Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Quỳnh Giao – Lòng Ta Ở Với Người

-Quỳnh Giao (1946-2014)
-Cô Tư Sài Gòn - Việt Báo Ngày 140801

Lòng Ta Mãi Ở Với Người 



* Quỳnh Giao trong một lần xuất hiện cuối, với dàn hoà tấu của Nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng tại California *

Quỳnh Giao đã ra đi. Một phần tinh anh của Sài Gòn đã từ biệt cõi gian nan này. Một mảng Tiếng Tơ Đồng đã bị bứt ra khỏi cuộc đời. Một đóa quỳnh đã rơi, một cành giao đã gãy...

Cuộc đời Quỳnh Giao là một phần của nghệ thuật Sài Gòn, nơi đó là tiếng hát hoàn toàn cất lên từ tự do, từ khát vọng tự do, không hề lệ thuộc một thế lực chính trị nào. Quỳnh Giao là biểu tượng của một nhan sắc Sài Gòn, từ dung nhan tới tiếng hát, tới tài viết văn, tới cách xử thế dịu dàng, quý phái.

Hôm nay được một người bạn chuyển qua email một bản ghi lại, lời nói thương tiếc của nhà văn Nhã Ca trong tang lễ ca sĩ Quỳnh Giao. Xin ghi lại để cùng ngậm ngùi.

Bằng hữu Quỳnh Giao tưởng niệm: Cung Tiến, Kim Tước, Mai Hương, Trần Dạ Từ, Phạm Phú Minh, Kiều Chinh 
Nhã Ca, Trịnh Y Thư, Nam Phương, Doãn Quốc Hưng, Nguyễn Bá Khanh

Và Tenzin Dorjee đọc bài chú bên chồng và con của Quỳnh Giao

 

Nhã Ca:

“KÍNH CHÀO QUÍ VỊ

Cho phép tôi nói đôi chút về Quỳnh Giao. Và với Quỳnh Giao, người bạn, người em, người cháu.

Ba giờ sáng ngày Thứ Tư tuần trước, khi biết Quỳnh Giáo đã thực sự ra đi, đầu tôi bật lên tiếng kêu: Không đúng. Không thể. Đâu đã tới phiên Quỳnh Giao?” Tiếng kêu trong đầu lúc ba giờ sáng ấy, cho tới phút này, lúc này vẫn không chịu yên.

Sở dĩ gọi lộn xộn vừa bạn, vừa em, vừa cháu, vì nhiều thứ thân tình chồng chất lâu rồi! Từ nhỏ, cô chị lớn Đoan Trang và các em Ti Cưng, Tí Ti, Tí Xíu, Tí Dung... của anh chị Dương Thiệu Tước - Minh Trang, với tôi là “cô cô, cháu cháu”. Có lúc Tí Xíu Dương Vân Quỳnh đối với tôi đã lên chức chị, vẫn “cô cô, cháu cháu”. Sau này, chị Đoan Trang Quỳnh Giao thành bà Nguyễn Xuân Nghĩa, vợ ông bạn thân. Dù đã là bà bạn, là chị em, cách gọi cô cháu thành nếp từ nhỏ vẫn không thay đổi được. Giống như tình thân; một đời, hai đời, ba đời, không cột mà tự nhiên cứ chặt.

Mới đó, Sàigon năm nào, trong vườn khuya cả nhà cùng hát.

Mới đó, đúng ngày, mấy đứa con tôi mở sẵn hai cánh cổng sắt, chờ chị Quỳnh Giao lái cái xe Dauphine màu trắng vào nhà, dạy và kiểm bài học dương cầm.

Và mới đây thôi, đứa cháu nội ba tuổi, khi cắt bánh ăn, còn nhất định để phần cho bà nội, bà Chinh và bà Giao.

Tuy lên chức Bà, có cháu chung, bà vẫn trẻ nhất, tươi tắn nhất, khỏe nhất.

Vậy mà sao bà Giao nằm kia mà bà Chinh, bà Nhã đứng đây.

Giao ơi! Bạn quí, em thương, cháu cưng,

Lỡ hái bông hoa hồng mà gãy tay! Rồi vẫn lành mà. Hôm đi châm cứu về, Quỳnh Giao đã reo lên trong điện thoại: “Cô ơi, tay cháu sắp khỏi rồi, cháu sắp đánh đàn trở lại!”

Ngày nằm giường bệnh, Quỳnh Giao nhẹ nhàng nói: Cô ơi, cô ôm cho cháu ngủ, cháu sẽ mau lành. Vì lo cho cháu bệnh mà anh Nghĩa khổ quá!”. Anh Nghĩa, cô Nhã, chị Huyền đã cùng ngồi quanh giường bệnh khi chư tăng Tây Tạng đến cầu an cho Giao.

Giao ơi, hóa trị xạ trị gì đó đều xong. Rồi sẽ yên. Như ánh trăng bị mây che lấp, mây sẽ qua, trăng sẽ sáng. Nhưng Giao muốn đến sớm, xuyên qua mây và đến thẳng với ánh trăng.

Quỳnh Giao của chúng tôi! Quỳnh Giao của chúng ta đã ngủ yên.

Ngủ yên nhé. Bạn quí, em thương, cháu cưng.

Ngủ quên thân và ngủ để lành lặn tâm trong vô thường.

Hôm nay, chùa gần, chùa xa, từ Cali, từ Sài Gòn tới Dharamsala đều có chuông lễ cho Quỳnh Giao. Xin tất cả quí vị cùng chúng tôi lặng lẽ cầu nguyện và tiễn biệt Quỳnh Giao lên đường về cõi Phật.”


Lời của nhà văn Nhã Ca như thế: “Quỳnh Giao của chúng ta đã ngủ yên. Ngủ yên nhé...”
Xin góp lời cầu nguyện: Ngủ yên nhé...


--

-Quỳnh Giao – Lòng Ta Ở Với Người

Quỳnh Giao (1946 - 2014)

Quỳnh Giao sinh tại Vỹ Dạ của cố đô Huế vào ngày tám Tháng 11 năm 1946 với khuê danh là Nguyễn Phước Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang.

Nói theo lối cổ điển về thân thế, Quỳnh Giao thuộc "Hoàng phái" từ song thân là cụ Ưng Quả và danh ca Minh Trang.

