Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Nhân đọc bên thắng cuộc (29) - –và quả quýt lịch sử của cha tôi

teq316
-Mấy bữa trước được mấy ông bạn share cho cuốn “Bên thắng cuộc” của Huy Đức, tôi đọc lướt vài trang trong giờ làm việc, thấy ngay đây là một cuốn nhất thiết phải dành thời gian đọc. Không vội bàn đúng/sai hay/dở, tôi cho rằng cần phải tôn trọng và ủng hộ nó, vì cái mục lục của nó, như là một cuốn từ điển về các vấn đề mà tôi vẫn quan tâm. Tôi lập tức lên mạng mua bản có bản quyền, giá khoảng 25 cốc bia/cuốn. Rồi lại mua thêm 2 bản nữa để tặng cho 2 thằng bạn bia cũng là hai thằng bạn ấu thơ nay còn thường gặp. Tổng cộng đã ủng hộ nhà báo Osin 75 cốc bia hơi vỉa hè.

Bạn tôi đọc ngấu nghiến, rồi vừa đọc chúng vừa qua nhà tôi, góp bia xơi thêm vài két nữa để bàn luận.

Bận rộn tôi đọc vẫn chưa xong, nãy vẫn còn đang đọc, nhưng thấy cảm hứng quá nên lại phải leo lên blog ngồi viết, dù tôi vẫn có một chủ trương cá nhân là không bàn chính trị hoặc những gì liên quan đến chính trị trên blog. Một là việc đó đã có nhiều người làm rồi và đọc suốt rồi, hai là tôi chỉ thích bàn những chuyện này ở bàn bia những hôm trong người thư thái.
Theo tôi cuốn sách này có một điểm xuất sắc lớn và một điểm mới mẻ lớn.
(1) Xuất sắc là ở chỗ nó có rất nhiều số liệu, rất nhiều chi tiết. Với thâm niên đọc đài ta đài địch, với sở thích tìm hiểu lịch sử, nhưng là một kẻ chỉ quan tâm chơi chơi cũng như trình độ phọt phẹt, chi tiết và số liệu là những thứ mà rất ít khi đọc được. Những cái thường đọc được chỉ là sa đà kể lể, hoặc tóm tắt kết luận, hoặc biện giải cá nhân. Chi tiết và số liệu đầy ắp trong cuốn sách này, kể cả ở mạch viết và cả ở các ghi chú, đem đến cho tôi rất nhiều niềm hứng thú. Chi tiết có đúng không, số liệu có đúng không, nếu tiếp tục quan tâm thì tôi sẽ tìm hiểu sau, hoặc sẽ có những tác giả khác sẽ soạn cho anh em xơi.
(2) Mới mẻ ở chỗ, cuốn sách đem đến những chân dung cụ thể về các vị lãnh đạo. Các vị lãnh đạo được nhắc tới trong sách, được kể một cách sống động, rất con người thường nhật. Chẳng hạn như bác Lê Duẩn, trước nay tôi vẫn chỉ nghe phê phán về những sai lầm những năm cầm quyền cuối đời. Thì ở trong sách này, bác Duẩn hiện lên một cách sáng sủa, có những tư duy vĩ đại (trong bối cảnh đó, như cách mà bác nghĩ là cần bình thường hóa quan hệ với Mỹ ngay sau chiến thắng 1975) bên cạnh những sai lầm vĩ đại (cũng trong bối cảnh đó).’
Điểm mới mẻ (2) này làm tôi trộm nghĩ, dường như cuốn sách này được viết ra để thanh minh cho các vị lãnh đạo, bao trùm hơn nữa là cho chế độ. Bên cạnh những phê phán (không mới, đài địch nói ra rả) thì có những ngợi ca (có vẻ như) kín đáo mà (thực sự là) du dương. Chắc là ngu ngốc mà lại cố tỏ ra nguy hiểm,  tôi thấy đây là một cuốn có tác dụng tuyên truyền.
