Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Trần Quang Đức: Lịch sử không chỉ là các cuộc chiến

“Có nhà nghiên cứu giáo dục ở ta đã nói: Giáo dục Việt Nam không hề lạc hậu, mà là lạc đường. Lạc hậu là đi lùi phía sau và có cơ hội để tiến lên, nhưng lạc đường là đi hẳn sang một con đường khác. Quan trọng là đi đúng đường đã, sau đó chấp nhận lạc hậu, rồi từ từ đi lên.” - ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức. 
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức sinh năm 1985. Anh là tác giả cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” – công trình nghiên cứu đầu tay vừa được giải thưởng Sách hay 2014 ở hạng mục Phát hiện mới. Tinh thần của giải thưởng này, theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, là đề cao tinh thần khai minh của sách, phát huy óc dân chủ, tinh thần khai phóng và đứng ngoài mọi định kiến của xã hội.

Hiện tại, Trần Quang Đức đang mở hai lớp học Hán Nôm vỡ lòng dành cho những người muốn tìm hiểu văn tự cổ, văn hóa cổ của dân tộc. 
Lịch sử là tất cả những sự thật đã diễn ra trong quá khứ 
Book Hunter: Chúc mừng anh vừa được trao giải Sách hay 2014! 
Trần Quang Đức: Tôi được giải ở hạng mục Phát hiện mới. Về góc độ lịch sử Việt Nam, cuốn sách cũng góp một cái nhìn mới, đa chiều hơn. Qua cách ăn mặc, chúng ta thấy trang phục thời Lý khác, thời Trần khác, thời Nguyễn khác. Phong tục nhiều khi các thời cũng không chia sẻ với nhau, không hề đơn nhất. Trong nghiên cứu, về không gian và thời gian phải rõ ràng, đừng nên chịu sự chi phối của tinh thần dân tộc cực đoan cho rằng ăn mặc thế này mới là Việt, thế kia là Tàu. Vấn đề là Việt thời nào và Tàu thời nào? Bây giờ chúng ta ăn mặc thế này thì có khác gì Tàu đâu?
Cuốn sách của tôi chống lại tinh thần dân tộc hẹp hòi và có những lý giải để có cái nhìn khách quan hơn, công tâm hơn, rộng mở hơn.
Thêm nữa, tôi muốn nói rằng lịch sử không chỉ có các cuộc chiến tranh. Xưa nay, sử chiến tranh được chúng ta giảng quá nhiều, vô hình trung lại phản tác dụng, khiến người học mệt mỏi với quá khứ. Học lịch sử không phải chỉ để yêu tổ tiên, để tự hào dân tộc. Lịch sử là những sự thật đã diễn ra trong quá khứ – người ta đã ăn thế nào, ngủ thế nào, mặc thế nào – tất cả đều là lịch sử. “Ngàn năm áo mũ” là sử ăn mặc, sau đó sẽ có sử ẩm thực, sử vệ sinh, sử xe cộ, sử giao thông…
Những lát cắt về đời sống như thế sẽ làm diện mạo lịch sử muôn màu muôn vẻ, cuốn hút người trẻ hơn rất nhiều so với sử giáo điều, sử chiến tranh. Trong lịch sử cũng có những khoảng tối mà người ta cần phải biết. Sở dĩ người Việt như hôm nay bởi có người Việt như quá khứ.
Book Hunter: Chuyện lịch sử muôn màu muôn vẻ sẽ cuốn hút người trẻ có vẻ là thật. Phim “Sống cùng lịch sử” kinh phí 21 tỉ ra rạp cả tuần không có ai mua vé, nhưng Facebook của Trần Quang Đức bao giờ cũng “hot”. Lớp dạy Hán Nôm vỡ lòng của anh cũng rất đông người học.
Trần Quang Đức: Khi tôi đưa sử liệu và thông tin thú vị về các hiện tượng văn hóa mà trước nay ít người biết thì mọi người nhận ra: Mình hiểu biết quá ít và có nhiều định kiến đối với lịch sử, văn hoá, thậm chí là phong tục Việt Nam. Rồi tư liệu Hán Nôm dồi dào, phong phú như thế mà chúng ta không biết khai thác. Khi đọc những thứ tôi chia sẻ, kể cả người trong giới nghiên cứu và những người khác đều thấy khả năng Hán văn của tôi tốt nên muốn tôi mở lớp.
