Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

Người không chân dung- Chương 12


-

(Xin lỗi cả nhà vì ttngbt bận quá nên không đăng đều được)

Chương 12. “Những biện pháp tích cực”

Trong một vở kịch nghiêm trang về lề lối của chủ nghĩa cộng sản, The Measure taken (Biện pháp phải dùng), Bertolt Brecht phân tích những hoạt động cực đoan được áp dụng để củng cố Cách mạng như sau:
Không có hành động đê tiện nào mà nhà ngươi không dám làm,
Loại bỏ hành động đê tiện ư?
Nếu ngươi có khả năng thay đổi thế giới,
Việc gì ngươi lại không làm?
Chìm đắm trong vũng bùn
Hãy ôm chầm lấy tên đồ tể nhưng
Hãy thay đổi thế giới.
Thế giới cần đến nó.
Mặc dù không một ai trong đội ngũ của tôi biết đến đoản văn này, tất cả anh em chúng tôi đã ghi tâm tư duy này để theo đuổi một thế giới xã hội chủ nghĩa tốt đẹp hơn. Chúng tôi cảm nhận chúng tôi có thể làm hầu hết tất cả mọi sự miễn làm sao nó phục vụ cho lý tưởng là được.

Trong trường hợp của tôi, điều này có nghĩa là chỉ huy một nhóm nhỏ nhưng hiệu quả có tên là Biện pháp tích cực (Aktive Massnahmen). Mục đích về chính trị của chúng tôi là làm suy yếu vị thế quốc tế của Bonn, làm suy yếu Chủ thuyết Hallstein, vì chủ thuyết này chỉ thị việc cô lập ngoại giao Đông Đức, và ngăn chặn sự tái vũ trang của Tây Đức. Nhiệm vụ chính yếu của chúng tôi không phải là “nói dối” hoặc “cố tình đánh lạc hướng”, nhưng dùng phương pháp tán phát những sự kiện gây bất ổn và bối rối. Đặt cho nó cái tên là chiến tranh tâm lý. Chúng tôi góp phần trong những trò bẩn thìu, nhưng đó không phải là nhiệm vụ chính của chúng tôi. Chúng tôi phối hợp những thông tin thật và giả và tán phát chúng làm thế nào để củng cố chính sách của chúng tôi, làm suy yếu chính sách và tổ chức của Tây Đức, và gây tổn hại cho uy tín của những cá nhân. Phản thông tin đối với chúng tôi không cần vì bao lâu các đảng viên Quốc Xã cũ nằm ở các địa vị then chốt tại Tây Đức, chính quyền Cộng hoà Liên bang Đức bị áp lực phải thực thi chương trình tái vũ trang quá sớm ngay sau sự thất bại thảm não của đất nước trong cuộc phiêu lưu quân sự của Hitler, và báo giới Tây Đức luôn chực sẵn để đăng những vụ chính trị xấu xa.
Nhóm nhỏ chuyên về “những biện pháp tích cực” trưởng thành trong Tổng Cục 10 của cơ quan Tình báo hải ngoại HVA, được chính thức thành lập năm 1956 với mục đích mau chóng tác động đến truyền thông Tây Âu và Hoa Kỳ để thích ứng với chính sách của họ đối với khối Xô viết. Người cha tinh thần của tổ chức này là Ivan Ivanovich Agayang, một chuyên viên tình báo có học thức uyên bác mà các người thừa kế trong KGB không đáng cột dây giày cho ông.
