Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Lâm Hoàng Mạnh – Buồn vui đời thuyền nhân (10)

--Chương 10
Knightsridge
Cuối thập niên 1950, kinh tế Vương quốc Anh phát triển mạnh mẽ. Nhiều nhà máy, xí nghiệp hiện đại được xây dựng, lao động có tay nghề, lao động phổ thông thiếu trầm trọng.
Năm 1958 chính phủ Anh cho phép người dân Jamaica nhập cư. Đầu thập niên 1970, nhận thêm người Ấn Độ, Pakistan… Dân số bùng nổ, nhà nước xây dựng nhiều khu chung cư. Thị xã, thị trấn mới ra đời. Livingston, một trong những thị xã xây dựng cuối thập niên 1960, không ngờ những năm 1977, 78 , 79, Công Đảng -Labour Party- cầm quyền, kinh tế suy thoái, một số nhà máy, xí nghiệp gần khu Livingston phá sản, số mới đình chỉ xây dựng.

Nạn thất nghiệp tăng chóng mặt, xứ Scotland tỷ lệ thất nghiệp cao nhất toàn Vương Quốc Anh.

Livingston là thị xã lớn nhất của tỉnh West Lothian, gồm 10 tiểu khu (phường): Carmondean, Craigshill, Howden, Dedridge, Ladywell, Dean, Knightsridge, Murieston, Adambrae, Eliburn và Deer Park, trong số đó phường Knightsridge xây dựng cuối cùng, nghèo nhất, tỉ lệ thất nghiệp rất cao. Đặc biệt, nhà chỉ có một mái, nếu thu nhỏ lại, giống như lều hay quán cóc bến đò quê Việt nam. Tuy sống ở miền Bắc nghèo khó nhưng chưa nhìn thấy nhà xây một mái. Trông kỳ kỳ, vô duyên thế nào.
Nhưng thôi, tôi tự nhủ, lều ăn mày mà tường gạch mái ngói, máy nước bể tắm, nhà bếp, lò sưởi… là tuyệt vời rồi. Vợ tôi ngán lắm, tôi động viên, ăn mày mà đòi xôi gấc!
 Dẫy nhà hai bên xây sát nhau, lối đi giữa lát paving-slab rộng chừng hơn mét, giống hệt đường trong làng quê vợ tôi. Hai dẫy nhà đối diện cách nhau chưa đầy 4 mét, cửa nhà nọ đối diện chênh chếch nhà kia, mở cửa, hai nhà nhìn thẳng tuột dễ dàng.
Chính vì thế tên đường phố là Way chứ chẳng phải Road, Street hay Avenue.
Khu Knightsridge có chừng 12 Way, đặt theo tên dòng họ lớn: Davison Way, Logan Way, Morrison Way, Graham Way… tôi ở Linsay Way, ngay sát phía ngoài cùng của khu, đúng nghĩa “khỉ ho cò gáy”. Phía trước không xa là một sân golf khá lớn, chịu không biết 18 hay 21 lỗ, rộng mấy chục héc-ta, ngăn cách bởi hàng rào dây thép. Phía tay phải, đường dẫn ra cao tốc đi Glasgow.
Từ Knightridge đi Glasgow hay Edinburgh đều bất tiện và rất xa. Thời ấy nếu muốn mua đồ ăn Á châu, bắt buộc phải đến một trong hai thành phố này. Đi Edinburgh đổi 2 xe bus xanh, hai xe bus đỏ (xe nội thành) mới tới cửa hàng Chinese Mini Supermarket, còn Glasgow rất xa, trên dưới 200 dặm, phải đi xe riêng.
Cả phường không có công viên, play-ground, nên trẻ con rất hư, nhà nào không có người ở chúng thi nhau ném vỡ cửa kính, đọ tài cao thấp môn ném đá.
Edinburgh có 2 cửa hàng bán món ăn Á châu, rất nhỏ, gạo chỉ có Long Grain (Mỹ), không có gạo thơm Thái như ngày nay. Gạo đóng bao tải, khi nấu, vo kỹ mới hết hôi. Những ngày ở trại, tiền trợ cấp sau khi khấu trừ (ăn, ở, sưởi, điện nước…), nhà tôi 5 người mỗi tuần còn gần 10 bảng.
Tiết kiệm gần 5 tháng nên cũng dành được chút chút để chuẩn bị cuộc sống độc lập.