Nhờ Facebook, sự kết nối giữa mọi người và độ lan tỏa thông tin rộng rãi hơn. Nhờ vậy mà thời điểm tôi mở lớp, có rất nhiều người đăng ký học.
Book Hunter: Nhưng đây chỉ là lớp “Hán Nôm vỡ lòng”, còn cách một con đường rất xa, rất dài, rất vất vả mới tới được mục đích tiếp cận được kho sử liệu Hán Nôm dồi dào, để hiểu về lịch sử, về văn hóa của dân tộc?
Trần Quang Đức: Có một hiện trạng ở Việt Nam hiện nay: dường như có một quãng đứt nào đó, ở khoảng giữa những năm 30-45 của thế kỷ trước tới bây giờ, vì chúng ta không dạy chữ Hán. Trước đó thì học trò phải học cả chữ Hán Nôm và chữ Pháp. Trước khi Pháp vào Việt Nam thì văn tự Hán Nôm đã hiện hành ở Việt Nam cả 2.000 năm rồi.
Khi không được học chữ Hán, chúng ta không đọc được các sách vở cũ. Chúng ta vào đình, chùa, miếu mạo mà không hiểu các cụ viết gì. Thậm chí gia phả trong nhà chúng ta cũng không hiểu. Khi có nhu cầu học chữ Hán, chữ Nôm, các bạn chỉ có con đường: thi vào khoa Hán-Nôm; hoặc tìm một thầy đồ dạy
Lớp Hán Nôm của tôi là lớp vỡ lòng, vì nhiều học viên chưa từng biết một chữ nào cả. Thông thường, nếu dạy theo lối truyền thống, rất lâu người ta mới có thể đọc được văn bản, vì họ được dạy theo từng chữ, rồi cứ đọc kinh điển nhiều sẽ quen. Tôi có điều kiện tiếp xúc với giáo dục Hàn, Nhật và Trung Quốc, được xem cách họ dạy Hán Văn cổ, và tôi cũng có những phương pháp riêng của mình.
Tôi dạy học trò các bộ chữ, rồi lồng ngữ pháp vào. Tôi dạy Hán Văn cổ như một sinh ngữ, chứ  không phải một tử ngữ, tức là có tái tạo, có vận dụng, học trò có thể tự viết ra một câu, một đoạn văn. Dạy theo cách của tôi sẽ nhanh hơn.
Book Hunter: Nếu nhìn ở quan điểm thực dụng, đầu tư thời gian học tiếng Anh, tiếng Pháp, hoặc một sinh ngữ sẽ có nhiều lợi ích hơn?
Trần Quang Đức: Những người học lớp của tôi không có mục đích kiếm tiền. Họ muốn hiểu về ngôn ngữ cổ Hán Nôm để hiểu sâu sắc hơn tiếng Việt. Ví dụ chúng ta cứ ra rả nói “tuần lộc” mà không hiểu “lộc” là con hươu. Chúng ta nói chữ “kết thúc” mà không hiểu “thúc” nghĩa là “bó lại”.
Học trò của tôi có nhu cầu hiểu hơn về ngôn ngữ, về văn hóa, thậm chí một vài lát cắt lịch sử trong đó nữa.  Đâu phải chúng tôi đang học một thứ ngôn ngữ ngoại lai, mà chúng tôi đang tìm hiểu văn hóa Việt, tiếng Việt. Đâu phải tôi chỉ dạy chữ. Ngoài chữ còn là văn hóa truyền thống.
Hiểu được quá khứ sẽ hiểu được hiện tại 
Book Hunter: Có ý kiến cho rằng người trẻ cần tương lai. Trong khi đó, những cuộc tranh cãi hiện nay hầu như chỉ xoay quanh những ý thức hệ, xung đột và hận thù trong quá khứ. Thế còn văn hóa cổ, tại sao chúng ta nên tìm hiểu kỹ lưỡng những thứ đó?
Trần Quang Đức: Vì cuộc sống hiện đại luôn bắt rễ từ quá khứ, nhưng cái quá khứ ấy được đẩy đi bao xa thì tùy thuộc vào người nghiên cứu sử. Ví dụ chúng ta ăn bánh trôi bánh chay trong tết Hàn Thực, nếu không đọc được sử liệu hay các nghiên cứu văn hóa, chúng ta chỉ biết đây là “phong tục nghìn đời của người Việt”. Luôn luôn có chữ “nghìn đời”.