Thân phụ là Nguyễn Phước Ưng Quả, hiệu Vân Hán (1905-1951), cháu nội Tuy Lý Vương Miên Trinh - tự Khôn Chương, hiệu Tĩnh Phố, người con thứ 11 của vua Minh Mạng và em vua Thiệu Trị. Nhà giáo Ưng Quả là học giả uyên bác được giới khảo cứu Việt học của Pháp kính trọng và là bậc thầy của một thế hệ giáo sư, sau này có nhiều khoa trưởng của các Đại học thời độc lập. Học giả Ưng Quả từng là Thái tử Thiếu bảo khi dạy học Thái tử Bảo Long, Hiệu trưởng trường Quốc học tại Huế, Giám đốc Nha học chánh Trung Phần thuộc Bộ Học của nước Việt Nam thời Pháp và tác giả của nhiều công trình biên khảo về văn hóa và mỹ thuật Việt Nam, từng phiên dịch văn chương Pháp qua Việt ngữ và văn học Việt qua Pháp ngữ... Ngoài ra, cụ còn là người thẩm âm sành nhạc và gẩy đàn nguyệt khi tiêu khiển.

Cụ Ưng Quả mất vào năm 1951 tại Bộ Học sau một cơn trụy tim, thọ 46 tuổi, khi Quỳnh Giao mới lên năm.

Thân mẫu Quỳnh Giao, nghệ sĩ Minh Trang, có khuê danh là Nguyễn Thị Ngọc Trâm, là con gái của Thượng thư Nguyễn Hy. Bà là cháu ngoại của Công chúa Công Tằng Tôn Nữ Tốn Tùy, tức Mỹ Lương Công chúa. Công chúa Mỹ Lương được người đương thời tôn xưng là "Ngài Chúa Nhất" vì là chị cả của vua Thành Thái.

Bà Ngọc Trâm sinh năm 1921, tốt nghiệp Tú tài Pháp, làm biên tập viên và xướng ngôn viên song ngữ Pháp-Việt trong lãnh vực phát thanh từ thời Pháp. Bà lấy nghệ danh Minh Trang từ khi hát cho đài Pháp Á vào buổi bình minh của nền tân nhạc Việt Nam. Nghệ danh ấy là sự kết hợp tên của con trai và con gái của bà là hai nghệ sĩ Bửu Minh và Đoan Trang. Bửu Minh là danh thủ violon, ngồi ghế concert master của dàn nhạc hòa tấu Stuttgard Symphony ở Đức. Danh ca Minh Trang đã tạ thế vào Tháng Tám năm 2010 tại California Hoa Kỳ.

Ở tại Huế đến khi lên bảy Quỳnh Giao mới vào Sàigon sống với thân mẫu và kế phụ là Dương Thiệu Tước, một nghệ sĩ đã góp phần khai phá nền tân nhạc cải cách, nhạc sư đàn Tây Ban Cầm và là cháu nội của một danh sĩ Bắc Hà, Thượng thư Dương Khuê.

Do huyết thống và lại sống trong môi trường âm nhạc, Quỳnh Giao có năng khiếu về nhạc từ bé.

Khi danh ca Minh Trang lập ban hát thiếu nhi đầu tiên là Thiếu Sinh Nhi Đồng thì Đoan Trang đã cùng anh trai tham dự, với tiếng hát thiếu nhi của Mai Hương, Bích Chiêu, Bạch Tuyết, Kim Chi, Quốc Thắng và Tuấn Ngọc.... Sau năm 1953, khi hai kịch sĩ Kiều Hạnh và Phạm Đình Sĩ (song thân của Mai Hương) vào Nam thì Minh Trang nhường cặp nghệ sĩ này điều hành ban hát Nhi Đồng và đổi tên ra Ban Tuổi Xanh cho thích hợp với lứa tuổỉ của ca sĩ thiếu nhi. Đấy là lúc xuất hiện những tiếng hát như Hoàng Oanh, Mai Hân, Phương Hoài Tâm, Xuân Thu....

Vừa cắp sách vào lớp trung tiểu học, Quỳnh Giao vừa học nhạc tại trường Quốc gia Âm nhạc (trường có thêm ban Kịch nghệ sau này) và được sự dìu dắt về dương cầm của danh sư Đỗ Thế Phiệt (dì Ngọc Thuyền trong gia đình) và về nhạc lý từ nhạc sĩ Hùng Lân. Với Hùng Lân, Quỳnh Giao là một trong những học trò giỏi nhất của ông. Sau bảy năm học nhạc, năm 1963, Quỳnh Giao tốt nghiệp thủ khoa về dương cầm lẫn nhạc pháp, và sau này còn được sự dìu dắt về thanh nhạc của một giáo sư Pháp, cứ được gọi là Madame Robin.

Là dương cầm thủ xuất sắc, Quỳnh Giao đã trình tấu cùng nhiều danh cầm Việt Nam và ngoại quốc trong Dàn Nhạc Giao Hưởng của trường Quốc gia Âm nhạc dưới sự điều khiển của Nhạc trưởng Đỗ Thế Phiệt và nhiều lần xuất hiện trong các chương trình hòa nhạc tại Đông Nam Á.

Do Minh Trang bị hen suyễn phải giải nghệ, ở tuổi 15, Quỳnh Giao chính thức hát thay mẹ và một cách thường xuyên trong nhiều ban nhạc lớn tại các đài phát thanh. Từ đó, với nghệ danh do nhạc sĩ Hoàng Trọng đặt cho, Quỳnh Giao vừa đi học vừa đi hát tại các đài phát thanh Sài Gòn, Quân Đội, Tiếng Nói Tự Do và đài Vô Tuyến Truyền Hình Việt Nam sau này, trong các ban nhạc của Vũ Thành, Hoàng Trọng, Hoàng Lang, Phạm Duy, Anh Ngọc, v.v....

Trong hoàn cảnh thân mẫu về hưu, kế phụ làm công chức, là một nhạc sĩ tài hoa có nhiều đam mê, Quỳnh Giao thực tế hỗ trợ gia đình và được năm em bên dòng họ Dương vô cùng yêu quý. Từ năm 1968, Quỳnh Giao còn dạy dương cầm tại gia về nhạc cổ điển Tây phương và lập gia đình, được một con gái là Dzương Ngọc Bảo Cơ sau này tốt nghiệp Cử nhân về Giáo dục tại Hoa Kỳ.

Trong lãnh vực phát thanh có đào tạo chuyên nghiệp thời trước, các ca sĩ không được chọn ca khúc mà phải trình bày những bản nhạc có hòa âm sẵn theo yêu cầu tại chỗ của nhạc trưởng. Ngoài giọng ca, họ phải biết ký âm pháp, giỏi nhạc, một ngày ứng khẩu hát nhiều bài khác nhau trước máy vi âm được phát thanh trực tiếp. Quỳnh Giao là một trường hợp tiêu biểu cho các ca sĩ đài phát thanh.

