Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

Đời tư Mao Trạch Đông - Phần III. Chương 63


-

Chương 63

Mao cần Uông Đông Hưng, người phụ trách an ninh bảo vệ Chủ tịch, thiếu Uông, Mao không yên tâm. Càng muốn tóm hết kẻ thù, ông càng cảm thấy không an toàn. Sau khi phát hiện khu Hương Cúc, tư dinh trong Trung Nam Hải bị gài “bọ” nghe lén, Mao giờ đây nghi ngờ tới cả nơi ở của mình, sợ rằng khi vắng mặt, lại có thêm “bọ” mới.
Chẳng bao lâu Mao chuyển sang biệt thự thuộc Building I, đồi Châu Xuân ngoài Bắc Kinh. Tôi sống cùng ông, nhưng một vài ngày sau Mao cho rằng chỗ này nhiễm chất độc, yêu cầu chuyển sang nơi khác.

Chúng tôi vào Đào Dư Thái, một khu nhà rộng, nơi chính phủ tiếp khách quốc tế, phía tây Trung Nam Hải., nơi vua chúa ngày xưa thường câu cá. Bây giờ ở đó là cả một quần thể biệt thự, được xây dựng hài hoà trong hàng cây và hồ thả cá. “Tiểu Tổ Cách mạng văn hoá Trung ương” đặt bộ chỉ huy trong khu nhà đó. Giang Thanh, Trần Bá Đạt và một số thành viên khác cũng chiếm vài biệt thự quanh đấy. Mao dọn vào biệt thự số 10. Giang Thanh ở biệt thự số 11.

Tuy nhiên chẳng mấy chốc ở Đào Dư Thái, Mao cũng cảm thấy không an toàn. Ông cho khắp chốn đều nguy hiểm, quyết định quay về phòng 118 trong toà nhà Quốc vụ viện, nơi trong số nhân viên phục vụ có nhiều phụ nữ trẻ, sống tạm ở đó vài tháng. Đến cuối năm 1966, lại quay về Trung Nam Hải, nhưng không về khu Hương Cúc, mà về building nơi ông ở từ năm 1950, nơi có bể bơi trong nhà. Những căn phòng mới xây hiện đại, rộng hơn những căn hộ trước đây, Chủ tịch sống ở đây cho đến trước khi qua đời mấy tuần.
Ngay sau khi quay về Bắc Kinh tháng 7, Mao lại bận rộn với đám phụ nữ, cho phục hồi các buổi dạ vũ, hoà nhạc mà cuộc Cách mạng văn hoá làm gián đoạn. Một tháng sau, Giang Thanh từ Thượng Hải quay về cũng vào khu này sống.
Ông vui vẻ cùng các cô gái thưởng thức những buổi hoà nhạc và vở kinh kịch “Hoàng Đế quyến rũ nữ tỳ”, nhưng Hồng vệ binh xác định đó là kinh kịch phản cách mạng bị cấm. Giờ đây, Giang Thanh nắm quyền điều khiển văn hoá, bà đã thay đổi hoàn toàn. Tôi hoảng lên vì phong cách và trang phục của bà. Giang Thanh mặc bộ quần áo rộng hết cỡ to đến nỗi Mao có thể mặc vừa, đi đôi giầy da cứng, dành cho đàn ông, đế thấp. Giang Thanh trở nên kiêu ngạo theo kiểu nhà độc tài. Trong tay bà là số phận của hàng triệu con người, bà ra những sắc lệnh cứng nhắc, thái quá. Điều lệnh mới, bà không cho phép tổ chức những buổi dạ vũ hội, đến cuối tháng 8, khuyên Mao không tham dự và đuổi bọn đàn bà đi.
- Tôi trở thành sư mất – Mao phàn nàn với tôi ngay sau sự kiện này.
Nhưng sau vài tuần, đám phụ nữ quay về. Phòng 118 lại trở thành tụ điểm vui chơi, giải trí của các cô gái trẻ sống trong các phòng Phúc Kiến, phòng Giang Tây (mỗi tỉnh của Trung Quốc đều có 1 phòng mang tên 1 tỉnh trong khu Đại lễ đường Nhân dân, trang trí theo phong cách địa phương) đến mua vui cho Mao. Ngay cả khi Cách mạng văn hoá đạt tới đỉnh cao và quảng trường Thiên An Môn chìm ngập trong tiếng hò reo, trên đường phố Hồng vệ binh đi tuần suốt đêm, Mao tiếp tục cuộc sống đế vương, vui vầy với đám bạn gái trong cung Hội trường đại biểu toàn quốc, được bao bọc bởi bức tường xung quanh Trung Nam Hải.

