Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Nói toạc móng heo

Lữ Giang
Bản tin ngày 30.1.2013 của đài VOA cho biết Nguyễn Quốc Quân, đảng viên đảng Việt Tân, về Việt Nam ngày 17.4.2012, bị bắt khi mới tới phi trường Tân Sơn Nhứt, bị kết tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” nay đã được thả ra do áp lực của Hoa Kỳ.
Bản tin này cho thấy Hà Nội và Washington đang đấu trí với nhau. Sau Phật Giáo Ấn Quang, Tin Lành Dega, Công Giáo, đã đến lúc Hoa Kỳ phải xử dụng tới lá bài Việt Tân? Người Việt đấu tranh cần quan sát kỹ các “chiêu” của hai đối thủ này, vì nếu không biết “đồng minh” ở đâu và “địch” ở đâu, sẽ bị cho “vô cơ” như VNCH trước năm 1975.

Qua bài nói chuyện của Đại Tá Trần Đăng Thanh tại hội nghị các đảng viên và cán bộ giáo dục cao cấp tại Hà Nội vào tháng 12 vừa qua, Đảng CSVN đã gián tiếp nói với “các thế lực thù địch” rằng chuyện các ông đang làm chúng tôi biết hết rồi. Diễn giả còn cho Washington biết rằng biện pháp mà Hà Hội sẽ áp dụng để đối phó với các cuộc nổi dậy là xử dụng phương châm hành động của Tào Tháo: “Thà ta mang tiếng hại người chứ đừng bao giờ để người hại ta.” Trong khi đó Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chiến lược “diễn biến hòa bình”.

CHÍN MŨI TIẾN CÔNG


Trong bài diễn văn nói trên, Đại Tá Thanh nói rõ rằng “Mỹ đang thực hiện diễn biến hoà bình” để làm thay đổi Việt Nam bằng “chín mũi tiến công”. Một mũi tiến công được ông nhấn mạnh hôm đó là con đường giáo dục. Còn 8 mũi tiến công khác của Hoa Kỳ là gì?

Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 25.6.2009 của Ban Bí Thư Trung Ương Đảng và chỉ thị của Ban Tuyên Giáo Trung Ương đã nói rất rõ về “Diễn biến hoà bình” của “các lực lượng thù địch” như sau:

“Mục tiêu nhất quán của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch trong sử dụng chiến lược ‘Diễn biến hòa bình’ đối với cách mạng Việt Nam là thực hiện âm mưu xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, lái nước ta theo con đường chủ nghĩa tư bản và lệ thuộc vào chúng.”

Có 6 thủ đoạn của “các thế lực thù địch” được nêu ra trong chỉ thị. Chúng tôi chỉ ghi lại vài nét chính và thêm 2 “mũi tiến công” được nói đến trong các tài liệu khác.

(1) Thủ đoạn về kinh tế: Lợi dụng sự giúp đỡ, viện trợ kinh tế, đầu tư vốn, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam để đặt ra các điều kiện và gây sức ép về chính trị, từng bước chuyển hoá Việt Nam theo con đường tư bản chủ nghĩa.

(2) Thủ đoạn về chính trị: Kích động đòi thực hiện chế độ “đa nguyên chính trị”, từng bước phá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN.

(3) Thủ đoạn về tư tưởng văn hoá: Kích động lối sống tư bản trong thanh niên, từng bước làm phai mờ bản sắc văn hoá và giá trị văn hoá của dân tộc Việt Nam.

(4) Thủ đoạn trong lĩnh vực dân tộc – tôn giáo: Với các sắc tộc, kích động tư tưởng đòi ly khai hay tự quyết dân tộc. Về tôn giáo, thực hiện âm mưu tôn giáo hoá dân tộc, từng bước gây mất ổn định xã hội và làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

(5) Thủ đoạn trên lĩnh vực quốc phòng – an ninh: Mở rộng hợp tác quốc tế, thực hiện xâm nhập, tăng cường hoạt động tình báo thu thập bí mật quốc gia.