Khi biến cố 1975 bùng nổ, Quỳnh Giao cùng gia đình di tản vào Tháng Tư và được anh ruột đón về miền Đông Hoa Kỳ. Bào huynh của Quỳnh Giao là Giáo sư Nguyễn Phước Bửu Dương khi ấy dạy văn chương Pháp và Trung Hoa trong Đại học Hoa Kỳ. Ông là một trong những người Việt đầu tiên tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Harvard và nay sống tại miền Nam California với gia đình Quỳnh Giao.

Tại miền Đông, Quỳnh Giao mở lại lớp dương cầm tại gia và yểm trợ rồi đón nhận thân mẫu cũng các em vượt biên qua Mỹ.

Trong thời gian này, Quỳnh Giao thực hiện lấy hai băng cassette có chủ đề "Hát Cho Kỷ Niệm" vào các năm 1983 và 1988. Tự đệm lấy dương cầm với phần phụ họa của Văn Phụng và vài nhạc sĩ, Quỳnh Giao trình bày lại những ca khúc đẹp nhất của tân nhạc với lời giới thiệu của các nghệ sĩ Vũ Thành, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến, Thái Thanh, Kim Tước, Châu Hà, Mai Thảo, Lê Văn, Duyên Anh, Bùi Bảo Trúc, Phạm Văn Kỳ Thanh, v.v... Qua năm 1986, Quỳnh Giao cũng được nhà văn Duyên Anh mời trình bày đĩa nhạc "Còn Thoáng Chiêm Bao".

Cùng giai đoạn ấy, Quỳnh Giao cộng tác và lưu diễn một số nơi với nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nhưng cơ hội không nhiều vì sinh hoạt văn nghệ chưa phát triển rực rỡ như sau này. Đáng chú ý thì năm 1988 và 1989 đã cùng Kim Tước và Mai Hương trình bày nhạc Cung Tiến với dàn nhạc thính phòng của nhạc công người Mỹ tại miền Bắc, miền Nam California, Chicago và Minnesota.

Đấy là lúc khán giả biết đến những ca khúc mới và thuộc loại khó diễn tả nhất của Cung Tiến, như 10 bài Vang Vang Trời Vào Xuân phổ thơ Thanh Tâm Tuyền. Và nhất là tác phẩm Hoàng Hạc Lâu, phổ thơ Thôi Hiệu qua phần cảm dịch của Vũ Hoàng Chương.

Sau khi tái giá với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa - sau này là nhà bình luận hợp tác với các đài phát thanh quốc tế và các tờ báo Việt ngữ tại Hoa Kỳ - Quỳnh Giao qua California sinh sống kể từ 1991. Trong môi trường sinh động và đông đảo người Việt tại miền Tây Hoa Kỳ, Quỳnh Giao có cơ hội mở rộng hoạt động tân nhạc.

Quỳnh Giao lần lượt thực hiện nhiều đĩa nhạc có giá trị nghệ thuật, đa số với hòa âm của Duy Cường, như Khúc Nguyệt Quỳnh (1992), Tiếng Chuông Chiều Thu (1996), Chiều Về Trên Sông (1997), Ngàn Thu Áo Tím (1998), Hành Trình Phạm Duy (1999), Hình Ảnh Một Buổi Chiều (2000), Tình Khúc Văn Phụng & Hoàng Trọng (2001), Thơ Tình Phổ Nhạc (2002), Hoa Xuân (2003), Trở Về Thôn Cũ (2005) và Tình Khúc Phạm Duy (2006).

Ngoài ra, Quỳnh Giao hợp tác với nhiều trung tâm để hoàn thành đĩa Đêm Tàn Bến Ngự - Tình Khúc Dương Thiệu Tước (1995) với tiếng hát Kim Tước, đĩa Tình Khúc Văn Cao (1995) cùng tiếng hát Mai Hương và có những ca khúc ghi âm riêng lẻ trong nhiều đĩa phát hành từ 1993 đến 2006.

Trong giai đoạn này, Quỳnh Giao còn có hai cống hiến khác cho tân nhạc.

Nhờ Quỳnh Giao sống tại miền Nam California gần Kim Tước và Mai Hương, ba chị em trình diễn với nhau nhiều hơn và khi hợp ca thì tự động chia bè rất ăn khớp với sự điêu luyện độc đáo. Từ đó, Ban tam ca Tiếng Tơ Đồng Hải Ngoại ra đời để nhắc về ban nhạc Tiếng Tơ Đồng nổi tiếng trước 75 của nhạc sĩ Hoàng Trọng khi ấy còn ở trong nước.

Đáng kể hơn, là năm 1997 Quỳnh Giao thực hiện cho ban Việt ngữ đài BBC chương trình Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam. Được phát thanh hàng tuần qua 20 buổi, chương trình thuộc loại "nhạc sử" vì nói về 60 năm tân nhạc cải cách Việt Nam từ thời phôi thai năm 1938 đến sau này.

Quỳnh Giao phân đoạn theo thời gian, theo thể tài và đọc lời giới thiệu với phần minh diễn của các ca sĩ và phần phát biểu của nhiều nhạc sĩ. Nhờ nội dung phong phú và nhạc hiệu là bản Bến Xuân của Văn Cao do chính Quỳnh Giao diễn tả, Suối Nguồn Tân Nhạc được thính giả yêu thích nên là một trường hợp hiếm hoi được BBC cho phát lại lần thứ hai.

Nguyên nhân sâu xa nữa sẽ được hiểu ra sau này là Quỳnh Giao có ký ức rất sâu, đã sống với tân nhạc từ bé, gần gũi với các nhạc sĩ và ca sĩ như trong một đại gia đình nên nắm vững hoàn cảnh ra đời của từng ca khúc.

Người ta thấy được điều này khi đọc Quỳnh Giao.

Các môn sinh của thầy Ưng Quả trong trường Quốc học thì không ngạc nhiên khi thấy Quỳnh Giao cầm bút. Sinh thời, nhà giáo ngày xưa là người lịch lãm tài hoa với ngón đàn nguyệt mà cũng là một cây bút sắc xảo. Quỳnh Giao tiếp nhận được huyết thống ấy, mà có lẽ khi còn thiếu thời đã không tự biết.

Năm 1986, nhân dịp mừng sinh nhật thứ 65 của nhạc sĩ Phạm Duy, từ miền Đông, Quỳnh Giao đã có bài viết được đăng trên tờ Văn Học xuất bản tại California. Sau đó là một bài về nhạc sĩ Vũ Thành vừa tạ thế vào năm 1987. Được sự khuyến khích của nhà văn Nguyễn Mộng Giác khi ấy phụ trách tờ Văn Học, Quỳnh Giao đã viết nhiều hơn từ tùy bút đến truyện ngắn cho Văn Học và các tờ báo định kỳ khác, kể cả Thế Kỷ 21. Khởi đầu là đề tài âm nhạc, gần như một loại tự truyện về thế giới tân nhạc Việt Nam, sau này, Quỳnh Giao mở tầm viết và gây thích thú cho người đọc....

