Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Trở lại con đường số 7 bi thảm!

-Trở lại con đường số 7 bi thảm!
Lữ Giang

Cuốn Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất và sự thật cuộc triệt thoái Quân Đoàn II của ký giả Đỗ Sơn vừa xuất bản đã cung cấp cho chúng ta thêm một số sử liệu mới liên quan đến cuộc triệt thoái khỏi Cao Nguyên vào tháng 3 năm 1975, nhất là những gì đã xảy ra trên Đường Số 7 nối liền Pleiku với Phú Yên dài 182 km. Đây là một cuộc rút quân rất bi thảm, đưa đến sự chết chóc tang thương cho hàng chục ngàn binh sĩ, gia đình và dân chúng, kéo theo sự sụp đổ của toàn miền Nam.
Kể từ khi những bài tường thuật tại chỗ về cuộc rút quân này của ký giả Nguyễn Tú được đăng nhiều kỳ trên nhật báo Chính Luận ở Sài Gòn vào tháng 3 năm 1975 dưới đầu đề “Ngày Chúa Nhật Buồn” cho đến nay, vẫn còn rất nhiều bí ẩn chưa được làm sáng tỏ.

Trước khi nói về những tiết lộ mới của Tướng Phạm Duy Tất, chúng tôi xin trình bày tóm lược về lệnh rút quân, con đường rút quân và những diễn biến tổng quát để độc giả có thể theo dõi cuộc rút quân này một cách dễ dàng.

RA ĐI KHÔNG CÓ LỆNH HÀNH QUÂN!
Sau khi Ban Mê Thuột bị thất thủ, ngày 14.3.1975 Tổng Thống Thiệu cùng với các tướng Trần Thiện Khiêm, Đặng Văn Quang và Cao Văn Viên đến Cam Ranh họp với Tướng Phạm Văn Phú và ra lệnh rút khỏi Kontum và Pleiku. Ông Thiệu nói rằng phải rút nhanh để tập trung quân phản kích lấy lại Ban Mê Thuột theo đường 21, lấy Khánh Dương làm bàn đạp. Con đường để rút là Liên Tỉnh Lộ 7 nối liền Pleiku và Phú Yên vì không còn con đường nào khác.
Không ai tin vào mục tiêu ông Thiệu nói vì chuyện đó không thể làm được. Trong thực tế, lệnh rút quân là để “tái phối trí theo kế hoạch đầu bé đít to” do đầu óc thiển cận của ông Thiệu tưởng tượng ra, đó là dùng Đèo Cả làm biên giới mới của miền Nam! Chính kẻ đẻ ra kế hoạch này mới là “đầu bé đít to”.
Sau khi họp với Tổng Thống Thiệu, Tướng Phú về Pleiku triệu tập ngay các chuẩn tướng Trần Văn Cẩm (tư lệnh phó)Phạm Ngọc Sang (không quân) Phạm Duy Tất (biệt động quân) và đại táLê Khắc Lý (tham mưu trưởng) bàn việc rút quân và đưa ra quyết định như sau:
(1) Để bảo đảm bí mật tuyệt đối, không làm văn bản, chỉ truyền khẩu lệnh; cấm tiết lộ cho địa phương quân và các tiểu khu. Phải rút nhanh gọn, đem theo vũ khí và một cơ số đạn đủ cho một trận chiến đấu. Rút theo kiểu cuốn chiếu, ở xa rút trước, ở gần rút sau.
(2) Chuẩn tướng Phạm Duy Tất chỉ huy hành quân; chuẩn tướng Cẩm đôn đốc kiểm tra; chuẩn tướng Sang điều điều động máy bay vận tải chở hàng hóa quý hiếm, dọn sạch hai bên đường rút quân bằng máy bay oanh tạc; đại tá Lý điều động công binh sửa đường, bắc cầu, v.v.
Inline image 1
 
Quân và dân trên đường "rút quân"

Đây là một cuộc hành quân lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam nhưng không có Lệnh Hành Quân, không phải vì sợ bị tiết lộ như ông Thiệu nói, mà vì ông Thiệu muốn trốn trách nhiệm: Nếu thành công, ông hưởng, còn nếu thất bại, ông sẽ đổ tội cho cấp dưới! Đó là căn bệnh trầm kha của ông Thiệu. Tuy kế hoạch đưa ra như vậy, nhưng khi rút quân, Tướng Phú đã phải thay đổi lệnh nhiều lần.

