Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

NẾP SỐNG LÀNG THÔN

-2106 - NẾP SỐNG LÀNG THÔN
PHẬN VỤ và QUYỀN LÀM DÂN trong Văn Hóa Việt
TRUYỀN KỲ AN TIÊM

                        *5 - Điều kiện của Tự Do
                        *9 - Vấn đề Phổ Thông Đầu Phiếu 


1. DẪN NHẬP
Truyền kỳ AN TIÊM đưa An Tiêm ra đảo hoang trồng dưa, lập làng, là để giới thiệu Nếp Sống Làng Thôn theo Văn hóa Việt.
Đối với triều đình, mỗi Làng là một đảo xa ngoài biển khơi. Trong làng, người dân tự túc, tự lập, tự quyết cho chính mình.
Người dân không trực tiếp với vua quan, quyền chức, mà qua Làng. Làng là đơn vị đại diện cho người dân trước mặt chính quyền.
Định chế Làng-Nước, phép vua lệ làng, đã giúp người dân được hưởng nếp sống tự chủ, trong khi vẫn tích cực đóng góp và hòa điệu với nếp sống của cả Nước.
Cấu trúc và tương quan đặc biệt của thể chế Làng-Nước Việt, với tầm vóc thích đáng của Làng, bảo đảm cho mọi người Dân luôn có cái nhìn và tiếng nói thích đáng, vừa tầm độ. Do đó, người Dân thể hiện Quyền Kiểm Soát và Định Đoạt trong Việc Chung, bảo đảm nếp sống Dân Chủ đích thực và hữu hiệu.
Thể chế nầy là đặc điểm căn cội, giúp nếp sống Việt khác hẳn mọi thể chế chính trị khác.
Đây cũng là nền tảng của cuộc sống thực sự tự do, dân chủ, và hạnh phúc đúng nghĩa.
*     *     *     *
2. TRUYỀN KỲ AN TIÊM
An Tiêm là con nuôi của Vua Hùng, nhưng bị đày ra đảo hoang. Dầu An Tiêm cố công khai phá, đảo vẫn khô cằn, khiến An Tiêm càng thêm khốn đốn.
Bỗng một hôm, có con chim lạ bay ngang và để rơi mấy hột giống. Nhờ An Tiêm cố công chăm sóc, các hột giống đó mọc thành loại dưa thơm ngon tươi mát.
An Tiêm liền ghi dấu trên dưa và thả xuống biển. Nhiều người vớt được dưa nên tìm tới đảo. Từ đó đảo hoang trở thành làng thôn đông đúc.
An Tiêm gởi dưa về dâng vua. Nhờ vậy, nước ta có dưa hấu, và được dùng làm lễ vật cúng tế.
*     *     *     *
DIỄN TRUYỆN
3. GIỚI THIỆU VIỆC LÀNG
3.1 Người Dân Việc Làng.
a. Con nuôi.
Nhiều bàn văn đã dài dòng về gốc tích của An Tiêm, và về lý do khiến Vua Hùng đày An Tiêm ra đảo hoang.
Thực ra, nhìn trong toàn Bộ Truyền Kỳ, địa vị làm con nuôi của Vua Hùng cũng có ý nghĩa đặc biệt.
Ở Truyền kỳ Tiết Liêu và Truyền kỳ Chử Đồng, đã có hoàng tử Tiết Liêu, công chúa Tiên Dung và phò mã Chử Đồng. Ở đây có thêm con nuôi An Tiêm.
Xét theo công tác, ở Truyền kỳ Tiết Liêu, hoàng tử Tiết Liêu nhờ được Tổ dạy cách làm bánh chưng bánh dày, nên được làm vua để an Dân thịnh Nước. Ở Truyền kỳ Chử Đồng, nàng công chúa Tiên Dung, đã cùng với chàng không khố Chử Đồng, lo phát triển đời sống dân Nước.
Ở đây, An Tiêm không làm việc Nước rộng lớn, mà chỉ khai khẩn một đảo hoang thành xóm làng.
Như thế, Truyền kỳ nhấn mạnh lý lịch con nuôi là để giới thiệu An Tiêm cũng làm việc chung, nhưng ở tầm độ khác với công chúa và hoàng tử. An Tiêm làm việc Làng.
b. Con dân.
Lại nữa, theo quan niệm chính trị Việt, mọi người trong nước đều là con dân của vua, và đều được vua quan chăm sóc như mẹ cha chăm sóc đứa con mới sinh. Như vậy, mọi người dân đều là con nuôi của Vua Hùng.
An Tiêm chính là biểu trưng của mọi người dân trong nước.
* Vì những liên hệ mật thiết giữa việc Làng, việc Nước, và Nền tảng Sinh Hoạt Chung, ta nhìn Truyền kỳ An Tiêm trong tương quan với Truyền kỳ Tiết Liêu và Truyền kỳ Chử Đồng.*1
*     *
3.2 Quan Niệm Làng Thôn Việt.
a. Đảo hoang.
Sau khi giới thiệu quan niệm đặc biệt về vị trí của người dân, Truyền kỳ An Tiêm còn nhấn mạnh thêm : An Tiêm bị đày ra đảo hoang.
