Nguyệt Quỳnh
Ngày về đẫm lệ của ngư dân bị Trung Quốc bắt (Nguồn: Một Thế Giới)
Ngửa mặt lên trời
Như xác ngư dân trôi ngoài biển khơi.
Trôi theo con sóng vỗ
Trôi theo phận nước tôi
Như xác ngư dân trôi ngoài biển khơi.
Trôi theo con sóng vỗ
Trôi theo phận nước tôi
(Viết về ngư dân Việt Nam - Tuấn Khanh)
Gần đây lãnh đạo đảng lại vừa cho thực hiện các phong trào cổ
động và phát bằng khen cho ngư dân. Từ vụ bà Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn thị Kim
Tiến phát động chương trình “Ngành y tế cùng ngư dân bám biển” tại đảo Lý Sơn,
đến vụ Uỷ Ban Nhân Dân Thành Phố Đà Nẵng tặng bằng khen cho các ngư dân tham
gia đánh bắt bảo vệ chủ quyền vùng biển Hoàng Sa. Điều nghịch lý là trong lúc
lãnh đạo tiếp tục ra lệnh cho Hải Quân Nhân Dân Việt Nam với súng ống, tàu sắt,
tàu ngầm, tên lửa phải tuyệt đối bám chặt bờ, thì ngư dân tay không, nghèo kiết
xác, thuyền gỗ mong manh lại được đẩy ra bám biển để bảo vệ chủ quyền đất nước?!
Chắc chắn bà Bộ trưởng Y Tế Nguyễn thị Kim Tiến chưa một ngày phải sống với nỗi
lo sợ, nỗi đau của những người vợ, người mẹ của ngư dân. Bà cũng chưa từng phải
nặn những hình nhân bằng đất để đắp cho chồng, cho con một ngôi "mộ gió"
trên đảo Lý Sơn (vì đã chết mất xác), nên bà mới có thể mạnh miệng phát biểu: “Ngư dân còn,
biển còn. Ngư dân khỏe sẽ tiếp tục bám biển, tiếp thêm lực lượng, thêm sức mạnh
bảo vệ quyền và chủ quyền về biển, đảo của Việt Nam.”
Thử hỏi ngư dân tay không thì bám biển, bảo vệ chủ
quyền biển đảo bằng cách nào? Gặp tàu Trung Quốc họ đã phải chạy trối chết để
thoát thân, chạy không thoát thì bị chúng dùng tàu vỏ thép va đập, thậm chí đâm
chìm như tàu cá DNa90152 của vợ chồng bà Huỳnh thị Như Hoa. Có khi chúng thản
nhiên xả đạn bắn vào thuyền ngư dân bất cần có gây thương tích hay thiệt mạng
ai không, như trường hợp tàu cá của thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh. Có lúc
chúng lại xấc xược, trắng trợn như trường hợp mới xảy ra vào sáng ngày 3/7/14.
Ngư dân của tàu cá QNg94912TS đang
đánh bắt ở vùng biển Việt Nam thì bị tàu Trung Quốc ép sát rồi bắt giữ. Xin
ghi lại nguyên văn lời tường thuật của thuyền
trưởng Võ Tấn Tèo:“Đang đánh bắt ở biển của mình, Trung Quốc bắt,
dìu đi qua biển Trung Quốc, rồi họ dừng lại, bắt ngư dân trên tàu chỉ vô máy
định vị lúc đó hiện tọa độ của họ, rồi họ quay phim, chụp hình vu khống mình
đánh bắt trái phép biển của họ.” Bị bắt và bị
dẫn độ về đảo Hải Nam, tại đây các ngư dân Quảng Ngãi bị buộc phải
ký vào những biên bản sai trái trên rồi mới được thả về. Toàn bộ ngư lưới cụ và
gần 3 tấn hải sản đánh bắt được đều bị phía Trung Quốc thu giữ với lý do các ngư
dân này đã đánh bắt trên vùng biển của chúng. Có những vụ ngư dân bị "quân
nước lạ" giết chết nhiều đến độ cả làng để tang như làng đánh cá Hoà Lộc năm 2005.
Suốt 10 năm trường đối diện
với những hành động tàn ác bức hiếp ngư dân ta của Trung Quốc, chẳng thấy nhà
nước có bất cứ một động thái, một biện pháp nào nhằm để bảo vệ ngư dân ngoài
việc phát bằng khen và thúc họ ra bám biển tiếp. Những tấm bằng khen của lãnh đạo đã
trở thành hiện thân của sự vô cảm, quá lạnh lùng đối với máu và nỗi thống khổ
của ngư dân. Nếu nhà văn Victor Hugo, tác giả cuốn “Những kẻ khốn cùng”
(Les Misérables), tái sinh ở VN không chừng lại
có một tác phẩm vĩ đại về ngư dân Việt. Và những kẻ khốn cùng này thực
sự sẽ lấy hết nước mắt của thế giới!
