Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Lâm Hoàng Mạnh – Buồn vui đời thuyền nhân (2)

Chương 2: Chuyện nhà & Chuyện nước

Sáng sớm ngày 9 tháng 4-1979, phòng tổ chức mời vợ tôi lên. Cuộc gặp mặt gồm Bùi Đình Phảng, bí thư đảng ủy, Nguyễn Đình Mão, phó bí thư kiêm bệnh viện phó, Nguyễn Gia Hòa, đảng ủy viên, trưởng phòng Tổ chức Hành chính cùng một số nhân viên Phạm Trọng Tới, Huỳnh Như Thùy, Giang Bình.

Sau vài lời rào đón, Nguyễn Đình Mão, phó bí thư kiêm phó giám đốc, bảo:

- Việt nam và Trung quốc đã xảy ra chiến sự. Chúng ta đang chống quân bá quyền, bành trướng Trung quốc. Chi là người Việt, nhưng chồng chị là người Hoa, chúng tôi đang giải quyết anh ấy nghỉ chế độ mất sức, còn chị muốn tiếp tục công tác, chị phải làm đơn ly dị và trả lại 3 cháu cho anh ấy, nộp cho chúng tôi.

Vợ tôi bàng hoàng, không thể tin vào miệng của kẻ tự nhận thay mặt đảng và lãnh đạo dám nói những điều bất nhân, bất nghĩa đến như vậy. Thấy vợ tôi im lặng, trưởng phòng tổ chức Nguyễn Gia Hòa an ủi:
- Chúng tôi muốn giúp đỡ, cho chị lối thoát chứ không có ý gì khác.
Huỳnh Như Thùy, nhân viên phòng tổ chức, nhắc:
- Chị nghĩ kỹ, đừng để mất cơ hội. Viết xong nộp cho tôi.
Chuyện này đã từng xảy ra ở bệnh viện tôi.
Năm 1967, Ty y tế Hòa bình có 6 y sĩ người Campuchia, trong đó có y sĩ Trần Bình, -tên Campuchia tôi không rõ-, ở Bệnh viện Chống Lao bên xóm Rè, xã Thịnh Lang, là bạn thân của tôi. Tháng 5-1970, Quốc Vương Norodom Sihanouk bị Lon Nol lật đổ trong khi viếng thăm Paris, chính phủ Việt Năm Dân Chủ Cộng Hòa đưa tất cả người Campuchia sống ở Bắc Việt hồi hương. Trần Bình về Campuchia nhưng vợ Trần Bình ở lại, làm việc tại bệnh viện.
Từ khi Trần Bình về nước, Nguyễn thị Thoa không nhận được một lá thư nào của chồng cũng như tiền trợ cấp nuôi con.
Năm 1977, biên giới Việt nam-Campuchia đụng độ, quan hệ hai nước căng thẳng, cuối năm 1977, lãnh đạo bệnh viện gọi Thoa lên văn phòng, bảo, “trả con cho Trần Bình, có người đưa sang Campuchia. Thoa có quyền ly hôn và tái giá.” Tôi là bạn thân duy nhất của vợ chồng Bình, Nguyễn thị Thoa đến nhà tôi vừa khóc vừa kể và hỏi ý kiến. Chuyện này chịu, tôi không thể đưa ra một lời khuyên, tùy Thoa lựa chọn.
Đột nhiên, xẩm tối ngày mồng 4 tết nguyên đán 1979, một đoàn ba xe ô-tô sang trọng biển số ngoại giao ghé thăm, đỗ chật sân bệnh viện. Ban lãnh đạo ra đón tiếp mời vào phòng khách.
Tất cả ngỡ ngàng, y sĩ Trần Bình, bây giờ là bác sĩ thứ trưởng Bộ Y tế Campuchia sang thăm hữu nghị Việt nam, nhân tiện ghé thăm Hòa Bình tìm vợ và con gái. Thoa nghe tin, hớt hơ hớt hải đến nhà tôi hỏi ý kiến. Thoa đã đi bước nữa, tình cảnh trớ trêu, nhưng biết làm sao, không phải lỗi của Thoa.
