Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Sản phẩm dối trá: Nguyễn Văn Trỗi

Trần Trung Đạo: Từ Nguyễn Văn Trỗi đến Nguyễn Văn Bé, kỹ thuật tuyên truyền “người thật chuyện giả” dưới chế độ CS-

Sau loạt bài về tẩy não, một số độc giả nêu thắc mắc chế độ độc tài nào độc ác nhất trong lịch sử loài người, Đức Quốc Xã hay Cộng Sản. Câu trả lời tùy thuộc vào người được hỏi là ai. Với người Do Thái câu trả lời sẽ là Hitler, lý do chỉ vì họ không muốn nhân loại lãng quên Holocaust, nhưng với phần lớn nhân loại, nhất là sau khi khối Liên Xô sụp đổ và nhiều tài liệu được công khai hóa, sẽ trả lời là Cộng Sản. Trước khi bàn đến kỹ thuật tuyên truyền “người thật chuyện giả”, người viết sẽ so sánh giữa tuyên truyền Đức Quốc Xã và chính sách tẩy não của CS.

Mặc dầu nhiều tài liệu chưa được bạch hóa hết vì vẫn còn năm quốc gia CS đang tồn tại, số lượng nạn nhân bị giết dưới các chế độ CS, 94 triệu theo ước lượng của Stéphane Courtois trong The Black Book of Communism hay 110 triệu theo kết toán của R.J. Rummel. Cả hai ước tính đều cao hơn The Holocaust nhiều lần. Cách giết người qua việc bỏ đói hàng triệu trẻ em tại Trung Cộng, Gulag tại Nga, bằng cuốc xẻng tại Campuchia, cải cách ruộng đất tại Việt Nam cũng tàn nhẫn và vô nhân không thua kém gì phương pháp lò thiêu sống của Hitler ở Auschwitz.
Lenin ít được đem ra so sánh với Hitler, Stalin hay Mao không phải y là người nhân đức nhưng chỉ vì chết sớm khi kế hoạch toàn trị Liên Xô chỉ mới bắt đầu. Nếu y sống lâu như Stalin rồi cũng không khác gì mà có thể còn độc ác hơn. Khi mới nắm quyền hành chính Lenin đã thiết lập ngay hai cơ quan phụ trách hai chức năng khủng bố và tẩy não.
Tên hung thần đầu tiên trong hệ thống khủng bố CS quốc tế là Felix Dzerzhinsky. Tên đồ tể khát máu này gốc Ba Lan nhưng là người thành lập cơ quan mật vụ Cheka khủng khiếp nhất tại Nga ngay sau khi cách mạng CS 1917. Sau khi một lãnh đạo tổ chức Cheka bị ám sát hụt tại St. Petersburg, Dzerzhinsky ra lịnh bắt 800 người và tất cả đều bị xử bắn không qua một phiên tòa nào. Chỉ trong vòng một tháng từ tháng Chín đến tháng Mười 1918, ước lượng đã có 10 ngàn đến 15 ngàn người bị giết. Danh từ “Khủng bố Đỏ” xuất hiện trong giai đoạn này.
Dzerzhinsky kiêm nhiệm hàng loạt chức vụ cấp bộ trưởng ngoài việc điều hành ngành an ninh Sô Viết. Y có năng khiếu về ngoại ngữ mặc dù học hành bị dang dở vì tham gia hoạt động CS. Dzerzhinsky bị tù nhiều lần trong đó có lần bị lưu đày tận vùng băng tuyết Siberia. Sau khi vượt thoát khỏi Siberia, Dzerzhinsky hoạt động cho đảng CS Đức. Là nhân vật nổi tiếng trong phong trào CS Đông Âu, sau 1917, Felix Dzerzhinsky thay vì hồi cư về Ba Lan đã quyết định ở lại Nga và được bầu vào đảng ủy CS thủ đô Moscow. Felix Dzerzhinsky chia sẻ quan điểm của Lenin về vai trò toàn trị của Soviet và là người đầu tiên nhận trọng trách thành lập cơ quan an ninh CS.
Thế nhưng, cánh tay khủng bố dù tàn bạo, sắc máu bao nhiêu cũng không thể giữ được chế độ tồn tại lâu dài. Tim óc của chế độ toàn trị chính là bộ phận tuyên truyền tẩy não. Tẩy não là một tiến trình xóa bỏ tận gốc rễ bằng nhiều cách các nhận thức cũ và trên đó xây dựng một hệ thống nhận thức mới. Cơ quan tuyên truyền Agitprop được Lenin thành lập và sau đó đổi tên thành Ban Tư Tưởng Trung Ương. Chỉ trong vòng hai năm, 1917 đến 1918, Agitprop đã phát hành 3600 mẫu bích chương tuyên truyền. Tại mọi cửa hàng, cửa sổ, đường phố, cơ quan, đâu cũng dán truyền đơn, bích chương, biểu ngữ tuyên truyền đập vào mắt, xoáy vào nhận thức người đọc. Nhiều đoàn xe lửa tuyên truyền chạy từ thành phố này sang thành phố khác phân phối truyền đơn, tổ chức những đêm văn nghệ tại những nơi xe lửa dừng.
Kỹ thuật tuyên truyền “người thật chuyện giả”
Trong xã hội CS, vô số “anh hùng” được dàn dựng, khác nhau về bố cục, tình tiết nhưng đều tuân theo một nguyên tắc: người thật chuyện giả. Một vài ví dụ điễn hình là Hướng Lôi Phong, Huang Jiguang, Wang Jinxi, Shi Chuanxiang của Trung Cộng, Pavlik Morozov, Alexey Stakhanov của Liên Xô và vô số người thật chuyện giả ở Việt Nam. Cái chết của Nguyễn Văn Trỗi là một ví dụ quen thuộc của kỹ thuật tuyên truyền “người thật chuyện giả”.
Tố Hữu viết về cái chết của Nguyễn Văn Trỗi trong bài thơ Hãy nhớ lấy lời tôi:
Anh thét to: “Ta có tội gì đây ?”
Chúng trói Anh vào cọc mấy vòng dây.
Mười họng súng. Một băng đen bịt mắt
Anh thét lên: “Chính Mỹ kia là giặc!”
Và tay Anh giật phắt mảnh băng đen
Anh muốn thiêu, bằng mắt, lũ đê hèn
Với cái chết. Anh muốn nhìn giáp mặt
Như ngọn lửa không bao giờ dập tắt!
….
Anh thét lên: Hãy nhớ lấy lời tôi:
Đả đảo đế quốc Mỹ!
Đả đảo Nguyễn Khánh!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Phút giây thiêng, Anh gọi Bác ba lần!
Súng đã nổ. Mười viên đạn Mỹ
Anh gục xuống. Không, Anh thẳng dậy
Anh hãy còn hô: “Việt Nam muôn năm!”
Máu tim Anh nhuộm đỏ đất Anh nằm!
Một người bị trói cả hai tay vào “cọc mấy vòng dây” mà còn tay nào để “giật phắt mảnh băng đen”?
Ngay cả khi bị “Mười viên đạn” “gục xuống” làm sao còn “đứng thẳng dậy” để hô?
Những câu chuyện hoang đường chỉ có trong đầu cuồng tín bịnh hoạn của Tố Hữu mà trong tuổi về già đã thú nhận với Trần Đăng Khoa trong Chân Dung và đối thoại rằng chính y đã nhét vào mồm Nguyễn Văn Trỗi: “Tôi cho cả Nguyễn Văn Trỗi hô: Hồ Chí Minh muôn năm. Mà hô những ba lần kia”.
Bài thơ Hãy nhớ lấy lời tôi đầy nghịch lý, khinh thường hiểu biết của người đọc, phạm những lỗi lầm sơ đẳng, thế nhưng đã được đưa vào mọi sách giáo khoa. Những trò tuyên truyền bỉ ổi đó không phải chỉ trong thời chiến mà nửa thế kỷ sau khi nhân loại sống trong thời đại toàn cầu hóa 2014 này vẫn còn có những văn nô, bồi bút đem ra ca ngợi. Mấy tuần qua, nhan nhãn trên các báo đảng, bài thơ buồn cười đó cũng được đem ra học tập giống như trong thập niên 1960 ở miền Bắc.
