Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Việt Nam: 8 người dân phải còng lưng nuôi 1 quan chức

-Việt Nam: 8 người dân phải còng lưng nuôi 1 quan chức -
Tư Ngộ/Người Việt
HÀ NỘI (NV) .- Đổ đồng cứ hơn 8 người dân thì phải còng lưng nuôi một ông cán bộ, quan chức ăn lương của nhà nước CSVN, từ kẻ đang làm việc đến những ông bà đã nghỉ hưu.

Một phụ nữ gánh hàng bán rong trên đường phố Hà Nội, kiếm ăn qua ngày. Cứ hơn 8 người dân lại phải cong lưng nuôi một quan chức. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)


Trong Chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 22 tháng Ba, 2015 trên truyền hình tại Việt Nam, ông Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho hay “Hiện nay cả nước có tới 11 triệu người ăn lương, hưởng lương và mang tính chất lương”, theo sự tường thuật của tờ Đất Việt hôm Thứ Hai 23 tháng Ba, 2015.

Lương tiền quan chức, cán bộ từ trung ương tới địa phương trong guồng máy đảng và nhà nước CSVN đều do tiền thuế của dân đóng góp dưới nhiều hình thức, từ thuế đến phí rất nặng.

Theo thống kê đưa ra hồi năm ngoái, dân số Việt Nam đến cuối năm 2014 ước khoảng 91 triệu người. Như thế, tính trung bình, cứ 8.27 người dân phải còng lưng nuôi một ông cán bộ, đảng viên, bất kể là đang làm việc hay đã về hưu.

Để có tiền nuôi một guồng máy cai trị cồng kềnh và vô cùng đông đảo nhưng kém hiệu quả, hàng trăm loại thuế và phí đã được nhà cầm quyền từ trung ương tới địa phương đẻ ra dù là bất hợp lý. Trong một bản tin hồi Tháng bảy 2014, báo Tuổi Trẻ cho hay nhiều loại thuế, phí, quỹ đánh tên đầu nông dân theo đầu người hoặc theo đầu gia súc, gia cầm, diện tích đất khiến người dân trở nên bần cùng thường trực.

Trước đó, tờ Thanh Niên thuật lời một nông dân than rằng “Tiền lãi suất, tiền phân bón, tiền phí này nọ, tiền quỹ này kia... tùm lum nên khi thu hoạch, bán lúa xong thì trong tay nhà nông không còn được bao nhiêu tiền...”

Cách đây hơn một năm, ông Nguyễn Xuân Phúc, phó thủ tướng của chế độ nhìn nhận khoảng 30% cán bộ viên chức nhà nước thuộc loại ăn bám “có cũng được mà không cũng được”, sáng xách ô đi tối cắp về. Nhiều độc giả bình luận tin trên báo ở Việt Nam nói không ít những ông bà đó là các thành phần “5C” tức là “Con Cháu Các Cụ Cả”.

Tuy lương bổng của công chức tại Việt Nam chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu tối thiểu của cuộc sống như lời xác nhận của ông phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ngày 9 tháng Ba, 2015, báo Vietnamnet tường thuật, guồng máy hành chính của chế độ vẫn ngày một phình ra to hơn dù năm nào cũng có các cuộc họp về “tinh giản biên chế”. Người ta "chạy chức" mua những chỗ ngồi trong guồng máy cai trị của chế độ để có cơ hội tham nhũng hay ăn hối lộ.

Trong “Chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” nói ở trên, ông Nguyễn Thái Bình lại “nhấn mạnh” đến chuyện “ Tinh giản biên chế thực sự đạt kết quả như mong muốn” với các kế hoạch “cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc phục vụ nhân dân và cải cách chính sách tiền lương...”

Các kế hoạch này từng được đề cập đến cả chục năm qua trong sự thúc giục thường xuyên của các định chế tài trợ quốc tế nhưng vẫn chỉ là những phiên họp và những lời bàn suông.

Chính ông Nguyễn Thái Bình từng phản bác lại ý kiến của ông Nguyễn Xuân Phúc khi ông cho rằng chỉ có “khoảng 1% cán bộ, công chức không hoàn thành công việc được giao.”

Bây giờ, ông Nguyễn Thái Bình lại cho biết trong cuộc hỏi đáp là “từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xây dựng một kế hoạch về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.”



Không biết đến bao giờ thì dự án này sẽ được thi hành và như vậy, bao nhiêu người dân vẫn phải oằn lương cõng một quan chức nhà nước? (TN)



-Ai là người tử tế-
S.T.T.D. Tưởng Năng Tiến
  • “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, cần phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên.”
  • “Đất nước đã mắc phải một giống vi trùng có tên gọi tính đảng nó kháng lại mọi yêu cầu tử tế của con người.”
Từ Vọng Các, Mặc Lâm bay tuốt luốt qua Nam Vang rủ nhậu:

  • Ê, kiếm chỗ nào ngồi uống sương sương vài ly cho nó có chút hương vị đầu Xuân nha.
  • Tưởng gì chớ uống thì bất kể Xuân, Hạ, Thu, Đông ... gì tui cũng chịu liền.
Mặc Lâm đi cùng với Sơn Trung, thông tín viên mới nhất (và chắc cũng nhỏ tuổi nhất) của RFA đang cư trú tại Phnom Penh.
Tôi rất hài lòng với người bạn trẻ vừa quen: nhanh nhẹn, thông minh, và (xem chừng) đôn hậu. Ghé quán Ngon Restaurant, chúng tôi gọi “liều” một chai Johnnie Walker Black Label. Thấy cái gíá 40 MK mà gần muốn “đứt ruột” luôn nhưng rồi đành tặc lưỡi: “Thôi chả gì thì cũng mừng tân niên, mỗi năm chỉ có mật lần, và cũng là dịp mừng một tân đồng nghiệp.”
Đêm giao thừa vừa rồi, nằm chèo queo mình ên ở nhà trọ buồn gần chết tôi bèn lò dò ra phố, đang đi lơ ngơ thì chợt thấy một chai Ballatine’s bám bụi đứng co ro trong góc một quầy hàng. Ngó “thương” quá mà giá cả cũng nhẹ nhàng thôi (nên) nên tôi “ẵm” liền, sợ chậm. Vừa về tới nhà là lật đật vặn nắp tu liền: rượu giả! Đ...mẹ, cái con bà nó. Khi khổng khi không (cái) mất tiêu 15 U.S.A dollar, lảng xẹc!
Bữa nay thì rượu thiệt (và vì “vật vã” đã lâu) nên tôi tợp liền liền. Vừa cạn ly đầy, lại đầy ly cạn. Rượu ngon, bạn hiền nhưng chỉ có mình ên tui là vô cùng hào hứng còn Mặc Lâm – không hiểu sao – bỗng ưu tư quá cỡ về chuyện nhân quần và cứ nói hoài cái cuộc phỏng vấn mới rồi (“Chuyện Tử Tế Ngày Nay”) với đạo diễn Trần Văn Thủy, cùng rất nhiều buồn bực về tình trạng “đạo đức xuống cấp, văn hoá xuy đồi của” của cả nước Việt Nam.
Tôi sốt ruột (“biết rồi khổ quá”) ngắt ngang:
- Tôi có nghe hai ông “mạn đàm” trên RFA rồi. Hay lắm. Người hỏi đã hay mà kẻ đáp còn hay hơn nữa nhưng chuyện này toàn thể đồng bào, cũng như toàn thể nhân loại, cũng đều đang rất quan tâm nên xin cứ an lòng mà ... uống vài ly đi đã. Để lâu rượu bốc hơi, nhạt mùi, tội chết.
Nói đến vậy mà đương sự (ngó bộ) vẫn còn băn khoăn lắm nên tôi lại phải thêm:
  • Bữa trước, G.S. Nguyễn Văn Tuấn còn bàn về “thứ hạng tử tế” của Việt Nam nữa kìa.
  • Có cái vụ đó nữa sao?

      -Sao không, coi nè.

Vừa nói, tôi vừa mở smartphone – mới sắm hồi hôm, cho kịp với trình độ văn minh nhân loại – kiếm tuan's blog chìa liền:

