Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Nhân đọc bên thắng cuộc (34) - MẬT MÃ “BÊN THẮNG CUỘC”

--
Lúc khai mạc biểu tình
-Báo Người Việt đối với cộng đồng người Việt
Bài 1 Phạm Xuân Ðài

Cuộc biểu tình chống nhật báo Người Việt vào chiều ngày 19 tháng 1, 2013 vừa rồi đã được hoạch định trước ít nhất vài ba tuần trong một buổi họp của những người thấy rằng phổ biến cuốn sách Bên Thắng Cuộc (cuốn I, Giải Phóng) của Huy Ðức là một hành động tiếp tay để tuyên truyền những điều có lợi cho cộng sản (1).
Một quyết định cụ thể, có đối tượng, có nội dung rõ rệt. Quyết định ấy hẳn nhiên bắt nguồn từ nội dung cuốn sách, tất cả vấn đề nằm trong những gì đã được tác giả Huy Ðức viết trong cuốn sách. Không vì nội dung đó thì thiết tưởng chẳng ai đặt vấn đề chống việc phổ biến làm gì.

Báo Người Việt đã trải qua 35 năm phục vụ cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. (Hình: Uyên Nguyên/NV)

Và để đi đến một quyết định như thế, đương nhiên các đương sự chủ trương cuộc biểu tình đã phải đọc kỹ cuốn sách, thấy rõ các tác hại của nó cho đồng bào trong cộng đồng.

Nhưng một ngạc nhiên lớn cho mọi người, là sự việc hoàn toàn ngược lại cái logic đơn giản ấy: Hầu như tất cả những người đó chẳng ai đọc sách cả. Hiện tượng có vẻ kỳ quái này khiến người ta phải suy nghĩ, vì cảm thấy có một cái gì đó rất không ổn, rất không bình thường, cần phải giải thích để hiểu rõ hơn thực chất những gì đang xảy ra quanh ta.

Muốn hiểu được một vấn đề có tính cách xã hội như thế, thiết tưởng chúng ta phải quay về tận nguồn gốc: Báo Người Việt và cộng đồng Việt Nam tại quận Cam đã cùng nhau thành hình như thế nào.

Về báo Người Việt

Trước hết, tìm hiểu về báo Người Việt, ra đời từ 1978, gắn bó với sự ra đời và trưởng thành của cộng đồng, và trong thời gian gần đây đã bị một số người biểu tình chống đối.

Người viết bài này không tham dự vào quá trình thành lập báo Người Việt, vì thời gian đó còn nằm trong trại cải tạo tuốt trên miền thượng du tỉnh Thanh Hóa. Mười ba năm sau mới được thả về, dần dần tiếp xúc lại với cuộc sống tại quê nhà và liên lạc với bạn bè bà con đang ở hải ngoại. Tại Sài Gòn tôi có một người đồng hương đi tập kết về đang làm việc trong ngành văn hóa, một hôm bỗng nói với tôi: Ở hải ngoại người Việt Nam làm rất nhiều báo, từ Mỹ đến Pháp đến Úc nơi nào cũng có báo, nhưng tờ đáng gờm nhất đối với nhà nước Việt Nam là tờ Người Việt ở California. Tôi hỏi “đáng gờm” là sao, thì được trả lời: Vì chống cộng có trình độ nhất, và đó cũng là tờ báo lớn nhất. Nghe nói thế, tôi thấy rằng sự liên lạc của tôi với những người làm báo Người Việt phải cẩn thận hơn, nên qua các trung gian hơn là trực tiếp, dù nhóm đó toàn là bạn bè cũ thân thiết với tôi trước kia ở Sài Gòn. Khi viết xong bài “Hà Nội Trong Mắt Tôi” vào cuối năm 1989, tôi phải nhờ một Việt kiều về nước mang sang Mỹ để chuyển lại cho anh em Người Việt chứ không dám gửi bưu điện. Trước 75 tôi không nghĩ mình sẽ viết lách gì nhiều nên không bao giờ có bút hiệu, nhưng viết xong bài này và có ý định gửi ra hải ngoại, tôi phải tìm một bút hiệu, chứ ký tên thật thì tức là mình tự dọn đường cho mình vô tù trở lại.

Khi đi Mỹ theo chương trình H.O. và định cư tại Nam California, tôi mới thực sự biết rõ về tờ báo Người Việt: Ðọc kỹ nội dung của nó, gặp gỡ những người đang làm báo. Tôi được biết tờ báo đã trải qua rất nhiều khó khăn thử thách, bắt đầu làm trong garage mỗi tuần một số, rồi hai, ba số, mãi hơn mười năm sau mới phủ kín được khắp các ngày trong tuần và mới có cơ ngơi của một tòa soạn hẳn hoi. Sự thật này ngược hẳn với cái nhìn từ trong nước, nhất là của người cộng sản: Báo chí hải ngoại toàn là nhận tiền của... CIA để làm! Trong chế độ cộng sản hoàn toàn không có báo chí tư nhân, cũng hoàn toàn không biết đến những hoạt động xã hội dân sự ngoài sự chỉ đạo của đảng, nên người ta không hình dung được cảnh một nhóm người di tản còn nghèo và đầy khó khăn lại họp nhau trong nhà xe để khai sinh ra một tờ báo! Mà ra báo để làm gì? Chỉ để cho đồng bào Việt Nam mới đến Mỹ chưa rành Anh ngữ được biết các thông tin cần thiết cho đời sống. Ðó là ý nghĩ đầu tiên để từ đó thiết lập nên báo Người Việt, mà ngay những người sáng lập thời đó cũng không ngờ sau này lại trở thành một định chế văn hóa quan trọng của cộng đồng người Việt hải ngoại.

Cha đẻ của tờ Người Việt là Ðỗ Ngọc Yến. Với tư cách là bạn của Yến từ thời còn học ở trường trung học Trương Vĩnh Ký Sài Gòn, và sau đó lớn lên còn cùng nhau hoạt động trong lãnh vực thanh niên và giáo dục, tôi có thể nói đó là một người Việt Nam ưu tú, rất ưu tú. Anh không phải là một học sinh xuất sắc trong trường lớp, nhưng có kiến thức cực kỳ rộng rãi mà không một người bạn học nào của anh có thể bằng được. Anh gia nhập Hướng Ðạo từ bé nên tâm và chí được rèn luyện hướng thiện, lúc nào cũng muốn làm việc tốt cho mọi người. Khi ra đời, anh tiếp xúc và học hỏi càng nhiều, kiến thức của anh ngày càng đa dạng, cái biết của anh rộng và sâu một cách đáng ngạc nhiên. Anh là người Công Giáo, nhưng một hôm trước một đám bạn bè thân, anh đã thuyết trình về Thiền, khúc chiết một cách hiếm có, cả đám say sưa nghe anh nói mà tưởng như đang nghe một thiền sư thuyết pháp! Anh biết rành về rất nhiều lãnh vực, đối với tôi từ thời đang hoạt động với nhau, Yến là một cuốn bách khoa tự điển.

Nhưng với cái tâm nguyện “đem lại thông tin cho đồng bào tị nạn” anh sẵn sàng chọn con đường khó mà đi. Sang Mỹ từ biến cố 1975, nếu yên phận với nghề cán sự xã hội đã tìm được trong mấy năm đầu thì anh đã có một cuộc sống yên ổn của một công chức, chẳng lừng lẫy gì nhưng bảo đảm cuộc sống bình yên cho gia đình. Quyết định làm báo là chọn một con đường chông gai, bấp bênh, phải có một cái nhìn viễn kiến và tinh thần phục vụ cao độ mới dám đầu tư cả cuộc đời còn lại ở hải ngoại cho mục tiêu này. Nhưng tinh thần và tài xoay xở không thì chưa đủ, còn phải có kiến thức về nghề báo và một quan niệm vững chắc về một tờ báo cộng đồng phải như thế nào thì mới có cơ thành công lâu dài về sau. Sau này anh tường thuật lại thời gian “khởi nghiệp” đầy khó khăn về tài chánh, anh đã kêu gọi bạn bè, đồng hương đóng góp từng chục bạc coi như là vay vốn, và khi báo khá đã hoàn lại tiền mượn, có người nhận, có người bảo để trừ vào quảng cáo trên báo. Và chính sự góp công góp của của đông người cho tờ báo, anh đã ví báo Người Việt giống với báo Le Monde bên Pháp ở chỗ cả hai đều không có một người gọi là “chủ báo” (owner) (2).

Với một khởi đầu như thế, báo Người Việt đã lớn lên theo với cộng đồng người Việt Nam tại quận Cam. Nó đã thực sự đáp ứng các nhu cầu truyền thông cho người tị nạn, với những thông tin xem ra nhỏ nhặt nhưng cần thiết của địa phương, từ việc lái xe trên freeway, việc đi mua hàng ở siêu thị cho đến cách thức đi bầu cử, hay làm giấy tờ xe cộ ở DMV, v.v... nói chung bất cứ thứ gì cần biết cho một người di dân mới đến xứ này. Nhưng không chỉ những điều cần thiết trước mắt, tờ báo cũng biết rằng người rời quê hương rất muốn biết những gì xảy ra nơi xứ sở mà mình đã rời bỏ, cố gắng tìm tòi những gì mà báo chí Hoa Kỳ và thế giới nói về Việt Nam, trong một khung cảnh truyền thông chưa có e-mail, Internet và điện thoại viễn liên thì không dám gọi vì giá quá mắc. Vậy mà tờ báo vẫn sản xuất ra những bản tin đáp ứng nhu cầu thông tin của cộng đồng, một cách chuyên nghiệp, dù dấu chữ Việt bấy giờ chưa có, phải bỏ dấu bằng tay trước khi đưa báo đi in.

