỏ thù hận, cùng nhau đoàn kết với tấm lòng mở rộng sẽ mở cho chúng ta một con đường thênh thang để chúng ta làm những viên gạch lót đường cho những thế hệ kế tiếp viết lại những trang sử Việt Nam đã bị hoen ố. Nước Nhật đầu hàng đồng minh ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật hoàng Hirohito đã phải đọc một diễn văn đầu hàng với một câu kết cho tới nay vẫn còn là một khẩu hiệu âm thầm trong lòng mỗi thế hệ thanh niên Nhật Bản:


“...Một cách nghiêm ngặt nhất, hãy coi chừng mọi bùng nổ cảm xúc có thể làm cho tình thế phức tạp không cần thiết, hay mọi cuộc tranh cãi và xung đột giữa huynh đệ có thể tạo nên sự hiểu lầm, dẫn các bạn lạc lối và làm các bạn mất tin tưởng vào thế giới. Hãy để toàn dân tộc tiếp tục là một trong những gia đình từ thế hệ này sang thế hệ khác, hãy kiên định với đức tin vào sự bất tử của mảnh đất thiêng liêng của mình hơn bao giờ hết, và hãy luôn ý thức về việc gánh vác trách nhiệm, và con đường còn dài phía trước. Hãy đoàn kết toàn bộ sức mạnh của bạn để cống hiến cho việc xây dựng cho tương lai. Hãy vun trồng tính ngay thẳng, tinh thần thanh cao, và làm việc với sự quyết tâm để các bạn có thể nâng cao sự vinh quang lao tù này của Vương Quốc và theo kịp với sự tiến bộ của thế giới ”


Tuy hoàn cảnh có khác nhau về sự đầu hàng, về sự mất còn, nhưng ý nghĩa cuối cùng của một sự thất bại không phải là mất hết, không còn gì. Sự mất mát của người Miền Nam Việt Nam sau ngày đầu hàng to lớn lắm. Ngoại trừ những ai có được may mắn có cơ hội di tản sang Mỹ trước ngày 30 tháng 4, 1975, những người còn ở lại cả quân lẫn dân đành phải sống trong một nhà tù vĩ đại ở Việt Nam. Khi bị đẩy vào chốn lao tù chúng tôi bị chuyển trại nhiều lần, mỗi lần như thế, đoàn xe chở những tù cải tạo chân tay bị xiềng xích đôi khi phải đi qua những nơi có dân chúng. Nhìn thấy những người dân lam lũ quá, nhà cửa hàng chục năm không có phương tiện sửa chữa đã bắt đầu xiêu vẹo, những đứa trẻ không được đi học, tới đâu cũng chỉ thấy khẩu hiệu là khẩu hiệu. Dân nhìn thấy tù cải tạo, họ vẫn còn thương nên ném quà bánh cho chúng tôi. Vừa xúc động nước mắt lưng tròng, vừa ân hận là đã mình không bảo vệ được họ, đã không bảo vệ được mảnh đất mà mọi người Miền Nam Việt Nam đang sinh sống. Ðói khát và bị hành hạ lâu ngày, những thứ quà bánh đó từ củ khoai cho đến những chiếc bánh mì, bánh tét mà dân buôn gánh bán bưng dồn hết cho chúng tôi, có khi vốn liếng gánh hàng là cả một tài sản của gia đình họ, thì những tấm lòng này quả là những bát cơm Xiếu Mẫu. Mất mát của họ to lớn như thế nhưng họ vẫn còn đủ lòng nhân ái và tỉnh táo thì tại sao, giữa những người tị nạn với nhau lại được sống trong cảnh không còn đói khổ như xưa trong một đất nước tự do lồng lộng như thế này mà tấm lòng vẫn hẹp đến nỗi phải hò hét lăng mạ lẫn nhau chỉ vì quan điểm chính trị, quan điểm về mặt trận tư tưởng khác nhau thì quả là một điều thử thách bất thường. Nếu nói tất cả thì mang tội vơ đũa cả nắm và bất công thành thử phải công bằng mà nói rằng thành phần dựa vào lập trường vớ vẩn của mình để bắt nạt những người đồng cảnh mất quê hương chỉ là con số rất nhỏ cuồng nộ và lười suy nghĩ. Chúng ta, những công dân của một đất nước của tự do và trọng pháp như Hoa Kỳ đã từng phải trả cái giá lớn lao của tù đày dưới chế độ Cộng sản thì lẽ nào lại cam tâm để cho nhóm người cuồng nộ và mù quáng cắm bảng chỉ đường chống Cộng cho chúng ta?


Nói cho cùng người Việt miền Nam Việt Nam mất quê hương đã từng chấp nhận những cay đắng, nhục nhã. Ðó là những viên thuốc đắng nhưng giã tật. Nó có tác dụng đánh thức mọi người vất đi những ly nước đường mà những kẻ bịp bợm lừa lọc đưa ra, để tự mình trỗi dậy, để đủ tỉnh táo nhận mặt lẽ phải, sự công chính, bạn, thù. Mất đất không phải là mất tất cả. Ở Hoa Kỳ, người Việt chúng ta còn có đầy đủ những cơ hội để vun trồng tính ngay thẳng, tinh thần thanh cao, và làm việc với sự quyết tâm để chúng ta cùng nhau nâng cao sự vinh quang của tự do, để khẳng định chính chúng ta, những con người của tự do và có khả năng tranh đấu cho tự do cho dân tộc Việt Nam chứ không phải chỉ quanh quẩn chống báng lẫn nhau. (VA)


- BS.Trần Văn Tích: Trả lời một câu hỏi của ông Vũ Ánh  (Việt thức). January 24, 2013
Trong bài viết Vài suy nghĩ về Bên Thắng Cuộc của Huy Đức, ông Vũ Ánh viết:
“Làm sao có ai trả lời được câu hỏi nếu như Miền Nam là bên thắng cuộc thì liệu sự trả thù có diễn ra với bên thua cuộc là miền Bắc hay không?“1
Tôi nghĩ là tôi trả lời được câu hỏi của ông Vũ Ánh qua nhận thức, phán đoán và suy lý không phải một cách chủ quan, theo tình cảm, mà một cách khách quan, theo khoa học. Vì không muốn thân bài quá dài nên tôi xin kèm theo một số chú thích.
Tư duy khoa học chặt chẽ, hợp lý tiến hành theo một quy trình chính xác dựa vào một hệ thống quy tắc khiến cho những nhận xét và suy luận không tự mâu thuẫn. Trong khoa học thực nghiệm, đặc biệt trong khoa học ứng dụng – chẳng hạn trong y khoa – giả thuyết xây dựng trên cơ sở nhận xét và được thực nghiệm kiểm chứng (ví dụ thử nghiệm tác dụng của thuốc trên động vật rồi kiểm chứng trên người tình nguyện). Trong khoa học xã hội – như triết học, sử học, văn học, luật học, kinh tế học, chính trị học, ngôn ngữ học v.v..– là khoa học nghiên cứu những quy luật hình thành, hoạt động và phát triển của xã hội và của con người, nghiên cứu các quan hệ giữa con người với nhau – ví dụ giữa người cộng sản và người quốc gia – đóng vai trò kiểm chứng là kinh nghiệm, là lịch sử. Kinh nghiệm sống của miền Nam, lịch sử văn hoá của nó cung cấp dồi dào những dữ kiện thuộc hiện thực để trả lời rất thoả đáng câu hỏi được ông Vũ Ánh nêu ra.
Chế độ Việt Nam Cộng Hoà là một chế độ thân Tây phương.
Những người góp phần xây dựng, củng cố, bảo vệ nó– trong số có kẻ viết bài này – đều chịu ảnh hưởng các nền văn minh Âu Mỹ không nhiều thì ít. Cho nên có thể khẳng định là nếu Miền Nam chiến thắng trong cuộc chiến ý thức hệ thì chính sách đối xử với tù hàng binh đối phương không thể nào tàn ngược như chính sách của chế độ cộng sản, lại càng không thể tàn ngược đến mức gọi là “trả thù“ (động từông Vũ Ánh dùng). Chỉ có hai chế độ đạt được tiêu chuẩn phi nhân đối với các cộng đồng mình không ưa là chế độ quốc xã và chế độ cộng sản. Chế độ cộng sản còn hơn chế độ quốc xã ở tính cách mọi rợ đểu cáng.
Văn hoá Miền Nam là một nền văn hoá có căn bản nhân bản. Chủnghĩa nhân bản tin vào con người, hướng con người đến mục đích mưu cầu hạnh phúc vật chất và tinh thần mà không xúc phạm nhân phẩm. Từ trào lưu sơ khởi với những Rabelais (Gargantua, Pantagruel), Du Bellay (Défense et illustration de la langue française), Montaigne (Essais) cho đến thế kỷ XX, humanisme đãthường xuyên phải chiến đấu với những hiện tượng hoặc những hệ thống phủ nhận cá nhân và giá trị con người của cá nhân; từ chống chiến tranh tàn sát nhân loại bằng kỹ thuật hiện đại đến chống độc tài quốc xã, chống đảng trị cộng sản vì chúng hủy diệt nhân tính. Hãy đọc Nineteen Eighty Four của George Orwell.
Chủ nghĩa nhân bản đó thấm đẫm nền văn hoá Miền Nam quốc gia, con người Miền Nam quốc gia hô hấp bầu khí quyển chân lý đạo đức do nó cung cấp, suy nghĩ hành động theo tưduy lý luận của nó. Khác hẳn và ngược hẳn với chủnghĩa cộng sản của Miền Bắc trước 1975.
Việt Nam Cộng Hoà tuy là một xã hội có nhiều khuyết điểm nhưng vẫn là một xã hội chủ yếu xây dựng trên tinh thần nhân bản. Bởi thế tự thân cơ cấu nó có những đối lực, đối trọng; môi trường nội thể nó có những máy hãm, chất cản. Để khiến cho nó chẳng thểnào có những trại giam tàn bạo hơn trại tập trung cải tạo cộng sản. Những đối lực, đối trọng, những máy hãm, chất cản, trong trường hợp chúng ta đang bàn, là dư luận báo chí quốc nội và quốc ngoại, là thành phần đối lập và chống báng. Nếu Miền Nam mà đày đọa người cộng sản thất trận như người cộng sản đã đày đọa người Miền Nam thất trận – chỉ như thôi, đừng nói hơn – là các ông Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan với các tờ báo Đối diện, Đứng dậy; các bà Kiều Mộng Thu, Ngô Bá Thành, ni sư Huỳnh Liên, ông nhà văn Vũ Hạnh, bà nhà văn Minh Quân; các tổ chức“tranh đấu đòi cải thiện chế độ lao tù“, các phe nhóm “phản đối chế độ chuồng cọp“ và hàng hàng lớp lớp những thành phần phóng viên, ký giả Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Úc, Phi, Nhật cùng với những trí thức chuyên gia “tiến bộ“ à la Erich Wulff, à la André Menras alias Hồ Cương Quyết2v.v..và v.v..sẽ nhao nhao lên tố cáo, biểu tình, xuống đường, tuần hành, đốt xe hơi, đánh cảnh sát, hô khẩu hiệu, nằm vạ trước thềm Quốc hội, chiếm đóng trụ sở Đại học, lại v.v..và v.v.. Miền Nam từ bản chất không thể nào làm được như ông Vũ Ánh vò đầu suy nghĩ.
Miền Namđã từng chiêu hồi hàng trăm ngàn người cộng sản. Trong khi đó thì chính con gái Staline đã rời bỏ chế độNga Xô-viết. Không có nhà thơ nào ở Miền Nam đề cao chủ nghĩa tàn sát đồng bào như Tố Hữu, như Xuân Diệu. Không có nhà văn nào hoan nghênh căm thù và sát nhân nhưChế Lan Viên : “Chính vì thương yêu mà người cộng sản phải căm thù. Chính vì muốn cho ngày mai sẽ đến một xã hội không còn kẻ giết người, mà hôm nay ta phải tiêu diệt chúng nó.3
Trong khi đó nhà thơ Cao Tần chủ trương:
Nếu mai mốt bỗng đổi đời phen nữaÔng anh hùng, ông cứu được quê hươngÔng sẽ mở ra nghìn lò cải tạoLùa cả nước vào học tập yêu thương.
Cách mạng vô sản khác với cách mạng tư sản, theo học thuyết cộng sản. Một trong những sự khác biệt đó là: cách mạng tư sản thường kết thúc bằng việc nắm chính quyền nhưng đối với cách mạng vô sản thì nắm chính quyền chỉ là bước đầu của cách mạng, vì chính quyền mới sẽ được sử dụng làm đòn bẩy để cải tạo nền kinh tế cũ và tổ chức nền kinh tế mới. Thực tếlịch sử chứng minh rằng thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa, thực hiện chuyên chính vô sản là thực hiện những sự cải tạo về kinh tế, xã hội và chính trị tại các nước được mệnh danh là dân chủ nhân dân, từchâu Âu qua châu Á, từ châu Phi qua châu Mỹ. Về mặt sinh học, đường lối câu thúc thân thể những phần tử thù nghịch đối kháng để làm công việc gọi là cải tạo họ dựa chủ yếu vào các học thuyết, chủ trương của những tác giả Nga hay Liên Xô cũ Timiriazev, Lyssenko, Setchenov, Pavlov; qua đó người dân được cải tạo hàng loạt trong nhà tù lớn xã hội chủ nghĩa. “Toàn bộ lịch sử chủ nghĩa cộng sản mang dấu ấn những tập thể xã hội hay chủng tộc bị tàn sát hay xua đuổi có hệ thống không phải vì những gì họ từng làm, mà vì những gì họ vốn là.“ Jean-Francois Revel nhận xét như vậy trong cuốn sách liên quan đến tác phẩm Hắc thư về chủ nghĩa cộng sản.Những “tập thể xã hội hay chủng tộc“ được Jean-Francois Revel đề cập thì ở Việt Nam sau tháng tư 1975 không hề thiếu: ngụy quân, ngụy quyền, văn nghệ sĩ, nạn kiều người Hoa, giới tư sản và tưsản mại bản.4
Trong lý luận, ý kiến cho rằng miền Nam mà thắng thì sẽ đối xử với Miền Bắc cũng tồi tệ như Miền Bắc từng đối xử với Miền Nam sau 1975, thậm chí có thể còn tồi tệ hơn, là một định đề. Từ định đề đó, tôi xin tiếp tục chứng minh qua hoàn cảnh lịch sử của nước Đức. Ai cũng biết rằng Tây Đức đã thắng Đông Đức, tưbản đã thắng cộng sản, tự do đã thắng độc tài. Không hề có trại tập trung học tập cải tạo. Điều này cả thế giới đều thấy và đang thấy. Các Ủy viên Trung ương Bộ Chính Trị đảng cộng sản Đức một sốphải ra toà, nhưng chỉ bị lãnh án tương xứng với tội trạng; và họ đã được xử theo luật pháp của chính nước Cộng hoà Dân chủ Đức (Đông Đức)! Egon Krenz, Tổng Bí thư cuối cùng, chỉ lãnh án mấy năm rồi được Thị trưởng Berlin Klaus Wowereit ân xá. Erich Mielke, viên tướng không mặt chỉ huy cơ quan tình báo mật vụ Đông Đức Stasi, chết già trong một viện dưỡng lão5. Sĩ quan không phải đảng viên cộng sản thuộc quân đội nhân dân được thu nhận vào quân đội liên bang. Thời gian phục vụ trong bộ máy công quyền cũ đương nhiênđược tính vào thâm niên hưởng hưu bổng của công nhân viên chức về hưu sau ngày thống nhất. Vợ của thủlãnh Đông Đức cuối cùng, bà Margaret Honecker, đang ung dung sống ở Chile với lương hưu bổng được chính quyền chuyển cho đều đặn hàng tháng. Bả còn kiện cáo chính quyền Angela Merkel vì cho rằng hưu bổng của mình khôngđúng tiêu chuẩn!
Thử dùng một tiên đề làm xuất phát điểm cho hệ thống lý luận ai thắng ai, nhiều người Đức đã đưa ra chuyện giả định rằng nếu Đông Đức chiếm được Tây Đức thì chuyện gì sẽ xẩy ra? Tờ nhật báo Bild, có số độc giả rất lớn, đã mời gọi độc giả góp ý về chủ đề liên hệ và người viết bài này cũng đã mượn chính hoàn cảnh bản thân và quê hương để gửi thư cho tờ báo đăng tải vào mục ý kiến độc giả.
Trong trường hợp này, Honecker đã có sẵn tư tưởng Marx-Engels-Lénine-Staline-Mao Trạch Đông, chỉ việc mang ra áp dụng cho đám quân công cán chính Tây Đức.
Có thể có người bảo Đức thống nhất trong hoà bình còn Miền Nam bị Miền Bắc chiếm đóng sau một cuộc chiến. Muốn trảlời, có thể vẫn dùng lịch sử hiện đại Đức đểchứng minh. Khi thế chiến thứ hai chấm dứt, nước Đức bị quân đồng minh Anh Mỹ Pháp và Liên Xô chiếm cứ.Trên vùng lãnh thổ do Anh Mỹ Pháp quản trị, các viên chức cao cấp và sĩ quan Đức bị tập trung vào những trại câu lưu. Người Đức dùng chữ Internierung để chỉ biện pháp này.Trung bình họ bị giữ ba, bốn tháng. Họ bị an trí như vậy nhằm làm thủ tục thanh lọc để tìm kiếm các tội phạm chiến tranh. Có người bị chở sang Anh, sang Pháp. Không nghe người nào bị đưa sang Mỹ. Sau đó, họ trở lạiđời sống dân sự, kiếm việc làm tự mưu sinh. Có người lập nghiệp luôn ở Anh, ở Pháp. Cấp tướng bị giữ lâu hơn nhưng cũng chỉ một hai năm. Viên tướng chỉ huy căn cứ quân sự Penemüde ở Bắc Đức, nơi từng bắn hàng loạt hoả tiễn sang Luân đôn, đã được cấp nhập cảnh sang Hoa Kỳ năm 1948. Cựu Tổng thống Richard von Weizsäcker của Đức từng là sĩ quan cấp uý trong binh chủng SS Schutzstaffel, đơn vị bảo vệ của chế độ phát xít, và nhà văn được giải Nobel văn chương Günter Grass cũng vậy!
Trong khi đó những người Đức do quân đội Nga Xô viết bắt giữ bị đối xử khác hẳn. Họ bị đưa về giam giữ trên đất Nga, bặt tin tức gia đình, không biết đến ngày về. Họphải lao động khổ sai để cải tạo. Họ bị đánh đập hành hạ, họ bị bỏ đói trong tuyết. Kẻ thắng trận tiếp tục xem họ là kẻ thù với tất cả ý nghĩa kinh hoàng của chữ đó. Khi Thủ tướng Adenauer lên cầm quyền, ông tích cực can thiệp cho họ, năm lần bảy lượtđích thân sang Mạc tư khoa năn nỉ thỉnh cầu chính quyền Nga Xô cho họ trở về nguyên quán. Tốn không biết bao nhiêu công của, cuối cùng rồi chế độ cộng sản cũng cho người tù hàng binh Đức qui hương. Nhưng thay vì cho họ về Tây Đức thì một số lại bị giao cho nhà cầm quyền Đông Đức, với lập luận người Đức thì vềnước Đức, Đông Đức chẳng phải cũng là Đức hay sao? Cộng sản thì ở đâu và bao giờ cũng mọi rợ đểu cáng như vậy!
Thật ra phía đồng minh cũng có chương trình “cải tạo“ dành cho người Đức. Chương trình này chủ yếu được ủy thác cho bộ Tham mưu quân đội Anh nghiên cứu thi hành trên toàn lãnh thổ Tây Đức, gọi là re-education.Nhưng nó không có “lên lớp“, không có “thu hoạch“. Nó chỉ có sách vở, báo chí, phim ảnh, phát thanh v.v..
Như vậy, và dẫu rằng người Anh, người Pháp, người Mỹ không hề là đồng bào đồng hương với người Đức, nhưng bởi vì chủ nghĩa nhân bản nhân đạo vốn là căn bản của nền văn minh văn hoá phương Tây – mà, như đã trình bày, Việt Nam Cộng Hoà chịu ảnh hưởng sâu đậm– nên người Đức phía Tây đã được đối xử như là những con người bại trận; trong khi người dân Đông Đức bị chủ nghĩa cộng sản Nga xem như một loài vật hạ đẳng.
Hiện đang có một số đảng viên Đảng Tả, Die Linke (hậu thân của đảng cộng sản ĐôngĐức cũ) trong quốc hội liên bang và trong hội đồng đại biểu một số tiểu bang của nước Đức thống nhất. Thủ đô Berlin hiện đang do một liên minh hồng-đỏ giữa SPD (khuynh hướng thiên tả) và Die Linke (cộng sản/thiên cộng) cai trị. Sahra Wagenknecht bảo rằng Stalin là người tốt. Gesine Lötzsch gửi thiệp chúc mừng sinh nhật Fidel Castro. Cả hai hiện đang là nữ dân biểu liên bang thuộc khối cộng sản/thân cộng. Về cơ bản vốn theo chủnghĩa nhân bản nên nước Đức thống nhất hiện có một Tổng thống và một Thủ tướng đều xuất thân từ nửa nước Đức cộng sản cũ. Không thể nào có tình huống tương tự xảy ra, nếu Đông Đức chiến thắng Tây Đức.Đó là chân lý lịch sử.
Tôi có cảm giác dường như tác giả Vũ Ánh chưa quán triệt được chân lý lịch sử này. Thật hết sức đáng tiếc.
1. Tôi ghi câu văn này của tác giả Vũ Ánh căn cứ vào tài liệu đọc được trên internet do ông Lê Tấn Lộc phổ biến tiếp theo bài của ông Bùi Anh Trinh nhan đề Nghĩ về Bên thua cuộc.
2. Erich Wulff là giáo sư Tâm thần học người Đức từng giảng dạy tại Đại học Y khoa Huế thuộc thành phần thân cộng. André Menras là một người Pháp. Theo các tin tức loan tải trên internet thì đương sự được Hồ Chí Minh đặt cho tên Việt là Hồ Cương Quyết (?!?!). Menras thuộc thành phần phản chiến, từng treo cờ Việt cộng tại tượng đài Thủy quân lục chiến trước trụ sở Quốc hội Việt Nam Cộng hoà.
3.  Chế Lan Viên.- Nghĩ cạnh dòng thơ. Nhà Xuất bản Văn Học. Hà nội. 1981. tr. 90.
4. Horst Moller (Hrsg).- Der rote Holocaust und die Deutschen. Die Debatte um das “Schwarzbuch des Kommunismus“ (Lò hoả thiêu đỏ và người Đức. Cuộc tranh luận xung quanh cuốn sách “Hắc thư về chủ nghĩa cộng sản“). Piper Verlag. München/Zürich. 1999. tr. 249.
5. Trong y khoa, sinh viên Miền Nam năm thứ hai khi học về Pavlov chỉ được học về phản xạ có điều kiện; trong khi đó, sách Sinh lý học Miền Bắc trình bày dông dài về học thuyết Pavlov, nhấn mạnh đến những “định hình động hình thần kinh” nhằm lý giải và biện hộ cho chủ trương học tập cải tạo với mục đích xây dựng những con người mới xã hội chủ nghĩa. Lyssenko không được giới khoa học Miền Nam biết đến, trong khi Miền Bắc, theo Nga Xô-viết, nhiệt liệt đề cao học thuyết Mitchourin-Lyssenko; học thuyết này phủ nhận vai trò của gen, xemgen là duy tâm. Chính nhà khoa học vĩ đại của Miền Bắc, Giáo sư Bác sĩ Tôn Thất Tùng, cũng từng trồng ngô theo học thuyết Lyssenko. Tất nhiên ông không thu hoạch được ngô và cũng chẳng hái bẻ được bắp! Sinh lý học, di truyền học, nông học đều hùa nhau tích cực phục vụ cho chính trị. (Tôn Thất Tùng.- Đường vào khoa học của tôi. Nhà Xuất bản Thanh niên. Hà nội. 1978. tr. 60). Nguyên văn : “Tôi cũng thử trồng ngô theo lý luận Lit-xanh-cô: tôi gieo rất dầy, nhưng ngô lớn lên có bắp rất nhỏ, và hạt rất thưa.“
6. Egon Krenz bị Toà án Tỉểu bang Berlin kết án ngày 25.08.1997 vì tội hình liên quan tới những vụ tàn sát người dân vô tội trốn chạy thiên đường xã hội chủ nghĩa. Nhưng đương sự không chịu thi hành bản án và nộp đơn kháng án lên Tối cao Pháp viện Liên Bang Đức, rồi lên Tối cao Pháp viện Bảo hiến CHLB Đức rồi lên Pháp viện Nhân quyền Âu châu. Cả ba pháp đình cao cấp này đều xác nhận án lệnh của Toà Berlin với luận điệu chính hiến pháp Đông Đức long trọng thừa nhận sự bảo vệ sinh mệnh công dân, cho nên các biện pháp an toàn biên giới giữa hai nước Đức ngày trước đương nhiên phải tuân thủ điều luật cơ bản này. Trong khi đó thì những lãnh tụ Đông Đức trong số có Egon Krenz đã cùng cộng tác vào sự thực hiện một đường lối phòng thủ vi phạm trắng trợn luật pháp Đông Đức. Trong suốt thời gian ở tù, Egon Krenz được hưởng qui chế offener Vollzug (tù mở) vì Krenz xin được việc làm tại một hãng xưởng chế tạo y cụ chỉnh hình. Theo qui chế này, Krenz ngày ngày trở về ngôi biệt thự của mình tại vùng Berlin-Pankow để làm việc cho chủ tư bản và lĩnh lương hàng tháng 4000 Đức Mã. Tuy nhiên vì có lương cố định hằng tháng nên Krenz phải trả tiền phòng giam cá nhân mỗi tháng 199,75 Đức Mã. Báo chí Đức trào lộng bảo rằng Krenz phải…thuê xà lim để ở tù.
Erich Mielke chết âm thầm cô đơn ngày 22.05.2000 trong một viện chăm sóc người già ở Berlin-Hellersdorf, hưởng thọ 92 tuổi.
BS.Trần Văn Tích

