Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

"Siêu tài sản nhà nước” bị “làm xiếc”?

-Thất thoát, lãng phí ngay trong các quy định
Quang Chung Chủ Nhật, 29/11/2015,
(TBKTSG) - Tuần trước, trả lời chất vấn Quốc hội, cả hai bộ trưởng Xây dựng và Kế hoạch và Đầu tư đều thừa nhận: thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng các công trình sử dụng vốn của Nhà nước hiện nay rất lớn nhưng khó định lượng. Vì sao lại như vậy?

Thất thoát, lãng phí lớn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phúc về thực trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, nói: “Chưa có nghiên cứu toàn diện để biết thất thoát trong xây dựng công trình là bao nhiêu phần trăm, nhưng thất thoát là có thật và là vấn đề đang hết sức bức xúc”.

Dù “chưa có nghiên cứu toàn diện” nhưng với báo cáo của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng về nỗ lực cắt giảm, hạn chế thất thoát, lãng phí trong xây dựng đối với các công trình sử dụng vốn nhà nước trong thời gian qua cũng cho thấy phần nào mức độ thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực này...

Đó là, sau khi có Nghị định 15/2013/ NĐ-CP quy định việc quản lý chất lượng công trình xây dựng, các cơ quan chuyên môn về xây dựng đã thẩm định dự toán thực tế các công trình xây dựng. Số liệu báo cáo của các địa phương và các ngành cho thấy việc thẩm định dự toán thực tế đã cắt giảm được 6,75% tổng dự toán công trình so với dự toán ban đầu (năm 2013 cắt giảm 9,2%, năm 2014 cắt giảm 5,39% và chín tháng đầu năm 2015 cắt giảm 5,66%).

Ngoài ra, trong giai đoạn 2011-2015, thanh tra Bộ Xây dựng đã kiểm tra một số công trình (chứ không phải tất cả) và ban hành 189 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, kiến nghị xử lý về kinh tế với số tiền 3.300 tỉ đồng trên tổng mức đầu tư là 82.000 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 4,3% (bao gồm tiền trừ thanh quyết toán, tiền thuế đất và áp sai đơn giá thuế đất, tiền điều chỉnh phê duyệt lại dự toán, lập dự toán chưa đúng quy định...).
Thực tế, thất thoát, lãng phí đang diễn ra ngay trong các quy định của cơ quan nhà nước (như quy định về suất vốn đầu tư, cách trả phí thiết kế công trình) chứ không phải chỉ ở khâu thi công hay sử dụng sau thi công.


Như vậy, chỉ riêng hai khoản thất thoát (đã được kiểm soát một phần) nói trên cộng lại cũng đã hơn 11% tổng dự toán công trình. Cho nên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng: “Nếu chúng ta làm chặt chẽ việc thẩm định dự toán thực tế và thanh, kiểm tra thường xuyên các công trình thì sẽ hạn chế được thất thoát, lãng phí rất lớn; vì tổng đầu tư xây dựng bằng vốn nhà nước mỗi năm chiếm khoảng 40% tổng đầu tư xã hội”.

Riêng về chuyện thất thoát, lãng phí trong việc sử dụng các công trình (đã xây dựng xong nhưng không có người sử dụng, hoặc sử dụng kém hiệu quả - như công trình ký túc xá ở Đà Lạt trị giá hàng trăm tỉ đồng nhưng chỉ có một sinh viên ở), Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng “lĩnh vực này thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vì đó là chủ trương đầu tư”.

Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã không né tránh. Theo ông Vinh, thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước hiện nay còn lớn, rất nghiêm trọng, chưa kiềm chế được, dù Quốc hội, Chính phủ và địa phương rất quyết liệt. Ông cho biết, cách đây hai năm, ông từng làm công văn đề nghị các địa phương, các bộ sử dụng vốn nhà nước trong đầu tư công trình báo cáo tình hình thất thoát, lãng phí nhưng sau bảy tháng chỉ có bảy địa phương và năm tập đoàn báo cáo nên con số đó không phản ánh được gì!

Có thể định lượng được không?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phúc đặt vấn đề các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng và Tài chính có thể giúp Chính phủ tính toán định lượng những thất thoát, lãng phí trong các công trình sử dụng vốn nhà nước (chiếm bao nhiêu phần trăm GDP) trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay hay không.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh đã đại diện ba bộ nói trên (do Chính phủ phân công), nói: “Tôi xin trả lời là có thể. Tuy nhiên, chính xác thì khó”.

Diễn tả cho cái “khó” vừa nói, ông Vinh kể câu chuyện về đội trưởng đội thi công đã rút ruột (sắt thép) công trình cầu Bản Phiệt trên quốc lộ 70, tuyến Hà Nội - Lào Cai. Theo đó, khi hành vi của anh kỹ sư xây dựng này bị Công an tỉnh Lào Cai phát hiện, anh ta khẳng định: “Tôi lấy bớt thép bởi vì trong thiết kế quá an toàn, thừa... tôi có rút đi chừng ấy, trụ cầu cũng chẳng sao cả”.

Theo ông Bùi Quang Vinh, để chứng minh cho việc “rút ruột công trình” của mình không ảnh hưởng đến chất lượng công trình, anh kỹ sư cầu đường nói trên đã chỉ ra cho các cơ quan quản lý một lỗ hổng rất lớn. Đó là, theo lập luận của anh này, “tại ông thiết kế được ăn theo tỷ lệ phần trăm giá trị công trình. Nghĩa là, tổng giá trị công trình càng lớn thì ông thiết kế càng được nhiều tiền. Nên vừa để an toàn cho mình, vừa được nhiều tiền, ông ta đã thiết kế quá an toàn so với cần thiết để nâng tổng vốn đầu tư”.

