Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

Triết gia & Danh ca

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!

Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói vừa ghi. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hoè ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, cha nội?
Mà chả chỉ riêng hoa, ở nước ta, cái (mẹ) gì mà không thiếu nên mọi thứ vẫn thường phải phân phối theo tiêu chuẩn – ngoại trừ huân chương, huy hiệu, bằng khen, giấy thưởng … thì mới thừa thôi. Bởi vậy, tôi xin được có ý kiến (hơi) khác với T.T. Thích Trí Quang chút xíu: “Cộng sản nó chôn sống mình hôm nay, mai nó mang huân chương hay giải thưởng đến để … làm lễ truy tặng!”

Ông Trần Đức Thảo là một nạn nhân điển hình cho cái cách chôn sống (rất) bất nhân như thế – theo như lời của một bà cụ bán nước trà ở đầu khu tập thể Kim Liên, nơi mà triết gia của chúng ta cư ngụ cho đến gần lúc cuối đời:
Trong khu nhà B6 đằng kia cũng có một ông tên Thảo, nhưng lôi thôi nhếch nhác quá mấy anh công nhân móc cống. Mùa rét thì áo bông sù sụ, mùa nực thì bà ba nâu bạc phếch, quần ống cao ống thấp, chân dép cao su đứt quai, đầu mũ lá sùm sụp, cưỡi cái xe đạp ‘Pơ-giô con vịt’ mà mấy bà đồng nát cũng chê. Thật đúng như anh hề làm xiếc! Mặt cứ vác lên trời, đạp xe thỉnh thoảng lại tủm tỉm cười một mình, một anh dở người…”
“Một buổi trưa nắng chang chang, ông ghé vào quán uống cốc nước chè xanh, tôi hỏi: “Ông đi đâu về mà nom vất vả thế.. ế.. ế. Ông nói: Lên chợ Hàng Bè mua củi đun. Tôi hỏi: Thế củi ông để đâu cả rồi? Ông quay lại nhìn cái ‘pooc ba ga’, mặt cứ ngẩn tò te. Chỉ còn có sợi dây buộc! Củi nả rơi đâu hết dọc đường, chẳng còn lấy một que… Nghĩ cũng tội, già ngần ấy tuổi đầu mà phải nấu lấy ăn, không vợ, không con… [Phùng Quán – “Chuyện Vui Về Triết Gia Trần Đức Thảo.” Ba Phút Sự Thực, 2nd ed. Nhà Xuất Bản Văn Nghệ Sài Gòn: 2007).
tranducthao 1
Hình chụp từ Tạp Chí Nghiên Cứu Đông Dương. Nguồn: vnu.edu
Nếu bạn thấy những lời lẽ (thượng dẫn) của một bà cụ bán nước trà vô danh chưa đủ trọng lượng thì xin nghe thêm đôi câu nữa, của một chứng nhân thế giá hơn – luật sư Trương Như Tảng:
Ông không bị tù hay hành hạ thân xác, nhưng công an bao vây, cô lập ông không cho ai tiếp xúc…Nếu ông Thảo tiếp xúc với ai, chẳng hạn một người bạn trên đường phố, thì người đó sẽ bị bắt giữ để điều tra.
Bề ngoài xem ra triết gia sống cuộc đời bình thường. Nhưng thực tế ông sống như Robinson Crusoe, hoàn toàn cô độc, mặc dầu có nhiều người ở xung quanh. Ngay họ hàng thân thích cũng không được phép nói chuyện với ông. Đối với một trí thức như vậy là một sự tra tấn dã man.
Ngó bộ ông Trương Như Tảng có vẻ hơi quá lời chút xíu, chứ nếu Trần Đức Thảo bị “tra tấn dã man” thì làm sao triết gia của chúng ta sống sót cho mãi đến năm 1991 – năm mà ông được nhà nước tha (tào) và chotrở lại Paris, theo như tường thuật của tác giả Minh Diện:
Bảy mươi tuổi Trần Đức Thảo mới quay về chốn xưa. Tiếc thay thời huy hoàng của ông đã qua lâu rồi. Rất ít người còn nhớ tới ông. Suốt 40 năm ông cô đơn bên trời Nam,giờ lại cô đơn bên trời Tây. Khi người ta đã bỏ lỡ cơ hội thì khó mà tìm lại được.