Gì chứ ông già tôi mà đọc, ông sẽ gật gù. Gần đây ông có vẻ chán nản, nghĩ về kỷ niệm chỉ là đời tao đánh nhau là để chúng mày giờ mua cái vé là sau hai tiếng đã vào Sài Gòn nốc rượu với bạn. Cuốn sách này có thể làm ông vui lên, đấy hồi sau 75 rồi bao cấp khổ sở như chó mà tao vẫn nuôi được chúng mày, nhà mình vẫn dần khấm khá, có đâu như chúng mày giờ suy thoái tí chửi nhặng xị.
Mai tôi in cho ông già đọc.
Dù tôi cảm nhận thế nào, đây là một cuốn sách có giá trị. Như nói ở trên, nó là từ điển của những điều mà chúng tôi quan tâm. Tôi có gửi một bản PDF lậu cho chú em ở Sài Gòn. Tôi email nó, bảo nhất thiết phải đọc, nó sẽ trả lời cho chú một số những thắc mắc mà một thằng ba Tàu Chợ Lớn sinh ra sau chiến tranh như chú vẫn băn khoăn. Tôi, một thằng lớn lên trong gia đình công chức ở Hà Nội những năm 80, và thằng ấy, lớn lên trong một gia đình gốc Hoa buôn bán nhỏ ở quận 5, nếu bàn về những điều để cập trong cuốn sách này, có lẽ phải mất vài ngày.
***
Cha tôi sinh năm 1947, được hoài thai trong những ngày tháng đẹp đẽ của thu đông 1946, khi ông nội tôi trở về sau Cách mạng tháng 8-1945, từ anh thông ngôn ở mỏ được hiện nguyên hình là một anh cộng sản. Rồi kháng chiến 9 năm, cha tôi lớn lên chỉ với người mẹ của ông, một phụ nữ hơi biết chữ vừa nuôi con vừa giấu tài liệu kháng chiến trong gánh hàng chợ của mình. Cha tôi chỉ được thừa hưởng cái cương cường từ trong huyết quản, nhưng không được thừa hưởng cái hào sảng và tinh tế mà mọi người vẫn truyền tụng về ông nội tôi.
Ông nội không có nhà và không gần gũi để đem đến những ảnh hưởng tốt của ông (như truyền tụng của mọi người) cho cha tôi. Cha tôi muốn khẳng định nhưng không được. 17 tuổi cha tôi nhập ngũ, có lẽ là được đánh giá cao ở cả thân thế lẫn đầu óc, nên thậm chí còn được cho đi học tình báo. Nhưng ông nội tôi (là một sỹ quan trung cao cấp) đã biết thế là sẽ thế nào, nên rút cha tôi ra, cho đi khám sức khỏe để làm phi công. Sẵn sức khỏe tốt thừa hưởng dòng máu của một trong những phi công chiến đấu đầu tiên của Việt Nam, lại thông minh, cha tôi đủ tiêu chuẩn đi học phi công tiêm kích, sang Nga học, rồi về đánh nhau. 300 phi công đợt đó, chỉ còn sống 50, trong số sống sót dĩ nhiên có cha tôi. Có lẽ là người ta không đưa con trai một sỹ quan không quân cao cấp lên trời trong những trận khốc liệt nhất, hoặc do cha tôi may mắn. Ông cũng đánh vài trận nhưng không sao cũng không bắn rơi được cái nào cả. Sống sót, ông lại được sang Nga học kỹ thuật, tránh được trận chiến 1972.
Chiến dịch 1975, ông tham gia với vai trò của những người tiếp quản các sân bay. Sau 1975, ông về trường không quân Nha Trang làm thày giáo dạy bay dưới quyền ông già của ông, tức ông nội. Ông cay đắng với cái bóng của ông nội, nên một ngày đã tuyên bố “lái máy bay cũng giống lái xích lô”, rồi chao cánh cắm đầu thổi bay đống rơm biểu diễn. Vì hành động đó, ông nội tôi nghĩ, cha tôi không sớm thì muộn sẽ chết, nên chuyển qua cho lái xe bò, tức máy bay ném bom. 1979, cha tôi gia nhập đoàn bay ném bom Campuchia, mà theo cha tôi kể lại, thì trút bom còn kinh hơn cả B52, vì khoang máy bay vận tải được chế thành khoang bom, mở khoang ngửng đầu lên là đít nhả bom như ỉa chảy, đoàn xe Pol Pot kẹt ở bến phà lãnh bãi ỉa chảy đấy, có lẽ nhiều nghìn người chết dưới cánh cha tôi và đồng đội. Như ông nói, ở dưới chỉ là các đốm sáng, đâu phải mạng người.
