Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Nông dân Việt bỏ ruộng lan tới miền Nam

TT - Sau khi đọc loạt bài “Nông dân trả ruộng” (Tuổi Trẻ đăng từ ngày 20 đến 23-12), ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang - đã gửi đến Tuổi Trẻ bài viết với nhiều trăn trở. Chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc.Sáng 23-12 tôi đọc Tuổi Trẻ thấy có bài của PGS Vũ Trọng Khải và tiến sĩ Đặng Kim Sơn, là hai nhà cựu và đang có chức trách về chính sách nông nghiệp. Liên kết lại quá trình và hiện tình nông nghiệp nước nhà; là nhà nông, nhà quản lý nông nghiệp địa phương một thời, tôi nghĩ ngợi: “Phải chăng nông nghiệp VN hết thời?!”.



Trước hết hoan nghênh PGS Vũ Trọng Khải nói cho dân biết rằng: “Đất là của mình sao lại trả?!” và “Dồn điền đổi thửa” từng được ca ngợi là sáng tạo, “lên sản xuất lớn” là không đúng. Dân không biết đất là của mình mới trả và cán bộ cho rằng ghép ba thửa đất liền ranh lại bằng 3.000m2 là lớn hơn trồng lúa trên mỗi thửa 1.000m2 là chưa hoàn toàn chính xác. Hai chuyện nhỏ nhưng lại ý nghĩa lớn vì nó thuộc về nhận thức, luật pháp và chính sách.

Thử lũy kế những vấn đề “tồn kho” và cập nhật “tin buồn” nông nghiệp: cà phê lận đận: người trồng lỗ lã, người uống đắt đỏ...; cao su, tiêu, điều, mía đường, cá tra và lúa gạo... đều lao đao, thậm chí phá sản cục bộ. Tôi nghĩ rằng những cái đó góp thêm nét chấm phá cho bức tranh kinh tế 2013 mà có đại biểu Quốc hội cho rằng màu xám nhưng cũng có người khác cho là màu hồng, còn những nông dân và doanh nghiệp lao đao lận đận vì chuyện thua lỗ tất nhiên là màu đen rồi. Và nếu chịu khó tra số liệu thống kê từ năm 1986 - 2006 - 2013 về tỉ lệ nông dân - lao động nông nghiệp, tỉ trọng giá trị nông nghiệp, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo... chúng ta sẽ thấy càng hội nhập mà thiếu đầu óc độc lập, tinh thần tự chủ, tự lực tự cường... thì càng làm càng thua thiệt, thua thiệt và mất quyền ngay trên đồng ruộng và từng sản phẩm của mình. Có lúc dân ta hỏi: “Ta hay các thương lái lạ mặt là chủ đất nước này?”. Và có câu trả lời: Nông nghiệp sa sút như vậy không hoàn toàn do suy thoái kinh tế thế giới và càng không phải cộng đồng hàng chục triệu nông dân ta đều bị “sao hạn”!

Lời giải là hãy “tái cấu trúc” hệ thống chính sách tam nông và “tái cơ cấu” hệ thống bộ máy, tổ chức, cán bộ ngành nông nghiệp. Trong chính sách, cái gì đã tuyên cáo xưa nay mà chưa làm là nợ với nông dân, hãy làm đúng như vậy. Hãy làm cho nông dân yên tâm “đất là của mình” và đất không phải là thứ “gây họa” để tính bình quân đóng góp nuôi người, xây cơ sở vật chất cho xã... dưới danh nghĩa “cho dân”, cán bộ đừng vì danh nghĩa “quản lý” đất đai mà gây nên những nghiệt cảnh để dân hiểu đất không phải là của họ. Vấn đề này dễ và nhẹ vậy mà không mấy ai nghe nên mới có hậu quả như ngày nay. Khi yên tâm đất là tài sản thiêng liêng của mình, sẽ được kế thừa đời đời con cháu thì mới có việc bỏ vốn (vàng - tiền) ra mua đất (tích tụ) và liên tục đầu tư cải tạo đất, mở rộng sản xuất, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi và có thể chuyển ngành sản xuất... thì nông sản mới có tính cạnh tranh cao. Chủ quyền đất mà không yên thì dù đất ở hay đất sản xuất cũng đều không yên lòng người.

Về hệ thống tổ chức ngành quản lý nông nghiệp, sao vẫn là “hàng ngang” như có từ gần 70 năm rồi không thay đổi bao nhiêu? Cán bộ ngành nông nghiệp khi chọn là nông dân đặc sệt như người viết bài này từng làm dường như đã qua thời, và nay thì chọn người có bằng cấp gì cũng được, dù không liên quan gì đến tam nông. Chọn người nhưng không phải cho tam nông, làm sao phát triển?

Hai vấn đề trên là lớn, khó nghe và khó làm, nhưng ngoài ra không có cách gì để cho nông dân mặn nồng với đất và giàu lên được từ đất hơn nữa. Và nếu như vậy chúng ta có thể có tập trung đất nhất thời mà không có tích tụ đất phục vụ chuyển dịch được cơ cấu sản xuất, không tăng tính cạnh tranh sản phẩm. Và lao động - nếu có được chuyển dịch khỏi nông nghiệp - chẳng qua là vì đói mà “tha phương cầu thực” và xuất khẩu “cô dâu” cùng với lao động “thô” mãi mãi như hiện nay.
NGUYỄN MINH NHỊ (TP Long Xuyên)
Xót xa cho nông dân
Gần 100 ý kiến phản hồi của bạn đọc đã bày tỏ sự xót xa cho người nông dân với cảnh làm lúa một sào chỉ đủ mua hai bát phở...
Bạn đọc Nguyễn Thanh Long viết: “Thật xót xa cho người nông dân một nắng hai sương nhưng cuộc sống luôn khốn khó như vậy. Đảng có hẳn một nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhưng thực tế càng ngày nông dân càng khổ, nhất là người trồng lúa. Giá lúa ngày càng thấp. Làm lúa một tháng thu nhập chỉ bằng hai bát phở thật khổ và xót xa quá. Chính phủ có giải pháp gì không?”. Bạn đọc Trần Văn Mười so sánh: “Nông dân quê tôi (Long An) trồng lúa hàng chục năm nay nhưng không giàu nổi, hằng năm vẫn còn vay vốn ngân hàng. Ngược lại, nhà doanh nghiệp chỉ mới kinh doanh vật tư nông nghiệp, mua lúa, khoảng 10 năm nay thôi phát tài thấy rõ, nào nhà cao cửa rộng, xe hơi đắt tiền...Tôi thấy lợi nhuận của nhà nông đã vào tay họ, thật bất công!”.
Nhiều bạn đọc đã đề xuất cần có những giải pháp giúp nông dân sống được trên mảnh đất của mình. Bạn đọc Hương Lan đề nghị: “Nhà nước nên mở cuộc thăm dò dư luận và ý kiến của các nhà khoa học góp ý xây dựng cây trồng vùng miền đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân để họ không phải bỏ làng ra đi”.
N.N.


--

Suy nghĩ từ bài viết của ông Nguyễn Minh Nhị
(Nhà báo, nguyên PV thường trú Đài TNVN tại Đồng bằng sông Cửu Long)
Nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam. Vậy mà đến nay, một tác giả có uy tín, am hiểu sâu sắc về nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Minh Nhị nguyên chủ tịch Tỉnh An Giang lại đặt vấn đề: Nông nghiệp đã hết thời ?!. Bài viết của ông trên Tuổi Trẻ (24/12/2013) đã được ngay hàng trăm ý kiến phản hồi gửi đến quý báo “chia sẻ xót xa” cho nông nhân.
Ông Nhị đã nói trúng vấn đề: “chủ quyền đất mà không yên thì dù đất ở hay đất sản xuất cũng đều không yên lòng người”, “khi yên tâm đất là tải sản thiêng liêng của mình, sẽ được kế thừa đời đời con cháu thì mới có việc bỏ vốn ra mua đất và liên tục đầu tư cải tao đất, mở rộng sản xuất chuyển dịch cây trồng vật nuôi… thì nông nghiệp mới có tính cạnh tranh cao”.
Ông Nhị cũng đưa ra luận điểm thứ 2 “tái cấu trúc hệ thống chính sách tam nông vàtái cơ cấu ngành nông nghiệp”.
Nghị quyết của Đảng cầm quyền về nông nghiệp Việt Nam, nói một đằng, làm một nẻo nên mới dẫn đến thảm cảnh một nước nông nghiệp mà “nông nghiệp đã hết thời?!”.
Nông nghiệp là thế mạnh, nhưng các quan địa phương lại coi đất nông nghiệp là thế mạnh của chính quyền nên thi nhau “quy hoạch”, thi nhau làm “dự án”để cướp đất nông nghiệp của nông dân, chia chác lợi nhuận với các chủ đầu tư. Vì thế nếu ai có dịp thăm đông bằng sông Cửu Long hiện nay, sẽ thấy các dự án đã được thực thi, nông dân bị đuổi… đi đâu không ai biết! Còn đất đai thì cỏ mọc lút đầu. Các chủ đầu tư đút lót ngân hàng để vay tiền làm dự án nay không trả được thì Chính phủ bỏ tiền ra mua nợ xấu để “giữ đại cục”, giữ “ổn định chính trị”… Thế là hòa cả làng! Tình trạng đất đai như thế thì sản xuất nông nghiệp ổn định sao được. Các quốc doanh buôn bán gạo thì được vay tiền lãi xuất thấp của ngân hàng để rình rập ép giá lúa của nông dân. Người làm lúa ngày một nghèo, kẻ đi buôn bán gạo quốc doanh ngày một giàu sang vậy làm sao nghề trồng lúa chẳng hết thời!
Người ta đã đem con mắt thiển cận và vụ lợi để nhìn nhận vấn đề nông nghiệp ở VN.Người ta đang gào lên đến năm 2020 VN sẽ căn bản là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đó là câu chuyện hoang đường nhất thế kỷ 21. Công nghiệp là gì, nếu không phải là năng lượng, là luyện kim, là chế tạo máy và ngày nay là tự động hóa, là công nghệ cao, là công nghệ tin học, công nghệ NaNo. Công nghiệp không phải là mấy cái xưởng đóng vỏ tàu đang lỗ vốn, đang vỡ nợ, là mấy cái xưởng may quần áo lót, và khâu vá dày dép như ở VN hiện nay. Bi thảm thay là mấy cái công xưởng ấy lại được xây dựng trên những cánh đồng bờ xôi ruộng mật mà bốn nghìn năm ông bà ta mới khai phá được.
Nên nhớ, nước Pháp là một nước công nghiệp hàng đầu, nông nghiệp chỉ đóng góp 2,7% GDP (công nghiệp 24% , dịch vụ ,73,3% – Số liệu năm 2006) nhưng từ hàng trăm năm nay diện tích đất nông nghiệp 30,139 triệu héc ta vẫn không hề xuy xuyển. Trong 30 triệu héc ta đó, một nửa cho chăn nuôi, một nửa cho trồng trọt, trong phần trồng trọt thì một nửa trồng nho làm rượu. Vì thế Pháp là nước sản xuất nông nghiệp đứng đầu Châu Âu, thứ hai thế giới sau Mỹ. Có lần Tổng Thống De Gaulle, đã kêu lên: Làm sao tôi có thể cai trị một đất nước mà có đến 400 loại phomai . Chính vì có một nền ẩm thực phong phú, một thiên nhiên “không trống trải” như cách nói của người Pháp mà hàng năm nền “công nghiệp không khói” của Pháp thu hút 75 triệu du khách nước ngoài, hơn cả dân số nước Pháp , đứng đầu thế giới. Nông nghiệp Pháp đã góp phần to lớn cho kinh tế dịch vụ, đừng bao giờ quên điều đó. Nhà báo Pháp, ông Olivier khi đến thăm VN đã phải thốt lên: Có còn là VN nữa không nếu mất đi những dòng sông in bóng những cánh đồng?
L.P.K.

