-1102 - VÀI MINH ĐỊNH VỀ LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐỊA LÝ-http://www.danhgiactau.com
1.1 Việt và Hoa.
Hai tộc dân Việt và Hoa phát xuất từ hai vùng đất khác nhau, ở hai thời điểm cách nhau gần 4000 năm, và thuộc hai khối văn hóa khác nhau là gốc nông nghiệp lúa nước và gốc du mục.
Tuy nhiên, trong hơn 3000 năm qua, lãnh thổ, lịch sử, văn minh, văn hóa, chủng tộc, và tất cả những gì hay tốt của Tộc Việt... không chỉ đã bị Trung Hoa xâm lấn, tiếm nhận, chuyển đổi... mà dân Việt còn bị Trung Hoa áp đặt nhiều định kiến sai lạc.
Những thiên kiến tệ hại nầy đã phổ biến sâu rộng suốt mấy ngàn năm, và hiện nay vẫn còn được giới thống trị và học thức Trung Hoa nhắm mắt hỗ trợ, dầu là trái ngược chứng cứ lịch sử và cổ học.
Vì vậy, ta cần có cái nhìn tổng quát về lịch sử và văn hóa của cả hai tộc dân.
* *
1.2 Vấn Đề Chính Yếu.
a. Tìm lại Thực Trạng Đương Thời.
Tất cả vấn đề là tìm lại Thực trạng Đương thời, xác định thời gian và địa diểm của các sự kiện... mà sách vở Trung Hoa đã cố đánh lận, xáo trộn, thay đổi cho phù hợp với chủ trương thống trị của Tộc Hoa.
Cũng vì vậy, việc tìm hiểu không thể chỉ căn cứ trên sách vở Trung Hoa.
b. Tài Liệu dồi dào.
Thực ra, ngày nay, việc tìm hiểu quá khứ, đặc biệt những thời kỳ tiền sử, không chỉ qua những tài liệu sách vở thời trước, mà còn được hỗ trợ bằng nhiều ngành khảo cứu khác.
Ngoài ngành khảo cổ và lịch sử tân tiến, còn có các ngành nhân chủng, nhân văn, lịch trình và điều kiện phát triển văn hóa, văn minh, chữ viết, ngôn ngữ... các ngành địa lý hình thể, sông núi, phong thổ, khí hậu... Tất cả đều tiếp tay cho việc tìm lại sự thực về Tộc Việt, đã mấy ngàn năm bị xuyên tạc và hủy hoại.
* *
1.3 Minh Định.
Để việc tìm hiểu thêm dễ dàng và chính xác, cần minh định một số điểm liên quan đến Lịch sử :
- Giá trị và tầm độ của các loại tài liệu, đặc biệt các tài liệu liên quan tới Văn hóa.
- Tài liệu qua Chữ viết và Tiếng nói thời xưa.
- Đặc tính của Văn hóa, và của các Nền Văn hóa.
- Vấn đề Địa lý, hình thể, các đường ranh thiên nhiên và lịch sử.
- Đặc biệt về chủ thuyết đã chi phối toàn bộ lịch sử Đông Á.
* * * *
2.1 Các Loại Tài Liệu.
Ngày nay ta có nhiều tài liệu để tìm lại thực trạng đương thời của quá khứ mấy ngàn năm.
Tuy nhiên, các tài liệu có nhiều nguồn gốc, nhiều thứ loại, với nhiều hạn hẹp về giá trị, quan điểm, trương độ, và mức độ ứng dụng khác nhau.
* *
2.2 Di Tích, Khảo cổ.
Di tích xưa, đặc biệt của thời chưa có chữ viết, là nguồn tài liệu quan trọng.
Tuy nhiên, ngoài hạn hẹp do hiếm ít và ngẫu nhiên, di tích là những hiện vật không hồn, không tiếng nói. Do đó, cần quan tâm tới giới hạn của các giả thuyết căn cứ trên di vật, đặc biệt về phương diện văn hóa, nhân văn.