Thực vậy, theo Hiệp hội Kỹ sư tư vấn Việt Nam, chính cách trả thiết kế phí dựa trên định mức phần trăm của tổng mức xây dựng công trình áp dụng suốt nửa thế kỷ qua đã làm cho xu thế thiết kế công trình nặng nề, tốn kém thắng thế vì nhận được tiền thiết kế cao hơn; còn thiết kế công trình tốt, rẻ thì vừa mệt mỏi trong thiết kế, thẩm tra lại nhận được ít tiền công hơn.

Thực tế, thất thoát, lãng phí đang diễn ra ngay trong các quy định của cơ quan nhà nước.

Ví dụ, Quyết định số 643 (2014) của Bộ Xây dựng về công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình quy định: suất đầu tư cho một mét vuông sàn trụ sở cơ quan, văn phòng làm việc từ 8-15 tầng là hơn 10 triệu đồng, từ 5-7 tầng là hơn 8,5 triệu đồng, dưới năm tầng là gần tám triệu đồng...; suất đầu tư cho một mét vuông sàn chung cư từ bảy tầng trở xuống là gần 8,5 triệu đồng, từ 8-15 tầng là hơn 9 triệu đồng... từ 26-30 tầng là gần 12 triệu đồng.

Các chủ đầu tư là cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước cứ căn cứ vào suất đầu tư này để lập dự toán... và thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành, thì suất đầu tư do Bộ Xây dựng quy định như thế là quá cao - gấp 2 lần - so với thực tế, nên thất thoát, lãng phí là khó có thể tránh khỏi.

Theo ông Đực, giá xây dựng cho mỗi mét vuông của các công trình nói trên, nếu do tư nhân hoặc do công ty nhà nước “có tâm” đầu tư, thì chỉ khoảng từ 4-5 triệu đồng.

Thực tế, các công trình chung cư (nhà ở xã hội) của Becamex Bình Dương đang được bán với giá khoảng 100 triệu đồng/căn 30 mét vuông. Tính ra, giá bán mỗi mét vuông sàn chỉ có 3,3 triệu đồng (thấp hơn nhiều so với suất đầu tư của Bộ Xây dựng quy định). Dù vậy, theo một cán bộ của công ty này, công ty vẫn có lời “chút ít” vì giá thành xây dựng chỉ khoảng 3 triệu đồng một mét vuông sàn.

Có lẽ nhận thấy thất thoát, lãng phí xảy ra ngay từ các quy định của cơ quan nhà nước (chứ không phải chỉ đến khâu thi công mới thất thoát), nên ông Vinh đã nói: “Nếu thống kê về thất thoát mà dựa trên số liệu của kiểm toán nhà nước, số liệu của thanh tra các bộ, ngành cũng như Thanh tra Chính phủ... thì cũng sẽ cho ra được một con số, nhưng con số đó không đủ, không chính xác”.

Ông Vinh khẳng định, việc định lượng con số thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng là cần làm, dù không hề đơn giản. “Trước mắt phải rà soát các quy định, siết chặt các lĩnh vực, các định mức, để tìm ra nguyên nhân... mà khắc phục nhằm giúp cho việc sử dụng đồng vốn của Nhà nước hiệu quả hơn”, ông nói.



-Siêu tài sản nhà nước” bị “làm xiếc”?
15/05/2015
Sau khi “làm xiếc” với hai “siêu tài sản nhà nước” tại 120 Quán Thánh và 164 Trần Quang Khải, có dấu hiệu cho thấy Công ty CP Đấu giá Thành An lại đang “giở trò” với một “siêu nhà đất” khác cũng của nhà nước. “Nạn nhân” lần này là cơ sở nhà đất ở số 3 Đặng Thái Thân, Hà Nội.
Tòa nhà số 3 Đặng Thái Thân, Hà Nội.

Dính bê bối, vẫn được lựa chọn 

Ngày 5/5/2015, Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp (Tcy VTNN) đã ban hành văn bản khẳng định Công ty CP Đấu giá Thành An (Cty Thành An) có sai phạm trong việc niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá (BĐG) tài sản khi tổ chức BĐG hai tài sản nhà nước (TSNN) tại 120 Quán Thánh và 164 Trần Quang Khải.

Cùng với đó, Tcy VTNN đề nghị huỷ kết quả BĐG đối với phiên BĐG tài sản là nhà đất 120 Quán Thánh; đề nghị huỷ hợp đồng BĐG tài sản đã kí với Cty Thành An trong việc BĐG tài sản là nhà đất 164 Trần Quang Khải.

Cần phải nói thêm rằng trong tháng 4/2015, báo chí đã liên tục phản ánh, các cơ quan chức năng đã liên tục vào cuộc điều tra và xác minh về các sai phạm, dấu hiệu sai phạm của Cty Thành An mà nổi lên là các thủ đoạn bưng bít thông tin của cty này nhằm hạn chế đến mức ít nhất số người có thể biết đến việc TSNN đang được BĐG.

Từ đó, số lượng người có thể mua được hồ sơ BĐG, có thể tham gia các phiên BĐG do Cty Thành An tổ chức sẽ bị hạn chế đến mức tối thiểu. Hậu quả, các phiên BĐG sẽ thiếu tính cạnh tranh, TSNN có nguy cơ bị bán giá rẻ, bị cá nhân và nhóm trục lợi phi pháp.

Và trên thực tế, phiên BĐG TSNN tại 120 Quán Thánh chỉ có 2 người tham gia, rồi kết thúc chóng vánh chỉ sau 1 vòng đấu giá; phiên BĐG TSNN tại 164 Trần Quang Khải cho đến khi chuẩn bị mở cũng chỉ có 2 người đăng ký tham gia đấu giá.