(6) Thủ đoạn trên lĩnh vực đối ngoại: Hạn chế sự mở rộng quan hệ hợp tác của Việt Nam đối với các nước trên thế giới, tìm cách ngăn cản những dự án đầu tư quốc tế vào Việt Nam.

(7) Bạo loạn lật đổ: Chỉ thị nêu ra ba loại bạo loạn: Bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang và kết hợp bạo loạn chính trị với bạo loạn vũ trang. Chỉ thị nói rằng qui mô có thể diễn ra ở nhiều mức độ, từ nhỏ đến lớn. Phạm vi địa bàn xảy ra có thể ở nhiều nơi, nhiều vùng, trọng điểm là những vùng trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của trung ương và địa phương, nơi nhạy cảm về chính trị.

(8) Xã hội dân sự (civil society): Một bài bình luận đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 31.8.2012 đã coi “xã hội dân sự” mà Hoa Kỳ đang cổ động thành lập tại Việt Nam như là một thủ đoạn của diễn biến hòa bình, gây mất ổn định chính trị, tiến tới thay đổi chế độ như đã xảy ra tại Đông Âu.

ÁP DỤNG PHƯƠNG CHÂM TÀO THÁO

Với những nhận định như trên, đảng và nhà cầm quyền CSVN đã đưa ra nhiều biện pháp để ngăn chận. Một trong những biện pháp chủ yếu là diệt các cuộc nổi dậy từ trong trứng nuớc.

Trong bài thuyết trình nói trên, Đại Tá Trần Đăng Thanh đã nói rất rõ:

Ông Tào Tháo nói một câu: Thà ta mang tiếng hại người chứ đừng bao giờ để người hại ta. Và ông ta còn nói: người phụ ta một thì ta phụ người mười, người phụ ta mười thì ta phụ người một trăm.”

Tam Quốc Chí kể lại rằng Đổng Trác nghi Tào Tháo định làm phản nên ra lệnh truy bắt. Tào Tháo chạy đến Tiêu Quận, huyện Trung Mâu, bị quân canh bắt được. Quan huyện là Trần Cung hỏi Tào Tháo rằng ông được thừa tướng ưu đãi, tại sao làm phản. Tào Tháo nói: “Thằng Đổng Trác như muông thú, ta muốn tìm cơ hội giết nó. Nay việc không xong, cũng là lòng trời!”

Quan huyện hỏi bây giờ định đi đâu, Tào Tháo trả lời: “Ta muốn về làng, phát lời kêu gọi, mời cả chư hầu trong thiên hạ khởi binh giết Đổng Trác. Đó là sở nguyện của ta!” Trần Cung sụp lạy rồi bỏ chức quan huyện và đi theo.

Đi được ba hôm, khi đến Thành Cao, trời sẩm tối. Tào Tháo nói với Trần Cung: “Trong này có Lã Bá Sa là bạn kết nghĩa với cha tôi. Tôi muốn vào hỏi thăm tin nhà, rồi ngủ đấy một đêm, nên không?” Trần Cung đồng ý.

Khi gặp, Lã Bá Sa vái Trần Cung và mời nghỉ lại. Sau đó Lã Bá Sa vào trong nhà một lúc rồi ra nói với Trần Cung rằng nhà ông không có rượu ngon, để ông sang xóm tây mua về uống. Nói xong lật đật ra đi.

Tào Tháo và Trần Cung ngồi ở nhà, chợt nghe có tiếng mài dao sau nhà. Tào Tháo nói với Trần Cung rằng Lã Bá Sa đối với ông ta không thân thiết gì lắm. Chuyện nầy đáng nghi! Hai người rón rén bước ra sau nhà xem thì nghe có tiếng người nói: “Trói lại mà giết!” Tào Tháo bảo Trần Cung: “Đúng rồi! Nếu ta không hạ thủ trước, thì sẽ bị bắt mất!” Tháo và Cung cùng rút kiếm đi thẳng vào gặp người nào giết người ấy.