Tính chung, thứ hạng về tử tế của Việt Nam trên thế giới đứng hạng áp chót (124/125). Điều đáng nói hay cũng có thể xem là nhục là thứ hạng tử tế của VN chỉ đứng chung bảng với mấy nước “đầu trâu mặt ngựa” như Lybia, Iraq, Zimbabwe, Yemen...
Sự bủn xỉn của VN thể hiện rõ nhất qua đóng góp vào quĩ dành cho nạn nhân sóng thần ở Nhật vào năm 2011. Trong đợt đó, Chính phủ VN đóng góp 200,000 USD. Chỉ hai trăm ngàn USD! Chúng ta có thể lí giải rằng VN còn nghèo nên đóng góp như thế là hợp lí. Nhưng lí giải đó có lẽ không thuyết phục. Thái Lan đã giúp nạn nhân sóng thần Nhật 65 triệu USD và 15 ngàn tấn gạo. So với tỉ trọng GDP, đóng góp của Thái Lan hơn VN 100 lần. Chúng ta có thể nào tự hào với mức độ đóng góp chỉ có thể mô tả bằng hai chữ "bủn xỉn" đó?
Ngược lại, VN đã và đang là một gánh nặng cho thế giới. Sau 1975, hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi và các nước phương Tây đã cung cấp nơi định cư (nhưng VN thì chẳng nhận người tị nạn từ Duy Ngô Nhĩ). VN cũng là nước chuyên xin xỏ: suốt năm này sang năm khác, quan chức VN ngửa tay xin viện trợ từ rất nhiều nước trên thế giới. Xin nhiều đến nỗi có quan chức nước ngoài phàn nàn nói "Sao chúng mày nói là chúng mày rất thông minh và cần cù mà cứ đi xin hoài vậy. Dân xứ tao phải làm lụng vất vã mới có tiền cho chúng mày". Thật là nhục...
Nói nào ngay, bị xỉ vả cỡ đó, cũng chưa “nhục” gì cho lắm. Nhà văn Trần Đĩnhcòn trích lời của một thằng cha tham tán thương mại Ba Lan (nào đó) nghe nhục nhã hơn nhiều:
“Với chúng mày tốt nhất là đưa chúng mày ra một hòn đảo hẻo lánh giữa Thái Bình Dương rồi thế giới góp tiền nuôi và mọi người nhờ thế mà được yên ổn.”
Bị thiên hạ liệt vào hạng “đầu trâu mặt ngựa” nên họ muốn xua đuổi ra tuốt “một hòn đảo hẻo lánh” (cứ như bệnh nhân cùi hủi hồi xa xưa vậy) thì cũng không oan uổng gì cho lắm nhưng ăn ở cư xử ra sao mà tai tiếng dữ vậy cà? Muốn biết, xin nghe qua vài câu chuyện (nhỏ) liên quan đến cuộc sống của giới quan chức lãnh đạo nước CHXHCNVN – vẫn theo lời Trần Đĩnh:
  • “Trường Chinh chết, Hồng Ngọc, vợ Hoàng Minh Chính và Hà, con gái cả đến nhà chia buồn. Hai mẹ con về, Đặng Xuân Kỳ tiễn. Kỳ vừa đi qua sân sỏi vừa nói: ông cụ tôi ngoài không dám ăn uống bất cứ thứ gì. Họp Bộ chính trị với Trung ương cũng uống nước của nhà mang theo và nếu không về nhà ăn trưa được thì ông cụ nhịn.” (Trần Đĩnh. Đèn Cù, tập II. Người Việt, Westminster, CA: 2014).
  • “Khi Long đã mệt, tôi đến thế nào anh cũng bắt tôi đưa anh đi dạo một vòng phố. Từng bước nhích rất chậm, kiểu như đi dè cho được ngâm mình lâu trên đường.
      Một bữa đến đầu Dã Tượng ra Lý Thường Kiệt, anh nhìn vào toà biệt thự bên trái mà có lần anh bảo ông Đồng có   người quen, thân thiết ở đây, rồi nói khẽ với tôi: Tôi đến ông Đồng, ông ấy thường kéo tôi ra vườn nói chuyện.   Nghe nói mũ của trung uý Dương con ông ấy cũng bị gài rệp nghe trộm ở ngôi sao đằng trước mũ.
Tôi sững nhìn Long. Long biết thì ông Đồng tất biết! Sao biết mà cam nhẫn chịu cho đồng chí của mình dò la, nghe trộm mình? Ôi, các lãnh tụ của phong trào giải phóng đất nước và loài người mà không phá nổi vòng kiểm soát của đồng chí. Bữa ấy tôi hiểu cả tại sao Võ Nguyên Giáp chịu đắng cay tủi hổ như thế mà im! Các vị tại sao tự nguyện phục tùng tội ác?” (S.đ.d. trang 194).
Coi: ông ông Tổng Bí Thư chỉ ăn uống ở nhà vì sợ các đồng chí của mình đầu độc, còn ông Thủ Tướng thì chỉ dám nói năng ở ngoài vườn vì sợ bị “dò la, nghe trộm.” Vậy mà hai vị vẫn thừa “liêm sỉ” và  “kiên nhẫn” để “lãnh đạo” toàn dân cho gần đến hơi thở cuối cùng.
Thiệt là đã đời luôn!
Giữa “các anh ở trên” với nhau mà còn xử sự tàn tệ và đốn mạt tới cỡ đó thì đám dân lành, tất nhiên, đều bị hành cho tới bến:
“Thí dụ sáu bao diêm (bị móc vơi mất gần nửa vì gian giảo là thuộc tính trời sinh của thứ kinh tế tạo ra bằng những kẻ đói ăn, thiếu mặc nên quay sang tháu trộm lại của Nhà nước).
Thí dụ mạt cưa và củi mua về đốt lò nấu cơm thì ướt dề dề vì nhà mậu rẩy nước vào cho nặng cân.
Thí dụ nước mắm pha nước lã, đậu phụ trộn thạch cao. Nhà nước độc quyền mọi sản vật, nhất là lương thực...
Con người cũng sẽ giống như bao diêm trăm que chỉ cháy một que, sống điêu, sống gian, sống vờ, sống giả.” (S.đ.d. 225 – 226).
Buộc phải “sống điêu, sống gian, sống vờ, sống giả” qua vài ba thế hệ thì trách sao mà người dân không bớt dần tấm lòng tử tế:
“Một cái gì đó đã phá vỡ lòng tin của con người rằng xã hội luôn luôn cố gắng đem lại sự tốt đẹp cho mình, và chính mình phải có bổn phận phải gìn giữ các công trình xã hội để mình và mọi người cùng hưởng. Người ta thẳng tay cắt dây điện để bán lấy chút tiền, có thể đốt hết một kho hàng hoá để phi tang cho một vật ăn cắp không đáng là bao… con người đối xử với xã hội thô bạo như vậy chỉ vì xã hội đã đối xử với họ tệ quá." (Phạm Xuân Đài. Hà NộiTrong Mắt Tôi. Thế Kỷ: Hoa Kỳ 1994, 32-33).
Quả là “tệ” thật nhưng nhưng nói theo Trần Đỉnh (“bao diêm trăm que chỉ cháy một que”) thì e có hơi quá đáng. Coi:
  • VnExpress: “Sau một tháng mở đợt quyên góp, hàng nghìn độc giả trong và ngoài nước đã hướng về người dân đôi bờ Pôkô, ủng hộ hơn 2,4 tỷ đồng. Dự kiến, cầu sẽ được khởi công sau 2 tuần tới.”
  • Dân Trí: “Từ sự ủng hộ của bạn đọc, tính đến nay báo Dân trí đã xây dựng được 8 cây cầu để giúp các em học sinh vượt sông tìm chữ. Những cây cầu được đặt tên Dân trí thực sự đã ‘nối đôi bờ vui’ trên khắp mọi miền đất nước.”
Có hàng chục ngàn cây cầu từ thiện như trên đã được dựng xây chỉ nhờ vào lòng tử tế của người dân Việt. Tương tự, có hàng triệu mảnh đời rách nát ở đất nước đang được chia sẻ, đùm bọc bởi tình đồng bào ruột thịt, kể cả những khúc ruột xa ngàn dặm.
Đó là chưa kể đến “những chuyện nhỏ” hàng ngày “nhưng lay động lòng người” theo như cách nói của nhà báo Quỳnh Trân:
Những ai đi ngang qua đường Huỳnh Văn Bánh, Quận Phú Nhuận đều bị thu hút bởi tấm biển "Sửa giày dép miễn phí cho người bán vé số, xe ôm, ba gác, xích lô, người thu gom rác..." của anh thợ sửa giày Lý Ngọc Bình, 30 tuổi. Ảnh và chú thích: vietnamnet.vn
Trà đá miễn phí. Chủ nhân của những bình nước này đều là người dân lao động.
 Ảnh và chú thích :vietnamnet.vn
“Gần gụi và cảm động nhất,” theo ghi nhận của blogger Đinh Tấn Lực “là những hoạt động âm thầm trợ giúp bà con có nhu cầu thiết thực: Bữa Cơm Có Thịt, Trường Lớp Tình Thương, Quà Trung Thu Cho Trẻ Em Miền Núi, Học Bổng Bước Đầu Vào Đại Học, Tủ Sách Nông Thôn, Bầu Bí Tương Thân, Cứu Lấy Dân Oan, Bữa Cơm Dân Oan… “
Những kẻ bị “chết lòng tử tế” ở đất nước này phần lớn (chắc chắn) đều không phải ... nhân dân. Bởi vậy, khi xếp “thứ hạng về tử tế của Việt Nam trên thế giới đứng hạng áp chót (124/125)” thì tưởng cũng cần phải nói thêm cho rõ là những con số này chỉ “thể hiện” sự tiểu tâm, ti tiện, bạc ác, và đểu cáng của đám côn đồ đang “lãnh đạo” ở xứ sở này chứ không liên quan dính dáng gì nhiều đến những lương dân đất Việt.
Người Việt chỉ chịu một phần trách nhiệm (e cũng không nhỏ lắm) khi cam chịu để cho “bọn đầu trâu mặt ngựa” hoành hành trên quê hương và đất nước của mình mà không có được một sự phản kháng nào đáng kể, hay đáng nể.





-Son Tran 
BBC Vietnamese

HLV Brazil Luiz Felipe Scolari: "Ai chịu trách nhiệm cho kết quả này? Tôi. Chính là tôi. Lỗi lầm cho thất bại thảm hại này thì tất cả chúng tôi đều hứng chịu, nhưng người quyết định đội hình chiến thuật là tôi. Sự lựa chọn là của tôi.

"Chúng tôi cố gắng làm những gì có thể - chúng tôi cố gắng hết cỡ, nhưng chúng tôi so giầy với một đội bóng Đức tuyệt vời.
"Thông điệp của tôi tới người Brazil là làm ơn thứ lỗi cho kết cục này.
''Tôi lấy làm tiếc rằng chúng tôi đã không vào thi đấu ở trận chung kết. Và chúng tôi sẽ cố gắng để đạt vị trí thứ ba. Chúng tôi vẫn còn có một cái gì đó để đấu."



John Nguyen Cao


Sáng nay cafe sáng xa nhà, nhớ Sài Gòn quá , lướt lòng vòng mấy tin tức, có đôi lời suy tư
- Người ta lên án một cô người đẹp và một đạo diễn là trí thức mà sao ngồi lên sách, nhưng có mấy ai lên án những kẻ làm lãnh đạo theo điều 4 Hiến Pháp mà ngồi xổm lên Hiến pháp và Pháp luật
- Người ta xử tù mấy đứa trẻ em vì nghịch dại giật mũ nón mấy bạn nữ học chung nặng hơn xử tù những công an đánh chết dân
- Người ta xử tù 2 anh tài xế chạy xe ba gác lỡ lượm thùng bia nhưng chỉ kiểm điểm những kẻ tham nhũng tham ô tiền tỷ
-Người ta sẵn sàng lên án gay gắt một phát ngôn hớ hênh của một cô bé thí sinh hoa hậu về biển đảo nhưng lại thờ ơ với sự nhu nhược của bộ máy lãnh đạo đảng trong vấn đề biển đảo
- Người ta chế nhạo một cậu học trò viết văn ngớ ngẩn nhưng không quan tâm đến một ông thủ tướng viết ra một công hàm rất bất lợi cho đất nước
- Người ta bật khóc vì đội bóng Việt Nam thua ở Seagames nhưng không thấy nhục nhã gì khi nước Việt Nam bị loại khỏi những đóng góp cho nhân loại
Và còn nhiều nữa...những nghịch lý ở đất nước tôi
Nguyễn An Dân



-Osin HuyDuc Bài này rất nhiều thông tin, nhất là thông tin về Hồ Chí Minh. Lâu nay ta cứ tưởng "Bác" áp dụng chính sách "chiêu hiền đãi sĩ", "đoàn kết dân tộc", nay đọc báo ANTG mới biết (theo Hoàng Tùng): "Cụ Hồ dùng Bảo Đại dù biết thừa Bảo Đại không có tài năng gì, cũng không có uy tín gì, chính là cách “điệu hổ ly sơn”: Nếu để đấy Tây nó bê đi, nó dựng lên một ngọn cờ khác, nó lại đẩy đi Tây lần nữa thì chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với thêm khó khăn... Hay câu chuyện đối với Bùi Bằng Đoàn, đó là một ông quan to nhất, được tiếng là thanh liêm, dù thực tế cũng không hẳn như vậy. Thế nhưng, Cụ Hồ vẫn cứ dùng. Dù là tạm thời..."
http://antgct.cand.com.vn/vi-VN/nhanvat/2014/7/57476.cand

