Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

Phản biện bài viết về 30 tháng Tư trên BBC của Võ Văn Ái (Lữ Giang)

-Phản biện bài viết về 30 tháng Tư trên BBC của Võ Văn Ái
Lữ Giang
Trong bài “Ba mươi Tháng Tư và Phật giáo VN” phổ biến trên BBC ngày 19.4.2015, ông Võ Văn Ái cho rằng từ 1975 đến nay, Phật Giáo là tổ chức đấu tranh rất kiên cường với Cộng Sản. Sở dĩ Phật Giáo bị đàn áp "Chỉ vì lập trường của Giáo hội không chấp nhận làm công cụ cho bất cứ một thế lực chính trị nào, và Giáo hội chỉ yêu cầu để Phật giáo được sinh hoạt độc lập trong khuôn khổ tôn giáo và pháp luật” (trích lời Hòa Thượng Huyền Quang). Ông dọa Đảng CSVN: “Người xưa nói, chở thuyền là nước, lật thuyền cũng là nước. Nước là nhân dân” (tức Phật Giáo).
Những luận điệu này hoàn toàn sai với lịch sử. Trong bài “Bằng chứng tự thú” phổ biến trên các diễn đàn và websites ngày 9.3.2010, khi trả lời Thông Tư số 07/VHĐ/VT ngày 7.1.2010 của Hòa Thượng Quảng Độ cho rằng Phật Giáo đang bị vu khống, chúng tôi đã đưa đầy đủ các tài liệu dẫn chứng rằng trong tiến trình lịch sử chiến tranh Việt Nam, Phật Giáo đấu tranh không những chỉ thân cộng mà còn yểm trợ CSVN một cách tích cực, bị cả Mỹ lẫn CSVN biến thành công cụ, xài xong rồi bỏ. Giáo Hội Ấn Quang đã bị bể tan thành nhiều mãnh. Từ đó đến nay, Hòa Thượng Quảng Độ không hề đưa ra một lời cải chính nào.
Chúng tôi đã thưa với Thưa Hoà Thượng rằng chẳng cần gì phải đi tìm các tài liệu trong hồ sơ giải mật của Hoa Kỳ để xác định GHPGVNTN và hàng giáo phẩm GHPGVNTN có dính líu đến Cộng Sản hay không. Chỉ cần đọc các tài liệu do chính các sử gia Phật Giáo công bố như bộ “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận” và “Hoa Sen Trong Biển Lửa” của Thiền Sư Nhât Hạnh, cuốn “Bảo Trước Cổng Chùa” của Hoà Thượng Mãn Giác, Bạch Thư của Hoà Thượng Thích Tâm Châu, hoạt động của một số tăng ni trong Giáo Hội, các tài liệu do chính GHPGVNTN công bố, những lời tuyên bố của các nhà lãnh đạo giáo hội như Hoà Thượng Trí Thủ, Hoà Thượng Huyền Quang hay của nhà cầm quyền CSVN, v.v., chúng ta cũng có thể xác định rằng trong chiến tranh Việt Nam, GHPGVNTN không những chỉ “dính líu” mà còn yểm trợ tích cực cho Đảng CSVN. Một số thành phần của GHPGVNTN chỉ bắt đầu chống lại Đảng CSVN sau khi âm mưu kết hợp với Phật Giáo miền Bác để tiến tới lãnh đạo toàn thể Phật Giáo Việt Nam, bị Đảng CSVN lật tẩy và gọi đó là “Phật giáo phản động” (tiết lộ của Hòa Thượng Huyền Quang). Còn ba nhân vật cao chấp nhất của Viện Hóa Đạo GHPGVNTN đã đem Giáo Hội này sát nhập vào Giáo HộI Phật Giáo Nhà Nước.
Có thể nói trước hay sau 30.4.1975, đa số "Phật Giáo đấu tranh" đều đi theo Cộng Sản, chỉ có một số nhỏ chống lại và đã bị bể ra từng mãnh do tranh giành quyền bính, một số chủ trương quay trở lại với chính quyền CSVN dưới hình thức "trá hàng" hay "về nguồn".
Chúng tôi xin tóm lược lại dưới đây một số đoạn chính nói về những diễn biến này. Nếu cần, chúng tôi sẽ trích dẫn thêm:
BỊ XÂM NHẬP NGAY TỪ ĐẦU
Tài liệu cho thấy rằng Phật Giáo đã dính líu với Đảng CSVN kể từ khi Mặt Trận Việt Minh mới thành lập. Năm 1932, Bác sĩ Lê Đình Thám đứng ra lập Hội An Nam Phật Học. Năm 1934, ông cùng với Thượng Tọa Thích Mật Khế lập Trường An Nam Phật Học ở Huế để đào tạo các tăng sĩ và đưa Hoà Thượng Thích Trí Độ từ Bình Định ra làm Giám Đốc trường này.
Năm 1945, khi Việt Minh cướp chính quyền, Hoà Thượng Trí Độđược Việt Minh cử làm Chủ Tịch Trung Ương Hội Phật Giáo Cứu Quốc, một tổ chức vận động Phật Giáo của Việt Minh. Dùng ảnh hưởng của mình, ông đã lôi kéo các tăng sĩ tốt nghiệp ở Trường An Nam Phật Học và các đệ tử của ông đi theo Việt Minh. Trong danh sách các tăng sĩ đi theo Việt Minh, chúng ta thấy Thích Mật Thể giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban Phật Giáo Cứu Quốc ở Thừa Thiên, Thích Thiện Minh ở Quảng Trị, Thích Trí Quang ở Quảng Bình, Thích Huyền Quang ở Liên Khu 5 (gồm các tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú), Thích Pháp Dõng ở Gia Định, Thích Pháp Tràng ở Mỹ Tho, Thích Pháp Long ở Vĩnh Long, Thích Huệ Quang ở Trà Vinh, v.v…
Bác sĩ Lê Đình Thám tham gia Ủy Ban Phật Giáo Cứu Quốc của Việt Minh tại Huế. Năm 1946, khi Pháp chiếm Huế, ông về Quảng Nam và được Việt Minh cử làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Miền Nam Trung Bộ ở Liên Khu V. Điều này cho thấy hai nhân vật cao cấp lãnh đạo Hội An Nam Phật Học và Trường An Nam Phật Học đều là cán bộ cao cấp của Cộng Sản.
Năm 1954, sau hiệp định Genève, Thượng Toạ Thích Trí Quangđang làm Hội trưởng Hội VN Phật Học ở Huế, đã lợi dụng cương vị này cùng với một số trí thức Phật Giáo lập Ủy Ban Việt Nam Bảo Vệ Hòa Bình. Nhiệm vụ của Ủy Ban là yểm trợ Việt Minh đòi hỏi hiệp thương để tiến tới bầu cử thống nhất hai miền trong thời hạn 2 năm. Thích Trí Quang và nhóm này đã được ông Ngô Đình Cẩn chiêu hồi và xử dụng.
LÀM CÔNG CỤ CỦA MỸ
1.- Tạo biến cố lật đổ Thổng Thống Diệm
Vụ “tự thiêu” của Hòa Thượng Quảng Đức đã được đưa ra ánh sáng. Một tài liệu được công bố năm 2000 cho biết sau biến cố trước đài phát thanh Huế tối 8.5.1963 khiến 8 em bị tử thương, CIA quyết định dùng biến cố Phật Giáo để lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
William Kohlmann, một nhân viên tình báo Mỹ đang làm việc ở Anh quen biết với Trần Quang Thuận đã được điều động qua Sài Gòn để hướng dẫn Trần Quang Thuận và Đại Đức Thích Đức Nghiệp làm vụ này. Bill Kohlmann kể lại khi mua xăng về đã được khuyến cáo là phải đổ thêm Diesel vào cho cháy chậm lại. Ký giả Malcolm Browne của AP, một nhân viên CIA khác, có nhiệm vụ báo tin cho các ký giả đến đúng lúc để quay phim, chụp hình và gởi đi khắp thế giới. “Ngọn đuốc của CIA” này đã làm chấn động thế giới. Tưởng đây là cách tranh đấu hay nhất, 30 vụ tự thiêu tiếp theo đã được Phật Giáo thực hiện, nhưng không có CIA nhúng tay vào nên trở thành tiếng kêu trong sa mạc!
Tài liệu của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết sau vụ tự thiêu của Hòa Thượng Quảng Đức, Tướng Trần Thiện Khiêm, một điệp viên của CIA, đã xúi các Tướng Lãnh vào gặp ông Diệm yêu cầu ban hành tình trạng khẩn cấp và xét chùa để ổn định tình hình. Ông Diệm đã trúng kế CIA. Ngày 24.8.1963 Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ra lệnh đảo chánh lật đổ ông Diệm.