Có thể nói báo Người Việt trưởng thành với sự trưởng thành của cộng đồng, hai bên đã tương tác nhau mà lớn mạnh. Và cũng giống như bao sự lớn lên khác trong thiên nhiên và xã hội, cả hai đều đã trải qua những khủng hoảng nội tại, những “cơn sốt” khi từ một trạng thái này chuyển sang một trạng thái khác cao hơn, nhưng xem ra sự gắn bó giữa Người Việt và cộng đồng vẫn chặt chẽ như ngày nào. Tất cả những hiện tượng này, chúng ta sẽ tiếp tục cuộc khảo sát trong các bài tới. (Còn tiếp)



Chú thích:

(1) Thông Báo Biểu Tình Chống Báo Người Việt ngày 19 tháng 1 năm 2013, được phổ biến ngày 6 tháng 01, 2013 có đoạn nêu lý do:

“Gần đây Báo Người Việt lại công khai thách thức Người Việt Quốc Gia khi quảng bá rầm rộ là sẽ đứng ra phát hành cuốn tự truyện của tên cán binh Việt Cộng Nguyễn Huy Ðức, bóp méo lịch sử cận đại, gọi các tướng lãnh và quân dân miền Nam là ngụy quân, ngụy quyền ngõ hầu đề cao vai trò của ‘Bên Thắng Cuộc’ là bọn Cộng Sản Việt Nam để chạy tội buôn dân bán nước của bè lũ Cộng Sản Việt Nam và bọn tay sai nằm vùng.”

Ban tổ chức của cuộc biểu tình, như ghi trong thông báo, gồm có:

L.S. Nguyễn Xuân Nghĩa, chủ tịch Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Nam California; Ô. Nguyễn Long, chủ tịch Cộng Ðồng Người Việt Hạt Los Angeles; Ô. Phạm Ngọc Lượng, chủ tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Nam California; Ô. Trần Vệ, trung tâm trưởng Tập Thể Chiến Sĩ Trung Tâm Tây Nam Hoa Kỳ; Ô. Phan Kỳ Nhơn, chủ tịch Liên Ủy Ban Chống Cộng Sản và Tay Sai, Chống Tuyên Vận Cộng Sản; Ô. Phạm Hoàn, Ðoàn Biểu Tình Dân Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa.

(2) Câu chuyện của báo Le Monde như sau: Năm 1944 khi Tướng Charles De Gaulle giải phóng Paris thì tất cả báo chí tại Paris bấy giờ đều đã cộng tác với Ðức Quốc Xã trong thời gian Ðức chiếm đóng. Ông thấy cần có một tờ báo mới tại đây, và đề nghị với Henry Beuve-Mery, một nhà báo giàu kinh nghiệm đi theo phe kháng chiến, làm ngay một tờ nhật báo. Nhà báo Beuve-Mery nói mình không có tiền, De Gaulle cho biết quốc gia sẽ yểm trợ mọi thứ cần thiết. Và vậy là Beuve-Mery dựng lên tờ Le Monde, và tuyên bố: “Tôi không phải là chủ báo. Tờ báo này thuộc về tất cả những ai đã làm việc để gầy dựng lên nó.” Trường hợp Người Việt cũng vậy, không có một “ông chủ báo”, mà tất cả anh em làm nên nó đều là chủ

.


Báo Người Việt đối với cộng đồng người Việt (bài 2)

Phạm Xuân Ðài
Trong bài 1, chúng tôi đã viết cộng đồng người Việt ở quận Cam và báo Người Việt đã xuất hiện hầu như cùng một lần và cùng tương tác nhau mà lớn lên. Từ sau 1975, nhiều người Việt Nam di tản ở các nơi khác nhau trên đất Mỹ dần dần tìm về miền đất ấm Nam California để định cư. Yếu tố khí hậu và có lẽ đời sống kinh tế nữa, quyết định hiện tượng này. Và từ đầu thập niên 1980, một làn sóng tị nạn khác đến với quận Cam, đó là “thuyền nhân”, những người vượt biên bằng thuyền được đưa vào nước Mỹ từ các trại Á Châu. Người ta ước lượng rằng cứ hai người tới Mỹ thì có một người định cư tại quận Cam. Tập thể người Việt tị nạn tại đây nhộn nhịp hẳn lên với sự bùng nổ của đời sống xã hội, đời sống kinh tế và cuối cùng, đời sống chính trị. Khác với đợt đến Mỹ từ 1975, những người vượt biển đã sống với chế độ cộng sản, có nhiều kinh nghiệm ê chề, biết thế nào là sự độc tài toàn trị, thậm chí nhiều người từng là tù nhân của chế độ đó. Một cộng đồng tị nạn thành hình, với một dáng dấp và tinh thần mới mẻ.

Nhà văn Hoàng Mai Ðạt, người đã đến sinh sống tại quận Cam từ giữa thập niên 1980 sau khi đã qua giai đoạn học hành và trưởng thành tại những địa phương khác của nước Mỹ, đã nhớ lại:

“Phố Bolsa có cả hàng trăm ngàn tấm lòng muốn tạo dựng, xây đắp một Việt Nam tự do ở hải ngoại. Mỗi người đóng góp một cách, không chắc giống nhau mà đều đi đến một hướng. Từ nỗ lực đặt tên Little Saigon, các đồng hương của tôi mỗi lúc một tự tin hơn tiếp tục những dự án thăng tiến, mang niềm hãnh diện về cho cộng đồng.”

Khi đồng bào đã đến đủ đông và công cuộc làm ăn tương đối ổn định, thì báo chí xuất hiện càng nhiều, để một mặt, tạo thức ăn tinh thần cho cộng đồng, mặt khác làm dịch vụ quảng cáo để thúc đẩy công việc làm ăn tiến lên, và chính người làm báo cũng sống được nhờ dịch vụ ấy. Nhà văn Hoàng Khởi Phong, một sĩ quan QLVNCH sang Mỹ từ 1975, đã quan sát làng báo của thời kỳ sơ khai ấy:

“Trong khoảng thời gian mười năm từ 1983 cho tới 1993, có lẽ không một ai có thể liệt kê tất cả những tờ báo ra đời và chết đi ở quận Cam. Nếu tính cả những đặc san của các trường trung, đại học, các nội san của các đoàn thể, hội đoàn, các quân binh chủng của QLVNCH, các hội đồng hương... thì con số lên tới vài trăm tờ báo. Nếu chỉ kể các tờ báo ra đời vì người chủ trương trước kia đã từng có thời gian qua lại với báo chí ở trong nước, và giờ đây trên xứ người không thể làm một công việc gì khác hơn là đi xin quảng cáo là động lực chính cho tờ báo ra đời, và cả những tờ báo của những người chưa bao giờ sinh hoạt báo chí, nhưng nghĩ rằng làm báo quá dễ với một cái kéo để cắt dán những bài báo của những tờ báo khác. Nói chung trong thời gian mười năm này vì sự phát triển thương mại của cộng đồng Việt Nam tăng trưởng nhanh một cách lạ lùng, con số các tờ báo sống vì quảng cáo đã có lúc lên tới năm, sáu chục tờ (...)Mỗi tờ báo có một vóc dáng riêng, và có nhiều tờ báo trông như một xấp quảng cáo đóng lại thành tập, lác đác trong tập quảng cáo đó thỉnh thoảng có một bài báo thường là cắt từ những tờ báo khác. Khi nền thương mại của cộng đồng Việt Nam đã ổn định, nhu cầu quảng cáo bớt đi, thế tất phải có những tờ báo đã đình bản.”

Trong cái cảnh trăm hoa đua nở như thế, nhật báo Người Việt tự khẳng định mình là tờ báo tử tế và chuyên nghiệp, được sự ủng hộ của đông đảo đồng bào trong cộng đồng. Tử tế vì có mục tiêu rõ rệt là phục vụ cộng đồng, với ý thức rằng cộng đồng Việt Nam tị nạn tại Nam California cần có một tiếng nói xứng đáng bên cạnh những cộng đồng bạn như Ðại Hàn, Trung Hoa, Nhật Bản... Và muốn thế, phải làm báo một cách chuyên nghiệp, nghĩa là thông tin trung thực, mau chóng, bình luận xác đáng, bài vở phong phú. Không phải tình cờ mà báo Người Việt được một số các tờ báo khác cùng TV và radio Việt ngữ trong vùng “chiếu cố” rất kỹ trong việc “cắt dán,” nghĩa là chẳng cần tìm kiếm tin tức gì cả, chỉ việc lôi tờ Người Việt ra xem có tin tức bài vở gì mà mình thích thì cứ dùng kéo cắt nguyên bài rồi dán vào tờ báo của mình. Nhưng có những tờ báo khác, đặc biệt ở những địa phương xa với vùng quận Cam, thì lại đặt mua những bản tin do Người Việt sản xuất hàng ngày. Muốn thực hiện dịch vụ này, bắt buộc Người Việt phải có đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp, có khả năng dịch thuật hoặc tự mình đi săn tin tức.

