Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Đời tư Mao Trạch Đông - Phần III. Chương 60


-

Chương 60

Tháng 5-1966, ngay sau khi bùng lên ngọn lửa đấu tranh chính trị, Mao lui vào bóng tối.
- Tôi để những người khác tham gia chính trị – Mao tâm sự với tôi kế hoạch của ông vài ngày sau khi phê chuẩn “Chỉ thị 16-5” – Bây giờ chúng ta chuẩn bị đi nghỉ mát.
Đó là một chiến lược quen thuộc, ông lùi bước nằm im, chờ những con rắn độc – kẻ thù của ông – bò ra khỏi hang. Chúng tôi đi Hàng Châu, tránh xa cuộc đấu đá chính trị.


Sự lùi bước của Mao chẳng đem lại sự ổn định ghế ngồi của nhà lãnh đạo đảng. Cách mạng văn hoá cần sự chỉ đạo của ông, hơn nữa mục đích thật sự của Mao, tôi nghĩ, vẫn còn là điều bí mật đối với đa số lãnh tụ cao cấp. Đầu tháng 6, Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình đến Hàng Châu, báo cáo Mao về sự phát triển của phong trào, xin hướng chỉ đạo trực tiếp phải làm gì tiếp theo.

- Tôi mặc họ tự giải quyết- Chủ tịch nói với tôi, sau khi hai người ra về – Tôi cần nghỉ ngơi.
Việc Mao lùi vào bóng tối báo trước điềm gở. Thiếu sự chỉ đạo của Mao, đảng sẽ rơi vào sự hỗn loạn.
Mao đang phấn chấn, vui vẻ nghỉ ngơi ở Hàng Châu. Chính quyền tỉnh Triết Giang thường xuyên tổ chức những buổi dạ vũ hội. Ông được đưa lên đồi Đĩnh Gia gần biệt thự của mình. Nhưng Chủ tịch thường trầm ngâm, im lặng, như đang nghĩ chuyện gì lung lắm. Giữa tháng Sáu, Mao lại nghĩ đến đi tiếp. Lần này, về quê ông ở Sào Sơn, chúng tôi đến đây ngày 18-6.
Lần cuối cùng Mao đến Sào Sơn vào năm 1959. Bí thư thứ nhất Văn phòng trung ương đảng Đào Chú đã xây cho Chủ tịch một biệt thự mới ở chỗ gọi là Động Đình Thuý. Mao nói, khi nào từ chức, muốn được sống ở Sào Sơn, trong ngôi nhà mái rạ. Biệt thự Đào Chú xây lên, đã trả lời mong ước của ông.
Động Đình Thuý là một góc nhỏ ấm cúng nằm ở chân đồi. Rừng và các bụi cây bao quanh, ngăn cách thế giới bên ngoài. Mao biết rõ vùng này. Thuở nhỏ, kiếm củi trong rừng, ông vẫn còn nhớ đã từng quỳ lạy trước tảng lớn, Đá Bà trên đỉnh đồi Trống Cái. Mao thường leo vào đền “Hổ phục”, xây trên đỉnh đồi bên cạnh.
Bắc Kinh xa cách hẳn động Đình Thuý, tin tức đến với ông rất khó. Các giao liên đặc biệt chuyển tài liệu phải qua hai hay ba ngày mới tới. Tôi sốt ruột muốn biết chuyện gì đang xảy ra, nên gãi chuyện anh chàng giao liên. Thủ đô rơi vào tình trạng hỗn loạn. Trường học đóng cửa, sinh viên xuống đường, thành phố bị đập phá. Không ai kiểm soát được tình hình. Tôi muốn biết thêm chi tiết, nhưng do tình hình rất rối ren, căng thẳng, anh ta chẳng dám nói thêm.
