Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Nhà báo và quyền lên tiếng

--Nhà báo và quyền lên tiếng
-Thứ sáu, 29/5/2015

Quyền im lặng

Những ngày đầu tiên khi mới sang Mỹ học luật, trên đường đi bộ từ nhà tới trường, tôi nhận thấy là các ngôi nhà hầu hết không có hàng rào và các chấn song sắt kiên cố như tôi vẫn thấy ở Việt Nam. Vì biết nước Mỹ là một quốc gia có tỷ lệ tội phạm và số người ngồi tù thuộc nhóm đứng đầu thế giới, nên tôi thắc mắc nhưng không thể lý giải được điều đó.


Tôi mang vấn đề này hỏi giáo sư của mình và được ông trả lời như sau: “Chúng tôi thừa nhận một sự thật là cái ác đã, đang và sẽ luôn song hành với cái thiện chừng nào nhân loại còn tồn tại. Chúng tôi biết là không có một giải pháp nào có thể giải quyết được mọi mục đích đặt ra. Do đó, khi soạn luật chúng tôi xem xét các mục đích rồi xác định thứ tự ưu tiên cho các mục đích đó. Đối với vấn đề tội phạm, ưu tiên của chúng tôi là làm cho những người dân yên tâm là họ được bảo vệ và nhờ đó các nguồn lực, thay vì được dùng để biến mỗi căn nhà thành một pháo đài thì sẽ được đầu tư cho lực lượng thực thi luật pháp. Nói cách khác, chúng tôi làm luật không vì một nhóm nhỏ người xấu mà vì đa số người tốt. Sự an tâm và phát triển của những người dân sẽ mang lại nguồn lực cho việc bảo vệ pháp luật. Cái anh nhìn thấy là kết quả của triết lý lập pháp đó”.

Khi quan sát những trao đổi qua lại trên Quốc hội về quyền im lặng của những người là đối tượng của điều tra hình sự, tôi tự hỏi các đại biểu Quốc hội nghĩ thế nào về mục đích của quy định về quyền im lặng và thứ tự ưu tiên của các mục đích đó. Các vị đại biểu Quốc hội có quân hàm tướng trong lực lượng công an thì cho rằng, quyền im lặng sẽ ngăn trở việc phá án của lực lượng này. Họ cũng cho rằng, với điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng và dân trí của Việt Nam hiện nay chưa phù hợp với việc quy định im lặng. Một vị luật sư là đại biểu khi phản bác lại thì cho rằng: "Quyền không khai báo các nước làm hết, còn mình lại không làm là hạ thấp quyền của người dân Việt Nam”. Tôi nhận thấy các cuộc trao đổi như vậy không đề cập tới mục đích của quyền im lặng là gì và thứ tự ưu tiên nào trong các mục đích nên được áp dụng.

Quyền của một người được tự bảo vệ đối với các hoạt động tố tụng hình sự chống lại mình là một quyền cơ bản mà có lẽ không có ai trong chúng ta nghi ngờ. Quyền đó được cụ thể hoá trong các quyền khác của người bị điều tra: quyền cung cấp bằng chứng để chứng minh sự vô tội của mình, quyền có luật sư và hỗ trợ về pháp lý, quyền khi ra toà được đề nghị thay đổi hội đồng xét xử khi thấy rằng hội đồng xét xử đó có định kiến sẵn với mình và quan trọng nhất là quyền im lặng.

Tại sao quyền im lặng lại quan trọng? Trong quá trình điều tra có sự không tương xứng giữa cơ quan điều tra và người bị điều tra. Sự bất tương xứng này thể hiện ở nhân lực, phương tiện, các thông tin được thu thập, kiến thức chuyên môn, thậm chí là cả khả năng sử dụng bạo lực của mỗi bên. Các cán bộ điều tra có các phương tiện để thu thập bằng chứng, có quyền không cho người bị điều tra biết được các thông tin mà họ đã có, có kiến thức chuyên sâu về pháp lý hình sự và kỹ thuật thẩm vấn... Ngược lại, người bị điều tra, luôn yếu thế hơn cán bộ điều tra vì trong nhiều trường hợp, họ bị giam cách ly khỏi thế giới bên ngoài, không có các kiến thức pháp lý về hình sự, và không biết liệu các kỹ thuật dẫn dụ trong hỏi cung liệu có đúng pháp luật không.