Căn nhà tôi gồm hai tầng, 4 buồng ngủ gồm một buông đôi, 3 buồng đơn, phòng khách khá rộng lại càng rộng vì chẳng có cái gì bên trong ngoài một bộ ghế gỗ có đệm da cũ kỹ, có lẽ từ thời Nữ hoàng Victoria còn đeo bỉm, một ghế đôi và hai ghế đơn. Nhà bếp có chiếc bếp gas bong gần hết sơn, một vài chiếc xoong mới nhưng mỏng tang, đồ cực kỳ rẻ tiền, một chiếc ấm nhôm đun nước, hễ nước sôi, hú như còi tầu hỏa. Một bộ dĩa, dao và 6 chiếc đĩa to. Rất may, trước khi ra trại tôi đã mua bát đĩa, dao thớt, hai bao gạo Long Grain (Mỹ), mỗi bao 50 ký, 2 chai nước mắm Thái, tép khô, bột ngọt… cho nên “có thể chiến đấu trường kỳ gian khổ vài tháng.”
Cách nhà khoảng gần 2 km, Dean, có Supermarket Saveway, còn Trung Tâm Thương Mại cách xa 4 dặm, muốn mua sắm gì phải đi xe bus.
Sàn nhà từ phòng khách đến buồng ngủ trải giấy nhựa thay thảm, vừa trơn vừa lạnh. Có 1 giường đôi, 3 giường một, một số ga giường, gối, nệm mới, loại rẻ tiền. Mỗi buồng đều có wardrobe ẩn trong tường, tất cả trống trơn. Có lẽ từ ngày xây xong, chẳng ma nào ở, gia đình tôi xông đất chăng, nếu có người và dọn đi chắc còn thảm cũ.
Phường Knightsridge có 5 gia đình, hai gia đình ở Trại Thỏ ra định cư trước chúng tôi hơn 3 tháng. Trại Coltness đến nay có gia đình tôi, gia đình Móng Cái và gia đình Hải Phòng. Trại Thỏ tên gì, chịu, quanh trại là cánh đồng mênh mông, rất nhiều thỏ hoang (hare), ngay người ở trại cũng không rõ tên, chắc tên quá khó nhớ.
Không biết ai làm quân sư “quạt máy” cho Cục Di Dân Bộ Nội vụ Anh mà cách phân bố tỵ nạn Việt Nam trên Vương Quốc Anh lại kỳ cục vậy.
Hầu hết người xuất thân Lục tỉnh thường ở trại London và xứ Wales, người miền Trung lên Midland, người miền Bắc lên Scotland. Có phải họ cho rằng người Bắc chịu rét quen?
Mỗi một khu, tối đa 5 gia đình người Việt định cư. Có phải ý đồ “quân sư quạt máy” là:
- Giúp người Việt hội nhập với người địa phương nhanh hơn? Hay đồng hóa nhanh hơn?
- Chia sẻ gánh nặng kinh phí (nuôi báo cô) cho từng khu vực?
- Tránh tập trung đông người nước ngoài, khỏi gây lộn xộn?
Họ như không hiểu, chim cần có đàn, người phải có bạn, tỵ nạn Việt Nam tha hương xứ người càng muốn ở gần nhau, chia sẻ ngọt bùi. Vì thế bắt đầu cuối 1983 người Việt bốn xứ Midland, Wales, Scotland, North Ireland đổ về London, bằng nhiều cách, nhiều đường khác nhau, không bằng thuyền mà bằng coach, van, train dài dài cho đến 1988 coi như mới chững lại.
Anh bạn thượng úy, lên Port Glasgow, chung cư cao 9 tầng, xây trên đồi. Vùng hải cảng bốn mùa gió lộng, flat nhà anh càng lộng gió hơn.
Từ Knightsridge đến anh, đường xa bằng từ Hà Nội đi Thanh Hóa, Nghệ An. Bốn năm ở Scotland, cô chú thăm tôi một lần và tôi cũng thăm đáp lễ đúng một lần, nhờ bà giáo dạy Anh ngữ. Năm 1983 vợ chồng chú về London, năm 1984 chú kéo tôi về.
Chúng tôi đoàn tụ cho đến nay.
Ba gia đình “cơm bưng nước rót, quét nhà bế em” tự hào và sung sướng lắm, được ở quanh khu Wishaw, nhà đẹp, sáng sủa, không phải ở flat, cũng chẳng nhà một mái. Anh chàng Lâm V. Ch. hả hê, bảo, “ngồi trong buồng khách nhà tay Thịnh, gió ù ù như tiếng máy bay phản lực. Nhà ông Mạnh một mái như lều chăn vịt. Nhà Phú (kỹ sư dầu khí, ở Fife,) xa như Lao Cai, Cao Bằng. Chả nhà thằng nào bằng nhà ba đứa bọn mình!”
