-
Chương 56
Sau ba tháng ở Tiên Sơn, đầu tháng 11-1965 Uông Đông Hưng bị triệu về Bắc Kinh để dự một cuộc họp khẩn cấp. Hẳn cuộc họp này liên quan đến một vấn đề quan trọng nào đó, nhưng chúng tôi ở trong làng, tách rời với thế giới bên ngoài, chẳng biết chuyện gì đã xảy ra. Uông Đông Hưng cho rằng, chỉ vài ngày sau ông sẽ trở lại.
Hàng tuần trôi qua. Mùa đông kéo tới cùng với cái lạnh và những cơn mưa ảm đạm. Công việc ngoài đồng cũng ngưng lại. Tôi bắt đầu tỏ ra chán nản, lo lắng và cảm thấy mình ở không đúng chỗ. Uông Đông Hưng mãi vẫn chưa về.
Rốt cuộc, cuối tháng 12 ông ta cũng xuất hiện. Ông chọc tôi:
- Chắc đồng chí không nghĩ tôi lại đi lâu như vậy phải không? – Nhưng bỗng nhiên ông tỏ vẻ nghiêm trọng – Có chuyện lôi thôi đã xảy ra.
Uông Đông Hưng không về Bắc Kinh. Ông đến gặp Mao ở Hàng Châu.
Nhiều cán bộ cao cấp – Bí thư thành uỷ Bắc Kinh, Bành Chân, Tổng tham mưu trưởng La Thuỵ Khanh, Chánh Văn phòng đảng Dương Thượng Côn và Chủ nhiệm Uỷ ban tuyên truyền Lục Đỉnh Nhất – đang vướng vào những rắc rối về chính trị. Đảng triệu tập nhiều phiên họp kín để giải quyết từng trường họp. Nhưng đến nay, người ta vẫn chưa đưa ra những biện pháp cụ thể. Trong những trường hợp đó, đã có một trường hợp được quyết định.
Dương Thượng Côn, kẻ đầu tiên làm Mao tức trong vụ Lá Cờ Đen và người chịu trách nhiệm trong việc gắn hệ thống nghe trộm trên đoàn tàu của Mao, bị cách chức. Uông Đông Hưng được bổ nhiệm làm người kế nhiệm. Uông vẫn đảm nhiệm chức Chủ nhiệm Văn phòng của các lực lượng an ninh, nhưng rời ghế thứ trưởng Bộ công an. Với tư cách Chủ nhiệm Tổng văn phòng, ông có ảnh hưởng lớn hơn nhiều. Uông kể:
- Tôi nói rằng không xứng đáng với chức vụ này, đề cử Trần Bá Đạt, nhưng Chủ tịch từ chối. Khi đề nghị Hồ Kiều Mục làm Chủ nhiệm Tổng văn phòng, tôi sẽ làm phó cho ông ta, Mao nói, Hồ Kiều Mục thuộc loại người nhỏ nhen, không thích hợp với công việc hành chính. Chủ tịch cứ nhất quyết đề nghị tôi phải đảm nhận chức vụ này.
Tôi nói:
- Xin chúc mừng đồng chí được thăng chức.
Dĩ nhiên, tôi lập tức tự hỏi, cuộc thay đổi chính trị này sẽ ảnh hưởng đến tôi ra sao. La Thuỵ Khanh và Dương Thượng Côn đã ủng hộ khi người ta đề nghị tôi làm bác sĩ riêng của Mao. Nếu cuộc thanh trừng lan xuống cấp dưới, tôi chắc cũng sẽ bị vạ lây. Thế nhưng, người thực sự bênh vực tôi, Uông Đông Hưng, lại được thăng chức. Có lẽ nhờ vậy tôi thoát hiểm, nhưng vẫn có cảm giác không được tốt lành cho lắm. Đây là lần đầu tiên cải tổ thành phần cấp lãnh đạo cao nhất từ khi cộng sản nắm chính quyền, chắc chắn gây tiếng vang lớn tới tất cả các tầng lớp trong xã hội.
Uông Đông Hưng đã nhìn thấu tình hình, ông quay lại Giang Tây không chỉ để hoàn tất chiến dịch giáo dục xã hội chủ nghĩa của chúng tôi mà còn để né tránh những cuộc phản công, phân tranh quyền lực chính trị, ông muốn đứng ngoài, quan sát trận đấu cho đến khi tất cả các vấn đề trở nên rõ ràng. Chúng tôi cũng nên ở lại Giang Tây, vì các cuộc thanh trừng cũng chẳng chừa cấp dưới. Ở nông thôn, an toàn hơn.
Tôi ngày càng cảm thấy khó chịu. Mặc dù luôn luôn không muốn dính đến chính trị. nhưng thấy cần phải biết những biến động chính trị đang diễn ra. Tuy vẫn đang ở nơi yên ổn, nhưng phải biết rõ hơn những gì đang diễn ra ở trung tâm quyền lực, Mao đang nghĩ gì, có những kế hoạch gì, nhưng sống trong làng quê, khó mà biết những gì đang diễn ra ở Bắc Kinh.