Quỳnh Giao viết về nhạc thì cũng như kể chuyện về các nghệ sĩ bằng hữu của thân mẫu. Nhưng kiến thức sâu sắc về nhạc và về kỹ thuật trình bày còn giúp người đọc nhớ lại và có sự thưởng ngoạn cao hơn với từng tác phẩm, từng tác giả hay người trình diễn. Nhờ vậy, độc giả cảm nhận được giá trị đích thực của các ca khúc.

Khi mở ra loại đề tài như điện ảnh, văn chương hay mỹ thuật, Quỳnh Giao còn cho thấy sự am hiểu rộng lớn và thấu đáo. Với văn phong nhẹ nhàng, cái nhìn tinh tế và cách nói khiêm nhưòng dí dỏm về mình, Quỳnh Giao lôi cuốn bạn đọc và dần dần có một thành phần bạn đọc riêng.

Những điều ấy trở thành rõ rệt khi Quỳnh Giao cộng tác với giai phẩm Xuân của Việt Báo và nhật báo Người Việt trong mục "Tạp Ghi" với những bài định kỳ mỗi tuần. Tạp Ghi Quỳnh Giao là mục ăn khách trên Người Việt kể từ năm 2005. Cho đến nay thì đã có gần 500 bài.

Không chỉ đọc Quỳnh Giao, người ta còn nghe thấy tiếng nói thanh quý rất ăn micro của người nghệ sĩ. Những ai còn nhớ tới Quỳnh Giao trong chương trình Suối Nguồn Tân Nhạc năm xưa cùa BBC tìm lại được tiếng nói đó qua mục Vòng Chân Trời Văn Học Nghệ Thuật với nhà báo Lê Đình Điểu của đài phát thanh VNCR. Sau này, khi Người Việt TV thành hình từ Người Việt On line, Quỳnh Giao xuất hiện trên màn ảnh trong chương trình "Câu Chuyện Văn Nghệ" cùng Nam Phương hay Lê Hồng Quang. Đấy là lúc khán giả thấy ra "cây bút Quỳnh Giao" bằng xương thịt, với lối ứng khẩu tự nhiên và nhu mì để nói về đủ loại đề tài hấp dẫn.

Trong khi đó, ở nhà, Quỳnh Giao tiếp tục việc dạy đàn và mở lớp luyện giọng.

Tháng 10, năm 2011, tờ Người Việt cho xuất bản Tạp Ghi Quỳnh Giao, một cuốn sách thuộc loại ăn khách với 67 bài trên hơn 400 trang. Qua năm 2012, Quỳnh Giao chuẩn bị hoàn thành cuốn thứ hai thì ngã trong vườn và bị thương nặng. Sau một cuộc giải phẫu công phu vào Tháng Năm, việc sử dụng tay trái đã bị trở ngại. Lớp dạy đàn mở ra từ mấy chục năm trước coi như chấm dứt.


*
Mùa Xuân 2014, Quỳnh Giao tưởng mình ho vì bị cảm lạnh. Sau một tháng chữa trị bình thường mà bệnh vẫn không dứt. Vào một đêm của đầu Tháng Ba khi bị mất giọng, Quỳnh Giao mới được xe cấp cứu đưa nhà thương và hôm sau thì như bị sét đánh. Ung thư phổi. Điều này là bất ngờ vì trước đó không hề có triệu chứng gì, kể từ khi chiếu điện vì gãy cánh tay mặt.

Sau hơn bốn tháng giải quyết bằng hóa trị rồi xạ trị, Quỳnh Giao suy yếu dần về thể lực mà thần trí vẫn minh mẫn lạc quan. Cho đến khi phải thường xuyên dùng ống dưỡng khí và đối phó với nhiều biến chứng thì tình hình trở thành nguy kịch. Đêm Thứ Ba rạng ngày Thứ Tư 23 Tháng Bảy, Quỳnh Giao lặng lẽ gỡ ống dưỡng khí và ra đi thanh thản trong giấc ngủ trước sự bàng hoàng ngơ ngác của chồng con.

Quỳnh Giao làm đẹp cho đời bằng tiếng hát tuyệt vời và những bài viết về nghệ thuật về mỹ thuật. Người ta thấy yêu đời và yêu người hơn khi nghe hay đọc Quỳnh Giao.

"Lòng Ta Ở Với Người" là tên một ca khúc của Trần Dạ Từ mới được Quỳnh Giao ghi âm mà chưa phổ biến. Có lẽ đấy cũng là lời ca rất đúng về tấm lòng của người nghệ sĩ vừa ra đi.... 


_________________

Ngày 29 Tháng Bảy 2014 là lễ phát tang của Quỳnh Giao tại California. Hôm sau là lễ hỏa táng theo nghi thức Phật giáo. Nhân dịp này, Dainamax trình bày tiểu sử gần như là đầy đủ và hoàn chỉnh về người nghệ sĩ....





Quỳnh Giao Viết




Quỳnh Giao Ngày 090102


Trịnh Bách - Tài Hoa Một Cõi

 * Đại danh cầm của thế kỷ 20 - Andrés Segovia *


Có hai nghệ sĩ chơi Tây ban cầm mà có cùng một chí hướng - là mở tiệm bán đàn!

Một người mở tiệm tại phố Hàng Gai ở Hà Nội rồi di cư vào Nam dạy đàn cho tới khi cả nước đứt dây năm 1975. Ðó là Dương Thiệu Tước, nhạc sĩ có công khai phá nền tân nhạc Việt Nam. Ông sinh năm 1915 và tạ thế năm 1995.

Người kia thì ở một cõi xa hơn nhiều.

Ðó là Sophocles Papas, ra đời trước Dương Thiệu Tước chừng chục năm và ra đi cũng sớm hơn mươi năm (1894-1986). Papas là bậc thầy trứ danh và có công quảng bá nghệ thuật Tây ban cầm trong một lớp học kéo dài hơn sáu chục năm tại thủ đô Hoa Kỳ. Y như Dương Thiệu Tước sau này ở thủ đô Hà Nội, Papas mở tiệm bán đàn tại đường Connecticut, một di tích lịch sử đã từng phục vụ từ tổng thống đến người dân giả.

Hai nghệ sĩ ấy còn giống nhau một điểm, là có một đứa học trò... không giống ai!'

Ðứa học trò đã từng thọ giáo Dương Thiệu Tước tại Sàigòn - và luôn luôn nhắc lại điều ấy - sau này sống tại miền Ðông Hoa Kỳ. Thấy trong niên giám điện thoại có quảng cáo tiệm đàn của một bậc thầy là Papas, cậu bé lần mò tìm tới. Chẳng lẽ Sophocles Papas còn sống hay sao? Mà nghe nói tiệm này mở cửa mãi từ 1922...