Giết xong, hai người vội vàng lên ngựa đi, đi độ hai mươi dặm gặp Lã Bá Sa cưỡi lừa về, trước yên treo hai bình rượu, tay xách một nắm rau quả. Lã Bá Sa hỏi hai người: “Hiền đệ với sứ quân sao lại đi?” Tào Tháo nói: “Tôi là người có tội, không dám ở lâu.” Lã Bá Sa nói: “Ta đã dặn người nhà làm thịt con lợn rồi. Sứ quân với hiền đệ ngại gì một đêm, xin quay ngựa lại cho!”

Tháo cứ tế ngựa đi. Đi được vài bước, rút kiếm ra, quay ngựa trở lại, gọi Lã Bá Sa hỏi: “Ai đi đằng sau ông đấy?” Lã Bá Sa quay đầu lại xem. Tào Tháo chém ngay, Lã Bá Sa ngã xuống chết.

Trần Cung sợ hải hỏi Tào Tháo: “Lúc nãy lầm đã đành, bây giờ sao lại còn đang tay như thế?” Tào Tháo nói: “Lã Bá Sa về nhà, thấy nhiều người chết, tất nhiên không để im, nếu đem người đi đuổi thì ta bị vạ ngay.” Trần Cung nói: “Biết rằng mình lầm rồi, lại còn cố ý giết người nữa thực là đại bất nghĩa!” Tào Tháo trả lời:

- Thà ta phụ người, không để người phụ ta!

Thực hiện phương châm của Tào Tháo để ngăn chận chiến lược diễn biến hòa bình của Mỹ, trong những năm qua đảng CSVN đã diệt trừ các mầm móng nổi dậy từ trong trứng nước bằng cách bắt giữ, truy tố và xét xử những thành phần bị coi là nguy hiểm, đó là các thành phần sau đây:

(1) Các thành phần có uy tính hay có khả năng kích động đối kháng,

(2) các thành phần hoạt động chống đối có tổ chức.

(3) các thành phần hoạt động có quan hệ hay yểm trợ từ nước ngoài.

CHIẾN THUẬT BỊ NHẬN DIỆN

Trong Hội Nghị Toàn Quốc về Chỉnh Đốn Đảng ngày 27.2.2012, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã công khai nói về chiến lược “diễn biến hòa bình” của Mỹ như sau: "Kích động vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo là bốn đòn đột phá khẩu, bốn mũi xung kích để chọc thủng mặt trận tư tưởng chính trị".

Trong hai bài “Mỹ và lá bài tôn giáo” phổ biến ngày 7.2.2012 và “Lại kích động tôn giáo” phổ biến ngày 20.3.2012 (website motgoctroi.com, mục “Mỗi tuần một chuyện”) chúng tôi đã phân tích rất rõ kế hoạch của Mỹ xử dụng lá bài tôn giáo để tạo những “điểm nóng” tại Việt Nam.

- Về Phật Giáo, Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang vì chia rẽ trong nội bộ, bị chính quyền phân hoá và kiểm soát chặt chẽ nên không còn đủ khả năng tạo ra những “điểm nóng” như trước nữa.

- Về các giáo hội Tin Lành, sau các cuộc nổi dậy đòi thành lập “Nước Dega tự trị” của nhóm Tin Lành Dega ở Tây Nguyên bị nhà cầm quyền dẹp tan, đa số các giáo hội còn lại đã bị quốc doanh hoá dưới danh nghĩa “Tổng liên Hội thánh Tin lành Việt Nam”. Một số nhỏ đứng ngoài quốc doanh đang phải “nín thở” để tồn tại.

- Giáo Hội Công Giáo vì có tổ chức chặt chẽ, có lãnh đạo và có niềm tin vững chắc nên không bị quốc doanh hóa, vẫn đứng vững và phát triển.