Một ví dụ khác về kỹ thuật tuyên truyền “người thật chuyện giả” là “anh hùng Nguyễn Văn Bé”. “Anh hùng” này đã làm cả hệ thống tuyên truyền của đảng hố to và có lẽ “liệt sĩ Nguyễn Văn Bé” là trường hợp duy nhất sau 1975 đảng gián tiếp thừa nhận chỉ là sản phẩm tuyên truyền.
Nguyễn Văn Bé là ai ?
Theo cả hai nguồn tài liệu, Việt Nam Cộng Hòa và CSVN, Nguyễn Văn Bé sinh năm 1946 tại quận Châu Thành tỉnh Mỹ Tho trong một gia đình nghèo. Y tham gia các hoạt động CS tại địa phương và chính thức trở thành đoàn viên Đòan Thanh Niên Nhân Dân Cách Mạng trực thuộc đảng Nhân Dân Cách Mạng (tên gọi của đảng CS khi hoạt động tại miền Nam Việt Nam). Nguyễn Văn Bé gia nhập bộ đội CS ở tuổi 19 và được giao trách nhiệm tải súng đạn. Vào năm 1966, trận đụng độ giữa quân đội CS và quân Mỹ, Bé bị bắt cùng với số vũ khi mà y đang tải vào ngày 30 tháng 5, 1966 tại kinh Cả Bèo, xã Mỹ Quý, tỉnh Kiến Phong.
Đến điểm này hai bên, VNCH và CSVN, đều tường thuật gần giống nhau. Theo bộ máy tuyên truyền CS phát ra từ Hà Nội, “anh hùng Nguyễn Văn Bé” dù bị tra tấn chẳng những không khai một lời mà còn phát biểu những câu nói bất hủ “Tất cả hành động của Mỹ rồi cũng chẳng khác gì bong bóng của xà phòng sẽ bị nước sông cuốn đi”. Cuối cùng, Nguyễn Văn Bé bị đưa đến một trung tâm gần xã Mỹ An. Tại đây, Nguyễn Văn Bé, sau khi nháy mắt ra dấu cho người thợ cày đứng gần để chạy ra xa, đã nâng 10 kí lô mìn Claymore khỏi đầu, miệng hô lớn “Mặt trận Giải Phóng Miền Nam muôn năm, đã đảo đế quốc Mỹ” trước khi đập mạnh khối mìn vào thành một chiếc tăng M118. Khối mìn nỗ lớn và cả kho đạn bị nỗ lây. Cũng theo bản tin của đài phát thanh Hà Nội, “16 lính Mỹ và 10 lính ngụy” chết ngay tại chỗ, ngoài ra nhiều thương vong do đạn lạc gây ra sau đó. Tuy nhiên, một anh hùng như thế mà chỉ giết được “16 lính Mỹ và 10 lính ngụy” thì quá ít nên trong những bản tin sau đó con số lính Mỹ chết được tăng lên 96.
Tức khắc khi câu chuyện được đăng trên báo Nhân Dân ở miền Bắc và các báo bí mật ở miền Nam, các cơ quan tuyên truyền bắt đầu chỉ thị học tập noi gương “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” của “Liệt sĩ Nguyễn Văn Bé”. “Sự hy sinh của anh không những được cả thế hệ thanh niên Việt Nam kính phục mà còn nhận được sự thán phục bởi tuổi trẻ toàn thế giới”.
Bàn tay Nguyễn Văn Bé dùng để đập khối bom được báo đảng gọi là “bàn tay thiên tài”. Nhiều vở kịch được dựng ngay để diễn lại “hành động anh hùng” của Nguyễn Văn Bé. Một bài báo đảng cho biết sức mạnh của bàn tay Nguyễn Văn Bé chắc chắn được thúc đẩy bởi một lực huyền bí vì “chẳng những giết ngay gần hàng trăm kẻ thù mà còn tạo nên một ảnh hưởng dây chuyền dẫn đến một phong trào làm theo anh hùng Nguyễn Văn Bé khắp cả nước”. Nói chung, hình ảnh Nguyễn Văn Bé như ngôi sao mầu nhiệm làm cả nước đều tin. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng thôi thúc con người miền Bắc. Nhiều thanh niên đã gát hết chuyện học hành, gia đình để tình nguyện vào Nam chiến đấu theo gương “anh hùng Nguyễn Văn Bé”
Các cơ quan tuyên truyền địa phương tin chắc rằng Nguyễn Văn Bé đã chết.
Thật không may cho đảng, Nguyễn Văn Bé không chết. Anh đã đầu hàng, tình nguyện chiêu hồi và còn sống bình an. Các hình ảnh anh chụp với gia đình được báo chí phổ biến rộng rãi. Trên đài phát thanh, đoạn băng “Tôi là Nguyễn văn Bé, hãy còn sống đây…” được phát mỗi ngày khi bắt đầu chương trình. Nguyễn Văn Bé thật có đụng độ nhưng trận chiến chỉ kéo dài không đến 30 phút. Theo báo Time, anh ta chưa bao giờ bắn một viên đạn, thay vì trốn trong con kinh đào và bị nắm tóc kéo lên.
Để phản công trong trận chiến tuyên truyền, phía Việt-Mỹ đã in hơn 20 triệu truyền đơn, bảy triệu minh họa, 465 ngàn bích chương, 167 ngàn tấm hình Nguyễn Văn Bé, 10 ngàn bài hát và rất nhiều chương trình truyền thanh truyền hình nói về sự thật Nguyễn Văn Bé đã đầu hàng, hồi chánh và hiện sống bình an. Các cơ quan tâm lý chiến Việt Mỹ còn phỏng vấn cha mẹ Nguyễn Văn Bé và giúp đưa gia đình họ đến khu vực an toàn. Các cơ quan tuyên truyền của đảng CS phản ứng bằng cách tổ chức rầm rộ ngày kỷ niệm một năm “anh hùng Nguyễn Văn Bé hy sinh”. Các đài phát thanh, báo chí và cả báo chí Liên Xô cũng đăng bài thương tiếc “liệt sĩ Nguyễn Văn Bé”. Nhân dân miền Bắc lại tiếp tục tin rằng anh đã thật sự hy sinh.
Sau 1975, quả thật với một chiến công to lớn như vậy, Nguyễn Văn Bé không chỉ có tên đường mà phải một tên phố, một công viên mang tên anh. Nhưng không, bởi vì sự giả dối như thế quá trâng tráo và trắng trợn. Câu chuyện ngụy tao Lê Văn Tám còn có thể im lặng vì thời gian xa nhưng Nguyễn Văn Bé vẫn còn mang tính thời sự, nhiều người trong thời đó còn sống, nhiều tác giả nhạc, văn, thơ còn chưa hết sượng sùng.
Tội ác của bồi bút và văn nô
Hiện nay hầu hết các “anh hùng xã hội chủ nghĩa” ở 15 nước cựu Liên Xô và các nước Đông Âu, một số bị chôn vùi trong tro bụi thời gian, một số chỉ còn xuất hiện trong các truyện tranh vui giải trí (comic book), riêng tại Việt Nam, không chỉ các thế hệ măng non mà cả thanh niên, sinh viên còn phải học, phải tin vào những mẫu chuyện hoang đường một cách đáng thương và tội nghiệp. Dĩ nhiên không phải tại các em những nạn nhân bất hạnh đã sinh ra và lớn lên trong xã hội lọc lừa. Ngoài chính phạm là đảng CS, tội ác này còn có sự a tòng của đám văn nô, bồi bút, những kẻ chỉ vì chút bổng lộc đảng ban cho mà chịu cúi đầu làm tôi mọi, tiếp tay với đảng làm băng hoại mọi giá trị đạo đức và tương lai dân tộc.
Người viết xin trích một số đoạn trong bài thơ Tản mạn về thơ và đồng nghiệp của nhà thơ Thái Bá Tân để kết luận cho bài viết này:
Đất nước cần thần tượng?
Dạ, có ngay, có ngay.
Cần anh hùng? Rất dễ.
Anh hùng thì có đầy.
Thế là Lê Văn Tám,
Nguyễn Văn Bé trung kiên,
Rồi nhà tù Phú Lợi,
Rồi kéo pháo Điện Biên…
Rồi báo cáo, tổng kết,
Rồi thi đua, phê bình,
Cái việc ai cũng biết
Là lừa người, lừa mình.