Sản phẩm của lòng hận thù mù quáng !
Sổ Tay
Vũ Ánh

Tôi quay trở lại nghề nghiệp cũ kể từ ngày định cư ở Hoa Kỳ đã 19 năm ở một địa phương mà người ta gọi là cái nôi của người tị nạn. Cái tên ai khéo chọn và thật là hay.
Nó gợi lại cho những người Việt Nam thất tán sang đất Mỹ này có thể tạm coi đây là một mảnh của Saigon mà họ cố gắng mang theo kể từ ngày đặt bước chân bàng hoàng của mình xuống thành phố nhỏ này. Ðến nay 38 năm sắp qua sự phát triển của Little Saigon là niềm hãnh diện không những cho những cư dân gốc Việt sinh sống tại quận Cam mà còn cho tất cả những cư dân gốc Việt khác sống tập trung thành những cộng đồng nhỏ hơn trên toàn liên bang Hoa Kỳ.
Những ai đã phải bỏ quê hương nơi chôn nhau cắt rún của mình để nhận một nước khác làm quê hương thứ hai tất không thể chấp nhận chế độ Cộng sản. Nhưng trong nhiều trường hợp họ phải tạm gạt bỏ thù hận để lo toan cho một đời sống mới cũng đầy những khó khăn. Chế độ Cộng sản đã tồn tại tại Miền Bắc Việt Nam nhiều thập niên và kể từ ngày 30 tháng 4, 1975, họ vẫn còn hiện diện cho đến nay, ước mơ của người Việt Nam ở trong nước rằng trong một tương lai gần, những người lãnh đạo ở Việt Nam sẽ quay lưng lại với những chính sách hà khắc do họ đặt ra từ bao năm nay giống như ông Thein Sein đã mở một trang sử mới cho đất nước Miến Ðiện, ngày một xa vời, trong khi hiểm họa Trung Quốc ngày càng cận kề. Xem ra niềm tin của một số người Việt Nam ở hải ngoại theo đó sẽ có một “Ðông Âu tại Việt Nam” cũng đã bắt đầu nhạt nhòa. Tình hình này rõ ràng không phải là tảng sơn mầu hồng cho bức tranh “Ðông Âu Tại Việt Nam” và mặc nhiên đã đẩy một số nhà hoạt động chống Cộng thiếu kiên nhẫn vào tình trạng bối rối. Họ có vẻ không bằng lòng với sự chuyển đổi mục tiêu “đấu tranh vì một đất nước Việt Nam tự do, dân chủ và nhân quyền phải được tôn trọng.” Lý do rất dễ hiểu: con đường tranh đấu này đòi hỏi thời gian lâu dài và sự đoàn kết của cả người Việt Nam ở hải ngoại lẫn người Việt Nam ở trong nước.
Hiện tại, tôi chưa thấy có nhiều bằng chứng đại đa số những người Việt Nam ở trong nước chịu chấp nhận những bất ổn và đảo lộn trong đời sống của họ như người dân Ba Lan đã biểu lộ ở hải cảng Gdansk hồi thập niên 80s. Nhưng kể từ lúc ông Lech Walesa chủ tịch Công Ðoàn Ðoàn Kết Ba Lan khởi sự chiến lược trường kỳ mai phục cho đến khi sự kiện Gdansk xảy ra với gần một triệu người biểu tình đổ xuống đường trong một thành phố nhỏ khiến cho lực lượng quân đội và công an được sử dụng để đàn áp đã phải quay về với nhân dân, thời gian nung nấu ý chí người dân Ba Lan không phải chỉ ngày một ngày hai. Walesa phải là người bản lãnh, tài ba và nhẫn nại mới có thể khiến chiến lược trường kỳ mai phục dẫn đến hậu quả là chế độ Cộng sản Ba Lan bị cáo chung. Những ai đã có dịp nói chuyện với những nhân chứng của sự kiện Gdansk, đã từng có dịp lục tìm trong một núi những tài liệu và nhất là tác phẩm tuyệt vời của Norman Davies, một nhà báo người Anh viết về lịch sử và cuộc cách mạng lật đổ chế độ Cộng sản Ba Lan tất sẽ tìm thấy một khẩu hiệu hay nói cho đúng hơn một hiệu lệnh cho thời trường kỳ mai phục như sau: “...Trong khi chờ đợi ngày khởi nghĩa, mọi người dân Ba Lan phải nỗ lực phục vụ tốt quyền lợi của đất nước Ba Lan, lẽ phải và nhân phẩm của người Ba Lan...”
Quay lại các cộng đồng người Mỹ gốc Việt và đặc biệt là ở Little Saigon được gọi là thủ đô của người Việt tị nạn, người ta có thể thấy gì? Trở lại nghề cũ là làm báo và làm truyền thông ở quận Cam liên tiếp suốt trong 19 năm qua tạo cho tôi một cơ hội chuyện trò với nhiều người Việt tị nạn thuộc đủ mọi tầng lớp. Tôi hiểu thế nào là dư luận thầm lặng ở đây và suy nghĩ của họ ra sao. Một trong những lời than phiền của họ là như thế này: “Một cộng đồng của người Việt tị nạn ở đây tức là cộng đồng của hầu hết những người yêu tự do nhưng lạ một điều là tại sao không đoàn kết được, không có được những cuộc tranh luận nghiêm túc, không có được một sách lược chống Cộng chung hữu hiệu, thuần lý và những người lãnh đạo chỉ làm một công việc là tuyên xưng lập trường chống Cộng của mình và đi tìm kẻ thù trong số những đồng cảnh với mình chỉ vì họ không thích, ghét những việc gây chia rẽ, bất ổn chính trị trong cộng đồng hoặc vì họ không có suy nghĩ giống mình, thậm chí chỉ biết bới móc lý lịch và đời tư của người ta....”
Nếu cần phải kê khai đến những sự kiện không được lòng dân của một vài tổ chức hay ủy ban có tiêu đề chống Cộng và tay sai thì phải dùng đến một danh sách cũng không phải ngắn. Nhưng theo tôi, điều này cũng không cần thiết nữa vì đã là chuyện cũ và người Mỹ gốc Việt trong cộng đồng này cũng đã biết nhiều. Cho nên, tôi không hề ngạc nhiên về thái độ chống đối của một số người đối với cuốn “Bên Thắng Cuộc” của Huy Ðức và tôi cũng đã từng nói với tác giả là khi nó được ấn hành anh sẽ phải đi dưới hai lằn đạn. Và quả thật điều này đã xảy ra. Những phản ứng mạnh mẽ nhất của một số người trong cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ dựa trên lý lịch, dùng những từ ngữ quá đáng để mô tả diện mạo của tác giả và sau đó là lên án bằng những luận cứ bất di bất dịch từ ba mươi mấy năm qua nghe đã đầy tai rồi kết luận là không nên đọc, thậm chí lại có người dùng những nhóm từ “bưng bô cho Cộng sản” để nhục mạ một số cơ quan truyền thông Việt ngữ quốc tế chỉ vì họ có tiếng nói độc lập, không giống những suy nghĩ của mình. Trong một đất nước tự do như Hoa Kỳ, quyền tranh luận được bảo vệ bởi Hiến Pháp cho nên việc ủng hộ hay chống một tác phẩm trí tuệ là điều không ai có thể ngăn được. Quyền này đã rộng thênh thang thì hà cớ gì mà phải cuồng nộ, giận dữ và dùng những từ ngữ không thích hợp cho những cuộc đấu tranh trong mặt trận tư tưởng và văn hóa vốn rất cần thuyết phục dư luận quần chúng? Cho nên điều làm tôi ngạc nhiên lại là trong cuộc biểu tình ngày 19 tháng 1, 2013 trước trụ sở nhật báo Người Việt để chống cuốn “Bên Thắng Cuộc” vì kể cả những người trong ban tổ chức lẫn người tham dự đều nói là họ chưa đọc cuốn sách nhưng vẫn chống! Chỉ cần điều này cũng đã đủ cho thấy chính họ không thuyết phục được họ rồi, nói chi đến thuyết phục những người khác. Sự kiện này quả là một điều đáng buồn. Trong các cuộc tranh đấu, hành động này được mô tả là sản phẩm tồi của lòng hận thù mù quáng thường dẫn đến những thất bại. Trong cuộc chiến tranh trước 30 tháng 4, 1975, điều đáng sợ nhất là những người chỉ huy dẫn quân vào mục tiêu mà không hề biết mục tiêu đó như thế nào, cũng như ngày nay chống Cộng mà không biết tại sao chúng ta chống!
Nhưng nói cho cùng những phản ứng của những người chống đối cuốn “Bên Thắng Cuộc” chỉ là đòn gió so với những đòn thật của chính quyền Cộng sản tại Việt Nam. Tôi xin trích một đoạn trong bài Mật Mã “Bên Thắng Cuộc” của Nguyễn Khánh Hưng trình bày ý kiến về chuyện này:
“Thế nhưng những hình thức chống Bên Thắng Cuộc của các nhân vật của Sài Gòn Nhỏ chỉ là chuyện nhỏ so với một chiến dịch bài bản, thiện nghệ, và đầy uy lực của chính quyền cộng sản trong nước. Ðầu tiên là tờ báo Pháp Luật Tp HCM với lượng xuất bản gần 100 ngàn tờ mỗi tuần lên án Bên Thắng Cuộc là một cái nhìn thiên kiến về lịch sử, phủ nhận công lao của đảng Cộng sản và ca ngợi kẻ thù của dân tộc! Tiếp theo, cơ quan ngôn luận của thành ủy Tp HCM, báo Sài Gòn Giải Phóng đăng hai bài kết án tác giả Bên Thắng Cuộc phản bội lợi ích của đất nước, theo đuôi đế quốc Mỹ và tay sai... Rồi, của lực lượng công an Việt Nam, tờ báo có lượng phát hành cao nhất nước với hơn 500 ngàn bản mỗi số đã tung ra loạt bài đấu tố tác giả Bên Thắng Cuộc thuộc hàng ‘phản động’ bán rẻ tổ quốc và đồng đội... Tuổi Trẻ và hàng loạt các tờ báo mạng của hệ thống báo chí do đảng Cộng sản quản lý đã và đang tiếp tục đánh Bên Thắng Cuộc và tác giả của nó theo chiều hướng qui vào những vi phạm luật pháp của nhà nước mà kết luận chính thức đang phôi thai bởi nhận định của Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa Thông Tin Ðỗ Quý Doãn rằng sẽ xem xét cuốn sách này dưới gốc độ của nghị định 97, tức cuốn sách nầy (bị) xem như là sản phẩm văn hóa tuyên truyền chống đối chế độ, một vi phạm hình sự đối với pháp luật Việt Nam, mở đường cho khả năng có thể truy tố tác giả của nó về tội phản quốc!”
Làm sao có thể giải thích lý do tại sao mà một cuốn sách như “Bên Thắng Cuộc” không mang tính tung hô bất cứ bên nào trong cuộc chiến tranh Quốc Cộng vừa qua mà chỉ là ghi nhận những sự kiện lịch sử không thể chối bỏ, lại có thể bị tấn công bởi cả bên thua cuộc lẫn bên thắng cuộc? Không những thế nội dung cuốn sách chỉ là những biên niên thời sự sau ngày 30 tháng 4, 1975 cộng thêm với phần chú thích và những chuyện hậu trường chính trị của bên thắng cuộc mà dư luận trong lẫn ngoài nước chưa hề biết hay có biết thì cũng rất sơ sài. Ðiều quan trọng nhất là phương thức làm việc của tác giả: Huy Ðức đã giảm thiểu đến mức tối đa ý kiến của mình vào những sự kiện và dành quyền cho độc giả phân tích để tìm kết luận riêng cho mình.
Cá nhân, tôi cho rằng kể từ khi xuất hiện cộng đồng người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ đã có một sản phẩm tuyên truyền sau khi phải bỏ nước ra đi trong biến cố 30 tháng 4, 1975: phải cảnh giác vì Cộng sản trà trộn vào người tị nạn để đánh phá. Cái khung này trở thành những bức tường bê tông bảo vệ những cá nhân và tổ chức cực đoan và từ đó sinh ra chuyện lạm dụng, tưởng mình có quyền lực đến cái mức lạc hậu là tìm mọi cách để áp lực và kiểm duyệt suy nghĩ và hành động của người đồng cảnh. Không rõ ai là tác giả của sản phẩm này, nhưng sự hoang tưởng ấy ngày nay lại phát sinh ra hiện tượng một số nhà hoạt động chính trị quan niệm rằng cứ đem chụp mũ Cộng sản cho những người mình không thích, những tờ báo mình không ưa hay nâng quan điểm bảo họ là tay sai đánh phá cộng đồng, không cho ai biện minh thì mọi chuyện sẽ yên ổn. Và quả thật, những phần tử mù quáng cứ dán cái nhãn chống Cộng vào ngực áo để đàn áp cộng đồng đã yên trí với niềm tin đó trong nhiều năm, nhưng thực tế họ đang bị đẩy vào những bế tắc, không lối thoát.
Lẽ đời là “già néo đứt dây.” Một số nhà quan sát trong cộng đồng tin rằng vụ “Bên Thắng Cuộc” và vụ “27,000 tiền cứu trợ bão Sandy” đang là những ngọn gió có khả năng làm sập bức tường che chắn cho những sản phẩm chống Cộng đầy khuyết điểm, không những không hữu hiệu mà lại còn làm hại đến uy tín của cộng đồng. Hiện nay, nhà cầm quyền Việt Nam ngoài chiến dịch đàn áp những bloggers “lề trái,” kiểm soát chặt chẽ hơn các bloggers “lề phải,” đã nâng quan điểm để cấm lưu hành một đĩa DVD của trung tâm băng nhạc ASIA “32 năm nhìn lại” kỷ niệm ngày thành lập trung tâm trước ngày phát hành, đã mở chiến dịch tấn công Huy Ðức rộng khắp và nặng nề. Nhưng động thái vừa kể của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam chẳng qua chỉ là động thái của những kẻ sợ ma nên đi đêm phải huýt gió mà thôi. Cho nên, nếu những nhà hoạt động trong cộng đồng này không cẩn trọng trong suy nghĩ và hành động của mình sẽ rất dễ bị đồng hóa với hành động ủng hộ những việc làm chà đạp vào quyền tự do tư tưởng và nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam Cộng sản.(VA)





- Một nhà báo dấn thân – Huy Đức sẽ không đơn độc (Lương Kháu Lão). Chủ blog là một cựu tổng biên tập một tờ báo trong nước.
- Trần Bình Nam: Đọc “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức (ĐCV). - Cám ơn “Bên thắng cuộc” (DLB).
- Tưởng Năng Tiến: Bên Thắng/Bên Thua & Những Bức Tường Lòng (RFA’s blog).
- Lê Diễn Đức: Đảng Cộng Sản Việt Nam: Bên Thua Cuộc (Sống Magazine).
- Không “hố sâu thực sự” (DĐCN).


