Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Đời tư Mao Trạch Đông – Phần III. Chương 69


-

Chương 69

Với quá trình đưa Lâm Bưu đến đỉnh cao quyền lực, cả đất nước Trung Hoa bị quân sự hoá. Được giao trọng trách vãn hồi trật tự trong nước, quân đội đã kiểm soát các cơ quan đảng, chính phủ, các đơn vị sản xuất trong tất cả các cấp của xã hội. Bí thư các tỉnh đã bị thay thế bằng các tư lệnh vùng, quân đội kiển soát toàn bộ hệ thống quyền lực nhà nước từ trên xuống dưới, thậm chí cả những làng quê Mao thường đến thăm. Lâm Bưu người dẫn đầu cả nước học tập, nghiên cứu tư tưởng Mao Trạch Đông và giải phóng quân đi đầu trong việc nghiên cứu, vì vậy toàn dân cũng phải học tập tư tưởng Mao. Mọi người ai cũng muốn được vinh danh như quân đội. Tất cả mặc quân phục, tôi cũng vậy. Riêng Mao vẫn mặc đồng phục “kiểu Mao”, rộng thùng thình. Ông chỉ mặc quân phục trong những trường hợp hy hữu phải xuất hiện trước quần chúng để biểu thị sự ủng hộ quân đội.


Nước ta hồi đó có hai kẻ thù chính: Liên Xô và Mỹ. Tháng 3-1969 bắt đầu xung đột vũ trang biên giới Xô-Trung trên đảo Trân Bảo, tỉnh Hắc Long Giang. Những tháng tiếp theo, lệnh tổng động viên cả nước. Hơn 10 triệu nhân dân các thành phố sơ tán về nông thôn trong điều kiện sống thô sơ. Họ đưa cán bộ đảng, chính quyền, các tầng lớp trí thức, giáo viên những người trong cuộc Các mạng văn hoá chưa kịp gạt bỏ đưa đi cải tạo lao động khổ sai trong cái gọi là “Trường Cán bộ 7-5”. Các học sinh, sinh viên mà Mao kêu gọi tạo phản chống trí thức, giờ đây được đưa đến vùng nông thôn để học tập, trải nghiệm cuộc sống lao động nghèo khổ của nông dân. Nhưng tầng lớp trí thức hầu như không được về nông thôn, họ phải sống trong tình trạng cực kỳ khốn khổ trong các trại cấm ở vùng sâu vùng xa, bắt buộc phải làm việc quần quật từ sáng tinh mơ đến tối khuya. Thực chất mục đích đưa đến Trường Cán bộ 7-5 không phải để học tập mà ai cũng biết đó là sự trừng phạt, bị kỷ luật. Học sinh trung học, sinh viên các trường cao đẳng Đại học, một thời Mao kêu gọi nổi loạn chống chính quyền được gửi đến “cao – lên miền sơn cước; thấp – về vùng sâu vùng xa” để những “người nghèo khổ, tầng lớp lao động lầm than giúp học hành lại”.