Cả ba cố thủ cho đến ngày nay, con đàn cháu đống.
Năm 1988, về Việt Nam, gọi điện cho vợ chồng chú Thịnh, xin tá túc một đêm, nhờ đưa đến phi trường Heathrow. Lần đầu O.K, lần sau, đổi số điện thoại, chịu, hành lý để cửa, bấm chuông. Nhìn qua cửa kính trên lầu, cả nhà im, coi như vắng. Gõ cửa hàng xóm, hỏi, lắc đầu chịu. Chủ nhà đi vắng hay không, làm sao biết. Viết thư than, ở thủ đô bao giờ cũng hơn, tiện lợi đủ đường. Không trả lời, coi như chuyển nơi ở.
Vợ chồng Hoàng-Liên thông dịch, trại giải tán năm 1982, thất nghiệp về Leed, năm 1985 làm xưởng bánh mỳ dài dài, nghe tin lên đốc công, vì xưởng nhiều người Việt kém Anh ngữ.
Gia đình tôi tuy thế còn may mắn gấp nhiều lần so với người định cư ở Bắc Ái Nhĩ Lan. Nơi đó, thời ấy, bom nổ thường xuyên, do I.R.A -Irish Republican Army- chống chính phủ Anh gây ra. Chẳng hiểu “quân sư” nghĩ gì, Cục Di Dân cho 30 gia đình người Việt, chủ yếu dòng họ Lê chuyên nghề đánh cá ở Hải Phòng, theo Công Giáo, định cư xứ này. Xứ này đâu có ưa người Anh, cũng chẳng ưa người nước ngoài. Chịu không thấu, một thời gian ngắn, bỏ của chạy về London.
Mẹ kiếp, ở Việt Nam bom rơi đạn nổ đã hết vía, nay đi tỵ nạn, bom nổ trên xe bus, sát nhà, sát đít, không những thế, ra đường, dân địa phương mắt nhìn gờm gờm như thể mình là quân xâm lược.
Dân Ái Nhĩ Lan không ưa dân Công Giáo, đã sợ lại càng sợ hơn. Không nhanh chân có ngày toi mạng. Muốn nhanh cũng chả được, phải có tiền di chuyển, mèng cũng vài ngàn bảng.
Chúng tôi ở Scotland cũng vậy, muốn về London phải có tiền, chẳng thể chân đi, miệng hát, tay kéo đàn cò làm kế sinh nhai, lên phà vượt Eo biển Irish hay chạy bộ về London như người hát xẩm ở Việt Nam.
Ngày xưa mỗi khi đi qua phà Bính, trên phà có người đàn bà mù (?), đeo chiếc kính đen, quần áo tả tơi, tay cầm nhị, cất tiếng hát xẩm, than thở:
Từ ngày anh bước chân xa
Con anh, anh để… ở nhà cho em
Con anh… bụng đói, dạ thèm
Cùng trời…. cuối đất, dắt em ăn mày
Hỏi ông… ông hỡi có hay
Hỏi bà… có hiểu lòng này… xót xa
Hát xong một khổ thơ than, người đàn bà mù một tay quờ quạng như thể tìm đường, một tay bám vào vai thằng con, nói nhanh như máy hát: “Xin quý ông quý bà, thương mẹ con tôi, quý ông quý bà đi cầu Trời lễ Phật, đi một về mười, đi may về mắn, thương mẹ con tôi bớt dăm xu một hào… cho mẹ con tôi.”
Thằng bé khoảng 7 hay 8 tuổi, một tay chìa nón mê rách tả tơi, một tay cầm tay mẹ, đến từng người trong đám đông trên phà xin bố thí. Nhìn, nghe sao thảm thế. Không ai có thể từ chối, móc hầu bao, ít nhiều đóng góp.