Trần Trung Đạo
Tham khảo
- Stéhane Courtois, Nicolas Werth, Jean-Louis Panné, Andrzej Paczkowski, Karel Bartosek, Jean-Louis Margolin The Black Book of Communism, Crimes, Terror, Reppression, Harvard University Press, 1999
- Mihai C. Bocarnea and Bramwell Osula: Edifying the New Man: Romanian Communist Leadership’s Mythopoeia. Regent University, International Journal of Leadership Studies. Vol. 3 Iss. 2, 2008, pp. 198-211
-Margaret Peacock. Broadcasting Benevolence: Images of the Child in American, Soviet and NLF Propaganda in Vietnam, 1964–1973. Project MUSE, 2010
-The Strange Case of the Vietnamese “Late Hero” Nguyen Van Be (http://www.psywarrior.com/BeNguyen.html)
-South Viet Nam: The Hero (http://content.time.com/time/magazine/article/0,9171,836801,00.html)
- SGM Herbert A. Friedman THE USE OF MUSIC IN PSYCHOLOGICAL OPERATIONS
- Sự thật về Nguyễn Văn Bé (http://vietnamsaigon75.blogspot.com/2013/07/liet-si-nguyen-van-be-hy-sinh-nam-1966.html)
- Pavlik Morozov
- Christoph Giebel. Imagined Ancestries of Vietnamese Communism: Ton Duc Thang and the Politics of History and Memory
- Questioning of Lei Feng’s Frugality Leads to Detention, (http://blogs.wsj.com/chinarealtime/2013/08/21/four-detained-for-questioning-lei-fengs-frugality/)
- Thơ Thái Bá Tân Tản mạn về thơ và đồng nghiệp, Facebook
- Trần Đăng Khoa Chân Dung và đối thoại, truyen.com