Nhà báo Hoàng Tùng: Dân chủ hóa là giải phóng trí tuệ...
11:30, 07/07/2014Nhà báo Hoàng Tùng (1920-2010) là một nhân vật nổi tiếng vào loại hàng đầu trong làng báo chí cách mạng Việt Nam, một người không chỉ được đánh giá là cây bút lý luận xuất sắc mà còn là nhà quản lý báo chí cự phách. Tôi đã có may mắn được hầu chuyện ông khi ông đã ở tuổi ngoại “bát thập”. Và ngay cả khi đó, nhà báo Hoàng Tùng vẫn giữ được phong độ tư duy minh mẫn và sắc sảo.
Trong không khí hướng tới kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2014), xin được trích giới thiệu cùng bạn đọc một phần nội dung cuộc trò chuyện đó. Còn không ít những chi tiết thú vị trong cuộc trò chuyện này xin sẽ được giới thiệu ở những thời điểm thích hợp khác.
- Hồng Thanh Quang: Ngày xưa và cả bây giờ cũng vậy, người ta  vẫn hay nghĩ rằng, cái tên do cha mẹ đặt cho mình có ảnh hưởng không nhỏ đến đường đời của mỗi con người. Như thể định mệnh vậy! Trong trường hợp của ông, hình như đại đa số người Việt đều biết tới ông với cái tên Hoàng Tùng, một nhà báo lão thành! Nhưng theo tôi biết, ông họ Trần và Hoàng Tùng không phải là tên thật của ông. Theo cảm nhận của ông,  liệu có phải vì đổi tên gọi nên cuộc đời của ông mới diễn ra như đã diễn ra không?
- Nhà báo Hoàng Tùng: Khi tôi sinh ra,  bố tôi xem tướng con thấy cái tai có thành có quách và ông đồ ở nhà bên cạnh sang xem cho rằng tôi sống lâu, nên bố tôi đặt cho tôi cái tên là Trần Khánh Thọ. Năm 1945, khi tôi chỉ huy Đội công tác của Trung ương Đảng ở An toàn khu ngoại thành Hà Nội bên sông Hồng, tức là bản doanh của Trung ương Đảng ta lúc đó, tôi dùng bí danh là Khánh, tức là chữ đệm trong tên họ mà cha mẹ đã đặt cho. Với những người dân ở khu vực đó lúc ấy thì Khánh là một cái tên cán bộ khá nổi tiếng. Nhưng rồi từ tháng 10-1945, khi tôi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, bọn phản động săn lùng tôi rất dữ dội nên Trung ương thấy muốn giữ được cán bộ thì phải đổi tôi đi nơi khác. Thế là tôi đi làm Bí thư Hải Phòng tháng 5-1946. Đưa tôi xuống Hải Phòng có một chú bé liên lạc đưa đi. Tên chú bé ấy là Tùng. Trước khi đi Trung ương nói tôi phải đổi tên đi vì cái tên Khánh đã lộ mất rồi. Vì đi cùng với cậu Tùng nên tôi cũng đặt cho mình cái tên mới là Tùng. Tôi làm Bí thư Hải Phòng được mấy tháng rồi lại được cử lên làm xứ ủy Bắc Kỳ, rồi làm Phó Bí thư Khu ủy Chiến khu 3, phụ trách 5 tỉnh, sau này gọi là khu Tả ngạn sông Hồng. Lúc ấy cần phải tìm họ để ghép vào tên bí danh. Và tôi đã chọn họ Hoàng. Thế là thành Hoàng Tùng, một tên họ ngẫu nhiên nhưng hóa ra lại là duyên nợ cả đời...
- Đôi khi có những sự ngẫu nhiên quyết định vận mệnh cả một đời người. Tuy nhiên, cái gọi là ngẫu nhiên thực ra cũng là kết quả của những quá trình đầy biện chứng và lôgíc.
- Đời tôi cũng nhiều sự ngẫu nhiên. Khi bước vào làm báo, tôi thoạt tiên được phân công phụ trách tạp chí Sinh hoạt nội bộ của Đảng một thời gian rồi từ tháng 1-1950, được phân công làm Chủ nhiệm báo Sự thật của Đảng... Rồi sau này, từ năm 1987 tới năm 1989, chỗ làm việc cuối cùng của tôi trước khi nghỉ hưu là ở Nhà xuất bản Sự thật. Thế nên tôi mới nói đùa rằng, cả đời tôi bắt đầu là Sự thật và cuối cùng kết thúc cũng là Sự thật, bắt đầu từ báo Sự thật và kết thúc là nhà xuất bản Sự thật (cười). Tôi cho rằng hai từ đó nó giúp để tránh khỏi  mọi rắc rối... Tôi dù mang tên họ gì cũng luôn nhắc nhủ mình trung thành với sự thật...
- Có nhiều người tên là Hoàng Tùng nhưng nhà báo Hoàng Tùng chỉ có một...
- (Cười): Bây giờ có cả một cậu hát cải lương cũng tên là Hoàng Tùng... Mình chọn tên họ cũng ngẫu nhiên thôi... Ngày trước Cụ Hồ có cái tên Hồ Chí Minh cũng là do ngẫu nhiên. Năm 1942, Cụ sang Trung Quốc gặp Chu Ân Lai để biết tình hình chiến tranh thế giới leo thang như thế nào. Cụ thuê thợ làm danh thiếp đề là “Hồ Chí Minh Việt Nam Hoa Kiều ký giả”, tức là Hồ Chí Minh, nhà báo Hoa Kiều ở Việt Nam. Sang đến biên giới thì có một kẻ phản động quê ở Nghệ An theo dõi nên khi ông cụ sang đến đúng biên giới thì tụi nó bắt. Thế là Cụ phải vào tù với cái tên Hồ Chí Minh...
- Ông bắt đầu như là một cán bộ hành động của Việt minh nhưng về sau công việc của ông đều gắn liền với chữ nghĩa của Đảng. Bây giờ, sau khi đã qua cả một hành trình dài dằng dặc đến như vậy, sau tất cả những vinh quang và khúc mắc của đời người cầm bút, liệu ông có điều gì đúc kết lại cho thế hệ sau không? Tôi muốn hỏi là, nếu chúng ta muốn làm những người chiến sĩ thực sự của Đảng trên mặt trận chữ nghĩa, thì nói chung, chúng ta phải quán triệt phương châm gì căn bản nhất? Làm thế nào để vượt qua mọi lên xuống, trắc trở, mọi sự phức tạp, mọi biến thiên của thời cuộc một cách an toàn mà  vẫn tràn đầy một tinh thần chiến đấu?
- Tôi sinh ra ở huyện Lý Nhân, Nam Định. Khi tôi bắt đầu tham gia phong trào cách mạng năm 1937 ở thành phố Nam Định, thì cũng là từ việc cùng với Bí thư Tỉnh ủy Đảng Cộng sản Đông Dương ở tỉnh Nam Định... Công việc là viết truyền đơn. Như vậy là tôi đã có nguyện vọng làm nghề viết từ khi 17-18 tuổi. Năm 1940, tôi bị bắt vào nhà tù Sơn La; ở đấy lại có nhiều nhà báo nổi tiếng như Trần Huy Liệu, Văn Tân, Trần Đình Long, rồi  Khuất Duy Tiến, cũng là người viết báo nổi tiếng...
- Vâng ông Khuất Duy Tiến là nhà cách mạng tiền bối, từng làm Bí thư Tỉnh ủy Đảng Cộng sản Đông Dương của tỉnh Nam Định rồi Thái Bình. Từng làm báo Le Travail, tức báo Lao Động, trong những năm 1936-1939... Tôi phải kể tỉ mỉ như thế vì sau này chúng ta cũng có một vị tên là Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Tây Nguyên, thủ trưởng của tôi khi tôi còn là trung úy Quân đội Nhân dân Việt Nam...
- Đúng rồi, đó là hai người trùng tên họ nhưng thuộc hai thế hệ khác nhau... Trở về câu chuyện của tôi thì ở nhà tù Sơn La, chúng tôi cùng phải đi làm lao động khổ sai với nhau. Ông Trần Huy Liệu lúc đó nhiều tuổi, sức khỏe không tốt, nên  khi đi xe củi chúng tôi khoán cho ông ngồi trên khúc gỗ cho khỏi chòng chành, chúng tôi 4 người thay nhau 2 cặp cứ cắt gỗ rồi kéo, với điều kiện ông phải nói chuyện về cách làm báo. Rồi ông Liệu tổ chức nói chuyện trong nhà tù về cách làm báo. Trong nhà tù lúc đó có tờ báo Suối Reo. Tôi cũng bắt đầu viết từ năm 1944 một số bài về sinh hoạt nhà tù khổ sở và đăng ở báo Suối Reo. Trong đó có người Trung Quốc là Đảng viên Cộng sản, tôi hỏi ông ấy rằng, tôi làm báo  nên tôi muốn có một bút danh, ông thử đặt hộ tôi xem sao. Ông ấy bảo, nếu anh muốn Văn thì đặt tên là Văn Bình, muốn Võ thì đặt tên Kiếm Bỉnh. Tôi chọn từ Kiếm Bỉnh nhưng sau này, tôi đã  cải biến thành Kim Bằng. Sau này, khi làm báo ở chiến khu, tôi lại ký là Chiến Hữu. Năm 1947-1948 ở chiến khu 3, người ta đã biết đến cái tên Hoàng Tùng. Ông Trường Chinh bảo tôi nên giữ lấy cái tên Hoàng Tùng này. Và khi làm báo Sự thật với chức danh chủ nhiệm, tôi đã ký Hoàng Tùng....
- Tính đến nay, ông đã làm báo tới trên 60 năm...
- Tôi từng viết báo bí mật, viết báo công khai, viết báo địa phương, viết báo Trung ương, viết tạp chí lý luận... Thời gian như thế là khoảng 63 năm. Nếu tính cả thời gian viết truyền đơn và diễn thuyết về cách mạng thì có lẽ đã hơn 70 năm rồi tôi làm người chiến sĩ trên mặt trận chữ nghĩa của Đảng... Tôi không chỉ viết nhiều mà còn chữa nhiều, biên tập lại rất nhiều bài của những người khác... Khi còn ở báo Nhân Dân, tối nào tôi cũng xem lại những bài bình luận. Không những thế, tôi còn viết, nhưng chủ yếu ký bằng hai chữ “Nhân Dân” chứ ít khi ký tên Hoàng Tùng (cười)...
- Xin phép được hỏi thật, đã có lúc nào ông cảm thấy có điều gì “cấn cá” về nghề viết của mình không?
- Nhìn lại đời mình, tôi từng khái quát bằng những câu thơ: “Sinh ra phụng thời, một đời đắc chí”. Đó là vì sao? Vì tôi có nguyện vọng từ đầu là làm báo và làm người viết. Viết để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Và tôi đã được đặt đúng vị trí đấy cho nên tôi phát huy được sở trường của mình. Ông Nguyễn Khuyến từng nói: “Cúi không hổ đất, ngẩng trông thẹn trời”. Còn tôi cũng mượn lời ông Nguyễn Khuyến mà rằng: “Chết không hổ đất, sống không thẹn trời”...
- Tôi có nhớ một câu chuyện thế này: Ngày 31-5-1946, Bác Hồ rời Hà Nội đi Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức với chính phủ Pháp. Ở sân bay Gia Lâm, trước khi lên máy bay, Bác Hồ đã  nắm tay cụ Huỳnh Thúc Kháng, ra đó để tiễn đoàn đi, và  nói: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong Cụ “dĩ bất biến ứng vạn biến”.... Bây giờ, nhà báo lão thành Hoàng Tùng gặp những lớp nhà báo hậu sinh thì có thể dặn một câu gì?
- Phải vững vàng trước mọi sóng gió. Người làm báo cách mạng, người viết, người làm văn học, người làm thơ, trước cái biến động của cách mạng, thì phải “bền gan, vững chí, không thay đổi chí hướng”, thế tức là “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” đó. Mình phải vững vàng khi mọi sự biến đổi phức tạp. Càng giữa sóng gió thì càng cần vững vàng. Cái bất biến là cái vững vàng. Anh đã theo đuổi một con đường, đã có chí hướng thì dù có gặp sóng gió cũng phải vững vàng... Bây giờ cách mạng Việt Nam đang ở thời kỳ phức tạp, nước Việt Nam hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đang ở thời kỳ phức tạp. Câu hỏi lớn là đang thịnh hay thời suy? Theo tôi thì bao giờ cũng thế, có thịnh phải có suy.
- Trong thịnh có suy, trong suy có nhân tố thịnh.
- Cho nên người có tấm lòng trong, thì tinh thần tư tưởng phải luôn vững vàng, khắc phục cái suy mà bồi dưỡng cái thịnh.
- Tôi là lớp hậu sinh, trẻ người non dạ nên hay suy nghĩ thế này: Phương châm duy nhất của một người làm báo cách mạng là luôn cố gắng theo kịp thời đại, nhưng không bao giờ được xu thời và phải luôn luôn trung thực, trung thành với lý tưởng mình đã chọn.
- Nếu mà mình không vững vàng, thì dễ trở nên cơ hội hay phản bội lại lý tưởng của mình... Đất nước ta hiện nay có bề thế hơn, nhưng bên trong không phải là không có bệnh này bệnh nọ... 
- Và càng vì thế ta càng phải thấy rõ, thuận lợi vẫn là cơ bản, dẫu thách thức thì bao giờ cũng là to lớn. Tôi cứ nghĩ rằng, làm cách mạng thì lúc nào mà chẳng có sóng gió. Ngay cả trong người khỏe lắm khi cũng có bệnh, con đường cách mạng của chúng ta chưa bao giờ dễ dàng cả.
- Nếu mà mình không vững vàng thì sẽ nảy sinh nhiều chuyện lắm. Đây tôi nói  một thí dụ, đó là về Bùi Tín. Anh ta vào quân đội, vào Đảng là tự nguyện, anh ta đã phấn đấu gần suốt đời, cho sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Anh ta đã viết, anh ta đã ca tụng sự nghiệp của Đảng, của dân tộc ta, thì bây giờ bỗng dưng anh ta quay ngoắt lại chửi bới những gì mà anh ta đã từng ca ngợi... Như thế anh ta tự phản bội anh ta... Ai cũng biết rằng, chính tôi đã đưa anh ta về báo Nhân dân, tôi đề nghị cho anh ta làm Phó Tổng Biên tập đấy...
- Một số người cứ tưởng rằng bây giờ mới có sóng gió, bây giờ mới có bệnh, nhưng thực ra, lúc nào mà chúng ta  chẳng gặp nhiều sóng gió, nhưng chúng ta vẫn vượt qua được sóng gió. Bất kỳ một giai đoạn nào cũng có bệnh, nhưng chúng ta vẫn khắc phục được...