Quay lại Pari, Trần Đức Thảo sống tạm bợ trong căn phòng xép trên tầng 5, nhà khách của Đại sứ quán Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Đức Hiền tả lại cảnh sống của ông như sau: “Một ông già ở độ tuổi cổ lai hy, khoác chiếc áo cũ màu tím dài chấm gót, bưng bê lỉnh kỉnh mọi thứ xoong chảo, chai lọ leo lên, leo xuống hàng trăm bậc thang tự lo lấy bữa ăn cho mình. Ông già ấy cứ hành trình chừng mười bậc thì dừng lại, tựa người vào hành lang đứng nhắm mắt, há miệng thở như thổi bễ”.
Một chiều mùa Hè năm 1993, ông già ấy gục xuống tại bậc cầu thang, không bao giờ gượng đứng dậy được nữa. Năm 2.000, ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học xã hội.
Thiệt là … có hậu!
Ít nhất thì những ngày tháng cuối đời “của ông già ấy” cũng (có vẻ) đỡ đoản hậu hơn cuộc sống lê lết của … một bà già khác, cùng thời, bà Hà Thị Cầu. Nhân vật này tuy có kém danh giá hơn ông Thảo (chút đỉnh) nhưng cũng nổi tiếng như cồn, ít ra là ở phạm vi quốc nội. Trên báo Bắc Giang, phát hành vào ngày 1 tháng 4 năm 2009, một nhà văn Việt Nam đã viết những dòng chữ chí tình như sau về người nghệ sĩ này:
Với bà, tên tuổi, sự nghiệp tôi đã đọc quá nhiều trên báo chí, một nghệ nhân lớn, một người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ, một tài sản dân gian quý báu, một nghệ sĩ nổi tiếng không chỉ trong nước mà ở thế giới…
Và tôi choáng váng vì không thể ngờ, một nghệ sĩ tên tuổi như vậy, báo chí ngợi ca như vậy, các cấp quản lý thay nhau tôn vinh như vậy lại đang có cuộc sống khó khăn đến không tin được.
 Ngôi nhà bà Hà Thị Cầu bé tí nằm cận kề trụ sở UBND xã Yên Phong. Ngôi nhà bé thế lại còn chia làm hai, một nửa cho bà Cầu ở, nửa còn lại là nhà thờ họ. Phần ở của bà lại chia đôi, phía ngoài đủ đặt cái giường đôi, bộ bàn ghế uống nước, phía trong là nơi bà ngủ, diện tích cũng chỉ nhỉnh hơn cái giường một chút xíu.
hathicau 2
Báu vật nhân văn sống của Việt Nam, hình chụp trước tư gia. Nguồn:vnexpress.net
BBC, nghe được vào hôm 3 tháng 3 năm 2013, lặng lẽ và buồn bã đi tin:” Nghệ nhân được coi là linh hồn của hát xẩm Việt Nam với gần 80 năm tuổi nghề, bà Hà Thị Cầu, đã qua đời tại Yên Mô, Ninh Bình…” Hung tin này đã khiến cho Nguyễn Quang Vinh đùng đùng nổi giận:
Một nghệ nhân tài hoa như thế, cống hiến cho đất nước như thế, được coi là”báu vật nhân văn” của quốc gia như thế, đã từng đào tạo, truyền nghề cho biết bao nghệ sĩ, đã nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn với nước ngoài…
Nhưng suốt đời nghèo đói, suốt đời khổ sở, túng thiếu như kẻ ăn mày. Báo chí lên tiếng, dư luận lên tiếng, những nghệ sĩ tâm huyết thay bà gõ cửa khắp nơi nhưng mặc nhiên không ai đoái hoài, và bà- nghệ nhân Hà Thị Cầu, cho tới lúc nhắm mắt, vẫn trong nghèo đói...
Leo lẻo ca ngợi, leo lẻo thuyết giảng, leo lẻo leo lẻo…ở mọi cấp để rồi bỏ rơi một nghệ nhân lớn, cay đắng hơn, còn lợi dụng tài năng, tên tuổi của bà để trục lợi cả tiền, danh tiếng, uy tín của cá nhân mình.