 -Hai căn bệnh trầm kha của giáo dục Việt Nam: nói trễ và nói dối
Giới thiệu: Tuổi trẻ Việt Nam chậm tiến về nhận thức chính trị hơn các tuổi trẻ các nước khác. Đó là sự thật. Nhưng không phải tại các em. Nhận thức của các em sinh ra là những tờ giấy trắng, xã hội Việt Nam (trong trường hợp này là cơ chế CS) qua các phương tiện tẩy não đã viết lên đó một màu đen lạc hậu. Bài viết dưới đây, viết 9 năm trước, để phân tích bệnh “nói trễ và nói dối” tại Việt Nam. Phần sau của bài viết tôi dành phê bình các chi tiết sai của nhà văn Lê Lựu khi viết về thành phố Boston, nơi tôi đang sống, trong tác phẩm Một thời lầm lỗi và Trở lại nước Mỹ của ông.


Tác phẩm Một thời lầm lỗi và Trở lại nước Mỹ đã được đăng báo nhiều kỳ và xuất bản nhiều lần tại Việt Nam. Ngày nay, sở dĩ đa số tuổi trẻ Việt Nam còn “hát như vẹt”, sống như “chim công nghiệp” cũng tại vì những cây bút “chống Mỹ cứu nước” như thế này. Những “nhà văn” “nhà thơ” này là dầu, nhớt, mỡ của bộ máy độc tài toàn trị CS. Một khi họ trở thành cặn bã, bị cơ chế đào thải, bỏ rơi, lại có một lớp khác lên thay tiếp tục là nô bộc cho chế độ. Nhân việc so sánh tuổi trẻ Hong Kong và tuổi trẻ Việt Nam, xin chia sẻ bài viết với các bạn để thấy tai họa của cây bút vô trách nhiệm, thiếu tư cách đạo đức, đang sống trong thời đại toàn cầu hóa nhưng tư duy vẫn còn ở trong rừng:
Hai căn bệnh trầm kha của giáo dục Việt Nam: nói trễ và nói dối

Sinh viên, học sinh Việt Nam vẫn nghĩ khẩu hiệu: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người.” Là câu nói bất hủ của ông Hồ. Thật ra, câu nói đó lấy ý từ câu: “Nhất niên chi kế, mạc như thọ cốc, thập niên chi kế, mạc như thọ mộc, bách niên chi kế, mạc như thọ nhân.” Nghĩa là: “Kế hoạch cho một năm, không gì bằng trồng lúa, kế hoạch cho mười năm, không gì bằng trồng cây, kế hoạch cho trăm năm, không gì bằng trồng người.” Trong văn học Trung Quốc.

Dù sao, sau hơn nửa thế kỷ trồng người, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam, ngoài việc sinh ra các tình trạng mà Giáo sư Hoàng Tụy gọi là “nguy kịch” như chạy theo bằng cấp, bằng giả, học giả, làm luận án thuê v.v.., còn gây ra hai căn bệnh rất phổ biến trong xã hội Việt Nam, theo tôi, còn trầm trọng và khó chữa trị hơn nhiều, đó là bệnh nói trễ và nói dối.

Trẻ con trung bình vào khoảng hai, ba tuổi là bắt đầu tập nói. Nếu đến bốn tuổi mà chưa nói được, đứa bé sẽ bị xem như mắc triệu chứng nói trễ. Theo các tài liệu y khoa, đây không phải là căn bệnh làm chết người nhưng vẫn là một mối lo canh cánh bên lòng các bậc cha mẹ khi nghĩ đến việc con mình không biết nói. Chúng ta không hiểu được nỗi lòng của các em bé, nhưng chắc các em cũng khổ tâm ghê lắm khi không nói được một cách bình thường như những đứa trẻ khác.

Tôi không biết Việt Nam có bao nhiêu em bé bị mắc phải triệu chứng nói trễ, tuy nhiên, phát biểu trễ, trong đó tính chung cả nói và viết, thì rất đông. Ðông đến nỗi, khi có một em phát biểu được những gì em suy nghĩ, ai nấy đều xem đó như một hiện tượng lạ, không những cha mẹ em mừng, anh chị của em mừng, bà con em mừng, mà tám chục triệu đồng bào trong nước và cả hai triệu người Việt ở hải ngoại cũng mừng theo.

Ðó là trường hợp của em Nguyễn Phi Thanh, học sinh lớp 11A18 trường THPT Việt Ðức, Hà Nội. Trong lúc Autism Spectrum Disorders là do sự phát triển chậm của khu vực nói trong hệ thần kinh trẻ em, bệnh nói trễ ở Việt Nam là do nền giáo dục xã hội chủ nghĩa gây ra và tồn tại không chỉ trong trẻ em mà cả trong nhiều người lớn tuổi.