Nước Đức trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh là một nơi lý tưởng để áp dụng những biện pháp này. Chúng tôi lẽ cố nhiên có cùng một ngôn ngữ và lịch sử. Đông Văn phòng của Đảng Dân chủ Xã hội tung bong bóng và ném truyền đơn vào lãnh thổ của chúng tôi theo lệnh của tình báo Hoa Kỳ, vì vậy chúng tôi đương nhiên không phải là người duy nhất dùng trò này ngay từ lúc khởi đầu. Bộ Quốc phòng của chính quyền Bonn cũng thiết lập một bộ phận “Quốc phòng Tâm lý”, không liên quan gì đến quốc phòng và chỉ chuyên chú về chiến tranh tâm lý. Chúng tôi biết được điều này do một cựu đại uý khu trục hạm Wilhelm Reichenburg, đã làm việc trong bộ phận này với mật danh Admiral (Đô đốc) và cung cấp những tài liệu tình báo mật cho chúng tôi. Sau khi ông về hưu năm năm 1978, ông trở thành chủ tịch của nhóm nghiên cứu chính sách quốc phòng của Đảng Thống Nhất Xã hội Thiên Chúa giáo Bavaria tại Munich, cho đên khi ông bị bắt năm 1984; ông bị tố cáo làm gián điệp cho chúng tôi vì tiền trong vòng mười bốn năm. Trước khi Reichenburg bị bắt, chúng tôi tìm cách báo động cho ông và những giao liên trong cuộc gặp gỡ tại Viện bảo tàng Vương Quốc ở Amsterdam dưới bức tranh Canh Khuya (Night Watch) của Rembrandt, nhưng cuộc hẹn đã không thành. Dù sao đi nữa, những lời chứng trong lúc xét xử Reichenburg gây tổn thương cho một viên chức lãnh đạo trong phản gián Tây Đức có mối liên hệ mật thiết với ông. Về phần chúng tôi, đây không phải là hiệu ứng không mong muốn của chúng tôi vì nó đã gây tổn hại đến uy tín của phản gián Tây Đức, mặc dù người của chúng tôi bị lộ.
Cơ quan CIA cũng phát động một chương trình chiến tranh tâm lý vào những thập niên 1950 và 1960. Ai cũng biết rõ mối liên hệ giữa CIA và các tổ chức như Radio Free Europe (Đài châu Âu Tự do) và RIAS (Radio In America Sector, Đài phát thanh trong Khu Vực Hoa Kỳ); trong tất cả những phương tiện dùng để ảnh hưởng đến quần chúng để đánh phá Đông Âu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tôi đánh giá những cơ quan này hiệu nghiệm nhất. Chúng cung cấp những phương tiện toàn hảo để phản tuyên truyền, dùng những tin tức của những nhóm đối lập và của các công dân đã trốn chạy các nước chư hầu bởi vì họ chống đối về mặt ý thức hệ với chế độ. Hơn nữa họ rất nhạy bén khi có bất cứ chỉ dấu bất ổn nào xảy ra trong khối Đông Âu, họ cung cấp những dữ kiện đúng thời điểm và đầy đủ chi tiết để những kẻ đối lập có thể hoạch định và phản ứng nhanh chóng với những sự cố đã bị các cơ quan truyền thông Cộng sản bưng bít hoặc che đậy.
Tôi biết khá rõ công việc này, và kinh nghiệm của tôi trong Đài phát thanh nhân dân Đức (Deutsche Volkssender) tại Moscow trong những thập niên 1940 là một căn bản hữu dụng. Khuôn mẫu của đài phát thanh, kêu gọi các thính giả Đức đứng dậy chống Hitler, là Đài phát thanh Calais của lính (Soldatensender Calais), phát thanh từ nước Anh, do Sefton Delmer khôn khéo điều khiển một cách điêu luyện. Ý định của Delmer là cung cấp những thông tin xác thật nhất, thông báo những sự cố có thật pha lẫn với những câu chuyện chế biến về mức độ chống đối trong hàng ngũ quân đội Đức, trong Đảng Quốc Xã và dân thường về SA. Những câu chuyện được truyền thanh trong một ngôn ngữ bình dị - gần gũi với những tiếng lóng và truyện khôi hài của lính Quốc Xã - của dân thường, khác với giọng điệu khoa trương và trịnh trọng của ngành tuyên truyền Xô viết. Qua các tù bình chiến tranh và các lá thơ của binh lính được thu hồi, chúng tôi biết việc này có hiệu quả và tác động tới suy nghĩ chống lại cấp lãnh đạo Quốc Xã và chiến tranh.