Ðó là về mặt chuyên môn làm báo. Về một mặt khác, thì từ khi có báo quán rộng rãi trên đường Moran, phòng sinh hoạt của báo Người Việt đã là nơi tổ chức nhiều sinh hoạt của cộng đồng. Thoạt tiên đó là nơi hội họp để bàn về nhiều vấn đề của cộng đồng, nhưng theo thời gian, các sinh hoạt có tính cách văn học nghệ thuật được tổ chức thường xuyên hơn để đáp ứng nhu cầu tinh thần của đồng bào. Những buổi ra mắt sách, những lần triển lãm tranh, những buổi trình diễn âm nhạc ở quy mô nhỏ, hoặc thuyết trình, hội thảo về các vấn đề chính trị, văn học, lịch sử, v.v... được tổ chức khá thường xuyên, vì thế cứ vài ba năm phòng sinh hoạt lại có nhu cầu được sửa chữa, nâng cấp, thêm dụng cụ âm thanh ánh sáng và nhiều phương tiện khác. Sẽ không quá đáng, nếu nói trong một thời, phòng sinh hoạt của Người Việt đóng vai trò như là phòng sinh hoạt của cộng đồng.

Báo Người Việt, như thế, dần dần kiện toàn và trở nên một cơ quan truyền thông có uy tín, được sự tin cậy của đồng hương. Tin cậy về mặt thông tin, bài vở, số người đọc báo ngày càng tăng, số in phải tăng theo. Tin cậy về mặt thương mại, các cơ sở làm ăn thấy có hiệu quả tốt nếu đăng quảng cáo trên báo Người Việt. Ðó là sự tương tác theo đúng quy luật phát triển. Sự tin cậy chỉ có khi có sản phẩm tốt, đáp ứng đúng nhu cầu. Quảng cáo có nhiều loại, có khi lớn cả trang, có khi nửa trang, rồi 1/4, 1/8, v.v... nhưng có một vùng rất đặc biệt, đó là những quảng cáo li ti, nằm trong một mục gọi là Rao Vặt. Hãy xem trang Rao Vặt của Người Việt: Nếu chịu khó đọc kỹ tất cả các mục rao trong đó, chúng ta tạm có một khái niệm về rất nhiều sinh hoạt làm ăn của người Việt Nam tị nạn tại địa phương. Có thể nói Rao Vặt chính là bộ mặt của các hoạt động vô cùng phong phú của vô số ngành nghề trong cộng đồng, mà mặc dù ở cùng cộng đồng hàng chục năm, một người không thể nào biết hết được. Nhưng khi cần thì giở mục Rao Vặt ra, hầu như cái gì cũng có. Bạn cần mua một chiếc xe cũ, vừa túi tiền của mình? Rao Vặt sẽ cho bạn biết hàng chục, có khi hàng trăm chiếc, đủ mọi hiệu, đủ mọi giá. Bạn cần mướn nhà, apartment, hoặc thậm chí chỉ “share” một phòng? Rao Vặt sẽ có đủ mọi loại, mọi giá, ở khắp mọi vùng địa lý trong vùng. Bạn là thợ nail cần việc làm? Rao Vặt sẽ cho bạn một số điện thoại để liên lạc ngay lập tức. Nhưng có nhiều món bạn phải có tờ báo ngay lúc báo mới phát hành lúc 5 giờ sáng thì mới kịp chọn đúng cái rẻ nhất, tốt nhất theo ý mình muốn, vì nhiều người cũng đang có nhu cầu giống như bạn. Nếu ví von đó là một cái chợ, theo cách người Việt Nam thường nghĩ, thì có lẽ cũng không sai.

Không thể kể hết mức độ phong phú của cả một “thị trường” có thể gọi là rộng lớn của mấy trăm nghìn người Việt Nam vùng Nam California. Bạn thử đoán trung bình một ngày có bao nhiêu lời “rao” trong mục Rao Vặt báo Người Việt? Thưa: 1,600. Dĩ nhiên không ai trong một ngày có thể đọc hết trên dưới 10 trang rao như thế, nhưng khi cần, ví dụ, giặt thảm, sửa ống cống, xe đưa đi phi trường, sửa tủ lạnh, v.v... chỉ cần xem đúng cái mục mình cần là giải quyết ngay nhu cầu. Mà không chỉ những cái cần thiết cụ thể trong đời sống, nếu bạn có một nhu cầu nào đó về tâm linh chẳng hạn, cũng có luôn, nếu muốn bạn cứ theo đó mà cầu nguyện. Cả những nhu cầu hơi... xa hoa một chút, “muốn thư giãn sau một ngày làm việc mệt nhọc” chẳng hạn, bạn có ngay một dọc số điện thoại để gọi. Tin tức, bài vở đem lại nhu cầu thông tin hiểu biết ở trình độ cao và đáng tin cậy cho mọi người, đó là việc qua nhiều năm tháng đã được khẳng định. Nhưng ngoài ra, sự tiện lợi mà báo Người Việt mang lại cho đời sống thường ngày của mọi người trong cộng đồng thì rất rõ ràng, đến nỗi có thể nói, nó không thể vắng mặt, dù cho chỉ một ngày.

Có thể nói, tin tức, bài vở đủ loại cộng với quảng cáo trên báo Người Việt, đặc biệt những trang Rao Vặt, là cả một bộ mặt xã hội thể hiện trên trang giấy. Chúng ta thử tưởng tượng, nhiều chục năm, hoặc nhiều trăm năm sau, một sinh viên muốn nghiên cứu đời sống của cộng đồng người Việt Nam đầu tiên tại quận Cam, Nam California, thì tài liệu gì sẽ giúp nhiều nhất cho sinh viên ấy? Tôi nghĩ đó sẽ là tờ báo Người Việt, lúc bấy giờ đã trở thành những trang giấy vàng úa nằm trong thư viện, nhưng qua đó, người của các thế hệ sau sẽ tìm thấy ông bà họ, trong những đợt di dân đầu tiên tới đây, đã tổ chức cộng đồng ra sao, làm ăn sinh sống thế nào... Có thể có những nghề hoặc những loại sinh hoạt bây giờ trong tương lai không còn nữa, hoặc đã biến dạng đi, và đó sẽ là những đề tài vô cùng thú vị cho sự nghiên cứu của con cháu chúng ta. Tờ báo Người Việt sẽ giúp đỡ họ rất nhiều.

Sự tưởng tượng này cộng với thực tế của bây giờ sẽ nói lên sự tin cậy hai chiều giữa báo Người Việt và cộng đồng người Việt Nam tị nạn tại miền Nam California, nhất là vùng quận Cam. Sự tin cậy chỉ có khi người ta hiểu rõ phẩm chất của nhau. Dù ai có nói ngả nói nghiêng thì sự tin cậy ấy vẫn vững như kiềng ba chân. Ðó là đề tài sẽ phân tích trong bài tới.
 - Như hai bờ sông Bến Hải (Bùi Văn Phú).Bùi Văn Phú
Thứ Bảy 19-1 vừa qua tôi thong dong ở Little Saigon. Ăn sáng xong, ghé khu Phước Lộc Thọ mua báo xuân và ít sách muốn đọc.


Vào đường Moran, đến toà soạn Việt Báo chọn mấy quyển “Viết Về Nước Mỹ”. Hỏi báo xuân thì chưa có, cô thư ký văn phòng nói anh Trần Dạ Từ bận quá nên Việt Báo Xuân Quý Tỵ chưa làm xong. Đang có triển lãm đồ trang sức trong phòng sinh hoạt nên ghé xem. Gặp Y Sa của hội nghệ thuật VAALA là tổ chức bảo trợ, cô hỏi tôi xuống đây để làm phóng sự về cuộc biểu tình sắp diễn ra trước toà soạn Người Việt. Tôi trả lời sẽ ra đó quan sát.

Có những lúc tôi muốn làm phóng viên, vào những nơi cần có mặt, tìm hiểu, phỏng vấn nhân vật để viết tường thuật. Tôi thích làm nhân chứng lịch sử và thường nói với bạn bè rằng khi đóng vai một nhà báo nếu có biến cố mình phải chạy đến, dù nguy hiểm, chứ không chạy đi. Vì khi sự kiện quan trọng xảy ra, chỉ có ba thành phần chạy đến là cảnh sát, cứu thương cứu hoả và phóng viên. Hôm nay tôi chỉ muốn làm người quan sát hơn là phóng viên báo.


Thông báo kêu gọi biểu tình của ban tổ chức


Kêu gọi tẩy chay báo Người Việt

Rời phòng triển lãm lúc gần 1 giờ trưa thì nghe tiếng quốc ca Việt Nam Cộng hoà đang vang vang và ngã ba đường trước toà soạn Người Việt đã đông người, đứng nghiêm chỉnh chắn ngang hết cả đường xe chạy. Rồi đến quốc ca Hoa Kỳ và phút mặc niệm. Nghi thức không thể thiếu trong nhiều sinh hoạt của người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ, từ tiệc tùng họp mặt đồng hương, gây quỹ, đến biểu tình đấu tranh.

Ngạc nhiên là cuộc biểu tình được khai mạc sớm hơn giờ ghi trong thông báo đã phổ biến. Nhìn quanh, lúc này tôi chỉ thấy ông Ngô Kỷ đứng sau một biểu ngữ, còn những vị khác như Luật sư Nguyễn Xuân Nghĩa, ông Phan Kỳ Nhơn là những người trong ban tổ chức mà tôi biết mặt vì thường xuất hiện trên ti-vi, trên báo, nhưng tôi chưa nhìn thấy hai vị này.

Ông Ngô Kỷ đến rất sớm. Lúc tôi vào toà soạn Việt Báo thấy ông đang đi gần chiếc xe rất đặc trưng với cờ vàng chói lọi sơn từ đầu đến nóc và đuôi xe. Tôi đã chụp ông một tấm ảnh ở đó.