Bị đày ra đảo hoang, sống trên đảo hoang, là sống xa cách mọi người. An Tiêm không những xa vua, xa triều đình, mà cũng không liên lạc với những người có quyền lực.
Ở đảo hoang còn có nghĩa là phải tự lực tự túc trong mọi việc, từ việc sinh sống hằng ngày, tới mọi thích nghi, mọi quyết định lớn nhỏ. Tất cả đều do chính mình định liệu, và cũng chính mình lãnh nhận mọi hậu quả.
b. Do dân, dân chủ.
Đây là phần giới thiệu nếp sống đặc biệt của chế độ Làng Thôn Việt Nam. Khác với tổ chức chính trị của các văn hóa khác, quyền hạn vua quan Việt chẳng những không can thiệp vào đời sống từng người, mà cũng không xâm phạm cả nếp sinh hoạt của làng thôn. [Hoàn toàn xa khác với nếp sống Trung Hoa và phương Tây].
Đối với triều đình, mỗi làng là một đảo ngoài biển khơi. Trong làng, người dân tự lập tự quyếtcho chính mình.
Làng tự lập đến nỗi không những có một ban quản trị riêng, do chính dân làng bầu ra, mà còn có cả những điều lệ riêng cho hệ thống hành chính của làng. Làng có một ngôi đình để thờ vị Thần riêng, với những nghi thức do truyền thống riêng. Làng có cả tổ chức trị an riêng, với những tiêu chuẩn thưởng phạt do làng quy định. Và, dĩ nhiên, làng có tài sản riêng, và toàn quyền xử dụng theo nhu cầu.
Trong phạm vi làng, cả quyền phép của vua quan cũng kiêng nể những điều lệ riêng nầy. ‘Phép vua thua lệ làng’.
Không có chế độ nào người dân được toàn quyền, trực tiếp do dân và dân chủ hơn.*2
*     *     *     *
4. YẾU TỐ VIỆC LÀNG
4.1 Rồng Khai Phá.
An Tiêm ra đảo, như Cha Rồng ra biển, như Chử Đồng cũng đã ra biển, chính là hình ảnh Rồng ra biển vẫy vùng, để thi thố tài năng. Vì vậy, nói An Tiêm khai phá đảo hoang tức là mô tả việc mở mang vùng đất mới, khởi đầu công tác khai hoang lập làng, khai khởi việc chung.
Nhưng dầu An Tiêm cố công gắng sức, đảo vẫn khô cằn. Hình ảnh An Tiêm một mình trên đảo vắng, cũng nhắc nhớ hình ảnh chàng không khố Chử Đồng ở ven sông. Cả hai đều sống bên bờ nước, đều khổ sở đói khát, đều không nhà không cửa, không thân thuộc bạn bè... và dầu đã vận dụng toàn tài toàn sức, cả hai vẫn cứ phải sống trong khốn đốn.
*     *
4.2 Tiên Đem Mầm Sống.
a. Chim Tiên.
Cuộc sống đọa đày đó kéo dài cho tới ngày An Tiêm gặp được một con chim lạ.
Theo thường tình, chi tiết nầy thực kỳ quái. Tại sao sự tích lại không diễn tiến như nhiều truyện phiêu lưu khác ? Tại sao không cho An Tiêm gặp được giống dưa quý nơi hải đảo không người ? Như thế có phải hợp lý hơn không ? Tại sao lại phải có con chim lạ bay tới ? Thêm phiền phức, khó tin.
Nhưng đặc điểm lại ở chỗ khó tin đó. Như chàng Rồng Chử Đồng đã cô đơn đói lạnh cho tới lúc nàng Tiên Tiên Dung ghé lại, thì cuộc sống của Rồng An Tiêm cũng hoàn toàn thay đổi vào chính khi con chim xuất hiện. Chim là hiện biểu của Tiên, của tinh thần, truyền thống Việt.
b. Đem mầm sống.
Chim Tiên đem tới cho An Tiêm mấy hột giống.
Tuy nhỏ bé, hột giống sẽ nảy sinh thành lá thành cây, sẽ đơm hoa kết trái. Hột giống sẽ thay đổi bộ mặt của đảo hoang khô cằn.
Hột giống từ Chim nhấn mạnh tới sự góp phần của Tiên vào việc phát triển Cuộc Sống Con Người. Trước kia chỉ có Rồng, nên cùng cực, bơ vơ, cằn cỗi. Nay có thêm Tiên, cuộc đời vụt đổi mới. Có thêm Tiên, sự sống mới thực sự bắt đầu.
[Đây là Truyền kỳ, là biểu tượng, là bài học, không phải nguồn gốc việc dưa hấu xuất hiện ở nước ta].
*     *
4.3 Theo Văn hóa Việt.
a. Trọn Vẹn Tiên Rồng.
Như vậy, theo Văn hóa Việt, bất cứ công việc gì thuộc về Con Người, cũng phải trọn đủ hai phần Tiên Rồng.
Dầu có đem tài sức của Rồng ra khai phá, mà thiếu phần Tiên, tức là thiếu phần phát triển tinh thần, thì chẳng những không làm cho cuộc sống tươi tốt hơn, mà trái lại, càng làm cho con người thêm khốn đốn khổ cực.