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN

----------------------------------
* Tin bài liên quan:


- Nông dân Việt bỏ ruộng lan tới miền Nam December 23, 2013
SÀI GÒN (NV) .- Nông dân theo nhau bỏ ruộng vì càng làm càng lỗ, càng đói không chỉ ở miền Trung và miền Bắc Việt Nam, mà đang thấy xuất hiện ở những cánh đồng phì nhiêu miền Nam.
Hiện trung bình mỗi tỉnh, người dân bỏ ruộng với diện tích từ 100ha trở lên, riêng tỉnh Thanh Hóa là 1,100 ha.(Hình: Dân Việt)

Dù đã từng có những báo động về tình trạng này, người ta không thấy nhà cầm quyền có một kế hoạch nào giúp nông dân sống được với cây lúa mặc dù chính sách “Tam nông” đưa ra từ 5 năm qua chỉ thấy trên lý thuyết, và các chỉ thị giúp nông dân có lãi 30% hoàn toàn là bánh vẽ.
Trong “Hội nghị trực tuyến của chính phủ với các địa phương” tổ chức hôm Thứ Hai 23/12/2013, ông Trịnh Văn Chiến, chủ tịch tỉnh Thanh Hóa báo động, “thực trạng nông dân bỏ ruộng, trả ruộng với diện tích lên đến 1,100 ha” chỉ vì “hiệu quả sản xuất nông nghiệp quá thấp”.
Chỉ một ngày trước, báo Đất Việt cho hay người dân Thanh Hóa bỏ ruộng cho cỏ mọc hoang để chăn nuôi trâu bò. Lý do: “Cây lúa không đảm bảo cuộc sống thì nông dân phải tính cách làm ăn khác, chứ không lẽ cứ ôm đất với cây lúa mà... chịu chết”. Lời ông Nguyễn Quốc Khái, ấp Khánh Hòa nói với nhà báo.
Trên một bản tin khác hôm Chủ Nhật, báo Đất Việt nói “Tại An Giang, ngay cả những nơi đất trù phú nhưng đang có hiện tượng người dân không chịu trồng lúa mà cho thuê đất hoặc phá bỏ lúa lên ao, đào vuông nuôi thủy sản hoặc chuyển qua trồng nhiều loại cây trái khác.”
Nguồn tin thuật lời ông Trần Văn Mì, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn, tình trạng thuê mướn đất trồng lúa đang có xu hướng ngày càng phổ biến, xuất phát từ nhu cầu thực tế.
“Mới đây qua thống kê, toàn huyện có 43,000ha đất lúa, trong đó chỉ hơn 60% hộ trực canh, số còn lại chủ yếu cho thuê đất canh tác và xã nào cũng có việc cho thuê mướn đất. Những hộ cho thuê phần lớn ít đất, sản xuất không hiệu quả, thiếu vốn và điều kiện sản xuất, muốn chuyển đổi nghề, tìm kiếm cơ hội mưu sinh khác”, Đất Việt kể lại.
Cùng lý do bỏ trồng lúa như những vùng khác, nông dân Lê Văn Ngon ở ấp Khánh Lợi huyện Tri Tôn cho biết lý do: “Trồng lúa cứ bị thua lỗ mãi, thu nhập không đủ sống nên bà con mình đành phải bỏ lúa”.
Gia đình ông Ngon có 15 công ruộng, năm nào trúng mùa được giá thì may ra lãi vài trăm ngàn đồng. Bằng không thì “hễ cứ ngay đợt thu hoạch rộ thì rớt giá nên liên tục lỗ lã”.
Không thấy con số thống kê nào về số ruộng lúa bị bỏ hoang ở miền nam nhưng ở miền Bắc “có tới hơn 42,000 hộ bỏ ruộng, trả ruộng”. Tờ Đất Việt nói như vậy về 6,882 ha đất ruộng bị nông dân bỏ hoang và 433 ha đất bị dân trả lại.
Các lời báo động dân bỏ ruộng hoang đã có từ năm 2008 khi nhà cầm quyền trung ương họp hành vẽ ra chính sách “tam nông” hầu kích thích nông dân giữ ruộng. Nhưng giữa chính sách và thực tế không có gì đi đôi với nhau. Người dân theo nhau ly hương, tìm việc làm tạm bợ ở các thành phố. Có làng ở tỉnh Quảng Ngãi chỉ còn ông bà già và trẻ con. Những người ở độ tuổi làm việc thì không ai chịu bám vào mảnh ruộng thửa vườn để mà đói.
Theo báo Đất Việt, “theo tính toán của các hộ trồng lúa, làm một sào lúa sau khi trừ hết chi phí mỗi tháng họ chỉ nhận được khoản lợi nhuận từ 50,000 đồng đến 80,000 đồng, tương đương với hai bát phở ở thành phố”. Không đủ ăn thì “khó mà động viên nông dân giữ ruộng, bám chặt với cây lúa”.
Tháng Tám năm ngoái, báo Dân Việt đưa ra một cuộc thăm dò ý kiến khi báo động về việc nông dân nhiều tỉnh theo nhau bỏ ruộng. Có 7 lý do chính dẫn đến quyết định nông dân bỏ ruộng mà ba lý do chính là chi phí sản xuất cao, nông sản giá thấp hay không bán được, và chính sách nông nghiệp của nhà nước. Cả ba lý do vừa kể chiếm tới 66.25% tổng cộng các lý do bỏ ruộng.
Nông dân phải nộp tới 19 loại phí và lệ phí, chưa kể các loại “phí không tên” không được liệt kê trong danh mục thuế khóa phải nộp. Trong khi đó, giá phân bón, lúa giống, giá nhân công tăng gấp đôi còn giá lúc thì chỉ có nhúc nhích thêm chút ít, nhìn thấy lỗ chắc.
Trong một chỉ thị hồi năm 2010, thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng thúc giục các doanh nghiệp độc quyền lúa gạo xuất cảng phải mua với giá giúp cho nông dân “có lãi 30%”. Trên thực tế hầu hết nông dân đều rơi vào hoàn cảnh “trúng mùa, rớt giá”. Nhiều bài viết của cả giới nông dân cũng như chuyên viên lúa gạo độc lập đã tố cáo chính sách thu mua kiểu bắt chẹt nông dân khi nông dân cần bán lấy tiền trả nợ, mua giống mới và phân bón làm mùa tới. Nông dân vì hoàn cảnh nên thường xuyên phải bán lúa dưới giá thành sản xuất.
Dù lời báo động nông dân bỏ ruộng nếu thành dịch sẽ ảnh hưởng tới an ninh lương thực nhưng người ta không thấy có lời giải đáp dù ông Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Cao Đức Phát cam kết trên báo Dân Việt ngày 4/8/2013 là “từng bước tháo gỡ khó khăn cho nông dân”.
Nhưng nhiều lời kêu ca trên báo chí trong nước tố cáo chính sách nông nghiệp của nhà nước chỉ phục vụ “nhóm lợi ích”. (TN)
TT - Nhiều nông dân ở phía Bắc tính toán: làm một sào lúa sau khi trừ hết chi phí mỗi tháng họ chỉ nhận được khoản lợi nhuận từ 50.000-80.000 đồng, tương đương với hai bát phở ở thành phố, họ đã viết đơn xin trả lại ruộng hoặc bỏ hoang.
Tình trạng này đang có xu hướng diễn ra phổ biến, theo báo cáo sơ kết năm năm thực hiện nghị quyết trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, năm 2012-2013 đã có 42.785 hộ bỏ không đất canh tác 6.882,1ha và 3.407 hộ trả 433,05ha đất...
Kỳ 1: Một sào lúa mua được... hai bát phở
Nhiều nông dân ở phía Bắc tính toán: làm một sào lúa sau khi trừ hết chi phí mỗi tháng họ chỉ nhận được khoản lợi nhuận từ 50.000-80.000 đồng, tương đương với hai bát phở ở thành phố.
Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, bà Lê Thị Thới (thôn 6, xã Hà Hải, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) vừa quyết định viết đơn gửi UBND xã để trả lại bảy sào ruộng khoán (đất nông nghiệp Nhà nước giao lâu dài cho nông dân) của gia đình cho chính quyền địa phương. Việc tiếp nhận số ruộng của bà Thới trả đang được UBND xã Hà Hải giải quyết.
Không thiết tha với ruộng...
Hơn 42.000 hộ bỏ ruộng, trả ruộng
Ban chỉ đạo trung ương sơ kết năm năm thực hiện nghị quyết trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vừa có báo cáo tổng hợp về kết quả thực hiện nghị quyết nêu trên. Theo đó, nghị quyết này đã được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, nghiêm túc và sâu rộng, tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại như tốc độ tăng trưởng của nông lâm ngư nghiệp tiếp tục có xu hướng chậm lại, khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm còn thấp... Đáng chú ý trong các năm 2012-2013 đã có 42.785 hộ bỏ không đất canh tác 6.882,1ha, 3.407 hộ trả 433,05ha đất.
V.V.Thành
Nhìn những thửa ruộng từng là “bờ xôi ruộng mật” gắn bó với gia đình hơn 30 năm qua, bà Thới bùi ngùi cho hay khi Nhà nước có chính sách giao đất lâu dài cho hộ nông dân sử dụng cách đây gần 30 năm, gia đình bà đông con nên được nhận một mẫu ruộng khoán (tức 10 sào, mỗi sào Trung bộ 500m2).
“Thập niên đầu của thời kỳ đổi mới, một mẫu ruộng đã góp phần giải quyết lương thực cho sáu miệng ăn trong gia đình tôi. Vợ chồng cày sâu cuốc bẫm, thâm canh mẫu ruộng mới có đủ gạo nuôi con ăn học cho đến khi hai đứa con gái đi lấy chồng, vợ chồng tôi chia cho ba sào ruộng coi như của hồi môn của bố mẹ. Còn bảy sào ruộng, hai vợ chồng làm đến nay đành phải trả, vì bây giờ thu nhập từ ruộng lúa thấp lắm” - bà Thới rầu rĩ nói.
Trước khi làm đơn trả ruộng cho UBND xã, bà Thới cho biết đã hỏi mấy người con trong gia đình nhưng không ai muốn nhận.
Theo tính toán của 26 hộ nông dân ở xã Hà Hải vừa có đơn gửi chính quyền xin trả hơn 5,7ha ruộng thì chi phí cho làm mỗi sào lúa ở địa phương ngày một cao.
Cụ thể, bà Thới nhẩm tính chi phí đầu vào cho mỗi sào lúa bao gồm: giống, phân bón các loại, thuốc trừ sâu, tiền cày bừa đất, tiền máy thu hoạch... khoảng 1,3-1,5 triệu đồng/vụ.
Trong khi đó, mỗi sào lúa năng suất đạt 3 tạ/sào, bán được 1,8 triệu đồng, trừ chi phí còn được từ 300.000-500.000 đồng. “Mỗi năm cấy hai vụ, trừ mọi chi phí, mỗi sào lúa còn được 600.000-1 triệu đồng, chia cho 12 tháng thì thu nhập từ một sào lúa/tháng chỉ còn 50.000- 80.000 đồng, chỉ đủ mua hai bát phở trên thành phố” - bà Thới chua xót.
Do thu nhập từ trồng lúa quá thấp như nêu trên, nên nhiều gia đình ở xã Hà Hải không còn thiết tha với ruộng đồng. Ngoài 26 hộ nông dân viết đơn trả ruộng cho chính quyền xã, hiện nay có hàng chục hộ nhận khoán hơn 11ha đất công ích của xã cũng đã bỏ hoang ruộng đồng nhiều năm nay cho cỏ mọc, làm sân bóng đá, bãi chăn thả gia súc, vì thu nhập từ mảnh ruộng quá thấp.
Nhiều hộ dân trong xã sau khi trả ruộng như bà Thới đã chuyển sang làm thợ xây dựng, làm bánh đa, dịch vụ các loại... với thu nhập từ 1-3 triệu đồng/tháng.
“Bờ xôi ruộng mật” cũng trả...
Tình trạng viết đơn xin trả ruộng, hoặc bỏ ruộng loại đất “bờ xôi ruộng mật” không chỉ xảy ra ở Thanh Hóa mà còn lan rộng ở nhiều địa phương khác khu vực phía Bắc.
Mới đây nhất, khoảng 20 gia đình ở xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương đã đồng loạt gửi đơn đến UBND xã để xin trả lại ruộng. Có người nhiều ruộng với diện tích cả ngàn mét vuông, có người ít ruộng chỉ vài trăm mét vuông, ai cũng có nguyện vọng được bám trụ với ruộng đồng nhưng đành cắn răng nhìn ruộng bị bỏ hoang.
Những lá đơn viết tay với nét chữ nguệch ngoạc của người nông dân gửi UBND xã Lam Sơn xin trả lại ruộng cùng với lý do: “không thể tiếp tục canh tác”, “làm ruộng không đủ ăn”... và những người nông dân này cũng sẵn sàng chấp nhận: “Sau này Nhà nước có thay đổi gì về chính sách, tôi không đòi hỏi bất kỳ quyền lợi nào với số ruộng đã trả”.
Ông Nguyễn Viết Bàn, phó chủ tịch UBND huyện Thanh Miện, thừa nhận việc người nông dân xin trả lại ruộng là “thực tế đau xót đang diễn ra tại một số xã trên địa bàn huyện”.
Theo ông Bàn, ngoài xã Lam Sơn có gần 20 gia đình viết đơn xin trả lại ruộng thì xã Đoàn Tùng cũng có 4-5 hộ xin trả ruộng và nhiều xã người dân để ruộng bỏ hoang cho cỏ mọc.
Hiện cả huyện Thanh Miện diện tích ruộng bị bỏ hoang khoảng 7,1ha. Ông Bàn cho biết có nhiều lý do người dân làm đơn trả lại ruộng nhưng lý do chính vẫn là “làm ruộng không có lãi”.
“Trong số những gia đình xin trả lại ruộng chủ yếu là những ruộng có vị trí xấu, trũng và xa nhà. Và căng nhất là làm ruộng không có lãi, cả vụ mùa vất vả, trừ hết chi phí chỉ còn vài trăm ngàn một sào nên nhiều người muốn bỏ ruộng” - ông Bàn ngao ngán.
Tại khu vực cánh đồng Trại Lợn (thôn Quan Lộc, xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) những ngày này, trên những cánh đồng xanh mướt hôm nào, nhiều thửa ruộng giờ chỉ một màu xám của đất hoang. Giữa buổi chiều, chỉ lèo tèo vài bóng người nông dân ngoài đồng.
Ông trưởng thôn Nguyễn Ninh Hoạt buồn bã: “Cả ngàn người dân làm nông ở cái xã này không kiếm nổi một người giàu lên từ trồng lúa. Cấy lúa tính ra chỉ được 10.000 đồng/ngày thì sống làm sao. Có lên thành phố, 10.000 đồng cũng chỉ uống được ba cốc trà đá. Nếu muốn ăn bát phở bò (25.000 đồng) thì... mất đứt gần ba ngày công”.
Bà Phạm Thị Nguyệt đang bì bõm bơi thuyền giữa ao bèo tây để mò củ ấu, thấy chúng tôi nói chuyện cấy lúa, dân bỏ ruộng nên cũng tấp thuyền vào bờ góp chuyện.
 Bà Nguyệt bộc bạch: “Tôi 50 tuổi đầu rồi, cấy lúa làm màu ở mảnh đất này từ bé đến giờ nhưng chưa bao giờ tôi thấy bí bách, chán nản về trồng lúa đến thế. Nhà có gần mẫu ruộng (10 sào, mỗi sào Bắc bộ 360m2), nhưng hiện tôi chỉ cấy 6-7 sào/vụ để lấy thóc ăn. Bỏ ruộng cũng phí lắm, xót lắm, nhưng cấy lúa cả năm không bằng tôi đi hái củ ấu một tháng”.
Đưa chúng tôi về nhà, ông Hoạt bảo giờ trong làng hầu hết người gắn bó với ruộng chỉ có ông bà già, còn thanh niên trai tráng, trung niên đi làm thuê, vào công ty hết.
Rồi ông lấy giấy bút ra tính toán để cấy một sào lúa trừ mọi chi phí thì một năm chỉ thu khoảng 2,5 triệu đồng. Một lao động được chia gần 1,7 sào, một năm thu hơn 4 triệu đồng. Nếu chia cho 365 ngày thì mỗi ngày công người dân cấy lúa chỉ được 10.000-11.000 đồng.
Chính vì thu nhập kém như vậy nên từ nhiều năm nay, hai con trai cùng hai cô con dâu nhà ông Hoạt đều vào hết các nhà máy, công ty ở TP Hải Dương hay Tứ Kỳ để làm.
“Đi làm nghề may nhẹ nhàng nhất cũng được 3,5-4 triệu đồng/tháng”. Rồi ông Hoạt nhỏ nhẹ: “Tôi làm trưởng thôn nên hai vợ chồng già vẫn cố giữ 6 sào cấy, còn lại 5 sào tôi cho mấy người làng cấy hộ. Mai mốt không làm trưởng thôn nữa, chắc tôi cũng trả hết, bỏ hết ruộng”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Khuông, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tứ Kỳ, cho biết nếu vụ mùa năm trước cả huyện 27 xã, thị trấn chỉ có trên 35ha đất trồng lúa bỏ hoang, đến vụ mùa 2013 diện tích đất lúa bỏ hoang đã lên tới 50ha.
Thu nhập nghề khác cao hơn
Sau khi trả ruộng, bà Lê Thị Thới (thôn 6, xã Hà Hải, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) chuyển sang làm bánh đa bán, thu nhập hơn 1 triệu đồng/tháng - Ảnh: Hà Đồng
Tại Thanh Hóa có hai xã vùng nông thôn nhưng thu nhập chính lại không phải từ mảnh ruộng, cây lúa, đó là xã Tiến Lộc (huyện Hậu Lộc) và xã Thiệu Giao (huyện Thiệu Hóa). Tại xã Tiến Lộc, tình trạng nông dân bỏ ruộng đã diễn ra nhiều năm nay.
Theo thống kê của UBND xã, toàn xã có 409,11ha đất nông nghiệp trồng cây hằng năm thì có hơn 41ha đang bỏ hoang. Số hộ bỏ ruộng, diện tích đất bỏ hoang sau mỗi năm lại tăng lên. Năm 2010, xã có 150 hộ bỏ hoang diện tích 5,7ha, đến năm 2013, xã này có tới 747 hộ nông dân bỏ ruộng hoang lên tới hơn 41ha. Diện tích ruộng bị bỏ hoang tập trung ở Đồng Đun và Đồng Chài.
Dù bà con nông dân xã Tiến Lộc không còn mặn mà với đồng ruộng nhiều năm, nhưng đến xã này hôm nay là những ngôi nhà cao tầng, mái bằng mọc lên san sát. Đường làng, ngõ xóm được bêtông hóa bằng sức đóng góp của nhân dân. Anh Lê Văn Điền - chủ xưởng làm nghề lò rèn truyền thống ở xã Tiến Lộc - tâm sự: “Nghề lò rèn truyền thống chế tác công cụ sản xuất nông nghiệp, gia dụng, gia công đồ sắt ở địa phương đã và đang ăn nên làm ra, nên hàng trăm lao động của xã gắn bó với nghề này có thu nhập trung bình từ 3-4 triệu đồng/lao động/tháng. Ngoài ra, tại thị trấn huyện Hậu Lộc (cách xã Tiến Lộc khoảng 3km) có nhiều doanh nghiệp may mặc, sản xuất giày da, thu hút gần 1.000 lao động trẻ của xã Tiến Lộc, với mức thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/lao động/tháng. Vì vậy, nhiều nông dân Tiến Lộc không thiết tha gì với đồng ruộng nữa là điều dễ hiểu”.