Thoa khóc, tôi bảo, “Mình cũng đang sống dở chết dở chuyện người Hoa, không thể giúp gì được. Bình bây giờ, thứ trưởng của Campuchia, không còn là Trần Bình ngày xưa nữa.”
Tuy Trần Bình tha thứ tất cả, Bình bảo với lãnh đạo bệnh viện, do hoàn cảnh chiến tranh, khuyên Thoa quay về hưởng cuộc sống đoàn tụ, an nhàn, sung sướng. Thoa không quay lại, trả bé Trần Thu Hoa cho chồng, yên phận với người chồng thứ hai, công nhân lâm nghiệp nghèo khổ.
Chuyện vợ chồng Bình-Thoa năm xưa, bây giờ lãnh đạo bệnh viện lập lại kịch bản với vợ tôi.
Nhà tôi uất lắm, trả lời vỗ mặt:
- Các anh muốn làm gì thì làm, tôi thà mất việc chứ không làm đơn bỏ chồng, bỏ con.
Nói xong, đùng đùng đứng dậy bỏ về chẳng thèm chào ai. Tuần trước, tôi đang nghỉ phép, cậu Phạm Trọng Tới đến nhà bảo:
- Mời ông sang bệnh viện, ông Hòa muốn gặp.
Đang dọn dẹp, tôi bảo:
- Ơ hay, tôi đang nghỉ phép cơ mà.
- Ông nghỉ bù ngày khác, ông Hòa đang cần gặp gấp.
- Có chuyện gì mà gấp.
- Tôi không biết.
- Thôi được, anh cứ về, tôi sẽ đến.
Đến phòng tổ chức, tôi hỏi:
- Có chuyện gì mà ông cho cò Tới đến mời tôi.
Phạm Trọng Tới có biệt danh cò Tới vì tính cách nịnh bợ cấp trên như tên cò mồi bến xe.
Ra vẻ tử tế, Nguyễn Gia Hòa rót chén nước, giơ tay chỉ vào chiếc ghế, bảo:
- Anh cứ ngồi uống nước đã, chúng tôi muốn nhờ anh khai lại lý lịch.
Vẫn đứng, tôi bảo:
- Tưởng gì, chứ lý lịch tôi bác sang phòng tỗ chức ty thiếu gì. Bác biết tôi đang nghỉ phép, nhỡ đi Hải phòng thì làm sao?
- Tôi biết anh đang ở nhà nên mới phiền.
- Thôi được, bác muốn gì, làm luôn đi.
Lão ta lấy tập giấy kẻ, cỡ A4 trong ngăn bàn, cầm bút, vừa hỏi vừa cắm cúi ghi ghi chép chép. Ngồi xuống ghế đối diện, tôi chửi thầm, “Đồ ngu, mày lừa thế nào được tao.”  Hơn 2 giờ “hỏi cung”, y đưa tập giấy và bút bi cho tôi:
- Anh ký vào đây.
Tôi cười khẩy:
- Ông nghĩ tôi ngu đến mức ký vào tờ giấy này? Ký xong, chốc nữa ông viết thêm đủ thứ bậy bạ để tôi đi tù hả?
Mặt y đỏ bừng, bảo:
- Ơ hay, mấy tiếng đồng hồ của tôi mất công toi à?
- Đó là chuyện của ông. Ông biết, trình độ tôi hơn ông, chữ tôi đẹp hơn chữ ông. Tôi có mù chữ đâu mà cần ông viết hộ.
Tôi giằn giọng:
- Xin lỗi nhé, cái trò của ông rẻ tiền lắm.
Đứng lên, bước ra khỏi cửa, huýt sáo, ngoái đầu lại, giọng khinh bạc, tôi bảo:
- Tôi sẽ nghỉ thêm nửa ngày nữa đấy.
