Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Lâm Hoàng Mạnh – Buồn vui đời thuyền nhân (9)

Chương 9
Mở cửa tương lai

Cuối tuần rất nhiều tình nguyện viên đến trại thăm hỏi, kèm cặp Anh ngữ. Những ngày đầu chúng tôi vui như hội, mỗi gia đình có 2 tình nguyện viên. Gia đình tôi có bà Margret và bà Helen đến dạy Anh ngữ. Bà Margret là dân địa phương, trên dưới 60, có lẽ lần đầu tiên tiếp xúc người Việt, bà viết chữ cái từ A đến Z bằng bút chì vào cuốn vở mang theo, bảo vợ chồng tôi tập tô.
Nhìn hàng chữ, gà bới gọi bằng cụ, tôi mỉm cười và viết nắn nót một câu “I’ve been learning English about few months”. Chữ tôi quá đẹp, cứng cát như một thày giáo thực thụ. Đôi mắt bà mở to kinh ngạc, tưởng chữ Việt Nam ngoằn ngoèo như con giun (Ả-rập, Ấn Độ) hay ngang bằng, sổ dọc như chữ Tàu, chữ Nhật, chữ Hàn, ai ngờ học trò chữ hơn đẹp hơn thày.


Bà hỏi tôi về chữ Việt, tôi kể sơ qua nguồn gốc, từ đó bà giúp gia đình tôi hội thoại. Khốn nỗi, giọng bà đặc sệt xứ Scotland, khó nghe, khó phát âm, không hấp dẫn. Hơn nữa, cả tuần đi học, ngày nghỉ muốn đưa tụi trẻ đi chơi, trốn vài lần, bà thôi không đến.
Trong số tình nguyện viên có anh chàng Tim Dawdage, khoảng 20, người London, sinh viên trường Đại học Edinburgh, vui vẻ cởi mở. Thanh niên quý mến anh lắm, trưa chúng tôi mời dùng bữa, anh vui vẻ nhận lời. Một lần, anh ngồi bàn có món đậu phụ nhự, món này tôi cũng chịu, không nuốt nổi. Đậu phụ nhự, một món ăn truyền thống của người Hoa nghèo, hình vuông, to hơn đầu ngón tay cái, mặn kinh khủng, cay cay và thum thủm. Khi ăn, chỉ nhấm miếng hơn đầu con ruồi, và một miếng cơm thật to, mới đỡ mặn. Có nghĩa, một miếng đậu phụ nhự xong một bữa cơm. Thấy mọi người nhấm nháp có vẻ ngon lắm. Anh ra hiệu muốn thử, cậu Đức gật, giơ ngón cái làm hiệu Number One. Tim cho cả miếng vào mồm nhai, nhè ra sợ mất lịch sự, đành nuốt, nước mắt nước mũi trào ra. Ây thế Đức tai quái, hỏi, “Good isn’t it?” Tim gật, hai hàng lệ lã chã trên má. Tôi nói nhỏ, “ác thế”, lấy cốc nước lọc đưa cho Tim.
Nhiều món ăn truyền thống của người Hoa như đậu phụ nhự, tàu-xì và cá mặn tẩm thuốc, tôi không bao giờ đụng đũa. Món cá mặn tẩm thuốc rất đắt, người Hoa thích lắm. Bữa cơm thường xắt một khúc bằng 2 ngón tay, hấp cơm. Không có, coi như bữa mất ngon. Các siêu thị Tầu đều bán, nhìn ngoài như cá khô bình thường, chỉ khác đầu cá có quấn lá hay ni-lông chứa thuốc Bắc. Gắp miếng cá, cắn một tí, mùi thum thủm khó chịu tiết ra, mặn chát, thịt mủn như thể cá ươn thối lâu ngày mới đem phơi. Cả họ nhà tôi giơ tay hàng món “quốc hồn quốc túy” Trung Hoa này.
Nhiều món “quốc hồn quốc túy” Việt Nam, thịt chó mắm tôm, các loại tiết canh (lợn, chó, vịt, ba ba…), thịt rắn, gỏi cá, kể cả nem chua… tôi cũng xin kiếu, đầu hàng vô điều kiện.