Nhưng nếu dựa vào các sách, ví dụ sách thời Trần, ta biết rằng tết Hàn Thực thời đó các cụ ăn bánh cuốn. Tới thời Lê trung hưng, người ta bắt đầu viết rằng tết Hàn Thực ăn bánh trôi bánh chay. Nghĩa là chúng ta sẽ có góc nhìn đoạn đại – từng lát cắt của lịch sử đã diễn ra, đã xuất hiện những gì. Và những điều tạo nên bối cảnh của người Việt hôm nay, từng nét văn hoá mà người Việt chia sẻ với nhau hôm nay có những thành phần nào, những thành phần ấy có từ bao giờ, đó là ngoại lai, là du nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ hay là của người Việt tạo ra… tất cả sẽ là những lý giải về đời sống, và về tư duy.
Nhưng nếu hôm nay chúng ta không đọc được thông tin từ quá khứ, thì chúng ta sẽ không biết về hiện tại mình đang sống như thế nào. Ví dụ bây giờ có trào lưu ghét dân Thanh Hoá, nhưng dân Thanh Hoá bị ghét từ khi nào? Vấn đề kỳ thị vùng miền có từ rất lâu rồi, từ thời Bắc thuộc đã có sự không hoà hợp giữa vùng Thanh Nghệ và vùng Thăng Long. Ở thời Lê, dân Thanh Hoá có sự tự cao nhất định, bởi vua Lê chúa Trịnh đều là người Thanh Hoá, họ coi họ là trung tâm. “Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần” là nói về thời đó. Lúc ấy, Huế lại là vùng Đàng Trong, có nhiều nét văn hóa, ngôn ngữ chịu ảnh hưởng của Chăm. Quan nhà Mạc Dương Văn An đã viết trong “Ô Châu cận lục” rằng: Thói tục của dân Huế rất thô bỉ, quê kệch. Như vậy, dân Huế từng bị coi là thấp kém về mặt văn minh.
Khi nhà Nguyễn thống nhất toàn bộ đất nước và bắt đầu giải quyết vấn đề vùng miền, Huế lại tự hào là đất kinh kỳ.
Vậy nên không nên xem kỳ thị vùng miền là đúng hay sai, mà phải quan sát sự thay đổi tư duy của con người. Đến thời hiện đại, dân Hà Nội lại tự hào mình là Thăng Long kinh kỳ, vì đây là trung tâm chính trị. Tóm lại, kinh tế và chính trị sẽ quyết định văn hoá. Kỳ thị vùng miền được quyết định bởi tư duy chính trị và văn hoá. Ta hiểu quá khứ sẽ hiểu được thời hiện tại. Ta sống như thế nào, nghĩ như thế nào trong hiện tại đều có nguyên nhân sâu xa từ quá khứ. Nhưng nhiều hiện tượng văn hoá, tâm linh có thể chỉ là sản phẩm của thời Nguyễn, thời Lê, hay thời Lý, Trần…
Book HunterTức là nếu có cái nhìn rộng, nhìn sâu, nhìn theo tuyến tính lịch sử thì…
Trần Quang Đức: Chúng ta sẽ có tư duy sâu sắc hơn về chính đời sống hiện tại.
Book Hunter: Tại sao vấn đề này không được đặt ra sớm hơn, hoặc giải quyết sớm hơn?
Trần Quang Đức: Đây là vấn đề của Việt Nam. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là những quốc gia từng sử dụng chữ Hán. Dân trí cao nên Nhật Bản không bao giờ tranh cãi rằng cái này của tao hay của mày, mà họ thừa nhận luôn rằng cái này tôi học của Tàu, cái này tôi học của Tây… và tôi tạo nên thứ của riêng tôi. Ở Việt Nam có sự thay đổi về tư duy chính trị (thời điểm sau 1979 và gần đây là vấn đề biển đảo Trường Sa – Hoàng Sa), cái nhìn về chữ Nôm, chữ Hán cực kỳ lệch lạc và cực đoan. Thêm nữa, dân trí của Việt Nam thấp, kinh tế kém phát triển. Vì dân trí thấp nên càng dễ sa vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cứ nghĩ cái gì của mình cũng là nhất, và giờ thì có thêm tinh thần bài Hoa, đặc biệt ở lĩnh vực văn hoá.