Nghề cái bang lắm chiêu kiếm sống, nhất là lỏi tỳ, ranh ma. Thị xã Thái Bình có cửa hàng ăn mậu dịch quốc doanh rất khang trang, một Chủ Nhật hè năm 1963, sau khi dạo chơi, hai thằng chúng tôi rẽ vào, mua mỗi thằng một tô phở 5 hào, tôi vừa bưng ra đặt xuống bàn, một lỏi tỳ khoảng 6 hay 7 tuổi nhổ ngay bãi nước bọt vào bát phở. Tát nó à? Nó bé quá, không nỡ. Thôi, xin biếu bố trẻ. Thằng bạn tôi, số phận chẳng hơn gì, vừa lấy thìa húp tí nước dùng, ba ngón tay đen ngòm, toàn đất cát thò ngay vào, bốc luôn miếng thịt bò trong bát, bỏ mồm. Cũng đành đứng dậy, thôi nhường bố trẻ luôn. Chiêu này, vở diễn đều đều, các chị các cô phục vụ đuổi không xuể vì chúng khá đông, gần 10 tiểu tướng. Dân địa phương, bảo, ngồi bàn trong cùng, có cô phục vụ, tụi trẻ không dám bén bảng.
Cửa hàng ăn phố Hoàng văn Thụ, thành phố Nam Định cũng có lũ lỏi tỳ kiếm ăn. Khi chưa đến giờ, chúng tụ tập trước cửa, mỗi đứa một cái vung nồi đất, vừa làm bát xin ăn vừa làm trò, chơi trò xoay vung, vung nồi coi đứa nào xoay lâu nhất. Chốc nữa kiếm được phải chia phần cho đứa thắng. Khách mua bát phở, hai đứa kèm hai bên, chìa hai vung nồi, anh ơi, chú ơi, ông ơi, chị ơi… cho cháu xin một tí, nước không cũng được. Làm thế, bố ai nuốt nổi. Thôi nhường cho mấy bố trẻ, kiếp trước chắc nợ các bố, vừa bảnh mắt đã bị ám.
Mấy chục năm trước, đau xót hoàn cảnh cái bang, không ngờ bây giờ, đến mượt mình vào hội viên.
Khu tôi có 5 gia đình, gia đình Sinh, Hòn Gai, cùng ở Malcolm Way, cách gia đình ông Vinh, Hải Phòng có 3 gian, nhà gia đình Lý Vĩnh Dzùng, Móng Cái ở Morrison Way, gia đình ông bà Hoóng, Hà Nội, giống gia đình tôi mỗi người một góc, “đêm cáo ho, ngày chim gáy.” Ngủ ngon, không tiếng xe ô-tô, chẳng có tiếng còi hụ cảnh sát, cứu thương, đêm thanh bình, không khí trong lành, toàn cây xanh và cỏ xanh bát ngát tận chân trời. Ai mắc bệnh khó ngủ, đến đây an dưỡng, bệnh chắc tiêu tan.
Không ngờ khu Knightsridge có một nhóm bảo trợ (guardians), hầu hết là các bà đã có tuổi, vô công rỗi việc, sáng sớm tụ tập tại nhà bà Smith, nhóm trưởng, lên lịch, sáng làm gì, trưa chiều làm gì, nhà A. ai đến, nhà B. ai… Gia đình tôi có bà Linda, một người đàn bà khoảng dưới 50, single parent, làm bán thời gian trong canteen của trường Dean High School, cứ gần 2 giờ chiều đi làm về, gõ cửa, vào uống chén cà-phê, hút điếu thuốc, ngày nào cũng hỏi mấy câu tầm phào, vô nghĩa: “Are you OK?”, “Children OK?”, ít cũng nửa giờ, có hôm gần 5 giờ tối mới về. Nếu chỉ có thế đã phúc tổ, bà ta có đứa con gái 5 tuổi, nghịch hơn quỷ sứ, thường xuyên theo mẹ, hễ vào nhà là lục lọi đủ thứ, con tôi không thích, đuổi về. Nó mách mẹ, bà Linda trách tôi, lúc đầu cũng nể, nhượng bộ, chỉ khi nào bà ta đến tôi mới cho vào. Thời gian đầu, ở nhà rỗi việc, tôi thường kèm tụi trẻ học toán, mẹ con bà Linda quấy rầy nhiều, tôi từ chối sự bảo trợ.
Tại sao tôi phải cần người xỏ mũi, dắt dây?
Tháng đầu tiên, hàng tuần phòng trợ cấp thất nghiệp Livingston gửi séc trợ cấp kể cả tiền nhà, bà Linda đi kèm, sau khi lĩnh ở Post Office, tiền nhà bà giữ, (chưa có sổ trả tiền nhà), khuyên mỗi tuần nên mua tem điện, tem gas, tem TV licence, mỗi thứ 1 bảng. Chiều lòng tôi làm theo ý. Gia đình nào cũng bị người bảo trợ “giúp đỡ” tận tình, mình như đứa con nít, học ăn, học nói, học gói, học mở, ở tuổi tứ tuần.