Bước vào tiệm đàn, cậu bé thấy choáng ngợp trước nhiều cây đàn quý và nhẹ gỡ xuống một cây, cậu bắt đầu gẩy vài tiếng. Chiều đó, tiệm đàn hơi vắng, ngoài nhân viên bán đàn thì chỉ có một ông già cù lần mới bước vào. Quấn khăn áo sù sụ, ông già thơ thẩn trong tiệm, mân mê lau chùi tủ kính. Có lẽ là người phu dọn dẹp.

Ðược thể, cậu bé lả lướt vài đường cho lão già nhà quê kia biết tài dân Việt!

- Cậu là ai, đang làm gì vậy? Ông lão già bước lại nghiêng đầu hỏi.

- Thì đang thử đàn chứ có gì đâu! Cậu vênh váo trả lời và... chộ bịa thêm vài ngón trước đôi mắt trợn tròn của ông lão. Chữ “chộ bịa” này là do chính đương sự kể lại. Mà cụ là ai vậy?

- Mi có tất cả những tật xấu nhất mà tao thấy trong đám học trò của tao!!! Tao phải dạy lại mới được. Tao là Papas!

Chính cậu bé đã kể như vậy về mối duyên vì sao cậu lại được học ngón đàn Sophocles Papas.

Trong thế kỷ 20, có lẽ Papas chỉ nhường bước cho người bạn già là Andrés Segovia. Học trò Tây ban cầm của hai nhân vật huyền thoại ấy đều phải là danh thủ xuất chúng.

Và cậu bé đó chính là Trịnh Bách, diệu thủ guitar classic của Việt Nam!

Không chỉ học Dương Thiệu Tước và Sophocles Papas, Trịnh Bách còn được đến tận nhà ở xứ Tây Ban Nha theo học Andrés Segovia. Chuyện ấy, bây giờ thì ai cũng biết. Ít người ngờ rằng anh còn được danh thủ dương cầm Mieczyslaw Horszowski mời về nhà, và ở lại cả tháng để học hỏi thêm về nhạc. Horszowski gọi đó là “đàm đạo”! Ông cụ sống rất thọ đến 99 tuổi và chỉ lấy vợ khi đã 89 xuân xanh. Bà vợ ông cũng là một diệu thủ dương cầm người Ý. Bà Bice Costa chăm sóc ông chồng thiên tài như một đứa trẻ trong một tuần trăng mật kéo dài mười năm.

Thế giới của giới nghệ sĩ đó không giống như chúng ta thường nghĩ. Trịnh Bách đã học từ những người như vậy. Nhờ thế, mình biết thêm là các bậc đại sư về âm nhạc không truyền thụ như người thường!

Trong một năm thọ giáo ngôi Bắc đẩu về guitar classic của thế giới, Trịnh Bách không học đàn như ta có thể tưởng tượng. Mỗi ngày, hai người trên hai ghế đối diện cùng đánh, lâu lâu Maestro Segovia buông ra một câu. “Chỗ này phải trong hơn. Gẩy lại được không? Phải sáng nữa mới được! Khoảng trống này phải rung cho đầy thì mới đẹp...”

Trong số học trò của Segovia, nay đã là bậc thầy nổi tiếng hoàn vũ, có những danh cầm như John Williams người Úc, Julian Bream người Anh, Christoper Parkening người Mỹ, Michael Lorimer cũng người Mỹ, hay Alirio Diaz người Venezuela, Antonio Mebrado người Tây Ban Nha, v.v...

Như Quỷ Cốc Tiên Sinh trong truyện cổ, Segovia nhận xét về từng môn sinh. Giàu có nhất sẽ là Christopher Parkening. Khó tính nhất là John Williams. Nghệ thuật nhất có lẽ là Michael Lorimer. Còn Trịnh Bách? “Có tâm hồn nhất.”

Nên có khi bỏ đàn!

Trịnh Bách đã trình tấu ở nhiều hội trường danh tiếng của thế giới, kể cả trong Tòa Bạch Cung. Ðôi tay của anh được bảo hiểm bạc triệu - chẳng vậy mà người ta có chữ “diệu thủ” - cho nên khi đi trình diễn và đem theo một cây đàn rất đặc biệt, anh không được quyền ôm. Sợ hư tay. Hãng bảo hiểm quy định như vậy để bảo vệ tài sản được họ bảo lãnh!

Một danh cầm như thế tất nhiên là phải có lúc phục vụ cộng đồng. Trong một lần trình tấu cho cộng đồng người Việt tại Virginia, đến lúc du dương thì anh giật mình. Các cụ ngồi hàng đầu gật gù: “Cậu này lên dây đàn hoài vậy mà sao chưa thấy ca!”

Như một trường hợp khác là Lê Ngọc Chân, bỏ việc dạy nhạc trong một đại học danh tiếng Hoa Kỳ để trở về khôi phục âm nhạc Việt Nam, Trịnh Bách cũng đã buông đàn xuống giữa đời. 

Chữ “xuống” nên được hiểu theo nghĩa đen.

Anh trở về Việt Nam tìm hiểu và khôi phục chèo cổ rồi nhiều bộ môn âm nhạc khác, và vất vả không ít với các ông cán bộ. Anh đi xuống những xã ấp xa xôi hẻo lánh để tìm ra nghệ sĩ cổ truyền đích thực, và còn kiếm tiền giúp họ sinh sống để dạy lại và giữ lại những ngón nghệ thuật sẽ mai một. Anh vận động để một đoàn chèo được qua Mỹ trình diễn và buồn không ít khi những nghệ sĩ thật đã bị gạt lại, để nhân tình của các quan chức được đem chuông đi đấm nước người, và nhún nhẩy trên sân khấu chèo với bước chân ballet học của Cuba trong tranh phục lòe loẹt.

Nếu không là tư vấn của các định chế nổi tiếng tại Hoa Kỳ và được nhiều người Mỹ quyền thế biết tên thì có khi Trịnh Bách đã bị trục xuất hoặc lãnh những cái mũ không thể ngờ trên đầu! Ngày nay, bao người ca ngợi anh đã phục chế nhiều y phục cổ truyền hay bộ môn nghệ thuật cung đình tại Huế. Ít ai ngờ là trước khi những tác phẩm ấy được chú ý, được tòa đại sứ Hoa Kỳ triển lãm, hay được Tổng Thống Bill Clinton ghé thăm, Trịnh Bách đã bị phiền nhiễu không ít. Nhiều vị có chức có quyền đã chụp lấy những “phát hiện” của anh đem ra kinh doanh và muốn xóa luôn vết tích là người nghệ sĩ.