- Bây giờ là lúc giao thời trên phạm vi toàn thế giới, tức là bước chuyển tiếp từ nền văn minh công nghiệp chuyển sang nền văn minh hậu công nghiệp, từ nền văn minh công nghiệp sang nền kinh tế trí thức. Có những thách thức mới, thách thức sản xuất này là gốc thay đổi lớn. Chính sách về kinh tế hoàn toàn thay đổi. Thời đại này, công cuộc hội nhập quốc tế là do chủ nghĩa tư bản định ra, đề xướng và chi phối. Nhưng nó không đảo lộn được cục diện, không đảo lộn được cuộc chiến, mà trào lưu tiến hóa này sẽ dẫn đến phủ định chủ nghĩa tư bản. Cuối cùng sẽ phủ định, nhưng từ đây đến đó, chủ nghĩa tư bản sẽ kháng cự, tức là một đằng đẩy tới, một đằng đẩy lui, như là quy luật của vật lý, một đằng đẩy lên, một đằng kéo lại. Đấy là sự vận động của tự nhiên, của xã hội. Loài người cũng vậy. Nếu mà chúng ta bỏ cuộc chạy theo thời thì chúng ta sẽ lỗi lầm vì thời này gió theo chiều này, thời khác nó lại trở lại chiều khác. Người Trung Quốc có từ “phong thái”, tức là phải theo chiều gió. Tuy nhiên, người chạy theo chiều gió không bao giờ yên tâm, anh chạy theo thì gió lại chuyển. Thế cho nên anh phải có hướng rõ ràng, anh đi về phương Nam hay anh đi về phương Bắc thì anh phải quyết định dứt khoát...
- Ngay tất cả các quá trình hiện nay đang diễn ra trong xã hội Mỹ cũng nằm trong một phần của sự phát triển văn minh nhân loại, tức là những cái gì tiến bộ, cái gì hay ho xảy ra ở phương Tây, ở Mỹ, thì sẽ góp phần phát triển nền văn minh nhân loại tiến lên. Còn cái gì không tốt, cái xấu xa thì sẽ triệt tiêu hình thức quản lý xấu xa trong lòng xã hội Mỹ và cái gì tốt trong xã hội chúng ta cũng góp phần vào nền văn minh nhân loại, điều đó không có nghĩa ông vừa nói sự chuyển đổi từ nền văn minh công nghiệp chuyển đổi sang nền văn minh hậu công nghiệp nó không phải là thành tựu của chủ nghĩa tư bản mà là sự tiến hóa tất yếu của xã hội loài người.
- Nhưng chủ nghĩa tư bản trực tiếp tác động đến những thành tựu đó...
- Vâng, chính trong lòng chủ nghĩa tư bản đã xuất hiện những quá trình như thế và tạo nên những thành tựu như thế. Nhưng đó không phải là “công lao” của riêng các quốc gia tư bản chủ nghĩa.
- Chủ nghĩa tư bản là một hiện thực lịch sử, là một quá trình phát triển của xã hội loài người trong thực tế mà có muốn bỏ  qua cũng không được. Trong thế kỷ XX có hai cuộc đụng đầu lớn, hai cuộc đụng đầu giữa chế độ công hữu và chế độ tư hữu. Cuối cùng chế độ tư hữu thắng vì là chế độ tư hữu vẫn còn độc lập. Còn chế độ công hữu chưa đủ điều kiện tức là cách mạng cộng sản chưa đến, chưa chín muồi cho nên tất yếu phải tạm lùi bước...
- Tôi lại hiểu vấn đề như thế này: Trong thế kỷ XX, trong tất cả những sự kiện đã diễn ra đã có những sự va đập ấy giữa chế độ công hữu và chế độ tư hữu. Và kết cục không phải là chế độ tư  hữu thắng mà là ở chỗ: Chế độ công hữu chưa thể ngay lập tức tiêu diệt chế độ tư hữu. Nhưng sau các va đập ấy, chế độ tư hữu phải hướng về chế độ công hữu nhiều hơn. Và kết cục chúng ta đã có hình thức phát triển mới của  chế độ tư hữu.
- Tới bây giờ chế độ tư hữu vẫn còn động lực. Nó vẫn còn vai trò lịch sử.
- Nhưng nó phải thấm nhuần thêm yếu tố nhân văn...
- Chính cuộc cách mạng không hẹn này và cuộc giao lưu hội nhập này buộc chủ nghĩa tư bản phải dân chủ hóa, và dân chủ hóa theo trào lưu quốc tế.
- Và nó có công góp phần vào trào lưu  dân chủ hóa của thế kỷ XX.
- Có những quy luật khách quan mà dù ta có muốn cũng không cưỡng lại được. Bây giờ chúng ta phải hoạt động làm sao cho chín muồi những điều kiện để cho chế độ công hữu cuối cùng phải thắng.
- Xu hướng cuối cùng là thắng, nhưng  không được đốt cháy giai đoạn, phải củng cố tiềm lực...
- Đúng thế...
- Khi ông chuyển về Nhà xuất bản Sự thật, ngay từ đầu ông đã quyết định được hướng đi trong công việc mới của mình?
- Tôi chuyển về Nhà xuất bản Sự thật từ cuối năm 1986. Trước đó, từ năm 1980, tôi giữ cương vị Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương. Về Nhà xuất bản Sự thật, tôi ở đó ba năm, sang năm 1990 thì tôi nghỉ hưu....
- Tức là ông chuyển về Nhà xuất bản Sự thật trong khoảng thời gian hết sức nhạy cảm, khi mà công cuộc đổi mới ở Liên Xô bắt đầu diễn ra và ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam nói riêng và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới nói chung...
- Lúc đấy là khó khăn lắm, vì sách không bán được. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi cũng đã tìm được hướng đi mới và điều kiện sống của anh chị em trong Nhà xuất bản bắt đầu được cải thiện.
- Giai đoạn đó ngay trong phong trào cộng sản quốc tế cũng đang diễn ra những thay đổi hết sức phức tạp về lý luận, tư tưởng... Hiển nhiên là điều đó tác động rất lớn đến mảng sách lý luận chính trị. Trong bối cảnh như thế, phương châm lãnh đạo của ông ở Nhà xuất bản như thế nào? Làm cách gì để vẫn giữ được “hạt giống đỏ” của mình mà vẫn tiếp cận được với cơ chế thị trường, lúc đó hãy còn rất mới mẻ?
- Tôi đã đưa ra nhiều đề nghị để thay đổi cách làm việc. Thứ nhất, quản lý bằng cách khoán việc, chứ không theo phương thức hành chính khô cứng. Anh chị em ngoài những buổi sinh hoạt định kỳ thì phải đến cơ quan, thời gian còn lại ngồi ở đâu cũng được, miễn là đến đúng thời hạn đã định thì phải hoàn thành phần công việc đã được giao. Như vậy thì người ta có thể di chuyển chỗ này chỗ nọ cũng được, miễn là tâm trí vẫn hướng tới công việc cơ quan. Biện pháp thứ hai là tìm những phương thức mới để bán sách, tìm các công việc phụ có thể mang lại thêm thu nhập cho cơ quan... Thành ra những năm tôi ở Nhà xuất bản, đời sống mọi người cũng được nâng lên, thoải mái hơn trước.
- Các ấn phẩm của Nhà xuất bản Sự thật thường là tập trung những tinh hoa tư tưởng, chính trị  của dân tộc, của thế giới. Chúng ta đều biết rằng, thông thường những người  tinh hoa lại hay có lối tư duy và diễn giải tư duy độc đáo, không ai giống ai. Ông cũng là một người luôn có tư duy độc đáo. Ngay cả trong đội ngũ những nhà lý luận lão thành về chủ nghĩa Mác- Lênin hiện nay, thì tiếng nói của Hoàng Tùng không hẳn giống tất cả những người còn lại...
- Tôi không nói theo như người ta vẫn nói.
- Vâng, đúng thế, ông luôn có góc nhìn riêng trung thực với nhận thức của chính bản thân mình...
- (Cười):...
- Tôi muốn hỏi là, trong thời ông làm giám đốc Nhà xuất bản Sự thật, xuất bản tác phẩm của rất nhiều bộ óc lỗi lạc cổ kim, làm cách nào để chúng ta giữ gìn được sự độc đáo, hết sức riêng ấy của từng người nhưng vẫn không để xuất hiện những mâu thuẫn, những đối chọi, những trào lưu tư tưởng khác nhau? Theo ông, bí quyết để đạt mục tiêu này nằm ở đâu?
- Tôi nhớ tới Bác Hồ và chính sách đoàn kết dân tộc của Người. Bác Hồ đối với trí thức cũng thế, chính Bác đã đoàn kết được những người trí thức ở những nơi khác nhau về, rất cao tay và rất tình cảm. Làm cách mạng mà không biết cách dùng người, mà không có con mắt nhân đạo, thì dễ bỏ sót nhân tài, vùi dập nhân tài. Với Bác, đức tài là một. Có phẩm chất nhưng không có tài năng thì cũng hỏng, có tài năng mà không có phẩm chất thì càng nguy hiểm... Hồ Chí Minh là một mẫu người vừa có phẩm chất vừa có tài năng.
- Thế cho nên người ta mới có ý kiến nói rằng, Bác Hồ là một người rất giỏi trong công tác cán bộ. Không chỉ Bác biết sử dụng người tài mà ngay cả người không tài mà Bác vẫn sử dụng được vào những công việc thích hợp...
- Nếu không phải là Hồ Chí Minh thì sau cách mạng Tháng Tám, ai dám dùng Bảo Đại. Cụ Hồ dùng Bảo Đại dù biết thừa Bảo Đại không có tài năng gì, cũng không có uy tín gì, chính là cách “điệu hổ ly sơn”: Nếu để đấy Tây nó bê đi, nó dựng lên một ngọn cờ khác, nó lại đẩy đi Tây lần nữa thì chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với thêm khó khăn... Hay câu chuyện đối với Bùi Bằng Đoàn, đó là một ông quan to nhất, được tiếng là thanh liêm, dù thực tế cũng không hẳn như vậy. Thế  nhưng, Cụ Hồ vẫn cứ dùng. Dù là tạm thời... Sau này, khi Bảo Đại đã chuồn rồi, thì có người hỏi Cụ Hồ rằng: “Thưa Bác, bây giờ ông ta đi rồi, Bác thấy ta dùng như thế đúng hay là sai?” Và Cụ Hồ đáp: “Ông bà chúng ta đã nói, đánh người chạy đi chứ không đánh người chạy lại. Ta sẵn sàng bắt tay với những ai có thể bắt tay được... Mình biết rõ  tâm địa Bảo Đại, biết rằng tất yếu ông ta sẽ bỏ ra đi, nhưng mình nghĩ, nếu  giữ ông ta lại được một ngày thì cũng là tránh được tai vạ cho cách mạng một ngày...”. Cả những tri thức từng làm việc cho chính quyền cũ, Cụ Hồ cũng đều dùng hết, như Tôn Thất Tùng, như Nguyễn Văn Huyên, như Hồ Đắc Di...
Cụ Hồ là người đọc ghê gớm lắm, báo nào Cụ cũng đọc, không chỉ báo trong nước mà cả các tờ báo của nước ngoài, của Trung Quốc, của Liên Xô, của Pháp... Nhiều tờ Cụ đọc xong rồi gửi lại cho tôi, có đánh dấu những bài nào cần chú ý... Phong cách  làm việc đó của Hồ Chí Minh đã được thể hiện một phần ở Nhà xuất bản Sự thật, ở báo Nhân Dân... Đã viết thì lý lẽ phải chặt chẽ, ngắn ngọn và mục đích đối tượng rõ ràng...
- Thường thường trong thời có nhiều vấn đề xã hội lại nảy sinh một xu hướng tiêu cực thế này: Một số người chỉ thích nhìn thấy những điểm yếu của những người rất danh giá. Cá nhân tôi vẫn nghĩ rằng, bất cứ một người nào thành đạt, đã vươn lên được một vị trí nào đấy thì họ đều có những điểm trội  và những điểm mạnh của họ là chủ yếu chứ không phải là 2-3 điểm yếu. Có hai cách nói về mặt trời, thứ nhất là mặt trời vẫn có vết đen, còn cách nói đúng tuy có những vết đen nhưng vẫn là mặt trời. Đội ngũ các đồng chí lãnh đạo của chúng ta đều là như thế, họ có thể có 1,2,3,4 điểm yếu nào đó nhưng nếu nhìn gần thì họ vẫn là người lãnh đạo cao quý, tốt đẹp, anh minh... Ông nghĩ thế nào về ý kiến này?
- Tôi may mắn là ở ba nhà tù Nam Định, Hà Nội, Sơn La với các nhà cách mạng lớp đầu tiên như Nguyễn Lương Bằng...
- Ở tù thì không phải là việc may mắn, nhưng may mắn là ở tù cùng những người đồng chí như thế...
- (Cười): Ở tù với những đồng chí như thế thì mình cũng trưởng thành lên nhiều. Tôi cũng từng ở tù cùng với anh Trần Quốc Hoàn, từ năm 1941... Sau này không làm việc cùng với nhau nhưng vẫn rất gần gụi... Tôi còn có may mắn làm việc trên dưới 40 năm, ở gần  các đồng chí Trường Chinh và Lê Duẩn... Lúc tôi ở tù ra thì tôi làm việc với anh  Trường Chinh, rồi từ năm 1956 thì tôi lại làm việc với anh Lê Duẩn, nhưng vẫn làm việc với anh Trường Chinh. Tức là đồng thời làm việc với anh Lê Duẩn cho tới khi anh Lê Duẩn qua đời thì tôi lại làm việc với anh Trường Chinh. Nghĩa là làm việc cùng hai người này chứ, không phải làm với anh này thì lại bỏ anh kia...
- Ông nhớ gì về các đồng chí lãnh đạo ấy?
- Cá nhân tôi nghĩ, sau Bác Hồ đồng chí Trường Chinh là tiêu biểu nhất... Còn đồng chí Lê Duẩn là người năng nổ, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và dám xông pha những nơi lửa đạn, trong Nam và ngoài Bắc ở đâu cũng đi, nghĩa là rất thông hiểu, đi sâu vào quần chúng. Nói về hiểu cuộc sống, hiểu quần chúng các miền thì đồng chí Lê Duẩn hơn những người khác....
- Theo ông trong giai đoạn hiện nay, ngoài phương châm là tuân thủ sự thật rồi, nên nêu phương châm nào để công việc của chúng ta trở nên khoa học và hữu ích nhất đối với xã hội?
- Tôi nghĩ rằng, bây giờ chúng ta đổi mới được một bước quan trọng, mở mang được nhiều về kinh tế hay văn hóa. Nói chung, xã hội đã có nhiều cái mới. Tuy nhiên, còn cần phải đổi mới hơn nữa về sinh hoạt nội bộ cũng như trong nhiều vấn đề xã hội khác nữa. Muốn làm được như vậy, hoạt động của xã hội ta nói chung cũng phải dựa trên một nguyên tắc chủ đạo: Dân chủ hoá. Cần phải thấy rằng, dân chủ hóa đang là trào lưu chủ đạo trên thế giới. Không thể làm khác được!
- Nhưng dân chủ hóa ở Việt Nam phải có những đặc thù Việt Nam, phải góp phần làm cho xã hội ổn định, “an cư” để “lạc nghiệp” chứ không phải để làm rối tung mọi sự, vạch áo cho người châm vào lưng. Đấy là thiển ý của tôi, không rõ có đúng với ý của ông không?
- Đúng. Dân chủ hóa là một  trào lưu lịch sử... Dân chủ của ta là dân chủ nhân dân. Nhân dân là chủ. Tất cả do dân và vì dân. Giải phóng trí tuệ là nội dung cơ bản dân chủ hóa của ta...
- Xin cảm ơn nhà báo Hoàng Tùng