Trong trại tù A-20 Xuân Phước, tôi bị nhốt chung với những thành phần bị nhà cầm quyền tiếp quản gọi là tư sản mại bản người Hoa có tầm cỡ như Lý Sen, Lưu Trung, Trương Dĩ Nhiên. Trước đó, khi còn bị tập trung ở trại Z-30C Hàm Tân, tôi cũng lại có sống gần một bạn đồng tù mà anh em chúng tôi thường gọi đùa là ông “rùa vàng”, tức cựu thượng nghị sĩ VNCH Hoàng Kim Quy, một thượng nghị sĩ thân chính phủ, nổi tiếng vì hai chuyện: mỗi lần ông Nguyễn Văn Thiệu gặp khủng hoảng chính trị thì phủ Tổng Thống lại lôi ông cùng với những thượng nghị sĩ thân chính phủ khác lên đài truyền thanh và truyền hình để ông nói vài lời bênh vực, thứ đến ông có một người con trai khét tiếng vung tiền trong những chốn ăn chơi tại Saigon.Bấy lâu nay, báo chí hay sách báo Việt ngữ tại quận Cam ít đề cập gì đến một sự kiện từng làm náo loạn đời sống của toàn bộ dân chúng Miền Nam Việt Nam là chiến dịch X-2 đánh tư sản mại bản, gian thương và cải tạo công thương nghiệp tư doanh. Phần lớn những bài báo hay những cuốn hồi ký chỉ chú trọng tới chuyện tù cải tạo và vượt biển. Khi tìm nguyên nhân khiến chính quyền VNCH thất bại, phần đông các tác giả chỉ có một lập luận: Miền Nam Việt Nam là một vùng đất tự do, dân chủ, quân đội VNCH là một quân đội hùng mạnh, thiện chiến, đánh đâu thắng đó nhưng cuối cùng VNCH thua trận vì bị Mỹ bỏ rơi, Dương Văn Minh lên nắm quyền có một ngày rưỡi và “dâng” Miền Nam Việt Nam cho Cộng Sản nên chúng ta mất phần đất từ vĩ tuyến 17 trở vào. Thật là giản dị và mọi người đều ngủ yên trên những lập luận này trong nhiều thập niên sau chiến tranh.
Nhưng nếu người ta chịu khó tìm tòi ở trong cái kho tài liệu chiến tranh Việt Nam ở Lubbock (Texas), Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, những tài liệu đã được công khai hóa của Văn Khố Quốc Gia Hoa Kỳ hay những cuốn băng và hàng chục ngàn trang tài liệu mật đã được bạch hóa, cuốn hồi ký tương đối đứng đắn nhan đề “Can trường trong chiến bại” (của Đô Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại), “Tháng Ba Gãy Súng” (Cao Xuân Huy), “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” (Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng), các tài liệu mật của Ngũ Giác Đài (The Pentagon Papers của Beacon Press-Boston) một công trình tổng hợp những tài liệu thật về những quyết định của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, từng giúp giải thích lý do tại sao mà Hoa Kỳ quay lưng lại với đồng minh VNCH một cách cạn tầu ráo máng như vậy vào năm 1975... thì hiển nhiên, chúng ta sẽ có được những chứng cơ hậu thuẫn cho suy nghĩ riêng của mỗi người, tránh được những định kiến và dễ dãi với chính mình là đổ tất cả cho Mỹ.
Nay có một tập hợp những tài liệu, các cuộc phỏng vấn và gặp gỡ nói chuyện với các nhân chứng của hai miền Nam Bắc lại xuất hiện ngay tại cái nôi của người tị nạn đề cập đến những biến chuyển tại Việt Nam, chủ yếu nhắm vào củng cố quyền lực của người Cộng Sản sau khi họ thắng trận. Theo cách nhìn của riêng tôi, thắng cuộc hay thắng trận chẳng có gì khác nhau cả. Nó cũng giống như một trận võ đài, một bên giơ cánh tay chiến thắng và một bên nằm lăn ra trên “ring” trọng tài đếm đến 10, vẫn không sao ngồi dậy được. Tôi cũng chỉ là một cá nhân rất nhỏ bé trong số những người thua trận và cũng rất muốn nói theo giọng điệu phủi tay, vuốt đuôi cho qua chuyện đồng thời cũng là phương thức tốt nhất để tránh bị mặc áo đội nón Cộng sản vốn bày bán đầy rẫy ở quận Cam nói riêng và trong những cộng đồng người Việt khác ở hải ngoại nói chung. Nhưng ở đời, lực bất tòng tâm, nhiều khi muốn mà không được vì mình đã lỡ theo đuổi cái nghề cầm bút, một nghề vốn bạc bẽo nhưng nó như ma túy, bập vào rồi khó bỏ được. Vì thế, khi đã đọc “Bên Thắng Cuộc”, tôi vẫn phải trình bày những suy nghĩ riêng của mình, suy nghĩ của một người đọc chứ không phải là một người làm tuyên truyền.
Thật sự, khi nói đến những người gọi là tư sản mại bản gốc Hoa như Huy Đức đã đề cập trong “Bên Thắng Cuộc”, tôi cũng thú thật là không biết họ giầu như thế nào, có giầu bằng những đại gia hiện tại ở Việt Nam như Bầu Kiên hay Đặng Thị Hoàng Yến hoặc Cường “đô la”... không, nhưng tôi nghĩ rằng dùng chữ đại gia đối với các nhân vật gốc Hoa như Lý Sen, Lưu Trung, Trương Dĩ Nhiên, Lý Long Thân, Trần Thành là điều không ngoa. Cái trại A-20 mà tôi bị giam là một trại khắt khe hàng đầu của Việt Nam. Thành phần giam ở đây gồm các cựu sĩ quan và cựu công chức trung và cao cấp VNCH từng tham dự các vụ nổi loạn ở những trại khác, cùng với các tù chính trị mang án rất nặng, thấp nhất là 10 năm cao nhất là chung thân và tử hình. Vào thời điểm của năm 1980, Lý Sen, Lưu Trung và Trương Dĩ Nhiên với mức án từ 20 năm tới chung thân đã bị đưa về trại nhốt chung với các anh em tù chính trị có án. Cùng bị kết án nặng như Lý Sen, Lưu Trung và Trương Dĩ Nhiên nhưng vào lúc bị đưa ra tòa, cựu thượng nghị sĩ Hoàng Kim Quy đồng thời là chủ nhân của một đại công ty xuất nhập cảng đã ở tuổi 80 nên được chuyển thành án tập trung sau khi đã tịch thu trọn bộ gia sản khổng lồ của ông và vì thế bị đưa vào trại Hàm Tân Z-30C chung với các anh em “án cao su” tức tập trung cải tạo.
Trước hết, tôi nói về cựu thượng nghị sĩ Hoàng Kim Quy khi bị giam trong trại Z-30C là trại lao cải đầu tiên mà tôi bị lưu đầy sau 2 năm nằm biệt giam tại các trại B-5 Tân Hiệp Biên Hòa và Chí Hòa, để nhà cầm quyền điều tra về quá trình hoạt động trong ngành truyền thanh của chính phủ VNCH. Trong suốt thời kỳ trai trẻ, tôi chỉ làm phóng viên mặt trận, sau đó bị động viên vào quân đội và trở về lại để làm công việc chuyên môn của mình tại Hệ Thống Truyền Thành Quốc Gia, nhưng cũng chính vì thế mà tôi đã bị đưa vào biệt giam để trả lời câu hỏi của những thẩm vấn viên công an Cộng sản: “Anh có biết anh nợ máu với nhân dân như thế nào không?”. Tôi nhắc lại chi tiết này vì nó cần thiết khi đề cập đến câu chuyện của nhà tư sản mại bản Việt Nam Hoàng Kim Quy.
Ở trại Z-30C, tôi ở khác đội lao cải với ông Quy nhưng ở cùng láng tức buồng giam, nằm cách ông có vài chiếu. Vị cựu thượng nghị sĩ này lúc đó đã quá già và yếu vì bệnh hoạn nên được cho đi nhặt rác loanh quanh trong trại. Là một trong những viên chức lãnh đạo của chính quyền VNCH và là chủ nhân một công ty lớn, giầu nứt đố đổ vách trước 30-4-1975, nhưng khi bị đưa ra trại lao cải, cựu thượng nghị sĩ Hoàng Kim Quy rất hiếm khi được thăm nuôi. Ông sống rất cô đơn giữa các cựu sĩ quan và công chức bị đi tù cải tạo và luôn luôn trong tình trạng hốt hoảng và sợ hãi. Có một lần tôi hỏi ông: “Bác thừa phương tiện sao không di tản để ra nông nỗi này?” thì ông nói: “Ấy cũng chi vì tiếc của. Chúng (chính quyền Cộng Sản) lấy sạch sành sanh của tôi rồi ông ơi, tôi dại quá”.
Ngẫm nghĩ ra thì ông Quy dại thật. Bao nhiêu người kể cả những viên chức lãnh đạo cốt cán của chế độ Cộng Hòa như Tổng Thống, Thủ Tướng, Tổng Trưởng, các tướng lãnh kể cả Tổng Tham Mưu Trưởng đa phần đều bỏ của chạy lấy người, còn cựu thượng nghị sĩ Hoàng Kim Qui tuy chức có to, có giầu nhưng làm sao giầu bằng họ được, ấy vậy mà còn tiếc của thì quả đúng là dại rồi. Anh em chúng tôi ở Z-30C đều ái ngại cho hoàn cảnh của ông, nhưng chúng tôi không hề phục những con người này và vẫn coi ông là một trong những người chỉ biết làm giầu nhờ dựa vào ô dù của quyền lực cũ. Bởi vì làm giầu bằng cách dựa hơi nhà cầm quyền để được độc quyền hay ưu quyền hơn người khác đã không những không vinh hạnh gì cho những người quốc gia chống Cộng mà còn làm nhụt chí những người lính ngoài tiền tuyến.
Vì thế, với tư cách một người đọc sách, tôi cho rằng những trích dẫn của Huy Đức về thượng nghị sỹ Hoàng Kim Quy rất cần thiết dù rằng những nhân vật mà anh dẫn lời có thể làm cho tôi hay những người khác khó chịu. Chẳng hạn như đoạn thuật lại lời của Ủy Viên Công Tố Nguyễn Hoàn khi Tòa Án Nhân Dân Đặc Biệt đưa ra công khai xét xử cựu thượng nghị sĩ VNCH Hoàng Kim Quy. Ông ta luận tội cựu thượng nghị sĩ VNCH này như sau, xin trích:
“Bức thư Hoàng Kim Quy gởi cho Tổng Trưởng Ngoại Giao Ngụy thúc giục chính quyền vay của Ả Rập Xê Út (Saudi Arabia) để mớm hơi cho chiến tranh Việt Nam Hóa của Mỹ đang phá sản và trả dài hạn bằng cách cho đầu tư khai thác dầu mỏ ở thềm lục địa Việt Nam. Hoàng Kim Quy đã suy nghĩ và hành động như một tên xâm lược Mỹ với ý thức chống Cộng sâu sắc, cam tâm bán đứng cả Miền Nam để duy trì chế độ thối nát của Ngụy quyền...”.
Tuy nhiên, lời lẽ của ông Hoàn mà Huy Đức dẫn trong “Bên Thắng Cuộc” mới chỉ đúng một phần, đó là lá thư của thượng nghị sĩ Hoàng Kim Quy viết cho Tổng Trưởng Ngoại Giao VNCH lúc đó là luật sư Vương Văn Bắc, trước khi ông mở chuyến du hành dài ngày ở Trung Đông và Phi châu để yêu cầu Saudi Arabia cứu nguy, vì Tổng Thống Thiệu đã nhìn thấy Mỹ sẽ quay lưng với VNCH. Luật sư Bắc là nhà ngoại giao đầu tiên năng động nhận ra việc không thể chỉ trông cậy vào Mỹ và ông đã hăng hái mở rộng mối liên lạc với Saudi Arabia, Israel và một vài nước Phi châu, nhưng tiếc rằng sự xoay chuyển này quá trễ.
Đối chiếu với tình hình thực tế mà dân chúng Việt Nam phải trải qua khi Mỹ thực hiện sách lược Việt Nam Hóa chiến tranh thì lời của ông Nguyễn Hoàn quả có đúng phần nào nhưng bảo rằng thượng nghị sĩ Hoàng Kim Quy có “ý thức chống Cộng sâu sắc, cam tâm bán đứng cả Miền Nam Việt Nam” là cái thói quen cường điệu của những người Cộng Sản có nhiệm vụ làm cung từ. Tôi nghĩ rằng đây chỉ là cách nâng quan điểm mà anh em chúng tôi cũng từng phải trải qua trong các trại tù Cộng Sản, chẳng hạn như đói quá tù nhân nhổ trộm một cây cải thì bị cáo “phá hoại kinh tế xã hội chủ nghĩa”. Thực tế, những tư sản gộc tại VNCH không chống Cộng, họ chỉ lo bảo vệ túi tiền của họ. Nay người Cộng sản chiếm được Miền Nam muốn lấy hết tài sản của họ thì nâng quan điểm như thế cho “oai”, ra cái điều ta đây “bắt được những tay tổ chống Cộng” chứ thực tình mà nói đợi mấy ông tư sản gộc ấy chống Cộng thì chúng ta mất Miền Nam từ lâu rồi chứ không phải đến ngày 30-4-1975 mới mất!
Ngẫu nhiên, những trích dẫn về các tư sản mại bản gốc Hoa như Lý Sen, Lưu Trung và Trương Dĩ Nhiên trong tác phẩm “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức diễn ra hơn 30 năm sau ngày tôi gặp lại các nhân vật này trong cùng một trại tù, đó là trại A-20 Xuân Phước một trại được xếp vào hàng khắt khe nhất trên toàn Việt Nam. Khắt khe là khắt khe với chúng tôi, những tù cải tạo từng tham dự vào những cuộc nổi loạn trong các trại khác bị đưa vào trừng phạt ở đây, chứ nó vẫn không thể khắt khe với những đại gia gốc Hoa nói trên. Chúng tôi bị cho ăn đói, làm việc nặng, ốm không có thuốc, có những lúc phải ăn cả cỏ kiểng, củ chuối, gia đình bị cấm thăm gặp. Nhưng mấy đại gia gốc Hoa này cũng phải sống trong trại trừng giới như chúng tôi nhưng vẫn no đủ như khi ở ngoài xã hội. Trước 30-4-1975, họ mua các quan chức VNCH để độc quyền nhập cảng những hàng hóa và nhu yếu phẩm chiến lược, tự do làm giá, thao túng thị trường, đầu cơ tích trữ, buôn lậu trốn thuế. Kết quả là trong khi những người lính của chúng ta đổ máu ngoài tiền tuyến để bảo vệ Miền Nam Việt Nam thì tại hậu phương gia đình họ méo mặt vì nạn khan hiếm giả tạo để tăng giá hàng của bọn gian thương và tư sản mại bản gốc Hoa. Nhưng khi vào tù với án nặng và gia sản bị tịch thu, họ vẫn là những đại gia, nhờ còn giấu được của nên có tiền mua từ trại trưởng lên đến Cục Trại Giam Miền Nam. Năm 1982, những đại gia gốc Hoa này khăn gói ra khỏi trại dù trên vai họ là những cái án từ 20 năm đến chung thân. Ít lâu, tin nhắn vào trại: các đại gia Lý Sen, Lưu Trung và Trương Dĩ Nhiên “bị” tống xuất sang Hồng Kong sau khi thành thật khai báo gia sản còn giấu hay tẩu tán được.
Thái độ của chúng tôi lúc đó nhìn các ông tư sản mại bản gốc Hoa này như thế nào? Phần lớn các anh em đều tỏ ra vô cảm với những người bạn tù bất đắc dĩ này. Tuy nhiên, một số người cũng có cảm tình với các tù cải tạo tư sản mại bản gốc Hoa nói trên và dễ dãi cho rằng “dù sao họ cũng là phe ta”. Riêng tôi và một vài anh em mà tôi quen biết trong trại thì không bao giờ coi những đại gia này là những người đồng cảnh. Ngược lại chúng tôi coi họ là những người đồng lõa với các quan chức VNCH tham nhũng và góp phần vào sự sụp đổ của Miền Nam Việt Nam. Các bạn tù vốn là lính của tôi vì luôn luôn phải sống ngoài tiền tuyến, không có thời giờ nào để ý đến hậu phương. Họ không hề biết rằng đám tư sản mại bản gốc Hoa ở Chợ Lớn nói trên từng đâm vào lưng họ những vết dao sâu hoắm. Trong khi họ chiến đấu ngoài tiền tuyến, đổ máu để mong giữ gìn mảnh đất Miền Nam, thì tại hậu phương bố mẹ vợ con họ khốn khổ vì giá gạo, đường, xăng, sữa, bột ngọt... tăng lên vùn vụt và ba Tầu Chợ Lớn tha hồ đầu cơ tích trữ và làm giá. Ấy vậy mà các nhà cầm quyền VNCH chẳng làm gì họ được.
Ông Ngô Đình Diệm mới đầu cũng hung hăng mang một ông tư sản gốc Hoa được gọi là Huyện Thung (vua heo) ra bắn và ra lệnh cấm người Hoa làm 17 nghề, nhưng chỉ thời gian ngắn sau là đâu lại vào đấy và cuối cùng chính ông và người em là Ngô Đình Nhu lại phải nhờ đến sự bảo bọc của đại gia Mã Tuyên. Tướng Nguyễn Cao Kỳ khi mới lên làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương đã hô hoán “nhất quyết diệt gian thương Chợ Lớn” và ông lập tức đem Tạ Vinh ra pháp trường cát. (Tạ Vinh được mệnh danh là Vua Lúa Gạo, nhưng ở trong trại A-20 có lần Lưu Trung nói với tôi Tạ Vinh chỉ là tài phú chứ chẳng phải là vua hay quan gì trong các vụ đầu cơ tích trữ lúa gạo). Nhưng rồi sau đó, Quận 5, dưới thời ông Kỳ, trở thành vương quốc của các đại gia làm ăn kiểu mafia như ở New York.
Dưới chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, các đại gia ở Chợ Lớn gần như nắm toàn bộ nền kinh tế miền Nam Việt Nam. Tình hình này tương tự như ở Jakarta, Indonesia vào thập niên 60, phải đợi đến khi dân chúng bực tức nổi loạn, họ mới lấy lại được các giềng mối kinh tế về cho người Indonesia. Nhưng tại Việt Nam, những người Cộng sản lại chính là những người làm công việc phá cái mạng lưới mafia của hệ thống tư sản mại bản gốc Hoa ở Chợ Lớn để rồi mấy chục năm sau chính họ lại hình thành một lớp “đại gia đỏ” mới mà những người nổi tiếng nhất trong giới này là Bầu Kiên và Đặng Thị Hoàng Yến, Cường “đô la”. Đây hẳn cũng là một trong những oái oăm của lịch sử, nhưng là một thực tế không thể phủ nhận. Điểm đặc biệt cần nhấn mạnh ở đây là ngay dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, tệ nạn tư sản mại bản (lúc đó báo chí và chính phủ VNCH gọi thành phần này là gian thương) được báo chí đề cập hàng ngày và đưa ra khá nhiều lời kêu gọi “đã đến lúc đuổi gian thương ba Tầu ra khỏi nước, đưa họ về Hoa lục để họ tiếp tục làm gian thương”. Nhưng chính quyền VNCH, từ đệ Nhất đến đệ Nhị, đã không hề đem thêm một đại gia gốc Hoa nào khác ra tòa hay đem họ ra pháp trường.
Với tác phẩm “Bên Thắng Cuộc”, Huy Đức cũng đưa ra một phần hình ảnh của những vụ đánh tư sản mại bản bằng cách trích dẫn các nguồn của nhà cầm quyền Cộng sản, đối chiếu với những cuộc phỏng vấn nhân chứng. Trong khi một số người phản đối tác giả, chỉ biết giản dị đưa ra những lý do: Huy Đức là Việt Cộng và 9/10 nguồn viện dẫn là nguồn từ báo Cộng sản.
Đúng như vậy, Huy Đức là người Cộng Sản, nhưng Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Trần Khuê, Trần Độ, Tiêu Giao Bảo Cự, Hà Sĩ Phu, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diện, Dương Thu Hương, Trần Khải Thanh Thủy... có phải là người Cộng Sản không, mà một thời những người vỗ ngực là chống cộng vẫn coi những lời tuyên bố chống chính quyền Cộng Sản của họ là những khuôn vàng thước ngọ,c và người ta tự hỏi liệu ngay trong tổ chức 8406 có người Cộng sản không? Tại sao không ai phản đối lý lịch của những nhân vật vừa kể mà lại chỉ giận dữ với người mà họ gọi là “Việt cộng con Huy Đức”? Liệu trong những người phải bỏ nước chạy sang đây như chúng ta, có bà con hay thân nhân thuộc thế hệ thứ 2 nay đã trở thành những “Việt cộng con” không?
Ở thế hệ của Huy Đức, không trích dẫn nguồn từ chế độ mới đối với vụ đánh tư sản mại bản thì trích nguồn từ đâu trong khi tác giả chủ yếu viết về bên thắng cuộc chứ không phải viết về bên thua cuộc? Còn biết bao nhiêu điều mâu thuẫn khác diễn ra trong cộng đồng này từ lâu nay: Báo chí và truyền thông Việt ngữ ở Mỹ trích dẫn hay dùng những tin ở trong nước thậm chí trong nhiều trường hợp để nguyên văn, trong khi sách báo, băng đĩa sản xuất từ trong nước bày bán đầy rẫy ở ngay trung tâm Little Saigon, người Việt tị nạn ở đây vẫn có những phương tiện xem đài VTV-4 của nhà cầm quyền Việt Nam nhưng có người Việt tị nạn nào bỏ không xem hay không nghe truyền thông Việt ngữ hải ngoại đâu?
Mà có gì khiến những nhà hoạt động ở đây lo ngại đến thế? Ngày nay, nếu người Việt ở Mỹ có những chống đối nhà cầm quyền Việt Nam trong nước thì đó cũng chỉ là mặt trận tư tưởng, một loại mặt trận không bao giờ có giới tuyến rõ rệt. Biểu tình, viết biểu ngữ, hô khẩu hiệu, cấm đoán, tẩy chay sẽ không tạo ra ảnh hưởng quan trọng nào trong mặt trận tư tưởng nếu như những hoạt động này không thuyết phục được công chúng. Ngược lại nó chỉ làm cho người thật lòng chống Cộng chán ngán những hành động vô lối, trẻ con và nhỏ nhen của một vài nhà hoạt động chính trị mà cộng đồng đã nhẵn mặt.