Gần Tết Nguyên đán 1967, một đoàn y tế Việt Nam từ chiến trường Lào về nước, trước khi về, mổ lợn liên hoan. Con thứ nhất, thịt vàng như nghệ. Chôn. Con thứ hai, thịt bình thường -kiểm tra bằng mắt- OK. Các món xào xáo, nuớng… đều chín, riêng món tiết canh không thể luộc hay xào. Về nước, ba tháng sau, cả 7 người đều mắc bệnh. Ba người đau đầu, mờ mắt, chết. Mổ xác: giun xoắn và ấu trùng đầy hai bán cầu não. Số còn lại, dưới da sần từng cục, khều, giun xoắn bật ra. Giai đoạn ấy Việt Nam chưa có thuốc đặc trị, chờ chết. Bộ trưởng y tế, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch có văn bản chính thức cảnh cáo toàn quốc đoàn cán bộ y tế công tác Lào, ăn sống nuốt tươi -tiết canh-, tạo gương xấu cho dân. Chết còn bị cảnh cáo, chỉ vì ăn. Đau xót quá chừng!
Làm trong bệnh viện nhiều năm tôi đã chứng kiến rất nhiều người chết vì ngộ độc thức ăn.
Hè năm 1962, một ông đạp xích lô mua 1 hào 5 con cà-rá -một loại con ghẹ có lông ở càng- đã luộc sẵn bán rong trên đường. Nhà ông 4 người, ông thương thằng con út nên phần cà-rá của ông nhường cả cho con. Cả nhà ông mắc bệnh tiêu chảy rất nặng-miệng nôn trôn tháo- đưa vào Bệnh viện Bạch Mai thì đã quá muộn. Ôm xác vợ và 2 con ông nghẹn lời trong tiếng nức “Một hào cà-rá mà cả nhà chết thảm thế này. Trời ơi là trời!”
Năm 1967, bệnh viện tôi phải cấp cứu 17 người ở Nông trường Cao Phong ngộ độc vì ăn hạt vải rừng nướng. Quả vải rừng trông rất giống quả chôm chôm trong Nam, ăn quả không sao, có vị chua chua, nhưng ăn hạt rất độc. Rất may không ai bị thiệt mạng.
Hàng năm bệnh viện chúng tôi cấp cứu do ngộ độc thức ăn như nuốt mật lợn, mật cá trắm, ăn tiết canh, gỏi cá, lá ngón…
Tôi đã ăn thịt chó bao giờ chưa? Có, bất đắc dĩ.
Lần thứ nhất, năm 1966, hơn một tháng nhà bếp chỉ có canh đu đủ xanh nấu muối với bột ngọt, tép khô, tất cả chúng tôi đều thèm thịt. Nhà bếp thương anh em, mua chó. Cơ quan vài người từ trước không ăn món này, trong đó có tôi và bác sĩ Mô. Chúng tôi thì thầm, “lâu rồi thiếu đạm, ăn thử, khoái khẩu ăn nhiều, còn không nếm qua loa.” Trước bữa ăn, y tá Nam quảng cáo món mộc tồn, “thịt gà dính kẽ răng, sau 1 ngày xỉa tăm đã hôi mù; thịt chó 7 ngày xỉa ra, vẫn thơm phức!”
Bữa liên hoan thịt chó hôm ấy lại sảy ra chuyện mà tôi nhớ đời. Đang ăn, đột nhiên kẻng báo động có máy bay Mỹ vang lên. Đèn măng-sông –Manchon- tắt phụt nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục ăn. Đột nhiên bác sĩ An kêu to: “Thịt nấu thế nào mà toàn xương và nhạt thế?” Y tá Hiên nhìn xuống mâm rồi cười: “Thôi chết rồi, anh gắp phải đĩa đựng xương còn gì nữa.”Hóa ra, chẳng có đèn đóm, ăn mò trong bóng tối, bác sĩ trưởng khoa chúng tôi toàn “gặm lại” trong bát đựng xương.