Nếu chỉ để thu tích của cải lợi lộc, dầu dưới bất cứ hình thức nào, như chủ trương  của đế quốc, của thực dân, của tư bản, của cộng sản... thì chẳng những không giúp ích gì cho Con Người, mà còn làm cho Con Người thêm khốn khổ, biến Con Người thành nô lệ, thành thú vật, máy móc.
Phải có chim đem hột giống cho An Tiêm thì đảo hoang mới xanh tươi. Phải thể hiện trọn vẹn Tiên Rồng, thì mới thực sự làm ích cho Con Người.
b. Tiên Nào Rồng Nấy.
So sánh Truyền kỳ An Tiêm với Truyền kỳ Chử Đồng, ta lại thấy chàng Rồng An Tiêm có cách gặp Tiên khác với chàng Rồng Chử Đồng.
Cuộc đời Chử Đồng bừng sáng khi gặp mặt và chung sống với Tiên Dung, và cả hai, một Tiên một Rồng, một công chúa một không khố, một dùng của một dùng tài, cùng nhau chung sức phát triển cuộc sống dân nước.
Về phần An Tiêm, chàng đã không thực sự gặp gỡ cũng không chia sẻ cuộc sống với Tiên, mà chỉ được chim Tiên bay ngang cho mấy hột giống.
Tuy cũng là Tiên Rồng, nhưng Rồng nào Tiên nấy, Tiên nào Rồng nấy. Song hiệp.
*     *
4.4 Thành quả Công sức.
An Tiêm một mình gắng sức chăm sóc các hột giống. Nhờ An Tiêm cần cù làm việc, sự sống tươi mát đã xuất hiện và phát triển trên mảnh đất hoang vu.
Sau một thời gian, dây dưa đã sinh hoa kết quả thành trái cây tươi ngon giữa đảo hoang khô cằn.
Đây là hình ảnh sinh hoạt của từng người dân. Mỗi người dân luôn phải quyết tâm khai phá,khai khởi việc chung, thi thố tài năng để phát triển. Tuy nhiên, người dân cần được lãnh nhận mầm sống tinh thần thì cuộc sống mới đầy đủ, hạnh phúc.
Với chuyên lo chăm sóc, cần cù thực hiện, mỗi người sẽ hưởng nhận trọn vẹn thành quảcông khó của mình.
*     *     *     *
5. ĐẶC TÍNH VIỆC LÀNG
5.1 Chung Hưởng Lợi Ích.
Khi đã hưởng kết quả, An Tiêm ghi dấu hiệu thành công của mình trên dưa và thả dưa xuống biển. An Tiêm đã không độc quyền hưởng lợi, không coi đó là đặc quyền cá nhân, nhưng phổ biến lợi ích cho mọi người.
Đây cũng chính là đặc điểm của Văn hóa Việt. Trải suốt mấy ngàn năm, dân Việt luôn quan niệm tài sức của mình không phải chỉ để mình riêng hưởng, mà để giúp ích cho đời. Những người có tài, những kẻ ra làm quan, cũng đều để đóng góp cho việc chung, cho Làng cho Nước, để mọi người chung hưởng lợi ích.*3
*     *
5.2 Tự Ý Qui tụ.
Nhờ An Tiêm phổ biến loại dưa mới, nhiều người cũng được chung hưởng sự thơm mát của dưa, nên họ tìm tới đảo An Tiêm.
Đây cũng là đặc tính nền tảng của làng thôn Việt. Người dân tự ý tới ở, qui tụ thành làng. Tuy cách khởi lập các làng có khác nhau, nhưng điều kiện tiên quyết vẫn là lợi ích và sự tự quyết của những người qui tụ.
Không một người dân bình thường nào bị bó buộc phải cư trú tại một nơi nhất định. Họ có thể tùy thích tới ở hay bỏ đi, miễn là chính họ chấp nhận lệ làng nơi họ muốn gia nhập. Người Dân được tự ý qui tụ.*4
*     *
5.3 Chung Nhau Phát Triển.
Sự kiện những người gặp dưa nên tụ họp, và biến đảo hoang thành làng thôn sầm uất, đã nói lên công dụng và lợi ích của làng.
Làng được thành lập không chỉ vì lợi lộc vật chất, biến nơi khô cằn hoang vu thành phì nhiêu trù phú, mà còn đặc biệt vì lợi ích tinh thần, tức là giúp người dân thoát nạn bơ vơ vất vưởng, để cuộc sống sum vầy, đầm ấm, tươi mát hơn.
Tụ họp nhau thành làng, mọi người sẽ cùng nhau chia sẻ mọi cảnh sống, giúp nhau thắng vượt khó khăn, cùng nhau gánh trách nhiệm, cùng nhau vun xới cho đời thêm tươi. Chung nhau phát triển.
*     *
5.4 Đóng Góp Cho Nước.
Khi đảo hoang đã thành làng thôn, An Tiêm liền gởi dưa về dâng Vua Hùng.
An Tiêm tận lực dựng làng, nhưng vẫn không quên Vua Hùng đang lo việc nước. Dâng vua trái dưa mới, An Tiêm muốn báo tin sự thành công của mình trong công tác của một người con nuôi, của một con dân.
Hành động nầy không những thể hiện mối liên hệ mật thiết giữa Làng với Nước, mà còn xác định tầm quan trọng và tính cách đóng góp của Làng.