Người dân Little Saigon bắt đầu đặt vấn đề: Nếu chúng ta có chính nghĩa và đoàn kết thì việc gì mà sợ hãi đối phương đến mức nhìn đâu cũng thấy Việt cộng? Thời gian tôi bị cùm tại “chồng cọp” ở trại tù A-20 Xuân Phước, người bạn tù chung hoàn cảnh với tôi ở chuồng cọp bên cạnh là linh mục Nguyễn Luân, một linh mục mới 36 tuổi bị suyễn rất nặng. Sáng nào mỗi khi viên sĩ quan công an trực trại vào mở cửa chuồng để điểm số, ngài cũng hỏi: “Tôi là tu sĩ, các anh có gì phải sợ đến nỗi nhốt tôi lâu đến như vậy”. Do lời nói của linh mục Nguyễn Luân chạm vào cái nọc của người Cộng Sản nên viên sĩ quan công an này ra lệnh không cấp thuốc suyễn cho linh mục Luân nữa, cho đến khi ngài chết vì một cơn suyễn làm ngài nghẹt thở. Cho nên, cuồng nộ và giận dữ chỉ biểu lộ được phản ứng sợ hãi chứ không thể che giấu được sự thật hay nói lên được sự thật.
Khi tác giả Huy Đức trích dẫn những diễn tiến của những vụ đánh tư sản mại bản trong “Bên Thắng Cuộc”, anh chỉ làm cái công việc lật lại những trang sử cũ đang đóng bụi thời gian ở phía những người thắng trận để “trình bày các nhân vật” của mình như đã viết trong Facebook. Những nhân vật trong “Bên Thắng Cuộc” phần lớn được hình thành ở hình ảnh của những hình nộm mù quáng và mê muội từ Lê Duẩn cho tới Đỗ Mười, Phạm Hùng, từ cách thiết lập các phương trình đấu tố cho tới hậu quả đầy cay đắng và bi phẫn của nó. Chẳng hạn ở trang 90 (bản thảo) của “Bên Thắng Cuộc”, Huy Đức viết:
“Những năm sau 1975, cứ mỗi khi có thành phần nào đó trong xã hội trở thành đối tượng của chính quyền, lại có một thành phần khác là quần chúng được đưa ra lên án. Chín mươi hai nhà tư sản mại bản vừa bị đánh vào rạng sáng 10-9-1975 thì sáng hôm sau 11-9-1975 ‘đã có 1,200 nhà tư sản dân tộc, tiểu thương, tiểu chủ mở đại hội bất thường’ tại rạp Rex để ‘bày tỏ quyết tâm bài trừ bọn tư sản mại bản, đầu cơ tích trữ, lũng đoạn và phá rối thị trường.”
Thậm chí: “Có giới người Hoa tỏ ý muốn chánh quyền công bố đầy đủ danh sách và tội trạng của tất cả những tên gian thương đã bị sa lưới. Giám đốc một xí nghiệp ở Chợ Lớn (xin giấu tên) là người Hẹ cho biết, theo ông ta, nên tịch thu toàn bộ tài sản của bọn gian thương, đem xử công khai trước nhân dân và cho bọn này đi cải tạo lao động lâu dài để chúng biết giá trị lao động”
Huy Đức nhận định: “Ông giám đốc người Hẹ này khi ấy chắc không ngờ có ngày ông cũng trở thành đối tượng của nhân dân lao động”.
Trong số những phần tử Cộng sản được gọi là Việt Cộng trong MTGPMNVN, có bao nhiêu người giầu có vì đánh tư sản mại bản cuối cùng cũng nhận lãnh số phận của ông Giám đốc xí nghiệp người Hẹ? Tôi không có con số thống kê này, nhưng vào năm 1987, khi từ trại Z-30A bị đưa trở lại trại giam số 4 Phan Đăng Lưu, để bị điều tra lại vụ làm tờ báo chui trong trại, tôi đã có bị giam chung với các “tư bản đỏ” trong các căn biệt giam. Họ bị bắt phần lớn vì bị ghép hai loại tội: “tham ô” và “phá hoại kinh tế xã hội chủ nghĩa”. Đông nhất, phải kể đến những người từng tổ chức các chuyến vượt biển “bán chính thức”bằng tầu sắt vào năm 1979. Vào lúc họ bị bắt thì người nào cũng là “đại gia” cả rồi. Đây là chuyến đánh tư sản sản mới gồm toàn những thành phần làm ăn kinh tế với giới tư bản đỏ và chính quyền quân quản.
Một trong những người chức vượt biển tầu sắt từ năm 1979 và sau đó chuyên đứng ra mua bãi bán bãi là Hải “nhí”, một người Tầu lai còn khá trẻ bị tạm giam vào xà lim số 5 khu C-1 cùng với tôi, vì lúc đó mới xảy ra ra vụ linh mục Thủ của dòng Don Bosco ở Thủ Đức nên các căn biệt giam ở trại số 4 Phan Đăng Lưu đều chật kín người, nên nhà tù tạm giam này phải nhốt những người mới bị bắt chung với những người bị bắt đã lâu. Theo lời Hải “nhí”, ngoài số vàng đã tẩu tán cho người thân, nhà cầm quyền còn tịch thu khoảng của anh ta 6,000 lượng vàng. Tôi không thể kiểm chứng được lời tiết lộ của Hải“nhí” nhưng theo cái cách sống thoải mái của anh ta khi bị tạm giam chung với tôi thì Hải “nhí” phải là người làm ăn lớn qua việc cán bộ vào nhận anh ta đi hỏi cung vẫn giữ thái độ nể vì đối với nghi can này. So sánh thời điểm thì đây là vụ kế tiếp vụ đánh tư sản mại bản lần thứ hai, cách nhau 11 năm. Nhưng dù trước hay sau thì mục tiêu của chiến dịch là vét hết vàng và đô la của những người cộng tác làm ăn với các viên chức chính quyền Cộng sản trong những vụ tổ chức vượt biển, buôn lậu. Vụ đánh tư sản mại bản lớn khi tiếp thu Miền Nam Việt Nam kết thúc vào ngày 10-9-1976 khi nhà tư sản Đào Tắc Kinh, Lý Hơn, Lâm Huê Hồ, Dương Hải, Trang Trịnh Nguyên, Mã Tuyên, Trần Thanh Hà, Lý Hấn, Trần Liệt Hồng... Mẻ lưới này, tuy là mẻ lưới vớt, nhưng nó cũng làm cho những tư sản người Hoa không nổi tiếng lắm cũng rất khốn đốn: Họ mất cả bất động sản lẫn đô la, vàng. Nhưng thái độ của dân chúng đối với những vụ bắt bớ những nhà tư sản gốc Hoa ra sao?
Huy Đức trích dẫn một phản ứng được báo chí thời đó trích thuật mà tất cả những điểm quan trọng đều được ghi trong ngoặc kép. Sáng ngày 11-9-1976, hàng ngàn người Hoa tại Chợ Lớn đã được chính quyền huy động trong một cuộc biểu tình được báo chí mô tả là “sôi sục căm phẫn tố cáo tội ác của bọn tư sản mại bản bóc lột và yêu cầu chính phủ bài trừ chúng tận gốc”. Tác giả gợi lại cách mô tả những bài báo của chính quyền để cho những nhân chứng nào vào thời gian đó thoát được ra hải ngoại có thể kiểm chứng. Chính một số người Hoa được báo chí dẫn lời cho rằng: “Bọn tư sản mại bản Hoa kiều càng giầu bao nhiêu thì chúng tôi càng cơ cực bấy nhiêu. Phải trừ hết bọn người này thì người Hoa chúng tôi mới có thể sống yên ổn”. Nhưng thực ra những hoạt động quần chúng này, theo Huy Đức không những chỉ là cách lý giải cho những hành vi bắt bớ mà còn chuẩn bị dư luận cho một chính sách sắp sửa ban hành: Cải tạo công thương nghiệp tư doanh, một hành động sai lầm nghiêm trọng đang là nguyên nhân khiến cho nền kinh tế Việt Nam hiện đang đi vào ngõ cụt.
Điểm đặc biệt nhất trong chương mô tả việc đánh tư sản mại bản, tác giả của “Bên Thắng Cuộc” đã đưa ra một vài điển hình từng uống phải những liều thuốc mê thuộc cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn. Đó là Lý Mỹ, con gái một nhà tư sản người Hoa vừa trở thành đoàn viên Đoàn Thanh Niên Cộng Sản thay vì chỉ tuyên bố xuông để tỏ ra “tiến bộ”, đã dẫn các “đồng chí” về nhà chỉ những địa điểm cha mẹ mình chôn giấu tài sản. Cô được ca ngợi như sau, xin trích:
“Hai năm qua, đất nước ta được chuyển mình đi lên chủ nghĩa xa hội, cũng như nhiều bạn trẻ khác, Lý Mỹ đã hòa mình trong ngọn lửa triều thời đại ấy. Nhưng cũng chính vì thế mà Mỹ đã phải trải qua những ngày trăn trở dằn vặt, đấu tranh với chính bản thân mình, đã chịu đựng được một số những mất mát thương tổn trong khi lôi kéo những người thân yêu theo bước đi của xã hội”.
Huy Đức tiếp tục mô tả tấn bi kịch này:
“Cái ngày mà toàn bộ gia sản bị kê biên, Lý Mỹ đã không giấu được niềm vui hoàn thành nhiện vụ: Mỹ kêu mẹ đi ngủ để c6 làm nhiệm vụ kê khai cùng với đoàn công tác đang đóng chốt tại đấy. Đêm 24-3-1978 Mỹ thức tới 3 giờ khuya, không phải để thao thức, trăn trở trong sự khổ sở mà để sao 4 bản kê khai trong sự vui sướng tràn trề. Lòng Mỹ rộng ràng như lần đầu tiên biết mình được đứng vào hàng ngũ của Đoàn. Cuốn nhật ký của Mỹ khép lại vào lúc 3 giờ ngày 25 tháng 3 năm 1978: má đã yên tâm rồi, còn mình càng yên tâm hơn khi gia đình mình đã chấm dứt quá khứ từ ngày hôm qua để chuẩn bị bước vào tương lai. Mình không còn mặc cảm với bạn bè nhân dân lao động vì gia đình mình sống bằng nghề bất chính. Mình đã đấu tranh, đã thực hiện lý tưởng, ước mơ của mình. Hãy cất cao tiếng hát, hãy tiến lên, không gì có thể ngăn cản được bước tiến của mình. Mình trở lại phấn khởi rồi, vui quá”.
Tác giả Huy Đức viết câu kết cho sự kiện nói trên như một mũi tên:
“Nhưng điều mà Lý Mỹ lúc ấy tưởng là niềm vui rồi sẽ khoét vào lòng cô như một vết thương. Vết thương này không bao giờ có khả năng khép lại.
Lời kết của Huy Đức mang đầy cái vẻ âm thầm, bình thản nhưng ở đằng sau đó rõ ràng là niềm đau của cuộc đời đổi thay, sóng gió. Theo lời tác giả Huy Đức, cho dù được báo Nhân Dân ca ngợi, được đoàn viên khắp nơi trong cả nước viết thư thăm hỏi bày tỏ lòng ngưỡng mộ, Lý Mỹ cũng chỉ là một sản phẩm hy hữu của Thành Đoàn. Con cái của những nhà tư sản khác, trong những ngày ấy đã bị buộc phải trưởng thành để cùng cha mẹ bảo vệ tài sản trước nguy cơ bị cải tạo. Một trong những gia đình đó là gia đình ông Võ Quang Trữ. Gia đình ông từ Quảng Nam di chuyển vào Saigon làm ăn với nghề dệt, tiền của làm ra từ hai bàn tay trắng. Bắt đầu là dệt, kế tiếp là hồ rồi buôn bán hàng tơ sợi. Gia đình ông làm giầu nhanh, nhưng chưa được xếp vào danh sách các ông vua. Một ngày khi ông đi vắng, “cách mạng 30-4 đến chiếm tầng trệt căn nhà của ông để làm trụ sở công an, rồi treo bảng hiệu mà không cần chờ chủ nhà đồng ý.” Cũng vẫn theo Huy Đức, ngày 23-3-1978, một tổ cải tạo 5 người đã đến đóng chốt trước tiền sảnh ngôi nhà mà gia đình ông Trữ đang ở trên đường Hồ Tấn Đức. Họ ở đó liên tiếp trong 6 tháng. Tác giả trích dẫn lời ông Võ Quang Dũng kể lại tấn thảm kịch gia đình ông bị khảo của như thế nào. Họ lần lượt thẩm vấn từng người trong gia đình với một câu hỏi giống nhau: “Vàng giấu ở đâu?”. Không ai kể cả vợ con ông Trữ biết vàng giấu ở đâu. Dù các cán bộ cải tạo có khám từng ly từng tý, không còn viên gạch nào trong nhà mà không bị cạy lên, họ cũng không thể kiếm ra được vàng. Huy Đức kể lại: “Những mưu sâu kế dày mà các gia đình ‘cách mạng’ dùng để qua mặt cảnh sát Saigon, nuôi giấu cán bộ giờ đây được chính nhân dân áp dụng một cách triệt để để thoát khỏi “chính quyền cách mạng”. Cũng vì thế mà ông Trữ chuyển 10,000 lượng vàng từ căn nhà trên đường Hồ Tấn Đức lên một căn nhà khác ở Ngã Tư Bảy Hiền bằng cách dùng các đứa con của hai ông bà là Dũng và Đào vì quan sát thấy một sơ hở: Những cán bộ cải tạo chỉ khám người lớn chứ không khám trẻ nhỏ. Huy Đức đã dẫn một lời kết bằng câu chuyện kể lại của ông Võ Quang Dũng:
“Chúng tôi bị tước mất tuổi thơ kể từ đó. Vốn là những đứa trẻ vô tư, nhưng hàng ngày hai anh em vẫn phải đóng kịch, giả vờ vui vẻ ra khỏi nhà khi thì với quả bóng, khi thì với món đồ chơi để qua mặt tổ cải tạo đứng canh trước cửa. Từ cổng khi thì xích lô, khi thì taxi, khi thì chiếc xe ôm đứng đón. Họ chở tôi đi một đường, em gái tôi đi một đường, mỗi ngày chúng tôi đi đến mọt địa điểm mà ba tôi chỉ cho biết vài phút trước khi ra khỏi nhà. Ở đó, một người được ba tôi đặc biệt tín cẩn và được huấn luyện trước chờ sẵn đón chúng tôi, nhận hàng rồi đi ngay lập tức. Công việc chuyển vàng ra khỏi nhà trước mắt tổ cải tạo trong suốt 6 tháng khiến cho cha con ông Trữ trở thành những người có vẻ ngoài lạnh lùng. Năm 1979 khi anh em Dũng vượt biển không thành trở về, gặp nhau ngoài ngõ, nhưng cha con chỉ khẽ gật đầu như vừa đi đâu đó ngoài đường trở về. Mãi tới khi vào đến bên trong nhà, ông Trữ mới ôm lấy các con và cả mấy cha con cùng bật khóc”.
Ở vị trí của Huy Đức ngày nay, khi nhắc lại những sự kiện liên quan đến chiến dịch đánh tư sản, anh chỉ viết được đến chừng mực đó. Nhưng nó cũng đã đủ mô tả trọn vẹn một giai đoạn lịch sử trong đó thiện, ác, chính, tà lẫn lộn, lòng người khó đoán. Nếu chúng ta căn cứ theo những trích dẫn của Huy Đức không cần thêm thắt, bình luận, chúng ta cũng có thể hình dung ra ngay bối cảnh của một đám thảo khấu vừa mới lọt được vào nhà một gia chủ và bắt đầu khảo của. Tác giả đã vẽ ra được một bức tranh về hậu quả khốn đốn của một khối dân chúng mất đất và mất chính quyền. Hình ảnh của Lý Mỹ và Võ Quang Trữ đã cho thấy một sự cân bằng trong cách trình bày vấn đề của Huy Đức. Cùng một vấn đề đánh tư sản, nhưng các dữ kiện được khơi dậy khiến người đọc có thể có những cảm nghĩ khác nhau. Tác giả của “Bên Thắng Cuộc” không dùng những tĩnh từ để bày tỏ cảm tình với hai trường hợp, nhưng rõ ràng trong lối hành văn và dùng chữ để mô tả lại hai trường hợp điển hình trên, người ta thấy cảm tình của tác giả nghiêng về bên nào.
Ở vị trí của người viết ký sự lịch sử (cứ tạm gọi là như vậy), cách trình bày toàn cảnh vụ đánh tư sản mại bản như vậy là rất mực thước. Nhưng ở vị trí một người đọc tuy thuộc bên thua cuộc nhưng được sống trong một xứ tự do, tôi cho rằng không thể coi tất cả những gì diễn ra trong biến cố đối với tư sản mại bản đều là sai lầm của nhà cầm quyền Cộng Sản tiếp quản. Chúng ta nhìn những tư sản mại bản như Lý Sen, Lưu Trung, Lý Long Thân, Trần Thành, Trương Dĩ Nhiên, Hoàng Kim Quy và một loạt những tư sản mại bản “thấp cơ” với cảm quan nào? Bạn có thể bảo dù muốn dù không, họ cũng là những nạn nhân của Cộng Sản, có nghĩa là ở phe chúng ta? Nếu quả thật có một ai đó vì phản đối tác giả cuốn “Bên Thắng Cuộc” nên đành phải nhận những đại gia nói trên là phe ta thì theo tôi đó là cách nhìn lệch lạc. Những đại gia nói trên là người gốc Hoa và chính là những người mà trong khi các bạn phải miệt mài chiến đấu ngoài tiền tuyến thì ở hậu phương họ đầu cơ tích trữ để tăng gia nhu yếu phẩm ảnh hưởng đến đời sống của gia đình các bạn. Đã có nhiều năm VNCH phải nhập cảng đến 50,000 tấn gạo để chống lại việc các chú ba Chợ Lớn đầu cơ bằng cách mua lúa non để đến sau thu hoạch tích trữ chờ đến khi khan hiếm lên cao, lúc đó họ mới từ từ bán ra với giá cắt cổ. Đó mới chỉ là vấn đề gạo, còn bao nhiêu thứ nhu yếu phẩm khác. Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa quyền lực như thế và có điều kiện để áp dụng thiết quân luật thời chiến lẽ ra đã có thể đưa mấy nhà tư sản mại bản này vào nằm khám lạnh, nhưng đáng buồn thay cả hai chế độ đều bất lực. Phải đợi cho đến khi Cộng sản vào Saigon, Chợ lớn, các tư sản mại bản gốc Hoa này mới bị khốn đốn và bỏ của chạy lấy người. Phải công bằng mà nói như thế !
Tuy nhiên, trong tất cả các chương trong “Bên Thắng Cuộc”, người đọc sẽ thấy tác giả trình bày vấn đề đánh tư sản mại bản rất khúc chiết, từ chủ trương được những nhà lãnh đạo chính sách của chế độ mới nói ra với nhau bên trong những cánh cửa đóng kín, việc thi hành các kế hoạch, những mưu mô săn vàng đầy bạo lực, những chủ trương được trình bày với ngôn ngữ hoa mỹ để che giấu một thực tế thô cứng, những thảm kịch và hậu ý thiếu lương thiện khi nhà cầm quyền quân quản đồng hóa tư sản mại bản với những người miền Nam có bát ăn bát để, nhằm tước đoạt những tài sản do mồ hôi nước mắt của họ làm ra. Tác giả Huy Đức đã sắp xếp những dữ kiện lịch sử sau 30 tháng 4 như một bản cáo trạng bày rõ những sai lầm của chính quyền được mệnh danh là “cách mạng”. Bản cáo trạng ấy không hề có lời lên án được đọc lên với giọng hùng hồn và ngược lại nó được kể lể với một giọng bình thản, thầm lặng lâu lâu lại xuất hiện một lời trách cứ nhẹ nhàng nhưng nó là những nhát dao sẽ để lại nhiều vết thẹo trên khuôn mặt cường quyền. Cho nên, nhất thiết, bản cáo trạng thầm lặng đó sẽ mở đường cho những người còn tha thiết với vận mạng Việt Nam lên tiếng để buộc nhà cầm quyền Việt Nam loại trừ những tư sản đỏ đang trở thành những tỷ phú đô la trên lưng những người Việt Nam lương thiện hiện nay.
Dù dư luận nhận định tác phẩm “Bên Thắng Cuộc” như thế nào đi nữa thì trong cộng đồng vẫn có một số người không đồng ý với Huy Đức. “Không đồng ý” là một trong những đặc tính của nền dân chủ. Nhưng đi tìm kẻ thù từ một cuốn sách ghi nhận những diễn biến chính trị và xã hội sau sau 30-4-1975 cách đây 37 năm là một điều không tưởng. Trong lịch sử giữa thế kỷ 16 cuốn “Quân Vương” (The Prince) của Nicolo Machiavelli đã bị các vương triều tại Âu Châu phần lớn bị ảnh hưởng bởi nền chính trị Thiên chúa giáo săn đuổi để tịch thu và đốt cũng chỉ vì tác giả nói huỵch toẹt ra rằng nền cai trị và chính trị của vương triều nào đi nữa thì cũng chỉ gồm những phương pháp cai trị đầy thủ đoạn dơ bẩn. Nhưng điều ngược ngạo là trong suốt thể kỷ 16, lúc các ông vua từng căm ghét cuốn sách này băng hà, tìm trong thư phòng của mấy ổng, các sử gia mới khám phá ra rằng mấy ổng đều có giấu một cuốn “Quân Vương” dưới đầu nằm. Cuốn “Bên Thắng Cuộc” chỉ là một biên niên thời sự bình thường ghi lại những sự kiện hậu chiến cùng ảnh hưởng của nó với cả bên thua cuộc lẫn bên thắng cuộc, một tác phẩm chính văn không hề đóng lại mà luôn luôn “mở” để những nhân chứng của cả hai phía có thể góp thêm những bằng chứng và phân tích để hiệu đính lại những gì mà họ coi là sai lạc hay chưa nói đủ. Có gì mà phải to tiếng và giận dữ đối với tác giả “Bên Thắng Cuộc” như thế?
Cho nên, dù muốn dù không, “Bên Thắng Cuộc” cũng là một tài liệu để cho những sử gia hay những nhà nghiên cứu của những thế hệ người Việt Nam không còn dính dấp gì đến cuộc chiến Việt Nam có thể dùng để đối chiếu với những tài liệu khác. Đừng bao giờ lo sợ hão huyền rằng những thế hệ kế tiếp của người Việt Nam gồm con em cháu chắt của chúng ta ở Việt Nam hay ở hải ngoại chỉ dùng tài liệu của bên này hay bên kia vào cuộc nghiên cứu của chúng.
Vũ Ánh