Hết Campuchia, cha tôi trở về quân chủng làm kỹ thuật thuần túy. Ông có đầy đủ tố chất để làm một chiến binh anh hùng, nhưng chẳng bao giờ được đánh nhau ở những trận chiến làm nên anh hùng. Tôi nghĩ là ông cay đắng và càng thèm khẳng định mà không thể.
Gần cuối năm 1979, tôi mới ba tháng và bị viêm phế quản cấp cứu trong bệnh viện. Cha tôi công tác về, đến bệnh viện, mẹ tôi bảo anh ra mua cho con quả cam. Cha tôi ra phố, móc hết tiền trong túi chỉ mua được quả quýt. Theo lời cha tôi kể, đưa quýt cho vợ xong rồi ông ra ngoài khóc, ông thề rằng sẽ làm tất cả để nuôi được con của ông.
Nhưng ông không có cửa gì cả. Sau đó một thời gian, ông cầm sách bút sang học cậu tôi. Cậu cả em trai của mẹ tôi, rất giỏi, không tốt nghiệp Bách Khoa vì tội đánh nhau, chưa từng một ngày khoác áo lính, nhưng rành sửa TV. Cha tôi theo học cậu. Vì cũng học hành về vô tuyến điện tử, nên cha tôi nhanh chóng học được nghề sửa TV, dù là kỹ năng và mánh thì sao bằng cậu tôi được. Đơn giản như mua linh kiện ở đâu, cũng phải nhờ cậu tôi chỉ cho từng cái.
Khi tôi bằng thằng bé con nhà tôi bây giờ, tôi còn nhớ như in một ngày, tôi theo cha đi sửa TV. Cha tôi thì cặm cụi, người ta cho tôi một cốc nước cam, pha từ cái tép giấy gì đấy của nước ngoài mà bột đổ ra vàng óng, và khi tôi uống thứ nước tuyệt vời đó (tôi lớn lên không uống nước hoa quả bởi vì nó quá chán so với ấn tượng đó) thì cha vâng dạ với bà chủ nhà những mong bà hài lòng với việc sửa chữa. Lúc đó cha tôi là đại úy, có quân có sỹ, đi làm là làm chui không dám nói với ai kẻo bị kỷ luật. Cậu tôi thì khệnh khạng, thường chê bai kẻ cả như thể xoa đầu cha tôi chỉ thiếu bàn tay vỗ lên tóc, tôi còn nhớ. Cha tôi, một mặt cam lòng, một mặt chẳng được hào sảng như ông nội, thường cay đắng và nỗi cay đắng càng ngày càng lớn đến độ củ chuối như giờ.
Mỗi tối, nếu không đi cùng cha, thì tôi chờ ông về. Đến khoảng hơn 10h thì ông về, Hà Nội lúc đó là khuya lắm, thì tôi phụ cha đi gánh nước. Ông gánh nước cho đầy bể, rồi tiếp tục gánh nước tưới rau. Tôi hứng nước vào xô cho ông, thời gian dài vô tận. Tôi sợ ma nhưng ngồi canh máy nước ở giữa bờ bụi và cây dâu cao cắm đầy que hương, cha tôi bảo, con trai thì không được sợ ma, tôi gật đầu con không sợ đâu, và cứ run rẩy từ khi cha tôi đi khuất cho tới khi ông lại hiện ra giữa bụi cúc tần, và tôi chiến thắng nỗi sợ theo cách đó. Tức là vẫn sợ mà vẫn phải kiên gan.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về tình dục đàn ông đàn bà, là một đêm thức dậy, nghe được, lúc ấy cha mẹ đang làm tình với nhau, dĩ nhiên khi lớn tôi mới hiểu. Mẹ tôi khi đó nói, anh, mạnh nữa lên anh. Rồi cha tôi nói, anh mệt quá rồi.