Chúng tôi quyết định xem xét lại toàn bộ Đài phát thanh nhân dân Đức để điều chỉnh cho giống đường hướng của đài phát thanh Delmer và tạo dựng những câu chuyện để được phát thanh từ trong lòng nước Đức chứ không phải từ Moscow. Một huyền thoại phức tạp về mối liên hệ với kháng chiến ẩn núp được dàn dựng và chúng tôi tuân thủ nguyên tắc của Delmer là pha lẫn sự nguy tạo với những sự kiện có thực, cân nhắc tỷ lệ cho đến khi chúng tôi hoàn thành, theo sự lạc quan của tôi, một đài phát thanh có thể tranh đua với những cố gắng thời chiến của Hoa Kỳ và Anh.
Tại Tổng Cục 10, chúng tôi cũng theo một mô hình tương tự, tìm kiếm liên hệ với những ký giả phương Tây thích hợp. Chúng tôi có khuynh hướng tránh né những phóng viên được công nhận tại Đông Berlin, bởi vì chúng tôi nghĩ họ có thể do phản gián Tây Đức cài vào. Chúng tôi tập trung vào những loại ký giả sưu tra tự do vì họ không cầu kỳ với những mối liên hệ họ có và những người họ đi cùng, và họ sung sướng nhận một tài liệu từ bất cứ ai miễn là họ có được một câu chuyện lấy ra từ đó.
Chúng tôi cũng có liên lạc với Gerd Heidemann, ký giả lập dị của tuần báo Stern đã từng tung ra thị trường nhật ký giả mạo của Hitler trong những thập niên 1980, mặc dù vào lúc đó chúng tôi không hề biết công việc này của ông. Theo sự hiểu biết của chúng tôi, khi chúng tôi liên lạc với ông ta, ông để ý đến việc tìm kho tàng nghe nói là đưa lên một trong những chiếc phi cơ Đức cuối cùng rời nước Đức khi Đồng minh tiến vào Berlin. Heidemann đoán chắc vật giấu đã được các cảm tình viên của Quốc Xã chôn vùi đâu đó gần biên giới Đông Đức với Tiệp Khắc, và trong một cuộc thương lượng phúc tạp trong những điều kiện tuyệt mật với Bộ Công an, ông được phép đào ở vùng này. Nhưng than ôi, kho tàng không thấy đâu cả, nhưng danh tiếng là người đã có những mối liên lạc kín đáo với Đông Đức cho ông cái cớ tuyệt hảo để thình lình xuất trình nhật ký đã bị thất lạc bấy lâu nay và tuyên bố nó xuất phát từ Moscow. Sáng chế này cuối cùng bị bại lộ và tài liệu là đồ giả mạo, nhưng trước đó nó đã làm ô danh một số các nhà xuất bản phương Tây đã nhúng vào chuyện này và các sử gia đã xác minh tài liệu này là thật.
Mặc dù cơ quan tình báo hải ngoại HVA không dính líu gì với trò xỏ lá này, những trò giả mạo là một phần sáng chế của Tổng Cục 10. Cho dù chúng tôi nhắm vào chính quyền Tây Đức, cơ sở kinh doanh lớn, nhà xuất bản hoặc một đảng phái chính trị, mục đich là luôn luôn huỷ hoại sự tín nhiệm của quần chúng trong các cơ quan mới và phần lớn chưa trưởng thành của đất nước và do đó gieo nghi ngờ về đường hướng chính trị của phương Tây. Các tổng cục trưởng đều có khuynh hướng theo lời chỉ dẫn của cha đẻ phong trào Cơ Đốc Giáo, Martin Luther: “Mỗi một dối trá cần có bảy dối trá theo sau để cho nó giống với sự thật và có hào quang của sự thật”.
Tuy nhiên, nguyên tắc của tôi là bám sát tối đa với sự thật, đặc biệt khi có quá nhiều để dễ dàng hỗ trợ cho mục tiêu của tổng cục. Chúng tôi tán phát những thông tin thật về những những mối liên hệ Quốc Xã của nhiều chính trị gia lãnh đạo Tây Đức và các quan toà, không kể đến Chủ tịch Heinrich Lübke; thủ tướng Kurt-Georg Kiesinger, một thành viên cũ của đội tuyên truyển của Goebbels; và Hans Filbinger, thủ tướng của Baden-Württemberg, vào thời ông là uỷ viên công tô Quốc Xã đã kết án tử hình binh sĩ và nhiều người khác.