Nhờ An Tiêm, nhờ làng của An Tiêm, mà mọi người trong nước đều được hưởng một loại dưa mới, một sức sống mới, thơm ngon tươi mát.
Đối với nước, mỗi làng không những là một đóng góp cho Nước một cách thực tế, mà còn là một đóng góp đặc thù.
*     *
5.5 Sống thực bài học Làm Dân.
Dưa hấu đã trở thành lễ vật cần thiết dâng cúng Tổ Tiên trong các ngày tết lễ, như bánh chưng bánh dày.
Trong khi bánh chưng bánh dày là biểu hiệu của bài học Làm Việc Nước, thì dưa hấu nhắc nhớ phận vụ và trách nhiệm của người Làm Việc Làng, của mọi người dân.
Khi quy định dưa hấu và bánh chưng bánh dày là lễ vật thiết yếu trong việc kính nhớ Tổ Tiên, Tổ Tiên chúng ta đã đặc biệt nhấn mạnh tới tầm quan trọng của thể chế Làng-Nước. Kính nhớ Tổ Tiên thì phải nhắc nhớ các bài học Làng-Nước.
Mỗi lần cẩn thận tìm kiếm trái dưa tươi tốt, mỗi lần tỉ mỉ chuẩn bị trái dưa trước khi đặt lên bàn thờ, mỗi lần nhìn thấy trái dưa trong khung cảnh uy nghiêm hương khói... là một lần chúng ta được nhắc nhớ và được thúc đẩy thực thi trọn vẹn về Phận vụ và Quyền lợi của Người Dân, cũng như về trách nhiệm thể hiện và củng cố thể chế Làng-Nước.
MỖI NGƯỜI DÂN LÀ MỘT AN TIÊM.
*     *     *     *
6. KHÁC BIỆT VIỆC LÀNG VIỆC NƯỚC
6.1 Phần Chủ Động.
Cuộc sống khốn cùng của đảo hoang đã thay đổi từ khi Rồng An Tiêm được chim Tiên cho mấy hột giống. Nhưng chim chỉ bay ngang, mọi việc còn lại đều do An Tiêm đảm tráchRồng An Tiêm giữ phần chủ động trong việc vun xới chăm sóc vườn dưa.
Đang khi đó, ở việc phát triển Nước của Truyền kỳ Chử Đồng, người chủ động là nàng TiênTiên Dung. Tiên Dung tới bờ sông, Tiên Dung ‘khám phá’ ra Chử Đồng, Tiên Dung đem của cải mở phố xá...
Như vậy, trong Việc Làng Việc Nước, tuy cũng là Tiên cũng là Rồng, nhưng phần đặc trách và chủ động lại khác nhau.
Nàng Tiên Tiên Dung chủ động trong việc Phát Triển Nước, có nghĩa là trong việc nước, yếu tố trường cửu, truyền thống dân tộc và lòng dân với nước, là chính yếu, là động lực.
Ở việc Làng, trong đời sống dân làng, tuy phải có phần sức sống tinh thần chung của dân tộc, nhưng Rồng chủ động, tức là nhấn mạnh tới cuộc sống thực tế, tới tài trí của cải thiết thực trước mắt.
*     *
6.2 Tầm Dấn Thân.
Cuộc sống trên đảo hoang đã thay đổi từ khi An Tiêm được hột giống. Chàng chuyên chú vun xới để dần dần những hột giống đó biến đảo hoang khô cằn thành vùng đất xanh tươi.
So sánh với Truyền kỳ Chử Đồng, Tiên Dung và Chử Đồng đã để trọn tâm huyết và cuộc đời vào việc phát triển Nước. Nàng bỏ cuộc sống cũ, đem tất cả của cải nâng cao mức sống người dân; chàng đi vẫy vùng thăng tiến và truyền dạy tài năng. Mọi người cùng làm, cùng gắng sức, tận tâm tận lực.
Đang khi đó, ở đây, Truyền kỳ An Tiêm, việc biến đảo hoang thành Làng, Tiên bay ngang để rơi mấy hột giống, rồi Rồng chăm sóc vun xới. Tầm độ giản dị hơn nhiều.
Như vậy, Việc Làng và Việc Nước khác nhau ở tầm dấn thân hành động. Tuy cùng dấn thân, nhưng Việc Nước đòi trọn vẹn cuộc sống, Việc Làng vừa đủ nhu cầu.
*     *
6.3 Độ Tài Trí.
So sánh với bài học An Dân ở Truyền kỳ Tiết Liêu, việc An Tiêm vun xới và chờ hưởng hoa quả, lại cho thấy sự khác biệt giữa tầm độ vận dụng tài trí cần thiết.
Tiết Liêu đã phải làm bánh, tức là phải đem tài trí và sức lực mà cải tiến cho cuộc sống người dân ngày thêm no ấm vững ổn hơn. An Tiêm thì chỉ chăm sóc rồi chờ hưởng kết quả, không phải chế biến.
Không như khi làm Việc Nước, Việc Làng nhẹ công hơn và cũng ít cần vận dụng tài trí hơn.
*     *
6.4 Loại Nhu Yếu.
Sau một thời gian được chăm sóc, loại cây của An Tiêm nảy sinh một thứ trái cây mới : dưa hấu. Đảo hoang cằn cỗi không những được tô điểm màu lá thắm tươi, mà còn được những trái mọng nước thơm ngon.