Vậy mà theo tìm hiểu báo chí, ngay sau khi dính bê bối trong hai vụ BĐG TSNN nêu trên, mới đây Cty Thành An lại bất ngờ được Ban quản lý Các dự án khí tượng thuỷ văn (gọi tắt là BQL CDAKTTV, là tổ chức sự nghiệp công lập trực thuộc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường) chọn làm đơn vị tổ chức BĐG một “siêu tài sản nhà nước” khác.

Cụ thể, Cty Thành An đã được BQL CDAKTTV chọn làm đơn vị tổ chức BĐG tài sản đối với cơ sở nhà đất tại số 3 Đặng Thái Thân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. TSNN này là tòa nhà cao tầng có mặt tiền rất rộng, diện tích xây dựng 3.346m2, tọa lạc trên diện tích đất 739,5m2, ở rất gần khách sạn Hilton Hà Nội, chỉ cách Nhà hát Lớn một đoạn đường ngắn. Đây thực sự là một tòa nhà đẹp được xây dựng trên một “khu đất vàng”!

Bán hồ sơ “chớp nhoáng” 

Sẽ không có gì để phê phán BQL CDAKTTV nếu trong việc tổ chức BĐG nhà đất tại số 3 Đặng Thái Thân lần này, Cty Thành An không dùng những thủ đoạn phi pháp để kiểm soát phiên BĐG theo ý mình, bất chấp quyền lợi của nhà nước. Rất tiếc là theo điều tra của chí, cuộc đấu giá này cũng đang có dấu hiệu bị Cty Thành An “phù phép” để hạn chế số lượng người có thể tham gia.

Chiều 13/5/2015, phóng viên gọi điện thoại cho ông Lương Ngọc Hà - Tổng Giám đốc Cty Thành An để hỏi về thời điểm cty này bắt đầu bán hồ sơ BĐG TSNN là nhà đất tại số 3 Đặng Thái Thân. Tuy nhiên, ông Hà trả lời “không biết” với lý do “tôi đang đi công tác, việc đó giao cho người khác ở nhà”.

Sau khi bị ông Hà từ chối cung cấp thông tin, phóng viên đã đến trụ sở UBND phường Phan Chu Trinh vì theo quy định pháp luật thì đây là một trong những địa điểm mà Cty Thành An bắt buộc phải niêm yết công khai thông báo BĐG tài sản.

Tại đây, phóng viên phát hiện Thông báo BĐG số 0705/2015/TB-TA của Cty Thành An về việc BĐG TSNN tại số 3 Đặng Thái Thân đang được niêm yết. Đáng nói, thông báo này do chính tay Tổng giám đốc Lương Ngọc Hà ký ban hành (vậy mà ngay trước đó, ông Hà nói “không biết”)!
Theo thông báo, Cty Thành An sẽ bán hồ sơ cho khách muốn tham gia đấu giá nhà đất ở số 3 Đặng Thái Thân trong vỏn vẹn... 2 tiếng đồng hồ: Từ 14h00 đến 16h00 ngày 14/5/2015!

Có một điểm đáng lưu ý đó là việc niêm yết, thông báo công khai việc BĐG tài sản là nhà đất tại số 3 Đặng Thái Thân chỉ được Cty Thành An bắt đầu triển khai từ ngày 9/5/2015. Như vậy, chỉ có 5 ngày ngắn ngủi để thông tin có thể truyền tải đến công chúng thì đã đến lúc bán hồ sơ. Và sau 5 ngày đó, những người có nguyện vọng mua TSNN nếu may mắn nắm được thông tin thì cũng chỉ có cơ hội mua hồ sơ trong 2 tiếng đồng hồ “chớp nhoáng”.
Ảnh minh họa
Thông báo BĐG niêm yết tại trụ sở UBND phường Phan Chu Trinh.
Quá nửa khách không được mua hồ sơ 

14h00 ngày 14/5/2015, vào thời điểm cty Thành An bán hồ sơ, phóng viên đã có mặt tại khu vực trụ sở cty ở số 266 Hà Huy Tập, thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Theo ghi nhậni, có rất nhiều người tập trung xung quanh trụ sở Cty Thành An. Phóng viên đã gọi điện thông báo cho lãnh đạo Công an huyện Gia Lâm, Công an thị trấn Yên Viên để hai cơ quan công an nắm bắt tình hình.

15 phút sau, khi phóng viên bước vào trụ sở Cty Thành An, số người đăng ký mua hồ sơ đã lên tới trên dưới 80 người, trong đó ai cũng được phát phiếu ghi số thứ tự. Đáng nói, các phiếu thứ tự này không có chữ ký hay con dấu xác nhận của phía Cty Thành An.

Theo quan sát của phóng viên, việc bán hồ sơ diễn ra rất chậm chạp. Tính đến 14h30 cùng ngày, Cty Thành An mới bán ra được chưa đến 10 bộ hồ sơ.

Khoảng 15h30, nhiều khách mua sốt ruột hỏi đại diện Cty Thành An rằng với tốc độ bán hồ sơ này thì đến 16h cũng sẽ chưa đến lượt họ, vậy thì sau 16h, cty có bán hồ sơ cho họ không?

Một người có mặt tại khu vực bán hồ sơ tự giới thiệu tên là La Văn Toản, đại diện cho bên sở hữu tài sản BĐG (tức là BQL CDAKTTV) trả lời: “Những ai đã đến đây trước 16h và được phát phiếu thứ tự thì chúng tôi sẽ bán hồ sơ cho người đó, kể cả phải kéo dài thời gian bán hồ sơ so với thông báo ban đầu”. Tuy nhiên, một người khác là nhân viên của Cty Thành An lại gạt đi: “Anh không được nói như vậy”.