[FRUS, 1961 – 1963, Volume III, tr. 616. Document 275]
2.- Phát động phong trào ngụy hòa để giúp Mỹ rút quân.
Vào tháng 5/1966, khi Đại Đức Thích Nhất Hạnh đang ở Pháp thì được một nhóm phản chiến của Mỹ mời qua Hoa Kỳ để “góp một bài tay” cho phong trào phản chiến đang dấy lên ở Mỹ.
Hôm 2.6.1966, Dân biểu John Dow (1905 – 2003) thuộc tiểu bang New York, mới được bầu năm 1965, được mô tả là “Foe of Vietnam War” (Kẻ thù của Chiến tranh Việt Nam), đã đưa Thiền Sư Nhất Hạnh ra trước Hạ Viện Mỹ để đọc một bản tuyên cáo viết sẵn đề ngày 1.6.1966.
Từ lời giới thiệu của Dân biểu John Dow đến bản tuyên cáo đều là những lời nói phét (chúng tôi đã công bố nhiều lần), nhưng nhóm phản chiến cần những lời nói phét đó để đánh lừa dân chúng Mỹ.
Phải công nhận Thiền Sư Nhất Hạnh là một điệp viên văn hóa và tôn giáo lì lợm, “dám nói và dám làm theo đơn đặt hàng” không biết ngượng mồm, bất chấp dư luận, bất chấp sự thật và bất chấp đạo lý.
CÔNG CỤ CỦA CỘNG SẢN
Ngoài việc yểm trợ cho chiến dịch ngụy hoà do cơ quan tình báo Mỹ phát động để rút quân ra khỏi Việt Nam, GHPGVNTN đã yểm trợ cho Cộng Sản chiếm miền Nam.
1.- Yểm trợ đòi hỏi của MTGPMN
Ngày 3.6.1966, Thiền sư Nhất Hạnh đã công bố chủ trương 5 điểm của GHPGVNTN như sau:
- Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ từ chức.
- Quân đội Mỹ rút lui.
- Ngưng oanh tạc Bắc Việt.
- Mỹ phải giúp lập chính thể dân chủ và tái thiết miền Nam không điều kiện.
Năm điểm đòi hỏi này giống hệt 5 điểm đòi hỏi của MTGPMN.
2.- Xuyên tạc lịch sử để yểm trợ MTGPMN
Năm 1967, Đại Đức Nhất hạnh cho xuất bản cuốn "Vietnam, Lotus in a Sea of Fire, a Buddhist Proposal for Peace" (Việt Nam, Hoa sen trong biển lửa, môt đề nghị hòa bình của Phật giáo), nói về cuộc tranh đấu của Phật Giáo từ 1963-1966 và những chết chóc tang thương do Hoa Kỳ và quân đội VNCH gây ra. Ông lên án Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo, Nguyễn Cao Kỳ độc tài quân phiệt và ca tụng Hồ Chí Minh là anh hùng dân tộc. Ông tuyên bố MTGPMN do những người quốc gia chống chế độ Ngô Đình Diệm lập ra chứ không phải do Hà Nội, nhưng vì Mỹ đã đổ quân và vũ khí vào VN, nên họ "nghiêng theo khối CS, và càng ngày càng trở thành công cụ của khối CS".
Năm 1968, khi hòa đàm Paris bắt đầu họp, ông được cử làm phát ngôn viên chính thức của GHPGVNTN (Ấn Quang) ở hải ngoại.
3.- Tuyên ngôn 6 điểm của Phái đoàn GHPGVNTN (Ấn Quang)
Tháng 10/1970, một phái đoàn PGVN do Thượng Tọa Thích Thiện Minh cầm đầu qua Nhật Bản dự Hội Nghị Thế Giới về Tôn Giáo và Hòa Bình họp tại Tokyo từ 16 đền 22.10.1970. Phái đoàn gồm có các Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Thích Huyền Quang, Thích Mình Tâm, Đại Đức Thích Nhất Hạnh (phát ngôn viên) và 2 cư sĩ Ngô Văn Giáo và Vĩnh Bữu. Tại hội nghị này, phái đoàn đã đưa ra đề nghị 6 điểm của PGVN như sau:
(1) Các phe lâm chiến phải bắt đầu xuống thang ngay lập tức để đạt đến một cuộc ngưng bắn toàn diện vào lúc 18 giờ chiều 30 Tết Tân Hợi (tức 26.1.1971).
(2) LHQ sẽ chỉ định một nhóm quốc gia trung lập để họp thành Ủy Hội Kiểm Soát Ngưng Bắn gồm cả đại diện của Quân đội VNCH và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam VN.
(3) Chính phủ VNCH phải phóng thích các tù nhân chính trị, sinh viên, trí thức, tu sĩ và tất cả những người đã bị tạm giam vì tranh đấu cho hòa bình và chủ quyền của dân tộc.
(4) Chính phủ Hoa Kỳ phải chấm dứt tình trạng thối nát, độc tài và bất lực ở miền Nam VN bằng cách để cho người Việt tự do chọn đại diện đa số dân chúng có bản chất hòa giải dân tộc, không liên kết và có đủ khả năng để:
- Thương thuyết với chính phủ Hoa Kỳ về thời biểu triệt thoái mau chóng toàn thể quân lực Hoa Kỳ ở VN và những liên hệ ngoại giao, văn hóa và kinh tế giữa Hoa Kỳ và VN.
- Thương thuyết với Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam VN về những thể thức tổng tuyển cử để bầu lên một chính phủ đại diện cho mọi khuynh hướng chính trị ở Nam VN, một cuộc bầu cử hoàn toàn tự do dưới sự giám sát quốc tế, trong đó mọi người VN thuộc bất cứ khuynh hướng chính trị nào đều có thể tham dự.
(5) Các chính phủ Hoa Kỳ, Sô-viết, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và các quốc gia liên hệ khác cộng tác với nhau để chấm dứt đau khổ của người dân Việt bằng cách ủng hộ đề nghị này do chính người Việt đề ra.
(6) Các phe lâm chiến tại VN, nhân dân ưa chuộng hòa bình trên thế giới, các giáo hội tôn giáo và các nhà nhân bản cấp thời hành động để thúc đẩy các quốc gia có trách nhiệm về chiến tranh VN chấm dứt cuộc chiến tranh tại VN, Kampuchea và Lào.
Từ văn từ đến nội dung, bản tuyên bố viết giống hệt các bản tuyên bố của MTGPMN.
Trước một hội nghị quốc tế về tôn giáo và hòa bình, thay vì trình bày một cách lịch sự đề nghị của PGVN, phái đoàn đã đưa ra một mệnh lệnh theo “kiểu ông cố nội”, ra lệnh cho mọi người liên hệ phải thi hành, vì thế GHPGVNTN (Ấn Quang) đã làm mất cảm tình đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Phái đoàn Đan Mạch đã vặn hỏi tại sao PGVN chỉ đòi quân đội Mỹ rút mà không đòi tất cả các quân đội ngoại nhập phải rút, trong đó có cả quân đội CS Bắc Việt, phái đoàn PGVN không trả lời được.
4.- Lập các tổ chức ngụy hoà
Sau Đại hội Phật Giáo kỳ 3 của GHPGVNTN (Ấn Quang) tổ chức tại Saigon ngày 20.8.1968, luật sư Trần Ngọc Liễng dưới sự chỉ đạo của Thượng Tọa Thích Thiện Minh, tuyên bố thành lập Lực Lượng Quốc Gia Tiến Bộ. Ngày 15.11.1969, LS Liễng đưa ra một tuyên bố khẳng định mục đích của Lực Lượng là đòi các lực lượng ngoại nhập (Mỹ và đồng minh) phải rút khỏi miền Nam, thành lập chính phủ hòa giải dân tộc. Các báo ở Saigon hỏi ông tại sao không nói gì về phía Cộng Sản, ông không trả lời.
Ngày 27.1.1973 Hiệp Định Paris được ký kết. Điều 12 của Hiệp Định này dự liệu thành lập tại miền Nam Việt Nam một Hội Đồng Quốc Gia Hòa Giải và Hòa Hợp Dân Tộc sau khi ngưng bắn. Hội Đồng này gồm ba thành phần: VNCH, MTGPMN và các thành phần ở giữa. Thừa lệnh của Hội Đồng Viện Hóa Đạo, ngày 31.1.1973, Thượng Tọa Thích Thiện Minh đã phổ biến một thông bạch tuyên bố thành lập Lực Lượng Hòa Giải Dân Tộc và cử Luật sư Vũ Văn Mẫu làm Chủ Tịch. Lực lượng này bao gồm “các thành phần ở giữa” để đứng về phía MTGPMN trong Hội Đồng. Thông bạch đòi hỏi phải“nghiêm chỉnh thực thi ngưng bắn”và tiến tới lập chính phủ hòa hợp hòa giải. Thông bạch này đã bị các đảng phái quốc gia và báo chí công kích mạnh nên Lực Lượng không hoạt động được.