Rồi cha tôi cặm cụi làm chui sửa TV như thế, công việc cũng có phát triển, người ta mang TV đến nhà để sửa. Một ngày kia, nhà bị trộm, trộm khuân đi tới bốn năm cái TV. Thời đó so với bây giờ không thể sánh được, có lẽ giờ tôi mất 10 tỷ 20 tỷ tiền không phải của mình, mất phải trả nợ, cũng chẳng bằng cha tôi mất 5 cái TV hồi ấy. Đó là sự kinh hoàng. Sau này, tới sau năm 1990, khi đã khấm khá hơn nhiều rồi, tôi mới được xem cái TV màu đầu tiên cha tôi mua về, một cái JVC do Hanel lắp ráp. Sau ba tháng, trộm lại vào lấy mất cái TV ấy. Bây giờ, mỗi lần cha mẹ sang nhà tôi ăn cơm, xong cơm lại nóng ruột về ngay vì sợ không có ai trông nhà. Tôi bảo, nhà thì trộm chẳng vác đi được, tiền bố mẹ đã gửi ngân hàng, ô tô của bố thì đang ở dưới sân đây, trộm có vào thì nó lấy cái gì, lấy cái TV hay cái máy tính thôi chứ gì. Giả dụ có mất đi nữa có đến 20 triệu không mà bố mẹ lo thế. Nhưng cha mẹ tôi nhất quyết về, họ có nỗi ám ảnh lớn lao vì mất trộm.
Nhưng không chỉ tiền, cha tôi còn bị nỗi ám ảnh vì sự khinh thường. Sự khinh khi của cậu tôi khi phải dạy dỗ ông anh rể cách sửa TV để nuôi vợ con, ăn sâu thành nếp hằn trong não cha tôi. Nỗi đau càng lớn khi mẹ tôi, một giảng viên đại học, sau này học thành tiến sỹ, chê bai ông chồng quê mùa. Mà quả tình cha tôi quê mùa thật, nhiều khi không đỡ nổi, giờ này ăn cơm vẫn còn giơ tay quẹt mép rất phản cảm. Ông ngoại tôi cũng khinh khi cha tôi vì kém học, chỉ là thằng kỹ sư quèn. Sự mặc cảm ấy, cộng với cá tính không hào sảng hoành tráng, khiến cha tôi càng ngày càng lâm vào những cay cú. Từ đó lại dẫn đến những chuyện khác không hay ho gì mà ông phải chịu.
Và bây giờ, chẳng ai coi ông ra cái gì cả, một ông già về hưu, dở hơi cái gì cũng dở hơi, động vào sự vụ nào hỏng sự vụ ấy. Tôi phải làm hậu vệ kèm cặp ông trong mọi sự kiện của gia đình, bởi ông hễ nói cái gì cũng hỏng bét. Ông nói đến chuyện của tôi là tôi cũng cự ông tới số.
Nhưng mà không bao giờ tôi có thể coi nhẹ quả quýt của ông, và coi nhẹ những gánh nước của ông. Tôi đã lớn lên bằng những thứ đó, bằng những sự cố gắng và những hy vọng mà ông dành cho tôi. Có điều tôi chẳng thành một thằng như hy vọng của ông. Có nhiều thằng khác, nếu được điều kiện như ông già tôi dành cho tôi, thì đã ngon lành lắm rồi. Cha tôi đã thất bại ngay trong niềm hy vọng cuối của ông, là tôi và em trai tôi. Ông là một loser.
Giờ đây cha tôi là một ông già của chuối, già hơn nhiều so với tuổi 65 của ông, nghĩ cái gì nói cái gì cũng thấy củ chuối, chán ngấy phát kinh lên được. Nhưng mặc dù phản cảm và nhiều lúc tức giận và nhiều lúc dở cười dở mếu vì ông, tôi không bao giờ muốn cha mình là một người khác.
Năm xưa cha tôi đêm về gánh nước tưới cây, có 7-8 luống cây, xu hào bắp cải, rau muống, luống gần nhất là hoa hồng. Mẹ tôi mỗi sáng ra thức dậy, đều thấy hoa hồng nở trước hiên nhà. Tôi và cha tôi tưới tắm và bắt sâu cho luống hồng ấy. Luống hoa hồng còi cọc, hoa chỉ nở ban sáng rồi chiều đã lại lụi tàn.
Tôi nghĩ hạnh phúc là tình yêu được thể hiện ra và được công nhận.-Nhân đọc “Bên thắng cuộc”–và quả quýt lịch sử của cha tôi