Ngoài việc nhận định niên đại, còn cần cứu xét tầm ảnh hưởng thực tại và hợp lý của chúng.
* *
2.3 Khoa Học.
Tài liệu khoa học có giá trị thực tiễn, nhờ phương pháp thực nghiệm.
Vào thời khoa học mới bộc phát, giới nghiên cứu đã bị các khám phá mê hoặc, đến nỗi đã tin rằng khoa học giải quyết thích đáng mọi khúc mắc của cuộc sống con người.
Càng phát triển, khoa học càng nhận ra giới hạn của mình. Những khám phá, những kết luận, lý thuyết khoa học ngày càng bộc lộ tính cách tạm thời, bất toàn, và hạn hẹp... Chúng luôn được thay thế bằng những khám phá mới, những lý thuyết mới.
Ngoài ra, vì chỉ căn cứ trên vật chất, khoa học không thể đơn giản khẳng định những vấn đề vượt ngoài vật chất, như tinh thần, văn hóa, tín ngưỡng, thần linh...
* *
2.4 Truyện Tích Tiền Sử.
Ở thời việc khảo cổ chưa thịnh hành, các truyện tích về thời tiền sử đều do phỏng định và suy đoán của nhiều ngàn năm sau. Vì vậy, nhiều chi tiết của bản văn không thể là những di chứng lịch sử của nhiều ngàn năm trước.
Cùng với suy diễn và tưởng tượng, bản văn cũng còn chịu ảnh hưởng của những định kiến, những áp đặt của các trào lưu đương thời.
Ngoài ra, đối với tài liệu Trung Hoa, toàn bộ các bản văn đều bị các đời sau, đặc biệt thời Hán, Đường, Tống, Thanh, sửa đổi và thêm bớt.*1
* *
2.5 Truyền thuyết.
Truyền thuyết là những chuyện tích được chuyền miệng nhiều đời và phổ biến trong đại chúng.
Do chuyền miệng, các truyền thuyết chỉ còn giữ lại một số điểm đại cương, và mang nhiều đặc tính văn hóa hơn là lịch sử.
Dầu truyền thuyết luôn gây tranh cải, nhưng trước khi có các bản văn, truyền thuyết không thể tồn tại ba bốn ngàn năm, nếu không có những cứ điểm ở quá khứ.
Hơn nữa, đặc tính liên tục và thống hợp của một nền văn hóa có thể giúp nối kết và gia tăng giá trị của truyền thuyết, và loại bỏ những thêm thắt, gán ghép.
* *
2.6 Truyền kỳ.
Truyền kỳ là những truyện tích với nhiều biểu tượng văn hóa.
Để lưu truyền kinh nghiệm sống, người xưa đã để lại nhiều biểu tượng. Tính cách không thiết thực của biểu tượng nhắc nhớ Truyền kỳ không phải là những truyện tích bình thường, mà là những bài học tiềm ẩn.
Vì lẫn lộn biểu tượng văn hóa với tài liệu lịch sử, nên đã có nhiều suy luận hàm hồ và xuyên tạc.
* *
2.7 Tài liệu Tôn giáo.
Tài liệu của tôn giáo chủ tâm dẫn đưa cuộc sống con người hướng về thế giới thần linh. Vì vậy tài liệu tôn giáo tuy có phần hiện thực, nhưng chủ đích xa khác, và nhiều khi được coi có nguồn gốc siêu phàm.
Sự lẫn lộn giữa tài liệu tôn giáo với tài liệu lịch sử, khoa học, đã gây nhiều tranh cải tai hại.
* *
2.8 Thần thoại.
Thần thoại bao gồm những chuyện tích về thế giới thần thánh hoặc đã xảy ra trước khi có con người.