KHÁI LƯỢC VỀ ĐƯỜNG SỐ 7
Liên tỉnh lộ 7 là một con đường nối liền quốc lộ 14 ở Pleiku với tỉnh Phú Yên dài 182 km, đi ngang qua tỉnh Phú Bổn. Đây là con đường rừng núi hiểm trở, bị bỏ hoang từ lâu.
Từ thành phố Pleiku phải đi theo quốc lội 14 về phía nam khoảng 44 km mới đến ngả ba đi vào đường số 7, thường được gọi là “chĩa ba” Mỹ Thạnh. Từ Mỹ Thạnh đến thị trấn Hậu Bổn (còn gọi là Cheo Reo) phải vượt một đoạn đường dài khoảng 84 km, băng qua đèo Chư Sê. Tỉnh Phú Bổn nằm trên độ cao từ 150m đến 1.000m với núi rừng trùng điệp, được chia thành 3 quận là Phú Thiện, Phú Túc và Thuận Mẫn.
Từ thị trần Hậu Bổn muốn đi Phú Yên phải qua đèo Tuna cách thị trấn Hậu Bổn 4 km, rồi quacầu Phú Túc và đến Củng Sơn, nơi đây sẽ gặp Sông Ba. Quảng Đường này dài khoảng 48 km. Bên kia Sông Ba là xã Sơn Hà, quận Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Từ Củng Sơn đến Tuy Hòa còn khoảng 50 km nữa. Nhưng đoàn quân sẽ không đi về Tuy Hòa mà theo Liên Tỉnh lộ 5 để vào Nha Trang.
Trên đoạn đường này có hai cái cầu phải làm. Cầu thứ nhất là cầu Phú Túc. Cầu này chỉ dài có 40m thuộc loại cầu Eiffel, nên Liên Đoàn Công Binh Chiến Đấu từ Pleiku xuống chỉ làm trong một đêm là xong. Cầu thứ hai là cầu Sông Ba, thường gọi là cầu Le Bac (tiếng Pháp là “le bac” là phà hay đò ngang), rộng đến 600m nên gặp khó khăn. Quân Đoàn 2 phải dùng trực thăng chở dụng cụ và công binh từ Nha Trang thả xuống Củng Sơn để làm cầu phao dã chiến. Công việc kéo dài 4 ngày mà vẫn không xong, Cục Công Binh ở Sài Gòn phải tiếp ứng, cho trực thăng Chinook chở các vĩ sắt đến lót để xe chạy khỏi bị lún.

DIỄN TIẾN CUỘC HÀNH QUÂN
Khi cuộc hành quân bắt đầu, Tướng Trần Văn Cẩm làm Tự Lệnh Tiền Phương. Đại Tá Nguyễn Văn Đồng Tư Lệnh Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh Thiết Giáp chỉ huy cuộc hành quân, Tướng Phạm Duy Tấtđiều động Biệt Động Quân. Đại Tá Lê Khắc Lý vì tiết lộ cho Mỹ biết việc rút quân nên không còn được giao phần hành gì.
Kế hoạch rút quân là “Rút theo kiểu cuốn chiếu, ở xa rút trước, ở gần rút sau”.
Lúc 13 giờ chiều 15.3.1975, Liên Đoàn 6 BĐQ từ Kontun về cùng với Thiết Đoàn 19 mở đường đưa Công Binh vượt qua khỏi thị trấn Hậu Bổn, đến cầu Phú Túc và bảo vệ Công Binh làm cầu. Ngày 16.3.1975 đoàn này đã đi tới Củng Sơn an toàn và đợi làm cầu Sông Ba để vượt qua.
Ngày 17.3.1975, Liên Đoàn 7 BĐQ mới từ Sài Gòn ra và Liên Đoàn 23 đã cùng Thiết Đoàn 21 chiến xa M48 tiến về thị trấn Hậu Bổn, kéo theo một đoàn xe quân sự dài hơn 2.000 chiếc và gần 2.000 phương tiện giao thông dân sựBộ Tư Lệnh Tiền Phương và Bộ Tư Lệnh Lữ Đoàn 2 Thiết Giáp đến đóng trong một trường tiểu học ở thị xã Hậu Bổn. Liên Đoàn 7 chiếm đèo Tuna, còn Liên Đoàn 23 bảo vệ thị trấn Hậu Bổn.
Inline image 2
 
Đèo Tuna ngày nay

Ngày 18.3.1975, Thiết Đoàn 3 kỵ binh, Liên Đoàn 22, Liên Đoàn 4 và Liên Đoàn 25 đi tập hậu cũng tiến về thị trấn Hậu Bổn an toàn. Tướng Tất đặt Bộ Chỉ Huy trong một trường tiểu học khác ở phía Tây thị xã. Nhưng đến 9 giờ ngày 20.3.1975 toán quân cuối cùng mới rút khỏi Hàm Rồng.