-Chiến dịch đổ bộ đường biển lớn nhất Hải quân Việt Nam

(Kienthuc.net.vn) - Năm 1979, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã mở chiến dịch đổ bộ đường biển lớn nhất trong lịch sử hải quân ta.

Trong chiến dịch phản công biên giới Tây Nam 1979 quét sạch quân Khmer Đỏ ra khỏi lãnh thổ và giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ, lần đầu tiên Hải quân Nhân dân Việt Nam đã tổ chức chiến dịch đổ bộ đường biển lớn nhất trong lịch sử hải quân ta. 
Đổ quân lên Tà Lơn

Cuối tháng 12/1978, trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, quân đội ta tiến hành chiến dịch phản công lớn đánh vào toàn bộ các vị trí quân của Khmer Đỏ. Ở hướng biển Tây, Quân chủng Hải Quân được giao nhiệm vụ đảm trách mũi tiến công vào cảng Công Pông Xom và quân cảng Ream. 

Thực hiện nhiệm vụ, lực lượng hải quân lập kế hoạch đổ quân lên chân núi Tà Lơn. Tài liệu Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam viết: “Ngày 5/1/1979, tại Sở chỉ huy tiền phương, Bộ Tư lệnh Hải quân chính thức giao nhiệm vụ cho các đơn vị: bí mật đánh chiếm bãi đổ bộ tại chân núi Tà Lơn, phong tỏa đường 3 và 4, tiến đánh cảng Công Pông Xom, tiêu diệt lực lượng hải quân địch, ngăn chặn không cho tàu chúng từ quân cảng Ream, Công Pông Xom chạy ra biển, bảo vệ sườn trái đội hình đổ bộ của Lữ đoàn Hải quân Đánh bộ”.

Trên hướng tiến công của hải quân, lực lượng địch có Sư đoàn hải quân 164 và Trung đoàn 17 biên phòng cùng các lực lượng của đặc khu Công Pông Xom và tỉnh Cô Công với nhiều tàu pháo, tàu phóng lôi cùng với pháo đặt trên đất liền với công sự kiên cố. 

Lực lượng được giao nhiệm vụ đổ bộ lên chân núi Tà Lơn gồm Lữ đoàn Hải quân Đánh bộ 101 và 126. Để hỗ trợ cho hai đơn vị này có Hạm đội 171 và Hải đoàn 127 với các tàu pháo, tàu đổ bộ, tàu tuần tiễu.
Lực lượng Hải quân Đánh bộ Việt Nam trong một cuộc diễn tập đổ bộ đường biển.

Ngày giờ cuộc đổ bộ được xác định là 20h ngày 6/1/1979. Lúc 19h các tiểu đoàn của Lữ đoàn 126 đã áp sát bờ biển. Quân Khmer Đỏ phát hiện quân ta đã cho pháo bắn ra ngăn cản quyết liệt. Lập tức phân đội đặc công của ta tiến công tiêu diệt trận địa pháo. Trước đó, phân đội này đã bí mật đổ bộ vào đêm 4 và 5/1 để làm nội ứng chờ lực lượng đổ bộ. 

