Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

Nỗi Đau Của Núi

-S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
“Chính quyền từ trung ương đến địa phương đều cùng một duộc… chỉ nói vu vơ ngoài pháp luật… không giải quyết gì, tôi đến chỗ Hà Nội này tôi mới biết được rằng có rất nhiều người dân oan như chúng tôi cũng đang phải gánh chịu những hậu quả mà đảng và nhà nước đã gây cho mọi dân tộc…”
Ma Văn Pá (Dân Oan H’mông)
Báo Dân Trí, số ra ngày 20 tháng 5 năm 2015, đã vô cùng hân hoan gửi đến cho độc giả một tin vui:

Cô bé H’mông vượt cổng trời ra phố đi học... 11 tuổi, Mị vượt 50 cây số đường rừng, vượt những con dốc cao, lội qua những con suối mùa mưa nước cuồn cuộn chảy để đi học thêm cái chữ.
Học giỏi, múa hay, là liên đội trưởng xuất sắc, Mị vinh dự đại diện cho hàng nghìn bạn nhỏ H’mông được ra Hà Nội báo công với Bác nhân dịp kỉ niệm 125 năm ngày sinh của Người.
Vừa qua, trong Hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”, bằng giọng kể trầm ấm, diễn xuất sinh động, cô học trò người H’mông Vừ Y Mị vinh dự đạt giải Nhất toàn huyện. Câu chuyện “Bác Hồ với câu hát dân ca” mà Mị kể khiến nhiều người cảm động. “Chúng em chỉ được gặp Bác qua những câu chuyện kể và biết rằng, Bác dành nhiều tình yêu mến cho những làn điệu dân ca đã nuôi dưỡng tâm hồn Người từ thửa thiếu thời. Yêu Bác, em thêm yêu hơn nhưng câu ví, giặm quê mình. Người H’mông nay không còn du canh du cư nữa, trẻ em H’mông được cắp sách tới trường… Người H’mông ơn Đảng, ơn Bác Hồ nhiều”, Vừ Y Mị chia sẻ.
Ảnh: Dân Trí
Lời lẽ của cháu Mị khiến tôi nhớ đến bản nhạc (Người Mèo Ơn Đảng) của Thanh Phúc:
Bao đời nay sống nghèo lam lũ
Nay cuộc sống dân Mèo từ đây sáng rồi …
Người Mèo ơn Đảng suốt đời.
Đảng vốn hảo ngọt nên “nhạc sĩ” pha chế nước đường (cho uống bằng thích) là chuyện thuận lý nhưng nếu chỉ vì thế mà bắt cả một sắc tộc, hàng triệu người miền núi, phải “ơn Đảng suốt đời” thì chơi hơi bị ép . “Cuộc sống của dân Mèo” (nói nào ngay) không “sáng” gì cho lắm, nếu chưa muốn nói là ngược lại. Gia cảnh của ông Thắng A Di có thể được coi là một trong những trường hợp (tối tăm) tiêu biểu:
“Cùng với 6.500 người Hmong khác, cũng chạy nạn từ Lào sang, gia đình ông Thắng A Di bị nhà cầm quyền Thái Lan coi là những di dân bất hợp pháp. Từ ngày 4 tháng 7, họ bị xua đuổi và không còn chỗ nào khác hơn là tập trung trên hành lang dài 2 KM, dọc theo con lộ chính nơi Bản Làng Bên Dòng Sông Trắng.
Họ che những tấm vải nhựa, nhưng rõ ràng là khó vượt qua được cái nóng vẫn còn gay gắt, hoặc những trận mưa đầu mùa ở vùng đông Bắc Thái … Họ đã trải qua bốn ngày điêu đứng như người chạy loạn, không nơi che mưa nắng, không thực phẩm, không nước sạch, kể cả không có chỗ làm công việc vệ sinh cần thiết …”
Dù vậy, vẫn theo tường trình của Nam Nguyên (từ Phet Chabun - Bắc Thái) ông Thắng A Di cứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần với phóng viên RFA rằng “nếu phải chết em thà chết tại đây.”
Ủa, chớ cớ sao mà cái ông Thắng A Di này lại nói năng lạng quạng (và liều mạng) dữ vậy cà? Câu trả lời có thể tìm được qua lời phát biểu của một thanh niên H’mông khác, anh Ma Văn Pá (tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng) vào hôm 9 tháng 10 năm 2013:
“Chính quyền từ trung ương đến địa phương đều cùng một duộc… chỉ nói vu vơ ngoài pháp luật… không giải quyết gì, tôi đến chỗ Hà Nội này tôi mới biết được rằng có rất nhiều người dân oan như chúng tôi cũng đang phải gánh chịu những hậu quả mà đảng và nhà nước đã gây cho mọi dân tộc…”
Người H’Mông biểu tình ở Hà Nội. Ảnh: Trần Thị Cẩm Thanh
Những lời lẽ thẳng thắn và bộc trực (thượng dẫn) cũng giúp cho công luận hiểu thêm tại sao có biến động Mường Nhé– xẩy ra hồi năm 2011, ở tỉnh Điện Biên –  khiến cho hàng trăm người H’mông bị sát hại, hàng ngàn người khác bị bắt giữ, và vô số kẻ phải rời bỏ quê hương bảng làng để tìm đường lánh nạn.
Cùng với những sách nhiễu (thường xuyên) liên quan đến vấn đề tôn giáo, văn hoá và sắc tộc ..., môi trường sống của người H’mông hiện nay cũng đang bị huỷ hoại không thương tiếc. Từ Hà Nội, tác giả Đặng Hoàng Giang (qua BBC – vào hôm 4 tháng 3 năm 2015) đã bầy tỏ sự lo ngại “Rồi Tất Cả Sẽ Trở Thành Đồ Sơn” trong tương lai gần:
“Từ sau khi đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai khánh thành, lượng khách tới Sapa tăng đột biến. Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, ô tô và xe khách biển số 29 và 30 chen chúc nhau nhích từng tí một trên những con phố dốc và hẹp ở trung tâm, rú ga giữ máy, bấm còi inh ỏi...
Không còn nhìn thấy núi non gì nữa vì hai bên đường đã kín hàng quán bán đồ lưu niệm. Trẻ con Hmong xếp hàng đợi được phát bánh kẹo như là khỉ trong sở thú.
Những đứa bạo dạn hơn thì đi giật lùi trước mặt khách, chúng từ chối kẹo, chỉ nhận tiền, và đồng thanh kêu như những cái máy vô hồn, tiếng Kinh không sõi ‘cô cho hai nghìn, cô cho hai nghìn.’ Một cộng đồng và một vùng thiên nhiên đã đánh mất nhân phẩm của mình vì du lịch...
Hiện nay, mỗi du khách tới Sapa sau khi bỏ ra 1 triệu đồng cho việc đi lại, khách sạn, ăn uống - tất cả chảy vào túi người Kinh, kể cả tiền cho một chai nước trắng - thì mới bỏ ra 10 nghìn mua mấy cái đồ thổ cẩm của người dân tộc. Thậm chí nhiều hướng dẫn viên du lịch còn dẫn khách tới các cửa hàng bán thổ cẩm nhập từ Trung Quốc vì họ được hoa hồng từ đây.
Và như vậy, những người Hmong, người Dao, người Tày, người Giáy, sẽ chủ yếu là đứng chầu rìa ở ngay trên quê hương họ.”