Lo ngại chiến tranh mở rộng, các vùng biên giới tăng cường sơ tán. Tháng 8-1969, những người không đi sơ tán ở các thành phố biên giới, được lệnh đào hầm sâu đề phòng oanh kích trên không, kể cả bom hạt nhân.
Tại Bắc Kinh, người ta xây các địa đạo ngầm ngang dọc dưới lòng thành phố. Trong trường hợp bị ném bom, người dân có thể ẩn náu ở đây vài tuần liền.
Trong thời đỉnh điểm cao trào quân sự hoá, cuộc chiến đang sôi động, nóng bỏng, một hôm Mao ra một câu đố, hỏi tôi:
- Anh thử suy nghĩ, phía Bắc và phía Tây có Liên Xô, Ấn Độ ở phía Nam, Nhật Bản ở phía Đông. Nếu tất cả kẻ thù liên kết lại, tấn công chúng ta từ 4 phía bắc-nam-đông-tây, anh nghĩ ta phải làm gì?
Mao giả sử chúng ta bị kẻ thù bao vây tứ phía, điều tôi cũng từng suy nghĩ, nhưng không biết phải trả lời như thế nào và phải làm gì. Tôi nghĩ cả ngày không ra câu trả lời, đành đến gặp Mao thú nhận, chịu không thể trả lời câu hỏi.
- Hãy nghĩ thêm một lần nữa đi – Mao gợi ý – Sau Nhật bản là Mỹ. Có phải cha ông chúng ta đã dạy, hoà với nước ở xa, chiến tranh nước ở gần không?
Tôi sững sờ. Báo chí chúng ta đăng đầy các bài chỉ trích, chống Mỹ. Trung Quốc đang viện trợ giúp Việt Nam đánh Mỹ.
Tôi hỏi trong hoài nghi:
- Liệu chúng ta có thể đàm phán với Hoa Kỳ được không?
Mao giải thích:
- Mỹ và Liên Xô rất khác nhau. Hoa Kỳ chưa bao giờ chiếm đóng lãnh thổ Trung Quốc. Tổng thống mới của Mỹ, Richard Nixon từ lâu người của cánh hữu, ông ta đi tiên phong chống cộng sản. Tôi thích giao tiếp với phái hữu. Họ nói cái điều mà họ thực nghĩ – không như những người cánh tả, nghĩ một đằng làm một nẻo.
Cả tôi và Uông Đông Hưng chẳng ai tin lời Mao. Sự đối kháng tương hỗ giữa Trung Quốc và Mỹ dẫn đến chiến tranh Triều tiên, tháng 6-1950, sự công kích chống Mỹ cho đến nay vẫn chưa nguội đi. Đế quốc Mỹ bị buộc tội có ý định thống trị bằng vũ lực đối với tất cả các nước châu Á. Chủ nghĩa tư bản, chúng ta đã tin rằng đang suy yếu và chết dần bởi các mâu thuẫn nội tại.
Nhưng Mao nói hoàn toàn nghiêm túc, điều này nghĩa là Trung Quốc đang nằm trong quá trình cải tổ chính sách đối ngoại của mình.
Tư tưởng hữu khuynh của Tổng thống Richard Nixon cũng hướng nước Mỹ theo con đường mới. Tổng thống Mỹ gửi Mao một bức công hàm hữu nghị có tính chất thăm dò qua Tổng thống Pakistan, Yahub Khan và chủ tịch nước Rumani, Nicolai Chausescu. Ông xác nhận, không ủng hộ đề nghị của Liên Xô về xây dựng một hệ thống an ninh tập thể ở châu Á, phản đối đòn tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc.
Lợi ích của Mao trùng với lợi ích chiến lược của Richard Nixon. “Hệ thống an ninh tập thể ở châu Á là cái gì?” Mao giải thích, sau khi Richard Nixon xác nhận. “Đó là hệ thống chiến tranh châu Á, thành lập tấn công Trung Quốc”. Mao thường sinh sự trong quan hệ với Liên Xô, coi Liên Xô đe doạ Trung Quốc và cá nhân ông. Mao bảo:
- Bom nguyên tử và tên lửa của Trung Quốc lúc này chưa có khả năng bay tới Mỹ. Nhưng nó có thể dễ dàng bay tới Liên Xô.
Tháng 12-1969 thủ tướng Chu Ân Lai nhận bức điện của đại sứ Trung Quốc ở Ba Lan, nơi Trung Quốc và Mỹ tiến hành các cuộc hội đàm vô tiền khoáng hậu, hai nước đã từng thù địch trong suốt nhiều năm.
Trong buổi liên hoan đa phương nhân dịp khai mạc Hội chợ Thời trang ở Warsaw, đại sứ Mỹ ở Ba Lan đã đề nghị một cuộc gặp riêng với sứ quán Trung Quốc, còn bóng gió, có một đề nghị rất đáng quan tâm.
Mao cho tôi xem bức điện, ông rất vui:
- Chúng ta đã từng nói những điều chưa nói trong 11 năm qua. Giờ đây chúng ta có thể bắt đầu tiến hành cuộc hội đàm nghiêm túc. Richard Nixon chắc chắn chân thành, khi ông ta nói rằng rất quan tâm thảo luận với chúng ta.
Tôi mừng bởi Mao mong muốn phục hồi lại mối quan hệ hữu nghị với Hoa Kỳ, tôi nói với ông về sự phục hồi mua các tạp chí y học của Mỹ. Do lệnh cấm của Cách mạng văn hoá đối với các ấn phẩm nước ngoài, tôi cảm thấy mình lạc lõng, xa lạ với nền y học hiện đại của thế giới. Mao đã già, chẳng mấy lúc việc theo dõi sức khỏe cho ông khó khăn hơn. Tôi muốn học hỏi càng sớm và càng nhiều càng tốt sự tiến bộ của nền y học hiện đại. Tôi giải thích với Chủ tịch, nếu không tiếp cận với các tạp chí y học Mỹ, chúng ta không thể nào có khả năng hiểu biết những tiến bộ về y học và khoa học hiện đại.
- Mỹ sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để thu thập thông tin về chúng ta – Mao trả lời. Vì sao chúng ta lại ngu ngốc đến thế và nhắm mắt trước cái gì xảy ra ở nước ngoài? Anh hãy liệt kê tất cả những tạp chí y học anh muốn có đưa cho tôi.
Mao chuyển yêu cầu của tôi mua các tạp chí cho Chu Ân Lai và Khang Sinh.
- Tôi muốn họ suy nghĩ nghiêm túc về mối quan hệ của chúng ta với nước ngoài – Mao nói. Đặc biệt với Hoa Kỳ.
Trên báo chí công khai, Trung Quốc vẫn tiếp tục lên án Hoa Kỳ, vẫn ủng hộ Bắc Việt trong cuộc chiến tranh đang tiếp diễn. Nhưng đằng sau hậu trường, cuộc đàm phán nối lại quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ vẫn lặng lẽ tiến hành khẩn trương. Mao bắt đầu đàm phán với kẻ thù xa của mình để chuẩn bị chiến tranh với người “anh cả” kế bên.

Tổng số lượt xem trang