>> Hơn 10.500 hộ nông dân Thanh Hóa bỏ ruộng, trả ruộng
TT - Trong khi nhiều địa phương lúng túng với số đất ruộng nông dân trả, bỏ hoang thì tại một số nơi ở Thanh Hóa, Hải Dương, chính quyền địa phương đã xoay xở tìm giải pháp với mô hình sản xuất lớn.
Khi đặt vấn đề về việc xử lý của chính quyền địa phương sau khi nông dân trả đất hoặc bỏ hoang, ông Phạm Xuân Trường - phó chủ tịch UBND xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương - cho biết “đang thật sự bối rối!”.
Không để đất manh mún
Theo ông Trường, nếu vụ mùa năm 2012 toàn xã chỉ có 6,3ha đất lúa bỏ hoang thì vụ mùa năm nay diện tích đất bỏ hoang tăng gần gấp đôi, lên 11,1ha. Năm trước chỉ có khoảng 250 hộ dân bỏ ruộng, năm nay con số này đã lên tới 400 hộ. “Năm trước chỉ 6,3ha đất bỏ hoang đã xót, đã đau đáu rồi, tuyên truyền vận động mãi chẳng ai nghe. “Nhìn đất lúa bờ xôi ruộng mật” để cỏ mọc, những người làm nông nghiệp, người quản lý như chúng tôi đau xót lắm chứ. Luật đất đai có rồi, chia cho dân hết rồi, họ cấy hay không cấy thì mình cũng chẳng biết làm sao. Mà có thu hồi thì xã chắc cũng chỉ để hoang” - ông Trường nói.
Theo ông Trường, trước tình trạng này huyện chỉ đạo và xã cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân không bỏ hoang ruộng. Đồng thời khuyến khích các tổ chức đoàn thể nhận lại ruộng hoang cấy lúa làm quỹ nhưng cũng chẳng tổ chức đoàn thể nào dám nhận. “Bây giờ cấy lúa không phải đóng góp một khoản tiền nào, thậm chí được Nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/ha, được miễn thủy lợi phí, được hỗ trợ giống má... Vậy nhưng tất cả những chính sách đó cũng không kéo người dân trở lại ruộng được” - ông Trường nói.
Về phía huyện, ông Nguyễn Văn Khuông - trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tứ Kỳ - cho biết trước thực trạng này đã cho thí điểm dự án dồn điền đổi thửa ở các xã Tân Kỳ và Tứ Xuyên với diện tích 600ha. Mục đích của dự án là quy hoạch những vùng sản xuất lớn, trồng lúa đại trà để đưa máy móc nông nghiệp cỡ lớn vào làm nhằm giảm chi phí. Theo ông Khuông, nếu cứ manh mún như hiện nay phải làm thủ công hoặc dùng máy móc cỡ nhỏ thì rất tốn kém. Trước mắt phải giảm tối đa chi phí để tăng hiệu quả trồng lúa may ra giữ được người dân gắn bó với cây lúa. Ông Khuông cho biết ruộng nhỏ một sào thuê cày máy mất 200.000-220.000 đồng, thuê máy gặt, đập cũng hết trên 200.000 đồng. Nếu là bờ vùng bờ thửa lớn hơn, đưa máy lớn vào được công cày máy chỉ mất trên 100.000 đồng/sào, và công gặt, đập cũng chỉ 150.000 đồng/sào.
Dồn điền, đổi thửa
Trước tình trạng nông dân làm đơn xin trả lại ruộng ngày một tăng, ông Nguyễn Viết Bàn - phó chủ tịch UBND huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương - cho hay: “Chính quyền cũng trăn trở, đau đầu mất nhiều ngày. Lúc đầu thuyết phục người dân, khuyên họ tiếp tục bám trụ đồng ruộng và làm thêm nghề phụ nhưng nhiều người không chịu”. Theo ông Bàn, tại xã Lam Sơn đối với những thửa ruộng người dân nhất quyết trả lại, chính quyền đã nhận và chuyển lại cho những gia đình có nhu cầu làm để giảm bớt tình trạng ruộng bỏ hoang.
Về lâu dài, ông Bàn cho biết huyện đang dồn điền, đổi thửa trên diện rộng để chuyển sang làm ruộng theo hình thức cánh đồng mẫu lớn. “Bây giờ làm manh mún không thể có lời được, phải gom lại làm theo hình thức cánh đồng mẫu lớn để giảm bớt chi phí đầu tư, tăng năng suất và nông dân sẽ có lãi” - ông Bàn quả quyết.
Theo ông Bàn, trên địa bàn huyện có nhiều xã đã thực hiện dồn điền, đổi thửa như Chi Lăng Nam, Ngũ Hùng, Hùng Sơn, Đoàn Kết... Tổng số diện tích ruộng đã được gom lại để canh tác theo hình thức cánh đồng mẫu lớn của huyện Thanh Miện khoảng 2.000ha. Với cách này của huyện Thanh Miện, theo ông Bàn, đã lôi kéo được nông dân quay trở lại ruộng và thu hút một số “đại gia” đầu tư vào làm ruộng. “Những nông dân có điều kiện, có phương tiện máy móc như máy cày, máy cấy, gặt mà có nhu cầu thì chính quyền xã sẽ giao đất diện tích lớn để làm. Chúng tôi đã bắt đầu thực hiện, có nơi được hai vụ người dân bắt đầu có lãi. Các chi phí đều giảm nên mỗi sào ruộng người dân đã bắt đầu có lãi 500.000-700.000 đồng, làm 1ha cũng được kha khá” - ông Bàn kể.
Tương tự ở Hải Dương, tại xã Hà Hải, huyện Hà Trung (Thanh Hóa), cấp ủy, chính quyền phải vận động cán bộ, đảng viên đứng đầu đoàn thể ở các thôn nhận ruộng của nông dân bỏ hoang để sản xuất. Ông Trần Văn Đạt - chủ tịch UBND xã Hà Hải, huyện Hà Trung - cho biết: “Đối với các hộ dân bỏ ruộng hoang nhưng không muốn trả ruộng, chính quyền địa phương đang vận động dân dồn điền, đổi thửa tạo thành mảnh ruộng lớn để họ canh tác thuận lợi”. Riêng với các hộ có nhu cầu trả ruộng (trong đó có nhiều hộ đã mất sức lao động, già yếu, không thể làm ruộng được nữa), UBND xã yêu cầu có đơn tự nguyện trả ruộng nhằm tránh các tranh chấp dân sự liên quan đất đai sau này. Sau khi tiếp nhận 26 đơn của bà con nông dân, địa phương tự nguyện trả ruộng với tổng diện tích hơn 5,7ha, hiện nay UBND xã vận động các hộ dân đổi điền, dồn thửa để quy hoạch số ruộng này thành thửa lớn.
Thực tế tại một số địa phương đã xuất hiện một vài hộ gia đình lao động trẻ làm đơn nhận lại số ruộng nông dân trả để làm trang trại tổng hợp, vừa kết hợp trồng nông sản vừa chăn nuôi gia súc, gia cầm. Sau nhiều năm bôn ba kiếm sống bằng đủ nghề khắp nơi, có chút vốn liếng lận lưng, anh Trịnh Xuân Đức (33 tuổi, ở thôn Yên Thôn, xã Hà Hải) quyết định trở về mưu sinh tại quê nhà. Anh Đức là người đầu tiên ở xã Hà Hải làm đơn gửi UBND xã xin nhận gần 2,5ha đất ruộng của nông dân vừa trả cho chính quyền.
“Gia đình tôi sẽ xây dựng mô hình trang trại tổng hợp trên diện tích đất nhận của xã. Chỗ nào trồng lúa có hiệu quả thì trồng, nếu không sẽ chuyển sang trồng cỏ voi chăn nuôi trâu bò, đào ao thả cá, làm chuồng trại nuôi gia cầm...” - anh Đức nói.
ĐỨC BÌNH - THÂN HOÀNG - HÀ ĐỒNG
Doanh nghiệp nhận đất hoang để trồng lúa
Trong khi nhiều nơi ở Thanh Hóa nông dân đang có xu hướng bỏ ruộng, trả ruộng cho Nhà nước vì sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, tại tỉnh này có một doanh nghiệp đã bắt tay với nông dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đó là Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông (gọi tắt là doanh nghiệp Tiến Nông).
Năm 2013, doanh nghiệp này đã mạnh dạn nhận 30ha đất nông nghiệp của nông dân xã Hoằng Anh (TP Thanh Hóa) bỏ hoang hoặc sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, để cùng nông dân bắt tay vào sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, chất lượng cao. Ông Lê Văn Bảy - xã Hoằng Anh, nông dân góp đất tham gia trồng lúa với doanh nghiệp Tiến Nông - cho biết: “Gia đình tôi có một sào ruộng bỏ hoang nhiều năm nay vì trồng lúa không có lãi. Vụ mùa 2013, doanh nghiệp Tiến Nông mời nông dân góp đất để làm cánh đồng mẫu lớn. Người nông dân vẫn là chủ đất, doanh nghiệp đầu tư giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công cày bừa, thu hoạch. Đến lúc gặt lúa, nông dân được doanh nghiệp trả 60kg/sào trung bộ (500m2)/vụ, trong khi đó nông dân không phải làm ruộng mà chuyển sang nghề khác có thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa”.
Ông Nguyễn Hồng Phong - tổng giám đốc Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông - cho biết: “Doanh nghiệp phải xem người nông dân góp đất làm chủ thể, đặt lợi ích của người nông dân lên trên doanh nghiệp trong quá trình liên kết. Ngoài số lúa trả cho nông dân góp đất, doanh nghiệp còn trả cho UBND xã 20kg lúa/sào/vụ gọi là “phí quản lý”, để xã có trách nhiệm trông coi đồng...”.