***
Việc bốn cán bộ lãnh đạo của đảng bị công kích chẳng làm tôi ngạc nhiên. Sau vụ đặt “bọ” nghe trộm, Mao không còn tin Dương Thượng Côn. Mặc dù, thực ra lỗi của giới lãnh đạo cao cấp nhất của đảng – những người như Đặng Tiểu Bình và Lưu Thiếu Kỳ, nhưng bao giờ cũng vậy, trước tiên Mao tấn công các cán bộ trung cấp.
Đã từ lâu, Mao nghi ngờ Bành Chân, bí thư thành uỷ Bắc Kinh. Mấy năm trước, Mao kể cho tôi nghe, Khang Sinh nghi ngờ Bành Chân có xu hướng “chống Mao”. Theo nhận biết của tôi, Bành Chân lúc nào cũng tỏ ra trung thành, thường xuyên hỏi tôi về tình hình sức khỏe Chủ tịch. Khang Sinh quả quyết Bành Chân đã phê phán chính sách Ba ngọn cờ hồng của Mao trong Đại nhẩy vọt và yêu cầu xét lại tính cách mạng của chính sách này.
Việc Lục Đỉnh Nhất gặp rắc rối về chính trị cũng không làm tôi sửng sốt. Với tư cách Chủ nhiệm Ban tuyên truyền. Lục Đỉnh Nhất chịu trách nhiệm lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật. Bởi vì Giang Thanh và Kha Thanh Thế tuyên truyền chống trường phái lãng mạn được Mao ủng hộ, vấn đề của Lục Đỉnh Nhất hầu như không thể tránh được.
Tôi biết rất rõ La Thuỵ Khanh, chúng tôi cộng tác chặt chẽ với nhau ngay từ khi đảm nhận nhiệm vụ làm bác sĩ cho Mao. La gặp rắc rối lần đầu tại Bắc Đới Hà khi ông ngăn Mao đi bơi lúc biển động. Đối với La Thuỵ Khanh, vấn đề an ninh của Mao bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu và đúng ra, chưa bao giờ ông bất trung với Mao. Nhưng ông có nhiều quan điểm khác với Lâm Bưu, vì thế khác luôn cả với Mao.
Tôi được biết La gặp chuyện lôi thôi về chính trị vào tháng 6-1964 khi ông mở cuộc tập trận quy mô lớn gần khu lăng mộ nhà Minh, ngoại ô thành Bắc Kinh. Cuộc tập trận có sự tham gia của các binh lính Bắc Kinh và Tế Nam do La Thuỵ Khanh, Dương Vĩnh và Dương Đắc Chí cùng chỉ đạo. Lâm Bưu được mời đến với tư cách quan sát viên, nhưng từ chối, ông bảo, không tin tưởng những cuộc diễn tập quân sự.
Mao đã chứng kiến vài buổi tập trận, cuộc tập trận lần này lại chứng minh hùng hồn cho thuyết của Lâm Bưu, “con người và lý tưởng còn quan trọng hơn cả vũ khí”. Một tiểu đội chiến sĩ tay không đánh chiếm được cả một toà nhà năm tầng làm Mao rất hài lòng. Cuộc tập trận đã khiến ông nhìn nhận rằng, chính nước Trung Hoa lạc hậu và kém phát triển có thể chiến thắng được kẻ thù mạnh nhất, được trang bị tối tân nhất, kể cả kẻ thù hùng mạnh to lớn ở phương Bắc. Mao nói với La Thuỵ Khanh sau khi xem xong:
- Liên Xô là người khổng lồ, nhưng không phải là không có điểm yếu. Chừng nào chúng ta biết cách chống người khổng lồ, chừng đó chúng ta không có gì phải sợ dù chúng to lớn và hùng cường đến đâu.
Nhưng Mao cũng biết, La Thuỵ Khanh yêu cầu hiện đại hoá quân đội Trung Quốc, bác bỏ thuyết của Lâm Bưu. Có lần Mao nói đùa:
- Đối với La Thuỵ Khanh, chỉ có quần áo mặc trên người có giá trị, ngoài ra chẳng còn có gì nữa.
Tôi được biết thêm về chuyện phiền toái của La Thuỵ Khanh qua tài liệu của hải quân do Uỷ ban quân sự chuyển cho Mao và bây giờ được Uông Đông Hưng mang từ Hàng Châu về. Vợ Lâm Bưu, Diệp Quần, đã phát động chiến dịch công kích La Thuỵ Khanh. Tháng 11-1965, trước khi Uông Đông Hưng được triệu về Bắc Kinh ít lâu, bà ta bay đến Hàng Châu tố với Mao rằng La Thuỵ Khanh cưỡng lại khẩu hiệu “Lấy chính trị làm thống soái” của chồng bà.