Xong nghi thức khai mạc, nhiều khẩu hiệu được một người cầm loa hô to và đoàn biểu tình hô theo: “Đả đảo”, “Tẩy chay”. Lúc đó một xe cảnh sát của thành phố hú còi chạy tới. Đoàn người dạt ra hai bên cho xe tiến vào khoảng trống trước toà soạn. Cảnh sát yêu cầu mọi người đứng vào lề, không làm cản trở lưu thông ra vào khu vực. Lúc này ước chừng có hai trăm người tham dự. Sau đó cảnh sát đem những cột nhựa mầu cam, đem giây màu vàng giăng ra làm hàng rào không cho người biểu tình tràn xuống lòng đường.

Trời thật trong xanh và nắng đẹp. Phóng viên, chuyên viên thu hình của nhiều cơ sở truyền thông đang tác nghiệp, phỏng vấn nhiều người, ghi nhận sinh hoạt biểu tình.

Tôi đọc được những hàng chữ sau trên các biểu ngữ, bảng chữ giữa đoàn người:

- Biểu tình chống báo Người Việt để bày tỏ lập trường quốc gia dân tộc.

- Đả đảo bọn tay sai đội lốp [nguyên văn] truyền thông phá hoại cộng đồng.

- Báo Người Việt là bàn tay nối dài của Việt Cộng đánh phá cộng đồng.

- Đả đảo bọn tay sai phản bội căn cước tỵ nạn cộng sản.

- Shame on Người Việt for betraying the Viet Community.

- Shame on Người Việt for publishing communist propaganda.

- Shame on Người Việt for glorifying communist leaders.

- Tẩy chay báo Người Việt, không mua, không đọc, không đăng quảng cáo, không tiếp xúc.

- Đỗ Ngọc Yến tên Việt gian đã họp với V.C. [bên cạnh là hình chụp ông Yến lúc sinh thời đang họp với Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Lãnh sự Nguyễn Xuân Phong. Trong hình còn có ông Nguyễn Văn Luỹ là Việt kiều yêu nước ở Mỹ từ thập niên 50 và ông Võ Tá Chước]

- Lên án nhật báo Người Việt đã nhục mạ quốc kỳ V.N.C.H. [bên cạnh có hình chậu rửa chân với cờ vàng ba sọc đỏ trong đó đã được đăng trên báo xuân Người Việt trước đây]

- Cương quyết tận diệt cộng nô, đuổi Tầu cộng

- Tôi không thể ngồi yên khi nhóm Phan Huy Đạt nhục mạ Quân dân V.N.C.H.

Các biểu ngữ, bảng chữ được người biểu tình giơ cao không nhắc gì đến cuốn sách “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức mới được cơ sở Người Việt phát hành bản in tuần trước. Có tin cho rằng cuộc biểu tình hôm nay là để phản đối sách này, nhưng mục đích chắc không phải như thế. Cuốn sách chỉ được nhắc đến một vài lần trong khi có người hô to khẩu hiệu:

- Đả đảo báo Người Việt tiếp tay cho Huy Đức quảng bá và phát hành cuốn Bên Thắng Cuộc bóp méo lịch sử và mạ lỵ quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hoà.

Người hô khẩu hiệu như muốn hụt hơi với những lời hô dài thật dài, như câu trên và câu:

- Tẩy chay không mua, không bán, không đọc, không quảng cáo, không phân ưu, không cáo phó trên báo Người Việt.

Từng có mặt tại nhiều cuộc biểu tình của người Việt ở hải ngoại, chưa bao giờ tôi nghe những câu khẩu hiệu dài lê thê như hôm nay.

Trong khi ngoài đường đoàn biểu tình đả đảo, bên trong toà soạn báo Người Việt nhiều nhân viên đứng ngó ra. Nhà báo Đinh Quang Anh Thái, là phụ tá chủ nhiệm thì ngồi ngay trước cửa, trầm ngâm quan sát.

Một lúc sau, hai loa phát thanh trên nóc toà soạn vang lên. Nghe rất lớn. Tôi rất ngạc nhiên với hiện tượng này. Có lẽ đây là tờ báo duy nhất có loa phát thanh ra đường. Cứ như loa phường ở nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tiếng loa lấn át cả những khẩu hiệu và tiếng “Đả đảo”, “Tẩy chay” của đoàn biểu tình. Từ loa phát ra chương trình phát thanh VNCR với Hoàng Trọng Thụy. Trong lời giới thiệu có nhắc là chương trình buổi trưa đã phỏng vấn ông Ngô Kỷ và ông Phan Kỳ Nhơn là Chủ tịch của “Liên Ủy ban chống Cộng sản và tay sai, chống Tuyên vận Cộng sản” liên quan đến cuộc biểu tình. Hôm nay là thảo luận về sách “Bên Thắng Cuộc” với nhà báo Đinh Quang Anh Thái và Tiến sĩ Đinh Xuân Quân.

Tôi đã đọc sách này, quyển I, và cho đó là một tác phẩm mà những ai muốn biết về lịch sử cận đại Việt Nam cần đọc.


Tuần hành qua phố Bolsa và trên đường Moran trước cửa toà báo

Đứng giữa Little Saigon, nhìn đoàn người hăng say, nghe những câu đả đảo liên hồi được xướng lên, tuy có những điều tôi không đồng ý, nhưng tôi không phản đối người biểu tình, không cho đó là cực đoan, vì ở một xã hội tự do dân chủ, biểu tình là một cách nói lên quan điểm của mình. Như biết bao cuộc biểu tình khác diễn ra gần như hàng ngày trên đất nước này với những đòi hỏi, yêu cầu mà tôi có thể tán đồng hay không đồng ý. Tôi chỉ cực lực phản đối những hành vi gây bạo động.

Giữa những tiếng loa đả đảo, giữa sóng phát thanh oang oang trên nóc toà soạn, giữa những lá cờ và biểu ngữ, cuộc chiến âm thanh đang diễn ra tại thủ đô của người Việt ở Hoa Kỳ. Tôi liên tưởng đến những cái loa ở hai bên cầu Hiền Lương bắc ngang sông Bến Hải ngày đất nước còn chia đôi.

Mua một tờ báo xuân Người Việt với nhiều bài vở của tác giả trong và ngoài nước. Các bài viết giá trị về Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam của Trịnh Cung, Nguyễn Đồng và Nguyên Khai cho tôi hồi tưởng lại sinh hoạt nghệ thuật ở Sài Gòn trước năm 1975 vì tôi rất mê hội họa, hay ghé trụ sở hội đối diện toà nhà Quốc Hội hay Hội Việt Mỹ, Trung tâm Văn hoá Pháp để xem tranh của Đỗ Quang Em, Đinh Cường, Nguyễn Trung, điêu khắc của Mai Chửng. Tôi cũng thích các bài viết “Một chuyện quen quen” của Bùi Ngọc Tấn, “Người lính ấy, của tôi” của Huỳnh Thanh Sơn, “Nhớ Tết đầu tiên ở trong tù” của Trần Đức Thạch, “Góc kỷ niệm về một thời bình minh dân chủ” của Phan Chánh.

Dày 272 trang, nhưng Người Việt Xuân Quý Tỵ không có sớ táo quân như truyền thống, thiếu bài viết về thời sự Hoa Kỳ sôi nổi với bầu cử tổng thống, trong khi đó có bài về thời sự Việt Nam 2012.

Quan trọng hơn là không có bài tổng kết sinh hoạt cộng đồng người Việt trong năm qua, là một năm có nhiều biến cố liên quan đến cơ sở truyền thông lớn nhất của người Việt hải ngoại. Tôi tự hỏi vì sao.

(ảnh trong bài của tác giả)
© 2013 Buivanphu– BBC : ‘Không tuyệt đối hóa Bên Thắng Cuộc’.
Gs. Việt Đinh không phải là tác giả Đồng Phụng Việt trong bài Thắng mình trước đã (Bùi Văn Phú).-Kẻ nào âm mưu chia rẽ cộng đồng? --Paris By Night ‘là phi chính trị'
-.Nhạc Việt xa và nhớ-Bích Huyền 'không hề đi Việt Nam làm show' Nguoi Viet Online-Nhà văn Bích Huyền lên tiếng đính chính về nguồn tin bà đi về Việt Nam tổ chức show cho nhạc sĩ Từ Công Phụng.
-
BS Trần Văn Tích trả lời ông Vũ Ánh, liên quan đến BTC
-- Mặt thật Huy Đức: Mục đích sách “bên thắng cuộc” (Nguyễn Sinh Hùng), - Hoàng Hữu Phước : Bức Tâm Thư Gửi Người Dân Việt “Thiệt” – Nhân Nghe Về Huy Đức – Phần 1Phần 2 (Hoàng Hữu Phước). “: Phần IPhần II,--Nhân tiện gửi học trò cũ tên Phước (RFA’s blog).
-Vietnam!Vietnam! by John Ford

---Mật mã ‘Bên Thắng Cuộc’ Nguoi Viet Online





--MẬT MÃ “BÊN THẮNG CUỘC”

MẬT MÃ “BÊN THẮNG CUỘC” Nguyễn Khánh Hưng
Bên Thắng Cuộc đã tạo ra lịch sử khi sự xuất hiện của nó, đã giải mã một vấn đề quan trọng của lịch sử Việt Nam hiện đại: Nguyên nhân đưa đến một Việt Nam tương tàn của hôm nay!