Công việc phá vỡ uy tín phương Tây là một công việc chuyên biệt rất cao. Các sĩ quan đánh giá nội dung câu chuyện nghe lén qua điện thoại giữa các bộ trưởng hoặc những giám đốc ngân hàng, tìm kiếm những tin tức không phổ biến cho quần chúng về những vấn đề nhạy cảm như việc xuất khẩu vũ khí hoặc những thủ đoạn chính trị. Sau khi nhận diện được điểm yếu và những màn che giấu, họ sẽ gài thông tin này vào trong một hồ sơ, và dùng các điệp viên nguỵ trang tại Tây Đức và Tây Berlin, trao tận tay các ký giả mà chúng tôi biết sẽ theo dõi câu chuyện. Bản sao thường được chuyển không sửa đổi, và chúng tôi cố gắng lèo lái mối nghi ngờ sang phía phương Tây là nguồn cung cấp tin tức nghe lén trên điện thoại, và mọi người ai cũng biết là Cơ quan An ninh quốc gia của Hoa Kỳ (NSA) dàn trải trên một quy mô rộng lớn. Bối rối vì thông tin thật nhưng bị cắt xén được tung ra ngoài, các đối tượng nằm trong vị thế không thể tự bào chữa, còn tệ hại hơn cả những lời tố cáo được bịa đặt.
Nhưng rủi thay, chuyên nghệ cao cấp này có những động năng của nó, và các sĩ quan làm việc này tỏ vẻ hãnh tiến vì đã cung cấp những tài liệu sao chép có tính thuyết phục theo kiểu mẫu phát biểu hoặc lối hành văn đặc biệt của hàng trăm cơ quan khác nhau của Tây Đức. Những người này có khuynh hướng dùng tài năng của mình một cách điên rồ, mà tôi phải ân hận nói rằng tôi đã cho phép họ làm để không ngăn cản sáng kiến và trí óc sáng tạo của họ. Họ vượt lên trên giới hạn cho phép của một cơ quan tình báo, chẳng hạn như nguỵ tạo những lời khai của kỹ nghệ gia Đức Hans-Martin Meyer bị đội Hồng quân bắt cóc trước khi họ sát hại ông năm 1977. Trớ trêu thay, Herbert Bremer, người trong Tổng Cục 10 đã từng miệt mài để xuất trình tài liệu giả này từ một núi thông tin thật, là người đầu tiên bán câu chuyện này cho báo giới sau khi Cộng hoà Dân chủ Đức sụp đổ.
Không như các đồng nghiệp đầy năng lực và sáng kiến, trong thâm tâm tôi không tin loại công việc mờ ám này sẽ đánh đổ trật tự của khối tư bản. Một cách đơn thuần hơn, tôi thấy sự hữu dụng của nó là hạ bệ trong trò chơi tuyên truyền những kẻ chống đối Đông Đức đặc biệt ngoan cường và nhiều sáng kiến, có nhiều ảnh hưởng đến chính sách và dư luận quần chúng. Trùm báo chí Axel Springer là kẻ thù chính của chúng tôi trong trận chiến này. Đế chế của Springer bao trùm tờ báo phổ biến rộng rãi Bild-Zeitung cũng như tờ Die Welt, tờ báo có uy tín trong chính quyền Tây Đức và giới hành chính. Springer chống đối kịch liệt việc công nhận ngoại giao Đông Đức. Cho đến giữa những thập niên 1980, những tờ báo của ông in những chữ tắt của Cộng hoà Dân chủ Đức, DDR (Deutsche Demokratische Republik), trong ngoặc kép. Springer dùng những tờ báo này để đả phá những hiệp ước công nhận sự chia đôi nước Đức và việc bình thường hoá kinh doanh giữa hai miền bị cắt đôi. Cấp lãnh đạo của chúng tôi, vì lo lắng cho việc thế giới công nhận và những cơ hội trao đổi thương mại và ngoại giao phát xuất từ những thoả ước này, ra chỉ thị cho các cơ quan tình báo áp dụng tất cả mọi biện pháp cần thiết để phản bác lại những tiếng nói của Tây Đức.