Nhật Bản và Hàn Quốc hoàn toàn khác, học sinh Nhật và Hàn sau khi tốt nghiệp phổ thông đã biết được 1.800 chữ Hán, khi nhìn vào văn bản cổ, thư tịch cổ thì họ đọc được. Sau khi tốt nghiệp đại học, họ biết được khoảng 3.000 chữ, biết văn phạm Hán cổ và có thể đọc được sách. Tóm lại, học đại học xong, một sinh viên ngành lịch sử, văn hoá hay văn học đều có kỹ năng mềm tối thiểu là đọc được sách cổ và nghiên cứu. Ở Việt Nam, sau bốn năm đại học, một sinh viên khoa sử, khoa văn hóa hay thậm chí nhiều bạn trong khoa Hán Nôm cũng không đủ trình độ đọc, dịch một văn bản dài, thậm chí một bài thơ.
Với tình trạng như vậy thì anh sẽ nghiên cứu gì? Anh không có thông tin mới, anh chỉ ăn ốc nói mò. Toàn bộ những gì anh nói sẽ là những thông tin một chiều của “Đại Việt sử ký toàn thư”, của một – hai cuốn sách… Và anh sẽ không có cái nhìn đa chiều, tổng quan, xâu chuỗi. Vì ngoài “Đại Việt sử ký toàn thư”, chúng ta còn rất nhiều bộ sử khác, rất nhiều thông tin tư liệu của tư nhân, của dã sử… nhưng chúng ta không biết khai thác những thứ đó.
Ở Việt Nam, vì không hiểu biết thấu đáo nên có nhiều người bài xích cực đoan, không có cái nhìn bao dung, khách quan đối với quá khứ. Đó là những thứ, xét về mặt tiến bộ, không phải là lạc hậu, mà là lệch lạc, gần nhất là đem so với Hàn Quốc và Nhật Bản.
Có nhà nghiên cứu giáo dục ở ta đã nói: Giáo dục Việt Nam không hề lạc hậu, mà là lạc đường. Lạc hậu là đi lùi phía sau và có cơ hội để tiến lên, nhưng lạc đường là đi hẳn sang một con đường khác. Quan trọng là đi đúng đường đã, sau đó chấp nhận lạc hậu, rồi từ từ đi lên.
Book Hunter: Giả sử, à thật ra không phải giả sử, nếu vẫn cứ lạc đường như anh nói thì sẽ như thế nào? 
Trần Quang Đức: Lúc nào cũng nói chuyện yêu nước, tự hào dân tộc, lúc nào cũng coi Việt Nam luôn là chính nghĩa, lúc nào cũng thấy người Việt là dân tộc bị hại… nhưng bản chất ở phía sau tất cả luôn là một câu chuyện cồng kềnh. Người ta cực đoan bài xích chữ Hán Nôm trong chùa, nhưng Hán không chỉ là Hán, Việt không chỉ là Việt, mà có sự hỗn dung về văn hoá và nguồn gốc. Không có dân tộc hay đất nước nào thuần chủng ở đây cả.
Book Hunter: Tôi quan sát thấy tâm lý tự ti đang lớn hơn tâm lý tự hào đấy chứ?
Trần Quang Đức: Vì tự ti nên mới tự hào. Hàn Quốc cũng từng bị như thế, nhưng dần dần họ bớt đi.
Book HunterBằng cách nào?
Trần Quang Đức: Kinh tế phát triển, dân trí nâng cao thì dần dần sẽ bớt tự ti. Hàn Quốc cũng từng chứng minh chữ Hán là của người Hàn, Khổng Tử là người Hàn, Thượng Hải từng là đất của Hàn Quốc… Việt Nam bây giờ cũng giống như Hàn Quốc cách đây 40 – 50 năm, có người chứng minh Kinh Dịch là của Việt Nam, rồi đất của Việt Nam từng kéo dài đến Trường Giang…
- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Linh Hanyi (thực hiện)
CTV của Book Hunter
-Nguồn: http://bookhunterclub.com/tran-quang-duc-lich-su-khong-chi-la-cac-cuoc-chien/

Tổng số lượt xem trang