Trần Huỳnh Duy Thức
"Đơn giản như vậy thôi!"
Có thật phải vậy không khi chúng ta cùng bước qua những "lý thuyết" của anh Thức?
Đọc thư xong, hy vọng các bạn sẽ có những chia sẻ từ nhận định và đánh giá của mình về CƠ CHẾ XÃ HỘI KHOA HỌC:
"Chỉ cần xây dựng được một cơ chế hợp quy luật thì ta sẽ đồng thời giải quyết được 3 vấn đề, tức là một mũi tên trúng 3 đích (bài học 1 - không bài bác và phủ định, bài học 2 - không bè phái, bài học 3 – Dung hóa sự khác biệt). Đều là những cái đích rất lớn và quan trọng. Đây cũng chính là cách quản trị chiến lược: nắm bắt được quy luật rồi xác định một đích nhắm chiến lược, hoàn thành được đích nhắm này thì sẽ tự nhiên đạt được các mục đích cần thiết nhờ sự diễn tiến tự động theo quy luật. Cái cơ chế trên chính là đích nhắm chiến lược, 3 bài học trên chính là 3 mục đích. Không hiểu được quy luật thì không quản trị chiến lược được. Khi đó người ta phải mất rất nhiều công sức để đạt từng mục đích nên vừa chậm vừa kém hiệu quả Nhưng thường là không đạt được và bóp méo mục đích đi. Khi áp dụng quy luật thì mọi việc rất đơn giản so với việc áp đặt chủ quan. Không theo quy luật thì cứ loay hoay vật lộn với các mục đích mãi mà chẳng đạt được, nếu có sẵn quyền lực trong tay thì người ta sẽ vo nặn con người và các mục đích này hy vọng làm khớp với nhau, nhưng cứ ngày càng méo mó hơn mà thôi."
Xuyên Mộc, 17/09/2014
Các con, cháu thương!
Tụi con đọc các thư 24 và 25C đủ mệt chưa? Thứ bảy vừa rồi dượng năm nói thư 24 phải đọc từ từ thì mới ngấm được. Như vậy là cậu viết chưa đạt yêu cầu rồi. . Cậu muốn chuyển đạt thông tin khoa học phức tạp một cách thật dễ hiểu. Cậu sẽ cố gắng hơn nữa. Nhưng dù sao cậu cũng vui vui vì dượng Năm nói những kiến thức ấy rất bổ ích. Mấy đứa cố chịu mệt một chút nữa đi nha!
Hôm nay chúng ta tiếp tục đề tài “Làm sao để được khai sáng”. Chúng ta đã phân tích 2 bài học: một là Không bài bác và phủ định nhau, hai là Không bè phái. Bài học thứ ba là: Dung hóa sự Khác biệt. Dung hóa có 2 nghĩa, thứ nhất là sự dung nạp và hóa hợp (chuyển hóa và hòa hợp), thứ hai là chấp nhận các nền văn hóa khác nhau. Chủ đề này rất rộng nhưng cũng may cậu đã viết khá nhiều về ứng xử văn hóa rồi nên tụi con sẽ dễ tiếp cận hơn.
Câu chuyện dung nạp và hóa hợp vĩ đại nhất mà cậu muốn kể lại cho tụi con nghe là sự lớn mạnh của Đạo Ki tô. Đạo này có nguồn gốc từ Do Thái giáo nhưng lại bị người Do Thái bài bác kịch liệt, lại còn bị Đế quốc La Mã – chính quyền cai trị vùng đất Do Thái thời đó đàn áp dã man bằng tất cả mọi thủ đoạn và bạo lực với mục tiêu phải tận diệt tư tưởng của Đức Giê-su. Nhưng gần 300 năm sau khi Ngài bị La Mã đóng đinh lên Thập tự giá, chính hoàng đế La Mã Constantile tuyên bố Đạo Ki tô là quốc giáo trên toàn cõi La Mã bao trùm hầu hết cả Châu Âu và một phần Châu Phi và Trung đông vào đầu thế kỷ thứ 4 – thời kỳ phát triển hưng thịnh nhất cũa đế quốc La Mã về mọi phương diện. Thủ đô của nó trở thành Ngôi nhà của Chúa, chính là Vatican ngày nay. Đế quốc này đã sụp đổ gần một ngàn năm rồi nhưng Vatican vẫn còn là trung tâm quyền lực bậc nhất thế giới. Tụi con nghĩ vì sao vậy? Thế giới vùng Địa Trung Hải vào thời Chúa Giê-su đầu công nguyên là những xã hội của bạo lực, cá lớn nuốt cá bé, con người chà đạp lẫn nhau. Các giá trị nhân văn như lòng nhân ái, vị tha là những điều xa lạ và hiếm hoi. Nhưng Giê-su dám bắt đầu tư tưởng của mình từ chính những giá trị đó. Lời huấn dụ nổi tiếng nhất mà có lẽ tụi con đều biết là: ai tát vào mình má phải thì hãy đưa luôn má trái cho họ tát. Hồi trẻ cậu không thích câu này vì cảm thấy nó khiến người ta thụ động và chịu đựng. Cậu thấy dân tộc mình chậm tiến vì cứ chịu đựng như vậy. Nhưng vì lúc đó cậu chưa hiểu, và cậu cũng không hiểu được giá trị của nó mãi tới khi cậu xây dựng lý thuyết về năng lượng xã hội cách đây 10 năm. Cậu tin và đi tìm cách chứng minh rằng năng lượng tồn tại ở những dạng thức khác ngoài dạng thức vật chất mà chúng ta được học và thường sử dụng hằng ngày. Những dạng thức năng lượng mới này vẫn tuân thủ các định luật về năng lượng mà chúng ta đã biết. Đầu tiên cậu định gọi là năng lượng ý thức nhưng sau đó cậu nhận thấy rằng chúng được tạo ra và chuyển hóa chủ yếu bởi cách thức vận động của xã hội. Nên cậu gọi đó là năng lượng xã hội. Dịp khác chúng ta sẽ nói thêm về lý thuyết này.
Năng lượng, hay sức lực mà La Mã dùng để đàn áp Ki tô giáo là rất lớn. Nhưng nếu những tín đồ của Đức Giê-su phản kháng lại bằng bạo lực thì đầu tiên họ sẽ tiêu tốn hết năng lượng vốn rất ít ỏi của họ đồng thời họ cũng triệt tiêu một phần năng lượng đàn áp của La Mã tương ứng với mức năng lượng phản kháng mà họ tạo ra được. Kế tiếp, vì năng lượng bạo lực của La Mã bao giờ cũng lớn hơn của họ hàng ngàn, hàng triệu lần nên La Mã sẽ dễ dàng huy động thêm sức đàn áp mới lớn hơn nhiều cái cũ, trong khi đó sức phản kháng bằng bạo lực của họ đã gần như cạn kiệt. Lần này thì họ sẽ bị đè bẹp, thậm chí là nghiền nát. Nhưng họ đã thực hiện xuất sắc chiến lược của Đức Giê-su: Không phản kháng với bạo lực mà tận dụng mọi cuộc đàn áp dã man của La Mã để tôn vinh các giá trị nhân ái, vị tha, hòa hợp… của Ngài đến ngày càng gần hơn, sâu hơn và rộng hơn với công chúng. Họ không chịu đựng thụ động mà tích cực chuyển hóa bạo lực thành nhân văn. Năng lượng đàn áp của La Mã không bị triệt tiêu nên không tự mất đi mà chỉ chuyển hóa sang một dạng thức khác có thể lưu trữ được. Năng lượng đàn áp ở dạng bạo lực được chuyển hóa thành năng lượng tích chứa ở dạng nhân văn. Nguồn năng lượng ở dạng thức mới này được tích tụ bền bĩ trong gần 300 năm đàn áp của La Mã đối với Ki Tô giáo. Đến một ngày nó đã tập hợp đủ sức mạnh thì nó tự động chuyển hóa tiếp thành một dạng thức mới khác đủ sức biến toàn cõi La Mã thành của mình. Một cuộc chuyển hóa thần kỳ đến mức mà người ta phải gọi đó là sự thay đổi thần thánh. Không có nguồn năng lượng khổng lồ thì không có cách gì thay đổi được như vậy cả. Một sự thay đổi vĩ đại trong hòa bình. Nhìn theo một phương diện khác ta có thể hiểu rằng các năng lượng chuyển hóa được tích chứa trong ý thức của người La Mã, tới một mức độ mà hoàng đế Constantile phải nhận ra rằng muốn giữ yên La Mã và làm cho nó phát triển tốt đẹp thì chỉ còn cách thuận theo người dân mà tôn vinh các giá trị của Đức Giê-su. Các giá trị nhân văn lên ngôi, sức mạnh bạo lực dần bị loại bỏ. Từ mười mấy người ban đầu tay không tấc sắt, họ đã dùng chính năng lượng La Mã để chuyển hóa nó từ bạo lực sang nhân văn. Đưa thêm má trái để thu nhiều năng lượng hơn và chuyển hóa, tích tụ nó. Càng nhiều càng rút ngắn thời gian thay đổi La Mã. Giới cầm quyền La Mã không hiểu biết, cứ tăng cường đàn áp. Những người Ki tô giáo không những biết chuyển hóa mà còn sẵn sàng dung nạp và hòa hợp với người La Mã, chứ không bài bác và phủ định họ. Đây là một ví dụ dung hóa mà cậu thích nhất. Tụi con thử tìm và phân tích các ví dụ khác xem.
18/9/14
Điều ta cần lưu ý là ý thức của người ta mong muốn điều gì khi chuyển hóa năng lượng đàn áp thì năng lượng tích chứa sẽ được chuyển hóa ở dạng thức đó. Nếu người ta chịu đựng sự đàn áp và nuôi dưỡng mong muốn trả thù thì năng lượng tích chứa sẽ được tích tụ ở dạng thức thù hận. Đến lúc nó tích tụ đủ năng lượng thì nó sẽ bùng phát bạo lực để lật đổ, hủy diệt những gì đã đàn áp nó. Quá trình đó lặp đi lặp lại ngày càng nhanh hơn, giống như những gì diễn ra ở Ai Cập mà cậu đã phân tích trong thư 24. Khi nó chưa đủ sức thì nó cũng không tự mất đi, mà truyền từ đời này qua đời khác và chờ đợi tới khi nó tích tụ đủ. Cũng có lúc nó được chuyển sang dạng thức “trả thù ngọt ngào”. Không cần đủ năng lượng thì nó vẫn đủ sức tha hóa những gì đã đàn áp nó, cuối cùng cũng là sụp đổ. Cậu tin rằng năng lượng còn tồn tại ở rất nhiều dạng thức khác nhau mà khoa học vẫn chưa hiểu biết đến. Và quá trình đi tìm và chứng minh các dạng thức này sẽ giúp con người phát hiện ra những quy luật khoa học rất hữu ích cho sự tiến bộ của xã hội loài người. Trong Đạo Phật có một thuyết gọi là Luật Nhân quả. Thuyết này đến bây giờ vẫn chưa được chứng minh bằng khoa học. Nhưng tụi con có thể hiểu và giải thích nó bằng ý niệm khoa học thông qua sự chuyển hóa các dạng thức năng lượng như trên. Nghiệp, quả báo mà Phật giáo tin rằng con người phải trả và không thể tránh khỏi khi mình làm điều xấu, có thể được hiểu như năng lượng tích chứa của những người bị hại, có thể truyền từ đời này sang đời khác, thậm chí là kiếp này sang kiếp khác như thuyết Luân hồi của Đạo Phật. Lúc đầu, khi đang nghiên cứu năng lượng ý thức, tới đoạn này (chuyển kiếp, luân hồi) thì cậu bị tắt, không tìm được lý luận khoa học để đi tiếp. Cậu tập trung vào năng lượng xã hội vì có đủ luận cứ khoa học cho nó và cũng thấy nó thiết thực hơn cho việc nghiên cứu các quy luật phát triển của xã hội. Cậu tin là có mối quan hệ mật thiết giữa năng lượng xã hội và năng lượng ý thức vào quá trình ý thức (lúc đầu cậu nghĩ cả hai là một) nhưng chưa tìm được luận cứ khoa học cho nó một cách chặt chẽ. Tuy nhiên cậu đã có ý tưởng gắn năng lượng ý thức vào quá trình tiến hóa theo thuyết Darwin. Cậu đã thấy được nhiều manh mối khoa học cho sự liên hệ ý này. Khi nào có điều kiện sẽ nghiên cứu bài bản . Trong thư 22A cậu có đề cập sơ qua trong ví dụ về con sóc bay: ước muốn (ý thức) biến thành khát vọng lâu dài (tiềm thức) rồi tác động đến bản năng (vô thức). Bản năng được hình thành lâu ngày sẽ lưu vết vào gien di truyền sang thế hệ kế tiếp. Quá trình như vậy cứ lặp đi lặp lại có khi trong cả triệu thế hệ và biến 1 con sóc muốn bay được lúc đầu có chít chắt F-1 triệu là loài sóc có cánh. Cách đó chính là sự tiến hóa của lớp da nách của con sóc ban đầu mà ra, xuất phát từ ý thức muốn bay của nó. Cậu nghĩ rằng người ta có thể đưa khái niệm năng lượng ý thức vào quá trình này và xây dựng được một quy luật tiến hóa theo Thuyết Tiến hóa của Darwin.
Cái gì đã tồn tại thì đều có lý do để tồn tại.