Vấn đề là làm sao con người có thể có kiến thức về thế giới thần linh, hoặc về những chuyện đã xảy ra trước khi có con người trên mặt đất.*2
Nếu không hàm chứa những bài học tiềm ẩn, thần thoại chỉ là những suy đoán, những phỏng định, những dự phóng được gán ghép cho quá khứ.*3
* *
Ghi chú Phần 2 :
*1 - Năm 1793 dl Càn Long hoàn thành bộ Tứ Khố Toàn Thư gồm 36.275 quyển, sau khi thiêu hủy 6 vạn quyển bị coi là bất lợi cho ‘thiên triều’.
Đốt 6 vạn quyển đã nói lên tính cách chủ quan cực đoan trong việc ‘san định’, sửa chữa, 36.275 quyển còn lại.
Còn bao nhiêu phần trăm trung thực trong tất cả mọi tài liệu hiện có của Trung Hoa ?
www : Tứ Khố Toàn Thư.
*2 - Việc tạo thành trời đất, việc tạo dựng núi sông, tạo dựng con người...
*3 - Tưởng tượng thời thanh bình thịnh vượng cổ đại, những vị ‘Vua Vĩ Đại và Thánh Đức’... đều trái ngược với tiến trình tăng triển tự nhiên của con người và của xã hội loài người.
* * * *
3.1 Chữ và Tiếng thời xưa.
Theo khảo cổ hiện nay, từ thời 1300 ttl, cách đây hơn 3300 năm, đã có hơn 3000 chữ chuẩn xác, ở vùng cố đô An Dương, vùng Hà Nam hiện nay.
Dầu có thay đổi theo thời gian, tiếng nói hiện nay vẫn lưu giữ âm thanh và nhiều ý nghĩa của thời xưa. Một số từ ngữ cổ càng có vai trò quan trọng.
Vì vậy, chữ viết và tiếng nói xưa cũng sẽ là nguồn phong phú cho việc khảo cứu.
* *
3.2 Chữ Tượng hình.
a. Do Hình Vẽ.
Chữ viết vùng Á Đông Xưa căn cứ trên loại chữ tượng hình. Người xưa dùng hình vẽ để liên lạc và ghi nhớ. Qua thời gian, hình vẽ được đơn giản hóa thành những đường nét chính, rồi trở thành chữ viết.
Vì nét chữ chỉ giữ lại những đường chính của hình vẽ, nên hình vẽ nguyên thủy đã chứa đựng nội dung đầy đủ hơn nét chữ.
Nhờ vậy, tìm hiểu hình vẽ nguyên thủy của nét chữ tượng hình cũng là tài liệu súc tích giúp khám phá một số di sản và quan niệm của người xưa.*4
b. Đặc tính Chữ Tượng Hình.
Khác với loại chữ phiên âm, chữ tượng hình là những nét chính của hình vẽ, nên chữ không cố kết với âm.
Vì vậy, một chữ tượng hình có nhiều cách đọc, và thường có nhiều âm, nhiều thanh.
Một chữ nhưng các kiểu đọc khác nhau giữa Việt, Hoa, Hàn, Nhật...
Một chữ có thể có nhiều âm. Ví dụ : 貉 Lạc, mạch, 夏 Hạ, giá...
Một âm, một tiếng, có thể có nhiều chữ, nhiều nghĩa. Ví dụ : Hồng : 洚 nước tràn, nước lụt;紅 màu đỏ; 洪 lớn; 鴻 loại chim...
Một âm nhưng có nhiều thanh, biến thanh. Ví dụ : 常 Thường - Thượng, 王 Vương - Vượng... Trị - Trì, sông Mạ - sông Mã, Nai - Nãi - Nái, Mê - Mẹ - Mệ...*5
c. Một số thông lệ.