Sức mạnh của chủ nghĩa ngu dân

Tác giả: Dương Thu Hương 4/7/2014
Vốn thích nhạc không lời nhưng đôi khi tôi vẫn nhớ về một câu hát cũ, “Anh ở đầu sông, em cuối sông. Chung nhau dòng nước Vàm Cỏ Đông…” Lãng mạn sao, những cặp tình nhân cùng uống chung một dòng nước. Và hạnh phúc thay những kẻ có thể sống cả đời bên một con sông êm đềm, qua những mùa lúa chín không tiếng súng, những trưa hè có thể nép mình dưới bóng các rặng cây. Nhưng đó là chuyện cổ tích.

Lịch sử cận đại của người Việt Nam đã diễn ra trong khói bom và tiếng nổ của đạn pháo. Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ chia cắt đến tận lòng sâu của mỗi gia đình. Sự nhầm lẫn, cự bất khả tri không chỉ xẩy ra giữa hai nền văn hoá Đông-Tây mà còn xẩy ra ngay giữa lòng dân tộc Việt, giữa các thành viên trong một gia đình, một dòng họ, giữa miền Bắc và miền Nam, giữa bên thắng cuộc và bên thua cuộc, giữa người trong nước và những người sống ngoài biên giới… Tóm lại, những người Việt cũng bị chia cách bởi những con sông. Những con sông thiếu vắng những cây cầu.