Bên lề cuộc đời. Ảnh lấy từ BBC
Thay vì được quan tâm, nâng đỡ để có thể dễ dàng hoà nhập vào dòng sống chung của cả dân tộc thì tất cả những sắc dân bản địa đều bị “chầu rìa” ráo trọi, chứ có riêng chi người H’mông. Và sau khi bị đẩy ra khỏi biên giới Việt Nam thì hầu như họ đều sống bấp bênh (“bên lề cuộc đời”) dù trôi dạt đến bất cứ nơi đâu. 
Tôi có theo dõi nhưng không tìm được tin tức gì thêm về gia đình của ông Thắng A Di, chả biết họ cầm cự được bao lâu trong điều kiện sống “không nơi che mưa nắng, không thực phẩm, không nước sạch, kể cả không có chỗ làm công việc vệ sinh cần thiết …” nơi Bản Làng Bên Dòng Sông Trắng và – chung cuộc – đã lưu lạc đến chân trời góc biển nào rồi?
Cuối tháng Năm vừa qua, ở Thái Lan, tôi có dịp ngồi uống rượu suốt buổi với một người H’mông khác. Ông không đồng ý cho tôi chụp hình, và cũng chỉ cho biết mình họ Sùng nhưng không muốn nêu tên vì sợ những chuyện phiền phức có thể xẩy ra cho bà con hay bè bạn ở quê nhà.
Ông Sùng quê ở Hà Giang, mang gia đình vào Đắc Nông làm ruộng rẫy đã lâu. Ông hơi nghễng ngãng sau khi “bị các ông cán bộ thay phiên tát tai liên tục mấy giờ đồng hồ liền vì tôi không chịu thề bỏ đạo.” Chuyện cưỡng bức đức tin, tuy thế, không phải là nguyên do chính để ông rời bỏ Việt Nam.
Đất đai canh tác bị thu hồi mới thực sự là giọt nước  tràn ly khiến ông Sùng đã dắt díu vợ con chạy băng qua Lào, rồi (cuối cùng) đến Thái.
  • Nó bảo đất mới khai thác chưa được 10 năm thì nhà nước không có đền bù đồng nào cả. Không có đất thì chúng tôi biết sống làm sao nên phải tìm chỗ để đi thôi.
“Đi đâu ?” Có lẽ chưa bao giờ là câu hỏi ông Sùng đặt ra một cách ... nghiêm trang:
  • Người ta chạy thì chúng tôi cũng chạy theo, chứ muốn ở lại cũng không được đâu. Khó sống với Nhà Nước lắm!
Kiểu lập luận giản dị của ông Sùng, tất nhiên, không được cả Cao Ủy Tị Nạn và chính quyền Thái Lan chấp nhận. May mắn là IDC (Immigration Detention Center, Nhà Giam Của Cơ Quan Di Trú) ở Thái Lan luôn ở trong tình trạng quá tải nên cả gia đình ông không ai bị truy tố và giam giữ về tội nhập cư trái phép.
Thế là cả nhà sống lêu bêu giữa thủ đô Bangkok. Tiền không có một cắc, tiếng không biết một chữ, và cũng chả quen biết bất cứ ai để có thể nhờ cậy hay tá túc.
Cuối cùng – cứ như là phép lạ – họ may mắn được “cứu sống” bởi những nhân viên của cơ quan thiện nguyện ở Thái. Hiện ông Sùng đang chen chúc với nhiều gia đình, gồm cả trăm người H’mông Việt Nam khác, trong một căn nhà thuê bốn tầng (do một hội thánh Tin Lành tài trợ ) ở ngoại ô Bangkok.
Cả ông lẫn bà đều đã ngoài sáu mươi nên ở nhà giữ mấy đứa cháu. Con trai ông Sùng đứa làm nghề phụ hồ, đứa bán kem. Hai cô con dâu đi rửa chén cho quán ăn gần đó.
  • Cũng kiếm đủ ăn đấy nhưng buồn quá ông ơi. Chúng tôi nhớ nương rẫy lắm. Ở đây chả có cây cối gì cả. Vợ tôi cứ khóc hoài. Nó đòi về nhưng làm sao mà mình về được?
Nam vô tửu như kỳ vô phong. Chúng tôi đã cưa gần hết một chai Regency Brandy Thai (một loại rượu mạnh rất rẻ tiền và bốc rất hỗn) nhưng cả hai đều vẫn ngồi xụi lơ, buồn bã. Trầm ngâm một lát, rồi ông Sùng ngại ngần tiếp:
  • Thế liệu rồi chúng tôi có được đến Mỹ không?
  • Dạ, chắc phải được chứ!
Tôi nói láo, tất nhiên. Thực tình thì tôi không “chắc” lắm. Sau đợt cưỡng bách mấy ngàn người H’mông phải quay về Lào, hồi cuối năm 2009, cả chính phủ Thái lẫn Cao Ủy Tị Nạn bị dư luận chỉ trích nặng nề. Nhờ thế, những người H’mông Việt Nam đến sau (sau biến động Mường Nhé) như gia đình ông Sùng, mới được “yên lành” cho mãi đến hôm nay.
Vô hình trung nhóm người H’mông này (bỗng) trở thành một thứ “cây cảnh về lòng nhân đạo” để trang điểm cho cả nước Thái lẫn Cao Ủy Tị Nạn. Họ không đông lắm, chỉ vài trăm người nên không phải là một ghánh nặng đáng kể. Họ lại rất thuần phác, hiền lành, chăm chỉ và chả bao giờ dám lên tiếng đòi hỏi hay làm phiền chi cả.
Sự hiện diện của họ tránh cho Thái Lan, cũng như Cao Ủy, khỏi bị điều tiếng về chuyện trục xuất người tị nạn. Chính vì vậy,  rất có thể, họ sẽ không bao giờ có cơ hội được đặt chân đến nước thứ ba.
Lý do, giản dị, ai cũng biết là nếu mấy trăm con  người khốn khổ này mà được định cư thì chỉ vài tuần sau (hay vài ngày sau) thôi sẽ có ít nhất là hàng ngàn (hay chục ngàn) người H’mông khác – từ Việt Nam và Lào – lại tiếp tục ồ ạt chạy qua biên giới Thái. Cái cột đèn mà còn phải đi thì nói chi đến người, nhất là người H’mông hay người Thượng.
Ngoài bờ biển phía Đông ra, phần biên giới còn lại của Việt Nam đều là nơi cư ngụ của những dân tộc bản địa tự ngàn xưa. Với cuộc sống đơn giản và hài hoà cùng thiên nhiên, họ đã giữ cho môi trường sinh thái được quân bằng và tạo một “vòng đai xanh” cho cả nước. 
Cũng chính họ là những kẻ đứng ở tuyến đầu, giữ gìn vòng đai an ninh cho tổ quốc. Cớ sao lại tỏ thái độ kỳ thị, khinh thị, và cương quyết tìm mọi cách đẩy người ta đến tận bước đường cùng như thế?
 “Khi bọn bành trướng Bắc Kinh tràn sang hồi năm 1979, một bộ phận không nhỏ dân tộc thiểu số, sống ở vùng biên giới, đã đồng loạt ngả theo, làm tay sai cho ngoại bang. Ðó chính là hậu quả của chính sách sai lầm trong lãnh vực sắc tộc” (Lý Hồng Xuân. Nhận diện chân dung nhà văn. Văn Nghệ: California 2000,177).
“Bọn bành trướng Bắc Kinh” (rõ ràng) đang muốn tràn sang lần nữa, và “những chính sách sai lầm trong lãnh vực sắc tộc” thì mỗi lúc lại một thêm ngu xuẩn và tệ hại hơn! 
-