Do đó, chữ tượng hình có một số thông lệ :
1. Các chữ được sắp thứ tự theo bộ và theo số nét, chứ không theo âm, không theo nghĩa.
2. Những chữ đồng âm có thể được xử dụng lẫn lộn, ‘đồng âm thông giả’, ‘dùng chữ đồng âm’. Ví dụ : - Sông ‘Hồng’ có thể dùng lẫn lộn các chữ 洚, 紅, 洪, 鴻. - Âm ‘Phúc’ dùng lẫn lộn cho điều tốt lành, cái bụng, con dơi...
3. Một chữ có thể có những bộ được ghép thêm để diễn giải hàm ý mới. Cũng vì vậy, nhiều bộ không thuộc về hình vẽ nguyên thủy.
* *
Ghi chú Phần 3 :
*4- Nhiều dân tộc khác cũng đã khởi sự chữ viết bằng hình vẽ. Nhưng hầu hết đã không phát triển đúng mức, hoặc bị mai một dưới ảnh hưởng của loại chữ phiên âm.
*5 - Những ví dụ về chữ, nét, nghĩa, âm, và thanh, theo Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn, www, Paris 2006-2011.
* * * *
4.1 Văn hóa và Văn minh.
Văn minh chủ yếu về tiện nghi, phương tiện, hoặc thành tích của một thời kỳ. Văn hóa chú trọng cách sống, nếp sống, tinh thần sống.
Văn minh giúp con người dễ sống. Văn hóa làm con người vui sống hoặc sống vô vị.
Dầu thêm tiện nghi, thêm văn minh, mà không có nền văn hóa thích đáng, con người sẽ không hưởng được niềm hạnh phúc làm người.
* *
4.2 Đặc tính Hai Tầng của Văn hóa.
Nền văn hóa nào cũng có 2 tầng : tầng văn hóa cai trị và tầng văn hóa đại chúng.
Tầng văn hóa cai trị, tối đa là 5% dân số, gồm nếp sống của tầng lớp lãnh đạo, chỉ huy. Thông thường, họ là tầng lớp có học, có quyền lực, có tổ chức chặt chẽ, có phương tiện, có khả năng ghi chép và phổ biến. Vì vậy, tầng văn hóa cai trị được nhiều người biết tới.*6
Đang khi đó, dầu chiếm 95% dân số, tầng văn hóa đại chúng âm thầm sống cuộc sống thường ngày, theo nề nếp lưu truyền từ đời nầy qua đời khác. Vì đại chúng thời xưa ít có phương tiện và khả năng viết lách, nên tầng văn hóa nầy ít có tài liệu, ít được biết tới.
Ngoài di tích, tài liệu của nếp sống đại chúng là truyền thuyết, phong tục, lễ hội.
Tuy nhiên, dưới khía cạnh con người, nền văn hóa đích thực của một dân tộc chính là nền văn hóa truyền miệng và nếp sống truyền đời của tuyệt đại đa số dân nước.*7
* *
4.3 Đặc Tính Liên Tục và Thống Hợp của Văn hóa.
Văn hóa là kết tinh của một nếp sống truyền đời qua nhiều thế hệ. Vì vậy, đặc tính của một nền văn hóa là sự liên tục và thống hợp.
Cũng như cuộc sống con người, dòng văn hóa có thể qua những khúc quanh quan trọng.
Tuy nhiên, các biến chuyển văn hóa của một cộng đoàn luôn tiệm tiến và hình thành qua nhiều thế hệ nối tiếp. Ở thời xa xưa, thời chưa có chữ viết, thời đa số dân chúng không biết đọc viết, thời chưa có những phương tiện di chuyển và truyền thông phổ biến toàn diện như hiện nay... biến chuyển văn hóa càng cần nhiều thời gian.
Những nét liên tục và thống hợp nầy là sợi dây nối kết truyền thuyết thời khuyết sử với những truyện tích thời hữu sử.
Đây là mấu chốt của việc tìm hiểu những nét đặc thù của một nền văn hóa, và giúp phát hiện những sửa đổi, lạm nhận, hoặc áp đặt ngoại lai.