Khoảng cách giữa người với người có thể còn dài rộng hơn sông, sâu hơn vực thẳm, thế nên, dù trên địa hạt văn chương, tôi coi Albert Camus cao hơn hẳn Jean Paul Sartre, tôi vẫn phải công nhận câu nói nổi tiếng của Sartre là một nghiệm sinh có tính nhân loại, “Tha nhân là địa ngục của ta.”
Đây là kinh nghiệm của chính tôi.
Năm 1994, tôi sang Pháp lần đầu, được một nhóm “Việt kiều yêu nước” đón tiếp. Có lẽ tên ấy được đặt ra khi nhóm này tham gia vào phong trào chống chiến tranh và người cầm đầu nhóm ấy đã từng là phiên dịch cho ông Lê Đức Thọ trong các hội nghị đàm phán hưu chiến ở Paris. Khoảng năm 1990, cũng nhóm này đứng lên lấy chữ ký của Việt kiều trí thức ở Mỹ, Đức, Úc và Pháp trong bản kiến nghị yêu cầu nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam mở rộng dân chủ. Sau bản kiến nghị ấy, họ bị cấm về nước một thời gian khá dài, thậm chí còn bị gọi là “các phần tử phản động”.
Như thế, phải hiểu là giữa nhóm Việt kiều này với tôi có chung mục đích tranh đấu cho quyền sống của người dân Việt Nam. Có lẽ cũng vì lý do ấy, họ đón tôi, ít nhất đấy là điều tôi nghĩ. Cuộc đón tiếp diễn ra nồng nhiệt, dường như mang mầu sắc bạn hữu. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, tôi nhận thấy giữa họ với tôi có rất nhiều điểm bất đồng, đặc biệt là sự nhìn nhận về cuộc chiến tranh Việt-Mỹ.
Tôi tự nhủ,
“Người ta sống trên đời, thường tụ thành bè, còn bạn là thứ quý hiếm, nó còn quý hiếm hơn tình yêu vì không có bệ đỡ tình dục. Tình bạn đòi hỏi một sự cảm thông sâu sắc, những phẩm chất tương đồng, và cơ duyên để có thể cùng nhìn về một hướng, cùng đi theo một ngả. Vì lẽ đó, tình bạn không thể có được một cách dễ dãi. Không có thứ tình cảm nào không cần thử thách, cho dù là tình yêu, tình bạn hay tình đồng đội, tất thảy đều cần phải nung qua lửa mới biết vàng thau”.
Nghĩ thế, tôi chọn thái độ im lặng, lảng tránh các cuộc tranh cãi, vì nếu không là bạn, hà tất phí nước bọt để đôi co?
Tôi biết rõ rằng, đối với nhóm Việt kiều này cuộc chiến tranh chống Mỹ là cần thiết, là niềm kiêu hãnh, là đài vinh quang của dân tộc Việt Nam. Đối với tôi, đó là sự nhầm lẫn lớn nhất trong lịch sử, là cuộc chiến tranh ngu xuẩn nhất, tàn khốc nhất đã xảy ra trong một tình thế đen trắng lẫn lộn, các khái niệm bị đánh tráo, kẻ tham gia cuộc chiến ở phía Bắc nhầm lẫn do trói buộc bởi ngôn từ, kẻ tham chiến ở phương Nam bị cuốn vào dòng chảy của cuộc Chiến tranh Lạnh, và cả hai bên đều bị đặt vào thế đã rồi.
Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ là bài học đau đớn nhất, nhục nhã nhất cho dân tộc Việt Nam, mà kẻ chịu trách nhiệm không chỉ là người Mỹ mà còn là chính những người lãnh đạo cộng sản phía Bắc. Trong cuộc chiến tranh ấy, dân tộc Việt tự biến mình thành vật đệm giữa hai toa tầu, là đám lính đánh thuê cho hai hệ thống tư tưởng trái chiều đang tiến hành cuộc chiến tranh Lạnh. Trong suốt một thập kỷ, nước Việt Nam đã thực sự biến thành cái cối xay thịt khổng lồ nhất trong lịch sử của toàn thể loài người. Vì lẽ ấy, theo tôi, cả người thắng lẫn người thua phải biết sám hối, và nếu muốn lật trang cho lịch sử đất nước, trước hết kẻ thắng phải biết câm mồm lại đừng huyênh hoang nữa; còn kẻ thua cũng phải biết câm mồm lại, thôi chửi rủa, cả hai phía không nên tiếp tục đào bới cái thây ma lên mà ngửi. Nếu không đủ can đảm nhìn nhận vấn đề như nó vốn thế, họ chỉ còn là đám thú rừng bị lọt xuống một cái bẫy của lịch sử và không bao giờ có thể nhẩy lên khỏi hố sâu.
Năm 2005, tôi trở lại Pháp.
Nhóm “Việt kiều yêu nước” chủ động mời tôi đến ăn cơm tối với họ để trao đổi tình hình. Tôi nhận lời. Bữa cơm ấy diễn ra ở một quán ăn thuộc quận 13. Trước khi đến Paris, tôi đã ở Turin (Ý) một tuần. Trong tuần lễ đó, khá nhiều báo Ý đã phỏng vấn tôi và đã đăng bài tức khắc. Một trong số các bài báo ấy, có đề tựa “Mười triệu người chết trong cuộc chiến Việt Nam”.
Trong các cuộc phỏng vấn tại Turin, tôi đã kể lại hai điều:
- Thứ nhất, khi làm người viết thuê cho các ông tướng, tôi được nghe họ nói với nhau: Chúng ta chỉ công bố con số thật sự khi người Mỹ bồi thường chiến tranh. Như thế, con số phía Mỹ đưa ra (khoảng 5 triệu tử vong) lẫn con số chính quyền Việt Nam đưa ra (hai triệu rưỡi) đều là số sai sự thật.
- Thứ hai, chỉ khi đến Turin tôi mới biết lính các nước chết ra sao và nhờ có sự so sánh ấy, tôi mới biết thân phận người lính và người dân Việt Nam đau khổ đến mức nào. Năm 2005, cuộc chiến tranh đang xảy ra ở Iraq. Báo mỗi ngày đều đăng tin bao nhiêu lính Mỹ, bao nhiêu lính Iraq tử vong. Nếu con số đó chạm tới năm chục đã khiến các nhà báo làm rộn lên, chất vấn tổng thống. Khi số tử vong chạm đến số 100 thì sự căng thẳng trong chính trường đã khiến Nhà Trắng điên đầu. Trong chiến tranh Việt-Mỹ, mỗi lần B52 bay qua, chỉ hai ba phút, dân thường, thanh niên xung phong chết hai trăm, ba bốn trăm, thậm chí nơi đông hơn sáu trăm người nhưng không có một dòng trên báo, không một câu trên đài phát thanh. Không ai hay biết, kể cả người Việt lẫn người nước ngoài.
Tôi nói với các nhà báo Ý:
“Tới tận năm nay, gần sáu mươi tuổi tôi mới thấm thía sự khác biệt giữa kiếp người. Nhờ đọc báo phương Tây, tôi mới biết là người Mỹ và người Iraq chết như người, chết theo kiểu người. Chúng tôi, những người Việt Nam, chúng tôi chết như kiến, chúng tôi chết như ruồi, chúng tôi chết như lá khô rụng, cái chết của chúng tôi hoà lẫn bùn đen, và tan trong câm lặng.”
Vì ở Turin có những Việt kiều liên hệ chặt chẽ với nhóm “Việt kiều yêu nước” ở Paris và gửi báo cho họ nên trong bữa cơm tối hôm ấy, tôi bắt buộc phải bàn cãi với họ về chủ đề chiến tranh Việt-Mỹ. Tôi đã thuật lại cho họ nghe sự tổn thất to lớn của dân tộc khi những người lãnh đạo mắc chứng vĩ cuồng. Rất nhiều trận xảy ra khi lực lượng trinh sát thăm dò địa hình địa vật không kỹ, bộ phận hậu cần chuẩn bị khí tài chưa đủ nhưng cấp chỉ huy ham lập thành tích nên cứ đẩy lính ra chiến trường, kết quả là đại bại. Trong khi ở chiến trường xác lính chết ngập suối, nước không chảy được, chim cắt chim kền kền ăn thịt no đến mức không bay lên nổi, lệnh ở Hà Nội vẫn tiếp tục giục tấn công. May mắn là còn có những vị tướng biết thương dân, thương lính, khóc đỏ mắt, quyết định rút quân và làm báo cáo giả để gỡ tội.
Hồi ấy, tổng tư lệnh của cuộc chiến là Lê Duẩn, đã đưa ra khẩu hiệu:
“Dân tộc chúng ta là dân tộc anh hùng, chỉ có thắng không có thua.
Quân đội chúng ta là quân đội anh hùng, chỉ có tiến không có lùi.”
Điều đó có nghĩa: Chỉ tiến công, không phòng thủ!
Xưa nay, trong lịch sử ngàn năm chống ngoại xâm của dân tộc, bao giờ chúng ta cũng lùi về rừng núi để chờ thời gian mài mòn lòng kiêu ngạo lẫn ý chí quân địch, cũng là để khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt quật ngã chúng, cũng là để củng cố quân đội rồi chờ thời cơ thuận lợi mới huy động binh lính và dân chúng tổng tấn công. Khẩu hiệu của ông Lê Duẩn đưa ra là một sự sáng tạo thuần tuý, một ý thơ bay bổng, xuất phát từ tham vọng và lòng kiêu mạn cộng sản. Nhưng thơ phú là thứ chỉ để ngâm ngợi khi gió mát trăng thanh, thơ mà trà trộn với chiến tranh nó biến thành núi xương sông máu.
Đám tướng lĩnh không dám tuyên bố thẳng thừng, nhưng đều hiểu ngầm rằng lãnh tụ của họ là một kẻ vĩ cuồng.
Nhóm “Việt kiều yêu nước” ở Paris nghe tôi nói xong thì hai nhân vật chủ chốt phản ứng dữ dội. Ông X bảo:
- Mục tiêu biện minh cho phương pháp. Muốn thắng cuộc trong chiến tranh thì phải chấp nhận tất cả.
Ông Y phản ứng với con số Mười triệu:
- Con số đó không thật. Ở nước Pháp chúng tôi có các biện pháp khoa học về dân số để chứng mình là con số ấy sai. Làm sao chị có thể nghe theo mấy thằng tướng ngu ấy được?
Tôi im lặng không đáp. Nhưng hôm sau, tôi có nhờ ông Phan Huy Đường, lúc đó còn dịch sách của tôi, nói lại với ông Y:
- Nhờ Đường nói với ông bạn của Đường là về Việt Nam chớ mở mồm mà bảo mấy ông tướng là ngu. Bởi vì, rất nhiều hạ sĩ quan thời đó (trung uý, đại uý, thiếu tá…) biết rõ rằng sinh mạng họ được bảo tồn là nhờ những ông tướng thực sự thương lính và không ham thành tích như tướng Vũ Lăng. Bây giờ, nếu không giải ngũ họ cũng đã leo lên đại tá hoặc thiếu tướng. Nếu ông Y mở mồm bảo tướng của họ là thằng ngu hẳn họ sẽ cho một báng súng vào đầu, hiền hoà nhất họ cũng khạc vào mặt.
Đấy là phản ứng duy nhất của tôi. Trong thâm tâm, tôi quyết định chia tay.
Tôi nghĩ, đám người này cần cuộc chiến tranh chống Mỹ như người đàn bà cần son phấn. Giữa họ với ta chẳng còn điều gì đáng nói. Một cuộc chia tay vĩnh viễn là điều hợp lý hơn cả. Không cần kiệt xuất thông minh, chỉ cần chịu khó quan sát sẽ thấy ngay rằng cộng đồng người Việt ở nước Pháp là một cộng đồng không bản sắc, sống co cụm, một bầy thỏ ngoan ngoãn đối với chính quyền. Họ không gây ra các vụ lộn xộn như người da đen và người Arab theo đạo Hồi, nhưng họ cũng chẳng có tiếng nói, chẳng có một gương mặt nào trên các diễn đàn quyền lực. Vì bản chất nhẫn nhịn, chịu thương chịu khó nên họ thành công ở mức trung bình, trở thành kỹ sư, bác sĩ, nha sĩ, giáo viên đã là giấc mơ tột đỉnh. Hội nhập vào xã hội Pháp chưa lâu, sự tự tin vào bản thân chưa đủ, họ lại bị ám ảnh bởi thân phận lớp người Việt Nam nhập cư trước họ, những người lính thợ bị thực dân cưỡng bức rời quê hương sang Pháp phục vụ tại một số nhà máy làm thuốc súng để thay thế cho các công nhân Pháp ra chiến trường.