Mấy chuyện ấy, người viết xin nhường cho ba dấu chấm than để khỏi phải viết thêm!!!

Từ đã lâu, ở bên Mỹ, Trịnh Bách đã chú ý tìm hiểu về trang phục cổ truyền của Việt Nam.

Anh gặp xin bà dì của người viết để mượn xem và xem kỹ từng chút nhiều áo dài rất quý còn lại trong nhà. Dì Ngọc Lan của người viết, bà đại sứ Vĩnh Thọ, còn giữ lại những báu vật của hai bên nội và ngoại. Bên họ nội là tấm áo của Tôn Nhân Phủ, bên họ mẹ là chiếc áo dài của Công Chúa Mỹ Lương, con gái vua Dục Ðức và chị vua Thành Thái. Trong đại gia đình, các cô con gái lên xe hoa đều được mặc áo công chúa và chỉ một lần đó thôi. Có tìm hiểu kỹ thì mới biết màu hồ thủy của áo này hay màu tím của áo kia là những biểu tượng hay quy ước rõ rệt về phẩm phục của triều đình. Ðây là những bảo vật sẽ phải được tặng lại cho viện bảo tàng.

Trịnh Bách cũng là người tận tụy giúp đỡ việc cải táng thân phụ của người viết là học giả Ưng Quả. Anh đã liên lạc với nhiều người trong họ, bên dòng Tuy Lý tại Huế, để đưa hài cốt người quá cố ra khỏi sân vườn trước nhà cạnh phủ Tuy Lý lên tới một nơi yên lành hơn, là sân trong chùa Thiên Hòa.

Bài này được viết như một lời tri ân và cảm phục vì từ 15 năm nay, Trịnh Bách cố đưa nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam tới một nơi yên lành để có thể tồn tại. Anh làm được việc ấy vì nhiều người ngoại quốc đã biết và chú ý, nhờ đó mà thiện chí và tài năng của anh không bị cản trở.

Hành trình từ Dương Thiệu Tước, Papas hay Segovia có thể đã dứt vì anh chọn một con đường chông gai hơn, mà đáng quý chừng nào. Bây giờ, Trịnh Bách đã tiệp màu với xã hội Việt Nam, lượn xe hai bánh đi tới những ngõ ngách khốn khổ nhất để tìm ra những nghệ nhân đích thực và tạo điều kiện cho họ dựng lại những gì đẹp nhất, đã có một thời bị coi là phong kiến, đáng chôn vùi.

Tâm hồn ấy của Trịnh Bách khiến chúng ta phải ngậm ngùi và bái phục.

____________________

Từ Việt Nam, Trịnh Bách gửi lại bài này cho "Chị Trang" và tụng kinh niệm chú cho đến ngày 49 của Nghệ sĩ Quỳnh Giao. Dainamax xin giới thiệu lại để thấy rằng chúng ta sống và yêu nghệ thuật đến chừng nào....




 Ðường Chiều Lá Rụng

-Quỳnh Giao 2013

Một buổi chiều cuối năm, chúng tôi cùng hát với nhau dù chỉ được một phần cả Ngàn Lời Ca của Phạm Duy. Trong có 24 tiếng để anh chị em tổ chức một buổi sinh hoạt impromtu mà trang nghiêm trong tinh thần tưởng niệm, Quỳnh Giao nhận lời hát Kỷ Niệm và Ðường Chiều Lá Rụng.

Kỷ Niệm là ca khúc vừa sáng tác xong là Phạm Duy đưa cho con bé (Quỳnh Giao) hát trên đài phát thanh. Hơn hai chục năm sau đó, khi mình còn ở miền Ðông và thực hiện lấy băng nhạc Hát Cho Kỷ Niệm theo lối thủ công nghệ, ông cẩn thận gửi lời giới thiệu qua một cassette. Ðấy là kỷ niệm khó phai, nghe lại là nhạt nhòa nước mắt.
Còn Ðường Chiều Lá Rụng là một dấu ấn khác của Phạm Duy, được ông viết khi còn trẻ, vào năm 1965, căn cứ theo tập nhạc “Hát vào Ðời” xuất bản năm 1969. Nhưng trong cuốn “Ngàn Lời Ca,” thì ông viết từ năm 1958, sau khi đi du học bên Pháp về. Ðiều này có lẽ cũng đúng, vì ông đã dùng những điều học được áp dụng cho ca khúc. Ðây là bài hát có nhạc thuật cao nhất của ông, với nét ngũ cung u uẩn và những chuyển đoạn liên tục, vừa khó hát, khó nghe và khó hòa âm.

Năm đó, khi vừa ráo mực, ông đưa tác phẩm cho nhạc sĩ Vũ Thành. Là trưởng phòng văn nghệ của đài Phát Thanh Sài Gòn và trưởng ban nhạc đại hòa tấu và hợp xướng Phương Hoa, Vũ Thành cũng cộng tác với đài Tiếng Nói Tự Do của Hoa Kỳ, chuyên phát các chương trình ra miền Bắc. Nổi tiếng khó tính, Vũ Thành lưỡng lự khi soạn hòa âm, vìÐường Chiều Lá Rụng không dễ viết.

Nguyên tác của Phạm Duy là nhịp ý dìu dặt thiết tha trên ton Si thứ với nhiều quãng năm giảm (quinte diminué) làm nhiều ca sĩ trẹo lưỡi. Hát đúng giọng thì phải xuống nốt Fa thăng thấp (dưới hàng kẻ ba dòng) và lên nốt Fa thăng cao nhất (dòng kẻ thứ năm). Vũ Thành sửa lại, dùng nhịp 4/4 theo lối chậm rãi kể lể của một bản Slow và viết nhiều nốt liên ba (triolet) trong toàn bài, rồi còn hạ một cung, tức là ton La thứ. Viết xong, Vũ Thành quyết định thu thanh cho chương trình của đài Tiếng Nói Tự Do để phát ra Bắc, và vì thế trong Nam mình không được nghe.

Ông chọn Thái Thanh để trình bày tác phẩm bất hủ này. Ðấy là một chọn lựa tuyệt vời.

Thường ngày Thái Thanh vẫn nổi tiếng là cường điệu. Bà làm cho ca khúc thổn thức rũ rượi hơn và nồng nàn hơn nguyên bản. Nhưng với Ðường Chiều Lá Rụng qua hòa âm Vũ Thành thì mọi lối quằn quại điệu nghệ bỗng nhiên biến mất. Bài hát quá khó, khiến bà phải cẩn trọng từng chữ, hát sai và không theo dàn nhạc thì Vũ Thành “quạt” ngay, chẳng nể nang ai cả!

