Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

Đề xuất cho quan tham chuộc mạng: Đồng tiền lại làm 'quan tòa'?

-Đề xuất cho quan tham chuộc mạng: Đồng tiền lại làm 'quan tòa'?
(PL)- Không thể tạo ra cơ chế để quan tham dùng tiền mua mạng sống, làm như thế là đi ngược lại với quyết tâm phòng, chống tham nhũng của cả hệ thống chính trị.

LTS: Trên số báo hôm qua (1-4), chúng tôi đã đề cập đến một quy định trong dự thảo BLHS sửa đổi rất lạ. Theo đó, điều luật cho phép người bị kết án tử hình, trong đó có quan chức phạm tội tham nhũng, được dùng tiền để mua mạng sống của mình nhằm thoát án tử.

Sau khi báo đăng, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản đối của bạn đọc, trong đó có nhiều chuyên gia pháp luật. Dưới đây là những ý kiến tiêu biểu.

Đừng để “cứ có tiền là thoát án tử”

Khi xử tử hình, người ta đã xem rồi, trình tự thủ tục đã ổn cả rồi. Đáng tử hình hay không do tòa án tuyên. Sau đó, án có hiệu lực pháp luật thì chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao xem xét lại một lần nữa để xác định có sai hay không, có kháng nghị giám đốc thẩm hay không. Bước tiếp theo là trình Chủ tịch nước ân giảm. Khi Chủ tịch nước xem xét là đã xét cả việc người bị tuyên án tử hình đã bồi thường thế nào, có ăn năn hối cải hay không… Như vậy, đã có “cửa” để được xét ân giảm rồi.

Chính sách hình sự của mình đã rõ, đã đủ, không thiếu. Kể cả bị án tử hình rồi thì anh cứ bồi thường đi, Chủ tịch nước vẫn ân giảm cơ mà.

Nếu quy định như dự thảo dễ dẫn đến việc người ta hiểu nhầm rằng cứ có tiền là sẽ thoát án tử hình. Vì vậy, tôi đề nghị cân nhắc lại khoản 3 Điều 39 dự thảo BLHS (sửa đổi), nếu để thì sau này tổ chức thực hiện trong thực tế sẽ cực kỳ vướng.

Ông NGUYỄN VĂN HIỆN, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Không giống ai!

Theo tôi, đây là một đề xuất gây phản cảm trong xã hội, thể hiện sự lỏng lẻo của pháp luật và tạo điều kiện cho các quan tham lách luật dễ dàng. Nếu ý tưởng này được thông qua thì công cuộc phòng, chống tham nhũng của Nhà nước gặp nhiều khó khăn, mang tính nửa vời.

Chúng ta không nên quy định cứng, quy định riêng hay có chính sách đặc biệt nào cho loại tội phạm tham nhũng vì đây là loại tội cần trừng trị nghiêm khắc. Tội phạm tham nhũng có đặc điểm là gây thất thoát tài sản của Nhà nước, thậm chí là ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế chung nếu số tiền ấy đặc biệt lớn. Nếu cứ nộp lại 1/2 số tiền chiếm đoạt mà mặc nhiên được miễn tội chết thì vô lý quá vì đối với họ việc tự nguyện nộp lại tiền là điều nằm trong tầm tay. Bởi lẽ về bản chất, đó là tài sản của Nhà nước bị thất thoát chứ không phải của cá nhân họ.



Bị cáo Vũ Quốc Hảo, nguyên tổng giám đốc Công ty Cho thuê tài chính II, người từng bị án tử hình vì tham ô hàng trăm tỉ đồng tiền của Nhà nước. Ảnh: HTD



Hơn nữa, thực tế BLHS hiện hành không có sự phân biệt nào, nếu người tội phạm tham nhũng bán nhà cửa, đất đai, vàng bạc... để nộp lại thì cũng được hưởng tình tiết giảm nhẹ tại Điều 46 BLHS do khắc phục hậu quả. Như vậy, luật hiện hành đã xét chứ không phải bỏ lửng vấn đề này.

Từ đó, tôi cho rằng nếu có sửa đổi thì nên quy định việc tự nguyện nộp lại toàn bộ tiền phạm tội sau khi bị kết án tử chỉ là một điều kiện để được người có thẩm quyền xem xét lại bản án. Lúc này có hai hướng để xem xét: Hoặc là người có thẩm quyền lấy đó làm cơ sở cân nhắc việc có kháng nghị bản án hay không khi vụ án có điều kiện để kháng nghị hoặc họ sẽ trình chủ tịch nước xem có được ân xá, tha tội chết hay không. Sửa theo hướng này cũng đã là “ưu ái” cho tội phạm tham nhũng rất nhiều. Nếu như đề xuất thì mục đích việc duy trì án tử hình cho tội danh về tham nhũng vô hình trung không còn nguyên hiệu quả.

Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Sao lại để đồng tiền làm "quan tòa"

Có lẽ đề xuất này xuất phát từ việc thực tiễn xét xử hiện nay cho thấy việc thu lại tài sản tham nhũng rất ít do người phạm tội tham nhũng có sẵn tâm lý “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Nhưng đề xuất này rất bất hợp lý, nó trái với nguyên tắc xử lý hình sự hiện nay là việc định tội phải trên cơ sở pháp luật và công bằng đối với tất cả mọi loại tội phạm. Không thể tạo ra cơ chế dùng tiền để mua mạng sống, trong khi họ là người rất nhiều tiền và sẵn sàng muốn thoát án tử bằng mọi giá. Nó cũng trái với nguyên tắc độc lập xét xử của tòa, bị cáo có bị tử hình hay không phải do HĐXX quyết định sau khi xem xét toàn bộ vụ án. Nói cách khác là không nên có “phiên tòa thứ hai” để “xử lại” án của tòa mà lúc đó người ra phán quyết lại là... tờ giấy bạc.

Tôi cho rằng để tham nhũng không còn là quốc nạn thì việc xử lý vẫn phải nghiêm khắc và triệt để. Nên giữ mức hình phạt tử hình như hiện nay và siết chặt các điều kiện để buộc người phạm tội hoặc thân nhân của họ phải nộp lại tiền đã thu lợi bất chính. Hiện nay, với tội phạm tham nhũng cũng đã có một nghị quyết hướng dẫn việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ khi người phạm tội khắc phục hậu quả bằng việc bồi thường vật chất, như vậy là đã đủ, không phải sửa đổi gì thêm.

Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Lấn sân Luật Thi hành án hình sự

Việc đề xuất không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình xuống tù chung thân trong trường hợp sau khi bị kết án tử hình, người bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có là phi lôgic và vi phạm nguyên tắc pháp luật về thi hành án hình sự. Nếu như đề xuất này thành hiện thực thì quy định này đã can thiệp vào công việc của cơ quan thi hành án hình sự, vi phạm Luật Thi hành án hình sự và quy định về việc đặc xá.

Bởi về bản chất, việc nộp lại số tiền đã tham nhũng là việc chấp hành hình phạt mà tòa án đã tuyên bằng một bản án có hiệu lực pháp luật. Tức nó là nghĩa vụ mà người bị kết án phải làm chứ không phải là yếu tố để xem xét việc có giảm án hay không. Có tuyên án tử hình hay không là việc của HĐXX, được xét trong quá trình tố tụng, khi đã có bản án rồi thì mọi việc coi như khép lại, chuyển sang một giai đoạn tố tụng khác. Lúc này, việc xét có giảm án tử hay không là công việc của Hội đồng Đặc xá và Chủ tịch nước trên cơ sở pháp luật đã quy định. Không có lý do gì mà chúng ta lại tạo ra một hành lang pháp lý riêng cho tội phạm tham nhũng mà hành lang ấy lại không phù hợp với luật.

PGS-TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM

Đừng tạo điều kiện cho tham nhũng nảy nở

Dự thảo BLHS (sửa đổi) cho người bị kết án tử hình được nộp tiền để chuyển từ tử hình xuống chung thân sẽ dẫn đến công tác phòng, chống tham nhũng càng khó khăn, thiếu tính răn đe. Điều này có thể dẫn đến việc nảy sinh tâm lý “hy sinh đời bố củng cố đời con”, nếu bị phát hiện cùng lắm là bị chung thân (chưa nói khi thụ án sẽ còn được xem xét giảm án nữa). Người tham ô, nhận hối lộ nộp lại phần tiền bị phát hiện tham nhũng (chỉ là bề nổi), còn việc tẩu tán tài sản tham nhũng (tảng băng chìm) làm sao cơ quan chức năng phát hiện hết?

Trong khi Bộ Chính trị và Chính phủ kêu gọi phòng, chống tham nhũng bằng mọi biện pháp mạnh nhất, triệt để nhất thì việc nộp lại tiền để thoát án tử như dự thảo là điều không phù hợp. Điều này cần phải xem xét cẩn trọng, soi chiếu dưới góc độ, hệ quả sâu xa để đảm bảo công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả. Việc sửa đổi luật mục đích cuối cùng là để hoàn thiện một xã hội pháp quyền, thượng tôn pháp luật. Trong hoàn cảnh tham nhũng phức tạp như hiện nay, luật cần kiên quyết, cụ thể hóa các hành vi và biện pháp để thu hồi tài sản tham nhũng có hiệu quả chứ không thể tạo “điều kiện” cho tham nhũng nảy nở.

Một lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương



“Cửa” thoát án tử của quan tham

(Khoản 3) Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người bị kết án tử hình là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

b) Người bị kết án là người từ 70 tuổi trở lên;

c) Người bị kết án không thuộc đối tượng quy định tại điểm a và b khoản này nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất một phần hai số tiền, tài sản do phạm tội mà có, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

(Khoản 4) Trong trường hợp quy định tại khoản 3 điều này và trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân”.