Mao đứng về phía Diệp Quần. Ông đã ghi trong tài liệu mà Uông Đông Hưng đưa cho tôi xem:
- Kẻ nào không công nhận lấy chính trị làm thống soái, chỉ biết dẻo mồm kiểu ấy, kẻ đó đã tuyên truyền cho chủ nghĩa cơ hội. Chúng ta phải cảnh giác trước thái độ này.
Chính uỷ không quân Vũ Từ Tuấn đã liên kết với Diệp Quần chống lại La Thuỵ Khanh, quả quyết rằng, ngay từ đầu La Thuỵ Khanh đã phản đối việc bổ nhiệm Lâm Bưu làm người thay thế Bành Đức Hoài, bây giờ lại đòi Lâm Bưu từ chức. Khi Lâm Bưu ốm, không thể thường xuyên gặp La Thuỵ Khanh như quy định. La Thuỵ Khanh nói rằng:
- Nếu đồng chí ấy hay ốm như vậy, làm sao đảm đương được việc gì? Nên có một người khác đảm nhận công việc của đồng chí ấy. Đừng đứng cản đường người khác.
La Thuỵ Khanh bực về chuyện tham gia trực tiếp vào chính trị của Diệp Quần, khuyên bà ta nên quan tâm nhiều hơn đến ông chồng mắc bệnh kinh niên. La cho rằng, nếu sức khỏe của Lâm Bưu tốt hơn, ông có thể chuyên tâm hơn vào những công việc quan trọng trong Bộ quốc phòng. Vũ Phát Tiên khẳng định, La Thuỵ Khanh tìm cách để Lâm Bưu từ chức, nên La Thuỵ Khanh đã thuyết phục Lưu Nha Lâu, tổng tư lệnh không quân, tác động đến Diệp Quần để bà khuyên chồng nghỉ hưu. La Thuỵ Khanh từng tranh luận: “Ai cũng đến lúc phải rút khỏi chính trường, cả Lâm Bưu cũng vậy”. Chính La Thuỵ Khanh muốn đoạt cái ghế trong Uỷ ban quân sự của Lâm Bưu. Nếu Diệp Quần thuyết phục được chồng từ chức, La hứa sẽ có trọng thưởng. Chuyện này thực hư ra sao tôi không rõ.
Diệp Quần và Vũ Phát Tiên không chấp nhận đề nghị của La Thuỵ Khanh, còn Mao lại đứng về phía hai người này. Giữa tháng 12-1965, La Thuỵ Khanh bị tước hết tất cả những chức vụ quan trọng trong quân đội.
Đối với tôi việc La Thuỵ Khanh bị hạ bệ báo hiệu một điều chẳng lành.
Qua Uông Đông Hưng, tôi nhận thấy Chu Ân Lai, người đứng ra bênh vực La Thuỵ Khanh trong vụ này và bất đồng với Lâm Bưu, cũng tỏ ra lo lắng. Thủ tướng Chu Ân Lai yêu cầu Uông Đông Hưng phải khẩn cấp trở về Bắc Kinh. Hàng ngày Chu giải quyết hầu hết công việc của chính phủ. Đầu năm 1964, Chu Ân Lai đã phàn nàn với Uông Đông Hưng về tình hình thiếu nhân sự có khả năng điều hành công việc hành chính ở cấp cao nhất trong chính phủ, Chu nói “Chúng ta rất thiếu những người có năng lực”. Bành Chân lo về công việc hành chính của đảng, La Thuỵ Khanh đảm nhiệm công việc hành chính của quân đội, còn Chu Ân Lai lo về chính phủ. Bây giờ, Bành Chân và La Thuỵ Khanh đều bị công kích, nên Chu Ân Lại lo ngại việc ổn định tình hình ở Bắc Kinh sẽ còn khó khăn hơn nhiều. Ông giục Uông Đông Hưng phải nhận chức vụ mới càng sớm càng tốt. Nhưng Uông đã cố tình ở lại Giang Tây cùng với các nhân viên Nhóm Một đến tháng 4-1966.
Tôi cảm thấy vui vì được ở lại, bởi trong hoàn cảnh này, chẳng ai có thể biết trước cái gì sẽ chờ tôi khi trở về Bắc Kinh?
Chẳng bao lâu sau, tôi cũng biết. Sau khi Uông Đông Hưng quay lại được ít hôm – tôi vẫn chưa hoàn toàn nắm bắt được hết những biến động chính trị – tôi bị Mao gọi về.
Hôm ấy là ngày 1 tết dương lịch năm 1966, các nhân viên Nhóm Một muốn được ăn mừng ngày lễ kha khá một chút. Buổi sáng, tôi và y tá trưởng Ngô Tự Tuấn vật lộn với mưa lạnh và bùn lầy để tới làng Uông Đông Hưng đang ở. Chỉ những người thành thị chúng tôi mới tổ chức đón năm mới dương lịch, vì nông dân trong làng vẫn cứ theo tết âm lịch. Đối với họ, dương lịch không có ý nghĩa gì.