Theo thời gian thì những sự tồn tại như vậy có thể trở nên tiêu cực và gây hại. Nếu loại trừ chúng bằng đàn áp thì kết quả chỉ là sự tích tụ thêm cái xấu dưới dạng những năng lượng được tích chứa. Do vậy ở những chế độ dùng chuyên chế để cưỡng ép sự ổn định của xã hội thì ta luôn thấy cái xấu vừa hoành hành vừa âm ỉ trong lòng xã hội đó, không bao giờ tốt đẹp được. Thỉnh thoảng nó bùng nổ những cuộc cách mạng bằng bạo lực và tiếp tục một chu kỳ mới. Chỉ có cách dung hóa nó thì những giá trị tốt đẹp mới lên ngôi và làm nó tốt đẹp. Dung hóa không chỉ là một quan điểm nhân văn mà còn là một phương pháp khoa học. Dung hóa chính là quá trình đưa xã hội về trạng thái cân bằng tự nhiên bền vững từ các trạng thái cân bằng tạm thời (bằng cưỡng ép) như cậu đã đề cập trong thư 24. Ở trạng thái cân bằng bởi cưỡng ép, năng lượng dùng để cưỡng ép và năng lượng phản cưỡng ép là bằng nhau và sẽ cùng tăng hay cùng giảm. Ở trạng thái như vậy thì xã hội có vẻ như ổn định trên bề mặt nhưng tiêu tốn năng lượng xã hội cực kỳ lớn để duy trì sự cân bằng đó (thực chất là liên tục triệt tiêu năng lượng của nhau). Xã hội đó vì thế mà không có năng lượng để phát triển tốt. Khi năng lượng từ một trong hai phía cưỡng ép và phản cưỡng ép lớn hơn phía còn lại nhưng chưa tới mức vượt trội thì xã hội sẽ chao đảo, tức là các trạng thái cân bằng tạm thời cứ bị thay đổi liên tục – sự bất ổn bắt đầu xảy ra. Khi sự vượt trội xảy ra thì đó là lúc của bạo lực bùng phát. Nếu năng lượng phản cưỡng ép lớn hơn thì đó là cuộc cách mạng bạo lực lật đổ tàn khốc. Nếu năng lượng cưỡng ép lớn hơn thì đó là cuộc đàn áp dã man. Trong cả hai trường hợp thì trạng thái cân bằng tạm thời mới đều sẽ xác lập và bắt đầu lặp lại 1 chu kỳ mới, lẩn quẩn trong cái xấu và bạo lực. Trên thực tế thì quá trình phản kháng đàn áp và quá trình chuyển hóa năng lượng đàn áp luôn xảy ra đồng thời. Lực lượng đàn áp có thể nhìn thấy và đối phó với năng lượng phản kháng đàn áp bằng bạo lực, nhưng rất khó nhận ra năng lượng tích chứa được chuyển hóa. Do vậy không có chế độ đàn áp nào tồn tại mãi được. Trong thế giới đang phẳng dần hiện nay, thời gian tồn tại của nó càng ngắn. Nhưng nếu không dung hóa thì mọi sự thay đổi nó chỉ là bình mới rượu cũ.
Khi dung hóa thì trước hết người ta phải dung nạp mọi sự khác biệt với mình. Dung nạp không phải là phải chấp nhận những giá trị không phù hợp với mình thành giá trị của mình, mà là tôn trọng những giá trị của người khác cũng tồn tại bình đẳng như những giá trị của mình, và tôn trọng sự vận động của họ cho giá trị của họ cũng bình đẳng như sự vận động tương tự của mình. Không được dùng sức cưỡng ép của quyền lực, bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào để can thiệp làm bất bình đẳng sự tồn tại của các giá trị; hoặc tham gia vào sự vận động cho các giá trị. Trong một môi trường tự do và tự nhiên như vậy, sự vận động cho các giá trị luôn dẫn đến sự xác lập các giá trị chung cho xã hội mà tiếng Anh gọi là conventional wisdom, cậu dịch là Lẽ phải thỏa ước. Các giá trị chung này chính là trạng thái cân bằng tự nhiên của xã hội. Nó đạt được nhờ mọi người trong xã hội đạt được sự thỏa thuận về mức độ phổ biến của các giá trị của mình và của người khác. Chính các đạo luật quốc gia của một đất nước dân chủ là nơi ghi nhận và bảo vệ sự thỏa thuận này. Cậu lấy ví dụ về 2 giá trị phổ biến về kinh tế - xã hội. Giá trị thứ nhất được ủng hộ bởi những người tin rằng thị trường tự do sẽ điều tiết các vấn đề phân phối và công bằng xã hội một cách tốt nhất, người ta thường gọi đây là trường phái cánh hữu. Giá trị thứ hai được ủng hộ bởi những người tin rằng cần can thiệp ở một mức độ nhất định bằng luật để tối ưu hóa sự phân phối và công bằng xã hội, thường được gọi là trường phái cánh tả. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng cả hai trường phái này đều không phải là tuyệt đối đúng, mỗi cái chỉ tốt khi gặp hoàn cảnh phù hợp của nó mà thôi. Những người ủng hộ và bảo vệ hai giá trị này sẽ vận động quần chúng ủng hộ giống như họ. Đa số quần chúng lựa chọn phương án nào thì sẽ xác lập trạng thái cân bằng ở đó. Trong một môi trường vận động tự do thì trên thực tế không có một phương án nào được lựa chọn lại nghiêng hẳn về tả hay hữu cả, mà nó sẽ được thỏa thuận nằm ở đâu đó ở khoảng giữa, cân bằng một cách phù hợp với mức độ được ủng hộ của cả hai bên. Đây chính là trạng thái cân bằng tự nhiên. Tụi con cần nhớ rằng cân bằng tự nhiên không phải là một cân bằng tĩnh, đó là trạng thái động – tức là luôn thay đổi và luôn tự động cân bằng. Xã hội nhờ vậy mà phát triển ổn định bền vững. Chẳng hạn như ở Mỹ, đảng Cộng hòa có khuynh hướng hữu, đảng Dân chủ có khuynh hướng tả. Các chính sách kinh tế - xã hội của Mỹ thường xuyên thay đổi, ít nhất là sau các nhiệm kỳ tổng thống và nhiệm kỳ quốc hội. Cho dù là đảng nào cầm quyền thì nó cũng phải đạt thỏa thuận với đảng kia để thông qua được các đạo luật cho các chính sách đó. Mỗi lần như vậy là một trạng thái cân bằng tự nhiên được xác lập mà ở đó quyền lợi của người dân dù thuộc thiểu số cũng phải được đáp ứng ở mức độ phù hợp. Nếu thấy không hài lòng thì họ sẽ có thể tiếp tục vận động bằng QCN của mình, tới lúc họ vận động thành công cho giá trị mà mình mong muốn thì một giá trị chung mới sẽ được xác lập, tức là một trạng thái cân bằng tự nhiên mới. Những sự thay đổi tương ứng lúc đó có thể là sự thay đổi quan điểm của các nghị sĩ hay tổng thống, sự thay đổi các nghị sĩ hay tổng thống và sự thay đổi nhận thức phổ biến trong xã hội.
Những sự thay đổi nói trên chính là quá trình chuyển hóa sau khi dung nạp (ở đoạn trên ta đã bắt đầu là: khi dung hóa thì trước hết phải dung nạp). Ta thấy, vì quá trình chuyển hóa này là hệ quả và tiếp nối của quá trình dung nạp nên nó cũng diễn ra một cách tự do và tự nhiên. Nó sẽ điều chỉnh mọi giá trị của mọi người hay nhóm người theo quy luật và xu hướng tự nhiên. Dân chủ -> Công bằng -> Thịnh vượng -> Văn minh. Cậu sẽ chứng minh quy luật và xu hướng này vào một dịp khác. Ở đây tụi con tạm chấp nhận để thấy rằng quá trình chuyển hóa tự nhiên như vậy sẽ tự động điều chỉnh các giá trị tiêu cực, không còn phù hợp hướng dần đến các giá trị tốt đẹp và cuối cùng đạt được văn minh. Sẽ có những người hay nhóm người không bao giờ chịu từ bỏ các giá trị lạc hậu của mình nhưng họ sẽ buộc phải tự điều chỉnh hành vi, ứng xử của mình để không bị loại bỏ bởi xu thế đang phát triển. Vì thế mà những tác hại sẽ bị giảm thiểu tối đa. Và vì không có sự cưỡng ép bằng quyền lực và bạo lực nên cũng sẽ không có năng lượng xã hội được chuyển hóa để tích chứa trong quá trình chuyển hóa này. Do vậy năng lượng xã hội được sử dụng tối ưu. Xã hội do vậy mà phát triển rất nhanh chóng và hiệu quả. Không tích chứa thì không bất ổn.
Chắc cậu không cần viết nhiều thì tụi con cũng thấy được là một khi quá trình dung nạp và chuyển hóa diễn ra như trên thì sự hòa hợp sẽ dễ dàng có được. Người ta dễ tìm ra các giá trị chung để hợp tác hoặc thỏa hiệp nhau và cũng dễ gác lại bất đồng chờ thời điểm phù hợp sẽ giải quyết. Trên thực tế, các giá trị trong xã hội là vô số, chẳng có một người hay nhóm người nào dù lớn đến đâu, giỏi đến mấy đi nữa mà có thể đủ sức sắp xếp cho chúng thỏa thuận, hòa hợp được với nhau một cách cân bằng cả. Chỉ có thông qua một quá trình dung hóa tự nhiên, tự do như trên thì các quy luật phát triển tự nhiên mới tự động điều chỉnh sự vận động của quá trình đó đạt được các trạng thái cân bằng tự nhiên và tối ưu. Cái này cũng giống như trong thời kinh tế bao cấp người ta không có cách gì xác định được tất cả nhu cầu của tất cả mọi người để sản xuất ra hàng hóa để đáp ứng và cân bằng nhu cầu cả. Nhưng chỉ cần để nó vận hành tự nhiên thì quy luật kinh tế thị trường tự động thực hiện việc đáp ứng và cân bằng nhu cầu của mọi người một cách cực kỳ đơn giản, chẳng cần ai phải vất vả vắt óc lập kế hoạch mà chẳng bao giờ đúng cả. Vì không thể làm được nên người ta cũng dùng quyền lực để cưỡng ép nhu cầu, buộc mọi người phải sử dụng đồng nhất hàng hóa giống nhau mà không có lựa chọn nào khác. Sự lụn bại là từ đấy. Sự vận hành của xã hội cũng giống như vậy, tụi con hiểu không? Nếu không để nó vận hành theo quy luật tự nhiên thì không có cách gì làm cho nó cân bằng được cả, ngoại trừ dùng sự cưỡng ép để triệt tiêu rất nhiều giá trị và đồng nhất các giá trị còn lại. Sự kém hiệu quả là từ đó. Sự lụn bại cũng từ đó. Bỗng cậu thấy tiếc cho người TQ. Trang Tử (học trò theo Đạo Lão của Lão Tử) đã viết: “Hãy để mọi thứ vận hành theo cách tự nhiên của nó để bản chất của nó được thỏa mãn” (Let every thing be allwed to do what it naturally does so that its nature will be satisfied). Cùng thời đó Khổng Tử truyền bá Đạo Khổng (Nho giáo) thuyết phục các chính quyền dùng cưỡng ép. Cuối cùng thì Đạo Khổng lên ngôi.
19/9/14
Tụi con có nhận ra không, những nguyên tắc của dung nạp là tôn trọng; bình đẳng; không cưỡng ép cũng chính là để tạo ra một “Cơ chế xã hội bảo đảm rằng sự vận động tự nhiên của tất cả các yếu tố thành phần khác nhau của nó sẽ được tự động điều chỉnh đến những trạng thái cân bằng lẫn nhau” mà cậu đề cập trong thư 24 (bài học 1: không bài bác và phủ định). Đó cũng chính là cơ chế để giải quyết nạn bè phái nhằm tôn vinh lẽ phải như cậu đề cập trong thư 25C (bài học 2: Không bè phái). Tụi con đã nhận ra sự thú vị và giá trị của quy luật tự nhiên chưa? Chỉ cần xây dựng được một cơ chế hợp quy luật thì ta sẽ đồng thời giải quyết được 3 vấn đề, tức là một mũi tên trúng 3 đích (bài học 1, bài học 2, bài học 3 – Dung hóa sự khác biệt). Đều là những cái đích rất lớn và quan trọng. Đây cũng chính là cách quản trị chiến lược: nắm bắt được quy luật rồi xác định một đích nhắm chiến lược, hoàn thành được đích nhắm này thì sẽ tự nhiên đạt được các mục đích cần thiết nhờ sự diễn tiến tự động theo quy luật. Cái cơ chế trên chính là đích nhắm chiến lược, 3 bài học trên chính là 3 mục đích. Không hiểu được quy luật thì không quản trị chiến lược được. Khi đó người ta phải mất rất nhiều công sức để đạt từng mục đích nên vừa chậm vừa kém hiệu quả Nhưng thường là không đạt được và bóp méo mục đích đi. Khi áp dụng quy luật thì mọi việc rất đơn giản so với việc áp đặt chủ quan. Không theo quy luật thì cứ loay hoay vật lộn với các mục đích mãi mà chẳng đạt được, nếu có sẵn quyền lực trong tay thì người ta sẽ vo nặn con người và các mục đích này hy vọng làm khớp với nhau, nhưng cứ ngày càng méo mó hơn mà thôi.
Thư sau cậu sẽ nói về cách thiết kế cơ chế nói trên. Từ đây về sau chúng ta thống nhất đặt tên nó là CƠ CHẾ XÃ HỘI KHOA HỌC. Tụi con đã thấy được tầm quan trọng chiến lược của nó chưa? Suy nghĩ tụi con sẽ thấy không chỉ 3 mục đích trên, nó còn giúp đạt được rất nhiều mục đích khác theo kiểu lan tỏa phản ứng dây chuyền. Như các thư trước ta đã phân tích, nó sẽ tạo ra môi trường cho khoa học phát triển, sẽ cộng hưởng và tổng hợp năng lượng xã hội thành siêu năng lượng để bùng nổ phát triển, sẽ bảo vệ tổ quốc vững chắc, sẽ đưa các giá trị tốt đẹp lên ngôi và làm các giá trị xấu; tác hại tự động điều chỉnh, sẽ đưa chúng ta thuận theo dòng chảy của thời đại, và v.v… Tụi con suy nghĩ thêm nha. Còn có thêm một cái “sẽ” nữa rất quan trọng là: sẽ phát triển và tạo nên các thành tựu văn hóa. Chúng ta đang đến cái nghĩa thứ 2 của dung hóa: Chấp nhận các nền văn hóa khác nhau.