Khổ nhất gia đình anh chị Sinh, khinh không thèm học Anh ngữ, ở Hong Kong 1 năm, đến Scotland gần 1 năm chả biết khỉ gì, ai hỏi chỉ nhe răng cười, chỉ chỉ chỏ chỏ, được thể bà Smith giúp đỡ từ A đến Y (thiếu Z).
Sáng sớm, khoảng 8 giờ gõ cửa, chiều khoảng 2 giờ, 8 giờ tối thăm lần cuối. Mấy tháng đầu, OK, sau khi anh chồng kiếm được việc làm chui ở cửa hàng Chinese Take-away ở Bathgate, chiều và tối thường xuyên vắng nhà. Ban đầu cho rằng anh chàng này bê bối, đàn đúm, bỏ rơi vợ con, bất cứ chỗ đông người nào bà cũng phán một câu như quan tòa: “Bad boy.” Đầu tiên, anh chàng Sinh nhe răng cười xòa, lâu dần khó chịu, nhất là Sinh được nhận làm toàn phần do thằng bếp Hong Kong bỏ việc. Cả tuần 6 ngày vắng mặt từ 3 giờ chiều đến tối mịt (chính xác 2 giờ 30 sáng hôm sau) chưa về, sáng gõ cửa, không mở, còn ngủ nướng. Sữa phơi nắng, trưa không thèm đem vào, bà ta sinh nghi, chắc thằng bad boy này làm chui lậu thuế, lĩnh tiền trợ cấp. Bà đe, báo thuế đàng hoàng, thôi lĩnh trợ cấp, không, bà bẩm báo chính quyền. Bỏ tiếc, báo thuế, lương chả hơn gì tiền trợ cấp. Người anh rể ở Wishaw, bảo, “tao tìm được nhà tư, chuyển về đấy, tránh xa mụ phù thủy là xong.”
Dạo ấy, vợ tôi làm xưởng bánh kẹo, tôi học Stevenson College ở Sight Hill, bận tối ngày, chả biết mô tê gì chuyện bà con trong phường.
Đột nhiên tối Thứ Bẩy cuối năm 1981, vợ chồng Sinh sang chơi, bảo, xin được nhà ở Wishaw, gần nhà chị gái, mai chuyển đi, đến chào, có dịp qua Wishaw vào chơi. Tuyệt! Wishaw một thị xã cổ kính, thơ mộng, đã từng ở đấy gần 5 tháng. Được, có điều kiện ghé thăm. Nói ra vẻ, từ Knightridge đến Wishaw đổi 3 lần xe bus, biết khi nào đến được.
Hôm dọn nhà, anh chàng David độc thân, ở Wishaw, thường xuyên đến trại Coltness House, biệt danh “David chó”, nuôi 4 con chó, nhà toàn phân, nước tiểu, thối hoăng, quần áo dính toàn lông chó, khai mù mù, đem chiếc van đến chuyển giúp.
Lâu mới gặp, tôi và David hàn huyên.
Hóa ra, vợ chồng Sinh thuê nhà của David, sở thất nghiệp trả tiền nhà. Trời đất quỷ thần ơi, vợ chồng Sinh có 3 đứa con, lớn nhất 4 tưổi, bé nhất gần 6 tháng, nhà 5 mạng, chui vào nhà David, trẻ con không ốm mới là lạ.
Tôi đã đến nhà David, hồi ở Coltness House, nhà 4 buồng ngủ, nhìn ngoài hết ý, vào trong ói muốn chết. Tầng trệt, phòng khách, reception chứa đầy bàn ghế, tủ, máy giặt… toàn đồ nhặt ngoài đường, mốc, ẩm ướt nồng nặc xông thẳng vào mũi. David đưa thăm các buồng, từ cầu thang, lên hết tầng hai, thảm dính toàn lông chó, nước đái chó, có cả phân. David vội cầm fresh air xì xì, hai mùi trộn lẫn thành thứ mùi khó thở.
Dù biết không lịch sự, nhưng đành ra khỏi cửa, hít chút khí trời. Tí chết ngạt. Bây giờ chỉ vì tiền, đưa cả vợ con đến đấy ở. David ngoại 40, chưa vợ, Sinh làm đêm, vợ trẻ, đẹp gái. Nhỡ có chuyện gì xẩy ra chỉ có ma biết.
___________________________________
Ghi chú:
- Khu Knightsridge, dãy nhà Lindsay Way (30 nhà) năm 1990 phá bỏ hoàn toàn vì sau nhiều năm không có người ở.

Tổng số lượt xem trang