Một cuốn sách không phải do một chính quyền hay một đảng phái chính trị đầu tư xuất bản, không phải là một tác phẩm hư cấu tưởng tượng, và nội dung không phải do chủ quan của tác giả tạo ra nhưng tại sao lại có rất nhiều người của cả hai phía Thắng cuộc lẫn Thua cuộc phản ứng một cách gay gắt, kịch liệt, và thù địch đến vậy? 

Bên Thắng Cuộc chưa phải là một sách lịch sử, mà là ghi chép của một nhà báo về một số sự việc, sự kiện có hoặc không liên hệ với nhau nhưng đều có thật xảy ra từ năm 1975 đến nay. Một tác phẩm lịch sử của giai đoạn này chắc chắn phải là công trình của nhiều người, nhiều nhà khoa học, và với một khoản đầu tư nhất định về vật chất và thời gian, những điều kiện chỉ có thể chín muồi ở thì tương lai. 


Cũng không phải là một tiểu thuyết vì không phải là một tác phẩm hư cấu hay tưởng tượng; những tình tiết, hiện tượng, sự kiện, và sự vật trong nội dung của cuốn sách này đều có thực, có nhân chứng, vật chứng, tư liệu, diễn ra trong những địa điểm, không gian, và thời gian được xác định.

Bên Thắng Cuộc được thể hiện bằng ngôn ngữ và phong cách báo chí, một sự ghi chép, tường thuật đơn thuần với mục đích cung cấp thông tin. Ở một góc độ nào đó, có thể nói cuốn sách này, về mặt kỹ thuật lẫn nghệ thuật, đã làm tối thiểu sự can thiệp chủ quan của tác giả vào nhận thức của người đọc. Chính bản thân của nội dung các sự kiện tác động trực tiếp tới suy nghĩ và nhận thức của người đọc. 

Thế nhưng cuốn sách với những sự thật này đã gây nên một phản ứng “vô tiền khoáng hậu”, sôi động, và khắc nghiệt; vô cùng đặc biệt là từ cả hai phía, trong nước lẫn hải ngoại, quốc gia lẫn cộng sản …

Ngay sau những bài bình luận có tính khích lệ của các học giả và các cơ quan truyền thông tiếng Việt có uy tín ở hải ngoại (giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giáo sư Trần Hữu Dũng, Đài BBC, RFI, báo Người Việt), một loạt những phản ứng gay gắt và dữ dội qua các emails chuyền tay và chiến dịch vận động ồn ào của những "nhân vật cộng đồng" rất có tiếng tăm ở Orange county. Bên Thắng Cuộc đã được nhóm người này gán là "sản phẩm của Nghị quyết 36”, là kẻ thừa hành chính sách tuyên truyền cộng sản, thậm chí hình ảnh gương mặt của tác giả cũng được photoshop lại và được ghép với một cái tên xấu xí … theo cách các em teenages chơi khăm nhau trên mạng internet… Đài BBC, RFI, và báo Người Việt, những cơ sở báo đài tiếng Việt lớn nhất ở hải ngoại được cho là tiếng nói, là tay sai, là những kẻ bưng bô của cộng sản, vân vân … Hàng loạt những tờ báo chuyên quảng cáo tiệm phở của người Việt ở Mỹ đã chạy tít đậm trên các trang chính lên án Bên Thắng Cuộc bằng ngôn ngữ rất hình ảnh, đầy màu sắc, và trực tính của các chị tiểu thương chợ Đồng Xuân và Đông Ba …

Đỉnh điểm của phong trào chống Bên Thắng Cuộc là cuộc biểu tình đầy biểu tượng chống cộng trước trụ sở báo Người Việt ngày 19 tháng 1. Điều đặc biệt là gần như tất cả những người viết, và người đi biểu tình đều không đọc, hoặc chưa đọc đầy đủ cuốn sách này như chính những người cầm đầu chủ trương là tẩy chay, không đọc Bên Thắng Cuộc, một phương cách mà chính kẻ thù của họ là cộng sản luôn sử dụng!

Thế nhưng những hình thức chống Bên Thắng Cuộc của các nhân vật của Sài Gòn Nhỏ chỉ là chuyện nhỏ so với một chiến dịch bài bản, thiện nghệ, và đầy uy lực của chính quyền cộng sản trong nước. Đầu tiên là tờ báo Pháp Luật Tp HCM với lượng xuất bản gần 100 ngàn tờ mỗi tuần lên án Bên Thắng Cuộc là một cái nhìn thiên kiến về lịch sử, phủ nhận công lao của đảng Cộng Sản và ca ngợi kẻ thù của dân tộc! Tiếp theo, cơ quan ngôn luận của thành ủy tp HCM, báo Sài Gòn Giải Phóng đăng hai bài kết án tác giả Bên Thắng Cuộc phản bội lợi ích của đất nước, theo đuôi Đế Quốc Mỹ và tay sai … Rồi, của lực lượng Công An Việt Nam, tờ báo có lượng phát hành cao nhất nước với hơn 500 ngàn bản mỗi số đã tung ra loạt bài đấu tố tác giả Bên Thắng Cuộc thuộc hàng "phản động” bán rẻ tổ quốc và đồng đội … Tuổi Trẻ và hàng loạt các tờ báo mạng của hệ thống báo chí do Đảng Cộng Sản quản lý đã và đang tiếp tục đánh Bên Thắng Cuộc và tác giả của nó theo chiều hướng qui vào những vi phạm luật pháp của nhà nước mà kết luận chính thức đang phôi thai bởi nhận định của thứ trưởng bộ văn hoá thông tin Đổ Quý Doãn rằng sẽ xem xét cuốn sách này dưới gốc độ của nghị định 97”, tức cuốn sách nầy xem như là sản phẩm văn hóa tuyên truyền chống đối chế độ, một vi phạm hình sự đối với pháp luật Việt Nam, mở đường cho khả năng có thể truy tố tác giả của nó về tội phản quốc!

Thật kỳ lạ, Bên Thắng Cuộc đã bị kết án bởi cả phe chống cộng lẫn chính cộng sản!

Mấy ngày qua, đã có nhiều bài viết phân tích hiện tượng lạ lùng nói trên. Vũ Anh và Đồng Phụng Việt, hai tác giả thuộc Bên thua cuộc, bản thân và gia đình đã từng ở tù cộng sản và hiện đang sống ở hải ngoại đã nói lên những suy nghĩ xót xa cho thân phận người Việt. Người Việt hải ngoại đã tự mâu thuẫn với chính mình khi lên án, qui kết, và chụp mũ mà không phải dựa vào nội dung của cuốn sách nhưng là gốc gác của tác giả, là phương pháp mà cộng sản đã sử dụng để lừa dối dân tộc, để giành giật, và duy trì quyền lực. Trong lúc muốn chống độc tài cộng sản, đòi hỏi dân chủ nhưng lại áp dụng những cách thức vô cùng phi dân chủ và thiếu lý trí. Một số người đã để lòng thù hận che lấp khả năng phân biệt đúng sai, phải trái; một cách vô tình phá hoại sự đồng nhất của phong trào đấu tranh cho dân chủ. Cũng không loại trừ, có những người vì mưu toan lợi ích riêng, bản năng ích kỷ, và sự thiển cận đã tìm cách để loại trừ đối thủ kinh tế và chính trị của mình. Đồng Phụng Việt đã trích dẫn câu châm ngôn của trường Võ bị Đà Lạt tự Thắng – Chỉ Huy “ – Thắng bản thân trước khi thắng kẻ thù,  để minh họa cho đặc điểm mâu thuẫn của người Việt Nam: Ham muốn được làm người trưởng thành nhưng đầu óc và ngôn ngữ thì cứ mãi ở tuổi ô mai, một “phẩm chất” khiến Việt Nam “nước bốn ngàn năm, vẫn trẻ con”, mà hậu quả là một đất nước tan tác và chia rẽ đang bị điều hành bởi một nhóm những kẻ vỏ biền, ít học nhưng giàu lòng tham lam và tính cách tàn bạo! 

Dù vô tình hay có ý thức, hiện tượng chống đối Bên Thắng Cuộc và các hoạt động tương tự của nhóm người Việt hải ngoại nói trên đã tạo thêm một lý do cho tính hợp pháp của chế độ cộng sản trong nước.

Cũng tương tự, khi kết án và đấu tố Bên Thắng Cuộc và tác giả của nó, những người cầm quyền tại Việt Nam đã tìm cách để chối bỏ một sự thật lịch sử mà trong đó, chính họ đã tạo ra bị kịch cho cả dân tộc. Tội ác của phong trào cộng sản không còn mơ hồ trên lý thuyết như giấc mộng của “thành phần thứ ba” ở những thập niên 70 mà đã hiển hiện trong từng số phận của người Việt Nam, ba triệu sinh linh Việt nam đã ngã xuống trong hai cuộc gọi là “kháng chiến”, hàng trăm ngàn người làm mồi cho cá ở biển Đông và các lao tù ở những nơi “lam sơn chướng khí”, hàng triệu người sống lây lất trong đói khổ về vật chất và truy bức về tinh thần, hàng triệu gia đình ly tán … Kết quả cho những “hy sinh” đó là một Việt Nam hiện tại với dân số đúng hàng thứ 13 nhưng kinh tế và khoa học thì đứng ở cuối bảng của thế giới; mỗi năm hàng chục ngàn phụ nữ phải xếp hàng để được tuyển làm vợ cho người Đại Loan, Đại Hàn, thậm chí Trung Quốc; hàng chục ngàn thanh niên ở độ tuổi khỏe mạnh nhất phải đi làm thuê, đúng hơn là làm nô lệ cho dân “rệp” ở Trung Đông và “mọi”* ở Phi Châu dưới dạng lao động nước ngoài … Và món nợ trên 120 ti dollars mà chế độ này đang để lại cho những thế hệ kế tiếp của người Việt Nam!