Uông Đông Hưng chỉ thị cho chúng tôi chuẩn bị thứ bánh cổ truyền mà người ta hay làm vào dịp Tết Tây. Một số người chúng tôi băm thịt và trộn nhân bánh, số khác nhào bột hoặc nặn bánh. Khi chúng tôi làm gần xong, bỗng nhiên một nhân viên an ninh của huyện Thang Nghiên xộc vào phòng. Anh ta thở hổn hển và mồ hôi mồ kê vã ra như tắm. Có người nào đó nói đùa:
- Làm gì mà nhắng lên thế. Đủ bánh mà.
Anh ta kéo tôi, Uông Đông Hưng và Ngô Tự Tuấn ra một bên, nói:
- Tôi cố gọi điện cho các đồng chí suốt hai tiếng đồng hồ liền mà không được.
Lúc ba giờ sáng anh ta nhận được một cú điện thoại của tỉnh uỷ tỉnh Giang Tây. Chủ tịch bị ốm, ông đang ở Nam Xương, thủ phủ của tỉnh. Y tá Ngô Tự Tuấn và tôi phải lập tức đến chỗ ông.
Đi bằng xe Jeep cũng phải mất 11 hoặc 12 tiếng mới tới nơi. Chúng tôi phải lập tức khởi hành.
Tôi muốn quay lại Thạch Tư để gói ghém một ít đồ, nhưng Uông Đông Hưng cấm, bảo, mọi thứ cần thiết có thể mua ở Nam Xương, chuyến đi phải được giữ bí mật. Uông Đông Hưng quyết định đi theo. Ông muốn biết bệnh tình của Mao nghiêm trọng đến mức nào và cũng muốn tranh thủ xem ở Bắc Kinh có chuyện gì mới không. Nếu không phải Chủ tịch ốm nặng, Uông sẽ lập tức trở về làng.
Thế là chúng tôi chẳng được ăn món bánh bao nhân thịt, Uông yêu cầu lên đường ngay lập tức. Xe chạy trên con đường đất lầy lội dưới trời mưa tầm tã. Bùn bắn cả lên kính, đến nỗi chẳng còn nhìn thấy gì nữa. Chúng tôi nghỉ một chút ở nhà khách Thang Nghiên, rồi lại tiếp tục đi với tốc độ như sên bò. Đến khi xe ra đến một con đường trải đá răm, mới chạy nhanh hơn. Nửa đêm, chúng tôi tới Nam Xương.
Đầu tiên chúng tôi gặp Phương Chí Xuân, chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Giang Tây và một vài cán bộ đảng khác của tỉnh. Phương nói:
- Chủ tịch đến đây từ hai tuần nay, hai hôm trước ông trở bệnh.
Chúng tôi được dẫn tới nhà khách Bân Giang, nơi Mao và đoàn tuỳ tùng ăn nghỉ. Thuộc hạ của Uông Đông Hưng, Trương Diêu Tự, vị tư lệnh quân đoàn trung ương đang ở đó cùng với Hứa Diệp Phụ, tay thư ký xảo quyệt đã đẩy được Lâm Khắc đi để chiếm chỗ. Một người phụ trách an ninh mới, Khắc Kỳ Hữu chịu trách nhiệm bảo vệ Mao và một người phục vụ mới. Chu Phúc Minh, chịu trách nhiệm lo những nhu cầu cá nhân. Một số tì nữ của Mao cũng có mặt trong nhà khách. Trong số họ có một cô y tá, hai cô thư ký riêng và cô phục vụ trên đoàn tàu đặc biệt của Mao là Trương Ngọc Phượng. Mao đem theo ba đầu bếp, một tá vệ sĩ. Nhưng chẳng có ai trong số những người thuộc ban cũ, nên bầu không khí khác hẳn, tôi cảm thấy khó chịu thế nào ấy.
Người duy nhất ở đây tôi quen là Chu Phúc Minh, người phục vụ mới của Mao, quê ở Hàng Châu, người đã vài lần cắt tóc cho Mao trước khi anh ta được vào Nhóm Một (Vương Gấu lớn nghỉ hưu với khoản tiền hưu hậu hĩnh).
Thông qua Chu Phúc Minh, tôi biết những gì đã xảy ra. Ngày 26-12-1965, Mao tổ chức sinh nhật lần thứ 72 của ông. Buổi chiều, ông uống chút rượu vang, sau đó cùng một số phụ nữ ra bờ Châu Giang đi dạo. Lúc ấy mặc dù gió to, nhưng cảm thấy nóng bức Mao phanh cúc áo ngực. Trương Ngọc Phượng và ông vừa đi vừa cãi lộn chuyện cũ của hai người. Gần đây, Mao phát hiện Trương Ngọc Phương yêu một tay trong đám vệ sĩ, ông bắt Trương quỳ xin lỗi, còn tay vệ sĩ bị tống cổ ra khỏi Trung Nam Hải đuổi về Nam Kinh, câu chuyện mâu thuẫn vẫn kéo dài trong quan hệ giữa hai người, không ngờ rồi bùng nổ sau buổi chiều sinh nhật của ông.