-Công an tấn công đốt phá nhà tang lễ người H'mong ở Cao Bằng
-Người dân tộc H’mong tại xóm Khủy Vin, xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng cho biết hôm nay họ bị chính quyền địa phương đến đốt phá nhà để đồ tang lễ và một số người dân phản đối biện pháp đó đã bị đánh đập và có ba người bị nặng.
Một phụ nữ địa phương kể lại với phóng viên Gia Minh, Đài Á Châu Tự do như sau:

Người dân: Đúng 7 giờ sáng nay, gồm có các lực lượng bên công an, dân quân, dân phòng đi 12 chiếc xe đến đập phá nhà tang lễ của bà con.
Gia Minh: Nhà tang lễ đó nằm ở địa phương nào?
Người dân: Đây là ở xóm Khủy Vin, Xóm Ly Bôn, huyện Cao Bằng.
Gia Minh: Họ có thông báo cho bà con không và họ đập phá ra sao?
Người dân: Họ không thông báo gì và khi lên thì đập phá luôn. Bà con khi thấy họ lên đông thì đã cất hết đồ tang lễ đi rồi, chỉ còn hai tấm fibro nhưng họ đánh đập bà con rồi đổ dầu, xăng đốt hết hai tấm fibro che đồ tang lễ đó. Họ đánh đập bà con và lôi sang chỗ khác.
Họ không thông báo gì và khi lên thì đập phá luôn. Bà con khi thấy họ lên đông thì đã cất hết đồ tang lễ đi rồi, chỉ còn hai tấm fibro nhưng họ đánh đập bà con rồi đổ dầu, xăng đốt hết hai tấm fibro che đồ tang lễ đó
Một người dân tộc H’mong
Gia Minh: Hiện trường chỗ đó còn gì không?
Người dân: Họ đổ xăng cháy hết rồi, chỉ còn gạch thôi.
Gia Minh: Ai ra và bị đánh đập như thế?
Người dân: Bà con ra và có 3 người bị thương nặng; số còn lại bị khóa và bị đánh thôi, chứ không bị nặng. Ba người bị thương nặng đang đưa đi cấp cứu; nhưng chỉ đi tìm thuốc nam chữa cho họ chứ không đưa đến bệnh viện. Ba người bị thương nặng gồm bà Lý Thị Thào bị đánh vào mặt chảy máu, hai anh Hoàng văn Trung và Dương văn Anh có một người bị đánh vào lưng.
Gia Minh: Lâu nay chính quyền nói với bà con thế nào và hôm nay mới có biện pháp?
Người dân: Họ nói nhiều điều trong đó có không cho đặt ở chỗ đó và làm như thế là sai.
Gia Minh: Người ta nói không được nhưng vì sao bà con vẫn đặt?


Ảnh người dân tộc H'mong vô vọng bảo vệ Nhà tang lễ trước lúc nhà tang bị tấn công

Người dân tộc H'mong vô vọng bảo vệ Nhà tang lễ trước lúc nhà tang bị tấn công và tàn phá năm 2013

Người dân: Đó là chỗ cũ đã qui định từ trước đến nay. Dù họ đốt cháy hết rồi nhưng khi có người chết thì làm xong tang bà con vẫn cất đồ ở chỗ đó. Đất đó là của ông Lý Văn Phòng, già làng ở đây.
Gia Minh: Lâu nay có một số người bị bắt và bị đi tù rồi, vậy nguyện vọng của bà con là gì?
Về đạo Dương Văn Mình thì cho đến nay chưa được chính phủ công nhận là một đạo theo pháp luật qui định. Chúng tôi làm tốt chính sách pháp luật, chính sách dân tộc tại địa phương không có gì trái, vi phạm pháp luật của chúng tôi cả
ông Nông Văn Phong
Người dân: Nguyện vọng của bà con là vì không sai nên quyết đấu tranh đến cùng làm thế nào để cho và con có thể sử dụng những đồ tang lễ đó.”
Xin được nhắc lại những người H’mong vừa nói thuộc nhóm thực hành tín ngưỡng do một đồng hương của họ là ông Dương Văn Mình chủ xướng cách đây hơn 20 năm. Theo nhóm này thì họ xóa bỏ những tập tục ma chay, cưới xin bị cho là lạc hậu của người H’mong.
Họ dựng nhà tang lễ để giữ những vật dụng để đưa tang người chết; tuy nhiên chính quyền địa phương trong thời gian gần đây cho triệt hạ. Một số người H’mong phản đối đã bị bắt và bị tuyên án tù.
Chúng tôi liên lạc với Ban Dân tộc, Hội đồng Nhân dân tỉnh Cao Bằng, để hỏi về thông tin mà người dân địa phương cho biết, thì ông Nông Văn Phong, phó ban trả lời như sau:
Về đạo Dương Văn Mình thì cho đến nay chưa được chính phủ công nhận là một đạo theo pháp luật qui định. Chúng tôi làm tốt chính sách pháp luật, chính sách dân tộc tại địa phương không có gì trái, vi phạm pháp luật của chúng tôi cả. Tuy nhiên ở đây xuất phát từ việc phải làm từng bước, chứ không phải dân đòi hỏi thì phải làm ngay được đâu, còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chính sách pháp luật ở trong nước. Nó ảnh hưởng, nó trái với chính sách pháp luật mà chính phủ đang mong muốn là xóa đói giảm nghèo cho dân, mong muốn phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội tại địa phương. Ở đây có những vi phạm pháp luật, chúng tôi đang làm nhiệm vụ tuyên truyền chứ không phải bắt bớ đánh đập dân, đưa dân đi tù gì cả.”
Trong khi đó thông tin cho biết vào ngày mai 15 tháng 10, tại Bắc Kạn sẽ diễn ra phiên xử phúc thẩm ba người H’mong là Hoàng Văn Sự, Hoàng Văn Sinh, Dương Văn Thành. Ba người này bị kết án tù trong phiên sơ thẩm hồi tháng 7 vừa qua với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ theo điều 258 Bộ Luật hình sự Việt Nam.
Đài chúng tôi sẽ theo dõi phiên phúc thẩm để gửi đến quí vị những thông tin mới nhất liên quan những người H’mong vì muốn bảo vệ thực hành tín ngưỡng của họ mà bị tù tội.



