Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Trung Quốc đã chi bao nhiêu trong 40 tỉ USD Con đường Tơ lụa xây đảo trái phép?

Bản đồ con đường tơ lụa trên biển (Ảnh do Quỹ Nghiên cứu biển Đông cung cấp)-Trung Quốc đã chi bao nhiêu trong 40 tỉ USD Con đường Tơ lụa xây đảo trái phép?

-(GDVN) - Muốn biết Trung Quốc làm gì có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình hay không, thiết nghĩ chúng ta không thể đứng ngoài để suy đoán...

LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài bình luận của ông về "sáng kiến" Con đường Tơ lụa thế kỷ 21 mà Trung Quốc đưa ra trong “Hội thảo quốc tế: Con đường Tơ lụa trên biển và quan hệ quốc tế ở Biển Đông: Hiện trạng và triển vọng” do Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội tổ chức ngày 26, 27/11 vừa qua. Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.


Việc Trung Quốc chủ động quảng bá “sáng kiến” Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 thông qua các Hội nghị, Hội thảo khu vực và quốc tế để công khai mục đích cũng như phương thức hợp tác, vận hành “Dự án tầm cỡ quốc tế” này là điều khiến dư luận hết sức quan tâm và có những ý kiến đánh giá khác nhau.

Việt Nam là đối tác được Trung Quốc "chào hàng" trực tiếp vì Việt Nam là một mắc xích không thể thiếu được của “chuỗi ngọc trai” này. Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 Trung Quốc đang quảng bá sẽ đi qua khu vực 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nơi mà Trung Quốc đã xâm chiếm hoàn toàn hoặc một phần bằng vũ lực, gây nên tình trạng trang chấp chủ quyền với Việt Nam.

Hiện nay họ đang tìm cách giành lấy sự công nhận trên thực tế những vùng biển, đảo trong Biển Đông mà họ đang có yêu sách hoặc đã đánh chiến một cách phi pháp. Vì vậy, hơn ai hết, Việt Nam cần quan tâm tìm hiểu kỹ ngọn ngành “sáng kiến” này.

Nếu Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 thuần túy là một dự án kinh tế, xây dựng và kết nối cơ sở hạ tầng khu vực cũng như quốc tế để cùng phát triển phồn vinh mà hoàn toàn không xuất phát từ những đông cơ chính trị, quân sự hay pháp lý có liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ thì có lẽ không có gì phải bàn luận, đó là điều hết sức đáng quý, đáng hoan nghênh và nên hợp tác.

Ngược lại, nếu đằng sau Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 là cả một sự tính toán chiến lược, sách lược nhằm giành sự công nhận mặc nhiên trên thực tế những gì Trung Quốc đã làm ở Biển Đông thì chúng ta cần hết sức cảnh giác.

Nhận thức và đánh giá của các quốc gia trong khu vực và quốc tế về “sáng kiến” Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 của Trung Quốc còn nhiều khác biệt

“Hội thảo quốc tế: Con đường Tơ lụa trên biển và quan hệ quốc tế ở Biển Đông: Hiện trạng và triển vọng” do Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội tổ chức ngày 26, 27/11. Ảnh: VTV.



Theo thống kê của báo The Nation Thái Lan ngày 30/11, tại thời điểm này chỉ có Malaysia là đã chính thức ký kết một bản ghi nhớ với Trung Quốc ở cấp thượng đỉnh. Indonesia, Thái Lan và Lào đã đồng ý để Trung Quốc xây dựng mạng lưới đường sắt khác nhau của họ. Và trên thực tế, Campuchia đã lên tiếng ủng hộ Con đường Tơ lụa mà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra.

The Nation nhận xét, là một tổ chức hợp tác khu vực, nhưng cho đến nay ASEAN vẫn chưa đáp ứng một cách chi tiết về "sáng kiến" này. Mặt bằng tổng thể của kết nối ASEAN và các sáng kiến của Trung Quốc có các khu vực chồng chéo cần làm rõ hơn nữa từ cả hai phía.