Nhận xét của em Phi Thanh về đề thi “Giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc” đã được báo chí trong và ngoài nước đăng tải khá nhiều, tôi chỉ trích một đoạn ngắn:


“Em nghĩ, đứng trước một tác phẩm văn học bao giờ cũng có ý kiến trái ngược khen–chê, hay-dở nhưng dường như học sinh bọn em chỉ có quyền thích, chỉ có quyền khen hay mà không có quyền nói lên chính kiến của mình, và việc phê bình văn học hình như chỉ là việc của các nhà phê bình. Phải chăng vì tư tưởng bảo thủ này mà suốt 63 năm qua, văn thơ của chúng ta chưa được “mới”? Nhìn ra, chỉ ra cái hay của một tác phẩm văn học đã khó, nhưng chỉ ra cái hạn chế, thiếu sót của tác phẩm ấy còn khó hơn nữa, vậy mà chưa bao giờ bọn em được tỏ rõ chính kiến của mình trong một bài thi cả, tất cả chỉ vì áp lực điểm số.”

Sự đồng tình của nhiều người, nhiều giới, trong đó có một số người đang làm công tác giáo dục, về bài viết của em Phi Thanh, chứng tỏ sự khát khao, chờ đợi của người dân dành cho một tiếng nói trung thực, một phản ứng tích cực thay vì rập khuôn một cách thụ động theo dấu chân của đảng trên con đường mòn giáo dục xã hội chủ nghĩa như năm chục năm qua.

Nền giáo dục vẹt tồn tại trong xã hội Việt Nam từ bao nhiêu năm qua đã giết chết mọi mầm mống sáng tạo tự nhiên trong con người. Không một giáo án, giáo trình, diễn văn, tham luận, tuyên ngôn, tuyên cáo nào mà không trích dẫn vài “lời dạy” của các lãnh tụ cộng sản. Sự nô lệ trí thức như là một loại vi trùng sinh sôi và lan rộng trong từng con người, qua nhiều thế hệ, xói mòn và tàn phá tính khai phóng, làm thui chột tính sáng tạo trong con người.

Trong lúc bệnh nói trễ dù sao cũng tùy trường hợp mỗi người, bệnh nói dối là cả một hệ thống, dối có chủ trương, dối có sách vở, dối có tổ chức. Ðó chính là một hậu quả tai hại khác của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam nói riêng và các nước xã hội chủ nghĩa nói chung.

Vì hoàn cảnh, con người phải lừa dối nhau để tồn tại. Ðiều đó đôi khi còn có thể thông cảm. Thế nhưng một tác phẩm văn học xây dựng trên sự lừa dối và nhằm mục đích lừa dối người khác là một điều không thể chấp nhận được. Rất tiếc, việc hình thành một đội ngũ của những người viết dối để phục vụ cho chế độ, cũng là một trong những đặc điểm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa.

Ðể chứng minh cho tính nói dối trong văn học Việt Nam, tôi xin giới thiệu đến độc giả một đoạn văn của nhà văn Lê Lựu viết về thành phố Boston, nơi tôi đang sống, trích trong tác phẩm Một thời lầm lỗi và Trở lại nước Mỹ của ông, do nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản năm 2000.

Trước khi đánh máy lại đoạn văn của nhà văn Lê Lựu, tôi xin giới thiệu vài dòng về Boston, để độc giả chưa đến hay chưa biết nhiều về thành phố lịch sử này của nước Mỹ, có một khái niệm tổng quát về thành phố. Boston là trung tâm lịch sử và một trong những thành phố trù phú nhất của liên bang Hoa Kỳ. Nơi đây, từ bốn trăm năm trước đã có những di dân đầu tiên trên chiếc tàu Mayflower giong buồm tiến vào vịnh Provincetown, Cape Cod. Tên tuổi và địa danh của những quận như Concord, Lexington, Bunker Hill đã đi vào lịch sử vẻ vang của cuộc chiến tranh giành độc lập từ tay đế quốc Anh.

Boston cũng là thành phố kỹ thuật lớn, với hàng trăm công ty kỹ thuật cao cấp nằm hai bên các xa lộ chung quanh thành phố, và là trung tâm giáo dục hàng đầu thế giới với Đại học Harvard, Học viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT), Đại học Boston, Đại học Massachusetts và hàng chục trường đại học tên tuổi khác.

Theo thống kê năm 1990 (thời gian nhà văn Lê Lựu đến thăm), Boston có dân số là 574.282 người, với lợi tức trung bình của một gia đình Boston khoảng 40 ngàn Mỹ kim một năm. Giống như các thành phố lớn khác của Mỹ trong xã hội tư bản, bên cạnh sự thịnh vượng của thành phố, Boston cũng có những người không nhà. Hai lý do chính của tình trạng không có nơi ở (homelessness) là lợi tức tăng chậm hơn tiền mướn nhà và giá nhà ở tại Boston quá cao. Mỗi năm, Thị trưởng Boston công bố một thống kê chính thức về tình trạng không nhà của người dân Boston và các biện pháp ngăn ngừa. Năm 1992, Boston có 4411 người không có nơi riêng để ở và phải ở trong các khu nhà tạm trú (shelter) do chính phủ cung cấp với điều kiện sống chật chội và thiếu tiện nghi hơn ở nhà riêng.

Và sau đây là đoạn văn tả thành phố Boston của nhà văn Lê Lựu sau chuyến viếng thăm Boston của nhà văn vào năm 1989:


“Boston, thủ đô của nền văn hóa sang trọng, lịch lãm nhất nước Mỹ. Nhìn về Boston, người Mỹ có thể vênh vang ngửa mặt ra bốn phương mà kiêu ngạo, mà tự tin chỉ cần mặc chiếc quần soóc, chiếc áo may ô, bất kể đàn ông hay đàn bà có thể nghênh ngang đi khắp trái đất, không thèm nhìn ai. Vậy mà giữa bão tuyết của đêm mùa đông ngoài trời có hơn 130 ngàn người không cửa, không nhà.