Có thể nói là phiến diện nếu xét Bên Thắng Cuộc ở góc độ số lượng vì nó chỉ nói lên một phần nhỏ của sự thật lịch sử Việt Nam hiện đại. Chỉ một phần nhỏ của sự thật thôi nhưng cả cộng sản lẫn một bộ phận chống cộng đều đã tới tấp ném đá, chụp mũ, và tuyên án. Hiện tượng này đã thể hiện một đặc điểm rất quan trọng của lịch sử Việt Nam hiện nay, bi kịch của Việt Nam không phải và không còn là sự khác nhau giữa quốc gia hay cộng sản, bên thắng hay bên thua mà là giữa cái tốt và cái xấu, thiện và ác, quân tử hay tiểu nhân … Việt Nam hiện tại không còn là cộng sản mà là một nhà nước mafia, một nhóm lợi ich kinh tế nắm quyền lực chính trị đang vơ vét tận cùng sức lực của dân chúng và tài nguyên quốc gia. Cộng đồng Việt Nam hải ngoại không phải là thực thể nhà nước chính trị để nhân danh mình là "quốc gia". Vì thế, trong tình hình chính trị Việt Nam hiện tại, không còn quốc gia hay cộng sản, mà chỉ còn là dân chủ hay phi dân chủ, xây dựng hay phá hoại. Hiện tượng Bên Thắng Cuộc với những diễn biến theo đó đã giải mã một đặc điểm thực sự của lịch sử Việt Nam hiện đại: Thảm họa của Việt Nam không phải là bên thắng bên hay bên thua, quốc gia hay cộng sản nhưng là từ sự thiển cận và lòng hận thù mù quáng. Chính sự tầm thường về trí tuệ và kém cõi về đức độ đã dẫn Việt Nam vào vòng xoáy của chủ nghĩa cộng sản. Chính vì giàu lòng hận thù nhưng ít sự bao dung, thừa tính vị kỷ nhưng thiếu lẽ công bằng đã và đang tiếp tục kéo dài cuộc chiến tương tàn Nam - Bắc. Và cũng chính những thành phần này từ cả hai phía đang kìm hảm tiến trình xóa bỏ chế độ độc tài và xây dựng xã hội dân chủ của Việt Nam hiện nay!

* Tác giả chỉ mượn lời của người Việt vẫn thường gọi người Ả Rập và người da đen một cách khinh miệt là "dân rệp" và "mọi".-

- -Biểu tình chống sách và chống báo tại Người Việt Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - Một cuộc biểu tình diễn ra trước nhật báo Người Việt, Westminster, California, vào chiều ngày 19 Tháng Giêng, 2013, với mục đích dường như không rõ rệt.



Ông Ngô Kỷ, người gần như không bao giờ vắng mặt tại các cuộc biểu tình tại địa phương, có mặt tại cuộc biểu tình Người Việt. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Có người nói họ biểu tình “phản đối cuốn sách Bên Thắng Cuộc của tác giả Huy Ðức,” có người thì nói không phản đối cuốn sách, mà chỉ phản đối nhật báo Người Việt.
Ngay cả Ban Tổ Chức cũng bất nhất trong thông điệp biểu tình. “Tôi không đọc quyển sách và tôi muốn nói rằng cuộc biểu tình hôm nay không phải là vì cuốn sách.” Ông Phan Kỳ Nhơn, đại diện Ban Tổ Chức, nói với Người Việt.
Trong gần một tháng qua, trên nhiều cuộc nói chuyện khác nhau trên radio và TV địa phương, ông Nhơn kêu gọi chống cuốn sách, tựa đề là “Bên Thắng Cuộc.”
Theo ước lượng của cảnh sát Westminster, đoàn biểu tình có khoảng 100 người. Theo ước lượng của một số người trong đoàn biểu tình, con số vào khoảng 150. Ước lượng của phóng viên Người Việt vào khoảng 200.
Cuộc biểu tình bắt đầu vào 1 giờ trưa, ngay trước tòa soạn nhật báo Người Việt nằm cuối đường Moran, thuộc thành phố Westminster.
Lúc bắt đầu biểu tình, nhiều người cầm cờ và các biểu ngữ dàn hàng ngang phía trước tờ báo, nhằm cản trở người qua lại. Tuy nhiên, cảnh sát có mặt để can thiệp, và dựng các hàng rào để người biểu tình đứng bên trong, không lấn ra đường.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Người Việt về việc có đọc qua quyển Bên Thắng Cuộc chưa, ông Lê Ba, cư dân thành phố Garden Grove, có mặt trong số những người biểu tình, cho biết “không có nhu cầu đọc quyển sách đó nhưng biết cuốn sách đó viết cái gì.”
“Ðối với tôi, khi mình đọc một quyển sách thì mình phải nhận định nó một cách rõ ràng. Nghĩa là nhìn tựa là thấy nó chỉ có một phía thôi, không thể nói lên toàn diện được. Nó có nói những chuyện nhiều người biết, nhưng có những chuyện nhiều người cần biết thì nó chưa bao giờ nói, vì nó không biết để nói. Vì vậy đối với tôi quyển sách đó không có giá trị gì hết.” Ông Ba nêu suy nghĩ.
Lý do ông Lê Ba có mặt trong đoàn biểu tình là “để làm bổn phận của một công dân, một người tị nạn sinh sống ở đây, để chứng minh rằng cuốn sách đó không cần thiết. Chỉ vậy thôi.”
Cũng “chưa đọc Bên Thắng Cuộc,” bà Thương Trương, cư dân thành phố Garden Grove, quả quyết “nghe trên đài nói thì tôi cũng hiểu một phần nào... Chỉ cần đọc mấy chữ 'Bên Thắng Cuộc' là đã biết những người viết trong cuốn sách không hiểu gì hết, không hiểu gì về VNCH, chứ không cần phải đọc hay đi sâu vào đọc.”
Một người không xưng tên, tỏ vẻ bực tức khi được phóng viên Người Việt hỏi “có đọc 'Bên Thắng Cuộc' chưa,” “Cái đồ này tôi đọc làm cái gì! Nhưng mà tôi biết là nó xuyên tạc, nó bênh vực Việt Cộng mà thứ Việt Cộng là tôi không chơi, vậy thôi.”
Một số người khác, khi trả lời Người Việt, cũng nói đi biểu tình vì chống cuốn sách, nhưng lại hỏi phóng viên: “Thế Bên Thắng Cuộc viết gì trong ấy?” Và họ giải thích là họ được nghe nói về cuốn sách trên các chương trình radio và TV địa phương, do Ban Tổ Chức biểu tình phát biểu.
Trong một cuộc trả lời chương trình Little Saigon TV, các thành viên Ban Tổ Chức nói họ “chưa đọc cuốn sách.”
Trong thời gian trước cuộc biểu tình, Ban Tổ Chức thực hiện một số cuộc mạn đàm, kể cả cho đọc quảng cáo trên TV, radio, kêu gọi đi biểu tình, chống cuốn sách.
Cuốn sách Bên Thắng Cuộc tạo được sự chú ý của cộng đồng gốc Việt khắp nơi, đặc biệt là tại Little Saigon, California. Sự chú ý dành cho cuốn sách không chỉ riêng ở độc giả. Nhiều nhà báo, biên tập viên, giám đốc chương trình, chủ đài TV, radio địa phương cũng đã liên lạc Người Việt để “bảo đảm có được sách một khi cuốn sách được chính thức phát hành.” Ða số đều bày tỏ sự tán thành với nội dung cuốn sách, và cho rằng nó “có lợi cho thế hệ trẻ không biết về cộng sản thì nay được biết sự thật mặt trái của cộng sản.”
Trở lại với cuộc biểu tình trước tòa soạn Người Việt. Trong số những người được phỏng vấn, chỉ có ông Nguyễn Tấn Lạc, trong vai trò điều hợp viên của Ủy Ban Vận Ðộng cho tự do tôn giáo và nhân quyền của Việt Nam, cho biết “có đọc quyển sách này.”
Nhận xét về Bên Thắng Cuộc, ông Lạc nêu ý kiến, “Tôi thấy quyển sách có nhiều điều Huy Ðức viết mà tôi chưa biết. Riêng với những điều tôi biết thì Huy Ðức viết cũng tốt, có nhiều điều viết được, nhưng cũng có những cái viết không đúng, không được, nên đó là lý do vì sao cộng đồng phản ứng như vậy.”
Luật Sư Nguyễn Xuân Nghĩa, có mặt tại cuộc biểu tình Người Việt hôm 19 Tháng Giêng. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
“Nhiều người đọc những điều Huy Ðức viết chưa được thì họ cho rằng ông ta tuyên truyền cho cộng sản thì họ phản ứng, điều đó bình thường.” Ông Lạc nói tiếp.
Suy nghĩ về việc vì sao quyển sách này bị phản ứng kịch liệt từ trong nước lẫn cộng đồng hải ngoại, ông Nguyễn Tấn Lạc phát biểu, “Tôi nghĩ đó là một phản ứng bình thường vì bên phía Cộng Sản cũng không đồng tình với những gì mà anh Huy Ðức viết ra, vì nó cũng làm xấu đi hình ảnh của những người bên đảng Cộng sản nên họ có phản ứng như thế.”
Cuộc biểu tình kết thúc lúc 2:30 pm cùng ngày. (N.L.) -Biểu tình chống sách và chống báo tại Người Việt

Áp phích của một lần biểu tình chống báo Người Việt-
Áp phích của một lần biểu tình chống báo Người Việt


Thư Không Niêm Gởi Đến Cộng Đồng Nam California Về Cuộc Biểu Tình Chống "Bên Thắng Cuộc"


Hôm nay, được biết quý vị đã họp và chọn ngày 19-1-2013 làm ngày biểu tình chống cuốn sách “Bên Thắng Cuộc” của anh Osin Huy Đức trước báo Người Việt. Trước đây tôi có nghe một số vị trong cộng đồng nói là không ưa cuốn sách này vì cái tựa nghe có vẻ so găng quá! Tôi thiển nghĩ ưa hay không ưa thì cũng chỉ làm cuốn sách này thêm nổi tiếng và bởi vì nguồn tài liệu của anh Huy Đức có thể tạo nên cảm xúc quốc cộng triền miên nên không có ý kiến. Độc giả hiếu kỳ chắc sẽ tự tìm đến cuốn sách này xem tác giả viết như thế nào.