Tháng 2/1974, nhóm luật sư Trần Ngoc Liễng lại lập “Tổ chức nhân dân đòi thi hành hiệp định Paris”, xác định mình là lực lượng thứ ba, mục tiêu chính là đòi thi hành hiệp định Paris, Mỹ rút quân, thành lập Chính phủ hoà giải dân tộc.
XUẤT ĐẦU LỘ DIỆN
Trong cuốn Bạch Thư công bố ngày 31.12.1993, Hòa Thượng Thích Tâm Châu đã viết:
“Ngày 30.4.1975 là ngày cáo chung của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Những bộ mặt thân Cộng Sản đã lộ rõ nguyên hình, không ai mà không rõ:
- Khi quân Cộng Sản từ rừng về Saigon, đã có gần 500 Tăng, Ni của phe tranh đấu Ấn Quang ra đón chào.
- Ngày 19.5.1975, phe tranh đấu Ấn Quang đã tổ chức sinh nhật Hồ Chí Minh tại chùa Ấn Quang.
- Hiệp Thương Chính Trị thống nhất hai miền Nam Bắc của Cộng Sản, một Thượng Tọa của phe Ấn Quang đã làm một bài tham luận, nịnh Cộng Sản, kể công của Ấn Quang và đã kích Nha Tuyên Úy Phật Giáo cùng Giáo Hội Thích Tâm Châu”.
Trong cuốn Bảo qua cổng chùa”, Hòa Thượng Thích Mãn Giác cho biết sau khi Việt Cộng mới chiếm được miền Nam Việt Nam, Hội Đồng Viện Hóa Đạo của GHPGVNTN (Ấn Quang) đã họp và quyết định tham gia tổ chức “mừng giải phóng” với nhà cầm quyền, đồng thời tổ chức mừng sinh nhật Hồ Chí Minh tại chùa Ấn Quang. Hòa Thượng viết:
“Lần đầu tiên trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam, Giáo Hội đã tổ chức một buỗi lễ hết sức long trọng để mừng sinh nhật của một cá nhân. Ngay trong thời kỳ phong kiến quân chủ, Giáo Hội cũng không làm như vậy. Mỗi chùa riêng tư có lễ chúc tụng Vua, nhưng không phải làm tập thể Giáo Hội. Tại sao Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã làm như vậy? Vì kính ngưỡng Hồ Chủ Tịch? Vì muốn chứng tỏ thiện chí hợp tác?”
Bản Thông Cáo số 66-VHD/VP/TC ngày 8.5.1975 của Viện Hóa Đạo (Ấn Quang) về tổ chức đón mừng hòa bình và kỷ niệm ngày 19 tháng 5, đã tuyên bố:
“Sau bao năm tranh đấu, nguyện vọng của Giáo Hội và toàn dân là Hòa Bình, Độc Lập và Thống Nhất đất nước. Cơ duyên ấy nay đã đến.”
Hòa Thượng Mãn Giác cho biết:
“Tin tưởng vào những hứa hẹn về hòa hợp hòa giải dân tộc của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời, sau ngày giải phóng, Phật Tử Việt Nam đã tận tình hợp tác với Chính Phủ Cách Mạng. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không được mời tham dự buổi lễ Mừng Chiến Thắng do chính phủ tổ chức ngày 15 tháng 5, 1975, nhưng Giáo Hội, với thiện chí sẵn có vẫn hợp tác trong nhiệm vụ đoàn kết dân tộc và tái thiết xứ sở, đã động viên trên 900 Tăng Ni trong thành phố Hồ Chí Minh để tham dự cuộc meeting trên. Ban tổ chức không chịu nhường chỗ đứng cho phái đoàn Phật Giáo tại khán đài, nhưng Giáo Hội vẫn kiên chí tham gia trong buổi lễ. Ngày 19 tháng 5, 1975 hơn 20.000 Phật tử đã tề tựu tại chùa Ấn Quang để làm lễ sinh nhật Hồ Chủ Tịch. Đây là một số lượng đáng kể vì ngoài chính phủ ra, không có đoàn thể nhân dân nào có thể huy động số người tham dự buổi lễ đông đảo như vậy.”
TỰ THÚ NHẬN HỢP TÁC VỚI CỘNG SẢN
Trong cuộc meeting “mừng giải phóng” ngày 15.5.1975, Hòa Thượng Mãn Giác đã đọc một bài diễn văn rất thống thiết, trong đó có những đoạn sau đây:
“Trong những năm dài sống dưới ách nô lệ thực dân mới, Phật Giáo chỉ nuôi một ước vọng sâu kín: độc lập và thống nhất...
Ngày nay, ước vọng đó đã hiện thực. Hiện thực ấy ngày càng rõ nét trong đời sống dân tộc, làm vang vọng lời xác quyết của Hồ Chủ Tịch “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”... Bác Hồ kính yêu đã thay lời tổ tiên nói lên...”
“Cuộc đấu tranh của Phật Giáo cho nền thống nhất tổ quốc cùng là một với cuộc đấu tranh vì CHỦ NGHĨA XÃ HỘI ..."
Sau đó, chính Hòa Thượng Trí Thủ, Viện Trưởng Viện Hoá Đạo Ấn Quang, Hoà Thượng Trí Tịnh, Viện Phó và Thượng Toạ Minh Châu, nguyên Tổng Thư Ký, đem GHPGVNTN (Ấn Quang) sát nhập thành Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước. Trong lễ ra mắt Giáo Hội này hôm 7.11.1981 tại Hà Nội, Hoà Thượng Trí Thủ đã nhân danh Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự của Giáo Hội đọc một bức thư gởi Chủ Tịch Hội Đồng Nhà Nước Trường Chinh, trong đó có đoạn như sau:
“Suốt ba mươi năm chống Pháp, chống Mỹ, nhiều chùa là cơ sở của cách mạng, nhiều tăng ni tạm thời rời bỏ Thiền môn, hăng hái tòng quân đánh giặc cứu nước. Bác Hồ dạy: “Không gì quý hơn độc lập tự do!”, toàn thể tăng ni và Phật tử Việt Nam ghi lòng tạc dạ lời dạy đó của Bác, nhận thức rõ lý tưởng giải thoát của người tu hành không thể tách rời sự nghiệp giải phóng dân tộc, do Hồ Chủ Tịch và Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo.”
Những hoạt động của các chùa và tăng sĩ Phật Giáo ở Huế cho Việt Cộng mà Liên Thành ghi lại trong cuốn “Biến động miền Trung” chỉ mới là một phần nhỏ. Năm 1974, khi tôi trở về Đà Nẵng để quan sát tình hình, nhất là tin Việt Cộng sắp chiếm Thường Đức, một nhân viên an ninh đã cho tôi biết trong 10 chùa ở Đà Nẵng, có đến 8 chùa hoạt động cho Việt Cộng. Nếu Hoà Thượng chịu khó đọc lại các hồi ký viết về Đà Nẵng ngày 29.3.1975, ngày Đà Nẵng bị mất, Hoà Thượng sẽ thấy các tổ chức Phật Giáo và chùa chiền ở Đà Nẵng đã hành xử như họ là cơ quan đại diện của Cộng Sản tiếp thu thành phố!
Trong cuộc gặp gỡ Hòa Thượng Huyền Quang tại Hà Hội chiều 2.4.2003, Thủ Tướng Phan Văn Khải xác nhận:
“Phật giáo Việt Nam đã từng góp công sức của mình vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.”
Khi Cộng Sản chiếm miền Nam, các tăng sĩ lãnh đạo đấu tranh của GHPGVNTN (Ấn Quang) đã coi sáng kiến của mình là tuyệt vời, là “đỉnh cao của trí tuệ loài người”, nhưng những hậu quả sau đó thật là thê thảm cho cả đất nước lẫn Phật Giáo!
Về “mission” của Võ Văn Ái và Thiền sư Nhất Hạnh, chúng tôi sẽ trình bày sau.
Để kết luận, chúng tôi xin nhắc lại lời khuyến cáo của Thiền sư Dhammananda:
“Khi tôn giáo bị sử dụng để gia tăng thế lực chính trị thì tôn giáo sẽ phải hy sinh các lý tưởng đạo đức cao quý và trở nên mất gốc, nhượng bộ cho các thế lực chính trị trong thế gian.”