Trong Hội thảo nói trên, một học giả đến từ Ấn Độ - Tiến sĩ Vijay Sakhuja, thuộc Quỹ Hàng hải quốc gia nhận xét, có lẽ Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 mà ông Tập Cận Bình đưa ra không phải một "sáng kiến", bởi Con đường Tơ lụa hay Con đường Tơ lụa trên biển đã có từ thời cổ đại chứ không phải bây giờ mới có.

Chung nhận định này và thêm một mối lo ngại khác về Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh, chuyên gia về UNESCO đã phát biểu trên Tuần Việt Nam rằng, Trung Quốc đang mở một chiến dịch vận động ủng hộ, tham gia "sáng kiến" Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 của họ để giành sự công nhận trên thực tế yêu sách chủ quyền vô lý ở Biển Đông thông qua UNESCO.

Trung Quốc đã giải ngân bao nhiêu trong số 40 tỉ USD quỹ Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 cho việc đào lấp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông?

Là quốc gia lấy yêu sách đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông như là một chiến lược để thực hiện "giấc mơ Trung Hoa", Trung Quốc đang bị dư luận khu vực và quốc tế lên án gay gắt. Chiến lược đầy tham vọng đó và việc “Trung Quốc hóa” luật pháp quốc tế, tức giải thích luật pháp quốc tế theo kiểu Trung Quốc khiến dư luận đặc biệt lo ngại.

Bởi thực chất đây là sự bóp méo luật pháp quốc tế bằng cách tự chế ra các khái niệm không có trong công pháp quốc tế, như khái niệm mập mờ về các gọi là "quyền lịch sử", để lập luận rằng yêu sách vô lý của Trung Quốc không chịu sự điều chỉnh của luật pháp quốc tế.

"Sáng kiến" Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 được ông Tập Cận Bình đưa ra từ tháng 9/2013, nhưng về mục đích, động cơ, nội hàm cho đến cách vận hành và phương thức hợp tác của nó vẫn còn chưa được sáng tỏ, khiến các quốc gia nghi ngại, thậm chí còn không mấy mặn mà.

Gần đây, sau khi hoàn tất về cơ bản các hoạt động bồi lấp, quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), để đối phó trước những quan ngại và phản đối mạnh mẽ của các quốc gia trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là những phản ứng bằng những hoạt động trên thức tế của Mỹ, Trung Quốc lại ra sức quảng bá Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 mong dư luận tạm quên những gì đang diễn ra nóng bỏng trên Biển Đông.

Liệu Trung Quốc đã giải ngân bao nhiêu trong số 40 tỉ USD quỹ Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 vào việc xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam? Ảnh: Bãi đá Chữ Thập bị bồi lấp thành đảo nhân tạo và căn cứ quân sự.


Nhưng dù đem 40 tỉ USD ra chào hàng, Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 không vì thế mà thu hút được sự đồng tình, ủng hộ của tất cả các quốc gia liên quan.

Trong thực tế vẫn còn nhiều câu hỏi đước đặt ra mà chưa được làm sáng tỏ, nếu không muốn nói là không thể trả lời được. Một trong số các câu hỏi khó trả lời đó là: Liệu Trung Quốc đã ứng trước bao nhiêu trong số 40 tỉ USD của quỹ Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 để dùng cho việc bồi lấp, biến 7 thực thể địa lý hầu hết là những bãi cạn lúc nổi lúc chìm thành các đảo nhân tạo và đầu tư xây dựng ở trên đó các căn cứ quân sự cực lớn?

Phải chăng “sáng kiến” Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 là “Hồ sơ hoàn công” mà Trung Quốc muốn có được sự chứng thực của các Tổ chức quốc tế, của các quốc gia liên quan khi đồng ý tham gia vào dự án này?

Việt Nam nên ứng xử ra sao?

Cũng như nhiều quốc gia ASEAN khác, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến hòa bình, ổn định, an ninh và luật pháp quốc tế trên Biển Đông, đồng thời cũng rất mong muốn thúc đẩy hợp tác phát triển với các nước, trong đó có Trung Quốc.