Toàn cầu hóa, thế giới phẳng đang làm cho sự giao thoa và xung đột văn hóa trên thế giới diễn ra ngày càng gay gắt, nhất là trong khoảng 2 thập kỷ qua. Nhưng xung đột phổ biến và mạnh mẽ hơn là giao thoa. Các thành tựu về giao thoa thì rất hiếm hoi và khiêm tốn, chẳng tạo ấn tượng tốt được cho nhân loại tin vào một tương lai tốt đẹp của toàn cầu hóa. Còn xung đột diễn ra khắp mọi nơi, lên TV như cơm bữa, bùng phát thành chiến tranh cục bộ như Miền Đông Ucraina; mới đây là IS ở Syria và Iraq thì không đếm xuể. Chúng gây lo ngại cho mọi người về toàn cầu hóa nên làm chậm tiến trình phẳng hóa thế giới đáng kể. Chúng còn tạo nên những cái cớ cho các nhóm bảo thủ cực đoan ngăn cản sự phát triển các xu hướng tiến bộ, chống lại sự ủng hộ và bảo vệ Quyền con người, và có được những cơ hội để cổ vũ cho các giá trị lạc hậu, cực đoan. Thế giới hơn bao giờ hết cần một hình mậu thuyết phục về một sự giao thoa văn hóa. Sự giao thoa đó tạo nên được các thành tựu to lớn về không chỉ văn hóa mà còn khoa học, kinh tế, xã hội, chính trị, hòa bình bền vựng,… Hình mẫu đó sẽ truyền niềm tin, cảm hứng và cả phương pháp cho thế giới dung hóa với nhau, giảm trừ xung đột, tạo nên thành tựu cho cả nhân loại. Trách nhiệm này thuộc về dân tộc Lạc Hồng của chúng ta, là sứ mạng thiêng liêng của VN trong thời đại này mà cậu đã nhiều lần đề cập. Như cậu viết trong thư 27A, dòng chảy Lạc Hồng đã hình thành và bắt đầu lớn mạnh. Các nhánh đông, tây, nam, bắc đang hội tụ về ASEAN. Chúng không chỉ mang năng lượng mà còn mang cả văn hóa đổ về đây. Tụi con có lưu ý chi tiết Tổng thống Ấn Độ vào thăm VN ngày 15/9 vừa rồi, mang theo tặng VN một cây Bồ đề Đạo tràng không? Hành động biểu tượng đó mang ý nghĩa đặc biệt. Họ trao gửi cho VN một sứ mạng văn hóa, tôn giáo. Món quà tặng này được ghi nhận cả trong Tuyên bố chung.
Riêng ASEAN thôi đã đa sắc tộc, đa tôn giáo và văn hóa. Giao thoa văn hóa trong ASEAN từ lúc thành lập khối này (1967) đến nay gần như chưa có gì, nhưng xung đột thì âm ỉ không ngừng ở một vài nơi như miền Nam Thái Lan. Các vùng Hồi giáo của Philippines. Thậm chí có cả một cuộc diệt chủng ghê rợn ở CPC chưa đầy 40 năm trước. Thời kỳ đầu chiến tranh lạnh, Đông Nam Á đã trở thành nơi tranh chấp quyết liệt của các hệ tư tưởng và cường quốc, biến nơi đây thành vùng chiến tranh xung đột mà đỉnh điểm rơi vào VN mình. Vào lúc này, nguy cơ tương tự như vậy hoàn toàn có thể lặp lại nếu không có được một cách thức hóa giải xung đột và bảo đảm hòa bình bền vững. Sự hội tụ của các nhánh năng lượng và văn hóa có thể tạo ra sự cộng hưởng kiến tạo và giao thoa, nhưng cũng có thể tạo ra sự xung đột và hủy diệt nhau. Ỡ nơi hội tụ nếu không có được một giải pháp khoa học để cân bằng tự nhiên các nhánh đổ về này thì xung đột xảy ra là không thể tránh khỏi, không sớm thì muộn, bất chấp ý muốn tốt đẹp của những người điều khiển các nhánh này. Đó là chưa kể có những kẻ chỉ muốn cho xung đột nổ ra để trục lợi. Giải pháp khoa học này cũng chính là CƠ CHẾ XÃ HỘI KHOA HỌC. Khá rõ ràng rồi phải không? Cậu để tụi con tự phân tích để thấy vì sao như thế. Cơ chế này phải được nhân rộng từ quy mô quốc gia (VN) lên cộng đồng ASEAN, lên tiếp cộng đồng Châu Á TBD và lên tới cuối cùng là Liên Hiệp Châu Á TBD (PAU – Pacific Asia Union, ).
Trong lần hội tụ trước, vì không có được cơ chế này nên xung đột đã xảy ra và dẫn đến chiến tranh tàn khốc mà hậu quả của nó tới giờ vẫn chưa khắc phục hết dù đã 40 năm trôi qua rồi. Sự tham gia của các cường quốc vào sự hội tụ lần này cũng giống lần trước dù tiềm lực và mong muốn của họ đã khác trước nhiều. Giờ có thêm Ấn Độ. Các va chạm văn hóa lần này phức tạp và đa dạng hơn trước nhiều, có đầy đủ đại diện của các nôi văn minh, nền văn hóa Kim; Cổ; Đông; Tây, với hầu hết các tôn giáo phổ biến trên thế giới, ngôn ngữ cũng vậy. Mâu thuẫn về các học thuyết chủ nghĩa không còn nghiêm trọng như trước nhưng vẫn tiềm tàng nhiều nguy cơ lớn có thể bị kích động thành xung đột. Cơ chế xã hội khoa học là bắt buộc và tối cần thiết để tránh xung đột nhưng với một bối cảnh phức tạp và đa dạng như trên thì quá trình tự động điều chỉnh các giá trị rất khác biệt để đạt được trạng thái cân bằng (các giá trị chung phổ biến) sẽ diễn ra rất chậm chạp. Những xung đột cục bộ có thể xảy ra trong khoảng thời gian này, đe dọa các quá trình tự nhiên. Tình trạng này tạo ra một nhu cầu có một nơi mà hoàn cảnh tự nhiên của nó giúp cho quá trình điều chỉnh tự động nói trên diễn ra nhanh chóng, tạo ra nhiều giá trị chung về văn hóa giúp cân bằng các giá trị khác biệt. Thành tựu của nơi này sẽ đóng vai trò như chất xúc tác lan tỏa và thúc đẩy các quá trình tương tự diễn ra dễ dàng hơn trong toàn khu vực. Cậu gọi nơi này là Điểm cân bằng trung tâm hội tụ, hoặc ngắn gọn là ĐIỂM CÂN BẰNG. Như cậu viết trong thư 24, cần những người có thái độ cân bằng để làm xúc tác thúc đẩy hình thành cơ chế xã hội khoa học cho một quốc gia. Điểm cân bằng giữ vai trò tương tự như vậy cho một khu vực. VN chính là ĐIỂM CÂN BẰNG của trung tâm hội tụ ASEAN trong dòng chảy Lạc Hồng của thời đại ngày nay. Tụi con nghĩ vì sao là VN, Không phải là nước khác?
Ta xem xét về yêu cầu đối với một Điểm cân bằng cho từng nước trong ASEAN. Cậu chỉ lượt sơ, tụi con hãy làm cụ thể hơn nha. Thái Lan, Lào CPC là những nước Phật giáo, dù ôn hòa nhưng rất chậm hấp thu những cái khác biệt. Myanmar cũng là nước Phật giáo nhưng lại có vấn đề xung đột sắc tộc khá nghiêm trọng. Philippines là nước Thiên Chúa giáo, cũng khó hấp thụ cái khác biệt, lại có xung đột khá căng thẳng và lâu dài với một số vùng Hồi giáo trong nước (Thái Lan cũng gặp vấn đề tương tự ở miền Nam của họ). Indonesia và Malaysia là những nước Hồi giáo ôn hòa bậc nhất thế giới nhưng luôn tiềm tàng khả năng xung đột về tôn giáo. Brunei cũng là nước Hồi giáo, dù ít có nguy cơ xung đột nhưng lại quá nhỏ. Singapore là nước đa tôn giáo và sắc tộc , trình độ phát triển cao, xét về mặt tính chất là lý tưởng cho Điểm cân bằng nhưng quy mô quá nhỏ nên khó tạo được sức lan tỏa lớn. Thực ra Singapore đã đạt mức độ giao thoa văn hóa rất cao rồi, không gian để tiếp tục là rất nhỏ, không đủ tạo ra giá trị để thúc đẩy thêm nữa. Tại Đối thoại Shangrila vào cuối tháng 5 vừa rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore nói rằng Châu Á thiếu 1 cơ chế phòng ngừa chiến tranh. Tin không đưa thêm chi tiết nhưng cậu nghĩ là Singapore nói đến một cơ chế giống với CƠ CHẾ XÃ HỘI KHOA HỌC. Người Sing hiểu rõ các quy luật phát triển nên đã phát triển rất tốt trong thời gian qua. Nhưng họ không có được địa lợi trong thời đại này. Địa lợi đó đang thuộc về VN, chúng ta có một “địa thế” để tập trung và lan tỏa dòng chảy một cách cân bằng.
20/9/14
Người Việt xưa nay bị chê là thiếu tính tư tưởng, chỉ du nhập chứ không có những học thuyết mang bản sắc riêng của mình. Lại càng không có những giá trị tư tưởng được đánh giá cao và có ảnh hưởng ra bên ngoài. Có nhà nghiên cứu văn hóa còn nói hình tượng rằng người Việt tròn quá, chẳng có góc cạnh gì cả. Học giả Đào Duy Anh đã viết trong Việt Nam Văn hóa sử cương là suốt mấy ngàn năm văn hiến chúng ta không hề có sách về học thuật tư tưởng, tiểu thuyết luận (từ tiểu thuyết ngày xưa có nghĩa là học thuyết, lý thuyết), chỉ có thư văn tạp kỷ và sử biên niên. Cậu đọc quyển sách này từ 10 năm trước và đánh giá rất cao những nhận định trong đó. Mấy tháng trước, trong lúc cậu đang cố gắng nhớ lại một số chi tiết của nó thì thư viện ở đây đưa nó về từ thư viện tỉnh BR-VT. Đúng là buồn ngủ mà gặp chiếu manh, cậu mượn được và đọc lại nó, thấy càng hay hơn. Mấy tuần trước trên TV nói sách này vừa được tái bản, tụi con tìm đọc nha. Cậu rất tán thành nhận định của Đào Duy Anh về đặc tính của người Việt như sau: Người VN đại khái thông minh nhưng ít người có trí tuệ lỗi lạc phi thường. Giàu trí tuệ nghệ thuật hơn khoa học. Ham học nhưng thích văn chương phù hoa hơn là thực học, thích hành sáo, hình thức hơn là tư tưởng hoạt động. Não thực tiễn kiềm não tưởng tượng. Chịu khó học, nhất là người miền Bắc. Chậm chạp nhưng sức chịu đựng đau đớn và nhẫn nhục lớn. Nông nổi, không bền chí, hay thất vọng, hay khoe khoang bề ngoài, ưa hư danh và cờ bạc. Nhút nhát và chuộng hòa bình, ngộ sự thì cũng biết hy sinh vì đại nghĩa. Sáng tạo ít, bắt chước nhiều, thích ứng và dung hóa thì rất tài. Trọng lễ giáo nhưng não tinh vặt, hay bài bác chế nhạo”. Năm 2004 cậu tập trung nghiên cứu về văn hóa và tính cách dân tộc rất nhiều. Đọc thấy nhận định trên cậu vừa thấy đúng vừa thật bế tắc. Các đặc tính trên tồi tại mấy ngàn năm và thay đổi rất chậm, gần như không đổi. Đào Duy Anh viết quyển sách trên vào khoảng cuối năm 1930 đến đầu năm 1940. Từ đó đến 2004 gần 70 năm mà cậu thấy còn đúng vô cùng. Trong phần cuối ông còn đưa ra nhận định rằng những đặc tính văn hóa trên có tính trường tồn vì vậy mà chúng không hề thay đổi dù bị đàn áp, cưỡng bức trong mấy ngàn năm từ bên ngoài lẫn bên trong, bất chấp có những lúc chúng bị va động rất mạnh bởi sự thay đổi của các xu thế thời đại và bởi sự tác động của các học thuyết chủ nghĩa du nhập vào nước bằng cách áp đặt bởi quyền lực cai trị. Ông nhận định rằng những lúc bị áp chế người Việt quay về tìm sự che chở bởi những chiếc kén là các tôn giáo để được sống trong hoàn cảnh tự nhiên nhưng đầy bó buộc. Câu cũng nhận thấy nhiều nhà nghiên cứu văn hóa phát triển có cùng tâm trạng bế tắc giống cậu. Với một bộ đặc tính như vậy thì dân tộc không có cách gì phát triển nếu so sánh nó với những yêu cầu cần thiết cho một sự phát triển tốt trong thời đại này. Mà nó lại không thể thay đổi. Có nhà nghiên cứu phải thốt lên rằng chẳng có cách nào để phá vỡ cái thành trì, tức là những cái kén như vậy cả, càng bài bác thì càng phản tác dụng, càng cưỡng ép thì càn làm nó méo mó. Nếu để các xu thế thời đại tác động đến nó một cách tự nhiên thì tới khi nó “đạt đủ tiêu chuẩn” hiện giờ thì nhân loại chắc đã lên sao Hỏa sống rồi. Cậu cũng đã từng rất bi quan như vậy, nhất là khi nhìn vào cái nếp nghĩ và hành xử theo văn hóa nho giáo ăn sâu vào cả ý thức, tiềm thức, vô thức của dân tộc mình (cậu cũng bị như vậy đó :))
Tuy nhiên cậu tiếp tục nghiên cứu tính cách và văn hóa của các dân tộc khác đã từng vươn lên dẫn đầu từ bóng tối,nghèo nàn, lạc hậu như Anh và Nhật. Cậu nhận ra rằng các dân tộc này trước khi bừng sáng thì cũng mang những đặc tính chẳng khác mấy với những đặc tính nêu trên của người Việt ta lâu nay, có cái nhẹ hơn nhưng cũng có cái nghiêm trọng hơn rất nhiều. Cậu cũng nhận ra rằng trong các giai đoạn phát triển thần kỳ, người dân của họ chẳng cần nỗ lực thay đổi tính cách của mình, chính quyền cũng không chú trọng chăm sóc văn hóa tư tưởng trong sạch cho xã hội. Thế vậy mà tính cách và văn hóa của họ cứ thay đổi vùn vụt theo hướng tốt đẹp, phù hợp để tự phục vụ cho tiến trình phát triển : Dân chủ -> Công bằng -> Thịnh vượng -> Văn minh. Chính cái CƠ CHẾ XÃ HỘI KHOA HỌC. đã tạo ra động lực để làm cho từng người phát huy những tính cách tốt, hạn chế những cái xấu để họ có thể tồn tại và phát triển tốt theo dòng chảy của thời đại. Trong quá trình hội nhập quốc tế của một quốc gia, các giá trị này chính là sự giao thoa văn hóa và luôn là sự kết hợo tốt đẹp giữa các giá trị du nhập mới và các giá trị truyền thống cũ. Vì vậy mà tránh được xung đột văn hóa, áp đảo văn hóa hoặc những hình thức mật cân bằng khác. Cậu tìm thấy ánh sang lạc quan từ kết quả nghiên cứu trên, đặc biệt là với Nhật – nơi có môi trường tương đồng về lịch sử và văn hóa với VN ta, cũng bị văn hóa Nho giáo ăn sâu cả ngàn năm.