Ngày 19.4.2015
Lữ Giang


Ba mươi Tháng Tư và Phật giáo VN, Võ Văn Ái
BBC ngày 19.4.2015

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2015/04/150419_30april_phat_giao_vietnam


Ba mươi Tháng Tư và Phật giáo VN


Võ Văn Ái Gửi cho BBC từ Paris, Pháp


  • 19 tháng 4 2015
Chính quyền VN đã thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhằm thay thế Giáo hội Phật giáo VN thống nhất tồn tại từ trước 1975 ở miền Nam, theo tác giả.
Cho đến hôm nay, đầu tôi vẫn còn vang dội đài hiệu của đài Truyền hình Pháp TF1, thông báo tin tức Bộ đội Bắc Việt từng bước tiến chiếm Sài Gòn.
Lúc ấy tôi vừa trở lại Paris sau chuyến thuyết trình dài qua nhiều nước Âu - Mỹ trình bày quan điểm Hoà bình của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN).
Là chi bộ hải ngoại của Giáo hội, chúng tôi đại diện Viện Hoá Đạo ở nước ngoài để thông tin và bày tỏ lập trường của Giáo hội trong cuộc chiến tranh huynh đệ thừa sai.
Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam bằng quân sự là điều kinh sợ. Chúng tôi không thấy quy định bạo lực nào trong Hiệp định Paris năm 1973.
Một miền Nam trung lập, với chính phủ ba thành phần, và chủ trương hoà hợp, hoà giải dân tộc tan tành theo mây khói dưới xích chiến xa ủi sập Dinh Độc lập ở Sài Gòn.
Ước mộng trở về quê hương của tôi thành giấc mộng hờ, khi tôi nghe tin tức trong nước dồn dập đưa ra những chuyện chẳng lành, như chế độ tập trung cải tạo, kinh tế mới… Từ tháng 8 tháng 9-1975 trở đi, nhiều tượng Phật lộ thiên, hay trong các chùa viện ở các tỉnh Quảng Ngãi, Pleiku, Sóc Trăng, Phan Thiết, v.v… bị đập phá.

'Chết vinh, sống nhục'


Chưa có triều đại nào trong lịch sử Việt Nam, mà khối lượng chư Tăng, Phật tử bị tù đày, vào trại Cải tạo hay quản chế tại gia đông đảo như dưới triều đại Hồ Chí MinhÔng Võ Văn Ái
Ngày 2-11-1975, dưới băng rôn “Thà chết vinh hơn sống nhục”, 12 Tăng Ni ở Thiền viện Dược Sư, Cần Thơ, tự thiêu tập thể phản đối chính quyền Cách Mạng với 7 yêu sách đòi hỏi nhân quyền, tự do tôn giáo, chấm dứt đàn áp GHPGVNTN.
Cuộc biểu dương phản đối trên đây mở đầu cuộc đối kháng chính sách đàn áp tôn giáo và tiêu diệt Phật giáo của Hà Nội, mà Giáo hội kiên trì tới 40 năm sau. Chủ trương đã được ông Trần Xuân Bách thiết kế thông qua Chỉ thị số 20 của Đảng và được ông Lê Duẩn ký từ năm 1960, khiến Phật giáo miền Bắc tiêu vong. Nay đem áp dụng tại Miền Nam.
Chưa có triều đại nào trong lịch sử Việt Nam, mà khối lượng chư Tăng, Phật tử bị tù đày, vào trại Cải tạo hay quản chế tại gia đông đảo như dưới triều đại Hồ Chí Minh.
Giới Tăng lữ bị bắt hoàn tục, hay đưa sang chiến trường Kampuchia. Hàng giáo phẩm Viện Hoá Đạo bị bắt, như các Hoà thượng Huyền Quang, Quảng Độ, Thiện Minh... Do áp lực quốc tế, hai ngài Huyền Quang, Quảng Độ bị xử 2 năm tù cuối năm 1977. Cố Hoà thượng Thích Thiện Minh bị tra tấn đến chết ở Trại thẩm vấn X4, đường Nguyễn Trãi, Sài Gòn.
Sau đợt khủng bố, đàn áp thẳng tay trong vòng 5 năm, vẫn không thể tiêu diệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mà mạng lưới tổ chức của Giáo hội lan rộng từ thành thị đến nông thôn, với khối lượng đông đảo Phật tử hậu thuẫn. Ông Xuân Thuỷ, Bí thư Trung ương Đảng kiêm Trưởng ban Dân vận, giao cho ông Đỗ Trung Hiếu nhiệm vụ thống nhất Phật giáo. Ông nhận định rằng :
«Quan trọng là Đảng không bao giờ lãnh đạo được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mà ngược lại Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trở thành một tổ chức tôn giáo rộng lớn có đông đảo quần chúng, là một tổ chức có áp lực chính trị thường trực với Đảng và chính phủ Việt Nam”.
Đây là đầu mối cho “Hội Phật giáo Việt Nam” ra đời tại chùa Quán Sứ, Hà Nội ngày 4-11-1981, mà chủ yếu tập họp các hội Phật giáo yêu nước của Đảng, chứ không là một giáo hội của Tăng Ni, Phật tử hình thành. Hội là công cụ chính trị cho Đảng, làm công tác tuyên truyền đối ngoại cho chế độ.