Vài suy nghĩ về “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức


Vài suy nghĩ về “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức
Gặp Huy Đức nhân một bữa tiệc tại nhà một người bạn. Chúng tôi có trao đổi một vài câu chuyện. Đây là lần đầu tiên tôi gặp anh dù rằng trước đó tôi thường đọc những bài của anh trên blog Osin, có nội dung chỉ trích chế độ rất khéo léo và suy nghĩ sâu sắc. Huy Đức sang Mỹ theo một chương trình nghiên cứu của Đại học Harvard, một đại học hiện có khá nhiều sinh viên từ Việt Nam qua theo học. Câu chuyện trao đổi liên quan đến nội dung một tác phẩm, đó là “Bên Thắng Cuộc”. Tôi có nói với Huy Đức là đề tài mà anh đề cập tới rất tế nhị và anh sẽ phải đi dưới hai lằn đạn. Bởi vì viết những gì dù dựa trên sự thật mà bên thắng cuộc không thích, anh cũng sẽ “lãnh đủ” và viết ra những gì mà chỉ một số người bên thua cuộc không thích, anh cũng sẽ bị biểu tình và họ sẽ lôi gốc gác của anh ra mà xỉ vả. Lý do rất dễ hiểu: Kể cả bên thắng cuộc và bên thua cuộc đều vẫn còn nhiều người chỉ thích “uống nước đường” chứ không thích người nào nói sự thực hay chứng minh đó là sự thực.
Ít lâu sau tôi nhận được tập bản thảo “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức và tập bản thảo dù dầy đến 680 trang, tôi vẫn đọc một cách cẩn thận và có ghi chú. Tôi kết thúc trang cuối cùng vào đúng lúc Đài BBC đưa ra bản tin phản ứng của độc giả đối với“Bên Thắng Cuộc”, ủng hộ cũng như chỉ trích, phần lớn đều rất lịch sự. Tôi nghĩ chỉ cần phản ứng lịch sự là được rồi, dù phản ứng bao gồm cả những lời chỉ trích, bởi vì chỉ trích lịch sự, ôn tồn ở cái đất này giống như lá mùa thu.
Cảm tưởng của tôi đối với “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức: Lần đầu tiên tôi được đọc tác phẩm của một nhà báo trẻ trong nước viết với giọng văn bình thản, cố tránh những tĩnh từ vô ích, trích dẫn có cân bằng và đối chiếu thận trọng. Mặc dù nội dung tác phẩm còn nhiều khiếm khuyết khi Huy Đức viết về phần bên thua cuộc, nhưng ở vào thế hệ của anh không thể tránh những lỗi này được và điều này theo tôi cũng không có gì là “big deal” vì anh vẫn còn đầy đủ cơ hội hiệu đính lần xuất bản sau. Nhưng tại sao lại là “Bên Thắng Cuộc” mà không là “Bên Thắng Trận”? Nguyễn Giang, trưởng ban Việt ngữ của Đài BBC cũng đã có những thắc mắc này và tự lý giải nó bằng một tự nhủ:
“Khi đọc bản thảo “Bên Thắng Cuộc” (cả hai tập), tôi băn khoăn không hiểu vì sao Huy Đức không đặt tựa cho sách là “Bên Thắng Trận” với tất cả sự oai hùng, hào khi cách mạng như truyền thông chính thống vẫn nêu. Có phải trận chiến quân sự và ý thức hệ dù lớn lao đến đâu cũng chỉ là một cuộc cờ vì trận chiến vì tâm hồn và tương lại Việt Nam vẫn chưa chấm dứt?”.
Tôi cũng có những thắc mắc giống như ông Nguyễn Giang, nhưng tôi tự lý giải theo cách nhìn khác. Trong một trận banh, tỷ số các bàn thắng bại được ghi ngay trên bản và được dứt khoát quyết định, bên bị loại không thể thể giải thích “tại”, “bị” hay“do... mà tôi thua”. Nhưng cuộc chiến Việt Nam là một cuộc chiến rất phức tạp. Những người Cộng sản Miền Bắc tấn công Miền Nam Việt Nam trước và dưới cái nhãn “giải phóng và thống nhất đất nước”. Miền Nam Việt Nam chống trả dưới cái nhãn khác, đó là “tiền đồn của thế giới tự do”. Cả hai bên lao vào một cuộc huyết nhục tương tàn với súng đạn hai bên chẳng do người Việt Nam sản xuất. Chúng đến từ Nga, Tầu và Mỹ. Hai bên cứ thế mà lao đầu vào chém giết nhau, trong khi ở các bàn hội nghị quốc tế, những siêu cường thương lượng về ảnh hưởng của họ trên núi xương sông máu của nhân dân cả hai miền Nam Bắc. Đó là lý do tại sao những người thức tỉnh nhận ra “cuộc cờ” khốn nạn ấy mà những người nắm quyền lưc hiện nay ở Việt Nam không nhận ra? Huy Đức đã ghi ở trang đầu của cuốn sách một nhận định ngắn ngủi của Nguyễn Duy nhưng đầy ý nghĩa “Suy cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh, bên nào thắng thì nhân dân cũng bại”. Tôi cho rằng những suy tưởng này chính là lý do khiến Huy Đức không dùng tựa đề bên thắng trận mà dùng tựa đề “Bên Thắng Cuộc”. Chỉ cần dùng tựa đề này, Huy Đức cũng đã can đảm rồi. Cậu bé chăn trâu ở một làng quê nghèo ở Hà Tĩnh ngày nào nay đã thành danh trong nghề nghiệp báo chí với cái tên blogger Osin đang cố gắng giữ sự tỉnh táo bằng cách học hỏi và nghiên cứu tại một trường đại học nổi danh ở Mỹ là trường Harvard. Cuộc nghiên cứu chỉ kéo đài có một năm thôi, nhưng tôi tin rằng ở ngôi trường vốn là mẫu mực cho nền tự trị đại học và suy nghĩ tự do ấy đủ để cho những người bảo thủ phải thay đổi suy nghĩ của mình hay ít ra là cũng làm mới lại suy nghĩ mà họ đã có từ trước.
Tôi muốn nhắc lại ở đây một điều đã quá cũ, nhưng vẫn cứ phải khẳng định đây là loại tác phẩm chính văn căn cứ vào những dữ kiện như cuốn “Bên Thắng Cuộc” một kiểu viết đòi hỏi phải có một phương pháp làm việc mang nhiều tính chất sử học chẳng hạn như việc lựa chọn dữ kiện, phỏng vấn những nhân chứng còn sống, sưu tầm những tài liệu của những nhân chứng đã chết, phân tích (chứ không phải bình luận) những tài liệu, văn kiện sưu tầm được, đi và nói chuyện với những nhân vật lịch sử có liên hệ hiện còn sống. Xét đến những điều kiện để thực hiện tác phẩm rõ ràng Huy Đức đã đáp ứng đầy đủ như anh đã trình bày trong Lời Nói Đầu và nội dung các chương của tác phẩm. Làm được đầy đủ công việc này, phải mất 10 năm là điều mà tôi tin rằng Huy Đức nói không ngoa.
Đọc một tác phẩm dầy như “Bên Thắng Cuộc” với biết bao nhiêu dữ kiện lịch sử, nhiều cuộc phỏng vấn, nói chuyện với những nhân vật, những nhân chứng lịch sử của cả hai bên, nhất là phần chú thích (nhất thiết phải đọc cả phần chú thích này, bởi vì nó cung cấp cho những luận đoán của người đọc nhiều chi tiết thú vị), người đọc phải mất rất nhiều thời giờ, ngoại trừ, những người vì nghề nghiệp cần phải đọc hết những trang sách trong thời gian ngắn nhất. Ví thử như Huy Đức viết “Bên Thắng Cuộc” chỉ để thỏa mãn nhu cầu chính trị ca ngợi chế độ thì không cần phải 3 năm để đọc tài liệu và 10 năm mới hoàn thành. Cho nên, việc tác giả dùng thời gian hơn một thập niên để viết “Bên Thắng Cuộc” là có lý do của nó. Huy Đức cần phải căn cứ vào cách làm của những nhà văn viết ký sự dựa theo dữ kiện lịch sử để bảo đảm tính “không dễ dãi với cách nhìn những gì đã từng xảy ra trên đất nước Việt Nam”. Đọc “Bên Thắng Cuộc” từ trang đầu đến trang cuối, người đọc có thể thấy nỗ lực của Huy Đức cố gắng không để cho tác phẩm của mình trở thành những ly nước đường cho cả bên thắng cuộc lẫn bên thua cuộc, dù những cố gắng của anh chỉ có giới hạn. Hãy đọc Huy Đức  viết trên trang Facebook lập ra cho cuốn sách:
“Tôi mong các nhà lãnh đạo hiện nay đọc Bên Thắng Cuộc cho dù họ đánh giá cuốn sách như thế nào. Nhận ra những sai lầm để ‘đưa dân tộc Việt Nam đi đúng con đường dân chủ, phát triển’ là mong ước của chúng ta. Nhưng tương lai dân tộc không thể chỉ trông cậy vào một cuốn sách hay chỉ trông cậy vào những nhà lãnh đạo ở bên thắng cuộc.”
Ý kiến mà tôi vừa trích dẫn chỉ là một phần nhỏ trong phần trả lời của tác giả đối với những phản ứng hay ý kiến của độc giả mà tác giả đặt tên là  “Không thể cứ trú ngụ trong sự sợ hãi”. Đài BBC ghi lại một câu hỏi khá quan trọng, đó là “liệu ông có sợ những điều không hay xảy ra với ông vì vi phạm các qui định của Đảng và Nhà Nước”, Huy Đức đã thẳng thừng:
Tôi không nghĩ là mình nằm trong phạm vi điều chỉnh các qui định đó. Tôi ý thức được những việc gì mình đang làm. Sự thật không  chỉ giúp chúng ta tìm ra những phương thuốc đúng để chữa lành các vết thương cũ mà còn giúp những người đang nắm vận mệnh quốc gia không vi phạm những sai lầm mới. Không ai muốn hứng chịu những điều không hay nhưng nếu cứ trú ngụ trong sự sở hãi thì sự thật sẽ không bao giờ được nói ra, bạn ạ!
Huy Đức có thể trình bày suy nghĩ của mình về đứa con tinh thần được kể là quan trọng của anh khi chính quyền mà anh đang sống với chưa có dấu hiệu gì muốn nhìn nhận những sự thật mà anh trình bày trong “Bên Thắng Cuộc” là vì những lý do như anh đã viết trên Facebook. Những đoạn trong tác phẩm mà tôi cho rằng quan trọng và người Việt ở hải ngoại nên đọc chính là những đoạn mà tác giả tổng hợp được cách nhìn về mọi phía và về các bên lâm chiến từ giai đoạn lực lượng Cộng Sản tiến vào Saigon và thời kỳ quân quản, hiệp thương thống nhất hai miền Nam Bắc.
Nhưng sau ngày 30-4-1975, thảm kịch diễn ra từ việc trả thù những sĩ quan công chức, cảnh sát VNCH cho tới việc đánh tư sản, tiêu diệt văn hóa văn nghệ tự do, qui kết loại trừ tư bản Tầu Chợ Lớn, cưỡng bức người dân thành phố đi kinh tế mới, cuộc chiến với Khmer Đỏ cùng với những nỗ lực được mệnh danh là “duy ý chí” nhằm áp đặt các mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa bao cấp trên cả nước với chế độ khẩu phần khắt khe đưa đến thảm họa nhân đạo và sự suy sụp kinh tế.
Nguyễn Giang, trưởng ban Việt ngữ đài BBC nhận định về  văn phong của Huy Đức trong các chương nói trên: “Ở các chương này, ngòi bút Huy Đức tỏa sáng trong giọng văn âm thầm, cố gắng giữ vẻ bình thản nhưng bên trong sôi sục, thậm chí có chỗ nghẹn đi vì những biến cố đau đớn cho hàng triệu người  mà anh chứng kiến cận cảnh, nhất là tâm thức một người đi bộ đội và từ Bắc vào Nam”.
Ngay từ những dòng đầu tiên, niềm đau ấy, tâm thức ấy được phản ảnh như dưới đây về một sự thực ở Miền Nam Việt Nam. Sự thực ấy khác những điều mà Huy Đức được dạy dỗ từ thuở thiếu thời:
“Nhưng hình ảnh Miền Nam đến với tôi trước cả khi tôi có cơ hội rời làng quê nghèo đói của mình. Trên Quốc lộ 1, bắt đầu xuất hiện những chiếc xe khách hiệu Phi Long thỉnh thoảng tấp lại bên những làng xóm xác xơ. Một anh chàng tóc ngang vai, quần loe, nhảy xuống đỡ khách rồi rất nhanh đu ra ngoài cánh cửa gần như trong một giây trước khi xe rú ga, vọt đi ngạo nghễ. Hàng chục năm sau tôi vẫn nhớ hai chữ chạy suốt bay bướm, sặc sỡ  sơn hai bên thành xe. Cho đến lúc ấy thứ tiếng Việt khổ lớn mà chúng tôi nhìn thấy chỉ là những chữ in hoa cứng rắn viết trên những băng khẩu hiệu kêu gọi xây dựng chủ nghĩa xã hội và đánh Mỹ. Những gì được đưa ra từ những chiếc xe đò Phi Long thoạt đầu thật đơn giản: mấy chiếc xe đạp bóng lộn xếp trên nóc xe, cặp nhẫn vàng chóe trên ngón tay một người làng tập kết (ra Bắc) vừa về Nam thăm quê ra, con búp bê nhựa biết nhắm mắt khi nằm ngửa và có thể khóc oe oe, buộc trên ba lô của một anh bộ đội phục viên may mắn. Những cuốn sách của Mai Thảo, Duyên Anh... được những bộ đội giấu dưới đáy ba lô đã giúp cho bọn trẻ chúng tôi biết một thế giới văn chương gần gũi hơn là “Rừng thẳm tuyết dày”, “Thép đã tôi thế đấy”, những chiếc máy Akai, radio cassettes được những người hàng xóm tập kết mang ra giúp chúng tôi nhận ra người lính xa nhà, đêm tiền đồn còn nhớ mẹ nhớ em, chứ không chỉ là ‘Đêm Trường Sơn nhớ Bác’. Có một miền Nam không giống như Miền Nam trong sách giáo khoa của chúng tôi.”
Qua đoạn văn này trong Lời Nói Đầu, người ta thấy tác giả  tự tay chém vào thân người mình những vết thương sâu hoắm để tự cảm thấy một nỗi đau, nỗi đau không thảng thốt, nhưng nó sẽ cắn xé, gậm nhấm từ từ một con người còn tỉnh táo để nhận biết sự thật, để nhận biết là trong bao nhiêu lâu của tuổi xuân  mình chỉ được biết những gì không phải sự thật. Theo tôi, nỗi đau của Huy Đức cũng như hàng triệu người có cùng một cảm xúc như anh không khác gì nỗi đau đớn của hàng triệu người ở Miền Nam Việt Nam đã để mất cái phần đất mà chỉ sau 30-4-1975 họ mới có thể hoàn toàn thấu hiểu rằng so với Miền Bắc, nó thật là quí giá, đúng như lời cựu Tướng độc nhãn của Do Thái Moshe Dayan đã nhận định khi ông đến Saigon để viết một phúc trình cho tờ Israel Times rằng người Miền Nam Việt Nam phải biết thua Cộng sản thì mới có thể chiến thắng được họ. Theo tôi nỗi đau ấy không thể được làm thuyên giảm chỉ với những tập tài liệu “Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập” hoặc “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” hay “Tâm Tư của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu”, hoặc những cuốn hồi ký trong đó có một số tướng lãnh hay các sĩ quan cao cấp không ngại ngùng nói thẳng ra chuyện các ông bỏ đơn vị, bỏ lính của mình như thế nào để thoát ra nước ngoài trong cơn lốc nghiêng ngửa của Miền Nam. Những cuốn sách ấy không thể là những thắc mắc mà cho tới bây giờ vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát, đó là: “Một quân đội thiện chiến, quả cảm, chiến đấu không mệt mỏi trong một cuộc chiến dài và đẫm máu như thế, tại sao họ vẫn thất bại”?
Suy nghĩ của tôi cũng chỉ là cái cớ để nói tới cái bối cảnh ra đời của “Bên Thắng Cuộc”. Sống trong lòng chế độ ở Việt Nam mà đề cập tới những người thắng cuộc cũng đã là một điều khó khăn và đe dọa cho Huy Đức rồi, nhưng đề cập tới những người thuộc bên thua cuộc lại càng khó khăn, phức tạp và nhạy cảm hơn đối với một tác giả xuất thân từ phía thắng cuộc. Tôi xin trích dẫn lời kết luận của một trong những phản ứng chỉ trích của một cựu sĩ quan bên thua cuộc (VML) qua một e-mail được một bạn tù forward cho tôi: “Tác giả đã bỏ ba năm, ngồi đọc 126 quyển, rồi trích lấy 609 câu ghép lại thành từng chương mục thêm vào mấy lời cám ơn, thế là xong một tác phẩm vĩ đại! Tóm lại Bên Thắng Cuộc chỉ là một công trình đáng giá 3 xu hoàn thành từ một Cháu ngoan của Bác”. Tôi không ngạc nhiên về những lời phán này bởi vì trong 20 năm sống ở Mỹ, thói quen của một số người thuộc phía thua trận là bác bỏ và phủ nhận bất cứ một cuốn sách nào từ phía những người thắng trận, nhưng không may, họ lại không thể trưng ra được một tác phẩm nào của họ để đối chiếu. Andrew Wiest khi viết cuốn “Vietnam‘s Army Forgotten” đã có một thư mục sách ông tham khảo dài, những cuộc phỏng vấn và mất cả 3 năm trời để tìm cách phỏng vấn người anh hùng trong quân đội VNCH Trần Ngọc Huế và cả người mà ông cho rằng một nửa giai đoạn chiến tranh là anh hùng nhưng cuối cuộc chiến trở thành người phản bội, Phạm Văn Đính. Larry Berman cũng đã mất khoảng 10 năm trời, dùng số sách tham khảo nhiều hơn Huy Đức và nhất là tìm cách phỏng vấn cho được tình báo viên Phạm Xuân Ẩn trước khi ông ta qua đời để viết cuốn “Perfect Spy”. Cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ khi viết cuốn “Argument Without End” cũng đã phải vùi đầu vào một núi tài liệu trong văn khố quốc gia Mỹ, rồi phải vận động để được phép thu thập cái kho tài liệu về chiến tranh Việt Nam của Hà Nội mà trước đó không một tác giả Mỹ nào xâm nhập vào được, tổ chức các buổi hội thảo tốn kém để đối thoại với các cựu tướng lãnh và giới chức quân sự chính trị cao cấp từng đối đầu với Hoa Kỳ trong chiến tranh, gặp gỡ riêng tư những người cầm chịch trong cuộc chiến Việt Nam cả về phía Mỹ, Việt Nam và VNCH. Ấy vậy mà trong buổi giới thiệu sách ở New York, tác giả vẫn còn xin lỗi vì những tham khảo chưa trọn vẹn. Có thể có nhiều người không thích những tác phẩm trên của các tác giả Mỹ với nhiều lý do khác nhau, nhưng bảo chúng là ba xu hay vô giá trị, tôi thấy chưa ai dám hạ bút như vậy. Một phản ứng khác từ Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh viết trên Facebook, vốn là con của một viên chức cao cấp của VNCH, về cuốn “Bên Thắng Cuộc”, xin trích:
Không ai trong chúng tôi lại có thể ngờ có ngày những ký ức và sự kiện lịch sử ấy lại được một người từ bên thắng cuộc viết ra. Những dòng chữ trong cuốn sách của Huy Đức được tác giả viết bằng giọng văn bình thản, khách quan chẳng thấm vào đâu so với những ký ức đầy cảm xúc của chúng tôi, những người phải trải nghiệm thực sự những thí nghiệm của chế độ mới với những người anh em thua cuộc của họ... Những thông tin trong cuốn sách không làm tôi xúc động-vì chắc chắn những chi tiết mà tôi có thể kể ra từ kinh nghiệm cá nhân còn lâm ly và kỳ bí hơn nhiều - mà chỉ làm cho tôi thắc mắc không biết đến bao giờ người anh em thắng cuộc  mới thực sự hiểu đầy đủ những người thua cuộc và ý thức rõ những điều phi nghĩa phi nhân mà họ đã làm đối với người anh em kém may mắn của họ”.
Tiến sĩ Phương Anh cũng nói “chính quyền hiện nay không chân thành nhận lỗi thì sẽ không bao giờ có hòa giải thực sự”. Một nhân vật lịch sử cổ đại là Vua Trần Nhân Tôn, một vị vua nhân đức và một tấm lòng mở rộng như Phật sống, tha tội cho tất cả quan quân đã từng cộng tác với giặc Phương Bắc với để hàn gắn, hòa giải dân Việt có phải nhận lỗi với phe thua cuộc? Lịch sử cận đại của cuộc chiến tranh Nam-Bắc Mỹ, Tổng Thống Abraham Lincoln khi chiến thắng Nam quân sau trận Gettysburg đã ra lệnh cho tướng Grant phải đứng ra để chào kính viên tướng Nam quân lên ngựa sau khi họ đã ký vào văn bản đầu hàng của Nam quân. Nhưng để hàn gắn, Tổng Thống Abraham Lincoln không phải ra lời xin lỗi Nam quân vì thực sự chiến thắng của Bắc Quân không phải là lỗi của ông. Nhưng hành động cấm tất cả binh lính dưới quyền Tổng Tư Lệnh Abraham Lincoln không được truy bức những cựu thù là một cách hàn gắn rất thông minh và văn minh khi bên chiến thắng chìa bàn tay ra trước. Và chung quanh các cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ tổ chức rất long trọng những ngày gọi là Quốc Hận, nhưng đã có ai trong số những người lãnh đạo quân sự và chính trị còn sống ở đây dám đứng ra nhận lỗi với chính những người thua cuộc và dân chúng còn ủng hộ bên thua cuộc dù đã để mất miền Nam Việt Nam không, hay họ vẫn cứ vẫn dễ dãi đổ tất cả tội lỗi cho Mỹ và Dương Văn Minh?
Cho nên, sau 37 năm Hà Nội chưa bị đe dọa bởi những chống đối trong nước hay tại hải ngoại thì mơ ước của Tiến sĩ Phương Anh vẫn chỉ là một giấc mơ đẹp nhưng không bao giờ thành hiện thực. Bởi một điều: Khó có thể đổ lỗi cho bên chiến thắng khi cuộc chiến đã bị quốc tế hóa thành ý thức hệ của hai khối Cộng Sản và Tư Bản. Trong một trận banh, bên nào lừa banh được thì bên đó dễ dàng xuyên thủng lưới đối phương. Bên thua khó lòng viện dẫn lý do là bên kia quỷ quyệt, chơi xấu nên mới thắng. Có phải do thế mà bên chiến thắng phải xin lỗi thì các khán giả ủng hộ hai bên trong trận banh từng chia rẽ nay mới có thể bắt tay đi uống bia với nhau được? Làm gì có chuyện đó, thưa Tiến sĩ Phương Anh? Tỷ số bàn thắng thua trong một trận đá banh hay bóng rổ vẫn là những con số lạnh lẽo, nhưng đáng buồn là nó xác định được thứ ưu thế cũng lạnh lẽo không kém của bên thắng trận. Làm sao có ai trả lời được câu hỏi nếu như Miền Nam là bên thắng cuộc thì liệu sự trả thù có diễn ra với bên thua cuộc là miền Bắc hay không?
Nay có một người như tác giả “Bên Thắng Cuộc” nói tới những xúc cảm của chính mình khi viết một tác phẩm về thắng, thua trên bàn cờ chính trị và quân sự Việt Nam, tôi nghĩ đó là một điều đáng quí. Văn phong bình thản và ôn tồn của một người viết xuất thân từ xã hội Cộng sản cho thấy đây là một yếu tố rất quan trọng của một tác giả còn dính líu nhiều đến quá khứ của các phe lâm chiến trong một cuộc chiến không vinh hạnh gì cho đất nước Việt Nam. Càng bình thản và ôn tồn sự trình bày của mình càng thuyết phục. Càng gồng mình, càng dao to búa lớn, càng biểu lộ cảm tính đối với những vấn đề nay đã trở thành lịch sử thì càng thiếu thuyết phục và trong nhiều trường hợp lộ cho người khác thấy cái non nớt ấu trĩ của mình.
Khi viết về bên thua cuộc, Huy Đức còn nhiều thiếu sót nhất là những chương nói về tù cải tạo và cuộc vượt biển của hàng triệu người Việt Nam (cho tới nay không có con số ước lượng gần sự thật). Nhưng tôi vẫn nghĩ ở thế hệ của Huy Đức (thế hệ 1.5), anh không thể hiểu hết những gì diễn ra trong hai tấn bi kịch đầy thương tổn trong lịch sử cận đại hậu chiến tranh Việt Nam. Hơn nữa, nội dung cuốn sách chỉ mô tả lại hình ảnh về những sai lầm của bên thắng cuộc, kể cả sai lầm đối với bên thua cuộc. Ngay cả người Việt Nam thuộc thế hệ 1.0, 1.5 và 2.0 hiện nay ở Mỹ có người còn không hiểu hết những gì cha anh họ từng phải trải qua trong các trại cải tạo hay trên đường vượt biển, huống chi một nhà báo trẻ như Huy Đức sinh ra và lớn lên trong môi trường xã hội chủ nghĩa và chỉ khi vào Nam mới biết rằng có một Miền Nam không giống như sách giáo khoa miền Bắc đã dạy anh. Cho nên chỉ cần Huy Đức viết về những bi kịch nói trên của bên thua cuộc không giống như lời lẽ của Phan Xuân Huy, một cựu dân biểu dưới chế độ VNCH mà anh trích dẫn trong sách là tôi đã có thể gọi anh là một nhà báo còn giữ được nhân cách và còn tỉnh táo trong suy nghĩ giữa một xã hội mà lòng người ngày càng tao loạn, và những người quản trị đất nước ngày càng khắt khe đối với những ý tưởng độc lập.
Cái oái oăm của lịch sử cũng vẫn theo đuổi những người Việt Nam đã bỏ nước ra đi và nhận nơi này làm quê hương thứ hai của họ. Người Việt Nam ở quận Cam hình thành một cộng đồng từ ngày những bước chân còn bàng hoàng của họ từ các trại tị nạn đặt xuống đây. Cộng đồng này sống giữa một đất nước nơi mà quyền tự do ngôn luận được thiết đã từ lâu và rộng thênh thang. Ấy vậy mà từ 37 năm qua, người dân ở đây cho biết chưa bao giờ họ được nhìn thấy hay được nghe những lời lẽ ôn tồn, lịch sự trong các cuộc thảo luận những vấn đề nhậy cảm. Người ta chỉ thấy diễn ra những lời cuồng nộ và nhục mạ những người có những suy nghĩ khác suy nghĩ của vài cá nhân hay phe nhóm ở đây. Người Mỹ gốc Việt ở quận Cam nói riêng ngày nay thấy một số cá nhân hoạt động chính trị trong cộng đồng bỗng trở thành những “ông biện lý” hay “quan tòa”chỉ biết “phán” mà không hề biết lắng nghe. Họ động dao, động thớt bằng những lời lăng mạ trước, dọa biểu tình sau và cuối cùng bơi móc đời tư của “đối thủ” trên một vài cơ quan truyền thông Việt ngữ. Trong bối cảnh này còn diễn ra một số những hành động ngược ngạo khác: có một vài tờ báo hay cơ quan truyền thông có những bài viết bị kết án là thân Cộng thì chẳng ai làm gì họ được, nhưng ngược lại có những cơ quan truyền thông hay báo chí khác cũng bị cáo buộc tương tự thì bị làm tình làm tội. Chính nghĩa nào cho những người cứ mở miệng ra là nói mình phục vụ cộng đồng hay chống Cộng trong khi chỉ đi làm chuyện tào lao này vậy? Chưa hết, còn một vài nghịch lý nữa: trong một vài buổi ra mắt sách ở đây, có những nhà “phê bình” lên diễn đàn thú nhận chưa đọc tác phẩm của người ta mà vẫn tiếp tục khen lấy khen để chỉ vì tác giả thuộc “phe ta”.Ngược ngạo này sinh ra ngược ngạo khác. Có một thời kỳ, nhiều nhà hoạt động ở Little Saigon này coi Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Tiêu Dao Bảo Cự,  Hà Sĩ Phu là khuôn vàng thước ngọc cho công cuộc chống Cộng nhưng cũng lại chính những người đó nay buông ra những lời lẽ thiếu lịch sự với Bùi Tín, Nguyễn Minh Cần và thậm chí cả Vũ Thư Hiên.
Vì thế, tác phẩm của Huy Đức, ngoài những lời phê bình nghiêm túc, đứng đắn cũng đã nhận được một số phản ứng đại loại như “Việt cộng con”, “răng hô”, “cháu ngoan của Bác”, “ve vãn người quốc gia”, “lộng giả thành chân”, “Bên Thắng Cuộc chỉ đáng gia ba xu” cũng là chuyện thường tình. Trong cơn cuồng nộ của một nhóm người, những cảm tính này rất dễ diễn tả, rất dễ buột ra khỏi cửa miệng, nhưng để có những bằng chứng đi kèm cho thuyết phục thì thật là khó khăn vô cùng vì nó cũng buộc những người phản bác cũng phải dùng một thời gian nghiên cứu lâu ít nhất cũng lâu bằng thời gian tác giả Huy Đức thai nghén “Bên Thắng Cuộc”.
Cho nên, theo tôi, khen, chê, phủ nhận, bác bỏ là quyền đánh giá của người đọc trên một đất nước tự do. Không ai có quyền ngồi lên trên sự tự do đó được. Như thế rõ ràng, người đọc có quyền rộng rãi để lựa chọn một thái độ thì không lý do gì một người nào đó lại cần phải dùng những lời lẽ thô bạo để phê phán một tác phẩm được viết ra bằng một văn phong thầm lặng như trong “Bên Thắng Cuộc”. Trong tinh thần suy nghĩ của một người tự do, tôi đọc “Bên Thắng Cuộc” gần một tháng mới xong và giữ một nhận định riêng cho mình đối với toàn bộ tác phẩm. Bài viết này được viết để chia sẻ với bạn đọc vào ngày cuối cùng của năm 2012 mới chỉ đề cập tới phần bên thua cuộc trong tác phẩm “Bên Thắng Cuộc”. Những phần khác, tôi sẽ đưa ra vào những số báo của năm 2013. (V.A)
 -Nguồn: Sống Magazine-