TƯỚNG PHÚ RA LỆNH “ĐẠP LÊN MÀ ĐI”
Tuy nhiên, lúc 20 giờ tối ngày 16.3.1975, Bộ Chỉ Huy Tây Nguyên của Cộng quân được tin quân đội VNCH đang rút khỏi Cao Nguyên, liền ra lệnh cho Tiểu đoàn 9 thuộc Trung Đoàn 64 của Sư Đoàn 320 đang đóng chận đường 14 ở khúc quận Thuận Mẫn cách tỉnh lỵ Hậu Bổn khoảng 15 cây số, tiến lên chận đường đoàn quân của VNCH. Tiểu đoàn này đã giao chiến với Liên Đoàn 7 ở đèo Tuna. Một phi tuần A37 đã được gọi đến yểm trợ nhưng lại ném bom vào quân của Liên Đoàn 7 khiến Đại Tá Nguyễn Kim Tây bị thương. Một cuộc cãi lộn đã xảy ra giữa Đại Tá Đồng và Liên Đoàn 7, sau đó Liên Đoàn 7 biến mất. Tướng Tất phải đưa Liên Đoàn 25 từ sau tiến lên cùng với Thiết Đoàn 21 nhổ chốt đèo Tuna. Nhưng Đại Tá Đồng nói với tôi rằng lúc đó địch quân đã chiếm ưu thế, mình cho chiếc M48 nào lên chúng bắn cháy chiếc đó. Không ai chịu tiến lên nữa. Cộng quân lại pháo kích dữ dội vào thị trấn Phú Bổn gây hỗn loạn.
Tiếp theo, Cộng quân huy động cả Sư Đoàn 320 đang đóng ở phía bắc Buôn Hô, Ban Mê Thuộc, dùng trên 110 xe các loại, chạy về thị trấn Hậu Bổn qua ngã quận Thuận Mẫn, và ngày 20.3.1975 mở cuộc tấn công vào thị trấn Hậu Bổn và đoàn quân đang tháo chạy trên Đường Số 7. Tình hình không còn cứu vãn được. Lúc 3 giờ chiều, Tướng Phú gọi máy ra lệnh cho Tướng Tất “Đạp lên mà đi(theo mật khẩu có nghĩa bỏ chạy). Lúc 17 giờ 30, một trực thăng đến bốc Tướng Tất và Đại Tá Hoàng Thọ Nhu, tỉnh trưởng Pleiku đi. Sau đó, theo lệnh của Tướng Phú, ông trở lại bốc Tướng Trần Văn Cẩm đưa về Tuy Hòa. Máy bay được phái đến phá hủy các chiến cụ nặng, gây thêm cảnh hỗn loạn trong đoàn người tháo chạy.
Trên đây chỉ là những nét chính của cuộc rút quân được trình bày với hy vọng giúp độc giả có một cái nhìn tổng quát về những gì đã xảy ra.

NHỮNG TIẾT LỘ CỦA TƯÓNG TẤT
Trong cuốn sách nói trên, Tướng Tất đã tiết lộ nhiều bí mật liên quan đến cuộc rút quân. Chúng tôi chỉ xin nêu một vài ví dụ cụ th:

1.- Vai trò Tướng Tất trong cuộc tháo chạy
Vấn đề trước tiên được Tướng Tất xác định là ông không phải là “Tổng Chỉ Huy” của cuộc triệt thoái. Ông cho biết tuy các đài phát thanh và báo chí lúc đó nói “Tướng Tất đang chỉ huy cuộc triệt thoái khỏi Tây Nguyên”, nhưng tại cuộc họp ở Quân Đoàn chưa có ai nghe đến 3 chữ Tổng Chỉ Huy. Tướng Phú chỉ ra lệnh cho ông phải đưa lực lượng Biệt Động Quân về đến Nha Trang. Ngay cả những đơn vị Biệt Động Quân do chính Quân Đoàn xử dụng thì cũng không nằm trong hệ thống chỉ huy của ông.