Tôi biết thủ trưởng cũ của tôi, Phó Liêm Chương, người khuyên tôi quay về Trung Quốc và xếp tôi vào “Đại học Công nhân”, đã trở thành nạn nhân của Cách mạng văn hoá. Phó buộc phải từ chức từ năm 1958. Thói quen của ông muốn biết về hoạt động của các nhà lãnh đạo, khi thấy chú ý đến sức khoẻ của họ quá nhiều, họ phát cáu, tống khứ ông đi. Từ lâu, tôi không biết Phó sống ra sao, bây giờ người giao liên chuyển cho Mao một bức thư của Phó, người bác sĩ riêng ngày xưa của ông.
Người ta nghĩ ông xin nghỉ hưu thể hiện sự chống đối, họ đưa ra đấu tố, tự tử hụt, giờ đây ông cầu cứu Mao.
- Phó Liêm Chương, một người tốt – Mao nói với tôi – Ông đã từ chức, không dây dưa vào chính trị. Chẳng có lý do gì lại đấu tố ông ta cả. Tôi sẽ làm một cái gì đó để bảo vệ.
Nhưng giúp đỡ của Mao quá ít hoặc quá muộn. Cuối năm 1966, đám thanh thiếu niên nổi loạn Hồng vệ binh của Tổng cục Hậu cần dùng sức mạnh lôi ông ra khỏi nhà. Từ đó tôi không biết tin gì về ông. Phó chết trong thời kỳ đấu tố, nhưng xác không bao giờ tìm thấy.
Sau mười ngày đến Sào Sơn, cái nóng ngột ngạt không ngờ ập đến. Hàng ngày chúng tôi đi bơi ở bể bơi Sào Sơn, nhưng biệt thự động Đình Thuý không có máy lạnh, quạt máy chẳng có tác dụng gì. Mao quyết định ra đi, chúng tôi trở về Vũ Hán.
Tại đây, tin tức từ Bắc Kinh nhận được nhiều hơn. Các giao liên đến hàng ngày. Tôi nhận bức thư đầu tiên từ Lý Liên sau nhiều tháng. Tôi không ở Bắc Kinh, xa nhà hơn một năm – kể từ lúc tôi đi với đội công tác trong chiến dịch “Bốn Minh bạch” ở làng Thạch Tư, tỉnh Giang Tây từ tháng 7-1965.
Theo dõi Cách mạng văn hoá, Mao khoái chí về cuộc nổi loạn, xảy ra theo đúng ý được tiến hành ở Bắc Kinh. Với sự vắng mặt của Mao, kẻ thù đã phô trương sức mạnh, không biết rằng chính họ đã giúp ông dễ dàng tiêu diệt họ sau này. Tôi ước đoán điều này từ cuộc nói chuyện với Chủ tịch, từ những bức thư ông viết ngày 8-6-1966 gửi Giang Thanh ở Thượng Hải.
Mao chưa bao giờ có kế hoạch thực sự về cuộc Cách mạng văn hoá. Nhưng bức thư gửi cho vợ cho thấy ông đang suy nghĩ về điều này. Khi sự ngờ vực những người xung quanh tăng lên, lòng tin của ông vào Giang Thanh cũng tăng theo.
- Hàng ngày, tôi đọc tài liệu, tin tức thấy rất hứng thú. – Mao viết cho Giang Thanh khi đã về Vũ Hán – Sự hỗn loạn lớn sẽ dẫn đến một trật tự lớn. Chu kỳ thường lặp lại 7 hoặc 8 năm. Ma quỷ và quái vật sẽ thò chân tướng. Bộ mặt giai cấp của chúng sẽ lộ rõ.