Ở giai đoạn đầu tiên tại Anh (nơi sinh ra quyền này), mục đích của quyền là nhằm ngăn chặn việc sử dụng tra tấn để cưỡng ép người bị điều tra khai báo để chống lại chính mình. Dù hiện nay nguy cơ bị tra tấn không còn hiện hữu nhiều ở các nước phương Tây thì quyền này vẫn có ý nghĩa rất quan trọng như lúc ban đầu. Lý do là vì người điều tra có thể dùng nhiều kỹ thuật không công bằng để chứng minh tội của người bị điều tra. Ví dụ, việc trích dẫn một câu nói không đầy đủ, tách rời hoàn toàn khỏi ngữ cảnh nói có thể khiến câu bị trích có nghĩa ngược hoàn toàn với nguyên bản. Cách thức này đang được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống từ chính trị, ngoại giao, báo chí, đến mạng xã hội chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi điều tra hình sự.

Người bị điều tra có thể chống lại việc đó bằng nhiều cách, tuy nhiên cách nào cũng đòi hỏi những kiến thức và kỹ năng nhất định. Trong tất cả các cách để bảo vệ mình, im lặng tới khi có sự tham gia của luật sư là cách thức bảo vệ đơn giản nhất và có thể áp dụng cho mọi người, mọi tầng lớp dân trí, ở mọi nơi, với mọi cơ sở hạ tầng đang có. Do đó, theo quan điểm của tôi, càng ở các nước điều kiện hạ tầng và dân trí còn nhiều bất cập như Việt Nam thì quyền im lặng lại càng cần thiết vì nó là công cụ bảo vệ dễ được áp dụng nhất cho mọi người. Và thực tế đã chứng minh là quyền này được các quốc gia khác bắt đầu áp dụng từ thế kỷ 16 với điều kiện kinh tế và dân trí thấp hơn Việt Nam hiện nay rất nhiều.

Vấn đề thứ hai là thứ tự ưu tiên nào cho các mục đích mà chúng ta nhắm tới khi lập pháp về vấn đề này: bảo vệ người vô tội khỏi các oan sai hay tìm ra một người chịu trách nhiệm về tội ác đó. Chúng ta biết rằng một người phạm tội thì chỉ có một, nhưng những người bị tình nghi và điều tra sẽ rất nhiều. Sau khi điều tra hết những nghi can đó, chúng ta có 50% khả năng tìm ra một ai đó chịu trách nhiệm. Nhưng không có gì là chắc chắn rằng người chịu trách nhiệm đúng là người thực sự đã gây tội ác. Như vậy, số người vô tội cần được bảo vệ trong một vụ điều tra hình sự lớn hơn nhiều so với kẻ phạm tội phải bị bắt.

Nếu như tôi có quyền, và nếu các đại biểu Quốc hội lắng nghe lời một cử tri, tôi sẽ đặt việc bảo vệ người vô tội khỏi các oan sai lên hàng đầu. Nói một cách khác, tôi ủng hộ việc áp dụng quyền im lặng cho những người bị điều tra vì quyền đó là công cụ đơn giản nhất mà bất kể một người nào, dù trình độ văn hoá hay địa vị xã hội ra sao, dù ở đâu và với phương tiện nghèo nàn đến mấy cũng áp dụng được. Vì sao lại như vậy? Vì tôi tin rằng số người tốt đông hơn rất nhiều những kẻ xấu và những người tốt, những người vô tội xứng đáng được luật pháp bảo vệ. Tất nhiên, quyền im lặng không bao giờ là tuyệt đối, người bị điều tra có quyền im lặng tới khi họ có được các công cụ bảo vệ khác mà pháp luật cung cấp hoặc tạo điều kiện cho họ.