Đúng 16h, mặc dù mới bán ra được hơn 30 bộ hồ sơ, trong khi khách đăng ký mua theo phiếu thứ tự lên tới trên dưới 80 người nhưng Cty Thành An đã ngừng bán, mời khách ra ngoài để đóng cửa trụ sở trước sự ngơ ngác của những người chưa mua được hồ sơ.

Đại diện Cty Thành An khép lại buổi bán hồ sơ bằng “tuyên bố” chung chung: “Bọn tôi chỉ làm theo quy định. Sếp chỉ đạo phải dừng. Có gì thì các anh liên hệ với lãnh đạo Cty Thành An”.

Như vậy là quá nửa khách có mặt đúng thời điểm Cty Thành An mở bán hồ sơ đã không được mua hồ sơ như nguyện vọng. Nhiều người bày tỏ sự bức xúc trước cách hành xử lạ lùng của cty này nhưng không thay đổi được gì.

Chủ tài sản “im lặng”, lãnh đạo Bộ nắm thông tin 

Trong chiều 14/5/2015, tại thời điểm Cty Thành An đang bán hồ sơ, phóng viên đã nhiều lần gọi vào số điện thoại di động của ông La Đức Dũng là Giám đốc BQL CDAKTTV để phản ánh việc Cty Thành An bán hồ sơ kiểu chớp nhoáng, có thể dẫn đến hậu quả là số lượng người mua hồ sơ bị hạn chế. Tuy nhiên, thuê bao của ông Dũng lúc thì ngoài vùng phủ sóng, khi thì bận, khi thì đổ chuông nhưng không nghe.

Phóng viên gọi điện về số điện thoại bàn của BQL CDAKTTV thì được cán bộ cho biết: Ông Dũng đã đi công tác, không có mặt ở trụ sở. Phóng viên hỏi theo lịch công tác, ông Dũng đi đâu nhưng không nhận được câu trả lời.

Trước tình hình đó, phóng viên đã nhắn 2 tin vào thuê bao di động của ông Dũng. Tin nhắn thứ nhất mang nội dung đề nghị phỏng vấn ông Dũng về việc BĐG TSNN ở số 3 Đặng Thái Thân. Tin nhắn thứ hai ghi rõ: “Kính đề nghị anh nghe điện thoại của tôi để nắm bắt được tình hình, từ đó kịp thời có biện pháp bảo vệ TSNN, không để cá nhân và nhóm trục lợi”.

Tuy nhiên, trong cả buổi chiều 14/5/2015, ông Dũng đã không nghe điện thoại, không gọi lại và cũng không trả lời tin nhắn của phóng viên.

Không thể truyền tải thông tin cho lãnh đạo đơn vị đang trực tiếp quản lý, sử dụng TSNN tại số 3 Đặng Thái Thân là BQL CDAKTTV, cũng trong chiều 14/5/2015, phóng viên đã gọi điện thông báo tình hình “bán hồ sơ chớp nhoáng” của Cty Thành An cho một Thứ trưởng của Bộ Tài nguyên và Môi trường để vị lãnh đạo này nắm được thông tin, kịp thời đưa ra những chỉ đạo có lợi cho TSNN.

Hy vọng sau đây việc bán hồ sơ BĐG TSNN tại số 3 Đặng Thái Thân sẽ được gia hạn để phiên BĐG này có thể thu hút tối đa số lượng người tham gia đấu giá, làm lợi tối đa cho ngân sách nhà nước, đồng thời xóa đi nguy cơ thêm một TSNN bị “làm xiếc” một cách trắng trợn.
Ông La Đức Dũng cuối cùng cũng nghe điện thoại
18h07 ngày 14/5/2015, phóng viên một lần nữa gọi điện vào thuê bao di động của ông La Đức Dũng. Lần này, ông Dũng mới nghe điện thoại, cho biết ông vừa đi học về và có cuộc trao đổi với phóng viên.

Theo đó, ông Dũng khẳng định đã được cán bộ báo cáo về việc nhiều khách đến đúng giờ nhưng không được Cty Thành An bán hồ sơ. Quan điểm của ông Dũng là trong ngày 15/5/2015 sẽ tập hợp danh sách những người chưa mua được hồ sơ, sau đó yêu cầu Cty Thành An bán bổ sung hồ sơ cho các trường hợp này. 
 
(Theo Phạm Giang, Tiến Phong, Hoàng Giang - Báo PLVN)






-Hàng Việt “ra rìa” khi đấu thầu (TT 9-4-15)
TT - Các nhà sản xuất trong nước đã bị loại “ngay từ vòng... gửi xe” dù sản phẩm được đánh giá đạt chất lượng.
Hàng kỹ thuật của VN cạnh tranh được, thông số kỹ thuật cũng rất dễ kiểm tra bằng máy móc khách quan nên các đơn vị mua hàng không có lý do gì phải lấy mác ngoại để đảm bảo chất lượng cả. Chúng tôi không cần ưu tiên, nhưng cần được cạnh tranh công bằng, thay vì bị loại để nhường sân cho DN ngoại thi thố
Ông Trần Thành Trọng (tổng giám đốc Công ty CP SBMpower)
Với yêu cầu hàng hóa phải “nhập khẩu đồng bộ nguyên chiếc từ Singapore - Hàn Quốc hoặc các nước G7” được nhiều doanh nghiệp “gài” trong hồ sơ mời thầu, các nhà sản xuất trong nước đã bị loại “ngay từ vòng... gửi xe” dù sản phẩm được đánh giá đạt chất lượng.