Ngay buổi tối xảy ra sự việc, Chủ tịch bị cảm, đến đêm ông ho và sốt cao. Ông không cho các bác sĩ ở Nam Xương khám bệnh, hy vọng bệnh tự khỏi. Khi tình trạng bệnh tình ngày càng xấu đi, ông vẫn từ chối mọi sự chăm sóc y tế, làm giới lãnh đạo đảng ở Giang Tây lo ngại. Cuối cùng, Mao cho gọi tôi và y tá Vũ.
Khi tôi bước vào phòng, ông nằm trên giường, mặt ông đỏ lựng, thở nặng nhọc và ho liên tục. Ông nói:
- Tôi bị như vậy từ vài hôm rồi. Tôi tưởng sẽ khỏi nhưng không được. Vì vậy phải gọi đồng chí tới.
Trước sau tôi cũng vẫn là bác sĩ duy nhất được Mao tin tưởng. Ông bị sốt tới 40 độ, cơn cảm lạnh đã làm ông bị viêm phế quản. Tôi bảo phải dùng kháng sinh chữa viên phế quản và hạ sốt, ông chịu uống ngay.
Đến 5 giờ sáng, tôi và y tá Vũ trở về nhà khách ở Nam Xương, nơi Uông Đông Hưng và một số cán bộ lãnh đạo của tỉnh Giang Tây đang chờ. Nếu ngày hôm sau tình hình sức khỏe của Mao tốt hơn, ba chúng tôi sẽ trở lại nông thôn.
Ngày hôm sau, tôi và Uông Đông Hưng cùng đến chỗ Mao. Thuốc kháng sinh đã có tác dụng, cơn sốt đã hạ, nhưng Mao vẫn còn ho. Ông yêu cầu chúng tôi tiếp tục điều trị thêm vài ngày nữa. Uông Đông Hưng phải quay về nông thôn, tôi và y tá Vũ ở lại.
Uông bối rối. Mao điều chúng tôi về nông thôn để chúng tôi làm quen với khổ cực, tham gia vào chiến dịch giáo dục xã hội chủ nghĩa, rồi báo cáo lại cho ông về công việc. Vậy mà bây giờ Mao chẳng hỏi một câu gì đến công việc. Uông tự hỏi không biết Mao đang nghĩ gì nữa.
Ngay tối hôm đó, Uông Đông Hưng trở về nông thôn mà những thắc mắc của ông chẳng tìm được một câu trả lời.
Việc tiếp xúc với Mao ngày càng trở nên khó khăn, vì những cô tì nữ thay phiên nhau vây quanh Chủ tịch. Lúc nào cũng có một cô trong số họ túc trực. Chu Phúc Minh rất ít khi bước vào phòng Mao. Anh ta chỉ lấy thức ăn hay trà cho ông từ dưới bếp lên, còn việc phục vụ ông được một trong những cô nhân tình đảm nhiệm. Vì tôi biết những cô gái này có quan hệ sâu kín với Mao, không muốn xen vào những chuyện riêng tư nên tôi rất ý tứ trong việc chăm sóc sức khỏe cho ông.
Tình trạng sức khỏe của ông trở nên đáng lo ngại. Tuy nhờ thuốc kháng sinh, sau vài ngày bệnh ho và viêm khí quản đã giảm, nhưng trong quá trình điều trị, tôi nhận thấy Mao uống thuốc ngủ nhiều một cách bất thường – gấp mười lần liều lượng thông thường, liều lượng đủ để giết chết một người. Mặc dù với thời gian dùng thuốc an thần hết năm này qua năm khác, cơ thể Mao đã có một khả năng đáng kể chống lại tác dụng của thuốc an thần, nhưng tôi không thể xác định được giới hạn giữa khả năng quen thuốc và liều lượng dẫn tới tử vong ở Mao. Chừng nào tôi vẫn còn ở nông thôn, chừng đó người ta không thể đổ lỗi cho tôi, nếu Mao dùng thuốc ngủ quá liều lượng. Nhưng ở Nam Xương, tôi trực tiếp theo dõi tình trạng sức khỏe của ông, sẽ là người hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với bất cứ chuyện gì xảy ra.
Việc dùng thuốc tăng liều của Mao có quan hệ với tình hình chính trị căng thẳng. Một số nhân viên ở đây cho tôi hay, từ khi vợ Lâm Bưu, Diệp Quần đến gặp Mao hồi tháng 11-1965, báo cáo lại thái độ bất tuân lệnh của La Thuỵ Khanh đối với chồng bà, liều thuốc ngủ Mao dùng cứ tăng dần. Ngày 8-12-1965, trong một cuộc họp mở rộng của Uỷ ban thường vụ của Bộ Chính trị ở Thượng Hải, Mao đã cách chức Tổng tham mưu trưởng của La Thuỵ Khanh, bổ nhiệm người phó của La, tướng Dương Thành Vũ lên thay. Kỳ họp kéo dài một tuần và Mao căng thẳng đến độ không ngủ được, ông uống thuốc liên tục hơn, thậm chí khi không muốn ngủ ông vẫn uống thuốc.