Lần thứ hai, năm 2004, sau 25 năm về Việt Nam thăm thân nhân bên ngoại và bạn bè cũ. Một cậu bác sĩ vốn là nhân viên cũ đến tận khách sạn mời bằng được dự bữa cơm mừng tái ngộ. Nể quá, nhận lời. Sau chầu bia, Thắng trịnh trọng tuyên bố, ở nước ngoài một phần tư thế kỷ, chắc anh chị thèm món đặc sản quốc hồn quốc túy, đêm nay chúng em xin đãi anh chị. Chưa hiểu món gì, Thắng đưa chúng tôi sang phòng ăn. Một mâm “mộc tồn” đủ 7 món, tiết canh, nhựa mận, chả nướng, lòng, thịt luộc, xiên nướng, ninh, bát bún tươi đầy ắp, đĩa giềng tươi thái mỏng và hai bát mắm tôm chanh ớt, hai chai rượu nút lá chuối khô. Phải nói đây là bữa nhậu hết ý, đầy thiện tình của bạn bè. Thấy tôi chững lại, mặt bắt đầu xám dần, vợ Thắng biết ý, hỏi, nhà tôi bảo, “Anh ấy ít ăn.” Thắng ra lệnh, “Thôi dẹp, chúng em làm món khác.” Tôi gạt phắt: “Anh chị ít ăn, nhưng hôm nay sẽ nhiệt tình, khỏi phụ tấm lòng cô chú.” Tôi cố gắng nhấm nháp, uống rượu nhiều, đẹp lòng bạn hiền.
Tại Wishaw, hàng chục các cô gái mới lớn, 15, 16 quanh vùng đến trại làm quen, thanh niên trong trại được dịp vừa học hội thoại vừa tán tỉnh. Đùa cợt nhảm nhí mà cuối năm, mấy đôi lấy nhau bất đắc dĩ, ăn cơm trước kẻng. Các cô cậu không nghề nghiệp, lĩnh trợ cấp dài dài, báo hại nhà nước hàng chục năm.
Sau hơn ba tháng, trại bắt đầu tìm nhà để các gia đình ra định cư. Tin này tung ra, các gia đình bắt đầu nịnh vợ chồng anh Hoàng ra mặt. Vợ anh Hoàng, chị Liên, càng được dịp, kín kín hở hở chuyện quyền lực của chồng, ảnh hưởng tốt xấu nơi định cư và trại chia đồ của bố thí. Làm phiên dịch ở trại tôi kể ra cũng nhàn. Ngày hai buổi lên lớp, cuộc sống phẳng lặng, chẳng ai thắc mắc, gây gổ… Thỉnh thoảng có công văn, chỉ thị cấp trên, trưởng phó trại nói chuyện mới cần thông dịch. Phân công nấu ăn, dọn vệ sinh công cộng, với danh nghĩa trưởng đoàn, tôi đã lên lịch từ những ngày đầu tiên nhập trại, mọi người chấp hành nghiêm chỉnh.
Thế mà chẳng biết sao, hơn tháng sau, chị Liên vợ anh Hoàng được nhận làm phiên dịch với lý do, biết tiếng Quảng, tiếng Việt.
Thấy thái độ khúm núm, gọi dạ bảo vâng của nhiều người, tôi ngán ngẩm quá. Tuy thông cảm phần nào, nhưng không chấp nhận chuyện nịnh nọt đến thô bỉ, trưởng phó trại đều nhận thấy. Có cô, mỗi lần đi giặt, hỏi, “Chị Liên có đồ giặt không, em giặt cho một thể.” Tuy không phải giặt tay, có máy giặt, Liên đâu có đui què mẻ sứt mà phải giúp. Bữa ăn, nhiều gia đình đến phiên, nấu riêng món vợ chồng Hoàng khoái khẩu. Vợ chồng Hoàng có cháu trai 6 tháng, kháu khỉnh, các cô các bác thay nhau ẵm, quấy bột, cho ăn hàng ngày.
“Người ta lớn chỉ vì ngươi quỳ xuống”(1), một hiền triết nói không sai.