“Đi đấu thầu, đặc biệt là các gói thầu nhà nước hoặc vốn nhà nước chiếm đa số, chúng tôi thường nhận được hồ sơ đấu thầu với yêu cầu sản phẩm phải được nhập ngoại 100%. Như vậy làm gì có cơ hội cho doanh nghiệp (DN) nội thắng thầu trên sân nhà” - ông Trần Thành Trọng, tổng giám đốc Công ty CP SBMpower, bắt đầu câu chuyện của mình.

Chưa tham gia đã bị loại

Đưa ra bộ hồ sơ của một đơn vị nhà nước có trụ sở tại quận 3, TP.HCM yêu cầu chào hàng cạnh tranh cung cấp và lắp đặt máy phát điện 560 kVA đầu tháng 8-2014, ông Trọng chỉ về điểm cản trở với DN Việt.

Nguồn gốc xuất xứ nằm ngay phần đầu bản yêu cầu kỹ thuật với dòng chữ: nhập khẩu nguyên chiếc từ G7 hoặc EU. Các yêu cầu về thiết bị, vật tư tiếp theo cũng dày đặc dòng chữ G7 hoặc EU khi hướng dẫn về xuất xứ.

“Yêu cầu quan trọng nhất là máy phát đạt 560 kVA, chúng tôi đạt được vì đã sản xuất được chiếc máy có công suất phát điện 2.500 kVA. Nhưng yêu cầu về G7 hay EU thì chúng tôi chịu” - ông Trọng nói.

Trong khi đó, trong thông báo mời thầu của đơn vị này, mào đầu vẫn là câu quen thuộc: các đơn vị trong và ngoài nước đủ năng lực đều có thể tham gia.

Thấy sự bất nhất trong tinh thần mời thầu và thực tế mô tả như vậy, ông Trọng làm công văn gửi đơn vị này để làm rõ thì được phúc đáp: “Nhằm đảm bảo tính liên tục và không gián đoạn trong công tác, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới nguồn điện. Vì thế, chúng tôi mong muốn được sử dụng máy phát điện có xuất xứ từ các nước công nghiệp tiên tiến nhằm đảm bảo các yêu cầu nói trên”.
Đi đường vòng để trúng thầu?

Để tồn tại, không ít DN đành tìm cách len vào các cuộc đấu thầu bằng cách đi tìm “xuất xứ ngoại”.

Một công ty công nghệ tại TP.HCM cho biết ông đã bắt tay với đơn vị trung gian ở Singapore để thay đổi xuất xứ.

“Công ty tại Singapore nhập hàng của chúng tôi từ VN về, tiến hành các thủ thuật để lấy xuất xứ là Singapore, sau đó xuất nguyên chiếc về VN. Với cách làm này, giá thành tăng thêm 30% nhưng vẫn rẻ hơn hàng nhập ngoại cùng loại và chúng tôi đã thắng thầu” - vị này tiết lộ.

Tuy nhiên, vị này cho rằng đây là cách kinh doanh ba bên cùng thiệt: DN sản xuất VN giảm lãi và không gầy dựng được thương hiệu, đơn vị mua hàng phải mua giá cao hơn thực tế và nền kinh tế đất nước bị thiệt hại, ít nhất 30% vào tay nước ngoài.


Tại một hồ sơ mời thầu khác của một đơn vị hưởng ngân sách tỉnh An Giang phát đi cuối năm 2014, trong yêu cầu có đề cập việc máy móc thiết bị cần tính tới điều kiện khí hậu nhiệt đới của VN, nhưng cũng không vì thế mà chọn DN Việt cung cấp máy phát điện.

Thay vào đó, họ yêu cầu nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài với điều kiện hãng nước ngoài phải cung cấp máy đã được nhiệt đới hóa cho phù hợp điều kiện VN.

Khi nhận được công văn thắc mắc từ nhà cung cấp VN, đơn vị này phúc đáp: “Bên mời thầu mời tất cả nhà thầu có đủ điều kiện về năng lực và kinh nghiệm đến tham gia dự thầu, không có bất cứ điều kiện nào làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu”.

Tuy vậy, điều kiện “nhập khẩu nguyên chiếc” vẫn nằm nguyên trong hồ sơ mời thầu, không hề thay đổi.

Vì sao ta loại mình?

Ông Trần Tuấn Anh - tổng giám đốc Công ty thang máy Thái Bình (Pacific Elevator) tại Tân Phú, TP.HCM - cho biết các DN dùng ngân sách nhà nước chiếm tới 30-40% thị phần thang máy mới cả nước.

“Có điều bán cho DN tư nhân và các khách sạn lớn thì dễ, tiếp cận các đơn vị nhà nước để bán lại quá khó. Rất nhiều lần mua hồ sơ thầu về xong, mở ra là thấy không tham gia đấu thầu được vì họ thường quy định xuất xứ hàng hóa nhập khẩu nguyên chiếc” - ông Tuấn Anh nói.

Theo ông Tuấn Anh, khi làm việc với một số đơn vị dùng vốn ngân sách, có nơi từng ướm lời với ông về việc kê giá lên 2-3 lần giá trị thang máy nhưng ông từ chối.

“Tôi từng cung cấp thang máy sang Lào và một số nước lân cận thì thấy việc tham gia đấu thầu ở đây rõ ràng và đơn giản hơn” - ông chia sẻ.

Lý giải chuyện DN dùng ngân sách ưa hàng ngoại, lãnh đạo một đơn vị sản xuất thiết bị công nghiệp tại TP.HCM cho rằng có thể các đơn vị dùng ngân sách muốn dùng hàng nhập khẩu để... yên tâm về chất lượng, nhưng cũng không loại trừ khả năng họ gửi giá, kê cao tiền mua thiết bị với phía nước ngoài để hưởng chênh lệch.