Thái Bảo Anh

-Tại sao từ chối Quyền im lặng?
Luật sư Ngô Ngọc Trai- 28 tháng 10 2014 bbc

Giới tư pháp đang bàn luận sôi nổi về quyền im lặng, nhiều ý kiến tranh cãi xem có nên đưa quy định này vào luật hay không.

Xét kỹ thì thấy quyền im lặng chính là một quyền tự do dân chủ của công dân, nếu được triển khai vào luật thì đó sẽ là một bước tiến của nền dân chủ.
Quyền dân sự và chính trị

Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc ra đời năm 1966 mà Việt Nam ký kết tham gia năm 1982 đã viết rằng: Trong các vụ án hình sự, tất cả các bị cáo đều được hưởng đồng đều những đảm bảo tối thiểu sau đây: Được quyền không khai, để khỏi phải tự buộc tội mình, hay khỏi phải thú nhận tội trạng.

Như vậy nếu không phải là chối cãi theo kiểu chày cối quá đáng thì có thể thấy ngay quyền im lặng là quyền công dân và là quyền con người.

Vấn đề là các nội dung điều khoản của Công ước quốc tế có được lĩnh hội và khai triển vào hệ thống pháp luật trong nước hay không. Có được tôn trọng và thực thi triệt để hay là chỉ là áp dụng quanh co nửa vời.

Ví như cũng Công ước trên có nội dung rằng trong các vụ án hình sự, các bị cáo được hưởng đảm bảo tối thiểu là được xét xử mau chóng, không kéo dài quá đáng.

Nhưng nội dung này không được coi trọng khai triển vào luật, bằng nhiều các quy định pháp luật bất hợp lý, các vụ án hình sự ở Việt Nam thường bị giải quyết kéo dài.

Ví như vụ án Vườn Mít ở Bình Phước kéo dài 10 năm, vụ án Hàn Đức Long ở Bắc Giang kéo dài 9 năm và nhiều vụ án khác.
Vì sao không triển khai?

Lý giải vì sao chưa thể triển khai quyền im lặng vào luật, ý kiến đưa ra là điều kiện thực tế ở Việt Nam chưa cho phép, tiêu biểu cho lối quan điểm này là phát biểu của ông Tiến sĩ Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Trong một bài đối thoại phỏng vấn trên báo VietnamNet ông này đã phát biểu:

“Đối với nước ta, cơ sở vật chất các cơ quan tư pháp còn gặp nhiều khó khăn, số lượng luật sư còn rất khiêm tốn, năng lực, trách nhiệm đội ngũ cán bộ tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu, đang trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động nên việc quy định “Quyền im lặng” như thế nào và lộ trình thực hiện ra sao cũng phải được xem xét thận trọng.

Để mỗi quy định của pháp luật khi được ban hành sẽ có sức sống trong xã hội, vừa bảo đảm quyền dân chủ công dân nhưng cũng phục vụ yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.”

Người ta viện dẫn điều kiện thực tế khó khăn để lý giải việc chưa thể triển khai một chế định pháp lý văn minh tiến bộ.

Điều này cũng giống như việc người ta chối bỏ thực thi các quyền tự do dân chủ của công dân dựa vào lý do trình dộ dân trí chưa thể đáp ứng.


Việc bảo vệ các quyền con người sẽ là kim chỉ nam, bảng biểu để đánh giá chấp nhận hay bác bỏ bất cứ một định chế nào.

Nhưng thực ra đây chỉ là ngụy biện không chính đáng. Bởi lẽ người ta đã lật ngược nguyên nhân và kết quả.

Vì nếu có thiết chế về quyền im lặng, điều này sẽ buộc các cơ quan tư pháp nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Tránh tình trạng lười biếng trau dồi học hỏi dẫn đến yếu kém năng lực, và tránh việc sử dụng bức cung nhục hình như một phương pháp điều tra giải quyết án.

Nếu có quyền im lặng vai trò của người luật sư được nâng cao, khi bị cáo thấy được tính hữu dụng của người luật sư họ sẽ tìm kiếm nhờ luật sư bào chữa, nghề luật sư theo đó có động lực phát triển và số người hành nghề sẽ tăng lên.