Cùng lúc, trận địa pháo tầm xa 130mm ở Phú Quốc và lựu pháo 105 mm ở đảo Hòn Đốc của ta bắn đồng loạt vào các trận địa pháo của địch ở các đảo Hòn Nước, An Tây, Tre Mắn, Keo Ngựa, Kiến Vàng, Phú Dự để chế áp hỏa lực và bảo vệ cho đội hình đổ bộ.

Tranh thủ thời cơ, tiểu đoàn 863 của Lữ đoàn 126 nhanh chóng đổ lên bờ rồi tỏa ra đánh chiếm các mục tiêu làm đầu cầu. Lúc này trên biển, tàu ta phát hiện 2 tàu địch đang tiến về phía đoàn tàu đổ bộ của ta. Hai tàu mang số hiệu 203 và 215 thuộc biên đội cảnh giới sườn trái bãi đổ bộ của ta bắn pháo vào tàu địch. 

Đến 23h5, các tàu ta bắn chìm 2 tàu này và bắn cháy 1 tàu khác buộc chúng phải rút lui. Đến 1h30 ngày 7/1 ta phát hiện 5 tàu địch đang từ cảng quân sự Ream chạy ra biển hòng đánh lén vào đội hình đổ bộ của ta. Chờ tàu địch đến gần, các tàu HQ-05 và HQ-07 lập tức bắn vào đội hình tàu địch dữ dội. Sau ít phút giao tranh, tàu địch đi đầu bị trúng pháo chìm xuống biển, ta lại bắn cháy thêm 1 tàu nữa làm địch phải quay đầu chạy. 

Cùng thời gian này, một số tàu của ta tiến về hướng quân cảng Ream. Cách cảng 1km, pháo hạm của ta bắt đầu pháo kích 30 phút vào cảng địch làm chúng hoang mang không biết quân ta tấn công từ hướng nào là chính. 

Theo sau tiểu đoàn 863, các tiểu đoàn 864, 867 cùng xe tăng thiết giáp lần lượt đổ bộ lên bờ an toàn. Tuy nhiên Lữ 126 còn 3 tiểu đoàn 862, 865, 866 cùng các xe vận tải do thủy triều lên cao, không áp sát vào bờ được nên chiến sĩ phải vượt bãi sình lầy gần 1km còn các xe vận tải đành phải bỏ lại trên tàu chờ.

Đến trưa 7/1, đến lượt các tiểu đoàn 6 và 8 của Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 101 được đổ lên bãi Tà Lơn để chốt giữ đầu cầu đổ quân cho các đơn vị của lữ 126 phát triển  lên phía trước. Cuộc đổ bộ quy mô của hai Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 101 và 126 lên bãi Tà Lơn cơ bản thành công. 
Đánh gục hải quân địch

Ngày 8/1, sau khi toàn bộ lực lượng đánh bộ được đổ lên bờ, quân ta có pháo chi viện và có xe tăng, thiết giáp hỗ trợ đã đột kích nhanh chóng trên trục đường số 3. 

Lúc này, sư đoàn 304 của quân đoàn 2 cũng đã cơ động tới Công Pông Xom. Bộ binh và Hải quân đánh bộ của ta hiệp đồng tấn công vào cảng Công Pông Xom. Đến 8h15 ngày 10/1, các ổ đề kháng cuối cùng của địch bị diệt, quân ta làm chủ cảng Công Pông Xom và phát triển tấn công quân cảng Ream.

Trước đó, sáng 10/1, hai tàu chiến PCF 102 và 107 của ta đã tiến vào gần cảng Ream để nắm tình hình địch. Địch phát hiện tàu ta đã ngay lập tức bắn phá dữ dội, nhanh chóng sở chỉ huy quân chủng điện lệnh cho các biên đội tàu tiến vào cách cảng Ream 8km, dùng pháo lớn bắn chế áp địch. 
Bộ đội Hải quân Đánh bộ luyện tập đổ bộ. 