Năm 1937, để dự phòng chiến tranh, bộ trưởng Bộ Thuộc Địa và Quân Đội (ministre de la Colonie et de la Défense) Georges Mandel dự tính tuyển 80.000 người Đông Dương. Tháng 6 năm 1940 đám thanh niên Việt Nam được dẫn đến hải cảng Pháp gồm: 10.750 người trung kỳ, 7.000 người miền Bắc, 2.000 người miền nam. Đám lính thợ này đã bị đối xử như những con vật, bị dồn vào sống trong những khu nhà tồi tàn, không điện và thiếu nước, không nơi vệ sinh, không lò sưởi và thức ăn không đủ nửa khẩu phần. Mùa đông, những kẻ khốn khổ ngủ trên sàn, đại tiểu tiện ngay bên ngoài cửa, người nọ dẫm vào phân người kia. Đói khát, họ phải đào rễ củ và hái rau dại về ăn. Cái sự thật tàn nhẫn này bị vùi trong câm lặng. Cho đến đầu thế kỷ XXI, mới có vài nhà báo Pháp lên tiếng. Sau đó, Bernard Kouchner, vốn là một ngôi sao cánh tả nhưng sau thất bại của Ségolen Royal trong cuộc tranh cử 2007, đã nhận lời làm bộ trưởng bộ ngoại giao cho chính phủ Sarkozy mới chính thức lên tiếng xin lỗi vì: “Nước Pháp đã đối xử với những người lính thợ Việt Nam như đối với súc vật.”
Trong thực tiễn, nước Pháp đã đối xử với đám lính thợ Việt Nam còn tệ hơn súc vật bởi khi cưỡng chế thanh niên Việt Nam sang Pháp, họ dồn đám người này xuống hầm tầu còn tầng trên, thoáng mát hơn thì để dành cho… những con bò. Cái kinh nghiệm tồi tệ ấy được cấy trong tim như một quá khứ sầu thảm, cộng đồng người Việt không thể tránh khỏi mặc cảm của những kẻ vừa là dân nhập cư, vừa mang nhãn hiệu “Được lôi ra từ vùng đất thuộc địa”. Thế nên, cuộc sống tinh thần của họ dường như đột ngột khởi sắc, bừng bừng ánh sáng khi cuộc chiến tranh Việt-Mỹ xẩy ra. Tại sao?
Dễ hiểu thôi, tinh thần „Bài Mỹ“ là chất xi-măng gắn kết một số đông quốc gia trên thế giới, không chỉ các nước thuộc phe Xã hội chủ nghĩa nhưng ngay cả các nước phương Tây. Hành vi của nước Mỹ không chỉ gợi lên lòng căm thù nhưng kèm theo đó cả sự sợ hãi. Nếu có tiền lệ một nước nhược tiểu bị Mỹ chà nát thì sẽ đến lượt các nước khác theo thành ngữ, “Không bao giờ có lần thứ nhất, lần thứ hai mà lại không có lần thứ ba”.
Vả chăng, về mặt lý, cuộc chiến này không thể biện minh, “Không một người Việt Nam nào mang bom sang giết người Mỹ.”
Dù cộng sản hay không cộng sản thì sự thực là không có một người Việt Nam nào cầm dao hoặc cầm súng sang tận nước Mỹ để giết một người Mỹ, hoặc ngay đến một con bò trong trang trại Mỹ cũng không.
Vì thế, lương tâm nước Mỹ phải thức tỉnh. Các vụ biểu tình phản đối chiến tranh trước toà Nhà Trắng của Mỹ điệp với các cuộc biểu tình trước sứ quán Mỹ tại các nước khác. Tiếng hát và ngọn lửa tự thiêu của trí thức Mỹ đốt nóng cả châu Mỹ La-tinh và châu Âu.
Vào thời điểm ấy, người Việt Nam nhập cư chống chiến tranh được hưởng một sự ưu đãi vô tiền khoáng hậu. Đi đến đâu họ cũng được thăm hỏi, giúp đỡ, được coi là người của “một dân tộc anh hùng”. Và, trên các diễn đàn chống chiến tranh, đại diện của “tổ chức Việt kiều yêu nước” được xuất hiện bên cạnh những nhân vật quan trọng bản xứ mà nếu không nhờ ân sủng của cuộc chiến này, không bao giờ họ có cơ hội và có tư thế tiếp xúc. Để ví von, có thể nói rằng: Những con chim vốn nép mình trong bóng tối nhờ ánh đạn lửa mà được nhô đầu ra và há mỏ cất tiếng kêu.
Thế nên, họ cần cuộc chiến tranh Việt-Mỹ.
Lòng ích kỷ, cái kiêu ngã của con người quả là vô giới hạn. Những kẻ sống ở một phương trời, cần máu đồng bào phải đổ ở một phương trời khác để tô điểm cho cuộc sống tinh thần của chính mình.
Chiến tranh thật đẹp khi nó được tạo bằng máu xương kẻ khác!
Từ đây, tôi nghi ngờ hai từ “yêu nước”. Phía sau danh từ này có vô vàn tâm trạng, có vô số động cơ, hoặc xác thực, hoặc ngầm ẩn, hoặc có ý thức, hoặc vô thức.
Danh từ nào cũng lập lờ và cũng có khả năng phản lại nghĩa chính thống.
Như thế, giữa người Việt với người Việt cũng bị chia cách bởi những con sông vô hình. Chắc chắn cũng còn khá lâu mới bắc được cầu qua những con sông ấy.
Chiến tranh Việt-Mỹ đã qua, nhưng sau đó không lâu cái tên Việt Nam lại dội lên trên các kênh thông tin quốc tế. Lần này, là một thứ ồn ào dơ dáy. Chẳng còn là người anh hùng bé nhỏ dám đương đầu với đế quốc Mỹ mà là tác giả của Khổ nạn Thuyền nhân. Ở châu Âu, phái đoàn Việt Nam không còn được chào đón bằng cờ và hoa mà bằng cà chua và trứng thối. Tôi nhớ rằng lần đi châu Âu, ông Võ Văn Kiệt đã hứng trọn một quả trứng thối vào giữa mặt còn đến lượt ông Phan Văn Khải thì thoát nạn nhờ sự bố trí, dàn cảnh công phu của cảnh sát Pháp. Sự đời vốn đổi thay như các lớp tuồng. Điều khốn khổ cho người Việt Nam là dường như họ chỉ được biết đến trong các tình huống đau khổ. Kể từ khi làn sóng “Thuyền nhân” dịu đi, Việt Nam gần như chẳng còn gì để nhớ. Cứ nghe đài phương Tây thì biết, người ta chỉ nhắc tới hai từ Việt Nam khi nhắc tới cuộc chiến tranh Việt-Mỹ, bởi rất nhiều trí thức phương Tây, đặc biệt là các văn nghệ sĩ đã tham gia vào phong trào chống chiến tranh và tuổi trẻ của họ gắn bó với những kỷ niệm của một thời sôi động. Tuy nhiên, ngay cả những người kiên nhẫn nhất và hiểu biết Việt Nam nhiều nhất cũng chưa dám quả quyết rằng họ nắm được sự thực về cuộc chiến tranh này. Điều đó, quá khó khăn.
Một lần, một nhà văn Pháp hỏi tôi:
- Cái gì tạo nên sức mạnh của chúng mày trong cuộc chiến tranh Việt-Mỹ?
Tôi đáp:
- Một nửa là thói quen của hàng ngàn năm chống xâm lược. Nửa kia là sức mạnh của chủ nghĩa ngu dân.
Anh bạn chưng hửng:
- Mày không đùa đấy chứ? Ai có thể tin nổi một thứ lý thuyết quái gở như thế.
Tôi cười:
- Rất nhiều thứ quái gở ở phương Tây lại là sự thực đơn giản ở phương Đông. Và ngược lại.
Bây giờ, tôi xin giải thích “thứ lý thuyết quái gở” này.
Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ được đảng cộng sản phát động với lời tuyên bố: Đánh đuổi quân xâm lược Mỹ.
Năm 1964, tôi mười bẩy tuổi. Vào tuổi ấy, tất thảy thanh niên ở miền Bắc không có quyền nghe đài nước ngoài, không có ti-vi, không có máy quay đĩa, không có bất cứ nguồn thông tin nào ngoài báo chí cộng sản và đài phát thanh trung ương. Lần đầu tiên, tôi được nghe những bài hát nước ngoài là năm tôi mười sáu tuổi. Mùa hè năm 1963, anh họ tôi là phiên dịch tiếng Nga dẫn tôi cùng đứa em trai đến nhà ông chuyên gia mỏ thiếc Tĩnh Túc ở Hà Nội. Ông bà ấy đón tiếp rất tử tế, ngoài việc chiêu đãi bánh ngọt và nước trà chanh, còn mở máy quay đĩa cho chúng tôi nghe. Cảm giác của tôi lúc đó là choáng váng, như muốn chết. Đó là cảm giác thật sự khi con người lạc vào một thế giới mà họ vừa cảm thấy ngây ngất vừa cảm thấy như ngạt thở. Đĩa nhạc đó là của Roberto… (không nhớ họ), một giọng ca Ý tuyệt diệu nhưng chết trẻ. Những bài hát tôi nghe là các bài nổi tiếng cổ truyền: Ave Maria, Santa Lucia, Paloma, Sérénade, Histoire d’amour, Besame Mucho…
Ra khỏi cửa nhà ông chuyên gia Nga nọ, tôi bước đi loạng choạng. Lần đầu tiên, tôi hiểu rằng cuộc sống của chúng tôi là cuộc sống của những kẻ bị nhốt dưới hầm. Những bài hát kia là một thứ ánh sáng mà lần đầu tiên tôi được thấy. Ánh sáng đó rọi từ một thế giới khác, hoàn toàn ở bên ngoài chúng tôi. Kể lại chuyện này, để hậu thế nhớ rằng, thời đại của chúng tôi là thời đại của một thứ chủ nghĩa ngu dân triệt để. Một thứ chủ nghĩa ngu dân tàn bạo, nó buộc con người sống như bầy súc vật trong một hàng rào được xây nên bằng đói khát, hà hiếp và tối tăm.
Khi con người bị điều khiển cùng một lần bằng tiếng gào réo của dạ dầy và cái bỏng rát của roi vọt thì họ không thể là người theo nghĩa thực sự. Chủ nghĩa ngu dân là thứ lá chắn mắt ngựa, để con vật chỉ được quyền chạy theo chiều mà ông chủ ra lệnh. Khi tất cả những con ngựa đều chạy theo một hướng, ắt chúng tạo ra sức mạnh của “bầy chiến mã”, nhất là khi, trong máu chúng đã cấy sẵn chất kích thích cổ truyền “chống xâm lăng”.
Với lũ trẻ là chúng tôi thời ấy, danh từ Xâm lăng dùng để chỉ: quân Nguyên, quân Minh, quân Thanh, và bây giờ là quân Mỹ. Danh từ ấy đồng nghĩa với Tô Định, Mã Viện, Thoát Hoan… Tóm lại, Mỹ là lũ giặc phương Bắc nhưng mũi lõ, mắt xanh, tóc vàng.
Ngôn ngữ vốn là một nhà tù, mà chúng tôi không có điều kiện để tiếp cận với các nguồn thông tin khác, các ngôn ngữ khác, nên hiển nhiên chúng tôi là đám tù binh ngoan ngoãn sống trong nhà tù ấy, đinh ninh rằng mình ra đi là để bảo vệ non sông.
Bởi vì, tổ tiên chúng tôi đã quen chết hàng ngàn năm để chống lại những kẻ thù mạnh hơn họ bội phần, chúng tôi cũng sẵn sàng ra chiến trường chống quân xâm lược Mỹ theo đúng cách thức ấy.
Đó là lý do tôi nói, “sức mạnh của chủ nghĩa ngu dân”.
DTH