TừCanada đã nói


Tôi nghĩ TS Oanh không quá đáng khi bà đòi hỏi “Bên Thắng Cuộc” phải nhận lỗi: họ không phải nhận lỗi vì họ đã thắng mặc dù ngày nay hầu hết mọi người đều nhận ra “chính nghĩa” thật sự của họ cũng chẳng khác gì mấy với “chính nghĩa” của những người Bên Thua Cuộc: dùng bom đạn ngoại bang để tàn sát đồng bào mình nhân danh cái gọi là chủ nghĩa Cộng Sản, giải phóng dân tộc, tiền đồn XHCN …
Họ phải nhận lỗi vì những gì họ đã và đang làm đối với Bên Thua Cuộc, đối với con cái và gia đình những người thua cuộc, bản thân con cái những người thua cuộc chưa hề tham gia cuộc chiến đã làm gì để phải nhận sự trả thù bẩn thỉu của Bên Thắng Cuộc? Blogger Giang Nam Lãng Tử cho rằng không có chuyện xin lỗi vì những người liên quan đã chết gần hết, thế thì vĩnh viễn sẽ không có chuyện hoà giải vì những nạn nhân của cuộc trả thù vĩ đại và bẩn thỉu do Bên Thắng Cuộc tạo ra sẽ không bao giờ quên những gì họ đã phải chịu đựng và sẽ luôn bảo đảm rằng con cháu họ sẽ biết rõ ràng về những điều đó để chúng nhận biết rằng cái chế độ đang cai trị Việt Nam không phải là cái chế độ mà chúng có thể hợp tác, cống hiến, những lời hoa mỹ tới từ những cái loa của chế độ chỉ là thủ đoạn kiếm tiền một cách vô liêm sỉ mà thôi.
Thật ngạc nhiên khi được biết rằng có một số người Việt hải ngoại chống đối quyển sách này, tôi cho rằng những người này có vấn đề tâm thần: thay vì chửi bới, chụp mũ, hãy cung cấp cho tác gỉa những dữ liệu trung thực mà quí vị có để giúp cho cuốn tái bản được hoàn thiện hơn.
Hãy nghĩ xem những người trong nước khi đọc quyển sách của Huy Đức và một quyển sách của một người Việt hải ngoại viết về Bên Thắng Cuộc, họ sẽ tin ai hơn? Đừng để sự thù ghét chủ nghĩa Cộng Sản biến mình thành những kẻ đui mù ngu ngốc!

Cầu Cải Tiến đã nói


Có nhiều lập luân đã được bàn nhưng chưa thấy ai đề cập chi tiếc cho câu hỏi của tác giả: “Làm sao có ai trả lời được câu hỏi nếu như Miền Nam là bên thắng cuộc thì liệu sự trả thù có diễn ra với bên thua cuộc là miền Bắc hay không?”
Đúng là không ai có thể trả lời với độ chính xác thực tiễn vì vấn đề đặt ra không xảy ra. Nhưng với trình độ và kinh nghiệm của tác giả ở chế độ VNCH, tác giả thử suy đoán xem sao.
Cá nhân tôi không có những ưu thế như tác giả nhưng tôi có thể đặt ra giả thiết sau khi so sánh vài nét của hai chế độ
Chế độ 1
Khép kín; gắt gao về tư tưởng, văn hóa; chính sách CCRD đưa đến giết người; dân đi tản vào chế độ 2; CQ là pháp luật
Chế độ 2
Mở rộng hơn; tự do hơn về tư tưởng, văn hóa; chính sách NCCR trả tiền mua đất địa chủ, không giết ai; dân không di tản; phát luật đọc lập
Còn rất nhiều chi tiếc để so sánh nhưng bấy nhiêu cũng đủ để nói nếu chế đô 2 có trả thù thì nó không thể tàn khóc bằng chế độ 1, sự trả thù có thể chỉ cá nhân hơn là chính sách.
Hy vọng tác giả sẽ viết trung thực và xâu sắt theo khả năng của mình.

Vybui đã nói


Nhân đọc vài dòng cuả BTV với độc giả Nhật Lệ,(nhắc đến lời kêu gọi đồng hương hải ngoại cuả quý ông Phan Kỳ Nhơn, Nguyễn Nam Hà), tôi chợt nghĩ tới câu nói cuả đồng bào miền Nam: ” nói dzậy mà hổng phải dzậy!”.
Việc kêu gọi đồng hương đi biểu tình chống báo Người Việt do báo này “quảng cáo” cho cuốn sách “Bên Thắng Cuộc” có thật là để “chống” sách ” Bên Thắng Cuộc” hay đây chỉ là cái cớ?
“Bên Thắng Cuộc” phát hành trên mạng, những người theo dõi tình hình chính trị trong nước ở HN cũng không phải là ai cũng đã đọc. Mà dù có đọc, không phải ai cũng nhận xét một cách hàm hồ, huống chi số đông trong CĐ chưa biết mặt mũi cuốn sách ra sao. (Nếu có dụng công, xin quý báo và độc giả điểm tên tác giả những bài viết chống đối cuốn sách xem có mấy người, mấy bài, ở những trang báo mạng nào, thì rõ).
Những người như các ông Phan Kỳ Nhơn, Nam Hà cũng rõ điều đó, nên nếu có những phủ nhận về phần tích cực cuả cuốn sách thì người biết chuyện cũng không lấy làm lạ.Thật ra là vì chuyện “nội bộ” cuả CĐ. Giữa một số KHÁ ĐÔNG dõi theo từng bước cuả báo này, từ khi còn châp chững đến khi “trưởng thành”, từ khi một lòng một dạ với CĐ cho đến lúc có những hành động xé rào, nếu không muốn nói là “đâm sau lưng chiến sĩ”. Số đông này muốn “dứt điểm” tờ báo, nhưng chưa xong, và đây thêm một cơ hội nữa. Sẽ có không ít người nghe theo lời kêu gọi. chỉ vì v/đ với báo NV, chứ không hẳn là vì cuốn sách. “Bên Thắng hay Bên Thua”, chưa phải là nguyên cớ để họ …hành động lúc này!
Những độc giả ở xa hay Ô/Bà BTV ở đây chỉ nhìn thấy bề nổi!
Có điều việc làm này cũng chẳng khác gì việc “ra bài…quyền” cuả ông Vũ Ánh ở đây, cả hai đều thiếu…chính trực!