“DN trong nước với giá bán và thuế rõ ràng, khó kê cao quá mức. Trong khi thiết bị của nước ngoài giá cả khác nhau nhiều, lại qua nhiều khâu trung gian nên đơn vị quản lý không dễ gì kiểm tra giá được” - vị này cho biết. Về phía các đơn vị vẫn hay mời thầu mua sắm thiết bị hầu hết đều cho rằng sở dĩ đưa yêu cầu này để đảm bảo chất lượng, yên tâm trong quá trình sử dụng và tránh được các nguồn hàng chưa khẳng định được chất lượng theo thời gian.

Ông Võ Hoàng Nhân, Công ty Lưới điện cao thế TP.HCM, cho biết đơn vị mình cũng ghi yêu cầu xuất xứ trong các bản chào hàng cạnh tranh là hàng G7, EU, Nhật, Hàn Quốc.

“Mục đích để loại hàng Trung Quốc chất lượng không đảm bảo chứ không có gì hết. Hàng VN đáp ứng đủ tiêu chuẩn như hàng các nước công nghiệp tiên tiến nói trên chúng tôi vẫn chấp nhận và xét thầu bình thường” - vị này thẳng thắn nói.

Theo ông Nhân, nhiều đơn vị kinh doanh tại VN vẫn thường tham gia chào hàng với DN này, trong đó không ít đơn vị chào các sản phẩm Trung Quốc với chất lượng chưa có gì đảm bảo.

'Nhiều doanh nghiệp FDI trốn thuế dữ quá' (MTG 9-4-15)-“Nhiều doanh nghiệp FDI trốn thuế dữ quá, họ lợi dụng việc chuyển giá nên chúng ta chỉ thu được một ít thuế VAT, còn thuế thu nhập doanh nghiệp hầu như không thu được đồng nào..."
Đó là phát biểu của ông Võ Duy Khương - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng được báo Tuổi trẻ trích dẫn tại buổi làm việc giữa UBND TP Đà Nẵng với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sáng ngày 8.4.
“Họ kê khai giá nguyên liệu đầu vào rất cao rồi hạch toán, sau đó tính lại giá đầu vào cao hơn cả giá bán ra nên liên tục kêu than lỗ” – ông Khương cho biết.
Ông Khương nói thêm, nhiều doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam toàn sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, cho nên Chính phủ cần phải  rà soát hoạt động thu hút vốn FDI.
Trong một diễn biến khác, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Trần Văn Phu cũng từng cho biết, năm 2014, toàn ngành thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá tại 2.866 doanh nghiệp khai báo kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp nghi ngờ có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, tăng 80% so với năm 2013. 
Kết quả là, cơ quan thuế đã, giảm lỗ hơn 5.830 tỷ đồng, truy thu, truy hoàn và phạt gần 1.701 tỷ đồng, so với năm 2013 tăng tương ứng gần 82% và 112%.
Tại hội thảo Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến kinh tế Việt Nam tổ chức sáng ngày 9.4, ông Nguyễn Huy Hoàng – Phó trưởng Ban Thông tin DN và thị trường (Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia) cũng nhận định, các doanh nghiệp FDI đã đem lại một bộ mặt khác cho nền kinh tế Việt Nam. 
Tuy nhiên, ông Hoàng cũng chỉ ra những hạn chế mà dòng vốn FDI tác động ngược trở lại với nền kinh tế. Ngoài chuyện chuyển giá, thì việc các doanh nghiệp FDI độc quyền trong một số lĩnh vực như nước uống có ga, thức ăn gia súc, chất tẩy rửa… đã tác động mạnh tới khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.
“Các công ty đa quốc gia phát triển mạnh trong 1 số lĩnh vực với lượng vốn lớn, công nghệ mạnh đã đẩy các doanh nghiệp trong nước cùng lĩnh vực ra khỏi thị trường. Số doanh nghiệp có tầm kiểm soát ngành trên đã làm méo mó thị trường”- ông Hoàng cho biết.
Trước tình hình đó, ông Nguyễn Huy Hoàng cũng đưa ra kiến nghị, các chính sách thu hút vốn FDI cần được rà soát, tập trung hướng tới các lĩnh vực cụ thể, ưu tiên cho các hoạt động sản xuất tạo giá trị gia tăng hay ưu tiên cho các dự án đầu tư công nghệ cao.
Bên cạnh đó, khung pháp lý về mua bán – sáp nhập (M&A) có yếu tố nước ngoài cần nhanh chóng hoàn thiện để đẩy mạnh gắn kết về công nghệ, lao động, thị trường và quản trị doanh nghiệp.
Riêng với lĩnh vực phát triển công nghiệp phụ trợ cho các lĩnh vực then chốt như điện tử, dệt may, sản xuất ô tô, xe máy… vị này nhấn mạnh, cần nghiên cứu đưa ra mô hình liên kết ngang, hình thành các doanh nghiệp vệ tinh, sản xuất linh kiện cho các doanh nghiệp FDI sản xuất hướng tới xuất khẩu.
Hoàng Long (Tổng Hợp)

-Thuốc nội tốt đa số đi đấu thầu… đều rớt


TTO - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã phát biểu như vậy tại buổi giám sát của Ban kinh tế và ngân sách HĐND TP về việc thực hiện chương trình phát triển ngành hóa dược trên địa bàn ngày 15-10.

PGS.DS Phạm Khánh Phong Lan cho biết theo thông tư 01 (hướng dẫn về đấu thầu thuốc - PV) của Bộ Y tế, doanh nghiệp sản xuất thuốc nào cũng đạt vòng kỹ thuật, sau đó mới đến vòng đấu giá nên rất khó phân biệt được thuốc tốt và thuốc chấp nhận được.