Thôi nhé, bà mất rồi, im cả đi, đừng lại ngoạc mồm” bà mất đi là địa phương mất đi một tài năng, đất nước mất đi một nghệ nhân lớn….vô cùng đau xót”.
Câm đi.
..
Tôi e rằng nhà văn của chúng ta không hiểu biết về đường lối, cũng như chính sách, của Đảng và Nhà Nước (rõ ràng và rành mạch) như nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Quang Hải. Trong bản tin của BBC (thượng dẫn) ông Hải khẳng định:
Cũng giống như ca trù, hát xẩm đã bị mất đi trong 50 năm vì chính quyền không coi trọng những tài tử dân gian … hát xẩm bị coi là hạ cấp và chính quyền không muốn thấy những người hát xẩm lang thang ngoài đường.
hathicau 3
Ảnh: wikipedia
Nói cách khác là bà Hà Thị Cầu đã bị “chính quyền” chôn sống từ lâu nhưng mãi đến tháng ba năm nay mới (chịu) trút hơi thở cuối cùng. Ngay sau đó, báo Thể Thao Văn Hoá (số ra ngày 06 tháng 3 năm 2013) đã có … tin vui:
Tới dự đám tang nghệ nhân Hà Thị Cầu, ông Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL – chia sẻ tâm nguyện cần đề nghị truy tặng cho bà danh hiệu NSND... Thời gian tới, Bộ VH,TT&DL sẽ xúc tiến thực hiện việc này.
Thiệt là tử tế hết sức!
Theo Wikipedia: Năm 1977 bà Hà Thị Cầu là tác giả của bài Theo Đảng Trọn Đời. Tôi sợ rằng vì mù chữ, không đọc được Đề Cương Văn Hoá Việt Nam, nên (có lẽ) mãi cho đến khi nhắm mắt người được coi là “báu vật nhân văn sống của Việt Nam” vẫn không biết rằng toàn Đảng không ai thiết tha hay mặn mà gì lắm với tình cảm (thắm thiết) mà bà đã dành cho chúng nó.
Những người “hát sẩm bị coi là hạ cấp,” đã đành, thế còn triết gia thì sao? Giới người này ở bên nước bạn, cũng như ở nước ta, cả hai Đảng đều coi họ không bằng … cục cứt!
Và nói nào ngay, đối với Đảng thì giới người nào cũng vậy – bất kể là nông dân, công nhân, thương nhân, hay trí thức. Tất cả đều chỉ là phương tiện, được xử dụng tùy theo lúc mà thôi.
Sau đó đều bị mang chôn sống ráo. Nhà nước đợi cho đến khi họ tắt thở sẽ mang bằng khen hay giải thưởng đến làm lễ truy tặng. Những cái lễ này, cũng tựa như những tấm giẻ lau, dùng để lau sạch máu hay nước mắt (hoặc cả hai) cho nạn nhân của chế độ hiện hành.




-Nguyen Tuan
Trần Đức Thảo viết về Hồ Chí Minh
Trong cuốn "Những lời trăn trối", GS Trần Đức Thảo dành khá nhiều trang viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà ông đề cập đến là "Ông cụ". Nhưng ông nói rải rác trong sách, kiểu nghĩ đến đâu viết đến đó, chứ không phải một nhận xét có tính hệ thống và mạch lạc. Ông nói rõ rằng ông có cảm tình với ông Hồ, nhưng cảm tình đó hình như dần phai nhạt theo thời gian và qua những việc làm trong thực tế của ông Hồ. Cuối cùng, GS Thảo kết luận rằng ông Hồ là một mẫu mực về thành đạt chính trị, nhưng "không thể nào là một mẫu mực về đạo đức. Sự tôn sùng ông cụ như thánh nhân đã tạo ra thứ đạo đức giả, rất tai hại cho hậu thế."
Dưới đây là những trích đoạn [không đầy đủ] của Trần Đức Thảo viết về HCM.