* *
4.4 Văn hóa gốc Du mục và gốc Lúa Nước.
Các nền văn hóa được chia thành hai khối chính: văn hóa gốc Du Mục và văn hóa gốc nông nghiệp Lúa Nước.
Văn hóa gốc Du Mục do những giống dân sống vùng đồng cỏ khô cằn, với nghề chăn nuôi di chuyển theo đoàn súc vật. Văn hóa gốc du mục coi trọng sức mạnh, trọng phái nam, thích động, hiếu thắng, trọng cá nhân, trọng võ nghệ... Vì vậy, đưa tới trọng phụ hệ, chuyên chế... với lối suy tư thiên về độc lập, độc tôn, đưa tới các lý thuyết ‘duy’...*8
Đang khi đó, dân trồng Lúa Nước phát triển ở các đồng bằng nhiều nước, nhiều mưa, nhiều nắng ấm. Họ định cư lâu dài, ít di chuyển. Do đó, họ có cuộc sống cộng đoàn, nương tựa nhau, hòa hợp với thiên nhiên, ôn hòa, thích nghệ thuật... và thiên về mẫu hệ.*9
* *
4.5 Văn hóa Việt.
Văn hóa Việt phát xuất từ vùng Hồ Đồng Đình, với đặc tính rõ rệt của nông nghiệp lúa nước. Theo thời gian, tộc dân và nền văn hóa Việt tăng triển tới các vùng chung quanh.
Cũng nông nghiệp lúa nước, nhưng trong lịch sử nhân loại không có nền văn hóa Lúa Nước nào trổi vượt, trọn vẹn, với một tộc dân đông đúc, và lưu truyền lâu đời như nền Văn hóa Việt.
Được vậy, là nhờ Tộc Việt đã khởi nguyên ở một vùng đất nước thích hợp và rộng lớn, xa cách các bộ tộc du mục hiếu chiến, được nhiều thời gian tăng triển đông đúc, để kiện toàn và lưu truyền nếp sống với nhiều cơ chế vững chắc.*10
* *
4.6 Văn hóa Hoa.
Tộc Hoa là giống dân phát xuất từ sự kết hợp của nhiều bộ lạc du mục ở vùng sa mạc và lúa khô Thiểm Tây. Vào thế kỷ 11 ttl, họ tiến về sinh sống ở vùng thung lũng Sông Vị. Năm 1046 ttl, cách đây 3050 năm, họ thành lập Nhà Chu.
Từ năm 771 ttl, một nhóm du mục khác chiếm đóng vùng thung lũng Sông Vị, thành lập Nhà Tần.
Từ Chu qua Tần, tới Hán, giới thống trị Trung Hoa đã biến đặc tính chuyên chế độc tôn của văn hóa du mục thành chủ thuyết Thiên tử thế Thiên hành Đạo : Vua là Con Trời thay Trời trị dân.
Trong hơn 2000 năm qua, chủ thuyết nầy chi phối toàn bộ chính trị, xã hội, văn hóa Trung Hoa.
Có thời, Khổng tử đã cố công cải hóa nền văn hóa gốc Du Mục bằng những hay tốt của nền văn hóa gốc Lúa Nước.
Tuy nhiên, các triều đại Trung Hoa đã nối tiếp nhau cắt xén và sửa đổi, biến Khổng học thành phương tiện phục vụ cho chủ thuyết Thiên tử Thế Thiên một cách cực đoan.*11
* *
Ghi chú Phần 4 :
*6 - Hiện nay, hầu hết mọi nền văn hóa đều được biết đến ở tầng văn hóa nầy.
*7 - Ở tầm độ khác, hai tầng văn hóa nầy cũng hiện diện trong các cộng đoàn, tổ chức : tầng trị sự và tầng hội viên.
*8 - Hiện nay, thế giới có nhiều nền văn hóa gốc du mục. Tuy nhiên, từ gần 200 năm qua, nhiều nhóm văn hóa lớn đang được biến cải, với ý thức tự do, dân chủ, nam nữ bình quyền, nhân quyền...
