Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Người nghèo... phải chết! Gần một nửa số người cao tuổi ở VN không có lương hưu và trợ cấp

---Gần một nửa số người cao tuổi ở VN không có lương hưu và trợ cấp
19/5/2015
Gần một nửa người cao tuổi (trên 60 tuổi) hiện nay không có lương hưu và không nhận được bất kỳ một khoản trợ cấp nào. Họ vẫn phải làm việc hoặc sống phụ thuộc vào con cái. Vì vậy, trong bối cảnh Việt Nam sắp bước vào giai đoạn già hóa dân số nhanh, các chính sách, đề án đảm bảo tài chính cho người cao tuổi là hết sức cần thiết.
Đây là một trong những nội dung đáng chú y s tại hội thảo “An ninh tài chính cho phụ nữ cao tuổi” do Ủy ban quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và quỹ Tsao Singapore tổ chức ngày 19/5 tại Hà Nội.

Theo số liệu thống kê, năm 2014, cả nước có hơn 9,5 triệu người cao tuổi tên 60 tuổi. Tuy nhiên, độ bao phủ của các chính sách an sinh xã hội đối với người cao tuổi hiện nay chưa được phủ kín. 

Chỉ có khoảng 1,4 triệu người cao tuổi nhận trợ cấp người có công hàng tháng, 1,4 triệu người nhận trợ cấp xã hội cho người cao tuổi trên 80 tuổi (mức sàn 180.000 đồng/tháng), hơn 95.000 người nhận trợ cấp xã hội và hơn 2 triệu người có lương hưu. Hiện nay, vẫn còn có gần 4,6 triệu người cao tuổi không được hưởng các chính sách an sinh xã hội. 

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Quỳnh, chuyên gia của UNFPA cho biết, theo khảo sát của UNFPA, nhiều người cao tuổi trên 60 tuổi vẫn tham gia lao động, có tới 35% phụ nữ, 45% nam giới là người cao tuổi vẫn làm việc, chủ yếu là tự sản xuất kinh doanh hoặc làm việc nhà không được trả công. Nam làm việc khoảng 35 tiếng/tuần và nữ làm việc 32 tiếng/tuần, tuy nhiên thu nhập vẫn không đủ cho chi tiêu. 

Đánh giá về những khó khăn tài chính hiện nay của người cao tuổi, bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Tổ chức HelpAge International Việt Nam nhấn mạnh, trong thị trường lao động, lao động nữ làm việc ở khu vực không chính thức nhiều hơn nam giới, lương tháng bình quân của phụ nữ cũng thấp hơn nam, dẫn đến lương hưu cũng thấp hơn và rất ít phụ nữ cao tuổi có lương hưu (chỉ 19%). Vì vậy, khi về già, nhiều phụ nữ cao tuổi gặp khó khăn trong cuộc sống. 

Hiện nay, một số mô hình nhằm tăng cường tài chính cho phụ nữ cao tuổi, người cao tuổi đã được triển khai có hiệu quả và đang được nhân rộng như: Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, chương tình tín dụng của hội phụ nữ cho phụ nữ cao tuổi vay vốn, mô hình chăm sóc và phát huy khả năng của người cao tuổi dựa vào cộng đồng… 

Các chuyên gia cho rằng, trong các chính sách, chương trình cho vay vốn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo việc làm… vẫn còn rào cản về tuổi tác khiến nhiều người cao tuổi không nhận được sự hỗ trợ. Các chuyên gia kiến nghị cần phải khảo sát những số liệu về tài chính, khả năng lao động… của người cao tuổi để làm bằng chứng cho việc vận động mở rộng chính sách. Các chính sách cần phải hướng tới mở rộng độ bao phủ của hưu trí, đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi./.


***********


-Lương bác sĩ 'ăn theo' viện phíVNExpress
Khi tính tiền lương vào giá khám chữa bệnh đồng nghĩa với việc bệnh viện phải nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ mới có bệnh nhân đến khám, nếu không có nguy cơ đóng cửa.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) ngày 7/4 cho biết Bộ đang xây dựng giá dịch vụ sự nghiệp công theo 3 mức: tính đủ tiền lương; tính đủ tiền lương và chi phí quản lý; tính đủ tiền lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản. Từ đó sẽ phân loại các đơn vị để thực hiện theo mức giá nào cho phù hợp.

vphi1-8924-1428417347.jpg
Giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ buộc các bệnh viện phải nâng cao chất lượng, thu hút bệnh nhân nếu không muốn đối mặt với nguy cơ đóng cửa. Ảnh:N.Phương.