Chị Liliên (bạn của nhà văn và là người làm việc ở trung tâm cứu trợ người nghèo) nói: Con số này tự tôi và đồng nghiệp của tôi đã đi đếm suốt đêm. Bằng mọi cách phản đối, kiến nghị lên chính phủ địa phương, chính phủ liên bang và kêu gọi lòng từ thiện của nhân dân, đến nay mới kiếm được chỗ ở cho 54 ngàn người, còn 77.600 người vẫn đêm đêm nằm lại vườn hoa và hè phố. Nhưng trong thực tế sẽ lớn hơn nhiều so với 77.600 vì mùa đông năm ngoái chúng tôi chưa đếm lại.”

Và trong đoạn sau, nhà văn Lê Lựu so sánh Boston và Hà Nội:


“Ở đất nước ta nghèo túng là thế, ở thủ đô có số dân bằng số dân Boston, mà đã ai trông thấy, đã ai đếm được con số một nghìn người đêm đêm lăn lóc ở lề đường, trong các vườn hoa Hà Nội! Sự giàu sang ở Hà Nội không thể đem so sánh với Boston. Ai làm công việc đó được coi như kẻ mắc bệnh tâm thần, kẻ dở hơi. Nhưng sự vất vưởng của con người Boston đem so sánh với Hà Nội cũng là giữa trời và vực.”

Nếu những dữ kiện của nhà văn Lê Lựu viết ra là đúng thì Boston, thành phố đầy kiêu hãnh của nước Mỹ, trong mùa đông đã có gần một phần tư dân số phải chịu cảnh màn trời chiếu đất.

Số người do chị Liliên nào đó và các bạn chị đếm cao hơn con số do Thị trưởng Boston công bố gấp 30 lần! Con số của chị Liliên chỉ cần đúng một nửa thôi, chẳng những Thị trưởng Boston mất chức, Thống đốc bang Massachusetts mất chức, mà cả Tổng thống Mỹ cũng phải từ chức vì nạn đói năm Ất Dậu ở Việt Nam hình như đang tái diễn ngay tại quốc gia cường thịnh nhất thế giới này. Chị Liliên (tạm cho là một nhân vật có thật), trong tư cách là người làm việc cho một cơ quan xã hội và hẳn nhiên am tường tình trạng không nhà, đào đâu ra con số vô cùng khủng khiếp và phi lý đến thế?

Hình ảnh 130 ngàn người lay lắt trong một thành phố với diện tích 125 cây số vuông như Boston, ngay cả đạo diễn các phim chiến tranh thế giới, chắc cũng không nghĩ ra. Boston, nếu quả thật như vậy, không còn là thành phố cảng tuyệt vời và là quê hương của John F. Kennedy, George Herbert Walker Bush, Quincy Adams, John Quincy Adams, Henry Wadsworth Longfellow, Ralph Waldo Emerson, Emily Dickinson mà là Rwanda, Bangladesh, Ethiopia.

Và cho dù chị Liliên là người có thật và thích bịa chuyện đi nữa, trong tư cách một nhà văn đã viết nhiều tác phẩm, không phải lần đầu tiên viếng thăm Mỹ, nhà văn Lê Lựu cũng nên có một thái độ nghi ngờ dữ kiện cần thiết, một lý trí trưởng thành để cân nhắc và đánh giá những gì nhà văn nghe, nhà văn thấy, trước khi cầm bút viết lại câu chuyện và in thành sách.

Và “một thời lầm lỡ” in thành sách rồi, khi tái bản vào năm 2000, nhà văn cũng nên xét lại những đoạn viết dối quá lố lăng để khỏi làm trò cười cho độc giả, nhất là các em du học sinh đang theo học tại Boston. Nhưng không, nhà văn vẫn nghĩ rằng những dữ kiện lạ lùng đó là sự thật và in lại mà không cần cắt bỏ. Nếu tác phẩm hay đoạn văn đó được dịch sang tiếng Anh, độc giả Mỹ sẽ nghĩ sao về tư cách và trình độ kiến thức phổ thông của một nhà văn Việt Nam?
Chắc chắn họ sẽ vô cùng thất vọng

Người Mỹ bỏ tiền mua vé máy bay cho nhà văn, lo chỗ ăn chỗ ở, đưa đón, hướng dẫn tham quan, tiếp xúc, thảo luận, không phải để nhà văn ca ngợi nước Mỹ hay chửi cha mắng mẹ họ, nhưng chính là để nhà văn được thấy sự thật và mang về lại Việt Nam sự thật của đời sống Mỹ, con người nước Mỹ, và qua trung gian nhà văn, các thế hệ trẻ Việt Nam có cơ hội hội nhập vào thế giới trong tinh thần cảm thông và đối thoại.

Nhà văn may mắn được đi tham quan nước ngoài, lẽ ra nên mang về lại nhà những tin tức khách quan, những cái mới, cái hay cái đẹp đang xảy ra phía bên kia ô cửa của ngôi trường nhỏ hẹp, để giúp cho sinh viên học sinh cơ hội được nhìn xa hơn, rộng hơn đến những chân trời văn minh của nhân loại. Nếu không được như Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, thì nhà văn cũng không nên đào sâu thêm hận thù, ganh ghét trong lòng người dân hai nước.

Ðọc xong tác phẩm Một thời lầm lỗi và Trở lại nước Mỹ, các em học sinh Việt Nam có thể nghĩ rằng không chỉ Việt Nam nghèo nàn, mà ngay cả một siêu cường cỡ Mỹ cũng đang khốn đốn vì miếng cơm manh áo; không phải chỉ Việt Nam có những kẻ khố rách áo ôm, mà nước Mỹ cũng đầy những cảnh đầu đường xó chợ.