Cả bệnh viện đồn ầm chuyện này, ai cũng chê Nguyễn Gia Hòa ngu, giở trò khốn kiếp, khen tôi “rất cảnh giác.” Tình huống gấp rồi, gia đình tôi không còn chỗ dung thân. Tôi buộc phải làm đơn thôi việc, nghỉ theo chế độ mất sức, đang chờ thủ tục. Vợ tôi cũng có thể bị thôi việc bất cứ lúc nào.
Mấy tháng nay, thị xã Hòa bình, mọi người đồn ầm tin khủng khiếp, chính phủ đưa tất cả người Hoa vào khu tập trung ở tỉnh Lâm-đồng khỏi làm nội ứng cho quân Trung quốc xâm lược.
Ngay tối hôm ấy, bác sĩ Nguyễn Đức An, giám đốc bệnh viện đến nhà tôi, nói nhỏ, “Ông bà nên đi Hong Kong”. Chúng tôi biết nhau từ năm 1965 khi anh là trưởng khoa ngoại.
Tôi hiểu, anh ở thế kẹt, không thể giúp gì được, dù anh đang giữ chức giám đốc. Lời góp ý của anh xuất phát chân thành của người bạn, người anh.
Hai hôm sau, bác sĩ Vũ Như Đắc trưởng khoa ngoại, bác sĩ Đỗ Bình Dương trưởng khoa sản, ghé thăm, nửa nạc nửa mỡ, bảo, “còn chờ gì nữa, người Hoa ở Hà nội đua nhau đi Hong Kong ầm ầm.”
Năm 2004, đến thăm bác sĩ Nguyễn Đức An, đã về hưu, ở Hà nội, tôi hỏi, “Vì sao lãnh đạo các anh lại đối xử cạn tàu ráo máng với chúng tôi thế?” Anh bảo, chủ trương của tỉnh ủy, anh không thể giúp gì được.
Lạ thật, tôi chỉ là một công chức quèn, tại sao tỉnh ủy lại có chủ trương triệt hại gia đình tôi? PhảI chăng họ chấp hành nghiêm túc chỉ thị của trung ương đảng, của Lê Duẩn xua đuổi bài xích người Việt gốc Hoa dù chỉ là người dân lao động hay cán sự quèn?
Vợ chồng tôi quyết định đi Hong Kong, không thể ở lại được nữa, gấp lắm rồi. Nhưng phải giữ bí mật tuyệt đối kể cả với gia đình vợ, bởi vì những chuyện đau lòng đã xảy ra với gia đình anh Cao Toàn Phương và Chu Ứng Tường, người Hoa ở thị xã, dạy tôi bài học cảnh giác, bí mật với tất cả mọi người xung quanh.
Hai anh Cao Toàn Phương và Chu Ứng Tường đều là lái xe lâu năm của Công Ty Vận Tải Hòa Bình. Cả hai buộc phải nghỉ mất sức. Anh Phương tuyên bố sẽ đi Canada vì có bà con bên đó. Anh Chu Ứng Tường bảo, đến Hong Kong sẽ xin đi Mỹ.
Tin hai anh xin định cư Mỹ và Canada đồn ầm thị xã. Lập tức công an, chính quyền khu phố gây phản ứng. Đầu tiên, tên phó đồn công an đến nhà, đe: “Từ nay, anh chị đi khỏi khu vực phải trình báo.” Tự nhiên gia đình anh bị quản thúc, khu phố theo dõi 24/24.
Nhà cửa, đồ đạc giường, tủ, xe đạp, máy thu thanh…. bán không ai mua, ai cũng sợ mua đồ người Hoa. Trong khi đó cha mẹ, anh em nhà vợ nghe tin, từ quê lên chia tay, ở lỳ vài tuần, người xin xe đạp, người xin chiếc tủ… làm kỷ niệm. Đồ đạc chẳng còn gì bán để trang trải tiền thuyền. Có nghĩa, các anh chỉ có con đường duy nhất, ra đi với hai bàn tay trắng. Không có tiền nộp, chủ thuyền nào cho đi nhờ.