***
Những phụ nữ, người trước đây từng gần gũi với Mao, trong thời gian Cách mạng văn hoá bị rơi vào tai hoạ và giờ đây tìm Mao che chở.
Trương Ngọc Phượng là người đầu tiên. Đầu tháng 11-1966, cô đến cổng bảo vệ Trung Nam Hải, mang theo quà biếu Mao, một chai rượu “Mao Đài” và hộp chocolate. Từ lâu Trương không trực tiếp phục vụ Chủ tịch, không có giấy phép ra vào, cô đành gọi y tá của Mao, Ngô Tự Tuấn giúp. Tuy vậy, Trương vẫn thuộc biên chế phục vụ trên đoàn tàu đặc biệt của Chủ tịch. Nhưng từ khi về Bắc Kinh, họ chưa gặp nhau vài tháng. Trương Ngọc Phượng – khi đó mới ngoài hai mươi – đã đi lấy chồng, giờ đây đang rơi vào tai hoạ.
Hồng vệ binh ở bộ phận phục vụ chuyến tầu đặc biệt, lật đổ bí thư đảng cũ, tiếm quyền bí thư. Trương Ngọc Phượng, đảng viên, cô trung thành với bí thư cũ, ủng hộ ông từ lâu nên cũng vào tầm ngắm. Trương mang chút quà lấy cớ đến thăm, mong sao được Mao che chở.
Khi Ngô Tự Tuấn báo cáo về Trương Ngọc Phượng, Mao không những gặp người tình cũ của mình, còn đồng ý giúp đỡ. Mối quan hệ đặc biệt giữa ông và cô nhân viên phục vụ tầu đặc biệt ai cũng biết, nên chẳng ai nghi ngờ khi cô ta quay về kể lại cuộc gặp với Chủ tịch. Khi cô nói với các bạn đồng nghiệp, chính Chủ tịch nói, bí thư đảng uỷ cũ không bị phế truất, người ta phục hồi công tác cho Trương Ngọc Phượng, chẳng ai dám động đến cô nữa.
Lưu, một trong số bạn gái của Mao, làm việc trong Đoàn văn công Không quân, là người tiếp theo đề nghị ông che chở, cũng lại nhờ qua Ngô Tự Tuấn. Lưu đi cùng hai bạn gái. Khi gặp Ngô Tự Tuấn, ba cô gái khóc như mưa. Lưu kể, tổ Cách mạng văn hoá thâu tóm lực lượng không quân. Đơn vị các cô làm ở đó chia thành hai phái: phái nổi loạn, muốn loại bỏ sự lãnh đạo hiện thời của đảng và “phái bảo hoàng”, cương quyết giữ lại sự tồn tại cũ của nó. Trong số thành viên của phái bảo hoàng, có những phụ nữ trẻ này. Tất cả các bạn gái Mao trong thời gian trước đã được kiểm tra cẩn thận về lý lịch cũng như sự trung thành tuyệt đối với đảng.
Khi Hồng vệ binh chiếm lĩnh, nắm quyền kiểm soát, họ quẳng các cô gái ra lề đường không thương tiếc. Gặp Ngô Tự Tuấn, họ đã bị tống khứ ra đường đã 2 ngày nay.
Mao vui vẻ cho gặp cả 3 người, ông bảo:
- Nếu họ không muốn đồng chí, có thể ở lại với tôi. Họ nói đồng chí bảo vệ Hoàng đế phải không? Tốt lắm, Hoàng đế là tôi đây.
Mối quan hệ trước đây với Chủ tịch giúp Lưu rất nhiều. Mao trao đổi với Diệp Quần, trưởng ban Cách mạng văn hoá trong Quân uỷ đừng động đến cô gái này và bạn cô ta. Diệp Quần còn đi xa hơn. Theo gợi ý của bà, Tư lệnh không quân Vương Phú Thắng bổ nhiệm Lưu làm lãnh đạo Uỷ ban cách mạng văn hoá trong đoàn văn công. Từ một cô gái đã bị ném ra hè đường Lưu đã nhanh chóng biến thành người hoạt động nổi tiếng của cuộc Cách mạng văn hoá.
Lưu và các bạn cô từ sau đó thường xuyên viếng thăm Mao. Mao thường một vài ngày tách ra về Đào Dư Thái để thư giãn với họ. Một lần Giang Thanh về Đào Dư Thái không báo trước, làm các cô một bữa lo sợ. Rất may, y tá trường đã kịp báo, họ nhanh chóng tẩu thoát, trước khi vợ Chủ tịch xộc vào phòng ông.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Mao gọi Ngô Tự Tuấn.
- Trong khi lãnh đạo cao cấp muốn gặp tôi, tất cả phải được sự đồng ý của tôi. Vì sao Giang Thanh lại dược ngoại trừ? Nói cho Uông Đông Hưng, ra chỉ thị cho bảo vệ, không cho bất cứ ai vào, khi tôi chưa cho phép.
Từ lúc đó đến khi Mao qua đời, Giang Thanh phải xin phép mỗi khi muốn thăm chồng.
Tình bạn giữa những cô gái này và Diệp Quần phát triển tốt đẹp. Năm 1969, khi Lưu mang thai, Diệp Quần cho là con Mao, thu xếp cho Lưu một buồng dành cho lãnh đạo cao cấp trong bệnh viện đa khoa của không quân, hàng ngày gửi đồ ăn ngon cho Lưu. Khi đứa bé được ra đời, Diệp Quần đến tỏ vẻ thích thú “Thật là tin đáng mừng!” Vợ Lâm Bưu reo lên. “Chủ tịch có một vài con trai, nhưng một số đã chết, còn số đang sống lại bị bệnh tật. Đây mới đích thực thằng bé tiếp tục nối dõi tông đường”. Nhiều người đã tin rằng đứa bé giống Mao như lột.
Tôi và Ngô Tự Tuấn thăm Lưu trong bệnh viện. Cương vị của tôi ở chỗ Mao đòi hỏi tôi phải để ý sức khoẻ cả bạn gái ông. Lưu nghĩ rằng tôi, cũng như Diệp Quần, tin Mao là cha đẻ của đứa bé. Nhưng tôi không kể cho ai biết rằng Mao bị vô sinh, không có khả năng sinh con.

Tổng số lượt xem trang