Thái Quang Tâm
HÌNH ẢNH NGƯỜI DÂN PHẢN ĐỐI CHÍNH QUYỀN.
Sự việc xảy ra vào tối ngày 29/7/2014, khi Linh Mục Trương Văn Vút chánh xứ Đá Nện, Giáo hạt Minh Cầm, Giáo Phận Vinh (Thuộc xã Thanh Thạch, Tuyên Hóa, Quảng Bình 052) 873.446).đang trên đường đi dâng lễ về thì bị một nhóm "người lạ" chặn đường đánh đập.
Người dân địa phương cho biết, người "lạ" đó là công an, an ninh của xóm mặc thường phục để đánh Linh Mục.

Người dân kể lại, khi đi làm lễ về một mình thì Cha Vút bị một nhóm người chặn xe và dùng mũ bảo hiểm đập vào kính xe. Khi thấy như vậy cha Vút đã mở cửa xe và ra ngoài. Ngay lập tức, nhóm người lạ này bao vây và vô cớ đánh đấm Ngài liên tục.
Sau sự việc này, linh mục toàn giáo hạt Minh Cầm đã họp và làm Đơn yêu cầu chính quyền các cấp làm rõ sự việc nhưng phía chính quyền và công an đã tìm cách thoái thác, bao che.
Trong mấy ngày qua, người dân nơi đây đã rất phẫn nộ trước thái độ vô trách nhiệm từ phía chính quyền. Vì thế, khi nghe tin đoàn xe của chính quyền đi ngang qua, họ đã đốt lửa để chặn đoàn xe.
Như vậy, sau bản báo cáo sơ bộ của đặc phái viên của Liên Hợp Quốc được công khai, thì riêng ở khu vực Giáo phận Vinh, đã có nhiều động thái dằn mặt từ phía chính quyền Việt Nam.
Chúng ta cùng cầu nguyện và hướng về Giáo phận Vinh, nơi mà trong suốt 5 năm qua, chính quyền đã liên tục thực hiện những cuộc đàn áp Tôn giáo đẫm máu.
Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhà cầm quyền Việt Nam sớm biết thức tỉnh lương tri khi còn có thể.
Nguồn: Tổng hợp từ facebook Hung Tran và người dân địa phương.




-VIỆT NAM: Liên hiệp quốc cáo buộc Việt Nam vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo
Thanh Phương

Báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng cáo buộc Việt Nam về những « vi phạm nghiêm trọng » quyền tự do tôn giáo của người dân, mặc dù đã có vài tiến bộ về việc giảm bớt sự kiểm soát của Nhà nước.
Trong cuộc họp báo tại Hà Nội hôm nay, 31/07/2014, sau khi kết thúc chuyến đi 10 ngày ở Việt Nam, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, Heiner Bielefeldt cho biết là chuyến đi của ông đã bị gián đoạn và trong thời gian viếng thăm, ông đã bị các nhân viên an ninh và công an Việt Nam theo dõi sát và ông đã không thể nói chuyện tự do với người dân, trái với những điều kiện được đặt ra cho chuyến đi này.
Tuy nhấn mạnh là ông không thể có đánh giá toàn diện về các trường hợp cá nhân, ông Bielefeldt tuyên bố là « có những vụ vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo » ở Việt Nam. Các nhân chứng đã kể cho báo cáo viên đặc biệt của LHQ về những vụ vi phạm cụ thể, như thường xuyên mời lên công an, sách nhiễu, quản thúc tại gia, bỏ tù, phá hủy nơi thờ phượng, đánh đập.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc tuy vậy cũng ghi nhận một số tiến bộ, với việc không gian cho việc hành đạo đã được Nhà nước Việt Nam mở rộng một cách thận trọng.
Về phần phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình thì khẳng định với báo chí rằng chính phủ Việt Nam đã làm tất cả trong khả năng của mình để đáp ứng các yêu cầu của phái đoàn Liên hiệp quốc trong thời gian viếng thăm.
Nhưng ông Phil Robertson, phó giám đốc đặc trách châu Á của tổ chức Human Rights Watch thì tố cáo Việt Nam vẫn ngăn không cho các nhà hoạt động vì tự do tôn giáo gặp báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc, để ông không nghe được những điều khác với thông tin chính thức về tình tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam.


-Lại thêm ba người H'mong bị kết tội vi phạm điều 258
rfa by Gia Minh
Ba người H’mong hôm nay bị tòa án huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn đưa ra xét xử về tội danh ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân’ theo điều 258 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Đó là ba ông Dương Văn Thành, Hoàng Văn Sử và Hoàng Văn Sinh. Cả ba bị bắt hồi tháng 2 năm nay.

Sau phiên xử vào lúc 3 giờ chiều ngày 30 tháng 7, 2014, luật sư bào chữa cho ba ông là luật sư Trần Thu Nam cho biết kết quả tuyên án:
“Xử ba người: Thành 24 tháng tù giam, Sự 18 tháng tù giam, Sinh 15 tháng tù giam; theo điều 258 Bộ Luật Hình sự Việt Nam ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích của công dân.”
Một người H’mong tại Bắc Kạn cho biết trong ngày xử ba đồng hương của họ, chừng 150 người khác đã đến để dự tòa nhưng tất cả đều không được vào. Người này cho biết:
“Từ sáng hôm nay họ chặn hết tất cả các ngã đường, và hôm qua họ đến lục soát hết mọi nhà. Bà con chúng tôi phải đi bộ bằng đường tắt 4 tiếng để về dự phiên tòa. Bà con đến đây khoảng hơn 150 người. Chúng tôi mang theo khẩu hiệu ‘Trả tự do cho Hoàng Văn Sử’, ‘Trả tự do cho Hoàng Văn Sinh’ và ‘Phản đối chính quyền đàn áp người dân tộc H’mong’, nhưng họ giật và xé hết.
Bà con chúng tôi được luật sư cho biết nên đến dự phiên tòa nhưng họ cũng không cho vào dự.”
Tương tự như trường hợp của những người H’mong tại Tuyên Quang bị xử trong thời gian qua, thì những người H’mong tại Bắc Kạn cũng bị bắt vì họ theo đạo được gọi là ‘bỏ ma’ mà ông Dương Văn Mình khởi xướng. Theo đó người H’mong từ bỏ những tập tục cũ trong việc ma chay, cưới hỏi.
Để thực hiện cách thức mới, họ cho xây dựng những nhà giữ đồ tang lễ mà họ sử dụng khi có người qua đời. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cho rằng việc xây dựng như thế là trái phép và phá dỡ nhà tang lễ của họ. Người H’mong đã phản kháng lại việc cưỡng chế phá dỡ nhà tang lễ như thế. Một số người bị bắt khi đứng ra ngăn chặn biện pháp phá dỡ nhà tang lễ của người H’mong.
Người H’mong tại Bắc Kạn cho biết việc làm của họ không có gì sai trái và những người bị bắt cũng thấy họ vô tội:
“Họ không có tội gì. Luật sư cho biết xem trong bản án ba người này không có tội gì và ba người này không có nhận tội với phía công an. Phiên xử này họ xử rất lạ lùng, không cho ai biết được. Ngay cả luật sư họ cũng không cho biết, chỉ gọi điện nói đến tham dự phiên tòa.
Hiện nay chính quyền ngày càng đàn áp mạnh, nhưng bà con kiên quyết theo bởi vì không sai và chính quyền không trả lời được cho bà con là sai ở chỗ nào. Bà con chúng tôi theo và chết bao nhiêu người mà chính quyền không trả lời được Dương Văn Mình sai ở đâu. Nhà nước phải cho thấy chúng tôi bỏ ‘cái này’ sai ở chỗ nào thì chúng tôi mới không kêu, nhưng chính quyền chỉ nói ‘bỏ ma’ làm như vậy là không đúng thì chúng tôi kiên quyết vẫn theo.”
Thông tin cho biết người chủ trương từ bỏ những hủ tục ma chay lạc hậu và tốn kém cho người H’mong là ông Dương Văn Mình hiện đang phải chạy thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy ở thành phố Hồ Chí Minh.