Khi các vụ tranh chấp về nhà đất tại giáo xứ Thái Hà bùng nổ, “các thế lực thù địch” đã tìm mọi cách biến giáo phận Hà Nội thành một “điểm nóng” có thể đối đầu với nhà cầm quyền, nhưng Vatican đã chận đứng kịp thời. Hoa Kỳ vẫn chưa từ bỏ mưu đồ của mình.

Mặc dầu Hoa Kỳ đã đi trước trong việc hủy bỏ cấm vận, thiết lập bang giao và giao thương với CSVN, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ không muốn Vatican tiến tới lập bang giao với Hà Nội.Hôm 22.1.2013, khi Đức Giáo Hoàng Benedict XVI tiếp ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư Đảng CSVN, Đài Á Châu Tự Do (RFA) của Hoa Kỳ đã phỏng vấn đối tượng có chủ trương đánh phá Giáo Hội là Linh mục Nguyễn Văn Khải. Qua những câu hỏi cò mồi của đài RFA, chúng ta thử đặt vài câu hỏi ngược lại:

Tại sao năm 1995, khi Hoa Kỳ bỏ cấm vận và thiết lập bang giao với Việt Nam, đài RFA không hỏi Tổng Thống Clinton rằng việc thiết lập bang giao như vậy “có lợi gì cho phong trào Dân Chủ tại VN không?”

Tháng 11 năm 2006, khi đến Việt Nam dự hội nghi thượng đỉnh APEC, bà Condoleezza Rice, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, đã thúc giục Miến Điện và Bắc Hàn noi gương Việt Nam (follow the example set by Vietnam), tại sao lúc đó đài RFA không hỏi bà Rise rằng “các sự đàn áp tại Việt Nam và lời tuyên bố này có liên hệ gì không?”

Trong khi đa số người Việt chống khai thác bauxite tại Tây Nguyên, Hoa Kỳ lại viện trợ cho Việt Nam 210 triệu USD để khai thác bauxít, tại sao đài RFA không hỏi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ rằng số viện trợ này"có liên hệ gì đến quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam hay không?"

Nếu Hoa Kỳ, một chủ thể mạnh về thể lực, nghĩ rằng có thể dùng quan hệ ngoại giao để làm thay đổi Việt Nam, tại sao Vatican, một chủ thể mạnh về tinh thần, lại không có quyền làm điều đó?

Ý định biến Giáo Hội Công Giáo thành một công cụ đối kháng về chính trị như Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang trước và sau năm 1975 đã bị lộ diện, không còn xài được nữa.

XỬ DỤNG LÁ BÀI VIỆT TÂN

Khi không còn có thể xử dụng các tổ chức tôn giáo để làm “điểm nóng”, có nhiều dầu hiệu cho thấy Hoa Kỳ đang xử dụng Việt Tân, vì các tổ chức đối kháng trong nước đã bị thanh toán gần hết.

Ngày 17.4.2012, Nguyễn Quốc Quân, một đảng viên Việt Tân, đã trở lại Việt Nam với passport Mỹ số 469267405 dưới cái tên Richard Nguyen, nhưng khi làm thủ tục tại cửa khẩu Tân Sơn Nhứt, Công An khám phá ra ngay đó là Nguyễn Quốc Quân đã từng bị bắt năm 2007. Một câu hỏi được đặt ra là Nguyễn Quốc Quân trở lại Việt Nam làm gì?

Nguyễn Quốc Quân sinh ngày 20.11.1953 tại Hà Nội, cùng gia đình di cư vào Nam năm 1954, làm nghề dạy học ở Rạch Giá, vượt biên vào tháng 8/1981 và định cư tại California. Ông gia nhập đảng Việt Tân vào tháng 6/1986 và nằm trong Hội Chuyên Gia của đảng này.