Giống như những tờ lá cải của Springer, tuần báo phổ biên rộng rãi Quick cũng là môi trường để bày tỏ những tiếng nói như vậy. Chúng tôi gặp may mắn lớn: người chủ bút Hans Losecaat van Nouhuys, trước đây là nguồn tin tức chúng tôi bắt gặp trong lần dàn dựng một ổ mãi dâm trá hình, vẫn còn là điệp báo làm việc cho cơ quan của tôi trong những thập niên 1950 với bí danh Nante, cung cấp những tài liệu giá trị lấy từ trong nội tình của chính giới của Bonn. Vào khoảng giữa những thập niên 1960, sự công tác của ông với chúng tôi bị đình chỉ, nhưng ông lại tưởng công tác sẽ hoàn toàn chấm dứt và sẽ không bao giờ trở lại ám ảnh ông nữa. (Điều làm tôi kinh ngạc là các điệp viên phương Tây đã từng dính líu với cơ quan tình báo của địch nghĩ rằng họ làm chủ được vận mạng của họ. Không có một hợp tác nào với cơ quan tình báo lại bị bỏ quên. Họ có thể khuấy động trở lại và quay ngược chống lại anh cho đến khi anh chết mới thôi).
Chúng tôi quyết định gạt sang một bên nguyên tắc không bao giờ tiết lộ danh tính của nhân viên điệp báo và loan báo chủ nhiệm của một tuần báo chống đối quyết liệt những hiệp ước với Đông Đức đã nhận tiền lương của Đông Berlin nhiều năm qua. Chúng tôi phối hợp việc tiết lộ này với một công tác khác, đặc biệt là vụ điều tra cái chết của một doanh nhân Tây Đức tên Heinz Bosse, đã từng có mối liên hệ tốt với Bonn và đã tử thương trong một tai nạn giao thông ở Đông Đức. Thực ra Bosse có một vài liên hệ với tình báo Đông Đức và qua đây để tham viếng xã giao không ngờ xe của ông ta trượt bánh trên đường trơn ướt trên đường trở về Tây Đức. Tin đồn được tức khắc phổ biến quanh cái chết bí mật của một người đã từng có những mối liện hệ bí mật với cả Đông lẫn Tây Đức, trong đó có Karl Wienand, một dân biểu của đảng SPD. Tai nạn này chỉ là một tai nạn giao thông bình thường và chúng tôi cố tìm cách chứng minh điều này bởi vì những mối nghi ngờ về cái chết của ông là một mãnh lực khiến cho các nguồn tin và điệp viên Tây Đức khác của chúng tôi không dám di chuyển đôi lúc sang Đông Đức để tham khảo hoặc để chuyển giao tài liệu. Chúng thực hiện một việc hi hữu là mời phóng viên điều tra của tuần báo Stern để tìm hiểu về tai nạn này và cho phép họ vào phòng giảo nghiệm và tiếp cận những biên bản liên hệ.
Chúng tôi lợi dụng chuyến đi của ký giả tuần báo Stern để kín đáo gây sự chú ý về hành tung của van Nouhuys. Chúng tôi không phải tốn công sức nhiều, vì tờ Stern - thường có đường hướng bảo thủ - là đối thủ kịch liệt nhất của Quick. Câu chuyên xuất hiện trên tờ Stern đúng như chúng tôi dự liệu. Van Nouhuys bị đuổi, nhưng Quick đã nhảy vào một trận chiến luật pháp kéo dài kiện tuần báo Stern để biết câu chuyện có thật hay không. Toà án phải mất nhiều năm để phán quyết thuận lợi cho Stern, một chỉ dấu chứng tỏ sự khó khăn trong việc giải quyết qua phương pháp của luật pháp những cãi vã phát xuất từ thế giới phức tạp của tình báo.