TT - ĐBSCL tuy là vựa lúa xuất khẩu nhưng do trồng lúa không đủ đắp đổi, hàng loạt nông dân đã từ giã cây lúa, giao đất cho người khác thuê canh tác.
Tại An Giang, xã cù lao Khánh Hòa, huyện Châu Phú vốn là vùng đất màu mỡ chuyên canh lúa ba vụ luôn cho năng suất cao. Hơn năm nay cánh đồng lúa gần 1.000ha ở đây cứ bị teo tóp dần, hiện loang lổ như da beo bởi nhiều thửa ruộng đã biến mất. Người dân đã phá bỏ lúa lên ao, đào vuông nuôi thủy sản hoặc chuyển qua trồng nhiều loại cây trái khác.
Không đủ sống nên đành bỏ lúa
Dọc hai bên những con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo băng qua giữa cánh đồng này giờ là lớp lớp ao nuôi cá lóc và vô số thửa ruộng đã bị đào xới chi chít ô vuông ương cá giống, đó đây nhiều ruộng lúa đã lên liếp trồng cỏ voi, hoa màu. Chỉ mấy đám ruộng đang tiếp tục bị đào xới, ông Lê Văn Ngon, ấp Khánh Lợi, bảo: “Trồng lúa cứ bị thua lỗ mãi, thu nhập không đủ sống nên bà con mình đành phải bỏ lúa”.
Xu hướng ngày càng phổ biến
Theo ông Trần Văn Mì - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn, tình trạng thuê mướn đất trồng lúa đang có xu hướng ngày càng phổ biến, xuất phát từ nhu cầu thực tế. Mới đây qua thống kê, toàn huyện có 43.000ha đất lúa, trong đó chỉ hơn 60% hộ trực canh, số còn lại chủ yếu cho thuê đất canh tác và xã nào cũng có việc cho thuê mướn đất. Những hộ cho thuê phần lớn ít đất, sản xuất không hiệu quả, thiếu vốn và điều kiện sản xuất, muốn chuyển đổi nghề, tìm kiếm cơ hội mưu sinh khác.
Còn bên thuê đất chủ yếu là những hộ có vốn đầu tư, có kinh nghiệm, điều kiện nhưng không có đất, thiếu đất hoặc muốn mở rộng diện tích canh tác để trồng lúa đạt hiệu quả hơn. Ngoài ra cũng có những hộ thuê đất để làm ăn quy mô lớn theo mô hình trang trại, chuyên sản xuất cung ứng giống lúa. “Dù tốn khoản tiền thuê nhưng nếu tính trên đơn vị diện tích thì những hộ thuê nhiều đất canh tác đạt hiệu quả cao hơn nên lợi nhuận vẫn cao. Trong khi đó những hộ cho mướn đất có điều kiện chuyển nghề, tìm kiếm cơ hội mưu sinh khác có thu nhập tốt và ổn định hơn so với trước” - ông Mì nhận định.
Ông Ngon kể gia đình ông có 15 công ruộng, vụ nào lúa trúng mùa được giá may ra mỗi công cho lãi vài trăm ngàn đồng. Mấy năm gần đây giá lúa cứ bấp bênh, hễ cứ ngay đợt thu hoạch rộ thì rớt giá nên liên tục lỗ lã. Hồi đầu năm nay thấy nghề nuôi cá lóc cho mức lãi tương đối hấp dẫn, hàng trăm hộ nông dân trong xã ùn ùn bỏ lúa chuyển qua đào ao nuôi cá, ông quyết định bán bớt năm công ruộng cho một hộ khác đang tìm mua đất để đào ao nuôi cá lóc. Với số tiền bán đất và số đất còn lại ông đào một ao nuôi và hơn 50 ô ương cá lóc giống. “Vừa rồi thu hoạch bán 40 tấn cá, bán mấy đợt cá giống lãi được 160 triệu đồng. Chỉ năm tháng mà lợi nhuận cao gấp bốn lần so với tôi trồng lúa suốt cả năm trước đây” - ông Ngon cho hay.
Tương tự, hộ ông Nguyễn Quốc Khái, ấp Khánh Hòa, cũng đào ô vuông trên ruộng nuôi cá, ương giống bán. Ông Khái cho hay gia đình ông gồm năm người, con cái còn đi học nên không thể trông vào chục công ruộng với giá 4kg lúa chỉ bằng... 1kg thức ăn cho cá lóc. Ở cánh đồng này nhiều hộ khác cũng chuyển nghề như vậy, nếu không thì cũng cho người khác thuê đất ruộng để đào vuông sản xuất giống cá. Ngoài ra còn chuyển đất sang trồng hoa màu, trồng cỏ chăn nuôi bò. “Cây lúa không đảm bảo cuộc sống thì nông dân phải tính cách làm ăn khác, chứ không lẽ cứ ôm đất với cây lúa mà... chịu chết” - ông Khái chua chát nói.
Theo ông Trần Văn Tùng - phó chủ tịch UBND xã Khánh Hòa, gần đây trồng lúa lợi nhuận thấp không đảm bảo cuộc sống, nhiều nông dân đã bỏ lúa chuyển qua nuôi trồng nhiều loại cây con khác. Với tình hình sản xuất tiêu thụ lúa cứ tiếp tục khó khăn như vừa qua thì cánh đồng lúa của xã vốn đã bị thu hẹp có nguy cơ biến mất. Ông Phạm Văn Cường, chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Phú, cho biết không chỉ ở Khánh Hòa mà một số xã khác cũng có hiện tượng tương tự. Tuy nhiên việc tiêu thụ các vật nuôi, cây trồng khác cũng không được ổn định.
Cho thuê mướn đất đời sống dễ thở hơn
Lúc này tại huyện Tri Tôn (An Giang), một số nơi đang xuống giống vụ đông xuân, tuy lúa hiện nay trên 5.400 đồng/kg - mức giá được coi là cao nhất trong năm - nhưng nhiều hộ có ruộng... không chịu trồng lúa mà tiếp tục cho thuê đất. Ông Lê Văn Tình - ấp Ninh Hòa, xã An Tức - kể gia đình ông có chục công ruộng, nhiều năm nay trồng lúa lợi nhuận không đủ đắp đổi, còn vụ nào lúa rớt giá thì bán xong không đủ trả chi phí thu hoạch, nợ mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... nên qua mỗi năm nợ càng thêm chất chồng. Cuối năm rồi ông quyết định cho thuê chục công đất này giá 20 triệu đồng (2 triệu đồng/công) trong một năm. Với khoản tiền đó ông mua vỏ lãi hằng ngày đi mua ốc hến quanh vùng về bán lại cho vựa. Ông Tình cho hay làm liên tục ba vụ lúa mà năm nào may lắm lợi nhuận cao nhất cũng chỉ được 36 triệu đồng, tính ra thu nhập mỗi ngày chưa tới 100.000 đồng, ấy là chưa nói nhiều vụ năng suất thấp, lúa rớt giá. Trong khi với nghề mới này mỗi ngày cũng kiếm được ít nhất 200.000 đồng, nhờ vậy mới đủ trang trải mọi thứ sinh hoạt, lo cho con trai út học hành. “Ngày càng nhiều hộ cho thuê đất, người thì chuyển qua buôn bán nhỏ, kẻ làm thợ, con cái đi làm công nhân... đời sống dễ thở hơn xưa” - ông Tình nói.
Người thuê đất của ông Tình là ông Bùi Văn Nam. Ông Nam kể khi vợ chồng ra riêng được cha mẹ chia cho 2ha đất, suốt mấy chục năm nay ngoài trồng lúa ông còn sắm máy cày, máy gặt chuyên đi làm công cho các chủ đất nên dành dụm được chút vốn liếng, đồng thời qua đó biết nhiều hộ không thiết tha trồng lúa nên ông mướn thêm 3ha đất để canh tác. Gần đây tuy giá lúa không cao, lắm lúc chỉ ngoài 4.000 đồng/kg nhưng nhờ diện tích lớn, phần gia đình bỏ công ra làm, sử dụng máy móc nhà và có vốn đầu tư khỏi phải vay mượn hay mua thiếu vật tư giá cao nên đã tiết giảm được khoản chi phí rất đáng kể. “Khoản này đủ bù lại tiền thuê đất 2 triệu đồng/công/năm và vẫn có lợi nhuận” - ông Nam chia sẻ.
Theo ông Nam, gần đây chi phí sản xuất ngày càng tăng, gia đình nào chỉ làm lúa dưới 2ha chắc chắn không đủ đắp đổi, từ đó những hộ ít ruộng thường cho thuê đất để “rảnh” tay chuyển sang nghề khác kiếm sống nên ngày càng nhiều hộ thuê thêm đất canh tác như ông. “Trồng lúa phải đứng ra trực tiếp làm từ 4ha trở lên, phải có máy móc cày bừa, máy gặt... mới đảm bảo có lời. Nếu thuê được nhiều đất liền ranh, liền canh đỡ tốn chi phí trong canh tác, khi thu hoạch thì lợi nhuận bình quân trên mỗi đầu công càng cao hơn” - ông Nam nói.
Còn tại huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) - địa phương có trình độ thâm canh lúa rất cao, năng suất luôn dẫn đầu tỉnh thế nhưng hiện nay nhiều nông dân vẫn không đầu tư làm lúa mà chọn giải pháp cho người khác thuê. Có nhiều lý do khiến nông dân “bỏ ruộng”: ít đất làm không hiệu quả, neo đơn không có người làm hoặc cho thuê để đi nơi khác kiếm việc làm thu nhập cao hơn. Bà Nguyễn Thị Nụ (75 tuổi, ngụ ấp Tân An, xã Tân An) cho biết: “Chồng tui mất cách đây mấy năm, để lại cho vợ con một lô đất (3ha). Tôi đã họp gia đình chia đều cho các con mỗi đứa ba công, phần tôi còn lại khoảng sáu công để dưỡng già. Những đứa lớn có gia đình ra riêng ở xa không làm. Những đứa nhỏ thì học đại học, ra trường đi làm việc cho cơ quan nhà nước, nói đến ruộng đứa nào cũng lắc đầu. Thế là cho mướn hết, mỗi năm thu được 90 triệu đồng/ba vụ, đủ để chi phí qua ngày”.
Anh Năm Độ (Lã Văn Độ) - ngụ cùng ấp với bà Nụ - có 1,5ha đất cũng chọn giải pháp cho thuê để đưa cả nhà đi Bình Dương kiếm sống. Theo anh Năm Độ: “Làm ruộng mà cả nhà năm nhân khẩu chỉ bám vào gần chục công đất thì chỉ đủ ăn, không thể khá được. Con cái đi học chi phí ngày càng nhiều, chỉ cần một đứa vào đại học là chắc chắn mang nợ. Vì vậy tôi bàn với vợ cho thuê đất, đóng cửa dắt nhau đến Bình Dương thuê chỗ buôn bán sống qua ngày, con cái lớn có thể đi làm ở các khu công nghiệp. Nhờ đó mỗi năm tiền cho thuê đất cũng dư được hơn 40 triệu đồng dành làm vốn”.