'Tổ chức bù nhìn'

 Hòa thượng Thích Quảng Độ, Tăng Thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, tiếp tục bị quản chế tới nay, theo tác giả. Ông Đỗ Trung Hiếu, kiến trúc sư của tổ chức Phật giáo nhà nước này, đã phản tỉnh 13 năm sau, khi ông hồi ký công trình Đảng tóm thu Phật giáo. Trong tập sách “Thống Nhất Phật giáo”, ông Hiếu tiết lộ :
«Cuộc thống nhất Phật giáo lần này, bên ngoài do các Hòa thượng gánh vác, nhưng bên trong bàn tay Đảng Cộng sản Việt Nam xuyên suốt quá trình thống nhất để nắm và biến Phật giáo Việt Nam trở thành một tổ chức bù nhìn của Đảng. (…) Nội dung hoạt động là do cúng bái chùa chiền, không có hoạt động gì liên quan tới quần chúng và xã hội. Hội Phật Giáo Việt Nam ở trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, tuân thủ luật pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam».
Liền sau cuộc thống nhất nói trên, hai Hoà thượng Huyền Quang, Quảng Độ bị giải về quê quán lưu đày ở tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Thái Bình đầu năm 1982 do Quyết định của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chứ không qua toà án xét xử.
Một nhân chứng đáng tin cậy về giai đoạn khủng bố Phật giáo này là Đức cố Đệ Tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu. Năm Mậu thân, 1968, ngài bị cưỡng bức gánh lên rừng, rồi đưa ra Hà Nội như con tin của nhà nước, và được sử dụng như con bài tuyên truyền đối ngoại.
Ngài trở lại miền Nam với chức vụ đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc. Thế nhưng ngài đã viết đơn từ nhiệm mọi chức vụ, lại còn tố cáo chế độ đàn áp Phật giáo và thảm sát Hoà thượng Thích Thiện Minh. Trong băng thu âm, mà tạp chí Quê Mẹ phát hành tại Paris đăng tải, Ngài phơi bày cái gọi là “cách mạng giải phóng” miền Nam như sau:
“Tình đoàn kết, thương yêu, kính trọng trước kia, chỉ được 10 ngày! Sau 10 ngày đó: tình đoàn kết xưa nay bây giờ rã hết! Lòng yêu thương đổi thành ghét cay ghét đắng! Sự kính trọng bây giờ người dân trở lại khinh đáo để!”

Lý do chống đối


Hiện nay, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất chỉ tồn tại trong thực tế, chứ Nhà nước không công nhận. Tuy nhiên Giáo hội vẫn tiếp tục cuộc vận động đòi hỏi phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý, và tranh đấu cho tự do tôn giáo, nhân quyền, dân chủ.Ông Võ Văn Ái
Lý do nào mà Phật tử Việt Nam chống đối nhà cầm quyền Cộng sản? Bản Thông bạch của Hoà thượng Huyền Quang phát hành năm 1994 cho biết :
“Phật giáo chúng ta đang trong cơn Pháp nạn II. Nhà nước Việt Nam đã đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chúng ta kể từ sau ngày 30-4-1975
"Chỉ vì lập trường của Giáo hội không chấp nhận làm công cụ cho bất cứ một thế lực chính trị nào, và Giáo hội chỉ yêu cầu để Phật giáo được sinh hoạt độc lập trong khuôn khổ tôn giáo và pháp luật”.
Không muốn làm công cụ cho chế độ, vì lịch sử Hai Nghìn năm Phật giáo, đạo Phật luôn đồng hành cùng dân tộc, vui buồn theo vận nước, sát cánh cùng nhân dân chống xâm lăng, bảo vệ chủ quyền.
Nhiều Sư Bà, Nữ tướng Phật tử đã tham gia với Hai Bà Trưng trong cuộc kháng chiến vệ quốc đầu tiên của nước ta và nhiều bậc sư sãi, thiền sư khác cũng đã đóng góp cho các triều đại Việt Nam trong các thời đại dựng nước và giữ nước.
Cũng vì thế, mà Đức Đương kim Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ, sống trong cảnh quản chế, vẫn không ngừng lên tiếng đưa ra Giải pháp dân chủ hoá Việt Nam từ tháng 2/2001 để cứu nguy tình thế.
Ngài đã tố cáo nạn Bô-xít Tây nguyên như tung đội thứ Năm của Bắc Kinh, tố cáo sự xâm lấn biển đảo của Trung quốc, mà biến cố dàn khoan Hải Dương 981 xảy ra năm ngoái là một trong các minh chứng.

Tiếp tục phát triển

 Nhiều hoạt động thiện nguyện đang được cộng đồng Phật giáo Việt Nam ở trong nước tiến hành hỗ trợ người dân. Hiện nay, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất chỉ tồn tại trong thực tế, chứ Nhà nước không công nhận. Tuy nhiên Giáo hội vẫn tiếp tục cuộc vận động đòi hỏi phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý, và tranh đấu cho tự do tôn giáo, nhân quyền, dân chủ.
Hiện Giáo hội có 20 Ban Đại diện trong các tỉnh thành. Nhưng mọi sinh hoạt văn hoá, giáo dục, tín ngưỡng đều bị sách nhiễu và cấm đoán.
Vậy tương lai của Giáo hội sẽ ra sao? Vẫn là tương lai của Phật giáo nói chung trên thế giới, đạo Phật tiếp tục truyền thừa và phát huy rực rỡ, hiện đang phát triển mạnh tại các nước Âu Mỹ sau gần ba nghìn năm khai đạo.
Trong khi ấy, các chế độ gian ác, độc tài đến đâu cũng chỉ có một thời.
Tương lai Phật giáo Việt Nam tuỳ thuộc một là Đảng Cộng sản chấp nhận tiến trình dân chủ hoá để hình thành thể chế dân chủ đa nguyên, hoặc một biến cố do nhân dân tự đứng lên thực hiện dân chủ.
Người xưa nói, chở thuyền là nước, lật thuyền cũng là nước. Nước là nhân dân.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, phát ngôn nhân Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Bài được gửi tới BBC sau khi BBC mời độc giả tham gia viết bài vở, đóng góp tư liệu, chia sẻ thông tin, cảm nghĩ về sự kiện 30/04/1975.

****************
-Pháp thoại nhức nhối đầu năm (Lữ Giang)
“…Tụng kinh, gõ mõ, dâng sao, giải hạn, làm thuyền Bát Nhã bằng giấy để chở các vong linh về Tây Phương, Niết Bàn, v.v... đó là những việc làm lừa đảo những tín đồ nhẹ dạ, vì thương cha mẹ và những người thân nên bỏ tiền ra cúng, để các sư cô ghi tên họ mà đưa về Tây Phương Cực Lạc. Đó là một việc làm mê tín nhất trong các kinh sách Đại thừa mà các sư cô thực hiện…”