“Tôi rất đau xót khi chứng kiến nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM có dây chuyền sản xuất thuốc đạt chuẩn châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản nhưng khi ra đấu thầu thì rớt hết”, bà nói.

Theo bà Phong Lan, chỉ có thuốc chất lượng với giá cả hợp lý chứ không có thuốc chất lượng mà giá rẻ. Vì vậy, TP cần có sự chủ động, đề xuất với trung ương thay đổi chính sách trước khi quá muộn bởi cứ tiếp tục thế này những doanh nghiệp đàng hoàng sẽ lụi tàn, chấm dứt.

DS Huỳnh Thị Lan, tổng giám đốc Công ty cổ phần hóa dược phẩm Mekopha cũng đề nghị TP nên nghiên cứu kỹ lại các điểm kỹ thuật trong thông tư 01 để làm sao người dân được sử dụng thuốc chất lượng tốt với giá cả hợp lý.

Theo bà, Mekopha xuất khẩu thuốc đi nhiều nước trên thế giới nhưng tại Sở Y tế TP.HCM chỉ trúng thầu rất ít. Thuốc xuất khẩu đi nước nào họ cũng cử người đến công ty kiểm tra dây chuyền sản xuất rất kỹ, toàn bộ chi phí Mekopha phải trả. Nhưng thuốc nước ngoài được vào Việt Nam thì không thấy chúng ta đi kiểm tra xem dây chuyền của họ đạt hay không.

Một số công ty dược khác cũng lo lắng khi đã đầu tư dây chuyền sản xuất thuốc hiện đại, chất lượng thuốc tốt nhưng với những quy định như hiện nay, việc trúng thầu rất khó nên chưa biết đầu ra sẽ thế nào.