- Nông dân trả ruộng – Kỳ cuối: Hãy mở đường cho tích tụ ruộng đất (TT 23/12/2013).
TT - Giải quyết vấn đề nông dân trả ruộng, bỏ ruộng cách nào? Các chính sách cần phải thay đổi để có thể phát huy được thế mạnh của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong bối cảnh hiện nay?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Đặng Kim Sơn (viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) nói:
- Hiện tượng người nông dân bỏ ruộng, trả ruộng có hai cấp độ. Thứ nhất là nông dân lơ là với ruộng đất của mình, trước đây làm ba vụ thì bây giờ chỉ làm hai, trước làm hai vụ nay làm một, trước thâm canh tăng năng suất bây giờ quảng canh. Lý do chủ yếu là ruộng manh mún, giá đầu vào cao, giá đầu ra thấp, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp quá. Như câu nói dân gian là “giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố”, người lao động bỏ ra thành thị làm thuê, ruộng đồng chỉ còn ông già bà cả làm được đến đâu hay đến đó. Thứ hai, nếu trên mảnh ruộng đó mà hợp tác xã còn thu thêm phí dịch vụ, địa phương thu phí này nọ tính theo diện tích thì mảnh ruộng không những không giúp cải thiện cuộc sống mà còn trở thành gánh nặng cho người dân nên họ phải trả ruộng. Hai cấp độ đó đều đang diễn ra.
* Hiện tượng nêu trên chứng tỏ điều gì, thưa ông?
"Ở các tỉnh, vào các khu công nghiệp thì được trải thảm đỏ, nhưng muốn làm một vùng nguyên liệu nông sản, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn hoàn toàn không đơn giản vì rất khó kiếm được vài chục hecta đất sạch"
TS ĐẶNG KIM SƠN
- Điều đó chứng tỏ sự khác biệt trong lựa chọn cơ hội của cư dân nông thôn. Trong khi thu nhập từ nông nghiệp chững lại thì các cơ hội khác ở đô thị, xuất khẩu lao động mở ra. Tuy nhiên, có một vấn đề không ổn, đáng lẽ người lao động tìm được cơ hội thu nhập khá hơn cứ ra đi và đất đai để lại sẽ được những người làm nông nghiệp giỏi mua hay thuê để phát triển sản xuất hàng hóa lớn, cơ giới hóa. Nếu cơ hội đó không trở thành thực tế, ngược lại, ruộng vườn bị bỏ hóa, tức chính sách có vấn đề, nhất là chính sách đất đai. Sự vận hành của thị trường lao động và thị trường đất đai không phối hợp đồng bộ.
Nhưng ngay cả việc rút lao động ra cũng chưa ổn, đa số thanh niên từ nông thôn đi ra phải sung vào “thị trường lao động không chính thức”, làm mọi nghề “tự do” không có bằng cấp, đăng ký, hợp đồng, bảo hiểm..., thu nhập thấp, điều kiện làm việc kém, không thể tính chuyện di cư, định cư ổn định cùng gia đình, nghĩa là không có tương lai. Không thể tính bài toán “tự phát” như vậy cho thân phận hàng chục triệu người trong năm, bảy năm tới như vậy được.
* Vậy làm sao để giải bài toán nông dân bỏ ruộng, trả ruộng này?
- Không thiếu gì cách giải. Thứ nhất là để cho cơ chế thị trường vận hành. Cho phép người làm ăn giỏi được mua đất đai, miễn rằng người mua thật sự là nông dân trực canh, mua là để sản xuất nông nghiệp. Tạo ra hành lang pháp lý về đất đai sao cho các đối tượng này mua bán thuận lợi, thủ tục thật đơn giản, chi phí thấp. Nghĩa là mở đường cho tích tụ ruộng đất. Tuy nhiên, mức hạn điền trong Luật đất đai (sửa đổi) vừa được ban hành lại thấp hơn so với trước, điều này là một cản trở không nên có.
Thứ hai là tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người thuê đất để tổ chức sản xuất có hiệu quả. Giá thuê, thủ tục thuê, thủ tục chuyển đổi mục đích trong phạm vi nông nghiệp, thủ tục cho vay vốn. Thậm chí hỗ trợ người ta đo đạc và làm các thủ tục đất đai liên quan để họ yên tâm đầu tư xây dựng đồng ruộng sản xuất lớn, kể cả trồng rừng hoặc trồng cây lâu năm.
Thứ ba là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn lớn đến thuê đất hoặc kêu gọi nông dân góp vốn bằng đất, tham gia làm việc trong doanh nghiệp. Như trường hợp một công ty sữa đầu tư ở Nghệ An, ngoài việc doanh nghiệp tự thỏa thuận với công nhân nông trường để thuê đất, về phía địa phương và doanh nghiệp còn hỗ trợ chia đất (bằng diện tích trung bình các hộ ở địa phương) cho các hộ nhận khoán trước đây để họ có đất tiếp tục canh tác.
Như vậy là có rất nhiều cách, có thể là nhà đầu tư, doanh nghiệp từ nơi khác đến mua đất, thuê đất, có thể là người giỏi ở địa phương đứng ra gom đất để sản xuất lớn, miễn là quá trình mua bán, sang nhượng, góp cổ phần này diễn ra thuận lợi và được pháp luật công nhận. Trên cơ sở đó mới có thể tiến hành cơ giới hóa, thủy lợi hóa... mới tách được số lao động nông nghiệp đi tìm kiếm cơ hội mới ở đô thị, đất đai để lại được tập trung và phát huy hiệu quả cao hơn.
* Nghị quyết “tam nông” ban hành cách đây 5 năm được kỳ vọng sẽ đưa nông nghiệp vào quỹ đạo phát triển mới, nhưng vì sao tốc độ tăng trưởng của nông lâm ngư nghiệp có xu hướng chậm lại, xuất hiện tình trạng bỏ ruộng, trả ruộng như nêu trên?
- Nghị quyết này thật sự đi vào lòng dân, nhận được sự đồng thuận to lớn giữa trung ương, địa phương và các bộ ngành. Tuy nhiên, nghị quyết ra đời vào thời điểm bất lợi, khi diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước cũng liên tục gặp khó khăn. Chưa kể đến thiên tai, thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Vì vậy, sự cố gắng của Nhà nước, sự tập trung sức cho “tam nông” bị loãng đi, bao nhiêu sức lực, trí tuệ phải dồn vào chuyện chống đỡ, xử lý những vấn đề như nợ xấu, Vinashin, Vinalines... Chúng ta phải đánh giá nghị quyết này trong một tình huống không bình thường như vậy.
Trong bối cảnh đó, nghị quyết “tam nông” vẫn đem lại những kết quả to lớn. Trong hoàn cảnh khó khăn, nông nghiệp tuy suy giảm nhưng vẫn tạo được hai thành tựu đặc biệt. Một là cung cấp lương thực thực phẩm dồi dào trong nước, nhờ đó kéo giảm tình trạng lạm phát. Hai là chưa bao giờ ta đạt được kim ngạch xuất khẩu nông sản tốt như trong những năm qua. Nông nghiệp không những cứu giải nền kinh tế mà còn là giá đỡ cho vấn đề lao động trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, lao động trở về nông thôn.
* Theo ông, một trong những giải pháp cho tình trạng bỏ ruộng, trả ruộng là tạo điều kiện cho doanh nghiệp về nông thôn thuê đất, mua đất, nhận góp cổ phần bằng đất. Vậy cần làm gì để đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân và nước ngoài vào khu vực nông nghiệp, nông thôn?
- Trước hết nói về nguồn lực, đầu tư công là thể hiện của chính sách. Thật sự mà nói đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn vẫn yếu. Những lúc nhiều đối tượng đều gặp nguy thì gói cứu trợ này, giải pháp giải cứu kia thường đổ về khu vực công nghiệp, ngân hàng, tập đoàn kinh tế nhà nước... Các địa chỉ cần cứu trợ trong nông nghiệp như chăn nuôi, thủy sản... cũng gặp nguy. Khác với các đối tượng trên, họ không đầu tư sai ra ngoài ngành, không đầu cơ theo bong bóng bất động sản, chỉ vì hoàn cảnh khách quan mà tạm thời nguy khốn, nếu được trợ giúp chắc chắn sẽ phát triển, nhưng kêu cứu rất nhiều mà tiền hỗ trợ đến quá chậm hoặc có lúc, có chỗ không đến.
Về vốn cứu trợ như vậy, còn vốn đầu tư? Chúng ta đã có nghị định 61 khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhưng vì sao doanh nghiệp về nông thôn vẫn ít ỏi? Đơn giản vì những chính sách ban hành chỉ bù đắp không đáng kể khoảng cách khổng lồ về điều kiện làm ăn giữa đô thị và nông thôn. Nói ví dụ về kết cấu hạ tầng, cả Tây nguyên chỉ có quốc lộ 14 chở cà phê, cao su nhưng lâu nay xuống cấp trầm trọng, hay ở ĐBSCL muốn vận chuyển nông sản không thể dùng cảng Cần Thơ mà phải chuyển qua TP.HCM. Cả hai vùng trọng điểm nông nghiệp chiến lược này đều không có đường sắt, đường cao tốc.
Một vấn đề rất lớn là đất đai. Đáng lẽ quỹ đất ở nông thôn phải thuận lợi hơn thành phố. Ở các tỉnh, vào các khu công nghiệp thì được trải thảm đỏ, nhưng muốn làm một vùng nguyên liệu nông sản, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn hoàn toàn không đơn giản vì rất khó kiếm được vài chục hecta đất sạch, muốn trồng rừng cỡ vài trăm hecta lại càng khó, gom được mấy trăm cái sổ đỏ của dân để tập trung đất đai là chuyện cực kỳ khó. Kéo được ông địa chính đi đo vẽ cấp chứng nhận cho hàng trăm cái hợp đồng ấy là chuyện không tưởng.
Tất cả những vấn đề nêu trên, cộng thêm lao động tay nghề thấp, thiên tai rình rập, khí hậu khắc nghiệt, dịch bệnh đe dọa làm cho tất cả các nhà đầu tư đều nản lòng. Giải pháp thì chỉ có ba cách. Thứ nhất là đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thông huyết mạch giao thông. Thứ hai là cung cấp đất sạch, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động cho thuê, giao đất, góp đất, kể cả đất của dân, của nông lâm trường trước đây, đất do địa phương quản lý... Thứ ba là giảm và miễn tối đa các phí, thuế có liên quan cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, khấu trừ thuế VAT cho nguyên liệu vật tư thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp.
VÕ VĂN THÀNH thực hiện

* Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh mới đây cho rằng trong chiến lược phát triển của đất nước, cần đặt nông nghiệp đúng vị trí là trụ đỡ của nền kinh tế, là lợi thế của Việt Nam. Ông nghĩ sao?
- Vừa qua chúng tôi có nghiên cứu về các tỉnh gọi là “tỉnh công nghiệp”, ví dụ Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương... thấy nổi lên một điều là ở các tỉnh đó tỉ lệ dân số sống ở nông thôn cao như các tỉnh khác. Và mức sống của người dân ở nông thôn vẫn như thế, nghĩa là khu vực công nghiệp gần như “đóng kín”, không có gì kết nối bên ngoài. Giả sử tất cả tỉnh thành đều như thế thì chúng ta có một nước công nghiệp không?
Hiện nay trên thế giới có nhiều nước phát triển rất mạnh lợi thế về nông nghiệp, ví dụ Hà Lan, Israel, New Zealand, Phần Lan... Đi vào một trang trại của Hà Lan thì khó nói đó là sản xuất nông nghiệp hay công nghiệp vì áp dụng công nghệ cao, đầu tư rất lớn, năng suất lao động rất cao. Công nghệ trong ngành gỗ - giấy ở Phần Lan có mức độ hiện đại tương đương trong ngành hàng không. Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp, nếu nói thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp thì rõ ràng phát triển công nghiệp và dịch vụ phải bắt đầu từ định hướng phục vụ, phối hợp với nông nghiệp.
Chúng ta chắc chắn có thể lấy nông nghiệp trở thành nền tảng của nền kinh tế được. Tôi tin rằng đó là tương lai của Việt Nam.


-Thanh Hóa: Hơn 1.000 ha nông nghiệp đất bị nông dân chê
Nguồn tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết đến thời điểm hiện tại, nông dân tỉnh này đã bỏ hoang 1.004 ha đất nông nghiệp, trong đó có nhiều diện tích đang bị hoang hóa.
Hơn 1.000 ha nông nghiệp đất bị nông dân chê
Các huyện có nông dân bỏ ruộng nhiều là: Nga Sơn 403 ha, Tĩnh Gia 285 ha, Hậu Lộc 126 ha…
Theo phân tích của cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nông dân Thanh Hóa bỏ ruộng là do thu nhập từ canh tác nông nghiệp thấp. Thu nhập từ một sào lúa (500 m²) chỉ đạt 700.000- 800.000 đồng/vụ (bốn tháng), vùng lúa năng suất chất lượng cao cũng chỉ đạt 1,1- 1,2 triệu đồng/sào/vụ.
Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng kéo các nông dân trẻ ra khỏi ruộng vườn để tìm đến các công việc có thu nhập cao hơn.
Ngoài ra, do nhiều diện tích đất bị thu hồi không đồng bộ dẫn tới việc đất nông nghiệp bị kẹt giữa các mặt bằng không canh tác được. Một số khác bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm môi trường, sự gia tăng sâu bệnh gây hại cho cây trồng.
Riêng tại huyện Nga Sơn, thời gian gần đây cây cói nguyên liệu rớt giá mạnh, thị trường tiêu thụ khó khăn, đồng đất bị sa bồi tôn cao, nhiều khu vực bị nước mặn xâm thực nên nông dân huyện này bỏ ruộng hoang hóa...
An Bình
(Ảnh: Đất nông nghiệp của nông dân xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) bỏ hoang nhiều năm nay)
-- Hạt lúa “lợi ích nhóm”,chuyện “ăn của dân không từ thứ gì” (ĐV).
- Lúa gạo Việt Nam bị thất thế vì lợi ích nhóm (SM).Hạt lúa giống cũng có… “nhóm lợi ích”! (LĐ 30-11-13) GS Võ Tòng Xuân: Ai tiếp tay cho giống lúa Trung Quốc tràn vào Việt Nam (ĐV 30-11-13)- Hạt lúa củ khoai và “lợi ích nhóm” (ĐV). – Hạt lúa giống cũng có… “nhóm lợi ích”!(LĐ).
- Hà Tĩnh: Chỉ đạo dừng ngay việc phá lúa của dân (MTG).- Vụ “Lấy đất rừng của dân để chia cho cán bộ”: Khai trừ Đảng, buộc thôi việc phó giám đốc BQL rừng phòng hộ (MTG).




-Cường hào ác bá khoác áo “hệ thống chính trị” ngay tại Thủ đô
Vẫn cách làm bấy lâu ở Hà Nội: dùng mọi thủ đoạn lừa lọc, chiếm đoạt ruộng đất của dân, đưa toàn hệ thống chính trị vào cuộc để đàn áp bắt bớ dân, lợi dụng chủ trương dồn điền đổi thửa, chính quyền huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã đang tâm đưa Công an cùng toàn hệ thống chính trị “vào cuộc” nhằm chiếm đoạt ruộng đất của người dân xã Thượng Vực và xã Văn Võ. Khi người dân thực hiện quyền công dân nhằm bảo vệ tài sản, bảo vệ lẽ phải thì Công an lại tổ chức bắt cóc, giam giữ trái pháp luật hàng chục người dân vô tội (toàn phụ nữ, người già). Dân phản đối dữ dội, Huyện ủy (Đảng bộ cấp huyện) ráo riết chỉ đạo Viện Kiểm sát cùng cấp “khắc phục” thủ tục tố tụng để khẩn trương … truy tố người dân vô tội. Đây là việc làm vi phạm pháp luật nghiêm trọng của Đảng bộ, chính quyền ngay tại Hà Nội.

Ngày 11/9/2012 để thông qua Đề án Dồn điền đổi thửa (DĐĐT), Tiểu ban DĐĐT thôn Trung Vực Trong đề nghị các hộ dân hiến 30 mét vuông/khẩu để làm giao thông thủy lợi và xây dựng các công trình phúc lợi. Điều này gặp sự phản ứng của người dân vì theo họ quỹ đất công còn rất nhiều, đủ để xây dựng hệ thống tưới tiêu và giao thông đồng nội. Ông Nguyễn Duy Tuấn, một người dân trong thôn bị cắt đến 90 mét vuông cho ba khẩu trong gia đình cho biết: “quỹ đất công của thôn còn hơn 55 nghìn mét vuông, trong khi nếu cắt 30 mét vuông/khẩu của toàn bộ người
dân trong thôn thì chỉ khoảng 40 nghìn mét vuông. Nhỏ hơn nhiều so với quỹ đất công. Vậy cắt 30 mét vuông/khẩu của chúng tôi làm gì”. Điều này nhận được sự đồng tình của đa số người dân trong thôn. Tuy nhiên, trong Bảng Kết quả kế hoạch giao ruộng của Tiểu ban DĐĐT lại cho biết Hội nghị ngày 11/9/2012 đã biểu quyết nhất trí 100% của 82 đại biểu. Ông Đặng Đình Yên (74 tuổi) một đại biểu trong buổi họp ngày hôm đó cho biết, cuộc họp chỉ khoảng 40 người đến dự và chỉ nói đến chuyện DĐĐT, không hề nói đến hiến 30 mét vuông/khẩu.
Quá bức xúc vì cho rằng mình bị ép buộc gắp phiếu và hiến 30 mét vuông/khẩu, các hộ dân đã làm đơn lên xã để kiến nghị.
Điều đó dẫn đến vào ngày 31/1/2013, Huyện Ủy Chương Mỹ đã có chỉ đạo UBND tạo một cuộc họp với toàn thể người dân về Đề án DĐĐT. Sau khi lắng nghe các ý kiến của người dân không nhất trí hiến 30 mét vuông/khẩu, ông Trần Đình Vững – Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chương Mỹ phát biểu, cán bộ cấp thôn làm sai. Ông cho biết chủ trương của Huyện là không lấy một mét vuông đất của người dân sau khi DĐĐT. Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Doanh – Phó chủ tịch huyện có đề nghị tạm giao ruộng cho nhân dân để sản xuất. Sau vụ mùa, cơ quan quản lý sẽ thực hiện chia lại. Ý kiến này không được người dân đồng ý. Họ muốn chính quyền phải sửa sai ngay, thậm chí họ sẵn sàng bỏ luôn vụ Đông-Xuân để chính quyền có thời gian thực hiện. Tuy nhiên, điều này không được chấp nhận. Cuộc họp kết thúc mà chưa được thông qua biên bản.
Đến ngày 22 và ngày 26/2/2013, Tiểu ban đã cho máy bừa vào bừa ruộng của dân. Hàng ngàn người đã ra cản trở để phản đối. Bên thôn Trung Vực chính quyền bắt 4 người nông dân.
Không đồng ý về việc chính quyền xã lấy mỗi khẩu 30m2 đất loại I để làm giao thông thủy lợi. Vì theo chỉ đạo của UBND huyện Chương Mỹ, chỉ lấy đất xấu chứ không thể lấy đất loại I. Người dân thôn Trung Vực Trong, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ đề nghị chính quyền địa phương phải giải quyết.
Đồng thời, theo quy định không được dồn ghép ruộng từ thôn này sang thôn khác, thì chính quyền UBND xã Thượng Vực tự ý đổi cho thôn khác. Nhân dân thôn Trung Vực Trong đã bỏ ruộng không cày cấy. Ngày 26/2/2013, chính quyền huyện Chương Mỹ xã Thượng Vực đã tiến hành cưỡng chế
Ngày 21/2/2013, trong cuộc cưỡng chế tại xóm Cộng Hòa, thôn Võ Lao, xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, có 6 phụ nữ bị bắt và tạm giữ tại CA huyện Chương Mỹ để lập hồ sơ chuyển Viện Kiểm sát cùng cấp khởi tố.
Ngày 22/2/2013, 16 người thân của 6 phụ nữ trên mang hồ sơ lên trình các cơ quan chức năng thì bị cơ quan CAH Chương Mỹ bắt giữ lại dọc đường rồi đưa về trụ sở CAH thu giữ toàn bộ các loại giấy tờ liên quan.
Toàn cảnh vụ đàn áp, cướp đất của dân ở Chương Mỹ:
CM2
CM4
CM8
CM6
CM1
CM3
CM5
CM7
CM11
.