Một lần, trong lúc vui vẻ, tôi nói xa xôi, khuyên đừng tự hạ thấp mình, cùng tỵ nạn, có phải đầy tớ đâu mà cơm bưng nước rót, quét nhà ẵm em. Đến tai vợ chồng Hoàng. Họ không hài lòng ra mặt. Tôi khinh, không chấp, y không phải đối thủ của tôi. Võ mồm, tôi từng là bí thư đoàn thanh niên cộng sản nhiều năm. Võ biền, là trưởng tộc, các cụ truyền vài miếng độc phòng thân. Từ nhỏ đến nay, chưa hề đánh lộn, nhưng chưa biết sợ ai. Tôi từng bị bí thư, phó bí đảng ủy cơ quan trù úm đâu có ngán, huống chi anh chàng thông dịch tạm tuyển quèn, không quyền hành, vài tháng nữa mỗi người một phương. Vui, hữu hảo. Không vui, vĩnh biệt.
Nhớ ngày đầu tiên lên tỉnh Hòa Bình nhận công tác, nộp hồ sơ xong, tôi đưa giấy giới thiệu sinh hoạt lớp đối tượng Đảng. Ông Giang Bình trưởng phòng tổ chức, bảo, “Bác Tứ bệnh viện phó, (nhấn mạnh), nhưng chỉ là đảng viên thường, mình tuy chỉ là trưởng phòng tổ chức hành chính, nhưng là phó bí thư đảng uỷ. Bác sĩ Huỳnh là bí thư, kiêm bệnh viện trưởng. Đồng chí là cán bộ đoàn thanh niên, cánh tay đắc lực của Đảng, đang lớp đối tượng, nay mai sẽ đứng trong hàng ngũ quang vinh.”
Tôi ngồi im lắng nghe, chưa hiểu ý phó bí thư đảng bộ muốn gì. Ngừng một lát, lão rút trong ngăn kéo cuốn sổ tay cỡ 9 x 12, bảo, “Bệnh viện ta tình hình rất phức tạp, nhất là tầng lớp y bác sĩ.” Lão đưa cuốn sổ tay cho tôi, tiếp, “Nếu thấy y bác sĩ nào bàn tán, nói xấu, ghi lại rồi báo cáo tôi. Đồng chí làm được chứ?”
Tôi không tin vào tai mình câu nói khốn nạn đó.
Là một đoàn viên thanh niên (sau năm 1969, đổi tên Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh) từ lâu tôi coi cán bộ đảng viên là những con người hoàn thiện, đáng ngưỡng mộ, không ngờ thần tượng ấy đã bị đốn ngã từ ngày tôi bước vào đời công chức. Lão già phó bí thư đảng ủy này khốn nạn quá, cứ tưởng đưa mồi nhử vào Đảng ai cũng quỳ gối chắc. Tôi đỏ mặt, vừa uất vừa tức, chân ướt chân ráo, lão đã định biến tôi thành chó săn vô liêm sỉ. Tôi từ chối thẳng thừng.
Từ đó bị trù úm, tôi cóc sợ, cóc cần vào Đảng.
Từ 1965 đến 1970, Ty Y tế tỉnh tôi chỉ có 2 bác sĩ đảng viên.
Người thứ nhất: Phó ty Hà Hữu Tiến, biệt danh: “Ông Ba Phải.” Bởi vì bất cứ chuyện gì phản ảnh, ông không bao giờ tự quyết. Lấy ý kiến, tập thể lãnh đạo, bảo A, ông giơ tay A, bảo B, ông lại giơ tay B, ông thật hiền, chẳng giúp ai, chẳng hại ai, vô tích sự. Có cậu y tá phong trào hỏi mách qué, ông không giận. Khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ tháng12-1946, ông đang học tú tài, theo kháng chiến. Năm 1951 ông học lớp y sĩ khóa 2 của nước VNDCCH, hòa bình lập lại, ông làm trưởng ty, chưa vào Đảng vì bố ông, địa chủ. Năm 1959, ông đi học bác sĩ chuyên tu, ra trường về làm phó ty. Ai cũng cười, y sĩ trưởng ty, bác sĩ làm phó ty.