[…]
Phải biết rằng huyền thoại và vóc dáng lãnh tụ của bác Hồ là tác phẩm của cả một công trình nghệ thuật hoá trang cao độ, một công trình điểm tô, giàn dựng, để công kênh ông cụ lên thành một nhà lãnh đạo uy nghi, kiệt xuất, như là bậc thánh thần, đề dân chúng một lòng tin tưởng mà sùng bái. Tất cả phải tỏ lòng kính trọng bằng tâm thức hãnh diện tự nguyện làm vật sở hữu của lãnh tụ như một vinh dự, một mẫu mực giá trị.
Ông cụ được tôn vinh làm bác, làm cha già dân tộc. Họ dạy cho dân tiêu chuẩn lí tưởng: cái gì có giá trị thì cũng phải là của bác Hồ, của cụ Hồ. Nào là "cháu ngoan bác Hồ", "cây vú sữa bác Hồ", "nhà sàn bác Hồ", cho tới anh "Bộ đội cụ Hồ". Từ đó đã biến thể thành cái nếp suy nghĩ rằng cái gì hay, cái gì tốt, cái gì có giá trị … thì cái đó phải của bác, của đảng.
[…]
Đau đớn thay cho một nhà văn, khi vừa hoàn thành một tác phẩm, một bài báo ưng ý, hí hửng tới đưa cho chủ nhiệm đọc thì bị chê: "Bài này thiếu tính bác, tính đảng", chỉ vì trong tác phẩm, trong bài báo thiếu vắng cái phần không thể thiếu là phần công thức ca ngợi công ơn của bác Hồ.
Tại sao một đảng cách mạng, lấy việc giải phóng con người làm mục tiêu tối hậu, mà lại muốn biến tất cả thành sở hữu của lãnh tụ, của đảng cầm quyền? Đấy không phải là tâm thức của con người được giải phóng, mà đấy là tâm thức của con người đã bị dụng cụ hoá, nghĩa là mất tự do. Bởi phải tỏ ý nguyện làm nô bộc cho một vị chúa tể, cho nhóm quyền lực "lãnh đạo"! Đấy là tình trạng đã của kẻ quá sùng bái, đã quá tin. Đấy là căn bệnh của chủ nghĩa "ngu tín", chu nghĩa "cuồng tín".
[…]
Có một điều rất đáng tiếc là các nhà sử học khi tìm hiểu về cụ Hồ đã bỏ qua một thứ tư liệu chính gốc, rất bộc lộ, rất chân thực, do chính đương sự là tác giả. Đó là ý nghĩa của những biệt hiệu hay những tên giả mà chính cụ Hồ đã tự đặt cho mình qua từng giai đoạn mưu tìm con đường hoạt động, lúc thiếu thời, khao khát tìm cách tiến thân, tìm đường hoạt động chính trị. Có những cái tên theo nước ngoài khá ngộ nghĩnh!
Nhưng đáng chú ý là từ khi đổi tên là Tất Thành (1911) với khát vọng khiêm tốn là sẽ thành đạt. Rồi cho đến sau này thì đã bỏ hẳn họ Nguyễn, để thay đổi, lấy lại họ gốc là họ Hồ, và chọn cái tên cục kì kiêu sa, coi mình là bậc "Chí Minh" (1945). Nói chung là với cả trăm tên giả thường rất tiêu biểu tâm thức như thế đã phản ảnh một phần chân thực những chuyển biến trong đầu óc ông cụ. Mỗi lần thay tên đổi họ là một bước có ý nghĩa trong hành trình vươn lên, đi tới để trở thành lãnh tụ. Đấy là quá trình diễn biến của sự hình thành một cuồng vọng.
Phải phân tích cặn kẽ từng cái biệt danh ấy như là một dấu hiệu tâm lí chính trị, từ lúc chỉ mong có cơ hội thành đạt, cho tới lúc quyết tâm, bằng mọi giá, mọi cách, để đạt tới tột đỉnh quyền lực như là một ông vua (Vương), là một người yêu nước chân chính ("Ái Quốc"), là một lãnh tụ thông minh bậc nhất trong thiên hạ ("Chí Minh")! Thật là thì trong xã hội phong kiến, những danh hiệu ấy chỉ có thể là do người đời phong tặng cho những nhân vật lịch sử mà được người đời sau công nhận là xuất sắc, là xứng đáng mang những danh hiệu ấy. Nhưng đây là do chính đương sự ngay trong hiện tại đầy vấp váp mà đã tự mình tặng cho chính mình! Một nhà túc nho, một người trí thức có đầu óc tĩnh táo, có liêm sỉ, một bộ não minh triết thì không bao giờ dám tự ý xưng mình là "Vương", là "Ái Quốc", là "Chí Minh" như thế.