Với “sáng kiến” Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 mà Trung Quốc đưa ra, cá nhân tôi cho rằng chúng ta nên đề nghị phía Trung Quốc cần làm rõ nội hàm, phạm vi, cách thức vận hành của Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21, nhất là những giải pháp xử lý hợp pháp và có ý nghĩa thực tiễn, không xâm phạm đến các quyền và lợi ích chính đáng của các đối tác, khi Con đường Tơ lụa này đi qua các khu vực tranh chấp, nhạy cảm.

Tiến sĩ Tiết Lực từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc khi trả lời chất vấn của các học giả trong Hội thảo nói trên cũng đã ghi nhận và cho rằng, Trung Quốc cần phải tiếp tục làm rõ, thời gian có thể lên tới cả chục năm.

Như vậy, Việt Nam cần nghiên cứu kỹ lưỡng “sáng kiến” này và nếu tham gia thì phải hết sức thận trọng, tính toán đến tất cả các tình huống để có những bảo lưu cần thiết về mặt chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như quyền và lợi ích hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Tôi cho rằng, trên một tinh thần thực sự cầu thị, thực hiện nghiêm túc phương châm “vừa hợp tác vừa đấu tranh” trong quan hệ với các nước có liên quan trong Biển Đông, đặc biệt là với Trung Quốc, khi tiếp cận vấn đề này, nên chăng chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu và đề nghị Trung Quốc cung cấp thêm thông tin để hiểu rõ hơn về bản chất của Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21.

Muốn biết Trung Quốc làm gì có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình hay không, thiết nghĩ chúng ta không thể đứng ngoài để suy đoán chủ quan mà cần phải nói như các cụ ngày trước: muốn bắt được cọp thì phải xông thẳng vào hang!

-







-Trung Quốc lại giở trò hiểm
14/07/2014 23:01


Bằng việc đăng ký “Con đường tơ lụa trên biển” lên UNESCO, Trung Quốc hòng giành sự công nhận của quốc tế đối với chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa

Ngày 14-7, tờ tin tức Want China Times của Đài Loan đưa tin Trung Quốc đang cố gắng đăng ký “Con đường tơ lụa trên biển” lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) yêu cầu công nhận “di sản cổ vật Hoàng Sa” thuộc quốc gia này. ThS Hoàng Việt - giảng viên Trường ĐH Luật TP HCM, thành viên Quỹ Nghiên cứu biển Đông - nhận định hành động này của Trung Quốc “cực kỳ nguy hiểm”, thể hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông đã ấp ủ từ lâu.


Mưu đồ thâm độc


Trên các phương tiện thông tin đại chúng, Giám đốc Sở Di ảnh Văn hóa tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) Vương Nhất Bình cho biết trong 2 năm tới, Trung Quốc sẽ khai quật những mảnh tàu vỡ xung quanh đảo Hoàng Sa và đảo Quang Ảnh thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ông này khẳng định có chứng cứ cho thấy các vật liệu xây dựng bằng đá và đồ chạm khắc được phát hiện trong khu vực này có từ triều nhà Thanh (1644-1911). Ông Vương còn khẳng định dân di cư Trung Quốc đã đến khu vực này, xây dựng đền thờ và nhà truyền thống của họ khắp các điểm đến ở Đông Nam Á.





Bản đồ con đường tơ lụa trên biển (Ảnh do Quỹ Nghiên cứu biển Đông cung cấp)


Con đường tơ lụa trên biển chạy dọc nhiều quốc gia, trong đó có vùng biển Đông và có lịch sử giao thương từ hơn 2.000 năm. Tháng 10-2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên tiếng muốn phục hồi con đường tơ lụa trên biển này nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế của Trung Quốc.