Thái Thanh hát nghiêm chỉnh, lại có cả dàn phụ họa của Anh Ngọc, Nhật Bằng, Phượng Bằng, Kim Tước, Mai Hương và Quỳnh Giao nữa, nên ca khúc là một tuyệt chiêu.

*

Như có lần người viết đã kể, khi di tản năm 1975, tài sản duy nhất được Vũ Thành đem theo là một số băng ghi âm các ca khúc quý giá ông làm cho đài Tiếng Nói Tự Do. Trong đó có Ðường Chiều Lá Rụng.
Tại hải ngoại, khi thực hiện đĩa nhạc thứ hai với tên Tiếng Chuông Chiều Thu, Quỳnh Giao chọn Ðường Chiều Lá Rụng vì yêu mến tác phẩm trứ danh này. Nhưng đưa cho Duy Cường nghe tape nhạc Vũ Thành thì bị lắc đầu: “Em không bao giờ làm giống ai và chẳng bị ảnh hưởng của ai hết!” Ðúng quá chứ! Rồi Duy Cường cũng loay hoay mãi không viết được. Anh không chịu đổi qua nhịp Slow như Vũ Thành, dù nhịp này dễ hát hơn nhiều.

Cuối cùng Duy Cường hòa âm theo kiểu ad lib, là tự do, chẳng có nhịp gì hết.

Cái khó là xưa nay ca sĩ hát ad lib thì nhạc sĩ đệm theo, chứ bao giờ lại có sự ngược là nhạc sĩ đàn ad lib và ca sĩ phải hát theo! Cường nói: “Chỉ có chị mới hát theo dàn nhạc được, và vì chị nên em mới thử nghiệm điều này.”

Hôm thu âm tại phòng thu Tomlinson, Phạm Duy đến nghe. 

Cô cháu hát thử câu đầu “chiều rơi trên đường vắng có ta rơi giữa chiều” bằng hai cách. Cách thứ nhất gần giống lối diễn tả của Thái Thanh, là láy vào chữ “vắng” và chữ “rơi.” Cách thứ hai là chỉ láy vào chữ “ta” mà thôi. Và hát rất đều giọng, nghiêm trang. Phạm Duy chọn cách thứ hai. Viết lại như vậy để chúng ta hiểu ý người sáng tác.
Cho tới giờ dường như số người hát Ðường Chiều Lá Rụng chỉ đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay. Riêng Phạm Duy thì nhắc đến ba người là Thái Thanh, Kim Tước và Quỳnh Giao. Mà người nghe chắc cũng ít. Nhạc đã thế, lời ca lại chẳng nhắm vào cảm quan mà đầy não tính...

Quỳnh Giao đã viết nhiều nên không dám nói thêm về các lời từ của Phạm Duy khi ông đưa tình yêu lên tận cõi chết. Ðường Chiều Lá Rụng là một tiêu biểu rực rỡ và rã rời nhất với hình ảnh đầy chất siêu thực. Nhưng giờ đây, khi ông đã ra đi, mà mình hát lại với nước mắt lưng tròng thì ca khúc lại tái sinh như một bức họa.

Ông chuyển cung như dùng màu sắc để đổi ánh sáng và có nhiều câu báo hiệu lối viết sẽ thấy ở Trịnh Công Sơn về sau.

Một kỷ niệm cuối là khi ghi âm bài này với hòa âm của Duy Cường, Quỳnh Giao đã ỷ vào chỗ thân tình mà xin sửa một chữ ở câu cuối! Phạm Duy nghe lại, gật gù và cho phép!

Chiều tan trên đường tối, có ta như rã rời
Hồn ta như gò mối, đang chờ phút đầu thai.


Quỳnh Giao xin phép hát là “Hồn ta như gò mối, im chờ phút đầu thai...”

Lá đã rụng, ông đã im. Chúng ta đang chờ ông trở lại.
-

-




Nghe đi nghe lại bài Đường Chiều Lá Rụng

Nguyễn Sĩ Hạnh
3.5.2012

Mùa thu là một mùa đặc biệt trong năm. Ở Úc mùa thu là từ tháng 3 tới tháng 5. Nhưng tháng 4 mới là một tháng đặc biệt. Đối với người Việt mình thì tháng 4 luôn luôn là một tháng đặc biệt, dù ở đâu, quan điểm chính trị tròn méo ra sao ... Đối với tôi thì lại càng đặc biệt hơn nữa, chẳng hạn tôi vượt biên đầu tháng 4, hỏi vợ tháng 4 mà cưới vợ cũng tháng 4. Thực tế hơn nữa là tháng 4 là tháng mấy cái bill hàng năm về, nào bảo hiểm xe, nào thuế đường, nào bảo hiểm nhà vân vân và vân vân. Thấy thèm một vài ngày thu cuối tuần nắng vàng rực rỡ, rảnh rang để dẫn vợ con ra công viên đi bộ, chớ không phải ở nhà ráng sơn cho xong mấy khung cửa sổ trước nhà đã lỡ chà giấy nhám rồi!


Phạm Duy và Thái Thanh trong đêm nhạc Phạm Duy – Một đời nhìn lại (2002)

Nhưng có lẽ để có hứng để viết về mùa thu thì không phải là từ những chuyện đời thường như vậy - viết cũng ngán mà đọc cũng chán - mà phải là chuyện gì 'cảm tính' một chút.

Mấy bữa rày đọc bài phỏng vấn "Nhạc sĩ Phạm Duy sẵn sàng cho sự ra đi!" tự nhiên thấy buồn buồn. C'est la vie, that's life, đời là vậy, vân vân và vân vân. Nhưng vẫn thấy buồn buồn, mới moi bài Đường Chiều Lá Rụng của nhạc sĩ viết từ nửa thế kỉ trước ra nghe đi nghe lại. Và thấy bài hát sao mới quá, làm như ông mới viết xong rồi mới trả lời phỏng vấn!