2.- Vấn đề chỉ rút chủ lực quân, bỏ lại tất cả.
Tướng Tất tâm sự: “Khi nghe Tướng Phú chuyển Quân Lệnh của Tổng Thống Thiệu, chúng tôi lặng người, nghẹn lời, như sét đánh trúng vào đầu mình. Rồi lại nghe là phải thi hành ngay lập tức, rồi lại nghe tướng Phú đã bị Tổng Thống hăm lột chức – bỏ tù nếu không thi hành nghiêm chỉnh...”Ông cho rằng cái Quân Lệnh này vô lý, vừa quá nhẫn tâm mà lại không thực tế. Ông chỉ huy đoàn quân đoạn hậu, là lúc dân chúng sẽ chạy nhập vào nhiều nhất. Ông nói tiếp:
"Tôi đưa đoàn quân rút lui sau chót suốt trên Quốc Lộ 14 đến ngả rẽ vào con đường số 7, tôi dừng lại cho đoàn quân đi qua rẽ về hướng Cheo Reo. Những xe hàng xe tải của dân, chiếc nào cũng đầy ắp người và đồ đạc cứ nối dài mãi. Cái cảnh như vầy, hể mất an ninh thì chắc chắn không tài nào đối phó nổi. Như vầy chẳng khác gì một đơn vị chuyển trại, hay chuyển vị trí đồn trú chứ đâu phải là một cuộc hành quân rút lui trong tư thế sẵn sàng chiến đấu nếu gặp địch tấn công?"

3.- Về lệnh của Tổng Thống Thiệu
Khi ông đang chờ lệnh ở trường tiểu học, bổng Tướng Phú gọi ông và nêu nghi vấn: Lệnh Tổng Thống nói bỏ Tây Nguyên nhưng không nói rõ bỏ đến đâu, có phải giữ lại Phú Bổn không, rút khỏi Phú Bổn sau này trăm tội đổ ngược lên đầu chúng ta, chắc là mình phải giữ Phú Bổn, Tất à!
Như vậy Tướng Phú cũng đã biết quá rõ bệnh trầm kha của Tổng Thống Thiệu là khi gặp khó khăn cứ ra lệnh mập mờ, được thì dành phần thắng cho mình, thua thì đổ tội cho cấp dưới. Trong trận Phước Long cũng như trong việc rút khỏi Cao Nguyên hay miền bắc Trung phần... ông Thiệu cũng chơi trò đó!
Tướng Tất đã than phiền Đại Tá Lê Khắc Lý vì quá bận nhiều công việc nên không làm Lệnh Hành Quân. Nhưng sự thật không phải như vậy. Chính Tổng Thống Thiệu bảo chỉ ra lệnh miệng chứ không làm văn bản gì cả. Ông Thiệu cũng đã ra lệnh miệng cho Tướng Phú rút quân chớ có văn bản nào đâu?
Chuyện Tướng Tất tiết lộ còn nhiều, xin đọc trong sách của Đỗ Sơn.

KẾT QUẢ RẤT BI THẢM
Theo tài liệu của Hà Nội, trong cuộc rút quân khỏi Cao Nguyên, họ đã loại khỏi vòng chiến 28.514 sĩ quan và binh sĩ QLVNCH, trong số đó có 4.502 chết hoặc bị thương, 16.822 bị bắt làm tù binh, trong đó có 779 sĩ quan. Họ đã thả ra 7.190 người.
Tài liệu của VNCH ước lượng trong khoảng 160.000 người chạy theo đoàn xe di tản, chỉ có khoảng 60.000 tới được Tuy Hòa. Số còn lại chết trong rừng hay phải quay trở lại Pleiku. Sáu Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân với khoảng 7.000 quân, chỉ có 900 về đến Nha Trang và đóng trong thành phố.
Mặc dầu đã có nhiều cố gắng, cho đến nay những người viết sử vẫn chưa có đủ sử liệu để viết về cuộc rút quân này một cách đầy đủ và chính xác. Chúng tôi mong rằng, sau những tiết lộ của Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất, các chiến sĩ biệt động quân và những người có tham dự vào cuộc rút quân này nên cố gắng ghi lại những điều mắt thấy tai nghe. Đừng để kẻ chiến thắng múa gậy rừng hoang.

Ngày 21.11.2013
Lữ Giang

------------------ 
Ghi chú:
Chúng tôi đang tìm Đại Tá Vĩnh Phổ, Trưởng Phòng 4 Quân Đoàn 2, vừa được chuyển qua làm Trưởng Phòng 2 thay Đại Tá Trịnh Tiếu rồi biến mất khi có lệnh rút quân, không thấy ông ở trong tù cải tạo cũng như ở Mỹ. Ai biết tin gì xin vui lòng cho chúng tôi biết.

Nơi mua sách “Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất Và Sự Thật Cuộc Triệt Thoái Quân Đoàn II”:

THAO UYEN PHAM, P.O. Box 11102, Burke, VA 22009. Giá 20 USD.

Tổng số lượt xem trang