Mao còn viết, không hài lòng với sự xu nịnh của Lâm Bưu, tâng bốc quá trơ tráo như vậy. “Tôi không tin cuốn sổ tay tôi viết lại trở nên kỳ diệu và có sức mạnh như ông ta phát biểu” – Mao phàn nàn. “Điều này tương tự Già Vương bán dưa hấu, cho rằng dưa hấu ngọt vì bản thân nó ngọt. Nhưng sau khi Lâm Bưu bắt đầu thổi phồng, toàn đảng toàn dân đã hùa theo ông ta”. Mao xác nhận, sự tâng bốc của Lâm Bưu là bước ngoặt đầu tiên của tệ sùng bái lãnh tụ trong đời, trong khi vẫn chấp nhận những ý kiến trái ngược, điều đó đã làm ông thay đổi quan trọng trong nhận thức. “Người quá nổi tiếng khó sống với đời thực của chính mình”. Mao viết, trích dẫn lời Lý Gia nhà Hán. Mao bảo: “Câu này ứng vào tôi thật đúng”. Mao phản đối sự tâng bốc, tán dương trong phiên họp thường vụ Bộ chính trị vào tháng Tư ở Hàng Châu. Nhưng Lâm Bưu phớt lờ, vẫn lặp lại những lời nịnh bợ vào tháng 5. “Thế là báo chí lại thêu dệt, phóng đại quá mức tầm quan trọng của các bài tôi viết đến nỗi dường như bài ấy do siêu nhân viết ra. Tôi buộc phải chấp nhận lời nhận xét của họ. Tôi cho chủ đích của họ đánh bại bọn ma quái (kẻ thù của Mao trong đảng) bằng cách tạo ra sức mạnh vô biên của tôi”.
Mao chưa bao giờ tin Cách mạng văn hoá đạt được mục đích đề ra. Ông cũng chẳng tin chủ nghĩa xã hội đến Trung Quốc để thực hiện một cái gì đó tốt đẹp hơn. Mao nghĩ, phái hữu khuynh đã nắm được chính quyền, chính ông sẽ đập nát nó. Nhưng tin chắc tư tưởng của ông tồn tại và lý luận chủ nghĩa xã hội phải xem xét, kiểm nghiệm lại. Thắng lợi của kẻ phản động không bao giờ lâu dài.
Mao cảnh cáo Giang Thanh: “Đừng để chiến thắng đầu độc bản thân. Hãy thường xuyên nghĩ về yếu kém, khuyết điểm và sai lầm của chính mình. Tôi đã nói với bà hàng chục lần rồi, phải cố nhớ lấy”.
Giang Thanh rất xúc động bức thư của chồng – mặc dù trong thư ông phê bình, chỉ trích bà – đến mức muốn in nó ra, phân phát để cho người khác cùng đọc. Mao chia sẻ với bà một số ý nghĩ thầm kín về quan điểm chính trị, Giang Thanh coi đó như sự thể hiện sự tin cậy của Mao và giúp bà nâng cao vị thế chính trị. Giang Thanh bắt đầu chia sẻ với các thành viên trong phe, bằng cách tìm kiếm những bức thư Mao viết gần đây, kể các bản sao chép khi Mao đề cập điều này. Tôi đã sao chép một bức thư vào sổ tay, trước khi đưa trả lại vào Tổng Kho Lưu trữ Văn khố, thậm chí giữ đến bây giờ.
Trong thời gian một phần tư thế kỷ trôi qua, tôi thường nghĩ đến bức thư của Mao. Đến tận hôm nay, mọi việc đã qua, tôi vẫn nhìn thấy trong đó bằng chứng, Mao, nhà chính trị thông thái, biết dự đoán được những sự việc hơn những gì ông biết. Lâm Bưu, con người chưa bao giờ Mao đặt niềm tin hoàn toàn, chỉ sử dụng Lâm tạm thời để chống kẻ thù trong đảng, Lâm đã quay lại chống ông, sau khi Mao qua đời, phái hữu khuynh sẽ lên nắm quyền lực.