*9 - Với sự phát triển cuộc sống thành thị, đông đúc, các xã hội mẫu hệ dần dần đổi thành phụ hệ.
*10 - Đọc bài Tộc Việt thời Khởi Nguyên, đoạn 3.2.
*11 - Đọc bài Ảnh hưởng Hạn hẹp của Nho học trên Dân Việt, đoạn 1.2.
* * * *
5.1 Vùng Á Đông Xưa.
Vùng ‘Á Đông Xưa’ là phần đất trải dài từ Bắc Kinh tới Huế, với các lưu vực Hoàng Hà, Sông Hoài, Sông Dương Tử, Tây Giang, Sông Hồng, Sông Mạ và Sông Hương. Tây giáp Sông Cửu Long, Đông giáp biển cả.
Đây là vùng đất Tộc Việt đã sinh sống trong 7000 năm qua. Nhưng từ 3000 năm gần đây, còn có thêm người Tộc Hoa ở phía Bắc.
Trong nhiều ngàn năm trước đó, trên vùng đất nầy cũng đã có nhiều nhóm người sống rải rác. Tuy nhiên, về văn hóa và huyết thống, hiện nay ảnh hưởng của những nhóm thổ dân nầy đã không còn đáng kể.
* *
5.2 Năm Đường Ranh thiên nhiên.
a. Ranh Núi Sông.
Thời xưa, khi giao thông chưa thuận tiện, chưa có đường đi xe cộ thuyền bè, thì sông ngăn núi chận, và thời tiết, khí hậu, là đường phân chia các vùng đất, các bộ tộc.
Khi chưa có phương tiện canh tác, chưa có kỹ thuật trồng tưới, thì vùng đồng cỏ khô cằn lạnh giá và vùng sông hồ phì nhiêu nắng ấm là những phân biệt quan trọng giữa các nền văn hóa.
Từ Bắc xuống Nam, có 5 đường ranh thiên nhiên.
b. Đường ranh Sông Hoài Tần Lĩnh.
Đường nối dài Sông Hoài với dãy Tần Lĩnh là đường ranh thiên nhiên phân chia hai vùng đất, hai nhóm tộc dân, và hai nền văn hóa khác biệt.
Phía Bắc Sông Hoài Tần Lĩnh nhiều sa mạc, đồng cỏ, khí hậu lạnh giá, ít sông hồ, đất cằn cỗi, chỉ thuận lợi cho việc trồng lúa mạch, miến và kê... Những bộ tộc vùng nầy thường sống đời du mục, chăn nuôi và trồng lúa khô, di chuyển bằng ngựa.
Phía Nam Sông Hoài Tần Lĩnh nhiều đồng bằng, nhiều nắng ấm, nhiều nước, ruộng đất màu mỡ. Do đó, người dân vùng nầy canh tác lúa nước và có nếp sống định cư thành xóm làng, di chuyển bằng thuyền.
Hai bên ranh Sông Hoài Tần Lĩnh đã thành hình những nhóm tộc dân với nhiều đặc tính khác nhau rõ rệt. Nam và Bắc khác nhau từ hình dạng, tướng cách, tiếng nói, đến phong tục, thức ăn, nghệ thuật, tư tưởng, tính tình... với hai nền Văn hóa Lúa Nước và Du Mục.
Đây là đường ranh địa lý quan trọng nhất cho việc tìm hiểu thời kỳ hình thành, tầm độ phát triển, và đặc tính của hai tộc dân Việt và Hoa.*12
c. Đường ranh Dương Tử.
Sông Dương Tử dài và nhiều nước đã giữ vai trò quan trọng trong lịch sử Tộc Việt. Dân Việt đã sinh sống và phát triển ở hai vùng Nam Bắc Dương Tử, từ nhiều ngàn năm trước khi Tộc Hoa thành hình ở Thiểm Tây.