Tôi phải giải thoát cho ông khỏi cơn nghiện này.
Sau khi về đây được một tuần, tôi đến chỗ ông vào lúc nửa đêm. Mao đang nằm trên giường, đọc lịch sử đời hậu Hán (25 đến 20 sau công nguyên). Để chuẩn bị cho một trận đánh trên chính trường, ông thích đọc những tác phẩm lịch sử hơn những tác phẩm của Marx. Cuốn lịch sử nhà Hán viết rất hay, đầy đủ những mưu mô thủ đoạn cuộc chiến nội bộ.
Ông nói:
- Lần này hình như đồng chí đã lại có thần dược mới. Tôi lại khỏe lại rồi.
Tôi đáp:
- Đó là loại thuốc rất bình thường nhưng đã có tác dụng.
Ông đưa tôi xem một tập tài liệu, hỏi tôi có muốn đọc không. Thực ra tôi tới để nói về việc ông dùng thuốc ngủ chứ không phải thảo luận về chính trị. Tôi đọc được hàng tít: “Bình luận vở kịch lịch sử Hải Thuỵ Từ Quan”. Bài báo này là một trong số bài báo ít ỏi mà tôi đã đọc qua ở Thạch Từ xa xôi và cách trở với thế giới bên ngoài. Bài này của “nhà lý luận” Diêu Văn Nguyên ở Thượng Hải, đăng trên tờ Văn Hối Báo của Thượng Hải ngày 10 tháng 11 năm 1965. Bài này phê phán một vở kịch của phó thị trưởng Bắc Kinh, Ngô Hàm. Vở kịch ca ngợi Hải Thuỵ, một quan trong triều đời nhà Minh người mà Mao thường lấy làm tấm gương sáng ngời để cán bộ đảng noi theo.
Bài bình luận làm tôi phải suy nghĩ. Chính Mao đã quảng bá cho các vở kịch truyền thống về nhân vật Hải Thuỵ. Ngô Hàm, tác giả của vở kịch, không chỉ là phó thị trưởng thành phố Bắc Kinh, ngoài ra ông còn là giáo sư Đại học Bắc Kinh, một trong những chuyên gia hàng đầu về lịch sử đời nhà Minh. Sự quan tâm của Mao về thời kỳ lịch sử này đã làm nảy sinh mối quan hệ của ông với Ngô Hàm từ nhiều năm nay. Từ khi Mao khuyên tôi nên nghiên cứu sâu hơn nữa về lịch sử Trung Quốc, thỉnh thoảng tôi có dự những cuộc mạn đàm của Mao và Ngô Hàm.
Mao từng phê phán những tác phẩm đầu tay của Ngô Hàm, cuốn tiểu sử người sáng lập triều đại nhà Minh, Chu Nguyên Chương, tiêu đề “Từ ăn mày thành Hoàng đế”, cuốn sách đánh giá sai lầm về lịch sử, ông phê phán Ngô Hàm đã tham gia đội quân Khăn Xếp Đỏ, qua nhân vật Chu Nguyên Chương ông phê phán Tưởng Giới Thạch thời hiện tại. Hàng loạt vấn đề tà giáo Mao vạch ra và cho rằng mọi người có thể mắc phải, ngoại trừ ông, nhưng vị Chủ tịch đảng cộng sản đã bảo vệ vai trò lịch sử của Tưởng Giới Thạch trong cuộc viễn chinh Bắc phạt năm 1926-1927, Tưởng đã kiên quyết từ chối không chịu chia cắt Trung Quốc dưới sức ép chính trị to lớn của Hoa Kỳ. Ngô Hàm tiếp thu ý kiến phê phán của Mao mặc dù tác giả vở kinh kịch Hải Thuỵ được chính Mao kêu gọi học tập, lấy nhân vật Hải Thuỵ làm tấm gương cho mọi người học tập. Tôi chẳng hiểu vì sao bây giờ Ngô Hàm và vở kịch lại bị phê phán.
Giờ đây Mao lại muốn nói chuyện với tôi về vở kịch của Ngô Hàm. Ông tán thành những lời phê bình của Diêu Văn Nguyên dựa theo ý của Giang Thanh và Trương Xuân Kiều.