Cộng đồng Việt Nam tại California dù sao cũng là nơi có những nhân vật lương tri khí chất như một số người mà tôi kính mến nhưng sao lại bị kích động tinh vi dẫn đến hành động đòi biểu tình chống anh Huy Đức và báo Người Việt.

Có vị cũng cố tình quên đi tình tiết Huy Đức chính là Osin, một blogger nổi tiếng từ lâu mà báo chí hải ngọai đã khai thác tận tình các bài bình luận đầy những cảm xúc cháy bỏng của anh ấy về Hòang Sa – Trường Sa, Biên Giới Việt Trung, và Vịnh Bắc Bộ…

Do đó, việc quý vị cứ dùng từ ngữ “cộng con”, “việt cộng” Huy Đức để miệt thị là chính ra quý vị đang tự mâu thuẫn lương trí và lý trí của con người. Những ngôn từ này lại xuất phát từ những người lớn tuổi có danh nghĩa đại diện một nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa nối dài ở hải ngọai. Thật là điều rất đáng tiếc. Đúng không?

Chúng ta thường rất lấy làm tự hào với chính thể bao dung, chính trị nhân bản, chính sách chiêu hồi của VNCH đối với những người bên kia giới tuyến trước năm 1975. Thế nhưng hôm nay sao lại đối đãi với Huy Đức như thế?. Dù sao sách của anh ấy cũng là một dạng “cấm thư” không được xuất bản trong nước nên tác giả đành xuất bản ở hải ngọai. Đứng ở vị trí người Việt hải ngọai mà nhận xét, “Bên Thắng Cuộc” nên được coi như là một tiếng nói mang tính đối lập với nền bạo chính sau năm 75. Nếu cuốn sách có dụng ý tuyên truyền thì nhà cầm quyền cộng sản phải cho xuất bản trong nước chứ! Đằng này họ cũng cho “dư luận viên”, “hồng vệ binh” lên tiếng chỉ trích và phỉ báng tác giả Huy Đức một cách cạn tào ráo máng. Quý vị cũng định làm giống như họ à? Nghĩ lại mà xem.

Trong lúc quý vị bắt bẻ từng câu từng chữ để tìm cố tìm ra một lý do bắt buộc tác giả có luận điệu thiên vị, thiên cộng. Nhưng quý vị ơi, nội hàm của “Bên Thắng Cuộc” về phương diện tu từ trong ngữ pháp tiếng Việt thì chẳng khác gì ví dụ trong câu “Đánh Bại Quân Tàu” vs. “Đánh Thắng Quân Tàu” hay là “Có Thể Nào Quên” vs. “Không Thể Nào Quên”. Trong các trường hợp như thế này thì “Có” hay “Không”, “Thắng” hay “Bại” đều quy đồng về một ý nghĩa.

Do đó, các luận điệu đả kích tựa đề và ngôn từ xưng hô trong cuốn sách chứng tỏ một sự vô tri và ấu trĩ. Có người lấy chứng cớ lời mở đầu của cuốn sách mang tính “Thank But No Thank” với các nhân vật chính trị cho Huy Đức nguồn tin và tài liệu mà phỉ báng tác giả. Khi phê bình nội dung sách báo mà quý vị nhăm nhe chỉ trích kiểu này thì có chủ quan lắm không?

Nhiều người còn lấy hồ sơ cá nhân của anh Huy Đức để chống đối cuốn sách. “Anh này từng là đảng viên cộng sản, từng đứng trong quân ngũ, đi lính ở chiến trường Cao Miên” để rồi kết luận nội dung và tư tưởng. Nếu như thế thì quý vị làm sao lý giải được chuyện các anh chị Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Nguyễn Tiến Trung… Các bạn ấy đều là đòan viên, đảng viên, công an trong chế độ cộng sản Việt Nam cả đấy.

Chỉ e rằng khi nói ra quá nhiều lời hàm hồ thì sau khi quý vị chết rồi chỉ làm trò cười cho người hậu thế. Các hình ảnh chiếu trên youtube được lưu lại coi như là chứng tích hùng hồn về sự lố bịch của của quý vị trong cuộc họp mà thôi. Xin lỗi là tôi không ám chỉ ai trong này nhưng khi mở băng xem lại, quý vị sẽ cảm thấy ngượng ngùng thay! họp cộng đồng kiểu gì mà giống như một phiên chợ vỡ. Những luận điệu kích động vô lý mà cũng được những cánh tay giơ lên hoan hô biểu quyết thì rõ ràng đó là biểu hiện sự thiếu bình tĩnh, bồn chồn và hời hợt lắm! Tôi thấy có nhiều người xưng là tuổi già mà còn vọng động tay chân quá mức. Tuổi tác hay là chỉ số thời gian của những đứa trẻ sống được nhiều năm. Hay ho gì mà cứ gân cổ cứ như là đang làm việc dối già một cách giả dối. Ngưỡng cửa quy tiên không trừ một ai, càng huyên náo thì càng lao lực trên con đường trở về thân cát bụi. Nhân nhân giai quy lão. Khi về đến nhà, soi gương thấy lại chân tướng của mình thật sự không dữ dằn như trên youtube mới thấy rằng hối tiếc thì cũng muộn màng.

Nhưng rồi hầu như những nhiệt huyết chống cộng ở Bolsa chẳng qua là trò chơi “núp bóng cờ vàng” để phục vụ cho mưu đồ cá nhân đen tối do đó càng ngày càng thiếu sức thu hút. Có nhiều người từ bỏ con đường chống cộng vì thấy sự lố bịch và già nua trong cách mọi người đối xử với nhau.

Anh Huy Đức rõ ràng là người có tâm huyết tìm sự công bằng cho lịch sử. Trong tình cảm ngay thật, anh ấy luôn thương tiếc các chiến sĩ VNCH đã ngã xuống vào ngày 19-1-1974 và từng viết trên blog Osin với những dòng tâm tư trĩu nặng. Vì vậy, việc quý vị đòi mượn nhân sự của hội Hải Quân để biểu tình chống “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức vào ngày 19-1-2013 chính là sự xúc phạm linh hồn anh linh tử sĩ hải quân VNCH. Đừng làm điều nhẫn tâm như thế chứ!

Tôi cũng biết từ trong dụng ý, ghét “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức thực sự lúc đầu là không có lý do chính đáng nhưng ghét cơ sở xuất bản này là Nhật Báo Người Việt thì nhiều. Do đó, dồn hai vào một theo kiểu quy đồng mẫu số khiến cường độ cảm xúc thương ghét tăng lên ngòai tầm kiểm sóat.

Vu cáo chụp mũ quen miệng rồi cứ tưởng đó là sự thật. Nói Huy Đức là “cộng con” thì cứ đinh ninh là cộng con đến mức không còn ngượng miệng. Tất cả đều lấy danh nghĩa chống Nhật Báo Người Việt để dựng chuyện ngậm máu phun người. Những thứ người tạo ra việc này thường là không có trí tuệ, nhân cách và lương tâm thì việc gì đường đường chính chính như quý vị là cựu nhân sĩ VNCH, tranh đấu cho dân chủ nhân quyền mà phải bị những tên vô lại ăn bám cộng đồng bám quần lèo lái.

Trong lúc những người lớn lên ở miền Bắc dần dần nhận ra một phần của chân tướng lịch sử. Họ có thiện chí với nền Cộng Hòa ở miền Nam trước năm 75 và ghi lại những chi tiết mà chúng ta chưa biết đươc. Lương tri và ngay thật có thể thấy được qua tổng thể của cuốn sách, thế thì lấy cớ gì mà chống người ta hả quý vị?.

Quý vị nên xem xét lại hành vi, lương tri và cách hành xử của mình đi.
-Thắng mình trước đã

-Nguyễn Mạnh Trinh: Đọc ‘Bên Thắng Cuộc’ của Huy Đức (VOA’s blog).-
Từ khi cuốn Bên Thắng Cuộc của tác giả Huy Đức được phát hành đến nay, đã có nhiều ý kiến cả trong nước lẫn hải ngoại. Có người khen, có người chê, nhưng phần đông đều coi như là một cuốn sách đặt ra nhiều vấn đề mà người Việt Nam cần quan tâm.