Khi năm con rắn bước qua năm con ngựa, chúng tôi lại nhớ đến những pháp thoại của Trưởng Lão Thích Thông Lạc, người đã có những bài giảng pháp gây nhức nhối cho Phật Giáo ở trong và ngoài nước trong hơn 10 năm qua, trong đó có những pháp thoại nói về những mê tín dị đoan trong đạo Phật mỗi dịp xuân về.
Thích Thông Lạc theo Phật Giáo Nguyên Thủy, còn được gọi là Trưởng lão bộ, Thượng tọa bộ hay Theravàda, có sự thông hiểu về Phật pháp rất sâu rộng và tuổi đạo cũng cao, nên được tôn xưng là Trưởng Lão Thích Thông Lạc.
Một hiện tượng trong Phật giáo?
Trưởng Lão có thế danh là Lê Ngọc An, Pháp danh là Thông Lạc, sinh năm 1928, xuất gia lúc mới 8 tuổi. Ông tu tập nhiều pháp môn khác nhau, khởi đầu là Mật Tông với Hòa Thượng Thích Thiện Thành, rồi đến Tịnh Độ với Họa Thượng Thích Thiện Hòa và Thiền Tông với Hòa thượng Thích Thanh Từ. Từ đó ông xả thân tu hành với pháp môn Thiền Tông, chứng đạt đầy đủ 18 loại hỷ tưởng, tức là triệt ngộ.
Đức Phật ngày xưa tu tập theo giáo pháp Bà La Môn, sau khi chứng ngộ các định Vô Sắc ấy nhưng không thấy giải thoát, nên Ngài đã từ bỏ chúng và tìm ra đường lối tu tập riêng biệt và cuối cùng Ngài chứng đạt chân lý Tứ Diệu Đế. Thầy Thích Thông Lạc cũng tu tập các pháp nói trên nhưng nhận thấy không giúp đoạn diệt tâm tham, sân, si, mạn, nghi nên chuyển qua tu tập pháp môn "Như Lý Tác Ý" trong Đại Tạng Kinh Nikaya. Sau khi chứng đạo, với mục tiêu “trùng tu tinh thần chánh pháp của Phật”,ông bắt đầu nói về những sai lầm của Đại Thừa khi kết hợp giữa kinh Bà La Môn và kinh Phật, giữa Nho Giáo và Lão Giáo với Phật Giáo. Ông đi giảng Pháp từ Nam ra Bắc. Ông lên án mạnh mẽ những mê tín dị đoan trong Phật Giáo. Ông coi Phật Giáo Việt Nam đang ở thời kỳ mạt pháp.
Ông cũng đã giảng dạy cho nhiều tu sinh, xây dựng Chùa Am và thành lập Tu Viện Chơn Như ở Tây Ninh. Ông đã viên tịch ngày 1/11/2013
Những tài liệu truyền pháp và pháp thoại của ông còn được lưu trữ đầy đủ trên website nguyenthuychonnhu.net/index.php/thichthonglac, được Nhà xuất bản Tôn Giáo ấn hành và phổ biến rộng rãi với ghi chú : “Sách này chỉ biếu, không bán”. Nhiều người đã coi pháp thoại của Trưởng Lão Thích Thông Lạc là một hiện tượng. Dĩ nhiên, những bài pháp thoại của ông đã gây nhức nhối cho nhiều tông phái, nhiều tăng sĩ và cho Phật Giáo Việt Nam, nhưng số người lên tiếng phản biện rất ít, nhất là không có sự lên tiếng của các nhân vật có thẩm quyền trong Phật Giáo.
Trong bài “Về sư Thông Lạc : GHPGViệt Nam im lặng mới là ‘hiện tượng’”, đăng trên phattuvietnam.net, Phật tử Minh Quân đặt câu hỏi : Thích Tông Lạc bảo “Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ là lừa đảo, Tịnh độ tông và Mật tông mê tín, Thiền tông bịp bợm, Lục tổ Huệ Năng tu không chứng…, ngay cả Bồ tát Thích Quảng Đức, để lại quả tim là nhờ vào tưởng lực của ngài quá mạnh, chứ chưa thể làm chủ sinh tử, kinh điển Đại Thừa phát triển là ngoại đạo, thì tại sao GHPGViệt Nam lại im lặng?” Tác giả nói :“Sự im lặng của quý vị đã mặc nhiên thừa nhận Sư Thông Lạc nói đúng !...
Theo chúng tôi, có lẽ các tông phái và các tăng sĩ trong nước không lên tiếng, một phần vì những lý luận của ông rất sắc bén, khó phản biện được, và phần khác vì sợ những phản biện sẽ làm cho cuộc tranh luận giữa Tiểu Thừa và Đại Thừa nổ lớn và lan rộng, nhiều mặt trái của vấn đề lại được phô bày ra trước công luận.
Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề gây tranh luận này trong một bài khác. Trong bài này, chúng tôi sẽ nói qua về một số tập tục trong Phận Giáo nhân dịp mừng xuân, đã bị Trưởng Lão Thích Thông Lạc tố cáo là mê tín dị đoan. Những đoạn dưới đây được trích cuốn “Đường về xứ Phật” và cuốn“Người Phật tử cần biết” (Những điều phi Phật Pháp), dưới hình thức vấn đáp, xin được tóm lược lại.
Chuyện đưa ông Táo về Trời
Hỏi : Kính bạch Thầy, sắp đến ngày 23 Tết Âm lịch, năm nào cũng vậy, mọi nhà lo mua ba bộ mũ, hia, giày và một con cá chép sống để cúng tiễn đưa ông Táo về trời. Như vậy có đúng không thưa Thầy?
Đáp :Ông Táo là một chuyện mê tín của dân gian, mục đích là để răn người đừng làm điều ác, vì làm điều ác là ông Táo sẽ về chầu Trời tố cáo tội ác trong năm… Ông Táo không có thật, mà chỉ là một tưởng tri của loài người, để khiến cho người ta sợ mà không làm điều ác. Từ câu chuyện răn nhắc đừng làm ác thì dần dần biến thành phi công lý, phi đạo đức (hối lộ mũ hia, giày, quần áo, cá chép, cúng bái thần linh là một hình thức hối lộ)…
Phật giáo Đại thừa cũng chịu ảnh hưởng, nhưng lấy ngày đó làm ngày lễ đưa chư Thiên về chầu trời. “Dân gian thì đưa Táo quân, Phật giáo thì đưa chư Thiên về trời” ! Câu chuyện mê tín dân gian Phật giáo Đại thừa lại biến thành mê tín Phật giáo. Bởi vậy Phật giáo Đại thừa có đáng cho chúng ta đủ niềm tin chăng?
Chuyện chiếc thuyền Bát Nhã
Hỏi :Trong các chùa đầu năm, có làm một chiếc thuyền Bát Nhã bằng giấy để chở vong linh người chết về Tây Phương, Niết Bàn... Vậy, những việc làm trên của các sư ni có đem lại lợi ích gì cho Phật pháp, cho các sư ni và cho chúng sanh không ạ?