-Việt Nam đứng kế chót danh sách ‘đóng góp cho nhân loại’
-HÀ NỘI (NV) - Trong danh sách bảng xếp hạng các quốc gia “đóng góp tổng thể cho nhân loại,” Việt Nam trong sự cai trị của đảng CSVN đứng ở vị trí gần như “đội sổ.”
Bảng xếp hạng này có tên là “Good Country Index” do ông cố vấn chính sách Simon Anholt thiết lập. Ðài BBC tiếng Việt trích dẫn kết quả bảng xếp hạng cho thấy, Việt Nam, Iraq và Libya “cùng nằm dưới đáy.” Việt Nam đứng hạng thứ 124; sau cả Iraq, hạng 123; chỉ hơn Libya, hạng thứ 125.


Một trong những lễ hội văn hóa của Việt Nam. (Hình: cinet.gov.vn)

Bảng xếp hạng này dựa vào kết quả khảo sát của Liên Hiệp Quốc và World Bank, xếp hạng 125 quốc gia khắp hành tinh. Các tiêu chí được căn cứ để xếp hạng bao gồm: thành tích công nghệ, văn hóa, hòa bình-an ninh quốc tế, trật tự thế giới, khí hậu, sự thịnh vượng, bình đẳng, sức khỏe của người dân... Ngoài ra, các yếu tố khác cũng được xem xét như số lượng sinh viên ngoại quốc đến học tại quốc gia đó, số tiền của quốc gia đóng góp cho quỹ gìn giữ hòa bình, số giải Nobel giật được.
BBC cho biết, Ireland là quốc gia đứng đầu danh sách trên, kế đến là các quốc gia Bắc Âu. Nước Anh đứng hạng bảy, trong khi Hoa Kỳ đứng hàng thứ 21. Ðặc biệt là Kenya, một quốc gia Châu Phi nghèo và đang bị xâu xé bởi các cuộc xung đột sắc tộc, nhưng đứng hàng thứ 26 trong bảng xếp hạng trên vì “có nhiều đóng góp có ý nghĩa cho xã hội.”
Trong lĩnh vực văn hóa, Bỉ giành ngôi vị đầu. Tây Ban Nha đứng hàng đầu về hoạt động săn sóc y tế. Nước Nga xếp hạng rất thấp, thứ 95, bên cạnh Honduras và Congo. Cũng trong lĩnh vực này thì Việt Nam xếp hạng thứ 76 trong khi Iraq đứng hàng thứ 116 và Libya hàng thứ 124.
Theo Financial Times, ông Simon Anholt quan niệm rằng “một nước thành công chưa đủ, điều quan trọng là họ đóng góp được gì đó cho nhân loại.” Ông Simon Anholt đã nhận được giải Nobels Colloquia, do một ủy ban gồm mười nhân vật đã nhận giải Nobel kinh tế trao tặng. (PL)


--Việt Nam lại đứng thứ nhì thế giới!
Tuy vẫn biết VN hay được xếp thứ hạng rất cao*, nhưng việc tờ báo The Economist lại vừa ra một bài mới về xếp hạng “độ tử tế của các nước” (the goodness of nations), xếp hạng 125 nước, đo mức độ tử tế của các nước trong cộng đồng quốc tế, mà trong bảng xếp hạng này, Việt Nam suýt chiếm ngôi đội sổ, làm tôi cũng phải giật mình!
Xem bài báo ở đây (cảm ơn 1 người bạn đã chỉ cho biết):
http://www.economist.com/blogs/graphicdetail/2014/06/daily-chart-18
Chi tiết xem ở: http://www.goodcountry.org/
Theo bảng xếp hạng đó thì đứng ở vị trí số to nhất (125) là Libya, còn vị trí thứ 124, ngôi á hậu là Việt Nam.
Bảng xếp hạng về độ tử tế này được tính theo tổng hợp của 7 lĩnh vực: đóng góp về khoa học công nghệ, đóng góp về văn hóa, đóng góp vào hòa bình và an ninh thế giới,  trật tự thế giới, bảo vệ môi trường của hành tinh, đóng góp vào sự phồn vinh và bình đẳng của thế giới, đóng góp về y tế sức khỏe. Mức độ đóng góp này được tính trên nền mức độ giàu nghèo của các nước. (Tức là nước nghèo có đóng ít hơn cũng có thể được tính ngang bằng nước giàu mà đóng góp nhiều hơn).
Về khoa học công nghê, Việt Nam đứng thứ 89/125, với tỷ lệ đóng góp tương đối là âm, đặc biệt là về bằng sáng chế là âm nặng.
Về mặt văn hóa, Việt Nam có nhỉnh hơn, đứng thứ 76/125, khá tốt về mặt xuất khẩu đồ sáng tạo nghệ thuật, nhưng lại đứng bét bảng về vấn đề tự do ngôn luận, và cũng âm về tự do đi lại.
Về mặt canh giữ hòa bình thế giới, tuy Việt Nam cùng với Cu Ba là hai trụ cột của hòa bình thế giới, nhưng chỉ đứng thứ 103/125. (Cuba thì không có xếp hạng trong danh sách 125 nước, có lẽ vì quá đặc biệt nữa). Có mỗi một điểm sáng trong hòa bình thế giới của Việt Nam là vấn đề xuất khẩu vũ khí, đơn giản là vì VN chẳng làm được cái vũ khí nào đáng để người khác mua? Hai khoản âm nặng của VN trong lĩnh vực hòa bình và an toàn thế giới là lĩnh vực an toàn internet và lĩnh vực nộp tiền cho quân của Liên Hiệp Quốc.
Về khoản trật tự thế giới thì VN đứng thứ 123/125, nói đơn giản là vô tích sự: không có nuôi được người tị nạn nào từ các nước khác, mà trái lại là cái nguồn sản sinh người tị nạn, cũng chẳng tuân thủ hay ký được nhiều các hiệp định quốc tế. Chỉ có mỗi một điểm “không tối” chứ chưa phải là sáng sủa, đó là có hạn chế được sự bùng nổ dân số.
Về khoản bảo vệ môi trường (hành tinh và khí hậu) thì VN cũng sát đội sổ, đứng thứ 123/125, đặc biệt âm nặng về việc thải chất độc ra môi trường.
Về việc đóng góp vào phồn vinh và bình đẳng kinh tế thế giới, VN ngoi lên được thứ 79/125, tuy chẳng giúp được ai và còn hạn chế tư do thương mại, nhưng  không đến nỗi bị rơi vào cụm các nước ăn bám.
Về khoản đóng góp cho y tế và sức khỏe thế giới, VN cũng lẹt đẹt ở thứ hạng 111/125, chủ yếu là tầu há mồm nhận viện trợ của nước ngoài về lương thực thuốc thang, và lại còn là ổ ma túy. Tuy nhiên có một điểm sáng là có đóng góp vào tổ chức y tế thế giới (WHO).
Tính tổng cộng lại, thì VN đứng thứ 124/125 về độ tử tế trên thế giới.
ĐCS VN có nên tự hào về thành tích này và thông báo cho nhân dân biết hay không?
* hiểu là từ dưới lên

Tổng số lượt xem trang