-Một kiểu đốt tiền (Petrotimes 4-4-15)
(PetroTimes) - Mấy năm gần đây, các sự kiện kỷ niệm, trao giải thưởng, mở hội thi, phát động thi đua, gala, đêm nhạc từ thiện… được tổ chức triền miên quanh năm suốt tháng ở khắp cả nước. Sự kiện nhiều đến mức, mở các kênh truyền hình Trung ương hoặc địa phương hầu như ngày nào cũng gặp các chương trình truyền hình trực tiếp. Cảm giác phải xem truyền hình trực tiếp đến mức bão hòa, không còn thấy sự long trọng và ý nghĩa hữu hiệu gì mà nó mang lại.
Năng lượng Mới số 410
Tại sao người ta lại tổ chức lắm sự kiện và cái gì cũng “trực tiếp” như vậy? Đơn giản là lợi ích cho một tổ chức, một nhóm người chứ không mang lại lợi ích đại chúng.
Ai là người hưởng lợi từ những sự kiện ấy? Có 3 đối tượng. Một là ban tổ chức; hai là người của các công ty truyền thông và tổ chức sự kiện; ba là nhà tài trợ.
Ban tổ chức là lãnh đạo ngành hoặc địa phương. Tổ chức một sự kiện nào đó thì các vị lãnh đạo mát mặt với thiên hạ vì được xuất hiện trước công chúng, được giới thiệu đầy đủ chức danh. Điều đó cũng có nghĩa là quảng bá cho ngành, cho địa phương thì ít mà quảng bá cho cá nhân thì nhiều. Rồi từ sự kiện ồn ào ấy, họ có cơ may khi bầu cử khóa tới sẽ lấy được nhiều phiếu tín nhiệm hơn, lên chức vị cao hơn.
Kiếm ăn được nhiều nhất là công ty truyền thông và tổ chức sự kiện. Đây là “canh bạc” mà họ không phải bỏ vốn nhưng kiếm bộn lời. Bởi kinh phí để tổ chức sự kiện là của ngành hoặc địa phương bỏ ra một ít, còn phần lớn là do các nhà tài trợ đóng góp. Sự kiện nhỏ thì chi phí chừng dăm bảy trăm triệu, sự kiện lớn thì phải vài ba tỉ đồng. Các nhà tổ chức thường đưa ra phương thức “xã hội hóa” để kêu gọi tài trợ từ những người hảo tâm, các doanh nghiệp lớn.
Ban tổ chức cấp giấy giới thiệu và thư mời tài trợ rồi giao cho công ty tổ chức sự kiện đi vận động xin tiền. Không ít trường hợp, ban tổ chức ký khoảng vài chục giấy giới thiệu và thư mời tài trợ thì người tổ chức sự kiện tự ý “nhân bản” thành dăm bảy chục thư mời đi rải ở khắp nơi. Vì đã có tư cách pháp nhân của ban tổ chức đầy uy quyền nên dù nhiều hay ít thì các doanh nghiệp cũng đành phải dốc hầu bao.
Nhân viên tổ chức sự kiện cũng lắm mánh khóe để moi tiền; chẳng hạn xếp loại nhà tài trợ kim cương, tài trợ vàng, tài trợ bạc; cho in logo và chạy chữ giới thiệu trên màn hình; cho lên sân khấu trao quà tặng. Nếu xin được ít tiền thì họ yêu cầu nhà tổ chức phải chi thêm; còn ngược lại, xin được nhiều tiền thì họ không công khai hết với nhà tổ chức. Công việc xong rồi, họ chia phần cho nhà tổ chức bao nhiêu biết bấy nhiêu rồi cao chạy xa bay.
Đã có chuyện một tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ tổ chức kỷ niệm ngày thành lập tỉnh bằng hình thức sân khấu hóa. Lúc đầu dự chi 1,5 tỉ đồng, nhưng công ty tổ chức sự kiện từ Hà Nội về tính toán thế nào đội lên 3 tỉ. Tỉnh vẫn đành chấp nhận. Song chẳng may trước ngày tổ chức sự kiện thì gặp bão lớn tràn về, lễ kỷ niệm phải hoãn lại. Mọi thứ đã chuẩn bị rồi và ngày kỷ niệm đã qua đi. Các đoàn nghệ thuật được thuê biểu diễn cũng đã tập tành hàng tháng, phải trả tiền cho họ.
Công ty tổ chức sự kiện gây sức ép với địa phương phải tổ chức để còn thu lại khoản tiền béo bở. Tỉnh này nghĩ mãi mới ra một một phương án bất đắc dĩ là đem cái chương trình “sân khấu hóa” ấy ra trình diễn nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập QĐND Việt Nam. Dân cả tỉnh thấy lạ là sao kỷ niệm thành lập quân đội năm lẻ mà tỉnh lại làm to đến thế? Không ai giải thích được.
Thôi thì cứ coi như là tỉnh rất trân trọng QĐND và thể hiện sự tôn vinh của đảng bộ, chính quyền, đoàn thể của tỉnh đối với QĐND anh hùng! Nhưng xen ra cán bộ địa phương, ai biết được thì đều thấy “ngậm đắng nuốt cay thế nào”.
Còn với các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm. Phải nói rằng, có những doanh nghiệp ăn nên làm ra và rất có trách nhiệm đóng góp vào các quỹ tài trợ, làm từ thiện. Song cũng không ít doanh nghiệp thua lỗ triền miên, đời sống công nhân khốn khó nhưng giám đốc vẫn muốn đánh bóng thương hiệu cho bản thân mình. Thế là nhân có sự kiện gì, các vị giám đốc ấy cũng vẫn hăng hái đóng góp một khoản tiền tài trợ. Khi nhìn ông hay bà giám đốc của mình được xướng danh, được lên sân khấu nhận bó hoa cám ơn của ban tổ chức sự kiện thì bao công nhân cảm thấy đắng lòng. “Trăm nghìn đổ một trận cười như không”!
Nhiều nơi còn chọn ngày sinh năm chẵn của cố lãnh tụ, danh nhân để tổ chức sự kiện. Nếu đơn thuần như vậy thì các sự kiện này có ý nghĩa giáo dục lớn với các tầng lớp nhân dân. Nhưng có những sự kiện đã lợi dụng danh nghĩa ấy để làm ăn. Cũng “xã hội hóa” bằng cách đi xin tài trợ. Rồi lại truyền hình trực tiếp. Kinh phí được chi trả cho diễn viên, bồi dưỡng cho mấy nhân vật giao lưu, kể chuyện; tiền thuê sóng truyền hình; còn lại thì ban tổ chức và người thầu tổ chức sự kiện ăn chia hết. Đó là sự lợi dụng làm ăn rất đáng phê phán!
Những nhà tổ chức, những công ty truyền thông nghĩ gì khi núp bóng làm công tác truyên truyền giáo dục để kinh doanh như thế? Những lễ hội, liên hoan nghệ thuật là trò vui chơi giải trí đã đành; ngày sinh Bác Hồ, ngày thương binh liệt sĩ, ngày nạn nhân chất độc da cam, ngày vì người nghèo, người tàn tật… mà cũng cố tình biến hóa thành cơ hội kiếm ăn thì không thể nào chấp nhận được.
Một đối tượng nữa cũng cần phải nhắc đến là các kênh phát thanh và truyền hình từ Trung ương đến địa phương. Lâu nay dư luận rất bức xúc là tại sao các nhà đài tùy tiện cho phát trực tiếp nhiều chương trình có nội dung tẻ nhạt và thậm chí phản cảm. Nguyên nhân sâu xa cũng lại vì... tiền! Những kênh, những giờ phát sóng được cho là “giờ vàng” mà dành để tường thuật trực tiếp những nội dung vô bổ, quá nhàm bởi nhà đài đã chấp nhận “bán sóng” cho nhà tài trợ thì người bỏ tiền ra muốn làm gì thì làm.
Những kênh, những sóng và thời lượng phát ấy thông thường để đưa những vấn đề thời sự và chuyên đề bổ ích cho đông đảo khán giả đã bị “đấu thầu” để phát các chương trình trực tiếp. Có một vấn đề đặt ra: Nếu không có chương trình truyền hình trực tiếp thì nhà đài vẫn phải phát sóng các chương trình khác trong khoảng thời gian ấy. Mà kinh phí phát sóng trong thời lượng ấy chắc chắn do nhà đài chịu.
Vậy thì tại sao truyền hình trực tiếp cho các đơn vị thì nhà đài lại thu khoản tiền mấy trăm triệu? Hơn nữa, nhà đài còn “trông giỏ bỏ thóc”. Sự kiện nào hoành tráng, có nhiều tiền tài trợ thì phát kênh 1; còn sự kiện bình thường và ít tiền thì phát kênh 2.
Các ca sĩ “ngôi sao” cũng thừa cơ hét giá ngất ngưởng, hát đớp một bài cũng kiếm mấy chục triệu đồng thông qua ngã giá với công ty tổ chức sự kiện. Một vị lãnh đạo của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Viettel cách đây mấy năm đã nói: “Từ nay chúng tôi không thừa tiền tài trợ cho các sự kiện để chi cho mấy đứa lên uốn éo hát hò nhảy múa một tí đã thu nhập bằng mấy tháng lương công nhân như thế nữa”.
Đất nước còn nghèo, khó khăn chồng chất mà cứ đua nhau tổ chức sự kiện như thế khác gì một cách đốt tiền để “mua một trận cười như không”! Mỗi năm hoạt động này cũng “nướng” mất mấy trăm tỉ đồng. Đó cũng là một tai họa!

--

Tổng số lượt xem trang