Sự ngụy biện trong quyền im lặng cũng giống như trong vấn đề dân chủ. Người ta cho rằng dân trí thấp nên chưa thể cho thực thi các quyền dân chủ.

Nhưng đúng ra cần phải khai triển các quyền tự do dân chủ như quyền tự do báo chí, quyền tự do xuất bản, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do học thuật… sẽ giúp nâng cao trình độ dân trí và thăng tiến các giá trị con người.

Như thế có thể thấy thiết chế về quyền im lặng cũng như các thiết chế về các quyền tự do dân chủ khác đúng ra nó phải được triển khai để là bệ đỡ nâng cao và khai phóng tiềm năng giá trị con người, thì nay ngược lại người ta cho rằng chưa thể có các thiết chế đó vì điều kiện con người hiện tại chưa đáp ứng.
Vấn đề rộng lớn hơn
Lối ngụy biện tráo trở nguyên nhân và kết quả có nguyên do từ vị thế chỗ đứng mà người ta phán xét. Cái này lại có ngọn nguồn từ một vấn đề rộng lớn hơn mang tính thế giới quan ý thức hệ.

Các ý kiến cho rằng quyền im lặng không phải là quyền con người, hay quyền im lặng sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, hay cần dung hòa giữa việc cho phép thực thi các quyền công dân và nhu cầu đấu tranh xử lý tội phạm, tất cả có ngọn nguồn từ việc người ta không coi trọng các quyền công dân.Bạo lực của giới công quyền và các vụ án oan sai thường bị giải quyết kéo dài

Bởi vì theo thế giới quan nhận thức của các cán bộ tư pháp hiện nay thì luật hình sự hay luật pháp nói chung, cũng giống như nhà nước chỉ là công cụ bảo vệ quyền lợi cho giai cấp thống trị.

Theo đó mục tiêu của luật pháp không phải là bảo vệ các quyền công dân.

Cho nên dễ hiểu là quyền công dân có thể phải hy sinh vì một mục đích khác.

Ngược lại nếu nhận thức rằng quyền con người là tối thượng, pháp luật và việc xử lý tội phạm chỉ là công cụ phương tiện để bảo vệ quyền con người thì việc quy định và thực thi pháp luật như thế nào sẽ luôn phải soi xét xem nó có đi ngược lại với mục tiêu bảo vệ quyền con người hay không.

Tức là việc bảo vệ các quyền con người sẽ là kim chỉ nam, bảng biểu để đánh giá chấp nhận hay bác bỏ bất cứ một định chế nào.
Bộ phận quan liêu

Thực tế thì vấn đề thế giới quan ý thức hệ không phải luôn được đưa ra để ngăn trở thực thi các quyền tự do dân chủ.

Trong quá trình phát triển đi lên và hội nhập quốc tế, hệ thống pháp luật phải hiệu chỉnh theo hướng dân chủ tiến bộ, tránh việc Việt Nam trở thành ốc đảo xa lạ như cách mà một số người vẫn nói.

Và đứng ở góc độ Đảng và Nhà nước mà xét thì quyền im lặng không có phương hại mà ngược lại nó khiến cho các cơ quan tư pháp cấp dưới có trách nhiệm hơn trong công việc, cũng tức là có trách nhiệm hơn trước Đảng và Nhà nước.


Lâu nay không quy định về quyền im lặng dẫn tới bức cung nhục hình và oan sai, xâm hại tới quyền tự do dân chủ của công dân.

Lâu nay không quy định về quyền im lặng dẫn tới bức cung nhục hình và oan sai, xâm hại tới quyền tự do dân chủ của công dân. Điều này khiến dân chúng phẫn nộ, ảnh hưởng tới uy tín của Đảng và Nhà nước.

Hiện tại Đảng và Nhà nước cũng đang có chủ trương cải cách tư pháp, thực thất là đưa các giá trị dân chủ tiến bộ vào hệ thống tư pháp lâu nay vốn mang nặng yếu tố công cụ bạo lực của giai cấp.