29/07/2014 VIỆT NAM - HOA KỲ -TƯ DO TÔN GIÁO

Mỹ không đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC

Thanh Phương
Hôm qua, 28/07/2014, Ngoại trưởng John Kerry đã công bố bản báo cáo thường niên của bộ Ngoại giao Mỹ về tự do tôn giáo trên thế giới năm 2013.

Bản báo cáo năm nay đặc biệt chú trọng đến tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc ngược đãi các thiểu số tôn giáo trên thế giới, khiến hàng triệu người thuộc các thiểu số này phải rời bỏ làng quê, đi lánh nạn ở nơi khác.
Trong cuộc họp báo công bố bản phúc trích này, ông Kerry thông báo đưa Tukmenistan, một nước Cộng hòa thuộc Liên Xô củ, vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo ( Countries of Particular Concern – CPC ).
Từ năm 2006 đến nay, danh sách này vẫn không thay đổi, tức là bao gồm các nước Miến Điện, Trung Quốc, Eritrea, Iran, Bắc Triều Tiên, Ả Rập Xê Út, Sudan và Uzbekistan.
Việt Nam đã được bộ Ngoại giao Mỹ rút khỏi danh sách này vào năm 2006 và cho tới nay vẫn chưa đưa Việt Nam trở lại danh sách này, mặc dù Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ đã nhiều lần đề nghị như vậy.
Tuy nhiên, trong phần nói về Việt Nam, bản báo cáo 2013 của bộ Ngoại giao Mỹ vẫn ghi nhận rằng Hiến pháp và các bộ luật, chính sách khác của Việt Nam có quy định về quyền tự do tôn giáo, nhưng trên thực tế, chính phủ Hà Nội vẫn hạn chế tự do tôn giáo.
Nhiều đơn xin đăng ký hoạt động của các tổ chức tôn giáo vẫn không được đáp ứng hoặc bị bác, thường là ở cấp tỉnh và cấp làng xã. Nhiều tổ chức tôn giáo chưa đăng ký cho biết họ vẫn bị đàn áp, đặc biệt là ở các vùng Cao Nguyên Trung phần và Bắc phần. Có nhiều tố cáo về các vụ đánh đập, bắt bớ, giam cầm và truy tố hình sự.
Tuy nhiên, theo báo cáo của bộ Ngoại giao Mỹ, chính phủ Việt Nam đã cấp phép đăng ký ngày càng nhiều tổ chức tôn giáo và nhìn chung đã tôn trọng quyền tự do tôn giáo của những tổ chức đã đăng ký. Chính phủ Hà Nội cũng đã cho phép các tổ chức tôn giáo mở rộng các hoạt động từ thiện và cho phép tổ chức các buổi lễ tôn giáo quy mô lớn với trên 100.000 người tham dự.
Báo cáo còn cho biết là các quan chức Hoa Kỳ cũng đã gặp gỡ và tiếp xúc thường xuyên với các chức sắc tôn giáo, kể cả những nhà hoạt động tôn giáo nằm trong danh sách theo dõi của chính phủ. Ngoại trưởng Hoa Kỳ, đại sứ phụ trách vấn đề tôn giáo quốc tế và các quan chức cấp cao khác của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại về tự do tôn giáo với các quan chức của Chính phủ Việt Nam và kêu gọi Việt Nam cải thiện hơn nữa tự do tôn giáo.


- Báo động của Hội PNNQVN về tình trạng đàn áp người H’mông
Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam kêu gọi tất cả những người bảo vệ Nhân quyền và các hội đoàn dân sự Việt Nam quan tâm, lên tiếng và tiếp cận với những trường hợp người sắc tộc này. Thiết nghĩ, thông tin, sự quan tâm và trợ giúp của càng nhiều hội đoàn dân sự càng góp phần hữu hiệu trong việc bảo vệ họ.
H Mong
27/5/2014

Ngày 27 tháng 5 năm 2014 diễn ra phiên tòa phúc thẩm xử ba người H’mông là ông Lý Văn Dinh, ông Dương Văn Tu và ông Thào Quán Mua tại Trại giam công an tỉnh Tuyên Quang, xóm 22 xã Kim Phú, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Chính quyền và an ninh  tỉnh Tuyên Quang cố ý sắp xếp nơi diễn ra phiên xử là trại giam công an tỉnh để xét xử bí mật ba tù nhân tôn giáo trên và ngăn chặn sự tham gia của những người quan tâm.
Ba ông Thào Quán Mua, Lý Văn Dinh và Dương Văn Tu đều bị khởi tố tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo điều 258 của Bộ luật hình sự. Theo cáo trạng, Viện kiểm sát kết tội ba ông có nhiều hành vi liên quan đến việc tập trung nhiều người, xây dựng nhà tang lễ mà người H’ mông gọi là nhà bé hoặc là nhà đòn dùng để chứa đồ tang lễ.
Cùng một vụ án này, còn có ông Hoàng Văn Sang bị bắt ngày 10/10/2013 bị xét sử sơ thẩm ngày 14/3/2014 cũng theo điều 258 BLHS với mức án 18 tháng tù giam. Nhưng ông Sang  không kháng cáo và bản án sơ thẩm của ông đã có hiệu lực.
Kết thúc phiên tòa phúc thẩm ngày 27 tháng 5vừa qua, Ông Lý Văn Dinh bị xử y án sơ thẩm 15 tháng tù giam. Ông Dương Văn Tu được giảm hai tháng tù từ 21 tháng xuống còn 19 tháng. Và ông Thào Quán Mua cũng bị xử ý án 18 tháng tù giam.
Các ông Mua, Dinh, Tu và Sang là những người mạnh mẽ cổ vũ cho việc theo phong tục mới, bỏ phong tục cũ lạc hậu của người H’mông và lên tiếng đòi chính quyền công nhận nên bị bắt giữ và kết án tù vô lý. Điều này cho thấy chính quyền Việt Nam đã và đang can thiệp trắng trợn và phi nhân vào đời sống thường nhật, phong tục và tôn giáo của người sắc tộc bất chấp những mỹ từ mà họ rêu rao về “đại đoàn kết dân tộc”.
Lợi dụng sự bưng bít thông tin ở những vùng núi hẻo lánh, chính quyền và an ninh Tuyên Quang đã ngăn chặn và đàn áp bất cứ ai muốn tiếp cận với những người H’mông này. Những người sắc tộc này không thể nhận bất cứ sự trợ giúp nào từ những người bảo vệ Nhân quyền qua bưu điện hoặc dịch vụ, vì bất cứ dịch vụ nào đến với họ đều bị chặn, ngay cả thư từ cá nhân cũng bị an ninh thường xuyên kiểm tra.
Bởi vậy, chị em Hội PNNQVN chúng tôi mới phải cất công lên tận Tuyên Quang để nắm vững tình hình và dự định tặng quà cho họ. Thế nhưng, an ninh Tuyên Quang đã bắt giam hai thành viên của chúng tôi là Nguyễn Ngọc Lụa và Huỳnh phương Ngọc sáng ngày 27 tháng 5, bỏ đói, lăng mạ và khủng bố tinh thần họ. Đến 4 giờ sáng  ngày 28, công an Tuyên Quang đã áp giải họ về đến Hà Nội trong tình trạng sức khỏe sa sút.
Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam kêu gọi tất cả những người bảo vệ Nhân quyền và các hội đoàn dân sự Việt Nam quan tâm, lên tiếng và tiếp cận với những trường hợp người sắc tộc này. Thiết nghĩ, thông tin, sự quan tâm và trợ giúp của càng nhiều hội đoàn dân sự càng góp phần hữu hiệu trong việc bảo vệ họ.
Xin công khai thông tin liên lạc của bốn gia đình tù nhân tôn giáo này để rộng đường tiếp cận.
Địa chỉ các gia đình H’ mông:
Dương Văn Tu, thôn 3 Ngòi Sen, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Số điện thoại thân nhân: 01642460039
Lý Văn Dinh, thôn 1A Thống Nhất, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Số điện thoại thân  nhân: 0966736052
Thào Quán Mua, thôn 9 Minh Tiến, xã Minh Hương, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Số điện thoại thân nhân: 01689624244
Hoàng Văn Sang, thôn Làng Lè, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Số điện thoại thân nhân: 0966416903
Trân trọng
Ban điều hành Hội PNNQVN