Trường Sa và Hoàng Sa đều thuộc chủ quyền của Việt Nam. Vì thế, hành động yêu cầu chứng nhận “di sản cổ vật” trên 2 quần đảo này là hành động thách thức của Trung Quốc với Việt Nam nói riêng và các quốc gia khác có chủ quyền ở biển Đông nói chung.


Theo ThS Hoàng Việt, để được quốc tế công nhận về chủ quyền trên toàn bộ biển Đông, Trung Quốc không những bất chấp luật pháp quốc tế, các chứng cứ lịch sử mà còn không từ thủ đoạn, cách thức nào, từ việc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đến phát hành bản đồ “đường lưỡi bò” 10 đoạn mới; in đường lưỡi bò vào hộ chiếu; gia tăng các hoạt động cải tạo các bãi ngầm thành đảo nhân tạo nhằm thay đổi nguyên trạng trên biển Đông và hành động mới này để độc chiếm biển Đông. Đây là một chuỗi hành động có mưu đồ sâu xa từ hàng chục năm.


“Bằng những việc làm tưởng như bình thường, Trung Quốc thể hiện bản chất xấu xa, mang tính chiến lược rõ ràng, phối hợp nhịp nhàng liên kết từ các sự việc đến từng cơ quan nhằm tạo cơ sở tuyên truyền cho việc làm sai trái của mình hòng nhận được sự công nhận của quốc tế” - ông Hoàng Việt khẳng định.


Trái luật pháp quốc tế



Từ đầu năm nay, “thành phố Tam Sa” mà Trung Quốc lập trái phép từ năm 2012 ở đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) đã đưa ra các chương trình bảo tồn trên đảo Hữu Nhật và đảo Đá Bắc.


Quan chức Hải Nam Vương Nhất Bình được dẫn lời cho biết Trung Quốc thường xuyên có các hoạt động thăm dò khảo cổ xung quanh quần đảo Hoàng Sa và kéo dài đến cả quần đảo Trường Sa.


Ông Vương khẳng định Cơ quan Di sản Văn hóa Trung Quốc đã xác định 136 địa điểm dưới lòng biển Đông kể từ khi họ triển khai sáng kiến bảo vệ năm 1990 và nhiều địa điểm nằm trong danh sách bảo vệ quốc gia của Trung Quốc. Trung Quốc đang có kế hoạch thành lập một trạm khảo cổ quốc gia dưới nước, một trạm làm việc và một bảo tàng liên quan đến biển Đông nhằm bảo vệ “Con đường tơ lụa trên biển” và thêm khu vực này vào danh sách Di sản thế giới UNESCO.


TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ, nói khu vực Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam là những bãi đá ngầm nên tàu thuyền của nhiều quốc gia đi qua đây thường bị đắm. Về phương diện pháp lý, việc Trung Quốc khai thác cổ vật ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế, qua đó hàm chứa mưu đồ hòng biến của cải của Việt Nam thành của mình. Đây là sự vi phạm hết sức trắng trợn, tiếp theo hành động dùng vũ lực đánh chiếm biển Đông.


Cũng theo ông Trục, Trung Quốc muốn lợi dụng việc này đưa lên Liên Hiệp Quốc để mong thừa nhận là di sản văn hóa, ẩn chứa âm mưu nham hiểm nhằm giành lấy sự công nhận của quốc tế đối với chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa; rêu rao là họ có chủ quyền đối với các cổ vật mà họ cho rằng là cổ vật của người Trung Quốc thời xưa. Nực cười là Trung Quốc muốn cho thế giới thấy họ đã có mặt ở vùng biển này từ lâu nhưng ngay cả các cổ vật này lại chưa được chứng minh là thật hay giả, có từ niên đại nào...!
Các nước sẽ phản đối mạnh mẽ
Trước hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, ông Hoàng Việt khẳng định nếu Trung Quốc đệ đơn lên UNESCO thì sẽ tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ đến từ tất cả các quốc gia cùng chia sẻ vùng biển Đông. Các quốc gia nhất định không chịu để yên cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm.

Bích Diệp
-

Tổng số lượt xem trang