Đến thăm các anh, tôi hiểu rõ thảm cảnh của gia đình, vì thế vợ chồng tôi quyết giữ bí mật đến giờ phút cuối. Gia đình anh Chu Ứng Tường kẹt lại, không đi được, vì không đủ tiền.
Năm 2004 tôi đến thăm anh.
Kể chuyện cũ, anh thở dài, bảo, “mình chết kẹt chỉ tại cái mồm.” Còn tôi tung tin nghỉ mất sức, chuyển về quê vợ sau khi có sổ trợ cấp.
Sáng sớm ngày thứ Bẩy 26-4-1979 sau khi bán gần hết sách vở và đồ đạc, tôi đưa vợ và 3 đứa con ra bến xe đi Hà-nội cùng lá thư và địa chỉ gia đình nhà chị Chương hẹn chiều mai tôi sẽ đến đón.
Thu dọn nốt những thứ lặt vặt, đóng vào 3 chiếc hòm gỗ, gửi hàng xóm. Mọi chuyện coi như xong, gần 2 giờ chiều tôi lên phòng Tổ chức, gặp ngay Giang Bình cán sự hành chính đang hút thuốc lào. Tôi nói:
- Bác cho tôi giấy giới thiệu lên đồn công an cắt hộ khẩu.
Rít xong một hơi thuốc, phả làn khói xanh qua hàng răng vàng ố, mở ngăn kéo, lấy sổ giấy giới thiệu, lão cầm bút nắn nót, chậm rãi viết như học trò cấp I, tôi bảo:
- Bác cứ ghi, cắt hộ khẩu theo đơn xin di chuyển.
Lão không ngờ đấy là trò lừa, đơn di chuyển của tôi xin đi Hong Kong, đâu có về quê vợ như lão vẫn tưởng. Cầm tờ giấy giới thiệu: Cắt hộ khẩu theo đơn di chuyển, tôi mừng vô hạn. Nhưng chưa xong, còn việc nữa, làm sao lấy giấy cắt hộ khẩu đi Hong Kong ở đồn công an thị xã mà bệnh viện không biết, dù có biết, phải hết giờ làm việc, tránh lôi thôi, khó dễ.
Từ đầu năm 1979, chính phủ Việt nam có văn bản chính thức cho phép người Hoa đi nước ngoài, thành phố đông người Hoa như Hà-nội, Hải-phòng, Nam Định, Quảng Ninh… ai cũng biết, riêng tỉnh Hòa Bình không ai dám bàn tán công khai.
Tôi được gia đình ông chú ở Hải phòng gửi cho, vẫn dấu kín, giờ có giấy giới thiệu trong tay, tôi cầm theo thông tư đó, đến đồn công an kèm đơn xin đi Hong Kong. Tôi đứng vơ vẩn ngay sát chợ Phương Lâm gần đồn thị xã chờ cuối giờ làm việc.
Nhìn đồng hồ tay, 5 giờ kém 15 phút, tôi bước vào. Người sĩ quan công an phụ trách thường trực hôm ấy, thiếu úy Bùi thị Mến đang thu dọn hồ sơ chuẩn bị nghỉ, sắp hết giờ làm việc.
Sau khi nghe tôi trình bày và đưa giấy giới thiệu, đơn xin đi Hong Kong, thiếu úy Bùi thị Mến nghẹn ngào, nói:
- Chắc anh không nhớ, chứ em quên ơn anh sao được. Cách đây 4 năm, nửa đêm anh và bác sĩ Dương đã đi xe cấp cứu về bệnh viện Tân Lạc mổ đẻ cứu mẹ con em.
Mừng quá, gặp quý nhân phù trợ còn gì nữa!
Tôi vui lắm, bảo:
- Thôi bây giờ đến lượt em giúp anh chị và các cháu, anh cũng không bao giờ quên ơn này của em.
Mắt thiếu úy Mến ngấn lệ:
- Vâng, em sẽ giúp.