Kinh nghiệm kinh doanh cũng giúp cậu nhận ra rằng muốn hướng tới sự hoàn thiện thì nên tập trung vào đẩy mạnh những cái tốt là thế mạnh của mình hơn là cố gắng hết sức để sửa chữa những yếu kém của mình. Cách thứ nhất tạo ra tâm lý phấn khởi, từ đó tạo ra động lực thay đổi cho số đông. Còn cách thứ hai thường khiến đa số nản chí nên thường chỉ dành cho số ít người có năng lực đặc biệt. Khi đã có được động lực mạnh mẽ hướng về sự hoàn thiện thì người ta cũng dễ dàng sửa đổi những yếu kém của mình hơn. Nhưng có một cách hay hơn nữa là: làm sao biến những yếu kém của mình thành lợi thế. Tụi con đã thử bao giờ chưa? Quan trọng nhất là phải có được tầm nhìn và xoay được góc nhìn phù hợp thì sẽ làm được cách thứ ba này.
Trong thư 26A cậu đã viết rằng chỉ cần xoay góc nhìn, hướng theo dòng chảy tự nhiên thì sẽ thấy có những đặc tính dân tộc mình trước đây bị chê thì giờ trở thành các giá trị hữu ích mà các dân tộc khác không có. Cái bị chê là “thiếu tư tưởng, kém bản sắc riêng” sẽ trở thành một lợi thế tuyệt vời đối với nhu cầu của Điểm cân bằng dòng chảy Lạc Hồng mà chúng ta đã phân tích ở trên. Cái bị chê này sẽ giúp không gây ra xung đột. Hơn nữa, như học giả Đào Duy Anh nhận định, dân tộc mình thích ứng và dung hóa rất tài. Dung hóa mà ông dùng ở đây cũng mang ý nghĩa như sự dung hóa mà chúng ta đã định nghĩa ở trên. Tức là ông muốn nói rằng người Việt mình dễ chấp nhận các nền văn hóa khác nhau và sẵn sàng dung nạp rồi hóa hợp chúng thành những cái của mình rất giỏi. Cậu đồng ý như vậy, đây là một thế mạnh rất lớn của chúng ta trong bối cảnh của dòng chảy Lạc Hồng ngày nay. Nó không những giúp tạo nên nhiều sự giao thoa văn hóa – là các giá trị chung cho dòng chảy mà còn giúp thúc đẩy quá trình tự động điều chỉnh các giá trị rất khac biệt đạt được trạng thái cân bằng tự nhiên diễn ra nhanh chóng. Như vậy sẽ tránh được các xung đột cục bộ do quá trình này diễn ra chậm chạp, đe dọa quá trình tự nhiên như chúng ta đã phân tích ở trên. Vì vậy mà cậu nói VN có “địa thế” để trở thành ĐIỂM CÂN BẰNG. Không chỉ là lợi thế, đây còn là sứ mạng của dân tộc Lạc Hồng trên dòng chảy của thời đại – dòng chảy Lạc Hồng. Sứ mạng đó đảm bảo hòa bình thế giới, kiến tạo nên các giá trị vặn hóa mới và thúc đẩy sự tiến bộ cho nhân loại theo tiến trình: Dân chủ -> Công bằng -> Thịnh vượng -> Văn Minh. ĐIỂM CÂN BẰNG sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Đó là nơi thu nhiều năng lượng của dòng chảy nhất và thường là nơi tiếp nhận đầu tiên, kinh tế của nó sẽ phát triển nhanh chóng và vượt bậc. Vì là trung tâm của sự lan tỏa nên các giá trị và thành tựu văn hóa của nó được lan truyền nhanh chóng. Nó sẽ là một xã hội thanh bình và đa dạng với các giá trị tiến bộ được tôn vinh. Nó sẽ là nơi an toàn nhất vì chẳng kẻ nào dám đánh vào nó, chẳng khác nào đánh vào chính mình. Còn rất nhiều lợi thế khác nữa, tụi con cố tưởng tượng ra nhá!
Cậu còn gọi ĐIỂM CÂN BẰNG một cách hình tượng là Cái chợ quốc tế. Nó bao hàm cả nghĩa đen là nơi lý tưởng để thế giới mua bán với nhau, lẫn nghĩa bóng là nơi để trao đổi của rất nhiều các giá trị khác nhau về kinh tế; văn hóa; chính trị; xã hội hội tụ về đây từ khắp nơi trên thế giới, rồi tạo ra các giá trị chung cho nhân loại – tức là làm cho thế giới cân bằng, không bị chao đảo hay xung đột. Công việc này chính là làm đối trọng lành mạnh để thế giới phát triển ổ định như cậu viết trong thư 25C. Đối trọng một cách khoa học đồng nghĩa với làm cho cân bằng tự nhiên CƠ CHẾ XÃ HỘI KHOA HỌC giúp đạt thêm một mục đích nữa là đối trọng lành mạnh. Israel là nơi giữ vai trò đối trọng ở Trung đông, một khu vực đầy xung đột và bất ổn. Khu vực này không có được một CƠ CHẾ XÃ HỘI KHOA HỌC, cũng không có một dân tộc/quốc gia nào có điều kiện tự nhiên/lợi thế để làm ĐIỂM CÂN BẰNG. Do vậy việc đối trọng ở đây được thực hiện chủ yếu bằng sức mạnh quân sự. Israel phải duy trì một tiềm lực quân sự rất lớn để kiềm nén các thách thức và nguy cơ vũ lực từ rất nhiều nước trong khu vực từ sau thế chiến II đến nay. Để giữ ổn định tại đây Mỹ phải hỗ trợ và đầu tư cho Israel rất nhiều tiền nhưng xung đột và chiến tranh vẫn cứ nổ ra. Dù thế, cũng không thể phủ nhận rằng sự đối trọng này đã giúp kìm nén hiệu quả sự bùng phát các cuộc chiến tranh quy mô lớn tại khu vực này và có thể lan rộng ra thế giới. Tuy vậy sự kìm nén đó cũng tích chứa các năng lượng chuyển hóa dưới dạng hận thù mà cậu tin rằng chúng đã bùng phát thành vấn nạn khủng bố hơn 10 năm qua. Israel trở thành một kho súng quốc tế, chứ không phải một CÁI CHỢ QUỐC TẾ - Điểm cân bằng.
Nhưng “người Do thái phương Đông” sẽ tạo nên được một ĐIỂM CÂN BẰNG cho Châu Á TBD và trở thành hình mẫu thuyết phục cho Do Thái và Trung Đông cũng như cả thế giới.
21/9/14
Chúng ta chẳng cần xin phép ai để làm ĐIỂM CÂN BẰNG cả. Các nước sẽ tự đổ đến mà tranh thủ lợi thế và giá trị của nó. VN cũng chẳng cần nhiều tiền đầu tư để làm được như vậy, cũn
Gia đình vừa nhận bức thư anh Thức gửi cho ba.
Thật xúc động khi đọc những dòng tâm sự của anh. Xin chia sẻ cùng các bạn.
Trong tâm khảm chúng ta hằn sâu có một khái niệm về Thiên tử. đó cũng tự nhiên vì văn hóa dân tộc bao đời. Nhưng các bạn hãy tìm hiểu "Thiên tử" với anh Thức là gì? Và nhiều điều bất ngờ về anh...
Xuyên Mộc, 14/9/2014
Ba kính yêu,
Hôm qua được ôm ba, chạm vào da thịt ba để cảm nhận ba vẫn khỏe mạnh, con thật vui và hạnh phúc. Con cũng thấy được tinh thần ba vững vàng và vui vẻ. Ba nói đó là nhờ đọc thư của con khiến con thấy mình đã làm được một việc thật ý nghĩa. Con nhớ đến mẩu truyện ngắn nổi tiếng “Chiếc lá cuối cùng”: một người thợ vẽ bình thường đã bỏ mình trong một đêm mưa gió để vẽ xong một chiếc lá vĩnh cửu thay cho chiếc lá cuối cùng trên một cành cây sẽ rụng vào sáng sớm hôm sau. Những chiếc lá trên cây là nguồn sống hy vọng của một người bệnh hiểm nghèo. Nó rụng mỗi ngày vài lá, nguồn sống hy vọng cứ cạn dần tới một ngày nó chỉ còn lại một chiếc lá cuối cùng vào một đêm đông lạnh lẽo. Người bệnh tin rằng khi chiếc lá cuối cùng rơi cũng là lúc anh ta từ bỏ cõi đời. Nhưng người thợ vẽ đã đánh đổi cuộc sống của mình để chiếc lá ấy không bao giờ rụng. Con đọc mẩu chuyện này khi vừa mới đọc rành chữ, cuối lớp một hay đầu lớp hai gì đó. Hôm ấy ba mua về cho con một tập truyện ngắn. Vừa đọc xong “Chiếc lá cuối cùng” trong lòng con dâng trào những cảm xúc thật kỳ lạ mà ở lứa tuổi ấy con không thể giải thích được. Tập truyện kết thúc bằng mẩu chuyện “Cô bé bán diêm” – một câu chuyện cũng nói về niềm hy vọng qua những que diêm bật sáng và cô bé ấy đã chết khi que diêm cuối cùng cháy hết. Con đã khóc khi đọc xong những dòng cuối cùng nói người ta thấy xác cô bé chết cóng vào sáng hôm sau. Kết thúc một cuộc đời bấy hạnh. Nhưng dường như nó đã theo con đến khi con trưởng thành. Có lẽ vì thế mà con không bao giờ để mình rơi vào tuyệt vọng và cũng không bao giờ tạo nó ra cho người khác. Hơn nữa, con luôn cảm thấy thương xót cho những người tuyệt vọng và căm ghét những kẻ đã tạo nên điều ấy. Dần dà, con hình thành nên thói quen của người thợ vẽ bình thường vẽ nên những chiếc lá cuối cùng. Rồi khi mình ứng dụng những quy luật khoa học để làm nên những chiếc lá như vậy thì con phát hiện ra một điều kỳ diệu là chúng ta có thể hóa xanh tươi thành chiếc lá thật. Chỉ cần không đánh mất hy vọng rồi tìm kiếm một con đường khoa học thì ánh sánh hy vọng đó sẽ dẫn mình vượt qua tất cả những tháng ngày và ngã ngách đen tối để đến được những con đường rộng mở và sáng rực.Chắc là con được thừa hưởng tính ngọn lửa hy vọng không bao giờ tắt đó từ ba . Ba còn nhớ 1 đoạn trong bài thơ con tặng ba ngày nhà giáo năm ngoái không;
Nhưng vẫn còn đó
Những chiếc lá cuối cùng
Sau những ngày mưa bão
Cho hy vọng còn xanh
...
Những nhà giáo
Trông mình trong bão
Để lại những mầm xanh.
Ba là nhà giáo nên không chỉ một mình con mà đã có bao thế hệ học trò được gieo những hạt giống hy vọng và đang dần xanh tươi.
15/9/2014
Con thật sự đã thấy rất nhiều chồi xanh đang lớn nhanh, ngay trên những mảnh đất vốn từng tưởng xấu, khô cằn. Con không chỉ tin mà còn thấy được quy luật rằng người ta sẽ chọn con đường đúng một khi đã hiểu được sự tốt đẹp của nó. Đó chính là cách thay đổi tốt đẹp nhất của xã hội loài người, không bạo lực; chiến tranh. Không ai bị phủ định hay bị đàn áp. Mọi ngưởi có thể chung sống trong hòa bình và tôn trọng những khác biệt của nhau. Cái xấu vẫn hoành hành vì người ta chưa thuyết phục được những con người có quyền lực hoặc đa số mọi ngừi nhìn thấy được những con đường đúng và tốt. Cho rằng mình hay rồi bằng cách nào đó áp đặt chứ không thuyết phục mọi người thì kết quả luôn luôn là dở, không sớm thì muộn. Những người nóng vội thường cảm giác rằng thuyết phục thường chậm hơn áp đặt nên họ sẵn sàng dùng mọi biện pháp để cưỡng ép. Nhưng họ không thấy rằng những biện pháp đó đều dẫn đến những hậu quả rất xấu và lâu dài. Họ có thể ảo tưởng với những thành tích trước mắt nhưng phải nhanh chóng đối diện với những thực tế phũ phàng. Muốn thuyết phục hiệu quả thì không được định kiến, mà phải có niềm tin rằng mọi người đều có thể thay đổi tốt hơn dù ít hay nhiều, dù chậm hay nhanh khác nhau. Và cũng không được hận thù dù phải luôn căm ghết cái xấu. Khi mình thuyết phục bằng khoa học thì lúc đầu có thể chậm nhưng sau đó lan tỏa rất nhanh nhờ những con người sáng ngộ ban đầu làm chất xúc tác thúc đẩy phản ứng dây chuyền theo quy luật.