Những câu chuyện cá nhân tại Đức có khuynh hướng thay đổi rất là oái ăm. Không bao lâu sau khi Đông Đức sụp đổ và các hồ sơ của Stasi công khai rộng mở, trong đó những chi tiết về sự phản bội của Van Nouhuys vẫn còn được lưu giữ, cùng với hàng trăm ngàn câu chuyện đời định mệnh, đáng quở và thảm khốc của những người khác, tôi mở xem một tờ báo lá cải và thấy lời chú giải của Hans van Nouhuys đập vào mắt tôi. Luôn thay đổi để thích ứng với thời thể, anh ta đã tự chuyển hoá để biến thành một chuyên gia về Bộ Công an và cơ quan tình báo hải ngoại Đông Đức.

***

Cái khó khăn của các cục “phản thông tin”, như mọi giám đốc tình báo trên thế giới đều biết, là họ có khuynh hướng tự phát đáng tiếc. Các chuyên gia làm việc trong những cục này nặn ra càng lúc càng nhiều những chuyện hoang đường và táo bạo. Một trong những giai đoạn mà tôi vẫn còn cảm thấy ghê tởm cực độ phát xuất từ tổng cục trách nhiệm về tôn giáo và đối lập; cơ quan này không do tôi kiểm soát, và trong trường hợp này thủ phạm được Moscow nâng đỡ và xúi giục. Vào đầu những thập niên 1980, sợ rằng các sinh hoạt tân Quốc Xã tại Tây Đức lan toả và ảnh hưởng đến giới thanh niên Đông Đức, tổng cục này đã tự ý sản xuất những tài liệu tuyên truyền tân Quốc Xã sao chép văn phong lỗ mãng và cuồng loạn của phương Tây và gửi sang Tây Đức. Như họ mong đợi, những tờ rơi này làm cho mọi người tưởng chúng là thật, đưa đến việc bàn thảo tại Quốc hội (Bundestag). Tôi thấy cái trò bẩn thỉu thật là nguy hiểm; một vài vị quan Xô viết đỡ đầu cho sáng kiến này cảm thấy sung sướng thấy chúng tôi cuối cùng đề cao những tập hợp tân Quốc Xã trong mục đích gây rối loạn hàng ngũ Tây Đức.
Yếu kém cơ bản của khối tình báo Xô viết là áp lực chính trị liên tục để sản xuất chứng cớ về thói hư tật xấu của phương Tây và dùng chúng trong tuyên truyền quy mô để chống phá kẻ thù. Trận chiến tuyên truyền của Chiến tranh Lạnh dùng những từ ngữ đạo đức để che giấu trên thực tế bản chất kỹ thuật và quân sự của cuộc xung đột. Nhưng để cho quần chúng ở hai bên Bức Màn Sắt tiêu thụ, chính quyền của đôi bên vì vấn đề sinh tử phải biến kẻ thù thành quỷ dữ và từ đó họ tuyên bố họ hành động có chính nghĩa và có luân lý trong khi đó kẻ đối nghịch phá vỡ nguyên tắc cư xử văn minh.
Hậu quả độc hại của việc này là lâu lâu có những sĩ quan tình báo bịa chuyện hoàn toàn để chứng tỏ với bộ Tổng tham mưu họ đang phản công kẻ thù trong khi họ chẳng làm gì hết. Người ta được biết các sĩ quan tình báo Moscow cư trú tại các sứ quán ở ngoại quốc lâu lâu gửi báo cáo về đã gặp gỡ các điệp viên và các nguồn tin ma, để xuất hiện trước mắt cấp trên của mình như một người chăm chỉ làm việc.