***

Mao muốn tránh không về Bắc Kinh càng lâu càng tốt, ông theo dõi cuộc Cách mạng văn hoá từ xa, nhờ thế tôi đã tránh sa bẫy bất ngờ trong cuộc đấu đá chính trị. Tôi rất vui vì không có mặt ở Bắc Kinh. Nhờ những chiến dịch đấu đá chính trị trước đây tôi không liên quan, nên tin cuộc Cách mạng văn hoá không đụng đến. Tuy nhiên, Mao nghĩ khác.
Đến đầu tháng 7, Mao đã xa thủ đô nhiều tháng, Bắc Kinh trong rối loạn. Giờ đến lúc ông quyết định quay về. “Tình hình ở Bắc Kinh bắt đầu khởi sắc”. Một buổi tối, Mao nói với tôi. “Chúng ta không thể chỉ nghe báo cáo để biết cái gì đang xảy ra, phải tự bản thân mình nhìn thấy, khi đó mới có thể phân biệt người tốt trong số người xấu. Tạm thời tôi vẫn ở lại, nhưng ngày mai đồng chí trở về Bắc Kinh trước, theo dõi xem xét những gì đã xảy ra”.
Ông tôi muốn điều tra, tìm hiểu ở Bắc Kinh, sau đó báo cáo theo nhận xét cá nhân về cuộc Cách mạng văn hoá. Đấy là “cái gì đó” mà ông đã nói, cũng như muốn tôi làm thay khi ông khước từ không cho phép tôi trở lại Thạch Tư.
Tình hình chính trị ở Bắc Kinh quá phức tạp. Bộ chính trị hay Ban chấp hành Trung ương cũng không điều khiển được tình hình. Ngay đến những người thân tín, đại diện cho Mao cũng bị tấn công. Còn tôi chỉ là bác sĩ bình thường, không liên quan dính líu vào chính trị, làm sao phân biệt được ai bạn, ai thù?
- Thưa Chủ tịch, tôi không có khả năng phân biệt những người tốt trong số những người xấu. – Tôi tự vệ – Tôi biết hỏi ai về chuyện này?
Mao khuyên gặp Đào Chú, người tôi biết từ khi ông bí thư thứ nhất đảng bộ tỉnh Quảng Đông. Đào Chú đã thay Lục Đỉnh Nhất giữ chức trưởng Ban Tuyên giáo. Với tôi, Đào Chú là người dễ gặp, ông giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo, kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban y tế quốc gia.
- Nói với ông ta, tôi cử anh tới – Mao vạch đường cho tôi – Hãy để ông ta tạo điều kiện thấy phong trào cách mạng nổi loạn làm được những gì. Hãy nhìn những bức chân dung lớn quần chúng đang giơ cao. Khi nào tôi về Bắc Kinh, báo cáo cho tôi biết anh nghĩ gì về tất cả việc này.
Tôi đang cân nhắc việc được giao. Dưới sự che chở trực tiếp của Mao, tôi cảm thấy mình còn an toàn. Trong tình thế đơn thương độc mã, được chỉ định để đánh giá phong trào chẳng hiểu mô tê gì, tôi sẽ rơi vào vòng nguy hiểm. “Hàng nghìn người đã chết trong thời gian này, tôi nghĩ”. Mao nói với tôi vài tuần trước đây – “Tất cả mọi thứ đang lộn tùng phèo. Tôi thích những sự thay đổi lớn”.
Nhưng tôi không thích những cuộc nổi loạn lớn, Cách mạng văn hoá làm tôi rất sợ. Nhưng ngày hôm sau tôi bay về Bắc Kinh, như Mao đã ra lệnh. Đây là lần đầu tiên tôi trở về Bắc Kinh sau hơn một năm.
Tôi có mặt ở thủ đô 16-6-1966, ngày mà Mao đang trong hội bơi thi trên sông Dương Tử. Tôi bơi nhiều lần với Mao nhưng không chú ý. Lần này tôi không thể hiểu những người nước ngoài sẽ kinh ngạc đến mức nào khi một ông già 73 tuổi lại có thể bơi nhanh hơn và xa hơn người đã từng vô địch thế vận Olympic.
Tôi biết sông Dương Tử chảy xiết như thế nào. Mao, vẫn như trong các lần bơi trước, ông nằm ngửa, bụng như quả bóng nổi trên mặt nước, cứ để dòng nước chảy mang theo ông. Đối với tôi, cuộc bơi của Mao trên sông Dương Tử có ý nghĩa như hành động thách thức chống lại ban lãnh đạo đảng, dấu hiệu cuộc chiến bắt đầu.
Với tôi, việc Mao bơi trên sông Dương Tử báo hiệu chuyện ông tự rút lui vào bóng tối đã kết thúc. Ông quay lại sân khấu chính trị. Hai ngày sau, 18-6-1966, Mao có mặt ở Bắc Kinh, để thâu tóm quyền lãnh đạo vào tay mình, trực tiếp chỉ đạo cuộc Cách mạng văn hoá.

Tổng số lượt xem trang