Trong Việc Nước, Tổ Tiên dạy Tiết Liêu công tác chính yếu là lo về gạo, tức là về những nhu yếu căn bản của cuộc sống người dân. Ở đây, Việc Làng, An Tiêm chỉ có được thêm loại dưa mới. Dưa cũng là loại phẩm vật hữu ích, nhưng không thiết yếu cho sự sống. Dưa chỉ làm cho đời thêm tươi mát, thêm ngọt ngào.
Việc Làng Việc Nước cũng khác biệt nhau về tầm đáp ứng các loại nhu yếu của đời sống Con Người.
*     *
6.5 Hai Loại Công Tác Chính Trị.
Như vậy, Việc Làng và Việc Nước khác nhau từ phần chủ động, tới mức dấn thân, độ tài trí, và cả loại nhu yếu.
Sự phân biệt nầy đã được thể hiện rõ ràng trong suốt dòng lịch sử dân tộc.
Từ thời xa xưa, ta luôn phân biệt hai loại công tác chính trị : công tác làng và công tác nước.
Người dân làng, bất cứ ai cũng có thể làm việc làng, bất cứ ai cũng có quyền can dự vào việc tổ chức, điều hành, bầu cử, quyết định của làng.
Nhưng để đủ tầm vóc làm việc nước thì phải học hỏi thông thạo việc an dân và phải được thi tuyển để xác định khả năng, như Tiết Liêu cũng đã vượt qua cuộc thi Tìm lễ vật dâng cúng Tổ Tiên. Thời xưa đi học là để giúp an dân thịnh nước, và vừa thi đậu là có thể lên ngựa ra trận dẹp giặc.*5
Sự phân loại nầy là kiệt tác quan trọng không những đã giúp Tổ Tiên chúng ta ngăn chận nạn chuyên chế thời xưa, mà còn giúp chính chúng ta giải quyết những tệ đoan của nạn dân chủ đấu thầu, với thủ đoạn phổ thông đầu phiếu mị dân hiện nay.
*     *     *     *
7. TƯƠNG QUAN LÀNG NƯỚC
7.1 Làng Đại Diện Dân.
Khi gởi dưa về dâng vua, An Tiêm đã xử sự như là người đại diện của làng mới.
Khi góp phần vào việc nước, làng là đơn vị đại diện người dân. Trong truyền thống chính trị Việt, vua quan không trực tiếp với người dân, mà qua làng. Trong tất cả mọi việc, từ tiếp xúc, lịnh truyền, tới sưu thuế, lính tráng... nước chỉ căn cứ vào làng, liên lạc với làng, và theo khả năng của toàn làng mà định phần đóng góp.
Làng là Đơn vị Dân. Làng chu toàn phận vụ người Dân đối với Nước. Đối với Nước, không có từng người Dân, mà qua Làng.
Như thế, Làng là đơn vị nền tảng của cơ cấu chính trị. Nước điều hợp các Làng.
[Đang khi đó, Gia đình là đơn vị nền tảng của xã hội, cộng đoàn, Dân Tộc].
*     *
7.2 Làng Thể hiện Cuộc Sống Xứng Đáng.
Điểm cốt yếu của cơ cấu Làng Việt là tính cách tự lập và độc lập của Làng đối với Nước.
Đối với Nước, Làng là đảo xa, Làng tự ý qui tụ, Làng có hệ thống riêng về hành chánh, kinh tế, an ninh, luật lệ, tôn giáo, xã hội.
Người Dân Làng tự lập tự quyết cho chính mình, tự mình thẩm định, chọn lựa, và thực hiện cuộc sống của mình. Phép vua cũng phải kiêng nể.
Như thế, Dân Làng chủ động kiến tạo và thừa hưởng một cuộc sống No Ấm an vui tốt đẹptheo ý mình, thể hiện Cuộc Sống Xứng Đáng như mình muốn. Người Dân sống đời xứng đáng Con Người.*6
*     *
7.3 Làng Thể hiện Nếp Sống Chung.
Hơn nữa, nhờ Làng là đơn vị Dân, khác với các thể chế khác, người dân không phải đơn độc đương đầu trực diện với cơ quan quyền lực, mà còn được làng xóm, và bà con thân thuộc, chia sẻ, trợ giúp, bù đắp, bảo bọc... Miễn là làng chu toàn được công tác chung.
Nhờ đó, đối với người dân, làng trở thành một bức tường che, một mái ấm, một bảo đảm vừa vật chất vừa tinh thần, vừa thực tế và vừa pháp lý.
Trước quyền lực của Nước, Làng trở thành sức mạnh chung của toàn thể người Dân trong Làng.
Nhờ đó, người Dân Làng sống Nếp Sống Chung tốt đẹp, thể hiện Đặc tính Xã Hội Bẩm Sinhcủa Con Người.
Việc Chung Sống, Quyền Chung Sống, Quyền Kết Đoàn, là Quyền Nền Tảng Bẩm Sinh của Con Người.