Trung thu 1961, hồi ấy ông chưa vợ ngồi hóng mát với anh em trong khu tập thể, cậu Hà nửa nạc nửa mỡ, ỡm ờ bảo:
- Nếu phó ty không giận, cho em hỏi một câu.
Bản tính hiền lành, ông cười:
- Cứ hỏi, vài câu cũng được, chứ gì một câu.
Cậu y tá Hà gãi đầu, gãi tai:
- Thôi, nhỡ anh để bụng, chết em.
Mấy anh ngồi quanh:
- Có cái gì nói toạc ra, cứ ấp a ấp úng, sốt cả ruột.
- Nhưng có thật thủ trưởng không trù đấy chứ.
- Cái thằng, tớ đã bảo không là không cơ mà.
- Dạ, em nói khí không phải, anh… học dốt lắm.
Tất cả đám giật mình, cái thằng, hỗn!
Vẫn gãi đầu gãi tai, cậu Hà thủng thẳng:
- Thật, em nói anh đừng giận, người ta đi học mỗi năm một lớp, anh học 3 năm vẫn ở lớp cảm tình, vừa rồi anh còn bị rớt luôn. Không lên lớp mà còn tụt, chả học dốt là gì.
Phó ty Tiến mặt đỏ dần, nhưng cười không nói gì.
Chuyện này rùm beng, đến tai tỉnh uỷ, nhờ thế, năm sau ông được kết nạp Đảng, giữ chức phó ty đến về hưu.
Trong 14 năm, ty tôi thay nhiều đời trưởng ty, không ai có bằng bác sĩ.
1. Trưởng ty Trần Hữu Phúc.
Ông nguyên là thày giáo cấp một, mở trường tư thục L’Ecole de Pétain ở thị xã. Kháng chiến bùng nổ ông tham gia cách mạng, học y tá. Làm trưởng ty mười năm -từ 1959 đến 1969.
2. Trưởng ty Bùi văn Phiệt – người Mường. Tham gia cải cách ruộng đất, học Bình dân học vụ. Từ cán bộ huyện Lạc Sơn học bổ túc văn hóa, học trường đảng sơ cấp, về Ban Tuyên Huấn tỉnh, làm trưởng ty từ năm 1969 đến 1974, nổi tiếng hách dịch, biệt danh Bùi Quân Phiệt.
Năm 1973, sau khi Hội nghị Paris được ký kết, bệnh viện chúng tôi từ trong rừng chuyển về cơ sở cũ. Một buổi tối Thứ Bẩy, chúng tôi đang nói chuyện phiếm ở phòng bác sĩ Bùi Thế Trung. Đột nhiên trưởng ty Bùi văn Phiệt xuất hiện ngay cửa. Bác sĩ Trung nói rất to và nhanh:
- Quý hóa quá, hôm nay mới được trưởng ty hạ cố đến thăm anh em. Xin mời thủ trưởng vào chơi. Đúng là “tôm đến nhà rồng.”
Trưởng ty Phiệt tưởng bác sĩ Trung nịnh,“rồng đến nhà tôm”. Ông cười thật tươi:
- Gớm các bác sĩ khách sáo thế, làm gì mà “rồng với tôm.”
Vẫn cười, bác sĩ Trung lại nói rất nhanh:
- Thủ trưởng sang thăm anh em thì chả đúng“tôm đến nhà rồng” là gì.
3. Trưởng ty Nguyễn thị Hiền – người Mường. Từ cán bộ phụ nữ huyện, khi chồng là Bạch Bá Năng lên chức Trung tá Tỉnh đội trưởng, được cử làm trưởng ty từ 1974-1976.
Thời kháng chiến chống Pháp thị xã Hoà bình chỉ có 4 y tá không có y bác sĩ.
1. Y tá Nguyễn văn Hậu – còn có tên Đinh Công Hậu. Sau trở thành Ủy viên dự khuyết Trung ương đảng, bí thư tỉnh Hà-Sơn-Bình (Hoà-bình sát nhâp Hà Tây năm 1978 đến 1986).