Theo ông Nam Liên, tính tiền lương vào giá tức là người bệnh sẽ trả lương cho cán bộ y tế. Điều đó đồng nghĩa với việc bệnh viện phải nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ mới có bệnh nhân đến khám. Nếu không thu hút được người bệnh, không được Bảo hiểm xã hội ký hợp đồng khám chữa bệnh, cơ sở đó có nguy cơ đóng cửa.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết khi tự chủ tải chính sẽ tạo áp lực rất lớn, là cuộc cạnh tranh sống còn nhưng cần thiết để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Theo Bộ Y tế, khi giá dịch vụ y tế được tính đủ, bệnh viện sẽ không được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động mà do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán (đối với người có thẻ bảo hiểm y tế) hoặc do người bệnh chi trả (nếu không có thẻ). Phần ngân sách này sẽ được dùng để hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn mua thẻ bảo hiểm y tế và đầu tư cho lĩnh vực y tế dự phòng. Đặc biệt sẽ không còn tình trạng một bệnh viện 2 loại giá, đó là giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và giá khám chữa bệnh dịch như hiện nay.

Việc điều chỉnh giá viện phí về cơ bản không làm ảnh hưởng đến người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách và trẻ dưới 6 tuổi vì được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh. Với các nhóm khác, người bệnh cũng sẽ được lợi vì thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn. Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán ở mức cao hơn, giảm bớt đóng góp thêm. Với 30% dân số không có thẻ bảo hiểm y tế nó sẽ góp phần thay đổi nhận thức, khuyến khích họ tham gia.

Lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công được chia theo 3 giai đoạn: Đến năm 2016 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; 2018 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định; 2020 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Như vậy, trong năm nay, viện phí sẽ tiếp tục được điều chỉnh, tính đủ chi phí tiền lương và chi phí trực tiếp.

Lần điều chỉnh giá gần đây nhất (tháng 8/2012) chỉ tính 3/7 yếu tố gồm:thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải và duy tu, bảo dưỡng tài sản. 4 yếu tố chưa được cấu thành vào giá là tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản và chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Bệnh viện đồng hạng sẽ áp dụng cùng một mức viện phí  /  Chính phủ đồng ý cho Bộ Y tế tăng viện phí
 ...
Tăng viện phí - Người bệnh sẽ trả lương cho bác sĩDân Trí


Điều chỉnh giá dịch vụ y tế: Chấm dứt tình trạng 2 loại giáThanh Tra-


Người nghèo... phải chết!
Thứ Bảy, 11:44 27/12/2014
(NLĐO)- Tôi nhớ một bác già nằm vắt tay lên trán, chép miệng: "Mấy ổng ban hành chính sách như vậy chẳng khác nào ép người nghèo phải chết".
Ba tôi nghỉ hưu đã 6 năm. Chưa kịp an hưởng tuổi già bên con cháu thì ông mắc phải căn bệnh quái ác: ung thư gan. Sau 2 lần phẫu thuật rồi hóa trị, xạ trị bệnh tình vẫn không thuyên giảm.

May mắn thay, gần đây bệnh viện thay đổi phác đồ điều trị và hiệu quả thấy rõ. Ba tôi đã ăn được, ngủ được, da dẻ hồng hào, khối u gom lại còn bằng 1/2 lúc trước. Ba tôi luôn miệng nói cảm ơn Đảng và nhà nước có chính sách bảo hiểm y tế thật nhân văn. Nếu không có bảo hiểm y tế chi trả các khoản chi phí điều trị căn bệnh hiểm nghèo này, ba tôi chắc đã theo ông, theo bà.
Ấy vậy mà ngay trong Đêm Giáng sinh an lành, ba tôi nhận được tin sét đánh: Từ ngày 1-1-2015, loại thuốc đang điều trị cho ba tôi nằm trong danh sách 28 loại thuốc mới, đắt tiền sẽ thay đổi phương thức chi trả từ bảo hiểm y tế. Thay vì được thanh toán 100% như trước thì nay chỉ được chi trả tối đa 50%.