Khoảng 2 tuần trước con nhận được ông văn 354/TA-HS của Tòa án Nhân dân Tối cao do bà Hoàng thị Kim Oanh ký ngày 14/8/2014 trả lời đơn đề nghị Giám đốc thẩm con gửi hồi tháng 12/2013. Nội dung thì cũng chẳng khác gì công văn 4290/VKSTC-V3 của Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao (ngày 28/11/2013) gửi cho ba cuối năm ngoái. Tức là không căn cứ theo điều 273 BTTTHS để giải quyết mà chủ quan lặp lại những nội dung trong các bản án. Con đã gửi đơn đến CTN, TTướng, CTQH,VT VKSNDTC, CATANDTC để khiếu nại công văn 354/TA-HS hồi tuần trước. Con đề nghị phải mở một phiên tòa tuân thủ đúng BLTTHS để xét xử, các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều vi phạm luật. Về việctruy bức nhục hình, con cũng lặp lại trong các đơn trên nhưng chỉ là một chi tiết để lưu ý tính khách quan của hồ sơ vụ án, chứ không tố cáo sự việc đó. Con thấy chưa cần và cũng không muốn phải làm vậy. Con chẳng thấy hận thù gì cả, con chỉ muốn đòi công lý bảo vệ lẽ phải cho mình thôi. Việc tố cáo là chưa cần thiết ba à. Con có niềm tin và hiểu được quy luật của công lý tiến về lẽ phải, phải thừa nhận lẽ phải như thế nào nên con kiên trì thuyết phục. Ba hãy ủng hộ con nha. Sẽ thành công thôi ba à!
Sáng nay con nghe VOV nói TQ đang xây căn cứ quân sự hiện đại, có cả đường băng trên đảo Gạc Ma của VN mình. Quả là tập đoàn cầm quyền TQ đang bị sức ép dân tộc cực đoan trong nước làm cho nóng vội, phải thực hiện việc này để giải khát những tham vọng trong lúc họ đang thể hiện “thiện chí” để khôi phục lại quan hệ với VN nhằm cài đặt sự khống chế tinh vi hơn như con viết cho ba trong thư 21A hồi giữ tháng 6 vừa rồi. Thư đó con nói rằng nếu TQ xây sân bay quân sự rồi thiết lập vùng nhận diện phòng không hoặc khoanh vùng kiểm soát hàng hải thì học sẽ tạo nên một chính nghĩa và động lực mạnh mẽ cho VN và các nước trong khu vực siết chặt quan hệ và hình thành nhanh chóng các liên kết đa phương vững mạnh trong mọi lãnh vực. Âm mưu khôi phục, cài đặt lại quan hệ với VN chưa xong thì đã lộ vì buộc phải nóng vội để giải khát tạm thời cơn khát tham vọng điên cuồng. Thời cuộc, thời đại đang thay đổi nhanh chông không theo ý muốn TQ nhưng họ vẫn tiến hành những biện pháp theo ý muốn đó. TQ đã hoàn toàn thất bại trong việc dụ và ngăn chặn Mỹ, Ấn, EU, G7 quan tâm đến Châu Á TBD để họ tự do chèn ép và sử dụng vũ lực với các nước trong khu vực nhằm độc chiếm và không chế toàn bộ Biển Đông. Cuộc phiêu lưu thử nghiệm HD981 đã cho họ nếm vị đắng của thất bại đó. Những người tỉnh táo thì sẽ luôn dám thừa nhận thất bại để điều chỉnh chiến lược phù hợp với thời cuộc. Nhưng với tập đoàn cầm quyền TQ thì sự thừa nhận thất bại như vậy đồng nghĩa với việc phải phá sản một kế hoạch khổng lồ đã được dầy công chuẩn bị công phu mấy thập kỷ nay nhưng lại dựa trên những giả định/mong muốn phản khoa học, đi ngược lại dòng chảy thời đại. Do vậy họ sẽ vẫn tiếp tục. Rồi chuốc lấy sự thảm bại.
Những hành động của TQ trên đảo Gạc Ma sẽ thúc đẩy dòng chảy thời đại này lớn mạnh nhanh chóng. Ta chỉ có thể gọi đây là dòng chảy tự nhiên, dòng chảy tất yếu hay dòng chảy của quy luật của Tạo hóa. Ta cũng có quyền tự hào gọi đó là dòng chảy Lạc Hồng cũng được ba à. Hồng có nghĩa là dòng chảy cuồn cuộn, dâng trào trong từ hồng thủy. Lạc tượng trưng cho khoa học từ ý nghĩa của mạch lạc, liền lạc. Lạc Hồng nghĩa là một dòng chảy mãnh liệt của khoa học nhanh chóng dẫn đến sực an lạc – tức là cảnh thái bình và thịnh vượng. Không chỉ cho VN mình mà cho cả thế giới. Đó chính là sự mạng Lạc Hồng thiêng liêng mà con hay đề cập trong các thư trước. Sứ mạng đó đã được gửi gắm cho dân tộc mình để chúng ta tỏa sáng và tạo nên thành tựu vĩ đại cho nhân loại trong thời đại này. Thời cơ của nó đã đến rồi, mọi nhánh năng lương đang chảy về nó từ tất cả các hướng đông (Mỹ, EU), Tây (Ấn Độ), Nam (Úc, New Zealand), Bắc (Nhật, Hàn). ASEAN là trung tâm hội tụ của nó và VN sẽ là điểm cân bằng của trung tâm đó, một vai trò hết sức quan trọng mà nếu hoàn thành thì chúng ta sẽ được tôn trọng và bảo vệ bởi toàn thế giới. Đây cũng chính là thời cơ tuyệt vời ngàn năm để VN cộng hưởng năng lượng từ các nhánh chảy trên rồi tổng hợp bằng những phương pháp khoa học thành một nguồn năng lượng khổng lồ giúp chúng ta hiện thực hóa khát vọng Lạc Hồng cho mình và cho một thế giới hòa bình thịnh vượng – một cộng đồng an lạc. Còn TQ thì muốn biến VN thành điểm xung đột như họ vẫn theo đổi hơn nửa thế kỷ nay nhằm thực hiện học thuyết “Hòa bình và Chiến tranh” và thử nghiệm chính sách của tập đoàn cầm quyền TQ. Họ thành công như vậy với Bắc Triều Tiên. Khiến nước này trở nên thật đáng thương. Nhưng nước này cũng đang tỉnh ngộ dần, tìm đường quan hệ với EU. Không sớm thì muộn họ cũng sẽ bừng tỉnh thôi.
Nhưng với VN, TQ sẽ không thể ngờ rằng họ không những không áp đặt được lối chơi của họ mà cuối cùng phải theo Con đường của VN. Vì sao thì con đã phân tích trong các thư trước một cách khoa học, dụa trên nền tảng căn bản là “Tôn trọng và bảo vệ trên hết QCN” – hay theo cách nói của Sấm Trạng Trình là “Thiên tử lên ngôi”. Trong sấm này có câu: “Bảo giang thiên tử xuất/Bất chiến tự nhiên thành”. Nghĩa là để bảo vệ giang san thì QCN phải lên ngôi cao nhất, khi ấy không những tránh được chiến tranh mà còn tạo nên thành tựu nhờ thuận theo quy luật tự nhiên. Chứ không phải là có một ông con trời (ơi) nào đó xuất hiện ở sông Bảo cả . Lần khác con sẽ giải mã những thông điệp từ sấm và huyền sử Lạc Hồng để nhà mình thấy được sứ mạng của VN đã được gửi gắm cho thời đại ngày nay như thế nào. Những thông tin này không khác những gì con đã phân tích Con đường khoa học của VN, kể cả việc TQ cuối cùng phải theo con đường đó. Để con kể một chút cho nhà vui. Sau “Bảo giang thiên tử xuất/Bất chiến tự nhiên thành” là các câu sấm sau: “Lê dân bão bão noãn/ Tứ hải lạc âu ca/Dục đức thánh nhân hương/Quá kiều cư bắc phương”. Rồi tiếp tục khoảng 100 câu bằng toàn chữ Hán. “Lê dân bão bão noãn/Tứ hải lạc âu ca” chính là cảnh người dân sống êm ấm, bốn biển an lạc hoan hỉ (thái bình, thịnh vượng) sau khi QCN lên ngôi. “Dục đức thánh nhân hương/Quá kiều cư bắc phương” nghĩa là cảnh thái bình thịnh vượng như vậy sẽ thúc giục (dục) những phương pháp đúng đắn và tốt đẹp (đức thánh nhân) lan tỏa (hương) và vược qua cầu (quá kiều) đến sinh sôi (cư) ở TQ (bắc phương). Chính là Con đường của VN sẽ lan tỏa ảnh hưởngsang TQ và từ đó TQ sẽ đi theo con đường đúng đắn tốt đẹp. Trong gần 600 câu sấm thì từ đầu đến đoạn này là hơn 400 câu bằng tiếng Việt hoặc âm Hán-Việt. Nhưng từ đoạn này trở xuống khoảng 100 câu toàn là tiếng Hán, được ngụ ý dành cho người TQ. Trong khoảng 100 câu này lại có 2 câu: “ Bảo sơn thiên tử xuất/Bất chiến tự nhiên thành”, giống 2 câu đã nêu ở trên, chỉ khác chữ “Sơn” thay vì chữ “giang” thôi. Nhưng về ý nghĩa thì hoàn toàn giống nhau, mà dành cho TQ: để bảo vệ sơn hà thì QCN cũng phải lên ngôi ở TQ, khi ấy không cần chiến tranh mà vẫn tạo nên được những thành tựu nhờ thuận hteo quy luật này hay dòng chảy tự nhiên. Trong khoảng 100 câu này có nhiều điều thú vị về TQ lắm, kể cả những chuyện vừa xảy ra và sắp xảy ra, giống với những gì con đã phân tích về Con đường khoa học của VN mở ra cho TQ. Con định sau này sẽ viết riêng một quyển truyện về giải mã sấm hy vọng bán chạy như “Mật mã Da Vinci” của Dan Brown. .
Con tìm thấy nhiều gợi ý từ sấm và huyền sử Lạc Hồng rồi dùng khoa học để nhận ra được những quy luật có thể dẫn đến những đích nhắm tương ứng với các gợi ý đó. Rồi theo diễn tiến theo quy luật, con xác định được những kết quả tất yếu. Điều thú vị là những kết quả đó trùng hợp với những thông điệp khác trong sấm. Căn bản vẫn là khoa học, sấm truyền cho con cảm hứng và cả năng lượng để xây dựng con đường khoa học. Như con viết trong thư 23A, khi mình hiểu đúng quan hệ giữa thực và siêu thực thì mình không chỉ được khai sáng mà còn nhận được những nguồn năng lượng đặc biệt trong vũ trụ. Các năng lượng đó giúp mình có những khả năng vượt trội, kết nối mình với những quan hệ mà mình không ngờ tới, che chở mình những lúc mình đã dùng hết mọi năng lực vốn có. Ba có thấy lạ không. Con thuộc lòng gần 600 câu sấm và hơn 5 năm rồi con vẫn cứ nhớ như thế. Con hay rơi vào nghịch cảnh nhưng luôn gặp những người tốt âm thầm giúp đỡ con dù họ cố che giấu sự giúp đỡ đó
16/9/2014
Mọi việc trên thế gian đều diễn ra theo những quy luật tự nhiên của Tạo hóa. Một tác động như thế này sẽ tất yếu tạo ra một hệ quả như thế kia theo một hay nhiều quy luật nào đó. Hành động hay không hành độngcủa một người hay nhóm người luôn tạo ra những kết quả tất yếu theo các quy luật phát triển của xã hội. Khi con người càng hiểu biết các quy luật này thì dự đoán càn chính xác xu thế tiến hóa của nhân loại. Không cần biết sấm, chỉ cần hiểu sâu những quy luật phát triển để phân tích cho thời cuộc hiện nay thì người ta hoàn toàn có thể nhìn thấy được một dòng chảy tất yếu của thời đại ngày nay đang hình thành và lớn mạnh hay dòng chảy Lạc Hồng mà con đã đề cập. Tiếng Anh có nhiều thuật ngữ để chỉ về quy luật phát triển nhưng con thích nhất là cụm từ “Rules of the road” – Những quy tắc của Con đường. Hồi cuối năm 2011 hay đầu năm 2012 gì đó, Tập Cận Bình sang thăm Mỹ lúc ông ta vẫn còn là Phó Chủ tịch nước TQ, chuẩn bị kế nhiệm. Xem thời sự VTV con nghe thoáng được một đoạn Obama nói với ông ta rằng TQ cần tôn trọng Rules of the road để phát triển một cách hòa bình và thịnh vượng, và Mỹ cam kết sẽ thúc đẩy các quy tắc này trở thành luật chơi chung của thế giới. Lúc ấy Mỹ cũng vừa công bố chiến lược xoay trục qua Châu Á TBD. Nghe như vậy con nhận ra ngay rằng dòng chảy Lạc Hồng bắt đầu hội tụ năng lượng – Con đường bắt đầu được khai thông. Thời cơ của nó đã khởi động. Còn TQ thì dồn mọi nỗ lực để ngăn cản nó. Nhưng họ không hiểu được Rules of the road nên họ cho rằng đó là những quy tắc của Mỹ đặt ra để áp đặt thế giới và lấn lướt họ. Do vậy chỉ cần cản trở năng lượng của Mỹ thì sẽ ngăn cản được dòng chảy đó. Họ đổ bao nhiêu sức lực, phí phạm những năng lượng khổng lồ nhưng dòng chảy ấy vẫn cứ hình thành và đang lớn mạnh. Trong khi Mỹ, Nhật, Úc và mới đây là Ấn Độ thì cứ ung dung mà tiến về, tiến theo dòng chảy, chẳng tốn sức gì cả. Con nhìn những hành động của TQ hiện nay chẳng khác gì sự quẫy đạp cố thoát khỏi sức hút tự nhiên vào dòng chảy. Rồi tới đây, khi họ bị hút vào dòng chảy rồi nhưng vẫn sẽ tiếp tục vùng vẫy cố bơi ngược dòng, họ sẽ phải nhận ra rằng phải xuôi theo nó thì sức lực của họ mới được cộng hưởng. Tức là phải tôn trọng Rules of the road để áp dụng các quy luật phát triển thì giá trị của họ mới được khẳng định, họ mới được tôn trọng. Những quy tắc của Con đường chính là các quy luật phát triển của Tạo hóa. Luật pháp quốc tế, hay nói theo cách bình dân là luật chơi của thế giới, phải được xây dựng trên những nguyên tắc này thì nhân loại mới phát triển trong hòa bình và tiến nhanh đến dân chủ, công bằng, thịnh vượng, văn minh. Tiến trình này chính là Con đường mà VN mình phải trở thành người Kiến tạo.