- Hà Nội: Nông dân “đình công”, không chịu xuống đồng! (NNVN).---Mặc dù chỉ còn vài ngày nữa sẽ hết hạn lịch gieo cấy vụ ĐX 2012 - 2013, tuy nhiên cho tới ngày hôm qua (26/2), hàng trăm ha ruộng tại xã Thượng Vực (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) cỏ vẫn mọc um tùm. Nông dân thì đồng loạt “đình công”, không chịu xuống đồng cày cấy. Vì sao vậy?

Cơ sự trớ trêu ấy bắt nguồn từ việc xã Thượng Vực triển khai dồn điền - đổi thửa từ cuối năm 2012.

Phong trào dồn điền, đổi thửa ở các tỉnh miền Bắc đã nở rộ từ nhiều năm nay. Chuyện trục trặc, khúc mắc kiểu nhà này chê chọn phải ruộng xấu, nhà kia may mắn chọn được ruộng đẹp... khi triển khai dồn điển, đổi thửa có thể nói nhiều địa phương vấp phải. Tuy nhiên, việc hàng trăm hộ dân “đình công”, không chịu nhận ruộng do dồn điền, đổi thửa thì ít khi xảy ra như ở Thượng Vực.
Thời điểm này, trong khi hầu hết các xã ở huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) cũng như các tỉnh phía Bắc lúa đã được gieo cấy xanh mặt ruộng thì tới chiều qua, chúng tôi về những cánh đồng tại thôn Vực Trong (xã Thượng Vực), thấy những thửa ruộng đã tiến hành dồn đổi xong xuôi, đường giao thông nội đồng thẳng tắp, thế nhưng điều lạ là cỏ vẫn mọc um tùm. Hàng trăm nông dân thôn Vực Trong, thay vì hối hả cày cấy, lại tụ tập kín đường làng để “đình công”, không chịu nhận ruộng sau khi chính quyền xã đã tiến hành dồn điền, đổi thửa khá bài bản. Hiện tại, cả thôn Vực Trong với gần 300 hộ dân, có tổng diện tích hơn 190 mẫu ruộng nhưng mới chỉ lác đác một số hộ dân gieo mạ, còn lại phần lớn đều chưa gieo mạ. Điều này đồng nghĩa với với việc hàng trăm ha ruộng đất màu mỡ ở xã Thượng Vực có nguy cơ phải bỏ hoang trong vụ ĐX này.

Thay vì xuống đồng cày cấy, nông dân thôn Vực Trong (xã Thượng Vực)
đổ ra ruộng “bãi công”
Vì sao nông dân thôn Vực Trong lại phản đối việc thực hiện dồn điền, đổi thửa gay gắt như vậy? Ông Nguyễn Công Lâm, trưởng nhóm đại diện cho hàng trăm hộ dân tại thôn Vực Trong khẳng định: Khi được UBND xã thông báo và họp bàn ở thôn Vực Trong về việc triển khai dồn điền, đổi thửa vào cuối tháng 9/2012, chủ trương này đã được đại bộ phận bà con trong thôn tán thành, ủng hộ. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối, đặc biệt là việc hiến đất ruộng phục vụ dồn điền, đổi thửa.
Cụ thể, để triển khai việc dồn diền, đổi thửa, UBND xã Thượng Vực chủ trương kêu gọi các hộ dân hiến mỗi khẩu 30 m2 đất ruộng góp vào quỹ đất để quy hoạch và đào đắp lại hệ thống bờ thửa, giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi... Hiện tại, bình quân mỗi khẩu (có đất) ở xã Thượng Vực là 480 m2 ruộng, nghĩa là sau khi dồn điền, đổi thửa, mỗi khẩu sẽ chỉ còn lại 450 m2. Về việc hiến đất trong quá trình dồn điền, đổi thửa tại những địa phương không có quỹ đất 5% (đất công ích), được biết huyện Chương Mỹ đã có nguyên tắc trích từ đất quỹ đất I (tạm gọi là “đất 64” - đất được nhà nước giao cho các khẩu theo Nghị định 64-CP năm 1993) để phục vụ cho quỹ đất tái quy hoạch lại hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi... Điều này có nghĩa là sau khi dồn điền đổi thửa, diện tích “đất 64” bình quân mỗi khẩu đương nhiên sẽ còn lại ít hơn so với khi chưa dồn điền đổi thửa.
Vấn đề nảy sinh ở chỗ, thôn Vực Trong hiện nay vẫn còn một diện tích khá lớn đất công ích 5% do thôn và xã quản lí. Các diện tích này từ vụ mùa năm 2012 trở về trước được giao cho các hộ dân trong thôn đấu thầu, canh tác theo hình thức kết hợp trồng lúa - nuôi vịt hoặc kết hợp nuôi cá - lúa. Người dân cho rằng khi tiến hành dồn điền, đổi thửa, quỹ đất 5% này đáng nhẽ phải được trích ra để dành cho việc tái quy hoạch và xây dựng hệ thống bờ bao, giao thông, thủy lợi..., thay vì phải “trưng dụng” mỗi khẩu 30 m2 thuộc “đất 64”.
Anh Nguyễn Công Sản, một hộ dân thôn Vực Trong cho rằng, đất công ích của thôn hiện còn rất nhiều, thậm chí vượt cao hơn nhiều so với tỉ lệ giới hạn 5% đất nông nghiệp theo quy định của Nghị định 64. Trước đây, đất này đa số kém hiệu quả, thế nhưng hiện nay lại trở thành “có giá” nhất trong số các diện tích đất nông nghiệp, bởi có thể kết hợp trồng lúa và chăn nuôi. “Đến nay, thời hạn sử dụng đấu thầu đất công ích đã hết. Với những diện tích đất công ích có giá trị như hiện tại, dân chúng tôi cho rằng hộ nào đã được giao sử dụng tiếp đất công ích thì phải cắt phần “đất 64” ở đồng lúa để bổ sung cho quỹ đất xây dựng giao thông nội đồng, thủy lợi... khi dồn điền đổi thửa, chứ chẳng có lí do gì lại ăn bớt tiếp mỗi khẩu 30 m2 ở khu vực đất trồng lúa vốn đã rất eo hẹp” - anh Sản nêu ý kiến.
Chính sự nhùng nhằng về vấn đề nêu trên mà suốt từ cuối năm 2012 đến nay, hàng trăm hộ dân thôn Vực Trong vẫn nhất quyết không chịu nhận ruộng, cho dù UBND xã Thượng Vực đã triển khai nhiều giải pháp thuyết phục.
Tới chiều qua (26/2), các cơ quan chức năng huyện Chương Mỹ phối hợp với UBND xã Thượng Vực đã phải triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục cho máy cày cày đất, kết hợp với việc vận động bà con thôn Thượng Vực nhận đất gieo cấy kịp thời vụ, nhưng xem ra người dân vẫn không mấy tán thành.– Hà Nội: Nông dân “đình công”, không chịu xuống đồng! (NNVN).--
Mô hình cánh đồng mẫu lớn
Cánh đồng mẫu lớn gần đây được nói nhiều ở Việt Nam như là một mô hình giúp tăng năng suất trồng lúa cho người nông dân Việt Nam, nhất là tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long- vựa lúa xuất khẩu chính của cả nước.
- Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Phải trân trọng quyền của người dân (TT). – “Không chia lại đất nhưng phải xem xét thấu đáo” (VnMedia). - Hải Phòng: cán bộ xã giao gần trăm lô đất trái phép (Sống mới).
-"Phù phép" đất rừng Ba Vì thành thổ cư --Đừng biến hiến pháp thành công cụ cướp đất của dân
--Rắc rối tên cây cầu ăn vay tỉ đô lớn nhất Đông Nam Á -- Đề nghị tạm dừng phân bổ vốn nhiều dự án lớn (PLTP).
- Ba Vì- Hà Nội: Biệt thự bức tử đồi rừng – Bài 1: Hô biến đất rừng thành thổ cư (TP).
- Tổng cục Đường bộ “tố” Cục CSGT không hợp tác (DV).
- Vụ đình chỉ Bí thư huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp): Tỉnh ủy chưa có ý kiến (PLTP).
- Kỷ luật 15 cán bộ xã sai phạm về đất đai (PLTP). – VỤ NHẬN HỐI LỘ HƠN 4 TỈ ĐỒNG Ở CẦN THƠ: Không kỷ luật lãnh đạo Sở Tư pháp (PLTP). - Khó bồi thường đất theo giá thị trường? (VnMedia)
- Vụ Tiên Lãng: Cho gia đình ông Vươn xây nhà, nhưng bắt phá công trình phụ (Infonet).

TPHCM: Hơn 1.600 công nhân ngừng việc do lương thấp
Công nhân tại một doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc ngừng làm việc đòi tăng lương tối thiểu thêm ít nhất 250.000 đồng.
Sáng 26/2, hàng trăm công nhân Công ty TNHH Yujin Kreves Vina, Khu chế xuất Linh Trung I, quận Thủ Đức (viết tắt Y.K.V) tiếp tục ngừng việc, đề nghị điều chỉnh tăng lương.

Công nhân cho biết, từ sáng 23/2, sau khi nghe công ty thông báo không tăng lương theo như kiến nghị thì các công nhân bắt đầu ngừng việc tập thể vào buổi sáng và buổi tối. Tuy nhiên, phía công ty vẫn im lặng.
Trong đơn kiến nghị gửi công ty, công nhân công ty Y.K.V đưa ra lý do ngừng việc với nội dung: Theo nghị định mới của Chính phủ về việc điều chỉnh lương tối thiểu thì công nhân làm tại công ty Y.K.V, KCX Linh Trung 1, Q.Thủ Đức thuộc vùng 1 nên được điều chỉnh tăng lên 350.000 đồng. Nhiều công ty trong khu vực cũng đã điều chỉnh tăng mức lương cho công nhân từ 300.000 - 400.000 đồng.
TGĐ Y.K.V cũng đã hứa sẽ điều chỉnh mức lương cho công nhân nhưng cuối cùng lại đưa ra lý do khó khăn nên chỉ điều chỉnh tăng lương thêm 100.000 đồng, nhưng tiền chuyên cần lại giảm chỉ còn 50.000 đồng (giảm 10.000 đồng). Cũng trong đơn kiến nghị, công nhân không chấp nhận mức tăng như phía công ty đã thông báo và đề nghị điều chỉnh mức tăng 300.000 đồng giống như các công ty khác hoặc ít nhất cũng phải bằng 250.000 đồng.
Công nhân ngừng việc đã được 4 ngày, nhưng việc thương lượng với Ban giám đốc công ty vẫn chưa có kết quả.
Ban quản lý các Khu chế xuất - Công nghiệp TPHCM và các cơ quan chức năng cũng đang làm trung gian phối hợp thương lượng với công ty nhưng vẫn chưa có kết quả. Đây là vụ ngừng việc đầu tiên trong năm 2013 tại KCX Linh Trung I.
Theo Lao động