Cầu Cải Tiến đã nói


Tôi đọc bài của Vũ Ánh và còm của vài còm sĩ về việc VA nhục mạ cờ vàng. Tôi rất thắc mắc, theo lời văn của Vũ Ánh tôi không cảm nhận được sự thù hận tâm địa dao búa, ngược lại tôi có cảm giác ông VA là người ôn hòa, tư tưởng cởi mỡ có logic. Nếu như bảo nhà báo Đức Hiển nhục mạ lá cờ và người Việt tị nạn thì tôi không ngạc nhiên nhưng là Vũ Ánh thì có gì đây không ổn. Không lẽ VA giả nhân giả nghĩa tài tình thế sao? Nên tôi tìm hiểu…
Sự việc là năm 2008 hai ông:
Vũ Qúy Hạo Nhiên – Tổng Thư Ký và Phụ tá Chủ Bút của báo Người Việt
Vũ Ánh – Chủ bút của tờ báo Người Việt
Cho đăng ảnh chậu rửa chân có hình Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ trong đáy chậu của họa sĩ Huỳnh Thủy Châu (tức Trần Thủy Châu) là con gái của một Việt Cộng. Đã gây xúc động cho một số người Việt hải ngoại.
Tôi tìm được hai tác phẩm của họa sĩ HTC ở trang web của đại học Berkeley :
http://research.berkeley.edu/haas_scholars/scholars/2005-2006/news/confhighlightssatc.html
Tác phẩm thứ nhất là “Two Flags” (hai cờ), tác giả đại khái miêu tả như sau:
Tôi sinh trưởng trong môi trường CS, mỗi thứ Hai tôi chào cờ hát quốc ca và tôi rất hãnh diện với lá cờ đỏ sao vàng. Năm 1999 tôi đến Mỹ, tôi nhận thấy có cách nhìn khác cho lá cờ CS. Người Mỹ gốc Việt thì chào cở của họ cũng như tôi đã chào cờ của tôi. Không lâu tôi cảm nhận được sự kính trọng cho cả hai lá cờ. Tôi nghĩ đến truyên Âu Cơ và Lạc Long Quân, người Việt đều cùng một dòng. Hai cờ khác hình nhưng cùng hai màu vàng đỏ. Trong tác phẩm này tôi kết hợp hai lá cờ. Hai lá cờ cùng nguồn gốc khi phối hợp cân bằng cùng tăng vẽ đẹp của nhau.
Tác phẩm thứ hai là “The Installation: Connection” (Thiết lập: Chấp nối), miêu tả như sau:

Mẹ chồng tôi làm nghề móng tay 20 năm. Mỗi ngày làm 15 đôi chân để lo cho gia đình và thân nhân còn lại VN. Cho mõi đôi chân bà lấy nước mới cho vào chậu, cọ rửa bàn chân, sơn móng rồi rửa chậu. Bà làm vất vả 20 năm, 6 ngày một tuần. Nhờ chịu khó nhọc làm việc bà đã có khả năng cho bốn con vào đại hoc, nuôi con dâu đi học đại học UC Berkeley, gửi tiền nuôi người than ở Huế, đa số cháu trai và gái của bà đã đỗ trung học và vào đại học. Rất nhiều người thành công nhờ có bà. Tôi tin đa số phụ nữ Việt ở Mỹ nuôi cả hai gia đình Mỹ và VN. Tôi tạo tác phẩm này để khắc niệm công ơn của phụ nữ Việt những người cực nhọc, hy sinh lớn lao cho tương lai con cái và gia đình.
Về ông Vũ Ánh, bài phỏng vấn http://traitrunggioi.blogspot.com.au/2011/04/phong-van-nha-bao-vu-anh.html
cho biết thêm vài chi tiết về ông VA, tuy chú bác đi cách mạng bà nội ông đã bị chôn đất cầy đầu đến chết trong CCRĐ. Bản thân ông đi học tập cải tạo nhưng ông không thù CS đồng thời ông cũng không chấp chế độ CS.
Có thể tôi là người nhẹ dạ, xét những dự kiện tôi tìm được tôi tin ông VA không là người xấu. Tựa đề “cờ vàng trong chậu rửa chân” nghe có vẽ khiêu khích thiếu thiện cảm như khi hiểu rõ thì nó không xấu đến thế. Tôi tin ông VA cũng nghĩ nó không xấu nên đồng ý cho đăng trên báo Người Việt.
Văn hóa của VN từ xưa không cho kết hợp một vật “thiên liên” với vật “bẩn”, như bàn thờ ông bà không được gần cầu xí, in cờ lên chậu rửa chân v.v… Người Tây phương thì khác họ in cờ lên quần áo lót, ai mặc vào là người yêu nước. Họa sĩ HTC đã ở VN cũng phải hiểu vấn đề này, có lẽ họa sĩ cũng có thầm ý chấn động cộng đồng chăng?
Tôi hiểu tại sao có một số người bị chấn động. Riêng cá nhân tôi nó không đáng để đánh giá ông VA.

NCH đã nói


Cho dù tựa sách là Bên Thắng Cuộc” hay “Bên Thắng Trận” hay là Bên..gì đi nữa thì, HĐ cũng nói lên được một việc: ” Cuộc chiến Nam -Bắc Viêt Nam là cuộc chiến của “Hai Bên” chứ không phải là cuộc chiến tranh “thần thánh hay giải phóng đất nước” mà các bác CSVN vẫn nói cho bây giờ và “bên thắng” đã hành xử một cách rất ư là “chiến thắng” đối với “bên thua”.


Ngồi viết lại lịch sử của một cuộc chiến Việt Nam, GS Lê Xuân Khoa đã từng cố đặt lại tên cho cuộc chiến xâm lược của Mỹ ở Việt Nam là “cuộc nội chiến”.
Không biết sau khi thua chạy, cả thầy lẫn tớ của Mỹ ở miền Nam từ 1973-1975 và mãi đến bây giờ họ đặt lại tên cuộc chiến để làm gì…có lẽ như chính quyền Việt Nam nhận định, họ đang cố “làm diễn biến hòa bình”. tức dùng các thông tin méo mó để xuyên tạc sự thật rồi làm cho nền tảng xã hội VN dần dần rệu rã, làm cho quần chúng VN mất lòng tin vào chính quyền rằng là chính quyền hiện nay không có chính nghĩa, bước cuối cùng là vùng lên lật đổ chính quyền với sự hậu thuẩn của “bên thua cuộc”.
Bọn họ có quá ảo tưởng là nhẫm lẫn không ?
Nếu ai có chút tỉnh táo thì hãy đi ngược lại cuộc chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ từ năm 1945 đến 1954 Mỹ đã gần như trực tiếp can thiệp vào chiến trường Việt Nam, thế giới đã công nhận đến 4/1954 Mỹ đã viện trợ cho quân viễn chinh pháp gần 80% tổng lực lượng chiến tranh của Pháp ở Đông Dương, rồi sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ 7/1954 thì Mỹ đã trực tiếp đưa lực lượng của Mỹ vào chiếm đóng miền Nam có lúc quân đội xâm lược Mỹ lên đến cả triệu tên ! Máy bay Mỹ thực hiện hàng ngàn phi vụ bắn phá giết hại nhân dân miền Nam vô tội mỗi ngày, rải hàng triệu gallon chất độc xuống làng quê và thành thị miền Nam, dùng các lực lượng đặc biệt Mỹ (SEAL) tràn vào các làng quê hẻo lánh để giết hại nhân dân vô tội ở Sơn Mỹ, Bến Tre, ở Sông Vệ, Quảng Nam, Tây Nguyên…Mỹ đạo diễn làm khuynh đảo chính quyền bù nhìn ở miền Nam như giết Ngô Đình Diệm, chỉ đạo lật đổ nhiều lần các chính quyền Sài Gòn từ 1963-1969, xây dựng Ấp chiến lược để xé nát làng quê miền Nam, xây dựng hàng ngàn căn cứ quân sự của Mỹ và chư hầu trên khắp miền Nam….
Nhân dân miền Nam chịu bao đau thương của chiến tranh do Mỹ và Chư hầu và bọn tay sai chiếm đóng gây ra mà nay họ ảo tưởng đặt tên lại cuộc chiến là ” Nội chiến huynh đệ tương tàn” !
Họ cố tình quên chiến lược “thay màu da cho xác chết” tức “Việt Nam hóa chiến tranh” một âm mưu khốn nạn của Mỹ bằng cách rút quân chủ lực Mỹ về nước và đưa quân đội tay sai bù nhìn Sài Gon ra chịu trận để giảm thương vong cho quân xâm lược Mỹ và chư hầu mà người miền Nam phải chịu cái chết thê thảm thay cho họ…thế là nội chiến hay cuộc chiến xâm lược của Mỹ ở miền Nam..
Cho dù chúng cố đánh tráo danh từ để tự vừa lòng chúng nàm trong kế hoạch “Diễn biến hóa bình” nhưng âm mưu chúng chỉ là tiếng sủa vu vơ mà đoàn lữ hành VN vẫn hiên ngang tiến bước trên con đường xây dựng lại quê hường mình mà đã bị Thực dân Pháp- Đế quốc Mỹ và lũ chư hầu tay sai xâm lược tàn phá trong cuộc chiến tranh bẩn thỉu của chúng từ 1858-1975

HTS đã nói


Tưởng ai lên tiếng KHEN cuốn “Bên Thắng Cuộc” của HUY ĐỨC, chứ ông Vũ Ánh thì, theo tôi, thực là làm hại ông HUY ĐỨC hơn ai hết. Thương như RI là bằng mười HẠI nhau đấy. Bởi vì, đối với người Việt tỵ nạn CS, nhất là ở Mỹ, ông Vũ Ánh này rất “nổi tiếng” qua việc để cho báo Người Việt (mà ông là người phụ trách với chức vụ Biên Tập) đăng bài nhục mạ lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, biểu tượng thiêng liêng của mọi người Việt xuất thân từ Miền Nam Tự Do dưới chê độ VNCH, qua bài viết của một cô (gốc Miền Bắc) tên Huỳnh Thủy Châu, trong đó có hình lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ nằm trong chậu rửa chân (của giới làm NAIL bên Mỹ). Vụ này đã gây ra sự PHẪN NỘ của Cộng đồng người Việt tỵ nạn CS trên toàn thế giới và báo Người Việt đã phải chính thức xin lỗi đồng bào ta ở nước ngoài, và cách chức ông Vũ Ánh.
Nay, đọc bài này của VŨ ÁNH, những người Việt nói trên chắc chắn là sẽ mất nhiều cảm tình với cuốn “Bên Thắng Cuộc”và có thể GHÉT LÂY ông Huy Đức, tác giả của cuốn sách này. Nếu mục đích cuốn “Bên Thắng Cuộc” của ông HUY ĐỨC là chỉ để cho người trong nước đọc, thì có lẽ lời KHEN của ông VŨ ÁNH cũng không sao, chứ nếu ông ta muốn cho người Việt tỵ nạn CS đọc sách này, thì có lẽ bài viết trên đây của ông VŨ ÁNH là phản tác dụng, dù ông ÁNH có cố gắng phân tích ra sao cũng bằng thừa.
Nhận xét của tôi là cuốn “Bên Thắng Cuộc” cho tới nay, hầu hết những người CA NGỢI nó đều là những người hoặc thuộc phía CS (tức là cùng phe với tác giả), như nhà văn Nguyên Ngọc, Giáo sư Chu Hảo, hoặc là những người có cảm tình với CS (nếu không muốn nói là THÂN CỘNG). Như các ông Giáo sư Trần Hữu Dũng, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, hoặc những người từng cộng tác với báo Người Việt bên Mỹ, một tờ báo có khuynh hướng thân Cộng, và cũng bị mang nhiều tai tiếng đối với người Việt tỵ nạn CS tại Mỹ, như quý ông Đinh Quang Anh Thái, và nay là ông Vũ Ánh.

Hoang Lan Moc Chau đã nói


Thưa bạn HTS
Tôi không nghĩ như bạn nói: “cuốn “Bên Thắng Cuộc” cho tới nay, hầu hết những người CA NGỢI nó đều là những người hoặc
thuộc phía CS hoặc là những người có cảm tình với CS”
Thực tế có người đã từng đánh nhau với CS, đã ở tù cộng sản kiểu học tập cải tạo. Ra tù, lại tiếp tục cầm súng lập chiến khu đánh lại CS, lại từng vào tù và nay vẫn tiếp tục chống cộng, vẫn dấn thân về tận VN để chống cộng chứ không phất phơ ngồi salon chống cộng. Người đó có thể cũng được gọi là trí thức ở xứ Hoa Kỳ tạm dung này, và người đó cũng ca ngợi Bên Thắng Cuộc
Nhiều nhà văn, nhà báo, trí thức chống cộng, mà tôi biết tại hải ngoại, cũng thích thú với cuốn sách này.
Tôi cứ nghĩ tôi sẽ đọc cuốn sách này trong một weekend, thế mà đã ba tuần rồi chưa xong. Cầm lên, đặt xuống với bao trăn trở.
Đọc lời giới thiệu cuốn sách trên Anhbasam, tôi đã “nôn nóng” .
Tôi “nôn” đọc vì hai lý do
1/ Từ những năm đầu 1980, chúng tôi đã nhận xét rằng Miền Bắc xâm lược miền Nam, nhưng miền Nam giải phóng miền Bắc. Nhan đề và nội dung cuốn sách phù hợp với nhận thức của chúng tôi.
Dù mới đọc một phần cuốn sách, tôi thấy Huy Đức đã viết với sự điềm tĩnh, khách quan với những dẫn chức tôi tin là thật.
2/ Không quen Huy Đức, nhưng từ những năm 1980, khi những bài viết của anh xuất hiện trên Tuổi Trẻ, chúng tôi đã có những nhận xét tìch cực về anh. Chúng tôi thích anh và trân trọng anh.
Và đến nay, tôi trân trọng anh thêm nữa vì anh thực sự có đủ tính chất của mõt NHÀ BÁO khi viết cuốn sách này.
Trân trọng. HLMC

Nắng Hạ đã nói


Theo tôi ông Ánh đã lợi dụng [bên thắng cuộc để đánh phá những thành phần đã đánh ông ta ] tôi không thích lấy những chuyện cũa chiến tranh nam bắc Mỹ gài vào chiến tranh VIỆT NAM hay là gài vào chuyện cũa báo Người Việt ,chúng tôi những người thua trận chưa bao giờ đòi hỏi việt cộng một lời xin lỗi với chúng tôi , có chăng là những người mẹ VIỆT NAM họ đòi việt cộng xin lổi họ vì sự gian trá để đưa dân tộc vào con đường khốn khổ như hôm nay .nhưng nếu có thì cũng là những ý kiến cũa cá nhân thôi ,dân chúng không ai lên tiếng như vậy cả ,ông này đôi khi rất lạ lùng ,tuy nhiên cũng là lẽ thường tình .đọc sách nhưng không nên quá vội tin sách .hảy suy nghĩ các bác ạ ,hơn nữa hình như đã có những lời xin lỗi .ngu nhất là làm sai không biết mình sai và cũng hèn hạ nhất không có can đãm nhận là sai .khi dân chúng đang nhìn mình bằng nữa con mắt .VNCH thua cũng vì dùng những thằng này .nên chi chết là đúng và đÁNG .

Vị Nhân đã nói


Tôi đọc đến câu ông Vũ Ánh nói rằng:”….Miền Nam(chống trả sự xâm lăng của Miền Bắc) duới cái nhãn khác, đó là “tiền đồn cuả thế giới tự do”…”, thì tôi ngưng, vì tôi cho rằng ông Vũ Ánh nói sai.
1) Dù một, vài người lãnh đạo Miền Nam có tuyên bố như vậy khi đi “cầu cạnh” thì cũng do ở nhu cầu cần sự giúp đỡ cuả HK và các nước trong khối “Tự Do” để TỰ VỆ, nhưng tuyệt đại đa số người dân Miền Nam không có gì hãnh diện hay tự nhận mình làm tiền đồn cho ai. Họ chỉ cần được sống Tự Do và mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân và gia đình họ. Vả lại, hành động chống trả(sự xâm lược) kia là phản ứng tự nhiên và bắt buộc, họ có cần tự “dán nhãn” làm tiền đồn cho ai không?
2) Xin ông Vũ Ánh, với lương tâm cuả một con người, xác định lại, ngoài cái nhãn “giải phóng và thống nhất”, khi gây cuộc chiến mấy chục năm, miền Bắc còn cái “nhãn ” nào khác không? Ông hãy tự hỏi nếu chỉ với mục đích “giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước”, khối Công Sản có tận lực giúp cho miền Bắc công cuả để tiến hành cuộc chiến ròng rã 20 năm không?
3) Xin đừng hời hợt nhận định rằng, cuộc huyết nhục tương tàn vừa qua là do vũ khí ngoại bang. Vũ khí chỉ là phương tiện, lòng người( tham vọng) mới là nguyên nhân chính. Cuộc chiến tranh Nam-Bắc do các chuá Trịnh- Nguyễn kéo dài hàng trăm năm do vũ khí ngoại bang nào?
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của độc giả Nhật Lệ về v/đ “cá nhân” cuả ông Vũ Ánh và hiểu tại sao ông “cay đắng” với đồng hương của ông!

Vị Nhân đã nói


Nói về vấn đề xin lỗi hay không xin lỗi (cuả bên thắng cuộc),nhân ý kiến cuả bà Vũ Phương Anh, ông Vũ Ánh đặt vấn đề:” Một nhân vật lịch sử cổ đại (sic!)là vua TNT, một vị vua nhân đức, và một tấm lòng mở rộng như Phật sống, tha tội cho tất cả quan quân đã từng cộng tác với giặc Phương Bắc để hàn gắn, hoà giải dân việt,(thì) có phải là nhận lỗi không?”
Ông đang định đề cập đến v/đ gì và so sánh về cái gì đây? Phải chăng ông muốn đem sự việc Vua Trần Nhân Tông ra để ví với “bên thắng cuộc”, tha tôi cho những kẻ làm tay sai cho bọn xâm lược Mỹ, chính quyền miền Nam? Và việc nhân từ đó đã là hàn gắn, hoà giải rồi, tại sao còn đòi phải “nhận lỗi”? Nếu không đúng ý ông, xin ông một lời giải thích.
Ông hoàn toàn đúng khi đòi hỏi những người lãnh đạo miền Nam phải xin lỗi những người dân miền Nam vì để “mất nước”(!), trước khi đòi hỏi bên thắng cuộc nhận lỗi. Có điều ông đang gian lận, hoặc ít ra là ông không hiểu bà VPA đang nói gì. Bà Vũ Phương Anh gắn kết v/đ bên thắng cuộc nhận lỗi là dùng điều này làm tiền đề cho việc hoà giải (rồi hoà hợp)giữa HAI BÊN “thua, thắng”, hoàn toàn khác với ý ông đòi những người lãnh đạo miền Nam phải xin lỗi người dân miền Nam, cho sự hoà hợp hoà giải giữa những người Miền Nam với nhau ư???
Cuối cùng thì đúng như ông nói, suy nghĩ cuả ông CHỈ LÀ CÁI CỚ! Không phải cho cuốn sách, nó chỉ là phụ. Cái chính là ông,dù nói Đông, nói Tây, rồi cũng bộc lộ ý chính là, lên án cộng đồng nơi ông sinh hoạt, dù sống ở một nước văn minh mà chưa bao giờ nói được những lời ôn tồn, lịch sự…Một số cá nhân hoạt động Cộng Đồng thì là những tay biện lý, quan toà chỉ biết phán xét mà không biết lắng nghe. Động dao, động thớt bằng những lời lăng mạ, thô tục…và bất nhất, khi khen, lúc chê những người từng ở phía bên kia. Họ có thể là những biện lý, quan toà đáng lên án về nhiều việc, nhưng với ông, Vũ Ánh, họ “lên án” đúng người đúng việc!
Tốt nhất, ông Vũ Ánh nên ngay chính lên tiếng qua những phương tiện truyền thông mà ông từng cộng tác, tôi nghĩ một số sẽ giúp ông, còn nếu có nơi từ chối thì ông nên tự hỏi tại sao, thay vì phải mượn cớ như thế này!

Dế Mèn đã nói


Có lẽ lớp người quan tâm tìm đọc Bên Thắng Cuộc nhiều là tầng lớp đã tham dự vào “cuộc tranh chấp” của cả 2 bên – bên thắng và bên thua – và tầng lớp thuộc thế hệ trưởng thành trong thời kỳ sau chiến tranh (được mênh danh là thời kỳ bao cấp) – cũng thuộc về cả 2 bên. Tuy vậy, giá trị mà cuốn sách có thể mang lại vẫn dành chủ yếu cho thế hệ lớn lên sau chiến tranh.
Mặc dù anh Huy Đức vẫn dành tâm huyết là “viết cho các nhà lãnh đạo đang cầm quyền để tránh các sai lầm…” nhưng sự thay đổi ấy là hãn hữu. Bởi những thành kiến, miệt thị, hận thù hẹp hòi dai dẳng, lòng tham lam quyền lực và vật chất sẽ khó làm cho họ thay đổi được, hoặc sự thay đổi cũng chỉ ở một mức rất hạn chế. Cũng vậy, sự uất ức vì bị sỉ nhục, sự căm phẩn vì bị đối xử tàn nhẫn, sự mất mát, sự khinh bỉ những con người thiếu học, tham lam và có quyền lực, cũng sẽ làm cho đa số lớp người bên thua khó lòng có một tầm nhìn cởi mở, vị tha, hòa giải.
Bên Thắng Cuộc có thể được coi là một trong những tác phẩm đầu tiên vén các tấm màn đầy hào quang lấp lánh đẹp đẽ của tuyên truyền để thê hệ sau có thể thấy rõ hơn thực chất của cuộc chiến tranh tương tàn giữa 2 miền anh em. Nó cũng vén tấm màn u u minh minh về công cuộc cải cách, đổi mới để phát triển đất nước của đảng CS. Giá trị của nó là chỉ mới vén các tấm màn, can đảm vén các tấm màn để các thế hệ trẻ – với tâm hồn đã ít thành kiến, đã vơi hận thù, đã có nhiều chất trí tuệ và tâm huyết – có thể nhìn vào quá khứ, để tìm hiểu sâu hơn về sự thật, và biết cần làm gì để vực dậy dân tộc, để đưa đất nước đi đến một tương lai xáng lạn, bền vững.
Tương lai của dân tộc là thế hệ trẻ. Và như vậy, những cuốn sách như Bên Thắng Cuộc cần được có nhiều hơn.