“Ý tưởng” của bài phê bình này đi ngược lại dòng thời gian về hội nghị của Bẩy ngàn cán bộ hồi tháng 1-1962. Khi đó Mao đã phải “tự phê bình”. Việc cách chức Bành Đức Hoài khi đó là một đề tài thường được nhắc tới, vì nhiều người cho là không công bằng. Người ta bắt đầu so sánh giữa việc vua Gia Kính cách chức và tống giam Hải Thuỵ với việc Mao cách chức Bành Đức Hoài. Cả Bành Đức Hoài và Hải Thuỵ đều là những quan chức trung trực, họ đã phục vụ đất nước và người đứng đầu quốc gia một cách trung thành. Họ đã chỉ cho người đứng đầu quốc gia những sai lầm không phải với dụng ý trách móc, mà để quốc gia có một chính quyền tốt hơn, qua đó tiếng thơm của người đứng đầu quốc gia được nhân lên gấp bội. Bành Đức Hoài được xem là một Hải Thuỵ thời nay.
Cả Mao và ông vua nọ có cùng một điểm giống nhau, không chịu để người khác phê phán.
Tính đa nghi của Giang Thanh, vai trò chính trị mới và mối quan tâm đối với văn hoá và nghệ thuật đã khiến bà luôn luôn để ý đến những nhà soạn kịch cho là không trung thành với chồng bà. Có lẽ, bà nghi Ngô Hàm bất trung, khi bà xem vở kịch Hải Thuỵ Từ Quan của ông.
Tuy nhiên, Thị trưởng thành phố Bắc Kinh Bành Chân, Trưởng ban tuyên truyền Lục Đỉnh Nhất và Phó trưởng ban tuyên truyền Chu Dương đã từ chối đề nghị của Giang Thanh phát động một chiến dịch chỉ trích vở kịch. Ngô Hàm vừa là bạn, là đồng chí, là một trí thức đáng kính và một người được coi là trung thành với Mao. Nhưng Giang Thanh đưa ra câu hỏi, tại sao ông không thay đổi tiêu đề cuốn tiểu sử “Từ ăn mày thành vị Hoàng đế” thành “Tiểu sử Hoàng đế Chu Nguyên Chương”? Tại sao ông không trả lời Mao vở kịch “Hải Thuỵ Từ Quan” rút ra được bài học gì? Giới lãnh đạo Bắc Kinh thấy chẳng có cớ gì phải nghe theo chỉ thị Giang Thanh. Đã đành bà là vợ của Mao, nhưng bà chẳng có một chức vụ chính thức nào từ những ngày ở Hồ Nam. Giới lãnh đạo chính trị cao cấp đánh giá bà rất thấp. Tầng lớp diễn viên, đào kép theo truyền thống Trung Hoa người ta coi thường, xếp vào hạng “xướng ca vô loài”, Giang Thanh cũng từ cô đào có nhiều tham vọng chính trị, vận may vớ được và kết hôn với người lãnh đạo quốc gia, càng làm người ta ghét, không ưa.
Mao cần Giang Thanh trong bước ngoặt trên con đường danh vọng của ông. Thậm chí tham vọng chính trị của bà lại có lợi cho ông. Giang Thanh đã từng nói, bà là chiến sĩ trung thành tuyệt đối của Mao, nhưng nếu không có Mao, bà chả là cái đinh gì. Khi bí thư thành uỷ Thượng Hải, Kha Thanh Thế đột ngột qua đời tháng 4 năm 1965, cái ghế của ông được Trưởng ban tuyên truyền của Thượng Hải, Trương Xuân Kiều đảm nhiệm. Cũng như Kha Thanh Thế, Trương Xuân Kiều, người nhất nhất tuân theo mọi chỉ thị của Mao. Trương Xuân Kiều đã bố trí cho thân hữu của ông ta, Diêu Văn Nguyên, Chủ nhiệm tờ Giải Phóng Quân Nhật Báo, trực tiếp cộng tác với Giang Thanh. Khi bài phê bình được đăng tải trên tờ Văn Hối Báo, Mao mới được biết nội dung. Bài đả kích nhằm tạo ra một chiến dịch chống Ngô Hàm và những đồng đảng còn lại của Bành Đức Hoài. Các tờ báo và tạp chí khác phải hưởng ứng phê bình.
Nhưng giới truyền thông ở Bắc Kinh lờ bài đả kích của Diêu Văn Nguyên. Mao cáu kỉnh, nói:
- Mãi 19 ngày sau, kể từ ngày bài này được đăng trên tờ Văn Hối Báo, cho tới khi tôi can thiệp, các báo chí ở Bắc Kinh mới tham gia. Đồng chí thấy họ cứng đầu ghê gớm không?
Tôi bối rối, vì tôi vẫn không làm sao hiểu nổi tại sao Hải Thuỵ và Ngô Hàm lại bị phê phán. Dĩ nhiên tôi không thể hiểu được rằng, bài báo của Diêu Văn Nguyên là tiếng súng mở đầu cho một cuộc Đại cách mạng văn hoá vô sản của Mao. Tôi cũng không hiểu, theo lời Mao, ai là kẻ cứng đầu ghê gớm. Mãi đến khi cuộc Cách mang Văn hoá bắt đầu, tôi mới biết rằng ông nói về Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ và những đồng chí thân thiết nhất của ông trong ban lãnh đạo đảng và nhà nước.