--Dự kiến tách lương công chức ra khỏi lương tối thiểu Khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước sẽ không áp dụng theo lương tối thiểu nhằm giảm tải cho gánh nặng ngân sách.-- Lại siết “hộ khẩu” (TBKTSG). - Dự thảo Luật Cư trú: Thoạt nghe, dân đã kêu trời! (DT).
- ’55 tuổi nghỉ hưu, chị em chưa kịp cất cánh đã phải hạ cánh’ (VNE).
- Tách lương công chức ra khỏi lương tối thiểu (KP).
- Bí thư huyện có 8 ‘sân sau’: Tỉnh ủy chưa có ý kiến (TP).
- Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô (TTXVN).
- Các hành vi cản trở tác nghiệp báo chí: Xử phạt chưa thỏa đáng (DV).
- Hà Nội “không dễ phát hiện, xử lý xe công đi lễ hội” (Infonet).
- Đằng sau câu chuyện “lãi – lỗ” của EVN! (PT).
- Dự kiến rót 32.000 tỷ đồng xây thêm nhiều tuyến đường (Sống mới).
"Một tuần nữa, giá vàng trong nước sẽ sát giá thế giới"
Chiều 26/2, NHNN và SJC đã ký kết hợp đồng nguyên tắc gia công vàng miếng, chuẩn bị việc đấu thầu vàng miếng.
Giá vàng “rơi tự do”, bỏ xa mốc 44 triệu đồng/lượng
(Dân trí) - Giá vàng miếng trong nước đang “rơi tự do” khi giảm tới gần 1 triệu đồng/lượng trong sáng nay và bỏ xa mốc 44 triệu đồng/lượng. Theo công bố của một số cửa hàng vàng tại Hà Nội lúc 13h30 hôm nay 27/2, giá vàng SJC hiện đang giảm mạnh tới ...
Giá vàng tuột dốcThanh Niên
Vàng trong nước liên tục điều chỉnh giảmTiền Phong Online
Vàng trong nước lao xuống vùng 43 triệu đồngVNMedia
Nguồn cung vàng tăng mạnh, giá vàng giảm
(TNO) Sáng 26.2, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, chiều cùng ngày NHNN sẽ ký với Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) hợp đồng nguyên tắc gia công vàng miếng. Từ nhiều ngày qua, ...
Vàng thế giới phục hồi, trong nước giảmTiền Phong Online
- Nhiều cơ hội để DN tiếp cận nguồn vốn (TQ).
- Giá xăng dầu tăng hay giảm: Bộ Tài chính cũng đang chờ (VOV).   – Thủ tướng quyết định chưa tăng giá bán xăng dầu (TTXVN).   – Giá xăng dầu: Chịu thêm được mấy ngày? (VNN).
- NHNN chính thức tham gia vào sản xuất vàng miếng (TTXVN).  – NHNN ký hợp đồng gia công vàng miếng với SJC(CP).  – Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối: Ngày 1/3 sẽ thực hiện đấu thầu vàng miếng (CafeF).  – Vàng trong nước bất ngờ rẻ, USD tăng vọt (VnMedia).   – Vàng sẽ mất giá 4 – 5 triệu sau 1 tuần (VEF).   – Có đơn thuốc trị chênh lệch giá vàng (LĐ).
- Chứng khoán chiều 26/2: Tranh nhau rút (VnEco).  – Lại đua nhau bán sàn, VN-Index giảm 18,64 điểm (TT).  –Vào chợ mỗi ngày TTCK 26-2-2013: rơi tự do (VF).
- Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 26-2-2013: chiến lược mới (VF).
- Xem xét tính khả thi dự án lọc hóa dầu 27 tỉ đô la (TBKTSG).
- Trung Quốc mua 1/3 gạo Việt Nam xuất khẩu (VnEco).  – Chưa phát hiện thương lái Trung Quốc thu gom lá khoai mì (TN).
- Vụ kiện chống trợ cấp tôm VN tại Mỹ: Người tiêu dùng thiệt nhất! (TN).
- Nội lực nền kinh tế vẫn chưa hồi phục (PT).
- Ngân hàng tìm cách kích tín dụng (CafeF).
- Huy động 200 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 9,79%/năm (ĐTCK).
- 22 ngân hàng chưa thu phí ATM nội mạng (CP). - Mỗi giao dịch ATM, ngân hàng mất 9.000 đồng (VnEco).
- Ồ ạt bán ra, vàng miếng “bốc hơi” 1 triệu đồng (LĐ). - Giá vàng tiếp tục tuột dốc, đôla tiến sát 21.000 đồng (VNE).
- 300 mã tăng điểm kéo thị trường hồi phục (DT). - Chứng khoán ngày 27/2: Đảo chiều, khối ngoại tranh thủ bán? (VnEco). - Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 28/2 (ĐTCK). - Rủi ro hiện tại đang khá cao (ĐTCK).
- Lo ngại “chung cư cao cấp, dịch vụ bình dân” (Infonet).
- Công bố phương án điều hành giá xăng dầu (TP). - Sử dụng quỹ bình ổn để giữ giá xăng (DT).
- Trung Nguyên – Starbucks làm bạn hay đối thủ? (ĐV/TP).
- Sữa cho trẻ em: Tỷ lệ độ đạm bao nhiêu là hợp lý? (TTXVN).
- Hai tháng đầu năm xuất siêu nhờ doanh nghiệp FDI (TN).
- Điều tươi giá cao khiến doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro (VOV).
- Cần tháo gỡ “rào cản Ethoxyquin” cho xuất khẩu tôm (VOV).
- Tràn lan cá tầm Trung Quốc đội lốt Việt Nam (Infonet).
- Tôm nhí không về… (SGTT). - Đầu tư nước ngoài vào VN giảm mạnh (BBC).
- Thị trường vốn 2013: Không quá khó để cải thiện (DNSG). – Giải ngân vốn đầu tư ngân sách giảm mạnh(VnEco).
- Room và hướng nhìn mới (ĐTCK). – Chứng khoán lao dốc, ai là “tội đồ”? (LĐ).
- Không có lý gì để phá giá tiền đồng (LĐ).
- Đánh thuế tiền tiết kiệm? (NNVN). – Vàng SJC sẽ giảm 3 – 5 triệu đồng/lượng sau 1 tuần?! (DT). – Thị trường vàng không có biểu hiện nhập lậu! (PT). – Chủ tịch SJC: “Giao “con ruột” cho người khác, cũng buồn!”(VnEco).
- Thu phí rút tiền ATM nội mạng: Ngân hàng dè chừng (TT). – “Cuống quýt” công khai và hỗ trợ người dùng sau khi công bố thu phí ATM (Sống mới).
- Giá nhà ở tại Hà Nội đã giảm 28% (VOV).  – Những đại gia BĐS bán nhà trả nợ (VEF).
- Dự kiến hôm nay trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm việc với PVN (PLTP). - Lại vẫn chuyện xăng (LĐ). – Cây xăng đóng cửa, dân mang can đi mua tích trữ (Infonet). – Thủ tướng cho thí điểm pha chế xăng dầu tại vịnh Vân Phong (SGTT). – ‘DN kinh doanh xăng dầu chia sẻ khó khăn với Nhà nước’ (NDHMoney). – Tiếp tục tăng mức trích quỹ bình ổn giá xăng dầu (DV).
- Nên công khai cho người Việt vào chơi casino (TVN).
- Đấu Stabucks, Vũ Trung Nguyên có ‘nổ’? (TP).
- Sữa Frezzi bị nghi chung kịch bản “lừa” tương tự Danlait (LĐ).
- Thuế XK cá tra vào Mỹ nguy cơ tăng cao (NNVN).
- Vinacas buông giá định hướng xuất khẩu điều (TT). – DN điều… nhiễu loạn! (NNVN). – Xuất khẩu điều sang Trung Quốc: Không dùng thuốc khử trùng và hạt chống ẩm (SGGP).
- Phát triển ngành bò sữa: Đất không, vốn không! (NNVN).
- WTO: Trung Quốc vi phạm quy định thương mại quốc tế (TT). – Trung Quốc: Dubai thành “Dubai” Trung Quốc (Sống mới).
- Đường sắt nam TQ và Bangkok: Bệ phóng hoàn hảo cho tham vọng của Trung Quốc? (TVN).- NHNN ký hợp đồng nguyên tắc gia công vàng miếng (Vietstock). - NHNN sẽ cung một lượng vàng miếng khá lớn ra thị trường (VOV/ Vietstock).  - Sản xuất vàng miếng SJC từ nguồn vàng nguyên liệu của NHNN (SGGP). - Ngân hàng Nhà nước trực tiếp sản xuất và mua bán vàng miếng (SGTT). - NHNN sẽ cung một lượng vàng miếng khá lớn ra thị trường (VOV). – Thị trường vàng trong nước: Nhẫn tròn “lên ngôi” (HNM). - Dân bớt hoảng khi vàng miếng dưới 1 lượng giao dịch trở lại (Sống mới). - Đấu thầu để giảm giá vàng (TN). - Vàng SJC sẽ giảm mạnh trong một tuần? (TP).
- Giới đầu tư chứng khoán lại một phen nháo nhác (VNE). - Nhà đầu tư tháo chạy, VN-Index lao dốc 19 điểm (DT). - Chứng khoán tuột dốc, USD “nóng” trở lại (NLĐ). - Sân chơi mới cho cổ phiếu “ngoại lai”  (NLĐ). – Nỗi sợ “margin call” vs lòng tham dò đáy (CafeF).
- Ngân hàng sẵn sàng vốn cho bất động sản (ĐTCK/ Vietstock). - Thị trường BĐS: Khó khởi sắc với những nỗ lực nửa vời (Sống mới). – Những đại gia BĐS bán nhà trả nợ (VEF). – Bất động sản chờ đến quý 3 mới nhúc nhích? (SGTT). – Mua penthouse Đại Thanh: Không sổ đỏ khách vẫn mất tiền vênh(GDVN). - Kiên quyết thu hồi dự án “treo” (TN). - Bộ trưởng Xây dựng: ‘Chia nhỏ căn hộ là bất đắc dĩ’ (VNE).
- Nhiều chủ doanh nghiệp nước ngoài vay nợ, bỏ về nước: Bế tắc xử lý tài sản vắng chủ (TP).
- Hướng đi của tỷ giá hối đoái năm 2013 (Hoàng Tâm Nguyên) (Thông Luận).
- Ngân hàng chuẩn bị thu phí ATM nội mạng: Vẫn là chuyện tận thu (LĐ).
- Bất thường xe siêu sang “hồi hương” – Kỳ 3: Giám định có vấn đề ! (TN).
- Nhan nhản sữa nghèo đạm trên thị trường: Nhiều nhà sản xuất gian dối, lừa người tiêu dùng (LĐ).
- Lương vẫn đuổi theo giá (ANTĐ).
- Quản lý thị trường sữa: “Việt vị” từ giá đến chất lượng (SGTT). – Nhốn nháo thị trường sữa xách tay (VOV).
- Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm việc tại Bắc Giang: Đảm bảo chất lượng gà cho thị trường (DV).
- Nguy cơ Trung Quốc cấm nhập khẩu điều Việt Nam (PLTP).
- Vinacomin giải thể, phá sản, thoái vốn khỏi 12 doanh nghiệp (SGTT).
- TP.HCM: trong quý 1/2013 sẽ công bố kết quả xử lý dự án treo (SGTT).
- Thu phí ATM nội mạng: Đến quầy rút tiền cho nhanh? (DT).
- Thủ tướng quyết định chưa tăng giá xăng dầu (VNN).  – Thủ tướng “ghìm cương” giá xăng (Sống mới).
- Trùm tín dụng đen phải bán máu nuôi thân (VEF).
- Niêm phong xe bị nghi núp bóng Việt kiều hồi hương tại showroom (Sống mới).
- 2013: Khu vực euro tiếp tục suy thoái kinh tế (RFI). China’s Yuan: Can it Challenge the Dollar? theDiplomat.com

Japan's Abe aims to polish reform credentials with TPP trade decision

TOKYO (Reuters) - Japanese Prime Minister Shinzo Abe appears poised to raise the curtain on Act Three of his "Abenomics" drama with a decision to join talks on a U.S.-led free trade pact, seen by some as a test of his appetite for vital economic reform. IFC issues landmark renminbi debt
(Financial Times)-World Bank arm sells first discount note in the Chinese currency to help broaden the market for short-term funding and increase renminbi use in cross-border trade settlement Vì sao Vietnam Town khai phá sản?
- Châu Á đang lâm vào khủng hoảng nợ? (SGTT).
WTO: Trung Quốc vi phạm quy định thương mại quốc tế
WTO ngày 26/2 phán quyết Trung Quốc vi phạm quy định thương mại quốc tế khi áp thuế chống phá giá đối với thiết bị quét tia X nhập khẩu từ EU.

(Dân trí) - Theo tìm hiểu của PV, nếu thiếu sự quản lý chuyên nghiệp, không chỉ chất lượng sống của cư dân tại Khu căn hộ Vincom Center Bà Triệu bị giảm sút mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình an ninh trật tự và cảnh quan chung của cả khu vực.
Vì đâu Vingroup dừng dịch vụ quản lý căn hộ Vincom Center Bà ...Tiền Phong Online
--America’s Strategy Vacuum  Project Syndicate 
As the quintessential laissez-faire system, the US outsources strategy to the invisible hand of the market, with the government locked into a reactive approach to unexpected problems. Thus, both monetary and fiscal policy have been focused on cleaning up after a crisis rather than on how to avoid another one. 

Bad debt accounting(Giang Le)




Tổng số lượt xem trang