Thái Thanh trình bày Đường Chiều Lá Rụng:


Có vài bài viết về bài hát này. Bài Kiếp Lá Phận Người Trong "Đường Chiều Lá Rụng" viết nhiều về triết lí của lời ca, về đời người, về những chiếc lá vàng... Trong "Bàn về kỹ thuật viết nhạc trong vài ca khúc Phạm Duy" thì bàn nhiều hơn về kĩ thuật viết nhạc. Và trong Hồi Ký, Phạm Duy cũng đôi lần nhắc tới bài này, đại khái ông tóm tắt nhạc của mình như sau:

"Về hình thức, nhạc kháng chiến của tôi là hiện thực và trữ tình (Nương Chiều, Gảnh Lúa). Nhạc tình của tôi là cảm tính, đôi khi là nhục tính (Cỏ Hồng). Tôi đi vào ấn tượng với Chiều Về Trên Sông, mon men tới siêu thực khi đả động tới cái chết trong Đường Chiều Lá Rụng... Trường Ca Con Đường Cái Quan là tả thực, Mẹ Việt Nam là tượng trưng, Tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ là ẩn dụ. Mười bài rong ca với Người Tình Già Trên Đầu Non đi vào vũ trụ là nhạc siêu nhiên.Đạo Khúc/Thiền Ca là hành trình vào cõi siêu linh. Trường Ca hay Chương Khúc Hàn Mặc Tử là nhạc siêu thực." [1]


À thì ra là vậy, Phạm Duy viết Đường Chiều Lá Rụng là viết về cái chết! Cũng trong Hồi ký, ông viết rõ hơn:

Rồi tôi nói tới cái chết của chiếc lá trên đường chiều. Lá đang như chiếc thuyền rung rinh trong gió, bỗng nghe tiếng đất gọi về, lá rụng để trở thành những ngôi mộ úa trên đường chiều, nơi đó có tôi và người yêu đang đi trong cuộc tình :

Chiều rơi trên đường vắng có ta rơi giữa chiều.
Hồn ta theo vạt nắng, theo làn gió đìu hiu...

Tôi nhìn chiếc lá vàng bay giống như dĩ vãng gầy, tóc buông dài, bước ra khỏi tình phai. Tôi nhìn chiếc lá vàng rơi giống như chút hơi người giã ơn đời trên nẻo đường hấp hối...[2]


Nghe đi nghe lại bài Đường Chiều Lá Rụng tôi hiểu tại sao mình lại thấy buồn buồn. Có lẽ bài hát giúp người đọc hiểu thêm một chút gì đó trong cái tâm tình mà ông trang trải ra khi trả lời phỏng vấn. Thiên tài là vậy, ông "mon men ... đả động tới cái chết" cả năm mươi năm trước, viết một tuyệt tác cho những ngày bây giờ!

Tôi sưu tầm được năm phiên bản do các ca sĩ Thái Thanh, Thanh Lan, Quỳnh Dao, Lệ Mai và Nguyên Thảo trình bày. Tôi có đọc đâu đó là cô Kim Tước cũng có hát nhưng không biết cô có ghi âm không. Ca sĩ miền Bắc thì tôi tưởng tượng là nếu cô Lê Dung ca thì hay, tiếc là cô đã không thu thanh bài này.

Tôi thích phiên bản của cô Thái Thanh, đơn giản là vì cô là cô Thái Thanh! Phiên bản của cô Quỳnh Dao nghe buồn hơn, cảm thấy cái "chết" rõ hơn, gần hơn! Đặc biệt nữa là hòa âm của Duy Cường, anh đi với người nghe, theo cái tâm tình của lời ca và giọng hát của người ca sĩ.

Quỳnh Dao trình bày Đường Chiều Lá Rụng, Duy Cường hòa âm:


Từ ngày Đường Chiều Lá Rụng được phép tái xuất giang hồ ở bên nhà (dịp sinh nhật năm ngoái của Phạm Duy) không biết bài hát đã được công diễn mấy lần hay đã được thu thanh thu hình gì chưa. Tôi ở xa nên chỉ biết cô Nguyên Thảo hát hai lần, lần đầu trong cái concert mừng sinh nhật của tác giả năm ngoái (2011) ở nhà hàng WE, Sài Gòn. Lần thứ nhì là ở chương trình Không Gian Âm Nhạc trong dịp Noel năm ngoái ở Hà Nội. Lần sau hên là có người thu video quăng lên youtube, tuy nhiên cái clip đủ bài thì âm thanh tệ quá, còn cái clip âm thanh tàm tạm thì chỉ có nửa bài! Kệ, tôi chuyển qua MP3 nghe đỡ nghiền.


Nguyên Thảo trình bày Đường Chiều Lá Rụng:


Nếu bạn nào khó tính thì xin chịu khó nghe hai lần vậy, cũng gần như nguyên bài! Còn khó tính quá thì phải chờ (và chịu khó đi chùa hay nhà thờ cầu nguyện!) tới lúc nào đó cô Nguyên Thảo thu thanh bài này rồi hẵn nghe!

Còn bốn cô đi-và nhà mình thì không biết có cô nào chịu hát bài này không. Xuống dưới nữa thì chắc các cô ca sĩ tre trẻ đâu chịu hát nhạc Phạm Duy làm chi, hát nhạc thị trường cho khỏe mà lại có nhiều người nghe hơn, kiếm nhiều tiền hơn!


Nguyễn Sĩ Hạnh
Melbourne, Thu 2012


[1] Hồi ký - tập 4, trang 149, Phạm Duy,
[2] Hồi ký - tập 3, trang 51, Phạm Duy


PS. Xin đăng lên hai phiên bản do Thanh Lan và Lệ Mai hát cho đủ bộ. Nhạc sĩ Phạm Duy đọc bài này xong mới gởi về cho phiên bản do Mộng Thủy hát (mà ông khen "rất hay"). Xin cám ơn nhạc sĩ Phạm Duy.

-Ðường Chiều Lá Rụng

Chiều rơi trên đường vắng, có ta rơi giữa chiều
Hồn ta theo vạt nắng, theo làn gió đìu hiu

Lá vàng lá vàng bay như dĩ vãng gầy buông dài bước khỏi tình phai
Lá vàng lá vàng rơi như chút hơi người giã ơn đời trên nẻo đường hấp hối
Hoàng hôn mờ lối rừng khô thở khói trời như biển chói
Từng chiếc thuyền hồn lướt trôi neo đứt một lần cuối
thổi cho cánh buồm lộng gió vơi gió đầy

Chiều ôm vòng tay một bóng thuyền say
Thuyền lơ lửng mãi từng tiếng xào xạc
Lá bay tiếng cội già khóc cây
Hay tiếng lòng mình khóc ai giờ đây
Chiều thôi trìu mến lá buông chết chìm
Hồn ta vụt biến bay vờn trong đời tiên

Lá vàng êm lá vàng êm như mũi kim mềm sẽ khâu kín khung cửa tình duyên
Lá vàng khô lá vàng khô như nét môi già đã nhăn chờ lên nẻo đường băng giá

Chiều không chiều nữa và đêm lần nữa chẳng thương chẳng nhớ về những cọng buồn
Cành khô rơi rớt từ một cõi mơ nghe đất gọi về tiếng ru hững hờ
Còn rơi rụng nữa cành khô và lá thành mộ úa chờ đến một trận gió
mơ cho rữa tình già xót xa biến thành nhựa sống nuôi tinh thơ

Chiều tan trên đường tối có ta như rã rời
Hồn ta như gò mối đang chờ phút đầu thai...

Sáng tác: Phạm Duy











--


--

Tổng số lượt xem trang