Ngày 9.11.2007, Nguyễn Quốc Quân từ Thái Lan qua Kampuchia với một chứng minh thư giả mang tên Ly Seng. Sáng 17.11.2007 Quân vào Việt Nam qua ngã Tây Ninh thì bị bắt. Công An khám phá Quân đang chỉ huy một toán chuyên phổ biến truyền đơn ở trong nước nên truy tố ra tòa về tội khủng bố và ngày 13.5.2008, Quân bị phạt 6 tháng tù giam. Sau khi ra tù, Quân bị trục xuất về Mỹ. Ngày 17.4.2012 khi Quân trở lại Việt Nam thì bị bắt như đã nói trên.

Lúc đầu, Công An định truy tố Quân về tội khủng bố chiếu theo điều 84 của Bộ Luật Hình Sự, sau đổi sang tội âm mưu lật đổ chính quyền chiếu theo điều 79.

Tuy nhiên, trong thời gia Quân bị giam, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta đã lên tiếng kêu gọi Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho Nguyễn Quốc Quân. Nhiều tổ chức và nhân vật bảo vệ nhân quyền cũng lên tiếng bênh vực Quân. Nhà cầm quyền CSVN nhận ra rằng Nguyễn Quốc Quân được đưa trở lại Việt Nam là để tạo một “điểm nóng” mới, do đó nếu truy tố và kết án Quân sẽ bị trúng kế “địch”, nên đã phóng thích hôm 30.1.2013.

Đối với các thành phần chống đối ở trong nước, nhà cấm quyền CSVN thẳng tay áp dụng phương châm Tào Tháo, không nhượng bộ bất cứ sự can thiệp nào.

Tổng thống Liên bang Nga Boris Yeltsin đã từng nói: “Cộng Sản không thể nào sửa chữa mà cần phải đào thải nó.” Nhưng điều khó khăn là như Đại Tá Thanh đã nhận định:

Anh Hai Chống Cộng chỉ muốn biến Việt Nam thành một tiền đồn chống Trung Quốc tràn xuống Đông Nam Á, còn Anh Ba Bá Quyền lại coi Việt Nam như một quốc gia trái độn, ngăn chận sự xâm nhập vào Trung Quốc từ phiá Nam.

Cả Anh Hai và Anh Ba chỉ muốn biến đổi CSVN theo chiều hướng có lợi cho họ chứ không muốn lật đổ. Mỗi bên thực hiện “diễn biến hòa bình” theo cách của mình. Những người chống cộng nếu không nhận ra được vị thế của mình, sẽ bị biến thành những con bài thí trong chiến lược của cả hai bên.


Ngày 31.1.2013
Lữ Giang
-Nói toạc móng heo-

- Thư gửi ông Vượng – Giám đốc TT bảo trợ Xã hội II Hà nội, nơi đang giam giữ Lê Anh Hùng (Nguyễn Tường Thụy).
- Song Chi: Những kẻ đi vay nợ của dân tộc vẫn chưa hề biết dừng lại… (RFA’s blog).
- HRW tố cáo Việt Nam gia tăng đàn áp những ai chỉ trích chính quyền (RFI). – HRW: Việt Nam leo thang đàn áp nhân quyền (VOA). - World Report 2013: Việt Nam (HRW).  – Việt Nam: Leo thang đàn áp những người phê phán chính quyền(HRW). - Cách nhìn quá lỗi thời, sai lệch (QĐND). - Tranh luận về giới hạn đối kháng ở VN (BBC). - Hãy nói ‘Không” với “người cộng sản chính hiệu”, nghệ sĩ Kim Chi! (RFA’s blog).  – Các ca sĩ tham gia chương trình ASIA 71 có thể bị cấm hát ở Việt Nam (VOA). - BẢN LĨNH TRÍ THỨC, VĂN NGHỆ SĨ (Bùi Văn Bồng).
- Không cấp phép cho nghệ sĩ chống đối ! (NLĐ).  Học sinh lớp 1 bị bắt ký cam kết ‘không tham gia biểu tình’ (DLB).

Tổng số lượt xem trang