Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

Đời tư Mao Trạch Đông – Phần III. Chương 74


-

Chương 74
Tháng 8-1971 việc Mao nghi ngờ Lâm Bưu đã lên tới đỉnh điểm. Tạ Thanh Nhị phó giám đốc Uỷ ban cách mạng trong ban giám hiệu Đại học Thanh Hoa, báo cáo với Mao về một mạng lưới gián điệp bí mật, do Lâm Lập Quả – con trai Lâm Bưu – gây dựng và phát triển trong lực lượng không quân. Nhóm này gồm một vài đơn vị độc lập, mang bí danh “Phi đội liên hợp”, “Tiểu tổ Thượng Hải” và “Lữ đoàn thực thi chỉ thị”, hoạt động bí mật nhằm mục đích đoạt quyền lực và phế truất Mao. Thao Xương, chồng của Tạ Thanh Nhị, sĩ quan Bộ tư lệnh không quân, đề nghị Mao cẩn thận và tăng cường công việc giáo dục quân đội lòng trung thành với Chủ tịch.

Lâm Bưu đưa những người thân tín vào trung ương. Phần lớn những người ủng hộ Lâm Bưu nằm ở Bắc Kinh. Mao tin những người đứng đầu quân đội ở cấp quân khu và tỉnh vẫn trung thành như trước đây.

- Tôi không nghĩ các tư lệnh quân khu lại đứng về phe Lâm Bưu – Mao tâm sự với tôi – Quân đội giải phóng nhân dân không thể nổi lên chống lại tôi, đúng thế không? Nhưng nếu họ không muốn dưới sự lãnh đạo của tôi, tôi sẽ quay về Tĩnh Cương Sơn, lại bắt đầu cuộc chiến tranh du kích.
Ngày 14-8-1971 Mao quyết định tìm sự ủng hộ của tư lệnh các quân khu.
Đoàn tầu đặc biệt cùng ngày hôm ấy đưa chúng tôi đến miền nam, dừng ở Vũ Hán, Trường Sa, Nam Xương, Hàng Châu và Thượng Hải. Ông mở cuộc họp bí mật với lãnh đạo đảng, chính quyền địa phương và ban lãnh đạo tỉnh đội. Mao đưa ra lời kêu gọi chung tới tất cả các phe nhóm. “Tại hội nghị Lư Sơn một ai đó đã quá vội vã muốn trở thành Chủ tịch nước. Cá nhân này muốn chia rẽ và tiếm quyền lãnh đạo đảng. Khó khăn mâu thuẫn này đến nay vẫn chưa giải quyết xong”.
Khi tấn công, Mao không bao giờ nêu đích danh Lâm Bưu, nhưng người ta biết đối tượng bị buộc tội một cách chính xác. Ai cũng biết rõ Mao căm ghét mưu đồ của Lâm Bưu chiếm quyền lực. Mao trở nên cực kỳ đa nghi với sự sùng bái cá nhân mà Lâm Bưu đã quá sốt sắng tung hô. “Ai đó nói rằng, thiên tài trên thế giới vài trăm năm mới xuất hiện một lần, nhưng đất nước Trung Hoa vài ngàn năm bây giờ mới xuất hiện”. Mao mỉa mai. “Rõ ràng lời nói không đi với sự thật. Người ta nói ủng hộ, giúp đỡ tôi, nhưng trong nội tâm, người ta ủng hộ chính bản thân họ”. “Người ta” và “ai đó” Mao ám chỉ Lâm Bưu.
Mao cũng nghi ngờ Diệp Quần lạm quyền ỷ thế chồng. “Tôi chưa bao giờ ủng hộ ý tưởng đưa vợ thay quyền lãnh đạo của chồng” – Mao nói – “Nhưng Diêp Quần thay chồng lãnh đạo văn phòng. Ai muốn gặp Lâm Bưu phải qua sự đồng ý của Diệp Quần, kể cả Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Phú Tiên, Lý Châu Bình. Một cá nhân có trách nhiệm trong công việc phải tự đọc tài liệu, viết những ý kiến góp ý, phê phán tài liệu, không thể giao việc đó cho thư ký, cũng không được lệ thuộc vào thư ký. Đừng để thư ký lạm quyền”.
Trong lời Mao, người ta đã thấy yêu cầu khẩn cấp. Trong hoạt động của Lâm Bưu, Mao nhìn thấy một cuộc đấu tranh không đơn giản giành quyền lực, ở đây rõ ràng nhìn thấy âm mưu loại bỏ ông khỏi chức vụ lãnh đạo, chia rẽ đảng thành hai. Mao đổ trách nhiệm cho Lâm Bưu, nhưng ông vẫn muốn thoả hiệp, tin “chữa bệnh cứu người” hơn dùng sức mạnh, để đoàn kết trong đảng. Mao kêu gọi “Hãy cứu Lâm Bưu, hãy quên chuyện ai sai ai đúng. Việc chúng ta cần làm là đoàn kết nội bộ. Hiện tại không có điều gì tốt lành. Sau khi trở về Bắc Kinh, tôi sẽ tìm gặp Lâm Bưu và những người cùng phe, đề nghị trao đổi, góp ý thẳng thắn. Nếu họ không tìm, tôi sẽ trực tiếp tìm họ. Chúng ta có thể lôi kéo một số người trong bọn họ, nhưng không phải tất cả…”.

***

Chúng tôi về đến nhà ga đặc biệt ở quận Phượng Đài, Bắc Kinh đêm ngày 12-9-1971, tính ra chúng tôi vắng mặt ở thủ đô gần một tháng. Trước khi quay về Trung Nam Hải, Mao gặp các nhà lãnh đạo chính quyền và quân khu Bắc Kinh, một lần nữa nhắc lại chương trình của mình trong mối quan hệ với Lâm Bưu. Về tới Trung Nam Hải khoảng 8 giờ tối, Mao chẳng cần vội vàng cuộc gặp gỡ, trao đổi cũng chẳng có trở ngại nào với sự quay về của ông.
Tôi ở lại trong tư dinh Mao nơi có bể bơi, giúp phân loại các thứ thư từ, bưu kiện sau chuyến đi. Hơn 10 giờ đêm, Uông Đông Hưng nhận được cú điện thoại từ Bắc Đới Hà.
Người gọi là Trương Hồng, phó tư lệnh Sư đoàn Cận vệ trung ương. Ông ta vừa mới nhận được tin từ Lâm Linh Hằng, còn gọi Lâm Đậu Đậu – con gái Lâm Bưu – rằng Diệp Quần và Lâm Lập Quả bắt cóc Lâm Bưu và buộc ông bỏ trốn.

Tổng số lượt xem trang