Tuy nhiên, cách đây trên dưới 2000 năm, áp đặt chủ thuyết Thiên tử Thế Thiên, ‘thiên triều’ Hán, 206 ttl - 220 dl, ấn định rằng dân phía Bắc Dương Tử là Trung Hoa văn minh tiên tiến, và phía Nam Dương Tử là Bách Việt man di lạc hậu.
d. Đường ranh Ngũ Lĩnh.
Ngũ Lĩnh, còn gọi là Nam Lĩnh, hiện nay là đường ranh phía Bắc của Quảng Tây, Quảng Đông.
Vào thời Khởi Nguyên, từ 5000 ttl, vì hạ lưu Dương Tử còn ngập nước, Dân Việt tỏa lan theo hướng Bắc Nam.
Từ Hồ Đồng Đình, Dân Việt ngược Sông Tương, vào Sông Lỗi, qua Sông Bắc, theo đường biển về Vịnh Bắc Việt, và phát triển ở trung lưu Sông Hồng.
Đường phía Tây vượt thượng nguồn Sông Tương qua Sông Quế, theo Tây Giang xuôi ra biển, hoặc ngược Sông Tả vào Bắc Phần.*13
Từ thời Đế Nghiêu, cách đây 4200 năm, đã có truyền thuyết về việc phát triển tiền tiến của nhánh Việt Sông Hồng.*14
e. Đường ranh Nam Quan.
Từ năm 906 dl, dân Lạc Hồng giành lại độc lập cho quận Giao Chỉ và các quận phía nam.
Vì vậy, ranh giới phía bắc quận Giao Chỉ trở thành ranh giới giữa Trung Hoa và Đại Việt, tức là đường ranh Nam Quan hiện nay. [Phần đất phía Bắc bị coi là thuộc Trung Hoa].
g. Đường ranh Hải Vân.
Hải Vân là dãy núi giữa Thừa Thiên và Quảng Nam ngày nay, nổi tiếng với Đèo Hải Vân.
Hải Vân là ranh giới thiên nhiên cực Nam của vùng Á Đông Xưa. Năm 196 dl, cách đây 1800 năm, nước Lâm Ấp được thành lập ở phía Nam Hải Vân. Năm 808 dl Lâm Ấp đổi tên là Chiêm Thành.*15
* *
Ghi chú Phần 5 :
*12 - Đọc thêm Eberhard, Wolfram (Dec 1965). "Chinese Regional Stereotypes". Asian Survey (Univ. of California Press) 5 (12): 596–608.
*13 - Đọc bài Tộc Việt thời Khởi Nguyên, đoạn 5.2 và 5.3.
*14 - Sứ giả Việt Thượng dâng Đế Nghiêu Rùa ngàn năm có khắc chữ viết... Đọc bài Tộc Việt Thời Hùng 1, mục 4.4e, và đoạn 5.4.
Tuy nhiên, từ thời Hán, sau 206 ttl, ‘thiên triều’ Hán đã áp đặt định kiến dân Việt Lạc sơ khai, và chỉ sinh sống từ Ngũ Lĩnh trở về Nam, còn gọi là Lĩnh Nam.
*15 - Năm 433 dl người Lâm Ấp quấy phá rồi chiếm giữ phía Bắc Hải Vân.
Năm 1069 dl vua Chế Củ trả lại 3 châu cho Đại Việt, nay là vùng Quảng Bình, Quảng Trị.
Năm 1306 dl vua Chế Mân trả lại vùng đất nay thuộc Quảng Trị, Thừa Thiên, làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân.
* *
Về Chủ thuyết đã chi phối toàn bộ lịch sử Đông Á : ‘Thiên Tử Thế Thiên Hành Đạo’, đọc bàiĐẠI HỌA và TỬ HUYỆT CỦA TRUNG HOA.
_____________________
Nguyễn Thanh Đức 2013.