(Trích Điều 39 dự thảo BLHS sửa đổi)


T. TÙNG - Đ. MINH - N. ĐỨC thực hiện-

-Chống ai, ai chống?
Phát biểu trong một hội thảo mới đây tại Hà Nội về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản ở Việt Nam, ông Jairo Acuna Alfaro - cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam - dẫn thông tin khảo sát cho thấy 89% người dân nói không tố giác hành vi vòi vĩnh hối lộ và chỉ 8% sẵn sàng.

Ông Jairo Acuna Alfaro nhận định nhiều khả năng là do người dân chưa tin vào các cơ quan phòng chống tham nhũng. Khi hỏi tại sao không tố giác, trên 50% cho rằng tố giác không mang lại lợi ích gì, rồi còn sợ bị trả thù hoặc thủ tục tố cáo, tố giác quá rườm rà.


Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam ủng hộ khảo sát của ông Jairo Acuna Alfaro bởi một khảo sát của WB phối hợp với Thanh tra Chính phủ (năm 2012) cũng cho thấy hơn 50% người dân sợ bị trả thù nên không tố cáo chống tham nhũng.

Ngay tại hội thảo, ông Ngô Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) - “phản pháo” khi nói không có căn cứ nào xác thực trên 50% người cho rằng tố cáo không mang lại lợi ích gì.

Muốn biết phản ứng của người đang ở các cơ quan thực thi chống tham nhũng và của dư luận đúng sai thế nào thì phải nhìn vào thực tế. Nói người dân hào hứng tố cáo tham nhũng hẳn là rất khó khi tham nhũng chỉ xảy ra ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước. Phần lớn nguồn lực để nuôi sống bộ máy ở đó là từ thuế do dân đóng góp, cho nên người dân hẳn sẽ phải hào hứng bảo vệ cái mà họ đổ mồ hôi, công sức, trí tuệ để đóng góp. Họ hoàn toàn có lý với việc bức xúc khi thấy công chức, viên chức khai báo xuất thân từ bần cố nông hay tài sản không có gì, tài trí bình thường, chức vụ cũng bình thường nhưng bỗng chốc giàu lên bất thường hoặc là khi bị “người nhà nước” gạ gẫm, hù dọa, gây khó dễ. Tuy nhiên, từ bức xúc đến tố cáo là khoảng cách quá xa bởi người dân làm sao có quyền kiểm soát những gì xảy ra trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước?

Nói như vậy để thấy trong phòng chống tham nhũng, phát hiện của người dân rất đáng trân trọng nhưng để họ tố cáo, tố giác với chứng cứ cụ thể, xác thực thì rất khó. Không có chứng cứ thì sẽ không thuộc diện để áp dụng chế định bảo vệ người tố cáo chống tham nhũng theo quy định trong Luật Tố cáo.

Cho nên, để phòng chống tham nhũng, trước hết nên trông chờ vào các cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng mà nước ta đã có hàng loạt những cơ quan như thế. Vấn đề là các cơ quan này đã chọn được đội ngũ công chức, viên chức thực sự quyết liệt phòng, chống tham nhũng hay chưa. Có quyết liệt nhưng nếu thể hiện bằng hô hào, thậm chí còn nhân chống tham nhũng để tham nhũng thì sẽ quá xa vời mục tiêu phòng, chống tham nhũng. Không quy chụp tất cả nhưng những chuyện như thế cũng đã xảy ra trong thực tế, hỏi làm sao dân còn hào hứng tố cáo tham nhũng đến cơ quan chức năng?

-Robert, 10 giờ trước
Nếu tách bạch lập pháp, hành pháp, tư pháp độc lâp ra thì khi đó cơ quan tư pháp sẽ mạnh tay hơn trong vần đề chống tham nhũng,và chống tham nhũng phải có đối tượng, mục tiêu cụ thể chứ còn CCVC quèn thì lấy cái gì mà tham nhũng vì họ không nắm tài khoản trong tay, còn như bây giờ thì đúng rồi:"Chống ai, ai chống, chống rồi tránh đâu?". Khổ lắm, nói mãi!!!.

-Nguyễn cao sơn, 11 giờ trước

Tôi thấy người ta nói đúng đấy. Bảo vệ kiểu gì mà kẻ bị tố cáo lại được đọc tờ đơn nên biết ai tố cáo mình rồi quay qua trù dập? Bản thân tôi và những người ký tờ đơn đó đã rất bức xúc khi biết tin đó, chính kẻ bị tố cáo còn lên tiếng sẽ "nhớ mãi những người ký tên trong lá đơn" và sau đó là trù dập cho đến nổi phải tự xin nghỉ. Đến giờ thì kẻ tố cáo nghỉ việc còn kẻ bị tố cáo thì vẫn sống khỏe thậm chí là càng ngày càng ngông nghênh đến nổi chào cờ thứ hai hàng tuần tại ủy ban cũng không thèm chào cờ mà ngày nào cũng ngủ đến 8-9 giờ mới dậy làm việc? đấy người tố cáo phải chịu như vậy đấy,ai bảo vệ?

Tổng số lượt xem trang