2. Y tá Trần Hữu Phúc, trưởng ty y tế cho đến năm 1969.
3. Y tá Lương Thế Trung. Hiệu trưởng Trường Cán Bộ Y Tế tỉnh Hoà Bình
4. Y tá Quách Điển. Sau khi học y sĩ hàm thụ tại chức 1963 làm phó ty cho đến khi về hưu.
Quách Điển tuy có bằng y sĩ, chuyên môn chẳng biết gì nhưng rất hách dịch, trả thù vặt cấp dưới.
Hè năm 1973, một buổi trưa tôi đang ăn cơm với vợ con trong khu tập thể, bỗng nhiên phó ty Quách Điển xộc vào, đứng ngay cửa nhà tôi sẵng giọng:
- Anh Mạnh, khoa ngoại không có ai trực là thế nào?
Thời gian ấy tôi phụ trách phân công y-bác sĩ trực toàn viện.
- Y sĩ Hý trực hôm nay. Có chuyện gì thế, bác Điển?
- Thằng con tôi bị tai nạn, không có ai trực khoa ngoại. Anh sang ngay với tôi.
Bực mình vì chuyện không đâu, phải bỏ dở bữa ăn, tôi đành theo phó ty sang khoa ngoại xem sự tình.
Một cháu trai khoảng 12 tuổi, ngã trầy đầu gối do đá bóng, đang được y sĩ Hý rửa vết thương trong phòng thay băng. Nhìn thấy tôi đi cùng với phó ty Quách Điển, Hý hiểu chuyện gì rồi. Cậu ta lấy cái kẹp lôi ra một sợi bông dính ở vết thương, gí vào mặt phó ty, bảo:
- Bác Điển có thấy không, cả cái gai mồng tơi đâm vào đây này.
Tôi không dám cười, sợ phó ty hiểu sự xỏ xiên. Nét mặt Quách Điển cau lại.
Sau khi băng và tiêm phòng uốn ván, Hý cho cháu bé về. Nhưng phó ty Quách Điển không đồng ý, yêu cầu phải cho nằm lưu lại để theo dõi thêm.
Trẻ con đá bóng ngã xước da, chảy tí máu ở đầu gối là chuyện bình thường. Hồi tôi bằng tuổi cháu, đầu gồi tôi có bao giờ lành vết thương.
Chuyện vặt mà phó ty làm rùm beng. “Con nhà giàu giẵm phải gai mồng tơi bằng thuyền chài lòi ruột.” Hơn nữa, việc sơ cứu chấn thương ở phòng trực cấp cứu khu phòng khám. Phó ty đã “vượt rào” theo nội quy của Ty đề ra.
Quách Điển về, tôi bảo y sĩ Hý:
- Cẩn thận đấy, lão Điển chúa thù vặt.
Sáu tháng sau, y sĩ Hý bị chuyển xuống huyện Yên Thuỷ, một huyện vùng sâu vùng xa sát Ninh Bình, cách thị xã Hòa Bình gần 100 km, trong khi đó quê của Hý ở Chương Mỹ, Hà Đông
Ty tôi có đến bốn phó ty. Một buổi tối Thứ Bẩy năm 1966, phó ty Nguyễn vănThoan đến nói chuyện tình hình chiến sự và chính trị với toàn thể cán bộ công nhân viên chức bệnh viện tỉnh sơ tán trong rừng. Giai đoạn ấy máy bay Mỹ ném bom các tỉnh miến Bắc rất ác liệt, chủ trương của đảng và chính phủ đề ra phải thường xuyên làm công tác dân vận để cán bộ nhân dân yên tâm sản xuất và chiến đấu.
Sau khi nói chiến công vang dội của các chiến trường miền Nam, phó ty Thoan chốt lại:
- Như các đồng chí đã thấy, dân tộc ta rất anh hùng. Như đồng chí Lê Lợi, tức vua Quang Trung đã từng đánh thắng 20 vạn quân Nam Hán.