Trong tương quan giữa Nước và Dân, LÀNG LÀ ĐƠN VỊ THỂ HIỆN QUYỀN SỐNG CHUNGcủa người Dân.*7
*     *
7.4 Làng Thể hiện Dân Chủ Đích thực.
a. Tầm Nhìn và Tiếng nói người Dân.
Cấu trúc và tương quan đặc biệt của thể chế Làng-Nước Việt bảo đảm cho mọi người Dân luôn có cái nhìn và tiếng nói thích đáng, vừa tầm độ.
Nhờ trình độ thích hợp, người Dân có thể nhận định, phán đoán và quyết định những kế hoạch và công cuộc trực tiếp ảnh hưởng tới cuộc sống của chính mình.
Do đó, người Dân thể hiện Quyền Định Đoạt và Kiểm Soát trong Việc Chung, bảo đảmnếp sống Dân Chủ đích thực và hữu hiệu.
b. Tầm vóc thích đáng của Làng.
Cũng do đó, tầm vóc của Làng thay đổi theo tầm độ hiểu biết và tham gia của người Dân. Địa vực, hình thái, tầm sinh hoạt... của làng, cũng phải được cải tiến theo đà phát triển, cho sống động hiện thực. Trình độ nầy tùy thuộc nhiều yếu tố, như học vấn, giáo dục, truyền thông, việc phát triển chung...*8
Tuy nhiên, cấu trúc của Làng không thể quá lớn, quá phức tạp, vượt khỏi tầm hiểu biết, nhận định, kiểm soát và tham gia của người dân.*9
*     *
7.5 Định chế chính trị.
Đây không phải chỉ là một nếp sống tự phát, mà đã được Tổ Tiên ta biến thành một thể chế chính trị : Định chế Làng-Nước.
Vẫn biết, ở bất cứ nơi nào và thời nào, những kẻ có ưu thế cũng đều muốn củng cố quyền lực riêng. Nhưng văn hóa và đại chúng Việt đã luôn quyết tâm sống thực, bảo vệ, và kiện toàn định chế nầy.
Thể chế Làng-Nước, phép vua lệ làng, đã giúp người dân nước ta được hưởng nếp sống tự chủ thích đáng, trong khi vẫn tích cực đóng góp và hòa điệu với nếp sống của cả nước.
Thể chế nầy là đặc điểm căn cội, giúp nếp sống Việt khác hẳn mọi thể chế chính trị khác.*10
*     *
7.6 Người Dân và Quyền Lực.
a. Hiện trạng.
Từ xưa, nhiều nền văn hóa luôn bắt từng Con Người đơn độc phải gánh chịu mọi tai ách do giới quyền thế áp đặt. Thuế má, sưu dịch, quân vụ... đều trực tiếp tới từng người.
Hiện nay, hầu hết các cơ chế chính trị, không những đã biến đổi mọi tổ hợp phục vụ người dân thành phương tiện phục vụ giới đặc quyền, mà lại còn làm mọi cách để phá hủy tổ ấm gia đình và những cơ chế bảo bọc Con Người.
Với cơ cấu tổ chức Quyền lực hiện nay, với áp lực ngày càng lớn mạnh của các tổ chức quốc tế, với những trói buộc ngoại giao, kinh tế, tài chính, quân sự, mọi mặt... quyền lực của nước, của ngân hàng, của công ty, của các trào lưu xã hội, văn hóa, truyền thông... ngày càng thêm đè nặng trên người Dân.
Người dân càng ngày càng trở nên đơn độc, nhỏ nhoi và bất lực trước những bộ máy quyền thế ngày một thêm to lớn, tinh xảo và bức hiếp.
[Cần phân biệt nền tảng xã hội, chính trị, với phương tiện kinh tế, kỹ thuật. Không để phương tiện, tiện nghi... lấn áp và hủy hoại cuộc sống đích thực Con Người. Nhưng thích ứng để tăng trưởng Con Người toàn diện].
b. Quyền Làm Dân.
Vấn đề hiện nay là cần phong trào củng cố Quyền Làm Dân, thiết lập cơ chế giúp người Dân bộc lộ Sức Mạnh để buộc giới quyền lực luôn thể hiện Quyền Sống Xứng Đáng Làm Người vàQuyền Chung Sống của con người.
Mục tiêu là cải tổ cơ cấu để giúp người Dân luôn thể hiện Quyền Định Đoạt và Kiểm soát, bảo đảm nếp sống Dân Chủ.
Động lực là Niềm Hãnh Diện Làm Người nơi mỗi người, và thăng tiến Tình Nghĩa Làm Ngườitrong đời sống xã hội, như ở Văn Hóa Việt.
Nền tảng thể chế Làng-Nước Việt và sách lược Cứu Nước Cứu Người của Văn hóa Việt, sẽ giúp Con Người thoát khỏi gọng kềm các chế độ hôm nay, và thể hiện thích đáng Quyền Sống Làm Người, Làm Dân.*11
*     *     *     *
8. TÓM LƯỢC VÀ SƠ ĐỒ
8.1 Tóm Lược.
a. Truyền kỳ An Tiêm : Nếp Sống Làng Thôn.
a1. Giới thiệu Việc Làng : Quan niệm Làng thôn Việt
1. An Tiêm con nuôi vua Hùng : mọi người là con dân của vua : người Dân
2. Ra đảo hoang : tự lực tự túc : Dân toàn quyền trong làng : do dân và dân chủ.
a2. Yếu tố Việc Làng.