Cô lấy tập giấy chuyển hộ khẩu, vừa viết vừa nói:
- Đây là chủ trương của đảng và chính phủ, chúng em chả biết làm thế nào, có phải người Hoa nào cũng phản động đâu.
Đưa cho tôi tờ giấy, cô bảo:
- Anh phải thu xếp đi ngay, hết giờ em phải báo cáo ty, họ sẽ cử người đến bệnh viện khám nhà đấy.
Bắt tay tôi bằng cả 2 bàn tay, nghẹn ngào cô nói:
- Chúc anh chị và các cháu lên đường bình an, may mắn.
Mắt tôi cũng ngấn lệ, mũi cay xè, tôi xiết chặt tay cô, cám ơn rồi vội vã ra cửa.
Căn nhà trong khu tập thể tôi bán rẻ gần như cho không, có 300 đồng, từ mấy hôm trước cho Nguyễn Văn Đức, nhân viên nhà giặt, hẹn Chủ nhật giao.
Tôi về lấy chiếc ba-lô, túi xách, khóa cửa hờ không ai biết. Vừa rẽ vào ngõ Gốc Gạo, phường Đồng Tiến, tôi nhìn thấy chiếc xe công an từ thị xã phóng nhanh về phía bệnh viện.
Tôi đến nhà anh bạn thân, Nguyễn Văn Vân, giáo viên trường trung cấp sư phạm tỉnh. Hôm trước, tôi bán cho anh chiếc vô tuyến đen trắng 15 inch, bằng nửa giá làm kỷ niệm, hẹn đêm nay nghỉ nhờ để sáng sau đi Hải-phòng sớm. Bỏ ba-lô, túi xách xuống, tôi bảo anh đến nhà gỡ cần ăng-ten nhân tiện thăm dò hộ tôi.
Gần 2 giờ sau, anh về, bảo, cả bệnh viện nhốn nháo tôi xin đi Hong Kong, vợ chồng tôi ghê thật, bí mật hơn gián điệp. Hai sĩ quan công an đến bệnh viện họp với lãnh đạo.
Người trong khu tập thể bệnh viện, trường y tế đổ sang vây kín, bàn tán, đồn thổi đủ thứ tin xấu xa.
Tôi bỗng nhiên trở thành trung tá đặc vụ nhị trùng của Mỹ và Trung quốc nằm vùng, phụ trách đường 6 mấy chục năm không ai biết, kể cả ty công an. Tôi, kẻ địch thật nguy hiểm chui trong hàng ngũ y bác sĩ bệnh viện,  ty y tế.
Ghê gớm chưa! Khủng khiếp chưa!
Người mua nhà của tôi không được nhận nhà dù có giấy viết tay, Nguyễn Đình Mão tuyên bố, tịch thu xung công quỹ. Nguyễn văn Đức mất tiền, ai bảo dại mua đồ người Hoa.
Đức không chịu thua, tịch thu ngay đôi thùng gánh nước bằng inox, vỏ thùng nhiên liệu máy bay Mỹ, một số đồ đạc bán ế tôi cho gia đình vợ gửi nhà hàng xóm.
Sáng sớm hôm sau tôi về Hải phòng đón vợ con tìm thuyền đi Hong Kong.
Về đến Hải Phòng mới thấy lãnh đạo nhiều cơ quan đoàn thể, anh em đồng nghiệp người Việt không nơi nào đối xử tàn nhẫn, đê tiện, khốn nạn với người Hoa như bệnh viện tôi. Trước khi phải thôi việc, lên thuyền đi Hong Kong, bạn bè cùng cơ quan, xí nghiệp có cuộc chia tay tiễn biệt thật cảm động, chẳng ai phải lẩn lút, lừa đảo lấy giấy cắt hộ khẩu như tôi.
Phải chăng ở Hải phòng dân số người Hoa có tới vài vạn, còn tỉnh Hòa Bình chỉ có 26 gia đình trơ trọi trước bọn mãnh thú đội lốt người, tác yêu tác quái thế nào chúng tôi cũng phải chịu.

Tổng số lượt xem trang