Quy định về thanh toán chi phí bảo hiểm y tế mới mới khiến nhiều người nghèo lo lắng. Ảnh: Báo Tuổi trẻ

Hay tin này, ngay tối đó ba tôi đã không ăn uống rồi không ngủ được. Hôm sau ông bảo mẹ tôi về lấy quyển sổ tiết kiệm đem vào bệnh viện cho ông kiểm tra. Sau gần 40 năm làm việc, cống hiến, ba tôi dành dụm được 500 triệu đồng. Đây là khoản tiền "dưỡng già" như cách ba tôi hay nói vui.
Ông bảo: "Tao với mẹ mày có lương hưu, có bảo hiểm y tế; tụi bây khỏi lo. Tiền tiết kiệm này thì để dành đi du lịchlo hậu sự". Đó là nói chuyện trước kia, còn từ khi phát hiện bệnh hiểm nghèo, ba tôi không còn lạc quan như trước. Ông luôn miệng nói: "May mà có bảo hiểm y tế, nếu không chắc chỉ còn biết nằm chờ chết chứ tiền đâu mà chữa trị? Bởi vậy người ta mới gọi là bệnh nan y...".
Ấy vậy mà mấy hôm nay niềm hi vọng sống vốn đã mong manh của ba tôi lại càng lay lắt như ngọn đèn trước gió. Ông nói quả quyết: "Nằm viện tới 31-12 thì về. Trước sau gì cũng chết, tốn kém làm gì?". Ông đưa quyển sổ tiết kiệm cho mẹ tôi, cười buồn: "Cái này bà giữ để phòng thân. Con mình không có đứa nào khấm khá nên đừng trông mong vào tụi nó. Tôi quyết rồi, không ai được cãi".
Tôi biết ý ba tôi. Một khi ông đã quyết thì không ai có thể lay chuyển. Ông không chỉ quyết định như vậy mà còn "rủ rê" mấy người bạn chung phòng "về nhà chờ chết". Tôi nhìn hoàn cảnh của những người kia mà không khỏi áy náy trong lòng.
Họ đều là người hưởng lương hưu, hộ nghèo hoặc cận nghèo. Tiền mua thẻ bảo hiểm y tế phải trông chờ nhà nước hỗ trợ, vậy thì lấy đâu để "đồng chi trả" một khoản chi phí cao ngất ngưởng như vậy? Tôi nhớ một bác già nằm vắt tay lên trán, chép miệng: "Mấy ổng ban hành chính sách như vậy chẳng khác nào ép người nghèo phải chết".
Tôi bần thần đứng mãi ngoài hành lang bệnh viện. Chỉ vài ngày nữa thôi thì tôi sẽ không còn ra vô chỗ này vì gia đình tôi không có khả năng chi trả tiền thuốc men cho ba. Còn như quay về phác đồ điều trị cũ thì cũng như không vì trước đó bệnh tình của ba tôi đã không đáp ứng điều trị. Cả những người nghèo khác vừa nhen nhóm hi vọng sống cũng sẽ từ bỏ ước mơ. Thật chua xót.
Chợt nhớ mục đích của chính sách bảo hiểm y tế là "người khỏe san sẻ cho người bệnh". Những năm qua, hẳn là số người khỏe lớn hơn người bệnh gấp nhiều lần nên mới có khoản kết dư bảo hiểm y tế 20.000 tỉ. Ấy vậy mà các quan chức bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế lại lo vỡ quỹ nên không dám chi và còn đổ thừa qua lại.
Biết làm sao được. Chỉ còn mong cho toàn dân khỏe mạnh để những người rủi ro bệnh tật sẽ được cứu sống từ sự chung sức của cộng đồng. Nếu không thì chắc chắn những người nghèo mắc bệnh nan y sẽ phải chết dù y học có phát triển đến đâu!
Lê Phương

Tổng số lượt xem trang