1. An Tiêm khai phá đảo hoang : khai hoang lập làng : Rồng khai phá.
2. khô cằn : cuộc sống khốn đốn.
3. Chim lạ bay tới : chim là hiện biểu của Tiên, tinh thần, truyền thống Việt.
4. Cho hột giống : đem mầm sống : có Tiên, sự sống mới khởi đầu.
5. Theo Văn hóa Việt : - Trọn vẹn Tiên Rồng : trọn vẹn vật chất và tinh thần, mới thực sự giúp ích cho con người. - Tiên nào Rồng nấy.
a3. Thành quả Công sức.
1. An Tiêm chăm sóc : cần cù thực hiện, làm việc.
2. Cây sinh hoa kết quả thơm ngon : An Tiêm hưởng nhận thành quả.
3. Sinh hoạt Người Dân : Khai khẩn việc chung, Lãnh nhận mầm sống, Cần cù thực hiện, Hưởng nhận thành quả.
a4. Đặc tính của Làng.
1. An Tiêm thả dưa xuống biển : chung hưởng lợi ích.
2. Được dưa, dân tìm tới đảo : tự ý qui tụ.
3. Thành làng thôn : công dụng và lợi ích của làng : chung nhau phát triển.
4. An Tiêm gởi dưa về dâng vua : liên hệ Làng - Nước. Đóng góp cho nước.
a5. Sống Bài học Làm Dân.
Dưa hấu thành lễ vật dịp Tết Lễ : nhắc nhớ và thúc đẩy thực hiện Nếp sống Làng Thôn, củng cố thể chế Làng-Nước.
b. Khác biệt giữa Làng-Nước.
1. Phần chủ động : - Việc Làng : Rồng chủ động, nhấn mạnh cuộc sống thực tế. - Việc Nước : Tiên chủ động, tinh thần chung của Dân tộc.
2. Tầm dấn thân : - Việc Làng : vừa đủ nhu cầu. - Việc Nước : trọn vẹn cuộc sống.
3. Độ tài trí : - Việc Làng : nhẹ công, ít cần vận dụng. - Việc Nước : toàn bộ tài trí.
4. Loại nhu yếu : - Việc Làng : dưa hấu, trái giải khát. - Việc Nước : gạo, thiết yếu cho cuộc sống.
5. Hai loại Công tác Chính trị : - Việc Làng : mọi người có thể tham gia. - Việc Nước : phải thông thạo việc an dân.
Tầm quan trọng : - Xưa : ngăn chận chuyên chế. - Nay : giải quyết đầu phiếu mị dân.
c. Tương Quan Làng Nước.
1. Làng đại diện Dân : chính quyền không trực tiếp trên người dân.
2. Dân Làng chủ động, tự lập, độc lập : thể hiện cuộc sống theo ý mình, Sống Đời Xứng Đáng.
3. Làng là tường che, sức mạnh : thể hiện Nếp Sống Chung, Quyền Chung Sống.
4. Hợp trình độ : thể hiện quyền Định đoạt và Kiểm soát, thể hiện Dân Chủ đích thực.
5. Quyền Làm Dân : Quyền Sống Xứng Đáng Làm Người và Quyền Chung Sống.
*     *
 
*     *     *     *
*1 - Đọc bài 2105 Làm Việc Nước; và bài 2104 Nền tảng Sinh Hoạt Chung.
*2 - Người Dân Phương Tây, Tự do, Dân chủ.
a. Dân là nô lệ, nông nô.
Cách sống của dân Việt khác xa với tình cảnh người dân ở các xã hội phương Tây, thời xưa và cả hiện nay.
Phong kiến phương Tây coi người dân là nô lệ. Dân không được ra khỏi vùng đất của lãnh chúa, không được có tài sản riêng, và phải tin theo giáo phái của lãnh chúa.
b. Chiêu bài Tự do, Bình đẳng, Dân chủ.
Thời biểu dương chủ nghĩa Tự do Bình đẳng phương Tây, từ thế kỷ 18 dl, lại cũng là thời mà hầu hết mọi dân tộc trên thế giới bị chính những người hô hào Tự do Bình đẳng đó bóc lộtđàn áphành hạ, và tàn sát... thẳng tay nhất. Chính sách thực dân của họ cho tới nay vẫn chưa hết ảnh hưởng kinh hoàng.
Tuy nhiên, không chỉ các dân tộc xa lạ mới bị chủ nghĩa Tự do Bình đẳng phương Tây biến thành nô lệ. Chính dân chúng phương Tây cũng bị bọn hưởng đặc quyền, qua chiêu bài Tự do Bình đẳng, bóc lột đến ghê tởm. Nhìn lại cảnh sống dân chúng Châu Âu thế kỷ 19 mà rùng mình.
Chính sự bóc lột tàn ác của Tự do Bình đẳng phương Tây đã gây phản ứng ra nhiều chủ nghĩa và phong trào, trong đó có Cộng sản... để rồi nhân loại lại càng khốn khổ hơn !
Sau hơn 200 năm cổ võ 'Tự do Dân chủ', nạn kỳ thị chủng tộc và Nô lệ vẫn là hiện thực trên đất Mỹ...
c. Nhóm đặc quyền.