Tất cả anh em chúng tôi mắt tròn mắt dẹt vì không thể tin vào tai mình. Ba sự kiện lịch sử lớn như vậy mà phó ty cũng không nhớ. Không dừng ở đây, cao hứng, phó ty Thoan nói tiếp:
- Bọn phản động đánh phá chúng ta không chỉ bằng bom đạn, mà còn cả những lời tuyên truyền độc địa, nhất là đài ABC của Anh quốc.
Hết chịu nổi, tất cả y bác sĩ chúng tôi đồng thanh nói to “đúng là đài abc thật.”
Người thứ 2 là đảng viên có bằng bác sĩ là Vũ Ngọc Huỳnh, Viện trưởng Bệnh viện tỉnh. Từ cứu thương, học y tá, lên y sĩ làm ở phòng nghiệp vụ tỉnh Nam Định. Năm 1962, học chuyên tu 18 tháng, lớp bác sĩ tổ chức. Tốt nghiệp, làm bệnh viện phó tỉnh Hòa Bình sau một năm, làm viện trưởng. Chuyên môn chả biết con khỉ gì, nhưng đấu đá, kèn cựa với lãnh đạo ty, cỡ heavy-weight class. Làm giám đốc được 4 năm, Vũ ngọc Huỳnh mất chức, chuyển sang phụ trách trường Cán Bộ Y Tế vì tội gây bè phái, đấu đá tranh giành chức phó ty.
Cái danh đảng viên như một món hàng trang sức xa xỉ, kệnh cỡm, người trí thức không ham, nhưng nó là bả vinh hoa, người đời mê muội. Thời ấy có câu: “Trí thức vào Đảng khó hơn con bò chui qua lỗ kim.” Đó là sự thật, sự thật trần trụi, đến ghê tởm.
Cánh cửa vào Đảng rất hẹp, hẹp đến mức muốn qua được người ta phải quỳ, bò, thậm chí phải biến mình thành một thứ sâu bọ thân mềm. Đối với trí thức, khó gấp nhiều lần, nếu ai qua được lỗ cửa hẹp, bên trong, con đường rộng thênh thang của danh vọng, quyền lực.
Quốc hội Việt Nam, đến hôm nay, vẫn trên 90% đại biểu là đảng viên cộng sản. Muốn làm cán bộ lãnh đạo từ cấp xã, phường đến tỉnh, trung ương trước hết phải vào Đảng, năng lực tính sau. “Đảng ta là đảng cầm quyền”, cụ Hồ đã xác nhận trong Di chúc.
Thượng úy Thịnh, tâm sự, “Anh thẳng tính quá, thiệt thân.” Có nghĩa, nơi gia đình tôi ra định cư sẽ là nơi khỉ ho, cò gáy, chẳng được trại chia cho tủ lạnh, máy giặt… chỉ vì tôi làm mất lòng vợ chồng thông dịch.
Tôi cười, bảo ở Việt Nam tôi đã từng đấu tranh với lãnh đạo cơ quan, có chức có quyền còn chả sợ, bây giờ phải quỳ gối, nịnh bợ vì vài thứ giẻ rách, nhục lắm. Không đời nào!
Tất cả các gia đình lần lượt ra định cư, trại nhận người mới từ Hong Kong. Gia đình tôi về Livingston, một thị trấn mới xây 1970, gần 100% thất nghiệp, dân nghèo, xa trung tâm thương mại, mọi thứ đều bất tiện.
So với các gia đình khác, tôi và 2 gia đình nữa thuộc loại xấu số nhất. Đối với tôi thế là hạnh phúc.
Hơn một năm vô gia cư, từ nay chúng tôi có mái ấm gia đình, ra khóa vào mở, chẳng phiền ai. Các con tôi kịp ngày khai giảng niên học mới 1980-1981 ở Knightridge Primary School, điều mà tôi vui nhất.
Tương lai, hy vọng đang ở phía trước.
Từ nay chúng tôi tự định đoạt cuộc đời mình.
_____________________________________________
 (1) Ý thơ Marat, Tố Hữu chuyển ngữ trong Hãy Đứng Dậy, 1938



Tổng số lượt xem trang