Loại phong cách này không thể che giấu được lâu trong tình báo hải ngoại, bởi vì tất cả thông tin do điệp viên và nguồn tin thâu lượm được đều được các sĩ quan nghiên cứu kỹ lưỡng không chậm trễ, do đó những mánh khóe và những trò quái gở sẽ bị phát giác nhanh chóng một khi thông tin nguyên thuỷ được đem ra đối chiếu. Tuy nhiên, nguy cơ có những hành động như vậy rất dễ xảy ra trong cơ quan phản gián. Nơi đây, Mielke tạo nên một không khí nhà kính bằng cách ép buộc các sĩ quan thực hiện những việc không thực tế để chứng tỏ với nhóm Xô viết và cấp lãnh đạo của chúng tôi chỉ có nhân viên của ông mới đánh bật được gián điệp của phương Tây ra khỏi nước CHDC Đức. Năm 1979 phong cách này cuối cùng dẫn đến sự việc đáng tiếc của ASA.
Đôi lúc các kẻ đào thoát từ Quân đội nhân dân sang Tây Đức và cảm thấy cuộc sống ở đây không quyến rũ và dễ dàng như họ thấy trên màn ảnh truyền hình, và xin trở về Đông Đức. Vị thế của những kẻ đào ngũ như vậy luôn luôn bấp bênh. Họ được phép như vậy vì sự trở về của họ là một phương tiện tuyên truyền tốt và ngăn cản rất hưu hiệu những ý đồ đào thoát sau này. Cùng lúc đó, kẻ đào thoát trở về không được chính quyền tin tưởng. Để có một căn nhà ở hoặc việc làm tươm tất, họ phải chứng minh trước những câu hỏi dồn dập và chẳng nhã nhặn tí nào là lần này họ phải trung thành với nhà nước xã hội chủ nghĩa. Không cần phải là tâm lý gia Freud, mọi người đều biết ở thời điểm này về tâm lý họ rất dễ uốn nắn.
Một trong những mục đích của cuộc thẩm vấn là khám phá xem kẻ trở về có bị tình báo Tây Đức kết nạp không, và nếu có, phương pháp nào đã được áp dụng. Khốn thay, văn phòng Tổng Cục 9 của Bộ Công an tại vùng Suhl (Tổng Cục 9 phụ trách về thẩm vấn) không gặt hái được nhiều thành quả trong lãnh vực này. Ít ai trong số những người bị thẩm vấn có cơ hội gặp gỡ các cán bộ tình báo phương Tây để được kết nạp, hoặc nếu có, chỉ ở mức độ tổng cục trưởng không xem là quan trọng để gây ấn tượng với bộ Tổng tham mưu ở Đông Berlin.
Một hôm, hai sĩ quan trung cấp báo cáo là họ đã chấm dứt việc thẩm vấn một lính đào ngũ trở về thú nhận đã nhận tiền của người Mỹ. Đây là một khám phá hay ho hơn là một người làm việc cho Tây Đức. Các sĩ quan báo cáo người này đã được sĩ quan Hoa Kỳ huấn luyện kỹ thuật khuynh đảo bạo động tại những căn cứ tái định cư cho những người Đông Đức đào thoát. Những năm tháng tuyên truyền về những kế hoạch của phương Tây nhằm phát động một cuộc chiến ngấm ngầm tại Đông Âu đang đem lại kết quả. Người này nói rằng Hoa Kỳ đặt tên cho mỗi một người Đông Đức là một “điệp viên công tác hạ tầng cơ sở đặc biệt” hoặc là ASA, viết tắt từ danh từ Đức Agent mit spieller Auftragstruktur.
Điều này lý ra phải gây báo động. Khởi sự, đây là một cụm từ có âm hưởng Đức, không có âm hưởng Hoa Kỳ - đặc biệt hơn nữa, đây là tiếng Đông Đức bình dân có tính cách khoe khoang. Một sự pha trộn giữa những lời mớm của sĩ quan thẩm vấn và cảm nghĩ của kẻ đào ngũ trở về cho rằng câu chuyện hoang đường của mình càng màu mè chừng nào càng được chính quyền chiếu cố chừng ấy đã khiến cho mọi người thi nhau nhận mình là ASA. Bộ Tổng tham mưu của Tổng Cục 9 ở Berlin cũng nhúng tay vào, và các quận khác cũng tham dự; Rostock trên vùng biển Baltic cũng đóng góp một câu chuyện, do lời khai báo của một ASA, về một chiếc tàu ngầm bí mật.