-VIỆT NAM: Việt Nam xét xử 29 người H’Mông vì « hoạt động phỉ »-Từ hôm qua tại Điện Biên đã mở ra phiên tòa lưu động kéo dài một tuần, xử 29 người H’Mông về tội hoạt động phỉ. Và sáng nay 03/04/2014 chính quyền Bắc Kạn đã huy động công an đến khám xét nhà của ba người bị bắt cách đây hơn một một tuần vì theo đạo Dương Văn Mình.


Tộc người H'Mong ở phía Bắc Việt Nam.
Standard
Theo báo chí trong nước, tòa án tỉnh Điện Biên bắt đầu phiên tòa lưu động từ ngày 2 đến 8/4 xét xử ông Giàng A Tỉnh cùng 28 đồng phạm về tội « hoạt động phỉ » theo điều 83 Luật Hình sự Việt Nam. Trong vụ này có 37 đối tượng tham gia nhưng 8 người đã bỏ trốn và hiện đang bị truy nã.
Cáo trạng nói rằng ngày 15/10/2012 tại khu vực biên giới Việt-Trung thuộc xã Sen Thượng huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên đã xảy ra vụ bắn vào lán của các cán bộ đồn biên phòng đang làm nhiệm vụ khiến một cán bộ thiệt mạng, bốn công an khác bị thương.
Theo Viện Kiểm sát, các bị can sau vụ làm mất an ninh trật tự tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè huyện Mường Nhé vào tháng 5/2011 đã trốn ra nước ngoài. Đến ngày 15/10/2012, những người này mang súng qua biên giới, bắn vào lán nghỉ của bộ đội biên phòng và toan tấn công một số mục tiêu khác của huyện Mường Nhé nhằm thành lập « Vương quốc H’Mông ». Do có 8 người bị truy tố với khung hình phạt cao nên có 4 luật sư đã được chỉ định bào chữa.
AFP cho biết, vào tháng 4 và tháng 5/2011, hàng ngàn người H’Mông đã tập trung tại huyện Mường Nhé, đòi được giao quyền tự trị rộng rãi hơn và tự do tín ngưỡng. Theo niềm tin từ xa xưa, họ chờ đợi Đấng Cứu thế giáng trần trong lốt vua H’Mông, và bày tỏ ý hướng ly khai. Những người này sau đó bị lực lượng an ninh giải tán. Tổ chức Christian Solidarity Worldwide (CSW) có trụ sở tại Anh cho rằng lời tiên đoán tận thế diễn ra vào ngày 21/05/2011 là nguyên nhân của vụ tập hợp trên.
Đây là sự kiện quan trọng nhất liên quan đến người thiểu số tại Việt Nam, kể từ sau cuộc nổi dậy của người Thượng ở Tây nguyên năm 2004.
Cũng liên quan đến người H’Mông, sáng nay tại xóm Lung Lịa, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn tỉnh Bắc Kạn, chính quyền đã huy động khá đông công an đến khám xét nhà của ba người đã bị bắt trước đó. Ông Hoàng Văn Duyện, một cư dân trong xóm cho biết, ba người này là Hoàng Văn Sinh, Hoàng Văn Sự, Dương Văn Thành, bị bắt vì theo đạo Dương Văn Mình. Có tin nói rằng lực lượng an ninh có cả trăm người, nhưng ông Hoàng Văn Duyện nói rằng vì các gia đình này ở cách xa, ông chỉ trông thấy khoảng 50 công an đến xét nhà của ông Hoàng Văn Sinh, em trai ông :
Ông Hoàng Văn Duyện, Ngân Sơn, Bắc Kạn
03/04/2014
-



-Tuyên Quang: Ông Thào Quán Mua bị tuyên phạt 18 tháng tù giam
Trần Quang Thành - RadoCTM
Hôm nay 27/3/2014, Tòa án huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã mở phiên tòa sơ thẩm hình sự xét xử ông Thào Quán Mua, theo điều 258 Bộ luật hình sự.
Phiên tòa này đã diễn ra vào ngày 18/3/2014, nhưng vào giờ chót phiên tòa đã bị hoãn vì nguyên đơn không có mặt tại tòa do cấp cứu ruột thừa.
Khác với phiên tòa trước, có tới hàng ngàn người H’Mông ở nhiều tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Bác Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên về dự  mang theo các khẩu hiệu đòi trả tự do cho ông Thào Quán Mua, phiên tòa hôm nay 27/3 số người tham dự ít hơn.
Theo bà con cho biết ngay từ sáng sớm, các bản làng, các ngả đường dẫn đến nới xét xử bị công an và dân quân lập chôt canh gác, không cho dân ra khỏi bản để đi dự phiên tòa.
HM2HM1Sau vài giờ xét xử, tòa án huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang tuyên phạt ông Thào Quán Mua 18 tháng tù giam theo điều 258 Bộ Luật hình sự về cái tội gọi là‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, tổ chức và công dân.
Trước đó vào ngày 14/3 tòa án huyện Yên Sơn đã tuyên phạt ông Hoàng Văn Sang, (50 tuổi) người dân tộc H’Mông 18 háng tù giam và ngáy 20/3, tòa án huyện Hàm Yên tuyên phạt 2 người dân tộc H’Mông là ông ông Lý Văn Dinh (51 tuổi) bị kết án 15 tháng tù giam, ông Dương Văn Tu (47 tuổi) bị kết án 21 tháng tù giam. cũng với tội danh theo điều 258 Bộ luật  hình sự.
Từ Tuyên Quang, luật sư Trần Thu Nam đã kể lại phóng viên Trần Quang Thanh về diễn biến phiên tòa nói trên:
* Xem Video bà con H´Mong đến tham dự phiên tòa ngày 27.3.2014 :
(https://www.facebook.com/photo.php?v=1397826380488368&set=vb.100007830573185&type=2&theater)
* Video Bà con H’Mông biểu tình nằm trong cuộc biểu tình trước đây:



-Son Tran
Mấy hôm nay xem lại bộ phim tài liệu " ký sự biên phòng" của VTV1, có một tập nói về Cột cờ Lũng cú, nói về người H'mong vùng biên , rồi nói tới 2 chàng trai H'mong là lính biên phòng , thổi khèn rất diệu nghệ và cuối cùng là giới thiệu ngôi nhà của vua Mèo giờ thành nơi bảo tàng kinh doanh du lịch. Vua mèo chính là ông Vương Chí Sình được ông Hồ thuyết phục tham gia c/m , sau ngày độc lập 1945 ông được bầu là đại biểu QH, chủ tịch huyện Đồng văn Hà Giang , ông đổi tên là Vương chính Đức, con trai ông là Vương Chí Trung sau nối nghiệp ông, nói như vậy để chúng ta xác định người H.mông tuy ở trên núi cao, nhưng khg hề mông muội, họ có bề dày lịch sử , có văn hóa, phong tục hẳn hoi, nếu đem so sánh với dân Nga tại Crưm chưa biết ai hơn ai đâu. Chính sách dân tộc khg ổn thì ở đâu cũng vùng lên thôi.
(Bà CỏngFB)

-- Hằng trăm người H’mong phản đối phiên tòa ở Tuyên Quang (RFA). –Đồng bào H’Mong tập trung đòi trả tự do cho ông Thào Quán Mua (RFA). –Người H’Mông tuần hành yêu cầu nhà cầm quyền trả tự do cho ông Thào Quán Mua (DCCT). – Tin nóng về những người dân đi đòi công lý cho những nạn nhân bị cộng sản bắt giam vô cớ (DLB). – Đi tìm công lý – hy vọng mong manh-TỄU - BLOG: TIN NÓNG: HÀNG NGÀN NGƯỜI H'MONG TỪ 4 TỈNH PHÍA BẮC KÉO VỀ TUYÊN QUANG
xuandienhannom.blogspot.com


-Người dân thủ đô cần tìm người H'Mong để học tập.-Xuân Việt Nam
  Sáng nay, đồng bào H'Mong tuần hành kêu gọi công lý và tự do cho ông Thào Quán Mua. Họ tập trung hàng ngàn người đến từ nhiều tỉnh Tây bắc, cùng kéo về nơi phiên toà của cái chính quyền đang định xét xử một người từng giúp họ mở mang tri thức, hiểu biết pháp luật và quyền lợi của mình. 
Hàng ngàn người  gồm cả trẻ già trai gái đi đồi công lý cho người thân.

Chưa từng bao giờ họ làm như vậy mà ngày hôm nay họ đã đồng loạt hiên ngang xuống đường đòi công lý cho người thân, trên tạy họ biểu ngữ và ảnh của người thân họ rất đầy đủ thông điệp. Họ y như những cánh chim đang đồi tự do cho chính họ và người thân của họ.

Là người Việt nam đang sống ở các thành phố, mang tiếng được học hành, đời sống vật chất cao và thông tin, nhận thức pháp luật được coi là trung tâm, là văn minh, là nhiều giáo sư tiến sỹ, thử hỏi đã suy nghĩ và làm được như những người H'Mong hôm nay chưa?
hỡi các trí thức có hàng va li bằng cấp, hỡi những anh hùng bàn phím, những nhóm dân chủ, nhóm này nhóm kia suốt ngày chém gió chê bai nhau trên mạng ?

  Một điều chắc chắn là những người H;Mong kia không thể có điều kiện về vật chất: những máy tính nối mạng, những điện thoại thông minh, những máy tính bảng đắt tiền mà đám thanh niên thành phố cầm trên tay, lê la các vỉa hè, quán xá cắn hạt dưa và chém gió game chat tối ngày. Quyền con người, quyền đòi hỏi công lý, tự do cho bản thân và người thân đối với đám thanh niên thành phố giờ bỗng dưng chỉ đáng đi lên vùng cao, sách dép, vác củi để học người H'Mong mà thôi. Đừng có sỹ diện rồi gân cổ lên cãi lấy cãi để, chửi tục theo đám dư luận viên của hồ quang lợn trên mạng các bạn thanh niên thành phố nhé.

 Chúng tôi có được những hình ảnh này cũng nhờ một số Facebooker là người H'Mong cung cấp, trong số họ cũng có vài người được đi học dưới xuôi nên  biết dùng mạng internet, có điều đáng nể phục họ là: với những chiếc máy điện thoại rất rẻ tiền, với cách tác nghiệp chưa từng được đào tạo, với sự đàn áp của đám côn đồ côn an mặc thường phục luôn rình rập họ, tấn công họ và cướp máy chụp, họ vẫn kịp thời đưa lên mạng toàn thế giới những gì đang diễn ra nơi họ sống. Họ hiểu rõ rằng: chính quyền đang làm điều sai trái, người thân của họ không có tội.

Các bạn có tin rằng chỉ sau khi bài này được đăng thì sẽ có hàng trăm dư luận viên ăn cám của hồ quang lợn nhảy vào chửi tục, vung vãi thứ văn hoá cắt đá, nhảy múa quay cuồng trước tượng đài Vua Lý vào đầy mục comment dưới đáy bài không? chúng tôi tin sẽ sớm có vô khối.

Vì sao ư? vì các bạn trẻ hãy nhìn xem có bao nhiêu người thân và bạn bè của Luật sư Lê Quốc Quân kéo tới phiên toà để đòi công lý cho  anh - một Luật sư của nhân dân ? vì thế chúng tôi không hề nói quá rằng :" người thành phố hãy tìm người H"Mong mà học tập".
người dân tộc hmong đang diễu hành đi tìm công lý cho và trả tự do cho ông Thào Quán Mua và hôm nay là ngày sử án ông 18/3/2014

Ảnh : FB Bac Truyen

nguồn: http://danoan2012.blogspot.cz/2014/03/nguoi-dan-thu-o-can-tim-nguoi-hmong-e.html
nguồn: http://danoan2012.blogspot.cz/2014/03/nguoi-dan-thu-o-can-tim-nguoi-hmong-e.html
Nhà báo Trần Quang Thành 21/11/2013
Vào hồi 4 giờ sáng hôm nay thứ Năm 21/11/2013, nhà cầm quyền cộng sản tỉnh Bắc Kạn tiếp tục huy động công an, dân quân cưỡng chế đập phá các nhà lưu giữ đồ thờ cúng của bà con người dân tộc H’Mong.
Lực lượng cưỡng chế đến từng bản làng ruồng bố, bắt đi những người dân H’Mong từng lên tiếng phản đối hành động đàn áp, qui kết cho họ là người cầm đầu chống đối chế độ.
Từ Bắc Kạn, anh Hoàng Văn Sự, dân tộc H’Mông đã tường thuật lại sự việc với nhà báo Trần Quang  Thành như sau: 