Đáp :Tụng kinh, gõ mõ, dâng sao, giải hạn, làm thuyền Bát Nhã bằng giấy để chở các vong linh về Tây Phương, Niết Bàn, v.v... đó là những việc làm lừa đảo những tín đồ nhẹ dạ, vì thương cha mẹ và những người thân nên bỏ tiền ra cúng, để các sư cô ghi tên họ mà đưa về Tây Phương Cực Lạc. Đó là một việc làm mê tín nhất trong các kinh sách Đại thừa mà các sư cô thực hiện. Những việc làm này là phỉ báng Phật giáo, có mục đích tiêu diệt Phật giáo, còn người có trí hiểu biết sẽ đánh giá trị Phật giáo là một loại tôn giáo mê tín, lừa đảo tín đồ.
Những việc làm này nó không có lợi ích cho con người, khiến cho con người tiền mất, tật mang, chỉ có những người hành nghề bất chánh này là có lợi ích mà thôi.
Cầu phúc, xin lộc có lợi lạc gì không?
Hỏi : Kính thưa Thầy, đầu năm đi chùa để lễ bái cầu phúc, cầu lợi, có lợi lạc gì không thưa Thầy? Nhất là ngày rằm tháng giêng thì chùa nào cũng đông nghẹt, từ sáng sớm đến khuya, vì người ta nghĩ “Đi lễ quanh năm không bằng đi ngày rằm tháng giêng” !
Đáp :Đó là phong tục mê tín từ lâu trong các chùa Đại thừa, dùng cầu phúc, cầu lợi để lừa đảo tín đồ Phật giáo, đem phúc, lợi cho những tu sĩ ngồi trong mát ăn bát vàng, hơn là phúc, lợi cho tín đồ, đi chùa để nghe pháp, nhớ lời Phật dạy về đạo đức làm người để sống toàn thiện.
Nếu một người nghe lời Phật dạy, luôn luôn sống toàn thiện, thì phước lộc đầy đủ, cần gì phải đi chùa cầu phước, cầu lợi? Nếu đi chùa quanh năm, hoặc nhân ngày rằm tháng giêng đến lễ Phật, cầu chư Phật ban phúc, ban lộc, mà chẳng làm một điều lành, luôn luôn làm khổ mình, khổ người, không hề tu tập nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, lúc nào cũng có phiền não, sân hận, bất toại nguyện, v.v... thì có ích lợi gì? Có Phật nào ban cho phúc lộc hay không? Đụng việc gì cũng làm to ra, la lối om sòm, chửi làng, mắng xóm, cuộc sống lúc nào cũng bỏn xẻn, ích kỷ, không hề giúp đỡ người bất hạnh, thì dù có lạy Phật đến sói đầu cầu phước, cầu lộc cũng chẳng có được chút nào.
Các tượng trong chùa
Hỏi : Các chùa miền Bắc có tục lệ thờ đủ thứ Phật như: Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà, Phật Quan Âm, Phật Dược Sư, Phật Đại Thế Chí, Phật Văn Thù Sư Lợi, Phật Phổ Hiền, v.v... còn bên mặt thì thờ Đức Ông Quan Thánh Đế Quân và bên trái thì thờ Bà Chúa Tiên, Chúa Sứ, Linh Sơn Thánh Mẫu, Phật Mẫu Chuẩn Đề, Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn, phía sau thờ Bồ Đề Đạt Ma, Lục Tổ Huệ Năng, tức là ông giám trai, phía trước thờ ông Thiện, ông Ác và Hộ Pháp… Vậy việc thờ phụng trên có đúng chánh pháp không? Và mỗi khi đến chùa chúng con phải cúng dàng như thế nào cho đúng chánh pháp?
Đáp :Trong chùa thờ cúng nhiều tượng Phật là thờ cúng không đúng chánh pháp. Trên thế gian này duy nhất chỉ có đức Phật Thích Ca Mâu ni là một vị Phật có lịch sử chân thật của loài người. Còn tất cả các vị Phật khác đều là Phật giả tưởng của người sau đặt ra, đó là những nhân vật truyền thuyết, nhân vật tiểu thuyết không thật có. Thờ những tượng Phật không có lịch sử chân thật là thờ cúng mê tín, thờ cúng trong vô minh, không đúng chánh pháp, là thờ cúng theo kiểu ngoại đạo.
Tùy duyên hoằng pháp?
Trên đây chỉ là một vài câu chuyên được trích ra nhân ngày đầu Xuân. Còn vô số chuyện mê tính di đoan khác được nói trong sách.
Theo Trưởng Lão Thích Thông Lạc, Phật giáo Đại thừa đi đến đâu cũng viên dung và viên thông, lấy tất cả các pháp của mọi tôn giáo và sự mê tín của con người làm giáo pháp của mình. Cho nên, giáo pháp Đại thừa là giáo pháp lượm lặt của các tôn giáo khác, chỉ cần thay danh từ là biến thành giáo pháp của mình. Khi dân gian mê tín cúng Táo quân thì Đại thừa biến danh từ Táo quân thành danh từ chư Thiên.
Trưởng lão nói :
“Từ khi đức Phật nhập diệt, kinh luật đã được thiết lập theo các Tổ, nhưng mầm mống chia rẽ và phá giới, phạm giới đã có từ lúc đức Phật còn tại thế. Cho nên, ít ai còn giữ gìn và sống đúng giới hạnh. Đến khi ông A Nan tịch thì không còn ai có đủ quyền lãnh đạo, nên lần lượt chư Tăng chia thành nhiều bộ phái (20 bộ phái) và mỗi bộ phái tự kiến giải kinh luật riêng của bộ phái mình. Do đó, kinh sách phát triển của đạo Phật, càng ngày càng tăng lên rất nhiều. Chính những kinh sách này, dẫn đến lìa xa đạo Phật (mất gốc)...
“Khi đức Phật còn tại thế, Ngài đã xác định : ‘Giới luật còn là đạo Phật còn, giới luật mất là đạo Phật mất’. Lời di chúc này giúp cho chúng ta nhìn thấy tu sĩ hiện giờ phạm giới, phá giới là chúng ta biết ngay là Phật giáo đã mất, chỉ còn lại là đạo Bà La Môn, chuyên môn mang mõ chuông đi cúng tế cầu siêu, cầu an v.v…
“Là một tu sĩ Phật giáo sống thật, tu thật, không cầu danh lợi, không cầu cơm ăn áo mặc, không cầu chùa to, tháp lớn, chỉ tìm cầu sự giải thoát sanh, già, bệnh, chết nơi thân tâm của mình. Vì thế, chúng tôi nói thật, nói thẳng, nói mạnh.”
Đây là những pháp thoại nhức nhối, nhưng cũng là những điều cần suy nghĩ khi bước vào năm con ngựa.
Ngày 30/1/2014
Lữ Giang