Mielke vui mừng nghe những tin này, vì chúng xác quyết những tiên đoán báo động về mức độ xâm nhập của phương Tây vào Đông Âu và nhu cầu giám sát kỹ lưỡng quần chúng. Trong một cuộc họp với Andropov tôi có mặt, ông khoe khoang ông có những tin tức xác thực về hiểm hoạ của một cuộc chiến tiềm tàng. Ông trao cho Andropov một tài liệu tối mật vạch rõ những nơi chốn của chiếc tàu ngầm tí hon và, liếc nhìn tôi một cách đắc thắng, giải thích dông dài đây là kết quả của công trình phản gián của ông chứ không phải là của cơ quan Tình báo hải ngoại HVA do tôi lãnh đạo.
Không ai dám hỏi người Xô viết đã làm gì với những tài liệu này, vì không bao lâu sau đó, một đồng nghiệp trong quân báo của Bộ Quốc phòng báo cho biết một vụ xì-căng-đan đang âm ỉ. Những chuyên gia hàng hải và chiến lược của họ tuyên bố, khi phân tích những dữ kiện này, về mặt vật lý Hoa Kỳ hoặc bất kỳ ai không thể nào đặt một chiếc tầu ngầm dưới biển nơi điệp viên công tác hạ tầng cơ sở đặc biệt nói trên đã thấy nó. Lần nữa, những lời khai của điệp viên ASA tan theo mây khói. Việc khám phá những lời khai này hoàn toàn bịa đặt là do luật sư nổi tiếng Wolfgang Vogel chứ không do những cuộc điều tra trong nội bộ cơ quan. Ông Vogel được mời gọi bào chữa cho những ASA kém may mắn này (những kẻ đào ngũ mặc dù thú nhận đã tham gia trong công tác ASA để được nhẹ tội vẫn bị truy tố về tội đào ngũ). Một cách khôn ngoan, Vogel điều tra tỉ mỉ những câu chuyện của họ và khám phá phần lớn là do các thẩm vấn viên trong Tổng Cục 9 tự gài đặt vào. Tệ hơn nữa, xem ra các vị sĩ quan cao cấp trong ngành điều tra không hề tin những lời khai của những ASA, nhưng vì họ bị tràn ngập với những lời khai lý thú này và sự thèm khát những câu chuyện như vậy trong ngành phản gián tại Đông Berlin, họ không thể hoặc không muốn ngăn chặn cái trò này để nó không tự khai triển động năng của nó.
Mielke phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ. Ông cách chức Tổng Cục trưởng Tổng Cục 9 và ra lệnh điều tra. Ông cho một bài lên lớp nghiêm chỉnh về nhu cầu các cơ quan an ninh phải tôn trọng pháp luật. Ông kêu gọi kiểm soát kỹ lưỡng hơn các thẩm vấn viên và luôn tôn trong quyền người công dân. Ông quát tháo: “Một lời thú tội không thay thế cho nhu cầu triển khai sự thật một cách độc lập. Phương châm thà bắt nhiều hơn bắt ít không thể chấp nhận được”. Chúng tôi tự hỏi đây có phải là một Mielke mới không? Mọi người cảm thấy nhẹ nhõm khi ông kết thúc bài giảng với lời khích động: “Các đồng chí, kẻ thù phải được đối xử như kẻ thù - không nhân nhượng!”. Cuối cùng chúng tôi thấy ông đã trở lại bình thường.
Tôi không biết ông có tự thú nhận cái trò ASA là do bầu không khí lồng kính hâm nóng ông đã tạo nên. Toàn bộ sĩ quan cao cấp trong Tổng Cục 9 tại Suhl đã được âm thầm thay đổi, tuy nhiên không một người có trách nhiệm nào bị trừng phạt. Rõ ràng ông bộ trưởng nghĩ rằng sự kín đáo là một lối hành xử khôn ngoan.

Tổng số lượt xem trang