Video :
-Côn an bắt bớ Bà con dân tộc H'Mong giữa đêm khuya
Dân Làm Báo - Tin từ CTV Dân Làm Báo Hà Nội: lúc 23h ngày 23/10/2013 gần 400 công an, cảnh sát cơ động và dân phòng đến vườn hoa Mai Xuân Thưởng cưỡng chế, bắt giữ đưa bà con H'Mong lên khoảng mười cái xe bus chở đi mất. Toàn bộ đoạn đường xung quanh vườn hoa Mai Xuân Thưởng bị cấm, mọi máy ảnh đưa lên đều bị giật mất. Đồ đạc, vật dụng sinh hoạt, thức ăn của đồng bào H’Mông thời gian qua được những nhà hảo tâm giúp đỡ đều bị cướp và chuyển lên xe công an phường chở đi đâu không rõ. Chúng tôi đã liên lạc được với anh Ma Văn Pa, dân tộc H’Mông:

1/ Anh có thể cho biết tình hình hiện tại bà con thế nào?

- Lúc tối bà con chúng em đang ngủ thì có rất đông công an đến. Công an giựt sập lều trại của bà con, đập phá đồ dùng sinh hoạt và bắt bà con lên xe buýt chở đi đâu không rõ. Em may mắn thoát đươc nhưng bây giờ chẳng biết đi đâu.

2/ Anh có thể cho biết là lúc bà con bị bắt có bị đánh đập gì không?

- Lúc bà con bị bắt tình hình hỗn loạn, có một số người trong chúng em bị chúng nó đánh dã man. Chúng còn thu điện thoại của bà con.

Cảm ơn anh rất nhiều, sẽ có người gọi điện lại cho anh, và giúp anh được an toàn. Sau đó, chúng tôi liên lạc được với anh Q, một nhà hoạt động nhân quyền có mặt tại thời điểm đó:

*

1/ Anh có thể cho tôi biết cụ thể về việc bắt giữ bà con dân tộc H'Mông tối nay?

- Theo tôi được biết thì có rất đông côn an, an ninh kéo đến vườn hoa Mai Xuân Thưởng, nơi có bà con người H'mông đang ở đó. Khi tôi thấy tin tức như vậy thì lập tức chạy ra lấy tư liệu nhưng khi ra đến nơi chúng nó đã đưa bà con lên xe buýt và đưa đi đâu không rõ. Theo nguồn tin tôi hỏi được ở mấy người bảo vệ quán bar gần đó thì chúng bắt bớ bà con hơn 100 người nhét hết lên xe buýt.

2/ Trong số những người bị bắt có ai bị đánh đập không thưa anh?

Tôi mới liên lạc được với một người trong số bà con bị bắt. Chúng vẫn đang đưa bà con đi trên xe buýt mà không biết đi về đâu. Còn vấn đề đánh đập thì tôi không rõ vì ra đến nơi chúng đã đưa bà con đi hết rồi. Hỏi mấy người quanh đó thì họ nói ko biết. Chỉ biết thấy xe công an ùn ùn kéo đến rồi có xe buýt, xe 113 thế là chúng nó đưa hết bà con lên xe. 

3/ Anh có đánh giá thế nào về vụ bắt bớ lần này của côn an? Bắt bớ vào lúc đêm khuya thế này là có mục đích gì?

Theo đánh giá khách quan của tôi có thể là do kỳ họp thứ 6, quốc hội khóa 13 đang diễn ra. Côn an họ không muốn làm xấu bộ mặt thủ đô và chắc do áp lực ở trên nên chúng nó mới làm đêm như vậy! Ngoài ra bà con H’Mông còn đấu tranh cho tự do tôn giáo, nên sợ các tổ chức quốc tế biết nên dẹp bà con sớm.

Cám ơn anh, và mong anh tiếp tục giữ liên lạc với bà con H’Mông để giúp đỡ họ.



Được biết trước đó ngày 15/10/2013, hơn 100 đồng bào dân tộc H’Mông thuộc 4 tỉnh phía Bắc đã kéo xuống Hà Nội để khiếu kiện về việc bắt người trái pháp luật và đòi quyền tự do tôn giáo. Tuy nhiên bà con H’Mông đã bị đàn áp dã man, kết quả là em Hoàng Thị Vàng và anh Dương Văn Phùng bị đánh phải nhập viện. Nhiều ngày qua những nhà hoạt động đã đến để trao cho bà con H’Mông những phần quà từ thiện gồm mì gói, gạo, xoong nồi, bạt che... tuy nhiên đến hôm nay đã bị cướp phá hết. 

(Tin bài đã đăng:) Người H Mông 4 tỉnh phía Bắc đổ về Hà Nội đòi thả người


CTV Dân Làm Báo tiếp tục cập nhật thông tin và chia sẻ với bà con trong thôn.
-Công an đàn áp đồng bào dân tộc Mông tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng CTV Danlambao 16.10.13
CTV Danlambao - Sáng ngày 15/10/2013, tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Hà Nội đồng bào dân tộc Mông thuộc các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn và Thái Nguyên đã kéo đến để biểu tình và khiếu kiện. Họ khiếu kiện về việc chính quyền địa phương ra quyết định trái pháp luật: cưỡng chế tháo dỡ công trình nhà đòn của các hộ dân; phản ánh nhà cầm quyền địa phương các cấp cùng lực lượng công an tổ chức đạp phá “nhà đòn”, đánh người gây thương tích, khiến đồng bào hoang mang, sợ hãi... họ còn kiến nghị về việc nhà cầm quyền phải cho tồn tại và xây dựng một số “nhà đòn” để chứa đựng đồ tang lễ của người chết theo phong tục tập quán của đồng bào Mông và là nơi tụ tập sinh hoạt của người Mông.

Chiều ngày 15/10/2013 đồng bào Mông đã bị công an chìm tống hết lên xe buýt và chở về Vụ Tiếp dân và xử lý đơn thư ở số 1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông. Tại đây an ninh đã đánh đồng bào dân tộc rất dã man, trong đó ông Dương Văn Phùng và chị Hoàng Thị Vàng Xóm Phiêng Phăng đã bị đánh gục tại chỗ. Khoảng 1/2 giờ sau đó công an mới cho xe cấp cứu chở người bị nạn đi.

Trong một động thái có liên quan báo thanh tra cho biết: "Công an tỉnh Tuyên Quang vừa ra quyết định bắt 2 đối tượng Thào Quán Mua và Hoàng Văn Sang do có liên quan đến tổ chức "Dương Văn Mình", với hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự."

Theo nhà hoạt động Trương Văn Dũng thì đồng bào dân tộc Mông hiện nay rất khổ sở và không có nơi nương tựa ở Hà Nội!











* Hình ảnh và video: Trương Văn Dũng

Tổng số lượt xem trang