Tại hội nghị đối thoại đa phương (21/8/14) ông Dũng nói VN phải tham gia kiến tạo, định hình luật chơi chung. Hôm qua tại Đại học quốc gia Hà Nội ông ấy bảo VN sẽ tiến kịp và tiến cùng thời đại. Những dấu hiệu của một cuộc chuyển mình vĩ đại. . TQ thì vẫn còn ngộ nhận vì tự mình nhuốm màu sắc chủ nghĩa cho các quy luật của Tạo hóa, một căn bệnh bè phái chủ nghĩa quá nặng.
Có lẽ ba cũng ngạc nhiên khi nghe Mỹ công bố cắt giảm quân số từ 700 ngàn hiện nay xuống 450 ngàn sau 10 năm nữa. Hồi đầu năm con đọc một bình luận trên báo Nhân dân cho rằng Mỹ không thể làm được như vậy vì vừa cam kết gia tăng sự hiện diện ở Châu Á TBD, vừa phải đối phó với những xung đột và gia tăng căng thẳng tại rất nhiều khu vực khác trên thế giới. Hình như bình luận này được trích lời từ một ai đó phát biểu trên Tân Hoa Xã. Nếu không nhìn được quy luật phát triển thì nhận định như vậy không sai. Nhưng khi đã thấy được dòng chảy của thời đại rồi thì không khó lắm để dự đoán được kết quả trên từng chặng của nó. Người Mỹ nhìn rõ được dòng chảy Lạc Hồng này sẽ dẫn đến sự hợp tác tiến tới hòa bình, giảm xung đột tiến tới loại trừ chiến tranh, hóa giải TQ và Nga trong một thập kỷ tới. Cho nên họ hoàn toàn không liều lĩnh khi thực hiện một kế hoạch cắt giảm hơn 1/3 quân số như vậy. Đây là một bước đi chiến lược, cục kỳ chiến lước. Chi phí trung bình cho 1 lính Mỹ khoảng 1 triệu usd/năm, 250 ngàn quân tiết kiệm được hàng trăm tỷ usd/năm. Số tiền này đầu tư cho giáo dục và khoa học thì thành tựu công nghệ mà nó tạo ra là kinh khủng. Hơn nữa khi môi trường thế giới chuyển từ đối đầu căng thẳng sang hợp tác cùng phát triển thì năng lượng xã hội của xã hội loài người cũng chuyển từ triệt tiêu nhau sang cộng hưởng cho nhau, dẫn đến sự bùng nổ năng lượng phát triển kinh hoàng. Vì vậy một cuộc cách mạng khoa học công nghệ sẽ sớm nổ ra trên toàn cầu trong khoảng một thập kỷ nữa thôi. Cuộc cách mạng này sẽ giải quyết tận gốc các vấn nạn và nguy cơ thảm họa của thế giới, từ biến đổi khí hậu đến các nguồn năng lượng mới và sạch, từ năng suất lao động đến vấn nạn nghèo đói vì lạc hậu, từ nạn khủng bố đến nguy cơ tranh chấp xung đột vì tài nguyên, v.v... Nó cũng chính là nền tảng vững chắc cho các tiến bộ xã hội của nhân loại văn minh và nhân ái hơn. Cực kỳ chiến lược là vì thế. Chẳng lẽ chúng ta đứng ngoài chiến lược này phải không ba? VN sẽ không thể đứng ngoài mà còn là người kiến tạo quan trọng trong chiến lược đó. Chỉ cần thuận theo quy luật là chúng ta làm được như vậy thôi.
17/9/14
Chắc vì nghĩ nhiều nên con hay có những giấc mơ về cảnh an lạc, thái bình thịnh vượng cho VN mình và thế giới. Tuyệt đẹp ba à. Con tin là ba sẽ chứng kiến được ngày ấy, như vậy thì con sẽ thật hạnh phúc. Ba hãy giữ sức khỏe thật tốt nha. Ngày ấy sẽ đến nhanh. Con đã nhìn thấy những người sẽ làm nên lịch sử xuất hiện rồi. Trong bức thư viết cho Trâm, Quân hồi cuối tháng 12/2013 về hình thành tính cách, con nói rằng sau 40 tuổi mà thay đổi được tính cách hay tầm nhìn thì sẽ làm được điều phi thường. Còn đã hơn 50 tuổi mà thay đổi được như vậy thì sẽ tạo nên những điều vĩ đại. Vận nước ta đã tới, một phần quan trọng nhờ những người đã trên 50 và 60 tuổi mà vẫn làm được như thế. Họ sẽ tạo nên một giai đoạn lịch sử vĩ đại, con dám nói là vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc mình, dám sánh bằng với bước ngoặc Duy Tân Minh Trị của Nhật hồi 1868. Thời ấy ở Nhật có những người đã thành Thánh nhân vì dám bước ra từ trong bóng tối của quyền lực cai trị để đến với anh sáng của Chân lý thịnh trị. Không có những con người là Thiên tử, nhưng có những người thành Thánh nhân, chứ không phải thánh thần, vì đã góp phần tạo nên những thành tựu vĩ đại cho dân tộc mình và cho nhân loại.Trong sấm Trạng Trình cũng nhắc đến những Thánh nhân như thế của dân tộc mình trong giai đoạn lịch sử hiện nay của dòng chảy Lạc Hồng. Trong mơ con cũng đã nhìn thấy họ. Điều thú vị là nhận dạng của họ trong sấm và ngoài đời rất trùng hợp nhau Con vẫn chưa giải thích được cơ chế mơ vì có những giấc mơ từ khi con vào tù đến giờ đã thành hiện thực. Đã nhiều năm trôi qua, con đã quên lãng hầu hết nhưng bỗng nhớ lại hết sau khi chứng kiến sự thật đang diễn ra giống như vậy. Người ta gọi đó là điềm báo nhưng con cố gắng giải thích nó một cách khoa học. Nhưng nó vẫn bí ẩn, ngày càng bí ẩn hơn.
22/9/14
Thứ bảy vừa rồi (20/9) thời sự 9h sáng trên VTV1 nói rằng Nga đang thay đổi định hướng, sẽ cố gắng tăng cường vị thế tại Châu Á. Con tin chắc rằng Châu Á TBD là nơi họ phải hướng tới. Họ không thể đứng ngoài DÒNG CHẢY LẠC HỒNG được đâu. Ngay cả chính quyền Nga có tỉnh ngộ và giải quyết tốt đẹp vấn đề Ucraina thì họ cũng chẳng còn uy tín để có được một vị thế tốt ở Châu Âu được nữa. Và họ cũng không thể khép kín như tuyên bố lúc đầu của Putin sau khi bị EU cấm vận cấp độ 3 khoảng 2 tuần trước. Thời toàn cầu hóa mà tự cô lập mình đồng nghĩa với tự sát. Hiện nay Nga chỉ còn tiếng nói trong BRICS, SCO (tổ chức hợp tác Thượng Hải) và Liên minh Nga – Belarus – Karzacstan là đáng kể. Nhưng các hợp tác này chẳng còn tính chiến lược. Tham gia vào dòng chảy thời đại ở châu Á TBD là lựa chọn bắt buộc để nước Nga không bị bỏ sau thời đại. Muốn vậy họ phải thay đổi cho phù hợp. Tuy nhiên vì quán tính của mình, họ sẽ mang xung đột vào dòng chảy này. Nhưng vì đang nếm những vị quá đắng từ các đòn cấm vận của phương Tây, họ cũng không dám ra mặt gây sự. Họ cũng sẽ gây bất ổn thông qua các nước ASEAN mà họ có ảnh hưởng. Con thấy VN tỉnh táo. Hôm 19/9 rồi Chủ tịch Thượng viện Nga vào VN nhưng không được CTQHVN tiếp chỉ có Phó CTQH Tòng Thị Phóng tiếp. Trực giác cho con thấy TQ và Nga sắp làm một điều gì đó để cản trở Mỹ, Ấn, Nhật, Úc đổ mạnh vào Dòng chảy. Cách tốt nhất của họ là phá rối ĐIỂM CÂN BẰNG của trung tâm hội tụ ASEAN, chính là VN. Với quan hệ đặc biệt của TQ với Lào, khu vực biên giới Lào-VN có thể diễn ra kịch bản “Miền Đông Ucraina”, nhất là khi Tây Nguyên mình có rất nhiều người TQ sinh sống và làm việc. Dù thế nào đi nữa, chỉ cần tỉnh táo không để họ có cớ như Ucraina để tạo ra cho Nga thì họ cũng sẽ thất bại như vụ kéo giàn khoan HD981 vừa rồi thôi. Họ đang làm chuyện lặt vặt , còn VN đang hướng về chiến lược.
Con vừa viết xong thư 27B cho các cháu để cho tụi nó hiểu những quy luật phát triển một cách khoa học. Đó là Con đường mà con muốn gia đình mình theo đổi và mong ba ủng hộ. Chúng ta không theo các xu hướng chính trị. Khi không có một nền tảng khoa học thì thật khó để phân biệt đúng, sai, tốt, xấu. Xu hướng nào cũng thường nói về sự tốt đẹp và đa phần người ta cũng mong muốn thực như vậy. Nhưng nếu thiếu một nền tảng khoa học thì kết quả luôn là ngược lại. Bi kịch thường xảy ra như vậy rồi người ta nói: “Lực bất tòng tâm”. Tệ hơn nữa là người ta dùng các phát biểu đạo lý để thay cho chân lý khoa học và để che đậy cho những kết quả xấu mình làm ra. Nói một lời hay thì dễ nhưng làm một điều tốt thì rất khó. Không phải cái gì cũng chiều theo ý chủ quan của mình. Nó chỉ luôn thuận theo quy luật khách quan mà thôi. Và chỉ có khoa học mới dẫn mình đến quy luật.
Ba ủng hộ con và bảo ban thêm các cháu giùm con nha.
25/9/14
Đọc thư chi Hai đem lên hôm thăm con vừa rồi, chỉ kể lại nhiều chuyện mà con không còn nhớ, một lát sau mới hồi tưởng lại được. Chỉ chớ còn hơn con nữa. Thư chỉ thật xúc động. Lần sau con sẽ viết cho chỉ. Ba và cả nhà vui khỏe nha. Thương cả nhà.
Con Thức
Thật xúc động khi đọc những dòng tâm sự của anh. Xin chia sẻ cùng các bạn.
Trong tâm khảm chúng ta hằn sâu có một khái niệm về Thiên tử. đó cũng tự nhiên vì văn hóa dân tộc bao đời. Nhưng các bạn hãy tìm hiểu "Thiên tử" với anh Thức là gì? Và nhiều điều bất ngờ về anh...
Xuyên Mộc, 14/9/2014
Ba kính yêu,
Hôm qua được ôm ba, chạm vào da thịt ba để cảm nhận ba vẫn khỏe mạnh, con thật vui và hạnh phúc. Con cũng thấy được tinh thần ba vững vàng và vui vẻ. Ba nói đó là nhờ đọc thư của con khiến con thấy mình đã làm được một việc thật ý nghĩa. Con nhớ đến mẩu truyện ngắn nổi tiếng “Chiếc lá cuối cùng”: một người thợ vẽ bình thường đã bỏ mình trong một đêm mưa gió để vẽ xong một chiếc lá vĩnh cửu thay cho chiếc lá cuối cùng trên một cành cây sẽ rụng vào sáng sớm hôm sau. Những chiếc lá trên cây là nguồn sống hy vọng của một người bệnh hiểm nghèo. Nó rụng mỗi ngày vài lá, nguồn sống hy vọng cứ cạn dần tới một ngày nó chỉ còn lại một chiếc lá cuối cùng vào một đêm đông lạnh lẽo. Người bệnh tin rằng khi chiếc lá cuối cùng rơi cũng là lúc anh ta từ bỏ cõi đời. Nhưng người thợ vẽ đã đánh đổi cuộc sống của mình để chiếc lá ấy không bao giờ rụng. Con đọc mẩu chuyện này khi vừa mới đọc rành chữ, cuối lớp một hay đầu lớp hai gì đó. Hôm ấy ba mua về cho con một tập truyện ngắn. Vừa đọc xong “Chiếc lá cuối cùng” trong lòng con dâng trào những cảm xúc thật kỳ lạ mà ở lứa tuổi ấy con không thể giải thích được. Tập truyện kết thúc bằng mẩu chuyện “Cô bé bán diêm” – một câu chuyện cũng nói về niềm hy vọng qua những que diêm bật sáng và cô bé ấy đã chết khi que diêm cuối cùng cháy hết. Con đã khóc khi đọc xong những dòng cuối cùng nói người ta thấy xác cô bé chết cóng vào sáng hôm sau. Kết thúc một cuộc đời bấy hạnh. Nhưng dường như nó đã theo con đến khi con trưởng thành. Có lẽ vì thế mà con không bao giờ để mình rơi vào tuyệt vọng và cũng không bao giờ tạo nó ra cho người khác. Hơn nữa, con luôn cảm thấy thương xót cho những người tuyệt vọng và căm ghét những kẻ đã tạo nên điều ấy. Dần dà, con hình thành nên thói quen của người thợ vẽ bình thường vẽ nên những chiếc lá cuối cùng. Rồi khi mình ứng dụng những quy luật khoa học để làm nên những chiếc lá như vậy thì con phát hiện ra một điều kỳ diệu là chúng ta có thể hóa xanh tươi thành chiếc lá thật. Chỉ cần không đánh mất hy vọng rồi tìm kiếm một con đường khoa học thì ánh sánh hy vọng đó sẽ dẫn mình vượt qua tất cả những tháng ngày và ngã ngách đen tối để đến được những con đường rộng mở và sáng rực.Chắc là con được thừa hưởng tính ngọn lửa hy vọng không bao giờ tắt đó từ ba . Ba còn nhớ 1 đoạn trong bài thơ con tặng ba ngày nhà giáo năm ngoái không;
Nhưng vẫn còn đó
Những chiếc lá cuối cùng
Sau những ngày mưa bão
Cho hy vọng còn xanh
...