Dầu ở chế độ gọi là Dân chủ hiện nay, người dân cũng chỉ bầu phiếu theo hình thức. Tất cả mọi quyền khác, kể cả quyền tuyển chọn người đại diện đích thực, đều nằm trong tay những nhóm đặc quyền.
Các nhóm đặc quyền đặt ra luật, sửa đổi luật, và áp dụng luật để cho chính mình được vững thế và hưởng lợi nhiều nhất.
Còn người dân thì... !
- Về người dân Trung Hoa, đọc bài 1202 Đại họa và Tử huyệt của Trung Hoa, đoạn 4.1 và 5.3.
*3 - Khác với các văn hóa và chế độ gốc du mục, Tây cũng như Đông, xưa cũng như nay. Với chế độ tư bản hiện nay, cần đặt lại tận gốc vấn đề Lương Bổng các ngành chuyên môn, Bản quyền, Thuế Vụ... giữ cho quân bình.
*4 - Với người dân phương Tây, tự do cư trú và tự do sinh sống là những quyền mới được công nhận gần đây. Dầu vậy, Quốc xã, Phát xít, các chế độ độc tài... vẫn không thực thi.
*5 Điều kiện tiên quyết của Tự Do là Tự Chủ. Điều kiện tiên quyết của Tự Chủ là Tự Quyết, quyền được tự mình quyết định. Điều kiện của Tự Quyết là Khả Năng Nhận Định và Ý Thức Trách Nhiệm.
Vì vậy, phải tùy Khả Năng Nhận Định và Ý Thức Trách Nhiệm của đương sự đối với từng vấn đề mà xét định tầm độ của Tự Quyết.
*6 - Về Quyền Sống Xứng Đáng Làm Người, đọc thêm bài 2105 Làm Việc Nước, mục 6.2e.
*7 - Thể chế nầy xa lạ với lịch sử của nhiều dân tộc, Tây cũng như Đông. - Thời gần đây, một số thể chế cũng thành lập nghiệp đoàn, công đoàn. Nhưng vì thiếu nền tảng vững chắc, nên đã dễ dàng bị giới quyền lực khống chế.
Về Quyền Chung Sống, đọc thêm bài 2105 Làm Việc Nước, mục 6.3e.
 *8 - Thể thức nầy cũng ứng dụng cho mọi tổ chức, hội đoàn.
*     *
*9 - Vấn đề Phổ Thông Đầu Phiếu.
a. Vượt khỏi Tầm tay người Dân.
Các nước phương Tây hiện nay luôn cao rao phương thức Phổ Thông Đầu Phiếu.
Thế nhưng, Phổ Thông Đầu Phiếu là gì, khi mà sinh hoạt chính trị bị cướp ra khỏi tầm tay của người dân ? Người dân được hưởng gì, khi mà Phổ Thông Đầu Phiếu trở thành phương tiệntranh đoạt đặc quyền của những người chủ trương mưu mô thủ đoạn và mạnh được yếu thua ?
Người dân chọn lựa được gì, khi mà khu vực bầu phiếu luôn được phân chia theo tiêu chuẩn lợi ích cho đảng cầm quyền ?
Dân bầu người đại diện mình, nhưng đại đa số cử tri không thể biết mục tiêu thực sự của ứng cử viên.
Dân biểu đại diện dân, để tranh đấu cho nguyện vọng người dân, nhưng lại không được quyền phát biểu và biểu quyết trái với đường lối của đảng !
Dân biểu thay mặt dân, nhưng từ ngày đắc cử, hắn đương nhiên gia nhập vào nhóm đặc quyền, và hưởng nhiều đặc lợi suốt đời.
Khi vận động, các đảng ứng cử quảng cáo rầm rộ nhiều chương trình cải tiến, nhưng không gì bảo đảm họ sẽ thực thi.
Gần ngày bầu cử, lá phiếu được vận động bằng những đặc ân tạm bợ, những hứa hẹn mị dân, lật lọng.
Ngày bầu cử, dân bầu người được đề cử làm thủ tướng. Nhưng sau đó đảng toàn quyền truất phế vị thủ tướng đã được dân bầu !
Người dân sẽ thực sự được gì ?...
Tất cả đều hằn vết của một phương thức mất nền tảng, của một chế độ suy thoái.
b. Cơ chế đoản hạn.
Hơn nữa, nhiệm kỳ hiện nay, 4-6 năm, chỉ thích hợp cho việc điều hành những chương trình ngắn hạn.
Cần thêm cơ chế thực hiện lợi ích lâu dài và hệ trọng cho Dân tộc, cho Nhân loại. [Như chống ngoại xâm, điều hành cuộc chiến kéo dài, cải tổ những cơ chế đang áp đảo con người, áp đảo xã hội... ở mọi phương diện].
*     *
*10 - Hiện nay có dạng cơ chế Liên bang - Tiểu bang. Tuy nhiên, vấn đề nền tảng vẫn là không để cơ chế vượt quá Tầm Định đoạt và Kiểm soát của Người Dân. [Tiểu bang quá lớn].
*11 - Đọc thêm bài 2110 Việc Cứu Nước Cứu Người.
_____________________
Nguyễn Thanh Đức 2013.

Tổng số lượt xem trang