Tiếp sau đó, 3 tàu chiến PGM-605, 606, 607 lập tức tiến vào tiêu diệt các hỏa điểm địch. Sở chỉ huy Quân chủng cũng điều các tàu 602, 603, 615 và 2 tàu HQ-05/07 từ hướng cảng Công Pông Xom đến tăng cường.

Ở mũi tiến công trên bờ, sau khi làm chủ cảng Công Pông Xom, một mũi bộ binh của Quân đoàn 2 tiến công quân cảng Ream. Tiểu đoàn 8 Hải quân cũng được lệnh tiến theo đường bộ cùng đơn vị bộ binh bạn đánh chiếm Ream từ phía sau. Lực lượng ta từ dưới biển cũng nhanh chóng đổ bộ lên cảng phối hợp đơn vị bộ binh của Quân đoàn 2 và tiểu đoàn 8 hải quân đánh chiếm các vị trí quân địch. 

Ngoài biển, biên đội tàu ta phát hiện 2 tàu địch ở phía bắc vịnh Công Pông Xom. Các tàu 199, 203, 205, 197 cùng hai tàu HQ-01, HQ-03 được lệnh cơ động đến bao vây, dùng hỏa lực bắn gây cho địch một số thiệt hại. Tính tới chiều ngày 10/1, quân ta hoàn toàn làm chủ cảng Ream. 

Chỉ trong 4 ngày chiến đấu, hải quân hiệp đồng với bộ binh quân đoàn 2 đã giải phóng 2 cảng quan trọng và làm tan rã lực lượng hải quân của địch. Đặc biệt, chỉ trong 2 ngày quân ta đã đổ bộ một lực lượng lớn gồm 2 Lữ đoàn Hải quân Đánh bộ cùng với đầy đủ xe tăng, thiết giáp lên bờ an toàn. Trong lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam, đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức một chiến dịch đổ bộ lớn và phối hợp nhiều lực lượng cùng một lúc như thế.


















 Hải quân Đánh bộ Việt Nam
Đơn vị Hải quân Đánh bộ đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam là Lữ đoàn 101 và Lữ đoàn 126. Tiền thân của Lữ đoàn 101 là Trung đoàn 101 (trực thuộc Sư đoàn bộ binh 325C) được thành lập ngày 20/9/1965. Tháng 12/1975, trung đoàn 101 được điều về trực thuộc Bộ tư lệnh Hải quân đặc trách phòng thủ biển đảo ở vùng 5 Hải quân. Tháng 4/1978, trung đoàn 101 được nâng cấp thành Lữ đoàn Hải quân Đánh bộ đóng quân ở đảo Phú Quốc.
Còn Lữ đoàn 126 tiền thân là đoàn đặc công hải quân được thành lập năm 1966. Sau giải phóng, đoàn đặc công được nâng lên thành Lữ đoàn Hải quân Đánh bộ 126. Cũng trong năm 1978, thêm một đơn vị Hải quân Đánh bộ được thành lập là Lữ đoàn 147.
Đến tháng 1/1983, Lữ đoàn 101 bị giải thể, một số cán bộ chiến sĩ sang tập trung xây dựng Lữ đoàn 126. Đến tháng 4/2002, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân cho đổi phiên hiệu Lữ đoàn 126 thành Lữ đoàn Hải quân Đánh bộ 101.
Hai Lữ đoàn 101 và 147 ngày nay là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ phòng thủ các đảo trên vùng biển rộng lớn của tổ quốc ta. Trang bị của lực lượng này cơ bản vẫn là các vũ khí của Liên Xô và chiến lợi phẩm của Mỹ như xe tăng lội nước PT 76, tàu đổ bộ LST, LCM…
Tuy nhiên, những năm gần đây, với yêu cầu hiện đại hóa Hải quân, lực lượng Hải quân Đánh bộ cũng đang được đầu tư hiện đại hóa để nâng cao sức chiến đấu. Một minh chứng rõ ràng là lực lượng này đã được trang bị súng trường tiến công hiện đại TAR-21 nhập từ Isarael.



Tổng số lượt xem trang