Thật khó mà giải thích một kẻ tự coi mình là "ông vua", là bậc quân tử siêu phàm, mà lại có hoài bảo làm một nhà cách mạng, một chiến sĩ vô sản, cộng sản! Sự công khai tự tôn vinh mình lên một cách quá trớn như thế cũng không phải là thái độ của một bậc chí nhân, chí thánh. Đấy chỉ là biểu hiện của một sự sở cuồng lộ liễu, lỗ mãng, một thứ bệnh tâm thần đam mê đến mất thăng bằng về mặt lí trí, liêm sỉ, đạo lí. Khi tự xưng tụng mình một cách thượng đỉnh, tối cao như thế thì chỉ có thể là vì đã quá khát khao danh vọng.
Ngoài ra, còn có thể tìm hiểu nội tâm, chí hướng của nhân vật lịch sử này qua một công trình phân tích mang tính phân tâm học của từng chữ, từng câu mang nặng một khát vọng trong hai tập sách tuyên truyền "Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ chủ tịch" và "Vừa đi đường vừa kể chuyện" để thấy rõ từng bước chuyển biến tâm lí, từ lúc chỉ mong được nhận vào học Trường Thuộc Địa của "mẫu quốc Pháp" với hi vọng được ra làm quan, cho đến lúc quyết tâm trở thành một lãnh tụ cách mạng.
[…]
Cụ Hồ là một nhân vật vô cùng phức tạp, vô cùng thông minh, rất mưu trí, một con người sắt đá đến mức vô cảm, vô tình, sẵn sàng chụp bắt mọi cơ hội để thành đạt. Một ý chí thành đạt không gì lay chuyển. Đấy là một Tào Tháo muôn mặt của muôn đời, một con người không có tình bạn, không có tình yêu gia đình, tình yêu con cái, một bộ óc nung đúc một cuồng vọng, với một ưu tư duy nhất là phải leo lên đến tột đỉnh quyền lực để đạt tới mục tiêu của mình.
[…]
Vì cuồng vọng quyền lực mà ông cụ đã không ngần ngại công khai, lộ liễu viết sách, dù đã kí với những cái tên khác, để tự ca ngợi, tự tôn vinh mình. Tự chọn những chi tiết nhỏ nhặt nhất để đề cao, để sùng bái lãnh tụ là … chính mình! Để làm công việc có tính vô cảm đó, ông cụ đã rất xét nét với mọi người, rất tỉ mỉ trong mọi việc, nhưng lại cố làm ra vẻ như không chú ý, tới những gì có vẻ tầm thường. Thực ra thì không một cái gì mà ông cụ không để ý tới. Chung quanh biết rõ như vậy nên càng e nể, hết lòng chiều theo ý ông cụ. Trong mọi sinh hoạt, họ đều nhất mực sùng bái, tôn thờ, họ phong thần phong thánh cho ông cụ. Chính ông cụ đã biết họ thành một lũ nịnh thần chuyên nghiệp. Xét như thế để thấy cái sự đam mê cuồng vọng quyền lực đã tạo ra một chủ nghĩa mù quáng. Tham vọng làm lịch sử đã xoá đi mất tình người, rút cuộc là đã làm khổ mọi người và làm khổ cả chính mình Cuồng vọng quyền lực đã khiến không còn thấy việc bỏ rơi gia đình, việc mình tự tôn vinh là "ái quốc", là "vương", là "chí minh" như thế là những việc trơ trẽn, quá kiêu ngạo, không lương thiện, không trí thức.
[…]
Bác Hồ chỉ có thể coi như là một mẫu mực thành đạt về chính trị, chứ thật ra bác không thể nào là một mẫu mực về đạo đức. Sự tôn sùng ông cụ như thánh nhân đã tạo ra thứ đạo đức giả, rất tai hại cho hậu thế.

Tổng số lượt xem trang