Trong bài mở đầu, Huy Đức viết: “Cuốn sách của tôi bắt đầu từ ngày 30/04/1975 - ngày nhiều người tin là Miền Bắc đã giải phóng iền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là Miền Bắc. Hãy để cho các nhà kinh tế, chính trị học và xã hội học nghiên cứu kỹ hơn hiện tượng lịch sử này. Cuốn sách của tôi đơn giản chỉ kể lại những gì đã xảy ra ở Sài Gòn, ở Việt Nam sau ngày 30 tháng Tư: cải tạo, đánh tư sản, đổi tiền… cuốn sách của tôi cũng nói về hai cuộc chiến tranh cuối thập niên 1970, một với Khmer Đỏ và một với người Trung Quốc. Cuốn sách của tôi cũng nói về làn sóng vượt biên sau năm 1975 và về sự “đồng khởi” của nông dân, của các tiểu chủ, tiểu thương để dành lấy cái quyền được tự lo lấy cơm ăn áo mặc.

Tư liệu cho cuốn sách được thu thập trong hơn hai mươi năm. Trong vòng ba năm từ tháng 8/2009 đến tháng 8/2012 tôi đã dành toàn bộ thời gian của mình để viết…”Theo như Huy Đức viết, ông chỉ là người kể chuyện, trình bày những sự kiện lịch sử Việt Nam trong “Bên Thắng Cuộc”. Thế mà, ở trang bìa, không biết “cách đọc” và “cách hiểu” ra sao mà lại có người viết: “Cuốn sách phân tích tình hình Việt Nam từ năm 1975 - của một nhà báo sinh ra và lớn lên trong chế độ Cộng sản - một cách chuyên nghiệp và công bằng hiếm có. Nó là một kho tàng dữ liệu quý báu có thể làm ngạc nhiên cả những chuyên viên theo dõi chính trị Việt Nam trong nhiều thập niên qua.”

Những điều mà tác giả Huy Đức đề cập đến hầu hết đều là những vấn đề mà chế độ trong nước gọi là “nhạy cảm” và đôi khi còn bị cấm đoán nữa. Trong khi phần lớn những vấn đề ấy lại thường xuyên được đề cập ở hải ngoại và là những điều không mới lạ lắm. Một điều dễ nhận thấy là trong phong cách nghĩ và viết của Huy Đức vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng địch-ta thời chiến tranh. Mặc dù tác giả có cố công để nêu lên và vạch trần sự thực nhưng những dữ kiện ấy vẫn được chọn lọc trong một giới hạn được cho phép. Vì khai thác những tài liệu, chứng cớ từ báo chí sách vở trong nước nên tác giả không thoát ra được những ngôn từ hay ý nghĩ đã ăn sâu vào tâm thức của những người sống trong chế độ Cộng sản. Lúc thì gọi là ngụy quân, ngụy quyền, lúc thì gọi là Quân đội Việt Nam Cộng Hòa, lúc thì gọi là địch quân, lúc thì quân Nam Việt Nam, lúc thì quân đội Sài Gòn, chứng tỏ ảnh hưởng của chế độ Cộng sản vẫn còn hằn dấu trong tác phẩm. Từ đó thấy sự chắp vá không nhất quán trong tác phẩm.

Huy Đức đã viết về những ngày đầu tháng 5/1975 ở Sài Gòn như sau: Cuộc cướp chính quyền sớm nhất ở Sài Gòn được nói đến đã diễn ra vào lúc 7 giờ sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975 tại Phường Trần Quang Khải, Quận 1. Chi bộ đảng bí mật ở đây đã cho vây bót Tân Định, tước võ khí của những cảnh sát viên vào giờ ấy chỉ mong sớm được về với gia đình. Ngay sau khi Đại tướng Dương Văn Minh tuyên bố bàn giao chính quyền ở Quận 11 cờ cũng được cắm trong dinh quận trưởng. Tiến trình “cướp chính quyền” và xây dựng chính quyền thường được bắt đầu như trường hợp ở Phường Cây Bàng… “Khi tiếng súng của quân giải phóng bắn tới tấp vào các căn cứ quân sự của địch, nhân dân Phường Cây Bàng đồng lòng nổi dậy phá kềm, truy quét kẻ địch, giành quyền làm chủ về tay mình và tràn ra đường đón quân giải phóng. Khi các chiến sĩ ta tiến vào, đồng bào mừng reo hoan hô nhiệt liệt. Ngay sau khi dẹp xong giặc ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tự quản được thành lập. Các tổ chức nhân dân cách mạng cũng được khẩn trương xây dựng. Đến nay, 2 tháng 5, Phường Cây Bàng đã thành lập xong Tổ An ninh, Hội Mẹ Giải phóng, Tổ Thông tin Tuyên truyền, Tổ Y tế và Ủy ban Tự quản. Đang xúc tiến thành lập Tổ Cứu đói và Phòng chống Hỏa hoạn…”

Những người ở Sài Gòn thời điểm đó có ai hay biết gì về tiến trình cướp chính quyền không? Sự thật ở đâu qua những câu viết như thế? Có phải vì ảnh hưởng của những bài học cướp chính quyền còn sót lại? Lấy những bài báo viết theo mục đích tuyên truyền nhất thời thì chẳng phải là một công việc kiếm tìm sự thực lịch sử mà còn tạo thành những bức màn che giấu sự thực. Cũng như trường hợp trích đoạn bài viết trên báo Tuổi Trẻ của dân biểu VNCH - một nhân vật thiên tả - Phan Xuân Huy, về Thiếu tá Lê Quang Liễn, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 7 TQLC Quân lực VNCH dù biết là vu cáo để tuyên truyền cho đến khi bị phanh phui thì xin lỗi nhưng chống chế một cách thật khôi hài là viết như thế để chứng tỏ rằng trong giai đoạn ấy cũng có những bài báo không trung thực. Sao trong lúc trích dẫn ở trong sách không có nhận xét ấy mà đến khi bị than phiền khiếu nại mới cải chính xin lỗi?

 Đề cập đến những lãnh tụ Cộng sản, đặc biệt là Lê Duẩn và Võ Văn Kiệt, tác giả phác họa ra một chân dung đời thường, với một vài chi tiết về đời sống gia đình, đời sống thường nhật để cố tình tạo ra một con người với cả những nét xấu cũng như những điểm tốt nhưng tuyệt nhiên không nhận định phê phán. Có những sự kiện được đưa ra với dụng ý để trình bày cái được gọi là “sự thực” dưới một nhãn quan khác. Ví dụ như đoạn văn sau đây:  “Giữa trưa ngày 7/1/1979 khi nghe con rể là Giáo sư Hồ Ngọc Đại đánh thức báo tin ‘Quân ta đã vào Phnom Penh’, ông Lê Duẩn chỉ ‘ừ’ rồi ngủ tiếp. Ông Hồ Ngọc Đại nói ‘tôi rất ngạc nhiên. Khi nhận được điện thoại từ Cục Tác chiến tôi cũng không ngờ chuyện long trời lở đất như thế mà ông vẫn ngủ. Đưa đại quân đến thủ đô một quốc gia khác tưởng nhẹ như một giấc ngủ trưa của một đấng quân vương nhưng phải mười năm sau Quân đội Việt Nam mới rút được chân ra khỏi đó’” Cũng là một sự kiện nhưng hiểu theo nhiều cách. Lê Duẩn không thấy sự kiện ấy quan trọng bởi vì sự kiện mà con rể vào báo đã mất thời gian tính bởi vì ông con rể này không trực tiếp ở Bộ Tổng Tham mưu quân đội nên không thể là tin mới nhất. Thành phố Nam Vang đã bị Khmer Đỏ bỏ trống thì việc chiếm đóng là dĩ nhiên thôi. Nhưng Huy Đức đã dùng thủ thuật để tạo ra một phác họa khác hơn về chân dung Lê Duẩn. Chả thế mà trong Teq's Blog của cùng “phe ta” với Huy Đức đã có người khen:
Theo tôi cuốn sách này có một điểm xuất sắc lớn và một điểm mới mẻ lớn: Mới mẻ ở chỗ cuốn sách đem đến những chân dung cụ thể về các vị lãnh đạo. Các vị lãnh đạo được nhắc tới trong sách được kể một cách sống động, rất con người thường nhật. Chẳng hạn như (bác) Lê Duẩn trước nay tôi vẫn chỉ nghe phê phán về những sai lầm những năm cầm quyền cuối đời. Thì ở trong sách này, (bác) Duẫn hiện lên một cách sáng sủa có những tư duy vĩ đại (trong bối cảnh đó, như cách mà ‘bác’ nghĩ là cần bình thường hóa quan hệ với Mỹ ngay sau chiến thắng năm 1975) bên cạnh những sai lầm vĩ đại (cũng trong thời điểm đó)”. Điểm mới mẻ này làm tôi nghĩ dường như cuốn sách được viết để thanh minh cho các vị lãnh đạo, và hơn nữa, cho chế độ. Bên cạnh những phê phán (không mới, đài địch nói ra rả) thì có những ngợi ca (có vẻ như) kín đáo mà (thực sự là) du dương. Chắc là ngu ngốc mà lại cố tỏ ra nguy hiểm, tôi thấy đây là một cuốn có tác dụng tuyên truyền.

Không biết lời khen này về Bên Thắng Cuộc và Huy Đức có đúng không?[NMT]
-Nguyễn Mạnh Trinh: Đọc ‘Bên Thắng Cuộc’ của Huy Đức (VOA’s blog).-

Tổng số lượt xem trang