Thưa nhà văn, thời đại của “trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ, đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ” đã qua xa rồi. Hãy để cho các em có cơ hội được thấy những đổi thay bên ngoài đất nước. Không có sự so sánh thì làm sao các em biết nỗ lực để vươn lên.

Nhà văn cũng không cần phải bôi đen thành phố lịch sử Boston của Mỹ chỉ để chứng minh cho cái nghèo nhưng sạch, rách nhưng thơm của Hà Nội như là “giữa trời và vực”. Kỹ thuật tự khen mình bằng cách bêu xấu đối phương không phải tư cách của một người lương thiện, và tương tự, hạ thấp giá trị của thành phố nhà văn đang thăm viếng chỉ để biện hộ cho cái mặc cảm nghèo nàn của một thành phố Việt Nam không phải là cách viết của một nhà văn trưởng thành và thái độ của một con người lịch sự.

Hà Nội không cần nhà văn ca ngợi hay binh vực bằng phương cách đó. Trong trái tim của mỗi người Việt Nam, dù trong nước hay ngoài nước, Hà Nội tuy nghèo, Hà Nội tuy xưa, Hà Nội tuy cũ, nhưng Hà Nội vẫn uy nghi như một trung tâm văn hóa lịch sử bốn nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Nếu ai nói khác hay khinh thường Hà Nội, không đợi đến nhà văn đứng ra bảo vệ mà tám chục triệu người, trong đó có kẻ viết bài này, sẽ làm công việc đó. Ca ngợi Hà Nội như cách của nhà văn chẳng khác gì trét bùn lên một bức tranh tuyệt mỹ.

Ðộc giả sẽ thắc mắc, làm thế nào một nhà văn như đại tá Lê Lựu lại có thể viết những chuyện xa vời thực tế như thế. Câu trả lời chắc sẽ dành cho nhà văn mặc dù những tham luận, bút ký có khả năng giết người vẫn nhan nhản trong xã hội cộng sản, sá chi là chuyện vài con số tuyên truyền. Với tôi, câu trả lời rơi vào một trong hai trường hợp, nếu chị Liliên không nói thì chính nhà văn đã viết dối và nếu chị Liliên không biết đếm thì nhà văn là người không có khả năng phân biệt sự khác nhau giữa giả dối và thành thật.

Chúng ta thường lo âu về những tình trạng chậm tiến về khoa học kỹ thuật, nghèo nàn lạc hậu về kinh tế, nhưng nghĩ cho cùng, cái nghèo đói trí thức, nghèo đói tinh thần, nghèo đói đạo đức tại Việt Nam còn trầm trọng và thúc bách hơn nhiều.

Với óc cần cù, thông minh của người Việt và cơ hội học hỏi khắp năm châu, chúng ta không phải quá lo lắng về một nền khoa học hiện đại, một nền kỹ thuật hiện đại. Ðiều đáng lo lắng nhất vẫn là làm thế nào để có những con người Việt Nam biết sống lương thiện và thành thật, làm thế nào có được một nền giáo dục biết đặt cơ sở trên tinh thần nhân bản, dân tộc và khai phóng thật sự làm nền tảng cho một xã hội dân chủ pháp trị tiên tiến trong tương lai. Ðó là một cuộc cách mạng tư duy và tâm thức lâu dài.

Mới chỉ năm mươi năm thôi mà các giá trị luân lý, đạo đức Việt Nam đã suy đồi và băng hoại đến thế này, nếu đợi đúng “một trăm năm trồng người” xong thì đất nước sẽ ra sao?



Trần Trung Đạo

-


Sản phẩm dối trá: Nguyễn Văn Trỗi 

Lê Diễn Ðức


Cách đây 50 năm, vào một sáng sớm mùa Thu tháng 10 năm 1964, học sinh trường tiểu học chúng tôi tập trung ngoài sân chào cờ. Nhưng buổi chào cờ hôm ấy mang một bầu không khí đặc biệt. Sau lễ chào cờ, chúng tôi không giải tán để đi vào lớp mà ở lại nghe thầy hiệu trưởng nói về người “anh hùng liệt sĩ” Nguyễn Văn Trỗi, và làm lễ mặc niệm.

Thầy hiệu trưởng nói về Nguyễn Văn Trỗi, là biệt động quân Sài Gòn, một người thợ điện còn rất trẻ, mới 24 tuổi, vừa mới lấy vợ chưa có con, đã xung phong nhận nhiệm vụ đánh bom ám sát Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert McNanara đang ở thăm Sài Gòn. Dự tính bom sẽ được đặt dưới cầu Công Lý, nơi phái đoàn cao cấp của Mỹ do McNamara dẫn đầu, đi qua. Kế hoạch bị bại lộ, Nguyễn Văn Trỗi bị bắt và bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa kết án tử hình. Ngày 15 tháng 10 năm 1964, bản án được thi hành.

Tôi nhớ, buổi sáng chào cờ hôm ấy, thầy hiệu trưởng đọc lại lời của Hồ Chí Minh, đại ý là “Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi là tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước - nhất là các cháu thanh niên, học tập.”

Và thế là phong trào nổi lên. Người ta cho tổ chức thi giỏi văn toàn miền Bắc với đề bài nói về “anh hùng” Nguyễn Văn Trỗi. Âm thanh kích động còn được khuếch trương trên báo đảng. Tố Hữu thì làm thơ, mô tả toàn bộ cuộc hành quyết Nguyễn Văn Trỗi trên báo Nhân Dân qua bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi,” trong đó có 3 lần nhắc lại “Hồ Chí Minh muôn năm!”

Các nhà văn, nhà thơ, đạo diễn thì đồng loạt cho ra đời các tác phẩm ngợi ca Nguyễn Văn Trỗi, “biểu tượng của ngọn lửa anh hùng cách mạng.”