Những nhà giáo
Trông mình trong bão
Để lại những mầm xanh.
Ba là nhà giáo nên không chỉ một mình con mà đã có bao thế hệ học trò được gieo những hạt giống hy vọng và đang dần xanh tươi.
15/9/2014
Con thật sự đã thấy rất nhiều chồi xanh đang lớn nhanh, ngay trên những mảnh đất vốn từng tưởng xấu, khô cằn. Con không chỉ tin mà còn thấy được quy luật rằng người ta sẽ chọn con đường đúng một khi đã hiểu được sự tốt đẹp của nó. Đó chính là cách thay đổi tốt đẹp nhất của xã hội loài người, không bạo lực; chiến tranh. Không ai bị phủ định hay bị đàn áp. Mọi ngưởi có thể chung sống trong hòa bình và tôn trọng những khác biệt của nhau. Cái xấu vẫn hoành hành vì người ta chưa thuyết phục được những con người có quyền lực hoặc đa số mọi ngừi nhìn thấy được những con đường đúng và tốt. Cho rằng mình hay rồi bằng cách nào đó áp đặt chứ không thuyết phục mọi người thì kết quả luôn luôn là dở, không sớm thì muộn. Những người nóng vội thường cảm giác rằng thuyết phục thường chậm hơn áp đặt nên họ sẵn sàng dùng mọi biện pháp để cưỡng ép. Nhưng họ không thấy rằng những biện pháp đó đều dẫn đến những hậu quả rất xấu và lâu dài. Họ có thể ảo tưởng với những thành tích trước mắt nhưng phải nhanh chóng đối diện với những thực tế phũ phàng. Muốn thuyết phục hiệu quả thì không được định kiến, mà phải có niềm tin rằng mọi người đều có thể thay đổi tốt hơn dù ít hay nhiều, dù chậm hay nhanh khác nhau. Và cũng không được hận thù dù phải luôn căm ghết cái xấu. Khi mình thuyết phục bằng khoa học thì lúc đầu có thể chậm nhưng sau đó lan tỏa rất nhanh nhờ những con người sáng ngộ ban đầu làm chất xúc tác thúc đẩy phản ứng dây chuyền theo quy luật.
Khoảng 2 tuần trước con nhận được ông văn 354/TA-HS của Tòa án Nhân dân Tối cao do bà Hoàng thị Kim Oanh ký ngày 14/8/2014 trả lời đơn đề nghị Giám đốc thẩm con gửi hồi tháng 12/2013. Nội dung thì cũng chẳng khác gì công văn 4290/VKSTC-V3 của Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao (ngày 28/11/2013) gửi cho ba cuối năm ngoái. Tức là không căn cứ theo điều 273 BTTTHS để giải quyết mà chủ quan lặp lại những nội dung trong các bản án. Con đã gửi đơn đến CTN, TTướng, CTQH,VT VKSNDTC, CATANDTC để khiếu nại công văn 354/TA-HS hồi tuần trước. Con đề nghị phải mở một phiên tòa tuân thủ đúng BLTTHS để xét xử, các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều vi phạm luật. Về việctruy bức nhục hình, con cũng lặp lại trong các đơn trên nhưng chỉ là một chi tiết để lưu ý tính khách quan của hồ sơ vụ án, chứ không tố cáo sự việc đó. Con thấy chưa cần và cũng không muốn phải làm vậy. Con chẳng thấy hận thù gì cả, con chỉ muốn đòi công lý bảo vệ lẽ phải cho mình thôi. Việc tố cáo là chưa cần thiết ba à. Con có niềm tin và hiểu được quy luật của công lý tiến về lẽ phải, phải thừa nhận lẽ phải như thế nào nên con kiên trì thuyết phục. Ba hãy ủng hộ con nha. Sẽ thành công thôi ba à!
Sáng nay con nghe VOV nói TQ đang xây căn cứ quân sự hiện đại, có cả đường băng trên đảo Gạc Ma của VN mình. Quả là tập đoàn cầm quyền TQ đang bị sức ép dân tộc cực đoan trong nước làm cho nóng vội, phải thực hiện việc này để giải khát những tham vọng trong lúc họ đang thể hiện “thiện chí” để khôi phục lại quan hệ với VN nhằm cài đặt sự khống chế tinh vi hơn như con viết cho ba trong thư 21A hồi giữ tháng 6 vừa rồi. Thư đó con nói rằng nếu TQ xây sân bay quân sự rồi thiết lập vùng nhận diện phòng không hoặc khoanh vùng kiểm soát hàng hải thì học sẽ tạo nên một chính nghĩa và động lực mạnh mẽ cho VN và các nước trong khu vực siết chặt quan hệ và hình thành nhanh chóng các liên kết đa phương vững mạnh trong mọi lãnh vực. Âm mưu khôi phục, cài đặt lại quan hệ với VN chưa xong thì đã lộ vì buộc phải nóng vội để giải khát tạm thời cơn khát tham vọng điên cuồng. Thời cuộc, thời đại đang thay đổi nhanh chông không theo ý muốn TQ nhưng họ vẫn tiến hành những biện pháp theo ý muốn đó. TQ đã hoàn toàn thất bại trong việc dụ và ngăn chặn Mỹ, Ấn, EU, G7 quan tâm đến Châu Á TBD để họ tự do chèn ép và sử dụng vũ lực với các nước trong khu vực nhằm độc chiếm và không chế toàn bộ Biển Đông. Cuộc phiêu lưu thử nghiệm HD981 đã cho họ nếm vị đắng của thất bại đó. Những người tỉnh táo thì sẽ luôn dám thừa nhận thất bại để điều chỉnh chiến lược phù hợp với thời cuộc. Nhưng với tập đoàn cầm quyền TQ thì sự thừa nhận thất bại như vậy đồng nghĩa với việc phải phá sản một kế hoạch khổng lồ đã được dầy công chuẩn bị công phu mấy thập kỷ nay nhưng lại dựa trên những giả định/mong muốn phản khoa học, đi ngược lại dòng chảy thời đại. Do vậy họ sẽ vẫn tiếp tục. Rồi chuốc lấy sự thảm bại.
Những hành động của TQ trên đảo Gạc Ma sẽ thúc đẩy dòng chảy thời đại này lớn mạnh nhanh chóng. Ta chỉ có thể gọi đây là dòng chảy tự nhiên, dòng chảy tất yếu hay dòng chảy của quy luật của Tạo hóa. Ta cũng có quyền tự hào gọi đó là dòng chảy Lạc Hồng cũng được ba à. Hồng có nghĩa là dòng chảy cuồn cuộn, dâng trào trong từ hồng thủy. Lạc tượng trưng cho khoa học từ ý nghĩa của mạch lạc, liền lạc. Lạc Hồng nghĩa là một dòng chảy mãnh liệt của khoa học nhanh chóng dẫn đến sực an lạc – tức là cảnh thái bình và thịnh vượng. Không chỉ cho VN mình mà cho cả thế giới. Đó chính là sự mạng Lạc Hồng thiêng liêng mà con hay đề cập trong các thư trước. Sứ mạng đó đã được gửi gắm cho dân tộc mình để chúng ta tỏa sáng và tạo nên thành tựu vĩ đại cho nhân loại trong thời đại này. Thời cơ của nó đã đến rồi, mọi nhánh năng lương đang chảy về nó từ tất cả các hướng đông (Mỹ, EU), Tây (Ấn Độ), Nam (Úc, New Zealand), Bắc (Nhật, Hàn). ASEAN là trung tâm hội tụ của nó và VN sẽ là điểm cân bằng của trung tâm đó, một vai trò hết sức quan trọng mà nếu hoàn thành thì chúng ta sẽ được tôn trọng và bảo vệ bởi toàn thế giới. Đây cũng chính là thời cơ tuyệt vời ngàn năm để VN cộng hưởng năng lượng từ các nhánh chảy trên rồi tổng hợp bằng những phương pháp khoa học thành một nguồn năng lượng khổng lồ giúp chúng ta hiện thực hóa khát vọng Lạc Hồng cho mình và cho một thế giới hòa bình thịnh vượng – một cộng đồng an lạc. Còn TQ thì muốn biến VN thành điểm xung đột như họ vẫn theo đổi hơn nửa thế kỷ nay nhằm thực hiện học thuyết “Hòa bình và Chiến tranh” và thử nghiệm chính sách của tập đoàn cầm quyền TQ. Họ thành công như vậy với Bắc Triều Tiên. Khiến nước này trở nên thật đáng thương. Nhưng nước này cũng đang tỉnh ngộ dần, tìm đường quan hệ với EU. Không sớm thì muộn họ cũng sẽ bừng tỉnh thôi.
Nhưng với VN, TQ sẽ không thể ngờ rằng họ không những không áp đặt được lối chơi của họ mà cuối cùng phải theo Con đường của VN. Vì sao thì con đã phân tích trong các thư trước một cách khoa học, dụa trên nền tảng căn bản là “Tôn trọng và bảo vệ trên hết QCN” – hay theo cách nói của Sấm Trạng Trình là “Thiên tử lên ngôi”. Trong sấm này có câu: “Bảo giang thiên tử xuất/Bất chiến tự nhiên thành”. Nghĩa là để bảo vệ giang san thì QCN phải lên ngôi cao nhất, khi ấy không những tránh được chiến tranh mà còn tạo nên thành tựu nhờ thuận theo quy luật tự nhiên. Chứ không phải là có một ông con trời (ơi) nào đó xuất hiện ở sông Bảo cả . Lần khác con sẽ giải mã những thông điệp từ sấm và huyền sử Lạc Hồng để nhà mình thấy được sứ mạng của VN đã được gửi gắm cho thời đại ngày nay như thế nào. Những thông tin này không khác những gì con đã phân tích Con đường khoa học của VN, kể cả việc TQ cuối cùng phải theo con đường đó. Để con kể một chút cho nhà vui. Sau “Bảo giang thiên tử xuất/Bất chiến tự nhiên thành” là các câu sấm sau: “Lê dân bão bão noãn/ Tứ hải lạc âu ca/Dục đức thánh nhân hương/Quá kiều cư bắc phương”. Rồi tiếp tục khoảng 100 câu bằng toàn chữ Hán. “Lê dân bão bão noãn/Tứ hải lạc âu ca” chính là cảnh người dân sống êm ấm, bốn biển an lạc hoan hỉ (thái bình, thịnh vượng) sau khi QCN lên ngôi. “Dục đức thánh nhân hương/Quá kiều cư bắc phương” nghĩa là cảnh thái bình thịnh vượng như vậy sẽ thúc giục (dục) những phương pháp đúng đắn và tốt đẹp (đức thánh nhân) lan tỏa (hương) và vược qua cầu (quá kiều) đến sinh sôi (cư) ở TQ (bắc phương). Chính là Con đường của VN sẽ lan tỏa ảnh hưởngsang TQ và từ đó TQ sẽ đi theo con đường đúng đắn tốt đẹp. Trong gần 600 câu sấm thì từ đầu đến đoạn này là hơn 400 câu bằng tiếng Việt hoặc âm Hán-Việt. Nhưng từ đoạn này trở xuống khoảng 100 câu toàn là tiếng Hán, được ngụ ý dành cho người TQ. Trong khoảng 100 câu này lại có 2 câu: “ Bảo sơn thiên tử xuất/Bất chiến tự nhiên thành”, giống 2 câu đã nêu ở trên, chỉ khác chữ “Sơn” thay vì chữ “giang” thôi. Nhưng về ý nghĩa thì hoàn toàn giống nhau, mà dành cho TQ: để bảo vệ sơn hà thì QCN cũng phải lên ngôi ở TQ, khi ấy không cần chiến tranh mà vẫn tạo nên được những thành tựu nhờ thuận hteo quy luật này hay dòng chảy tự nhiên. Trong khoảng 100 câu này có nhiều điều thú vị về TQ lắm, kể cả những chuyện vừa xảy ra và sắp xảy ra, giống với những gì con đã phân tích về Con đường khoa học của VN mở ra cho TQ. Con định sau này sẽ viết riêng một quyển truyện về giải mã sấm hy vọng bán chạy như “Mật mã Da Vinci” của Dan Brown. .