-PHẬT TRÊN ĐƯỜNG PHỐ 
begging-monks-T-a-203x300
Sư hành khất ("Begging Monks") của Taisen Deshimaru
Tôi đọc được trên mạng một truyện kể lại của tác giả Huệ Khải. Ngắn nhưng vô cùng thâm thúy, nội dung như sau:

Có thầy tu nọ rất mực thánh thiện. Sau nhiều năm dài tu hành tinh tấn, chuyên chú kinh kệ không một phút giây xao lãng, thầy thấy mình đã bước vào được cảnh giới tâm linh viên mãn.
Một đêm khuya nọ, sau khi xả thiền, thầy đi ngủ và nằm mơ thấy mình dự một buổi tiệc lớn gồm toàn những bậc đạo cao đức trọng. Tất cả mọi người đều sắp theo thứ tự ngôi thứ trên bàn tiệc. Thầy được vinh dự xếp ngồi gần chủ tiệc, nhưng ở vị trí thứ nhì. Vị trí thứ nhất dành cho người bán tạp hóa ở khu phố không xa nơi thầy cư trú.
Điều này khiến thầy băn khoăn không hiểu công phu đạo hạnh của người chủ tiệm đó cao đến mức nào. Sáng hôm sau, thầy liền tìm tới tiệm tạp hóa, tìm một chỗ khuất và kín đáo quan sát rất lâu. Thầy thấy tiệm không lớn lắm, nhưng không lúc nào ngớt khách. Chủ tiệm cũng chẳng có gì đặc biệt, luôn tay bán hàng, thu tiền, thối tiền, mà vẻ mặt lúc nào cũng tươi cười, nói năng hòa nhã.
Nhân một lúc ngớt khách, thầy bước tới chào chủ tiệm và kể lại giấc mơ kỳ lạ. Chủ tiệm ôn tồn nói:
-Tôi cần chiết dầu ăn từ cái thùng hai mươi lít ra hai mươi cái chai xếp sẵn ở góc kia. Xin thầy giúp một tay. Đừng để chai nào đầy quá hay vơi quá, cũng đừng làm sánh dầu ra ngoài chai nhớp nháp. Xong rồi, tôi sẽ tiếp tục câu chuyện của thầy.”
Thầy chăm chú chiết dầu vừa xong, thì đúng lúc của hàng ngớt khách. Chủ tiệm lúc này cũng nghỉ tay bán hàng, liền bước tới hỏi thầy:
-Nãy giờ lo chiết dầu ra chai, trong đầu thầy có giây phút nào nhớ nghĩ tới Trời tới Phật không?
Thầy bẽn lẽn:
-Tôi làm không quen, ráng tập trung rót dầu vào từng chai theo đúng yêu cầu của ông, mệt toát mồ hôi. Do đó chẳng được phút giây nào rảnh trí mà nhớ nghĩ tới Phật, Trời!”
Chủ tiệm cười hiền lành, bảo:
-Nếu thầy bận bịu buôn bán như tôi cả ngày, lu bu quanh năm suốt tháng, thì tâm thầy ắt xa Trời xa Phật mịt mù luôn! Tôi không có phước lớn để được rảnh rang chuyên lo tu hành như thầy. Tôi chỉ ráng tập thành thói quen cho tâm tôi lúc nào cũng nhớ Trời, nhớ Phật. Khi bán hàng cho khách tôi nguyện không để ai phải phiền lòng vì bị cân non, đong thiếu. Khi phục vụ khách hàng, tôi nguyện không để ai mích lòng vì thấy tôi thiên vị. Gặp khách hàng xấu tính, tôi nói cười nhã nhặn, thầm nhắc nhở: Thánh Thần giả dạng thường dân tới thử thách mình đây. Tôi tu như vậy đó, thưa thầy!
Câu chuyện rất ngắn, nhưng ý nghĩa thật thâm thúy. Phật pháp không lìa thế gian pháp. Đâu cũng có thể là cảnh giới thị hiện của Bồ Tát, để tùy duyên hóa độ chúng sinh. Biết đâu trong số những người quanh ta, lại chẳng có chư Bồ Tát luôn giả dạng người phàm để thử thách hạnh nguyện của chúng ta?
Truyền thuyết Ấn Độ kể rằng khi đạo sư Narota lang thang khắp xứ sở Ấn Độ để cầu đạo vô thượng với đạo sư Tilopa, thì đạo sư Tilopa biến hiện thành vô vàn hình tướng với nhiều cảnh tượng nhằm thử thách môn đồ. Dù là một cao thủ huyễn thuật, nhưng Narota vẫn không sao lường được cảnh tượng biến ảo khôn lường do Tilopa bày ra. Vì biết rằng vị đạo sư kia có thể hóa thân thành mọi hình tướng, nên ông sẵn sàng quỳ phủ phục dưới chân của mọi khách qua đường để lễ bái. Đây là chi tiết cực kỳ sâu sắc trong câu chuyện nửa thực, nửa hư về hai vị đại chân sư Mật tông Ấn Độ. Cung kính hạ mình trước tất cả chúng sinh, vì biết rằng tất cả chúng sinh đều có thể là hóa thân của những bậc chân sư, là bước đầu để tiêu trừ bản ngã, cũng là cách thực hiện hạnh nguyện của Thường Bất Khinh Bồ Tát trong kinh Pháp Hoa.
Kinh Pháp Hoa ghi rằng có một vị Tỳ kheo chẳng chuyên đọc tụng kinh điển, chỉ đi lễ lạy, thấy bất kỳ ai cũng cố lễ lạy, ngợi khen mà nói rằng: "Tôi chẳng dám khinh quý Ngài, quý Ngài đều sẽ thành Phật". Khi nghe lời nói đó, nhiều người chưởi mắng, dùng gậy, cây để đánh, gạch đá để ném, nhưng ngài chẳng sanh lòng giận hờn, thường nói: "Ngài sẽ thành Phật". Bởi ngài thường nói lời đó, nên hàng tăng thượng mạn Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di gọi ngài là Thường Bất Khinh.
Có lần, tôi ngồi uống cà phê trên vỉa hè. Có một bà cụ đến mời mua vé số. Dáng người thấp nhỏ, hiền lành. Tôi không bao giờ mua vé số, nên cầm bàn tay bà cụ, đặt vào đó một ít tiền, rồi bảo: “Con xin gởi bác ăn trầu”. Bà cụ lắc đầu không nhận, Tôi nài nỉ thế nào bà cũng không chịu lấy. Bà dúi tiền trả lại cho tôi, rồi cười hiền lành, bảo:
-Thôi cám ơn cậu. Tui không dám nhận đâu. Không có công mà tự nhiên ngồi hưởng, kiếp sau trả nợ cực lắm!
Rồi bà chào tôi mà đi bán tiếp. Câu nói của bà cụ như đóng đinh tôi hè phố, khiến tôi sửng sốt, không còn nghĩ đến chuyện chạy theo bà để nói lời xin lỗi.
Câu nói dù đơn giản, nhưng nó không chỉ là cách biểu hiện lòng tự trọng đáng kính của người nghèo, mà còn thâm thúy như pháp thoại của một vị chân sư. Không công mà ngồi hưởng, kiếp sau trả nợ! Ai dám nghĩ rằng câu nói đó là của một bà lão vô danh nghèo khổ, đi bán vé số dạo trên đường phố Sài Gòn? Một bài học vỡ lòng của đạo Phật về luật nhân quả. Bà lão kia có khác gì một Bồ Tát hóa thân giữa cõi thế để cảnh tỉnh người đời? Tôi tưởng chừng như nghe được một bài thuyết pháp. Thuyết pháp đâu cần phải nói nhiều, và nói cho hùng hồn. Chỉ cần một câu nói cũng khiến cho ta tỉnh ngộ. Giống như một chuyển ngữ của Thiền tông. Bà lão đã dạy cho ta tập theo hạnh nguyện của Bồ Tát Thường Bất Khinh.
Câu nói của bà lão suốt đời tôi không quên được. Như một bài minh để tự nhắc nhở mình. Không công mà ngồi hưởng, kiếp sau trả nợ! Giữa những đổ nát của đạo lý hôm nay, giữa những băng hoại của tình người, giữa cảnh xô bồ đua danh trục lợi bằng mọi thủ đoạn, khi sự vô cảm đang sa mạc hóa dần cuộc sống, thì hình ảnh bà cụ nhỏ bé nghèo khổ trên đường phố, với xấp vé số trên tay, chợt sáng rực lên, như một đóa sen tỏa sáng giữa đầm lầy u tối.
Còn có bao nhiêu bà lão bán vé số như thế trên những con phố Sài Gòn xô bồ tấp nập? Phải chăng vẫn còn vô số những Bồ Tát, những chân sư Tilopa đang thị hiện giữa cõi Ta Bà ô trọc bằng muôn ngàn hình tướng, để tùy duyên mà hóa độ chúng sinh?
Tôi nghiệm thêm được rằng những điều bình dị của cuộc đời luôn sâu thẳm. Vì nó giúp ta hiểu sâu sắc thêm những ý nghĩa thâm huyền trong kinh điển. Tôi đọc lại phẩm thứ hai mươi của kinh Pháp Hoa, và cảm nhận thêm nhiều điều từ hạnh nguyện của Thường Bất Khinh Bồ Tát. Chư Phật, chư Bồ Tát đâu có ngồi mãi trên tòa sen để thuyết pháp trong bối cảnh hoành tráng của kinh điển đại thừa, mà có thể các Ngài đang sống lẫn lộn giữa chúng ta dưới muôn ngàn hình tướng. Từ những nơi thâm u tịch mịch cho đến những phố xá huyên náo ồn ào, nếu ta biết lắng nghe thì đường phố cũng có thể là đạo tràng, và những câu nói thoáng qua cũng có thể là pháp thoại. Tất cả đều từ một chữ Duyên.
Và tôi làm bài thơ này để ghi lại những gì mình cảm nhận:
Ứng hóa tùy duyên chuyển pháp luân Du hành quốc độ đẳng vi trần Dục cùng hóa độ tam thiên giới Nãi hiện Hằng sa vô lượng thân.

應 化 隨 緣 轉 法 輪
遊 行 國 土 等 微 塵
欲 窮 化 渡 三 千 界
乃 現 恒 沙 無 量 身

Huỳnh Ngọc Chiến
-

PHẬT TRÊN ĐƯỜNG PHỐ

Tổng số lượt xem trang