Chưa hết, phim ảnh cũng xây dựng “hình ảnh” Nguyễn Văn Trỗi; âm nhạc cũng nói về Nguyễn Văn Trỗi.

Vân vân và vân vân...

Trong xã hội miền Bắc, con người sống như bị giam hãm trong “trại súc vật,” bị tẩy não, bị thuần hóa, mù tịt thông tin, chỉ biết thế giới bên ngoài qua các phương tiện báo chí truyền thông của đảng. Lúc ấy cũng chưa có Internet, dường như ai ai cũng tin, tin như đinh đóng cột vào cả những điều phi lý hiển nhiên. Một con người nơi pháp trường đã bị trói gập khuỷu tay làm sao có thể giật mảnh băng đen bị mắt. Rằng, đã bị súng bắn chết gục sao còn có thể “thắng dậy” mà hô khẩu hiệu! Nhưng tuyệt nhiên không hề có một sự nghi kỵ nào!

Phải đợi tới 34 năm sau, năm 1998 khi cuốn sách “Chân dung và đối thoại” của Trần Ðăng Khoa phát hành, thì một số ít người mới biết được sự thật. Diễn biến toàn cảnh Nguyễn Văn Trỗi bị xử tử hình trên không như Tố Hữu ca ngợi mà bị xiên xẹo, bịa đặt, dối trá. Cả một nửa đất nước đã bị lừa gạt thảm hại bởi bút pháp “bậc thầy” và nghệ thuật bịa của “nhà thơ lớn.”

Trong một lần tâm sự với Trần Ðình Khoa, Tố Hữu, lúc này là một con người thất thế, chán nản nhân tình thế thái, như một lời tự thú, đã nói ông ngồi nhà bịa như thật khiến người đọc cứ tưởng như ông đang ở ngoài mặt trận, khi viết bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên” và cũng dịp ấy ông thú nhận: “Tôi hô khẩu hiệu đấy, tôi chả sợ. Tôi muốn nói rằng: Không có cái gì là không thành thơ được. Tôi cho cả Nguyễn Văn Trỗi hô: Hồ Chí Minh muôn năm. Mà hô những ba lần kia.”

Cái kim bọc kỹ lâu ngày cũng lòi ra. “Anh hùng” Nguyễn Văn Trỗi bị bắn chết nhưng “nhà thơ” đã kịp nhét khẩu hiệu vào mồm! Ðể hô. Hô to cho dân miền Bắc nghe qua báo đảng!

Sau này xem lại clip video mới thấy Nguyễn Văn Trỗi, một kẻ khủng bố đúng nghĩa với ngôn ngữ ngày nay, chẳng thấy anh ta hô hoán khẩu hiệu nào, mà cũng chẳng thấy đâu cái tư thế “lẫm liệt” (https://www.youtube.com/watch?v=wH3RgiZJSaI )

Nhưng cũng hết sức thô bỉ và đáng xấu hổ! Biết là bịa mà Trần Ðăng Khoa củng cố nịnh:

“Tất nhiên, sau ba câu khẩu hiệu Hồ Chí Minh muôn năm, Tố Hữu đã hạ một câu thơ thật là thần tình: Phút giây thiêng anh gọi Bác ba lần. Và thế là ngay lập tức, mấy câu khẩu hiệu khô khốc trên kia đã không còn là khẩu hiệu nữa, nó đã thành tình cảm, xúc cảm, thành nỗi niềm thiêng liêng của cả một đời người ở cái giây phút hiểm nghèo nhất. Và người đọc bỗng ứa nước mắt. Ðấy là tài nghệ của một bút pháp lớn. Bút pháp bậc thầy.”

Sự dối trá về Nguyễn Văn Trỗi cũng tương tự như “ngọn đuốc sống” Lê Văn Tám trong thời chống Pháp, một nhân vật được Trần Huy Liệu, bộ trưởng Bộ Tuyên Truyền và Cổ Ðộng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sáng tác, dựng lên.

Trớ trêu thay, cho đến ngày nay, người ta cũng bất chấp dư luận, sống sượng và vô liêm sỉ đến mức vẫn lấy tên Lê Văn Tám để đặt tên cho nhiều trường học và công viên ở Việt Nam. Họ cũng chẳng chỉnh sửa, đính chính những điều không có về hình ảnh Nguyễn Văn Trỗi.

Các thế hệ sau chiến tranh tiếp tục bị nhồi sọ bằng những biểu tượng lịch sử gian dối, mà đỉnh cao nhất là nhân vật Hồ Chí Minh, được tuyên truyền như “một danh nhân văn hóa.”

Chế độ Cộng Sản tồn tại được nhờ vào hai yếu tố: bạo lực và dối trá. Bạo lực để đàn áp sự chống đối và phủ tâm lý sợ hãi lên toàn xã hội. Dối trá để nhồi sọ, ngu dân.

Cựu Tổng Bí Thư Ðảng Cộng Sản Liên Xô Michail Gorbachev đã từng cay đắng nói: “Cả cuộc đời tôi đi theo chủ nghĩa Cộng Sản chỉ thấy toàn là nói dối, nói dối và nói dối.”

Lech Walesa, cựu thủ lĩnh Công Ðoàn Ðoàn Kết Ba Lan, người thợ điện đã làm chập mạch toàn bộ hệ thống Cộng Sản Châu Âu nói rằng, “Người Cộng Sản là những tổ sư chuyên về phá hoại. Họ có thể biến cái hồ cá thành tô súp cá dễ như chơi.”

Còn Aeschylus (524 TCN-456 TCN), nhà soạn kịch Hy Lạp cổ đại, cha đẻ của bi kịch hiện đại, từ xa xưa đã nhận định: “Không có gì tồi tệ hơn sự dối trá được thể hiện bằng những ngôn từ hoa mỹ.”

Tổng số lượt xem trang