Tôi vẫn giữ im lặng, cố tìm hiểu nội tình của Mao, hứa với Mao sẽ đọc bài báo của Diêu Văn Nguyên thêm một lần nữa. Mao đưa bài báo cho tôi, nói:
- Phải đấy, đồng chí hãy đọc qua một lượt nữa đi. Sau đó đồng chí hãy cho tôi biết ý kiến.
Tôi tìm cách lái câu chuyện sang đề tài sức khỏe của ông:
- Còn một vấn đề liều lượng dùng thuốc ngủ của Chủ tịch. Chủ tịch đang dùng một liều lượng gấp 10 lần liều lượng thông thường.
Mao hỏi lại:
- Nhiều đến thế sao?
- Đúng vậy. Tôi đã đọc y bạ của Chủ tịch. Với liều lượng thuốc ngủ như vậy có thể làm tổn hại đến sức khỏe của Chủ tịch.
- Theo đồng chí, phải làm sao bây giờ?
- Tôi nghĩ rằng phải giảm liều lượng này càng sớm càng tốt.
Tôi đề nghị dùng hỗn hợp của đường glucose với thuốc an thần nhồi vào những vỏ thuốc con nhộng để làm một loại thuốc tương dương với lượng thuốc ngủ thích hợp. Mao chấp thuận.
Nhưng ông còn cảm thấy một cái gì khác lạ, ông muốn trao đổi thêm:
- Có cái gì đó không bình thường ở nhà khách này. Hình như bị người ta xả khí độc. Tôi không thể ở lại đây lâu hơn được nữa. Đồng chí hãy nói với Trương Diêu Tự, anh ta phải chuẩn bị đi. Chúng ta sẽ lên đường đi Vũ Hán.
Nỗi sợ hãi bị đầu độc của Mao xét bề ngoài cũng không phải hoàn toàn vô lý. Có một lần ngủ trong một biệt thự của Mao, tôi cũng không thể nào ngủ nổi. Không hẳn chỉ vì nó quá rộng rãi và xa hoa, mà vì có một thứ mùi gì đó rất lạ. Một người bạn tôi cũng phát hiện ra một thứ mùi rất đặc biệt, khi ông đến ở một nhà nghỉ của Mao. Đa số các nhà nghỉ của Mao đều nằm ở những địa điểm nóng, ẩm ở miền Nam Trung Quốc và Mao thường nhiều năm mới tới ở một lần. Trong thời gian đó, chúng như những căn nhà hoang không ai ở. Tôi chỉ có thể phỏng đoán, qua nhiều năm như vậy những ngôi nhà bị ẩm mốc. Nhiều người đã chứng minh rằng những người nông dân hầu như quanh năm suốt tháng lao động ngoài trời và cư trú trong những ngôi nhà đơn sơ thường không thể ở nổi trong những ngôi nhà kiểu mới ngày nay, họ sợ bầu không khí ngột ngạt, ẩm mốc.
Chứng hoang tưởng cục bộ của Mao, lần đầu tiên được phát hiện ở Mao hồi năm 1958 ở Thành Đô, khi ông tưởng nước ở trong bể bơi bị đầu độc, bây giờ lại gia tăng. Nhưng thứ độc thực sự chính là những mưu toan chính trị trong nội bộ giới lãnh đạo đảng cộng sản. Tôi phải làm việc thận trọng.
Trước hết, tôi truyền lệnh của Mao cho Trương Diêu Tự chuẩn bị sẵn sàng đi Vũ Hán khi có lệnh lên đường. Sau đó qua đường đây đảm bảo không bị nghe trộm, tôi gọi điện cho Thạch Thụ Hán, Thứ trưởng Bộ y tế để báo cáo với ông về căn bệnh vừa rồi của Mao, nên giải quyết vấn đề dùng thuốc ngủ của Mao như thế nào. Những viên thuốc nói trên phải được điều chế ngay trong Bệnh viện Bắc Kinh.
Thạch Thụ Hán lo lắng. Ông sợ rằng cơn sốt của Mao có thể là một bệnh gì đó nghiêm trọng hơn bệnh viêm phế-quản. Ông ta muốn bàn bạc với Chu Ân Lai, cử một đội chuyên viên tới khám bệnh cho Chủ tịch. Nhưng tôi chắc rằng, cơ thể của Mao đã bình phục trở lại.
Điều mà tôi không yên tâm, vấn đề nghiện thuốc ngủ và nỗi sợ bị đầu độc ở ông. Đâu đâu ông cũng nhìn thấy bọn cùng một giuộc. Nếu các chuyên viên y tế tới khám bệnh, biết đâu ông sẽ nghĩ, tôi đã nói dối ông về bệnh tình hoặc muốn trốn tránh trách nhiệm hay muốn cài gián điệp vào chỗ ông. Tôi đã thuyết phục Thạch Thụ Hán, tốt hơn hết không nên làm gì cả.