BSJ đã nói


Đồng ý với bác Dế mèn!
Một sự thật trong xã hội VN hiện tại là, có quá nhiều người mơ hồ về những gì xảy ra sau 30-04-1975! Quả đúng như Huy Đức tâm sự về mục đích cuốn sách của anh ! Tác giả chỉ là người quan tâm tìm hiểu và đã tạo nên một “kho tư liệu” để cống hiến thêm cho người dân VN, nhất là thế hệ sinh sau 1975 thêm một khía cạnh nữa về một giai đoạn lịch sử quan trọng !
Bên thắng cuộc đầy ấp sự kiện, đọc vào sẽ có những đứa con hiểu thêm về quá khứ của đất nước và quá khứ của cha mẹ mình, cùng các quan chức CSVN! Và cả những bật cha mẹ kia, cũng hiểu ra thêm những gì đã diễn ra khi “mình đã từng là một nhân chứng sống”! Và nếu được như vậy, nhìn ngược về quá khứ như thế, sẽ là điều rất hữu ích, rất thiết thực khi đánh giá hiện trạng của đất nước và dân tộc ! Những tập tiếp theo, có thể cống hiến cho người đọc “một cái nhìn nhân quả”lạnh lùng ! Trả lời hàng loạt các câu hỏi “Tại sao”, ít nhiều lý giải được một số nguyên nhân, hệ quả của hôm nay ? – Cuốn sách có thể làm người đọc cảm thấy như mình trên một chuyến đi chung với tác giả, từ “bưng biền” cho đến “vỡ trận và tuẫn tiết” của quân đội miền Nam. Trãi nghiệm với tác giả và hiểu hơn về nạn“Cải tạo ngụy quyền”,“ Vượt biên, thuyền nhân, đánh tư sản, cải tạo công thương ,đổi tiề ” như các thãm cảnh đau thương đã từng xảy ra ở ½ nước Việt này như là kết quả của sự trừng phạt, trả thù và triệt phá khốc liệt nhất đến từ kẻ chiến thắng… Rồi đến những sai lầm ngu xuẩn trong các loại chính sách bao cấp mù quáng, đưa quốc dân vào bế tắc, khủng hoảng. Giới trẻ sẽ hiểu ra thực chất các thứ “Mậu dịch quốc doanh, bù giá vào lương, kinh tế mới , khoán chui ,xé rào…” để biết tình hình Kinh tế của VN sắp bước ngược về nơi ấy sẽ như thế nào ? Đặc biệt giới trẻ sẽ hiểu rõ Tàu là ai, Mỹ là ai, Campuchia là ai…để biết VN đã và sắp sửa là “ai” ?…v.v
BTC không phải hồi ký, nó giống với một sự ghi chép hơn ! ( Ảnh hưởng nghề …nhà báo) . Nhưng những sự thật cứ được công khai, lồ lộ hiện ra trong mắt người đọc. Chính bản thân những sự kiện ấy, chúng tự nói lên mọi điều cần nói ! Tác giả được biết thế nào, trình bày ra như thế ấy, chỉ là những sự kiện, diễn tiến đã xảy ra. Tác giả chưa bao giờ khẳng định , cuốn sách này sẽ là cái nhìn tiên quyết cho lịch sử VN sau 1975 ? Mà đúng ra, có lẽ tác giả trông đợi chúng ta sẽ có dịp bàn luận về các sự kiện quá khứ và hiểu chúng, hơn là về quan điểm chính trị hay về lý lịch cá nhân tác giả ! Có biết bao cái nhìn khác nhau khi cùng nhìn vào một sự kiện lịch sử, cuốn sách này cũng sẽ không là một ngoại lệ. Một số người đọc nó như nhớ lại những kỷ niệm ! Một số khác nuối tiếc, trầm ngâm…Một số nữa rùng mình ám ảnh và một số khác ( từ cả hai bên chiến tuyến ) sẽ đọc nó bằng ánh mắt hằn học vì chưa được thỏa ý.
Đặc biệt lại có một số lại đọc với tâm trạng bất an…và cái nhìn giận dữ. Ha ha ! Dĩ nhiên, CSVN và bọn bồi bút của họ, rất không thích mọi loại sự thật ! Vì cách làm ấy của tác giả , đi ngược lại thói quen che dấu, bịa đặt và vu khống của CSVN. Họ thường xuyên “lọc bớt đi những sự thật bất lợi”, do đó, “lấy bụng mình suy bụng người” họ cho rằng tác giả “đưa những sự thật có chọn lựa cho một ý đồ chính trị”. ( Lại cũng là cách buộc tội đê tiện đúng bản chất của CSVN. Không lạ gì !) Nhưng khi những kẻ “còn đảng còn tiền, còn sống sót” đối diện với nguồn tư liệu đồ sộ hết sức thuyết phục trong tập sách (và chỉ trong tập 1, đã có đến 608 mục phụ lục trong hơn 30 trang “danh sách tham khảo”), … chúng chỉ còn biết thở dài và …”sủa thêm” đôi tiếng lấy lệ !
*******
Về thể loại sách này, có người lo rằng: “…BÊN THẮNG CUỘC là “người Mohican cuối cùng”, một dấu chấm hết đậm đà cho phong trào dân chủ – nhân quyền…“ – Xin thưa! Chẳng có cái gì có thể gọi là cuối cùng cả. Chỉ có những người đã lên tiếng, đã nói ra và những người còn đang im lặng! Nó sẽ là những diễn tiến tiếp tục, sự “bạch hóa” trong Chính trị, Văn hóa, Xã hội, Giáo dục…v,v,sẽ không có điểm dừng, luôn có những người chưa nói, chứ không có người không nói !
Ở Việt Nam, các tác phẩm Hoa xuyên tuyết , Mặt thật ( Bùi Tín), Đêm giữa ban ngày ( VTHiên), Đi tìm cái Tôi đã mất (Nguyễn Khải), Giọt nước trong biển cả (Hoàng văn Hoan), Tổ quốc ăn năn…rồi Hồi ký của một thằng hèn ,Bên thắng cuộc….v.v là từ những người đã nói ra ( và trong các vị ấy, có người chắc gì đã…nói xong đâu?).
Hãy còn vô vàn những người chưa nói, chưa thể nói, chưa muốn nói, chưa kịp nói…! Điều đó sẽ diễn ra như một luật tự nhiên, chẳng có gì là bí mật mãi mãi…CSVN hãy cứ đợi đấy !
PS: ” Cuộc” ở đây có lẽ là ” thời cuộc” hay “một cuộc cờ” ? Nó sẽ không có đoạn kết ! Tựa này phù hợp và có ý nghĩa hơn ” Bên thắng trận”

Vu Khoa đã nói


iến sĩ Phương Anh cũng nói “chính quyền hiện nay không chân thành nhận lỗi thì sẽ không bao giờ có hòa giải thực sự”. Một nhân vật lịch sử cổ đại là Vua Trần Nhân Tôn, một vị vua nhân đức và một tấm lòng mở rộng như Phật sống, tha tội cho tất cả quan quân đã từng cộng tác với giặc Phương Bắc với để hàn gắn, hòa giải dân Việt có phải nhận lỗi với phe thua cuộc? Lịch sử cận đại của cuộc chiến tranh Nam-Bắc Mỹ, Tổng Thống Abraham Lincoln khi chiến thắng Nam quân sau trận Gettysburg đã ra lệnh cho tướng Grant phải đứng ra để chào kính viên tướng Nam quân lên ngựa sau khi họ đã ký vào văn bản đầu hàng của Nam quân. Nhưng để hàn gắn, Tổng Thống Abraham Lincoln không phải ra lời xin lỗi Nam quân vì thực sự chiến thắng của Bắc Quân không phải là lỗi của ông. Nhưng hành động cấm tất cả binh lính dưới quyền Tổng Tư Lệnh Abraham Lincoln không được truy bức những cựu thù là một cách hàn gắn rất thông minh và văn minh khi bên chiến thắng chìa bàn tay ra trước. Và chung quanh các cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ tổ chức rất long trọng những ngày gọi là Quốc Hận, nhưng đã có ai trong số những người lãnh đạo quân sự và chính trị còn sống ở đây dám đứng ra nhận lỗi với chính những người thua cuộc và dân chúng còn ủng hộ bên thua cuộc dù đã để mất miền Nam Việt Nam không, hay họ vẫn cứ vẫn dễ dãi đổ tất cả tội lỗi cho Mỹ và Dương Văn Minh?
Cho nên, sau 37 năm Hà Nội chưa bị đe dọa bởi những chống đối trong nước hay tại hải ngoại thì mơ ước của Tiến sĩ Phương Anh vẫn chỉ là một giấc mơ đẹp nhưng không bao giờ thành hiện thực. Bởi một điều: Khó có thể đổ lỗi cho bên chiến thắng khi cuộc chiến đã bị quốc tế hóa thành ý thức hệ của hai khối Cộng Sản và Tư Bản. Trong một trận banh, bên nào lừa banh được thì bên đó dễ dàng xuyên thủng lưới đối phương. Bên thua khó lòng viện dẫn lý do là bên kia quỷ quyệt, chơi xấu nên mới thắng. Có phải do thế mà bên chiến thắng phải xin lỗi thì các khán giả ủng hộ hai bên trong trận banh từng chia rẽ nay mới có thể bắt tay đi uống bia với nhau được? Làm gì có chuyện đó, thưa Tiến sĩ Phương Anh? Tỷ số bàn thắng thua trong một trận đá banh hay bóng rổ vẫn là những con số lạnh lẽo, nhưng đáng buồn là nó xác định được thứ ưu thế cũng lạnh lẽo không kém của bên thắng trận. Làm sao có ai trả lời được câu hỏi nếu như Miền Nam là bên thắng cuộc thì liệu sự trả thù có diễn ra với bên thua cuộc là miền Bắc hay không?”
Đọc đoạn trên tôi có một ý nghĩ tổng quát là ông Vũ Ánh dường như không hiểu hết ý nghĩa cuả hai từ “Xin Lổi” mà Vũ thị Phương Anh viết. Đây chính là sự xin lỗi nhân dân, nhất là nhân dân Miền Nam về những gì mà nhân dân phải gánh chịu sau chiến thắng 75. Cải Tạo ,Đánh Tư Sản, Hợp tác Hoá NN, Bán bải Vượt Biên,Đốt sách giết học trò, Kinh tế mới và nhất là khi thi hành nhũng thủ đoạn trên, bên thắng cuộc là ĐCSVN đã dùng những từ ngữ điêu ngoa, xảo trá, những lời thoá mạ , chưởi ruả mất dạy, những vu khống ,chụp mũ bằng những lời lẽ hổn xược, để đổ lên đầu nhưng nạn nhân vô tội. Rồi bằng những trò đốn mật đó để truy bức, cướp của, giết người, tịch thu nhà cửa, ruộng vườn, vàng bạc, châu báu. về cho họ. Đokhông phải là tội ác trời không dung đất không tha sao hả ông Vũ Ánh?
Đã là tội ác tày trời mà ông thấy không cần phải xin lỗi thì tôi thấy không có lời nào để nói với ông nữa ông Chánh Sự Vụ Sở Thời sự Quốc tế và Quốc nội của đài tiếng nói VN cuả VNCH., Không những phải xin lỗi mà còn phải ăn nann sám hối như lời của TT Thích Quảng Độ.. Chẵng trách chi ông Vũ Ánh bị những người mà ông gọi là bọn chống Cộng cực đoan ơ HN chụp cho ông cái mũ thân cọng thì cũng đáng. Thực ra ông chẵng thân cộng đâu, mà ông chỉ không hiểu hết những gì người khác viết, và ngaycả ông viết mà thôi.
Một nhân vật lịch sử cổ đại là Vua Trần Nhân Tôn, một vị vua nhân đức và một tấm lòng mở rộng như Phật sống, tha tội cho tất cả quan quân đã từng cộng tác với giặc Phương Bắc với để hàn gắn, hòa giải dân Việt có phải nhận lỗi với phe thua cuộc? ”
Ông Vũ Ánh có thấy là ông so sánh một cách khập khiểng như thế nào không khi ông viết câu trên để cho rằng CSVN không cần phải xin lổi ai cả? Hai cuộc chiến không giống nhau từ ý nghĩa đến con người. Hay là ông cho rằng phía CS thì hoàn toàn có chính nghiã trong khi phiá miến Nam chỉ là lũ tay sai bán nuơc. Và so sánh Vua TNT với Lê Duẩn? Nếu vậy thì tôi không hiểu tại sao ông một mực kêu oan khi họ cho ông là tay sai CS?

Anhvu73f đã nói


Cám ơn nhận xét của bạn.
Dưới đây là câu trả lời của tôi cho bạn bè trên facebook:
Có lẽ người viết bài này không hiểu ý tôi. Tôi không nói xin lỗi vì cuộc chiến tranh, hay xin lỗi vì đã thắng trận (và giết chết nhiều người trong cuộc chiến đó). Mà xin lỗi vì những gì đã làm sau ngày cuộc chiến chấm dứt, xin lỗi vì sự trả thù. Ý tôi là nếu như họ (bên thắng trận) muốn có sự hòa giải (để đất nước mà giờ đây họ là người đang nắm quyền điều hành) có thể thực sự phát triển, chứ không còn những mối hận thù giữa hai bên trong lòng người dân Việt. Tiếc thay, họ không những không chịu nhận những sai lầm của mình sau ngày “giải phóng” mà vẫn còn tiếp tục luận điệu theo kiểu “như thế còn chưa ác bằng thời VNCH tra tấn, giết chóc những người theo CM” (như bài viết mới đây của Đức Hiển trên báo Pháp Luật TP HCM). Nếu họ nói như thế, thì xin hỏi họ phải làm như thế nào nữa mới “trả thù” cho xong các ác ấy, và trả đến mấy bao nhiêu đời mới đủ đây? Và phải chăng việc xét lý lịch là vẫn tiếp tục trả thù đến những thế hệ sau?
Vũ Thị Phương Anh

Vị Nhân đã nói


Thưa chị Vũ Phương Anh,
Tôi không nghĩ ông Vũ Ánh không hiểu ý chị, có điều ông ấy có dụng ý khác. Chỉ những người trong CĐNVHN ở Orange County, California mới hiểu “tâm sự” cuả ông ta.
Chị và quý độc giả hãy lưu ý đến lời giới thiệu trước khi vào bài. Ông Vũ Ánh từng giữ vai trò Chủ Bút, rồi TTK ở những cơ quan báo chí nổi tiếng trong CĐNVHN như nhật báo Viễn Đông, Người Việt… rồi sáng lập “đài” này, cộng tác với đài kia, sao bây giờ ông không lên tiếng ở những nơi “vua biết mặt, chuá biết tên” đó, lại đi đăng bài trên một tờ báo tuần, do mình làm “cố vấn”, chẳng ai biết tới?

D.Nhật Lệ đã nói


Nói chung,nhà báo Vũ Ánh phê phán cũng được,chứ không xuất sắc gì lắm.Tiếc là ông nói hơi nhiều thành ra sai !
Giá như Vũ Ánh không lợi dụng việc phê bình cuốn sách để chen vào những lý lẽ “trả thù” một số người từng phản đối hành
động sai lầm của ông ta thời làm việc cho tờ Người Việt thì hay và thuyết phục hơn rất nhiều.(Tôi có cảm tình với tờ NV.,nhất
là nhà báo NNDụng tức giáo sư ĐQToàn,nhưng có lúc tờ NV.làm sai rõ ràng thì tôi cũng phải phê phán).
Một số người chống lại ông là quyền tự do của họ trong nước dân chủ,nếu qúa đáng thì ông có quyền trách cứ họ là quá thù
hận hay đại loại như thế,thay vì chụp mũ cho cả cộng đồng như ông đã viết.
Cái sai ít của Vũ Ánh là so sánh cuộc chiến tranh với trận đá banh nhưng sai nhiều ở chổ nếu một bên không tôn trọng luật
chơi thì trận đó có đáng để “phán” như ông không nhỉ ? Thực tế thì nhiều trận đá banh có sự ăn gian của trọng tài,giám biên
hay cả cầu thủ bán độ,nếu 1 bên mua chuộc họ như chúng ta thấy đã xảy ra,ông Vũ Ánh ạ ! Trận đá banh mà vậy,huống chi trận chiến tranh rất cần sự gian giảo xảo quyệt !
Sai lầm nữa là liên hệ với chuyện vua Trần Nhân Tôn vì trận chiến tranh thời đó thuần tuý là chống xâm lược nước ngoài,chứ không phải có tính chất của cuộc chiến huynh đệ tương tàn vừa qua,thưa ông VA.!
——
BTV: Chắc bác D.Nhật Lệ chưa đọc thư mời họp (circular email) của Ng.Nam Ha/ Phan Kỳ Nhơn về vụ “Biểu tình phản đối nhật báo Người Việt” giới thiệu sách “Bên Thắng Cuộc”? Nếu đã đọc có lẽ bác sẽ hiểu ý của tác giả hơn.

Nói chung, bây giờ không còn là cuộc chiến Quốc-Cộng nữa, mà là cuộc chiến giữa độc tài và dân chủ. Cả 2 phía CSVN và người Việt hải ngoại (có những người thuộc VNCH cũ) đều có 2 thành phần này. Cả 2 phía đều có nhóm “cực tả” và “cực hữu”, rất ghét sách “Bên Thắng Cuộc”, nhưng cả 2 là kẻ thù không đội trời chung.


Tuan Phan đã nói


@D. Nhật Lệ
Một trận cầu cho dù rằng bên thắng cuộc có “an gian” hoặc vi phạm luật lệ, thì anh nên nhớ rằng: Kết quả trên bảng điểm vẫn giử nguyên, không hề thay đổi (ngoại trừ một số rất ít trường hợp được cứu xét). Tức là phải công nhận “bên thắng cuộc” vẫn là thắng cuộc. Chứ lúc đó không phải đưa ra những lý lẻ để biện minh cho mình….Vì cho dù là biện minh như thế nào thì vẫn là “thua cuộc” do bảng điểm đã ấn định.
Có thể Vũ Ánh đưa ra ví dụ về vua Trần Nhân Tôn không đúng lắm. Nhưng Nhật Lệ phải hiểu ý tác giả muốn chỉ ra rằng: Rất khó có chuyện bên “thắng cuộc” phải đi xin lổi bên “thua cuộc”. Điều này rất đúng với tâm lý. Thế thì không lý nào Nhật Lệ lại không nhận ra điều đơn giản này! Bên thắng cuộc nếu đối xữ tốt với bên thua cuộc đã là “more than enough” rồi. Cho nên đừng nói chi phải “xin lỗi” là chuyện hoàn toàn không hợp lý (cho dù họ có thật sự sai trái). Bởi vì đơn giản họ là người thắng cuộc.
Tôi có lẽ cũng chỉ lớn hơn Huy Đức vài tuổi. Cho nên nhận định về cuộc chiến tranh Nam-Bắc trong quá khứ không hẳn là đúng đắn và tường tận. Nhưng những gì Vũ Ánh nhận xét trong bài viết trên, về cộng đồng người Việt trong nước và hải ngoại hoàn toàn chính xác dưới con mắt nhận xét của tôi. Đồng thời tôi cũng phục Vũ Ánh một điểm khác: Đó là đã không dùng những ngôn từ đao to búa lớn để thóa mạ “kẻ thắng cuộc”. Cho dù ông ấy đã chịu 13 năm tù cải tạo. Liệu những quý vị nào hay dùng những từ thóa mạ hạ cấp để chửi rủa (khiến mình càng bị hạ thấp nhân phẩm), đã thật sự gian khổ, đọa đày như Vũ Ánh chưa, mà lại có hành động như thế!!
Hãy nên là một người có ứng xữ đúng với xã hội Mỹ là nơi mình đang sinh sống, là xứ sở của tự do và nhân bản.

Tổng số lượt xem trang