Con tìm thấy nhiều gợi ý từ sấm và huyền sử Lạc Hồng rồi dùng khoa học để nhận ra được những quy luật có thể dẫn đến những đích nhắm tương ứng với các gợi ý đó. Rồi theo diễn tiến theo quy luật, con xác định được những kết quả tất yếu. Điều thú vị là những kết quả đó trùng hợp với những thông điệp khác trong sấm. Căn bản vẫn là khoa học, sấm truyền cho con cảm hứng và cả năng lượng để xây dựng con đường khoa học. Như con viết trong thư 23A, khi mình hiểu đúng quan hệ giữa thực và siêu thực thì mình không chỉ được khai sáng mà còn nhận được những nguồn năng lượng đặc biệt trong vũ trụ. Các năng lượng đó giúp mình có những khả năng vượt trội, kết nối mình với những quan hệ mà mình không ngờ tới, che chở mình những lúc mình đã dùng hết mọi năng lực vốn có. Ba có thấy lạ không. Con thuộc lòng gần 600 câu sấm và hơn 5 năm rồi con vẫn cứ nhớ như thế. Con hay rơi vào nghịch cảnh nhưng luôn gặp những người tốt âm thầm giúp đỡ con dù họ cố che giấu sự giúp đỡ đó
16/9/2014
Mọi việc trên thế gian đều diễn ra theo những quy luật tự nhiên của Tạo hóa. Một tác động như thế này sẽ tất yếu tạo ra một hệ quả như thế kia theo một hay nhiều quy luật nào đó. Hành động hay không hành độngcủa một người hay nhóm người luôn tạo ra những kết quả tất yếu theo các quy luật phát triển của xã hội. Khi con người càng hiểu biết các quy luật này thì dự đoán càn chính xác xu thế tiến hóa của nhân loại. Không cần biết sấm, chỉ cần hiểu sâu những quy luật phát triển để phân tích cho thời cuộc hiện nay thì người ta hoàn toàn có thể nhìn thấy được một dòng chảy tất yếu của thời đại ngày nay đang hình thành và lớn mạnh hay dòng chảy Lạc Hồng mà con đã đề cập. Tiếng Anh có nhiều thuật ngữ để chỉ về quy luật phát triển nhưng con thích nhất là cụm từ “Rules of the road” – Những quy tắc của Con đường. Hồi cuối năm 2011 hay đầu năm 2012 gì đó, Tập Cận Bình sang thăm Mỹ lúc ông ta vẫn còn là Phó Chủ tịch nước TQ, chuẩn bị kế nhiệm. Xem thời sự VTV con nghe thoáng được một đoạn Obama nói với ông ta rằng TQ cần tôn trọng Rules of the road để phát triển một cách hòa bình và thịnh vượng, và Mỹ cam kết sẽ thúc đẩy các quy tắc này trở thành luật chơi chung của thế giới. Lúc ấy Mỹ cũng vừa công bố chiến lược xoay trục qua Châu Á TBD. Nghe như vậy con nhận ra ngay rằng dòng chảy Lạc Hồng bắt đầu hội tụ năng lượng – Con đường bắt đầu được khai thông. Thời cơ của nó đã khởi động. Còn TQ thì dồn mọi nỗ lực để ngăn cản nó. Nhưng họ không hiểu được Rules of the road nên họ cho rằng đó là những quy tắc của Mỹ đặt ra để áp đặt thế giới và lấn lướt họ. Do vậy chỉ cần cản trở năng lượng của Mỹ thì sẽ ngăn cản được dòng chảy đó. Họ đổ bao nhiêu sức lực, phí phạm những năng lượng khổng lồ nhưng dòng chảy ấy vẫn cứ hình thành và đang lớn mạnh. Trong khi Mỹ, Nhật, Úc và mới đây là Ấn Độ thì cứ ung dung mà tiến về, tiến theo dòng chảy, chẳng tốn sức gì cả. Con nhìn những hành động của TQ hiện nay chẳng khác gì sự quẫy đạp cố thoát khỏi sức hút tự nhiên vào dòng chảy. Rồi tới đây, khi họ bị hút vào dòng chảy rồi nhưng vẫn sẽ tiếp tục vùng vẫy cố bơi ngược dòng, họ sẽ phải nhận ra rằng phải xuôi theo nó thì sức lực của họ mới được cộng hưởng. Tức là phải tôn trọng Rules of the road để áp dụng các quy luật phát triển thì giá trị của họ mới được khẳng định, họ mới được tôn trọng. Những quy tắc của Con đường chính là các quy luật phát triển của Tạo hóa. Luật pháp quốc tế, hay nói theo cách bình dân là luật chơi của thế giới, phải được xây dựng trên những nguyên tắc này thì nhân loại mới phát triển trong hòa bình và tiến nhanh đến dân chủ, công bằng, thịnh vượng, văn minh. Tiến trình này chính là Con đường mà VN mình phải trở thành người Kiến tạo.
Tại hội nghị đối thoại đa phương (21/8/14) ông Dũng nói VN phải tham gia kiến tạo, định hình luật chơi chung. Hôm qua tại Đại học quốc gia Hà Nội ông ấy bảo VN sẽ tiến kịp và tiến cùng thời đại. Những dấu hiệu của một cuộc chuyển mình vĩ đại. . TQ thì vẫn còn ngộ nhận vì tự mình nhuốm màu sắc chủ nghĩa cho các quy luật của Tạo hóa, một căn bệnh bè phái chủ nghĩa quá nặng.
Có lẽ ba cũng ngạc nhiên khi nghe Mỹ công bố cắt giảm quân số từ 700 ngàn hiện nay xuống 450 ngàn sau 10 năm nữa. Hồi đầu năm con đọc một bình luận trên báo Nhân dân cho rằng Mỹ không thể làm được như vậy vì vừa cam kết gia tăng sự hiện diện ở Châu Á TBD, vừa phải đối phó với những xung đột và gia tăng căng thẳng tại rất nhiều khu vực khác trên thế giới. Hình như bình luận này được trích lời từ một ai đó phát biểu trên Tân Hoa Xã. Nếu không nhìn được quy luật phát triển thì nhận định như vậy không sai. Nhưng khi đã thấy được dòng chảy của thời đại rồi thì không khó lắm để dự đoán được kết quả trên từng chặng của nó. Người Mỹ nhìn rõ được dòng chảy Lạc Hồng này sẽ dẫn đến sự hợp tác tiến tới hòa bình, giảm xung đột tiến tới loại trừ chiến tranh, hóa giải TQ và Nga trong một thập kỷ tới. Cho nên họ hoàn toàn không liều lĩnh khi thực hiện một kế hoạch cắt giảm hơn 1/3 quân số như vậy. Đây là một bước đi chiến lược, cục kỳ chiến lước. Chi phí trung bình cho 1 lính Mỹ khoảng 1 triệu usd/năm, 250 ngàn quân tiết kiệm được hàng trăm tỷ usd/năm. Số tiền này đầu tư cho giáo dục và khoa học thì thành tựu công nghệ mà nó tạo ra là kinh khủng. Hơn nữa khi môi trường thế giới chuyển từ đối đầu căng thẳng sang hợp tác cùng phát triển thì năng lượng xã hội của xã hội loài người cũng chuyển từ triệt tiêu nhau sang cộng hưởng cho nhau, dẫn đến sự bùng nổ năng lượng phát triển kinh hoàng. Vì vậy một cuộc cách mạng khoa học công nghệ sẽ sớm nổ ra trên toàn cầu trong khoảng một thập kỷ nữa thôi. Cuộc cách mạng này sẽ giải quyết tận gốc các vấn nạn và nguy cơ thảm họa của thế giới, từ biến đổi khí hậu đến các nguồn năng lượng mới và sạch, từ năng suất lao động đến vấn nạn nghèo đói vì lạc hậu, từ nạn khủng bố đến nguy cơ tranh chấp xung đột vì tài nguyên, v.v... Nó cũng chính là nền tảng vững chắc cho các tiến bộ xã hội của nhân loại văn minh và nhân ái hơn. Cực kỳ chiến lược là vì thế. Chẳng lẽ chúng ta đứng ngoài chiến lược này phải không ba? VN sẽ không thể đứng ngoài mà còn là người kiến tạo quan trọng trong chiến lược đó. Chỉ cần thuận theo quy luật là chúng ta làm được như vậy thôi.
17/9/14
Chắc vì nghĩ nhiều nên con hay có những giấc mơ về cảnh an lạc, thái bình thịnh vượng cho VN mình và thế giới. Tuyệt đẹp ba à. Con tin là ba sẽ chứng kiến được ngày ấy, như vậy thì con sẽ thật hạnh phúc. Ba hãy giữ sức khỏe thật tốt nha. Ngày ấy sẽ đến nhanh. Con đã nhìn thấy những người sẽ làm nên lịch sử xuất hiện rồi. Trong bức thư viết cho Trâm, Quân hồi cuối tháng 12/2013 về hình thành tính cách, con nói rằng sau 40 tuổi mà thay đổi được tính cách hay tầm nhìn thì sẽ làm được điều phi thường. Còn đã hơn 50 tuổi mà thay đổi được như vậy thì sẽ tạo nên những điều vĩ đại. Vận nước ta đã tới, một phần quan trọng nhờ những người đã trên 50 và 60 tuổi mà vẫn làm được như thế. Họ sẽ tạo nên một giai đoạn lịch sử vĩ đại, con dám nói là vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc mình, dám sánh bằng với bước ngoặc Duy Tân Minh Trị của Nhật hồi 1868. Thời ấy ở Nhật có những người đã thành Thánh nhân vì dám bước ra từ trong bóng tối của quyền lực cai trị để đến với anh sáng của Chân lý thịnh trị. Không có những con người là Thiên tử, nhưng có những người thành Thánh nhân, chứ không phải thánh thần, vì đã góp phần tạo nên những thành tựu vĩ đại cho dân tộc mình và cho nhân loại.Trong sấm Trạng Trình cũng nhắc đến những Thánh nhân như thế của dân tộc mình trong giai đoạn lịch sử hiện nay của dòng chảy Lạc Hồng. Trong mơ con cũng đã nhìn thấy họ. Điều thú vị là nhận dạng của họ trong sấm và ngoài đời rất trùng hợp nhau Con vẫn chưa giải thích được cơ chế mơ vì có những giấc mơ từ khi con vào tù đến giờ đã thành hiện thực. Đã nhiều năm trôi qua, con đã quên lãng hầu hết nhưng bỗng nhớ lại hết sau khi chứng kiến sự thật đang diễn ra giống như vậy. Người ta gọi đó là điềm báo nhưng con cố gắng giải thích nó một cách khoa học. Nhưng nó vẫn bí ẩn, ngày càng bí ẩn hơn.
22/9/14
Thứ bảy vừa rồi (20/9) thời sự 9h sáng trên VTV1 nói rằng Nga đang thay đổi định hướng, sẽ cố gắng tăng cường vị thế tại Châu Á. Con tin chắc rằng Châu Á TBD là nơi họ phải hướng tới. Họ không thể đứng ngoài DÒNG CHẢY LẠC HỒNG được đâu. Ngay cả chính quyền Nga có tỉnh ngộ và giải quyết tốt đẹp vấn đề Ucraina thì họ cũng chẳng còn uy tín để có được một vị thế tốt ở Châu Âu được nữa. Và họ cũng không thể khép kín như tuyên bố lúc đầu của Putin sau khi bị EU cấm vận cấp độ 3 khoảng 2 tuần trước. Thời toàn cầu hóa mà tự cô lập mình đồng nghĩa với tự sát. Hiện nay Nga chỉ còn tiếng nói trong BRICS, SCO (tổ chức hợp tác Thượng Hải) và Liên minh Nga – Belarus – Karzacstan là đáng kể. Nhưng các hợp tác này chẳng còn tính chiến lược. Tham gia vào dòng chảy thời đại ở châu Á TBD là lựa chọn bắt buộc để nước Nga không bị bỏ sau thời đại. Muốn vậy họ phải thay đổi cho phù hợp. Tuy nhiên vì quán tính của mình, họ sẽ mang xung đột vào dòng chảy này. Nhưng vì đang nếm những vị quá đắng từ các đòn cấm vận của phương Tây, họ cũng không dám ra mặt gây sự. Họ cũng sẽ gây bất ổn thông qua các nước ASEAN mà họ có ảnh hưởng. Con thấy VN tỉnh táo. Hôm 19/9 rồi Chủ tịch Thượng viện Nga vào VN nhưng không được CTQHVN tiếp chỉ có Phó CTQH Tòng Thị Phóng tiếp. Trực giác cho con thấy TQ và Nga sắp làm một điều gì đó để cản trở Mỹ, Ấn, Nhật, Úc đổ mạnh vào Dòng chảy. Cách tốt nhất của họ là phá rối ĐIỂM CÂN BẰNG của trung tâm hội tụ ASEAN, chính là VN. Với quan hệ đặc biệt của TQ với Lào, khu vực biên giới Lào-VN có thể diễn ra kịch bản “Miền Đông Ucraina”, nhất là khi Tây Nguyên mình có rất nhiều người TQ sinh sống và làm việc. Dù thế nào đi nữa, chỉ cần tỉnh táo không để họ có cớ như Ucraina để tạo ra cho Nga thì họ cũng sẽ thất bại như vụ kéo giàn khoan HD981 vừa rồi thôi. Họ đang làm chuyện lặt vặt , còn VN đang hướng về chiến lược.
Con vừa viết xong thư 27B cho các cháu để cho tụi nó hiểu những quy luật phát triển một cách khoa học. Đó là Con đường mà con muốn gia đình mình theo đổi và mong ba ủng hộ. Chúng ta không theo các xu hướng chính trị. Khi không có một nền tảng khoa học thì thật khó để phân biệt đúng, sai, tốt, xấu. Xu hướng nào cũng thường nói về sự tốt đẹp và đa phần người ta cũng mong muốn thực như vậy. Nhưng nếu thiếu một nền tảng khoa học thì kết quả luôn là ngược lại. Bi kịch thường xảy ra như vậy rồi người ta nói: “Lực bất tòng tâm”. Tệ hơn nữa là người ta dùng các phát biểu đạo lý để thay cho chân lý khoa học và để che đậy cho những kết quả xấu mình làm ra. Nói một lời hay thì dễ nhưng làm một điều tốt thì rất khó. Không phải cái gì cũng chiều theo ý chủ quan của mình. Nó chỉ luôn thuận theo quy luật khách quan mà thôi. Và chỉ có khoa học mới dẫn mình đến quy luật.
Ba ủng hộ con và bảo ban thêm các cháu giùm con nha.
25/9/14
Đọc thư chi Hai đem lên hôm thăm con vừa rồi, chỉ kể lại nhiều chuyện mà con không còn nhớ, một lát sau mới hồi tưởng lại được. Chỉ chớ còn hơn con nữa. Thư chỉ thật xúc động. Lần sau con sẽ viết cho chỉ. Ba và cả nhà vui khỏe nha. Thương cả nhà.
Con Thức