Khốn cùng vì gần như họ không có một chọn lựa nào khác. Cuộc sống khó
khăn đến nỗi nếu không ra biển thì kiếm sống bằng cách nào? Ra biển gặp tàu
Trung Cộng thì một mình, bơ vơ, đối phó làm sao được với tàu sắt và súng ống. Đành
để chúng tha hồ làm nhục; tha hồ đánh, cướp, phá, đâm chìm, hay bắt giữ đòi
tiền chuộc... Nhưng lết được về đến bờ, thoát chết thì lại trắng tay, tài sản mưu
sinh mất sạch. Về đến nhà để phải nhìn cảnh gia đình đối diện với đói rách, với
nợ nần chồng chất theo các thiết bị đã mất. Có ai không khỏi mủi lòng khi chứng
kiến hình ảnh đen đủi thất thần của 13 ngư dân thuộc hai tỉnh Quảng Bình và Quảng
Ngãi vừa được Trung Quốc thả cho về. Tiếng khóc nức nở của những người mẹ,
người vợ các ngư dân này đã dậy lên ở cửa sông Loan, huyện Quảng Trạch trong
buổi chiều đón họ về bến ngày 16/07 vừa qua.
Khốn khổ cho
những người vợ trẻ, những đứa con thơ và cha mẹ già phập phồng trông ngóng tin
con từng ngày. Bây giờ một lần đưa chồng, đưa con ra đi, họ biết đây có thể là
lần cuối. Khi tàu các anh Võ Tấn Tèo, Lê Văn Thun bị Trung Quốc bắt, mẹ anh Thun
suốt ngày ra cửa biển Sa Huỳnh ngóng tin con. Trong ngôi nhà nhỏ của anh, người
mẹ chồng cùng cô con dâu trẻ đang mang thai ngày nào cũng tràn nước mắt. Chị
Thuỳ và anh Thun vừa mới cưới nhau đầu năm, nghe tin vợ có thai anh bảo đi biển
chuyến này cố gắng kiếm tiền về cho vợ sanh nở. Gia đình bà Trần thị Mầy, mẹ
anh Tèo, cũng không khá hơn, bà thương đứa con dâu suốt ngày núp trong phòng
thui thủi khóc một mình. Bà lo lắng cho đứa con trai sợ nó bị Trung Quốc đánh
đập, hành hạ. Lo lắng hơn nữa cho con dâu, vợ anh Võ Tấn Tèo, đang bụng mang dạ
chửa, sắp đến ngày sinh nở không có chồng bên cạnh!
Khốn quẫn hơn nữa
cho một đất nước mà chuyện ngư dân bị "tàu lạ" bắn giết trong hải
phận nước mình như vậy lại được người đứng đầu Bộ Quốc Phòng xem là chuyện nhỏ,
chuyện lục đục trong gia đình. Và vì là chuyện nhỏ nên tàu hải quân VN sẽ chỉ
bám bờ, không can thiệp.
Nhưng KHỐN NẠN
nhất là những ngư dân tay không ấy lại được khen ngợi là những "cột mốc
sống". Từ những phát biểu của ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang như: “ngư
dân hãy yên tâm bám biển giữ chủ quyền” đến các phát biểu của Trung tướng Tô
Lâm: “Ngư dân là cột mốc sống chủ quyền lãnh hải”, và sau đó báo đài đồng loạt lập
lại. Nhưng đến khi tàu hải quân Trung Cộng đuổi bắn những “cột mốc sống” này
thì sự im lặng gần như tuyệt đối; không còn một quan chức nào đếm xỉa đến họ
nữa. Có thể nói, trong những giờ phút đó, Hà Nội đã lạnh lùng xem bà con ngư
dân như những "cột bia xi măng" vô tri vô giác. Khi tàu ngư chính
Trung Cộng đâm, đánh, bắt họ thì Hà Nội lặng lẽ coi ngư dân như những "cột
gỗ mục" vô giá trị.
Và KHỐN KIẾP
không kém là khi có ngư dân nào thoát chết, tả tơi vào bờ thì lại có những buổi
lễ trao tặng bằng khen kế tiếp cho những "cột mốc sống dở chết dở" ấy
để lại đẩy họ và đẩy thêm các "cột mốc còn sống" khác ra khơi trở
lại.
Những mảnh bằng khen này làm nhiều người nhớ lại loại bằng khen
dành cho các bà mẹ liệt sỹ, các "bà mẹ anh hùng" đã hy sinh tất cả
đàn con của mình cho cuộc chiến "chống Mỹ cứu nước". Sau cùng, công
trạng "giải phóng miền Nam" là của đảng. Còn cái bằng khen và chỉ cái
bằng khen là của mẹ. Và mẹ ôm nó trước ngực, với hai hàng nước mắt ngồi bệt
trên mảnh đất duy nhất còn lại đang bị cưỡng chế.
Tôi tự hỏi sau Lý Sơn, Đà Nẵng, ... sẽ còn bao nhiêu mảnh
bằng khen khốn nạn ấy nữa treo rải
khắp các tỉnh duyên hải Việt Nam?