Và chế định về quyền im lặng có lẽ là một dạng thức thể hiện cho thấy cải cách tư pháp là một chủ trương được thực hiện thực sự.

Nhưng không phải Đảng và Nhà nước cứ muốn là được.

Vấn đề quyền im lặng và chủ trương cải cách tư pháp cũng giống như nhiều chủ trương chính sách khác đều gặp phải lực cản.

Lực cản ở đây là sự ì trệ bảo thủ và vì quyền lợi ngành ích kỷ của bộ máy hành chính quan liêu.

Nhiều chính sách bị thất bại mà nguyên nhân chính là không thúc đẩy được hệ thống bên dưới dịch chuyển. Ví như các chủ trương như kê khai tài sản, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm cán bộ công chức, đều không đi đến đâu.
Bước tiến của giá trị dân chủNhu cầu phát triển xã hội dân sự đang tăng lên

Nếu chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước nhận được sự ủng hộ của xã hội dân sự, đó sẽ là lực đẩy khiến cho giới hành chính quan liêu phải thay đổi.

Bằng việc giám sát và lên tiếng sẽ khiến cho lợi ích bất chính bị phanh phui, lợi ích chính đáng được sáng tỏ.

Nhưng muốn xã hội dân sự góp phần thúc đẩy các chủ trương chính sách tới thành công, thì Đảng và Nhà nước phải tăng cường các thiết chế tự do dân chủ, bởi đó là bệ đỡ và là phương tiện của xã hội dân sự.

Chính nhờ thực hiện các quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận, mặc dù còn hạn chế, cho nên những lợi ích chính đáng của những nhóm yếu thế mới có cơ hội được lên tiếng.

Cho nên vấn đề quyền im lặng không còn là sự dung hòa giữa việc cho phép thực hiện các quyền công dân với nhu cầu đấu tranh xử lý tội phạm, mà đó là biểu trưng cho sự đấu tranh giữa những suy nghĩ thành kiến, hẹp hòi, độc tài, phi dân chủ và các giá trị tự do dân chủ.

Và sự thành công hay thất bại quanh vấn đề quyền im lặng sẽ cho thấy quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với xã hội dân sự và nhu cầu đòi hỏi dân chủ hóa đời sống đất nước.

Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, Giám đốc Công ty luật Công chính ở Hà Nội.


-LS Lê Công Định
Ông Đỗ Văn Đương, uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp Quốc hội cho biết: “Quyền im lặng khác với quyền bào chữa. Quyền im lặng không phải quyền con người."
Có lẽ việc đầu tiên phải làm để cải cách tư pháp là đuổi cổ những đầu óc này ra khỏi các vị trí như thế, thì may ra mới có thể bàn công việc tiếp theo!


Vấn đề đưa Quyền im lặng vào trong Luật tố tụng hình sự bổ sung hiện đã tạo ra hai luồng ý kiến trái ngược nhau.

Quyền im lặng của người bị tạm giam, bị tạm giữ chính là chủ đề được đưa ra bàn luận trong chương trình Sự kiện & Bình luận tuần này với sự tham giả của hai khách mời: ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên thưởng trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Luật sư Phan Trung Hoài - Liên đoàn luật sư Việt Nam, thành viên Tổ biên tập Luật Tố tụng Hình sự sửa đổi.

Trong phiên họp Ủy ban thường vụ quốc hội vừa qua, các đại biểu đã đưa ra thảo luận vấn đề về Quyền im lặng cho bị can và người bị tạm giữ. Lý giải cho điều này, ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên thưởng trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng đây là một vấn đề đáng quan tâm, đặc biệt là trước hiện trạng một bộ phận án sai vẫn còn sót lại trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay.

Tuy nhiên, ông Đỗ Văn Đương khẳng định Quyền im lặng không thể đưa vào trong luật. Bởi, không nhất thiết phải có quyền im lặng trong luật vẫn có thể sử dụng nhiều biện pháp khác để thực thi giám sát chặt chẽ quá trình điều tra vụ án, giảm bức cung, án oan sai.


ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên thường trực, ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Ông cho biết: “Quyền im lặng khác với quyền bào chữa. Quyền im lặng không phải quyền con người, mà quyền bào chữa mới là quyền cơ bản của người phạm tội trong tố tụng hình sự. Nó nhằm thực hiện chức năng gỡ tội”.

“Trong đấu tranh chống tội phạm, bao giờ cũng phải dung hòa giữa lợi ích nhà nước, công cộng và cá nhân. Nếu như quá chú trọng vào lợi ích của nhà nước thì quyền của người dân sẽ bị vi phạm, ngược lại nếu mở rộng quá nhiều quyền dẫn tới tùy tiện thì lại gây ra nhiều khó khăn, trở ngại cho công tác điều tra, giải quyết vụ án. Chính vì vậy phải dung hòa hai yếu tố này là bài toán khó mà nhiều nước quan tâm. Vì vậy, thực tế có nước quy định quyền im lặng, có nước không, hoặc nếu quy định thì cũng khuyến cáo người bị bắt nên thành khẩn khai báo”, ông Đương nói thêm.

Không đồng quan điểm với ông Đỗ Văn Đương, luật sư Phan Trung Hoài lại cho rằng Quyền im lặng đối với những bị can, người bị tạm giữ, người phạm tội là xuất phát từ quyền cơ bản của con người. Do vậy, đây không phải chỉ yêu cầu mong mỏi của phía luật sư hay bản thân phía bị can, bị cáo mà đó chính là từ những điều Hiến pháp quy định.



Ông Phan Trung Hoài - Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Cụ thể, ông Phan Trung Hòai cho biết: “Người bị tình nghi phạm tội bị bắt, tạm giữ hoặc bị can, bị cáo phải nhận được sự trợ giúp pháp lý ngay từ đầu. Vì vậy, chính Quyền im lặng sẽ cho phép thể hiện trên thực tế họ có quyền chờ luật sư trước khi cơ quan điều tra tiến hành thẩm vấn. Theo quy định trong Pháp luật Việt Nam, đặc biệt ở luật tố tụng hình sự tại khoản 2 điều 72, không thể dùng lời khai nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội nếu nó không phù hợp với những chứng cứ khác trong hồ sơ. Chính vì vậy, tự bản thân quyền hiến định đã cho phép người công dân hoặc người bị đặt trong vòng tố tụng có thể nhận sự trợ giúp về mặt pháp lý ngay từ đầu”.

Bên cạnh đó, ông Phan Trung Hoài cũng đưa ra hai vướng mắc đang còn tồn đọng trong quá trình giải quyết thủ tục pháp lý để người phạm tội, bị can, bị cáo tiếp cận với luật sư. Một là việc tiếp xúc với bị can và người bị tạm giữ tại trại tạm giam thường không có mặt của luật sư, nên luật sư thường nhận được giấy từ chối chấp nhận quyền bào chữa.

Ngoài ra, theo quy định của luật Tố tụng, luật sư chỉ được phép hỏi khi điều tra viên cho phép, điều này đã dẫn đến việc người bị bắt và tạm giữ không có cơ hội trao đổi với luật sư về những chứng cứ buộc tội họ, không thể tư vấn cho họ theo những quy định của pháp luật về những quyền mà họ được phép. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới việc các luật sư thường gặp khó khăn khi tham gia quá trình tố tụng trong các vụ án hình sự.

Có thể thấy, vấn đề đưa Quyền im lặng vào trong Luật tố tụng hình sự bổ sung hiện đã tạo ra hai luồng ý kiến trái ngược nhau, một là không đồng ý từ phía cơ quan tố tụng và một là đồng ý từ phía các luật sư. Mặc dù vậy, trên cơ sở những phân tích từ hai phía, một quan điểm thống nhất đã được cả hai khách mời đề cập trong chương trình đó là cần đưa ra các quy định rõ ràng việc các cơ quan chức năng phải giải thích với người phạm tội về quyền tiếp cận, nhờ luật sư bào chữa hoặc có thể im lặng chờ luật sư bào chữa ngay từ đầu.

Tổng số lượt xem trang